Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 36
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 61
ễ Hành đánh trống mắng chửi Tào Tháo
Đánh trống mắng Tào
Tháng Ba năm Kiến An thứ ba (năm 198), ba bản tấu chương từ Hà Bắc, Quan Trung, Từ Châu đồng thời được đệ đến nước mặt Tư không Tào Tháo và quân sư Tuân Du.
Công Tôn Toản ở Hà Bắc lại lần nữa bị bại dưới tay Viên Thiệu, tiếng xấu Toản giết hại U Châu mục Lưu Ngu trước đây cũng ngày càng lan rộng. Sinh tiền Lưu Ngu luôn giữ chính sách mềm mỏng với các dân tộc thiểu số ở Đông Bắc, vì vậy các bộ lạc đều đội ân đức của ông ta, cùng suy tôn dũng sĩ ở Yên Quốc là Diêm Nhu làm Ô Hoàn tư mã, tập hợp mấy vạn nghĩa quân người Hán, Ô Hoàn, Tiên Ti, phối hợp với Viên Thiệu cùng hành động. Bộ tướng cũ ở U Châu là bọn Kỵ đô úy Tiên Vu Ngân, Tòng sự Tiên Vu Phụ, Tề Châu, cũng lũ lượt cử binh hưởng ứng, đuổi hết đám quan viên mà Công Tôn Toản nhận mệnh. Công Tôn Toản một mặt tập kết binh mã, lui về pháo đài Dịch Kinh đã xây dựng trước đây, mặt khác chủ động liên lạc với Trương Yên - thủ lĩnh quân Hắc Sơn. Viên Thiệu và các bộ tướng cũ ở U Châu cùng bắt tay chống lại liên minh của Công Tôn Toản và Hắc Sơn - chiến sự ở Hà Bắc đã đến giờ khắc quyết chiến.
Mặt khác, sau khi Yết giả bộc xạ Bùi Mậu cầm cờ tiết vào ải, chư tướng ở Quan Trung mà đứng đầu là Đoàn Ổi, Vương Ấp lũ lượt hưởng ứng, lại thêm có sự điều động của Chung Do, binh mã các lộ đã hình thành một thế trận bao vây Trường An. Lý Thôi, Quách Dĩ lương thảo thiếu thốn, quân sĩ ly tán, bị vây khốn đến mức không thể duy trì được - những ngày cuối của hai tên đầu sỏ làm loạn quốc ấy đã không còn lâu dài nữa.
Cùng lúc ấy, Trần Đăng đến Quảng Lăng nhận chức đã thể hiện tài năng, trưng dụng các danh sĩ Từ Tuyên, Trần Kiều, khai khẩn ruộng hoang, gia ơn bách tính, tiến tới kiêm dụng cả hai phép khoan dung và nghiêm khắc, đao không phải dính máu mà khiến tên đầu sỏ là Tiết Châu dẫn hơn vạn quân giặc giải giáp quy hàng, thế lực quân sự ở Quảng Lăng được chấn hưng lớn mạnh. Còn Lưu Bị ngồi trấn ở Tiểu Bái cũng tranh thủ thời gian tăng binh trữ lương, chiêu dụ bộ hạ của Lã Bố - đến lúc ấy, Lã Bố vốn tự cho mình là được triều đình tín nhiệm mà không hề hay biết đã bị vây khốn từ khi nào.
Cẩn thận xem xong bản tấu, Tào Tháo cảm thấy rất vừa ý, sự việc các nơi đều không khác là bao so với dự liệu từ trước. Ông để ba bản tấu lên bàn, đi đi lại lại mấy vòng xung quanh, suy nghĩ tính toán thật kỹ cho bước tiếp theo. Tuân Du ngồi yên một bên không nói không rằng, nhìn chăm chăm vào mấy bản tấu. Rất lâu sau, Tào Tháo mới dừng bước, chậm rãi nói:
— Viên Thiệu tuy mạnh cũng không thoát thân được, chư tướng ở Quan Trung đang hướng quân về Trường An, tên xuẩn tài Lã Bố đã bị khống chế, Viên Thuật bạo ngược rơi vào cảnh cùng quẫn, hiện nay không còn ai có thể để tâm tới chúng ta được. Ta muốn nhân cơ hội này, diệt trừ Trương Tú để dứt hẳn hậu họa về sau, không biết Công Đạt nghĩ thế nào? - Vốn ban đầu Tào Tháo chỉ coi Trương Tú như cỏ rác, bây giờ lại xem như con hổ đang nằm ẩn mình. Tên tiểu tặc có địa bàn chưa bằng một quận, vậy mà hai lần chinh thảo vẫn chưa diệt được, lại còn làm hại chết một người con, một đứa cháu và một viên hổ tướng của Tào Tháo, điều ấy đã khiến Tào Tháo lâu nay lòng dạ bất an. Tuân Du lại không cho là vậy, lắc đầu nói:
— Theo ý tại hạ, không thể đánh Trương Tú nữa.
— Sao? - Tào Tháo cảm thấy rất bất ngờ trước câu trả lời của Tuân Du.
Tuân Du hai mắt sáng ngời, chăm chú nhìn bản tấu trên bàn, giải thích:
— Trương Tú và Lưu Biểu dựa vào nhau cùng mạnh, trong khi Tú lại lấy quân du kích, chờ đợi lương thảo từ chỗ Biểu. Nếu Lưu Biểu không cung cấp lương thảo cho Tú, binh mã của Trương Tú tự nhiên sẽ ly tán. Chi bằng chúng ta hãy hoãn binh ngồi đợi, ngày tháng lâu dài, tất có thể khiến Trương Tú khốn cùng mà hàng. Bây giờ nếu nóng vội xuất binh đánh, Trương Tú, Lưu Biểu bị tình thế bức bách, lại lần nữa liên kết với nhau, khi ấy chúng ta chưa chắc đã thắng được.
Tào Tháo xua xua tay:
— Thế cục ở Trung Nguyên thay đổi rồi, Lưu Biểu sẽ không giúp Trương Tú thêm nữa. Nay ta đã gây dựng lại quan hệ tốt đẹp với Kinh Châu, khi trước ta tha cho Đặng Tế về, Lưu Biểu cũng thả Triệu Kỳ về triều, tình thế như vậy thật là hiếm có. Lưu Biểu rất coi trọng danh tiết của triều đình, tất không thể lật mặt với chúng ta. Hơn nữa, ta há lại sợ một tên Trương Tú cỏn con kia. Nếu Viên Thiệu phá được Công Tôn Toản, bốn châu ở Hà Bắc sẽ ổn định, Hứa Đô tất sẽ nguy to!
Câu ấy tuy cũng có lý nhưng Tuân Du vẫn vuốt râu lắc đầu:
— Tại hạ thấy chưa chắc đã như ngài nghĩ. Công Tôn Toản là kẻ kiêu dũng, con thú quẫn vẫn chống chọi, hắn còn có thể duy trì. Trương Yên ôm hơn mười vạn loạn dân, tuy là đám quân ô hợp, nhưng cũng đủ gây hại, năm ngoái Viên Thiệu chém được Vu Độc, Hồ Thọ, phá hơn mười cánh quân biệt bộ của Khăn Vàng, với Hắc Sơn lần này là kẻ thù không đội trời chung. Bọn Diêm Nhu, Tiên Vu Phụ vốn là cựu tướng của Lưu Ngu, không đồng lòng với Viên Thiệu. Ngoài ra, phía bắc U Châu còn ba quận Ô Hoàn và Liêu Đông thái thú Công Tôn Độ giữ quân gây hại, tự xưng là Bình Châu mục. Đất Tịnh Châu lại có đám dư khấu của Khăn Vàng là Trương Bạch Kỵ qua lại cướp bóc. Miền duyên hải Thanh Châu cũng có bọn hào cường Tang Bá, Ngô Đôn, Tôn Quan xâm phạm quấy nhiễu, tất cả bọn chúng đều là ẩn họa của Viên Thiệu vậy.
