Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 36
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 64
ào Tháo đối trận Viên Thiệu, trận chiến sinh tử chỉ đợi châm ngòi
Thú quẫn còn đấu
Từ Bành Thành về phía tây là một bãi chiến trường đẫm máu. Quân Tịnh Châu tinh nhuệ dưới trướng Lã Bố gần như không còn một ai, hãm trận doanh đã chiến tử hoàn toàn, lại mất ba tướng Tào Tính, Ngụy Tục, Hứa Đam. Từ Châu bộ, Duyên Châu bộ, quân Đan Dương bị Trần Đăng truy kích, bị chết và trốn chạy không tài nào kể xiết được, cuối cùng khi về đến Hạ Phì thì chỉ còn hơn một ngàn tên.
Tào Tháo nhân thế bao vây Bành Thành, ý muốn dụ Lã Bố xuất chiến. Nhưng Lã Bố đã có bài học ở Duyện Châu năm xưa, nên chỉ tử thủ ở Hạ Phì không cho quân ra cứu viện, đồng thời truyền lệnh cho quân giữ các thành ở Từ Châu giữ vững tường thành cố thủ, đồng thời không để lại cái gì trên đồng ruộng cả.
Tào Tháo lo ngại tình hình ở Hà Bắc nên không dám kéo dài, liên tục công thành ba ngày đêm, hạ được Bành Thành, bắt Hầu Khải - tướng được Lã Bố nhận mệnh giữ Bành Thành - làm tù binh. Để làm rung chuyển cục thế ở Từ Châu, Tào Tháo phải ra tay tàn sát, hạ lệnh giết hết toàn bộ người trong thành, đồng thời đưa tin đi khắp nơi ở Từ Châu, kẻ nào chủ động dâng thành đầu hàng sẽ được miễn tội chết, kẻ nào cố thủ chống lại đến khi thành bị hạ thì sẽ giết sạch.
Bị uy hiếp như vậy, nhược điểm của đám quân Lã Bố càng lộ rõ. Y vốn lưu lạc khắp nơi, rồi mới đến Từ Châu, dọc đường đi thu nạp quân đội ở khắp nơi, mỗi nhóm quân có một thống soái, khó mà liên hợp lại được, lại thêm Từ Châu từ thời Đào Khiêm đã bị cát cứ rối loạn, vì vậy sự thống trị của Lã Bố chẳng những không thể nghiêm cẩn, mà còn gần giống một liên minh quân sự mà thôi. Trong liên minh này, các phái hệ vừa hợp tác, lại vừa giữ miếng đấu đá lẫn nhau, chỉ có quân Tịnh Châu chủ lực là có tác dụng trấn áp, bởi khi họ có mặt thì các phái hệ khác mới chịu cúi đầu cụp tai. Giờ đây, chức vị Tả tướng quân của Lã Bố đã bị Tào Tháo lấy danh nghĩa triều đình tước bỏ, quân tinh nhuệ Tịnh Châu lại tử thương gần hết, những kẻ bị vây thành không được cứu viện, kẻ nào ngoan cố chống đỡ thì chỉ có đường chết. Lã Bố đã không còn danh phận thống trị ở Từ Châu nữa, lại không có thực lực để bảo vệ mọi người, thì còn ai theo ông ta nữa? Các huyện sở thuộc của Đông Hải, Bành Thành, Lang Nha... lũ lượt mở cửa đầu hàng, Hạ Phì chớp mắt biến thành một tòa thành đơn độc!
Lã Bố giờ đây mới hiểu rõ, cố thủ không giải quyết được việc gì, một lần nữa lại sai Trương Liêu đi liên hệ với các thế lực cát cứ ở duyên hải là bọn Tang Bá, Ngô Đôn, Tôn Quan, ý muốn hợp binh về một nơi. Lại sai phản tướng Duyện Châu là Hứa Tỷ, Vương Khải chạy đến Hoài Nam, đồng ý làm thông gia với Viên Thuật, xin binh cứu viện của kẻ dịch trước đây.
Nhưng Tào Tháo căn bản không cho hắn có thời gian nghỉ ngơi, mà từ Bành Thành lập tức hỏa tốc tiến quân, chỉ trong vòng vài ngày đã tới địa phận Hạ Phì. Một khi đã bị vây thành thì có đánh cũng không thể đánh nổi, Lã Bố không kịp đợi cứu viện, chỉ còn cách tập hợp tàn quân bại tướng, gắng gượng xuất binh, hy vọng ngăn được bước tiến của Tào Tháo.
Trước trận chiến như vậy, Tào Tháo đã có phòng bị từ trước. Khi bố trí đội hình hành quân, đã sai bọn tiểu tướng Sử Hoán, Lã Chiêu, Vương Đồ, Sái Dương, Giả Tín, Hỗ Chất, Ngưu Cái, Ngưu Kim, Trương Hỷ ai nấy dẫn thân binh của mình đi trước. Lại bảo hai người Trình Dục, Trần Đăng bày kế phá địch. Nghĩ đến sự anh dũng khó địch nổi của Lã Bố, rất có khả năng sẽ đột kích vào chỗ chủ soái, Tào Tháo đặc biệt sai quân hổ báo kỵ dời xuống cuối cùng hàng quân. Cho nên khi được quân xích hầu báo tin, mọi người đều ai làm việc nấy không hề rối loạn. Các đội quân mã phân tán mở rộng, tạo thành thế hình quạt, để sẵn chỗ trống chuẩn bị giao chiến. Trình Dục, Trần Đăng dẫn theo tùy tòng theo như kế sách mà làm. Quân hổ báo kỵ thì hộ vệ Tào Tháo lên sườn dốc cao ở phía sau, quan sát xuống chiến trường ở trước mặt.
Trong số quân lính đi theo trong quân có không ít là lính cũ từng tham dự cuộc chiến ở Bộc Dương, bọn chúng nói với đồng ngũ khác về uy phong của Lã Bố, chẳng khác gì thần binh thiên tướng giáng trần, dường như khi y xuất hiện là lập tức cát bay đá chuyển đất lở núi nghiêng vậy. Nào ngờ khi Lã Bố thực sự dẫn quân đến nơi, tất cả mọi người đều thất vọng hẳn. Lã Bố vẫn trang phục như vậy: đầu đội mũ tử kim khôi búi tóc tam xoa, mình mặc giáp xích kim liên hoàn có hình mặt thú trước ngực, bên ngoài choàng chiến bào màu đỏ bằng gấm Tây Xuyên, vai đeo cung họa tước sơn vàng, eo thắt đai sư man long lanh, trên đùi buộc miếng giáp che gối bằng sợi bạc, chân đi đôi hia chiến hình đầu hổ, yên báu đệm vàng cưỡi trên mình ngựa xích thố. Cây phương thiên họa kích vừa vung lên, đã thấy muôn phần nhân tài, uy phong lẫm liệt. Nhưng đội thiết kỵ Tịnh Châu luôn như hình với bóng không rời, đem lại uy phong cho y đã không còn nữa rồi!
Đám lính theo Lã Bố ra trận thật thảm hại, phục sắc khác nhau, cao thấp lố nhố, binh khí trong tay dài ngắn đủ vẻ. Quân Tịnh Châu, quân Từ Châu, quân Duyện Châu đều đã rối loạn, tạm thời gom lại với nhau, chỉ có hơn một trăm tên cưỡi ngựa, thậm chí có tên chỉ là tráng đinh trong thành Hạ Phì mới bị bắt xung quân. Hành quân một chặng đến đây, không ít kẻ đã hổn hển thở không ra hơi nữa, hai tướng Cao Thuận, Thành Liêm đôn đốc trong quân luôn phải liên tục quát mắng để giữ đội hình. Trận đánh còn chưa diễn ra nhưng thắng bại đã có thể thấy rõ vậy.
Tào Tháo giữ cây lệnh kỳ trong lòng, ngồi trên đầu núi, trông thấy cảnh tượng ấy không ngăn được vuốt râu cười bảo:
— Dù có cái dũng như Bá Vương, nhưng dùng bọn tàn binh bại tướng này, kết quả chẳng phải cũng chỉ là tự sát ở Ô Giang ư?
Nào hay, Tào Tháo còn chưa cười xong, Lã Bố đã giơ cao họa kích, hạ lệnh toàn quân xung phong. Đó đâu phải là đánh trận, chỉ là liều mạng mà thôi!
Đám tạp binh ấy nghe thấy mệnh lệnh, đến một chữ “Giết” cũng chẳng buồn kêu lên nữa, tên nào tên nấy giơ binh khí run run rẩy rẩy chạy về phía trước, chưa được mấy bước thì đội hình đã hoàn toàn rối loạn. Trong khi một loạt người mặc sắc phục xanh đi tiền phong trong quân Tào đều là những tiểu tướng mới được đề bạt gần đây, quy thuộc dưới trướng các tướng quân. Hôm nay Tào Tháo cho riêng bọn họ lên trước đi tiên phong, nên bọn họ đều ôm chí giết giặc lập công để dựng tiền đồ cả! Vừa thấy cánh quân yếu ớt ấy của Lã Bố, ai nấy đều thúc ngựa dẫn thân binh xông lên trước.
