This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 114
ối lộ quyền thần, Tào Phi thất sách
Cờ kém nửa chiêu
Tào Tháo tạm gác việc quân, tập trung tâm trí vào việc xây dựng Nghiệp Thành. Chỉ trong vòng vỏn vẹn nửa năm, không những phố xá được tu tạo hoành tráng mà ngay cả việc mở rộng mạc phủ cũng cơ bản hoàn tất. Phủ đệ rộng lớn chiếm gần hết một phần năm Nghiệp Thành, to hơn cả hoàng cung Hứa Đô, cả một quần thể kiến trúc được cấu thành từ hai sân viện đông tây, bố cục hai bên không khác nhau là mấy, nhưng tây viện chỉ mở khi có đại hội quần liêu, còn Tào gia ăn ở sinh hoạt đều ở đông viện, những việc chính cũng đều xử lý tại đây.
Để phô trương sự tôn quý của Tào Tháo, từ cửa chính đến Thính Chính đường nơi ông xử lý các công việc thường nhật tổng cộng được dựng bốn cửa nghi môn, mỗi cửa đều có vệ binh canh phòng nghiêm ngặt, quy cách như vậy còn cao hơn cả thiên tử. Cửa phủ phía ngoài cùng của đông viện có tên là “Tư Mã môn”, chỉ mình Tào Tháo thường ra vào, nếu không có lệnh thì tuyệt đối không được mở, nhân vật dù cấp phẩm cao đến mấy cũng phải đi cửa ngách bên cạnh. Đãi ngộ khác biệt như vậy, chỉ e cũng không khác gì so với thiên tử!
Một trưa nọ, cánh cửa Tư Mã thường ngày đóng chặt nay đột nhiên mở ra, nhưng người đi ra không phải là Tào Tháo mà là một viên duyện thuộc mới ngoài ba mươi tuổi.
Người này chức quan không cao, nhưng thân hình bệ vệ, tướng mạo xuất chúng, cử chỉ toát lên vẻ hào quý, ắt phải là một nhân vật rất được Tào Tháo sủng ái mới có đặc quyền ra vào cửa Tư Mã như vậy. Sau lưng người đó còn có mấy tên bộc dịch khệ nệ khiêng một chiếc hòm lớn, cũng không biết chứa thứ gì. Nhưng vào lúc này, viên duyện thuộc kia vẻ mặt dường như chẳng có gì là dương dương đắc ý, trái lại còn có vẻ buồn bã, chắp tay sau lưng đứng trước cửa rất lâu sau mới chầm chậm qua đường.
Trên con đường lớn đối diện với mạc phủ, hai góc đông tây đều dựng vài căn viện lạc, vừa giống quan nha lại giống phủ đệ, trong đó có hai tòa Tào Tháo đã ban cho Tào Phi và Tào Chương. Hai vị công tử này đều đã thành hôn, thê tử Tào Phi là Chân thị, thê tử Tào Chương là Tôn thị, nếu như vẫn ở cùng một chỗ với phụ thân, nữ quyến thường ngày ra vào sẽ không thoải mái. Hơn nữa, mạc phủ xây dựng trước đó không lâu cư trú bất tiện, Tào Tháo bèn cho họ dọn ra ngoài ở, mỗi sáng vào thỉnh an là được.
Lộ tây là phủ đệ của Tào Phi, lộ đông là của Tào Chương. Duyện thuộc kia không hề do dự đi đến bên mé tây, gật gật đầu với tên lính gác, sau đó liền bước chân lên thềm đá - Người này thường ngày qua lại đến mức ngay cả đám lính gác cổng cũng đã quen mặt. Nhưng đương lúc người này bước chân vào trong, bỗng nhiên nghe thấy một tiếng gọi lanh lảnh cất lên từ phía sau:
— Đậu Phụ! Ngươi lại mang món đồ quý giá gì cho Tử Hoàn vậy?
Duyện thuộc này nghe thấy có người gọi tên mình, vội vã quay đầu lại, trông thấy một vị công tử thân thể tráng kiện, đầu đội mũ võ biền, người mặc nhung trang, râu vàng rậm rạp, đang đĩnh đạc bước ra từ trong phủ đối diện - chính là Tào Chương.
Đậu Phụ vội chạy xuống dưới thềm, cúi đầu thi lễ:
— Thì ra là nhị công tử.
Ngẩng đầu nhìn lại, phía sau Tào Chương là mười mấy tên bộc đồng, kẻ thì dắt ngựa, kẻ thì vác cung, kẻ thì cầm bẫy chim, còn có kẻ dắt theo cả chó, trông trận thế này là biết chuẩn bị đi săn. Tào Chương cười ha hả bước đến gần, bước quanh chiếc hòm kia, rồi cất lời hỏi:
— Các ngươi thật là, có đồ hay ho không mang đến cho đại huynh thì cũng mang đến cho tam đệ, không coi ta ra gì phải không?
Đậu Phụ biết đó là lời trách đùa, cười đáp:
— Công tử chớ nghĩ vậy, đây là đồ Thừa tướng sai tiểu nhân mang qua, không phải tại hạ tự tặng. Mấy hôm trước có vị bằng hữu từ Kinh Châu gửi đến hai miếng ngọc đẹp, vẫn chưa chạm trổ, nếu công tử không chê, hôm khác tiểu nhân xin tặng công tử một miếng.
— Được rồi. - Tào Chương phẩy tay, - Ai thèm để ý đến mấy món đồ dởm của ngươi? Hôm khác sang phủ của ta uống một trận đã đời là được! Ngươi và đại huynh ta đang trù tính gì, chớ tưởng ta không biết, tam đệ và đám Đinh Nghi cũng không phải có mắt không tròng. Tưởng rằng ngôi vị của phụ thân hay ho thế sao? Ai phải chịu khổ người đó tự biết, ta cũng không thèm tranh với họ! Chỉ cần có rượu để uống, có thú để săn là sống vui rồi. Nếu có cơ hội thì xông pha chiến trường vài trận, vậy là sung sướng!
— Hì hì hì, nhị công tử thật phóng khoáng.
— Ngươi chớ cười, ta biết các ngươi chê ta dung tục, nhưng lại không biết rằng kẻ dung tục chính là các ngươi, muốn sống được như ta há lại dễ sao!
Tào Chương nói xong nhảy phắt lên ngựa, quất mạnh một roi, con ngựa lập tức tung vó phi thẳng, đám nô bộc cũng lập tức đuổi theo - Vị công tử này cũng thật ngông cuồng, không nghe lời phụ thân quản giáo, dám phi ngựa khoa trương ngay trong thành!
Đậu Phụ lắc đầu rồi lại gật đầu: Người ta nói cũng có lý, rốt cuộc là ai không thể thoát khỏi những điều dung tục tầm thường? Hắn nghĩ mãi không biết phải làm sao, đành bước vào cửa bên tiếp tục việc làm “dung tục”.
Sở dĩ vị Đậu tiên sinh này nhận được sự sủng ái của cha con Tào Tháo có nguyên do đến từ thân thế của hắn. Tổ phụ của Đậu Phụ chính là Đậu Vũ, đại tướng quân ngoại thích dưới triều Linh Đế năm xưa, và là một trong “ba người thuộc nhóm đảng nhân” (Lưu Thục, Đậu Vũ, Trần Phồn). Năm xưa Đậu Vũ và Thái phó Trần Phồn giúp Linh Đế đăng cơ, ý muốn tru diệt gian tặc phục chấn triều cương, nhưng lại bị đám hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ phá hoại, giật dây thiên tử phát động chính biến, khiến cho đảng nhân và thái học sinh gặp họa diệt môn. Gia tộc Đậu thị bị sát hại, chỉ còn lại một mình Đậu Phụ sống sót. Lúc đó hắn mới chỉ hai tuổi, cũng may đệ đệ của thái úy tiên triều Trương Ôn là Trương Sưởng mua chuộc quân sĩ đem Đậu Phụ ra ngoài phủ, giao cho viên cố lại của Đậu thị là Hồ Đằng mang đến Kinh Châu ẩn náu. Để che mắt người ngoài, Hồ Đằng giả vờ đó là con của mình, đổi sang họ Hồ, một lòng một dạ dạy dỗ nên người. Mãi đến khi thiên hạ chiến loạn, nhân sĩ đồng đảng là Lưu Biểu đến Kinh Châu nhận chức Thứ sử, Đậu Phụ mới phục hồi họ cũ, xét hiếu liêu, trở thành mạc liêu trong phủ Trấn Nam Tướng quân.
