For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 123
ý Châu bất ổn, Tào Tháo chỉ trích Tào Phi
Công nhiên mắng con
Tuy việc tây chinh phải gián đoạn do cuộc phản loạn ở Ký Châu, nhưng Tào Tháo đã thành công trong việc đánh bại chư tướng Quan Trung, đoạt được một địa bàn rộng lớn, lại phái Hạ Hầu Uyên và một số tướng khác chia quân trấn thủ Trường An, lập nên thế “Thái Sơn áp đỉnh” đối với Lương Châu. Giết địch đoạt đất vẫn là thứ yếu, điều quan trọng nhất là thông qua trận chiến này Tào Tháo đã vãn hồi được uy vọng, cuối cùng ông cũng đã thoát khỏi vũng lầy sau trận đại bại Xích Bích. Tuy nhiên, chiến thắng này không chỉ là một mối đe dọa với kẻ địch, mà cũng là một mối đe dọa với triệu đình Hán thất.
Trong lúc Tào Tháo rút quân, dưới sự điều đình của Đổng Chiêu, triều đình liền gửi chiếu mệnh, biểu dương công lao của Tào Tháo; và quyết định hợp nhất thêm mười bốn huyện vào quản hạt của Ngụy Quận, bao gồm huyện Đãng Âm, Triều Ca, Lâm Lự của quận Hà Nội, huyện Vệ Quốc, Đốn Khâu, Đông Vũ Dương, Phát Cán của quận Đông, huyện Anh Đào, Khúc Chu, Nam Hòa của quận Cự Lộc, huyện Nhậm Thành của quận Quảng Bình, huyện Tương Quốc, Hàm Đan, Ích Dương của Triệu Quốc (Triệu Quốc là quận quốc, còn Tương Quốc là huyện); ngoài ra lại phong cho con của Thừa tướng là Tào Vũ làm Đô Hương hầu, Tào Huyền làm Tây Hương hầu. Tào Vũ là đứa con nhỏ tuổi nhất của Hoàn thị, vẫn chưa đến mười tuổi; còn Tào Huyền dù đã đến tuổi nhược quán, nhưng lại do trắc thất Tần thị sinh ra, tính cách tầm thường trầm lặng. Hai vị công tử này tất nhiên chẳng có công lao gì với xã tắc, nên chắc chắn đây chỉ là cách để lấy lòng mạc phủ. Ký Châu là căn cứ địa của Tào Tháo, Ngụy Quận lại là quận đứng đầu của Ký Châu, địa bàn của những châu quận khác sáp nhập vào quản hạt của Ngụy Quận, điều này cũng đồng nghĩa với việc đất đai do Tào Tháo trực tiếp thống lĩnh càng ngày càng rộng lớn. Tu tạo Nghiệp Thành, năm con được phong hầu, mở rộng địa bàn, Tào gia giờ đã nghiễm nhiên trở thành “nước ở trong nước”.
Thế nhưng sau khi trở về Nghiệp Thành, Tào Tháo không hề lấy đó làm vui mừng, việc đầu tiên đang chờ ông giải quyết là những sự vụ sau cuộc phản loạn. Tất cả quan viên của mạc phủ và Ngụy Quận đều tề tựu trong Thính Chính đường, nếu nói đây là một cuộc hội ngộ, chẳng thà nói đây là một buổi diện kiến mà kẻ nào kẻ nấy đều nơm nớp sợ hãi, lắng nghe xử trí của Tào Tháo.
Lưu phủ Trưởng sử Quốc Uyên, Hộ quân Từ Tuyên, Ngũ quan trung lang tướng Tào Phi và cả Trưởng sử Lương Mậu, Công tào Thường Lâm, năm người quỳ ngay ngắn trước cửa điện đường. Bọn họ là những quan viên chủ chốt trong lần lưu thủ này, bất luận nguyên nhân của cuộc phản loạn là do đâu, bọn họ cũng phải gánh chịu trách nhiệm, thế nên cuộc hội ngộ vừa mới bắt đầu họ đã chủ động đứng ra thỉnh tội. Tào Tháo tay chống soái án, nét mặt trầm tư, chỉ chăm chăm nhìn ra đồng hồ đang nhỏ từng giọt tí tách, hồi lâu không nói. Những thuộc quan khác cũng không dám tùy tiện nói năng, tất thảy đều cúi đầu nín thở, trông chẳng khác gì những pho tượng đất. Trên đại đường hoàn toàn im ắng, bầu không khí căng thẳng bủa vây xung quanh.
Tất cả mọi người đều liệu rằng Tào Tháo chẳng mấy chốc sẽ đập soái án nổi cơn đại nộ, nhưng bọn họ đã nhầm, sau khi trầm mặc hồi lâu, ông chỉ lật giở công văn trên soái án, bình tâm tĩnh khí nói:
— Quốc Trưởng sử, số phản tặc ngươi trình lên phải chăng có sai sót? Ta liên tiếp nhận được quân báo, chỉ một dải Hà Gian quân phản loạn đã có vài vạn, trừ đi số Giả Tín, Tào Nhân đã tru diệt, chí ít đồng đảng của chúng vẫn có hơn vạn, cớ sao ở đây chỉ có vài ngàn?
Quốc Uyên lết lên phía trước hai bước, khẽ giọng nói:
— Xưa nay tướng lĩnh khi phá được định, để khoa trương công lao thường báo nhiều từ một thành mười. Nhưng tại hạ cho rằng cuộc bình loạn lần này khác biệt so với trước kia, thế nên mới chỉnh lý lại đôi chút.
— Có gì khác biệt? - Tào Tháo muốn nghe thử lý do.
— Trước kia chinh chiến là để chinh thảo ngoại khấu, tính nhiều thêm số kẻ địch bị giết để tỏ rõ uy vũ, làm cho đám phản đồ bất trắc phải khiếp sợ. Nhưng Hà Gian nằm trong phong vực của Thừa tướng, bình diệt bọn phản loạn tuy nhanh gọn, nhưng... nhưng... - Quốc Uyên nói đến đây thì vẻ mặt rất khó xử.
— Nhưng sao?
Quốc Uyên run rẩy khấu đầu:
— Tại hạ thầm cảm thấy hổ thẹn.
Thiên hạ đều biết Ký Châu là căn cứ địa của Tào Tháo, nơi đây xảy ra phản loạn có khác gì chứng minh rằng Tào thị thất đức, số lượng phản tặc báo lên càng nhiều bao nhiêu, Tào Tháo càng mất mặt bấy nhiêu. Xưa nay chinh chiến bình loạn đa số đều báo không từ một thành mười để tỏ rõ công lao trấn áp bách tính, Quốc Uyên lại xử trí ngược lại đạo lý đó, đừng nói là hư báo số lượng, mà ngay cả những kẻ ban đầu bị Giả Tín quy là phản đảng cũng phải hết sức cân nhắc, phàm những kẻ đáng dung thứ, đáng thương hoặc mù quáng đi theo, có thể miễn tội thì miễn tội cả. Cố nhiên ông ta làm như vậy nhằm giữ gìn thể diện cho Tào Tháo, nhưng cũng có thể cứu được hơn ngàn sinh mạng.
Tào Tháo bất giác gật đầu:
— “Hiếu học cận hồ trí, tri sỉ cân hồ dũng.”(*) Dụng tâm cân nhắc như vậy cũng coi là vất vả, ngươi đứng dậy đi.
— Tại hạ có tội.
Tào Tháo xua xua tay:
— Tội không phải do ngươi.
— Tạ ơn Thừa tướng khoan dung.
Quốc Uyên đứng dậy thi lễ, đoạn lẩy bẩy đứng vào hàng. Tào Tháo lại nói:
— Từ Hộ quân, ngươi cũng vô tội.
Từ Tuyên vẫn quỳ ở đó không chịu đứng dậy, một mực lắc đầu, giọng thống thiết:
— Thánh nhân có câu: “Nguy nhi bất trì, điên nhi bất phù, tắc tướng diên dụng bỉ tương hỷ?”(*) Thuộc hạ trị quốc bất lực, lúc chiến sự xảy ra lại không thể tự mình xông pha chiến trường, thực sự tội không thể dung thứ.
Những lời ông ta nói đều xuất phát tự đáy lòng, chưa kịp dẫn quân ra chiến trường binh quyền đã bị Tào Phi đoạt mất, thử hỏi viên Hộ quân như ông ta biết giấu mặt đi đâu?
Tào Tháo khẽ mỉm cười:
— Năm xưa lão phu chọn ngươi làm Hộ quân lưu thủ, căn bản không phải vì thấy ngươi có tài trị quân, mà vì muốn dùng cái đức của ngươi. Lần này phản loạn nổi dậy từ dân gian, không phải từ sĩ tốt, có thể thấy ngươi không phụ sứ mệnh của mình. Tiếc là kẻ thống sự không hiểu được dụng tâm của lão phu, vẫn chưa học được nhân đức của ngươi, nếu như được một hai phần như ngươi thì há có sự phản loạn này?
Nhắc đến “kẻ thống sự” tất nhiên là chỉ Tào Phi, xem ra Tào Tháo đã đổ toàn bộ tội trạng lên đầu trưởng tử của mình.
Từ Tuyên nào dám tự tiện thoát thân một mình, vội vàng nói:
— Không phải là lỗi của Ngũ quan trung lang tướng, tất cả là do chúng tại hạ phò tá bất lực...
— Lão phu đã nói không trị tội của ngươi, mau đứng lên!
Tào Tháo không muốn nghe ông ta nói tiếp nữa. Từ Tuyên ngẩng đầu nhìn lên, trông thấy ánh mắt nghiêm nghị của Tào Tháo, không dám tranh biện nữa, đành đứng dậy thi lễ rồi lui vào hàng. Tào Tháo lại chỉ Lương Mậu, Thường Lâm:
— Các ngươi cũng đứng dậy.
— Thừa tướng... chúng tại hạ...
Hai người họ cũng khấu đầu thỉnh tội.
— Lão phu đã nghe nói rồi, hai ngươi phò tá con ta tận tâm tận lực, xảy ra phản loạn các ngươi đều ngăn cản nó thân chinh, thực sự có công, không có tội.
