This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 128
uân Úc tuẫn tiết vì Đại Hán
Bày binh ở Nhu Tu
Tháng giêng năm Kiến An thứ mười tám (năm 213 sau Công nguyên), trọng trấn ở Trường Giang là Nhu Tu xảy ra một trận huyết chiến dữ dội, hai quân Tào, Tôn đã kịch chiến cả một buổi sáng. Dưới thế tấn công mạnh mẽ của quân Tào, đại doanh Giang Bắc của Tôn Quyền lâm vào thế vô cùng nguy ngập.
Trấn thủ đại doanh Giang Bắc là tiểu tướng Đông Ngô Công Tôn Dương, năm năm trước ông ta từng phò giúp Chu Du trong trận Xích Bích, tận mắt chứng kiến thảm bại của Tào quân. Ông ta vốn tưởng rằng Tào Tháo đã bị đánh gục không thể gượng dậy nổi, lại vừa mới kết thúc chiến sự ở Quan Trung, ắt hẳn tướng soái mệt mỏi, quân sĩ trì đốn, thế nên khi Tôn Quyền hỏi ai dám vượt lên phía bắc đóng doanh, ông ta tự cho mình vũ dũng, đứng ra nhận lấy nhiệm vụ gian khó này. Từ khi nhận lệnh đến nay, Công Tôn Dương đã hết sức tận tụy, ông ta không chỉ dựng được một tòa đại doanh ở Giang Bắc mà còn chiêu mộ được rất nhiều đồn dân về Giang Đông. Nhưng khi quân địch thế như hùm beo ào ào lao về phía doanh trại của mình, ông ta mới bừng tình: Tào Tháo đã thực sự thoát ra khỏi ám ảnh chiến bại năm xưa!
Mưa tên như đàn ong từ bốn phương tám hướng ào ào trút xuống doanh trại, tất cả quân tướng đều bị bắn thủng lỗ chỗ, dưới thì binh sĩ, trên thì Công Tôn Dương cũng bị trúng tên, ai nấy khắp người máu me bê bết, nhưng vẫn cố gắng gượng chịu đau để lao ra kháng cự. Dưới sự tấn công của trường thương đại kích, những chòi tên bên ngoài tường trại đều đã bị kéo đổ, các tướng sĩ đành phải dùng thân mình làm tường ngăn quân Tào. Nhưng cho dù khảng khái liều chết cũng không ích gì, Nhạc Tiến từ phía đông, Trương Liêu từ đằng tây, Tang Bá từ phía nam, Lý Điển ở hướng bắc, bốn cánh quân ào ào như sóng lao vào doanh trại, há có thủ thế được? Hy vọng duy nhất là viện quân ở phía bờ nam, nhưng trung quân của Tào Tháo đã khóa chặt phía bờ sông như thành sắt tường đồng, chiến thuyền Đông Ngô hoàn toàn không thể cập bờ.
Công Tôn Dương múa đao liều mình chém giết dưới mưa tên, lúc thì lao về bên trái cổ vũ tướng sĩ, lúc thì chạy sang bên phải chỉ huy bố phòng, khôi giáp đã cắm lỗ chỗ hơn mười mũi tên. Công Tôn Dương có thể gắng gượng được, nhưng chiến mã không thể chịu nổi, ông ta chỉ thấy dây cương ngày càng khó ghìm, cuối cùng khi tay vừa lơi ra thì cả thân hình đổ ập xuống đất; chiến mã bị trúng tên đau quá nhảy dựng lên, đạp chết hai binh sĩ rồi chạy thẳng ra ngoài cửa trại, bị quân Tào đâm chết tại trận. Công Tôn Dương lồm cồm bò ra từ đống tử thi, cuống cuồng nhìn quanh doanh trại tan nát - Kẻ chết còn nhiều hơn người sống, nhưng kẻ còn sống cũng chỉ còn lại nửa cái mạng, thân cô thế cô quần nhau với địch, viện binh thì không thể tới. Hết rồi, hết thật rồi!
Ông ta cắn răng tuốt bội kiếm ra khỏi vỏ:
— Kẻ nào không sợ chết mau theo ta phá vòng vây!
Thét xong bèn xông về phía trận tuyến của Tào quân, tuyệt đại đa số tướng sĩ hoặc đã chết, hoặc bị thương, chỉ còn lại vài trăm người cùng ông ta lao ra liều mạng. Tang Bá nhìn thấy thời cơ, bội kiếm trong tay khua một cái, hơn ngàn quân Tào tay cầm trường mâu nhất tề lao đến, Công Tôn Dương hết đâm trái lại chém phải, bỗng cảm thấy đau đớn khôn cùng - Cánh tay phải đang cầm bội kiếm đã bị quân Tào chặt bay. Máu tươi phun ra như suối, ông ta thảm thiết kêu lên, lại bị đâm thêm một thương vào đùi, rồi cả người đổ vật xuống vũng máu. Đám sĩ tốt Giang Đông lúc này ai nấy đều máu me bê bết, thân xác tàn tạ, thấy tướng quân chết rồi đều liều mạng đến cùng, biết rõ chỉ còn đường chết nhưng vẫn xông về phía Tào quân...
Trận chiến đã gần kết thúc, đại doanh Giang Bắc bị xóa sổ, toàn bộ binh mã của Công Tôn Dương bị tiêu diệt. Tướng sĩ quân Tào nhất tề hoan hô, nhưng Tào Tháo chỉ chậm rãi nhìn những thây xác la liệt trên mặt đất, gương mặt không nở một nụ cười. Có kẻ trói gô Công Tôn Dương đem đến trước mặt ông, gã tiểu tướng chỉ còn lại một tay này ngay cả tự vẫn cũng chẳng thể làm nổi, khuôn mặt trắng nhợt vì mất máu quá nhiều, vẫn cố nén đau run rẩy đứng đó nhất quyết không quỳ:
— Lão tặc chớ nên đắc ý, chúa công nhà ta sớm muộn sẽ lấy cái đầu chó của ngươi! Trượng phu Giang Đông thà đứng chết còn hơn quỳ sống!
Tào Tháo xua xua tay:
— Kẻ sĩ thà chết cũng không chịu nhục, sống mà tàn phế thế này cũng chẳng khác gì giày vò, mau giúp hắn đi.
Hứa Chử giơ ngọn thiết mâu đâm một nhát vào bụng ông ta, Công Tôn Dương đổ gục xuống đất, lúc sắp tắt thở miệng vẫn lầm bẩm:
— Thề giết... Tào... tặc...
— Mau xem kia! Chiến thuyền lớn quá!
Đám sĩ tốt bỗng nhiên nhao nhao cả lên. Tào Tháo ngước mắt về phía sông, trông thấy một chiếc thuyền lầu đang bơi đến. Chiếc thuyền lầu lớn nhất mà quân Tào nhìn thấy là chiến thuyền Tào Tháo tọa trấn trong trận Xích Bích, cao ba tầng, có thể chứa sáu bảy trăm người. Nhưng chiếc thuyền này lại có những năm tầng, từ xa nom tựa như một quả núi đang di chuyển trên sông, mạn trước thuyền cắm chiến kỳ của thủy quân Giang Đông. Còn ở phía sau có vô số chiến hạm, thuyền nhẹ đang lầm lũi tiến đến, giao tương hô ứng với đại trại kéo dài tới hơn mười dặm ở bờ đối diện. Tuy Chu Du đã không còn nữa, nhưng tiềm lực của Giang Đông không vì thế mà đình đốn, nâng cấp chiến hạm, mở rộng quân đội, lương thảo đầy đủ, tướng sĩ thiện chiến. Tào Tháo ý thức được rằng lần nam chinh này vẫn phải đối diện với một cuộc khổ chiến.
