One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 124
in dùng khốc lại, Tào Tháo quyết trị tham quan
Dương Bái nhậm chức
Chẳng mấy chốc mùa đông đã trôi qua, năm Kiến An thứ mười bảy (năm 212 sau Công nguyên) đã lững lờ trôi đến trước mắt. Mâu thuẫn giữa phụ tử Tào thị dần dần biến mất, cuối cùng đã không gây ra sóng gió gì. Việc Ngụy Quận được tăng thêm huyện đã thu hút sự chú ý của mọi người, các liêu thuộc ở Nghiệp Thành ai nấy đều bận rộn tra xét hộ tịch, thay đổi quan lại địa phương, tướng sĩ trung quân thì bắt đầu chuẩn bị cho lần nam chinh, dường như tất cả mọi người đều đã quên đi cuộc phản loạn vừa mới được dẹp yên. Nhưng Tào Tháo thì không quên, sự kiện lần này đối với ông là một bài học khắc cốt ghi tâm, nếu không sớm tìm cách khắc chế thế lực của hào cường, chỉ e đại binh vừa đi nội loạn lại tiếp tục xuất hiện. Để giải quyết mối lo về sau, ông đang chờ đợi một nhân vật quan trọng xuất hiện...
Một ngày trung tuần trong tháng, sắc trời ảm đạm, gió buốt thổi từng cơn xào xạc, những bông tuyết lác đác rơi xuống. Tiết trời lạnh thế này nếu không phải vì sinh kế thì liệu ai muốn bươn trải ngoài đường? Những con phố lớn trong Nghiệp Thành vốn náo nhiệt là thế, giờ cũng vắng tanh, ngay cả đám binh sĩ trên cửa lầu mạc phủ cũng phải liên tục xoa tay, thầm trách móc:
— Cái tiết trời quỷ quái này, đầu xuân mà còn lạnh hơn cả tháng Chạp!
Chẳng ai còn tâm tư đâu để canh gác, chỉ một mực chờ đợi bữa cơm trưa.
Nhưng đúng vào lúc gần chính ngọ, trên con phố nam bắc cửa Trung Dương xuất hiện một cỗ xe thong thả đi đến. Cỗ xe đó nom rất tàn tạ, một con lừa gầy trơ xương nặng nhọc lê bước, vài tấm ván gỗ bong tróc ghép sơ sài thành sàn, phía mui xe đã ngả nghiêng, sờn cũ. Cái mui xe đó cũng không làm từ vải gấm mà được quây lại tạm bợ bằng vải gai, nếu lành lặn thì đã không sao, đằng này nó lại xám không phải xám mà xanh cũng chẳng phải xanh, lại được ghép từ những mảnh vải gai lộn xộn, giữa đỉnh còn có một miếng vá rõ to bằng tấm vải màu vàng đất; phía trước không có rèm che, nhưng xem ra phu xe rất biết cách đối phó, dựng một tấm chiếu cỏ che phía trước là xong. Nhìn về phía sau lại càng buồn cười, bánh xe hai bên một mới một cũ, bánh xe cũ ở bên trái vừa nhìn là biết được tháo ra từ một cỗ xe hỏng nào đó, mảng sơn đen đã bong tróc cả; bánh xe mới ở bên phải càng chẳng ra sao, không biết là ông thợ mộc nào làm ra, méo mó chẳng tròn chút nào, đã vậy lại còn chỗ lồi chỗ lõm, nan hoa thì được làm tử những khúc cây chắp vá, có lẽ thợ mộc lười biếng, không những thanh dài thanh ngắn mà cả vỏ cây bên ngoài cũng chẳng buồn tước đi. Chiếc xe này khi đi thì nghiêng lắc không ngừng, tiếng kẽo cà kẽo kẹt vang lên nhức óc, trông như sắp bung ra đến nơi.
Nghiệp Thành có thể coi là vùng đất phồn hoa bậc nhất thiên hạ ngày nay, đám binh sĩ gác cửa cho Tào Tháo lại càng được mắt thấy tai nghe nhiều, thường ngày đều chứng kiến bao nhiêu cảnh tượng đưa đi đón lại hoành tráng, nhưng chưa từng được thấy cỗ xe lừa nào tồi tàn đến thế, đứng cách từ xa cũng không nhận ra đó là thứ gì, còn tưởng rằng là cây gỗ thành tinh! Dần dần đi đến mới nhận ra đó là cỗ xe, kỳ lạ nhất là chỉ thấy xe mà chẳng thấy người đâu, lẽ nào con lừa kia có tính linh, có thể tự mình chạy đến đây? Binh sĩ canh cửa thường ngày đều mục sở thị xe sang ngựa quý, thực sự chưa từng gặp chuyện nào hay ho đến thế, ai nấy lục tục nghển cổ ra nhìn, chỉ trỏ bàn tán, nhưng thấy cỗ xe lừa kia chậm rãi đi thẳng về phía đại môn mạc phủ. Đám binh sĩ mới giật mình - Cỗ xe nát đó có thể vào đến Nghiệp Thành đã tốt lắm rồi, cớ sao lại dám đến tận mạc phủ, đúng là không biết trời cao đất dày! Vài tên lính lập tức chạy xuống dưới môn lầu, lục tục chặn xe lại. Khi đến gần mới nhận thấy, thì ra trên xe có người, người đó ngồi ở phía trong mui xe. Có lẽ do sợ lạnh, xe lại không có rèm che nên đành dùng chiếu cỏ chắn phía trước, người đó ngồi phía sau tránh gió, chỉ hé ra một khe nhỏ chừng vài tấc, thò chiếc roi ra để quất lừa.
Một tên lính trẻ nghiêm giọng quát:
— Cỗ xe nát này từ đâu đến? Mau dừng lại!
Tên lính kia vốn tưởng rằng nghe thấy tiếng quát, gã phu xe cho dù không xuống thì cũng phải dừng lại, nào ngờ người đó chẳng hề để tâm, vẫn quất roi đi tiếp. Tên đội trưởng thấy vậy thì bừng bừng nổi giận, bước tới ghì dây cương lôi xe ra bên vệ đường; nào ngờ con lừa chưa thuần, cũng không có rọ mõm, lắc cổ quay sang cắn thẳng vào tay hắn ta. Cũng may hắn ta nhanh tay nhanh mắt, nếu không thì ngón tay hẳn đã không còn!
Những tên lính khác thấy cảnh ấy muốn cười nhưng chẳng dám cười, người nhảy ra chặn xe, người vồ đến ghìm cương lừa. Tên đội trưởng kia cũng dần định thần lại, vừa tức vừa thẹn, nhảy phốc lên xe giật tấm chiếu cỏ ra, thét lớn:
— Mau xuống! Tên cuồng đồ to gan này, nhà ngươi dắt lừa đi hành hung trộm cướp chắc!
Trước giờ chưa từng nghe thấy tên trộm cướp nào lại dắt lừa đi hành nghề. “Rèm xe” chẳng còn nữa, người ngồi trên xe đành phải bước xuống - Thì ra bên trong chỉ có một mình phu xe. Vóc dáng người đó thanh gầy, khắc khổ, khuôn mặt vừa dài vừa hóp, quả thực tướng mạo cũng có đôi phần giống con lừa kia. Da mặt ông ta đen nhẻm, hai mày trọc lốc, đôi mắt nhỏ dài, mũi diều hâu, môi mỏng quẹt, phía hai bên hàm để hai chỏm râu sơn dương, những nếp nhăn nhàu nhĩ khắp mặt tựa dao khắc vào, chẳng thể đoán được chừng bao nhiêu tuổi. Điểm đặc biệt khiến cho người ta chú ý đó là mái tóc, ngay cả dân chúng tầm thường cũng buộc tóc thắt khăn, kẻ nghèo hèn đến mấy cũng phải cài trâm, nhưng người này lại để tóc ngắn, mảng tóc phía sau gáy phất phơ trong gió, chỉ thắt một chiếc khăn vải trên đầu, khiến cho bộ dạng trông càng tàn tạ. Trời lạnh như vậy mà ông ta chỉ mặc độc một bộ quần áo bằng vải thô, vẫn còn lấm lem bụi đất nên không nhận ra màu gì, vạt áo đã sờn rách từ lâu, chỗ rách sợi vải sổ cả ra; dưới chân cũng chẳng đi giày ấm, chỉ xỏ một đôi giày cỏ bên trong độn vải, bên ngoài quấn thừng, nom có vẻ sắp rơi ra đến nơi!