Lương Mậu nào dám lĩnh công lao này, vội đỡ lời cho Tào Phi:
— Ngũ quan trung lang tướng vốn thiên tính thông tuệ, nếu lĩnh binh bình phản ắt sẽ mã đáo thành công, đều do chúng thần hành sự quá thận trọng, chỉ sợ chính sự bị lơ là nên mới khuyên gián ngài ấy chớ nên thân chinh ra chiến trường. Hoàn toàn không có dụng tâm như vậy, thực sự không thể tính là công lao.
Tào Tháo cười nhạt nói:
— Có dụng tâm hay không lão phu đều phải cảm ơn ngươi. Thiên tinh thông tuệ? Ha ha ha! Nếu thực sự để nó lĩnh binh dẹp loạn, không biết bây giờ sẽ loạn đến mức nào nữa.
Đây là những lời trách cứ rõ ràng. Tào Phi quỳ ở dưới nghe vậy vừa sợ hãi vừa ấm ức, thực sự không biết phụ thân cớ sao lại coi thường mình đến vậy, tại sao lại võ đoán rằng mình không thể bình được phản quân.
Thường Lâm cũng muốn khuyên giải đôi lời, nhưng bị Tào Tháo cắt ngang:
— Lão phu bảo vô tội là vô tội, các người đứng lên cả cho ta!
Lương Mậu, Thường Lâm không tiện trái lời, đưa ánh mắt áy náy nhìn Tào Phi, đoạn đứng dậy lui cả vào hàng.
Thính Chính đường rộng lớn chỉ còn mình Tào Phi quỳ dưới đất, Tào Tháo cũng không vội trút giận, chỉ lặng lẽ mở công văn đọc, giọng âm trầm:
— Ngươi quỳ sang một bên cho ta, đợi ta xử lý xong công vụ rồi tính sổ với ngươi...
Chỉ một câu mà tất cả thần liêu đều nhất tề quỳ rạp xuống:
— Xin Thừa tướng nguôi giận, khoan thứ cho trung lang tướng đại nhân!
— Khoan thứ? Lão phu có thể tha cho nó một lần, há có thể lần nào cũng tha? - Tào Tháo sắc mặt càng nghiêm, - Việc này không liên quan tới các ngươi, đứng cả dậy cho ta!
Tình thế như vậy ai dám mặc kệ không quản? Mọi người nhất tề khấu đầu, thỉnh cầu Tào Tháo khoan thứ cho Tào Phi, không ai đứng dậy. Tào Tháo thấy tình cảnh này lại càng không vui, ném quyển trúc trong tay xuống, nghiêm giọng quát:
— Ta bảo các ngươi đứng dậy, không nghe thấy sao? Lẽ nào các ngươi đều nhận được vài hòm gấm lụa từ nó nên mới nói đỡ cho nó?
Nghe vậy ai nấy đều giật mình thảng thốt - Lần trước Tào Phi gửi lễ vật đến cho quần liêu, quá nửa những kẻ đang có mặt đều đã nhận lấy, chẳng phải vì tham chút gấm lụa đó, mà là không dám đắc tội với Tào Phi. Nay Tào Tháo nói toạc việc này ra, nếu cố đấm ăn xôi không khéo sẽ bị khép vào tội danh tư thông với công tử, kéo bè kết đảng, thế nên tất thảy đều nhất loạt đứng phắt dậy như có kim châm, không dám hé răng nói gì nữa.
Tào Tháo cuối cùng đã nổi cơn đại nộ với Tào Phi:
— Ngươi tưởng rằng những việc đó ta không biết sao? Thân là nhi tử của Thừa tướng mà lại đi hối lộ quan viên của mạc phủ, triều đình, không tiếc công sức mua chuộc nhân tâm, tưởng rằng làm như vậy là có thể đảm bảo việc ngươi sẽ kế thừa cơ nghiệp của phụ thân ngươi? Toàn là những cái tài trộm gà cướp chó, chưa học được cái gì đã học được trò đoạt doanh tranh quyền rồi! Tiếc thay, lão phu cần người công trung thể quốc, thành tâm nhậm sự, chứ không phải những kẻ giậu đổ bìm leo, tham lam vụ lợi!
Tào Phi quỳ ở một bên, hai tay bấu chặt xuống nền gạch, đầu cúi sát đất. Ngay cả những chuyện bí mật như vậy mà phụ thân cũng lôi ra lột trần trước mặt văn võ bá quan, y sao có thể chịu nổi?
Tào Tháo dần áp chế được lửa giận, vừa chậm rãi bước xuống vừa nói:
— Ngươi giờ cũng đã hơn hai mươi tuổi, lão phu vốn muốn giữ thể diện cho ngươi, nào ngờ ngươi lại không biết điều hay lẽ phải. Triều đình ban cho ngươi chức quan, ngươi không vội thảo biểu tạ ơn mà lại dẫn theo bằng hữu du hý Nam Bì, ngươi chẳng những không coi triều đình ra gì, mà cũng chẳng coi kẻ làm cha như ta ra gì? Những kẻ cùng ngươi đi Nam Bì ta đều biết cả, rặt một đám không ra gì. Các ngươi ngấm ngầm bàn bạc với nhau những gì? Nói!
Đắc quan xuất du là thực, nhưng Tào Phi chỉ cùng chúng bằng hữu đi hàn huyên thưởng nguyệt, Tào Tháo lại nói rằng y ngấm ngầm bàn bạc, quả thực là oan uổng. Ký thất Lưu Trinh, Nguyễn Vũ đều đi cùng trong lần xuất du Nam Bì, định bụng bước ra nói lời công đạo, nhưng chỉ sợ chuốc họa vào thân, lại bị Tào Tháo nói là những kẻ không ra gì, sợ đến nỗi sắc mặt trắng bệch, toàn thân cứng đờ. Tào Phi bị oan không biết bao biện ra sao, lòng dạ rối bời, chỉ khổ sở biện bạch:
— Phụ thân, tuyệt đối không có chuyện đó, tuyệt đối không...
Tào Tháo nào chịu nghe y giải thích, tiếp tục gằn giọng:
— Đậu Phụ kia được lợi lộc gì của ngươi, suốt ngày ở bên ta lải nhải nói lời hay ý đẹp cho ngươi, lần này chinh chiến hắn không may vong mạng, lão phu vốn có ý truy thưởng, nhưng vì duyên cớ của ngươi, lão phu quyết định không truy biểu hắn nữa. Để cho những kẻ đầu óc nông cạn kia chớ nghĩ rằng theo ngươi sẽ có lợi, rồi cứ thế nịnh bợ ngươi! Còn với những kẻ cá mè một lứa với ngươi, ngươi cứ chờ xem, bọn chúng cũng chẳng có kết cục tốt đẹp đâu!
Tào Phi vừa buồn vừa bực, chuyện của Đậu Phụ thì nhỏ, nhưng ngày sau ai dám phò giúp y nữa đây? Tào Tháo làm như vậy có khác gì tuyệt đường giao tế của y!
Tào Tháo càng nói càng tức, chỉ thẳng vào mặt Tào Phi mà chửi:
— Lão phu năm lần bảy lượt bao dung cho ngươi, giáo huấn ngươi, ngươi nào có để lọt tai? Ta tọa trấn Ký Châu bảy năm, tự thấy mình chưa có chỗ nào bạc đãi bách tính. Ngươi nhậm sự chưa đầy nửa năm đã để xảy ra loạn, không phải do ngươi thất đức thì còn do đâu? Tên phản đồ Điền Ngân kia vốn là hào tộc đất Hà Gian, Tô Bá chẳng qua chỉ là một tên tá điền! Kẻ làm cha là ta đây thực lòng khâm phục ngươi, chỉ chưa đầy nửa năm mà ngươi đã đắc tội với tất cả hào tộc cho đến dân đen, ngươi thực là tài giỏi! May mà ngươi chỉ là con ta, nếu sinh ra trong hoàng gia, ngồi trên thiên hạ, há chẳng phải cả thiên hạ rồi sẽ nổi loạn? Khi ngươi còn nhỏ ta đã không thể yên tâm, lúc đọc sách thì chẳng chuyên tâm, chỉ hùa theo đám huynh đệ cưỡi ngựa săn bắn, lúc nào cũng chăm chăm vụ lợi, người khác săn thì ngươi cướp về nói rằng của mình. Khi công hạ Nghiệp Thành ai nấy đều bận rộn quân vụ, chỉ có mình ngươi tự ý xông vào Viên phủ đoạt nữ nhân của kẻ khác, tầm hoa vấn nguyệt, thảnh thơi đắc ý...
Những chuyện chẳng đầu chẳng cuối đều bị lôi ra cả, những người có mặt ai nấy đều sững sờ kinh ngạc. Ngay cả chuyện hồi nhỏ đọc sách, săn bắn ông cũng nhớ ra, còn cả chuyện Chân thị cũng bị lôi ra bêu riếu, đó là những chuyện năm nào rồi? Toàn là những việc gia vụ vặt vãnh, còn người phải chịu trách nhiệm cho lần phản loạn này rốt cuộc là ai? Rõ ràng Tào Tháo nãy giờ không phải là giáo huấn mà chỉ đang trút giận, đổ hết những điều bất mãn bao năm cùng với nỗi u uất sau thảm bại Xích Bích lên đầu Tào Phi.
Tào Phi không ngờ rằng mình lại biến thành hình nhân thế mạng, cho rằng phụ thân đang đem tất cả tội vạ trên thế gian đổ lên đầu mình, chỉ biết liên tục dập đầu thỉnh tội, không biết nói gì hơn.
Tào Tháo mắng chửi té tát không thôi, những chuyện lông gà vỏ tỏi cũng nhớ ra, tiếp đến lại nhìn ra chiếc đồng hồ ngoài điện đường, nhìn từng giọt nước đang chảy tí tách nói giọng lạnh lùng:
— Một đời người ngắn ngủi biết mấy? Thời gian thoáng chốc đã qua, ta đã già rồi, nhưng ta phải tìm một người kế tục có tài cán siêu quần, một kẻ bất tài vô đức như ngươi ngày sau há có thể làm nổi tích sự gì? Nếu như Ngang nhi, Xung nhi còn sống, há có thể đến lượt một kẻ như ngươi? Những đứa con đáng thương của ta...
