"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 126
riều nghị khôi phục chín châu, Tào Tháo hiện rõ dã tâm thay nhà Hán
So thơ trên đài Đồng Tước
Cuộc trừng trị tham quan ô lại kết thúc trong im lặng, Đổng Chiêu vào kinh vẫn chưa có âm tín gì, phía tây Mã Siêu, Hàn Toại vẫn chưa bị tận diệt, phía nam Tôn Quyền lại nhăm nhe nổi can qua. Dường như muốn tìm chút an nhàn giữa bộn bề phiền muộn, Tào Tháo muốn thay đổi tâm tình, dẫn theo quần liêu Nghiệp Thành cùng tử tôn đến Đồng Tước đài tham quan cảnh chí. Cảnh tượng vô cùng tấp nập, cả đám sĩ thần của mạc phủ cũng tề tựu dưới lầu đài.
Đồng Tước đài tọa lạc phía tây bắc Nghiệp Thành, trong vườn ngự uyển, được khởi công xây dựng từ mùa đông năm Kiến An thứ mười lăm, đến nay đã được hai năm, kiến trúc chủ thể đã được dựng xong, còn những tòa kiến trúc phụ cận vẫn đang thi công, nhưng chỉ với quy mô hiện tại đã không hề kém cạnh so với Vân đài ở Lạc Dương. Tòa đài này cao hơn mười trượng, chỉ riêng nền đất dựng đài đã cao gần hai trượng, trên đó dựng năm tầng lầu cao, điêu khắc tỉ mỉ, chạm trổ công phu, vô cùng hoành tráng.
Đứng trên đài cao mười trượng nhìn ra xa, phía bắc là cả một vùng nguyên dã và ruộng vườn bao la, xa ngút tầm mắt tới tận chân trời, khiến ai ngắm nhìn cũng phải trầm trồ. Mỗi lần gió thổi, ruộng vườn bạt ngàn xanh mướt lại lay động kỳ ảo, mãi phía xa tít dường như còn thấy được cả đám người trẻ tuổi đang ngao du ngoại ô. Phía đông là một dải rừng núi rậm rạp, những lớp cây tùng xào xạc trong gió như chuông reo vang, đâu đó có những con hươu chạy nhảy đùa vui. Phía nam là đường phố Nghiệp Thành tấp nập người ngựa, sĩ nông công thương ai lo việc nấy, khắp ngõ cùng đường đông như trẩy hội; lại nhìn ra phía ngoài, sông Chương đang cuồn cuộn chảy về đông, tang, liễu, du, hòe theo gió đung đưa, toát lên vẻ tú mỹ vô cùng. Còn phía tây chính là mạc phủ tráng lệ rộng lớn - Hai tòa chính đường nguy nga, rực rỡ dưới nắng, viện lạc khắp nơi hoặc nghiêm trang tề chỉnh, hoặc quanh co uốn lượn, cây cối rợp mát. Nghi môn, Tư Mã môn, Chỉ Xa môn có giáp sĩ canh chừng, khôi giáp sáng lóa, trông còn nghiêm cẩn hơn cả hoàng cung ở Hứa Đô. Mặt trời tỏa ánh nắng xuống làn nước thanh trong ở hổ phù dung Tây Uyển, phía xa xa là lầu đài, điện các cũng lấp lánh dưới nắng vàng, nom vô cùng hoa lệ. Trăm hoa trong Tây Uyển sớm đã nở rộ, mỗi loài một vẻ thi nhau khoe sắc, hương hoa lúc nồng lúc nhạt theo gió bay đi khắp nơi, khiến người ta vô cùng khoan khoái. Lại ngẩng đầu nhìn ra xa, trời xanh mây trắng như gần ngay gang tấc, có cánh chim trời bay vụt qua tầm mắt, cảnh tượng thi vị tựa như tiên cảnh.
Tào Tháo cảm thấy vô cùng sảng khoái, chẳng mấy chốc nỗi bực dọc vì việc ép dân khổ dịch ở Tịnh Châu bỗng như tan biến, bất giác mỉm cười:
— Có câu thơ “Tây bắc hữu cao lâu, thượng dữ phù vân tề. Giao sơ kết ý song, a các tam trọng giai”, ta thấy cảnh trí ấy đúng như tả Đồng Tước đài. Tòa đài này xây đẹp lắm, xem ra Biện Bỉnh đã bỏ công không ít... Ông ta không đến sao?
Một vị công tử từ đám đông bước ra tâu:
— Khởi bẩm Thừa tướng, gia phụ thân lâm bệnh không thể đến được, lệnh cho nhi tử là thần đến nghe lệnh.
Thì ra là Biện Lan, con của Biện Bỉnh. Biện Bỉnh ngày hôm đó bị Tào Tháo trách mắng vừa tức vừa hận, trở về đến phủ liền thổ huyết rồi lâm bệnh nặng, sao có thể đến được? Đành bảo con đến nghe hầu. Biện Bỉnh tuy xuất thân thấp kém, tính tình lại tùy tiện phóng túng, nhưng Biện Lan lại là một tên tiểu mọt sách, rất ham thích học hỏi, cung cẩn thủ lễ.
— Ồ. - Tào Tháo cũng biết lần trước mình quả thực có hơi nghiêm khắc, bèn đưa mắt nhìn, - Lát nữa lão phu và chư vị sẽ yến ẩm trên tòa đài này, ngươi hãy mang một ít rượu và đồ nhắm về cho phụ thân. Ngoài ra nói với ông ta rằng, tòa đài xây rất đẹp, lão phu rất vừa ý, những công trình sau này sẽ lại phải cậy nhờ ông ta.
— Thừa tướng ban yến, nhi tử xin thay mặt phụ thân cảm tạ...
Biện Lan lại cúi đầu vái lạy - Kỳ thực đều là thân gia, cho dù anh ta chỉ nói rằng “Tạ ơn Thừa tướng!” thì cũng chẳng ai bắt lỗi, nhưng tên tiểu tử này lại vẫn muốn tỏ vẻ đại lễ.
Tào Tháo bật cười xua xua tay:
— Lan nhi à, ngươi đúng là chẳng giống cha ngươi! Khách sáo như vậy làm gì, mau đi đi... Chư vị, chúng ta cùng ngồi thôi.
Khổng Quế, vị Kỵ đô úy cái gì cũng quản kia sớm đã sắp đặt ổn thỏa, trời vừa hửng sáng đã dẫn một đám bộc đồng ở mạc phủ khiêng bàn đến rồi leo lên tòa đài cao hơn mười trượng, bài trí thỏa đáng đúng theo cách cục ở Thính Chính đường; thậm chí còn có mấy chiếc bình phong. Tào Tháo nhập tọa trước tiên, sau đến các thần tử như Tuân Du, Quốc Uyên, Thôi Diễm, Mao Giới, Từ Tuyên ngồi ở dãy bàn phía tây; phía đông là các vị công tử từ lớn đến bé như Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực, Tào Bưu, Tào Huyền, Tào Quân, Tào Lâm, Tào Cứ, Tào Chỉnh, cùng với các tử diệt thân tộc như Tào Chân, Tào Hưu, Tào Thái, Tào Phức, Hạ Hầu Thượng, Hạ Hầu Mậu, kể cả hai đứa con ghẻ là Hà Yến, con của Doãn thị, Tần Lãng, con của Đỗ thị cũng đến cả.
Mọi người đều nâng chung rượu kính Thừa tướng, Tào Tháo cũng mỉm cười nâng chung chúc tụng, chúng nhân kính cẩn mời nhau một hồi mới uống cạn, nào ngờ vào đến miệng thì thấy nhạt nhẽo, chẳng có vị gì cả - Thì ra là nước lã!
Tào Tháo thấy mọi người ai nấy nhăn mày nhíu mặt, bật cười sáng khoái:
— Ha ha! Xây tòa đài này phí tổn không ít, chẳng bao lâu nữa sẽ lại nam chinh, sĩ thần chúng ta không nên xa xỉ, bắt đầu từ hôm nay cấm rượu tiệc, tiết kiệm lương thảo để tích trữ cho việc quân nhung. Chúng ta thay rượu bằng nước!
Mọi người đều sững sờ giây lát, Tế tửu Phồn Khâm nhanh trí mở lời trước:
— Thừa tướng cần kiệm, yêu dân quả là đức lớn cho xã tắc, nam chinh lần này tướng sĩ ắt sẽ hết mình mã đáo thành công, tại hạ thấy nước còn ngon hơn cả rượu! Xin mời xin mời!
Ông ta đã cất lời trước, mọi người ắt cũng phải hùa theo phụ họa, tất cả đều ngoài mặt cười nói nhưng trong lòng thầm nghĩ - Hao phí tiền của xây tòa lầu cao xa xỉ đến vậy mà lại vờ ra vẻ về việc uống rượu, đúng là nực cười.
Kỳ thực bọn họ vẫn chưa hiểu hết tâm tư của Tào Tháo, xây dựng Đồng Tước đài cố nhiên là vì sở thích của ông, nhưng cũng vì Tào Tháo muốn tỏ rõ địa vị văn hóa của Nghiệp Thành, khiến cho nơi đây hoàn toàn vượt trội so với Hứa Đô. Đây là chuyện đại sự có liên quan đến địa vị của Tào gia, thế nên dù xưa nay vốn luôn cần kiệm, Tào Tháo cũng không thể tiết kiệm trong chuyện này. Rượu rót tam tuần, thức ăn ngũ vị, bỗng nghe thấy tứ phía nhã nhạc du dương, chúng nhân giật mình ngó quanh, chỉ thấy bốn bể là mây trời, cây cối, nào có ai tấu nhạc? Tào Tháo cũng cảm thấy kỳ lạ:
— Quế nhi đâu, ngươi sắp xếp nhạc công sao?
Không biết từ lúc nào, Tào Tháo bắt đầu gọi Khổng Quế là “Quế nhi”, xưng hô kiểu này vừa giống như gọi con cháu, lại giống như gọi bộc tòng, toát lên vẻ thần cận, nhưng đối với chức Kỵ đô úy mà nói thì hơi có vẻ bất luân bất loại.
Khổng Quế cười nịnh:
— Hôm nay chư vị tới đây đều là rường cột của triều đình, há có thể thiếu nhã nhạc? Tiểu nhân đã mời tế tửu Đỗ Quỳ dẫn đám đệ tử của ngài ấy tới tấu nhạc mua vui cho Thừa tướng và chư vị.
Đỗ Quỳ không phải là tế tửu mạc phủ, ông ta vẫn có quan hàm Tham thái nhạc thử trong triều đình.
Theo lý mà nói, quan thái nhạc chỉ chuyên phục vụ cho hoàng gia, Tào Tháo tự mình hưởng dụng là hành động tiếm vượt, nhưng ông chẳng hề để tâm, hết nhìn trái lại ngó phải:
— Đỗ Công Lương đến rồi ư? Cớ sao lão phu không thấy?
Khổng Quế chỉ xuống sàn nhà:
— Trên lầu cách cục có hạn, tiểu nhân đã sắp xếp bọn họ ở tầng dưới.
Mọi người nghe kỹ, quả nhiên thanh âm vọng lên từ dưới chân. Khúc nhạc sáo trúc dặt dìu, trầm bổng ngân lên thực tình tứ, chỉ e ngay cả đế vương bao đời cũng chưa từng được hưởng thụ như vậy. Cảnh đẹp mê hồn, nhã nhạc du dương, quả là rượu chưa kịp chuốc người đã tự say, Tào Tháo lại càng hứng chí. Ông nhìn về phía đám tử tôn đang ngồi bên dãy phía đông:
— Phụ thân tuy sinh trong nhà công hầu, nhưng lúc thiếu thời cũng từng gặp nhiều biến cố, trải qua muôn vàn gian nan mới được như ngày hôm nay. Nhưng các con sinh ra đã được hưởng phúc, cả ngày cơm no áo ấm chẳng cần dụng tâm. Mấy năm nay ta đông chinh tây thảo, dẫn binh bên ngoài, cũng chưa từng đốc thúc các con việc đèn sách. Người ta thường nói ngay từ nhỏ đã phải lập chí, không biết các con bình sinh có chí hướng gì?