Người này tuy dung mạo khắc khổ nhưng khẩu khí không vừa, tiện tay quẳng luôn chiếc roi, cao giọng nói:
— Các ngươi cớ sao lại chặn đường ta?
Đám binh sĩ thấy kẻ hèn mạt như ông ta mà vẫn bày đặt giở giọng tôn quý, đều che miệng bật cười, tên đội trưởng nói giọng chế giễu:
— Mở to đôi mắt chó của ngươi ra mà nhìn cho rõ, phía trước là mạc phủ của Thừa tướng!
Gã phu xe nghe vậy liền đút tay vào trong áo, tựa bên cạnh xe, lầm bầm nói giọng khó hiểu:
— Biết là mạc phủ rồi, ta đến đây là để gặp Tào Thừa tướng.
— Hả?
Nghe thấy câu này, tên đội trưởng thoáng do dự, người ta nói rằng ngay cả hoàng đế cũng có cả tá họ hàng cùng quẫn, nếu chẳng may gã ta quả thực quen biết Thừa tướng thì rắc rối to. Nhưng nhìn kỹ, người này nói khẩu âm Quan Trung, cách Bái Quốc, Hứa huyện rất xa, há có thể là bằng hữu cũ hoặc họ hàng của Thừa tướng, nghĩ đoạn hắn bèn cứng giọng đáp:
— Ngươi coi Tào Thừa tướng là ai chứ, há có thể nói gặp là gặp?
Người kia chậm rãi quay đầu lại, vểnh mũi lên đáp:
— Bản quan nhận lệnh của Thừa tướng mà đến.
— Bộ dạng nhà ngươi thế này mà cũng làm quan ư!
Đám lính nào có thể tin. Tên đội trưởng kia giở giọng chế giễu:
— Ngươi tưởng rằng bọn ta là trẻ lên ba sao! Một tên dặt dẹo đến từ nợi khỉ ho cò gáy như ngươi bất quá chỉ là đình trưởng, sắc phu chứ gì? Chạy đến Nghiệp Thành để cáo trạng à? Nghe ông đây khuyên, dưới gầm trời này chẳng còn nơi nào hiểu lý lẽ nữa đâu, những chuyện oan sai nhiều vô kể, ngươi cũng nào có thoát được? Thừa tướng là bậc tể phụ đương triều, thân phận tôn quý, há có thời giờ quản chuyện của ngươi, muốn kiện cáo gì đi chỗ khác mà kiện!
Không hiểu vì sao câu nói ấy lại đụng chạm tới người này. Ông ta bỗng bước lên trước, vung tay giáng cho tên đội trưởng một cái tát:
— Hỗn láo! Ta đây không tin thiên hạ này có nơi nào không hiểu lý lẽ!
Ông ta nói vậy càng khiến tên đội trưởng tin vào sự suy đoán của mình, lính của mạc phủ há có thể tùy tiện muốn đánh là đánh? Đám lính nhất tề xông tới, bẻ quặt hai tay của gã kia ra sau, người đấm kẻ đá, mắng chửi liên hồi, tên đội trưởng cũng vừa tức vừa thẹn, túm lấy cổ áo tên bần cùng kia, vung tay vả hai cái:
— Chó chết! Còn dám đánh ông đây? Ông phải đánh cho ngươi tha hồ tìm răng dưới đất!
Đang lúc cả đám người hò hét đánh đạp, chỉ nghe thấy “bịch” một tiếng, từ trong y phục rách rưới của gã kia bỗng rơi ra một quyển trúc dài bốn tấc. Đám lính nhìn vật ấy biết là danh thích mà sĩ nhân thường dùng khi đến bái yết, không ngờ gã này quả thực làm quan. Một tên lính cúi xuống nhặt rồi mở ra đọc, nhưng lại chẳng biết chữ, thế là vội vàng đưa cho tên đội trưởng.
— Để ông đây xem ngươi là ông to bà lớn nào!
Tên đội trưởng cầm quyển trúc lên, nheo mắt lẩm bẩm đọc:
— Phùng Dực Dương Khổng Cừ...
Dương Bái! Tên lính kia đọc xong như bị sét đánh, trợn mắt kinh hãi, hai tay run rẩy, quyển danh thích rơi bịch xuống đất. Ngay cả nhặt hắn ta cũng chẳng dám nhặt nữa, chỉ hốt hoảng quỳ mọp xuống đất, dang tay ra tự vả đôm đốp vào mặt mình bảy tám cái, vừa khóc vừa nói:
— Dương đại nhân, tiểu nhân có mắt không tròng. Ngài tha cho cái mạng chó của tiểu nhân!
Hắn vừa quỳ xuống, những tên lính khác cũng biết mình gặp vạ đến nơi, lập tức nhất loạt quỳ xuống.
Khó trách cớ sao đám lính này lại sợ sệt đến vậy, Dương Bái là kẻ nào kia chứ? Từ khi Tào Tháo nắm quyền triều chính đến nay cũng từng trọng dụng hàng loạt những nhân vật là khốc lại như Mãn Sủng, Tiết Đễ, Vương Tư, Khích Gia đều nổi tiếng hà khắc, nhưng nếu so sánh với vị Dương đại nhân này thì chẳng khác gì chim chích gặp đại bàng. Dương Bái, tự Khổng Cừ, người huyện Vạn Niên, Tả Phùng Dực, trước kia vốn là Huyện trưởng(*) Tân Trịnh ở Tây Kinh, dưới thời Lý Thôi chủ chính, mười bảy năm trước Tào Tháo phụng nghênh thiên tử đi qua Tân Trịnh, Dương Bái cống hiến lương thảo, từ đó mới lọt vào tầm mắt của Tào Tháo.
Ông ta nhiều năm nhận chức Huyện lệnh ở nhiều nơi, mặc dù thanh liêm chính trực nhưng lại chấp chính hà khắc, hành pháp độc ác, tàn nhẫn, đề xướng việc dùng hình nghiêm khắc. Trong đại đường huyện thị nơi ông ta tọa trấn, tội nhân bị tra khảo, đánh đập đến chết là chuyện thường như cơm bữa, vô số kẻ dù đáng chết hay không đáng chết, chưa kịp hạch rõ tội trạng trắng đen đã trở thành vong hồn u uất. Ngay cả đám thuộc hạ làm việc dưới quyền ông ta chỉ cần sơ suất đôi chút cũng khó tránh khỏi ấn tượng mềm xương, thế nên những kẻ mất mạng cũng không ít, từ đó người trong thiên hạ không ai không biết đến sự nghiêm khắc của Dương Bái. Cũng chính vì vậy mà ông ta mãi không được thăng quan tiến chức, thụ lộc trước sau vẫn chỉ có sáu trăm thạch. Trong khoảng thời gian ông ta nhận chức Huyện lệnh Trường Xã, môn khách của Tào Hồng cậy quyền ỷ thế hống hách trong vùng, tự bỏ túi riêng, không chịu nộp điền tô, Dương Bái sai người trói gô lại giải đến huyện đường, rồi tự tay vung gậy sắt vụt gãy hai chân tên môn khách của Tào Hồng, người trong Tào doanh ai nấy đều kinh hãi, may có Tào Tháo buông lời can ngăn, mọi sự mới qua. Nhưng ông ta liên tiếp đoạt mạng tội nhân, cuối cùng vẫn bị đàn hặc trị tội, cắt phăng mái tóc để chịu khôn hình(*) đày đến Lạc Dương chịu khổ sai. Nay Tào Tháo muốn thắt chặt kỷ cương, trừng trị những kẻ không theo pháp luật, lại triệu tên khốc lại này về!