Kỳ thực nói cả nửa ngày, lúc này mới quay về chủ đề chính. Tào Tháo trong lòng vẫn nhớ đến Tào Ngang, Tào Xung, thế nên mới nhất nhất phóng to những lỗi lầm của Tào Phi, điều ông không ưa chỉ là tính cách của Tào Phi, còn luận về việc đối nhân xử thế cũng chẳng có gì to tát, các bậc phụ mẫu trên thế gian này nào có ai không thiên vị.
Biện Bỉnh đã không nghe lọt tai được nữa, cũng vì thấy cháu trai đã thay mình gánh tội trong việc tu tạo Đồng Tước đài nên trong lòng thực sự bất nhẫn, bèn lấy thân phận là cữu phụ đứng ra khuyên giải:
— Thừa tướng xin hãy nguôi giận, đại công tử cần cù hiếu đễ, chưa từng có tội...
Chưa kịp nói xong Tào Tháo đã quay phắt lại nạt:
— Ngươi thân làm cữu phụ cũng thật giỏi, quả nhiên nói thay cho cháu mình, việc Tịnh Châu bắt dân lao dịch ta vẫn còn chưa tính sổ với ngươi! Đám tiểu tử này từ bé đến lớn đều được ngươi dỗ nịnh, ngươi đã bao giờ dạy cho chúng điều hay lẽ phải? Cả ngày chỉ biết dẫn chúng chơi bời trác táng, khiến chúng chẳng biết thế nào là trời cao đất dày, nay sinh ra họa, ngươi còn mặt mũi nào đứng ra nói đỡ!
Ông tuôn một tràng khiến Biện Bỉnh vuốt mặt không kịp. Hôm nay quả thực Tào Tháo có chút quá đáng, chuyện nước chuyện nhà đều lôi ra nói, không những thế còn chẳng nể nang người nhà. Ngay cả cữu phụ đứng ra khuyên cũng vô ích, người khác nào dám tùy tiện xen vào, ai nấy chỉ biết nhìn nhau câm lặng. Tào Tháo thở dài thườn thượt đi đi lại lại, không biết vì sao lúc này Tào Phi càng cúi đầu nhận tội, Tào Tháo lại càng bực bội, toan tước chức Ngũ quan trung lang tướng của y.
Đột nhiên có một giọng thâm trầm cất lên:
— Thừa tướng, thuộc hạ có một lời mong ngài suy xét.
Chúng nhân đều cảm thấy quái lạ - Kẻ nào dám lên tiếng trong lúc này? Mọi người đều đưa mắt liếc qua, chỉ trông thấy một viên quan tuổi độ năm mươi, vận bộ áo đen bước ra khỏi hàng. Người này tuy là văn sĩ nhưng mắt hổ hàm én, tướng mạo uy phong, giọng nói hùng trầm trấn kinh tứ tọa, chính là Ngụy phủ Tây tào duyên Thôi Diễm.
— Đây là chuyện phụ tử nhà ta, ngươi có gì cần nói?
Tào Tháo biết ông ta là một người thẳng tính. Thôi Diễm chậm rãi bước tới trước vài bước, chắp tay đáp:
— Thừa tướng thân gánh trọng trách của thiên hạ, há lại có chuyện gia sự tầm thường? Năm ngoái công tử cũng từng phái người tặng gấm lụa cho thuộc hạ, thuộc hạ không dám lĩnh nhận, việc này Thừa tướng cũng đã biết. Thế nên thuộc hạ tuyệt đối không có ý bênh vực, những lời cần nói mong Thừa tướng suy xét!
Tào Phi thấy Thôi Diễm cất lời, tim như muốn nhảy cả ra ngoài, ông ta theo phe của Tào Thực, ắt sẽ nhân cơ hội này dâng lời xàm ngôn, tát nước theo mưa.
Tào Tháo chỉ thở dài một tiếng:
— Ngươi nhất quyết muốn nói, vậy hãy nói đi.
— Vâng. - Thôi Diễm cúi lưng đáp, - Ở chức vị nào thì trung thành với chức vị đó, Ngũ quan trung lang tướng thân gánh trọng trách lưu thủ, trong thời gian ngài ấy cai trị, Ký Châu sinh loạn, bất luận nguyên nhân do đâu, việc này thực sự cũng khó thoát can hệ.
Nghe đến đây Tào Phi toát mồ hôi hột, liệu rằng ông ta sẽ không tiếc lời công kích mình. Nào ngờ nói đến đây, ông ta bất chợt đổi giọng:
— Nhưng... loạn ở Hà Gian căn nguyên ở đâu, lẽ nào Thừa tướng không hay? Lần trước thuế má tăng vọt, sĩ dân bất mãn thế nên sinh oán, lại cộng thêm việc Thừa tướng lĩnh binh ra ngoài, Ký Châu trống rỗng, thành ra bọn phản đồ mới có cơ hội sinh sự từ trong, trung lang tướng phần nhiều là vì giám sát bất lực. Hơn nữa, bình tâm mà nói, Thừa tướng đã thực sự giao lại quyền bính cho ngài ấy chưa? Tất cả những trọng thần lưu thủ đều có quyền hành nhất định, bản thân trung lang tướng sao có thể làm chủ? Thừa tướng phủ, Ký Châu phủ, Ngũ quan trung lang tướng phủ, công việc ở ba nơi đều đổ cả lên đầu một mình ngài ấy. Thứ cho thuộc hạ nói thẳng, ngay cả Thừa tướng ngài hẳn cũng chưa từng vất vả như vậy! Sao có thể đem tất cả tội lỗi đều quy về cho trung lang tướng được?
Nếu là kẻ khác tuyệt đối sẽ không dám nói những lời này, duy chỉ Thôi Diễm xưa nay đã nổi danh công minh chính trực, thế nên lời lẽ ngay thẳng, có tình có lý, không hề thiên vị.
Tào Phi thực sự không dám tin, Thôi Diễm lại đang nói hộ cho mình, không những vậy câu nào câu nấy nói rõ yếu hại, dường như đều xuất phát từ tâm can. Trong thoáng chốc y chợt muốn khóc, nếu như không phải đang quỳ trên đại đường, y sớm đã nước mắt giàn giụa rồi. Y ý thức được rằng mình đã sai, sai trầm trọng, Thôi Diễm quả như lời Ngô Chất từng nói, là một bậc sĩ phu công trung thể quốc. Một viên đại thần thực sự sẽ mãi mãi đứng về phía công lý, không bao giờ vì kết thân với ai đó mà thay đổi lương tâm công chính của mình. Đường dài mới biết ngựa hay, y từ sợ hãi chuyển sang bi ai, lại từ bi ai chuyển sang thông hận, hận mình con mắt thiển cận, tưởng rằng dùng một chút ân huệ là có thể lung lạc thế nhân, thực sự đã đánh giá sai những vị đại thần này rồi, coi mọi chuyện trong thiên hạ thật quá đơn giản.
Cũng vì Thôi Diễm trước nay công tâm chính đạo, thực sự cầu thị, nên những lời ông ta nói khiến cho Tào Tháo hoàn toàn câm lặng, cái gan vuốt râu hùm này quả là không phải người thường có được. Thôi Diễm thấy Tào Tháo thở hổn hển không hề phản bác, lại quay người nói với chư thần:
— Vừa nãy Thừa tướng nói rằng trung lang tướng trăm việc bất thành, còn ta lại cả gan nói những điều ngài ấy đã làm được. Mấy ngày trước Mao đông tào điều tộc đệ của tại hạ là Thôi Lâm làm biệt giá Ký Châu, trung lang tướng nói rằng như vậy là tự tư vụ lợi. Câu này nói rất hay! Chúng ta thân làm quan đều phải nhất mực cẩn trọng, câu nói này của công tử không đơn thuần là vì chính sự của mạc phủ, vì kỷ cương của triều đình, mà cũng là vì danh tiết của Thôi thị ta. Nửa năm nay trung lang tướng thành tâm nhậm sự, ngày đêm lo nghĩ việc công, chưa từng có lấy một lúc an nhàn, mọi người đều đã chứng kiến, há có thể vì một lỗi lầm mà che lấp trăm điều công lao?
Mao Giới biết rõ mọi chuyện hơn Thôi Diễm, nhưng phàm mọi chuyện đều nên tốt khoe xấu che, Thôi Diễm đã coi chuyện kia là ý tốt của Tào Phi, ông ta cũng không tiện phản bác.
Chỉ cần có một người dám đứng ra nói lời trượng nghĩa, những người khác cũng dễ nói hơn.
Quốc Uyên lập tức tiếp lời:
— Thôi tây tào nói rất đúng, tại hạ ngày ngày cùng trung lang tướng xử lý công vụ, nửa năm nay chính sự bất luận to nhỏ thế nào, ngài ấy cũng cân nhắc thận trọng mới đưa ra định luận. Không ngại phiền hà, cúc cung tận tụy chính là điều hơn người của trung lang tướng. Bây giờ nghĩ lại trước kia ban bố thuế mới, trung lang tướng cũng từng dặn dò chúng tại hạ phải cẩn thận hành sự, tránh nảy sinh biến loạn, nếu như chúng tại hạ lưu ý hơn thì chưa chắc đã có cuộc phản loạn này.
Chúng nhân lũ lượt gật đầu - Quốc Uyên nói quả không sai, luận về tài cán Tào Phi kém xa phụ thân của mình, nhưng đức tính cần chính thực cán, chăm chỉ tận tụy thì ai nấy đều đã được chứng kiến.
Ngay cả Từ Tuyên cũng đứng ra nói:
— Hà Gian đột nhiên xảy ra biến loạn, trung lang tướng mặc dù có chút tiếm quyền nhưng đã quyết đoán phút chốc, lại lệnh cho quân Tiên Ti chặn địch ở U Châu, tránh cho đại sự xấu thêm. Thừa cơ hành sự quyết đoán như vậy cũng có thể coi là không phụ lòng Thừa tướng.
