Meditation can help us embrace our worries, our fear, our anger; and that is very healing. We let our own natural capacity of healing do the work.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 110
ại chiến Xích Bích, ngàn năm kinh điển
Phóng hỏa chiến thuyền
Sẩm tối ngày giáp tý, tháng mười một năm Kiến An thứ mười ba (tức ngày 7 tháng 12 năm 208 sau Công nguyên), bầu trời quang đãng, gió thổi nhè nhẹ, Trường Giang cũng hiền hòa hơn. Ánh trăng chiếu xuống mặt sông trong veo, khung cảnh đẹp đẽ có nét thanh bình. Tào Tháo và Chu Du vẫn đang đối trận hai bên bờ nam - bắc, có điều thủy trại ở Ô Lâm đèn đuốc sáng rực, vô cùng hùng tráng, nhìn từ đằng xa tựa như cung điện, còn phía Xích Bích lại tối tăm, im ắng, đến nỗi khiến người ta có cảm giác bất an...
Binh sĩ phương bắc phần lớn đổ bệnh, Tào Tháo lại ngồi trấn đại doanh trung quân, quyền chỉ huy thủy quân đều đặt lên vai tướng lĩnh Kinh Châu, trong đó người phòng giữ doanh ngoài cùng là Trương Doãn, rất được Tào Tháo coi trọng dạo gần đây. Hắn ở trên một chiếc thuyền lầu có ba tầng, chỉ nhỏ hơn đôi chút so với thuyền soái của Tào Tháo. thuyền này cũng có tinh kỳ treo cao, giáp sĩ san sát, chiến thuyền mông đồng, đấu hạm bảo vệ xung quanh nhiều không kể hết. Phó tướng của hắn là tướng Hà Bắc Mã Diên và Trương Khải. Hai tướng ấy trước kia ở dưới trướng Viên Thiệu, từ khi quy hàng Tào Tháo luôn tận trung dốc sức, dũng mãnh tác chiến, là những người đã bỏ nhiều tâm sức nhất vào việc luyện binh ở Huyền Vũ trì. Thế nhưng, người hàng sớm không bằng kẻ dẻo miệng, giờ hai hán tử phương bắc uy vũ buộc phải nghe lệnh của Trương Doãn.
Có vẻ tối hôm đó lại là một tối bình yên vô sự Trương Doãn lệnh cho Mã Diên, Trương Khải phòng phía sau, còn hắn lên trên lầu cao, sai thân binh nướng hai con cá và hâm nóng một bình rượu lâu năm, ung dung ăn uống, ngắm cảnh đêm trên sông. Mấy ngày nay Trương Doãn có cảm giác hơi lâng lâng. Hắn thân là cháu ngoại của Lưu Biểu, sau khi hàng Tào không bị liệt vào danh sách đen mà còn được trọng dụng, đúng là may mắn. Nhất là từ sau tiệc mừng tiết đông chí, Sái Mạo đột nhiên đổ bệnh, Văn Sính tiếp quản công việc của Đô đốc thủy quân, Trương Doãn nghiễm nhiên trở thành phó Đô đốc, chỉ huy hơn một trăm chiến thuyền lớn nhỏ thuộc tiền bộ, hồi hắn còn theo cữu cữu cũng đâu có uy phong lớn vậy. Doãn nghĩ đến tiền đồ sau này như gấm, vui đến sắp quên cả họ của mình.
Trương Doãn ăn uống no nê, đắp chiến bào lim dim ngủ. Không biết qua bao lâu, hắn cảm thấy có người lay lay mình:
— Tướng quân!... Tướng quân dậy đi...
— Mẹ kiếp! - Trương Doãn choàng mở mắt, vả một cái vào mồm thân binh, - To gan, dám làm phiền giấc mộng đẹp của ông mày!
Thân binh ôm mặt, nói vẻ oan ức:
— Có thuyền địch tới.
— Sao!
Trương Doãn nghe vậy, hai chân run rẩy, hốt hoảng bò ra cửa sổ xem, rồi lại yên tâm - lúc này đã gần nửa đêm, gió bắt đầu nổi lên, trên sông tối thui. Nhưng cách đó không xa xuất hiện một đội thuyền, ước chừng có hai chục chiếc, đều cắm cờ xanh, như thể sợ bên này không nhìn rõ, nên mũi thuyền còn cắm rất nhiều bó đuốc chiếu sáng cờ xí. Nhưng phía sau đội thuyền và cả thủy trại bên bờ đối diện vẫn im lìm như không có động tĩnh gì.
— Tướng quân, cho thuyền mông đồng bắn lui bọn chúng chứ!
— Bắn cái gì mà bắn? - Trương Doãn quệt mồ hôi, lại cười khinh thường, - Ngươi hiểu gì, Hoàng Cái tới hàng quân ta đấy. Tên vũ phu đó thật biết dọa người, nói là có thể khởi sự giết Chu Du, khoác lác hết mức, kết quả chẳng làm nên trò trống gì, muối mặt tới hàng. Xem ngày mai vào gặp Thừa tướng, ta sỉ nhục lão ta như thế nào! Không cần bố trí phòng bị, cho thuyền của lão ta tiến vào.
— Tiểu nhân cũng biết chuyện đầu hàng, có điều... gió đã đổi hướng, liệu có có bẫy gì không? - Thân binh nhắc nhở.
— Hả? - Trương Doãn lại thò đầu ra ngoài xem thử, một luồng gió đông nam táp vào mặt, sức gió khá mạnh, khiến hắn không mở nổi mắt, - Hừ, đã qua đông chí, có gió đông nam có gì lạ? Yên tâm đi.
Trương Doãn đã nói không sao, thân binh liền chạy đi truyền lệnh cho các tướng sĩ, trên dưới chiếc thuyền ngay lập tức hoan hô như sấm - quân Tào khốn đốn vì bệnh tật, chỉ mong sao trận này mau mau chấm dứt, nên nghe nói quân địch đến hàng thì mừng như được gặp người thân, không ít binh sĩ đổ ra ngoài xem, khiến mũi thuyền hơi chúi xuống. Binh lính của Hoàng Cái cũng hớn hở vẫy tay múa cờ về phía này từ mãi đằng xa, hai bên đều có cảm giác tiếc vì không sớm gặp nhau. Nhận được lệnh của Trương Doãn, chiến thuyền mông đồng, mạo đột phụ trách phòng giữ lần lượt tản ra tránh đường. Đội thuyền của Hoàng Cái từ từ ghé sát trận thế quân Tào.
Theo lý mà nói, đại tướng bên địch tới hàng, Trương Doãn không muốn đi nghênh đón cũng phải chạy ra ngoài xem xét. Thế nhưng, hắn ỷ là túc tướng của Tào doanh, ngồi ì trên gác, muốn Hoàng Cái tới tận nơi bái kiến mình. Hắn cứ ngồi ngông nghênh như thế một hồi, nhìn đội thuyền của Hoàng Cái càng lúc càng tiến lại gần, chợt nhận ra vấn đề: ngấn nước không bình thường!
Hai chục chiến thuyền của Hoàng Cái mặc dù không lớn lắm, nhưng mỗi thuyền ít nhất cũng chở được mấy chục binh lính, mà khi chở nặng ngấn nước phải sâu, nhưng ngấn nước của những chiếc thuyền đó lại rất nông. Cố nhiên, thuyền đang giương buồm chạy bằng sức gió, song nhìn chúng lướt nhẹ như thể chỉ cần một ngọn sóng to cũng có thể đánh lật.
Trương Doãn không khỏi ngạc nhiên: lẽ nào Hoàng Cái vội vàng hành sự bị Chu Du đánh bại, nên chỉ mang được thuyền không tới? Nhưng doanh trại bờ đối diện vẫn tối thui và yên ắng, nào giống vừa xảy ra một trận chém giết? Tất cả đều là thuyền không sao? Thuyền nhẹ như thế lẽ nào không chở binh lính, mà là... vật dẫn lửa!
Nghĩ đến đó, Trương Doãn sợ đến vỡ mật, gàng cổ kêu toáng lên:
— Bên trong có bẫy, mau cản thuyền địch!