Hai quân vừa giáp mặt, chưa nghe động tĩnh gì, đã thấy cánh quân của Lã Bố đổ rạp xuống cả một loạt. Những người phía sau vừa trông thấy những kẻ đi trước đã chết, thì thảy đều sợ hãi kêu cha khóc mẹ muốn tan chạy, những kẻ chạy về phía sau còn nhiều hơn những kẻ xông lên phía trước.
Trận chiến có lẽ sẽ kết thúc nhanh chóng, bỗng nhiên một bóng đỏ dài xông vào giữa đội quân đang đánh nhau. Cây phương thiên họa kích trong tay Lã Bố vung sang bên tả, mười mấy thứ vũ khí lập tức bị đánh bay loảng xoảng. Họa kích lại thuận thế quét trở lại một đường bên hữu, mấy tên lính Tào quân đi trước lập tức bỏ mạng. Lã Bố dẫu sao vẫn là Lã Bố, chỉ cần một mình một ngựa, cũng đủ làm khó cho cả đám đông quân Tào rồi. Chỉ thấy phương thiên họa kích xông xáo bên trên lại bên dưới, chợt trái lại chợt phải, đã đánh cho đám quân Tào vây quanh người bay ngựa gục, trong khoảng hơn một trượng trước ngựa của Lã Bố không ai dám đến gần. Rồi lại nghe y kêu to một tiếng, con ngựa xích thố tung vó nhảy lên, vào giữa trận của quân Tào, tả xung hữu đột giữa đám đông, chém giết như chặt dưa chém chuối xông vào, trông hình như ma quỷ, dáng tựa điên cuồng, khiến quân Tào bốn xung quanh đều sợ hãi trốn chạy cả. Cao Thuận, Thành Liêm cũng đều đã đến, hai cây trường mâu xuất quỷ nhập thần đánh vào trong trận. Ngay sau đó, một trăm tên kỵ binh còn lại cũng nhanh chóng đến theo, tất cả đều một khí thế liều lĩnh, không cần biết trước mặt có bao nhiêu quân Tào, cứ vung binh khí nhắm mắt mà đánh, giết dược một tên thì hòa vốn, mà giết được hai tên thì coi như có lãi rồi! Tướng đã có lòng quyết tử, quân không có dạ tham sinh, nên chỉ với một số quân mã ít ỏi ấy, Lã Bố đã chặn đứng được thế tấn công của quân Tào. Bọn chúng chiến đấu như vậy, khiến đám tạp binh bỏ chạy khi nãy chỉ biết ngây ra nhìn, chợt thấy trận chiến này vẫn có cơ thắng lợi, bèn lũ lượt vung binh khí trở lại trợ chiến.
Tào Tháo đang đứng trên núi, thấy vậy cũng đứng lặng người, không thể ngờ rằng trận chiến đã nắm chắc phần thắng lại thành ra như vậy. Trận chém giết diễn ra nhanh chóng đến độ người ta không kịp thở, binh khí va nhau phát ra những âm thanh khiến người ta phải khiếp đảm, chiến mã hí rền xông qua xáo lại. Những dòng máu tươi như núi lửa thỉnh thoảng lại thấy phun trào vọt lên, chỗ tiên phong hai quân đánh giáp lá cà, tất cả đều khắp người nhuộm đỏ như một quả bầu máu. Những tử thi ngã gục dưới đất bị người giẫm, ngựa xéo thành một đống bầy nhầy.
Tào Tháo cúi người, dồn ánh mắt vào việc truy tìm Lã Bố. Chỉ thấy y giờ đây đã chém giết đến tối mắt, trên mặt, trên người đều là máu tươi nhớp nháp, vừa hò hét kêu “giết” vừa múa đại kích đâm chém. Chợt thấy có một kỵ binh vung đao chém thẳng vào ngực mình, Lã Bố né người, thuận tay cầm họa kích đâm thẳng vào bụng tên kia, lấy hết sức nâng kẻ ấy lên, lựa thế quét mạnh một đường, làm ngã gục đám đông quân Tào, rồi quăng lên lưng trời, hất cái xác máu me be bét vào giữa đám đông, lại làm ngã một loạt. Lúc này, tiểu tướng Sái Dương đã xông đến trước mặt Lã Bố, thấy Lã Bố giơ cao họa kích ném cái xác đi, bèn cầm thương đâm vào dưới nách y, Lã Bố không kịp thu kích về, bèn đưa tay trái bắt lấy, nắm ngay mũi thương, lấy hết sức lôi mạnh, khiến Sái Dương cả người lẫn thương đều ngã xuống đất, may được mấy tên thân binh liều chết lại cứu, lôi được Sái Dương khỏi móng sắt của con ngựa Xích thố giẫm vào, mới khiến y khỏi mất mạng.
Lã Bố vừa lôi Sái Dương ngã, bên kia Ngưu Kim, Ngưu Cái đã vung hai cây đại đao tới liền. Lã Bố vội quay người dùng cán kích đỡ lại, hai cây đao lập tức rời khỏi tay, bay đi mất dạng! Hai tướng thấy mất binh khí, sợ hãi ngoắt ngựa chạy luôn. Lã Bố còn chưa thu kích, chợt thấy phía sau gáy một luồng khí lạnh. Vốn trong số các tiểu tướng có Trương Hỷ nhanh nhẹn nhất, mở một đường máu, vòng đến phía sau lưng Lã Bố ra tay, liệu rằng mũi thương này Lã Bố sẽ không thể tránh đi đâu được, nào ngờ Lã Bố đột nhiên giật bờm ngựa, con ngựa Xích thố lập tức cúi thấp đầu, hai chân sau nâng lên. Mũi thương của Trương Hỷ sượt qua đỉnh đầu Lã Bố, hai vó sau của ngựa Xích Thố lại đạp trúng ngay cổ ngựa của Trương Hỷ. Con ngựa đau đớn bốn vó giẫy tung lên, hất luôn Trương Hỷ ngã văng về phía đám thân binh của mình.
Tào Tháo không thể đứng xem thêm được nữa, đứng vụt dậy, kêu to:
— Hậu đội bắn cung!
Mệnh lệnh vừa truyền xuống, đội quân Tào phía sau lập tức bắn tên như mưa, điểm rơi chính là chỗ hai quân tiếp giáp với nhau. Bất kể là quân Lã Bố hay quân Tào đều bị trúng tên không ít. Binh lính hai bên không hiểu thế nào, tự nhiên ai lùi về bên nấy hai bước.
Trong khoảnh khắc ấy, Tào Tháo giơ cao lệnh kỳ lên không trung, vẫy vẫy bên trái, bên phải, trên đỉnh núi nhỏ mé đông chiến trường lập tức tiếng trống vang dậy, trên gò cao dựng lên một lá cờ trắng, phía trên viết năm chữ lớn: “Người Duyện Châu đến hàng”. Trình Dục, Lý Điển, Lã Kiền đứng ở dưới cờ, bốn phía xung quanh đều là binh sĩ Duyện Châu, ai nấy lấy giọng kêu gọi theo thổ ngữ Duyện Châu.
Trong quân của Lã Bố có không ít binh lính là người Duyện Châu, là số quân năm xưa theo Trần Cung chạy đến với Lã Bố. Số quân ấy bị lính Tịnh Châu chèn ép đã lâu, nhưng sợ uy Lã Bố, không dám bỏ trốn. Giờ đây trên chiến trường bỗng nghe thấy thổ ngữ quê nhà, lại trông thấy những tướng quân địa phương, bọn họ đều thấy đã có cơ hội về quê, mấy tên đầu óc linh hoạt lập tức chạy sang phía đông. Chỉ cần một tên chạy là cả đám chạy theo, quân Duyện Châu lũ lượt theo nhau chạy khỏi chiến trường.
— Không cho chạy! - Lã Bố bỗng nhiên đại nộ, vung kích giết luôn hai tên lính bên cạnh mình đang chực chạy đi, nhưng thấy không thể ngăn nổi số quân bỏ chạy, bèn định xông lên đầu núi chặt cờ mà giết. Khi ấy lại nghe đầu núi mé tây cũng đã ồn ào, rồi một cây cờ trắng đề chữ “Người Từ Châu đến hàng” cũng đã được dựng lên. Trần Đăng, Trần Kiều, Từ Tuyên đứng dưới cờ. Số quân Từ Châu mới hàng Tào Tháo gõ trống khua chiêng cũng luôn miệng kêu gọi bạn đồng hương. Chớp mắt, số quân Từ Châu dưới trướng Lã Bố cũng bỏ chạy!
Quân Duyện Châu chạy sang mé đông, quân Từ Châu chạy sang mé tây. Lã Bố chợt thấy trong lòng tái tê, tựa hồ máu trong người đều đã bị rút cạn, quay đầu lại nhìn, chỉ còn nhúm quân đồng hương Tịnh Châu đang chiến đấu kiệt sức.
Lúc đầu đã là kẻ địch đông, mà quân mình thì ít, giờ đây lại chạy mất già nửa nữa, Lã Bố thực sự không thể đánh tiếp được nữa. Trông thấy quân Tào lại dồn đến đánh, y ngoặt đầu ngựa Xích thố hét to một tiếng:
— Rút quân! - Rồi dong ngựa chạy đi trước rời khỏi trận địa.
Lã Bố chạy rồi, số tướng sĩ còn lại vội vàng chạy theo, quân Tào ra sức đuổi theo chém giết, không ít quân Tịnh Châu kiệt sức mệt mỏi bị loạn thương đâm ngã dưới ngựa.