Đây là lần nam chinh thứ hai của Tào Tháo, nhưng mới là lần giao tranh trực tiếp đầu tiên giữa ông và Tôn Quyền. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến này, Tào Tháo dường như đã điều động toàn bộ binh mã của trung quân và binh mã bố phòng mặt đông nam, tổng cộng hơn mười vạn, bày trận ở mạn bắc Nhu Tu, thậm chí còn chinh điều cả thủy quân đang bí mật huấn luyện trên biển đến để trợ trận. Phía Giang Đông thì càng không dám chậm trễ, Tôn Quyền tự mình thống soái các cánh quân của Tôn Du, Trần Vũ, Đổng Tập, Lã Mông, Chu Thái, Cam Ninh, Từ Thịnh, Chu Nhiên, binh mã thủy bộ tổng cộng có bảy vạn, bố phòng bờ nam sông Trường Giang. Hai nhà Tôn, Tào ở đối trận cách con sông, đại chiến chẳng mấy chốc sẽ bùng nổ...
Đánh nhau nửa ngày rồi lại cắm trại nửa ngày, đến khi mọi việc được sắp xếp thỏa đáng thì màu trời đã tối thẫm. Tướng sĩ Tào quân mệt nhọc cả ngày, ăn cơm xong liền ngả đầu chìm vào giấc ngủ, chỉ còn vài ngàn binh sĩ tuần tra vẫn cầm đuốc đi đi lại lại chỗ bờ sông để cảnh giới. Ngũ quan trung lang tướng Tào Phi vẫn chẳng thể yên giấc, trên tay cầm một bài thơ tuyệt cú thở than không ngớt:
Thanh xuân không trở lại,
Phú quý nào lần hai.
Thời tốt vụt qua mau,
Thân hóa bụi trần ai.
Hoàng tuyền cõi u minh,
Dạ đài đằng đẵng dài.
Khí lực đều đã tận,
Thần hồn không còn mãi.
Đồ nhắm bày la liệt,
Rượu ngon rót đầy bôi.
Đoái trông miền cố hương,
Chỉ thấy ngọn cỏ gai.(*)
Nguyễn Vũ đã chết, dù vẫn hoàn thành bản hịch văn mà Tào Tháo căn dặn, nhưng do ngày đêm sợ hãi, tâm lực cạn kiệt, lăn lộn dằn vặt mấy tháng trời cuối cùng phải chết thảm trong quân. Một bậc tài tử qua đời, trước lúc lâm chung chỉ lưu lại bài thơ tuyệt mệnh với nỗi thê lương vô hạn. “Thanh xuân không trở lại, Phú quý nào lần hai. Thời tốt vụt qua mau, Thân hóa bụi trần ai.” Một đời người nói nhanh thì cũng nhanh, tuổi thanh xuân hừng hực khí thế chớp mắt đã trôi qua. Bằng hữu thân cận đã mất, bè phái thì ly tán, địa vị của Ngũ quan trung lang tướng lung lay dữ dội, gã nam nhân hai mươi bảy tuổi này phải chịu cuộn mình an phận dưới đôi cánh của phụ thân, làm một người con ngoan ngoãn, quy củ. Ngô chất khuyên y làm một người con hiếu thuận, nhưng làm một người con hiếu thuận với Tào Tháo há lại là chuyện dễ dàng? Con đường sau này rốt cuộc phải bước đi ra sao? Bè lũ của Tào Thực như Đinh Nghi, Dương Tu sẽ tính sổ với y thế nào đây? Nghĩ đến chuyện đó, Tào Phi sao có thể ngủ được, chỉ biết ngẩng đầu nhìn trăng, cầu xin ông trời thương xót...
Kỳ thực trong đêm nay, Tào Phi không phải là người duy nhất trằn trọc, ưu tư. Tào Tháo cũng đang bồn chồn tựa bên giường, ông lặng lẽ nhìn theo những ánh đuốc u ám, đôi mắt mở to chẳng hề có ý buồn ngủ. Hòa Hiệp, Đỗ Tập, Vương Xán ba người đứng hầu một bên, bọn họ đã báo cáo xong những sự vụ cần nói, nhưng Thừa tướng dường như chưa có ý để bọn họ lui ra. Trời càng lúc càng về khuya, bọn họ cũng đã vất vả cả ngày, tuy sắp không chịu nổi nhưng chẳng ai dám mở miệng xin lui về nghỉ ngơi.
— Ta thấy thật phiền muộn. - Tào Tháo nói giọng thâm trầm, - Ông vốn định chiêu gọi Tuân Lệnh quân đến trung quân để xử lý việc quân vụ, nào ngờ mới được nửa đường ông ấy đã đổ bệnh, đành phải nghỉ ngơi ở huyện Hứa, đã vài tháng rồi, cũng không biết bệnh tình giờ ra sao.
Hòa Hiệp thầm cảm thấy kỳ lạ - Chuyện này nội trong tối nay Thừa tướng đã nhắc đi nhắc lại những mấy lần rồi.
Vương Xán cười nói:
— Thừa tướng mong ngóng lệnh quân, toàn quân trên dưới không ai không biết, nhưng người có phúc có họa, tam tai tiểu bệnh không thể tránh được, tại hạ nghĩ lệnh quân cũng sẽ mau khỏi thôi. Đã không còn sớm nữa, ngài hãy sớm nghỉ ngơi đi.
— Được. - Tào Tháo đáp lại một câu, đoạn khe khẽ nhắm mắt, nhưng lại choàng mở ra, dường như nhìn thấy thứ gì đó đáng sợ, lẩm bẩm thốt lên, - Khoan đã!
Bọn Hòa Hiệp đã lui ra đến cửa trướng, nghe vậy liền vội dừng bước:
— Thừa tướng có gì dặn dò?
Tào Tháo ngồi phắt dậy, nhíu mày nhìn chằm chằm từng người, chậm rãi nói:
— Lão phu thực sự khó mà ngủ được. Tử Tự, ngươi có thể lưu lại trò chuyện với lão phu chăng?
Đỗ Tập sững người, nào dám từ chối:
— Thưa, vâng.
Hai người kia không bị bắt ở lại bèn thi lễ rời đi. Hòa Hiệp không nói gì, nhưng Vương Xán lại cảm thấy hơi chua chát - Những năm gần đây ông ta cùng với Hòa Hiệp, Đỗ Tập, Dương Tu rất được Tào Tháo sủng tín, bất luận là việc giải trí thường nhật hay xuất binh đánh trận, Tào Tháo lúc nào cũng dẫn theo ông ta, tuy không thể sánh với Quách Gia năm xưa nhưng trong số những kẻ được sủng tín ở mạc phủ, cũng có thể coi là không ai sánh bằng. Đêm nay Tào Tháo lại chỉ muốn trò chuyện với riêng Đỗ Tập, khiến ông ta suy nghĩ: Phải chăng chúa công đã tín nhiệm Đỗ Tập hơn mình?
Vương Xán đưa mắt liếc nhìn Hòa Hiệp, thấy khuôn mặt xấu xí của ông ta dài thườn thượt, cũng không đoán được đang nghĩ gì, bất giác hỏi:
— Huynh nghĩ Thừa tướng nói chuyện gì với Tử Tự?