Không ít tướng sĩ Kinh Châu có kinh nghiệm cũng nhìn ra vấn đề. Trương Khải lập tức nhảy xuống thuyền con, dùng tay ra hiệu cho hơn chục thuyền xích mã cùng xông lên. Lúc này hai quân chỉ cách nhau chừng hai ba dặm, Trương Khải đứng ở đầu thuyền gào thét:
— Thuyền nam không được lại gần doanh trại, dừng lại ngay!
Ông ta hô mấy tiếng liền, nhưng đội thuyền trước mặt đều không đáp lại, trái lại còn tỏa ra thành trận thế như rắn bò, tăng tốc lao tới.
Càng đến gần lại càng nhìn rõ, hai mươi chiến thuyền đó vừa nhẹ vừa nhanh, đầu thuyền cắm chi chít những chiếc đinh sắt lớn, dài đến năm thước, sau khi va chạm sẽ đâm sâu vào thân tàu quân Tào. Những binh sĩ ban nãy còn hớn hở vẫy tay với quân Tào cũng chẳng thấy đâu nữa, chỉ có vải đỏ trùm kín con thuyền. Trương Khải chưa đoán ra chuyện gì, chợt có tiếng đì dẹt - thuyền chủ soái của Hoàng Cái châm một quả cầu lửa. Ngay sau đó, hai chục chiến thuyền cũng đều châm lửa cháy bập bùng.
Thì ra, bên dưới tấm vải toàn là cỏ khô, còn tẩm mỡ cá, ngọn lửa bốc lên, thiêu rụi vải che chỉ trong chớp mắt, gió đông nam cuốn tung những sợi cỏ, vô số đốm lửa tựa như những con ngài đỏ rực lao về phía Tào quân. Trương Khải cảm thấy bỏng rát, một đốm lửa bay vào mắt. Phu thuyền nhanh nhẹn, vội khua mái chèo chuyển hướng, chui vào giữa hai chiếc thuyền lửa, tưởng là có thể tránh được một kiếp nạn. Ngờ đâu, đằng sau mỗi chiếc thuyền lửa còn buộc một chiếc thuyền nhẹ, do lúc trước còn ở xa và chưa châm đèn đuốc nên không nhìn thấy được, binh sĩ trên thuyền đã rút về phía sau, giương sẵn cung cứng - thương thay Trương Khải cùng với sĩ tốt dưới trướng bị loạn tiễn cắm khắp người.
Trương Doãn đứng trên thuyền lầu càng nhìn rõ hơn, đống lửa soi sáng cả một khoảng rộng đến vài dặm, quân địch há chỉ có hai mươi chiếc thuyền, xa xa những chiếc thuyền lớn nhỏ đều là chiến hạm của địch, lặng lẽ đi phía sau. Lúc này Trương Doãn biết mình trúng kế, muốn ngăn chặn thì đã muộn. Trương Khải chết, những chiếc thuyền con khác tuần tiễu trên sông hoặc là bị đâm lật, hoặc là hốt hoảng bỏ chạy, hai mươi chiếc thuyền lửa tràn vào thủy trại, đấu hạm quân Tào bày phía ngoài bén lửa hàng loạt. Bình thường nếu có thuyền bốc cháy, những thuyền khác dễ dàng tránh xa, nhưng đấu hạm của quân Tào đều bị khóa chặt thành từng cụm năm chiếc, mười chiếc bằng xích sắt, nên không sao tản ra dể chạy thoát, đều bị ngọn lửa nuốt chửng. Ngay đến thuyền lầu của Trương Doãn cũng bị mắc kẹt trong đó, không nhúc nhích được.
Đúng lúc ấy, tiếng hô giết ầm ầm vang lên tứ phía, Hoàng Cái dẫn đầu dũng sĩ Giang Đông xuyên qua đám lửa, xông lên chiến thuyền của quân Tào chém giết xung quanh, binh Tào ôm đầu bỏ chạy, số người rớt xuống sông mà chết nhiều không kể xiết. Đại đội binh mã ở phía sau do Chu Du thống lĩnh cũng đã ập tới. Để đánh trận này, Chu Du đặc biệt giám sát việc đóng mấy chục chiến hạm kiểu mới, trên sàn không dựng lầu gác mà thay vào đó là cái chòi cao ba bốn tầng dễ phóng tên, những cung thủ thiện xạ được bố trí ở trên đó, từ đằng xa đã bắn một loạt tên, khiến cho binh Tào đứng ở đầu thuyền đều biến thành con nhím. Ngoài ra, trên thuyền còn lắp xe bắn nỏ, mũi tên trên những cây nỏ lớn đó làm từ cành cây khô, đầu vót nhọn, tẩm dầu thông, lại châm lửa, khi chặt đứt sợi dây thừng kéo câng những mũi tên, chúng có thể bắn xa hơn một trượng, không chỉ chọc thủng thuyền, còn dẫn lửa đốt cháy thuyền.
Trương Doãn cảm thấy dưới chân mình rung rung, những tiếng nổ lớn liên tục vang lên, hẳn là lầu gác trúng nỏ, bèn thò đầu ra ngoài cửa sổ xem. Hoàng Cái đang dẫn người đánh lên thuyền của hắn, tướng sĩ bị lửa thiêu, tên bắn, thương vong vô số, Mã Diên cũng không thấy đâu nữa. Gã tự xưng là phó Đô đốc thủy quân ấy đứng chết lặng, ngay cả dũng khí chạy xuống dưới phá vòng vây cũng chẳng có, chỉ biết ôm đầu chui mãi vào trong góc, nghe tiếng chém giết vọng lên từ dưới lầu...
Không biết đã qua bao lâu, Trương Doãn thấy tiếng hò hét xa dần mới dám ngẩng đầu lên, trong lầu gác là một màn khói dày đặc, xung quanh không còn một bóng người. Hắn muốn xuống lầu chạy trốn, nhưng cầu thang đã bị thiêu rụi. Hắn bò tới chỗ cửa sổ thì phát hiện ra, ngọn lửa ác độc đã lan dần lên tầng thứ ba, khói đen không ngừng xộc vào trong gác. Hắn thò đầu ra ngoài cửa sổ hít thở, lại trông thấy một cảnh tượng kinh tâm động phách.
Chiến thuyền của quân Tào đã thành một biển lửa, gió đông nam lại tiếp tay cho địch, lửa mượn uy gió, gió mượn thế lửa, lan sâu vào Tào doanh, đâu đâu cũng đều một màu đỏ rực, tướng sĩ bị lửa nuốt chửng, kẻ lăn lộn dưới sàn, kẻ kêu gào thảm thiết, kẻ nhảy ùm xuống sông, thủy trại dài mấy chục dặm trông chẳng khác gì hỏa ngục. Phía đối diện còn có không biết bao nhiêu chiến thuyền Giang Đông đen kìn kịt phủ kín mặt sông, khôi giáp lấp lánh, binh khí sáng lóa, trống trận ầm ầm, tưởng như trời đất sắp sụp đổ.
— Hụ, hụ, hụ...
Trương Doãn sặc khói, vội cúi gục đầu thì lại bị lửa táp vào mặt. Hắn sợ hãi lùi lại vài bước, nhưng có cảm giác lầu gác liên tục lắc lư, kêu ráng rắc, gậm bàn chân bỏng rát - cả chiếc thuyền đã bị ngọn lửa nuốt chửng, sắp sửa ụp xuống.
— Cứu với! Cứu ta với!
Trương Doãn gào thét tuyệt vọng, dưới chân sụt xuống do mặt sàn bị thiêu thủng. Hắn rơi xuống tầng dưới cùng, cả người đau đớn, khi bò dậy đã bị ngọn lửa tựa như quân địch hằm hằm tức giận bao vây... Không, nó còn đáng sợ hơn kẻ địch gấp trăm lần!
— Thừa tướng cứu mạng! Sái công cứu mạng! Cữu cữu... điệt nhi sai rồi...