— Cục thế hiện tại thực là vừa khéo. - Tào Tháo thở dài, - Nếu lúc này công chiến bốn phương, Viên Thiệu sợ chúng ta làm lớn chuyện, tất sẽ lập tức quay sang chiến đấu với chúng ta, trong khi thực lực chúng ta không thể địch được. Nếu chúng ta chỉ quẩn quanh ở khu đất cũ không đánh xung quanh, Viên Thiệu cố nhiên không vội gây sự với chúng ta, nhưng ông ta lại có thể dẹp yên quần hùng ở Hà Bắc, đến khi đó chúng ta lại vẫn không phải đối thủ của ông ta. Ta thực sự tiến thoái lưỡng nan... - Nghĩ ngợi một lúc, Tào Tháo bỗng nắm chặt chuôi kiếm, nhìn thẳng nói, - Đại trượng phu sống ở đời phải làm nên công nghiệp, ta thà chịu đau ngắn còn hơn là chịu đau dài.
Tuân Du thấy Tào Tháo quyết liệt như vậy, không còn cách nào lay chuyển được dự định xuất binh của ông, chỉ còn biết gật gật đầu:
— Nếu minh công đã kiên quyết xuất binh, tại hạ cũng không ngăn cản. Có thể phá được Trương Tú thì tốt, nhưng nếu kéo dài lâu ngày, chiến sự bất lợi, xin minh công nhanh chóng trở về kinh sư, để phòng biến cố ở mặt bắc.
— Được! Vậy ta truyền lệnh, điều động binh mã mười ngày nữa sẽ điểm binh, tiến xuống phía nam đánh thẳng đến Nhương Huyện! - Nói xong, Tào Tháo lại nhớ đến Nễ Hành - kẻ vừa được sung vào chân cổ lại, không đừng được cười nhạt bảo, - Lần điểm binh này, ta cũng phải bố trí khua chiêng đánh trống dẫn đại quân xuất phát. Thông báo cho văn võ bá quan đều đến hành viên tham dự, để mọi người được xem việc náo nhiệt này!
Lệnh của Tào Tháo vừa ban ra, những việc cần chuẩn bị trước chiến sự liền được khẩn trương tiến hành. Tướng lĩnh các doanh điều động quân sĩ, Điền nông trung lang tướng Nhậm Tuấn chuẩn bị lương thảo, Hạ Hầu Đôn đưa những người mới được đề bạt là bọn Giả Tín, Hỗ Chất, Sử Hoán, Ngưu Cái, Sái Dương vào trong quân của Tào Tháo để giúp sức. Lại có tin mừng truyền đến, Kỵ đô úy Từ Hoảng đã quét sạch đám dư khấu ở các vùng Quyển Huyện, Nguyên Vũ. Còn đám quân Bạch Ba bị khốn ở Hà Đông cũng vì ly tâm với Hung Nô mà ngày càng suy bại, thủ lĩnh của chúng là Lý Nhạc bị bệnh chết, Hồ Tài bị bộ hạ mưu hại, đến lúc này quân Bạch Ba đã tan rã, thế lực tranh giành trong thiên hạ đã bớt đi một cánh. Tào Tháo tức khắc gia phong Từ Hoảng làm Bì tướng quân, vời đến dưới trướng.
Ngày điểm quân đến, ngoài thành Hứa Đô, đại doanh Tào quân nối liền san sát, cờ xí rợp trời, đao thương như rừng. Trong doanh lại dựng soái đài ba tầng, trên bố trí chuông trống, dưới sắp đặt tù và, quân nhạc vang dội vô cùng uy nghiêm. Bá quan văn võ trong triều từ Tư đồ Triệu Ôn, Phụ quốc Tướng quân Phục Hoàn, Vệ tướng quân Đổng Thừa trở xuống, tất cả đều đến đại doanh dự lễ tiễn hành. Tào Tháo đã mời, có ai mà dám không đến? Tuy không thể dùng cách điểm danh được, nhưng mọi người đều kéo nhau đến từ rất sớm, chẳng ai dám tới chậm nửa khắc. Ngay cả Trương Kiệm, Hàn Dung, và Dương Bưu đang dưỡng bệnh ở nhà lần này cũng đều tới cả.
Đúng giờ mão, Tào Tháo đăng đài, mình mặc giáp vàng, khoác áo bào gấm, đầu đội đâu mâu, dưới eo đeo Thanh Cang kiếm, tế bái thiên địa rồi mở danh sách ra điểm danh. Ai không có mặt đúng giờ một lần sẽ bị phạt năm mươi trượng, không có mặt đúng giờ hai lần sẽ bị cách chức trị tội, ai không có mặt đúng giờ ba lần sẽ bị lôi ra trước viên môn chém đầu. Tào Mạnh Đức ngồi nghiêm trên soái đài điểm danh, tiếng gọi tên như mây bay nước chảy, tiếng đáp dạ như sấm rền mùa xuân. Các tướng quân Tào Nhân, Tào Hồng, Hạ Hầu Uyên, Vu Cấm, Nhạc Tiến, Chu Linh, Từ Hoảng, Biện Bỉnh, Vương Trung, Lưu Đại đều đội khôi mặc giáp anh khí hào hùng đứng đầu dãy phía tây.
Các tham mưu Tuân Du, Quách Gia, Mao Giới, Từ Đà, Lộ Túy, Phồn Khâm, Hầu Thanh, Vũ Châu, Lương Tập, Vương Tư phong độ ngời ngời đứng ở phía đông.
Giờ lâu điểm danh đã xong, Tào Tháo đứng dậy dặn bảo:
— Các tướng về ngồi trước soái án! Cho gọi Cổ lại đánh trống nổi nhạc để chấn quân uy! - Nói xong liền đắc ý bước xuống soái đài?
Làm gì có chuyện đánh trống trên soái đài bao giờ? Ai nấy có mặt còn đang ngạc nhiên, thì đã nghe thấy tiếng quát tháo từ phía ngoài viên môn vẳng lại: một toán võ sĩ mặc giáp sắt đang xô đẩy một người đi vào. Người này trông mặt mũi ngạo mạn, ăn mặc xộc xệch, áo rách tả tơi, bước chân tập tễnh, đó chính là hiền sĩ Nễ Chính Bình. Bá quan đều không dám nghiêng đầu ghé tai, chỉ quay sang nhìn nhau, không rõ vì sao hắn ta lại lưu lạc làm một tiểu lại.
Chủ bạ Vương Tất thấy Nễ Hành ăn mặc như vậy, bước lên một bước, chỉ tay vào hắn quát bảo:
— Tên Cổ lại to gan! Giữa chốn ba quân, trước mặt bá quan mà dám mặc áo rách đến!
— Hừ! - Nễ Hành nhổ một bãi nước bọt. - Đồ chó săn! Đến lượt ngươi giáo huấn ta ư?
Vương Tất không giống Hy Lự, Tưởng Cán, thấy bị nhục mạ liền vén áo nắm tay định đánh. Khi ấy Tào Tháo đã bước đến trước mặt, giơ tay ngăn lại bảo:
— Chủ bạ không được nổi nóng, hãy tha cho hắn đổi mặc y phục mới để đi đánh trống kẻo muộn. - Tào Tháo cũng là suy nghĩ thoáng đạt, cố tình để Nễ Hành đến nổi cuồng ở đây, chỉ cần hắn đăng đài đánh trống, làm công việc tiểu lại ấy trước mặt bá quan công khanh, tên tuổi nửa đời coi như đã bị hủy hoại rồi.
Đã có tên lính chuẩn bị sẵn y phục của kẻ chơi nhạc: áo bào đen, áo trong, mũ kiến hoa... ném cả đến chân Nễ Hành. Vương Tất quát bảo:
— Mau xuống dưới trướng thay y phục rồi đến đây, để lỡ nửa khắc, thì hãy cẩn thận cái đầu ngươi!
Nễ Hành trợn mắt chau mày nhìn Vương Tất. Rồi lại nhìn khắp một vòng xung quanh, nhưng thấy binh giáp tầng tầng lớp lớp, quân Tào hung tợn như mãnh hổ, bá quan triều đình nín thinh như ve sầu ngày đông, thì không ngăn được ngửa mặt lên trời cười lớn, đưa tay giật mũ trên đầu ném xuống dưới đất, lại cởi y phục rách rưới trên người ra. Bấy giờ, những người có mặt, kể cả Tào Tháo đều vô cùng kinh ngạc, làm gì có chuyện giữa thanh thiên bạch nhật, lại thay y phục ngay trước mặt người khác như thế?
— Ngươi... ngươi... - Vương Tất vừa kinh ngạc vừa tức giận. - Ngươi làm như vậy còn ra thể thống gì nữa?