Tuy đã thắng rồi, nhưng Tào Tháo không hề thấy vui chút nào, cây lệnh kỳ trong tay đột nhiên rơi xuống đất, ông thở dài một tiếng:
— Ôi! Trận đánh coi như đã xong, nhưng đúng là sợ đến toát mồ hôi. Chúng ta xuống núi thôi!
Quân hổ báo kỵ hộ vệ Tào Tháo xuống đến lưng chừng núi, chợt thấy Sử Hoán dong ngựa, kéo theo một tên tù binh toàn thân bê bết máu từ phía trước đi lại, từ xa đã kêu lên:
— Khải bẩm Tào công, mạt tướng bắt sống được Thành Liêm!
— Mau cởi trói cho ông ta! - Có được bài học Tào Tính tự vẫn lần trước, Tào Tháo vội vàng xuống ngựa, đứng trên dốc núi chắp tay nói, - Thành tướng quân, vất vả cho ông quá!
Thành Liêm bị mũi thương đâm ở đùi, lại bị Sử Hoán kéo đi một đoạn đường, trên mặt bê bết máu, đứng cũng không đứng nổi nữa, cố gắng hết sức mới miễn cưỡng ngồi dậy được. Ông ta cũng không quật cường như Tào Tính, chỉ thở dài bảo:
— Ôi chao! Đây cũng là ý trời.
— Không phải là ý trời, đó là nhân tâm! - Tào Tháo dắt ngựa tự tin đi xuống dốc núi, - Lã Phụng Tiên tuy có cái dũng của Hạng Vũ, nhưng sĩ tốt trăm họ đã bao giờ thực sự quy tâm với hắn? Không rèn sửa đức nhân, chỉ dựa vào vũ lực, ngày trước đã thất bại ở Duyện Châu, hôm nay ở Từ Châu cũng lại thất bại như vậy.
Hồi lâu Thành Liêm không nói câu nào, cuối cùng ngẩng đầu lên chậm rãi bảo:
— Đúng như Tào công đã nói, tướng quân chúng ta thực không phải kẻ có tài xuất thế. Nói một câu từ đáy lòng mình, nghĩ lại những việc chúng ta đã làm mấy năm nay, mạt tướng vẫn luôn cảm thấy như có gai châm trong dạ vậy! - Đúng là đội quân của Lã Bố phản phúc vô thường, lại cướp bóc bách tính, đã tàn hại không biết bao nhiêu người.
Tào Tháo thấy ông ta có ý hối hận thực sự, cười nói:
— Lã Bố đã chạy trốn, về đến Hạ Phì chắc chắn sẽ cố thủ không ra. Nếu ta công thành, tất sẽ tử thương nhiều sĩ tốt. Ông trời vốn có đức hiếu sinh, lão phu thực không nỡ thấy binh tướng hai nhà phải hy sinh oan uổng. Tướng quân có thể ở dưới thành kêu gọi, để Lã Phụng Tiên mở cửa đầu hàng không? Lão phu đảm bảo rằng, tuyệt không hại đến tính mệnh tướng sĩ trong thành! - Tào Tháo đã hỏi han kỹ Trần Đăng, Hạ Phì là thành kiên cố nhất ở Từ Châu, đánh hạ thành kiên cố như thế chắc chắn không hề dễ dàng.
— Không phải là tại hạ không chịu làm, e là khó mà chiêu hàng Lã Bố ở thành Hạ Phì được. - Khẩu khí Thành Liêm rất kiên quyết.
— Chưa hẳn chứ? - Tào Tháo cười nhạt một tiếng, - Ta thấy những việc làm của Lã Bố đều không có sự kiên trì.
Thành Liêm lắc đầu nói:
— Lã Bố thì dễ nói, nhưng Trần Cung thì khó mà lay chuyển!
Tào Tháo lập tức im bặt. Năm xưa, một buổi giết mất ba hiền nhân, Trần Cung tức giận mà phản, lại còn dụ dỗ bọn Trương Mạc, Trương Siêu, Lý Phong, Tiết Lan, Hứa Tỷ, Vương Khải, Mao Huy, Từ Hấp tạo phản. Trong bụng Lã Bố không có chí lớn, đến tám phần là sẽ đầu hàng, nhưng Trần Cung e là không thể rồi.
Thành Liêm sang sảng nói:
— Tào công có chỗ chưa rõ, hai bộ quân Tịnh Châu, Duyện Châu xưa nay vẫn có mâu thuẫn. Hiện nay trong thành quân Tịnh Châu chỉ còn bộ quân của Tống Hiến, Hầu Thành vài trăm người, việc thống lĩnh tính toán đã nằm trong tay bọn Trần Cung. Dù Lã Bố về đến Hạ Phì, thì ông ta cũng không thể quản nổi những người ấy đâu!
— Nghe nói cha con Trần Nguyên Phương ở Dĩnh Xuyên cũng ở trong thành, bọn họ có được yên ổn không? - Tào Tháo bỗng nhớ đến Trần Kỷ, Trần Quần.
Khuôn mặt đầy máu me của Thành Liêm chợt giật giật, như có ý cười:
— Vẫn yên ổn cả, Trần Cung vẫn luôn chăm lo cho họ... Cả bọn Tất Thầm, Ngụy Chủng cũng vậy.
Khi Tào Tháo làm Duyện Châu thứ sử, xét cử Ngụy Chủng được Hiếu liêm, dùng Tất Thầm làm Biệt giá, rất trọng dụng hai người ấy. Nào ngờ Trần Cung làm phản, Ngụy Chủng tham sống theo giặc, Tất Thầm thì vì mẹ bị bắt giữ, cũng phải bỏ ông mà đi. Đó thực sự là hai tính toán sai lầm!
Tào Tháo trầm ngâm hồi lâu mới nói:
— Bất luận thế nào, trước hết ta vây Hạ Phì đã rồi hãy nói. - Lại cúi đầu hỏi Thành Liêm, - Tướng quân có đồng ý quy hàng kêu gọi không?
Thành Liêm lắc lắc đầu:
— Tại hạ xuất thân ở Tịnh Châu, nên gắng sức vì chủ mình. Nếu tướng quân chúng tôi quy hàng, tại hạ tức khắc cũng hàng. Còn tướng quân chúng tôi không hàng, thì tại hạ chỉ có một con đường chết!
Tào Tháo gật gật đầu:
— Lã Bố bất tài, nhưng dưới trướng lại toàn là hảo hán. Sử Hoán, hãy tạm giữ ông ta lại trong quân, đợi đến khi thu được Hạ Phì ta sẽ xem xét.
Qua một trận đại chiến, trong đầu Tào Tháo lại chợt lóe lên một suy nghĩ: “Lã Bố kiêu dũng thiên hạ vô song, lại không có chí hướng cao xa gì, nếu có thể chiêu hàng được y mà dùng làm tiên phong, thì có đại sự gì mà không thành được?”
Nhấn chìm Hạ Phì
Huyện Hạ Phì là huyện thủ phủ của Hạ Phì Quốc ở Từ Châu. Đầu đời Hán, khi Hàn Tín được thụ phong Sở vương từng lấy nơi này làm đô thành. Phía nam huyện có sông Tứ, chảy từ tây sang đông, phía đông lại có sông Kỹ chảy từ bắc xuống nam, đổ vào sông Tứ, tạo thành một ngã ba sông, là bức bình phong tự nhiên cho thành. Huyện thành rộng mười hai dặm, trong ngoài có ba lớp tường thành, đều cao hơn bốn trượng, xây bằng đá bàn thạch trắng, cửa nam của ngoại quách là hùng vĩ nhất, dân gian gọi là “Bạch Môn lâu”.
Khi đại đội quân Tào đuổi đến nơi, Trần Đăng đã dẫn quân Quảng Lăng làm tiên phong, bao vây thành Hạ Phì. Vòng vây được bao bọc lượt trong lượt ngoài, hơn hai vạn quân chớp mắt đã vây chặt thành không cho lọt một giọt nước. Tào Tháo lách qua đám đông đến gần, ngẩng lên nhìn tòa thành trì to lớn, trong lòng chợt lo lắng: Muốn phá được thành này hẳn là việc rất khó đây! Tuy ra sức công phá có thể hạ được ngoại quách, thì phía trong vẫn còn hai lớp tường thành nữa, lần lượt hạ hết từng lớp, chẳng những hao binh tổn tướng mà còn mất rất nhiều thời gian. Nghĩ đến đó, Tào Tháo liền sai binh sĩ liên tục kêu gào, gọi Lã Bố ra đáp lời.
Lã Bố lúc ấy đang ở trên thành, nhưng vòng vây trước mắt khiến y vô cùng kinh hãi. Cuộc chiến ở Duyện Châu khi xưa, y đã mấy lần đại phá Tào quân, thậm chí đã cầm phương thiên họa kích gõ vào mũ của Tào Tháo, khiến Tào A Man phải quỳ xuống xin tha, lẻo mép dối trá mới giữ được tính mạng. Nhưng hôm nay tất cả đều đã thay đổi, tên thấp lùn ở huyện Tiều, Bái Quốc kia lại có một thực lực hùng hậu như thế, đại quân mênh mông vòng trong mấy lớp, vòng ngoài mấy lượt vây chặt lấy thành. Lã Bố lại chú ý nhìn kỹ vào đám đông, thấy cờ hiệu của Lưu Bị, Trần Đăng đều có trong đó, kẻ địch bắt tay, bộ hạ làm phản, Lã Bố lửa giận sôi lên trong lòng, nghe thấy phía dưới quân địch đang gọi tên mình, hai tay bám lên nữ tường, tự mình nói cứng:
— Bản tướng quân còn chưa chết! Giờ ở đây rồi, Tào tặc có thể làm gì được ta?