Câu này vừa nói ra, đám công tử nãy giờ vẫn cười nói vui vẻ bỗng ngưng cả lại, ai nấy đều rụt rè cúi đầu, nhìn đồ ăn trên bàn không dám nói nâng. Tào Tháo lại nói:
— Xem các ngươi kìa, vừa nhắc đến chuyện nghiêm túc là chẳng biết nói gì sất. Tử Văn, nói trước xem, bình sinh con có chí nguyện gì?
Tào Phi giật mình: Ta là trưởng tử, cớ sao không hỏi ta trước?
Tào Chương thì không nghĩ nhiều đến vậy, đang cầm chiếc đùi gà to tướng gặm, nghe thấy phụ thân hỏi đến bèn lệch xệch đứng lên:
— Con bình sinh chỉ muốn làm tướng!
Tào Tháo khẽ nhíu mày:
— Ngươi không chịu đèn sách mà chỉ ham cung mã, đó là cái dũng của đám thất phu, có gì đáng quý?
— Đèn sách? - Tào Chương vẻ mặt bất cần, - Đại trượng phu phải học theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh lập công nơi sa trường, giương đao múa kích đẩy lui mười vạn quân địch, tung hoành thiên hạ! Há có thể an phận thủ thường làm văn sĩ?
Những cấu này tuy không trúng tâm ý của Tào Tháo nhưng lại toát lên hào khí kiêu dũng:
— Ừm, ngươi nghĩ được như vậy cũng không thẹn thanh danh của Tào gia ta. Nhưng ngươi nói rằng muốn trở thành tướng quân, vậy muốn trở thành tướng quân phải làm thế nào?
Tào Chương vỗ vỗ ngực, nghiêm giọng đối đáp:
— Mặc giáp dày, cầm thương sắc, lâm trận không sợ hãi, luôn đi đầu tướng sĩ. Thưởng phải rõ ràng, phạt phải công tâm!
— Ha ha ha!... - Tào Tháo ngửa mặt cười lớn, - Không cần biết ngươi tài trí ra sao, chỉ riêng với câu này đã biết ngươi có chút tố chất làm tướng.
Tào Phi thì cười thầm trong bụng: Gã huynh đệ ngốc này, chỉ với câu nói của ngươi, ngôi vị sau này sẽ chẳng có phần ngươi.
— Ngồi xuống đi. - Tào Tháo xua xua tay, - Chu Hổ, bình sinh con có chí hướng gì?
Chu Hổ là tiểu danh của Tào Bưu, trong số các con thứ, Tào Bưu tuổi gần như lớn nhất, tài trí cũng thuộc dạng khá; nhưng nghe phụ thân gọi đến tên mình, y vẫn có chút thấp thỏm, nghĩ ngợi giây lát mới đứng dậy nói:
— Con tuổi còn nhỏ, tài hèn đức mọn, phụ quốc vi chính có phụ thân cùng các vị huynh trưởng. Con chỉ biết tuân theo giáo hóa của thánh nhân, hiếu kính với phụ mẫu, thương yêu huynh đệ, cung cẩn thủ lễ mà thôi.
Câu này của Tào Bưu nghe có vẻ tiêu cực, nhưng thực ra lại rất sâu xa. Y tự biết có Tào Phi, Tào Thực ở trên, vị trí kế thừa gia nghiệp không dễ rơi vào tay mình. Mà ngoại trừ ba đứa con trai của Biện thị, kẻ có hy vọng nhất chính là y, thực là một người thay thế tốt nhất. Cho nên y nói câu “hiếu kính với phụ mẫu, thương yêu huynh đệ” chẳng đắc tội với ai, vừa tỏ rõ mình không có dã tâm, lại lưu lại đường lùi cho bản thân, biết đâu sau này mấy vị huynh trưởng đấu với nhau trầy vi tróc vảy, y ở dưới lại được hưởng lợi! Tên tiểu tử này ngoài mặt đôn hậu, nhưng kỳ thực tâm địa không hề nông cạn.
Đám con thứ như Tào Huyền, Tào Quân tuổi đều gần nhược quán, tuy đã lớn nhưng chẳng có tài cán gì nổi trội, câu nói của Tào Bưu cũng đúng là tâm tư của bọn họ, vội vàng đứng dậy hùa theo:
— Câu của Chu Hổ cũng chính là suy nghĩ của chúng nhi tử!
Tào Tháo hết gật gù, rồi lại lắc đầu nói:
— Cung cẩn thủ lễ tuy rằng tốt, nhưng thế sự đa đoan, cũng chưa chắc sẽ được bình an một đời.
Còn với Tào Lâm, Tào Cứ, Tào Vũ tuổi vẫn còn nhỏ, vẫn chưa hiểu thế nào là chí nguyện bình sinh nên ông cũng không hỏi nữa, chậm rãi quay sang phía Tào Phi, Tào Thực.
Tào Phi tự biết những việc trước kia vẫn chưa xong, lại thấy phụ thân không hỏi đến minh, trong lòng đang thấy bất an, bỗng thấy phụ thân đề nghị:
— Ta thường ngày đọc văn chương của các con, duy chỉ có văn thái của Tử Hoàn, Tử Kiến là hay hơn cả. Hôm nay đăng đài lâm hội, lại có nhã nhạc trợ tấu, các con mỗi người hãy làm một bài thơ phú cùng vui với liệt vị đại nhân ở đây. Ai làm hay nhất ta sẽ có thưởng.
Tào Phi trong lòng đầy tâm sự, nào có tâm tư đâu để ngâm thơ xướng phú? Nhưng đám bộc đồng thì không để ý nhiều đến vậy, lập tức thu dọn tiệc rượu, bưng đến bút nghiên quyển trục - Xem ra đã chuẩn bị sẵn từ trước. Tào Phi có ý thoái thác, nhưng thấy mặt phụ thân toát lên vẻ nghiêm nghị, không cho phép từ chối, Tào Thực thì đã cầm bút viết làu làu một mạch, y đành ngán ngăm cầm bút viết: Năm Kiến An thứ mười bảy, xuân du Tây viên, lên Đồng Tước đài, cùng các huynh đệ trứ tác. Lời rằng... Y chỉ viết được lời tựa đã hết ý, sốt ruột đến mồ hôi chảy ròng ròng.
Quần thần đều thấy Tào Tháo đang cố ý thử thách tài hoa của hai con, nên cũng không tiện chen ngang, có người trò chuyện phong nhã, có kẻ cầm đũa ăn uống, có người tự mình rót nước, nhưng ai nấy đều bất giác ăn nói nhỏ nhẹ, để nhị vị công tử tĩnh tâm suy nghĩ.
Chẳng mấy chốc Tào Thực đã múa bút viết xong, thổi thổi cho khô mực, đoạn cung kính trình lên trước mặt phụ thân. Tào Tháo lẩm bẩm đọc nhỏ, thi thoảng lại gật gù mỉm cười, nhưng không hề bình luận nửa câu. Tào Phi lại càng hoảng hốt, thấy xung quanh quần thần đều đang nhìn mình, vội vắt óc suy nghĩ nhưng cũng chỉ nặn ra được vài câu là tắc tịt, đành cắn răng đứng dậy, nộp quyển trúc đến bên án của phụ thân. Tào Tháo xem xong cũng cười, nhưng đó là nụ cười nhạt.
— Vương Trọng Tuyên, Lưu Công Cán!
Vương Xán và Lưu Trinh vội vã đứng dậy bước ra khỏi bàn:
— Có thuộc hạ!
Tào Tháo đặt hai quyển trúc ra phía trước án:
— Hai người các ngươi am hiểu thơ phú, vậy hãy bình luận hai bài này hay dở ra sao.
Lưu Trinh bước tới cầm lên đọc; Vương Xán thì cúi đầu đáp:
— Chúng thuộc hạ chẳng qua chỉ là tiểu lại hầu việc bút nghiên, nào dám tự tiện bàn luận thơ văn của Ngũ quan trung lang tướng và Bình Nguyên hầu?
Tào Tháo không để hắn thoái thác:
— Không phải sợ, các ngươi cứ bình phẩm, lão phu tự sẽ quyết đoán, hơn nữa còn có chư vị đại nhân ở đây!
Vương Xán đành phải lĩnh mệnh, lựa theo thứ tự trưởng ấu, cầm quyển trúc của Tào Phi đọc giọng khẽ khàng:
Lên đài cao ngắm phong cảnh,
Đồng Tước lưng chừng thích mắt.
Đài các sừng sững trên mây,
Phòng ốc nối tận chân trời.
Chân thả bước lòng thư thảnh,
Đảo mắt lại thấy núi Tây.
Khe suối uốn lượn quanh co,
Cây cỏ rậm rịt đua chen.
Gió lạnh khẽ vờn tà áo,
Bầy chim ríu rít đâu đây.
Ngập ngừng quay bước nhìn quanh,
Dòng nhỏ chảy qua góc thành.(*)
Vương Xán đọc xong khẽ mỉm cười:
— Đài các, trên mây, khe suối, quanh co. Trung lang tướng bút pháp thực tinh tế.
Đây chỉ là một lời khen khách sáo, không thể coi là một lời bình phẩm hay; nói đoạn bèn giao lại cho Lưu Trinh.
Lưu Trinh vốn là người thẳng tính, có gì nói đó, vừa cầm lên đọc qua một đoạn đã nhíu mày nhăn mặt nói:
— Bài phú này chỉ mô tả cảnh sơn thủy, thiếu tình chí, duy có câu cuối có vẻ đi vào lòng người. Tiếc thay ý tứ vẫn còn nông thiển, chưa được khởi phát, căn bản chưa thể gọi là tuyệt phẩm! Trung lang tướng thường ngày khiển từ tạo câu rất mực cẩn trọng, vô cùng tinh diệu, cớ sao hôm nay lại chưa được như vậy?
— Thật đáng hổ thẹn, thật đáng hổ thẹn! - Tào Phi lắc đầu liên tục - Tâm tư của y lúc này làm sao có thể đặt vào việc thơ phú?
— Đọc tiếp bài của Bình Nguyên hầu đi.
Lưu Trinh như quỷ đói gặp cháo ngon, vội giật lấy quyển trúc của Tào Thực từ tay Vương Xán để đọc trước. Vương Xán biết rõ đây không phải là việc hay, bất luận thế nào cũng sẽ đắc tội một người, bèn mặc kệ cho hắn lấy mất.
— Ồ! - Lưu Trinh kêu lên một tiếng ngạc nhiên, - Đây mới thực là kiệt tác thiên cổ. - Khen xong cũng không buồn thỉnh mệnh Tào Tháo đã quay về phía quần thần sang sảng đọc to:
Noi đức sảng thánh quân rực rỡ,
Lên lâu đài hớn hở lòng xuân.
Xem công Thái thú chăn dân,
Đức cao vời đã thấm nhuần nơi nơi.
Dựng lên giữa lưng trời xanh ngắt,
Đài nguy nga bát ngát không trung.
Mỹ quan nào kém non Bồng,
Gác cao, tây vực nhìn thông nẻo đoài.
Dòng Chương Thuỷ chảy dài trong suốt,
Tưới nhuần vườn cây tốt quả tươi.
Gió xuân đầm ấm đưa hương,
Muôn chim đua hót du dương hài hoà.
Cao đẹp tựa trời mây muôn thủa,
Phúc nhà may chất chứa dài lâu.
Khắp cùng vũ trụ nhiệm mầu,
Đề cao nhân hoá, kính chầu thượng kinh.
Noi Tề, Tấn nghĩ mình hưng thịnh,
Phò thánh minh cùng sánh công lao.
Xinh tươi bền vững biết bao!
ơn sâu nước ngấm, đức cao xa đồn.
Phò tá đấng chí tôn gìn giữ
Xây thái bình thịnh trị bốn phương.
Phép trời khuôn đất đo lường.
Ánh trăng cùng với ánh dương điều hoà.
Tôn quý ấy truyền xa mãi mãi,
Thọ vô cùng, thọ với chúa Xuân!(*)
Bài Đăng lâu phú này ngôn từ hoa mỹ, khí phách cảm khái, ngụ ý thâm sâu, lại thêm giọng đọc hùng hồn trầm bổng của Lưu Trinh, quả thực đi vào lòng người. Quan liêu nghe xong ai nấy đều ghé tai nhau gật gù khen ngợi, hoàn toàn không phải là hùa theo xiểm nịnh, bài phú này thực xứng danh kiệt tác.
