In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 121
ưu Bị vào Thục, hậu họa khôn lường
Dương Thu quy hàng
Tào Tháo đã hoàn toàn thắng lợi trong trận chiến ở bờ nam sông Vị Thủy, không chỉ thu được đất Quan Trung mà còn cô lập hai phía đông tây của Lương Châu, hai quận Hán Dương cũng trực tiếp thuộc về sự thống ngự của triều đình. Chư tướng Quan Trung thế lực rạn nứt, Hàn Toại, Mã Siêu đem theo tàn binh bại tướng trốn chạy về quận Kim Thành. Tào Tháo cho binh sĩ nghỉ ngơi ở Trường An ba ngày, tiếp sau đó liền xua quân tây tiến, hướng thẳng đến huyện Lâm Kinh, quận An Định.
Tháng Mười năm Kiến An thứ mười sáu, quân Tào đến quận Phù Phong, mọi việc thuận lợi hơn tưởng tượng, các thành trì dọc đường như Thuần Cô, Âm Bàn đều mở thành đầu hàng, không hề phản kháng, đến khi đại quân tiến sang bờ nam sông Kinh Thủy, Dương Thu sớm đã bày sẵn rượu thịt, lắp sẵn cầu tạm, tay dâng ấn tín quỳ ở bên đường, chờ đợi Tào Tháo đại giá. Hắn ta cởi khôi giáp, nộp gươm kiếm, ngay cả ngựa cũng đã nhốt lại. Không biết Khổng Quế tìm đâu ra một đám tấu nhạc, vừa đánh trống vừa gõ chiêng, ầm ĩ khắp một góc thành, cảnh tượng cứ như chuẩn bị đám cưới.
Tào Tháo trông thấy cảnh này thì bật cười:
— Lão phu đã dự liệu tên Dương Thu ăn ở hai mang này sớm muộn gì cũng sẽ hàng, nhưng không ngờ hắn lại khoa trương như vậy.
Binh mã quân Tào vừa tới gần, Dương Thu liền lập tức hành động - Không phải động võ mà là xun xoe bước tới nghênh đón, vừa rót nước vừa dâng đồ ăn, kẻ nào kẻ nấy rõ vẻ xu nịnh, chỉ thiếu nước cõng quân Tào qua cầu.
Dương Thu lết gối ra đến giữa đường:
— Mạt tướng quy thuận muộn màng, tội đáng muôn chết!
Khổng Quế lập tức ra lệnh dừng nhạc, cũng lập cập chạy đến sau lưng hắn rồi quỳ mọp xuống. Đội hổ báo kỵ tránh sang hai bên, Tào Tháo thúc ngựa tới gần, tay vân vê chòm râu cười nói:
— Thành ý như vậy ta nào biết là ai, thì ra là Dương tướng quân uy danh lẫm liệt đất Lương Châu, trận chiến Vị Nam tướng quân tác chiến kiêu dũng, thực khiến người ta khâm phục!
Ai cũng hiểu đây là lời chế giễu, binh tướng hai bên ai nấy đều cười trộm. Dương Thu vẫn chẳng hiểu gì, vừa lết lên trước mấy bước vừa thề thốt:
— Thừa tướng trăm trận trăm thắng, bất khả chiến bại, binh mã đến đâu kẻ địch khiếp sợ đến đó, những kẻ như Hàn, Mã khác gì đom đóm so với nhật nguyệt? Mạt tướng tuy chỉ là kẻ sĩ đất hẻo lánh nhưng cũng biết thiên mệnh, không dám khinh nhờn uy hổ của Thừa tướng, thế nên hôm nay dẫn quân ra đây nghênh đón.
— Ồ? Ha ha ha!... - Tào Tháo ngửa mặt cười lớn, ngay sau đó lại trừng mắt quát lớn, - Tên điêu dân nhà ngươi! Mở miệng ra là bảo không dám mạo phạm ta, vậy tại sao cát cứ ở An Định hơn mười năm giờ mới chịu hàng? Chuyện công sát Trương Mãnh ngươi không tham gia hay sao? Ngày Hàn, Mã cử binh ngươi có can ngăn không? Như nay thắng bại đã rõ, thế lớn đã mất mới biết được uy hổ của ta. Ngươi quả là một tên tiểu nhân gió chiều nào che chiều ấy!
Tào Tháo thét lớn một tràng khiến Dương Thu run như cầy sấy, mồ hôi đẫm trán, suýt chút nữa rơi cả ấn tín. Khổng Quế vội đỡ lời:
— Tiểu nhân có một lời, xin Thừa tướng suy xét.
— Nói!
Tào Tháo vốn chẳng thấy Dương Thu có gì tốt đẹp, nhưng với Khổng Quế lại nhìn bằng con mắt khác. Khổng Quế hấp háy mắt, như thể phải chịu nhiều uất ức, lời lẽ vô cùng bi thiết:
— Những lời Thừa tướng nói đều đúng cả, nhưng cũng phải hiểu chỗ khó của chúng tiểu nhân. Quan Trung chiến loạn lâu như vậy, phàm những kẻ có chí, trong tay có vài ngàn quân mới dám tung hoành. Tiểu nhân đi theo Dương tướng quân bao năm, cũng từng trải qua hơn trăm trận lớn nhỏ... - Há có thể hơn được trăm trận, có lẽ hắn tính cả những lần đi cướp bóc các thôn trang, - Chịu biết bao nhiêu gian khổ, kỳ thực chẳng phải vì miếng cơm manh áo sao? Nhị tặc Hàn, Mã thế lực cường thịnh, nếu không phụ thuộc bọn chúng, chỉ e chút địa bàn ít ỏi này cũng bị bọn chúng nuốt mất, chúng tiểu nhân giờ cũng không biết vùi thây ở nơi nào. Khổ ải như vậy chúng tiểu nhân biết thấu tỏ cùng ai? Chờ hết ngày dài tháng tận, chỉ mong vương sư đến giải thoát cho chúng tiểu nhân, mòn mỏi chờ đợi tới mười mấy năm, nào ngờ ngài vừa đến đã muốn hỏi tội, thế gian này đúng là không chừa đường sống cho chúng tiểu nhân...
Lời lẽ của hắn tuy có chút khoa trương nhưng cũng coi là thực tình, đến nỗi ngay cả Dương Thu cũng mặt mày buồn tủi.
— Ây dà!
Tào Tháo cũng bất giác cảm thấy thê lương. Khổng Quế thấy những lời của mình hữu dụng, vội vàng lết lên trước vài bước nói tiếp:
— Kỳ thực Dương tướng quân một lòng một dạ quy thuận triều đình, tuy bất đắc dĩ phải qua lại với Hàn, Mã, nhưng mỗi lần trở về đều bày hương án trong nhà để sám hối với trời, cầu cho ông trời khoan thứ tội lỗi, bảo hộ quốc tộ đại Hán, bảo hộ cho Thừa tướng phúc thọ bền lâu, dập đầu cúi lạy còn nhiều hơn cả số lính có trong tay! Lần này binh bại ở Vị Nam, tướng quân nhà tiểu nhân chỉ sợ lũ tặc khấu kia cướp mất quận huyện, thế nên mặc kệ nghi kỵ, trở về An Định, mục đích là giữ lấy địa bàn, vỗ yên bách tính, sắp xếp mọi sự thỏa đáng để đợi ngài đến tiếp quản. Nếu ngài không tin thì hãy hỏi đám lính này, có kẻ nào không nói tốt cho tướng quân nhà tiểu nhân?
Đấy là những lời nói thực, chư tướng Quan Trung đa số có nghĩa khí, gia ân với thuộc hạ, càng là những thế lực nhỏ như Dương Thu lại càng đối tốt với sĩ tốt, nếu không cũng khó giữ được thước đất cắm dùi trong loạn thế. Khổng Quế càng nói càng bạo gan, bò đến trước ngựa của Tào Tháo ôm chầm lấy chân ông, ngẩng mặt giọng cầu xin:
— Thừa tướng ngài nghĩ thử xem, tiểu nhân chạy đi chạy lại đưa thư, còn không phải vì nhận lệnh của tướng quân? Người đời thường nói bụng Tể tướng có thể chống được thuyền, ngài là đại nhân thì làm đại sự, đại bút thì phải viết đại tự, ngàn niệm vạn niệm thôi cũng đành, nhưng xin ngài niệm cho chút công lao ít ỏi của Dương tướng quân nhà tiểu nhân mà tha cho!