Trần Đăng dong ngựa ra trước mọi người, cười châm chọc nói:
— Lã Phụng Tiên, ngươi phản lại triều đình, đã bị tước bỏ quan chức, còn mặt mũi nào dám xưng là tướng quân? Còn một chuyện nữa ta muốn nói cho ngươi biết, Hứa Tỷ, Vương Khải mà ngươi sai đến chỗ Viên Thuật cầu cứu, thấy tình thế của ngươi nguy ngập, đã chạy đến Kinh Châu đi theo Lưu Biểu rồi! Trương Liêu tuy đến được bờ biển, nhưng bọn Tang Bá e sợ thiên uy không dám phát binh. Lã Bố, ngươi đi đời rồi!
— Hừ! - Lã Bố lớn tiếng mắng chửi, - Tên nhãi Trần Đăng! Đồ tiểu nhân phản phúc! Vong ân bội nghĩa! Không có liêm sỉ! - Lã Bố chỉ hận là không thể đem được hết những câu ác ngôn mà mình biết đổ lên đầu Trần Đăng.
Trần Đăng ngửa mặt cười lớn:
— Lã Bố ơi là Lã Bố, ngươi với ta thì có ân nghĩa gì để nói đây? Ngươi thử vỗ tay lên ngực mình mà nghĩ xem, chức Giang Lăng thái thú của ta là ngươi ban cho hay là triều đinh phong cho?
Lã Bố bị Trần Đăng vặc lại không thể nói được câu nào. Phải! Quan chức của ngươi vốn là do Tào Tháo phong cho!
Trần Đăng ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào Lã Bố:
— Ngươi nói ta là tiểu nhân phản phúc, vậy ta hỏi ngươi, nửa đời ngươi ngươi đã làm những chuyện gì? Ngươi vốn là một kẻ võ phu ở quận Ngũ Nguyên, xuất thân ti tiện, được Đinh Kiến Dương thu nạp, coi như tâm phúc, dùng làm Chủ bạ, với ngươi tình thâm ý trọng. Nhưng sau, Đổng Trác vào kinh đem tiền bạc quan tước hối lộ ngươi, ngươi liền bán chủ cầu vinh, sát hại Đinh Nguyên, rồi quay sang nhận giặc làm cha! Giúp Đổng Trác chưa được mấy năm, tai họa chưa lui lòng háo sắc của ngươi lại nổi lên, tư thông với tiểu thiếp của ông ta, để tránh chuyện xấu bại hoại ra, ngươi lại dựa vào Vương tư đồ mà hành thích Đổng Trác, chớp mắt lại thành ra trung thần cứu quốc!
— Bỏ chỗ tối theo chỗ sáng vốn là chính lý, Lý Thôi, Quách Dĩ đánh phá Trường An, đáng lý ngươi nên tử tiết theo Vương Doãn, nhưng ngươi lại chạy theo Viên Thuật, Viên Thuật oán ngươi vô tình không muốn giữ, ngươi liền lật mặt không tha người ta, lập tức quay sang theo Viên Thiệu. Theo Viên Thiệu rồi thì thôi, đằng này ngươi lại phóng túng bộ hạ cưỡng đoạt dân nữ, cướp bóc của cải. Viên Bản Sơ đuổi ngươi ra khỏi Ký Châu, ngươi lại chạy theo đồng liêu ngày trước là Trương Dương. Trương Dương đối xử với ngươi chân thành, nhưng ngươi lại câu kết với Trương Mạc xâm phạm Duyện Châu, bỏ bằng hữu không thèm nhìn đến. Tiếc rằng chút đức hạnh ấy của ngươi không đấu nổi với Tào công thần uy hiển hách, cuối cùng lại phải chạy đến dưới trướng của Lưu Huyền Đức ở Từ Châu. Lưu Huyền Đức cung cấp cho ngươi lương thảo, khí giới, hóa lại thành ra nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà! Trong khi Lưu Bị giao chiến với Viên Thuật, ngươi đã đoạt đất của người, dụ quân của người, chiếm đoạt lấy Từ Châu, rồi lại lật lọng quay sang đánh Viên Thuật! – Trần Đăng câu nào câu nấy đều đanh thép chua cay, xối xả như mây bay nước chảy đem những chuyện bất nghĩa của Lã Bố ra kể hết một lượt, - Lã Bố! Ngươi sớm nắng chiều mưa, ba dao hai mặt, những nơi đi qua đều hãm hại dân đen. Trăm họ chỉ hận không thể vằm thây ngươi, ăn thịt ngươi, lột da ngươi mà thôi! Kẻ bất nhân bất nghĩa bất trung bất hiếu như ngươi, ai ai cũng muốn tru diệt!
Lã Bố bị Trần Đăng mắng chửi vừa xấu hổ, vừa căm hận, khuôn mặt trắng chuyển thành đỏ, ngũ quan méo xệch, tay bám vào nữ tường, gầm lên:
— Ôi cha cha... thật khiến ta tức chết mất!
— Tức giận thì làm được gì? - Trần Đăng phất tay áo, quay đầu nhìn lại binh sĩ, - Quân Quảng Lăng nghe rõ đây! Các ngươi đều là người Từ Châu, nếu có ai từng phải chịu nỗi khốn khổ bị quân võ phu Tịnh Châu khinh mạn cướp bóc, căm hận lũ tàn bạo đó, thì hãy kêu to ba lần từ “Giết” cho hắn nghe đi!
— Giết... Giết... Giết...
Tiếng hò hét long trời lở đất vọng đến chín tầng mây, lúc kêu đến tiếng thứ ba, chẳng phải chỉ có người Từ Châu, ngay cả người Duyện Châu, Dự Châu cũng đều lấy giọng hô to theo.
Lã Bố trợn trừng hai mắt nhìn tình thế kinh tâm động phách ấy, vẻ anh vũ hơn đời chớp mắt đã biến đi đâu mất sạch. Hết rồi! Hết tất rồi! Lã Bố như chết điếng. Vốn hắn vẫn có thể chỉ cần dựa vào con ngựa Xích thố, một cây phương thiên họa kích cầm tay là có thể giành được một đường máu chạy đi, nhưng giờ thì y không thể nữa rồi, y đã thấy run rẩy. Dù có thể trốn ra khỏi được nơi này thì sẽ ra sao? Chạy về phía đông thì là biển cả, phía bắc thì Viên Thiệu hận y đến thấu xương, phía nam thì cũng đã đắc tội với Viên Thuật, chạy sang phía tây theo bằng hữu cũ là Trương Dương, nhưng từ Duyện Châu đến Dự Châu đều là địa bàn của Tào Tháo, bọn Tang Bá, Tôn Quan, Doãn Lễ thì án binh bất động, tất cả mọi con đường đều đã tắc nghẽn cả rồi. Trời đất tuy rộng thế này, mà y không thể có một mảnh đất cắm dùi. Lã Bố thấy váng đầu hoa mắt, toàn thân run rẩy rồi đổ ụp xuống nữ tường.
Tào Tháo đứng ở phía dưới đã thấy rõ cả, huơ huơ tay ra hiệu cho mọi người lặng im, nhẹ dong ngựa ra trước hàng quân, cất tiếng gọi:
— Lã tướng quân! Lã tướng quân!
Lã Bố nghe thấy ông ta vẫn gọi mình là tướng quân, cố gắng lấy lại tinh thần nhìn xuống dưới. Dường như Tào Tháo thở phào một hơi, chậm rãi nói:
— Tướng quân chớ nản lòng, bỏ ác theo thiện vẫn còn một tia hy vọng. Tướng quân từng giết được tặc thần Đổng Trác, công chiến tên tiếm nghịch Viên Thuật, những công lao ấy đương kim thiên tử đến nay chưa quên, lão phu vẫn luôn ghi nhớ. Nay nếu đã binh bại, khốn đốn cố thủ ở tòa thành đơn độc này, chi bằng thuận ý trời ứng lòng người chủ động quy hàng là hơn!
Một lời mà khiến kẻ trong mơ bừng tỉnh, đôi mắt xanh biếc của Lã Bố chợt sáng lên, dường như nhận ra một cơ hội sống, vừa định bằng lòng, chợt lại nghe thấy sau lưng có tiếng quát cắt ngang:
— Thành có thể phá, đầu có thể chặt, nhưng thề chết không hàng Tào tặc!
Suốt từ trên thành xuống dưới thành, mọi người đều kinh ngạc, đổ dồn lại nhìn thì chỉ thấy một văn sinh trung niên áo quần xộc xệch, hình dung tiều tụy nhô ra khỏi nữ tường. Đó chính là Trần Cung!
Tào Tháo chợt nhói lòng, chắp tay nói:
— Công Đài, bấy lâu vẫn bình an chứ?