Nễ Hành nét mặt thoáng cười, không thèm để ý, cởi hết y phục, lại bỏ áo trong, khỏa thân trần truồng đứng trước mặt mọi người. Bá quan triều đình thấy Nễ Hành hành động như vậy, không ai không cúi đầu che mặt. Vương Tất không thể nhịn được, rút gươm ra chực giết, Tào Tháo vội nắm chặt giữ lại, cười nhạt bảo:
— Hừ! Hắn đã tự chuốc nhục về mình, thì có can hệ gì tới chúng ta? Cứ kệ cho hắn điên cuồng đi.
Nễ Hành chưa vội mặc y phục, hai tay chống nạnh, trần truồng đứng đó, thoải mái như đứng trong phòng ngủ nhà mình, nhìn Tào Tháo cười ha hả bảo:
— Hình hài tóc da, từ mẹ cha mà có được, làm gì có chuyện nhục nhã? Nễ Hành ta hôm nay lấy trời làm áo, lấy đất làm xiêm, các ngươi chẳng qua chỉ là con rận cỏn con trong khố của ta mà thôi, sao dám ồn ào như thế?
Đem ngôi tam công mà so với con rận trong khố, thực là không còn sự phỉ báng nào hơn. Nhưng Tào Tháo đã quen với tính nết của hắn, không cho chuyện đó có gì là ghê gớm, chỉ nói lại:
— Chính Bình lấy trời làm áo, lấy đất làm xiêm, ta thấy vẫn chưa đủ. Chi bằng ngươi hãy lấy trời làm tóc, lấy đất làm cổ, thì còn lớn mặt hơn nhiều! Hãy mau mau thay áo đăng đài, chớ để bá quan phải đợi lâu. - Nói xong Tào Tháo không để ý đến hắn nữa, quay về vị trí của mình ở hàng công khanh, đứng vào phía sau Tư đồ Triệu Ôn - đó là vị trí của Tư không.
Nễ Hành thấy ông ta hành động như vậy, càng ngửa mặt lên cười như điên dại:
— Ha ha ha! Trên bức thiên tử, dưới ép quần thần, lại còn làm bộ thủ lễ trước mặt bá quan. Ngươi có thể dối người, sao có thể dối trời?
Quân sĩ tả hữu thấy chúa công đi rồi, chẳng ai còn đủ sức nhẫn nại khách khí với y được nữa, tên nào tên nấy cầm ngang ngọn giáo trong tay, liên thanh thúc giục:
— Tên cẩu lại ngươi sao còn chậm như rùa thế? Nhanh! Nhanh lên!
Nễ Hành liếc nhìn những binh khí lạnh băng và những khuôn mặt hung tợn, biết rằng với đám võ phu này, có lấy bao nhiêu văn chương trong bụng ra chửi thì bọn chúng cũng chẳng hiểu gì, bèn cúi đầu nhặt mũ áo lên, mặc kệ bọn chúng liên mồm giục giã, cứ thong dong nửa ngày mới thay xong quần áo. Đám binh sĩ thấy vậy cùng nhau lao đến, vừa lôi vừa đẩy dồn hắn lên soái đài. Nễ Hành nhận đôi dùi trống từ tay một tiểu lại, không đừng được quay lại nhìn mọi người ở dưới đài. Bá quan có kẻ hoang mang, có kẻ khinh bỉ, có kẻ đồng tình, có kẻ bất nhẫn, cũng có kẻ ra chiều thấy người khác mắc họa lại vui mừng đứng xem trò vui, tất cả đều đưa mắt lên chăm chú nhìn. Nễ Hành đưa mắt tìm kiếm Khổng Dung đang đứng trong triều ban giữa đám đông, tuy nét mặt ông ta có vẻ sầu khổ, nhưng vẫn khẽ cười nhìn Nễ Hành, Nễ Hành cũng gật đầu mỉm cười đáp lại. Liếc nhìn sang, lại thấy Tào Tháo đứng hiên ngang, hai mắt nhìn xuống, nét mặt không giận dữ, cũng không cười cợt, có vẻ căng thẳng. Nễ Hành chửi thầm trong bụng: “Tên Tào Mạnh Đức này cũng giỏi thật, quả nhiên những kẻ tâm cơ càng thâm trầm, càng biết kìm nén cơn giận dữ”.
— Tiểu lại kia, sao còn chưa đánh trống, đợi đến lúc nào nữa? - Vương Tất lại quát tháo.
Giờ đây, có muốn trốn cái nhục này cũng không được nữa rồi, trong lòng Nễ Hành dường có chậu than vừa đổ vào, lửa phẫn uất đùng đùng bốc lên. Nễ Hành hít một hơi thật sâu, rồi bỗng hô thật lớn:
— Chư vị đại nhân và ba quân tướng sĩ nghe đây! Ta có một khúc Ngư Dương tham qua, hôm nay xin trình diễn cho chư quân nghe, chúc các ông mở cờ đắc thắng, mã đáo thành công! Chúc các ông thăng quan phát tài, đại phú đại quý! Chúc các ông hưởng hết vinh hoa, trọn mệnh không bệnh, tử tôn tế bái, nối đời không dứt. Không bị kẻ khác tru sát máu nhuộm đồng hoang, không phải chịu giặc bức bách giống ta thế này, không phải thây phơi ngoài nội không nơi chôn vùi! - Nễ Hành thốt ra những câu nghe không lọt tai ấy xong, mới quay người giơ tay, vung dùi trống đánh thật mạnh, tựa như muốn long trời lở đất lay động hồn phách người khác, mọi người bất ngờ không kịp chuẩn bị tinh thần đều sợ giật nảy mình.
Nễ Hành đánh xong một tiếng, lại vung tay trái gõ tiếng thứ hai, rồi tay phải lại tiếp tiếng thứ ba. Ba tiếng trống gõ xong ngừng lại vài khắc, rồi đánh tiếp ba tiếng.
Gõ ba tiếng lại ngưng một lát, phép gõ trống như thế gọi là tham qua. Còn tên khúc trống này gọi là “Ngư Dương” cũng là có ngụ ý sâu xa vậy. Khi xưa Quang Vũ đế Lưu Tú đánh thiên hạ, Thái thú Ngư Dương là Bành Sủng dâng đất quy hàng, lại sai bộ tướng là Ngô Hán, Vương Lương theo đi chinh chiến. Sau đó xã tắc yên ổn, Ngô Hán, Vương Lương vì chiến công hiển hách làm đến ngôi tam công, còn Bành Sủng không lập thêm được công trạng gì nên vẫn ở chức cũ. Bành Sủng ghen ghét hiền tài, trong lòng bất mãn, dấy binh tạo phản, tự lập làm Yên vương, sau câu kết Hung Nô gây họa ở phương bắc. Cuối cùng đức Quang Vũ phải sai Chu Hựu, Sái Tuân, Cảnh Yểm, Lưu Hỉ dẫn bốn lộ đại quân đến thảo phạt Ngư Dương. Bành Sủng quốc phá binh bại, bị nô bộc thủ hạ cắt lấy đầu. Hôm nay Nễ Hành lấy Bành Sủng ra để ngầm ví, là muốn châm biếm Tào Tháo tất sẽ gặp phải kết cục thân bại danh liệt.
Văn võ công khanh và toàn bộ chư tướng sĩ đều chăm chú nhìn xem, chỉ thấy Nễ Hành hiên ngang đứng thẳng, không ngừng múa đôi dùi trống. Lúc đầu còn gõ chậm rãi mà dùng sức thật mạnh, như sấm rền từng trận, sau rồi tiết tấu nhanh hơn, dùng sức cũng ngày càng đều hơn, khí thế mênh mang như ngựa chạy, khiến người nghe tâm thần chấn động, tâm can kinh hoàng, tựa hồ từng nhát gõ nện thẳng vào tim mình vậy. Chớp mắt dùi nện xuống mặt trống nhanh như mưa xối, hết một nhịp tham qua lại ngừng, mà tiết tấu nhịp điệu không hề rối loạn. Nễ Hành dường thực sự đem hết lửa giận trong lòng mình gửi vào mặt trống ấy. Nễ Hành nhô cao hai vai, múa hai cánh tay, dồn hết tinh thần và khí lực của mình vào đó. Cứ như vậy một hồi lâu, khí lực của Nễ Hành dường đã cạn hết, tiếng gõ trống dần nhỏ lại, mồ hôi cũng đã thấm đẫm trên y phục của hắn.