— Cũng không rõ, chuyện trong thiên hạ nào ai có thể biết hết kia chứ? - Khuôn mặt Hòa Hiệp khẽ động đậy, tựa như đang cười, - Huynh đang đố kỵ phải không? Huynh được tín sủng đủ rồi, lẽ nào muốn kiêm nhiệm việc của tất cả mọi người?
Vương Xán bị nói trúng tim đen, nói giọng ngần ngại:
— Ta không hề có ý đó, chỉ là không rõ Thừa tướng rốt cuộc sầu muộn về việc gì.
— Có lẽ là sợ gặp ác mộng thôi.
— Sợ gặp ác mộng thì phải gọi huynh ở lại chứ, huynh mới có sát khí nhất.
Hòa Hiệp biết ông ta đang giễu cợt tướng mạo xấu xí của mình, chỉ khẽ cười nhạt mà không đáp lời, đoạn âm thầm nghĩ ngợi: Sao ta thấy mọi việc có gì đó kỳ lạ, Tuân Lệnh quân thực sự đổ bệnh sao?
Kỳ thực, không chỉ Vương Xán bất ngờ mà ngay cả Đỗ Tập cũng cảm thấy kỳ quặc. Luận về trí uyên bác ông ta không bằng Vương Xán, luận về sự thông minh ông ta không bằng Hòa Hiệp, tại sao Tào Tháo lại chỉ gọi ông ta ở lại? Bọn họ đều đi cả, Đỗ Tập nhìn khuôn mặt u sầu của Tào Tháo, đứng cũng không được ngồi cũng chẳng xong, định khuyên vài câu nhưng cũng không biết nên mở miệng ra sao, đành chắp tay đứng ngay chỗ cũ - Đỗ Tập không hề biết rằng, sở dĩ Tào Tháo bảo ông ta ở lại chính là vì tâm cơ của ông ta nông cạn nhất.
Tào Tháo nhìn chằm chằm vào ánh đuốc u ám, trầm mặc hồi lâu, bỗng nhiên mở lời:
— Tử Tự, ngồi xuống đi. Nói gì cũng được, lão phu muốn nghe ngươi kể về trận chiến ở huyện Ngạc năm xưa, bằng cách nào ngươi chỉ dùng một tòa thành nhỏ mà chống cự được với đại quân của Lưu Biểu.
Nghe Tào Tháo nhắc đến chuyện này, Đỗ Tập bất giác cảm thấy đắc ý - Năm xưa ông ta về dưới trướng Tào Tháo nhưng chưa được trọng dụng, chỉ nhận chức Huyện lệnh ở huyện Ngạc, Nam Dương, nhưng chính trận đánh đó đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Tào Tháo đối với ông ta. Đó là năm Kiến An thứ sáu, Lưu Biểu nhân lúc hai nhà Viên, Tào giao chiến ở Thương Đình liền đem quân xâm phạm Nam Dương, hơn một vạn binh mã dưới trướng bao vây phía tây huyện Ngạc. Sự tình xảy ra quá đột ngột, không kịp phòng bị, khi đó bách tính tản mạn khắp vùng điền dã, số người còn lại trong thành chỉ hơn một ngàn, quân chính quy chỉ có hơn năm mươi người, quân khí phòng bị hầu như chẳng có. Nhưng Đỗ Tập vốn tính cương nghị, thà chết không lùi, tự mình lên thành mang theo hơn năm mươi người liều chết chống cự, đánh lui vài lần tiến công của quân Kinh Châu, cố thủ được chừng nửa tháng, cuối cùng do lực lượng chênh lệch quá lớn nên để mất thành trì. Ông ta lại dẫn hơn năm mươi người đột phá vòng vây, dọc đường chết ba mươi người, bị thương mười tám người nhưng vẫn giết được vài trăm lính Kinh Châu. Sau trận ấy, trong thiên hạ không ai không biết đến đại danh của Đỗ Tập, ông ta cũng nhanh chóng được đề bạt làm Nghị lang, Quân sư tế tửu.
Đỗ Tập tuy đắc ý nhưng cũng không tiện mở miệng khoe khoang, chỉ kể lại qua loa những trải nghiệm trong trận chiến năm ấy. Tào Tháo nghe xong bèn lắc đầu:
— Nói thì dễ, làm mới khó, năm mươi người kháng cự lại cả vạn người, hung hiểm biết mấy? Hồi đó ngươi không sợ sao?
— Địch nhiều ta ít, há có thể không sợ? - Đỗ Tập nói vẻ thẳng thắn, - Nhưng vào thời khắc sinh tử, sợ hãi phỏng có ích gì? Khi huyện Ngạc bị vây, Công tào quận Nam Dương là Bách Hiếu Trường cũng ở trong thành, ông ta nói với tại hạ một câu, tại hạ cả đời này sẽ không quên.
— Ông ta nói gì.
— Bách Hiếu Trường phụng mệnh quận tướng đi tuần sát các huyện, khi đến huyện Ngạc thì vừa hay bị kẻ địch vây thành. Ông ta là một thư sinh yếu đuối, nghe nói quân Kinh Châu có cả vạn người, sợ hãi đến nỗi trốn trong dịch quán, lấy chăn trùm đầu, run như cầy sấy. Nhưng đến ngày thứ hai, kẻ địch vẫn chưa công phá được, ông ta dần dần bỏ chăn, mò ra trước cửa nghe ngóng động tĩnh. Ngày thứ ba, kẻ địch vẫn chưa đánh vào được, ông ta liền mở hẳn cửa phòng lắng nghe tin tức. Thế là qua hai ngày, cái gan của Bách Hiếu Trường càng ngày càng lớn, cuối cùng còn cầm đao xông lên thành lầu, kề vai sát cánh cùng tại hạ!
Tào Tháo nãy giờ nhíu mày, nghe đến đây chợt nở nụ cười:
— Rốt cuộc, quan do ta chọn cũng có thể coi là đại trượng phu.
— Không sai. Sau này mất thành, Bách Hiếu Trường là người đầu tiên phá vòng vây dũng cảm giết địch, không may trúng tên hy sinh. - Nói đến đây Đỗ Tập chợt động lòng, giọng nói nghẹn ngào, - Lúc lâm chung, ông ta nói với tại hạ: Dũng khả tập dã!(*)
— Dũng khả tập dã... - Tào Tháo bất giác lặp lại câu nói.
— Không sai. Từ cổ chí kim, kẻ lập nên nghiệp bá không ai không rèn cái dũng của mình. Sáu nước tranh hùng thiên hạ, Tần Doanh Chính không phải thiên sinh đã có tài thần thánh, nếu không rèn luyện dũng khí thì sao có thể tự gọi là Tổ Long? Tây Sở Hạng Tịch lấp núi vá trời, Cao Tổ vốn không giỏi việc đánh trận, nếu không rèn luyện dũng khí há dám đối chọi với y? Trận Côn Dương, quân Vương Mãng tới cả trăm vạn, Quang Vũ Đế chỉ là một viên Chấp kim ngô, nếu không rèn luyện dũng khí sao có thể dám dùng ngàn kỵ binh phá vòng vây mà đánh? Cây lớn một vòng ôm, sinh ra từ mảy hạt. Đài cao chín tầng dựng lên từ một sọt đất. Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Kẻ làm nên đại nghiệp ai cũng phải trui rèn lòng dũng cảm, ai cũng dám vì thiên hạ trước tiên! - Đỗ Tập nói đến đây bỗng đổi chủ đề, - Cũng giống như dòng Trường Giang cuồn cuộn trước mắt, từ cổ chí kim không có người nào trong thiên hạ đánh trận ở đây, nhưng Thừa tướng ngài đã hai lần nam chinh, một khi đắc thắng ắt sẽ lưu danh trong sử xanh! Một trận đánh như vậy, nếu không được gọi là đại dũng thì phải gọi bằng gì?