Mấy vị đại thần này đều là những bậc chính nhân quân tử, họ tuyệt đối không tùy tiện can gián, nếu đã nhất trí khuyên ngăn như vậy thì rõ ràng là Tào Phi chí ít đã chứng minh rằng mình đủ tư cách trong lòng bọn họ. Những người khác cũng khe khẽ hùa theo phụ họa, Lương Mậu, Thường Lâm đều là thuộc liêu của Tào Phi, nến lúc này không tiện đỡ lời cho y, chỉ gật đầu tán đồng. Tào Phi đã vững dạ hơn nhiều, thấy cảnh này lại càng cảm động không thốt nên lời. Trên thế gian này ai mới thực sự đối xử tốt với mình? Thường ngày thấy những vị đại thần này không hay nói cười, nhìn qua thì thấy lạnh lùng, khó giao thiệp, nhưng đến thời khắc quan trọng lại chỉ có bọn họ dám nói lời trực ngôn trượng nghĩa. Mãi đến lúc này y mới hiểu ra rằng, phụ thân đã bỏ tâm sức chọn cho mình những cánh tay thực sự đắc lực, không hề có ai cố ý đối đầu với y mà chỉ tuân theo chức trách sở tại. Những viên đại thần trung trinh này không chỉ chỉnh đốn những lỗi lầm của Tào Phi, mà cũng đang chỉnh đốn sự thiên lệch của Tào Tháo.
Tào Tháo không còn gì để nói, chỉ cảm thấy lồng ngực như bị một tảng đá đè nặng, thở từng hơi ngắn khó nhọc - Thân làm Thừa tướng há lại không thấu hiểu sự việc? Nhưng đối với trận lôi đình khi nãy, ngay cả bản thân ông cũng cảm thấy không thể hiểu nổi, có sự bất mãn chất chứa bao lâu với Tào Phi, có tâm thái bực bội sau lần phản loạn vừa rồi, chỉ e phần nhiều là do từ sâu trong tâm khảm, xưa nay ông không hề coi trọng Tào Phi. Đặc biệt là trải qua một lần tây chinh, dường như ông lại ký thác càng nhiều sự kỳ vọng vào Tào Thực. Rốt cuộc ông hy vọng người con nào sẽ kế vị, ngay cả bản thân ông cũng không rõ nữa. Nhưng lời của Thôi Diễm thực sự có lý, trên thực tế Tào gia đã gánh trên vai trọng trách của thiên hạ, việc gia đình đã không chỉ là việc gia đình bình thường nữa, mà còn liên quan đến vận mệnh của cả thiên hạ, có những việc ngay cả bản thân ông cũng không thể làm chủ được. Tào Phi thân là trưởng tử cũng không phải là trưởng tử bình thường, xét từ một tầng ý nghĩa nào đó, y đã là người kế tục chính thống theo quan niệm của Nho gia, nếu nói những vị đại thần trọng yếu này nhận ra chút ít tài cán từ y, chỉ e phần nhiều là do trọng thị thân phận của y. Đối với một gia tộc không phải là vua cũng chẳng phải là thần tử như Tào gia mà nói, đã không thể tránh khỏi việc bị thẩm thấu bởi quan niệm chính thống về lễ pháp của Nho gia, tông pháp chế bỗng trở thành sự bảo vệ hữu hiệu nhất của Tào Phi, ngay cả Tào Tháo thân làm phụ thân kiêm Thừa tướng cũng khó có thể thay đổi điều này...
Tào Tháo nhìn quanh mấy vị đại thần đang chụm đầu ghé tai, thì thầm to nhỏ xung quanh, lại nhìn nhi tử đang câm lặng phủ phục dưới đất, cơn giận bỗng nhiên nguôi ngoai, ngược lại ông còn cảm thấy buồn cười - Thân làm thần tử nhưng nắm trong tay đại cục của thiên hạ, giữ binh mã còn nhiều hơn cả triều đình, ở trong một tòa phủ đệ còn lớn hơn cả hoàng cung, tuyển chọn quan lại trọng tài chứ không trọng đức, có thể coi ông là kẻ phản đồ lớn nhất trên thế gian, ấy nhưng ngay cả một người như ông cũng không thể thoát khỏi sự gò bó của chính thống và lễ pháp. Ông không muốn thần liêu giữ tấm lòng trung với triều đình mà chỉ muốn họ trung thành với mình, trung thành đi trung thành lại vẫn không tránh khỏi quay về tục lệ cũ, vua chẳng phải vua thần chẳng phải thần, rốt cuộc là nên bắt thuộc hạ an thủ lễ giáo, hay bảo họ vứt bỏ lễ giáo? Trên thế gian này liệu còn có ai tự mâu thuẫn với chính mình như ông không? Tào Tháo nghĩ đến đây bất giác cười khổ, cười sự bất lực của chính mình; nhưng ông chỉ bật cười hai tiếng, rồi bỗng thấy đất trời quay cuồng, đầu óc đau buốt, lùi lại mấy bước ngã phịch xuống đất.
— Thừa tướng lại đau đầu rồi! Mau gọi Lý Đương Chi đến!
Cả thần liêu lẫn Tào Phi đều hoảng hốt, vội vàng chạy đến kẻ dìu người đỡ, đại đường thoáng chốc trở nên hỗn loạn. Vị Thôi tây tào đang ăn nói khảng khái hùng hồn bỗng bị người người chen lấn xô đẩy, ngã ngay xuống đất...
Thế sự nhiễu nhương
Tào Tháo nằm trong Hạc Minh đường, uống xong bát thuốc do Lý Đương Chi nấu, lại đắp khăn lạnh lên đầu, ông không còn nửa mê nửa tỉnh như khi nãy nữa. Triệu thị và Lý thị quỳ hầu ở hai bên trái phải, một người lau trán, một người chải tóc cho ông. Biện thị thì không nói lời nào, bế Tào Hùng ngồi nhìn từ xa, không ngớt thở dài buồn bã - Tào Phi là con trai bà, bà cũng không tiện nói gì. Triệu thị, Lý thị đều là người thông minh, chỉ liếc mắt thôi cũng có thể lấy lòng người khác, đi cùng với phu nhân sang đây há lại không hiểu đạo lý gì? Tay thì hầu hạ Tào Tháo, còn miệng không ngớt lời nói tốt cho Tào Phi, thêm mắm dặm muối, kể lể rằng nửa năm nay Tào Phi đối đãi với chư vị phu nhân thế nào, chăm sóc quan tâm đến huynh đệ ra sao. Tào Tháo ở tiền đường bị Thôi Diễm khuyên giải một lượt, ở hậu đường lại bị hai sủng thiếp can ngăn, nộ khí đã tiêu giải đi phần nhiều, chỉ thẫn thờ đưa mắt nhìn Biện thị.
Biện thị biết rõ trong lòng ông đang nghĩ gì, nhưng vẫn cố ý không nhìn ông, chỉ khẽ khàng vỗ lưng Tào Hùng. Tào Tháo nhìn bà hồi lâu, cuối cùng không kìm được, hỏi:
— Nàng thân làm mẹ, thử nói xem trong số những đứa con nàng nuôi, đứa nào tốt nhất?
Biện thị thuận miệng đáp:
— Ai tốt nhất sao?... Thiếp nghĩ Hùng nhi là tốt nhất, không gây tai chuốc họa, cũng chẳng khiến tướng công bực mình, lúc nào cũng khiến người ta yêu quý.
Tào Tháo bất giác cười khổ:
— Nàng hiểu ta muốn hỏi gì nhưng lại không chịu trả lời. Nàng bảo Hùng nhi tốt nhất, nhưng đứa nhóc lắm bệnh này liệu có làm nên đại sự? Nàng đúng là không chịu nghĩ cho ta...
— Thiếp không chịu nghĩ cho tướng công? - Biện thị chợt thấy sống mũi cay cay, - Đã khi nào chàng nghĩ cho thiếp? Bọn chúng có đứa nào là không chui ra từ bụng thiếp? Thiếp nào có thể nói đứa này tốt, đứa kia không tốt? Những người làm mẹ trên thế gian này đều giống nhau cả, chỉ mong con cái của mình hòa thuận, còn thành đại nghiệp hay không là chuyện của nam nhi các chàng. Nếu như chàng thực sự hiểu điều đó thì không nên hỏi thiếp, cứ coi thiếp như một mụ câm là được...
Nói xong nước mắt đã lăn dài trên má. Biện thị cũng là bậc nữ trung hào kiệt, năm xưa Tào Tháo rời khỏi Lạc Dương cử sự, bà thân lâm hiểm cảnh, khổ sở đến mấy cũng không nhỏ một giọt nước mắt, vậy mà nay lại vì chuyện của con cái mà sầu khổ đến vậy, đúng là trên thế gian này, gia sự còn khó quyết hơn cả quốc sự.
Thấy bà khóc Tào Tháo cũng không tiện hỏi tiếp, tự vấn lương tâm rằng đối với Biện thị, ông chỉ có sự cảm kích. Sinh con dưỡng cái tạm không nhắc đến, chỉ riêng việc bà chăm sóc Đinh thị đã đủ để khiến Tào Tháo nhìn bằng con mắt khác. Tuy rằng trên thế gian này, phu thê không cần khách sáo, nhưng xét cho cùng vẫn sẽ có người này nợ ân tình của người kia, cả cuộc đời ông đã nợ Biện thị quá nhiều, hà tất phải đem chuyện con cái ra để khiến cho bà thêm phần phiền não? Nghĩ đến đây, Tào Tháo âm thầm thở dài.
— Ôi trời, lão tỷ tỷ của ta, sao lại thế này? - Biện Bỉnh bỗng cười nói bước vào, ông ta thân phận người nhà nên đám nha bộc không dám ngản bước, - Có phải do hai vị muội muội đây hầu hạ tỷ phu nên khiến tỷ nổi cơn ghen chăng?
Câu nói này khiến Triệu thị, Lý thị bất giác mỉm cười.
— Ghen cái gì! - Biện thị đang sụt sịt cũng phải bật cười, - Đệ cũng đã chừng này tuổi đầu rồi mà mồm miệng vẫn chẳng ra đâu. Chẳng trách tỷ phu của đệ không cho đệ thăng quan, mau về giữ cái chức Biệt bộ tư mã di!