Hai năm trước Lưu Tông hàng Tào, Đậu Phụ chuyển về dưới trướng Tào Tháo. Tào Tháo niệm tình hắn là hậu duệ của trung thần nên rất mực trọng thị, hắn cũng cúc cung tận tụy. Đặc biệt là trong những ngày đau buồn, ủ dột sau khi đại bại ở Xích Bích, hắn và Tào Phi cùng dốc lòng hầu hạ Tào Tháo, không chỉ giành được thiện cảm của Tào Tháo mà còn kết nên mối giao tế hoạn nạn cùng Tào Phi. Bề ngoài hắn với Tào Phi một kẻ là duyện thuộc, một người là công tử, nhưng những lúc riêng tư lại là bằng hữu, không chuyện gì không chia sẻ cùng nhau. Vì mối quan hệ đó, trong cuộc giành ngôi kế vị giữa hai công tử, hắn đương nhiên toàn tâm toàn lực ủng hộ Tào Phi.
Đậu Phụ không phải là kẻ hạnh tiến, thường ngày xử lý công việc cũng rất công chính vô tư, nhưng trước mặt Tào Tháo lúc nào cũng nói lời hay ý đẹp về Tào Phi, Tào Tháo cũng vui vẻ nghe hắn nói. Nhất là sau khi Tào Phi chuyển ra khỏi mạc phủ, không thể thường xuyên ở bên phụ thân như Tào Thực, tầm quan trọng của Đậu Phụ lại càng hiện rõ. Bất cứ động tĩnh gì ở mạc phủ, hắn đều chạy đến nói với Tào Phi.
Lúc này hắn đến cánh cửa thứ hai, đám người hầu của Tào Phi nhất loạt ùa ra, vừa thi lễ vừa cười góp:
— Đậu đại nhân, lúc nãy công tử vừa nhắc tới ngài đó.
Thứ Đậu Phụ mang tới hôm nay không phải tin tức gì tốt lành, hắn sầm mặt hỏi:
— Công tử có ở đây không?
— Công tử đang ở trên sảnh đường tiếp khách, không cho chúng tại hạ qua.
— Ta lên đó không sao chứ?
— Ngài nói gì vậy, người khác không vào được chứ ngài thì vô tư lự! Dám cản bước lão ngài, chẳng may công tử biết được, lại chẳng đánh gãy chân chúng tại hạ?
Đậu Phụ không có tâm trí nghe chúng nịnh bợ, cùng đám bộc dịch đi thẳng vào trong, vừa đi vài bước đã loáng thoáng nghe thấy tiếng trách móc vọng ra từ trên sảnh đường, hẳn là Tào Phi đang nổi trận lôi đình. Hắn lập tức dừng bước, quay đầu nói với đám bộc dịch:
— Cứ để tạm đây, lát nữa ta gọi người của công tử đến nhận, các ngươi về đi.
Hai tên bộc dịch là người của mạc phủ, không thể để chúng nghe được quá nhiều. Đuổi xong hai tên bộc dịch, Đậu Phụ bước nhanh lên sảnh đường, vừa vào liền trông thấy Tào Phi đang mặc tiện phục, không ngại lớn tiếng mắng nhiếc. Trước mặt Tào Phi là Chu Thước đang quỳ dưới đất, dường như vừa làm hỏng việc đang phải thỉnh tội, dãy ghế phía đông có ba người ngồi - Một vị trạc tuổi Tào Phi, thân mặc gấm lụa, dung mạo đoan quý, chính là cháu của Chinh Lỗ Tướng quân Lưu Huân, tên Lưu Uy; một người đã qua tuổi nhi lập, dáng vóc thấp lùn, dung mạo tầm thường, nhưng trên thực tế đó lại là mưu sĩ mà Tào Phi tin tưởng nhất, tên Ngô Chất; cuối cùng là một người trẻ tuổi, diện mạo thanh tú, cử chỉ nho nhã, khóe miệng hơi cười. Đậu Phụ thấy người này lạ mặt, nghĩ mãi mới nhớ ra, thì ra là viên Lệnh sử mới vào mạc phủ cách đây không lâu, là con của lão thần Tư Mã Phòng, nhị đệ của Huyện lệnh huyện Thành Cao Tư Mã Lãng, tên Tư Mã Ý. Đậu Phụ bất giác cảm thấy kỳ lạ: Ta cùng Lưu Uy, Ngô Chất đều là bằng hữu thân cận của công tử, những việc cần bàn luận thường không để lọt ra ngoài, tên tiểu tử này cũng được tham dự từ khi nào mà ta không biết?
— Đậu huynh cuối cùng cũng đến rồi! Có tin tức gì không?
Lưu Uy tính hay sốt ruột, mắt bé ti hí, giọng thì sang sảng.
— Nhỏ giọng một chút. - Đậu Phụ trừng mắt nhìn hắn, - Cách tám dặm còn nghe thấy ngươi nói, chẳng giấu được gì cả!
Câu này rõ ràng là nói với Lưu Uy, nhưng thực ra là nói với Tào Phi. Tào Phi hơi nguôi cơn giận, quay ra chỉ thẳng vào mặt Chu Thước, giọng chì chiết:
— Ngươi hiến kế gì cho ta? Chọn đồ đem đi tặng người ta, khoa trương đến nỗi ai ai cũng biết ta muốn mưu làm thái tử, có khác gì hối lộ? Ta biết giấu mặt mũi đi đâu chứ!
Chu Thước cúi đầu, trong lòng thầm nghĩ: Kế của ta không cao minh, nếu ngài cao minh thì đừng có nghe theo, nghe theo rồi lại quay ra oán trách ta! Nghĩ là vậy nhưng ngoài miệng lại nói:
— Tại hạ cũng vì nghĩ cho công tử, thành tâm nhưng lại hỏng chuyện thôi ạ.
Ngô Chất cười nói:
— Những kẻ lang y tầm thường lỡ hại chết người, nào có ai là không có ý tốt? Ngươi không có tài bày mưu tính kế, sau này đừng đổ thêm dầu vào lửa. Công tử xin chớ để tâm, chuyện như thế này cũng chưa là gì. Hơn nữa chẳng phải tam công tử cũng phái Đinh Nghi đi nhờ cậy khắp nơi sao? Ai trong đầu cũng đều có chiêu số cả, cùng lắm chúng ta chỉ thua nửa chiêu thôi.
Ngô Chất mấy ngày trước ra ngoài công cán, Chu Thước mới có dịp gây ra họa này, nếu như có hắn ở đây, tuyệt đối sẽ không để Tào Phi làm chuyện ngốc nghếch. Tào Phi vẫn không ngớt nhiếc móc:
— Chuyện này giờ trong thành ngoài thành ai cũng biết, nếu để phụ thân biết được thì phải làm sao?
— Thừa tướng đã biết rồi. - Đậu Phụ chỉ vào chiếc hòm đang để ngoài cửa, - Hòm gấm Thục này chính là Thừa tướng sai tại hạ mang về.
— Sao cơ? - Tào Phi thất kinh, - Sao lại lọt đến tay phụ thân ta?
— Tây tào duyện Thôi Diễm giao nộp, nói rằng có người ở phủ ngài đến tặng quà, ông ta không dám nhận, người mang tặng cứ đặt đó rồi đi mất. Ông ta không biết phải làm sao, đành trực tiếp giao cho Thừa tướng.
Tào Phi mặt mày trắng bệch, quay đầu gằn giọng mắng Chu Thước:
— Ngươi sai ai đến tặng Thôi Diễm quà, sao lại bất cẩn đến thế!
Chu Thước bạo miệng đáp:
— Không sai ai đến cả, chính tại hạ tự đem đến tặng.
— Tốt! Tốt lắm! - Tào Phi tức nổ đom đóm mắt, - Rốt cuộc là ngươi giúp ta hay hại ta?
Chu Thước ấm ức nói:
— Tại hạ chẳng làm gì quá đáng cả, là do tên Thôi Diễm tính tình kỳ quái, tại hạ nói vã bọt mép ông ta cũng không chịu nhận, đành cứ đặt đó rồi đi. Hơn nữa đâu chỉ có mình ông ta không nhận, nhưng nào có ai không biết cư xử như ông ta chứ, còn tự đem đồ đến chỗ Thừa tướng, đây chẳng phải là cố ý mách tội của công tử sao!
Đậu Phụ lại nói:
— Ngươi còn dám nói rằng kẻ khác không tốt, Thôi Quý Khuê biết rõ là ngươi làm nhưng lại không nhắc đến tên ngươi, rõ ràng có ý che chở. Thừa tướng muốn chính thức ban hòm đồ này cho nhưng ông ta vẫn không chịu nhận, lúc đó mới lệnh cho ta mang trở về. Thôi đại nhân có chỗ nào không công đạo chứ?