Thường ngày, Nễ Hành châm biếm khắp nơi, chỉ trời vạch đất, hầu hết bá quan trong triều đều rất không ưa, nhưng lúc này thấy kẻ sĩ ngạo mạn như vậy lại phải luân lạc đến mức này, bao nhiêu sức lực trong người dường đã dùng sắp hết, cũng không ngăn được buồn bã. Mọi người đều cúi đầu không đành lòng nhìn tiếp, lũ lượt thở dài. Nhưng tiếng than còn chưa ngừng, bỗng nghe thấy trên đài có tiếng hét to, không biết Nễ Hành đã lấy lại sức mạnh từ đâu ra, tinh thần lại phấn chấn, dùi trống trong tay lại chuyển động nhanh hơn, vừa gõ trống hắn vừa hét:
Trống Ngư Dương, rung trời vang;
Uy chấn yêu ma cùng quỷ vương.
Trang Chu gõ chậu ca sinh từ,
Phùng Huyên chống kiếm theo Mạnh Thường.
Chí cao hơn trời nhưng mệnh bạc,
Lòng son một tấm vọng Hàm Dương.
Vọng Hàm Dương, ngấn lệ quanh,
Bốn phương tám cõi ngập sài lang.
Tứ thế tam công mưu tiếm nghịch,
Võ phu Tây Lương lũ bạo cường.
Tôn thất quay đi mưu cát cứ,
Hoạn quan giống xấu nắm triều cương.
Nắm triều cương, sao ngông cuồng,
Chẳng nhìn thiên từ ở triều đường.
Ép vua truyền lệnh khiến chư hầu,
Bắt cá trên cây há cửu trường?
Hiền sĩ long đong thành cổ lại,
Há chẳng khiến người thêm cảm thương?
Lòng cảm thương, có ngại chăng?
Chẳng bằng gõ trống chí tỏ tường.
Chư quân cười ta bị làm nhục,
Ta cười các vị cùng một giuộc.
Vũ Thang Nghiêu Thuấn ở đâu giờ?
Vương đạo giáo hóa đà luân lạc!
Đạo luân lạc, đức cũng mất,
Nhìn nhau kiếm vẫy lại cung giương.
Nhân nghĩa cương thường thành cát bụi,
Lê dân bách tính chịu tai ương.
Ngựa sắt gươm vàng dài máu chảy,
Sao khiến ta đây chẳng hóa cuồng?
Cuồng cuồng cuồng, tùng tùng tùng,
Vinh nhục một cơn mộng đã tường!
Tự xưa bạo ngược đâu bền vững,
Gió thu sớm muộn lá khô vàng.
Bóng câu qua cửa đi nhanh lắm,
Người đời tăm tối có hay chăng?
Công danh lợi lộc mây đầu núi,
Phú quý vinh hoa sương ngói rang.
Mặc người công hầu với đế vương,
Sao tránh vùi thây đồng cỏ hoang.
Trống Ngư Dương chừ trống Ngư Dương,
Hôm nay ta mi tỏ nỗi lòng.
Ngọc bích trắng trong vùi cát bụi,
Vô song quốc sĩ vốn hiền lương.
Tiếc thay không gặp đời thịnh trị,
Đâu cam quỳ gối sống đời bi ai suông?
Gõ trống tham qua tùng tùng tùng,
Chửi hết dân tặc dưới trời cuồng cuồng cuồng!
Chẳng bằng chết quách xuống âm phủ,
Kiếp sau lại được thái bình bên quân vương...
Đoạn đánh trống và hò hét ấy, âm vang tận chân trời, chấn động cả càn khôn, những người có mặt ai cũng thấy thật hùng tráng. Nó khiến tất cả tướng sĩ trong doanh đều cảm thấy bi phẫn trong lòng, nó khiến các công khanh lão thần đều tuôn rơi nước mắt, nó khiến tinh kỳ cũng ủ rũ không tung bay nổi, nó khiến đất trời mù mịt vầng nhật cũng tối tăm. Hôm nay Nễ Hành đã nhủ lòng mình tất phải chết, vừa hò hét vừa đánh trống tựa kẻ điên cuồng, cứ đánh trống liên tục như vậy ba khắc, cuối cùng sức lực cạn kiệt, hai chân mềm nhũn nằm phục xuống mặt trống, mồ hôi nóng bỏng tuôn như nước chảy ướt đẫm mặt ván trên đài. Tiếng trống bi tráng đột nhiên dừng bặt, khiến những người dưới đài đều kinh ngạc, ngay cả Tào Tháo cũng đứng chết trân. Mọi người tròn xoe mắt nhìn kẻ kỳ nhân thế gian ấy, cả đại doanh nhất thời tĩnh lặng không một tiếng động. Một lúc sau, hơi thở của Nễ Hành đã đều đều trở lại, lại đứng lên đến trước trống đánh liền ba hồi nữa. Đến lúc gõ đến hồi thứ ba, bỗng nhiên hắn quay đầu dùi trống, cầm chuôi dùi đâm thẳng vào mặt trống. Chỉ nghe một tiếng vang ngắn vẳng lên bên tai, mặt trống da trâu đang căng tròn đã bị hắn chọc thành một lỗ thủng lớn!
Việc đến nước này, Nễ Hành đã chẳng còn để tâm gì đến sinh mạng của mình nữa, chỉ mong được một đao chết cho nhanh! Hắn quay người lại cầm dùi trống ném xuống dưới đài, dồn sức hét to:
— Tào A Man!
Tiếng hét ấy vừa cất lên, người dưới đài chợt thất toát lạnh sống lưng. Hắn chết chắc rồi! Há có thể gọi tiểu danh người khác trước mặt quần thần tướng sĩ, Tào Tháo lại chẳng bỏ hắn vào vạc dầu mà đun! Nào hay Tào Tháo từ tốn nở một nụ cười mỉm, cất giọng nói lớn:
— Cổ lại quả nhiên đánh trống rất giỏi, gọi tên ta là muốn xin tiền thưởng ư?
Nễ Hành cũng không khách khí:
— Hừ! Tên ô trọc giỏi giết người nhà ngươi!
Tào Tháo thấy hắn chửi thẳng vào mặt mình trước mọi người, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, nhưng vẫn không muốn mình phải mang tiếng giết hại hiền sĩ, chỉ quay sang Vương Tất đưa mắt bảo:
— Lôi hắn ra ngoài viên môn, cho hắn làm trò điên cuồng ở ngoài ấy.
Vương Tất được lệnh, nhắc bảo tả hữu ra tay, hai tên võ sĩ nhe nanh múa vuốt xông lên trên đài. Nễ Hành vẫn không thèm nhìn đến, chỉ thẳng tay vào Tào Tháo mắng chửi như thường:
— Ngươi không biết hiền ngu, là mắt đục vậy; Không đọc thi thư, là miệng đục vậy; Không nghe lời trung, là tai đục vậy; Không thông kim cổ, là thân đục vậy; Không dung chư hầu, là bụng đục vậy; Thường giữ lòng thoán nghịch, là tâm đục vậy! Ta là danh sĩ trong thiên hạ, mà dùng làm Cổ lại, có khác gì Dương Hóa khinh thường Trọng Ni, Tang Thương phỉ báng Mạnh Tử? Tào A Man, có giỏi thì ngươi cứ giết ta đi! - Hắn nói vậy, cũng là nói chẳng lựa lời, không suy nghĩ kỹ, kỳ thực sáu cái “đục” ấy cũng chưa chắc đã đúng.
Hai võ sĩ túm chặt Nễ Hành, vừa xô vừa đánh, khiến hắn loạng choạng vừa lăn vừa ngã xuống dưới đài. Y sam đều rách hết, mũ mão cũng rơi mất, Nễ Hành bò dậy lại vẫn không ngơi miệng chửi rủa:
— Tào A Man, ngươi chính là giống xấu xa sót lại của hoạn quan, xuất thân ti tiện vốn không có đức hạnh gì! Trên dối thiên tử, dưới ép các quan, vô phụ vô quân, giả nhân giả nghĩa...
Các tướng trong Tào doanh, thấy hắn vẫn còn dám nói năng bừa bãi như vậy, đều rút kiếm ra cầm trên tay, những muốn xông lên loạn đao phanh thây. Nhưng Tào Tháo đã bước ra khỏi chỗ của mình, quát ngăn lại:
— Tất cả đều lui xuống cho ta! Cứ để hắn chửi! Buông tay hắn ra cho hắn chửi, ta cũng muốn xem xem hắn có thể chửi đến lúc nào!