Dương Bái phủi cát bụi trên người - Kỳ thực y phục quá bẩn, nên có vỗ cũng bằng thừa. Ông ta vuốt lại hai chòm râu sơn dương, híp đôi mắt sắc như chim ưng lại, lạnh lùng nói:
— Mấy tên tiểu nhân to gan lớn mạng, dám đánh bản quan, không muốn sống nữa phải không?
Tên đội trưởng kia lại càng hãi, nói năng lắp ba lắp bắp:
— Tiểu nhân không biết lão ngài giá đáo, mắt tiểu nhân đúng là mù rồi!
Nếu thực hắn biết đó là khốc lại Dương Bái, có cho hắn thêm mười lá gan cũng không dám, làm sao hắn biết được viên khốc lại đại danh lừng lẫy này lại có bộ dạng thê thảm như vậy?
Dương Bái vẫn quyết không tha, đưa tay nắm lấy chòm râu của tên đội trưởng, trợn trừng mắt:
— Bản quan được Thừa tướng đại xá, tha cho khổ dịch từ đất Lạc Dương về đây, cũng khó trách đôi mắt chó của ngươi nhận không ra. Nhưng vừa nãy ngươi nói cái gì? Dưới gầm trời này chẳng còn nơi nào hiểu lý lẽ nữa ư? Biết ta làm quan mới quỳ xuống chịu tội, nếu ta là bách tính bình thường, há lại không bị ngươi bắt nạt đến chết! Bản quan từng xử vô số vụ kiện, quan lại có to đến mấy ta vẫn dám đắc tội, tất nhiên là không tin câu đó! Chỉ với câu nói này của ngươi, ta không lột da ngươi không được!
Ông ta nói được ắt sẽ làm được. Tên đội trưởng kia nghe vậy sợ đến nổi tay chân mềm nhũn, sùi cả bọt mép, hai mắt trợn ngược, ngă ngửa xuống đất ngất lịm đi.
Lúc này bỗng nghe tiếng ầm ầm vang lên một hồi, cửa Tư Mã của mạc phủ nặng nể mở ra, Quốc Uyên, Trần Kiều, Hòa Hiệp, Đỗ Tập, Hoàn Giai, Từ Tuyên, Tân Tỉ, Vương Xán, Dương Tu, Khổng Quế lần lượt sải bước ra khỏi cửa phủ, đứng sẵn thành hàng hai bên phải trái, đoạn có giọng cười sang sảng vang lên:
— Dương Khổng Cừ, lão phu đợi ngươi đã lâu!
Thì ra Tào Tháo tự mình ra nghênh tiếp. Lễ ngộ như vậy có thể coi là không tầm thường, Dương Bái cũng giật mình, quỳ xuống thi lễ:
— Tội thần tham kiến Thừa tướng!
Đám lính kia trông thấy ngay cả Thừa tướng cũng đích thân ra nghênh tiếp, kẻ nào kẻ nấy mặt mày xanh lét, vội vàng kéo tên đội trưởng đang bất tỉnh ra vệ đường. Tào Tháo không hề để ý đến chúng, chỉ mải nhìn trang phục rách rưới, xe cộ xập xệ của Dương Bái:
— Ngươi đã được xá miễn, cớ sao bộ dạng lại như vậy?
Dương Bái không hề bận tâm:
— Thuộc hạ chịu khổ dịch ở Lạc Dương, may được Thừa tướng xá miễn, sợ bỏ lỡ công chuyện, nên không kịp thay đổi y phục, tự tay làm cỗ xe này đến đây yết kiến.
— Hừ! - Tào Tháo tỏ vẻ không vui, - Đám quan địa phương kia ở đó làm gì? Lẽ nào không thể cấp một bộ quần áo, một cỗ xe ngựa cho người mà ta cần sao?
Dương Bái lại đáp:
— Không phải bọn họ không cho, là thuộc hạ không cần...
Vừa nói ông ta vừa cởi dây thừng buộc ở thắt lưng, dang rộng hai tay áo, thì ra bên trong bộ y phục viết kín chữ.
— Đây là những điều thuộc hạ mắt thấy tai nghe trong một năm vừa qua, xin dùng để cáo trạng mười bảy quan viên, bộ thuộc tại các huyện ở Hà Nam.
Chúng nhân ai nấy đều lạnh người: Đúng là một tên ma đầu khó dây, còn chưa bước vào cửa đã vội tố cáo, rồi đây không biết sẽ có bao nhiêu kẻ phải lột áo gấm mà về quê đây. Nhưng Tào Tháo lại rất lấy làm thích thú, vội bước xuống bậc thềm, cầm lấy cánh tay của Dương Bái tỉ mẩn đọc qua. Nhưng chỉ thấy trên đó là những vết thủng lỗ chỗ do làm việc nặng nhọc, trời lạnh nên da thịt tím tái, nhìn kỹ thì ngoài manh áo vải rách rưới kia ra, bên trong người ông ta chẳng còn thứ gì khác, lộ ra cánh tay gầy khẳng khiu. Vậy mới biết, trên thế gian này có một loại người, nghiêm khắc đối với người khác nhưng lại càng hà khắc với bản thân, Dương Bái chính là một gã điên như vậy, tuy tàn nhẫn, khắc nghiệt nhưng lại là một vị quan thanh liêm, đến nay gia sản cũng chẳng có gì, nghèo rớt mồng tơi, vợ con ở trong một căn nhà tồi tàn tại huyện nhà Vạn Niên.
— Khổng Cừ, vất vả cho ngươi rồi...
Tào Tháo thầm trách bản thân, thực ra ông có thể xá miễn hình phạt lao dịch của ông ta trước kia, nhưng để thỏa hiệp với hào tộc, ổn định nhân tâm nên Tào Tháo đã không làm như vậy.
Dương Bái dường như không bận tâm tới chuyện đó:
— Ngõa quán bất ly tỉnh thượng phá(*), đã bước chân vào quan trường thì phải làm việc. Người không phải là thánh hiền, làm sai chịu phạt sao có thể tránh được? Đây chính là vương pháp của triều đình!
Tào Tháo cầm lấy tay ông ta:
— Đi! Vào trong phủ nói chuyện, lão phu phải nghe ngươi luận về những chuyện trong thiên hạ mới được.
Đỗ Tập đứng bên cười nói:
— Thừa tướng, để tại hạ tìm một bộ trang phục sạch sẽ cho Dương đại nhân đã, hơn nữa Dương đại nhân đường xa tới đây e rằng vẫn chưa nghỉ ngơi ăn uống?
— Đúng đúng đúng! - Lúc này Tào Tháo mới buông ra, - Để Dương đại nhân thay y phục rồi dùng cơm đã.
Chúng nhân ai nấy kéo đến chắp tay mời vào. Nhưng Dương Bái lại quay đầu nhìn đám binh lính vừa gây họa kia, nghiến răng nói:
— Các ngươi liệu mà hầu hạ con lừa của ta trước, món nợ của chúng ta tính sổ sau!
Chỉ một câu nói như vậy mà con lừa kia được hưởng phúc, đám lính vội vàng cởi ách, tắm rửa rồi cho nó ăn, hầu hạ cứ như là hầu hạ tổ tông của mình. Mọi sự sống chết đều trông mong vào vị “Lừa đại nhân” này rồi!