Ngô Chất cũng không kìm nổi, nói:
— Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài huệ(*). Giống như Chung Nguyên Thường, Thôi Quý Khuê cũng là một bậc trí sĩ đạo đức, ngươi tặng đồ cho ông ta có khác gì vả vào mặt ông ta? Chỉ có những kẻ vô lại tép riu mới nhận thôi.
Chu Thước không dám cãi lại Tào Phi, nhưng nghe đám người kia nói thì vô cùng không phục:
— Chớ nói việc này, ngay cả tiên triều cũng có lúc mua quan bán tước, hối lộ công khai đấy thôi.
Ngô Chất thấy hắn vẫn còn ngoan cố, bèn tiếp tục trách móc:
— Ngươi đúng là đã dốt còn bảo thủ, điều hay ho thì không học, toàn học những thứ tai bay vạ gió. Công khai hối lộ, bán tước mua quan, triều đình như vậy từ trên xuống dưới đều là vô lại!
Tào Phi nhíu mày nhăn mặt:
— Nói những thứ này làm gì, thái độ của phụ thân ta thế nào?
Đậu Phụ thở dài đáp:
— Thừa tướng chẳng nói chẳng rằng, chỉ bảo tại hạ mang đồ về cho ngài.
— Phụ thân không nổi giận?
— Thưa, không.
Dù như vậy nhưng Tào Phi vẫn thấp thỏm không yên, chiêu này của phụ thân còn lợi hại hơn cả việc nghiêm khắc giáo huấn, để cho y phải tự mình suy xét đây! Nếu như Tào Thực ở bên nói thêm đôi lời, vậy thì ắt hỏng chuyện.
— Còn nữa... - Đậu Phụ lại nói, - Khi tại hạ chuẩn bị rời phủ, phu nhân có nhờ kẻ hầu chuyển lời, dặn tại hạ nhân tiện mời ngài qua đó một chuyến, phu nhân có việc cần nói với ngài.
Phụ thân biết chuyện đã đành, sao ngay cả mẫu thân cũng bị kinh động như vậy? Tào Phi lại càng đau đầu:
— Cho gọi ta sao? Không phải phụ thân ta đã nhắc đến chuyện này với mẫu thân chứ?
— Điều này tại hạ không biết. - Đậu Phụ lắc đầu, - Nhưng Tào Thuần tướng quân bị bệnh xin nghỉ, Thừa tướng vốn định sau buổi trưa sẽ tự đi tuần tra quân doanh, chắc hẳn giờ này không ở trong phủ.
Chu Thước nghe chửi nãy giờ, nghe thấy câu này bèn nhổm dậy nói:
— Chết rồi, chúa công đi tuần, tại hạ phải quay về ngay!
— Mau đi đi! - Tào Phi vội phẩy tay, - Không có chuyện gì đừng đến tìm ta, tạm tránh đi một thời gian đã.
— Ngài cũng đừng chần chừ nữa, phu nhân triệu kiến, mau đi mới phải.
Nói đoạn, Chu Thước ba chân bốn cẳng chạy mất. Tào Phi nhìn cái hòm, đi đi lại lại, chép miệng than thở:
— Ây dà! Ta cũng thật hồ đồ, sao lại đi một bước sai lầm như vậy? Tổn hại đến danh tiếng đã đành, còn kéo theo biết bao hệ lụy.
Xét cho cùng, y cũng chỉ là công tử, không có quan tước chính thức, trong tay cũng không giàu có gì. Mặc dù lấy danh nghĩa là của Hồi môn còn thừa để đem tặng, nhưng lấy đâu ra nhiều gấm lụa thế? Đều là mượn tiền của chú cháu Lưu Huân, Lưu Uy để mua, món nợ này còn chưa biết trả thế nào. Đặc biệt mấy ngày trước, Tào Tháo đột nhiên nảy ra ý định kỳ lạ, muốn đón Sái Chiêu Cơ, con gái của Sái Ung từ Hung Nô về gả cho Đồn điền đô úy Đồng Tự, còn định tặng một phần của Hồi môn, Tào Phi không dám không làm, vì thế khoản nợ ngày càng nhiều.
Lưu Uy cười ha hả nói:
— Chỉ là chuyện nhỏ thôi, đưa tiền cho công tử dùng há lại bắt ngài trả lại? Ta sẽ quay về nói với thúc phụ một tiếng, món nợ này coi như hết.
— Đa tạ hiền đệ!
Tào Phi vội vàng chắp tay cảm tạ.
— Không dám, không dám, - Lưu Uy đứng dậy, - Sau này cần dùng tiền hãy cứ tìm ta, đều là những vật ngoài thân, có đáng gì chứ?
Tào Phi lại nói:
— Tiền tài tuy là vật ngoài thân, nhưng tình bằng hữu này thực sự hiếm có.
Câu này Tào Phi nói thực sự xuất phát tự đáy lòng. Trong đám nhân sĩ văn võ của Tào doanh, những kẻ biết vơ vét nhất chính là Tào Hồng và Lưu Huân, trong tay không chỉ nắm một lượng lớn điền sản mà còn thường xuyên kiếm chác vụ lợi. Tào Phi cần mượn tiền đương nhiên phải nghĩ đến Tào Hồng đầu tiên, nhưng vị thúc thúc này không chỉ hám tiên, còn bủn xỉn, một cắc cũng không rời, Tào Phi không biết làm sao mới phải tìm đến Lưu gia. Nào ngờ Lưu Uy vung tay hào phóng như vậy, đúng là họ hàng còn chẳng bằng bạn bè!
— Công tử quá khen, mau đi đi, phu nhân triệu kiến gấp đấy.
— Đúng đúng đúng, hãy đợi một lát, trở về chúng ta sẽ hàn huyên tiếp.
Tào Phi gọi hai tên bộc đồng, rồi tất tả đi ra. Nhìn theo bóng Tào Phi dần đi xa, Tư Mã Ý nãy giờ chưa mở lời, bỗng phá tan sự im lặng:
— Lưu huynh, chuyện công tử mượn tiền thì không sao. Nhưng cần hiểu được đạo lý cực thịnh tất suy, lệnh thúc cật lực kiếm chác như vậy, e rằng không phải chuyện tốt.
Có câu “Phú quý kiêu nhân”(*), Lưu Uy nhếch mép cười khẩy, không hề để tâm:
— Sợ gì chứ? Thúc thúc ta và Tào gia là chỗ giao tình thân thiết, ai dám không nể vài phần? Hơn nữa bây giờ đã không còn giống như thời xây dựng Hứa Đô nữa rồi, những kẻ chấp pháp nghiêm khắc đều đã bị điều chuyển. Mãn Sủng nếu không phải chấp pháp quá nghiêm ở Nhữ Nam, sao đến nỗi bị phái đến đồn trú Tương Phàn? Đám Vương Tư, Tiết Đễ bị bãi miễn chức Trưởng sử, điều về trông quân, còn cả tên Huyện lệnh Trường Xã Dương Bái, nghe nói cũng bị quan viên Hứa Đô đàn hặc, tự tiện dùng hình giết người, giờ đang ở trong đại lao chịu tội đấy thôi! Còn kẻ nào quản nổi chúng ta?
Khuôn mặt ôn tồn của Tư Mã Ý khẽ lộ ý cười, không buồn tranh biện với hắn, trong lòng thầm nghĩ: Lời hay khó khuyên được kẻ đáng chết, Thừa tướng bãi miễn những tên khốc lại kia chẳng qua là kế sách nhằm hòa hoãn mâu thuẫn sau chiến bại, vậy mà ngươi cũng tưởng thật!
Kỳ thực, Tư Mã Ý vốn không coi Lưu Huân là đồng đảng, chỉ vì chính thất phu nhân của Lưu Huân tên là Vương thị không có con, ông ta lại ái mộ một người con gái bên nhà Tư Mã, đang định nạp về làm thiếp. Nếu xét một cách kỹ càng, người con gái đó là họ hàng xa của Tư Mã Ý, hai nhà qua lại cũng vì mối quan hệ này, Tư Mã Ý cũng nhờ Lưu Uy mà trở nên cùng hội cùng thuyền với Tào Phi. Lúc đầu hắn không muốn nhập sĩ, nhưng đã làm quan thì phải nhập gia tùy tục. Người mà Tào Tháo lập làm người kế tục chính là Thừa tướng tương lai, không những vậy ngày sau còn có thể là hoàng đế, chọn đúng chủ để phò giúp ắt có thể trở thành công thần một đời, món lợi lớn như vậy ai chẳng muốn lấy?
Ngô Chất vẫn cúi đầu, lặng im không nói, thấy hai người họ không nói gì nữa, đột nhiên cất lời:
— Ta hơi lo cho công tử.
— Lo ngài ấy bị phu nhân trách mắng sao?