Có lẽ là ảo giác xuất hiện khi sắp chết. Trương Doãn dường như trông thấy bóng Lưu Biểu giữa những ngọn lửa bừng bừng, ông ta đang huơ huơ bó đuốc về phía hắn. Trương Doãn cố tránh ngọn lửa, nhưng những ván gỗ bị đốt cháy liên tục rơi xuống từ trên đỉnh đầu, khiến hắn tránh né thế nào cũng không thoát được. Chiến bào bén lửa, râu tóc cháy sém, chân tay cũng đều bị ngọn lửa quấn lấy, hắn ngạt thở, chóng mặt, té ngã, bộ khôi giáp trên người chẳng khác nào mớ sắt nung, siết chặt thân thể như muốn hắn tan chảy thành nước...
Thế lớn đã mất
Cũng trong lúc đó, Tào Tháo vừa nhận được tấu báo, vội chạy ra ngoài trướng, đại doanh trung quân vẫn hoàn toàn yên lặng, hầu hết binh sĩ đang say giấc, nhưng loáng thoáng nghe thấy tiếng ồn vẳng lại từ phía thủy trại. Nhìn xa xa, trên sông có một quả cầu tỏa sáng bập bùng như đống lửa trại giữa đêm tối.
Một ngọn gió đông nam táp vào mặt, khiến Tào Tháo rùng mình. Chính ngọn gió này đã kéo Tào Tháo quay trở lại hiện thực từ giấc mộng đẹp đẽ thiên hạ thống nhất. Dựa vào kinh nghiệm mấy chục năm gian trá, ông ngay lập tức hiểu ra: nội bộ quân Giang Đông chưa từng xảy ra mâu thuẫn, Chu Du cũng không hề thiếu lương thảo, việc Hoàng Cái đầu hàng rõ ràng là quỷ kế.
Quân sư Tuân Du, Trung lĩnh quân Sử Hoán, Trung hộ quân Hàn Hạo, công tử Tào Phi nhanh chóng tập hợp lại, đột nhiên nghe tin xảy ra biến cố, ai nấy đều có chút kinh hãi. Đại doanh bắt đầu rối loạn, không ít binh sĩ hiếu kỳ chạy ra ngoài nghe ngóng, có kẻ trèo lên tường trại, chòi canh, rướn cổ về phía sông. Khoảnh khắc đó, bọn họ chỉ muốn xem cảnh náo nhiệt chứ hoàn toàn không ý thức được đống lửa kia nói lên điều gì.
Nhưng trong lòng Tào Tháo và Tuân Du hiểu rõ, gió đông nam thổi mạnh, chiến thuyền lại bị xích sắt ghép chặt, chỉ cần một chiếc bốc cháy, những chiếc khác đều không thoát được, toàn bộ thủy quân sẽ biến thành biển lửa, thậm chí tiến thêm một bước nữa còn kinh động đến cả bộ quân. Nói cách khác, hơn mười vạn đại quân có nguy cơ bị diệt sạch. Phản ứng đầu tiên của Tào Tháo là nghĩ cách cứu vãn, ông dẫn chúng nhân ra bờ sông, lệnh cho tướng lĩnh các doanh quản thúc binh sĩ, không ai được phép tùy tiện hành động, để ổn định lòng quân.
Dù vậy, binh sĩ doanh nào cũng hoảng sợ, bọn họ xì xào bàn luận, nhân tâm hoang mang, lại thêm bệnh dịch nghiêm trọng đã khiến mọi người bất an từ trước, đâu có thể áp chế được? Sự tình cấp bách, Tào Tháo cùng với thân binh chạy như bay tới bờ sông. Những chiến thuyền gần bờ đều không sao, nhưng từ hai dặm trở ra là một màu đỏ rực, ánh lửa chói mắt và khói đen cuồn cuộn che mờ thủy quân, mùi khét lẹt theo gió đông nam xộc thẳng vào mắt mũi - ngọn lửa ngày càng lớn, lan dần vào bờ.
Tào Tháo bỗng cảm thấy choáng váng, nhưng cố định thần nói:
— Chớ hốt hoảng! Truyền lệnh các thuyền tự chặt đứt xích sắt mà thoát ra. Điều binh mã bộ quân sửa lại tường lũy, chiến hào ven sông. Mang đại kỳ đến đây, ta phải ngồi đây ngăn địch!
Theo suy đoán của ông, nhiều khả năng thủy quân sẽ không giữ được, để bảo vệ doanh trại trên cạn, phải bố trí phòng tuyến mới, ngăn quân địch lên bờ trước khi chúng đánh tới. Thế nhưng, quân lệnh truyền xuống không mấy hiệu quả, chỉ có những tướng sĩ trung quân một lòng trung thành nghe lệnh, đào hào đắp lũy. Còn số khác nhân tâm đã loạn, lại càng cãi nhau ầm ĩ, chẳng ai chịu chặt xích sắt, phần lớn binh sĩ bỏ thuyền trốn về, số ít đầu óc mụ mị, ra sức quơ đao gảy gảy dây xích.
Binh sĩ bỏ thuyền, cởi giáp, cố sức bỏ chạy, có tên tiểu tốt vừa chạy vừa kêu:
— Chạy mau đi! Lửa cháy đến nơi rồi!
Hoảng loạn không biết chạy đường nào, đâm sầm trước mặt Tào Tháo. Ông không thèm phân bua, rút bội kiếm chém gục dưới đất:
— Binh lính nào trốn về phải đắp lũy, không được làm ồn. Kẻ nào trái lệnh giết ngay!
Nhưng cách giết gà dọa khỉ đó không có tác dụng, người bỏ chạy mỗi lúc một đông - tai họa ập đến, ai còn để ý quân lệnh gì nữa?
Lúc này những chiếc thuyền con của bại quân đã quay về, binh sĩ kẻ nào kẻ nấy khôi giáp xộc xệch, mặt mũi đen nhẻm, không ít người bị thương nặng, thảy đều thập tử nhất sinh. Trong đó có chiếc thuyền đang bốc cháy, mặt sàn bị thiêu rụi, người bên trên nhảy hết xuống sông. Một tướng lĩnh khắp người lửa cháy nhảy được lên bờ, lăn lộn khổ sở, nhưng lửa càng bén nhanh hơn, chỉ biết gào khóc, bò vào đại trại, giãy giụa cầu cứu.
Chúng nhân sửng sốt nhìn viên tướng, giữa những tiếng thét sợ hãi, tiếng kêu thảm thiết, tiếng gọi ầm ĩ và tiếng chiến thuyền phát nổ trộn vào đinh tai nhức óc, Tào Tháo dường nghe được tiếng thở dốc của con người sắp chết ấy. Vai ông ta trúng một mũi tên, mũ đầu mâu không biết đã rơi ở chỗ nào, râu tóc cháy sém, ngoài cơ thể bị lửa thiêu bỏng ra, hình như không còn vết thương nào khác. Những chỗ ông ta bò qua hằn vệt máu đỏ tươi, nhưng ông ta vẫn cố lết về phía trước một cách vô cùng chậm chạp trên con đường thoát thân, giống như đứa trẻ tập bò nhoài người. Trước đây, ông ta hẳn là một hán tử uy vũ, dũng mãnh, nhưng hôm nay tấm thân to lớn lại là một trở ngại, bị ngọn lửa làm biến dạng co quắp. Khoảnh khắc ông ta ngẩng đầu trông thấy Tào Tháo, đột nhiên cả người co rúm lại, bật khóc, cuối cùng đã gặp được cứu tinh, nhưng ông ta hiểu là đã muộn, nên ngay cả tiếng “cứu mạng” cũng không thốt ra được, mà chỉ có những tiếng nức nở tuyệt vọng.
Khuôn mặt chúng nhân tỏ vẻ sợ sệt, kinh hãi và bối rối, nhất thời không ai bước lại cứu ông ta, cơ hồ nghi ngờ liệu cái thứ không mắt, không mũi đó có phải là người không, hay là một quái vật mới chui lên từ âm phủ. Người tiến lại đầu tiên là Hàn Hạo, ông ta nhận ra người này qua tiếng kêu bi thương, luống cuống đưa tay ra đỡ, gọi:
— Là Mã Diên, Mã tướng quân! Cứu người! Nhanh cứu người!