Nễ Hành khi ấy đã chẳng màng đến chuyện sống hay chết rồi, ban đầu còn chửi Tào Tháo, sau thì cứ thấy ai là chửi người đó. Hắn thấy Tư đồ Triệu Ôn đứng đầu triều ban, lập tức chửi xối xả:
— Lão già Triệu Ôn! Ông là giống gì? Thân ở ngôi tam công, ăn phí bổng lộc của vua ban, nếu có nửa phần khí cốt, thì hãy phò tá bảo vệ thiên tử mà tru diệt nghịch thần! Trong lúc thiên hạ nguy nan, cần hạng người sống như chết các ông để làm gì? Già mà chẳng chết là giống giặc! - Những câu chửi ấy khiến lão Tư đồ đức cao vọng trọng mặt mũi tái nhợt đi.
Trong lúc giằng co, Nễ Hành lại trông thấy Phụ quốc tướng quân Phục Hoàn, hắn lập tức quay sang chửi:
— Phục Hoàn! Ông là thứ Quốc trượng gì chứ? Nhớ năm xưa Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh ra sức chiến đấu trên sa trường, Đậu Dung, Đặng Vũ dốc lòng mưu toan việc nước, bọn họ là ngoại thích, ông cũng là ngoại thích, thế mà ông có bằng ngón tay út của họ không? Hừ! Khoe khoang không biết xấu hổ là “Phục Bất Đấu” ở Đông Hải, chớ tưởng ông hôm nay được phong hầu bái tướng, hãy cẩn thận lớn nhỏ cả nhà phải máu nhuộm đồ đao đấy!
Phục Hoàn là người thật thà, thấy hắn điên cuồng nhục mạ như vậy, sợ đến run cả người.
Nễ Hành ngoảnh mặt, lại trông thấy Đổng Thừa, không ngăn được buột miệng chửi:
— Họ Đổng kia, ngươi còn mặt mũi nào đứng trong triều ban? Ngươi vốn là một tên sài lang ở Tây Lương, đi theo Đổng Trác làm bại hoại Đông Kinh, làm hại xã tắc, tàn sát lê dân! Gây họa cho nước, gây nạn cho dân đều có phần là do ngươi. Thấy chúa ta, ngươi cho là một bậc kỳ tài có thể dựa dẫm, ngươi mới lắc mình biến thành kẻ công thần hộ giá! Ta hận là không thể đem ngươi cho muôn đao băm vằm, quăng vào vạc dầu mà nấu! - Đổng Thừa nghe vậy, quay đi chỗ khác, thầm nén giận trong lòng.
Trông thấy Nễ Hành tính cuồng phát tác, hai võ sĩ cũng không thể giữ hắn yên được, lại có thêm mấy tên lính nữa xông lên, cùng nhấc bổng hắn lên kéo ra ngoài. Nễ Hành chân đạp, tay bấu xuống đất, lại thấy Lương vương tử Lưu Phục, nét mặt có vẻ coi thường đang đứng một bên, lại tiếp tục chửi rủa:
— Tiểu nô tài Lưu Phục nghe đây! Uổng cho ngươi mang danh là con cháu tôn thất, con phượng cháu rồng, mà lại vì giàu sang riêng mình, bán rẻ cơ nghiệp tổ tông, giúp tên Tào tặc kia bắt giữ thiên tử, dời đổi triều đình! Giang sơn gấm vóc bị ngươi bán rồi, ngươi là tên súc sinh mặt người dạ thú! Rồi có ngày ngươi sẽ phải đầu lìa khỏi xác, mộ tổ bị quật lên, cho xương trắng đầy đồng, không có ai mai táng!
Vương tử Phục tuổi trẻ khí hăng, tính rất tự phụ, nghe thấy bị nhục mạ như vậy, nhất thời lửa giận bốc cao ba trượng, xông lên trước vả cho Nễ Hành một vả. Nễ Hành cũng thật giỏi, liệu rằng không thể tránh né được, liền nghiêng đầu, há miệng ra mà cắn! Chỉ nghe Vương tử Phục kêu thất thanh một tiếng, bàn tay đã bị cắn chảy máu ròng ròng, Vương tử Phục càng thêm giận không thể kìm nổi, thuận tay rút phăng bội kiếm.
Đại thần tả hữu trông thấy sắp có án mạng đến nơi, vội vàng xúm lại ôm chặt lấy Vương tử Phục. Lúc này trong triều ban đã loạn cả lên, kẻ giằng co, người khuyên giải, kẻ lại cướp lấy kiếm. Trong lúc rối loạn, có người để rơi mất hốt, có người bị lật mất mũ, có người còn bị giẫm tuột cả giày guốc dưới chân. Nễ Hành bị binh lính khiêng ra ngoài viên môn, nhìn quanh tả hữu, miệng vẫn không ngớt chửi rủa:
— Tuân Văn Nhược, ngươi chỉ xứng đi phúng đám điếu tang, chứ sao dám nhiếp lý triều chính... Tên lão cẩu Lưu Mạc, ngươi ở Tây kinh ca tụng Tào Tháo là có tâm địa gì... Già mà chẳng chết chính là giặc, Trương Kiệm ngươi không từ quan về nhà đi, hà tất còn lưu lại đấy mà trang điểm làm đẹp mặt cho Tào tặc... Tên tiểu nhi Dương Bái, đem hiến lương cho Tào tặc để kiếm công danh, thật vô sỉ... Mãn Sủng ở Sơn Dương, tên khốc lại bất nhân ngươi, mà cũng được bước chân lên triều đường ư... Lão phu tử Trịnh Huyền cũng thật mờ mắt, lại thu nhận tên ngụy quân tử đạo mạo đường hoàng Hy Lự ngươi vào làm đồ đệ... Con sâu rượu Đinh Xung, ngươi thật đáng dìm chết đuối trong hũ rượu, chết rồi cũng chỉ làm thối đất... Tuân Công Đạt, tên quân sư chó nhà ngươi... Tiểu nhân Ngô Thạc, trước đây ngươi ôm chân Lý Thôi, tưởng ta không biết ư... Hàn Dung, ngươi chẳng qua là một tên chờ chết, sao còn không về nhà nhắm mắt đợi chết đi... Gian tặc Đổng Chiêu, ngươi mặt dạn mày dày ba lần đổi chủ, nếu còn chút liêm sỉ, thì đến bên sông Nghị Thủy tự nhảy xuống mà chết đi cho xong...
Nễ Hành gặp ai chửi nấy, bị lôi thẳng ra ngoài đại doanh, nhưng Tào Tháo vẫn chưa truyền xuống mệnh lệnh gì khác, nên binh sĩ cũng không dám tùy tiện giết. Không vào được trong viên môn nữa, Nễ Hành liền ngồi bệt xuống đất, kêu trời kêu đất tiếp tục chửi. Giờ đây phong độ hiền sĩ cùng uy nghi của Hán quan đều mất sạch cả rồi, đến cha mẹ ông bà cũng bị lôi ra đầu đường! Nễ Hành quả là bẩm sinh có cổ họng lớn, chửi mãi ngoài doanh mà bên trong vẫn loáng thoáng nghe thấy. Văn võ có mặt đều bị hắn chửi cho xấu hổ phải lấy tay áo che mặt. Các quan tướng trong Tào doanh, ai nấy sát khí đằng đằng vặn tay giậm chân. Lúc này khó xử nhất chính là Khổng Dung, đúng ra không nên tiến cử Nễ Hành với Tào Tháo mới phải, giờ đây trong bụng ông ta hối hận vô cùng, vội vàng tiến đến bên cạnh Tào Tháo nói nhỏ:
— Nễ Chính Bình vốn có bệnh cuồng, xin minh công chớ giận, mà tha tội chết cho hắn...
Tào Tháo thấy Nễ Hành nhục mạ thẳng mặt mình, vốn cũng có mấy phần oán giận, nhưng sau đó thấy hắn chẳng phân biệt trắng đen phải trái, chửi tất cả bá quan văn võ, thì lại không còn giận nữa. Thấy Khổng Dung mặt mũi xám ngoét bước đến cầu xin, Tào Tháo chỉ cười nhạt bảo:
— Nễ Hành chỉ là một tên nhãi ranh, ta giết hắn khác nào giết một con sẻ ranh, chuột nhắt. Chẳng qua là nghĩ đến hắn cũng có chút hư danh, giết hắn rồi, người xa kẻ gần tất sẽ nói rằng Tào mỗ ta không dung được người, nên tạm hãy để cái mạng chó của hắn đấy mà thôi! - Nói xong, chỉ tay gọi Vương Tất, truyền lệnh, - Bắt Nễ Hành trói để lên mình ngựa, đưa đến Kinh Châu giao cho Lưu Biểu, xem ông ta xử lý hắn thế nào?