Suy nghĩ của Đỗ Tập rõ ràng vẫn dừng lại ở trận chiến trước mắt, ông ta tưởng rằng nỗi lo lắng của Tào Tháo bắt nguồn từ ám ảnh của lần đại bại Xích Bích năm xưa, tưởng rằng Thừa tướng nghe thấy câu này sẽ chuyển nộ thành vui. Nào ngờ, ánh mắt Tào Tháo lại càng ảm đạm:
— Có một số việc không phải chỉ dựa vào dũng khí là có thể giải quyết được. Thủy quân của Tôn Quyền không đáng sợ, điều dáng sợ là những kẻ địch mà ta không nhìn thấy.
— Những kẻ địch mà ta không nhìn thấy? - Đỗ Tập mù mờ không hiểu.
Tào Tháo chậm rãi đứng lên:
— Năm mươi người chống lại vạn người ít ra còn có thể đánh được, điều đáng sợ là lão phu phải dùng sức một mình để đối chọi lại với cả thiên hạ.
Ông bỏ lại một câu không đầu không cuối, lẳng lặng bước ra ngoài cửa trướng, vén rèm nhìn lên bầu trời đêm.
Mùa đông lạnh giá đã dần trôi qua, một mùa xuân mới lại đến. Đêm nay tiết trời thanh lãng, ấm áp, vầng trăng non treo trên góc trời, rải thứ ánh sáng màu vàng nhạt ra khắp nhân gian; nhưng tâm trạng Tào Tháo dường như bị ngàn dặm mây đen che kín...
Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, việc thắng bại trên chiến trường có thể nghĩ cách để nắm lấy, nhưng vận người khó có thể dự báo. Mới ngày nào ông còn là một người trẻ tuổi ôm đầy chí lớn, muốn tận tâm tận lực vì thiên hạ đại Hán này, tự tay tạo dựng nên Hứa Đô, khai khởi huyền cơ phục hưng Hán thất. Nhưng sau này ông lại bắt đầu sợ đại Hán trung hưng, sợ sau khi trả lại quyền bính cho thiên tử, bản thân sẽ phải chịu lưỡi đao thanh toán, biết bao nhiêu đêm chỉ cần nhằm mắt lại là ông lại nghĩ đến vụ chiếu thư trong đai ngọc, nhớ đến câu “giết tên nghịch thần này”, phía cuối chữ “này” dường như vẫn đang nhỏ máu. Nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào, nỗi sợ hãi đó dần hóa thành dục vọng, ông lại muốn biến thiên hạ này thành của mình. Tâm tính của con người quả thực biến đổi khôn lường, khó bề nắm bắt được.
Muốn tự tay thay đổi tất cả những điều mình đã gây dựng thực sự đơn giản đến vậy sao? Cho đến hôm nay Tào Tháo không thể không thừa nhận, thiên hạ của Hán thất vẫn có “đức”. Dù cái “đức” ấy sớm đã bị năm tháng và chiến loạn phong hóa đến nỗi mơ hồ vất vưởng, nhưng nó vẫn còn tồn tại - Đó chính là sự giáo hóa đạo đức được bảo vệ từ thời khai mở nhà Hán. Đổng Trọng Thư từng luận về “thiên nhân cảm ứng”, Hiếu Vũ Đế bãi truất bách gia, biểu chương lục kinh, xây dựng Thái học, Quang Vũ Đế cần tu kinh học, tuyên bố đồ sấm, Ban Cố tu tuyển Bạch Hổ thông nghĩa, đính chính lại lễ pháp cổ kim. Ngay cả Linh Đế tiên triều vốn là hôn quân vô đạo cũng cho hiệu đính lục kinh rồi ban bố khắp nơi... Mạnh Tử, Khổng Tử đã ngủ vùi trong lòng đất năm sáu trăm năm nay, nhưng đạo đức giáo hóa do họ làm gương vẫn cứ tồn tại, vẫn bao phủ cả quốc gia, không những vậy mà nó còn trở thành phòng tuyến bảo vệ cuối cùng cho xã tắc Hán thất. Mặc dù nó vô thanh vô hình, nhưng kẻ địch không nhìn thấy này còn lợi hại hơn cả thiên quân vạn mã, nó nắm giữ linh hồn của từng người dân. Một quốc gia mà bách tính ngay từ nhỏ đã được dạy Hiếu kinh thì thay triều đổi đại là một việc khủng khiếp đến mức nào? Có khác gì đâm thủng một lỗ giữa trời cao! Kết cục đẫm máu của Vương Mãng vẫn chưa đủ làm gương hay sao?
Sự quyết liệt với Tuân Úc có lẽ chỉ là một ví dụ cực đoan, nhưng điều càng đáng sợ hơn là những người không bày tỏ thái độ, ngoài mặt kính sợ nhưng tâm chưa phục. Có lẽ bất cứ ai trong lòng đều cảm thấy việc Tào Tháo soán đoạt Hán thất là một việc làm vạn ác, nhưng vì tính mệnh của bản thân và gia đình nên rất ít người dám đứng ra lên tiếng như Tuân Úc, Khổng Dung. Cường quyền có thể uy hiếp nhất thời, nhưng không thể uy hiếp cả đời. Dùng thế lực để ép buộc kẻ khác cũng giống như dùng đá chèn ép cỏ cây, chỉ cần tảng đá không còn nữa, cỏ dại sớm muộn cũng sẽ len lỏi mọc lên. Cũng giống như những đồn dân bị cấm cố ở đồn điền, chỉ cần có cơ hội là sẽ chạy trốn. Sự phản kháng đối với Tào thị cũng vậy, chỉ cần thuận theo con đường này mà đi tiếp, ắt sẽ có vô vàn lời dị nghị. Nếu một triều đại vừa mới bắt đầu đã có vô vàn lời dị nghị, há có thể được trường tồn?
Những lời tốt đẹp vẫn có thể nói ra, Tào Tháo đã từng dõng dạc tuyên bố trong Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh: “Giả như thiên hạ không có ta, không biết bao kẻ sẽ xưng đế, bao kẻ sẽ xưng vương!”, nhưng đến cuối cùng chính bản thân ông lại xưng đế, xưng vương, thật tréo ngoe thay! Thế nên khi Tuân Úc khuyến cáo ông “giữ gìn chí hướng trung trinh, bảo toàn đức tính khiêm nhượng”, ông mới buồn mới hận như vậy, đây há chẳng phải nói rằng Tào Tháo nói lời không xuất phát tự đáy lòng sao?
Làm sao mới có thể phá vỡ đạo đức của sĩ nhân bốn trăm năm nay, tạo nên một vương triều mới mẻ truyền lại cho con cháu? Chỉ dựa vào việc tăng thêm địa vị hướng tới ngôi chí tôn rõ ràng là không bao giờ đủ, muốn làm được điều này e rằng chỉ có thể dựa vào đồ sát. Giống như câu mà Đỗ Tập đã nói “dũng khả tập dã”, bất luận tiền đồ thế nào, đành cứ nhắm mắt mà giết, mà chém vậy! Chém đứt cái vòng đạo đức cổ cựu, thậm chí vứt bỏ cả những kẻ đã từng gắn bó mật thiết với ông, lập nên một chuẩn tắc mới - Không còn là khắp thiên hạ này đâu đâu cũng là đất vua, mà là khắp thiên hạ này duy chỉ mình ta độc tôn!