Nếu như kẻ khác to gan làm càn, dám chạy đến ôm chân mình, Tào Tháo sớm đã đạp ra rồi, nhưng chiêu trò của Khổng Quế khiến ông cũng dần mủi lòng, cảm thấy câu nào câu nấy cũng đều có lý, đến nỗi trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm, bất giác khe khẽ gật đầu. Khổng Quế thấy vậy liền vội đưa mắt ra hiệu cho Dương Thu, Dương Thu hiểu ý, lập tức dâng cao ấn tín:
— Mạt tướng tự biết có tội, nay hoàn dâng ấn Kỵ đô úy, Quan nội hầu.
— Thôi được. - Tào Tháo thở dài, - Tước vị của ngươi do triều đình phong cho, nếu đã không phản bội triều đình thi hãy cứ tiếp tục làm Quan nội hầu. Nhưng lão phu sẽ cách miễn chức Kỵ đô úy của ngươi...
Nghe đến đây, Dương Thu chợt sững người, miễn đi quân chức há chẳng phải tiền đồ cũng đi tong? Vừa định mở miệng tranh biện nào ngờ Tào Tháo đổi giọng:
— Thăng cho chức tướng quân, vẫn trú quân ở An Định, nghe sự điều khiển của lão phu.
— Khấu tạ Thừa tướng thiên ân!
Dương Thu mừng như mở cờ trong bụng, không cần biết người sắc miễn cho mình rốt cuộc là Tào Tháo hay thiên tử, lại gán hai chữ “thiên ân” với danh phận Thừa tướng.
Những lời nói đỡ của Khổng Quế quả nhiên hữu dụng, nhưng bản tâm của Tào Tháo vốn cũng không định làm khó cho Dương Thu. Xét cho cùng, Quan Trung vừa mới được bình định, nhân tâm vẫn chưa yên ổn, những nhân vật cát cứ lâu năm, ít nhiều có uy vọng như Dương Thu thì không thể dễ dàng xử lý, ngược lại cần biến hắn thành tấm gương quy thuận triều đình, còn có nhiều giá trị lợi dụng. Nhưng Tào Tháo vẫn cảnh tỉnh một lần:
— Ngươi là kẻ thông minh, lão phu cũng không nói những lời trang nghiêm chính đại với ngươi. Trung hiếu tiết nghĩa cứ tạm đặt sang một bên, thế lực của lão phu thế nào ngươi đã biết, rốt cuộc theo ai có thể hưởng phú quý, ngươi cũng phải cân nhắc cẩn thận. Từ nay về sau nếu dám ngấm ngầm thông đồng với Hàn, Mã, ta sẽ lấy mạng của ngươi!
— Mạt tướng không dám, mạt tướng không dám. - Dương Thu khấu đầu lia lịa, - Từ nay về sau mạt tướng nguyện tận trung với Thừa tướng, tuyệt đối không hai lòng.
Tào Tháo lại đưa mắt nhìn Khổng Quế đang quỳ bên cạnh, cười nói:
— Khổng Thúc Lâm, tiểu tử ngươi qua lại báo tin công lao cũng không nhỏ. Dương Thu đã được thăng chức tướng quân, vậy chức Kỵ đô úy lão phu cũng giao cho ngươi. Nhưng ngươi không biết dụng binh, từ nay về sau hãy đến bản doanh của lão phu làm việc.
Khổng Quế chạy đi chạy lại mục đích chính là vì vậy, nghe thấy câu này thì dập đầu lia lịa trước mặt Tào Tháo:
— Đa tạ Thừa tướng đề bạt, ngài chính là phụ mẫu tái sinh của tiểu nhân, từ nay về sau tiểu nhân dù có phải nhảy vào biển lửa cũng quyết không từ nan!
— Ha ha ha!...
Tào Tháo cười lớn, quất một roi vào mông ngựa, đoạn dẫn văn võ dưới trướng qua cầu.
Tướng sĩ quân Tào rầm rập hành quân qua cầu, Dương Thu và Khổng Quế vẫn quỳ mọp khấu đầu trong cát bụi vần vũ, mãi hồi lâu sau mới đỡ nhau lồm cồm đứng dậy.
— Chúc mừng tướng quân đắc bảo tước lộc, được thăng lên chức tướng quân, tiểu nhân cũng được thơm lây vinh hạnh cùng ngài!
Khổng Quế mồm miệng vẫn ngọt xớt như vậy. Nhưng Dương Thu lại cười nịnh một cách khách khí:
— Lão đệ chớ nên nói vậy, người Thừa tướng xem trọng là đệ, nếu không há lại điều đệ đến cạnh lão nhân gia để sai dùng? Hiền đệ tiền đồ rộng mở rồi!
Hắn ta cũng khá nhanh trí, nhận thấy Tào Tháo xem trọng Khổng Quế, tương lai tên tiểu tử này ắt sẽ được trọng dụng trong Tướng phủ.
Khổng Quế theo Dương Thu dã mười mấy năm, xưa nay vẫn phải hầu hạ phục dịch hắn, chưa từng nghe thấy hắn xưng huynh gọi đệ với mình, chỉ một câu “hiền đệ” mà nghe chẳng khác gì rót mật vào tai, bỗng chốc cảm thấy khoái chí vô cùng. Khổng Quế ưỡn ngực, thẳng lưng, không cần biết dưới cằm râu có mọc hay không, cũng đưa tay vân vê ra vẻ trịch thượng, còn hắng giọng nói vẻ quan cách:
— Từ nay về sau chúng ta cùng phụng sự triều đình, đa ta đa tạ!
Dương Thu lân la tới cạnh, khoác lấy vai hắn, cười hì hì nói:
— Lão đệ à, nửa đời đầu là đê dựa vào ca ca đây, vậy nửa đời sau ca ca ắt phải nhờ cậy đệ nhiều rồi!
Khổng Quế đang nghe, bỗng cảm thấy có thứ gì đó chọc chọc trước ngực mình, cúi đầu xuống nhìn - Dương Thu đang dúi một thỏi vàng to bằng cả quả trứng vịt vào người mình, hắn vội vàng nhét vào trong áo, cười híp cả mắt:
— Huynh đệ trong nhà cả mà, cũng dễ thôi...
Lưu Bị vào Thục
Tào Tháo tây chinh đắc thắng, vừa được đất Quan Trung vừa mưu đoạt Lương Châu. Nhưng trong lúc đó, còn một người cũng đang mưu chuyện tây tiến, đó chính là Lưu Bị ở Kinh Châu.
Lưu Bị ở Giang Khẩu, quận Vũ Lăng xây thành Công An đã hơn hai năm, cuối cùng cũng có được địa bàn của mình, nhưng tiền đồ vẫn rất mù mịt. Trận chiến Xích Bích, Lưu Bị mượn sức của Tôn Quyền mới đánh thắng được, bốn quận Giang Nam là do họ ngầm chấp thuận nên mới được chiếm lĩnh, luận về tình, về lý Lưu Bị đều đang nợ Tôn Quyền, nhưng kẻ tranh thiên hạ không thể chu toàn cả tình lẫn lý. Lưu Bị ngay từ đầu đã là một thế lực độc lập, ông ta chỉ có thể dựa vào Tôn Quyền một cách vừa phải, chứ không bao giờ thay đổi ý nguyện ban đầu của mình. Thế nên Lưu Bị có thể khiêm nhường trước Tôn Quyền, có thể nói năng giữ lễ trước mặt sứ giả Giang Đông, có thể lấy muội muội của Tôn Quyền, sống qua ngày dưới sự theo dõi của vị đại tiểu thư này; nhưng tuyệt đối không thể nhượng lại một tấc đất trên địa bàn của mình, càng không thể nhường đường cho Tôn Quyền tây tiến - Với việc tranh đoạt thiên hạ mà nói, Tôn Quyền và Tào Tháo chẳng có gì khác biệt, đều là những đối thủ tiềm ẩn của ông ta!