— Sao nào? Bài nào hay hơn?
Tào Tháo dường như cố tình hỏi câu này. Lưu Trinh rụt rè đáp:
— Thuộc hạ cho rằng bài của Bình Nguyên hầu hay hơn Ngũ quan trung lang tướng, Trọng Tuyên hẳn cũng nghĩ như vậy?
— Ừm. - Vương Xán cũng không dám nói nhiều.
— Được. - Tào Tháo đứng dậy, - Lời của Công Cán thực hợp với ý của lão phu, tỷ thí lần này Tử Kiến thắng. Ta nói được làm được, Tử Kiến đến đây, có thứ này tặng cho con.
Nói đoạn, ông vẫy vẫy tay gọi Khổng Quế tới, Khổng Quế lập tức bước ra từ phía sau bình phong, trên tay dâng một thanh bảo đao.
Tào Phi nhìn thấy bảo đao bất giác giật mình kinh ngạc: Đó chẳng phải là Bách Bích đao sao? Năm xưa khi được phong làm Ngũ quan trung lang tướng, phụ thân đã từng ban cho ta Bách Bích đao cùng những lời kỳ vọng lớn lao. Nay tam đệ cũng được ban một thanh đao hệt như vậy, thế là có ngụ ý gì?
Tào Thực quỳ xuống nhận đao, rối rít tạ ơn, Khổng Quế lựa lời nói:
— Trung lang tướng hôm nay nhã hứng làm thơ tuy không được như ý, nhưng xét cho cùng cũng đã làm phú góp vui, Thừa tướng liệu có cũng nên ban thưởng chăng?
Chút tiền Tào Phi bỏ ra coi như cũng không bị mất trắng.
Tào Tháo lại nói:
— Thắng là thắng, thua là thua, nếu như thắng thua đều như nhau, vậy còn gọi gì là tỉ thí?
— Phải phải phải! - Khổng Quế vâng dạ luôn mồm, khẽ liếc về phía Tào Phi lè lưỡi. Ta cũng nói giúp công tử rồi, nhưng lực bất tòng tâm.
Những kẻ đang ngồi đều là người thông minh, cảm thấy bầu không khí này có chút kỳ quặc, nhưng lại không thể nói gì. Lúc này bỗng thấy viên Lệnh sử Tư Mã Ý ngồi ở dãy bàn phía xa giơ tay chỉ trỏ:
— Liệt công mau xem kìa, có một bầy hồng nhạn, Thừa tướng khánh giá tân đài, ngay cả hồng nhạn cũng đến để bái yết, đây quả là điềm lành!
Mọi người ngoảnh cổ nhìn quanh, quả là có bảy tám con nhạn đang nhập bầy bay lướt qua, không đến nỗi vi diệu như lời Tư Mã Ý nói, nhưng đây chẳng phải là cách đánh lạc hướng sao? Quần thần nhao nhao phụ họa, ngay cả Tào Tháo cũng bất giác rời bàn ra xem. Nguyễn Vũ thì lại cùng Phồn Khâm, Tuân Vĩ cầm hai bài thơ phú lên xem.
Tuân Vĩ tuổi chưa đến ba mươi, nhưng vì giỏi văn chương thơ phú nên từ chức Huyện lệnh được điều chuyển vào mạc phủ, do trẻ tuổi hơn đám Ký thất nên được coi là văn đàn hậu bối; cầm thơ phú của Tào Thực mà không nỡ rời tay:
— Bình Nguyên hầu hành văn tiêu dao phóng khoáng, ngay cả những bậc thi sĩ văn nhã tiền bối cũng không sánh bằng. Giống như câu “Dựng lên giữa lưng trời xanh ngắt, Đài nguy nga bát ngát không trung”, “Khắp cùng vũ trụ nhiệm mầu, Đề cao nhân hoá, kính chầu thượng kinh.” Cho dù Sái Bá Giai phụ sinh, Biên Vàn Lễ tái thế cũng chỉ được như vậy.
Phồn Khâm lại càng tán thưởng:
— Ta thấy câu “Noi Tề, Tấn nghĩ mình hưng thịnh, Phò thánh minh cùng sánh công lao” là tuyệt nhất! Nghĩ đến công lao cái thế của Thừa tướng, Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công há có thể sánh kịp?
Ông ta tuy là cao thủ văn đàn nhưng bản tính lại hay xiểm nịnh, không bỏ qua cơ hội này để nịnh bợ Tào Tháo.
Nguyễn Vũ thì lại liên tục lắc đầu, cầm bài của Tào Phi lên:
— Từ thời Hoàng Đế, Linh Đế đến nay, văn nhân đa phần ái mộ văn phong phù hoa mà thiếu đi cái ý chất phác, dung dị. Năm xưa Trương Hoành, Đỗ Đốc ngâm thơ họa phú nội hàm thâm ý, đi vào lòng người, nhưng hậu nhân ngày càng ít người sánh kịp, chỉ chăm chăm vào cái đẹp của câu từ. Như bài Lỗ Linh Quang điện phú của Vương Diên Thọ, bài Chương Hoa phú của Biên Nhượng, tuy ngôn từ diễm lệ thật đấy, nhưng dùng cả ngàn lời hay mà vẫn khiến người nghe cảm thấy khiên cưỡng, hời hợt, tựa như không phải xuất phát từ tình thành ý thực. So với Bình Nguyên hầu mà nói, bài của Trung lang tướng tuy khó có thể coi là đặc sắc, nhưng cũng đúng quy củ, không hề khoa trương. Câu “Ngập ngừng quay bước nhìn quanh, Dòng nhỏ chảy qua góc thành” toát lên ý tráng trí khó được thỏa nguyện, trung lang tướng “dòng nhỏ ngập ngừng”, e là có tâm sự gì đó!
Câu này còn chưa nói xong bỗng thấy có kẻ chen ngang:
— Hừ, ngươi quả là rất hiểu tâm ý của nó!
Không biết từ lúc nào Tào Tháo đã đứng sau lưng ông ta. Phồn Khâm vội cúi đầu bẩm:
— Chúng thuộc hạ tài hèn đức mọn, lạm bàn vài câu thi từ, để Thừa tướng chê cười...
Tào Tháo không buồn để ý đến ông ta, chỉ nhìn chằm chằm Nguyễn Vũ:
— Ngươi nói nó có tâm sự, lẽ nào ngươi không có tâm sự gì?
Nguyễn Vũ không ngờ rằng chỉ vì mấy câu nói mà chuốc vạ vào thân, vội vàng biện giải:
— Thuộc hạ phẩm bình thi văn nói năng hàm hồ, có chỗ nào không thỏa mong Thừa tướng lượng thứ...
Tào Tháo không hề coi những lời của ông ta chỉ là những lời bình phẩm đơn thuần, cười nhạt nói:
— Nói nâng hàm hổ? Ta thấy ngươi dường như có ý gì đó. Chỉ với quan hệ giữa ngươi và Tử Hoàn, tất nhiên sẽ nói rằng thi phú của nó hay. Ta hỏi ngươi, đêm trước ngày xuất chinh Quan Trung, ngươi cùng bọn Đậu Phụ mật bàn những gì trong phủ trung lang tướng? Chuyến du hí đến Nam Bì có ngươi không?
Nguyễn Vũ lại càng khiếp hãi:
— Thuộc hạ cùng Lưu Trinh quả thực từng qua lại với trung lang tướng, nhưng...
— Chớ có kéo kẻ khác vào hùa. Lưu Trinh vui cười giận mắng, bản tính vô tâm, ngươi và hắn há có giống nhau? Ta thấy ngươi đang âm mưu nhăm nhe làm công thần phò tá hả?
Nguyễn Vũ thực sự không biết nói gì hơn, ông ta là một văn nhân, cố nhiên sẽ gần gũi hơn với Tào Phi, nhưng xưa nay chưa từng can dự vào những chuyện thị phi kia, Tào Tháo gán cho tội danh lớn như vậy, ông ta há có thể chịu được? Lập tức quỳ sụp xuống đất:
— Thuộc hạ không dám! Thuộc hạ chỉ cùng trung lang tướng luận văn hội hữu, tuyệt đối không dám có ý gì khác!
Tào Tháo sắc mặt không hề thay đổi:
— Ngươi chỉ là một viên thư lại múa bút mài mực, chuyện chính sự không được phép hỏi đã đành, huống hồ là việc gia sự của lão phu? Hôm nay nếu không trị ngươi, chỉ e khó có thể làm gương cho những kẻ mưu đồ hạnh tiến!
Án oán phụ tử, thư sinh nào gây nên tội gì? Nhưng Nguyễn Vũ dù một bụng ấm ức cũng không dám kêu oan gì nữa, chỉ liên tục dập đầu:
— Thừa tướng khai ân, Thừa tướng khai ân...
Trần Lâm, Vương Xán, ứng Sướng cũng vội cầu xin:
— Chúng thuộc hạ ngày ngày bầu bạn với Nguyễn Vũ, biết tính ông ấy lạc thiện hỷ giao, không hề có tâm địa, mong Thừa tướng khoan dung.
Lưu Trinh biết rõ chuyện này mà khơi ra thì thể nào cũng liên lụy đến mình, muốn khuyên cũng không dám khuyên, chỉ đứng ngây ra như tượng gỗ. May thay Tào Thực thi phú cao siêu, nếu như hôm nay Tào Phi mà thắng, chuyện này thật phiền phức to!
Quốc Uyên, Từ Tuyên cũng đến đỡ lời:
— Nguyễn Viên Du thụ học Sái Bá Giai, văn thái nổi danh tứ phương. Mong Thừa tướng niệm tình thanh danh vi mọn của người này mà khoan thứ cho.
Họ không khuyên đã đành, khuyên như vậy Tào Tháo lập tức trợn mắt:
— Vương Doãn giết được Sái Ung, lẽ nào lão phu không giết được một tên Ký thất?
— Phụ thân xin hãy nguôi giận... - Việc đến nước này Tào Thực mới mở lời, - Đức khoan dung nhân hậu của phụ thân truyền khắp thiên hạ, lại nổi danh yêu hiền mến sĩ. Cầu hiền lệnh trước kia có câu “xét tài mà cử, để ta dùng họ”. Nguyễn Vũ kia chẳng qua chỉ là một viên thư tá, tài trí chỉ dùng trong việc tạo câu ngẫm cú, cho dù trong lòng có ý hạnh tiến, thân phạm vào tội tư thống, há lại có thể gây nên đại họa? Nay nếu phạt tội tuy đúng về lý, nhưng chỉ e ảnh hưởng đến cái tiếng yêu tài mến sĩ của phụ thân, khiến những kẻ sĩ sau này thấy vậy mà sinh lòng e ngại. Năm xưa Tấn Văn Công tha cho hoạn quan Bột Đề tội truy sát, dẹp yên loạn Lã, Khích; Sở Trang Vương dung thứ cho lỗi lầm của Đường Giao ở Tuyệt Anh hội, nhờ vậy mới có được công lao chinh phạt nước Trịnh. Sinh tử của Nguyễn Vũ là chuyện nhỏ, minh đức của phụ thân mới là chuyên lớn, con khẩn thỉnh phụ thân suy xét lại.
Tào Thực nói câu này tuy không hề phủ nhận tội lỗi của Nguyễn Vũ, cũng không nói rằng ông ta hữu danh hay không, mà lại lấy câu từ trong Cầu hiền lệnh ra, dùng giáo của ông dâm khiên của ông, lại so sánh phụ thân với những bậc bá chủ thời Xuân Thu, khéo léo nịnh bợ. Nghe qua có vẻ nhẹ nhàng nhưng câu nào câu ấy đều nói đúng tim đen của Tào Tháo. Quốc Uyên, Trần Lâm thầm đưa mắt nhìn nhau - Lời tấu quả thực thông minh, vậy mà tam công tử cũng nghĩ ra được!
— Con ta nói rất có lý. - Tào Tháo nộ khí nguôi bớt mấy phần, lại liếc nhìn Nguyễn Vũ, - Nể mặt Bình Nguyên hầu, lão phu tha mạng cho ngươi, nhưng vẫn phạt ngươi trong ba ngày phải viết một bản hịch văn gửi cho Giang Đông. Nếu quá hạn không xong, ta sẽ phạt ngươi liền hai tội!