— Đậu Phụ hỏi.
Ngô Chất lắc đầu.
— Lo tam công tử dâng lời sàm ngôn?
Lưu Uy hỏi.
— Nếu vậy thì có gì đáng sợ. - Ngô Chất mông lung nhìn ra ngoài sân vườn trống trải, - Con người nếu đường đường chính chính, những kẻ bên cạnh sao có thể làm hại?
Tư Mã Ý tiếp lời:
— Ta hiểu rồi, ngài đang lo sau chuyện này công tử lại hấp tấp, coi những nhân sĩ chính trực như Thôi Diễm thành đối thủ, vô duyên vô cớ tạo thêm kẻ địch cho mình. Những bậc công thần của xã tắc, thực sự có lòng trung với quốc sự, tuyệt đối không thể để mất.
Ngô Chất giật mình quay sang nhìn hắn:
— Đúng là như vậy!
— Ngài cứ yên tâm. - Tư Mã Ý vân vê tay áo, giọng lãnh đạm, - Những bậc công thần của xã tắc nếu như không hiểu sự tình, không biết phải theo ai, phò ai, thực sự muốn đối địch với công tử, vậy thì không thể coi họ thực sự là công thần của xã tắc rồi. Nếu không phải thực sự là công thần, vậy Thừa tướng còn để ý đến lập trường của họ không?
Ngô Chất ngẫm nghĩ, lời này quả thật cũng có lý, bất giác gật gù.
Tào Thực kết thân
Mẫu thân triệu kiến không thể không đến, Tào Phi bồn chồn thấp thỏm bước vào trong phủ, hỏi thăm duyện thuộc, được biết phụ thân quả thực đã đến doanh trại, lúc này y mới thở phào nhẹ nhõm, đi qua Thính Chính đường ra hậu viện.
Mạc phủ trong Nghiệp Thành trước kia là nơi ở của Viên thị, kiến trúc vốn dĩ đã rất cầu kỳ, lần này tu tạo lại mở rộng, xây cao hơn, nên ngay cả hậu viện cũng hoành tráng hơn lúc trước rất nhiều. Trong vườn được lát bằng đá xanh vuông bản lớn, hàng hiên hai bên trồng đủ loại tang liễu du hòe, tiết trời vào độ xuân dương, hương hoa sắc lá vô cùng thu hút. Bên trái là phòng xá của các vị phu nhân, tên thường gọi là “phường Mộc Lan”; bên phải là nơi ở của các vị thiếu niên công tử, gọi là “phường Thu Tử”; đi qua ôn thất tiểu các, trong đó có một tòa chính đường mới xây vô cùng nguy nga, vòm hiên uốn lượn, phía trên treo một tấm bảng gỗ viết ba chữ - Hạc Minh đường.
Tào Phi đến trước tấm rèm bích sa, không nhìn thấy đám nha hoàn hầu hạ, chỉ thoảng thấy bên trong có tiếng đàn bà nói chuyện, vội lùi lại hai bước, khẽ hắng giọng bẩm báo:
— Nhi tử đã đến ạ.
Biện thị lập tức đáp lời:
— Con ta không cần đa lễ, mau vào đi.
Tào Phi lúc này mới khẽ vén tấm rèm, cúi đầu bước vào, bỗng nhìn thấy bên trong không chỉ có mẫu thân của mình mà các phu nhân khác cũng đều có mặt. Chính giữa phòng kê ba chiếc ghế, Biện thị mặc thường phục, không hề phục sức ngồi ở giữa, trong lòng đang bế con nhỏ Tào Hùng mới bốn tuổi. Hoàn thị ngồi bên trái, đầu khẽ cúi, sắc mặt lộ vẻ mệt mỏi, sau cái chết của Tào Xung, bà lúc nào cũng buồn bã. Ngồi bên trái là Vương thị phu nhân - Kể cũng lạ, vị Vương thị này là quả phụ tái giá, năm xưa ở Uyển Thành, vì bà ta mà Tào Tháo mất đi đứa con yêu quý Tào Ngang, nhưng Vương thị không vì thế mà bị thất sủng. Luận về tư lịch, bà ta và Tào Tháo không phải quen biết từ sớm, luận về dung mạo thì không bằng Đỗ thị, Triệu thị, đã hơn ba mươi tuổi vẫn chưa có con, nhưng vì tri thư đạt lý, xử sự công đạo nên được tất cả các cơ thiếp rất mực tôn trọng, ngay cả Tào Tháo cũng nhìn bà bằng con mắt khác, vì vậy cũng được ngồi chung với Biện thị, Hoàn thị.
Đỗ thị, Tần thị, Doãn thị đều ngồi một bên, trông thấy công tử đến bèn vội đứng dậy. Còn đám cơ thiếp như Tống thị, Chu thị, Lý thị, Triệu thị thì không được ngồi, vừa trông thấy Tào Phi liền vội vàng chúc vạn phúc - Người ta là con của chính kinh phu nhân, lại là trưởng tử, tuyệt đối không thể coi thường.
Tào Phi há lại dám nhận, cúi thấp người khấu tạ:
— Nhi tử xin vấn an mẫu thân và chư vị phu nhân.
Hoàn thị và Biện thị tình như chị em đã đành, Vương thị thì không dám nhận lễ, bèn nghiêng người đáp lễ:
— Đại công tử mau mau đứng dậy, đều là người nhà cả, hãy ngồi xuống nói chuyện.
Biện thị cười nói:
— Trước mặt chị em chúng ta làm gì có chỗ cho nó ngồi? Ta chỉ dặn dò vài câu, nói xong liền đuổi đi, để nó khỏi chê đám đàn bà chúng ta nhiều lời.
Câu này khiến chư vị phu nhân che miệng cười. Tào Phi thấy mẫu thân mặt mày tươi cười, đoán chắc rằng không phải là họa, thấy vững dạ hơn nhiều, cũng cười nói theo:
— Hôm qua con dâu của mẫu thân còn nói muốn mang Duệ nhi qua để mẫu thân khuây khỏa. Lần này dọn ra ngoài quả thực không quen. Các phu nhân ở cùng một chỗ nói nói cười cười, thường ngày hẳn rất náo nhiệt.
— Nói nói cười cười... Ây dà! - Biện thị nụ cười chợt tắt, bất giác than thở, vuốt ve mái đầu nhỏ của Tào Hùng, - Đời ta thật khổ, sinh được ba anh em các con đã đành, lại còn phải nuôi thêm đứa tiểu oan gia này nữa. Không biết lúc nào mới hết lo lắng, hết vất vả, đâu có được mấy ngày nói nói cười cười?
Tào Tháo và Biện thị sinh Tào Hùng khi đã bốn năm mươi tuổi, vì lẽ đó nên câu bé thân thể ốm yếu, từ lúc sinh ra đến giờ bệnh tật không thôi. Tuy Tào Hùng đã bốn tuổi, nhưng vóc dáng cũng không bằng đứa trẻ ba tuổi bình thường, cả ngày cứ mơ mơ màng màng, thường xuyên phải uống thuốc do Lý Đang Chi bốc để sống qua ngày, liệu có khôn lớn được hay không còn chưa biết!
— Hùng nhi vẫn còn nhỏ, thân thể khó tránh khỏi yếu nhược đôi chút, ngày sau chăm sóc tốt hơn ắt sẽ khỏe mạnh. Hơn nữa vú em, vú già trong phủ nhiều như vậy, mẫu thân có thể giao cho họ, không cần lúc nào cũng phải nhọc tâm lo lắng.
Tào Phi nói mấy lời quan tâm chân thành, khiến các phu nhân thi nhau gật đầu. Biện thị lại nói:
— Ta dứt ruột đẻ nó ra, sao nỡ rời xa? Nay các con đều đã thành gia lập nghiệp, cả ngày không biết bận bịu những gì. Tên tiểu oan gia này tuy có bệnh, nhưng lúc nào cũng biết nghe lời mẹ, bế theo bên mình cũng coi như được an ủi.
Tào Phi nghe câu “cả ngày không biết bận bịu những gì”, cảm thấy mẫu thân đang bắt đầu chuyển chủ đề sang mình, không dám tiếp lời, đứng ngây ra hồi lâu mới nói:
— Mẫu thân cho gọi con là có chuyện gì dặn dò?
— Hôn sự của em gái con chuẩn bị thế nào rồi?
— Thưa mẫu thân, đã sắp xếp ổn thỏa. - Tào Phi vừa nói vừa đưa mắt nhìn Tần thị đang đứng một bên, - Tuân thị là danh gia vọng tộc, nên con đã bố trí của Hồi môn tốt một chút.