Tào Tháo cũng buồn cười, bèn đáp lời:
— Hai tỷ đệ các ngươi chớ vờ tung hứng cho người khác xem, ta đã phong cho Biện gia các ngươi làm Đô Hương hầu, thân làm nội đệ của Tào mỗ mà còn không biết đủ sao? Nếu chê bổng lộc ít, các ngươi cứ lén đem của cải ở phủ này về nhà mẹ đẻ là được rồi!
Tuy chỉ là câu nói đùa nhưng cũng thể hiện tâm tư của Tào Tháo, ông không muốn giao cho ngoại thích quyền bính quá nhiều. Ví như chuyện của các con, chỉ kể riêng với Biện thị thì còn được, nếu như cả nhà bọn họ cùng can dự vào việc này, sớm muộn sẽ thành đại loạn!
Biện Bỉnh vốn góp nhiều công lao, nghe tỷ phu nói vậy bất giác hơi chạnh lòng. Nhưng xét cho cùng ông ta đến đây để hòa giải nên không tiện nói gì thêm, bước đến cạnh giường cười nói:
— Tỷ phu của tại hạ ơi, nói cũng nói rồi, cáu cũng cáu rồi, mau bớt giận đi thôi. Nếu ngài lại sức rồi xin hãy bước ra ngoài mà nhìn, Tử Hoàn dẫn theo mười mấy tên tiểu tử đang quỳ ở ngoài kia kia. Chúng thần đều đang chờ hầu, ngay cả Trình Dục xưa nay vốn không lộ diện cũng đến rồi. Đổng Chiêu, Viên Hoán vừa từ bên ngoài về đến đây, không hiểu sự thể ra sao cũng đang quỳ đợi ở ngoài.
— Ây dà...
Tào Tháo thở dài, con cái nhiều cũng thật phiền phức, đứa lớn thì ngoài hai mươi, còn đứa nhỏ như Tào Cổn con của Tống thị, Tào Cức con của Lưu thị, đều chưa đầy mười tuổi. Tạm thời không luận bàn chuyện hôm nay phải oán trách ai, phụ thân có bệnh, các con đều ở bên ngoài chờ, tháng Chạp trời lạnh bỗng sinh bệnh há lại không khiến cho người ta khó chịu? Cơn giận của Tào Tháo đã nguôi ngoai từ lâu:
— Bảo mọi người lui cả đi, chuyện hôm nay ta chẳng trách ai cả. Đệ thay ta chuyển lời cho Tử Hoàn, bảo nó chớ nên lo nghĩ, nếu là lỗi do nó thì ngày khác ta sẽ lại tìm... Coi như hôm nay ta hồ đồ vậy.
Ông không tiện mở lời xin lỗi con mình, nhờ một người thân cận chuyển lời cũng thỏa đáng rồi.
— Được ạ! - Biện Bỉnh cười sảng khoái, quay người định đi.
— Đợi đã. - Tào Tháo gọi ông ta lại, - Đệ gọi Trình Dục vào đây, Viên Hoán, Đổng Chiêu cũng gọi cả vào. Còn nữa... lúc nãy ở ngoài kia ta có mắng đệ vài câu, đệ chớ nên để tâm. Vài hôm nữa đệ sắp xếp cho mọi người đến Đồng Tước đài thăm thú cho khuây khỏa, cũng coi như ta thưởng cho mọi người đã vất vả hơn nửa năm nay. Khó khăn lắm mới thắng được một trận, chớ nên để mọi người mất vui.
— Coi huynh nói kìa, nghe thật khách sáo.
Biện Bỉnh tuy nói vậy, nhưng sống cùng với vị tỷ phu hỷ nộ thất thường, hơn nửa đời người vừa lo nơm nớp lại chẳng được thăng quan, khổ hay sướng chỉ mình ông ta hiểu. Sắp có ngoại thần bước vào, gia quyến không tiện lưu lại, Biện Bỉnh bế lấy đứa bé, dẫn theo hai vị thê thiếp lui ra sau bình phong. Không lâu sau, Trình Dục cùng hai người nữa bước vào, ai nấy đều hỏi han cặn kẽ bệnh tình của Tào Tháo.
— Không hề gì, các ngươi ngồi đi. - Tào Tháo gượng dậy, kéo tay Trình Dục ngồi xuống bên cạnh mình, - Lần này dẹp loạn, ngươi đã vất vả rồi.
Trình Dục lại đáp:
— Tại hạ bất tài chuốc thêm phiền toái cho công tử, thực lòng hổ thẹn.
— Vậy sao? - Tào Tháo bỗng cười tươi rồi lấy lại vẻ trầm ngâm, - Tử vi phụ ẩn, phụ vi tử ẩn, chính là như vậy.
Trình Dục giật mình kinh hãi, ông có nằm mơ cũng không nghĩ được rằng những lời nói riêng giữa hai người lại bị Tào Tháo biết được. Tuy nhiên, nghĩ lại thì không hề kỳ quặc, bởi vì đám Triệu Đạt, Lư Hồng thám thính dò hỏi khắp nơi, có chuyện gì mà ông không biết? Ngay cả với con trai mình mà cũng phải giở tâm kế thế này, thực là đáng sợ! Nghĩ đến đây, Trình Dục toan quỳ xuống thỉnh tội, nhưng tay đang bị Tào Tháo nắm chặt, không thể động đậy, đành cúi đầu nói:
— Tại hạ nhất thời hồ đồ, ăn nói lung tung, xin Thừa tướng thứ tội!
Tào Tháo lắc đầu đáp:
— Ngươi lo nghĩ cho phụ tử ta, lão phu cảm tạ ngươi còn không kịp, sao lại nói là có tội đây? Ngươi tuy cầm quân dẹp giặc, nhưng lại không chỉ thấu tỏ quân kế mà còn giỏi cả cách đối nhân của phụ tử kẻ khác...
Trình Dục thấy câu này lấp lửng, vội đáp lời:
— Đa tạ Thừa tướng không ghi tội của mạt tướng, tại hạ ngày sau tất sẽ nói năng thận trọng.
Há chỉ là nói năng thận trọng, ông ta còn ngầm thề ngày sau sẽ không bao giờ dám quản chuyện của phụ tử họ nữa.
Tào Tháo lại nói:
— Ngươi cũng chỉ có ý tốt, nhưng ta muốn thử thách nhi tử, ngươi lại xuất ngôn chỉ điểm như vậy, há có thể coi đó là tâm kế của nó? Hiện giờ con đã chịu lui về phía sau cha, nhưng xem ra kẻ làm cha như ta lòng dạ hẹp hòi rồi...
— Phàm trong thiên hạ, lời của phụ mẫu luôn đúng.
Trình Dục còn có thể nói gì đây? Có một số chuyện quả thực không phải càng hiểu rõ càng tốt.
Tào Tháo vỗ vai ông ta, giọng cảm thán:
— Năm xưa bại trận ở Duyện Châu, nếu không có ngươi, lão phu há có được ngày hôm nay? Với những lão huynh đệ cùng chung hoạn nạn như ngươi, đừng nói là không làm gì sai, mà kể cả có sai lão phu cũng không thể gia tội.
— Đa tạ Thừa tướng khai ân.
Trình Dục biết ông nói lời hữu ý, điều làm sai mà Tào Tháo nói tuyệt đối không phải là chuyện củaTào Phi, mà là việc ông ta tự xin quy ẩn. Mặc dù Trình Dục tuổi cũng đã già, nhưng vẫn chưa đến mức không thể tòng quân đánh giặc, còn việc dưỡng bệnh rõ ràng là dối trá, rượu ngon ông ta vẫn có thể uống được hai vò kia mà! Lần trước ông ta lấy danh nghĩa đi đưa dâu để gặp mặt Tuân Úc, lưu lại mấy ngày ở Hứa Đô, vốn muốn khuyên Tuân Úc buông xuôi, kết quả lại chẳng đâu vào đâu. Tào Tháo muốn đoạt lấy thiên hạ của nhà Hán, Tuân Úc thì muốn giữ thiên tử Lưu thị, hai người họ ngày càng có khoảng cách, chỉ e sớm muộn cũng sẽ trở mặt với nhau. Đến lúc đó, một vị lão tướng quản có tư cách lớn, có uy vọng lớn như ông ta đứng giữa biết làm thế nào? Nếu có một ngày Tào Tháo ép ông ta phải bày tỏ chính kiến, chống lại Tào Tháo thì khác gì tự chuốc họa vào thân, còn nếu thuận theo sao có thể ăn nói với Tuân Lệnh quân? Lẽ nào cũng phải cùng chịu tội như Tuân quân sư? Thế nên Trình Dục mới dứt khoát giao nạp quyền bính, giả vờ hồ đồ.
Giờ xem ra ông ta giả vờ hồ đồ vẫn chưa triệt để, chỉ vì nói thêm đôi câu với Tào Phi mà làm lộ cả tâm tư của mình, sau này lại càng khó xử rồi. Tào Tháo biết ông ta đang suy nghĩ điều gì, nhưng xét cho cùng ông ta cũng là bậc công thần từng theo mình lập nên cơ nghiệp, người ta một lòng một dạ như vậy, liệu có thể làm gì được? Đành an ủi vài câu rồi gọi Biện Bỉnh đỡ ông ta ra.
Viên Hoán và Đổng Chiêu vừa đến Nghiệp Thành đã gặp phải chuyện này. Đổng Chiêu đến Hứa Đô xử lý việc Ngụy Quận được gia phong thêm huyện, Viên Hoán thì từ quê hương Trần Quận đến đây. Ông ta giữ chức tại địa phương đã lâu, được coi là một trong những viên tuần lại trứ danh, đôn hành giáo hóa, biểu chương hiếu tiết, rất được lòng bách tính muôn dân. Tào Tháo có ý gọi ông ta đến giao cho chức quan phụ mẫu ở huyện Hứa quê mình, giám sát việc đồn điền, nhưng mấy năm trước xảy ra ôn dịch, Viên Hoán không may cảm nhiễm, về quê dưỡng bệnh hai năm mới khỏi, gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương, nay đến Nghiệp Thành vào phủ đợi nhận chức.