Nhưng như vậy liệu có thể thành công không? Tào Tháo tự hỏi lòng mình, ngay cả với một người xuất thân từ gia tộc hoạn quan như ông, những kẻ bước lên con đường ly kinh phản đạo đều không thể thoát khỏi cái bẫy của giáo hóa Nho gia - Ông giương ngọn cờ phục hưng Hán thất để bước lên ngôi Thừa tướng; mượn danh nghĩa thiên tử để chiêu hiền nạp sĩ. Đồng thời cũng dùng cái nghĩa trung hiếu để dạy bảo tử tôn của mình, khi các con kéo bè kết đảng, âm mưu tranh ngôi thế tử ông cũng không thể dung nhẫn. Khi cùng Đổng Chiêu trù hoạch việc mưu đoạt ngôi cửu ngũ, ông lúc nào cũng lén lút như vậy, kỳ thực trong lòng ông cũng cảm thấy đây là một viêc đáng hổ thẹn biết mấy. Điều quan trọng hơn là, ông vẫn phải dùng đạo trung hiếu của Nho gia để giáo hóa những thần tử của mình. Đạo lý trong thiên hạ quả thực là một cái vòng, kẻ nắm quyền không tuân theo lễ số, ly kinh phản loạn, nhưng lại muốn thần tử, con dân phải tôn sùng đạo nghĩa và trung thành với mình, đúng là điều quá đỗi nực cười, cũng quá đỗi thê lương...
Tào Tháo ngước nhìn vầng trăng, càng ngày càng thấy phiền muộn, bất giác lẩm bẩm:
— Người xưa có câu “Kiêm bình giả cao trá lực, an nguy giả quý thuận quyền.”(*) Nhưng không giở trò gian trá thì sao có thể đạt được quyền quý? Mà đã gian trá sao có thể khiến lòng dân quy thuận? Lẽ nào vua Nghiêu, vua Thuấn thời thượng cổ thực sự đã dùng nhân nghĩa dẹp yên thiên hạ? Đây quả thực là một câu đố không có lời giải...
Đỗ Tập đầu óc mông lung đứng hầu Tào Tháo nãy giờ, nghe thấy câu này mới hiểu được rằng Tào Tháo không phải đang lo nghĩ đến chuyên chiến sự. Ông tuy bản tính cương trực nhưng đầu óc lại không được nhanh nhẹn, cũng nhìn lên vầng trăng non trên trời, trong lòng vẫn nửa hiểu nửa không - Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì khiến Thừa tướng trằn trọc khó ngủ như vậy?
Tiến thoái lưỡng nan
Đúng lúc phụ tử Tào Tháo ai nấy đều dõi mắt ngắm trăng mà lòng đầy tâm sự, cách đó sáu trăm dặm ở huyện Hứa, Bái Quốc cũng có một người đang thở dài nhìn trời, đó chính là vị Thượng thư lệnh đã bị bãi chức Tuân Úc.
Huyện Hứa tuy là cố hương của Tào thị, nhưng con cháu họ hàng cùng chi của Tào Tháo hầu hết đã chuyển đến Nghiệp Thành, những người còn lưu lại chỉ để coi trông đồng ruộng, mộ phần, nhà cửa. Còn căn nhà cũ của Tào gia giờ đã mở mang thành hành viên của Thừa tướng, hàng rào trang viên được xây bằng tường đá xanh, chiếc cổng lợp lá biến thành tòa môn lầu cao vợi, kho chứa ngũ cốc đã cải tạo thành những gian phòng cho duyện thuộc ở, bốn góc đều quây tường kín, dựng lên tiều lâu, binh sĩ ngày đêm tuần gác. Tòa nhà này cũng giống như chủ nhân của nó, giờ đã hoàn toàn thay đổi. Tào Tháo hai lần nam chinh đều từng dừng chân nơi đây, liêu thuộc của mạc phủ cũng ở đây xử lý sự vụ, nhưng chỉ rộn rã trong chốc lát, khi quân đội hành quân bọn họ lại phải đi. Giờ đây tòa phủ đệ rộng lớn này chỉ có mình Tuân Úc là “khách”, ông được sắp xếp ở trong một gian khách đường. Mỗi khi trời tối là hơn trăm căn phòng đều tối như mực, chỉ có một ánh lửa le lói, bốn bề cô quạnh âm u, nom thật đáng sợ.
Tuân Úc theo lệnh của Tào Tháo nhận chức Quang lộc đại phu, nói là được vời đến trung quân để tuyên thị vương mệnh, nhưng trên thực tế là Hạ Hầu Đôn “hộ tống” ông đến đây. Kỳ thực vài tháng trước, đại quân đã rời đi rồi. Hoàn toàn không gặp được Tào Tháo, cũng chẳng thể gặp được bất cứ đồng liêu nào. Hạ Hầu Đôn mời ông ở đây đợi Thừa tướng có lệnh, nhưng lại không cho phép ra khỏi hành viên dù chỉ một bước. Ông ta ở cùng ông hai ngày, đến sáng sớm ngày thứ ba đã dẫn binh mã hành quân ra tiền tuyến, việc chăm lo cho ông lại do tướng quân trấn thủ huyện Hứa là Tào Du phụ trách. Vị gia thúc của Thừa tướng này tính tình khiêm hòa, chẳng có tài cán gì, ngoại trừ việc ăn uống ngủ nghỉ ra thì ông ta không hiểu gì hết - Cứ như vậy, Tuân Úc dần dần cách tuyệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ban đầu Tào Du mỗi ngày đều đến thăm nom, hỏi han ông việc sinh hoạt ăn uống, sau đó hai ba ngày mới đến một lần, rồi cuối cùng cũng chẳng mò đến nữa. Tòa trạch đệ này ngoài ông ra, chỉ có một bộc đồng thường đến đưa cơm và vài binh lính canh gác ngoài cửa. Một ngọn đèn lẻ loi, một căn phòng hiu quanh, một chậu than hồng, Tuân Úc cứ như vậy trải quả cả một mùa đông dài thê lương, lạnh lẽo. Nhưng ông lại không thấy có gì bất tiện, thậm chí còn cảm thấy khá yên ổn. Kỳ thực, phải đối diện với khu viện lạc quạnh hiu này cũng có khác gì đối diện với văn võ trong triều? Dù sao trước nay ông cũng đều cô độc như vậy, dù sao nỗi khổ sầu trong lòng cũng vĩnh viễn không thể giải thoát được, dù sao thiên hạ đại Hán đã như vậy rồi, có được gặp ai hay không, có được nói hay không cũng có nghĩa lý gì? Phiền muộn nào cũng chẳng bằng tâm hồn đã nguội lạnh...
Tiết xuân dần len lỏi vào bầu không khí cô tịnh, nhưng tâm trạng của Tuân Úc vẫn mãi dừng lại trong mùa đông vô tận. Ông đã thôi nghĩ về chuyện của triều đình, cũng không còn suy xét xem việc nam chinh liệu có thuận lợi, chỉ ngồi lặng nhìn bạch mao, tiết trượng mà không chớp mắt - Phù tiết tượng trưng cho quyền uy thiên tử tựa bên cạnh tường, hơn ba tháng nay chưa từng chạm lấy một lần, giờ đã phủ đầy bụi bặm, chẳng khác nào một cây trượng đã bỏ đi. Tuân Úc cảm thấy mình cũng giống như cây trượng đó, không còn bất cứ giá trị gì nữa. Kỳ thực cả triều đình đại Hán cũng giống như nó, đã dần dần lui vào bụi mờ của lịch sử...