Chí ít cũng là người do Thừa tướng đích thân mời đến, há có thể để bẩn thỉu? Dương Bái được mời vào thiên thất “gột rửa” một lượt. Tiếc là mạc phủ không được tùy tiện cho ngoại thần tắm rửa, thế nên khiến đám nô bộc chạy ngược chạy xuôi, mỗi người trên tay cần hai chiếc khăn thấm nước rồi thay phiên nhau lau lau cọ cọ mãi nửa canh giờ sau mới nhìn thấy màu da sắc thịt. Tào Tháo đã ban y phục, có người mang đến loại áo lụa đẹp nhất, may thay có kỵ đô úy Khổng Quế chu đáo, vội vàng kéo tên bộc nhân kia đến, nói nhỏ vào tai:
— Tiểu tử ngươi đúng là không biết hầu hạ, người này vốn cần kiệm liêm khiết, ghét thói phù phiếm, há có thể cho ông ta y phục loại tốt đến vậy? Cứ tìm loại áo đen hợp với quan vị sáu trăm thạch đến đây, đai mũ cũng phải là loại bình thường nhất. Bộ y phục cũ cứ để lại cho ông ta, ở trên đó còn viết cáo trạng nữa đấy! Nếu Thừa tướng chấp nhận thì không sao, nếu không chấp nhận ngươi không được để lại cho ông ta. Hầu hạ phải hầu hạ cho đến cùng, kẻo ông ta đá chết ngươi!
Tên bộc nhân vâng vâng dạ dạ, vội đi đổi sang loại áo vải bình thường, Dương Bái quả nhiên thản nhiên lĩnh nhận, không nói gì cả.
Thay y phục rồi được ban cơm ăn, vị Dương đại nhân chịu khổ sai cả một năm lại từ phương xa lặn lội tới đây hiển nhiên là cực kỳ đói. Phàm những kẻ được Thừa tướng thưởng cơm, hiếm kẻ nào dám ăn no thực sự. Dương đại nhân thì không để ý nhiều đến chuyện đó, cứ nhai gắp liên hồi, nào là gà vịt cá thịt, món nóng món nguội đều cho hết vào bụng, lại còn giục đám bộc nhân mang thêm bốn lần cơm. Khiến cho những duyện thuộc khác phải che miệng mà cười, cuối cùng Khổng Quế phải khuyên:
— Dương đại nhân, tục ngữ có câu “Đại ngạc bất tại xa phạn”(*), ngài chịu đói khổ đã lâu nếu ăn như vậy, không khéo thành bệnh mất!
Lúc này ông ta mới tạm ngưng lại.
Sau khi đánh chén no nê, Dương Bái phụng mệnh đến Thính Chính đường, ông ta lúc này sắc diện hoàn toàn khác trước, y phục chỉn chu, hai mắt sáng hấp háy, thẳng lưng ưỡn ngực ngồi ngay ngắn. Đám duyện thuộc đứng hầu hai bên tả hữu, hôm nay ngoại trừ Dương Bái, còn lại không ai dám ngồi, nghe ông ta cao đàm khoát luận:
— Thương Quân có câu “Thánh nhân chi vi quốc dã, nhất thưởng, nhất hình, nhất giáo. Thương tắc binh vô đình, hình tắc lệnh hành chỉ, giáo tắc hạ thính thương. Phu minh thưởng bất phí, minh hình bất sác, minh giáo bất biến, nhi dân trí vu dân vụ, quốc vô dị tục.”(*) Hình pháp không phân biệt đẳng cấp, từ bậc khanh tướng, tướng quân cho đến thứ dân, kẻ nào không tòng lệnh, phạm quốc cấm, loạn thượng chế, tội phải chết không tha! Những thứ gọi là xét bát nghị(*), đạo khoan nhân chỉ khiến cho thiên hạ càng ngày càng loạn!
Dương Bái mặc dù dáng vẻ gầy gò nhưng giọng nói sang sảng, những kẻ ở đây ngoại trừ những viên tuần lại liêm chính, thương dân, còn đầu toàn là người văn chất nho nhã, đức hạnh thanh lưu, nào có nghe quen giọng điệu Thương Ưởng như vậy? Kẻ nào kẻ nấy nhăn mày nhíu mặt. Nhưng Tào Tháo thì lại gật gù mỉm cười, lúc này ông đang cần một nhân vật thiết diện vô tình như vậy. Ông cầm lấy ấn tín đã chuẩn bị sẵn trên soái án:
— Lão phu xá miễn mọi tội trạng của ngươi, nhận mệnh ngươi làm Nghiệp Thành lệnh, thay ta trị lý cho tốt!
Dương Bái khẽ nhíu mày, đoạn quỳ sụp xuống đất:
— Tại hạ không dám phụng mệnh!
— Tại sao? Lão phu thành tâm tương thỉnh mà.
Dương Bái đưa mắt nhìn chúng nhân xung quanh, nói giọng thâm trầm:
— Thuộc hạ nhận chức quan này cũng được, nhưng từ nay về sau Nghiệp Thành phải do tại hạ chấp pháp, cho dù có bắt được quan lớn đến đâu, tra xét được án lớn đến mấy, mong Thừa tướng không được nể tình!
Ông ta tuy chẳng sợ trời chẳng sợ đất, nhưng thực ra cũng là kẻ hiểu đời, nếu không chặn miệng Tào Tháo từ trước, chỉ e mọi việc sau này khó mà thành được.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo ngửa cổ cười lớn, - Ngươi coi lão phu là ai chứ? Năm xưa ta đánh chết Kiển Thạch dù thúc phụ của hắn uy trấn Lạc Dương, há có thể ngăn ngươi xử phạt những kẻ quyền quý? Thôi được, để ngươi an tâm hành sự, bắt đầu từ ngày mai, dưới đến lê dân bách tính, trên đến bản thân lão phu, đều sẽ do ngươi giám sát chấp pháp. Mặc dù chỉ là Huyện lệnh, nhưng ta sẽ ban cho ngươi bổng lộc hai ngàn thạch, giám sát mọi việc tư pháp ở Ký Châu, khắp gầm trời này bất luận là cáo trạng từ đâu đến, ngươi đều được phép nhận cáo trạng đưa cho ta!
Quyền lực như vậy quả thực lớn, Tào Tháo rõ ràng là không hạn chế chỉ trong Nghiệp Thành, đây chẳng qua là một dạng thử nghiệm, dùng để khống chế hào cường, trừng trị bọn bất pháp. Nếu như cách làm của Dương Bái có hiệu quả, ông sẽ tiến thêm một bước đem nghiêm hình tuấn pháp phổ biến khắp thiên hạ. Kỳ thực toan tính này của ông cũng không phải mới có ngày một ngày hai, chỉ vì trận đại bại Xích Bích nên đành phải ẩn nhẫn, nay chinh thảo Quan Trung đắc thắng trở về, thanh uy một lần nữa được tạo dựng, lại đúng lúc Hà Gian xảy ra biến loạn, bây giờ Tào Tháo mới hạ quyết tâm thực hiện.
— Tạ ơn Thừa tướng tin tưởng. - Dương Bái cung kính nhận lấy ấn thụ, đoạn nói thêm rằng, - Hình sinh lực, lực sinh cường, cường sinh uy, uy sinh đức, thế nên đức mới sinh ra từ hình. Phàm muốn lập đức, không gì hơn việc nghiêm hình!
Câu này khiến cho những kẻ có mặt ai nấy đều khẽ lắc đầu. Công chính nghiêm minh rõ ràng là tốt, nhưng nếu dùng nghiêm hình để lập uy lập đức thì cho dù máu chảy thành sông cũng có khác gì trèo cây tìm cá(*).
Tào Tháo lại cười, cười một cách vô cùng đắc ý, vô cùng hài lòng... chúng nhân bắt đầu khẽ giọng bàn tán, Hòa Hiệp lẩm bẩm:
— Ây dà! Tay Khổng Cừ này xem ra cũng chỉ là một gã mọt sách cổ hủ.
Đỗ Tập đứng ngay bên cạnh ông ta, nghe vậy thì cảm thấy khó hiểu, bất giác che miệng hỏi:
— Dương Sĩ huynh sao lại nói vậy? Một viên khốc lại thâm độc như ông ta mà lại cổ hủ sao?