Thân binh thoáng ngẩn người ra, rồi xúm lại cởi chiến bào, dập lửa trên người Mã Diên. Không biết lại có bao nhiêu chiếc áo bén lửa, có kẻ bốc cả nắm cát dưới đất ném lên người, như muốn chôn luôn ông ta. Đám người Tào Tháo mải nhìn cảnh này quên mất cả chiến cuộc, chỉ cảm thấy một nỗi sợ hãi đến nghẹt thở, bất giác cởi chiến bào, nhưng không phải để cứu người mà quẳng đi thật xa như vứt bỏ thứ gì đó không lành - chiến bào cản gió bụi, tượng trưng cho thân phận cao quý của tướng lĩnh trong quân, nhưng vào lúc lửa cháy ngùn ngụt, món đồ này rất có thể là thứ chết người.
Một luồng khói đen bốc lên khiến ai nấy đều ho sặc sụa, cuối cùng đám lửa trên người Mã Diên đã được dập tắt, thân binh vội quay mặt đi chỗ khác, không đành lòng nhìn vị tướng quân vốn vạm vỡ ấy mà giờ tứ chi co rúm, trông chẳng giống hình người chút nào. Tào Tháo động lòng, nhào tới ôm hai vai Mã Diên, nhưng vừa chạm vào đã rụt ngay tay lại - áo giáp trên người ông ta đã bị nung chín, làm bỏng rộp bàn tay Tào Tháo.
Bọn Hàn Hạo, Sử Hoán cùng tiến lên, lật ngửa người ông ta. Mã Diên giờ chỉ thở thoi thóp, chân tay đã biến thành cục than, lúc la lúc lắc, cả người vẫn giật thon thót, ngũ quan bị cháy rúm ró, hai mắt cũng chỉ là cái hố đen sì, nhưng môi vẫn mấp máy như đang lẩm bẩm điều gì đó. Tào Tháo không để ý đến vết bỏng trên bàn tay, lại ôm đầu ông ta:
— Mã tướng quân, tiền phương sao rồi?
— Hụ, hụ... - Mã Diên ho khan mấy tiếng, miệng nhả ra mùi khói khét lẹt, - Bên địch... huy động toàn quân... Không, không ổn...
Ông ta chỉ nói được một câu đứt đoạn ấy, bản thân cũng không trụ được, đầu nghẹo sang một bên, không động đậy gì nữa giữa những tiếng ồn ào, nhưng tứ chi đã mất đi linh hồn vẫn từ từ co lại và phát ra tiếng kêu răng rắc.
— Mã tướng quân! Mã tướng quân! - Chúng nhân gọi to.
— Hắn đã chết rồi.
Tào Tháo lặng lẽ buông tay khỏi đầu ông ta, chỉ cảm thấy một nỗi hoang mang, hai tay ươn ướt, dường như dính máu nhầy nhụa. Ông cũng không thèm lau đi, ngẩng lên tiếp tục quan sát, lại có mấy chiếc thuyền con trốn về, binh sĩ cởi hết khôi giáp, có kẻ lột sạch quần áo, lên được bờ lại cắm cổ chạy về phía sau, chẳng gì ngăn cản được. Những binh sĩ biết bơi thì tự bơi về, cả người ướt sũng, bò lên bờ, khuỵu gối thở hổn hển. Nhiều nhất là người chới với giữa dòng nước, vớ được tấm ván nổi nào liền ôm chặt lấy không dám buông, rướn cổ kêu cứu. Thế nhưng, người được cứu là số ít, những chiếc thuyền trốn về đều chật ních người, không có chỗ len chấn, nghiêng ngả như muốn lật, kẻ nào ở dưới nước bấu vào mạn thuyền sẽ bị chém bay ngón tay ngay lập tức, mặc cho ai máu chảy, vùng vẫy, chửi mắng, cầu xin cũng không thèm để ý. Ham sống là bản năng, bất cứ ai cũng chỉ có một cái mạng.
Đại kỳ của chủ soái đã được dời đến bờ sông, tướng sĩ trung quân tất bật đắp lũy, nhưng số binh sĩ nghe lệnh càng lúc càng ít, có kẻ run cầm cập không dám ở lại, có kẻ than vãn không muốn đánh trận nữa, còn có kẻ mang bệnh không chút sức lực. Tất cả đều bị đám cháy làm cho hoảng loạn, ngay cả thủy quân đóng trại sát bờ, còn cách ngọn lửa rất xa mà cũng bỏ thuyền lại. Đáng hận hơn, đám người này nháo nhác chạy về phía sau, đạp hỏng hết chiến lũy vừa mới dựng được chút ít. Tào Thuần, Đặng Triển vung đao chém chết đào binh vẫn không ngăn được dòng người. Những binh sĩ Kinh Châu đó căn bản không chịu nghe quân lệnh, ùa về như ong vỡ tổ. Giữa lúc hỗn loạn, một đám đào binh lao vào đội trung quân, ngay đến hổ báo kỵ cũng bị bọn họ xô lại phía sau, chẳng biết ai giẫm vào hòn đá giữ cán cờ, nghe “rầm” một tiếng, cờ soái đổ ụp xuống giữa chỗ bụi bẩn.
Tuân Du suýt chút nữa bị đại kỳ đổ vào người, ông ta ngã lăn queo, lồm cồm bò dậy, níu tay áo Tào Tháo:
— Chúa công, chúng ta... Chúng ta không ổn rồi, mau lui quân thôi!
Nhưng Tào Tháo không có phản ứng gì, ông đang rơi vào ảo cảnh, ánh lửa trước mặt càng lúc càng sáng, những đám mây trên bầu trời nhuộm màu đỏ au, tiếng hô giết cũng dần nghe rõ, khiến ông kinh hồn bạt vía. Tào Tháo cứ đứng ngây ra nhìn đám lửa, trong lòng bỗng có một cảm giác nhẹ bẫng, miệng lầm rầm bảo:
— Lục thao nói: “Ngoại loạn nhi nội chỉnh, thị cơ nhi thực bảo, nội tinh nhi ngoại đón. Âm kỷ mưu, mật kỳ cơ, cao kỳ lỗi, phục kỳ nhuệ. Sinh cô nhược vô thanh, địch bất tri ngã sở bị.”(*) Chu Du dụng binh như thế, há có thể không thắng? Coi thường hắn quả là sai lầm của lão phu...
Đào binh vẫn tán loạn chạy về phía sau như dòng nước lũ, đến Tào Phi cũng nhận ra tình hình không ổn:
— Phụ thân, chúng ta cũng... cũng đi thôi! - Từ “đi” ở đây thực ra phải được hiểu là chạy, anh ta chỉ cố nói giảm. Các mưu sĩ, thân binh khác cũng đều họa theo:
— Đúng vậy! Chúng ta tạm tránh mũi tiên phong của địch! Đợi ngày khác đánh tiếp!
Không cần mọi người phải giúp Tào Tháo tìm cớ thoái lui, ông đã lấy lại thần trí và nghĩ đến việc lui quân. Ông quay đầu nhìn chúng nhân, nói giọng nghiêm túc:
— Thua bởi quân tinh nhuệ của Chu Du cũng không có gì mất mặt, ta không có gì phải hổ thẹn khi lui quân!
Thân binh đợi sự phân phó của ông đã lâu, giờ không chạy đợi địch ập tới thì xong đời! Cho nên, ông vừa nói dứt lời đã có mấy người xông lên định kéo ông bỏ chạy, nhưng Tào Tháo vùng ra nói:
— Khoan đã... Phóng hỏa!
— Phóng hỏa?
Chúng nhân ngơ ngác không hiểu. Tào Tháo cắn răng nhắc lại một lần nữa:
— Thuyền chưa bị cháy cũng phải đốt sạch, có thể đốt được bao nhiêu thì đốt bấy nhiêu!