— Tạ ơn Thừa tướng... Tạ ơn Bình Nguyên hầu... - Nguyễn Vũ nước mắt nước mũi giàn giụa, dập đầu lia lịa như gà mổ thóc.
Tào Phi sợ hãi đứng ở một bên không nói nửa câu. Giết gà dọa khỉ, trừng trị Nguyễn Vũ không phải nhằm đến y sao? So tài thơ phú đã thua rồi, đến lúc này ai cũng có thể nhìn ra, Tào Tháo đã coi trọng Tào Thực hơn y...
Duyện thuộc của trung lang tướng
Tào Phi không ngờ rằng phụ thân lại cho gọi khi bên ngoài trời đã khuya, lại càng không ngờ rằng địa điểm triệu kiến lại là chính đường tây viện của mạc phủ. Từ khi bắt đầu xây dựng mạc phủ, Tào Tháo đã truyền lệnh, tất thảy sự vụ quân chính đều phải xử lý ở Thính Chính đường của đông viện, tây viện chỉ mở khi xử lý những sự kiện trọng đại, nhưng đến nay việc xây dựng mạc phủ đã hoàn thành hơn hai năm, tây viện vẫn chưa từng mở lần nào, lại càng không có ai đặt chân đến chính đường tây viện.
Nhưng Tào Phi trong lòng hiểu rõ, trải qua hàng loạt những sự kiện như lần phản loạn Hà Gian, Lưu Huân bị giam vào ngục, phụ thân trước sau cũng sẽ gửi cho mình thông điệp cuối cùng. Y không mang theo kẻ hầu nào, vội đến trước cửa đại môn tây viện mà trong lòng thấp thỏm âu lo. Cánh cửa môn lầu khá giống với cửa Tư Mã ở đông viện này được gọi là “Chỉ Xa môn”, bất luận người có quan tước hay thân phận nào, hễ muốn đi qua cửa đều bắt buộc phải xuống ngựa xuống xe để bày tỏ sự tôn trọng với Thừa tướng. Những ngày thường cánh cửa này cũng không mở, nhưng hôm nay thì khác, Chỉ Xa môn to lớn đã mở sẵn một cửa, Hứa Chử tự mình cầm đèn lồng thủ gác phía trước. Có thể thấy rằng ông ta phụng mệnh đứng đây đợi sẵn.
Hứa Chử chỉ hỏi han Tào Phi đôi câu rồi không nói nửa lời, dẫn y vào bên trong. Đông tây viện mặc dù khuôn viên tương đồng, cách cục tương tự, nhưng tây viện có vẻ rộng thoáng hơn, ở giữa có một đạo nghi môn, hai bên tả hữu cũng không có phòng ở liền kề san sát của duyện thuộc, trong màn đêm tối thẫm lại càng hiện lên vẻ cô tĩnh, trống trải. Xuyên qua cửa nghi môn là đến đại viện của chính đường, tòa viện lạc này rộng rãi hơn hẳn đông viện, độ hoành tráng thì ngay cả Thính Chính đường cũng không thể sánh bằng.
Nhưng trong đại đường lúc này chỉ điểm mấy ngọn nến lẻ loi, tỏa ra thứ ánh sáng lờ mờ, lắc lư trong gió, toát lên vẻ u ám, cô quạnh, ở cửa chỉ có một tên vệ binh khôi giáp chỉnh tề, đứng câm lặng trong đêm. Hứa Chử đi đến bên thềm thì dừng lại:
— Không được Thừa tướng cho phép bỉ chức không được vào. Trung lang tướng, xin mời!
Nói đoạn liền quay lưng bước đi. Tào Phi khẽ rùng mình, khó liệu được điều gì đang chờ đón mình. Lẽ nào phụ thân sẽ phế chức Ngũ quan trung lang tướng của ta? Khổng Quế rốt cuộc là có nói đỡ cho ta hay không? Việc đến nước này có nghĩ cũng chẳng để làm gì, y liền lấy can đảm xốc áo bước nhanh vào điện đường, thong thả quỳ xuống trước cửa:
— Nhi tử tham kiến phụ thân.
Lúc sau mới nghe thấy giọng nói vang lên từ bên trong:
— Vào đi.
— Vâng.
Tào Phi không dám ngẩng đầu lên, nhấc áo bước qua bậc cửa, rồi vội vàng quỳ lạy lần thứ hai.
Tào Tháo cũng không bảo y bình thân, chỉ chậm rãi nói:
— Ngươi ngẩng đầu lên...
— Vâng.
Tào Phi y lệnh mà làm, lúc này mới phát hiện ra nơi đây không chỉ có mình phụ thân, mà còn có ba người nữa ở trong điện đường. Trong đó hai vị dường như đã có tuổi, âm thầm ngồi trong góc tối, bên cạnh còn chống quải trượng; còn có một người trông rất trẻ tuổi, đứng hầu phía sau hai vị kia. Nhưng do xung quanh nửa mờ nửa tỏ, chỉ có thể nhìn thấy đại khái hình dung khuôn mặt chứ không thể nhận ra ai. Còn phía sau giá nến trên soái án, Tào Tháo đang ngồi trầm tư, nét mặt toát lên vẻ tư lự, ánh nến u ám chiếu rõ từng nếp nhăn, từng sợi tóc bạc của ông.
Lúc này Tào Phi mới chợt nhận ra rằng, phụ thân đã mệt mỏi đến vậy, già nua đến vậy. Y nén nỗi bất an nặng nề trong lòng, gượng cười nói:
— Trời đã không còn sớm nữa, phụ thân gọi nhi tử vào có việc gì dặn dò sao?
— Nhiều việc không thuận, trong lòng phiền muộn, ta sao có thể ngủ được?
Tào Tháo cầm chiếc bình sứ nhỏ trên soái án lên, mở nắp rồi nhẹ nhàng nhấp một ngụm, vừa chép miệng vừa nhìn con trai.
Tào Phi liền thấy căng thẳng, cố tìm chuyện để nói:
— Phụ thân đang dùng loại thuốc khai hung thuận khí gì vậy?
— Đây là chậm tửu(*).
Tào Phi tưởng mình nghe nhầm:
— Gì cơ ạ?
— Chậm tửu.
Tào Tháo thản nhiên nhắc lại.
— Phụ thân, người...
Tào Phi hoảng hốt đứng bật dậy, hai vị lão tiên sinh đang ngồi bên cạnh cũng giật mình mò tìm quải trượng, lẩy bẩy mãi vẫn không đứng lên được.
— Hà hà... - Tào Tháo bật cười, - Các ngươi hoảng hốt gì chứ? Thê nhân đều biết chậm tửu có độc, mà không biết rằng trong thiên hạ này, những thứ trị được bệnh cũng đều có độc. Những thứ như giã cát, chậm tửu, mã tiên tuy có độc, nhưng dùng ít lại có thể dưỡng sinh.
Tào Phi toát mồ hôi lạnh:
— Phụ thân chớ nên nghĩ vậy, tốt nhất là không nên uống thứ đó nữa.
— Yên tâm đi, Lý Đương Chi tinh thông dược tính, hắn cũng nói rằng uống ít thì vô hại. Hơn nữa ta uống thường xuyên thì sẽ thành quen, sau này cho dù có kẻ muốn hạ độc lão phu cũng chẳng thể đắc thủ, đây gọi là dĩ độc trị độc! - Tào Tháo ngắm nghía chiếc bình nhỏ trên tay, sắc mặt hiện lên vẻ u ám, - Ví như ngươi phạm phải những lỗi lầm kia, cũng chưa chắc đã là chuyện xấu...
Tào Phi thấy ông trở về chủ đề chính, vội vàng cúi đầu nói:
— Nhi tử biết lỗi rồi.
Tào Tháo thở dài một tiếng, đứng dậy thong thả bước đi:
— Lão phu tung hoành thiên hạ tới nay đã vài chục năm, tuy không dám xưng rằng anh minh một đời, nhưng cũng coi như không có điều gì hổ thẹn. Chỉ là càn khôn chưa yên mà tuổi già đã ập đến, hy vọng có thể tìm được một nhi tử xứng đáng để truyền lại đại nghiệp. Nào ngờ Ngang nhi chết trận, Xung nhi chết yểu, trọng trách này mới rơi vào tay ngươi. - Cho đến giờ khi nhắc đến Tào Ngang, Tào Xung ông vẫn vô cùng nuối tiếc, - Tiếc thay tài trí của ngươi không rộng, đức hạnh cũng không sâu, lại hành sự bất cẩn, thực đã phụ lại sự kỳ vọng của ta. Vì vậy ta có ý phế bỏ chức Ngũ quan trung lang tướng của ngươi, chọn một người khác kế thừa chức này.
— Phụ thân! - Tào Phi bỗng thấy trời đất quay cuồng, máu trong người như thể đã bị rút sạch, quỳ mọp xuống nền gạch, - Con biết sai, con biết sai rồi! Mong phụ thân thu lại ý định...
— Nhưng... - Tào Tháo lại cao giọng nói, - Không dạy bảo mà đã giết, gọi là ác nghiệt. Không răn đe mà chỉ muốn thấy thành tựu, gọi là tàn bạo. Huống hồ ngươi là trưởng tử, thực sự không dễ phế bỏ, cho nên... ta sẽ cho ngươi một cơ hội nữa.
Tào Phi gần như nằm bệt xuống đất:
— Tạ... Tạ ơn phụ thân, con nhất định sẽ... nhất định...
— Ta không muốn nghe những lời thề bồi đó nữa. - Tào Tháo không mảy may xúc động, - Trước kia ta ban cho ngươi một thanh Bách Bích đao, nay cũng ban cho Tử Kiến một thanh, như vậy nghĩa là gì có lẽ ngươi cũng hiểu. Người xưa có câu “Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn, sự tại dị nhi cấu chư nan.”(*)
Ông đưa tay chỉ về phía soái vị của mình:
— Vị trí này sẽ do ai ngồi lên, phải xem xem người đó tài cán đến đâu, nỗ lực đến nhường nào, chứ không phải có bao nhiêu người nói rằng người đó phù hợp. Ngươi hiểu chưa?
— Nhi tử hiểu rồi.
Tào Phi ấp úng đáp lời.
— Lương Mậu là một bậc lương thần hiền sĩ trứ danh thiên hạ, ta vốn muốn để ông ấy giáo đạo cho ngươi, tiếc thay ông ấy bản tính quá lương thiện, nhu nhược, không thể thay ta quản giáo con cái. Vì vậy, ta đã chọn ra hai vị tiên sinh bôn ba từng trải, xử thế lão luyện, có thể giúp cho ngươi.
Hai vị lão tiên sinh ngồi bên chống gậy từ tốn đứng dậy, lúc này Tào Phi mới nhìn rõ, thì ra là Trương Phạm và Bính Nguyên.
Bính Nguyên, tự Căn Củ, là nhân sĩ trứ danh vùng Bắc Hải, từng ẩn cư ở Liêu Đông gần hai mươi năm, Tào Tháo được sự trợ giúp của Khổng Dung, phải vô cùng tốn công nhọc sức mới mời được ông ta về Trung Nguyên, đảm nhận chức Chinh sự(*) trong mạc phủ.
Trương Phạm, tự Công Nghi, danh sĩ Hà Nội, cũng được Tào Tháo chiêu vời nhiều năm, mãi đến sau trận đại chiến Xích Bích mới trở về đất bắc, được phong chức Thị trung trong triều đình, còn ở mạc phủ ông ta nhận chức tham quân.
Hai vị này đều là những bậc danh sĩ thanh lưu tiền bối, tuổi tác cũng đã cao, tuy có chức vị nhưng xưa nay chưa từng xử lý chính sự, chỉ lo chuyện chỉnh đốn triều phong.
Tào Tháo đứng dậy, chậm rãi bước đến trước mặt Tào Phi:
— Ta quyết định mời Bính tiên sinh hạ cố đến phủ của ngươi nhận chức Trưởng sử. Trương tiên sinh tuy tuổi tác đã cao, lại hay bệnh tật, nhưng cũng có thể tham gia xử lý mọi việc trong phủ. Từ nay về sau ngươi làm bất cứ việc gì cũng phải thỉnh giáo hai vị lão tiền bối này.