Trần Cung càng thêm phẫn nộ:
— Hừ! Lão tặc Tào Tháo vốn vô ân nghĩa. Trước kia, Viên Trọng Phủ, Biên Văn Lễ, Hoàn Văn Lâm có thù oán gì với ngươi? Vậy mà một lúc nóng giận ngươi giết hại hết cả nhà ba người ấy! Kim Nguyên Hưu bị ngươi trục xuất khỏi Duyện Châu, cuối cùng bị Viên Thuật giết hại! Khi ngươi tiến đánh Đào Khiêm, thảm sát năm thành ở Đông Hải, bây giờ còn mặt mũi nào dám nói là được lòng dân ở Từ Châu?
Vừa nãy Lã Bố bị Trần Đăng mắng cho vừa xấu hổ, vừa tức giận, giờ đây mấy câu nói của Trần Cung lại khiến Tào Tháo không có chỗ mà chui. Những việc đã làm có trốn cũng không trốn được, một ngày giết ba hiền sĩ, xua đuổi Kim Thượng, thảm sát Từ Châu, đó đều là những tội lỗi mà cả đời Tào Tháo không thể nào gột sạch. Đối diện với một người biết rõ mọi việc như Trần Cung, ông còn biết biện bạch gì đây? Trần Đăng thấy vậy vội vàng tiếp lời:
— Trần Công Đài chớ có ngông cuồng! Thế nào là dân tâm không theo? Nếu dân tâm không theo, vì sao lại có bao nhiêu tướng sĩ Từ Châu đến đây vây thành thế này?
Bỗng thấy trên thành lại có một người nhô ra:
— Câm miệng! Trần Nguyên Long, ngươi ra trước trận rồi quay giáo, hại chết vô số huynh đệ Tịnh Châu của ta, Cao Thuận ta còn sống ngày nào, thì thà cá chết lưới rách chứ quyết không đầu hàng!
— Giúp Trụ bạo ngược, tai vạ phải tự gánh chịu! - Trần Đăng lập tức phản bác châm chọc lại.
Ngươi một câu, ta một câu, hắn lại một câu, Trần Đăng với Trần Cung, Cao Thuận mắng chửi lẫn nhau không ai chịu ai. Lã Bố thân là chủ soái, nói cũng chẳng nói chen vào được, dẹp đi cũng không dẹp được, thấy tinh hình đã không còn kiểm soát được nữa, không có cách nào khác, Lã Bố chỉ còn biết than thở mà bỏ đi, vứt lại thành lâu cho bọn họ.
Mới đầu còn lời qua tiếng lại, sau Cao Thuận tức giận quá, giằng ngay lấy cung tên của quân sĩ bắn xuống. Đám thân binh vội vàng hộ vệ Tào Tháo, Trần Đăng vào trong quân. Liền sau đó, tên bắn đá lăn từ trên thành ào ào bay xuống. Tào quân ở phía dưới vừa nguyền rủa vừa bắn trả, tự nhiên cuộc chiến lại được bắt đầu.
Tào Tháo cùng các thân binh quay về phía sau, ra khỏi vòng vây, nhìn lại lầu Bạch Môn đang ầm ĩ huyên náo thì thở dài mãi không thôi. Ba người Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục cũng rời khỏi chiến trường, dong ngựa đi theo đến nơi. Trình Dục đã kinh lịch nhiều việc từ khi còn ở Duyện Châu đến nay, hiểu rất rõ mấy câu nói châm chọc của Trần Cung với Tào Tháo khi nãy, mỉm cười nói:
— Minh công bất tất phải suy nghĩ, tại hạ thấy chiến sự ở Hạ Phì hãy để cho ba quân lo liệu. Nơi này là chỗ khi xưa nhiều việc đổi thay, chúng ta hãy thả cương đi sang mé tây du lãm một chút có được chăng?
— Được thôi. - Tào Tháo lơ đãng gật gật đầu. Bốn người ngoặt đầu ngựa quay sang hướng tây, hướng về phía ngã ba sông, chỉ có Tào Thuần, Hứa Chử dẫn theo một trăm quân hổ báo kỵ đi cùng.
Tào quân lần này vây thành, các lộ binh mã tập hợp, doanh trại dựng suốt mấy dặm. Bốn người dẫn đội ngũ lần lượt đi qua các doanh, mỗi khi qua một trại, đều có tướng lĩnh coi giữ chạy ra nghênh đón. Tào Tháo cũng không nói gì, chỉ đưa tay ra hiệu cho bọn họ đứng lên, rồi tiếp tục đi về phía tây. Thấy đã ra đến vòng vây ngoài cùng, chính là trại của Lưu Bị, Quan Vũ dẫn theo thân binh ra cửa trại thi lễ tiễn chân.
Tào Tháo vừa thấy Quan Vũ với bộ râu năm chòm, uy phong lẫm liệt, trong lòng cảm thấy rất được an ủi, liền cất lời nói:
— Vân Trường hãy mau đứng dậy.
Quan Vũ tay đỡ chòm râu, đứng dậy:
— Minh công thật vất vả!
— Các tướng quân mới thật sự là vất vả. Đợi đến khi về triều, ta nhất định sẽ khao thưởng ba quân.
Quan Vũ cúi thấp đầu, ấp úng nói:
— Hy vọng minh công không quên chuyên của Tần Nghi Lộc.
— À? - Tào Tháo giật mình, rồi lập tức cười vang ha hả, - Việc ấy lão phu nhớ rồi.
Thấy Quan Vũ có vẻ thẹn thùng, trước mặt mọi người Tào Tháo cũng không tiện nói thêm gì, chỉ dẫn bọn Trình Dục đi tiếp. Đây đã là lần thứ hai nhắc lại chuyện này rồi, trong lòng Tào Tháo lấy làm lạ, Quan Vân Trường là nam tử hán ở Quan Tây cứng rắn sắt đá, sao lại có thể siêu lòng trước Đỗ thị ấy như thế? Nghĩ đến đó, ông hạ quyết tâm, sau này nhất định phải gặp người con gái cầm mũ điêu thiền ấy trước!
Rời khỏi đại doanh, mọi người ngẩng đầu quan sát. Khi ấy đã gần giữa đông, làm gì có phong cảnh gì đẹp mà xem? Không còn thấy di tích nào của Bá vương Hạng Vũ hùng võ khi xưa, không còn thấy chút tàn dư nào của Hàn Tín trí dũng tiêu sái, không còn thấy cỏ cây hoa lá tranh nhau đua nở, cũng không thấy dân chúng trăm họ đi lại làm ăn. Chỉ thấy đầy trời mây mù u ám, ánh nắng không xuyên qua nổi, đồng hoang vắng lạnh bốn phía tiêu điều, khắp nơi chỉ có cỏ tranh khô úa vì sương thu lạnh buốt, bị gió tây thổi run rẩy lắt lay, sông Tứ, sông Kỳ ào ào cuộn chảy, bên sông những cây cổ thụ cành khô khù khoằm trơ trụi. Nỗi buồn trong lòng Tào Tháo lại dâng trào từng đợt.
Trình Dục vẫn tràn trề hứng thú, chỉ tay về một cây cầu đá cổ kính xa xa trên sông Tứ nói:
— Minh công tinh thông binh pháp, biên soạn cuốn Binh pháp tiết yếu, có biết chỗ này là nơi nào không?
— Ồ? - Tào Tháo giật mình, nhìn ngắm thật kỹ dòng sông và cây cầu đá trước mặt, nhưng vẫn lắc lắc đầu.
Trình Dục cười nói:
— Đây là Tứ Thủy kiều đó!
Vừa nghe thấy vậy, Tào Tháo cũng cười vang:
— Hóa ra là chỗ Lưu hầu gặp Hoàng Thạch công đây!
Lưu hầu tức là Trương Lương, vị danh thần khai quốc của Đại Hán. Ông ta vốn là di thần của nước Hàn, một trong thất hùng, thuở trẻ đã có chí lật đổ nhà Tần, phục hưng nước Hàn, do đó đã kết giao với lực sĩ Thương Hải Quân, hành thích Tần vương Doanh Chính ở Bác Lãng Sa. Không ngờ việc hành thích thất bại, Thương Hải Quân bị bắt, Trương Lương thì chạy trốn đến Hạ Phì. Truyền thuyết kể rằng khi ông đi qua cầu Tứ Thủy thì gặp một ông lão ngồi câu trên cầu. Vừa lúc ấy ông lão bị rơi giày xuống sống, bèn gọi Trương Lương nhờ lội xuống sông mò giúp, ngôn ngữ khắc bạc rất không lịch sự. Nhưng Trương Lương nghĩ ông lão tuổi tác đã cao, liền nhảy xuống sông vớt giày cho ông ấy. Không ngờ, ông già lại bảo Trương Lương tự tay xỏ giày cho mình, Trương Lương cũng không phản ứng, chỉ một mực làm theo. Ông lão bèn nói: “Tên nhóc này có thể dạy được đây!” Rồi bảo năm ngày sau lại đến đây, sẽ có sách hay đem cho. Năm ngày sau, Trương Lương lại đến, nhưng ông lão lại không đưa cho, bảo lui lại năm ngày nữa. Như vậy ba lần, ông lão mới đem cho ba cuốn binh thư. Trương Lương đọc sách ấy xong, trở nên vô cùng mưu trí, phò tá Cao tổ Lưu Bang bình định thiên hạ. Ông lão ấy chính là Hoàng Thạch Công, ba cuốn binh thư ông lão trao cho Trương Lương chính là bộ sách Tam lược.