Lát sau, mọi người dần hiểu được nỗi khổ tâm của ông. Hiện đã không thể khống chế chiến cục, thủy quân hoàn toàn tan vỡ, không đốt hết những chiến thuyền còn lại thì chúng sẽ rơi vào tay địch, giúp cho thủy quân Giang Đông càng mạnh hơn. Vả lại, quân địch phóng hỏa giết người, chẳng mấy chốc xông lên bờ, đến khi đó quân Tào sẽ khó mà chạy thoát, châm lửa tất cả chiến thuyền ven bờ vô tình tạo thành một bức tường lửa, ngăn quân địch ở trên sông. Tuy không thể chặn đứng quân địch, nhưng cũng có thể tạm cầm chân bọn chúng.
Quân lệnh truyền xuống, binh sĩ cầm những bó đuốc san sát tiến lại bờ sông, mới đầu còn có người chèo thuyền con đến gần những chiến thuyền ở phía ngoài rồi mới châm lửa, hồi sau mọi người mất kiên nhẫn, ném cả bó đuốc về phía những chiếc thuyền lớn, như một trận mưa sao băng xẹt qua trời đêm. Để đề phòng lửa lan vào bộ trại, có người chặt phá cả hàng rào ven sông, ném lên thuyền như tiếp thêm củi. Mấy bộ tướng Kinh Châu tâm huyết ngân ngấn nước mắt nhìn ngọn lửa đang dần bốc lên, họ lao tâm khổ tứ mười mấy năm mới chế tạo được đội thuyền này cho Lưu Biểu, vậy mà giờ đây lại phải cho một mồi lửa thiêu sạch. Các tướng bắc quân ai về doanh nấy điểm binh mã, thu dọn quân nhu, chuẩn bị rút lui. Còn những tướng sĩ thủy quân chưa trốn về được thì đến đường lui cũng bị chặn, chúng nhân mải lo bảo vệ chủ soái, chẳng ai bận tâm đến sự chết sống của mình.
Hầu hết chiến thuyền quân Tào đều được ghép liền bằng xích sắt, muốn tản ra còn khó nữa là khi cố ý phóng hỏa? Không lâu sau ngọn lửa bùng lên, chiếc thuyền lầu dành cho chủ soái mà Tào Tháo lấy làm tự hào tựa như một con quái vật khổng lồ khắp người bốc cháy, soi sáng cả một bãi sông, khói đen ngút trời. Gió đông nam thổi hơi nóng về phía bộ trại, hun mặt tướng sĩ bỏng rát, Tào Tháo rút về doanh dưới sự bảo vệ của thân binh. Giữa lúc nhốn nháo, ông bất giác ngoái lại nhìn biển lửa cháy ngùn ngụt, thốt lên một câu thở dài tựa như lời tự giễu:
— Đám cháy thực đẹp...
Cùng lúc đó, bộ trại ban nãy còn yên ắng không tiếng động đã hoàn toàn hỗn loạn. Binh sĩ các doanh, các trướng đều chui ra ngoài chạy tán loạn, không phân biệt được đông tây nam bắc, người nào có huynh đệ trong quân thì đi tìm huynh đệ của mình, còn người không có thân thích thì cướp đường mà chạy, binh trưởng các bộ múa lộn chiến kỳ, gàng cổ kêu gào, nhưng binh sĩ vẫn tự ý hành động. Thủy quân gần như bị giết sạch, quân địch sắp đánh tới nơi, lúc này ai còn để ý đến người khác?
Hàn Hạo, Sử Hoán hạ lệnh đánh trống, tập hợp binh sĩ để ngăn hỗn loạn, nhưng tiếng trống bên này vang lên, bên kia cũng bắt chước làm theo. Tiếng chiêng, tiếng trống vọng lại từ bốn phương tám phía khiến binh sĩ càng luống cuống, không ít kẻ còn tưởng là trống trận của quân địch, cắm cổ bỏ chạy. Hàng rào đổ rạp, xe lương lật nhào, lều trại úp sụp, bao nhiêu tướng sĩ bệnh không dậy nổi đều bị giẫm chết trong trướng. Còn có những kẻ lanh lợi, chạy ngược lại đám cháy, băng qua tường trại, leo lên sườn núi mé bắc. Binh sĩ phân tán, bỏ mặc doanh trại.
Trận hỏa hoạn trên sông soi sáng bộ doanh, Tào Tháo nhìn cảnh tượng này trong lòng nôn nóng nhưng cũng không có cách gì. Quân Kinh Châu thoát khỏi biển lửa, nháo nhác chạy trốn, quân phương bắc không hiểu tình hình, lại không thuộc địa hình cũng chạy theo họ, còn những binh sĩ bệnh tật, người thì chống thương đứng ngây ra, người lại dựa vào một xó chờ chết. Bao ẩn họa cùng xuất hiện vào khoảnh khắc này, cả tòa đại doanh nhanh chóng đổ nát.
Mất rất nhiều sức, Tào Tháo mới quay lại được doanh trung quân, nhưng chớ nói là thân binh tản mát không ít, ngay đến cả bọn Khoái Việt, Vương Xán vốn ở trong doanh và Sái Mạo đang ốm trên giường cũng không thấy đâu nữa, không biết bọn họ tản đi tìm nhau, hay nhận thấy tình thế không ổn cũng bỏ chạy rồi. Trước mắt không có khả năng đưa toàn quân rút lui, chưa biết chừng khi địch đánh tới, quân Tào đã mất hết sức chống lại. Tào Tháo nghị sự lần cuối với các tướng lĩnh, mưu sĩ trong đại trướng đang bị bao vây giữa những tiếng ầm ĩ, quá trình diễn ra nhanh chóng, hầu như không có sự tranh biện nào đã đạt được sự nhất trí: dẫn bộ quân còn chịu nghe lệnh xông ra từ cửa trại phía tây, rút về Giang Lăng.
Thế là đại quân mà Tào Tháo khoác lác là trăm vạn ấy đã hoàn toàn tan vỡ trong chốc lát.
Cắm cổ chạy trốn
Rời khỏi doanh trại tình hình càng loạn, phía bắc Ô Lâm toàn là rừng núi, chỉ có một con đường nhỏ chạy dọc bờ sông, phần lớn bại binh, đào binh đều xông lên đường này, sườn núi cũng chật cứng người. Còn trên mặt sông, lửa cháy ngùn ngụt, la hét ầm ĩ, lác đác những chiếc thuyền lớn nhỏ khua chèo đâm tứ tung, không phân biệt được địch ta, cứ lại gần nhau là bắn một loạt tên, tất thảy đều chim sợ cành cong.
Tào Tháo và tướng sĩ trung quân lẫn giữa đám bại quân, không dám dựng cờ soái, cũng không dám gõ trống gom binh - chiến thuyền của quân địch ở gần đó đều trang bị cung cứng, một khi quân Tào gióng trống dong cờ, có thể tập hợp quân mình nhưng đồng thời cũng dẫn dụ quân địch, người ta ở trên sông, mình ở trên bờ sẽ chết sạch.
Đi được hai ba dặm, phía trước lại vọng lại tiếng hô giết - hóa ra Chu Du đã sớm dự liệu, bại binh của Tào Tháo sẽ chạy qua đường này nên phái người lén qua sông bày quân mai phục từ trước. Đến lúc này, đại doanh có khả năng mất trắng, có thể thoát được ra ngoài đã là tốt lắm rồi, rất nhiều kẻ bỏ lại cả binh khí, nào còn tâm trí đánh trận nữa?
— Địch đánh tới rồi!
Cùng với tiếng kêu gào, Tào quân càng hỗn loạn, có kẻ chạy lên phía trước, có kẻ chạy lại phía sau, có kẻ bò lên núi, giẫm đạp lên nhau, thương vong vô số. Tào Tháo và Tuân Du chỉ giữ được vài ngàn binh sĩ trung quân, còn chưa đứng vững chân lại thấy trước mặt bụi bay mù mịt, vó ngựa ầm ầm, một cánh quân khác vọt tới, phen này chỉ có thể quyết chiến một trận.