Nhi nữ xuất giá lần này là con của Tần thị, nhưng vị phu nhân này thân là trắc thất, tính cách lại hiền dịu, tất thảy đều nghe theo sự sắp xếp của Biện thị, nghe Tào Phi nói vậy cũng chỉ gật gật đầu, thầm than thở - Xét cho cùng là con do bà dưỡng dục, xuất giá tòng phu há lại không cảm thấy muộn phiền?
Triệu thị đứng hầu bên cạnh Tần thị, nữ nhân xuất thân ca nương trông Viên phủ này khéo ăn nói, mỉm cười góp vui:
— Vậy thật là tốt, Tần tỷ tỷ lấy chồng, tam công tử thành thân, quả đúng là song hỷ lâm môn.
— Tam đệ sắp thành thân? - Tào Phi vừa vui mừng vừa kinh ngạc, kinh ngạc là vì huynh đệ trong nhà mà không hề hay biết, còn vui mừng là vì một khi đã thành thân, rất có thể Tào Thực cũng sẽ dọn ra ngoài ở giống như y và Tào Chương, như vậy sẽ không còn kè kè ở bên phụ thân nữa.
— Ta mãi tối hôm qua mới nghe phụ thân con nói chuyện, hai cha con họ đã thương lượng từ lâu, quyết định rồi mới nói cho ta biết. - Biện thị khẽ nở nụ cười, dường như vô cùng hài lòng với hôn sự của Tào Thực, - Tất cả của Hồi môn của em gái con đều do một tay con sắp xếp, hẳn cũng có kinh nghiệm? Vậy thì chuyện thành thân của Thực nhi cũng phải phiền con rồi. Tuy không cần phải xa hoa, nhưng cũng giữ chút thể diện mới được.
— Con há có thể để huynh đệ thiệt thòi? Mẫu thân yên tâm, việc trù bị cứ giao cho con. Nhưng không biết là cô nương nhà ai ạ?
Triệu thị lại chen lời, đáp:
— Cũng không phải là xa, chính là cháu gái của Tây tào duyện Thôi Quý Khuê trong mạc phủ chúng ta, tài mạo song toàn, hiền thục nhu mỳ. Cô nương ấy với tam công tử thực là một đôi trời sinh!
— Ồ? - Tào Phi giật mình, - Cháu gái của Thôi Diễm?
— Đúng là như vậy! Điều quan trọng chính là nhà người ta. - Biện thị lẩm bẩm, - Thôi thị ở Thanh Hà là vọng tộc Ký Châu, Thôi Diễm lại là người chính trực, xử sự nghiêm minh, rất được nhân sĩ Hà Bắc nể trọng. Nếu là con nhà tầm thường thì thôi, nhưng đã kết thân với Thôi thị thì không thể thất lễ, đây cũng là cơ hội để nhà chúng ta mát mày mát mặt, con cũng cần dụng tâm hơn.
Nụ cười trên mặt Tào Phi dần dần đông cứng lại. Y biết rõ lời mẫu thân nói không sai, Thôi thị ở Thanh Hà là danh môn Hà Bắc, quan trọng hơn là Thôi Diễm đảm nhận chức Tây tào duyện, trong tay nắm quyền giám sát thuộc viên của mạc phủ, tất thảy những việc như nhận mệnh duyện thuộc, điều chỉnh chức vị đều do một mình Thôi Diễm quyết định. Tào Thực kết mối hôn sự này, ngày sau há lại chẳng mượn tay Thôi Diễm kéo bè kết đảng trong phủ? Tào Phi thầm cảm thấy bất an...
Biện thị đâu phải một vị phu nhân tầm thường? Thấy con trai mặt mày thất sắc, trong lòng dã hiểu rõ tám chín phần. Hai đứa con trai cả năm nay âm thầm ganh đua, thân làm mẹ sao không hay biết, con nào chẳng là con, há có thể thiên vị cho đứa nào? Bà cúi đầu vuốt ve Tào Hùng, nói một cách ngụ ý:
— Đôi khi ta nghĩ, nếu như các con không lớn khôn, lúc nào cũng ở bên ta giống như tên tiểu oan gia này, sống một đời thanh tịnh, không bon chen đấu đá thì tốt biết bao? Nhưng thời gian nào có tha ai, các con giờ đều đã lớn, mẫu thân cũng đã già, không thể ngăn các con xông pha kiến thân lập nghiệp. Làm quan lớn đến mấy mẹ cũng không quan tâm, chỉ mong huynh đệ các con khỏe mạnh bình an, thuận hòa như một là được. Thực nhi hành sự không cầu nệ tiểu tiết... Còn cả Chương nhi, hiếu dũng tranh cường, thiếu điềm đạm. - Bà không muốn nói quá rõ ràng, nên cố ý lôi cả Tào Chương vào, - Còn lão đại là con thì sao? Hễ gặp chuyện là hay suy nghĩ lung tung. Các con ai cũng đều có chút tật xấu! Kinh thi có câu “Nhị tử thặng châu, phiếm phiếm kỳ thệ, nguyện ngôn tư tử, bất hà hữu hại”(*), đã là huynh đệ thì phải bao dung lẫn nhau, đặc biệt là con, thân làm anh cả thì tấm lòng càng phải rộng mở hơn.
Biện thị xuất thân ca kỹ, mặc dù chưa từng đọc sách, nhưng ca dao Kinh thi thì thuộc như lòng bàn tay. Tào Phi nghe xong không mấy động lòng, nhưng Hoàn thị ở bên cạnh lại bắt đầu nghẹn ngào - Bà tức cảnh sinh tình, nhớ về đứa con Xung nhi yểu mệnh của mình, nếu như Tào Xung vẫn còn, há lại đến lượt nhi tử của kẻ khác tranh ngôi đoạt vị!
Biện thị chỉ mải cảnh tỉnh con mình, lúc này mới thấy lỡ miệng, không muốn nói tiếp nữa. Vương thị cầm lấy tay Hoàn thị, nửa cười nửa trách Biện thị:
— Tỷ tỷ hà tất phải nói với công tử nhiều như vậy. Công tử từ bé đã ham đọc sách, hiểu lễ nghĩa, việc hành sự ở bên ngoài lại còn cần đám nữ nhi chúng ta giáo huấn sao? Ai chẳng biết đại công tư thông minh tài giỏi, đối nhân hậu đạo, há có thể bạc đãi huynh đệ trong nhà? Sau khi sắp xếp xong chuyện hôn sự lần này, cả Nghiệp Thành ắt sẽ khen đại công tử hiếu đễ tri lễ, nói rằng đại công tử là người hiền đức. Trong lòng công tử đã tính toán đâu ra đó rồi, tỷ tỷ nói có đúng không?
Câu này vẻ ngoài là nói với Biện thị, nhưng đạo lý rõ ràng là nói cho Tào Phi nghe. Tào Phi bất giác đưa mắt liếc nhìn người đàn bà này - Quả là một nữ nhân thông minh, chẳng trách không con không cái vẫn được sủng ái không thôi. Biện thị cũng nương theo ý tốt của bà ta:
— Muội muội nói cũng đúng... Con nghe thấy chưa? Trở về hãy nhớ kỹ trong lòng. Vài ngày nữa đưa dâu đến Hứa Đô, đừng để lỡ việc, mau sớm quay về giúp Thực nhi nữa.
— Con đã nhớ rồi.
Tào Phi lại cung kính quay ra thi lễ với các vị phu nhân, chầm chậm lui ra khỏi Hạc Minh đường.
Thế nhưng, Tào Phi không thực sự để tâm đến những lời mẫu thân nói, điều y đang trăn trở trông đầu chính là hòm Thục gấm mà Thôi Diễm đã trả lại - Chẳng trách sự tình phức tạp như vậy, lại còn giao nộp cả quà, thì ra là cố ý dằn mặt ta! Cái gì mà danh sĩ Hà Bắc, trung thần chính trực kia chứ, bọn Ngô Chất nức lời khen ngợi, hóa ra cũng chỉ là kẻ dập dòm sau lưng thôi. Tam đệ kết mối nhân duyên này, sau này lại càng phải cẩn thận.
Tình người ấm lạnh
Tào Phi mang một bụng bực dọc, lại không dám nhắc đến chuyện này trước mặt phụ thân, đúng lúc hôn lễ với Tuân thị đã đến, bèn mượn cớ đón dâu để đến Hứa Đô, tạm thời tìm nơi thanh tịnh, tránh né sự đời. Vốn dĩ y muốn mời Chung Do đồng hành, nào ngờ người ta đã sớm lên đường mà chẳng một lời cáo từ, người Tào Tháo sai đồng hành cùng y lại là Trình Dục và Đổng Chiêu.