Sau khi Chu Du chết, đến lượt Lỗ Túc nắm lấy binh quyền, cũng tiếp tục nhiệm vụ đòi lại Kinh Châu, tiến vào đất Thục. Thái độ của Lỗ Túc hòa hoãn hơn Chu Du rất nhiều, nhưng lưỡi dao mỏng cắt thịt càng đau, ông ta hiểu được cách dùng thời gian và đạo nghĩa để giải quyết vấn đề. Lỗ Túc vừa nắm binh quyền trong tay liền bàn với Tôn Quyền, nhượng lại thành Giang Lăng vốn đang bị bao vây trong địa bàn của Lưu Bị cho ông ta, hy vọng có thể dùng đó làm điều kiện đổi lấy đường tây tiến. Nhưng Lưu Bị lại qua cầu rút ván, sau khi đoạt được thành trì thì lập tức mệnh cho Quan Vũ đồn binh ở Giang Lăng, Trương Phi trú quân ở Sĩ Quy, Gia Cát Lượng giữ Nam Quận, còn mình thì tọa trấn Công An, phong tỏa đường thủy kéo dài vài trăm dặm của Trường Giang, sau đó vờ vịt nói với viên thống soái tây chinh của Giang Đông là Tôn Du rằng: “Bị và Chương đều là tông thất, mong được anh linh liệt vị tiên đế phù hộ, để dốc sức phò tá Hán triều. Nay Chương đắc tội với quần thần, Bị vô cùng sợ hãi, không dám nhận lời, mong ngài khoan thứ cho ông ta. Nếu tướng quân vẫn muốn vào Thục, ta sẽ lập tức vào núi quy ẩn, không thất tín với thiên hạ!”
Lưu Bị hễ mở miệng là lại nói muốn bảo vệ Hán thất đồng tông, thậm chí sẵn sàng vào núi quy ẩn. Tôn Quyền, Tôn Du biết rõ lời ấy là giả, nhưng đường thủy của Kinh Châu đã bị ông ta không chế, đành ngậm nỗi bực tức, chuyển hướng sang Giao Châu. Nhìn qua thì thấy Lưu Bị đã được lợi, nhưng mối quan hệ giữa hai nhà Tôn, Lưu bỗng chốc bị đóng băng, trong khi sự hòa hợp giữa Tôn, Lưu lại là điều kiện tiên quyết để chống lại Tào Tháo. Nếu như Tào Tháo xua quân đánh tới một lần nữa, không có sự giúp đỡ của Tôn Quyền, Lưu Bị liệu có thể thoát khỏi hiểm nguy? Nếu Lưu Bị một lần nữa cầu viện, Tôn Quyền yêu cầu ông ta trả lại một số quận huyện của Kinh Châu, Lưu Bị liệu có thể tiếp tục giở trò hai mặt? Thế nên đối với Lưu Bị mà nói, ông ta đã đặt bản thân vào tình cảnh vạn phần cô lập.
Đương nhiên, ông ta làm vậy âu cũng có nỗi khổ riêng. Kinh Châu là đất tứ chiến, những kẻ muốn đoạt thiên hạ bắt buộc phải chiếm lấy, giữ Kinh Châu thực sự quá nguy hiểm, trọng trấn Tương Phàn đã bị Tào Tháo chiếm cứ, yếu đạo Hạ Khẩu ở phía đông bị Tôn Quyền đoạt mất, thế lực của hai nhà vượt trội so với ông ta, nếu không nhanh chóng khuếch trương thực lực, sớm muộn cũng bị hai nhà này thôn tính, nên việc tây tiến chiếm cứ Ích Châu, dựa vào địa hình hiểm yếu để phòng ngự trở thành cứu cánh duy nhất của Lưu Bị, đương nhiên ông ta không chịu nhường lại cơ hội này cho Tôn Quyền.
Nhưng Lưu Bị chỉ biết ngăn cản đại sự của người khác, còn làm thế nào để hạ thủ với miếng thịt béo bở này thì ông ta vẫn chưa rõ. Đường bộ đã bị Tương Phàn chặn mất yếu đạo để tây tiến, Khoái Kỳ tọa trấn quận Phòng Lăng thì đã quy thuận Tào Tháo, nên đường này cũng không đi được. Còn ngược dòng Trường Giang thì phải đột phá qua hiểm đạo Tam Hiệp vốn nổi danh là một kẻ giữ ải, ngàn người khó vượt, với thực lực của ông ta cũng rất khó có thể làm được. Cứ kéo dài như vậy mãi, Tôn Quyền không thể lấy Thục, chỉ e đến cuối cùng Ích Châu lại rơi vào tay Tào Tháo, hậu quả thật không thể lường được. Làm sao mới có thể phá vỡ thế giằng co này? Đúng vào lúc Lưu Bị hoàn toàn bất lực, bỗng dưng lại có kẻ chủ động chạy đến, muốn mở ải Tam Hiệp dẫn Lưu Bị tiến vào.
Quân nghị hiệu úy Ích Châu là Pháp Chính xuất xứ Kinh Châu, phụng mệnh Lưu Chương kết hảo với Lưu Bị. Nhưng Pháp Chính ngay từ đầu đã không giới hạn sứ mệnh của mình trong hai chữ “kết hảo”, trên thực tế ông ta thay mặt cho những nhân vật bất mãn với Lưu Chương và đối địch với Tào Tháo như Trương Tùng, Mạnh Đạt đến cung thỉnh Lưu Bị “tiếp nhận” đất Thục. Lần đầu tiên đến Kinh Châu, ông ta đã bày tỏ niềm ngưỡng mộ với Lưu Bị, và ngầm ám thị rằng mình có thể giúp ông đoạt đất Thục, nhưng Lưu Bị lần đầu gặp mặt nên vẫn chưa rõ là thật hay giả, là bạn hay thù nên không dám tùy tiện đồng ý, chỉ dùng lễ hậu đối đãi tiễn về. Nhưng không lâu sau, Lưu Chương lại phái Mạnh Đạt dẫn vài ngàn binh mã đến giúp đề phòng Tào Tháo, thêm một lần nữa bày tỏ thiện ý, Lưu Bị mới bắt đầu thực sự coi trọng việc này. Ngay sau đó Pháp Chính lại đến, lần này trên danh nghĩa là mời ông dẫn binh mã vào Thục đánh Trương Lỗ, nhưng thực chất Trương Tùng đã ngấm ngầm tự mình vẽ một bức địa đồ đất Thục, ghi chú tỉ mỉ đạo lộ, binh lực, lương thảo của từng quận huyện.
Pháp Chính hiến địa đồ, Lưu Bị trông thấy thì muôn phần kinh ngạc, cho rằng đại sự có thể thành, tuy vẫn không tránh khỏi do dự, nhưng cũng đã coi Pháp Chính là khách quý, thiết yến bày tiệc linh đình khoản đãi, lại tự mình rót rượu cho hắn, hỏi han trò chuyện vô cùng thân tình. Pháp Chính giờ đã an tâm nên biết gì nói nấy, gần như tiết lộ tất thảy những chuyện cơ mật ở Thục cho Lưu Bị biết, cuối cùng công nhiên nói rằng: “Với anh tài của tướng quân, sự nhu nhược của Lưu Chương; lại có Trương Tùng làm nội ứng. Sau khai thác tài vật của Ích Châu, dựa vào địa hình hiểm lộ trời phú, có thể thành đại nghiệp vậy!”
Lưu Bị ngoài mặt đồng ý, nhưng trong lòng vẫn toan tính lợi hại...