Tào Tháo vô tình bị đẩy lên trước nhất, người xô ông ở phía sau đều là binh sĩ, muốn trốn cũng không trốn được. Đang lúc lo lắng, đội quân trước mặt dần dừng lại, một viên tướng dáng người thấp bé tế ngựa tới:
— Thừa tướng! Là Thừa tướng sao?
Người đó là Nhạc Tiến, Tào Tháo quá đỗi vui mừng, suýt nữa rớt khỏi lưng ngựa. Nhạc Tiến cũng không để ý lễ nghĩa, thúc ngựa lại gần, nắm chặt tay Tào Tháo:
— Đúng là Thừa tướng rồi! Tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh! Chỉ cần chúa công bình yên vô sự, chúng mạt tướng...
Lời này chưa dứt, vị tướng quân chưa từng chịu thua ấy đã nước mắt vòng quanh. Tào Tháo cố lấy tinh thần, an ủi đôi câu, mới nhận ra cả người Nhạc Tiến đỏ ngầu một màu:
— Chiến sự ở tiền phương ra sao?
Nhạc Tiến nuốt lệ, lấy lại uy nghiêm thường ngày:
— Mạt tướng không tìm được ngài, đi trước phá vòng vây, gặp quân mai phục, đánh nhau hồi lâu mới đuổi lui được chúng. Thừa tướng mau theo mạt tướng, mạt tướng sẽ mở đường cho ngài!
— Làm phiền Văn Khiêm.
Tào Tháo nói lời cám ơn, trong lòng không khỏi sợ hãi: Dưới trướng Chu Du bất quá chỉ có ba bốn vạn binh, thế mà có thể đốt thuyền, đánh trại cùng lúc, lại còn bố trí được quân mai phục. Nếu như hắn có thực lực ngang ta, liệu lúc này ta còn sống không?
Ông càng nghĩ càng thấy bất an, vội giục trung quân tức tốc theo sau bộ quân của Nhạc Tiến. Có võ nhân này đi trước, việc mở đường thuận lợi hơn nhiều, bất kể đào binh chắn đường hay thuyền địch bắn tên, đều tế ngựa xông lên, kẻ nào bị giẫm chết coi như kém số. Hổ báo kỵ bám theo rất sát, để tránh bị quân địch tập kích, trung quân không dám đốt một ngọn đuốc, chỉ dựa vào ánh lửa lờ mờ mà bảo vệ đám người Tào Tháo, Tuân Du chạy như bay về phía trước, bỏ đại đội bộ binh lại mãi phía sau. Còn mạng là còn tất cả, vào khoảnh khắc này đâu lo được chuyện bao đồng.
Tào Tháo chạy được chừng bốn năm dặm, tiếng huyên náo nhỏ dần, đường đi cũng tối hơn, trên sông không còn chiếc thuyền nào nữa, chúng nhân ghì ngựa nghỉ ngơi. Lúc này đã qua giờ tý, vầng trăng treo tít trên cao, đêm khuya gió lạnh hun hút, Trường Giang lạnh lẽo như cái động không đáy, đầy vẻ kinh hãi. Ngọn gió đông nam thổi qua rừng cây đen sì khiến cành lá rung rinh như đang hát, đang khóc, đang cười mà cũng tựa như tiếng reo của liên quân Tôn, Lưu.
Tào Tháo sai người đốt đuốc, quay đầu nhìn, trên mặt sông xa xa vẫn hỗn loạn, ngọn lửa và chiến thuyền đã hòa làm một, còn binh sĩ bỏ trốn tứ tán, tốp năm tốp ba rải rác bờ sông, nối thành hàng dài tít tắp, nhìn không hết tầm mắt. Kẻ chết cháy, kẻ chết trận, kẻ bệnh chết, kẻ trên đường bỏ chạy, mười vạn đại quân liệu còn được bao nhiêu người?
Đột nhiên, có mấy bóng đen nhảy vọt ra từ trong đám bụi rậm.
— Kẻ nào?
Thân binh quát lớn, giơ cung tiễn lên.
— Đừng bắn! Người mình!
Một bóng người huơ huơ hai tay, vừa nói vừa chạy lại. Đó là bộ tướng Ngưu Kim ở dưới trướng Tào Nhân. Tào Nhân trấn giữ Giang Lăng, kiêm việc cung cấp lương thảo. Từ sau tiết đông chí, Tào doanh thiếu lương, ông ta một mặt lệnh cho Đồn điền đô úy là Đổng Tự quay về Dự Châu điều lương, mặt khác phái Ngưu Kim đưa bốn chục thuyền lương tới chỗ Tào Tháo trước. Ngưu Kim không dám chậm trễ, ngày đêm lên đường đến đại doanh, đêm nay đã vào địa phận huyện Sa Tiện, vốn định đưa lương thảo tới trước nửa đêm. Nào ngờ, còn cách rất xa đã trông thấy phía Ô Lâm lửa cháy ngút trời, biết rằng đại quân bị vây khốn, ông ta định chạy tới giúp sức, nhưng trong tay phần lớn là thuyền lương, gom hết binh lính lại vẫn chưa được ngàn người, tùy tiện hành động e là đến thuyền lương cũng biếu không địch. Vì vậy, ông ta nhanh trí cho đội thuyền dập hết đèn đuốc, ghé vào bụi rậm ở bờ sông, chờ tiếp ứng.
Sau khi hỏi rõ nguyên do, mọi người đều cảm thấy may mắn: quân Tào thoái lui chậm rì, binh mã mệt nhọc, còn bị quân địch ở trên sông quấy nhiễu, mấy chục chiếc thuyền này đến quá đúng lúc, ít nhất có thể giúp Tào Tháo nhanh chóng thoát nạn. Nhạc Tiến, Ngưu Kim nói là làm, cố nhét lương thực vào tay nải được đâu, còn lại ném hết xuống sông. Tuân Du nhìn họ vứt bỏ lương thực, biết là bất đắc dĩ, song trong lòng vẫn không khỏi buồn bã, quay đầu đi lại thấy bại quân nhếch nhác tháo chạy, trước sau đều là cảnh buồn, ông ta quay mặt nhìn bờ sông bên kia. Phía Giang Nam tĩnh mịch, dãy núi cao vút, dựng đứng không có chút ánh sáng nào, tựa như gã khổng lồ đang ngủ say. Tuân Du nhìn một lát, chợt nhận ra vấn đề:
— Thừa tướng! Thủy quân của ta tan rã, Chu Du chiếm hết yếu địa ở Trường Giang, bốn quận Giang Nam phải làm sao?
Một khi thủy quân bị diệt, hai nhà Tôn, Lưu chiếm giữ đường sông Trường Giang, chặt đứt mối liên hệ giữa hai miền nam bắc Kinh Châu, quân Tào khó mà giữ được bốn quận Trường Sa, Vô Lăng, Linh Lăng và Quế Dương. Lúc này Tào Tháo ruột gan rối bời, buồn phiền cả một đống chuyện, quân sư không có cách gì, ông còn biết làm sao? Ông chợt nhớ Hoàn Giai từng xúi giục quân Trường Sa phản lại Lưu Biểu, đưa mắt nhìn xung quanh, gọi to:
— Hoàn Bá Tự có ở đây không?
Hoàn Giai không bị rớt lại phía sau nhưng mặt mũi nhem nhuốc, cả người nhếch nhác, thở không ra hơi, hai thân binh dìu ông ta lảo đảo bước ra. Tào Tháo nghiêm giọng bảo:
— Quân ta thoái lui, Giang Nam gặp nguy rồi! Ngươi mau dẫn ít binh mã qua sông, cai quản bốn quận, giữ vững thành trì, đợi lão phu cử binh lần nữa.
Hoàn Giai nghe xong đầu như nổ tung: hơn mười vạn đại quân bại trận, Giang Lăng có giữ được hay không còn không dám nói chắc, biết khi nào mới dẫn quân trở lại được? Ông ta không tin nhưng cũng không dám cự tuyệt, đúng lúc trông thấy Lưu Ba đứng ngay sau lưng, nhanh trí bảo:
— Tại hạ bất tài, e là không gánh vác nổi việc này. Lưu Tử Sơ giỏi hơn tại hạ chục lần, lại là người quận Linh Lăng, sao Thừa tướng không điều ông ấy đi trước?