Tiều lâu vọng đến hai tiếng “Tùng! Tùng!” - Tiếng trống định canh. Tuân Úc ngồi dậy theo thói quen, mở cửa nhìn lên bầu trời, tiết đầu xuân màu trời tối đen như mực, từng cơn gió lạnh căm căm lùa vào, mơn man trên mặt ngứa râm ran, phía đông một vầng trăng non đã lơ lửng treo trên vòm trời, một đêm dài không ngủ lại bắt đầu. Ông bỗng nghe từ xa vọng lại tiếng ầm ầm, cửa vườn mở toang, không lâu sau một bóng người vội vã bước vào giữa bóng tối của cân phòng, cất giọng hỏi thăm:
— Hạ quan tham kiến Tuân Lệnh quân.
Tuân Úc vẫn đứng chỗ bậu cửa sổ không hề động đậy, nhìn về phía khuôn mặt mờ tối kia, cất giọng lãnh đạm:
— Còn Lệnh quân gì chứ... Ngươi là ai?
Người kia bước ra từ bóng tối, dưới ánh nến u ám hiện lên một khuôn mặt trẻ tuổi mà xa lạ:
— Tại hạ là mạc phủ hiệu sự Lưu Triệu, phụng mệnh Thừa tướng đến thăm hỏi đại nhân.
Tuân Úc không đáp lời, chỉ nhẹ nhàng mở cửa phòng, cho người kia vào. Lưu Triệu hai tay dâng một hộp gỗ đựng đồ ăn được chạm khắc tinh xảo:
— Đây là đồ điểm tâm Thừa tướng gửi cho ngài, xin hãy lĩnh nhận. - Nói đoạn đặt luôn trên án, - Thừa tướng còn lệnh cho tại hạ chuyển lời tới ngài, nói rằng việc Đổng đại nhân tấu nghị thay đổi chín châu đã được trung đài thông qua, hiện giờ đang trù hoạch phân châu định giới, sang tháng là có thể thực thi.
Đây chính là nguyên nhân Tuân Úc bị bãi truất, nhưng lúc này ông chẳng hề quan tâm, vẫn đứng im như không nghe thấy gì, trầm ngâm nhìn chiếc hộp kia.
— Đại nhân không có lời nào muốn nói sao? - Lưu Triệu gượng gạo hỏi một câu.
Tuân Úc lắc đầu không đáp.
— Vậy... Thừa tướng chỉ căn dặn có vậy, tại hạ xin cáo từ. - Lưu Triệu nói xong bèn cung kính lui ra, thuận tay đóng luôn cửa phòng; sau đó khuôn mặt trẻ măng đó lại xuất hiện bên cửa sổ, tay vịn lên song gỗ, nói, - Mong đại nhân bảo trọng, ngày mai tại hạ lại đến.
Dứt lời bèn quay đầu mà đi, tiếng bước chân dần xa, tất thảy lại quay trở về sự tĩnh mịch ban đầu.
Tuân Úc chầm chậm ngồi xuống, nhìn ngắm chiếc hộp “điểm tâm” do Tào Tháo gửi tặng, bất giác cười nhạt - Bên trong có thể là thứ gì? Dao găm hay lụa trắng? Dù là điểm tâm thật thì nhất định cũng sẽ có độc!
Kể từ ngày bãi chức Thượng thư lệnh, Tuân Úc đã dự liệu được rằng kết cục sẽ như thế này. Tào Tháo không còn cần đến ông nữa, nhưng do ngại uy vọng của ông nên lại quyết định giam lỏng không đả động đến, tiếp tục lưu lại trong triều thì dù ông không mảy may lên tiếng cũng vẫn sẽ là một mối uy hiếp tiềm tàng, chỉ càng khiến nhiều người thương hại, do dự, băn khoăn; còn nếu xóa bỏ tất cả các chức vụ của ông rồi bãi miễn về quê, Tào Tháo sẽ không tránh khỏi ác danh là bạc đãi công thần. Đã đến nước này, ngoài cái chết ra đâu còn lựa chọn nào khác? Nhưng chết cũng không đơn giản, tuyệt đối không thể công khai dùng hình, Tuân Úc chủ trì triều chính mười bảy năm, lại là nguyên lão công huân gây dựng vương triều, nhìn khắp trên dưới Tào doanh, trong ngoài triều đình, quan viên địa phương, có mấy ai chưa từng được ông tiến cử mới có được địa vị như ngày nay? Hơn nữa ông còn là người đứng đầu của sĩ nhân Dĩnh Xuyên, thân gia của Tào Tháo, thầy giáo của thiên tử, nhổ một sợi tóc ắt động toàn thân. Công khai xử lý Tuân Úc ắt dẫn đến một cơn địa chấn về chính trị, bất luận triều đường hay mạc phủ đều sẽ ầm ầm rúng động!
Vậy phải làm sao đây? Biện pháp duy nhất chính là tìm một nơi cô tĩnh vắng người, để ông ta âm thầm kết thúc tính mạng của mình, không đánh động đến bất cứ ai, giống như bây giờ. Tuân Úc sớm đã hiểu rõ ý đồ của Tào Tháo, nói là gọi ông tòng quân nhưng lại bắt lưu lại huyện Tiều cả một mùa đông dài đằng đẵng, Tào Tháo hẳn đã tuyên bố với bên ngoài rằng ông đổ bệnh, chắc chắn một ngày ông sẽ “nhắm mắt xuôi tay”, không ai cảm thấy quá đỗi kỳ lạ, vì nghĩ do mệt mỏi quá lâu sinh bệnh tật, vô phương cứu chữa.
Tuân Úc không hề sợ chết, kỳ thực trái tim ông ta đã chết từ lâu, sự kết thúc của sinh mệnh hóa ra lại là sự trở về yên lành. Sinh tử có số, phú quý do trời, nếu như vận mệnh đã đưa đẩy ông đến bước này thì dù né tránh, sợ hãi cũng có ích gì? Ông bất lực thở một hơi dài, vươn đôi tay già nua, thanh mảnh của mình khẽ mở nắp hộp. Điều bất ngờ là chiếc hộp hoàn toàn trống rỗng!
Chẳng có một vật nào, chẳng có gì cả, Tuân Úc cầm nắp hộp lên, ánh mắt ảm đạm nhìn vào chiếc hộp rỗng... Không biết bao lâu sau, chỉ nghe thấy Tiều lâu vang lên hai tiếng trống báo hiệu canh hai, ông mới định thần lại, bỏ chiếc nắp xuống, khóe môi khẽ nở một nụ cười nhạt. Phải rồi, ngoại trừ một chiếc hộp rỗng ra Tào Tháo còn có thể cho ta gì đây? Ông ta đã cho ta quan vị, cho ta tước hầu, cho ta phú quý, lại năm lần bảy lượt phong ấp cho ta, giúp cho con cháu Tuân thị không phải lo lắng tiền đồ, cuối cùng còn gả cả con gái cho nhà ta, tất cả những thủ đoạn lôi kéo đều đã sử dụng, vậy mà ta vẫn không hề lay chuyển, Tào Tháo còn biết làm sao đây? Ông ta đã không còn bất cứ thứ gì có thể cho ta nữa... Nhưng Tuân mỗ ta thứ gì cũng có thể không nhận, ta chỉ muốn ông ta hoàn trả quyền bính cho thiên tử, chỉ muốn một vương triều đại Hán thực quyền. Duy chỉ có điểm này, Tào Tháo vĩnh viễn không bao giờ làm được. Ông ta đã thay đổi rồi, không còn là một thần tử đại Hán ấp ủ lòng trung báo quốc như hai mươi năm trước nữa...