Mùa đông ngày ngắn, sau khi tàn tiệc, sắp xếp dịch quán cho Pháp Chính xong thì trời đã tối, bầu trời xám xịt xuất hiện một vầng trăng non, hắt thứ ánh sáng thanh lạnh qua những khe lan can trên thành lâu không lấy gì làm hùng vĩ của thành Công An, gió bắc heo hút thổi khắp nơi, đem đến hơi lạnh thấu da cắt thịt. Lưu Bị tiễn Pháp Chính xong không trở về trạch đệ, mà quay trở vào đại đường châu phủ tạm thời của mình, trầm ngâm một mình trước khung cửa sổ. Trương Tùng, Pháp Chính mang đến cho ông ta một cơ hội, nhưng việc này tuyệt đối không thể dễ dàng như vậy, chí ít cũng có ba mối nguy chưa lường hết được: Đầu tiên, đất Thục địa thế hiểm yếu, đi vào thì dễ, nhưng nếu chẳng may hai bên trở mặt thành thù, đến lúc đó không lấy được Ích Châu, muốn trở về ắt không dễ dàng nữa. Hai là, thực lực của Kinh Châu vẫn rất yếu, bản thân ông phải phòng bị Tào Tháo, nay cũng phải cẩn thận với Tôn Quyền hơn, vạn nhất kẻ địch xâm phạm sau lưng, đến lúc đó biết cứu viện thế nào? Điều quan trọng nhất là Lưu Bị không biết liệu những kẻ như Pháp Chính, Trương Tùng có thể đại diện cho tiếng nói của tất cả sĩ nhân đất Thục hay không, chinh chiến trong thời loạn cố nhiên phải tìm mọi cách đoạt lấy địa bàn của kẻ khác, nhưng chiếm đoạt kiểu này không được hay ho cho lắm. Nếu như không thu phục được nhân tâm đất Thục, lại thất bại nặng nề về mặt đạo nghĩa thì cho dù đoạt được Ích Châu cũng khó bể yên ổn. Có kẻ bán đứng Lưu Chương thì ắt cũng có kẻ bán đứng được ông, cuối cùng lại thành com cóp cho cọp nó xơi.
Lưu Bị ngẩng đầu nhìn trời, cảm thấy bản thân như vầng trăng khuyết cô độc trên tầng không tối thẫm, thanh lạnh lẻ loi không nơi bấu víu. Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng cũng đã phái đến trấn thủ ở những nơi trọng yếu, đám thuộc liêu vừa mới chiêu nạp thì cơ trí chưa sâu. Vì mối quan hệ với Tôn phu nhân mà nhà giờ cũng chẳng còn giống nhà nữa, ông chỉ có thể ở lại cán đại đường trống không của mình, ngay cả một người để nói lời tri tâm cũng chẳng có.
Cũng không biết bao lâu sau, bỗng nhiên ai đó cất tiếng gọi sang sảng:
— Chúa công, ngài vẫn chưa về nghỉ ngơi?
Lưu Bị quay đầu nhìn lại, trong màn đêm đen phía ngoài đại đường xuất hiện một bóng người, dáng vẻ vô cùng quỷ mỵ dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ. Người này tầm thước không cao, khuôn mặt gầy khô, mày mảnh mắt nhỏ, râu ngắn mũi hếch, tướng mạo tầm thường; mặc một bộ tiện phục giản dị, khoác hờ một tấm áo lông dài, dường như không ngủ được nên dậy đi dạo.
— Ồ, thì ra là Sĩ Nguyên.
Lưu Bị nhận ra, đó chính là Quân sư trung lang tướng Bàng Thống. Bàng Thống, tự Sĩ Nguyên là nhân sĩ đất Tương Dương. Ông ta là cháu của danh sĩ Kinh Châu Bàng Đức Công, tề danh cùng Gia Cát Lượng, được dân chúng đồng hương mệnh danh là “Phượng Sồ”. Nhưng vị Phượng Sồ tiên sinh này lại hoàn toàn khác biệt với Gia Cát Lượng, đã không có tướng mạo anh tuấn, cũng chẳng có danh vọng xuất chúng, chỉ có tính cách ương ngạnh bất phục, tự kiêu tự đại, thường tự ví tài năng của mình có thể “Luận đế vương chi bí sách, lãm kỷ phục chi yếu tối”. Khi Tào Tháo xua quân xuống phía nam, ông ta không quy thuận như vị huynh đệ của mình là Bàng Quý, cũng không cùng Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị, lại càng không giống bá phụ là Bàng Đức Công lên núi ẩn cư, mà trực tiếp qua sông định đầu quân cho Tôn Quyền. Nào ngờ, chính vì ông ta kiêu ngạo tự hãnh, chẳng coi ai ra gì nên khiến cho Tôn Quyền ghét bỏ, không có duyên sĩ đồ với Giang Đông, may thay được Lỗ Túc giới thiệu, sau trận chiến Xích Bích ông ta quay về đầu quân dưới trướng Lưu Bị.
Lúc ông ta trở về, các nhân sĩ tuổi trẻ tài cao của Giang Đông như Lục Tích, Cố Thiệu, Toàn Tông đều đến đưa tiễn, nhờ ông ta đánh giá tài năng của mình, Bàng Thống dõng dạc nói với Toàn Tông rằng: “Lục tiên sinh giống như con ngựa nhát, tính cách phiêu lãng, chí ở nghìn năm. Cố tiên sinh chẳng khác gì con trâu lười kéo xe nặng đi xa vậy. Toàn tiên sinh là người biết trọng danh tiếng, có điều trí lực không nhiều, song cũng đáng là người có danh một thời.”
Dù là những lời nhận xét thẳng thắn, nhưng lại so sánh người ta với ngựa nhát trâu hèn, có thể thấy cái tâm tài hùng ngạo của ông ta. Với tính cách như vậy, ông ta không chỉ khiến Tôn Quyền bất mãn mà cũng khiến Lưu Bị không vui. Lúc mới trở về Kinh Châu, Lưu Bị cho Bàng Thống nhận chức Huyện lệnh Lỗi Dương, nhưng ông ta cả ngày hết uống rượu lại kê cao gối ngủ không màng chính sự, khiến cho chính vụ Lỗi Dương rối ren bộn bề, chẳng lâu sau đã bị bãi quan. May mà có Gia Cát Lượng, Lỗ Túc nhiều lần khuyên giải, nói rằng tài năng của ông ta không phải tầm thường, cần cho chức quan cao biệt giá rồi dần đưa vào kỷ cương, Lưu Bị mới chấp nhận triệu kiến ông ta một lần. Nào ngờ vừa gặp Lưu Bị đã vô cùng coi trọng, Bàng Thống tuy tính tình ngạo mạn, không màng đến đạo chính sự nhưng lại rất am hiểu đạo dụng binh, thuật đế vương, quả là danh bất hư truyền. Lưu Bị lập tức đề đạt ông ta làm Quân sư trung lang tướng, tức ngang hàng với Gia Cát Lượng.
— Đêm nay trời thật lạnh. - Bàng Thống chậm rãi bước đến bên cạnh Lưu Bị. - Chúa công không về nghỉ ngơi, vẫn ở đây thưởng nguyệt, thuộc hạ lại chẳng được có nhã hứng như của ngài.
Nào có nhã hứng gì? Lưu Bị chẳng phải không muốn nghỉ ngơi, một là vì đang nặng trĩu tâm tư, hai là không muốn ở cạnh Tôn phu nhân, thế nên mới lưu lại chưa đi. Ông biết Bàng Thống đang ám chỉ mình, nhưng đã quen với cái tính nói móc của vị quân sư này nên cũng không lấy gì làm lạ, chỉ buông lời than thở:
— Việc của Pháp Hiếu Trực, ta nên hồi đáp thế nào đây?..
Bàng Thống nào có chuyện không ngủ được nên di dạo loanh quanh? Khi Lưu Bị nhắc đến chuyện này, ông ta sớm đã chuẩn bị câu trả lời:
— Kinh Châu hoang tàn, nhân tài tận kiệt, đông có Tôn Ngô, bắc có Tào thị, thế chân vạc khó có thể đắc chí. Ích Châu quốc phú dân cường, bách tính trăm vạn, lương thảo binh mã nhiều không kể hết, vật quý không được để rơi vào tay kẻ khác, có thể dùng đó để định đại sự. Thời cơ không thể để mất, mong chủ công đồng ý xuất binh.
Cái lợi của việc xuất binh Lưu Bị đương nhiên đã rõ, nhưng hiện giờ ông ta đang lo nghĩ đến những ẩn hoạn khôn lường, nên đáp lại vẻ khó xử:
— Kẻ tương tranh không đội trời chung với ta duy chỉ có Tào Tháo. Tháo cấp bách, ta khoan thai; Tháo tàn bạo, ta nhân từ; Tháo xảo quyệt, ta trung hậu; điều gì cũng tương phản với Tháo, đại sự ắt có thể thành. Nay nếu vì cái lợi trước mắt mà thất tín thất nghĩa với cả thiên hạ, lòng ta không hề muốn.