Quách Gia góp lời nói:
— Đã là nơi Trương Tử Phòng được sách, chúng ta hãy lên đó xem xem.
Tào Tháo gật đầu bằng lòng, ba người xuống ngựa rảo bước đi lên cây cầu nhỏ. Chỉ thấy bốn bề vắng lặng, thạch kiều tàn phá, gió bắc từng cơn, sông Tứ cuồn cuộn, thấy không tìm thấy một dấu tích nào của bậc tiên hiền. Tào Tháo thở dài một tiếng:
— Ta thấy dân gian truyền ngôn chưa hẳn đã là thực vậy.
Cùng một cảnh trí ấy, nhưng trong mắt những người khác nhau, lại có những hàm nghĩa khác nhau.
Tào Mạnh Đức tay vịn thạch kiều, không thôi than thở, thời gian cứ qua đi như nước sông chảy vậy, chớp mắt tuổi bốn nhăm đã đến, sự nghiệp mình phấn đấu vẫn mờ mịt như vậy! Nỗi khốn khổ của thương sinh vạn vật trong thế gian biết bao giờ mới hết? Quay đầu nhìn lại thành Hạ Phì, thành trì kiên cố thế này, ngày nào mới có thể phá được? Viên Thiệu ở Hà Bắc thì như hổ đói, đang mài dao xoèn xoẹt!
Trình Trọng Đức nhìn dòng nước chảy, mà sóng cuồn cuộn trong lòng, hoài bão tráng sĩ lay động tâm can. Sống trong đời loạn hãy nên dựng công lập nghiệp, ngày sau nêu tên trong thanh sử, biên chép ở Lan Đài, để lại uy danh cho hậu thế. Quay đầu lại nhìn thành Hạ Phì, quả nhiên là chốn sa trường long tranh hổ đấu!
Tuân Công Đạt ánh mắt nhàn nhã, suy tư u buồn. Nhớ thuở xưa Trương Tử Phòng vốn muốn phục hưng nước Hàn, nhưng rốt cuộc kẻ lên ngôi hoàng đế lại là anh chàng Lưu Quý! Nghĩ đến triều đình hiện nay, bản thân mình là bề tôi nhà Hán, dù có vất vả cả đời, đại công lập nên, nhưng cũng không biết sau này sẽ ngồi ở triều đường là họ Lưu hay họ Tào đây? Nhìn lại thành Hạ Phì, đó vốn là đô thành của Sở vương Hàn Tín, Hàn Tín kia lập được công lao cái thế, nhưng rốt cuộc lại phải bỏ mạng dưới lưỡi đao của Lã Hậu ở Vị Ương cung!
Quách Phụng Hiếu kéo chặt vạt áo, thầm tự nguyền rủa, gió bắc lạnh căm trời băng đất giá. Ba lão già kia rảnh rỗi không có việc gì lại mua việc vào thân, chẳng bằng về trong doanh nghiên cứu chiến sự mà bàn thảo cho hay. Ngoảnh đầu nhìn lại thành Hạ Phì, không biết Trần Cung, Cao Thuận vì sao vẫn còn chưa hàng?
Bốn người ai cũng có suy nghĩ của riêng mình, đứng lặng hồi lâu, cuối cùng vẫn là Tào Tháo nói trước:
— Trọng Đức, ngươi sinh hạ được mấy người con?
Trình Dục giật mình, không biết vì sao ông ấy lại nghĩ đến chuyện ấy mà hỏi, cười đáp:
— Tại hạ bất tài, chỉ có một khuyển tử là Trình Vũ.
— Sinh con thì có gì mà tài với bất tài chứ? - Tào Tháo xua xua tay. Tuy nói vậy nhưng trong lòng ông đã có tính toán, ông với Trình Dục tuổi tác tương đương, Trình Dục chỉ có một con trai, còn Tào Tháo trừ Tào Chân, Tào Bân, Hà Yến không tính, hiện giờ dưới gối còn có năm con trai: Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực, Tào Huyền, Tào Xung. gần đây nhất, tiểu thiếp là Châu thị mới nạp thêm ở Uyển Thành cũng lại đã có mang, trước lúc xuất chinh, Tào Tháo từng dặn dò, nếu sinh con trai hãy đặt tên là Tào Quân. Tuổi bốn mươi lăm, nam chinh bắc chiến vẫn còn có thể sinh con đẻ cái, điều ấy cho thấy sức khỏe của ông cũng còn rất tráng kiện vậy!
Tào Tháo cảm nhận được niềm an ủi, nhìn thành Hạ Phì sang sảng nói:
— Sách Tam lược của Hoàng Thạch Công có nói: “Chưa thấy đầu mối, người ta chưa thể biết được; Thiên địa quỷ thần, khác xa với vạn vật; Biến động vô thường, nhân địch mà chuyển hóa; Không làm trước sự việc, thấy động mà theo”. Thế gian có ai đạt tới được cảnh giới như vậy? - Ông nhẩm đi nhẩm lại câu “Không làm trước sự việc, thấy động mà theo... Không làm trước sự việc, thấy động mà theo...” Bỗng nhiên, vẻ mặt như không còn cách nào khác, quay lại nhìn ba người kia nói, - Ta thấy thế quân của Lã Bố đã suy yếu, chắc hẳn không có sức gây hại nữa. Thành Hạ Phì vững chắc khó mà công phá, chi bằng hãy tạm đem quân về triều thôi.
— Chúa công không thể vội vàng thu quân. - Tuân Du tỏ ý phản đối, - Lã Bố hữu dũng vô mưu, nay ba lần đánh đều thua, nhuệ khí đã suy rồi. Ba quân lấy tướng làm chủ, chủ suy thì quân không còn phấn chấn được. Còn Trần Cung có trí nhưng chậm chạp, nay nhân khi Bố chưa hồi phục được chí khí, Cung chưa định được mưu kế, nên mau chóng tấn công, có thể phá được Bố vậy! Nếu chúa công định thu quân, ấy là để di họa về sau, nay đã có Trương Tú, Viên Thuật là hai cánh quân cùng đường, nếu lại để thêm Lã Bố, tuy chúng đều đã cạn kiệt đến cùng, nhưng ba nơi mà hợp lại có thể thành con hổ dữ vậy!
Đạo lý rõ ràng về quân sự ấy, Tào Tháo tất nhiên biết rõ, nhưng hiện giờ điều ông lo ngại chính là Viên Thiệu sau khi hạ được thành Dịch Kinh sẽ tiến xuống phía nam, nếu ông bị giữ chân lại ở Hạ Phì nửa năm một năm mà không thoát được ra, thì Hứa Đô sẽ vô cùng nguy hiểm. Tuân Du đã hiểu thấu tâm tư Tào Tháo, đưa tay vuốt râu nói:
— Tại hạ hiểu tâm tư của chúa công, nhưng theo ý tại hạ, Hạ Phì cũng không khó phá.
— Ồ? Quân sư có diệu kế gì?
Tuân Du đưa tay chỉ xuống dưới cầu:
— Phép phá địch chính ở dưới chân chúng ta đấy.
Quách Gia là người đầu tiên thốt lên:
— Dẫn nước vào thành.
— Tuyệt diệu! Có hai dòng sông lớn Tứ Thủy, Kỳ Thủy này, nào có kém chi mười vạn hùng binh. - Tào Tháo vỗ đen đét lên trán, - Tử Hòa, mau chóng truyền lệnh, cho quân sĩ đào hào dẫn nước, nhấn chìm thành Hạ Phì!
— Dạ. - Tào Thuần ở dưới cầu vâng một tiếng, tức khắc phi ngựa chạy đi.
Quách Gia thấy Tào Tháo hạ quyết định, vội vàng nói tiếp:
— Tin vui ở Hứa Đô liệt vị đã nghe nói hay chưa? Lý Thôi, Quách Dĩ đi đời rồi! - Thượng thư Bộc xạ Bùi Mậu cầm cờ tiết mao vào ải, Đoàn Ổi làm tiên phong công phá Trường An, giết chết Lý Thôi cùng bọn đồng đảng là Lý Ưng, Lý Biệt, Lý Tiêm. Quách Dĩ may mắn chạy trốn được, lại bị bộ tướng của mình là Ngũ Tập chém chết.
— Ờ. - Tuân Du liên tục gật đầu, - Chỉ trong vài ngày, thủ cấp của hai tên tặc tử ấy sẽ được đưa về Hứa Đô. Ngoài ra lần này, người lập công lớn nhất là Đoàn Ổi đã chủ động xin được vào triều tấn kiến, ông ta có thể mở đầu cho việc chư tướng ở Quan Trung quy thuận triều đình vậy!
Tào Tháo vô cùng xúc động:
— Chỉ cần quy thuận triều đình, thì cần chi phải so đo xét nét nữa chứ? Ta có ý sai người đi trước đến vùng ven biển, du thuyết bọn hào cường ở hai châu Thanh, Từ là Tang Bá, Tôn Quan, Ngô Đôn, Doãn Lễ quy thuận, vẫn cho bọn chúng thống lĩnh đất cũ. Quan trọng là không làm loạn thôi, còn lại cho bọn chúng chỉ nghe theo mệnh lệnh, không cần phải đến triều! - Đó là kế quyền nghi, trước mắt nguy cơ lớn nhất của ông chính là Viên Thiệu, chỉ cần phá được Hạ Phì, sẽ lập tức chuẩn bị sẵn sàng để đánh nhau với Hà Bắc, không có thời gian so đo mấy tấc đất với đám thổ hào ấy làm gì.
Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục đều hiểu rõ, đồng thanh nói:
— Minh công khoan hồng!
Tào Tháo quay người lại, nhìn về phía bắc. “Viên Bản Sơ, cuộc chiến của ông ở Dịch Kinh có được thuận lợi không? Còn ta đã có kế phá Hạ Phì rồi. Ta đang mở to mắt ra để nhìn ông từ một bề tôi của xã tắc biến thành một bá chủ ở Hà Bắc rồi, tình bằng hữu hai mươi năm cho đến hôm nay ra nông nỗi này, thật buồn thay! Đau thay! Hận thay! Tuy binh lực của ta còn xa mới được như ông, nhưng ta sẽ phải nhanh trước một bước! Quân mặc giáp của ông ở Hà Bắc không dưới mười vạn, còn ta gom bên đông, nhặt bên tây cũng chưa đầy ba bốn vạn người. Nhưng sau lưng ta còn có thiên tử, còn có chính nghĩa, còn có trăm họ! Ta sẽ dựa vào chính nghĩa để cổ vũ sĩ khí, liều mình với mười vạn đại quân của ông! Để xem xem bốn đời tam công của ông là ghê gớm, hay giống xấu xa của hoạn quan là ta sẽ thắng! Lão bằng hữu, ta đợi ông đấy”. Tào Mạnh Đức đứng sững hiên ngang trên đầu cầu Tứ Thủy, mặc cho gió bắc lạnh buốt táp thẳng vào mặt, ông vẫn nắm chắc chuôi gươm lặng im bất động!
Không chỉ song phương
Trong khi Tào Tháo truyền lệnh nhấn chìm Hạ Phì, ông không hề biết rằng, cuộc chiến công thành ở Dịch Kinh cũng đã đến thời khắc then chốt.
Viên Thiệu tập kết quân đội bốn châu ở Hà Bắc, vây chặt thành lũy ở Dịch Kinh đến mưa không lọt gió không qua, đồng thời ở phía nam dựng đài cao tới một trượng. Viên Thiệu mình mặc giáp trụ đích thân ngồi trấn để chỉ huy, nhưng dù ngồi trên đài cao, từ xa nhìn lại thì quần thể kiến trúc đáng sợ ấy cũng vẫn khiến người ta phải hoa mày chóng mặt.
Từ khi Đổng Trác còn làm loạn trong triều, thì đám trẻ con ở U Châu đã lưu truyền một bài đồng dao rằng: “Phía nam Yên, phía bắc Triệu; Chính giữa đá mài nhỏ bằng tẹo; Lánh đời chốn ấy riêng một nẻo”. Nghĩ lại, thời Chiến Quốc hai nước Yên, Triệu từng lấy sông Dịch làm biên giới. Công Tôn Toản theo lời sấm mà tìm, cuối cùng ở bốn dặm trên thượng du sông Dịch tìm được một đỉnh núi lớn bằng phẳng. Vì vậy bèn sai tên khốc lại dưới trướng là Quan Tĩnh bắt ép dân phu các quận ở Ngư Dương, dùng roi da và gậy gỗ uy hiếp dân chúng vô tội, xây dựng lên tòa pháo đài Dịch Kinh.
Thành Dịch Kinh rộng sáu dặm, tường thành cao tới sáu bảy trượng, dùng đá tảng mà xây, bên trên bố trí cung khỏe nỏ cứng, gỗ khúc đá lân, lúc nào cũng có vệ binh canh giữ. Phía ngoài tường thành đào mấy chục lớp hào sâu, giữa các lớp hào lại có chông chà chặn lối, đá lăn đột môn ngăn chặn những nơi xung yếu, quân canh giữ dưới sự yểm hộ có thể xông ra trấn giữ, còn bên tấn công thì khó có thể tiến vào được một bước.
Dù có đánh tới được dưới thành, thì phiền phức hơn cả vẫn là ở trước mặt. Mặc Tử có nói: “Sửa sang cửa thành, trăm bước có một lầu nhỏ, hai trăm bước có một lầu lớn”. Công Tôn Toản đã thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo chiến pháp của tiên hiền, trong thành cho dựng mấy trăm tiễn lâu lớn nhỏ, bất kể là từ hướng nào tiến lại gần thành trì, cũng đều có thể khiến kẻ địch phải chịu loạn tiễn xuyên thân. Còn ông ta và thê thiếp của mình sống trong tòa lầu chính còn cao tới hơn mười trượng, tường bằng đá hộc, cửa bằng sắt đúc, bên trong cất trữ lương thảo đến ba trăm vạn hộc, đủ để có thể cố thủ giữ thành mấy năm.
Thành trì kiên cố, dễ dàng nhất là phải công phá từ bên trong, cho nên Công Tôn Toản đặc biệt chú ý đến sự an toàn cho mình. Nếu không có việc quân trọng yếu, ông ta tuyệt không ra khỏi lầu một bước. Cửa sắt im ỉm đóng chặt, trong ngoài đều có võ sĩ tấm phúc bảo vệ, phàm có quân báo cũng không được mở cửa giao nhận, mà đều dùng dây buộc, giỏ kéo để đưa lên. Ngoài ra Công Tôn Toản còn đặc biệt huấn luyện một nhóm bộc phụ có giọng vang lớn, mỗi khi có việc muốn tuyên bố quân lệnh với tướng sĩ, lại cho bọn họ đứng trên lầu cao mười trượng kêu gào truyền đạt. Sắp xếp như thế, có thể nói là vô cùng chu đáo, đại binh vây thành cũng khó hạ được.
Lúc này Viên Thiệu đang ngồi nghiêm trên soái đài, bốn vị mưu sĩ Thẩm Phối, Quách Đồ, Điền Phong, Thư Thụ hầu cận hai bên, dưới đài quân xích hầu qua lại liên tục như nước chảy. Đã giao chiến liên tục hơn hai tháng rồi, chưa nói đến chuyện công phá thành trì, ngay cả mấy lớp hào cừ cũng vẫn chưa đột phá qua được, số quân sĩ bị chết đã gần như có thể lấp đầy vòng hào ở ngoài cùng rồi. Viên Thiệu lòng như lửa đốt, nhưng vẫn gắng sức nghiêm trang không nổi giận.
Khi ấy, Thuần Vu Quỳnh dong ngựa từ chỗ quân địch trở lại, chưa đến gần nơi đã rời yên xuống ngựa, vội vàng bước dài tới trước soái đài quỳ xuống:
— Khải bẩm đại tướng quân, có quân do thám đến báo, con trai của Công Tôn Toản đã đến Hắc Sơn, Trương Yên đã chiêu tập tất cả quân mã đến cứu viện Dịch Kinh! - Từ lâu Thuần Vu Quỳnh đã không còn cùng ngồi ngang hàng với Viên Thiệu như đám Tây Viên hiệu úy nữa rồi, mà trở thành bộ tướng dưới trướng Viên Thiệu.
— Đám ô hợp ấy thì làm được gì! - Viên Thiệu nở một nụ cười rồi thôi, - Mau điều Cao Lãm, Trương Cáp dẫn quân sang phía tây, đánh bật lũ giặc thối tha ấy quay trở lại Hắc Sơn cho ta!
— Dạ! – Thuần Vu Quỳnh nhận mệnh đi ra.
Tổng giám ba quân Thư Thụ đứng bên Viên Thiệu bước ra một bước thi lễ nói:
— Hai tướng lần này đi tất có thể thắng được! Nhưng chỗ này đã liên tục đánh mạnh mấy tháng liền, tướng sĩ đều đã mệt mỏi, không thể lại đánh thế này được.
Viên Thiệu chau mày, lộ rõ vẻ mệt mỏi:
— Vậy làm thế nào? Không trừ được mầm họa Công Tôn Toản này, thì chiến loạn ở U Châu vĩnh viễn không thể kết thúc. Các ông còn có cách nào khác không?
Điền Phong nãy giờ vẫn đứng bên cạnh Thư Thụ lặng im không nói. Vì Viên Thiệu không nghe theo chiến lược của ông ta đánh úp Hứa Đô nên trong lòng vẫn ôm tâm trạng không vui, vì vậy mấy ngày nay không đưa ra một ý kiến nào cả. Nhưng lúc này thấy Viên Thiệu buồn bực không vui, ông ta không nhịn nổi nữa bèn cất lời:
— Trước đây Đổng Trác xây My Ổ, tự cho rằng có thể cố thủ để đợi thiên hạ an định, nhưng cuối cùng chẳng phải lại vì sơ sẩy nhất thời mà phải chết ở Trường An ư? Có thể thấy là cốt yếu ở đức chứ không ở sức. Công Tôn Toản bạo ngược không thôi, tàn hại lê dân, khiến dân ở Hà Bắc chẳng ai không oán hận. Chúng ta nếu dụng binh chưa hạ được, chẳng bằng hãy đem quân trở về, tu sửa đức nhân vỗ về trăm họ, nếu được nhân tâm, thì thiên hạ tất quy phục, đến khi ấy chẳng cần động can qua đánh thành, Công Tôn Toản cũng bị bách tính cô lập, tất sẽ cùng đường mạt lộ tan tác mà tự kết liễu vậy.