Hòa Hiệp thì thầm:
— Ông chỉ biết nho sinh cổ hủ mà không biết rằng những kẻ sùng pháp còn cổ hủ hơn vậy. Nho giáo có đạo trung dung, vậy Pháp gia có gì? Chí Đô, Trương Sương thuở trước, cho đến Dương Cầu, Vương Cát gần đây, mặc dù thanh liêm chính trực nhưng lại để sợi dây luật điều trói buộc vạn sự, cuối cùng kết quả ra sao? Chẳng những không thể trị lý thiên hạ, mà ngay cả bản thân cũng chẳng có kết cục tốt đẹp. Đất cửu châu rộng lớn là vậy, không sùng đức cũng chẳng tu đạo, chỉ mù quáng tin rằng mấy điều luật lệnh đó là có thể trị lý được thiên hạ, một người như vậy há chẳng phải còn cổ hủ hơn cả đám nho sinh sao?
— Có lý, có lý. - Đỗ Tập mặt mày hớn hở, - Chúng ta cần phải can gián.
Nói đoạn bèn đứng ra khỏi hàng.
— Khoan đã. - Hòa Hiệp sợ ông ta gây họa, lập tức kéo lấy tay, - Thừa tướng sớm muộn cũng sẽ hiểu ra, cứ để gã điên kia đại náo một phen, xử lý đám vô pháp vô thiên đó cũng chưa hẳn đã là chuyện xấu...
Mọi người như quần tinh ủng nguyệt hộ tống viên Nghiệp Thành lệnh mới nhận chức này ra khỏi phủ, bỗng trông thấy một cỗ xe ngựa mới toanh dừng trước cửa phủ. Dương Bái khom lưng nhìn:
— Ở đâu ra vậy? Cỗ xe kia của bản quan đâu?
Tên lính nghĩ bụng: Cỗ xe của ngài bị đem ra hậu viện bổ làm củi đun rồi. Nhưng ngoài mặt lại cười nói giọng nịnh nọt:
— Xe của ngài Thừa tướng giữ lại rồi, cỗ xe này là quan xa do đích thân Thừa tướng ban tặng cho ngài.
Dương Bái thấy cỗ xe này tuy mới nhưng trông cũng giản dị, nom không vượt qua lễ chế dành cho Huyện lệnh bổng lộc sáu trăm thạch, làm quan ở Nghiệp Thành không có một cỗ xe tốt để đi cũng không ổn, dù ông ta không giữ thể diện cho ai, cũng không thể để Thừa tướng mất mặt được, bèn miễn cưỡng nhận lấy:
— Còn con lừa của bản quan đâu?
Tên lính đưa tay chỉ ra phía xa xa chỗ lán ngựa dưới chân tường mạc phủ, Vương Xán đang vuốt ve con lừa đen mũi hồng miệng trắng. Con lừa đã được tắm rửa sạch sẽ, được cho ăn no bằng thức ăn dành cho bảo mã của Thừa tướng, trông không nhếch nhác như lúc mới đến nữa. Lúc này mọi người mới để ý, khi nãy bên trong cao đàm khoát luận chỉ vắng mặt mỗi mình Vương Xán, thì ra ông ta ở đây đùa nghịch với con lừa này!
Viên Ký thất mạc phủ này tính tình quả là kỳ quặc, không thích lời oanh tiếng nhạn, cầm sắt ngũ âm, lại chỉ thích nghe tiếng lừa kêu, còn nói rằng đó là thanh âm tuyệt vời nhất thế gian. Ông ta tay cầm nắm cỏ non đưa lên tận miệng con lừa, con lừa đó há lại không muốn ăn? Nhưng nó vừa mới há miệng, ông ta lại bỏ ra; lừa ngậm miệng lại ông ta lại giơ cỏ đến, cứ đùa như vậy con lừa lại không kêu sao? Lừa vừa kêu ông ta lại hí hửng dỏng tai lên để “thưởng thức”, đôi lúc nghe sướng quá ông ta còn nghển cổ kêu cùng nó, Vương Xán tuổi cũng sắp bốn mươi rồi mà vẫn còn ham vui đến vậy.
Chúng nhân thấy bộ dạng đó của ông ta há lại không cảm thấy nực cười? Dương Bái thì không để ý nhiều, trợn mắt nhìn ông ta rồi tự mình cởi dây thừng, kéo con lừa ra buộc vào phía sau xe ngựa; đoạn quay đầu lại nhìn đám lính một lượt:
— Kẻ ban nãy dám chặn xe ta đâu? - Ông ta vẫn chưa quên thù cũ.
Tên đội trưởng khi nãy đã tỉnh lại từ lâu, tắm rửa kỹ càng cho con lừa, giờ lại run rẩy quỳ lết ra phía trước, thấy bộ dạng ông ta đã thay đổi hoàn toàn, chỉ dám quỳ mọp dưới đất không dám nói gì nữa.
Dương Bái vẫn không tha:
— Việc bên trong xong rồi, giờ phải tính sổ món nợ giữa chúng ta. Ngươi cùng ta trở về huyện tự hay cùng ta vào để Thừa tướng xử trí?
Dù kiểu gì cũng chẳng thể sống nổi, tên đội trưởng vội lết đến ôm chân Dương Bái:
— Đại nhân tha mạng... Ở nhà tiểu nhân... còn có mẹ già hai mươi tuổi, vợ dại bảy mươi tuổi ạ!
Chúng nhân nghe vậy ai nấy đều cười lớn, Dương Bái vẫn không hề động lòng, nghiêm giọng quát:
— Giờ hối hận cũng đã muộn! Bản quan ghét nhất những kẻ cậy quyền ỷ thế bắt nạt người khác như ngươi! Ngươi nói rằng thế gian này chẳng còn nơi nào còn có đạo lý, ta ắt sẽ cho ngươi biết thế nào là đạo lý!
Tên đội trưởng kia nước mắt nước mũi đầm đìa:
— Việc này thực sự không thể trách tiểu nhân, người trong Nghiệp Thành ai lại không biết cách mạc phủ mười bước thì quan văn phải xuống xe, võ tướng phải xuống ngựa, huống hồ ngài từ cổng môn Ngũ quan trung lang tướng phủ đi thẳng tới đây, sao có thể không chặn lại?
— Ồ?
Ánh mắt nghiêm khắc của Dương Bái đột nhiên dịu lại, lần đầu tiên ông đến Nghiệp Thành nên không hề biết những chuyện này, vội quay đầu lại nhìn, quả nhiên trông thấy ban nãy mình đã đi qua phủ đệ của Tào Phi, vậy mà lại không tuân theo lễ chế xuống xe, bèn vỗ mạnh lên đầu:
— Ây dà... Đúng là do bản quan sai trước, nên đánh nên đánh!
Những kẻ sùng pháp hay ở điểm này, không cho phép người khác phạm pháp, nhưng bản thân thì cũng phải nhất mực tuân thủ.
— Ngươi tên gì?
Tên lính kia gạt nước mắt nói:
— Tiểu nhân tên Lưu Từ.
— Lưu Từ? Tên thì nhân từ mà bản tính chẳng nhân từ chút nào. - Dương Bái bật cười, - Bản quan phạm pháp trước, ngươi nói hay lắm! Lần sau ta sẽ bẩm với Thừa tướng, điều ngươi đến huyện tự của ta làm việc. Xem ra ngươi cũng là một kẻ dám gây ra họa, từ nay về sau ta bảo bắt ai ngươi phải đi bắt người đó! Ta bảo đánh ai ngươi phải đánh người đó!
— Vâng... vâng. - Tên đội trưởng từ cõi chết trở về, chân tay mềm nhũn cả ra, dập đầu liên tục, - Chỉ cần đại nhân tha cho tiểu nhân, ngài bảo gì tiểu nhân cũng làm!
Dương Bái đúng là biết cách lượm lặt, vừa mới vào Nghiệp Thành mà đã thu phục lũ ưng khuyển, lại chắp tay với chúng nhân, đáp:
— Phiền liệt công tiễn ra tận đây, nhưng lời khó nghe tại hạ xin nói trước, bắt đầu từ ngày mai nếu hạ quan tra ra những điều bất pháp của liệt công, khi đó sẽ không nể tình đâu nhé!
Câu này khiến cho ai nấy đều không rét mà run.