Lưu Ba chẳng thể ngờ Hoàn Giai lại gắp củ khoai nóng bỏ vào tay mình, bất giác ngây người ra. Tào Tháo không phân bua:
— Tốt lắm, lão phu giao phó chuyện Giang Nam cho Tử Sơ vậy.
Lưu Ba định thần lại, hốt hoảng quỳ xuống nói:
— Xin Thừa tướng thu lại lệnh đã ban.
— Vì sao?
— Lưu Bị mưu đoạt Kinh Châu đã lâu, nay lại có Tôn Quyền tương trợ, đại quân rút lui, địch chắc chắn thừa cơ tiến vào. Phía bắc Trường Giang còn chưa biết có giữ được không, huống hồ là bốn quận Giang Nam?
Câu nói bi quan đó chọc giận Tào Tháo:
— Lưu Tử Sơ, ngươi không dám đi sao?
Lưu Ba cuống quýt dập đầu:
— Không phải tại hạ không dám qua sông, mà chỉ sợ đi chuyến này sẽ không thể trở về phụng sự ngài.
Đến lúc này Tào Tháo vẫn chưa hết hy vọng, ông nghĩ rằng, các đất Giang Lăng, Tương Dương còn quân trấn thủ, nếu tập hợp đào binh, lại điều thêm bảy bộ quân của bọn Vu Cấm thì vẫn có thể lấy lại thế lớn. Bởi vậy, ông cố cứng giọng:
— Giặc tai to dám dòm ngó Giang Nam, lão phu sẽ đưa ba quân đến đánh, ngươi cứ yên tâm mà đi!
Lưu Ba há có thể yên tâm cho được? Bốn quận đó thực lực yếu kém, Thái thú đều là thuộc hạ cũ của Lưu Biểu hoặc là người do Tào Tháo mới cất nhắc, quy tụ nhân tâm dễ đến thế sao? Nhưng Tào Tháo tràn đầy niềm tin, nói đến tận nước này, làm sao có thể từ chối? Lưu Ba đứng lên, ngẩn người giây lát, cuối cùng cắn răng bảo:
— Cũng được, tại hạ đã đi theo Thừa tướng, nguyện thịt nát xương tan để báo ơn tri ngộ!
Tào Tháo đã hài lòng. Có điều, ông nói là chia binh cho Lưu Ba, nhưng hiện giờ nào giống vậy? Dù có một thuyền chở đầy binh sĩ cũng không đủ chia. Ông chỉ đưa cho Ba tấm lệnh tiễn của Thừa tướng và miễn cưỡng rút bốn trăm quân Kinh Châu đều là người gốc Giang Nam. Nói những binh sĩ đó quay về cứu viện bốn quận, chẳng bằng nói là hồi hương. Lúc này đi tới bốn quận Giang Nam còn nguy hiểm hơn quay lại Giang Lăng, Ngưu Kim vội vàng giao mấy chiếc thuyền lương vừa được dọn sạch cho Lưu Ba, sắp xếp cho bọn họ qua sông nhân lúc trời chưa sáng.
Lưu Ba đi khỏi, Tào Tháo cũng chuẩn bị xuất phát, phía sau lác đác có bại binh đuổi kịp, ầm ĩ cũng đến gần một vạn người, nhưng số người còn giữ được binh khí chưa đến một nửa. Khi tiến binh, Tào Tháo có đến gần nghìn chiến thuyền lớn nhỏ, giờ chỉ còn hơn ba chục chiếc, trong đó quá nửa là thuyền lương. Phía sau có lẽ còn có đội thuyền may mắn thoát ra được, nhưng cứ dây dưa mãi thế, liệu có thoát khỏi tầm mắt của Chu Du không, chẳng ai dám chắc.
Càng nhiều người tụ tập một chỗ càng dễ bị lộ hành tung, Nhạc Tiến, Ngưu Kim nhanh chóng hành động, không lâu sau đã dọn sạch các thuyền lương, binh sĩ tranh nhau đòi lên thuyền. Hổ báo kỵ phải xách đại đao trấn ở đầu thuyền mới tạm áp chế được họ. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện giờ là bảo vệ chủ soái, hai tướng dành mấy chiếc thuyền cho cha con Tào Tháo cùng với các tướng tá thân tín, mưu sĩ duyện thuộc lên trước, chiến mã chiếm mất hai chiếc, số còn lại không chở hết được binh sĩ trung quân và quân kỵ hổ báo. Nhạc Tiến xung phong thống lĩnh số quân còn lại tiếp ứng bại binh lục tục kéo đến sau.
Phân phó đâu vào đấy, chúng nhân ồn ào lên thuyền, ngọn sào từ từ đẩy thuyền rời xa bờ, binh sĩ kẻ chèo lái, kẻ phòng bị. Tào Tháo lúc này mới an tâm hơn, ông nhìn bộ quân ở lại bờ sông, mãi đến khi bóng của Nhạc Tiến biến mất giữa màn đêm mênh mông, không nhìn được gì nữa mới bấu vào mạn thuyền ngồi bệt xuống, khẽ nhắm mắt lại. Ông quên đi nỗi sợ hãi, cũng không nghĩ xem ngày mai phải làm thế nào, càng không có tinh thần đâu mà nổi giận, lúc này ông chỉ cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ một giấc thật sâu. Ông thậm chí còn có ảo tưởng rằng đây chỉ là một cơn ác mộng, có lẽ sau khi tỉnh dậy mọi thứ sẽ trở lại lúc đầu như không hề có chuyện binh bại...
Nhưng, ông vừa mới nhắm mắt, lại nghe có la lớn:
— Quân địch đánh tới rồi!
Tào Tháo đứng bật dậy: có bốn năm chiến hạm đang lao tới, đèn đuốc sáng rực, binh sĩ bên trên cầm đao rìu, đáng chú ý là chiếc thuyền dẫn đầu cắm cờ xanh.
Hàn Hạo, Sử Hoán học được chút kinh nghiệm chỉ huy thủy quân, họ đứng ở đầu thuyền giậm chân liên tục, muốn nhanh chóng chạy thoát. Những chiếc thuyền đó nhìn cũng bình thường nhưng lại lao đi rất nhanh, càng lúc càng lại gần, mặc dù quân Tào đông hơn, nhưng khi thật sự giao tranh khó nói chắc được. Vào thời khắc then chốt vẫn là Tuân Du nhạy bén:
— Mau ghé vào bờ, phía sau còn người của ta tiếp ứng.
Lúc này đã quá nửa đêm nên không thể phất cờ hiệu, ầm ĩ một hồi, đội thuyền mới chuyển hướng lên bờ bắc. Nhưng trời tối không phân biệt được phương hướng, thuyền đi rất chậm, khi quân địch sắp đuổi kịp, chiếc thuyền chở Tào Tháo đột nhiên lắc lư - mùa đông nước rút, quân Tào lại không quen thuộc địa hình nên thuyền còn cách bờ sông hơn một trượng đã mắc cạn.
Vào tình thế này, dẫu thủy thủ bản lĩnh đến mấy cũng không biết làm gì khác ngoài nhảy xuống đẩy thuyền. Nhưng quân địch đã đuổi kịp. Đám người này rất tinh khôn, trên đường truy kích luôn dõi mắt quan sát, sớm đã đoán ra chiếc thuyền nào có tướng lĩnh ngồi trên, nên cả năm chiếc thuyền cùng lao về phía này. Chớp mắt, chiếc thuyền dẫn đầu áp sát mạn thuyền của Tào Tháo, chúng nhân chưa kịp phản ứng, một bóng đen đã nhảy vọt lên thuyền, một thân binh chưa hiểu chuyện gì xảy ra bị chém bay đầu.