Trình Dục là kẻ lĩnh binh còn tạm được, nhưng đồng hành cùng Đổng Chiêu thực sự hơi khó xử. Nếu luận về công lao, Đổng Chiêu không có gì phải nói, nhưng ông ta lại quá tích cực trong việc giúp Tào thị tiếm quyền. Từ việc Tào Tháo nhận chức Thừa tướng, bãi bỏ phong quốc của Lưu thị, cho đến việc mở rộng Nghiệp Thành, chuyện nào cũng đều do ông ta thực hiện. Ở Nghiệp Thành ông ta rõ ràng là công thần, nhưng trong mắt các cựu thần Hứa Đô thì ông ta là một kẻ tiểu nhân hạnh tiến, vô sỉ. Nay là lúc Tào Phi cần phải tích lũy danh tiếng của mình, mà lại đi cùng một nhân vật như vậy, há có thể lấy làm đẹp mặt?
Năm xưa Tào Tháo xây thêm mạc phủ ở Nghiệp Thành, tướng phủ ở Hứa Đô không ai coi sóc, thành ra lạnh lẽo, bèn lệnh cho Trưởng sử Vương Tất lãnh binh lưu thủ, vừa bảo vệ kinh sư, vừa giám sát bách quan. Vương Tất hay tin công tử đến đưa dâu, bèn vội vã lĩnh binh đến Mạnh Tân nghênh tiếp, sau đó hộ tống đến Hứa Đô. Tào Phi, Trình Dục và cả tân nương cũng đều tạm dừng chân ở tướng phủ cũ, duy có Đổng Chiêu không biết có phải là do tự cảm thấy vướng chân hay là do nguyên cớ khác mà không ở lại tướng phủ, tìm một dịch quán khác để nghỉ ngơi. Tào Phi cũng chỉ mong như vậy nên không níu kéo.
Ba ngày sau chính là ngày lành tháng tốt, mới tờ mờ sáng tân lang Tuân Uẩn đã dẫn theo huynh đệ Tuân Vũ, Tôn Sân đến nghênh thân. Chính đường trong tướng phủ bày bài vị tổ tông của Tào thị, tân lang tân nương khấn bái tổn tiên, rồi lại khấu đầu về phía Nghiệp Thành tỏ lòng hiếu đạo, và khấu đầu với Tào Phi tỏ sự đễ đạt. Tuân Vũ dâng nhạn(*), Tuân Sân tung tiền xu làm lễ nạp thái, mọi người hàn huyên khách sáo một hồi mới lên xe cùng đi. Bên phía Tuân phủ còn náo nhiệt hơn, không chỉ giăng đèn kết hoa, bày đặt hương án, mà người đến xem và chúc mừng cũng kéo đến từng đoàn. Tuân Úc thân là lệnh quân đương triều, danh sĩ Trung Nguyên, lại kết thân với đệ nhất gia tộc trong thiên hạ hiện nay, trên là cửu khanh đương triều, dưới là đám trí sĩ thanh lưu, nào có ai không đến chúc mừng? Ngay cả bách tính dân đen cũng đổ ra đường xem cảnh náo nhiệt, trong ngoài Tuân phủ người đông như kiến. Tân lang tân nương về đến nhà, tiền đường bái phụ thân, hậu đường bái mẫu thân, tân lang đội mũ, tân nương cài trâm, nâng chén kim bôi cùng nhau hành lễ, nam tây nữ đông ngồi đối diện nhau, làm lễ hợp cẩn, kết phát kính tửu; hoàn lễ đáp tạ với thân hữu rồi cùng chuyển vào hậu đường.
Gian ngoài bày tiệc rượu thết đãi khách mời, Tuân Úc thân phận tôn quý nên không tiện chúc tụng, chỉ ngồi hàn huyên cùng các lão thần như Dương Bưu, Vinh Hợp, thiếu tử Tuân Vũ, Tuân Sân chưa đến tuổi nhược quán, chỉ e sơ suất nên tất cả những việc liên quan đều do con rể Trần Quần lo liệu. Vị Thị ngự sử đại nhân hôm nay lại nghiễm nhiên trở thành một nhân vật lớn, việc trong việc ngoài bận thở không ra hơi. Tào Phi là khách quý trong khách quý, có con cháu nhà Tuân thị vây quanh hầu hạ, mãi mới có cơ hội đến trước mặt Tuân Úc, cười nói:
— Tuân thúc phụ, từ nay chúng ta đã là người một nhà, ngày sau mong ngài quan tâm hơn đến tiểu điệt.
Tuân Úc thần thái đoan nghiêm, mỉm cười đáp:
— Công tử hà tất phải đa lễ? Quốc trượng Phục Hoàn mới qua đời chưa lâu, theo lý mà nói chưa nên vui vầy thế này, cũng nhờ mỹ ý của lệnh tôn, lễ ngộ của quần thần, nên mới không muốn để mọi người mất mặt. Lễ ký có câu: “Hôn lễ giả, tương hợp nhị tính chi hảo, thượng dĩ sự tông miếu, nhi hạ dĩ tục hậu thế dã.”(*) Chỉ mong phu thê chúng tương kính như tân, chung sức đồng lòng, phụng sự thiên tử.
Tào Phi có thể cảm nhận được sự xa cách trông câu nói khách sáo này, ngày trước khi cùng ở Hứa Đô, Tuân Úc còn gọi y là “hiền điệt”, vẫn coi y là vãn bối thân thiết, như nay lại trở thành “công tử”, còn nói “chung sức đồng lòng, phụng sự thiên tử” Tào Tháo há có thể hài lòng. Xem ra cuộc hôn nhân này vẫn không thể thay đổi mâu thuẫn giữa hai nhà Tuân, Tào, có lẽ Tuân Úc đồng ý kết thông gia chỉ là để lưu lại lối thoát cho tử tôn trong họ, chứ không phải do tấm lòng phò trợ Hán thất đã có sự thay đổi!
Tào Phi cười khó xử, đang không biết trả lời ra sao, Tuân Úc bỗng trông thấy Trình Dục, bất giác đứng lên:
— Trọng Đức, ngài cũng đến rồi...
Trình Dục xúc động, nói giọng run run:
— Bao năm không gặp, thực sự rất nhớ lệnh quân, nay không phải xông pha trận mạc nữa, tôi đã thỉnh mệnh Thừa tướng, đưa dâu chỉ là việc sau, chủ yếu là đến để thăm ngài.
Quan hệ giữa Trình Dục và Tuân Úc thân thiết hơn những người khác, họ đều là những người trợ giúp Tào Tháo sớm nhất, đặc biệt là trong sự biến Duyện Châu phản loạn, họ đã cùng trải qua không ít hoạn nạn.
Tuân Úc cất giọng cảm khái:
— Từ khi định đô đến nay ít có dịp trùng phùng, lần trước nam hạ cũng bận rộn không gặp được ngài. Tính sơ qua, có lẽ chúng ta cũng đã bảy tám năm không gặp?
— Đúng vậy, đều già cả rồi... - Trình Dục vuốt chòm râu bạc, - Tôi đang định từ quan, trở về làm một lão bách tính đây. Năm xưa ở đâu có chiến trận thì phi ngựa đến đó, chỉ sợ tụt lại sau lưng kẻ khác. Như nay thân thể không ổn rồi, chẳng đánh đấm gì được nữa!
Tuân Úc lắc đầu không thôi: Năm xưa Trình Trọng Đức cương nghị biết mấy! Trận Quan Độ ông ta chỉ mang theo bảy tám trăm người mà dám cứ thủ Quyên Thành, Duyện Châu phản loạn quân lương không đủ, ông ta lại dám nhẫn tâm dùng thịt người phơi khô làm lương thực! Tranh cường hiếu thắng cả đời là thế, vậy mà giờ đến tuổi xế chiều nhọc sức, há không cảm thấy chua xót?
Trình Dục nắm chặt tay Tuân Úc, thở vắn than dài:
— Có câu trăng tròn lại khuyết, nước đầy thì tràn, chúng ta đều là những kẻ kinh qua phong ba, nếm đủ vị đời, nay tử tôn đã có tiền đồ phía trước, cũng nên lui lại dưỡng già rồi.
Tuân Úc nghe được ẩn ý trông câu nói của ông ta, nhưng vẫn cười khổ, lắc đầu nói:
— Ngài nói đúng, nhưng người với người khác nhau, chuyện với chuyện bất đồng. Có những chuyện liên quan đến thiên mệnh xã tắc, không thể lui lại... Không nói những chuyện này nữa, ngài chớ vội vã trở về, ở lại chỗ tôi vài ngày, chúng ta cùng ôn lại chuyện cũ.