Lời của ông ta có thực có giả, điều gì cũng tương phản với Tào Tháo là không sai, nhưng sợ thất tín thất nghĩa với thiên hạ thì hơi cố tỏ ra vẻ.
Bàng Thống cũng biết đấy không phải là những lời thật tâm, đặc biệt lần trước Lưu Bị đã từng năm lần bảy lượt chặn đường vào Thục của Tôn Quyền, nào là nghĩa đồng tông, nào là đức tì hộ, ngay cả những lời như từ bỏ quyền chức, vào núi ẩn cư cũng nói ra rồi, vậy mà nay lại muốn tự mình động thủ đoạt đất của người khác, khó tránh khỏi tổn hại đến chữ đức rao giảng bấy lâu. Bàng Thống trong bụng cười thầm nhưng vẫn giữ thể diện cho ông ta, trong đầu nảy ra một ý bèn nói:
— Lời của chúa công tuy hợp thiên lý, nhưng nay gặp thời ly loạn, cần phải quyền biến hành sự, chẳng thể dùng lý để định đại sự. Nay may có Trương Tùng, Pháp Chính ngầm giúp bên trong, có thể nói là ông trời ban cho! Chủ công nếu không chớp lấy, chỉ e sẽ rơi vào tay kẻ khác.
Lưu Bị nghe vậy trong lòng thầm toan tính: Câu “Nếu không chớp lấy, chỉ e sẽ rơi vào tay kẻ khác” quả đúng là không sai chút nào. Tào Tháo vốn có ý chinh thảo Trương Lỗ, gần đây đã phá được Mã, Hàn, ngày sau ắt dòm ngó đất Thục. Tôn Quyền đã nắm được Giao Châu, tuy là một vùng hoang vu hẻo lánh, nhưng chỉ cần dụng tâm khai khẩn, chưa chắc đã không thể từ phương nam đi đường vòng đến xâm lược Ích Châu, tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tao ương, xem ra cũng khó cân nhắc làm gì đẹp mặt, làm gì không đẹp mặt nữa rồi.
Bàng Thống thấy Lưu Bị không nói năng gì, liệu rằng ông đã lung lay, bèn tiết lộ tất cả mưu hoạch của mình:
— Nay Tào Tháo vẫn ở Quan Trung, đường xa chinh chiến không kịp nam hạ. Tôn Quyền vẫn bận việc ở Giao Châu, tạm thời chưa thể xâm hại, đây chính là lúc chúa công có thể thừa cơ thủ lợi. Kinh Châu tuy là đất tứ chiến, nhưng có Quan, Trương, Gia Cát, Triệu Vân trấn thủ cũng không đáng ngại. Chúa công có thể lựa hơn vạn tinh binh, vài viên kiêu tướng, thuộc hạ xin tự làm tham mưu, có Trương Tùng, Pháp Chính làm nội ứng, ắt có thể khiến Lưu Chương không kịp trở tay, huống hồ còn có Mạnh Đạt nắm vài ngàn binh mã đồn trú ở Giang Bắc, chúa công nếu cần cũng có thể thu dùng, há phải lo binh mã không đủ? Thời cơ không thể vuột mất, mong chúa công suy xét!
Đúng như lời ông ta nói, Quan Vũ đồn binh ở Tương Dương, Trương Phi trấn thủ Sĩ Quy, Gia Cát Lượng giữ đất Nam Quận, Triệu Vân lưu thủ Công An, trận thế này có thể tiếp ứng lẫn nhau, cho dù Tào Tháo, Tôn Quyền có đến đánh cũng có thể nhất thời ứng cứu. Các bộ thuộc của Lưu Bị như Ngụy Diên, nghĩa tử Lưu Phong đến nay cũng đã được tôi luyện, lại được sự giúp sức của các kiêu tướng Kinh Châu như Hoắc Tuấn, lấy Thục không phải là vô vọng. Huống hồ lần trước, ông đoạt Trường Sa cũng thu được nhiều món lợi bất ngờ, khi đó cháu của Lưu Biểu là Lưu Bàn nắm binh mã nhiều lần quấy rối Giang Đông, dưới trướng của hắn có một viên tướng tên là Hoàng Trung, cũng có cái dũng trăm kẻ khó địch, nay cũng đã quy thuận Lưu Bị. Với những viên tướng kiêu dũng như vậy, lại thêm Pháp Chính làm nội ứng, binh mã dù ít nhưng cũng không phải là không có cơ hội đoạt lấy Ích Châu.
Lưu Bị đã thầm hạ quyết tâm, nhưng vẫn không dám tùy tiện cử binh, chỉ gật gù nói:
— Lời của ông cũng có lý, nhưng việc này hãy để ta suy xét cẩn trọng, ngày mai sẽ định đoạt.
Bàng Thống thấy ông ta vẫn không dám quyết đoán, bèn dứt khoát không khuyên nữa, ngáp dài một cái rồi quay lưng đi, miệng lầm bầm:
— Trời đã khuya, tại hạ không hứng chí như chúa công ở đây ngắm mây thưởng nguyệt, nếu cứ chần chừ như vậy, cho dù có đứng đến khi sáng trời tỏ đất phỏng có ích gì? Tạ hạ về kê cao gối ngủ, yên ổn ngủ một giấc dài. Cũng mong chúa công sớm về nghỉ ngơi!
Một trận gió lạnh chợt ùa vào đại đường, chuông gió dưới mái hiên đung đưa liên hồi, phát ra tiếng kêu lanh lảnh. Lưu Bị nhìn ra màn đêm tối thẫm bên ngoài khung cửa, lời của Bàng Thống khiến ông ta bất giác muộn phiền - Dù rằng hiện giờ Lưu Bị có được Kinh Châu, nhưng liệu đã tốt hơn trước được bao nhiêu đây? Ông ta xưng bá một phương, vậy mà ngay cả căn nhà ấm áp giờ cũng trở thành ảo mộng xa xôi. Từ sau cái chết của Cam thị, sự ấm áp của gia thất đã lụi tàn. Tôn phu nhân tuy đã gả cho ông ta, nhưng trong lòng trước sau chỉ có Giang Đông, không chỉ theo dõi nhất cử nhất động của ông ta mà còn đem theo cả đám vệ sĩ Giang Đông kiêu căng ngạo mạn, lúc nào cũng lăm lăm đao thương, khiến cho ông ta nơm nớp qua ngày, đành phải nhận mệnh cho Triệu Vân làm “đại quản gia”, có ái tướng tâm phúc theo sát bên mình, ông ta mới cảm thấy an toàn đôi chút. Lưu Bị bèn xây một tòa thành nhỏ ở phía tây Công An, để Tôn phu nhân và đám nam nữ bộc đồng của nàng ta ở bên đó, ông ta luôn kiếm cớ để không phải qua đêm ở đó, mối hôn nhân này sớm đã chỉ còn trên danh nghĩa. Ngay cả bách tính Kinh Châu cũng biết rõ duyên do bên trong, bèn gọi nơi Tôn phu nhân ở là “phu nhân thành”, thực sự không coi đó là địa bàn của Kinh châu. Hôn nhân giờ đã trở thành gánh nặng và trò cười, sống như vậy liệu có thể còn coi là nhà? Kẻ khốn cùng đến mấy cũng có một ngôi nhà để trở về kê cao gối ngủ, vậy mà đường đường là chủ nhân Kinh Châu lại chẳng có nơi để ngả lưng, cả ngày phải sống dưới bóng của Giang Đông Tôn thị, gần hai năm trời mà không có nổi một ngày giấc ngủ trọn vẹn. Chưa cần nói đến hùng tâm tráng trí, mà chỉ vì tự do của bản thân ông ta cũng cần hạ quyết tâm ra tay.
— Khoan đã! - Lưu Bị đột nhiên cất giọng gọi Bàng Thống.