Vương Xán không hề để ý, vẫn lúi húi với con lừa kia, cuối cùng cho nó ăn mớ cỏ trên tay mình, trông thấy Dương Bái đã lẻn xa, bèn vung tay phát một cái rõ mạnh vào mông nó. Con lừa giật mình dậm chân bình bịch, rống lên: “í ò! í ò!”, Vương Xán mặt mày hớn hở, sướng như được nghe tiên hát:
— Hay quá! Con lừa này giọng thật cao!
Hòa Hiệp thấy cảnh tượng ấy thì ngẩn tò te, khẽ than thở:
— Con lừa này kêu một tiếng mà động cả tứ phương, chỉ e lại sắp loạn đến nơi.
Tham lam đủ đường
Nghiệp Thành là huyện thủ phủ của Ký Châu, cũng là nơi trấn giữ mạc phủ, người trong thiên hạ đều biết Thừa tướng mới là chủ nhân của triều đình hiện nay, thế nên Nghiệp Thành trên thực tế chính là “đệ nhất huyện” trong thiên hạ. Tào Tháo phong cho khốc lại Dương Bái làm Nghiệp Thành lệnh, có thể coi ông ta là “đệ nhất Huyện lệnh” trong thiên hạ, điều này chẳng khác gì việc tuyên bố với toàn thiên hạ rằng, nghiêm hình tuấn pháp bắt đầu thi hành triệt để! Những kẻ đầu tiên bị tin này làm cho khiếp hãi chính là đám quý tộc mới trong Tào doanh, những kẻ trước nay vốn tham lam vơ vét ngay lập tức ẩn mình nghe ngóng, không dám khoa trương như trước, ngay cả Tào Hồng cũng tức tốc gửi thư đến Nghiệp Thành căn dặn tử đệ: Dương Bái làm Huyện lệnh, sau này liệu mà sống cho tốt!
Nhưng mọi việc không hề đơn giản như họ tưởng tượng, Tào Tháo ban cho Dương Bái không chỉ là cái chức Huyện lệnh, mà còn cho ông ta quyền được giám sát toàn cõi Ký Châu và xử lý mọi sự tố tụng. Đứng trước viên khốc lại bá đạo này, bất luận là quan viên hay là hào cường đều không dám manh động. Đám quý tộc Tào doanh, hào tộc Hà Bắc cũng bắt đầu cảm thấy áp lực, vốn dĩ điền tô bốn thăng đã được điều chỉnh lên gấp đôi, nhưng bọn họ lại thu tô của điền nông cao hơn, nay bỗng xuất hiện một kẻ thiết diện vô tình, nên không dám tùy tiện bắt chẹt điền nông nữa. Nếu ép người ta quá đáng, người ta lại viết một bản cáo trạng đưa tới trước mặt Dương Bái thì lập tức họa giáng xuống đầu. Sống trên đời ai chẳng từng phạm phải những lỗi nhỏ, chỉ cần chẳng may bước vào huyện tự của Nghiệp Thành thì những tội vạ bao nhiêu năm trước đều sẽ bị lôi ra bằng sạch, cho dù không bị trị tội nhưng cũng sẽ chẳng có một ngày yên ổn. Thế nên lần này không cần điền nông cầu xin, đám thổ hào đã chủ động giảm tô thuế, đồn điền vốn định cướp, định mua nay cũng đành buông bỏ. Kẻ nào kẻ nấy cắn răng chịu đựng, chỉ mong sao cho vị Huyện lệnh này sớm phải cuốn gói điều chuyển đi nơi khác; còn có kẻ ngày ngày cầu khấn, hy vọng một ngày nào đó thiên lôi giáng sét, đánh chết tên khốc lại này đi.
Chỉ riêng trong phạm vi Nghiệp Thành, Dương Bái đã rất thành công. Từ lúc ông ta làm chủ huyện tự, không chỉ con em quan viên không còn dám hoành hành như trước, mà ngay cả những vụ kiện tụng của bách tính thường dân cũng ngày một ít đi. Lưu Từ, kẻ bị ông ta điều đến làm Huyện công tào cũng rất mực chăm chỉ, cả ngày dẫn theo đám lính đi tuần khắp hang cùng ngõ hẻm, giám sát tất thảy sĩ nông công thương. Chỉ cần xe ngựa của Huyện lệnh đi ngang qua, bất luận kẻ nào cũng phải lùi tránh sợ sệt, còn nhanh hơn cả tránh xa giá của Thừa tướng, ngay đến vị công tử không biết trời cao đất dày như Tào Chương cũng không dám ngông nghênh nữa. Tào Tháo thấy cảnh trong ngoài Nghiệp Thành yên ổn như vậy, trong lòng rất lấy làm vui mừng, tự cho rằng đã giải quyết được một việc nan giải. Nhưng đúng vào lúc ông đang dương dương đắc ý, Dương Bái lại mang một xấp án kiện tới cho ông.
Vấn đề của Nghiệp Thành đã được giải quyết, nhưng những vụ án từ các châu quận khác gửi đến, Tào Tháo vẫn phải tự mình xử trí. Kỳ thực Dương Bái cũng đã lọc qua một lần, những vụ án nào có thể xử trí được ông ta sẽ vượt quyền xử trước, còn giao đến tận tay Tào Tháo đều là những vụ án nghiêm trọng, cáo trạng toàn những kẻ như Tào Hồng, Lưu Huân ỷ quyền cậy thế vơ vét của cải. Đặc biệt khiến Tào Tháo khó xử là vụ án của Đinh Phỉ, khi xưa Viên Hoán nhận chức Bái quốc đô úy đã từng phản ánh chuyên Đinh Phỉ, Biện Bỉnh có biểu hiện tư lợi khi xử lý những việc liên quan đến đồn điền, ông không mấy để tâm; Mao Giới cũng từng nhiều lần cáo trạng Đinh Phỉ bất pháp, coi trời bằng vung, ông cũng không buồn xử lý, cho đến bây giờ mới biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Thì ra khi xử trí việc phân chia đồn điển ở Bái Quốc, Đinh Phỉ đã mặc sức vơ đầy túi riêng, không những vậy còn câu kết với Đồn điền đô úy Đổng Tự, ngấm ngầm đổi trâu bệnh của minh lấy trâu khỏe của nông dân - Theo chế độ đồn điển, trâu mà nhà nông sử dụng đại đa số là trâu nhà quan, do quan phủ cho nông dân mượn dùng, những ai mượn trâu nhà quan mỗi năm phải chia lợi quan sáu phần, dân bốn phần, còn ai tự dùng trâu nhà nuôi thì mỗi năm chia lợi cho quan năm phần, dân năm phần. Đinh Phỉ to gan đổi một lượng lớn trâu bệnh lấy trâu khỏe, trâu bị ốm bệnh tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc canh tác, không những quốc gia chịu tổn hại mà khiến nông dân cũng bất mãn. Vậy đàn trâu khỏe ông ta dùng làm gì? Hẳn sẽ là dùng danh nghĩa trâu của mình để cho nông dân thuê, hòng vụ lợi từ đó. Chỉ với một thủ thuật gian trá như vậy, quốc gia không những bị thiệt mất một phần lợi tức, mà trâu bệnh cũng khiến cho năng suất bị hao hụt, một lượng lớn tài sản bất nghĩa cứ như vậy chui vào túi Đinh Phỉ, Đổng Tự, bọn họ ăn bớt, cắt xén như vậy đã nhiều năm nay.
Đồn điền để lộ ra một lỗ hổng lớn như vậy mà mạc phủ vẫn không hề hay biết, đồn dân há lại không bỏ trốn? Pháp chế há lại không ngày càng băng hoại? Tào Tháo sau khi đọc xong cáo trạng liền triệu tập toàn bộ quan viên trên dưới trong phủ mắng chửi té tát, quyết định rằng sẽ tự mình thẩm vấn vụ án này.