Nhớ lại năm xưa dưới trướng Viên Thiệu, Tào Tháo mới chỉ là một viên tướng quèn chẳng có vai vế gì trong liên minh thảo phạt Đổng Trác, không có thực quyền, không có địa bàn, không có nhiều binh mã nhưng lại hừng hực lòng trung nghĩa. Bây giờ ông ta đã có mọi thứ, chỉ duy đạo nghĩa thần tử là chẳng còn lại gì. Năm xưa Tuân Úc vốn là mưu sĩ của Viên Thiệu, nhưng dám bỏ lại Hà Bắc binh hùng tướng mạnh, kiên quyết về theo Tào Tháo, đó là vì sao? Viên Thiệu tính tình kiêu ngạo, hẹp hòi, tự khắc ngọc tỉ âm mưu tiếm nghịch. Nhưng Tào Tháo bây giờ thì sao? Độc đoán đại quyền, o ép triều đình, nào có khác gì? Dùng nghiêm hình tuấn pháp để đàn áp những kẻ trung nghĩa, vậy chẳng phải là lòng dạ hẹp hòi hay sao? Ông ta chưa tự khắc ngọc tỉ, nhưng đã biến cả thiên hạ đại Hán thành thiên hạ của mình... Thật nực cười! Quả là nực cười! Viên, Tào vốn là những kẻ đi trên cùng một con đường, vậy mà Tuân Úc đã mất hai mươi năm ròng quanh đi quẩn lại, cuối cùng vẫn trở về chỗ cũ. Thiên hạ Hán thất cuối cùng vẫn bị tận diệt, hai mươi năm cúc cung tận tụy thành ra vô dụng, quãng đời còn lại sống còn có ý nghĩa gì?
Không! Nếu ông chỉ sống lay lắt qua ngày đã đành, hai mươi năm nay là ai bày mưu hiến kế, nhọc công tốn sức giúp đỡ Tào Tháo gây dựng cơ đồ? Nghĩ đến đây Tuân Úc bất giác cảm thấy thê lương - Chính ta đã tiếp tay cho kẻ ác, cũng chính ta là người quật mộ của vương triều đại Hán...
“Tùng!... Tùng tùng!” Tiếng trống vang lên báo hiệu canh ba, đếm đã vào giờ Tý, gió lạnh lùa qua ô cửa, thổi tắt ngọn đèn cô quạnh trong phòng, tất thảy chìm trong màn đêm tối đen như mực. Từng làn gió đêm phá tan sự yên ắng, khiến cây lá trong vườn rì rào vang vọng, tựa như những tràng cười chê và tiếng nhục mạ.
Tuân Úc tâm trạng bồn chồn không yên, ông đi đi lại lại trong bóng tối: Ta rốt cuộc là thần tử của ai? Sử xanh hậu thế sẽ lưu truyền tên ta ra sao? Nói ta đường đường chính chính là trung thần đại Hán sao? Không thể nào! Là ai đã giúp Tào Tháo bảo vệ Duyện Châu? Là ai đã giúp Tào Tháo chiêu hiền nạp sĩ? Là ai đã giúp ông ta coi sóc triều chính, lũng đoạn mười bảy năm trời? Có múc cạn nước sông Trường Giang cũng khó mà rửa sạch! Vậy ta cứ dứt khoát làm thần tử của Tào Tháo? Cũng không được, vậy thì ta tuẫn táng với vương triều đại Hán thế nào? Tận trung thế nào? Nỗi oan, nỗi hận của ta biết bày tỏ cùng ai...
Người ta thường nói trắng đen rạch ròi, nhưng đối với ông thì thế nào là đúng, thế nào là sai? Đi theo phụng sự Tào Tháo là đúng sao? Đó có khác gì đi ngược với chí hướng phục hưng Hán thất? Phản bội Tào Tháo để về dưới trướng kẻ khác là đúng sao? Đó có khác nào đã sai lại càng thêm sai, phủ nhận tất cả những nỗ lực của chính ông trong hai mươi năm qua? Đây đúng là tự mình mâu thuẫn, tiến thoái lưỡng nan. Tuân Úc muốn la hét, muốn trút giận, muốn chửi mắng, nhưng phải hét ra sao? Trút giận vào ai? chửi mắng ai đây? Ông rơi vào tình cảnh oái oăm này, rốt cuộc là phải trách ai đây?
Ông cứ mông lung đi lại trong bóng đêm, tâm trí cũng rơi vào một miền u minh vô bờ bến, nhưng mãi vẫn không tìm được bất cứ lối thoát và sự an ủi nào. Đi đi lại lại không biết bao lâu sau, lại nghe thấy trống canh ba đã điểm, cả một canh giờ đã trôi qua, ngoài kia gió dần ngừng thổi. Tuân Úc đã mệt rồi, phiền muộn rồi, từ bỏ rồi, ông ngồi sụp xuống đất, bao nhiêu thắc mắc cuối cùng hóa thành hư không - Thôi đành vậy, hà tất phải tính toán rõ ràng như vậy? Tất cả mọi đường đi nước bước đều là do mình mà ra, còn có thể trách ai? Tất cả đành phó mặc cho hậu thế bình phẩm vậy.
Ông hoảng hốt nhớ ngày nào từ Hà Bắc chạy sang Đông quận về dưới trướng Tào Tháo, câu nói đầu tiên khi Tào Tháo trông thấy ông là: “Ngài thực là Tử Phòng của ta!” So sánh Tuân Úc với Trương Lương, nhưng cũng tự ví mình là Lưu Bang. Khi ấy ông chỉ nghĩ đó là câu khen quá lời, giờ đây nhớ lại chẳng phải đó là lời sấm hay sao? Nhưng điều đó không thể chứng minh rằng Tào Tháo ngay từ đầu đã có ý muốn trở thành đế vương, hoặc có lẽ ngay cả Tào Tháo cũng không ý thức được, dục vọng trong nội tâm lớn hơn cả chí hướng cao xa, hoặc có lẽ khi đó trở thành hoàng đế vẫn chỉ là một giấc mộng đẹp viển vông, nhưng giấc mộng này lại ngày càng trở nên chân thực! Dục vọng tiềm tàng dần được đánh thức cùng với sự gia tăng của quyền thế... Khổng Tử nói thành nhân, Mạnh tử nói thủ nghĩa, nhưng trong giang sơn này, thứ dẫn dắt thế đạo không phải là những thư tịch văn học tam phần ngũ điển, mà là dục vọng của một số người!
Vậy dục vọng của ta là gì đây? Tuân Úc xưa nay chưa từng nghĩ tới, nhưng lúc này lại bất giác tự hỏi. Tận tụy hai mươi năm trời, ông lẽ nào chưa từng nhận ra Tào Tháo là một người thế nào? Lẽ nào không cảm nhận được chí của ông ta không cam phận làm thần tử? Lẽ nào không dự liệu được kết cục của mọi việc? Không thể nào, nếu bình tâm suy xét, ông sớm đã liệu được rằng sẽ có ngày hôm nay, nhưng trước sau vẫn không dám nhìn thẳng vào sự thực, ông cứ mãi lần tránh, phủ nhận, tự lừa mình dối người, chỉ là ông không muốn thừa nhận mà thôi. Có người tham quyền, có kẻ tham tài, còn Tuân Úc thì lại tham danh!