— Chủ công có gì dặn dò? - Bàng Thống chậm rãi quay đầu lại.
Lưu Bị hít sâu một hơi khí lạnh:
— Ý ta đã quyết, bất luận là họa hay phúc, cũng phải đánh cược ván này cùng Pháp Chính. Cứ theo sắp xếp của ông mà điều binh khiển tướng, ngay sáng mai thực hiện!
— Tuân mệnh. - Bàng Thống trịnh trọng vái dài một cái, cuối cùng miệng đã nở nụ cười.
Ký Châu phản loạn
Tào Tháo thu được quận An Định mà chẳng tốn công nhọc sức, lại phái Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng đi chiếm nốt những huyện xung quanh. Chưa đầy vài tháng từ sau lần đối trận ở Đồng Quan, đất Quan Trung đều đã bình định, tiến quân sang Tây Lương tiêu diệt dư khấu dường như chỉ là vấn đề thời gian.
Đường xa chinh phạt, tướng sĩ lao khổ, nay đã đồn binh ở huyện Lâm Kinh, mọi người cuối cùng cũng được nghỉ ngơi, trên thì văn võ chúng thần, dưới thì binh sĩ ai cũng thở phào nhẹ nhõm, duy chỉ có quan viên các huyện ở Quan Trung là rốt ráo, lần lượt chạy đến huyện Lâm Kinh bái yết Thừa tướng. Tào Tháo nhận mệnh cho Trương Ký làm Kinh Triệu doãn, Trịnh Hồn làm Tả Phùng Dực, Triệu Nghiễm làm Hữu Phù Phong, xử lý xong xuôi mọi việc; lại triệu các danh sĩ Quan Trung như Phó Cán, Giả Hồng, Cát Mậu, Tô Tắc, Tiết Hạ, ngày ngày giảng kinh luận đạo vô cùng vui thú. Dương Thu tận lực nghênh tiếp, Khổng Quế lại càng không rời khỏi Tào Tháo nửa bước, nghĩ đủ mọi trò nịnh Thừa tướng vui lòng, hôm nay uống rượu ngày mai đá cầu, lại nghe tin sĩ nhân đất Phùng Dực là Du Sở tinh thông xư bồ(*), mừng như bắt được vàng, bèn tiến cử cho Tào Tháo. Tào Tháo có chút không vui:
— Xư bồ là trò đỏ đen cá cược hạ cấp, những thứ như vậy cũng để lão phu chơi?
Khổng Quế những thứ khác không nói, duy chỉ có trò đỏ đen là hiểu rất rõ:
— Xư bồ tuy không được nhã trí đối dịch, nhưng cũng có thể tỏ tài dụng binh. Năm xưa hồng nho Mã Dung từng viết Xư bồ phú, tán tụng rằng: “Bôi là thượng tướng, mộc là quân phó, xỉ là hiệu lệnh, mã là khoảng cách, trù là thôi thúc, thỉ tức số lính.” Thừa tướng thống lĩnh ba quân tung hoành thiên hạ, chỉ có trò vặt xư bồ há lại không thông? Du Sở cũng là một bậc hiền sĩ đất Quan Trung ta, trứ danh nhờ môn này, Thừa tướng có thể nhân cơ hội này đấu với ông ta một ván, cũng để cho đám tép riu mở rộng nhãn giới, thể hiện diệu thủ của lão ngài.
Chỉ một câu nói mà khiến Tào Tháo cười híp cả mắt, lập tức cho triệu kiến Du Sở đến - Huyện Lâm Kinh bỗng chốc biến thành xới đỏ đen, Tào Tháo và Du Sở đánh bạc ngay tại điện đường, chúng văn võ đứng bên quan sát, vừa uống rượu vừa khen hay, không khí vô cùng náo nhiệt.
Thứ nhất vì Tào Tháo đánh giỏi, thứ hai cũng vì Du Sở không dám thắng ông, đánh liền bảy tám ván thì Du Sở đại bại, vờ lắc đầu than thở:
— Tại hạ hơn mười năm nay chưa từng gặp được kỳ phùng địch thủ, nào ngờ hôm nay bại trước Thừa tướng, tâm phục khẩu phục.
Tào Tháo lấy làm vui vẻ, Khổng Quế ở bên nói lời bợ đỡ, hỏi kỹ một hồi thì được biết Du Sở cũng tinh thông thi thư, có chút tài dành, bèn lập tức phong làm Huyện lệnh Bồ Bản.
Chưa nói đến đám Lâu Khuê, Vương Xán, ngay cả Tào Thực cũng thầm kinh ngạc: Phụ thân ta từ lúc nào lại dễ tính đến vậy? Khổng Quế chỉ là một tên tiểu nhân bỉ lậu, vừa mới vào Tào doanh đã được coi trọng như vậy, ngày sau biết còn thế nào?
Trưởng sử Trần Kiều cảm thấy không ổn, lập tức can gián:
— Thuộc hạ có một lời, khẩn thỉnh Thừa tướng tiếp nạp. Thuật đỏ đen tuy có ích trí, nhưng lâu dài lại không hay, những kẻ vì chuyện đỏ đen mà phế sự vong nghiệp nhiều không kể xiết, vì mất tiền mà thành kẻ mưu gian...
Ông ta chưa nói xong đã bị Khổng Quế cao giọng ngắt lời:
— Không phải tại hạ nhiều lời, nhưng vị tiên sinh này nói không được thỏa đáng, người thường vì đỏ đen mà phế sự vong nghiệp, Thừa tướng há lại là kẻ tầm thường như vậy? Vừa nãy Thừa tướng hạ thủ chư vị đều đã thấy rồi đấy, lúc đánh như sấm rền sét đánh, lúc bố cục như chỉ huy ba quân; khí định thần nhàn, mặt không biến sắc, bề ngoài là chơi nhưng kỳ thực là đang vận trù mưu kế! Việc tru diệt Mã, Hàn, khắc định Lương Châu đã nắm chắc trong tay, chư vị nói có phải không?
Nịnh hót mà lại kéo cả chúng nhân vào, liệu ai dám nói không phải? Đành đồng thanh phụ họa. Tào Tháo cởi cả cúc áo, nhận lấy khăn tay Khổng Quế đang dâng, cười nói:
— Quý Bật là kẻ phong lưu, cớ sao hôm nay lại thận trọng như vậy? Lễ ký có câu: “Nhất trương nhất thỉ, Văn Võ chi đạo.”(*) Lẽ nào lão phu không được tiêu khiển chút sao?
Một câu nói khiến Trần Kiều giật mình sợ hãi, vội vàng thỉnh tội:
— Thuộc hạ ngu dốt, Thừa tướng xin hãy thứ cho.
Liếc mắt thấy Khổng Quế đang bụm miệng cười, trong lòng thầm nhủ tên tiểu tử này quả không dễ dây.
Tào Tháo không buồn để tâm, đưa tay lau mồ hồi nói:
— Lão phu thuở thiếu thời cũng từng đá gà, cưỡi ngựa, bài bạc, đỏ đen, không gì không hay, không gì không biết. Như nay quyền cao chức trọng, những trò ngoạn lạc năm nào cũng đã quên rồi.
Khổng Quế lập tức tung hứng:
— Thừa tướng thân gánh trọng trách của thiên hạ, cả một bụng hùng tài đại lược. Liệt vị công tử nay đã trưởng thành. Tiểu nhân sống ngoài vùng biên ải, từng được nghe Bình Nguyên hầu văn chương tài hoa, thông hiểu chính sự, nhị công tử tinh thông kỵ xạ, dũng quán tam quân, nay mới được mắt thấy tai nghe! Đại danh của Ngũ quan trung lang tướng lại càng chẳng phải nói, Thừa tướng có những nhi tử giỏi giang như vậy, hà tất phải quất ngựa chinh chiến, tự mình xông vào hiểm địa nữa? Theo thiển kiến của tiểu nhân, ngài hoàn toàn có thể an cư Nghiệp Thành, an hưởng phú quý, vừa tận hưởng vui thú bao năm chưa có, vừa để cho những kẻ trong thiên hạ biết thế nào là sự lợi hại của chư vị công tử! Há lại không hay sao?