Biện Bỉnh lại trở thành kẻ đen đủi, vị cữu phụ này muốn đi chạy cũng chẳng biết chạy ở đâu, bị gọi đến Thính Chính đường, nghe tỷ phu của mình mắng chửi đến nỗi tối tăm mặt mũi trước mặt đám duyện thuộc:
— Ta tưởng ngươi chẳng qua bản tính lười nhác, ai ngờ rằng ngươi lại còn có cả loại thủ đoạn này! Năm xưa ta phó thác việc đồn điền Bái Quốc cho ngươi và Đinh Phỉ, năm lần bảy lượt dặn dò ngươi không được vơ vét quá đáng, ngươi coi đó là lời gió thoảng bên tai sao? Ngay cả tiền của, của người cùng quê ngươi cũng dám tước đoạt, đâu chỉ một mình ngươi mất mặt, giờ lão phu cũng biết giấu mặt đi đâu!
Biện Bỉnh thực ra cũng có nỗi oan, lúc này cũng không dám cười nói gì nữa:
— Tại hạ thân là kẻ thân cận, nào dám vơ vét tư lợi gì? Nếu ngài không tin có thể tra xét tài sản của Biện thị, nếu có nửa đồng do tham ô mà có, ngài cứ để tại hạ chết không có chỗ chôn!
Tào Tháo cười nhạt nói:
— Được, ngươi là kẻ trong sạch, liêm khiết! Nhưng ngươi bị điếc hay bị mù? Lẽ nào Đinh Văn Hầu mặc sức vơ vét ngươi không hề hay biết? Ngươi nói việc tự ý bắt dân phu Tịnh Châu lao dịch ngươi không liên quan, ta có thể tin được. Nhưng Đinh Phỉ tư lợi vơ vét không phải chỉ ngày một ngày hai, ngươi đã từng nói câu nào khuyên răn hắn? Có lần nào đến phủ chuyện trò, ngươi kể lại với ta nửa câu chưa? Ta thấy ngươi làm người tốt quá!
Bọn họ xét cho cùng cũng là người một nhà, những kẻ ngoài cuộc há lại không lựa lời khuyên giải? Thôi Diễm đứng ra nói:
— Thừa tướng không cần quở trách Biện đô úy, vụ án này xét cho cùng cũng không liên quan gì đến ngài ấy. Ngài ấy cùng lắm chỉ là chưa làm tròn phép kiểm cử, mong Thừa tướng khoan dung.
— Cút, cút hết! - Tào Tháo đập mạnh lên soái án, - Cho ngươi làm chức Biệt bộ tư mã đã là nể mặt lắm rồi, từ nay về sau không có chuyện gì cấm ngươi được vào mạc phủ!
Biện Bỉnh trợn tròn mắt nhìn tỷ phu, trong lòng rối như tơ vò: Ta nào có làm gì sai? Lẽ nào làm họ hàng của Tào Mạnh Đức lại khó đến vậy sao? Không sai, tỷ đệ nhà Biện thị ta xuất thân từ phường hát xướng, là ngài ra tay cứu chúng ta. Nhưng họ Biện ta đây nào có làm gì không xứng với ngài? Món nợ của Hoàn thị năm xưa không tính thì thôi, nhưng hơn ba mươi năm nay ta nhất mực cẩn trọng, phải chịu khổ biết mấy! Có công ngài không thưởng, có tội thì ngài phạt trước, trong lòng trăm nỗi buồn bực vẫn phải tươi cười nịnh nọt ngài! Ta nợ ngài, lẽ nào cả đời này kiếp này phải mặc cho ngài nhục mạ, mặc cho ngài sai khiến sao? Ngài nói ta không chịu quản chuyện của Đinh Phỉ, nếu thực sự làm vậy ngài có mặt mũi nào đối diện với các huynh đệ đã cùng ngài cử binh năm xưa? Trái cũng không được, phải cũng không xong, ông trời ơi! Cái số của ta đúng thật oan uổng...
Biện Bỉnh nghĩ đến đây bỗng thấy lồng ngực nhói đau, cổ họng mặn đắng, đoạn thổ máu ra miệng. Nhưng ông ta không muốn bị mất thể diện trước mặt mọi người thêm nữa, bèn cố nuốt lại, khẽ chắp tay chào mà chẳng buồn nhìn Tào Tháo, quay lưng thẫn thờ bước đi.
Ông ta đi rồi, Tào Tháo vẫn chưa nguôi cơn giận:
— Truyền Điển quân hiệu úy Đinh Phỉ!
Không lâu sau Đinh Phỉ xuất hiện trước cửa đại đường, khác với Biện Bỉnh, ông ta chủ động gỡ bỏ đai mũ, cởi cả quan phục; nhưng thần sắc trên mặt vẫn rất thản nhiên, không hề có ý sợ sệt. Tào Tháo khi nãy còn đang hằm hằm tức giận, nhưng trông thấy mặt ông ta trong lòng lại bắt đầu do dự: Đinh Phỉ là người cùng quê, lại là kẻ đã cùng ta khởi binh lập nhiều công tích, dù là binh lực hay tài lực đều đã từng cống hiến, không chỉ vậy còn là thân tộc với Đinh thị phu nhân. Ta đã bỏ Đinh thị, Đinh Xung không được nắm quyền hành giờ chỉ biết uống rượu cho qua ngày, nay nếu lại xử trí Đinh Phỉ, người trong thế gian sẽ nhìn ta thế nào đây? Nhưng nếu buông tha không quản, vậy phải ăn nói thế nào với quần liêu, ăn nói thế nào với nông dân khắp nơi đây?
Với một người thân cận như Biện Bỉnh, lỗi cũng không phải quá lớn, có thể giáo huấn mắng nhiếc vài câu rồi đuổi đi là được, nhưng một kẻ cố cựu như Đinh thị thì phải xử trí sao đây? Tào Tháo lúc này dường như đã hiểu ra nỗi khó xử của Biện Bỉnh, quả đúng là không biết làm sao.
Đinh Phỉ chậm rãi bước vào điện đường, đoạn vuốt tà áo quỹ sụp xuống đất:
— Tội thần tham kiến Thừa tướng.
Ông ta không thể tỏ ra ăn năn, quỵ lụy, như thể không coi tội hành của mình là nghiêm trọng lắm.
Tào Tháo thấy ông ta tự xưng “tội thần” nhưng trên tay lại không dâng ấn thụ, tự nhủ lão già này thực giảo hoạt. Dâng ấn tín biểu thị thành tâm nhận tội, không mang ấn tín theo thì rõ ràng là vẫn muốn làm quan, mặt dày đến đây lôi tình cũ ra để làm khó cho ta đây!
Tào Tháo không hề mắc mưu, nghiêm giọng hỏi:
— Đinh Vân Hầu, ấn thụ của ngươi đâu?
Đinh Phỉ vẫn mặt dày đáp:
— Ấn thụ tại hạ đem đi đổi lấy bánh ăn rồi.
Chẳng ai có thể ngờ được, lúc này ông ta vẫn còn tâm trạng để đùa giỡn, điều này chẳng hề ăn nhập với mức độ nghiêm trọng của vụ án. Quần liêu hai bên đều thấy buồn cười, ngay cả những kẻ xưa nay nghiêm túc như Thôi Diễm, Mao Giới, Viên Hoán cũng không nhịn nổi, chỉ biết ngước mắt nhìn trời không dám cười ra thành tiếng.
Tào Tháo không có tâm trạng đâu để cười, nghiêm mặt nói:
— Mặt dày vô sỉ, ngươi còn dám đùa giỡn? Vơ vét điền sản số lượng quá lớn, ngươi hẳn biết đó là tử tội?
— Thuộc hạ biết tội... - Đinh Phỉ khấu đầu nhận tội.