Mọi người nhìn trân trân, người xông lên thuyền là một lão tướng râu đen, đầu đội nón sắt, mình khoác áo giáp làm bằng mắt xích, tay phải giơ đại đao, tay trái cầm tấm khiên, tuổi chừng sáu mươi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, vai rộng eo tròn, mặt đỏ phừng phừng, tràn đầy sát khí. Ông ta ngần ấy tuổi mà còn dũng mãnh như vậy, hồi trẻ không biết còn lẫm liệt nhường nào. Lão tướng vừa đứng vững chân, phía sau lại có mười mấy võ sĩ ùn ùn kéo tới, người nào người nấy cũng mang theo một thanh đao và một tấm khiên, gào thét lao tới giáp lá cà với thân binh của Tào thị.
Chiến thuyền đã chật, tự dưng lại có thêm hơn chục con hổ dữ, không có chỗ quần nhau, thân binh đột nhiên phải ứng chiến, không lâu sau đã gục xuống phân nửa. Hổ báo kỵ trên thuyền khác muốn tới cứu nhưng bị bốn chiếc thuyền còn lại chặn đánh, cũng cuốn vào cuộc chém giết. Đám người Tào Tháo mới đầu trốn trong khoang thuyền, sau lại nghĩ, ngộ nhỡ quân địch nhốt lại bên trong thì thật sự không còn đường sống. Cho nên, bọn họ rút kiếm, cố xông ra ngoài dưới sự yểm hộ của Hàn Hạo, Sử Hoán, Đặng Triển và Tào Thuần.
Lão tướng kia vô cùng dũng mãnh, chỉ vài đao đã chém gục năm sáu thân binh, bọn Ôn Khôi, Mãn Sủng hốt hoảng nhảy tùm xuống nước. Mấy người Tào Tháo chui ra khỏi khoang bị lão tướng bắt gặp, vung đao nhào tới. Sử Hoán vội giơ kiếm đỡ, chỉ cảm thấy hai cánh tay tê dại, bội kiếm tuột mất. Hàn Hạo, Đặng Triển cùng xông lên chặn đánh lão tướng. Nếu chỉ bàn riêng về kiếm thuật, những người ở đó đều không bằng Đặng Triển, nhưng lão tướng đã sống cả đời trên thuyền, nên xoay vòng quanh cột buồm mà dễ dàng như sân nhà. Hai người họ không những không làm gì được ông ta, xoay hai ba vòng còn bị dụ vào vòng vây của địch, khốn khổ đánh lại.
Tào Phi một tay bảo vệ phụ thân, một tay kéo Tuân Du, đang do dự không biết có nên nhảy xuống vùng nước hơi sâu còn cách bờ hơn một trượng kia hay không thì lão tướng lại vọt tới trước mặt, chỉ cảm thấy trước mắt lóe sáng, đại đao bổ xuống. Sử Hoán rụng rời hồn vía, trong tay lại không có binh khí gì, nhặt tạm mái chèo nhào đến chắn trước người Tào Phi, lấy hết sức bình sinh đỡ đòn - “Rầm” một tiếng, mái chèo đứt đôi, đại đao cắm phập vào vai Sử Hoán, máu tuôn như suối.
Thân binh Tào doanh không chết thì bị thương, quá nửa đều không gượng dậy nổi; Tào Thuần vừa đánh vừa lui, bị dồn lại trong khoang; hai tướng Hàn, Đặng lấy ít địch đông, cố lắm mới cầm chân được quân địch, nhìn Sử Hoán bị trọng thương mà không làm được gì. Cha con Tào gia và Tuân Du lúc này không kịp nhảy xuống nước nữa, trong tay người nào cũng có kiếm nhưng đều không dám tiến lên phía trước, huơ huơ với quân địch từ xa.
Đúng lúc lão tướng giơ đao lên lần thứ ba, định kết liễu mạng sống của Tào Tháo, một loạt tên từ đâu bay tới, trong đó một mũi tên bắn trúng dưới nách lão tướng, cánh tay ông ta run lên, thanh đao tuột khỏi tay. Sử Hoán rõ ràng đang bị thương nặng, thế mà không biết lấy đâu ra sức lực, bật người dậy đấm thẳng vào mặt lão tướng. Cú đấm ấy giáng đúng thái dương, tuy đã cách một lớp nón sắt nhưng vẫn khiến ông ta gục xuống mạn thuyền, ngả người rớt xuống dưới.
— Hoàng lão tướng quân ngã xuống sông rồi!
Quân địch ngay lập tức rối loạn, có kẻ lao xuống tìm người. Tào Tháo sống sót sau kiếp nạn, bèn trấn tĩnh lại, nhìn về phía mũi tên bắn ra - phía sau có một chiếc thuyền con đang lao tới, bên trên có bảy tám người đều cầm cung tiễn, khuôn mặt bị lửa hun đen nhẻm, nhưng Tào Tháo vẫn nhận ra người cầm đầu chính là Văn Sính.
Hóa ra, Hoàng Cái phóng hỏa theo chiều gió, Trương Doãn chết cháy giữa trận, Văn Sính trấn giữ thủy quân vẫn hăng hái chống lại. Đến lúc thuyền của ông ta cũng bén lửa, không thể xoay chuyển cục thế được nữa mới dẫn binh sĩ bỏ thuyền, chia ra hơn chục chiếc thuyền con mà thoái lui. Nào ngờ hậu phương cũng là một biển lửa, đành phải vòng về mé tây, xuyên qua biển lửa mất nửa ngày mới thoát ra được. Đáng tiếc, binh sĩ trên mười mấy chiếc thuyền ấy kẻ chết cháy, người trúng tên, chỉ có thuyền của Văn Sính bình an vô sự.
Lúc này quân Tào đại bại, Chu Du vòng theo mé đông, đánh vào đại doanh. Chiếc thuyền lẻ loi của Văn Sính không dám đỗ vào bờ, men theo bờ sông mà lui, chưa đi được bao xa lại thấy một chiến thuyền cắm cờ xanh. Văn Sính chiến đấu suốt cả buổi nên nhận ra đó là thuyền chở tiên phong của quân Giang Đông là Hoàng Cái, cơn giận bỗng trào lên: thủ phạm phá hủy thủy quân Kinh Châu chính là lão già này. Ông ta không thèm để ý chuyện gì, cũng không bận tâm thực lực hai bên chênh lệch nhau quá lớn, lệnh cho thân binh ra sức chèo thuyền đuổi theo sau, định tìm thời cơ liều chết với Hoàng Cái. Ông ta đâu ngờ nhờ vậy mà tìm được Tào Tháo, thấy tình thế nguy cấp liền bắn loạt tên trúng Hoàng Cái.
Thuyền lớn không đi qua được chỗ nước cạn, nhưng thuyền con của Văn Sính thì dư sức. Văn Sính dày dặn kinh nghiệm đánh thủy, thân thể tráng kiện, chống một ngọn sào tung người nhảy qua mạn thuyền, đặt chân xuống cạnh Tào Tháo. Quân Giang Đông không ngờ Tào quân còn có hãn tướng nhường này, nhất thời sợ hãi, lại thêm Hoàng Cái trúng tên rớt xuống nước, đám lính còn lại đâu còn ý chí chiến đấu, rút dần về thuyền bên mình. Lúc này Nhạc Tiến cũng dẫn binh sĩ ở ven bờ chạy tới nơi, mọi người vội vã bỏ đi, không dám tham chiến.
Quân Tào ném xác chết xuống sông, đổi lại thân binh, đám người của Nhạc Tiến đẩy chiến thuyền đang mắc cạn, Văn Sính tự cầm đuốc đi trước dẫn đường, chiến thuyền này lại đi tiếp trên con đường đào vong.
Nhưng, cha con Tào Tháo bị một phen bước qua quỷ môn quan, sợ đến nỗi chân tay mềm nhũn, ngồi ngây dưới sàn. Bọn Hoàn Giai, Ôn Khôi nhảy xuống nước giữ được mạng, người nào cũng ướt như chuột lột. Sử Hoán thân bị trọng thương, lại gãy mất ba ngón tay, rên rỉ kêu đau. Chúng nhân nhếch nhác ngồi quây lại một vòng nhìn nhau, ai cũng như chim sợ cành cong, chẳng nói năng gì...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8