Với tính cách ấy của Nễ Hành, đến Kinh Châu rồi, tất sẽ lại nhục mạ Lưu Biểu. Tuy Lưu Cảnh Thăng được xếp vào hàng bát tuấn giữ đạo quân tử, nhưng đến lúc đó cũng khó tránh được sẽ không vì phẫn hận nhất thời mà giết hại kẻ khác. Tào Tháo không muốn gánh tội danh giết hại hiền sĩ, nên đã đá khúc xương trốn dao, nấu không chín, nhai không tan ấy sang chân người khác.
Khổng Dung buốt nhói trong lòng, biết rõ hảo hữu của mình lần này ra đi cũng chẳng khác nào phải xuống âm ty, nhưng sự tình đã đến nước này, còn có thể nói gì được nữa? Thỏ chết sói buồn, con vật còn biết thương đồng loại nữa là, còn ông ta chỉ biết cúi đầu than thở mà thôi.
Tào Tháo lại lừ mắt nhìn Khổng Dung, bước hai bậc một bước lên trên soái đài, mỉm cười nói:
— Chư công hãy yên lặng! Nễ Chính Bình vốn mắc chứng cuồng, hôm nay những câu điên rồ nói ra đều chỉ là vô tâm mà thôi, liệt vị đại nhân chớ cho là thực. Ta đã sai hắn đi sứ sang Kinh Châu thuyết phục Lưu Biểu quy hàng... Sáng sớm đã làm phiền chư vị đến đây tham dự buổi lễ, lại còn nảy ra một việc không vui trong lòng, xin mời chư vị hãy về nghỉ ngơi. Những ai còn chưa thấy mệt, nếu không ngại, xin mời đến thành nam tiễn chân Nễ Chính Bình, chí ít hắn cũng có thể được coi là sứ giả của thiên tử được triều đình sai đi, ít nhiều cũng nên nể mặt một chút. Ha ha ha... - Cười mấy tiếng, Tào Tháo bỗng nghiêm mặt lại, lại dặn dò với một khẩu khí hoàn toàn khác hẳn, - Ba quân tướng sĩ nghe đây! Hôm nay có tên cuồng đồ gây rối trong quân doanh, thời gian xuất binh lùi lại một ngày! Tất cả hãy giữ vững tinh thần cho ta, những chuyện ngoài lề, tạp niệm hãy tạm gác cả sang một bên, chúng ta phải đến chiến trường liều mình với Trương Tú nữa!
Trận chiến Nhương Huyện
Tháng Ba năm Kiến An thứ ba (năm 198), Tào Tháo lần thứ ba thảo phạt Trương Tú. Qua hai bận chinh chiến trước, hầu hết huyện thành ở Nam Dương đã quy thuận sự quản lý của triều đình, Trương Tú chỉ còn giữ lại được thành Nhương Huyện, binh mã không quá vài ngàn, lương thảo toàn bộ nhờ vào Lưu Biểu chu cấp. Với thực lực nhỏ yếu như vậy, đừng nói đến chuyện ngăn cản đại quân triều đình tiến đánh, có thể giữ vững được thành trì hay không còn chưa thể biết được. Nhưng Trương Tú vẫn một lòng kiên định, không trốn không hàng, ở lại thành cao hào sâu Nhương Huyện chờ đợi quân Tào.
Tào Tháo đốc suất đại quân ruổi đánh thẳng tới, chưa đầy mấy ngày đã tới Nhương Huyện, vây chặt thành trì kín đến độ nước không chảy lọt. Tháo chia binh mã bộ hạ thành mấy đội, ngày đêm công thành không cho Trương Tú được nghỉ ngơi giây nào. Trương Tú và Giả Hủ cũng thật ghê gớm, trong tình thế quân thiếu lương ít, chỉ có thể dựa vào thành trì hiểm yếu mà ra sức chống chọi. Dựng thang cao, bắn tên lửa, đào địa đạo, làm xung xa (loại xe lao phá tường thành), bất luận Tào Tháo có cao kế gì đưa ra, bọn họ đều dùng cách ứng phó khôn khéo. Trận chiến công thành giằng co kéo dài từ tháng Ba cho tới tháng Sáu, Tào quân vẫn không thể hạ được thành trì, sĩ khí đã dần giảm sút.
Tào Tháo trong lòng phiền muộn, tụ tập các quân sư, tế tửu để bàn bạc đối sách tiếp theo, Tuân Du, Quách Gia ra sức khuyên mau mau rút quân. Tào Tháo vẫn không chịu rút:
— Quân ta tuy yếu, nhưng vẫn dư sức khắc chế chúng. Nhương Huyện đã qua mấy phen chiến loạn, trong thành không có bách tính nào khác, binh sĩ của Trương Tú bị tổn thất, còn dựa vào ai để giữ thành cho hắn? Hơn nữa, thành trì đã bị tổn hại, lương thảo lại sắp cạn, đám võ phu Tây Lương vốn lấy cưỡi ngựa bắn cung mà nổi danh thiên hạ, nay bọn chúng đến ngựa cũng phải giết để làm lương ăn, thì còn có thể duy trì được bao lâu?
Tuân Du chau mày nói:
— Minh công nói không sai, nhưng con thú quẫn vẫn chiến đấu, chúng chỉ ngồi giữ chắc còn chúng ta thì tấn công, dù cho địch đã mệt mỏi, chúng ta giết giặc một ngàn thì tự hại mình cũng đến tám trăm, quân sĩ mệt mỏi sau đó còn có thể làm được gì?
— Tật nhỏ không chữa, để lâu sẽ thành bệnh nặng, hôm nay không trừ Trương Tú, ngày sau quyết chiến ở Hà Sóc, tất sẽ bị khống chế từ phía sau. - Kẻ khiến Tào Tháo lo lắng trong lòng vẫn là Viên Thiệu.
Quách Gia đứng dậy, chưa nói gì, trước tiên vái một vái:
— Xin thứ cho tại hạ nói thẳng, Minh công với Trương Tú vốn chẳng có thù địch, đều vì hiểu nhầm mà đánh nhau. - Ông ta không tiện nói hành vi hoang đường của Tào Tháo ở Uyển Thành khi xưa, cho nên lựa lời vô cùng cẩn thận. - Nếu nói Trương Tú ôm chí muốn cát cứ, chẳng đúng bằng nói là hắn vì bất mãn mà đánh liều với chúng ta, tại hạ thấy ngài... ngài cũng có mấy phần là vì giận mà liều đánh vậy. - Vừa nói ông ta vừa cúi đầu, nhướng mắt nhìn lên Tào Tháo.
Tào Tháo nghe thấy câu ấy cười khanh khách, Quách Gia thực sự có thể nhìn thấu ý tứ của ông. Nhưng Tào Tháo vẫn một mực xua xua tay:
— Việc đã đến nước này, duy chỉ có một cách là đánh, đã đến đánh rồi thì phải đánh đến cùng.
Quách Gia đứng thẳng người dậy bảo:
— Nay thế lực của Trương Tú đã suy bại, không thể gây sóng gió gì nữa, tạm tha cho hắn ngồi giữ ở đây thì có làm sao? Dù chúng ta có hạ được Nhương Huyện, bêu đầu Trương Tú, chẳng qua cũng chỉ được một tòa thành nát, với vài trăm tàn binh, có thể nói là được chẳng bằng mất vậy... Huống chi Lưu Biểu ở ngay Tương Dương, nếu dấy binh kéo đến thì bao nhiêu công lao vun đắp trước đây đều mất sạch, ngay đến tòa nguy thành này cũng không thể có được.
Tào Tháo vẫn không cho là vậy, điềm nhiên như không:
— Tương Dương và Nhương huyện gần nhau gang tấc, nếu kỵ binh chạy nhanh, sớm ra khỏi Tương Dương, chiều có thể tới đây rồi. Chúng ta vây thành đã hơn ba tháng, nếu Lưu Biểu có ý cứu Trương Tú thì giờ này đã đánh nhau đến hơn mười trận rồi, há có thể để kéo dài đến bây giờ mà không có động tĩnh gì? Yên tâm đi, Lưu Cảnh Thăng không có ý đến đây đâu...