Hai vị tiên sinh này đều là những người vô cùng nghiêm khắc, năm xưa Tào Xung yểu mệnh chết sớm cũng đúng vào lúc con gái nhỏ của Bính Nguyên chẳng may qua đời, Tào Tháo đã đề nghị hợp táng để cả hai đứa trẻ kết mối âm thân. Nếu là người khác thì có muốn cũng không được, vậy mà Bính Nguyên lại không muốn leo cành cao, sống chết không chịu kết mối “quỷ thân thích” ấy. Ngay cả Tào Tháo cũng không nể mặt, huống hồ là Tào Phi? Còn Trương Phạm thì gừng càng già càng cay, được phong hai chức quan cao cả ở trong triều lẫn mạc phủ, xử trí mọi việc vô cùng đúng mực, nhìn xa trông rộng, Tào Tháo còn phải nể ông ta vài phần. Phái hai ông lão này đến chỗ Tào Phi, Tào Tháo hẳn là muốn để họ thay mình quản giáo con cái. Tào Phi trong lòng thầm kêu khổ, nhưng vẫn phải dùng đại lễ tham bái:
— Vãn sinh tài hèn đức mọn, ngày sau ắt phải cậy nhờ hai vị lão tiên sinh.
Hai vị Bính, Trương cử động khó khăn, chỉ gật gật đầu, thị ý cho y mau đứng dậy. Tào Tháo lại nói:
— Bên cạnh ngươi toàn những kẻ chẳng ra thể thống gì cả. Ta sẽ cho ngươi một vị bằng hữu đức hạnh chính phái... Thúc Nghiệp, mau đến bái kiến trung lang tướng!
— Tại hạ bái kiến trung lang tướng. - Người trẻ tuổi kia bước đến trước mặt Tào Phi vái dài một lễ.
Tào Phi giật mình, lúc này mới phát hiện ra người trẻ tuổi kia chính là Bào Huân, con của Bào Tín, trong lòng chán nản vô cùng, nhưng vẫn cố nặn ra vài lời hàn huyên:
— Thì ra là Thúc Nghiệp hiền đệ, sau này mong rằng chúng ta sẽ thân thiết hơn.
Bào Huân nghiêm giọng nói:
— Sự quân sác, tư nhục hĩ; bằng hữu sác, tư sơ hĩ(*). Vãn sinh và tướng quân tuy là thế giao, nhưng chức phận thì xếp trên dưới, chỉ mong luôn được thủ lễ, tuyệt đối không dám tiếm vượt.
Hắn ta vẫn giữ bộ dạng mọt sách, mở miệng là nói những lời đạo nghĩa to tát. Tào Tháo lại rất lấy làm hài lòng, vỗ vỗ vai Bào Huân nói:
— Thúc Nghiệp không hổ danh là con của Bào Nhị Lang, không chỉ siêng năng đèn sách, am hiểu thư thi mà còn đức hạnh phương chính, ngôn hành thủ lễ... Tử Hoàn, từ nay về sau hắn sẽ đến phủ ngươi nhận chức.
— Vâng...
Tào Phi miễn cưỡng đáp tạ. Hai vị tiên sinh Bính, Trương lại ngồi xuống, Bào Huân quay lại đứng sau lưng bọn họ, Tào Tháo bước thêm một bước ghé sát tai Tào Phi:
— Người ta thường nói “Bồng sinh ma trung, bất phù tự trực. Bạch sa tại nê, dữ chi cự hắc.”(*) Ngươi đã hai mươi sáu tuổi rồi, phận làm cha như ta cũng không muốn can dự vào việc giao bè kết bạn của ngươi. Nhưng chỉ e những kẻ đó sẽ khiến ngươi bê tha, nên không thể không quản. Tên lệnh sử Ngô Chất suốt ngày ở cạnh ngươi ton hót nịnh nọt, sớm phải trị tội mới đúng. Nhưng lão phu niệm tình hắn có chút tài mọn nên chưa hạch tội, vừa hay chức Huyện lệnh Triều Ca đang bỏ trống, ta sẽ điều hắn đi, không cho phép hắn lưu lại Nghiệp Thành lâu hơn nữa. Còn với Nguyễn Vũ, ta đã phạt hắn khởi thảo hịch văn gửi cho Tôn Quyền, sau này cũng không được tùy tiện đến phủ của ngươi nữa.
Tào Phi càng cảm thấy bất an: Đậu Phụ chết trận ở Vị Thủy, Lưu Uy phạm tội bị bắt đi đày, Ngô Chất nhận chức Huyện lệnh bên ngoài, Nguyễn Vũ thì bị trừng phạt, cả đám bằng hữu thân cận đều đã ly tán, còn bản thân ta chịu trận một mình ở phủ, chỉ e sau này khó sống đây. Nào ngờ y còn chưa nghĩ xong, Tào Tháo đã nói tiếp:
— Còn cả tên giả tư mã Chu Thước kia nữa... Thị nữ Quách thị trong phủ là do hắn giúp ngươi mang về phải không?
Tào Phi nghe thấy câu này như sét đánh ngang tai, chẳng thể ngờ được một chuyện tư mật như vậy mà phụ thân cũng biết, vội vàng phủ phục xuống đất một lần nữa:
— Nhi tử biết tội rồi...
Điều bất ngờ là Tào Tháo chỉ cười nhạt một tiếng:
— Một thị nữ quèn thì đáng là gì? - Kỳ thực bản thân Tào Tháo chẳng phải cũng là kẻ phong lưu đa tình hay sao? Xưa nay ông chưa từng coi nữ nhân là chuyện gì to tát, nhưng điều ông không thể chấp nhận là một viên trung quân tư mã lại can thiệp vào việc nhà của mình, - Năm xưa ta đã không thích tên Chu Thước này, nhưng ngươi vẫn một mực muốn kết giao. Nếu như đã coi trọng hắn như vậy, bắt đầu từ hôm hay ta sẽ bãi miễn tất thảy chức vị của hắn, bảo hắn đến phủ ngươi an phận làm một tên nô tài đi!
Tào Phi tê tái mặt mày, ngoài việc cúi đầu tạ tội ra thì chẳng nói được câu nào.
— Tất cả những việc ngươi làm ta đều biết cả, những kẻ ở bên cạnh ngươi ta cũng biết.
Vừa nói Tào Tháo vừa hướng ra cửa vẫy vẫy tên lính kia vào, sau đó lại hỏi Tào Phi:
— Người này ngươi có quen không?
Tào Phi nãy giờ không mấy để ý, nhíu mắt nhìn kỹ một hồi mới nhớ ra, thì ra là tên vệ binh chuyên canh gác ngoài cửa hành dinh trướng trung quân hồi Tào Phi chủ trì sự vụ trong quân; thoáng chốc đã hiểu ra mọi chuyện: Lẽ nào những lời Trình Dục nói với ta, còn cả việc ta nạp thêm Quách thị, phụ thân biết được đều do có kẻ mách lẻo, đúng là bờ tường có tai! Nghĩ đến đây y càng cảm thấy hoảng hốt, ngay cả những tên tiểu binh bên cạnh cũng có thể là tai mắt, Nghiệp Thành này quả là nơi đáng sợ!
Tào Tháo cười nhạt nói:
— Tên hắn là Lưu Triệu, chỉ là một tên tiểu tốt, nhưng hắn rất trung thành với ta, nghe ngóng được bất cứ điều gì cũng báo lại cho ta biết. Thế nên ta sẽ đề bạt hắn lên chức hiệu sự, sau này cùng bọn Lư Hồng, Triệu Đạt làm việc cho lão phu.
Thái độ này chẳng khác gì rung cây dọa khỉ, Lưu Triệu không nghĩ nhiều đến vậy, lập tức quỳ xuống tạ ơn:
— Tạ ơn Thừa tướng đề bạt, tiểu nhân dù có xông vào biển lửa cũng quyết làm tròn chức phận!
Tào Tháo cười khẩy dặn dò:
— Ngươi chỉ có một người chủ duy nhất là lão phu. Trước kia ngươi làm rất tốt, nhất định phải nhớ kỹ, cho dù là người nào làm sai bất cứ chuyện gì, đều phải báo lại cho lão phu!
Nói đến đây ông khẽ ném về phía Tào Phi một cái nhìn đầy hàm ý, khiến Tào Phi giật mình run rẩy - Giữa phụ tử với nhau còn đề phòng như vậy, huống hồ là người ngoài? Tào Tháo cũng cảm thấy những lời cảnh cáo mập mờ như vậy là đủ, bèn xua xua tay:
— Đứng dậy đi. Tháng sau ta sẽ nam hạ chinh thảo Tôn Quyền, lần này ngươi cũng xuất chinh cùng quân, Tử Kiến lưu thủ Nghiệp Thành.
Tào Phi trong lòng càng cảm thấy mông lung: Lần trước ta lưu thủ, tam đệ theo quân; lần này tam đệ lưu thủ, ta lại theo quân, phụ thân đang muốn so tính sở trường sở đoản của chúng ta đây mà! Trong lòng nghĩ vậy nhưng ngoài miệng vờ che đậy:
— Tây chinh trở về chưa được nửa năm, nay lại phải nam hạ, phụ thân hãy giữ gìn sức khỏe.
— Chuyện ngay mai không thể chờ đợi, chuyện đã qua không thể níu kéo, thiên hạ còn chưa yên ắt phải nhọc sức thôi! - Tào Tháo chậm rãi bước đến bên cửa điện đường, - Lần trước chinh thảo Quan Trung là muốn trừ hậu họa, để lần này rảnh tay chinh phạt Tôn Quyền. Như nay Tôn Quyền đã đi trước một bước, chia binh ở Giang Bắc. Binh pháp có câu: “Tháo đao bất cắt, thất lợi chi kỳ; chấp qua bất phạt, tặc nhân tương lai.”(*) Trận chiến này không thể chờ đợi hơn được nữa. Ta vốn muốn đợi hoàn thành một số việc rồi mới xuất chinh, nhưng...
Tào Tháo nói đến đây bỗng nhiên ngưng bặt, ngước mắt trông về phía tây nam, ánh mắt sâu thẳm của ông như nhìn xuyên qua cả màn đêm mông lung, bay tới tận Hứa Đô xa xôi. Ông chần chừ chưa thể phát binh, điều ông chờ đợi mãi vẫn chưa xảy đến là gì?
Trong thời khắc bước ra khỏi đại đường, Tào Phi bất giác đưa tay lau mồ hôi lạnh trên trán. Những sai lầm trong quá khứ coi như đã được bỏ qua, nhưng ưu thế là Ngũ quan trung lang tướng của y coi như đã tan thành mây khói, bắt đầu từ ngày mai y lại trở về khởi điểm như của Tào Thực, cuộc tranh ngôi đoạt vị lại bắt đầu lại từ đầu. Y quay đầu nhìn, đôi mắt hằn lên vẻ oán trách, bỗng giật mình kinh ngạc; lúc đến không kịp để ý, không biết từ lúc nào mà chính đường tây viện đã gắn một tấm biển, trên đó viết ba chữ triện nét bút vô cùng chỉnh tề - Văn Xương điện.
Không phải chữ “đường” mà là “điện”, chỉ có thiên tử và vương công mới được dùng điện!
Tào Phi mang theo tâm sự trĩu nặng rời khỏi mạc phủ, trở về phủ đệ của mình. Tâm trạng của y hiện giờ cũng giống như màn đêm kia, con đường phía trước rốt cuộc sẽ phải đi ra sao đấy? Đến nay y vẫn chưa biết được, phụ thân tại sao lại giày vò mình đến vậy. Hà Gian phản loạn y đã gánh vác tất thảy trách nhiệm, nhưng phụ thân vẫn nhất quyết không chịu bỏ qua, cứ thế vin vào những chuyên vặt vãnh như tặng gấm lụa, chuyến du hý ở Nam Bì để dằn vặt y, rốt cuộc phụ thân đang nghĩ gì... Chẳng mấy chốc đã về đến trước cửa phủ, Tào Phi ngẩng đầu nhìn tấm biển “Ngũ quan trung lang tướng phủ” rồi thẫn thờ đứng đó, bỗng nghe có tiếng nói vọng ra từ góc tối:
— Đại công tử, ngài về rồi sao?