Tào Tháo đang phiền não vì chuyện phản loạn ở Ký Châu, thấy ông ta đến thì mừng như được uống cam lộ:
— Diệu khanh đến đúng lúc lắm, bệnh vừa mới khỏi chớ vội đi nhận chức, hãy đến mạc phủ làm tế tửu.
— Xin nghe theo sự sắp xếp của Thừa tướng.
Viên Hoán đứng dậy thi lễ, trông bộ dạng rất khó nhọc, dường như sức lực vẫn chưa hồi phục, sau khi ngồi xuống, ông ta vuốt vuốt ngực, nói giọng trầm ngâm:
— Nửa đường tại hạ hay tin Ký Châu xảy ra chút biến loạn, e là do việc thuế ruộng gây ra?
Ông ta quả là người thông minh, biết được Tào Tháo đang nghĩ gì, liền lập tức nói thẳng.
— Đúng như lời ngươi nói. - Mắt Tào Tháo toát lên vẻ thích thú, - Năm xưa để an định lê dân bách tính, lão phu đã từng giảm tô thuế, mỗi mẫu ruộng chỉ thu bốn thăng điền tô, lại ép hào cường sáp nhập, vốn tưởng rằng có thể thu phục lòng dân Ký Châu. Nào ngờ nhân tâm chưa có được, nay vừa mới tăng tô thuế đôi chút đã khiến cho hào tộc, nông hộ đều nhất tề phản lại. Đúng là thói đời suy bại, nhân tâm đổi thay, càng nghĩ lão phu lại càng đau lòng.
Viên Hoán hiển nhiên không đồng ý với luận điệu này, dửng dưng chỉnh lại tay áo, đợi Tào Tháo than thở xong mới nói:
— Lời của Thừa tướng cố nhiên là có lý, nhưng như vậy có khác nào nhìn báo qua ống tre(*), chưa chắc đã đúng.
— Ồ?
Tào Tháo không ngờ ông ta lại bình phẩm như vậy, bất giác cau mày.
— Thuộc hạ làm quan tại địa phương đã lâu nên hiểu rõ nỗi khổ của bách tính. Nay chiến trận chưa ngớt, không năm nào không động can qua, nhà nông phu năm khẩu thì phải đi phục dịch không dưới hai người, hoặc ở phủ quan hoặc đi tòng lính, số còn lại có thể canh tác cày cấy không quá trăm mẫu. Mùa xuân gieo mạ, mùa hạ làm rẫy, mùa thu gặt lúa, mùa đông cất giữ, cống nạp quan phủ, cung cấp cho chiến tranh, huyện tự của địa phương ngay cả củi để đun cũng đều do bách tính cung cấp. Xuân không được lánh gió mùa, hạ không được nghỉ nắng nôi, thu không được tránh mưa dầm, đông không được nghỉ giá lạnh, bốn mùa như một không được nghỉ ngày nào; lại khó tránh khỏi việc quê nhà cưới giỗ ma chay, người già trẻ nhỏ đều phải đến lượt... Dân gian có câu “Người thời ly loạn chẳng bằng chó buổi thái bình”, chỉ cần có chinh chiến là y như rằng khổ ải liên miên, lao dịch không ngớt, mỗi mẫu thu tô bốn thăng cố nhiên rất thấp, nhưng nếu như vẫn còn chiến tranh, người chịu khổ vẫn mãi là bách tính thôi!
Tào Tháo không phủ nhận lời của ông ta, chỉ nói:
— Không phải lão phu ban chút ân huệ cho bách tính là dương dương tự đắc, thế đạo ngày nay chính là như vậy. Thà đau ngắn còn hơn đau dài, ta đông chinh tây chiến lẽ nào không phải để sớm an định thiên hạ hay sao? Chính như lời ngươi nói, mỗi mẫu thu bốn thăng cho dù khó có thể coi là đại ân đại đức, nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với việc vơ vét tận kiệt, hơn nữa thu thuế bằng một phần ba mươi là thông lệ cũ của bản triều, từ thời Hoàn Đế, Linh Đế đến nay biến loạn can qua, trên thực tế từ lâu đã thu thuế cao đến hai ba phần, tô thuế của hào tộc thậm chí còn nhiều hơn một nửa. Hiện giờ ta nâng tô thuế lên một phần hai mươi cũng không thể coi là vơ vét, vẫn còn rộng lượng hơn chế độ của Viên Thiệu, Lưu Biểu nhiều.
Viên Hoán thầm nghĩ, đây chính câu “Ngũ thập bộ tiếu bách bộ”(*) của Mạnh Tử. Nhưng lại không dám nói lời quá khó nghe, thoáng nghĩ phương kế bèn nói:
— Thừa tướng cho rằng một mẫu lấy bốn thăng, kẻ nào sẽ được lợi?
— Tất nhiên là lợi cho dân.
— Không phải, lợi đều cho hào tộc cả.
— Là cớ vì sao?
Tào Tháo thấy ông ta nãy giờ toàn nói ngược ý mình, cảm thấy vô cùng kỳ lạ.
— Thuộc hạ xin kể chi ly, Thừa tướng ắt hiểu. - Viên Hoán chậm rãi giải thích, - Chiến loạn liên miên, tai họa khắp chốn khiến cho đồn điền hoang phế, đám nông phu tự canh tác để sống chỉ còn số ít, đại đa số phải dựa vào hào tộc ở địa phương. Thứ nhất, hào tộc có bộ khúc(*) riêng, có thể bảo toàn tính mệnh không lo đói rét, thứ hai cũng vì đất đai sáp nhập nên bất đắc dĩ phải làm vậy. Thừa tướng giảm bớt điền tô, hào tộc nhận được ân huệ đó, mỗi mẫu chỉ nộp thuế bốn thăng, nhưng bọn họ lại bắt chẹt nông phu không chỉ có bốn thăng đâu. Như nay ngài bỗng nhiên tăng thuế, vậy ắt nước dâng thuyền cao, hào cường nộp thuế càng nhiều, tất nhiên sẽ lại càng bóc lột nông phu hơn thế. Cứ tính như vậy, rốt cuộc là lê dân được lợi hay hào cường được lợi đây?
Tào Tháo biện bạch:
— Câu này sai rồi, năm xưa lão phu rõ ràng đã hạch định điền mẫu, đem tất cả điền sản của bè lũ Viên thị chia cho bách tính, sau đó còn hạn chế số lượng điền sản của hào tộc không được vượt quá chế định.
— Vấn đề chính nằm ở đó. - Viên Hoán ngẩng đầu nhìn ông chăm chú, - Bất cứ khoa pháp, luật điều nào cũng đều phải dựa vào những người chấp hành nó, đúng không?
Tào Tháo giật mình, dường như đã hiểu ra điều gì đó:
— Ý ngươi là... quan lại chấp hành không nghiêm, hào tộc vẫn cướp đoạt dân điền, tha hồ sáp nhập?
Viên Hoán không phải đến đây để cáo trạng, đương nhiên không dám nói thêm nữa, chỉ khéo léo đáp:
— Năm xưa chấp hành nghiêm hay không, thuộc hạ không ở Ký Châu nên không thấu rõ, nhưng đến giờ đã qua được sáu bảy năm, chỉ e tình hình không còn được như trước. Đám hào cường của Viên thị đã giảm đi không ít, thế nhưng trong doanh của chúng ta...
Nói đến đây Viên Hoán bỗng nhiên ngừng lại, chuyển sang giọng cảm khái:
— Sùng thực hiệu, khứ hư văn, sức lại trị, hậu dân sinh(*), đó chính là điều cốt yếu thiên cổ bất biến của chính trị!
Tào Tháo dần dần tỉnh ngộ - Những việc như sáp nhập đất đai không phải nói khống chế là có thể khống chế được, cũng không phải chuyện nhất thời làm tốt là vĩnh viễn có thể làm tốt. Bình định Hà Bắc đến nay đã được sáu bảy năm, đám quý tộc mới của Tào doanh cũng đang không ngừng vơ vét gia sản, hào tộc mới sinh ra, hào tộc cũ cũng chỉ đang ẩn mình, làn sóng sáp nhập chỉ tăng chứ không giảm. Dù rằng trong định chế có quy định việc hạn chế sáp nhập ruộng đất, thế nhưng ngày rộng tháng dài cũng ngày một lơ là, bản thân ông cũng không dám đả động đến quyền lợi căn bản của hào tộc, huống hồ là những viên tiểu lại trị lý ở địa phương? Địa chủ sáp nhập ruộng đất tăng thêm điền tô, thế nên mới có chuyện đám điền nông như Tô Bá tạo phản; hơn nữa những kẻ thân tín với Tào thị luôn có được nhiều đặc quyền hơn địa chủ thông thường, khiến cho những địa chủ không có quan hệ như Điền Ngân cũng cảm thấy bất mãn. Tào Tháo không rét mà run, đúng vào lúc ông dương dương tự đắc với việc thiện chính của mình, Ký Châu đã bắt đầu âm thầm thay hình đổi dạng.
— Tại sao không ai nói với ta điều này?
Tào Tháo thốt lên phẫn nộ, sau đó lại thấy câu này thật quá nực cười - Xung quanh ông đều là những kẻ được lợi, há có ai lại tự chuốc phiền phức? Những người chí công vô tư như Viên Hoán đều đã từng phản ánh việc tử đệ của Tào Hồng, Lưu Huân, Quách Gia tung hoành bất pháp, kết quả chẳng phải chính ông đã “chuyện lớn hóa chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không có” rồi sao? Ông trầm mặc hồi lâu, trầm ngâm nói:
— Ngày mai truyền giáo lệnh của ta, xá miễn lao dịch cho Huyện lệnh Trường Xa Dương Bái. Triệu hắn đến Nghiệp Thành.
Viên Hoán và Đổng Chiêu đưa mắt nhìn nhau - Tào Tháo định dùng phương thuốc mạnh là tên khốc lại kia rồi đây!