Tào Tháo còn chưa nói dứt câu, bỗng thấy Vương Tất không gọi mà lại chạy thẳng vào trướng, chắp tay vái bảo:
— Khải bẩm chúa công, có quân xích hầu đến báo, Lưu Biểu dấy một vạn quân đến cứu viện Trương Tú, đại đội binh mã đã ra khỏi Tương Dương!
Kinh Châu mục Lưu Biểu vốn không có ý định chinh chiến thiên hạ, chỉ mong ngồi trấn ở Kinh Châu xưng bá một phương, giúp Trương Tú đứng chân ở Nam Dương chẳng qua chỉ là muốn mượn hắn làm bình phong ngăn cản mũi tấn công của quân phương bắc mà thôi. Nhưng Trương Tú lại kết oán với Tào Tháo, liên tục bị đánh, cuối cùng lại lôi Lưu Biểu xuống bùn, không thể không theo hắn đánh trận. Từ trận Hồ Dương, Tào Tháo để Đặng Tế quay về, Lưu Biểu luôn tỏ ý biết ơn, không còn muốn lại vì một con chó giữ nhà mà kết oán với hàng xóm nữa, bèn cho sứ giả qua lại với Hứa Đô, thả sứ giả Tây kinh là Triệu Kỳ về, sau đó lại đồng ý cho Nễ Hành xuống phía nam. Quan hệ giữa đôi bên đã có bước chuyển biến tốt, Lưu Biểu liền có ý muốn bỏ Trương Tú. Trước khi Tào Tháo cho quân vây Nhương huyện, Giả Hủ từng sai người đến Tương Dương cầu cứu, nhưng Lưu Biểu chẳng nói được hay không, tiếp đãi qua loa rồi đuổi đi, thực tế thì chính là ngồi nhìn Trương Tú bại vong. Nào hay Trương Tú tâm chí kiên quyết như sắt đá, Tào quân vây thành ba tháng mà không thể hạ được. Lưu Biểu dần sinh lòng dạ khác, nhớ đến những điểm tốt của Trương Tú, trù trừ mấy bận cuối cùng vẫn sai viện quân đi.
Tào Tháo mới nói Lưu Biểu sẽ không đến, giờ đây lại bị sự thực trước mắt đánh cho một cú thật đau, cảm thấy mắt mũi tối sầm, lẩm bẩm:
— Lưu Cảnh Thăng phản phúc vô thường, thật là kẻ tầm thường! Lần này hắn đích thân dẫn quân đến sao?
Vương Tất nói:
— Lưu Biểu vẫn ngồi giữ Kinh Châu, không đích thân đến. Chỉ sai Đô đốc Sái Mạo thống lĩnh binh mã, Trương Doãn làm tiên phong, Khoái Lương làm tham mưu.
Tào Tháo chợt thấy tim đập mạnh, không ngăn được nỗi buồn. Ông và Sái Mạo là bằng hữu chơi với nhau khi còn nhỏ, không ngờ thế sự chuyển vần, tuổi thơ là bạn đá gà đua ngựa nay lại trở thành kẻ địch trên chiến trường. Thực ra điều ấy cũng không có gì là lạ, vợ chính thất của Lưu Biểu mất sớm, tiểu muội của Sái Mạo được gả làm tục huyền cho Lưu Biểu, bọn họ là quan hệ anh vợ em rể. Người ta thường nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, huống chi lại còn là quan hệ thần liêu, Sái Mạo tất nhiên phải gắng sức giúp ông ta rồi. Dù là như vậy, Tào Tháo chợt thở một hơi dài, lại thấy chính mình đã hơi thất thố, lập tức châm chọc bảo:
— Cuộc chiến quan trọng thế này, mà Lưu Biểu vẫn không thể đích thân cầm quân, có thể thấy ông ta không hiểu về đạo dùng binh! - Câu nói ấy, thực ra cũng chẳng có ý gì. Nhớ lại khi xưa, Lưu Biểu một mình một ngựa đến Tương Dương, sau đó sở dĩ có thể đứng chân được ở Kinh Châu thanh thế ngày một lớn, là bởi văn thì nhờ vào hai huynh đệ Khoái Lương, Khoái Việt, võ thì nhờ vào tôn tộc họ Sái mà uy chấn một phương. Bây giờ Sái Đức Khuê làm tướng, Khoái Tử Nhu làm tham mưu. Trương Doãn được sung làm tiên phong, là cháu gọi Lưu Biểu bằng cậu. Đám ấy thực sự là đội quân tinh nhuệ của Kinh Châu, sức chiến đấu chẳng phải tầm thường.
Quách Gia vội té nước theo mưa:
— Minh công chớ ngại, nhân đây thu quân về để bảo toàn thành quả. - Gọi là “bảo toàn thành quả” chẳng qua cũng chỉ là một câu khách sáo, chứ ở Nhương huyện họ chưa hề giành được công lao gì đáng kể.
Tào Tháo cũng nhận ra ý đó, cười nhạt nói:
— Bây giờ rút quân chẳng phải sẽ khiến người Kinh Châu chê cười ư. Vương Tất, mau truyền tướng lệnh của ta, chia quân trú phòng ở mặt nam, để ta xem xem bọn chúng có bản lĩnh gì mà đến cứu Nhương huyện. Hừ! Sái Đức Khuê ơi là Sái Đức Khuê, ta chọi gà không chọi được ngươi, chứ đánh trận thì không sợ ngươi đâu.
Quách Gia, Vương Tất vốn không hề biết giữa hai người họ có mối giao tình gì, nghe thấy câu ấy đều lấy làm mơ hồ. Tuân Du thì liên tục lắc đầu:
— Nếu đánh trận thì cũng không ngại gì, chỉ sợ bọn chúng đến gần thì lại không đánh với chúng ta, như vậy mới khó xử!
Sự thật quả như nỗi lo lắng của Tuân Du. Sái Mạo dẫn đại quân tiến gần tới Nhương huyện, liền hạ trại giữ thái độ ngồi yên quan sát, tựa hồ không có ý định đánh với Tào Tháo. Nhưng hành động như thế còn khiến Tào Tháo khó chịu hơn là vác đao thương ra mà đánh nhau, giờ vừa phải công thành, vừa phải phòng bị quân Kinh Châu tập kích. Nếu Nhương huyện rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc thì Sái Mạo tất sẽ dốc toàn quân đến đánh. Còn nếu Tào Tháo lui quân, ông ta lại có thể đuổi theo truy kích. Dù có hạ được Nhương huyện, thì tòa thành này cũng khó mà giữ vững được, Sái Mạo vẫn có thể nhân rối loạn mà khiến Tào Tháo phải bị trọng thương. Sái Mạo đang dùng cách dĩ dật đãi lao ý muốn ngồi yên dùng bài ngư ông đắc lợi.
Tào Tháo thấy vậy cũng thay đổi chiến lược, có ý một lần nữa chiêu hàng Trương Tú để khống chế Sái Mạo, nhưng gây thù kết oán đã quá sâu rồi, dường như rất khó làm được như vậy. Trương Tú tuy không quy hàng, nhưng sợ Tào Tháo đánh vào tàn sát. Còn Sái Mạo kỳ thực cũng có sự lo ngại, đó là sợ Trương Tú đột nhiên hàng Tào Tháo, hai bên sẽ cùng sát cánh đến đánh, thì quân Kinh Châu tất sẽ bại. Trương Tú sợ Tào Tháo, Tào Tháo sợ Sái Mạo, Sái Mạo lại sợ Trương Tú. Không ai có thể liệu rằng chiến sự lại biến chuyển đến cục diện như vậy, ba bên cùng khắc chế lẫn nhau, có thể nhận thấy đây là một tình thế bị kẹt cứng.
Vào thời khắc quan trọng, thì môi trường bên ngoài đã trở thành nhân tố mang tính quyết định. Hậu phương của Sái Mạo là Kinh Châu, ở phía đông thì Tôn Sách chưa dẹp yên được loạn, ở phía tây thì Lưu Chương đóng cửa tự thủ, không có mối lo gì ở sau lưng cả. Còn hậu phương của Tào Tháo thì lại có hai kình địch là Viên Thiệu và Lã Bố. Cầm cự như vậy chưa đến mười ngày, chợt có Lã Chiêu mang mật thư của huynh đệ Tuân Úc, Tuân Diễn từ Hứa Đô đến quân doanh: Viên Thiệu lập mưu muốn bất ngờ tập kích vào Hứa Đô.
Tào Tháo xem xong mật báo, chợt như thấy có sét nổ trong đầu.