— Quý Trọng? - Tào Phi giờ như chim sợ cành cong, vội vã bước đến đưa tay bịt miệng Ngô Chất lại, - Bờ tường có tai, chớ nên nói nhiều!
Ngô Chất nhẹ nhàng đẩy tay y ra:
— Công tử xin chớ sợ, sáng mai tại hạ phải đến Triều Ca nhận chức Huyện lệnh rồi, hôm nay tới đây để cáo từ. Quân tử đường đường chính chính, tiểu nhân thường rụt rè lo sợ. Những lời tại hạ nói không sợ kẻ khác nghe thấy, cho dù có nghe thấy hẳn cũng không làm tổn hại đến công tử.
Tào Phi vẫn không yên tâm, nhìn quanh một hồi mới thở dài khẽ nói:
— Ây dà... Tại sao ta lại đến bước đường cùng này chứ!
Ngô Chất vẫn bình tâm tĩnh khí như vậy:
— Tại hạ đã từng nói với ngài rồi đó thôi, “Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh.”(*) Ngài là trưởng tử của Thừa tướng, cần phải dụng tâm vào những việc quốc gia đại sự. Nếu biết xử trí công việc không biết mệt mỏi, thi hành công việc thì tận tâm tận sức, còn phải lo đến chuyện ngôi vị ngày sau? Càng cầu nhiều ước muốn lại càng khiến lệnh tôn nghi kỵ, đến cuối cùng chỉ gậy ông đập lưng ông.
Tào Phi lắc đầu liên tục:
— Ta không hiểu, ta quả thực không hiểu, rốt cuộc ta sai ở chỗ nào?
— Tại hạ cả gan hỏi một câu, công tử cho rằng lệnh tôn là người như thế nào?
Tào Phi không hiểu:
— Quý Trọng lời này có ý gì?
Ngô Chất khẽ mỉm cười:
— Lệnh tôn không chỉ là Thừa tướng đương triều mà còn là bậc hùng kiệt đương thế. Bôn ba chiến trận, tung hoành ngang dọc, chưa cần luận đến chiến công lẫy lừng, chỉ cần xét ở đạo chấp chính, tài thi phú của ngài ấy hiện giờ có ai sánh bằng? Tài trí của Thừa tướng vang danh thiên hạ, lại danh vọng cửu ngũ, tuổi tuy đã quá ngũ tuần mà vẫn một bầu hùng tâm tráng trí. Một bậc tài trí phi thường, đại quyền lại nắm trong tay như vậy, há có thể chấp nhận cho kẻ khác ngấm ngầm kéo bè kết đảng sau lưng mình? Công tử sai là sai ở việc mua chuộc nhân tâm, tự dựng thanh danh, lại còn tự ý xông vào doanh trại mưu đoạt quyền bính, đây chẳng phải là mở cửa rước họa vào thân sao? Cần phải hiểu rằng, công tử đối với Thừa tướng không chỉ là phận cha con mà còn là lẽ quân thần. Giữa quân thần há có thể dùng đạo phụ tử để xử trí?
Những lời này thực như gió xua tan mây mù, Tào Phi phút chốc đã bừng tỉnh ngộ: Thì ra là như vậy! Chẳng trách ta chiêu mộ bằng hữu càng nhiều, phụ thân lại càng nghi ngờ ta; thần liêu thay ta nói lời hay càng nhiều, phụ thân lại càng ghét bỏ ta. Sinh ra trong một gia tộc không phải quân vương cũng chẳng phải thần tử này, xem ra tất thảy đều không thể xử trí theo lẽ thường được! Hiểu được điều này, Tào Phi bất giác cười khổ:
— Tiếc rằng Đậu Phụ đã mất, Lưu Uy bị định tội, Nguyễn Vũ bị cấm túc, nay ngay cả ngươi cũng phải đi rồi. Sau này ta biết phải làm sao?
Ngô Chất chậm rãi đáp:
— Bậc minh giả khi xử thế đều quý ở chỗ ung dung, tự tại, thuận theo trung đạo, không khiên cưỡng hay mưu cầu những điều to tát. Kỳ thực công tử chỉ cần làm tròn đạo hiếu đễ, hành xử khoan hậu thì chắc chắn giữ được vị thế trưởng tử, đến lúc đó tự khắc sẽ có những bậc trung thần lương sĩ đi theo phò giúp. Lão Tử có câu “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.”(*)
Tào Phi hối hận sâu sắc vì bấy lấu chỉ biết nhìn gần mà chẳng biết trông xa, chỉ ham cái lợi trước mắt mà bỏ qua đại cục, không sớm nghe theo lời can gián của Ngô Chất, - Ngươi nói đúng, nhưng nếu nhỡ may có kẻ muốn hãm hại ta thì sao?
— Muốn hết lạnh chi bằng mặc áo ấm, muốn ngăn người đời đàm tiếu chi bằng tự mình tu dưỡng. Công tử chỉ cần làm tốt những việc của mình, hà tất phải để ý đến kẻ khác đang mưu đồ điều gì? Nếu thực sự việc không thể giải quyết được...
Ngô Chất ghé sát tai nói:
— Tại hạ tuy đã đi rồi, vẫn còn Tư Mã Ý ở Nghiệp Thành, người này thông tuệ không kém gì tại hạ, công tử có thể âm thầm xin kế từ hắn ta. - Nói xong liền chắp tay vái, - Tại hạ sáng mai rời khỏi Nghiệp Thành, mong công tử bảo trọng, ngày sau sẽ có dịp tái ngộ.
Tào Phi vẫn muốn níu kéo một hồi, nhưng Ngô Chất đã quay lưng bước đi, chẳng bao lâu sau đã biến mất trong màn đêm đen thẫm.
Vô phương cứu vãn
So với Thính Chính đường ở Nghiệp Thành, triều đường hoàng cung ở Hứa Đô nom tiêu điều, u ám hơn nhiều. Quần thần đứng ngay như tượng đất sắp thành hai hàng, đang tiến hành một buổi triều hội trầm muộn và đầy thấp thỏm. Bọn họ nào chỉ giống những pho tượng đất, mà chính là những con rối chẳng hề có thực quyền!
Thái thường Từ Cầu, Tông chính Lưu Nghệ, Đại tư nông Vương Ấp, Quang lộc huân Khoái Việt, Đại hồng lư Hàn Tung, Thiếu phủ Cảnh Kỷ, Trung úy Hình Trinh, những vị liệt khanh này có người là danh sĩ thanh lưu, có kẻ là hậu duệ danh thần, có người lại đại diện cho thế lực địa phương, nhưng bọn họ đâu có được nắm thực quyền trong tay, chỉ là những công cụ để Tào Tháo bày lên triều đường mà thôi. Vệ úy khanh Mã Đằng cùng con trai là Kỵ đô úy Mã Thiết, Bổng xa đô úy Mã Hưu sớm đã bị giam vào ngục, ngay cả chỗ ngồi cũng bị dọn đi. Gián nghị đại phu Dương Bưu không đến, ông ta cũng không định đến cái nơi tràn đầy sự uất ức này nữa, dù sao con trai cũng đã về theo phe của Tào gia, thời đại đã thay đổi rồi, một vị cựu thần tiên triều như ông ta còn hùa vào làm gì? Ông ta không đến, nhưng một vị Gián nghị đại phu khác là Lưu Tông thì vẫn có mặt, vị nam nhân trẻ tuổi được cất nhắc lên chức cao này thân thể hao gầy, khuôn mặt trắng trẻo, toát lên vẻ thành khẩn, bất đắc chí, dường như chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể xô ngã. Ngự sử đại phu Hy Lự thì ngồi hàng đầu phía trước quần thần, ông ta râu tóc bạc phơ, tay cầm hốt ngà, ánh mắt thẫn thờ nhìn về phía trước, tựa như một cái xác khô không có linh hồn. Ở ngay phía đối diện ông ta có một chiếc ghế đặt lấy lệ, đó chính là chỗ ngồi của Thừa tướng Tào Tháo. Tào Tháo tuy không có mặt nhưng cái uy trấn nhiếp của ông vẫn ở đó, sức mạnh vô hình ấy không chỉ bao phủ triều đường, tỏa khắp Hứa Đô mà còn lan ra khắp hang cùng ngõ hẻm trong thiên hạ. Dường như không có góc khuất nào lần tránh được ánh mắt của ông, không có thanh âm nào có thể lách khỏi đôi tai ông.
Trên đại điện tĩnh lặng vô cùng, ngay cả tiếng vọng của đồng hồ bên ngoài cũng có thể nghe thấy, bầu không khí nặng nề khiến ai nấy đều căng như dây đàn, bởi vì mọi người đều biết hôm nay sẽ phải thảo luận điều gì - Đây là buổi triều hội quyết định đến sự tồn vong của vương triều đại Hán!
Thượng thư lệnh Tuân Úc cố kìm nén tâm tư, nắm chặt tấm hốt ngà trong tay, đôi mắt chăm chăm nhìn về phía vị thiên tử đang ngự tọa trên ngai vàng. Ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt thiên tử là điều thất lễ, nhưng Tuân Úc không còn để ý nhiều đến vậy, chỉ muốn nhìn ngắm tỉ mỉ vị quân vương trẻ tuổi này, dường như ông đã đem nỗi cảm khái và hối hận suốt mười mấy năm hóa thành ánh mắt, từ xa xa âm thầm truyền tới. Thiên tử Lưu Hiệp nay đã ba mươi hai tuổi đời, chòm râu để dài, là phụ thân của sáu vị hoàng tử. Thánh nhân có câu “Tam thập nhi lập”, nhưng vị thiên tử này chưa cần nói đến thực quyền, ngay cả tự do cũng chẳng có. Dù có được cẩm y ngọc thực, và cả đời cũng không phải muộn phiền vì kế sinh nhai, nhưng những điều này không thể khiến Lưu Hiệp cảm thấy thỏa mãn, Tuân Úc quá hiểu suy nghĩ của Lưu Hiệp. Từ khi Tào Tháo dời đô đến nay, Tuân Úc vẫn ngày ngày ở cạnh, cùng với Thị trung Tuân Duyệt vào cung để thị giảng, dạy thiên tử đọc sách - Không có ai hiểu rõ hơn Tuân Úc, Lưu Hiệp là một người nhân từ ra sao, hiền minh thế nào. Lưu Hiệp vốn dĩ có thể trở thành một vị quân chủ vang danh một đời, vốn có thể độc đoán càn cương, thu phục nhân tâm, trùng chỉnh thiên hạ, giúp Hán thất phục hưng... Nhưng đã đến lúc này, tất thảy đều không thể nữa rồi.
Đổng Chiêu một lần nữa lại để xuất bàn nghị về việc khôi phục chín châu trong thiên Vũ cống, nhưng lần này khác với bảy năm trước, sau lưng ông ta có Tào Tháo toàn lực trợ giúp, chẳng ai có thể phản kháng lại nữa. Tuân Úc biết rõ không thể nhưng vẫn cố làm, vẫn tận lực phản đối. Bởi vì tình thế đã càng ngày càng rõ, khôi phục chín châu chẳng qua chỉ là bước đầu tiên, chín châu một khi được khôi phục, Tào Tháo sẽ lập tức khôi phục năm tước, sau đó mưu đoạt ngôi vương công.
Xét từ góc độ địa vực, trong chín châu không tồn tại U Châu và Tịnh Châu, vì vậy chẳng còn nghi ngờ gì việc hai châu này sẽ sáp nhập vào Ký Châu, trở thành lãnh địa do Tào Tháo trực tiếp không chế. Nhưng sự việc tuyệt đối không đơn giản chỉ là mở rộng địa bàn. Hán thư có câu “Châu theo Vũ cống là chín, tước theo Chu thị là năm”, việc khôi phục chế độ chín châu và năm tước tựa như là hai anh em sinh đôi chẳng thể tách rời, khôi phục chín châu chỉ là tiền đề để thiết lập năm tước hầu. Năm tước hầu bao gồm công, hầu, bá, tử, nam, trong khi đại Hán hiện hành chỉ có hai cấp tước vị là vương, hầu.