Tào Tháo nhắm hờ đôi mắt, nói:
— Việc của đám hào cường ngươi không cần bận tâm nữa, lão phu tất sẽ giải quyết, nhưng gần đây đồn điền cũng nảy sinh không ít vấn đề, nghiêm trọng nhất là việc các đồn hộ rủ nhau trốn khỏi điền trại. Đặc biệt là đám đồn dân mới chiêu tập ở Hoài Nam, nghe nói đã trốn gần một nửa, việc này nên xử trí ra sao đây?
Viên Hoán thay đổi ngữ khí nghiêm túc khi nãy, nói giọng bi thương:
— Bách tính vốn đã quen nơi chôn nhau cắt rốn, không dễ thay đổi, thuận theo thì dễ, làm trái ắt sẽ khó. Chế độ đồn điền đã thực thi nhiều năm, kho lương đầy đủ, quân lương không thiếu. Theo thiển ý của tại hạ, cũng không cần phải cưỡng ép bách tính nữa. Những kẻ không nhà không cửa, không nghề không nghiệp thì lưu lại, còn ai muốn về quê cứ cho họ về, thuận theo ý dân cũng chính là đại đức.
Đồn dân thời Tào Tháo về cơ bản có bốn loại: Thứ nhất là quy định phạm vi, những người ở trên mảnh đất đó bất luận có đồng ý hay không cũng đều coi là đồn dân. Thứ hai là nghĩa quân Khăn Vàng năm xưa thu nạp cùng tử tôn của họ. Thứ ba là lưu dân trong thời chiến loạn. Thứ tư là bách tính bị cưỡng chế di dời từ vùng đất giáp ranh với kẻ địch. Đồn dân mặc dù không phải đi lao dịch phương xa, nhưng đều bị quản chế quân sự, nộp thuế lại cao, thế nên bách tính đa số không muốn trở thành đồn dân. Năm xưa thiên hạ chiến loạn nên họ không có cách nào khác, có thể sống sót đã là tốt lắm rồi, đến nay phương bắc dần dần yên định, so với canh nông, điền nông, đồn điền nghiễm nhiên sắp biến thành bạo chính, nhưng phàm những người có thể tự tìm lối thoát, liệu có ai đồng ý làm như vậy? Nhưng cùng với sự thay đổi cục diện, Tào Tháo cũng không còn phải lo lắng về lương thực nữa, làm đồn điền chẳng qua là tiện cho việc dưỡng binh, tâm nguyện năm xưa đã thay đổi, cũng không cần phải quá thận trọng, nghiêm cẩn như trước nữa.
— Cứ theo ý ngươi làm đi. - Tào Tháo bất giác cảm thấy mệt mỏi, - Mọi việc thay đổi không bao giờ ngừng, xem ra lão phu cũng phải thay tâm đổi trí rồi. Ngươi là quan trị lý dân sinh, khi xử trí mọi chuyện hãy san sẻ cùng ta, sau này làm việc trong phủ, có việc gì không thỏa đáng phải lập tức nói với ta.
— Vâng. - Viên Hoán đứng dậy, - Vậy thuộc hạ xin cáo lui.
Ông biết Đổng Chiêu ắt có chuyện cơ mật cần nói, thế nên nói xong liền đi, không hàn huyên thêm nữa.
Viên Hoán vừa đi bầu không khí lập tức trầm lắng trở lại, Tào Tháo không nhìn Đổng Chiêu lấy một cái, mà chỉ tựa nghiêng trên trường kỷ, đoạn chầm chậm duỗi chân ra nói giọng mơ màng:
— Thượng thư có câu “Luận đạo kinh bang, điều lý âm dương”, nhưng chỗ khó trong đó nào có ai hay? Lão phu nghe lời ngươi, nhận chức Thừa tướng vai gánh thiên hạ, từ đó đến nay không được một ngày an nhàn, lúc nào cũng phải bận tâm trăm mối tơ vò. Ngươi hại ta chưa đủ, lại còn tu tạo Nghiệp Thành, cho con trai ta làm quan phong hầu, đến nay còn tăng thêm mười bốn huyện cho Ký Châu, thêm biết bao nhiêu việc, quả thật khiến lão phu mệt chết mất!
Đổng Chiêu tất nhiên không thể ngắt lời, vẫn phải vờ diễn cùng ông, vẻ mặt khổ não:
— Những kẻ tầm thường tất nhiên khó có thể gánh vác nổi trọng trách, nhưng ngài há có phải là người phàm? Đức tề thiên hạ, uy danh trấn viễn, đừng nói là trọng trách của Thừa tướng, cho dù trên vai gánh trọng trách lớn hơn thế cũng nào có hề gì?
Câu này thực là một mũi tên trúng hai đích, hiện tước vị của ông chỉ còn đứng dưới một người, trọng trách lớn lao hơn thì nghĩa là gì đây?
Tào Tháo không tiếp lời, chỉ cảm thán:
— Lễ có câu: “Tâm chính nhi hậu thân tu, thân tư nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình.”(*) Lão phu nay ngay cả tề gia cũng chẳng làm được, há lại dám cầu gì khác?
Khẩu khí của ông nửa là khiêm nhường, nửa là tự cười bản thân. Đổng Chiêu lại càng tươi cười:
— Từ cổ chí kim, bậc quân vương há có thể thực sự đi theo con đường tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ? Xưa Tề Hoàn Công tập hợp chư hầu, lại tin dùng những kẻ gian thần như Thụ Điêu, Dịch Nha; Tấn Văn Công thụ phong cửu tích, nhưng lại bạc đãi những công thần như Giới Tử Thôi, Điên Hiệt; Thủy Hoàng Đế tiêu diệt sáu nước, nhất thống thiên hạ, cũng đã từng làm những chuyện trời đất khó dung như giết mẹ, chém em. Cao Tổ hoàng đế của đại Hán thì sao chứ? Từ bỏ thê thiếp tử tôn, ruồng bỏ cha mẹ, nhục mạ hiền sĩ, lạm sát công thần, đừng nói là tề gia, chỉ e ngay cả tu thân cũng chưa làm trọn, nhưng chẳng phải vẫn bình được thiên hạ đó sao? Thừa tướng là bậc anh minh, cớ sao lại tin lời của những kẻ hủ nho như vậy?
— Tuy nói là vậy, nhưng mà... Ây dà...
Tào Tháo đương nhiên không tin những đạo lý như tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nhưng không thể không biểu lộ thái độ như vậy, cho dù chỉ đối diện với một mình Đổng Chiêu, có những lời cũng phải cố tình nói ra như vậy. Mâm cỗ thịnh soạn mang tên thiên hạ của Hán thất tất nhiên phải ăn, nhưng vẫn phải giữ dáng ăn sao cho nhã nhặn một chút.
Đổng Chiêu không để Tào Tháo khó xử, vội vàng quay về chủ đề chính:
— Thừa tướng công lao phủ khắp thiên hạ, đừng nói là thêm mười bốn huyện, cho dù thêm mười bốn quận cũng có xá gì? Theo thiển kiến của tại hạ, việc tăng đất cho Ngụy Quận vẫn chưa thể coi là tận thiện tận mỹ...
— Vậy thế nào mới là tận thiện tận mỹ?
Vẻ tươi cười trên mặt Đổng Chiêu lập tức tắt hẳn, đột nhiên quỳ sụp xuống trước giường:
— Tự cổ bậc nhân thần cứu thế chưa từng có được công lao sánh như ngài; cho dù có công lao như vậy thì cũng không ai ở vị thế bề tôi lâu năm như thế. Nay Thừa tướng hổ thẹn vì đức hạnh chưa tận thiện, muốn vui giữ danh tiết mà không mang trọng trách lớn lao, đức mỹ đã vượt qua Chu Công, Y Doãn. Nhưng những bậc quân vương như Thái Giáp, Thành Vương chưa chắc đã lại gặp được, nay thời loạn dân chúng khó giáo hóa, huống hồ thời An, thời Chu, người ở ngôi đại thần cũng dễ khiến cho kẻ khác hoài nghi mình khi làm đại sự, thực sự không thể không suy xét cho thấu! Thừa tướng tuy uy đức lừng lẫy, lại am hiểu lễ pháp, nhưng nếu không thể xác định cơ nghiệp, nghĩ cho tử tôn muôn đời, thì vẫn không đạt được việc nhà vậy. Gốc của cơ nghiệp nằm ở nhân và địa, sao không từng bước xây dựng để tự bảo vệ mình? Tiết tháo của Thừa tướng đã tỏ rõ, thiên uy cũng hiện trên khuôn mặt, năm xưa lời Cảnh Yểm nói dưới giường, lời Chu Anh bàn luận cũng không phải là quá phận. Chiêu nhận ân huệ của ngài không ít, nên không dám không nói ra lời này.
Đổng Chiêu sang sảng nói, lời lẽ rõ ràng có ý khuyến tiến!
Năm xưa Quang Vũ Đế Lưu Tú khi chưa dâng ngôi cửu ngũ, đêm nằm trong Hàm Đan cung, đại tướng Cảnh Yểm canh ba bái kiến, quỳ phục bên giường nói rõ lợi hại, khuyên Lưu Tú tự lập làm hoàng đế. Thời Chiến Quốc, môn khách của Xuân Thân Quân Hoàng Hiết là Chu Anh khuyên ông ta tự lập, để tránh quyền thế quá lớn bị tai họa bất ngờ. Tào Tháo ngần ngừ do dự để rồi giờ đây chuốc vạ vào thân, có vòng vo mấy chăng nữa cuối cùng vẫn phải dấn bước thay thế nhà Hán, cung điện tương lai đều đã xây xong, còn có lựa chọn nào khác ư? Đổng Chiêu đã nói rõ tâm ý ra rồi, Tào Tháo vẫn không chịu dốc tận tâm can, nói giọng mập mờ:
— Thiên hạ chưa yên, vẫn phải đánh trận, còn việc như ngươi nói... cũng có thể làm, thế nhưng phải dần dần từng bước, chớ nên vội vã.
Đổng Chiêu hiểu rõ ý tứ của ông:
— Tại hạ xin tận tâm tận lực, nếu Thừa tướng sớm định thiên hạ đương nhiên là tốt nhất, nếu mọi chuyện không thuận tại hạ tất sẽ có cách. Trước mắt điều cốt yếu nhất là khôi phục “cửu châu chi chế”.