Câu ấy chưa dứt đã trông thấy Nghị lang Vạn Tiềm bước vào trong sảnh đường, đây cũng là một bậc lão nhân xuất thân từ Duyện Châu, tuổi lớn hơn Trình Dục, tay chống mộc trượng, còn có một hậu sinh trẻ tuổi đỡ phía sau, ba người gặp mặt lại một phen cảm khái.
Tào Phi đợi mãi mà không chen được lời, bỗng trông thấy vị hậu sinh đang đỡ Vạn Tiềm tướng mạo đôn hậu, cử chỉ giữ lễ, bèn mở lời rào đón:
— Hiền đệ là con cháu nhà ai?
Người trẻ tuổi chắp tay cúi đầu, đáp:
— Bẩm công tử, tại hạ là Bào Huân ở Bình Dương.
— Ngươi chính là Bào Thúc Nghiệp, con của Bào quận tướng?
Năm xưa Bào Tín cùng Tào Tháo cử sự, nhưng đã chết trong tay giặc Khăn Vàng trong trận Thọ Trương, ngay cả thi thể cũng không còn. Tào Tháo thương nhớ vị bằng hữu cũ, bèn hậu đãi vợ con ông ta, như nay trưởng tử của Bào Tín là Bào Thiệu đã làm lang quan trong triều, còn vị nhị công tử Bào Huân này lại càng nổi tiếng, mặc dù vẫn chưa nhập sĩ, nhưng dân chúng Duyện Châu ai nấy đều hay anh ta cung kính thủ lễ, niên thiếu hữu đức, Tào Phi cũng từng nghe nói.
— Chính là tại hạ.
Tào Phi đang có ý lôi kéo thêm tâm phúc, khiêm nhường đáp:
— Lệnh tôn và phụ thân ta là bạn chí giao, chẳng may vong thân vì nước, hiền đệ khiêm nhường, hiểu lẽ, đó là phúc của Bào thị! Phúc của quốc gia!
— Công tử quá lời rồi.
— Ha ha ha, hiền đệ quả là khiêm nhường. - Tào Phi mặt mày đắc ý, - Nay tướng phủ đang cần dùng người, Nghiệp Thành đã ban Cầu hiền lệnh, nếu hiền đệ muốn, ta có thể nói đôi lời trước mặt phụ thân, cho đệ vào làm duyện thuộc trong phủ. Khi đó với tài năng của hiền đệ, há lại không thể lập thân báo quốc?
Tào Phi tưởng rằng anh ta nghe thấy những lời này ắt sẽ rối rít cảm ơn, nào ngờ Bào Huân chỉ mỉm cười khiêm nhường đáp:
— Chức thì ít người thì đông, kẻ sĩ đua nhau tranh tiến. Tại hạ lập thân hành đạo chỉ mong cẩn trọng, không dám mưu cầu con đường hạnh tiến. Xin thất lễ...
Câu nói này khiến cho vị đại công tử hai mắt trợn tròn, hồi lâu sau mới định thần lại, trong lòng thầm chửi: Đúng là một tên tiểu tử ngông cuồng, dám không coi ta ra gì! Y đang không biết trút giận vào đâu, bỗng cảm thấy có người khẽ kéo tay áo:
— Công tử...
— Trần đại nhân. - Tào Phi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Trần Quần tươi cười đứng ngay sau lưng.
Năm xưa Trần Quần cùng cha vào kinh cũng từng ở dưới trướng Tào Tháo, sau nhận chức Huyện lệnh ở ngoài, rồi chuyển sang nhận chức Thị ngự sử. Năm xưa khi ông ta làm duyện thuộc trong mạc phủ, các con của Tào Tháo đều còn nhỏ tuổi, duy chỉ có Tào Phi lớn nhất, vì thế tiếp xúc cũng nhiều. Trần Quần giờ đang bận trong bận ngoài, nhưng kỳ thực từ lúc Tào Phi bước vào cửa ông ta đã chú ý, âm thầm quan sát nhất cử nhất động của vị đại công tử này, sớm đã nhìn thấy cảnh tượng không mấy vui vẻ ban nãy:
— Bào Thúc Nghiệp tuổi còn niên thiếu, lại là một thư sinh không màng thế sự, công tử chớ để tâm. Nào nào nào, xin mời sang bên này.
Đoạn kéo vội Tào Phi vào chỗ ngồi, giơ tay vẫy một cái, bỗng đâu một đoàn người ùa đến, đếu là con cháu quan viên.
— Đã nghe danh công tử từ lâu, ngưỡng mộ ngưỡng mộ!
— Mong công tử thay tại hạ bái yết Thừa tướng.
— Tại hạ từ lâu đã nghe công tử hạ bút như thần, thơ văn mỹ ý, xứng danh tuyệt tác, quả là tài cao.
— Nếu công tử không chê, tiểu đệ nguyện đi theo công tử.
Xét cho cùng, loại người cố chấp như Bào Huân vẫn là thiểu số, trông thấy công tử của Thừa tướng ai chẳng muốn kết thân? Nghe thấy những lời tán tụng, nịnh bợ của đám người trẻ tuổi này, Tào Phi cuối cùng đã lấy lại được chút thể diện, dần dần nở nụ cười đắc ý. Không lâu sau yến tiệc bắt đầu được dọn ra, Trần Quần cũng không đi ra chỗ khác mà ngồi luôn bên cạnh Tào Phi.
Tuân gia uy vọng lớn nên giao thiệp cũng nhiều, các lão thần trong triều hầu như đều đến cả. Thái úy trước kia là Dương Bưu ngồi bàn đầu mé tây, Thái thường Từ Cầu, Tông chính Lưu Nghệ, Đại tư nông Vương Ấp, Thiếu phủ Cảnh Kỷ, Trung úy Hình Trinh, Tư lệ hiệu úy Chung Do, Việt kỵ hiệu úy Đinh Xung, Kỵ đô úy Tư Mã Phòng, Gián nghị đại phu Vương Lãng, Thị trung Hoa Hâm, Thượng thư tả bộc xạ Vinh Hợp, Thượng thư hữu thừa Phan Húc lần lượt ngồi phía sau, kẻ cười người nói - Đến dự tiệc của Tuân Úc hẳn là tự tại hơn nhiều so với đến dự yến của Tào Tháo. Duy chỉ có vị Quang lộc huân mới nhận chức là Khoái Việt và Đại Hồng lư Hàn Tung ngồi uống rượu một mình, không nói gì, hai người họ vừa mới từ Kinh Châu vào triều nhận chức nên chưa quen biết nhiều.
Mọi người cùng nâng chén cạn một ly, đã trông thấy Tuân Uẩn mặc hỷ phục màu đỏ bước ra, trên tay cầm chén đến kính rượu từng bàn. Tào Phi thấy anh ta thì vội vàng đứng dậy, chưa kịp nói câu chúc tụng, Tuân Uẩn đã tranh nói trước:
— Đa tạ đa tạ, tam công tử sao lại không đến?
Tào Phi thấy anh ta vừa mở miệng liền nhắc tới Tào Thực, thầm cảm thấy cụt hứng, chỉ nói:
— Tiểu đệ cũng sắp thành thân rồi, đang bận lắm.
Tuân Uẩn cười nói:
— Vậy thì tốt quá, phiền đại công tư thay tại hạ chuyển lời hỏi thăm.
Nói đoạn liền đi sang bàn bên cạnh.Tào Phi thấy hắn chỉ hỏi han mỗi Tào Thực mà không buồn hàn huyên với mình nửa câu, lửa giận trong lòng đã bốc lên, nhưng lại không tiện tỏ ra ngoài mặt, đành thầm nuốt cục tức vào bụng. Thế nhưng nghĩ kỹ cũng cảm thấy kỳ lạ, theo lý mà nói thì hôn sự quan trọng như vậy, các huynh đệ đều đến cả, tại sao Tào Tháo chỉ sai một nhi tử đi? Y đang nghĩ đi nghĩ lại mà không thể hiểu nổi, bỗng trông thấy có một bộc đồng bước vào sảnh đường, quỳ xuống thi lễ:
— Khải bẩm đại nhân, có Kỵ đô úy Mã Thiết, con trai của Vệ úy khanh Mã Đằng mang đến hai hòm quà chúc mừng.
Tuân Úc nói:
— Mau mời Mã đô úy vào.
Bộc đồng trả lời:
— Mã đô úy nói phụ thân ngài ấy có bệnh nên không thể vào trong được, ngài ấy cũng phải trở về hầu hạ thuốc thang, chỉ để lại quà chúc mừng rồi định đi ngay.
Tuân Úc điềm đạm trả lời:
— Khách quý quá nhiều không tiện ra ngoài hàn huyên, thay ta tạ ơn Mã đô úy, hôm khác cha con ta sẽ đến cảm tạ, cho ngài ấy đi đi.