Hán Cao Tổ đã tiễu trừ các chư hầu vương khác họ với mình như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, quy định rằng những kẻ không thuộc tông thất họ Lưu thì không được phong vương, địa giới vương quốc tương đương với một quận. Những bậc thần tử có công chỉ được phong hầu, người có công lớn phong làm huyện hầu, thụ lộc phong ấp của một huyện, người có công nhỏ thì phong làm đình hầu; ngoài ra còn có quan nội hầu, hưởng bổng lộc nhưng không được ban cho phong quốc cụ thể. Tước “công” nhất đẳng mặc dù cũng tồn tại, nhưng thực ra chỉ mang tính tượng trưng. Năm Kiến Vũ thứ mười ba (năm 37 sau Công nguyên), Quang Vũ Đế phong cho hậu duệ của nhà Chu là Cơ Thường làm Vệ Công, phong cho hậu duệ của nhà Ân là Khổng An làm Tống Công, hai nước Vệ, Tống trên thực tế vẫn trực thuộc nhà Hán, phong quốc tương đương với một quận. Trong lịch sử bốn trăm năm của đại Hán, chỉ duy nhất có một tước công được nắm thực quyền là An Hán Công Vương Mãng, hơn nữa ông ta cũng từng sửa đổi từ mười ba châu xuống còn chín châu, kết quả là nhân cớ đó soán đoạt luôn cả giang sơn xã tắc của đại Hán. Nay hàng loạt đường đi nước bước của Tào Tháo, há chẳng phải rõ ràng là muốn đi theo con đường của Vương Mãng sao?
Thiên hạ Hán thất vô cùng nguy ngập, từ sau đại chiến Quan Trung, Tào Tháo đã lấy lại uy danh, chấn hưng thanh thế, các bước đi nhằm soán đoạt xã tắc của Hán gia càng ngày càng mau lẹ. Nếu để ông khôi phục lại chín châu, phong lên tước công, không chỉ quan vị vượt trội so với bách quan mà ngay cả tước vị cũng độc nhất vô nhị, đến lúc đó thiên tử nhà Hán còn có thể giữ vững được không? Bắt nguồn từ sở nguyện muốn bảo vệ Hán thất, sự thương cảm với vị thiên tử bù nhìn, cũng bắt nguồn từ mong muốn cảm hóa lần cuối cùng với Tào Tháo, Tuân Úc quyết định sẽ dằn lòng “đánh một trận lớn”, bằng mọi giá ngăn chặn sự trỗi dậy của Tào thị.
Trải qua vài lần tranh chấp, thượng thư đài vẫn lần lữa không phát chiếu thư, Đổng Chiêu không thể đắc thủ, bèn dứt khoát viết thư gửi cho Tuân Úc: Năm xưa Chu Đán, Lã Vọng vì sự hưng thị của Cơ thị, vì cơ nghiệp của nhị thánh mà phò tá Thành Vương khi tuổi còn nhỏ, công huân lớn lao, được ban cho thượng tước, lộc ấp. Hậu thế có Điền Đan nhọc sức đánh đuổi hùng binh, khôi phục nước Tề, báo thù quân Yên, thu lại hơn bảy mươi thành rồi nghênh đón Tương Vương về; Tương Vương gia thưởng cho Điền Đan, ban cho đất Dịch ấp ở phía đông, lại ban cho đất Ngu phía tây. Công lộc của tiền thế nồng hậu là vậy. Nay Tào công gặp lúc thiên hạ đảo điên, tông miếu cháy rụi, quyết chí đeo cung mặc giáp, chinh phạt khắp nơi, dầm mưa dãi nắng đã hơn ba mươi năm, tiêu diệt lũ hung bạo, trừ hại cho bách tính, nhờ vậy Hán thất mới được phục tồn, Lưu thị vẫn được tôn thờ. Nếu so với người xưa có khác gì lấy Thái Sơn so với đồi trọc, há có thể đặt được ngang hàng? Nay cần được tề ngôi với liệt tướng công thần, ban cho công lộc tương xứng, đó chính là sở nguyện của toàn thiên hạ.
Rất rõ ràng, Đổng Chiêu đã không còn kiên nhẫn giấu diếm với Tuân Úc, bèn bỏ qua những lời rào đầu để nói thẳng vào bản chất của vấn đề, so sánh Tào Tháo với Chu Công, Lã Vọng, nói rõ rằng phải cho ông một địa vị cao hơn danh phận thần tử. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tào Tháo muốn được tấn vị lên tước “công”, nhưng việc kiến lập một công quốc như vậy tất nhiên phải mô phỏng theo triều đình, thiết lập bách quan liệt khanh, đó há chẳng phải xuất hiện cục diện “nước ở trong nước” hay sao? Nói chính xác hơn là “nước ở trên nước”.
Tuân Úc vẫn chẳng thèm ngó ngàng gì đến, chính lệnh từ thượng thư đài vẫn bặt vô âm tín, Đổng Chiêu cuối cùng không chờ được nữa. Ông ta đã không thể hoàn thành việc lập lại chín châu trước khi Tào Tháo xuất binh nam chinh, nếu tiếp tục trì hoãn thì thực sự không biết ăn nói ra sao, thế nên bắt buộc phải giải quyết vấn đề trong lần triều hội này.
Cuộc đại triều hội quy tụ bách quan vừa mới bắt đầu, ông ta đã bước ra khỏi hàng, khẩn khoản tấu bẩm thiên tử cùng chư vị quần thần:
— Xưa Hạ Vũ trị thủy, chia thiên hạ làm chín châu. Từ vùng rừng núi đến nơi thủy xuyên, tùy theo đất mà cống tiến. Đó là đạo của thánh nhân, là tổ của vạn thế sau này. Nay thiên hạ chiến loạn dần dần an định, nên khôi phục lại chín châu, phân định lại dân tịch, trên hợp với đạo trị thế của tiên hoàng, dưới hợp với nỗi khổ ly loạn của lê dân. Đây chính là tấm lòng nhân ái của Thừa tướng, mong bệ hạ và quần thần lấy xã tắc làm trọng, ưng thuận cho sự bàn nghị này. Như vậy là may mắn cho thiên hạ, may mắn cho bách tính...
Ai cũng đều nghe ra lời của Đổng Chiêu có khinh có trọng, có hư có thực. Như câu “trên hợp với đạo trị thế của tiên hoàng, dưới hợp với nỗi khổ ly loạn của lê dân” chỉ là những lời chẳng hề có chút đạo lý nào, lẽ nào không khôi phục chín châu, bách tính trong thiên hạ sẽ không thể biết được rõ tịch quán của mình sao? Câu nói thực sự đánh động tâm can chỉ có câu “Đây chính là tấm lòng nhân ái của Thừa tướng”. Ông ta khéo léo cảnh tỉnh Lưu Hiệp và bách quan - Đây là sở nguyện của Thừa tướng, các người dám phản đối chăng?
Lời trần khảng khái của Đổng Chiêu đã nói xong, những tiếng phụ họa vẫn còn chưa kịp vang lên, Tuân Úc đã lập tức bước ra khỏi hàng, giơ cao hốt nói:
— Lời của Đổng đại phu sai rồi! Soi lại chuyện triều chính cả trăm năm qua, nhà Chu thực hành phân phong, nhà Tần lập ra quận huyện, từ thời Hiếu Vũ hoàng đế bắt đầu chia thiên hạ làm mười ba châu đã lưu hành đến nay. Mấy trăm năm nay chưa từng có ai chia làm chín châu, sao có thể nói là khôi phục lại?
Ông tinh thông điển tịch chế độ của các triều vua, nên những câu này phản bác rất hữu lý.
Đổng Chiêu trong lòng thầm oán hận, nhưng vẫn kìm nén cưỡng từ đoạt lý:
— Thánh nhân vi chính tự có đạo lý của mình, những kẻ hậu nhân chúng ta cần phải ngưỡng mộ đức hạnh của họ.
Tuân Úc lại nói:
— Thượng thư - Vũ cống do danh sĩ Đông Chu là Hạ Vũ sáng tác ra, không bắt nguồn từ những vị hiền minh ba đời, há có thể chiểu theo đó mà làm?
Vũ cống không phải là nguyên văn của Thượng thư, mà chỉ là ngụy tác do một danh sĩ thời Chiến Quốc làm ra, dụng ý của ông ta là thiết tưởng xem sau khi thiên hạ thống nhất thì nên chia ra để trị ra sao. Tuân Úc viện vào lẽ này để bắt bẻ.
Những luận điệu của Đổng Chiêu đều bị phản bác cả, ông ta bèn dứt khoát nói thẳng:
— Có những bậc trí nhân phi thường mới có những việc phi thường; có những việc phi thường mới lập được những công tích phi thường. Nay soi khắp trong triều ngoài thiên hạ, chỉ duy có Tào Thừa tướng phụng thiên tử để thảo kẻ bất tuân, võ công hiển hách, thực xứng là bậc trí nhân phi thường; chế độ chín châu trên hợp thiên đạo, dưới hợp lòng dân, chính là một việc phi thường; phục hưng Hán thất chính là công tích phi thường. Đám sĩ nhân chúng ta tự nên dốc lòng trợ giúp bậc trí nhân phi thường, làm nên một việc phi thường, từ đó mưu cầu công tích phi thường.
Câu này kỳ thực chẳng có đạo lý gì, hoàn toàn chỉ đem Tào Tháo ra để ép Tuân Úc. Nhưng Tuân Úc vẫn không hề chịu lép vế, không hề đếm xỉa đến ông ta, hướng về phía thiên tử bẩm tấu:
— Thánh nhân trị quốc tự có lý riêng, trong Kinh thi có câu “Bất khiên bất vong, soái do cựu chương.” Xưa Hiếu Vũ Đế thay đổi chính pháp của Cao Đế, đạo tặc chiếm nửa thiên hạ; Nguyên Đế thay đổi chính pháp của Hiếu Tuyên Đế, đại nghiệp ngày càng suy vong. Từ đó có thể nghiệm ra rằng những pháp chế của bậc tổ tông để lại không thể thay đổi được, huống hồ là những lời ngụy thác thánh nhân? Mong bệ hạ suy xét.
Thiên tử cố nhiên chỉ là bù nhìn, nhưng xét cho cùng cũng là một vị quân chủ trên danh nghĩa, về mặt đạo nghĩa vẫn có thể ép được Tào Tháo ba phần. Học thức của Đổng Chiêu không hề thua kém Tuân Úc, nhưng cuộc biện luận này ngay từ đầu ông ta đã bị đuối lý, hoàn toàn chỉ làm theo ý của Tào Tháo, nên sao có thể nói lại được? Thấy tình hình này, ông ta cũng chẳng buồn để ý đến đạo nhân thần nữa, cao giọng nói sẵng:
— Thường dân quen với thói cũ, học giả xét từ những điều mắt thấy tai nghe. Thiên hạ nào có đạo lý muôn đời không đổi?
Câu này vừa nói ra khiến cả triều đường thảng thốt kinh ngạc, cuộc biện luận này xem ra đã không chỉ còn xoay quanh chế độ chín châu nữa rồi.
Tuân Úc lạnh lùng đưa mắt nhìn ông ta:
— Đổng đại phu, ngài nói rằng không có đạo lý nào muôn đời không đổi, hay là không có triều đại nào muôn đời không đổi?
Đổng Chiêu trong lòng hối hận khôn xiết, chỉ trách mình nhất thời bất cẩn nói ra câu này, để người ta nắm được đằng chuôi. Trên triều đường, ông ta há có thể nói thẳng ra rằng từ cổ chí kim chẳng có triều đại nào là bất diệt, Tào thị sẽ hưng, Lưu thị sẽ vong? Tuân Úc lôi ra một pháp bảo bất khả xâm phạm, ông ta đành phải quỳ xuống thỉnh tội với thiên tử:
— Thần nhất thời bất cẩn, không biết lựa lời, mong bệ hạ thứ tội!
Lưu Hiệp thấy Đổng Chiêu bị Tuân Úc phản bác đến nỗi dồn vào đường cùng, khấu đầu thỉnh tội, trong lòng thầm lấy làm khoái chí. Nhưng Lưu Hiệp cũng biết Đổng Chiêu là tâm phúc của Tào Tháo, há dám tùy tiện trị tội? Đành vờ nói:
— Đổng ái khanh nói lời vô tâm, không cần phải tự trách, mau lui xuống đi.