Đây đã là lần thứ hai ông ta đề xuất khôi phục chế độ chín châu, lần đầu là bảy năm trước khi vừa mới định xong đất Nghiệp Thành, khi đó bị Tuân Úc thẳng thừng bác bỏ. Nay quan hệ giữa Tào Tháo và Tuân Úc đã thay đổi, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.
— Được, ngươi hãy làm việc này.
Tào Tháo đồng ý rất nhanh, không hề mảy may tỏ ra bất an.
— Nếu Tuân Lệnh quân lại tiếp tục ngăn cản thì phải làm sao? - Đổng Chiêu phải hỏi cho rõ trước.
Tào Tháo khẽ nhíu mày, ngồi thẳng dậy nhìn ra ngoài cửa, trông ngọn đèn đang lắc lư trước gió, nói giọng mông lung:
— Lão phu vốn hy vọng có thể cùng lệnh quân tham dự triều chính, nhưng thủy hỏa bất tương dung, có những chuyện không thể làm khó người khác. Chuyện trong thiên hạ không thể vì một người mà bỏ lỡ, ngươi không cần phải bận tâm suy nghĩ, cứ việc thoải mái hành sự. Lệnh quân nếu có ý kiến, lão phu tự sẽ có cách xử trí...
Tự có cách xử trí? Rốt cuộc là cách gì? Đổng Chiêu muốn hỏi cho rõ, nhưng lời ra đến miệng lại nuốt trở vào - Tào, Tuân xét cho cùng đã chung lưng đấu cật hơn hai mươi năm nay, Tào Tháo có thể tỏ rõ thái độ như vậy là đã rất khó khăn, hà tất phải ép ông nói rõ đầu đuôi, cứ theo thời thế mà hành động vậy!
Vừa bàn bạc xong bỗng thấy Biện Bỉnh vội vã trở về, còn dẫn theo Lương Mậu, Tào Tháo lập tức cất lời hỏi:
— Các ngươi có chuyện gì?
Biện Bỉnh kéo Lương Mậu lại, cười nói:
— Quần thần đều giải tán cả, chỉ có Lương Trưởng sử chưa đi, dường như có lời muốn bẩm ngài, nhưng do dự mãi mà không dám vào, tại hạ bèn dứt khoát lôi ông ta vào. Lương Trưởng sử, có chuyện gì ngài cứ nói thẳng với Thừa tướng đi.
— Cái này... cái này...
Lương Mậu dường như vẫn khó mở lời. Đổng Chiêu thấy tình cảnh này không biết sẽ phải tốn công chờ đợi thêm bao lâu nữa, ông ta đến đây vì muốn thỉnh thị Tào Tháo, giờ đây đã xong việc, bèn không muốn lưu lại lâu hơn nữa:
— Thừa tướng còn có việc khác, tại hạ xin cáo lui.
Cuộc chuyện khi nãy dường như đã khiến Tào Tháo hao tâm tổn trí, ông chỉ mệt mỏi xua xua tay:
— Cần làm việc gì thì mau đi làm. Ngươi vừa đến Nghiệp Thành đã vội về Hứa Đô, chạy đi chạy lại phải vất vả rồi.
Đổng Chiêu khẽ mỉm cười:
— Vì giang sơn mà bôn ba âu cũng là lẽ đương nhiên.
Nói đoạn rảo bước ra ngoài điện đường. Ông ta nói “vì giang sơn bôn ba”, nhưng không biết rốt cuộc là vì giang sơn nào! Biện Bỉnh vô cùng lanh lợi, sớm nhận ra Lương Mậu có điều khó nói nên cũng âm thầm đi theo Đổng Chiêu ra ngoài.
Đợi Lương Mậu định thần xong, trong điện đường chỉ còn lại Tào Tháo và ông ta. Tào Tháo biết ông ta là người trung hậu, cũng không vội hỏi han, chỉ về phía trường kỷ:
— Ngồi đi, đây không phải là buổi triều hội, cứ ngồi xuống từ từ nói.
— Không, không. - Lương Mậu vội xua xua tay, đoạn im lặng hồi lâu, sau đó dường như phải hạ quyết tâm mới cất nên lời, - Khẩn cầu Thừa tướng bãi miễn chức Ngũ quan trung lang tướng Trưởng sử của tại hạ.
Tào Tháo tỏ ra bình tĩnh hơn nhiều so với dự liệu của Lương Mậu, khuôn mặt không hề tỏ ra kinh ngạc, chỉ hỏi lại:
— Vì sao lại từ chức? Tử Hoàn vô lễ với ngươi sao?
— Không không không, trung lang tướng đối đãi với tại hạ rất tốt... chỉ là tại hạ tài đức không đủ, khó có thể đảm nhận trọng trách này được, những mong Thừa tướng... Xin Thừa tướng chọn lấy người...
Có những điều Lương Mậu thực sự không biết nên mở lời ra sao. Hiện giờ phụ tử Tào thị nắng mưa bất định, chức Trưởng sử này thực sự khó đảm đương, Tào Phi thì không coi ông ta như người của mình, còn Tào Tháo tuy không nói ra lời, nhưng ngày rộng tháng dài cũng dễ sinh ra bất mãn, chẳng có cách nào để nói tốt cho Tào Phi. Đây đúng là việc nhọc công tốn sức mà không được ghi nhận. Lương Mậu là người quy củ đôn hậu, làm việc thực chất, tự nhận thấy rằng không đủ tài trí đứng giữa hai bên, cuộc phản loạn ở Hà Gian lần này đã khiến cho ông ta sức cùng lực kiệt, chẳng thà xin nhận công việc bình thường, yên ổn qua ngày. Nhưng làm sao giãi bày được đây?
Tào Tháo đã nhìn thấu tâm tư của ông ta, cũng không nỡ để ông ta khó xử:
— Được rồi, được rồi, cũng không cần phải nói nữa, ta sẽ điều chuyển ngươi nhận chức khác là được.
— Tại hạ lấy làm hổ thẹn.
Lương Mậu lấy tay áo che mặt, thực sự cảm thấy xấu hổ.
— Cũng không trách ngươi được, ban đầu lão phu để ngươi nhận chức Trưởng sử cho Tử Hoàn thực sự vẫn chưa cân nhắc thấu đáo. Sở trường của ngươi là trị quốc lý dân, không nên chuốc phiền cho ngươi bằng những việc rắc rối vụn vặt. Như vậy đi, ngươi đi nói với Tử Hoàn một tiếng, bắt đầu từ ngày mai trở về mạc phủ làm việc, còn chức Ngũ quan trung lang tướng Trưởng sử ta sẽ chọn người khác.
Tào Tháo thầm dự tính, phải chọn một người bôn ba từng trải, hành sự lão luyện, có thể khống chế được Tào Phi.
— Tạ ơn Thừa tướng khai ân. - Lương Mậu lại lấy một bức lụa từ trong tay áo ra đặt bên cạnh trường kỷ, - Đây là bài thơ hai tháng trước trung lang tướng tùy bút viết, ngài ấy bỏ lại trên án. Thuộc hạ đọc một lượt cảm thấy tâm đắc nên đã giữ lại, Thừa tướng nếu rảnh rỗi xin hãy đọc qua.
Nói đoạn vái dài thi lễ, lặng lẽ lui ra. Tào Tháo khẽ cầm bức lụa lên, thấy bài thơ trên đó được viết bằng nét chữ khải tinh tế, uyển chuyển, quả đúng là do Tào Phi tự tay viết, còn có một lời tựa ngắn, bèn khẽ giọng ngâm lên: Năm Kiến An thứ mười sáu, phụ thân Tây chinh, ta cư thủ Nghiệp Thành, mẫu thân và các đệ cùng đi, trong lòng nhung nhớ khôn nguôi, cảm tác làm thơ:
Gió thu xao xác tiết thê lương,
Trong nhà buồn bã nỗi nhớ thương.
Một mình rảo bước sau vườn bắc,
Xa trông mộ đất xếp thành hàng.
Cây cối xác xơ vô sắc thú,
Cỏ xanh héo úa ngả màu vàng.
Khẽ thấy sương chiểu heo hút gió,
Cùng với mưa giăng khắp thiên trường.
Vầng dương xa xa dần khuất núi,
Nỗi niềm ưu tư vẫn vấn vương.
Dùng dằng đứng lặng mãi hồi lâu,
Hốt nhiên cất bước quên lối về.
— Tiểu tử này cũng thực có tâm...
Đọc xong bài thơ cảm hoài nỗi niềm nhung nhớ phụ mẫu, huynh đệ này, Tào Tháo cho dù lòng dạ có sắt đá đến mấy cũng chợt mềm đi. Bình tâm mà nói, Tào Phi có điều gì không tốt đây?
Tào Tháo khẽ gấp gọn bức lụa, cầm trong tay như nâng vật báu. Bình định thiên hạ, lên ngôi chí tôn, nếu chỉ đơn giản như đánh trận thì đã tốt, trên chiến trường có thể mặc sức vung đao chém giết, nhưng những việc quốc sự, gia sự khó xử lưỡng bề như thế này làm sao lựa chọn được đây? Ngày hôm nay Tào Tháo thực sự thấy mình đã già, có quá nhiều chuyện tâm có thừa nhưng lực đã cạn, có lẽ trong cuộc đời này chỉ có chiến trường mới là nơi ông cảm thấy đắc ý nhất. Kỳ thực tất thảy những vấn đề nan giải đều có một cách giải quyết căn bản, đó là: sớm nhất thống thiên hạ. Đến khi đó nào có còn chuyện vua tôi đề phòng lẫn nhau? Há có còn chuyên trưởng thứ tranh vị? Hưng bang lập nghiệp danh chính ngôn thuận, nói thế nào là có thể quyết như thế!
Dần dần, Tào Tháo không còn nghĩ đến những chuyện phiền hà đó nữa, mà dồn tâm tư về phía đông nam, dự tính cho lần nam chinh thứ hai đã bắt đầu xuất hiện trong đầu ông...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9