Viên Thiệu cười nhăn nhó:
— Câu nói của Nguyên Hạo cũng rất có lý, nhưng như vậy thì cần bao nhiêu thời gian đây? Ba năm, năm năm, hay là tám năm, mười năm? Còn phải để cho Công Tôn Toản tiếp tục thoi thóp hơi tàn lâu như vậy ư? - Vừa nói, ông ta vừa nâng chòm râu đốm bạc trước ngực, - Ta không muốn phải đợi lâu như vậy! - Cũng có thể bởi tuổi đã ngũ tuần, nên những ngày này Viên Thiệu cảm thấy tinh thần không còn được như trước kia nữa. Diệt được Công Tôn Toản tất nhiên sẽ có thể thống nhất Hà Bắc, nhưng những ngày sau đó còn rất dài, ông hy vọng mình ngay trong khi còn sinh tiền có thể thống nhất được Hoa Hạ, không thể để lỡ thời gian được.
Điền Phong thấy đề nghị của mình lại bị phản bác, khuyên bảo:
— Xin thứ tội cho tại hạ nói thẳng, đại tướng quân nóng vội muốn diệt Công Tôn Toản, há không nghe câu “dục tốc bất đạt” ư? Dù có thể thành đại công, chỉ e là sĩ tốt mệt mỏi, không còn sai khiến được nữa, trăm họ cũng sẽ oán thán.
— Những câu vô ích như vậy không cần phải nói nữa! - Viên Thiệu rất không vui lòng, khẩu khí lạnh nhạt, - Nếu không diệt được Công Tôn Toản, tất sẽ luôn bị quấy rối sau lưng, làm sao có thể qua sông xuống phía nam để tiêu diệt Tào Tháo đây? - Ngừng lại giây lát, cảm thấy câu đó nói ra có vẻ không đàng hoàng, ông ta lại nói thêm, - Đương kim thiên tử bị Tào Tháo khống chế, nếu không nghĩ cách cứu ra, thì kẻ làm thần tử sao có thể yên lòng được?
Ông ta lên giọng to tát như vậy, còn ai có thể phản bác đây? Quách Đồ vốn rất nghiêm túc, đột nhiên bước ra nói:
— Về việc công thành, tại hạ có một ngu kiến thế này.
— Ồ? - Viên Thiệu giật mình, - Cứ nói không ngại.
— Bốn phía xung quanh Dịch Kinh, địa thế khá thấp, chúng ta có thể đào mấy đường hầm ngầm, từ dưới đất đánh vào trong thành được chăng?
— Dưới đất... Dưới đất... - Viên Thiệu suy nghĩ hồi lâu, - Nhưng mấy con hào kia, sao có thể đào qua được đây?
— Khi đào đến hào cừ, chúng ta sẽ từ dưới đất lấp bằng nó, kẻ địch ở trên sẽ không thấy được. - Quách Đồ chỉ về phía trước giải thích, - Chỉ cần đào địa đạo vào tới trong thành Dịch Kinh, thì dù cho quân sĩ không thể từ trong đánh ra, cũng có thể làm cho nền đất rung động, khiến những lầu tên ấy phải đổ sụp tổn hại. Chúng ta vẫn có thể từ bốn phương tám hướng cùng lúc hạ thủ, vừa đào vừa dùng cột gỗ chống, làm cho nền móng toàn bộ thành Dịch Kinh như dựng trên không, sau đó đồng loạt chặt đứt tất cả các cột gỗ, thì tòa thành trì này nhất định sẽ đi đời!
— Cách này đúng là ngu ngốc không còn gì ngu ngốc hơn! - Thư Thụ châm chọc nói, - Phải động thủ từ cách xa mấy dặm phía ngoài, lại còn phải lấp bằng hào cừ, dựng trụ gỗ lên, toàn bộ công trình làm được xong vừa mất thời gian, tốn sức lực. Đào một đường đã đủ phiền phức rồi, nếu lại từ bốn phương tám hướng đồng thời ra tay, há chẳng phải khiến ba quân tướng sĩ mệt mỏi kiệt sức ư?
Quách Đồ cũng không tranh biện với Thư Thụ nữa, lặng im quay sang nhìn một vòng mọi người nói:
— Kế này tuy vụng, nhưng trước mắt còn có cách nào hơn thế nữa?
Một câu hỏi mà khiến mọi người đều im bặt. Viên Thiệu không ngừng suy nghĩ: ”Phải rồi, cách ấy tuy kém vụng, nhưng thực sự cũng không còn cách nào khác để thử nữa. Tuy mất thời gian sức lực, nhưng còn bớt hao binh tổn tướng hơn nhiều so với cách cố sức công phá. Quan trọng nhất là, chỉ có tiêu diệt được Công Tôn Toản, mới có dư lực để tiêu diệt mối đại họa trong lòng là Tào Tháo, bất luận khổ sở mệt nhọc thế nào, cũng phải san bằng tòa thành trì này!” Nghĩ đến đó, Viên Thiệu nghiến răng, đứng vụt dậy, vung tay quyết định, nói:
— Cứ theo kế của Công Tắc! Gọi Nhan Lương, Văn Xú lập tức dẫn quân thị sát, chọn được chỗ tốt nhất rồi, nhanh chóng đào cho ta! Tất cả quân sĩ sẽ luân phiên đào, cần phải tranh thủ để hạ được thành trong thời gian ngắn nhất! Báo cho tất cả mọi người, không được bẩm báo lên ta những khó khăn của chúng, ta không nghe kêu ca, không tiếc mọi giá! Chỉ cần thành Dịch Kinh này thôi!
— Dạ! - Quách Đồ nhận mệnh đi xuống đài.
Điền Phong, Thư Thụ thấy ông ta cố chấp như vậy, không ngăn được chau mày. Quân sư Thẩm Phối bước ra hỏi:
— Đại tướng quân, sau khi công phá Dịch Kinh, những cựu tướng của U Châu như Diêm Nhu, Tiên Vu Phụ sẽ phải làm sao?
Viên Thiệu trợn mắt lên nghĩ ngợi, rồi bỗng cười to:
— Phải làm sao? Trước đây thế nào thì giờ cứ như thế! Kẻ vì đại sự đừng quan tâm đến tiểu tiết, chẳng phải chỉ là mấy huyện của U Châu thôi ư, tiếp tục cho bọn họ đồn trú, chỉ cần bọn họ không làm loạn, sẽ cho bọn họ chỉ nghe theo mệnh lệnh, không cần phải đến triều. - Viên Bản Sơ, Tào Mạnh Đức có thể nói là tâm ý tương thông, vì quyết chiến ngày sau, mà ngay đến chuyện xử trí các thế lực tiểu cát cứ ở địa phương thái độ cũng hệt như nhau vậy!
Nói xong câu ấy, Viên Thiệu quay người, nhìn về phía nam xa xôi dằng dặc. “Tào Mạnh Đức, bằng hữu khi xưa, hôm nay lại là đối thủ oan gia, ta đã định được kế đánh phá Dịch Kinh rồi, ông ở phía Hạ Phì thế nào rồi? Mười năm trời ngắn ngủi này, ta đã chính mắt trông thấy sự trỗi dậy của ông. Trông thấy ông từ một bộ tướng không có mảnh đất cắm dùi trong đại quân thảo Đổng trở thành chủ tể trong triều đình, ông đích thị là chướng ngại lớn nhất trên con đường thống nhất thiên hạ của ta! Cho nên ta không đợi thêm được nữa, chúng ta tất phải có một trận quyết chiến sớm! Nói đến tài dụng binh, ta tự nhận là không bằng ông; trong chuyện nghênh đón thiên tử, lại để ông tranh trước một bước. Nhưng không sao, ta sẽ dùng hết nghị lực của ta kiêm tính bốn châu Ký, Thanh, U, Tịnh, quân mặc giáp chẳng dưới mười vạn, lực lượng còn mạnh hơn ông nhiều! Lão bằng hữu, ông có chí hướng của ông, ta cũng có chí hướng của ta, cũng không thể rạch ròi được ai đúng ai sai, đại sự trước mắt, tình nghĩa ngày xưa chỉ có thể nén đau cắt bỏ thôi. Ông hãy đợi ít lâu, ta sẽ tới thôi.” Viên Bản Sơ đứng sững trên soái đài, nhìn binh sĩ đông đảo như đàn kiến ở phía dưới, đang sắp hàng đi qua như nước chảy không ngừng, khuôn mặt nghiêm trang ngạo nghễ, không lộ một vẻ gì!
Mùa đông năm Kiến An thứ ba (năm 198), Viên Thiệu vây khốn Công Tôn Toản ở Dịch Kinh, Tào Tháo vây khốn Lã Bố ở Hạ Phì, hai trận chiến đánh thành đều bước vào giai đoạn cuối cùng. Tào Tháo và Viên Thiệu tuy cách xa nhau mấy ngàn dặm, nhưng lòng như có linh thông, đều coi đối phương là mục tiêu tiếp theo của mình, ai có thể đi trước một bước tiêu diệt kẻ địch trước mắt, thì người ấy sẽ có thể ra tay trước nhằm chiếm ưu thế trong trận quyết chiến tiếp theo.
Một trận đại chiến kinh tâm động phách đã bắt đầu mở màn, ở vùng lưu vực Hoàng Hà rộng lớn phía Bắc...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 5 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 5 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 5