Trần Kiều, Vương Xán bốn mắt nhìn nhau: Mồm mép của tên tiểu tử này quả là vô tiền khoáng hậu, không chỉ tung hô Tào Tháo mà còn khen hai vị công tử, kể cả Tào Phi thân ở Nghiệp Thành cũng được lôi vào. Thực là không chừa một ai.
Có lẽ do Khổng Quế dẻo miệng, có lẽ lời ấy nói đúng tâm tư, hoặc là do tướng mạo của hắn thực sự quá giống Quách Gia nên Tào Tháo càng nghe càng lọt tai, cảm giác lâng lâng, khoái chí vô cùng, nhưng ngoài miệng lại nói:
— Dao mổ trâu có thể cắt gà, nhưng dao cắt gà thì không đủ giết trâu. Bọn chúng vẫn còn trẻ, ít được rèn giũa, nếu tự mình thống binh hẳn vẫn chưa được!
Tào Chương lần này được xông pha chiến trường đúng như sở nguyện, mấy ngày nay đang cao hứng, thấy phụ thân mình nói vậy, bất giác lại nhớ đến sự sắp xếp trước khi đại quân vượt sông Vị Thủy, ngứa mồm ngứa miệng lại hỏi:
— Phụ thân hai tháng trước bảo nhi tử lĩnh ngộ chuyện binh mã ở Đồng Quan, nhi tử đầu óc ngu ngốc đến nay vẫn chưa hiểu, xin phụ thân chỉ giáo.
Đây chính là điều Tào Tháo đắc ý, nghe con mình hỏi vậy thì mặt mày lại càng hớn hở, bèn quay ra khoe với tất cả mọi người:
— Tướng giỏi ở mưu, không phải ở dũng, lão phu bình sinh dụng binh đều dùng mưu trước rồi cử binh sau, thế nên trăm trận trăm thắng. Lần trước giặc ở Đồng Quan, nếu ta dẫn binh vào Hà Đông, chỉ e Mã, Hàn chia binh trấn thủ các bến sông, vậy ắt không thể vượt qua Tây Hà. Cho nên ta dẫn binh áp sát Đồng Quan, Mã, Hàn tưởng rằng ta định công chiếm bèn dồn binh đến đó, vậy là đất Tây Hà trống trải, Từ Hoảng, Chu Linh mới có thể vượt sông thành công.
— Trong hư có thực, trong thực có hư, thì ra là vậy! - Tào Chương vốn mê mải việc đánh trận, nghe xong vỗ đùi đen đét, chỉ muốn lập tức tìm kẻ địch để thi triển một lượt.
Tào Tháo tiếp tục nói:
— Doanh trại Tây Hà vừa lập xong, lão phu bèn dựng phên giậu liên xa, tu sửa dũng đạo. Sau đó lại vượt sông xây tòa thành cát. Thế nên địch trong lòng lo sợ, hiệu lệnh bất nhất, cầu cắt đất nghị hòa. Lão phu vờ đồng ý để cho chúng lơ là cảnh giác. Vừa có thể thừa cơ ly gián Mã, Hàn, vừa có thể tiết kiệm sức lực của binh sĩ, một khi đã đánh, đó gọi là sét đánh không kịp bịt tai. Quan Trung xa xôi, nếu bọn chúng kẻ nào kẻ nấy dựa vào địa thế hiểm trở thì cho dù có đại quân chinh phạt, một hai năm nữa cũng chẳng định nổi. Nay chúng đều ở đây cả, tuy nhiều nhưng nhân tâm bất phục, quân không có chủ, chỉ một trận là bị diệt tận. Vì vậy, khi mỗi cánh quân của giặc đến tăng viện, lão phu không những không lo mà còn vui mừng. Thắng một kẻ khó, thắng chúng nhân dễ, binh pháp cần biến hóa, không cố định theo một đạo nào cả!
Những cơ mưu này tuy đa phần là do Lâu Khuê, Giả Hủ hiến kế, nhưng không thể không thừa nhận đều do Tào Tháo trù tính từ lâu. Sở dĩ ông cảm khái rằng “binh pháp cần biến hóa, không cố định theo một đạo nào cả” là những điều tâm đắc sau mấy chục năm tham ngộ binh thư, thân trải trăm trận, từng chiêu từng thức đều đúc kết từ muôn vàn gian khó, khiến người ta không thể không phục.
— Từ cổ chí kim, binh gia chưa từng có ai sánh được với Thừa tướng, không chỉ Bạch Khởi, Hàn Tín không bằng mà ngay cả Quang Vũ Đế tái sinh cũng khó địch được cơ mưu của Thừa tướng!
Khổng Quế lại tiếp tục nịnh hót. Tào Tháo đưa mắt liếc nhìn hắn, phẩy tay nói:
— Tiểu tử ngươi xàm ngôn gì vậy, há được như lời ngươi nói?
Trần Kiều sớm đã nhìn không thuận mắt, thấy hắn bị giáo huấn một trận bỗng thấy hả dạ.
Nào ngờ Khổng Quế ẩn ý sâu xa: Quang Vũ Đế há có thể tùy tiện đem ra để so sánh? Nói rằng vị hoàng đế khai quốc chẳng thể địch được ông, nếu là lương thần của đại Hán ắt sẽ nghiêm sắc mặt, còn nếu chỉ mắng đôi câu qua loa như vậy, có thể thấy lời thế nhân truyền tai nhau quả không sai, ông quả thực có dã tâm thay nhà Hán, tự lập làm vua. Nắm bắt được ẩn tình này, vậy từ nay về sau ở Tào doanh cứ thuận cơ hành sự thì dễ dàng rồi.
Tào Tháo không hề hay biết, buông lời cảm thán:
— Điều lão phu tiếc nhất trong nửa đời, duy chỉ có thất bại ở Xích Bích, nay uy trấn Quan Trung thanh thế phục hưng, ngày sau tất lại dẫn binh tiến xuống Giang Đông, há có thể không vui?
Đây là những lời thực lòng, gần hai năm nay ông mải lo việc nội bộ bất ổn mà ẩn nhẫn quá nhiều, lần này thắng trận trở về không khác gì bò lên từ dưới đất, cuối cùng cũng đã không đi theo vết xe đổ của Viên Thiệu. Nói đến đây, ông bất giác lại thấy tiếc nuối:
Chỉ tiếc là trong trận Vị Thủy, Đậu Phụ vì bảo vệ lão phu mà vong mạng dưới mưa tên, Đậu thị cả nhà trung liệt, chỉ còn lại chút cốt nhục này mà cũng chết nơi sa trường. Nhân tài khó gặp, trung nghĩa khó tìm, đến khi hồi triều lão phu nhất định phải truy phong biểu chương anh danh của Đậu Phụ! Ngoài ra lần này đắc thắng, hai quận Hoằng Nông, Hà Đồng cũng có công không nhỏ. Giả Quỳ giúp Chung Do tọa trấn Hoằng Nông, sĩ dân đều nhất mực tôn kính nên không ai dấy phản. Đỗ Kỳ từ Hà Đông cung cấp quân lương, lão phu tưởng rằng sẽ rất bất tiện, nào ngờ đến nay vẫn còn thừa hơn hai mươi vạn đấu lương thảo, có dự trữ như vậy thì cho dù có đánh trận thêm một hai năm nữa cũng đủ, còn phải lo không diệt được Mã, Hàn?
Tào Chương nghe vậy xoa xoa nắm tay:
— Nay quân ta binh hùng tướng mạnh, lương thảo đầy đủ, liệu có thể cho nhi tử thể hiện thân thủ? Phụ thân cứ việc tọa trấn Trường An bày mưu tính kế, mời tam đệ đi theo làm tham mưu cho nhi tử, hai huynh đệ con sẽ thay cha chinh thảo Kim Thành tru diệt Mã, Hàn, lập công cho triều đình, cũng để phụ thân mát mày mát mặt!
— Tốt lắm!
Tào Tháo đã chứng kiến bản lĩnh của con trai mình ở bờ nam sông Vị Thủy, trong lòng cũng yên tâm đôi chút, lại đang hồi cao hứng liền phá lệ đồng ý:
Con ta dũng khí đáng khen. Nay Tử Hoàn tọa trấn Nghiệp Thành, Tử Kiến tham mưu quân vụ, Tử Văn nếu có thể lập danh uy trấn biên thùy, vậy há phải lo thế nhân không tán tụng phụ tử Tào gia!