Những người có mặt đều hiểu, từ khi Chung Do vào kinh nhắc đến việc mượn đường Quan Trung, Mã Đằng liền “lâm bệnh”, rõ ràng là tâm bệnh. Ông ta vào triều làm liệt khanh, không cam tâm bảo con trai giao nộp binh quyền, nhưng cũng sợ Mã Siêu và Hàn Toại thông đồng cử binh, làm liên lụy đến mình, thực là tiến thoái lưỡng nan. Đặc biệt là Đoàn Ổi, Vi Đoan nối nhau qua đời, ông ta ở trong triều ngay cả một bằng hữu thân cận cũng chẳng còn, không biết nên tìm ai thương lượng, bèn dứt khoát viện cớ để đóng cửa không ra ngoài.
Tên bộc đồng đó lĩnh mệnh đi ngay, lại một tên khác chạy vào:
— Ngự sử đại phu Hy công đến.
Lời còn chưa dứt, Hy Lự đã run run bước vào. Tào Phi vô cùng kinh ngạc - Vị danh sĩ kinh học là cao đồ của Trịnh Huyền này mới nhận chức Ngự sử đại phu được vỏn vẹn hai năm mà đã như già thêm cả chục tuổi, râu tóc đều đã đốm bạc, tay phải chống trượng, khom lưng mỏi gối bước đi chậm chạp, cứ như không thể ngẩng nổi đầu lên.
— Lệnh quân, xin chúc mừng ngài.
Tuân Úc trông thấy ông ta vừa giận vừa thương, giận vì ông ta dâng thư đàn hặc, hại chết cả nhà Khổng Dung, thương vì ông ta cũng do bị Tào Tháo cưỡng bách, nhận chức Ngự sử đại phu nhưng ngoài việc giơ đầu chịu báng ra thì chẳng có chút thực quyền nào. Xét cho cùng trên danh nghĩa, ông ta cũng là đại quan cao thứ nhì thiên hạ, cũng phải nể mặt một chút, Tuân Úc rời chỗ, dẫn theo tử tôn cùng đến đáp lễ:
— Hy công khách sáo rồi, xin mời nhập tiệc.
Hy Lự nhìn trái nhìn phải, chư thần trên sảnh đường vẫn cười cười nói nói, chẳng ai buồn chào hỏi ông, những kẻ quay ra nhìn ông cũng ít, bất giác thở dài nói:
— Trong nhà vẫn còn nhiều việc, tôi không làm phiền nữa, mong lệnh quân thứ lỗi.
Nói đoạn chắp tay chào rồi run rẩy đi ra, khi xuống bậc còn suýt chút nữa trượt chân. Tuân Úc cũng không níu giữ, chỉ lắc đầu không thôi.
— Hy Hồng Dự sao lại thành ra như vậy?
Tào Phi không thể hiểu nổi. Trần Quần nhỏ giọng nói:
— Từ khi hại chết Khổng Dung thì thành ra như vậy, run run rẩy rẩy như người mất hồn, văn võ trong triều đều coi khinh ông ta,.. Ây dà! Cao đồ danh nho, một bụng kinh luân, năm xưa uy phong nhường nào!
Tào Phi trong lòng thầm nghĩ: Nơi này khác biệt một trời một vực với Nghiệp Thành, phụ thân ta ở Nghiệp Thành nhất hô bách ứng, tất cả các duyện thuộc quan lại đều chỉ mong dẫm lên đầu kẻ khác để tiến thân. Nhưng bách quan ở Hứa Đô thì hết mực coi trọng Tuân Úc, miệng lúc nào cũng xứng tụng nghĩa quân thần, ôm giấc mộng phụ thân ta trả lại triều chính cho thiên tử, để hoàng đế độc đoán triều cương. Chia rẽ rõ ràng đến vậy, phụ thân ta còn có thể nhẫn nhịn bao lâu...
Trong lúc mải suy nghĩ, y đột nhiên cảm thấy hỷ đường huyên náo bỗng trở nên tĩnh lặng, tất cả mọi người đều đồng loạt nhìn ra bên ngoài - Đổng Chiêu đến rồi. Tào Phi lúc này mới nhớ ra, Đổng Chiêu vốn đi cùng y, nhưng mãi vẫn chưa lộ diện, không biết đã đi đâu?
Đổng Chiêu cung kính bước lên sảnh đường, chắp tay khom lưng nói lời chúc tụng:
— Hạ quan chúc mừng lệnh công.
Tuân Úc đứng lên, bước đến đỡ dậy:
— Công Nhân không cần đa lễ...
Hai người họ có quá nhiều ân oán - Đổng Chiêu đề nghị khôi phục “cửu châu chi chế”(*), Tuân Úc cực lực phản đối; Đổng Chiêu chủ trương phế bỏ tông quốc của Lưu thị, Tuân Úc lại một lần nữa can dự; Đổng Chiêu bãi truất tam công, tấn vị Thừa tướng, Tuân Úc kháng nghị nhưng vô ích. Tuân Úc đâu phải chỉ có một mình, ông đại diện cho các cựu thần Hứa Đô, đại diện cho rất nhiều sĩ nhân Dĩnh Xuyên, thế mà Đổng Chiêu lại dám đơn thương độc mã khiêu chiến bọn họ. Nhưng vấn đề là sau lưng Đổng Chiêu là Tào Tháo, vậy còn chưa đủ hay sao?
Những người có mặt đa phần đều coi Đổng Chiêu là kẻ khác phái, đều nhìn vị khách không mời này với ánh mắt oán phẫn, hỷ đường tĩnh lặng tới mức ngay cả một cây kim rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy. Trần Quần thấy không khí khác lạ, bèn vội mời:
— Đổng đại nhân, xin mời ngồi.
Đổng Chiêu vẫn giữ được thần thái, lạnh nhạt nói:
— Ta phụng mệnh Thừa tướng đến đây, còn có việc phải diện kiến thiên tử, không tiện ở lại lâu. Hãy để tại hạ được kính lệnh quân một chén.
— Được. - Tuân Úc gọi nhi tử bưng hai chén rượu qua, hai người cầm lấy rồi từ từ uống cạn, giơ chén rỗng lên.
— Không sót một giọt, lệnh quân tửu lượng thật tốt.
— Công Nhân cũng không kém mà.
— Hạ quan còn phải diện kiến thánh thượng, xin được cáo lui.
— Xin hãy bảo trọng!
Đổng Chiêu chắp tay vái chào xung quanh, đoạn chầm chậm đi ra. Trên sảnh đường không khí vẫn tĩnh lặng như tờ. Trần Quần nhìn theo bóng dáng Đổng Chiêu như chợt nhận ra điều gì đó, đột nhiên cầm chén rượu nhỏ giọng mời:
— Bản quan chúc mừng công tử!
Tào Phi cười đáp:
— Ta đâu phải là tân lang, đại nhân chúc ta làm gì.
— Nếu như ta đoán không nhầm, công tử sắp sửa gặp vận may rồi.
— Ồ?
Trần Quần tự nhấp chén rượu, lẩm bẩm nói:
— Những năm nay Thừa tướng phái Đổng Chiêu đến Hứa Đô, đâu có lần nào tay trắng ra về? Hiện các vị công tử đều đã gia quán thành hôn, ta nghĩ Đổng Chiêu cùng đi đưa dâu chỉ là giả, chỉ e là lĩnh mệnh Thừa tướng đến xin quan tước cho chư vị công tử mới là thật!
Tào Phi bán tín bán nghi, nhìn Trần Quần với ánh mắt kỳ lạ, thầm suy xét xem lời ông ta nói liệu có đáng tin; Trần Quần cũng lặng lẽ quan sát Tào Phi, âm thầm đong đếm xem vị công tử này rốt cuộc giá trị bao nhiêu. Khách không mời đã đi xa, hỷ yến lại trở về với không khí huyên náo, ai nấy đều nâng chén chúc tụng, duy chỉ có bàn của hai người họ vẫn trầm lặng, ai nấy trong lòng đều có tâm sự. Bốn mắt nhìn nhau hồi lâu, rồi cả hai bất thần bật cười cùng lúc.
Trần Quần không để lỡ thời cơ, nói:
— Công tử nhân hiếu thông tuệ, hạ quan nếu có thể cùng ngài cộng sự cho triều đường thì thực là may mắn biết bao.
Tào Phi vội đáp lời:
— Ngài quá lời rồi, ngày sau mong Trường Văn huynh quan tâm nhiều hơn.
Trần Quần hí hửng gật đầu - cách xưng hô thay đổi, “Trần đại nhân” của triều đình từ nay đã trở thành “Trường Văn huynh” của Tào Phi!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8