Tuân Úc trước giờ vẫn luôn thi triển tài năng, sự khiêm hòa, đức nhân từ của mình với thế nhân, ông cũng hưởng thụ sự tán dương của quan viên bách tính. Cởi bỏ tất cả vỏ bọc ngụy trang của đạo nghĩa, Tuân Úc cũng không thể không thừa nhận rằng ông cũng tham tiếc con đường sĩ đồ và quan vị, tuy nhiên không phải là tham lợi ham tài, mà là ông muốn dùng nó để thể hiện sự hiền minh của mình. Ông thực sự là người tham danh, không chỉ vậy còn tham đến tận cùng, mong chờ tất cả mọi người trong thiên hạ đều tán dương mình! Tuân Úc vừa muốn nhận được sự tín nhiệm của Tào Tháo, lại vừa muốn nhận được niềm tin của thiên tử, vừa muốn có được sự tôn trọng của quan viên, lại muốn có được sự yêu mến của bách tính, trên thế gian này nào còn ai tham danh hơn thế?
Có một số chuyện thật khó bề tưởng tượng, nếu như Lưu Hiệp là một hôn quân giống như Hoàn Đế, Linh Đế, biết đâu ông đã không phải gánh vác gánh nặng của đạo nghĩa, không phải tham cái danh trung quân hư ảo này? Hoặc nếu ông không quá thân cận với thiên tử, không có dịp tận mắt chứng kiến sự hiền minh và bất lực của vị thiên tử bù nhìn này, trong lòng cũng không đến nỗi thương xót như vậy. Tiếc thay hiện thực không thể giả định được, sinh ra trong thế đạo này là tấn bi kịch của Lưu Hiệp, và cũng là tấn bi kịch của Tuân Úc...
Tiều lâu lại vọng lên năm tiếng trống cùng một lúc, Tuân Úc vẫn cúi đầu ủ rũ, thẫn thờ ngồi đó. Dần dần, căn phòng tối đen như được phủ đầy bởi một luồng ánh sáng mông lung. Ông chầm chậm ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa, màn trời tối thẫm đã chuyển màu xám xanh, giằng xé trong nỗi sầu muộn và khổ não suốt cả một đêm, ánh bình minh đã dần kéo đến. Có lẽ chính nguồn sáng nhỏ nhoi đó đã mang tới chút an ủi, khiến cho ông có thể nhìn lại cuộc đời mình từ một góc độ khác. Làm thần tử đại Hán cũng được, theo phe của Tào Tháo cũng xong, điều đó có thực sự quan trọng đến vậy? Lần hội ngộ giông tố của hai mươi năm trước thực sự chỉ làm nên bi kịch của cuộc đời. Không... Chí ít ông đã duy trì được một triều quyền ổn định, chí ít ông đã phò tá Tào Tháo bình định được phương bắc, chí ít giờ đây đã không còn cảnh người ăn thịt người, không có nhiều lê dân bách tính phải ly tán như xưa, lẽ nào đây chẳng phải công tích của ông hay sao?
Người ta thường nói “Thiên, địa, quân, thân, sư”, thiên địa là gì đây? Lẽ nào đó là thần chủ nắm quyền quyết định sinh linh vạn vật sao?
Bậc vương giả làm sao mới có được xã tắc? Sứ mệnh của quân vương là tạo phúc cho vạn dân trong thiên hạ, vậy vạn dân kia há chẳng phải chính là chủ nhân thực sự của thiên địa hay sao? Nếu như suy xét như vậy, hoàng đế mang họ Lưu hay họ Tào liệu có còn quan trọng đến vậy? Đều không phải giống nhau hay sao? Tạo phúc cho vạn dân, an định thiên hạ mới là điều quan trọng nhất, Tuân Úc cho dù không phân định được rõ mình là thần tử của ai, nhưng cả đời ông đều đã cúc cung tận tụy cho việc tạo phúc cho vạn dân và an định thiên hạ, đã có vô số bách tính có được một cuộc sống tương đối yên ổn nhờ tài trị lý của ông. Một người có thể làm được điều to lớn này trong những năm tháng tại thế của mình, lẽ nào vẫn chưa đủ sao?
Tâm trạng của Tuân Úc bỗng như được giải tỏa - Nếu sinh vào buổi thái bình, bản thân ông có thể chỉ được nhận chức ở quận huyện, chính vì sinh vào thời tao loạn, gặp phải Tào Tháo, ông mới có thể nắm giữ triều chính, lập nên công tích. Vậy đời này còn gì để tiếc nuối nữa?
Nghĩ đến đây, Tuân Úc thấy tâm trạng mình chưa bao giờ bình thản đến vậy, ông đứng dậy bước đến bên cửa sổ, hít sâu một hơi, xua đi làn sương mù trong lồng ngực. Màu trời mông lung phủ một sắc trắng thanh lạnh lên song cửa, trong khoảng khắc, ông phát hiện ra trên bậu cửa không biết tự lúc nào xuất hiện một món đồ nhỏ, cầm lên xem mới hay đó là một chiếc bình sứ xanh.
Ông chợt nhớ ra khi đứng ngoài nói lời từ biệt với mình, Lưu Triệu đã khẽ chạm vào bậu cửa... Tuân Úc bật cười, đương nhiên ông biết trong đó chứa gì, Lưu Triệu nói rằng hôm nay sẽ lại đến, e rằng là đến nhận xác.
Thời thế biến ảo, núi rộng rừng sâu, giang sơn xã tắc đành phó mặc vậy, bất cứ điều ô tạp nào cũng không thể xâm nhập vào tâm cảnh thanh tĩnh của Tuân Úc thêm nữa. Ông mở nắp bình, lắc lắc thứ rượu độc đỏ au ở bên trong, tự nhủ với mình: “Nguyện cho đại Hán ta vĩnh viễn thái bình, quốc thái dân an... Cũng nguyện cho Tào công quét sách hùm sói, được thỏa tâm nguyện.”(*)
Bỏ lại câu nói đầy mâu thuẫn ấy, ông ngửa cổ uống hết bình rượu.
Ngoài cửa sổ vẫn tĩnh mịch như vậy, phía đông trời đã hừng sáng, văng vẳng đâu đây tiếng gà kêu chó sủa, một ngày mới lại bắt đầu. Người đến kẻ đi vẫn vô thường đến thế, tất thảy dường như chẳng hề thay đổi, kẻ tranh quyền thì cứ thế tranh quyền, kẻ hiếu chiến thì vẫn hiếu chiến, khắp thiên hạ ai ai cũng vì danh vì lợi, vì quyền vì thế.
Tào Tháo cùng Tôn Quyền đối trận ở cửa sông Nhu Tu, đại chiến chỉ cần một đốm lửa là bùng cháy, cả hai đều dốc hết sự thịnh suy, vinh nhục vào trận chiến này, dường như ai thắng thì kẻ đó sẽ có hy vọng trở thành bá chủ thiên hạ. Nhưng trai cò đánh nhau ngư ông đắc lợi, bọn họ dường như đã lãng quên một đối thủ khác của mình. Ở đất Thục xa xôi, có kẻ đang ấp ủ một âm mưu thực sự làm thay đổi cục diện trong thiên hạ. Năm xưa Gia Cát Lượng từng nêu ra “Long Trung đối”, dự tính chia thiên hạ ra làm ba, tiếc thay cùng với việc đất Tương Dương đổi chủ, kế sách này đã đi vào ngõ cụt. Nhưng trong thời khắc này, “Long Trung đối” tựa như phượng hoàng tái sinh, ầm thầm bùng cháy từ đống tro tàn...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9