Khổng Quế nào cần biết gì, cứ việc hùa theo bợ đỡ:
— Sao lại phụ tử anh hùng? Theo tiểu nhân thấy là đời đời anh hùng mới đúng, sau này tử tôn muôn đời của Thừa tướng đều là anh hùng!
— Ha ha ha!... - Tào Tháo ngửa cổ cười lớn, - Nếu thực được như vậy, lão phu còn cầu gì chứ?
Hôm nay Tào Tháo thực sự cao hứng từ tận đáy lòng, từ sau khi binh bại ở Xích Bích ông chưa từng vui được như vậy. Đánh thắng trận này vãn hồi được uy danh là chuyện nhỏ, còn có điều gì tốt hơn việc ba đứa con trai của ông không phụ lại sự kỳ vọng kia chứ? Nếu như ba người họ có thể đồng tâm hiệp lực, mưu định thiên hạ cho Tào gia, vây thì ngôi vị kia giao lại cho ai cũng chẳng như nhau? Cho dù đời này ông không thể thống nhất Hoa Hạ, thân ngồi trên ngôi cửu ngũ, có bọn họ kế thừa đại nghiệp, phú quý của tử tôn muôn đời còn phải lo sao?
Nhưng đúng vào lúc ông cất giọng cười lớn, quân sư Tuân Du bỗng chạy thẳng vào điện đường, mặt đầy lo lắng:
— Thừa tướng! Đại sự không ổn rồi!
Tiếng cười của Tào Tháo chợt ngưng bặt:
— Sao thế?
— Bọn bạo dân ở Hà Gian là Điền Ngân, Tô Bá làm loạn, giết chết quan lại, tước đoạt quận huyện, hiện đã tụ tập đến vài vạn.
— Làm loạn ở đâu? - Tào Tháo ngỡ rằng mình đã nghe nhầm.
— Hà Gian! - Tuân Du nhắc lại một lần nữa.
Hà Gian?! Đó chẳng phải là đất Ký Châu sao? Đại bản doanh của Tào gia! Tào Tháo chỉ thấy lùng bùng bên tai, chén rượu trong tay bất giác rơi xuống đất, vỡ tan tành.
Những người khác cũng giật mình thảng thốt, kẻ nào kẻ nấy câm lặng, ngây ra như tượng gỗ, mãi hồi lâu sau mới thấy Tào Tháo cất giọng thâm trầm:
— Trận này không đánh tiếp được nữa rồi. Lệnh cho Tào Nhân dẫn hai vạn binh mã lập tức quay về bình định phản loạn. Những tướng sĩ khác chuẩn bị lương thảo khí giới, ngày mai thu binh... Khà khà... Phụ tử anh hùng đời đời anh hùng, chỉ e lão phu chẳng có được cái phúc ấy...
Chúng nhân lặng lẽ lui ra, ai lo việc nấy, cả một đêm dài Tào Tháo không hề chợp mắt - Năm xưa đánh bại Viên thị làm chủ Ký Châu, bách tính tung hô ủng hộ biết mấy? Đến nay cớ sao lại làm loạn? Lão phu tọa trấn Nghiệp Thành sáu bảy năm trời chưa từng xảy ra biến loạn, cớ sao Tử Hoàn nắm giữ chính sự chưa đầy nửa năm đã khiến mọi việc rối tung như vậy? Tên tiểu tử này rốt cuộc đã làm những gì? Nếu ngay cả Ký Châu cũng không trị được, vậy thì sao có thể gánh vác giang sơn vạn lý... Ông trằn trọc mãi vẫn cảm thấy bất an, bên ngoài trời cũng tờ mờ sáng, vẫn chưa kịp ra khỏi thành để điểm binh, lại nghe thấy phía ngoài cửa huyện tự có ai đó đòi vào cầu kiến. Tào Tháo đang rối như tơ vò, nào chịu tiếp kiến, lệnh cho thị vệ đuổi ra, vừa bước khỏi cửa liền lên ngựa toan đi. Nào ngờ người đó lao đến phía trước ngựa chặn đường, rồi liên tục khấu bái. Tào Tháo định quát, bỗng trông thấy mặt mũi người này thì bất giác kìm lại - Ông vẫn nhớ đó là Tòng sự Lương Châu Dương Phụ, Dương Nghĩa Sơn. Năm xưa trong trận Quan Độ, Thứ sử Vi Đoan không biết nên quy thuận Tào Tháo hay Viên Thiệu, từng phái ông ta đến Hứa Đô quan sát động tĩnh, Dương Phụ trở về Lũng Tây liền khuyên Vi Đoan ủng hộ Tào Tháo, cũng coi như là người có công với Tào doanh. Sau cái chết của Hàm Đan Thương, Trương Mãnh, Tuân Úc tiến cử trưởng tử của Vi Đoan là Vi Khang tiếp nhận chức sứ quân, Dương Phụ cũng được thăng làm Biệt giá Lương Châu.
— Nghĩa Sơn cớ sao chặn đường?
Dương Phụ khấu đầu liên tục:
— Khẩn cầu Thừa tướng tru diệt Hàn, Mã, diệt cỏ phải diệt tận gốc, tuyệt đối không thể tùy tiện lui binh!
Tào Tháo vừa thấy ông ta cũng liệu được rằng sẽ can gián như vậy, bèn than thở:
— Lão phu đương nhiên muốn thành tựu toàn công, nhưng Ký Châu sinh loạn, họa trong tay áo, không thể không lo!
Dương Phụ khẩn cầu:
— Điền Ngân, Tô Bá rặt những kẻ vô danh, chẳng bõ gãi ngứa cho Thừa tướng, Mã, Hàn mới là cái họa sát nách. Mã Siêu có bọn Hàn Tín, Quý Bố giúp sức, rất được dân Khương, Hồ ủng hộ, sĩ nhân Tây Châu không ai không kiêng nể. Chỉ e Thừa tướng vừa đi, các quận huyện nơi đây lại thành vô chủ!
Những lời ông ta nói không phải là không có lý, hai nhà Mã, Hàn cát cứ Tây Lương uy vọng biết mấy! Diệt cỏ không diệt tận gốc ắt sẽ thành hậu hoạn. Nghe xong lời này Tào Tháo cũng có chút do dự, nhưng Ký Châu quá quan trọng, đó không chỉ là đại bản doanh của ông mà cũng là nền móng để ngày sau tiến đến ngôi rồng! Nghĩ đến đây Tào Tháo cắn răng nói:
— Không được! Ký Châu phản loạn không thể không lo... Nhưng ngươi cũng bất tất phải lo lắng, ta sẽ chia một nửa binh mã, để lại Hạ Hầu Uyên và Từ Hoảng, Trương Cáp trấn thủ Trường An, nếu hai tên giặc kia dám đến xâm phạm, ngươi cứ cùng bọn họ xuất binh cứu viện.
Nói đoạn thúc ngựa vòng qua Dương Phụ mà đi.
— Thừa tướng! Thứ sử Lương Châu Vi Khang...
Dương Phụ vội vàng bò dậy, chưa kịp nói xong Tào Tháo đã đi xa rồi. Ông ta không biết làm sao, cứ dậm chân đấm ngực, Hạ Hầu Uyên tuy dũng mãnh nhưng đâu phải là đối thủ của Mã Siêu? Hơn nữa mối ẩn họa lớn nhất của Lương Châu kỹ thực không nằm ở kẻ địch, mà là ở cái chức Thứ sử! Tuân lệnh quản anh minh một đời, vậy mà lại chọn nhầm Vi Khang. Vi Khang tuy có tài danh bác học nhưng chỉ là một kẻ thư sinh mặt trắng, nếu như Mã Siêu một lần nữa dẫn binh đến đánh, ông ta liệu có thể giữ được Lương Châu?
Thấy Tào Tháo đã quyết ý trở về, tựa như mũi tên đã phóng khỏi cung, Dương Phụ chỉ đành chôn vùi những nỗi lo này trong lòng...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9