Tào Tháo gằn giọng, tâm trạng thống hận khôn xiết:
— Kẻ khác phạm tội đã đành, ngươi tòng quân bao năm biết rõ sáng lập cơ nghiệp nào có dễ dàng, năm xưa ở Duyện Châu lương thảo túng quẫn, lại bị Lã Bố liên tục công hãm. May có Tảo Chi, Nhậm Tuấn vắt óc nghĩ ra cách chấn hưng đồn điền, chiêu tập lưu dân canh tác đồn điền để cung cấp lương thảo. Nếu không có đồn điền chế, lão phu sớm đã bị đám Viên Thiệu giết chết rồi. Thế mà ngay cả việc đổi trâu khỏe lấy trâu bệnh ngươi cũng nghĩ ra được, vậy tiền của trong thiên hạ này há ngươi lại không dám tham ô? Vơ vét của cải, phá hoại phép tắc quốc gia, còn có mặt mũi nào đối diện với dân chúng trong thiên hạ? Có mặt mũi nào để đối diện với những người đã khuất!
Nhớ đến Nhậm Tuấn, vị muội phu đã chết của mình, ông bất giác cảm thấy đau lòng: Nếu như Nhậm Bá Đạt còn sống thì chuyện này sao có thể xảy ra.
Đinh Phỉ thở dài, mặt hiện rõ vẻ băn khoăn:
— Thừa tướng nói câu nào cũng có lý, nhưng trong dân gian có câu tục ngữ, không biết ngài đã từng nghe qua?
— Nói!
Tào Tháo ngán ngẩm.
— Đó là “Tham lại tuy bất khả vi nhi khả vi, liêm lại tuy khả vi nhi bất khả vi.”(*)
— Hả? - Tào Tháo ngạc nhiên, - Câu này là ý gì?
— Quan tham tuy mang ô danh, nhưng tử tôn được thành hào phú; quan liêm dù có thanh danh, nhưng tử tôn phải chịu cảnh bần hàn. - Đinh Phỉ đưa mắt nhìn quần liêu hai bên, - Tại hạ xin cả gan gọi ngài là Mạnh Đức huynh như xưa, tại hạ biết mình tài trí không rộng, công lao không cao, nhưng xét cho cùng cũng là người đã cùng huynh cử binh năm xưa. Trộm nghĩ rằng làm quan một đời cũng chỉ mưu cầu hai việc, trên vì triều đình, dưới vì gia đình, đời này tại hạ đã vậy, nhưng chí ít cũng phải lưu lại chút phú quý cho tử tôn đời sau chứ. Mạnh Đức huynh! Ây dà...
Trước mặt đám duyện thuộc ở đây, ông ta cũng không tiện nói rõ hơn.
Đinh Phỉ tuy không nói rõ, nhưng Tào Tháo há lại không hiểu? Ông cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ: Năm xưa các huynh đệ dấy binh cùng ta quả đã phải chịu khổ không ít, Đinh Phỉ chẳng phải là vô tài vô công như lời hắn nói, là ta không muốn bọn họ cậy công, cậy quyển nên mới cố tình áp chế. Những chuyện xưa không nói, ngay ở trận chiến bên bờ Vị Thủy, nếu không có hắn xua đàn trâu ngựa phá hỏng trận đồ của Mã Siêu thì mạng ta giờ liệu có còn? Nếu đã không thể giao cho quyền cao chức trọng, lẽ đương nhiên phải ban thưởng thật hậu, xem ra cũng là do ta xử trí mọi chuyện chưa thật chu toàn! Năm xưa Cao Tổ diệt Hàn Tín, giết Bành Việt, giam Tiêu Hà, làm nhục Trương Ngao, thế nhân đều nói ngài ta bạc tình. Thiên hạ này vẫn chưa phải của Tào mỗ, ta há có thể chưa thành đại sự đã học theo tiền nhân? Hôm nay nếu ta giết hắn, vậy những kẻ năm xưa cùng ta khởi binh sẽ nghĩ thế nào? Tôn Quyền chưa trừ, Lưu Bị chưa diệt, sau này liệu còn ai chịu bán mạng vì ta?
Nghĩ đến đây Tào Tháo dần nguôi ngoai, ông cầm án kiện lên rồi lại đặt xuống, đưa tay bóp trán, hồi lâu mới nói:
— Niệm tình ngươi tòng quân lâu năm, cũng niệm tình ngươi có ơn cứu mạng trong trận Vị Thủy, lão phu... lão phu tha cho ngươi lần này. Nhưng tội chết có thể tha, tội sống khó thoát, ngươi phải bồi hoàn tất cả trâu cho đồn dân, giao lại toàn bộ điền sản mà ngươi đã chiếm đoạt!
Nếu là người khác nghe thấy như vậy ắt phải mừng rỡ, nhưng Đinh Phỉ vốn là kẻ hám tài hám của, ông ta tích cóp được bao nhiêu trước nay rất ít khi chịu nhả lấy một hào, vàng luyện lại thành nén, bạc đúc lại thành bánh, còn tiền đồng cứ thế xâu lại thành chuỗi. Tất thảy của cải bất nghĩa đều cất kỹ trong nhà, giờ chỉ một câu nói của Tào Tháo là xong chuyện. Tốn công nhọc sức cất giấu bao nhiêu tiền của mà bản thân chưa được hưởng thụ chút nào, đúng là com cóp cho cọp nó xơi! Đinh Phỉ không chỉ đau lòng, mà tim cũng thấy đau, nhưng không bị trị tội chết đã là may lắm rồi, đành cắn răng cúi đầu:
— Tạ ơn Thừa tướng khai ân...
Tào Tháo chợt thở dài:
— Công lao của ngươi ta trong lòng đã tính sẵn, ắt không để ngươi chịu thiệt thòi. Từ nay về sau những việc liên quan đến lương thảo không cho phép ngươi quản nữa, liệu mà làm Điển quân hiệu úy cho tốt, còn chuyện của tử tôn ta sẽ suy xét thay cho ngươi, chớ nên nói những câu như “liêm lại tuy có thể làm nhưng không muốn làm” nữa. Mau đi đi!
Ông ngán ngẩm xua tay, sợ mình lại thay đổi chủ ý.
— Tội thần xin khắc cốt ghi tâm...
Đinh Phỉ chưa nói xong nước mắt đã trào ra, vừa đau, vừa hận, lại vừa tiếc tiền.
Tiểu cữu của ông chẳng làm gì sai cũng bị mắng chửi một trận, còn Đinh Phỉ tham ô bao nhiêu tiền của như vậy lại được xử lý qua loa. Đinh Phỉ đi rồi, các duyện thuộc vẫn nhìn chăm chăm về phía Tào Tháo, hô hào công chính chấp pháp bao lâu mà cuối cùng lại thành ra như vậy? Đặc biệt là Đông tào duyện Mao Giới, ông ta ngửa mặt lên nhìn, hai mắt trợn tròn ngạc nhiên. Tào Tháo cũng thấy mặt mình đang nóng ran, đành phải viện cớ:
— Ta có Đinh Phỉ cũng như nhà có kẻ trộm chó nhưng lại biết mẹo bẫy chuột, trộm cắp tuy gây hại nhỏ nhưng cũng giúp ta thành sự.
Ai nấy nghe vậy đều đưa mắt nhìn nhau, cũng không tiện nói thêm gì. Hòa Hiệp chậm rãi đứng ra khỏi hàng, nói giọng thâm trầm:
— Lòng nhân từ của Thừa tướng quả là hiếm có. Nhưng đại án như vậy há có thể phán xử qua loa? Ngài định ăn nói thế nào với Dương Huyện lệnh đây?
Tào Tháo cũng khó xử, nửa tháng trước ông hứa chắc như đinh đóng cột với Dương Bái rằng sẽ trừng trị tham ô, vậy mà giờ chẳng trị được ai, mặt mũi đâu gặp người ta đây? Nghĩ đi nghĩ lại cuối cùng vỗ mạnh lên soái án:
— Đồn điền đô úy Đổng Tự cậy quyền tư lợi tội không thể tha, lập tức gửi thư đến Duyện Châu giam hắn vào ngục!
— Tuân lệnh.
Chúng nhân cúi đầu nhận lệnh, ai nấy thầm cười trong bụng. Cái này gọi là không xử được Diêm vương đành bắt tiểu quỷ chịu tội!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9