Thiên tử lệnh cho Đổng Chiêu lui xuống, nhưng ông ta nào còn đường lui nữa? Bị Tuân Úc ngáng đường cả mấy tháng trời, về đến Tào doanh biết ăn nói ra sao với Thừa tướng đây? Xem ra không thể lay chuyển được Tuân Úc nữa rồi, trong lúc không biết làm sao ông ta bèn quay lại phía quần thần nói:
— Liệt vị đại nhân, ý các ngài như thế nào? Lẽ nào các ngài cũng không chấp nhận cuộc nghị bàn về chế độ chín châu này chăng?
Quần thần ai nấy đều vô cùng khó xử, vừa không dám vuốt râu hùm của Tào Tháo vừa không muốn tát nước theo mưa, chỉ đành cúi đầu vờ câm giả điếc. Đổng Chiêu ngẩng phắt đầu lên, trợn mắt nhìn Hy Lự:
— Hy công, ý lão ngài như thế nào?
Hy Lự vẫn ngồi im bất động ở đó, ánh mắt thâm trầm nhìn Đổng Chiêu, nói giọng bất lực:
— Lão hủ tuổi già đức bạc, Đổng đại nhân xin hãy thương nghị cùng mọi người, lão hủ nghe theo là được.
Ông ta đã một lần vì Tào Tháo mà hại chết cả nhà Khổng Dung, khiến cho thanh danh bại hoại, nay không dám tùy tiện nữa.
Đổng Chiêu uy hiếp Hy Lự không thành, lại đưa ánh mắt nghiêm nghị nhìn về phía các đại thần khác, Từ Cầu, Lưu Nghệ, Vương Ấp, Hàn Tung, Cảnh Kỷ đều cúi đầu nhìn tấm hốt trong tay, giả vờ không hề hay biết. Đổng Chiêu cũng không vội vàng, chỉ cần nhẫn nại tìm kiếm, trong một bầy dê ắt sẽ có một con nhu nhược. Khi ánh mắt của ông ta rơi về phía Lưu Tông, vị Gián nghị đại phu mới nhận chức này bất giác run rẩy.
— Lưu đại phu, lệnh tôn cát cứ Kinh Châu hơn mười năm, may có Thừa tướng khoan dung xá tội, ngài mới được cư thân nơi triều đường. Nay ngay cả ngài cũng muốn làm trái ý nguyện của lão nhân gia sao? - Giọng của Đổng Chiêu toát lên vẻ đe dọa.
Lưu Tông bản tính rụt rè lại ít va chạm quan trường, thấy ông ta lôi lại món nợ cũ năm xưa của mình, sợ đến nỗi toàn thân mềm nhũn, vâng dạ liên hồi:
— Hạ quan xin tuân theo lệnh của Thừa tướng.
Thân làm Giám nghị đại phu, trước mặt thiên tử mà lại nói năng như vậy, quả là bi ai đến cùng cực.
Khoái Việt nhận di mệnh của Lưu Biểu bảo vệ Lưu Tông, mặc dù đến nay đã không còn phân biệt thân phận thần chủ nữa, nhưng tình phận năm xưa vẫn còn, thấy tình cảnh này vội vàng chen ngang:
— Lưu đại phu, việc luận bàn lần này là để thay đổi chín châu, nay trên triều đường vắng mặt Thừa tướng, ngài tự ý bày tỏ thái độ như vậy chỉ e là không thỏa đáng.
Ông ta ngoài mặt giả vờ phê bình Lưu Tông, nhưng thực tế là sợ anh ta bị mang ác danh, phải mau chóng im miệng lại. Lưu Tông hiểu ý, vội vàng cúi đầu không nói gì nữa.
Đổng Chiêu thầm oán trách Khoái Việt nhiều chuyện, nhưng cũng không tiện tranh biện, chỉ thầm kêu khổ. Tuân Úc thở dài nhẹ nhõm, bâng quơ nhìn Đổng Chiêu nói rành rọt từng từ:
— Thánh nhân có câu: “Quân tử hữu tam úy. Úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn.” Những mong Đổng đại phụ chớ nên chấp mê bất ngộ...
Câu này tuy nói với Đổng Chiêu, nhưng kỳ thực là phong thanh với Tào Tháo.
Bỗng nhiên đúng lúc này, một giọng nói khiêm hòa vang lên, phá tan bầu không khí nặng nề trong triều đường, Thị trung Hoa Hâm, Hoa Tử Ngư đứng dậy bước ra ngoài hàng:
— Lã lãm có câu: “Thượng hồ bất pháp tiên vương chi pháp? Phi bất hiền dã, vi kỳ bất khả đắc nhi pháp.” Đế vương ba đời khác nhau, dụng lễ khác nhau mà vẫn xưng đế được, ngũ bá dụng pháp khác nhau nhưng vẫn xưng bá được. Thay đổi chín châu trên hợp xã tắc, dưới hợp lòng dân, thuận ứng thời chính có gì mà không được?
Thấy ông ta đứng dậy bước ra, Tuân Úc vừa bất ngờ vừa phẫn nộ. Bất ngờ là vì Hoa Hâm xét ra cũng là bậc danh sĩ đương thời, được triều đình mấy lần vời gọi mới đến Hứa Đô, vậy mà đúng vào thời khắc quan trọng này lại trái nhạc ngược điệu với ông; phẫn nộ là vì năm xưa Hoa Hâm làm Thái thú Dự Chương, đã từng hiến đất cho Tôn Sách, có người nói ông ta sợ hãi cường quyền, không có cốt cách của kẻ sĩ, xem ra không phải là vô lý. Năm xưa ông ta cúp đuôi nơm nớp trước Tôn Sách, đến nay lại vạn sự đều nghe lệnh của Tào Tháo. Câu nói của Hoa Hâm tuy ngắn, nhưng như bốn lạng đọ với ngàn cân, thay đổi chủ đề từ việc chế độ chín châu có hợp lý hay không chuyển thành việc quốc gia có nên thay đổi pháp lễ của tổ tông hay không, như vậy lý lẽ của Tuân Úc bỗng trở nên nhạt nhòa. Tuân Úc không biết làm sao, bèn gằn giọng nói thẳng:
— Lời của Hoa công thực là có lý, nhưng chế độ chín châu không phải là đại chính căn bản của quốc gia. Năm xưa Vương Mãng thay đổi pháp chế từng hợp nhất chín châu, tùy tiện đổi tên quận huyện, gây hại khôn cùng, chúng ta há lại không phải thận trọng?
Tuân Úc cuối cùng đã tự miệng nói ra cái tên này, ý tứ vô cùng rõ ràng, nếu ai đó muốn đổi chế độ chín châu, kẻ đó chính là Vương Mãng đương thời, chính là kẻ muốn soán đoạt giang sơn Hán thất! Chẳng phải các người muốn để Tào Tháo từng bước từng bước leo lên hoàng vị hay sao? Hà tất phải giả vờ giả vịt nói lời ẩn ý, có gan thì nói thẳng ra xem!
Đổng Chiêu trong lòng vô cùng bực tức, Hoa Hâm cũng tỏ vẻ băn khoăn, trong thời khắc mà mọi ngôn từ trở nên nhạy cảm như thế này, chẳng ai dám nói thêm gì, ai cũng không thể gánh nổi tội danh lớn đến vậy! Đang suy nghĩ xem nên ứng đối thế nào, đúng lúc đó lại có một vị quan viên tuổi độ trung niên thong thả bước nói:
— Lệnh quân hà tất phải xét nét vậy? Vũ Vương không thảo phạt Ân, Thương, sao có thể khai lập giang sơn tám trăm năm của nhà Chu? Cao Tổ không thắng Hạng Tịch, sao có thể định nên cơ nghiệp ngày nay của đại Hán? Lẽ nào những việc đó ngay từ lúc khai thiên lập địa đã có sẵn sao? Đừng nói đến việc chế độ chín châu cần phải khôi phục, với công lao cái thế của Tào Thừa tướng, há có thể thua kém so với liệt hầu? Nay ba vị nhi tử của Tào thị đều đã làm huyện hầu, từ cổ chí kim con không thể giống với cha, theo thiển kiến của hạ quan, sau chế độ chín châu nên khôi phục năm tước, khai mở công cuộc để báo đáp đại công!
Tuân Úc bỗng cảm thấy rùng mình, dường như lục phủ ngũ tạng đều bị khí lạnh xâm thực. Bởi vì người thốt ra câu ấy không phải ai khác mà chính là con rể của ông, Trị thư thị ngự sử Trần Quần! Ông không ngờ rằng ngay cả người con rể kiêm đồng hương của mình cũng đã đứng về phe Tào Tháo, không ngờ rằng kẻ năm xưa từng xưng huynh gọi đệ với Khổng Dung giờ lại thay đổi đến vậy, lại càng không thể ngờ rằng hắn lại thản nhiên xé tan bức mành, công nhiên cho rằng Tào Tháo nên được siêu đăng công tước, kiến lập phong quốc! Đây không chỉ là vết rạn nứt trong thế lực của gia tộc Tuân thị, mà cũng là sự chia rẽ của tập đoàn nhân sĩ Dĩnh Xuyên, lại càng là sự phân lập của đạo nghĩa sĩ đại phu. Ông chợt nhớ đến Khổng Dung khi bình luận về sĩ nhân hai đất Nhữ Nam và Dĩnh Xuyên, từng đoạn ngôn rằng “Sĩ nhân Dĩnh Xuyên tuy tật ác, cũng chưa từng có kẻ phá gia vi quốc”. Khi đó Tuân Úc vẫn cảm thấy không phục, bây giờ nhớ lại chẳng phải lời của Khổng Dung đã ứng nghiệm rồi sao?
Những bậc trí sĩ, đại phu trung hiếu với thiên tử, bảo vệ hoàng quyền giờ đã chẳng còn ai, chúng quần liêu thì kẻ nào kẻ nấy nhu nhược sợ chết, mưu đồ hạnh tiến, tát nước theo mưa. Tuân Úc trong lòng cay đắng vô cùng, ông không còn muốn lưu lại điện đường giả tạo này thêm chút nào nữa; ông cung kính thi lễ tham bái với thiên tử, đứng dậy nhét hốt ngà vào trong áo, đoạn chậm rãi bước ra ngoài, khi chuẩn bị bước ra khỏi đại điện, ông chợt quay đầu nhìn lại, gom hết dũng khí nói giọng chua chát:
— Thiên hạ hữu đạo, thì lễ nhạc, chinh phạt đều do thiên tử quyết định; thiên hạ vô đạo, thì lễ nhạc, chinh phạt do chư hầu quyết định. Gốc của đạo vốn bắt nguồn từ trời, trời không đổi, đạo cũng bất biến! Lẽ nào trời cũng sắp phải thay rồi sao?
Trong thoáng chốc, bất luận Đổng Chiêu, Hoa Hâm, Trần Quần, hay cả đám quần liêu đang thinh lặng nãy giờ đều giật mình. Lương tâm ở đâu? Tiết tháo ở đâu? Đối diện với lời chất vấn đanh thép như vậy, bọn họ biết trả lời làm sao? Tuân Úc thét xong câu ấy, bỗng cảm thấy lồng ngực trống rỗng, bước thẳng xuống bậc thềm không buồn quay đầu lại. Ánh nắng ngày đầu hạ rọi chiếu trên mái ngói thanh chuyên của cung đình, phản chiếu những quầng sáng trắng ấm áp ra khắp nơi, nhưng sao ông vẫn cảm thấy lạnh lẽo khôn cùng. Trong lòng ông hiểu rất rõ, có kháng cự đến mấy cũng không thể thay đổi được gì, có biện bác cực lực thế nào cũng không ngăn được bước chân của Tào Tháo, tất thảy chỉ là công cốc!
Tuân Úc đi rồi, trên đại điện nhất thời trở nên trầm mặc, cô tĩnh, mãi lâu sau quần thần mới đổ dồn ánh mắt về phía thiên tử. Lưu Hiệp đầu đội mũ miện của thiên tử, những chuỗi châu che khuất khuôn mặt, quần thần cũng không nhìn thấy nét mặt, chỉ nghe thấy tiếng thở dài bất lực:
— Ây dà... bãi triều đi.
Thanh âm run rẩy đó tựa hồ còn mang theo tiếng nấc nghẹn.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9