— Ta vì tức khí mà lỡ việc rồi! - Nói xong liền ngã ngồi xuống ghế, sắc mặt tái mét, hồi lâu không nói năng gì.
Lã Chiêu thấy bộ dạng Tào Tháo như vậy, vội chạy đến trước mặt giải thích:
— Đây là kế của Điền Phong bày cho Viên Thiệu, Viên Thiệu còn chưa quyết định. Dù bây giờ ông ta có hồi quân từ Dịch Huyện về thì cũng cần có thời gian. Hơn nữa, Hạ Hầu đại nhân đang trấn ở Hứa Đô, các ông Trình Dục, Vạn Tiềm thì giữ Duyện Châu, mũi nhọn của địch chưa thể tới ngay được, xin đại gia ngài chớ vội lo lắng. - Lã Chiêu vốn xuất thân là tiểu bộc trong Tào phủ, tuy bây giờ được phái đến dưới trướng Hạ Hầu Đôn, nhưng vẫn xưng hô với Tào Tháo như trước đây không hề thay đổi.
Tào Tháo xua xua tay ra hiệu không được làm ồn, suy nghĩ hồi lâu mới nói:
— Ta thật hối hận không nghe lời Tuân Công Đạt, giờ đây đúng là tiến thoái lưỡng nan! Ta há lại không biết rằng tin tức từ Hà Bắc ấy chưa chắc đã là thật, nhưng việc này đã làm ta tỉnh ngộ. Ta rời khỏi Hứa Đô đã ba tháng, trong ba tháng ấy có biết bao biến cố lớn nhỏ xảy ra? Công Tôn Toản chưa diệt được, cánh quân khác của Viên Thiệu dù có vượt được Hoàng Hà cũng không đáng sợ, nhưng nếu Viên Thiệu, Lã Bố cùng đến gây họa, thì ta sẽ phải ứng phó ra sao? - Lúc này Tào Tháo chợt tỉnh ngộ hẳn ra, rồi càng nghĩ càng thấy sợ hãi: “Ở đây chiến sự chưa yên, Lưu Biểu và Viên Thiệu xưa nay vốn từng giao hảo với nhau, nếu Viên Thiệu đánh ta ở phía bắc, Lưu Biểu giữ chân ta ở phía nam, khi ấy hoặc là Lã Bố, hoặc là Viên Thuật, hoặc là các tướng ở Quan Trung, chỉ cần có thêm một mặt nữa xuất hiện kẻ địch thì nhân tâm ở Hứa Đô sẽ bất ổn, cái đầu của Tào Mạnh Đức ta sẽ phải lìa khỏi cổ rồi.”
Tào Tháo không dám nghĩ tiếp nữa, lập tức quyết định lui quân, gọi Tuân Du, Quách Gia đến thương nghị các việc để rút quân, lại gửi thư cho Tuân Úc nhắc nhở việc đề phòng. Trên dưới trong Tào doanh đều bí mật truyền chỉ lệnh, nhân đêm tối giải vòng vây đang vây Nhương huyện, bỏ lại doanh trại trống không, cắm cờ suông để nghi binh, người ngậm tăm, ngựa bọc vó, âm thầm rút quân về bắc. Thế là, lần thứ ba chinh thảo Trương Tú lại phải trở về không công.
Tuy quân Tào Tháo rút lui rất có trật tự, nhưng đến trời sáng, binh mã hai nhà còn lại cũng lập tức phát hiện ra sự tình có biến. Tình thế nguy cấp ở Nhương huyện đã giải được, để lại một mình Giả Hủ giữ thành, Trương Tú và Sái Mạo lập tức hợp quân, chưa đầy nửa ngày đã đuổi kịp đại đội quân mã của Tào Tháo. Quân rút lui bị tập kích là vô cùng nguy hiểm, may mà Tào Tháo đã có đề phòng trước, đích thân dẫn quân tinh nhuệ đi chặn hậu. Mặc dù đã sắp đặt như vậy, nhưng quân Kinh Châu đều là quân chủ chốt, chỉ có thể giữ hòa được với chúng chứ không thể đánh lui được hoàn toàn. Tào quân vẫn tiếp tục rút lui, trong khi binh mã của hai cánh quân kia vẫn bám sát không rời, càng tệ hơn là khi ấy lại đúng dịp mùa mưa đã đến.
Với người giỏi cầm quân như Tào Tháo mà nói, mọi nhân tố bất lợi đều sẽ có biện pháp tránh được, duy có thời tiết là chẳng thể có cách nào giải quyết được, mà lần này lại gặp phải thời tiết mưa dầm liên tục nhiều năm nay chưa từng có. Mưa tuy không lớn, nhưng dầm dề kéo dài đến não ruột. Ngớt lại mưa, mưa lại ngớt, suốt mười mấy ngày liền, dường như ông trời không thể tạnh nắng trở lại được nữa vậy. Lại thêm khí hậu oi bức, trong khoảng trời đất dường như bị biến thành một cái nồi hấp, khiến mọi vật đều bị úp trong hơi nước nóng ngột ngạt vậy.
Tuy kẻ rút lui và người truy đuổi đều phải chịu khổ như nhau, nhưng tình trạng đôi bên lại khác nhau một trời một vực. Quân của Trương Tú bị vây khốn đã lâu, nay được sổ lồng, thời tiết tuy xấu, nhưng chí khí chiến đấu không hề suy giảm. Quân Kinh Châu của Sái Mạo thì đều là người vùng Tương Phàn, sinh ra và lớn lên trong cái lò lửa, thời tiết nóng bức mưa dầm cũng đã quen rồi, tựa hồ chẳng bị thời tiết ảnh hưởng gì cả, chỉ có quân của Tào Tháo là khốn khổ nhất!
Tào quân đã công thành ba tháng liền, quân đội mệt nhọc mà không được kết quả gì, lại đột nhiên lui binh, cả quân lẫn tướng đều không còn khí thế gì nữa, lại thêm thời tiết quỷ quái này, khiến mọi người đều mệt mỏi đến thở không ra hơi. Không biết làm sao, Tào Tháo đành hạ lệnh lui quân chậm lại, từng bước từng bước hạ trại đóng quân, mỗi ngày chỉ đi chưa được đầy mười dặm, dưới chân bùn đất bết chặt, lại phải chú ý đề phòng quân tập kích phía sau. Lúc như thế này, chỉ có thể nhẫn nhịn đóng quân cẩn thận, đánh trả bình tĩnh, chỉ cần tốc độ hành quân nhanh thêm một chút, thì đội hình rút quân sẽ nhanh chóng bị tan vỡ.
Những ngày này, tướng sĩ cả doanh cơ hồ y sam không lúc nào khô, vừa nước mưa, vừa mồ hôi, vừa bùn đất, ướt át nhớp nháp dính chặt vào người, đến tối cởi xuống xem, thì trên y phục đã có một lớp lông trắng vì mốc, và trên lưng thì cũng mọc đầy mụn. Càng khó khăn hơn là, mưa mấy hôm liền, đường xá trở nên vô cùng lầy lội, trơn trượt nên chỉ còn cách cởi giày cỏ ra mà đi chân đất. Đi liền mấy hôm trên đường đất như thế, không ít quân lính đã bị nước ăn loét chân, vết đau hôm trước còn chưa khô thì hôm sau lại tiếp tục phải liều mạng trong bùn lầy, đau đến cắn răng méo miệng tập tễnh chao đảo. Cứ như vậy đi liền mấy hôm, Tào quân vẫn chưa ra được khỏi đất quận Nam Dương, may mà phía Hà Bắc vẫn chưa thấy động tĩnh gì, Viên Thiệu dường như không nghe theo sách lược đánh úp của Điền Phong.
Hôm ấy, thời tiết ngày càng tệ hại, nóng hơn rất nhiều so với những ngày trước đó, mà mưa dầm thì vẫn không ngừng rơi. Tào Tháo đốc thúc binh mã hành quân từ sáng sớm, hai lần đánh lui quân Trương Tú truy kích, nhưng vì quân sĩ vô cùng mệt mỏi, chỉ đi được thêm sáu dặm lại phải hạ trại nghỉ chân.
Đến giữa giờ ngọ mà mưa vẫn chưa ngớt, trong khi không khí thì nóng nực không chịu nổi, đến một sợi gió cũng không có, hơi nước nóng hầm hầm khiến người ta như muốn ong cả đầu óc. Trong trướng trung quân không khí bức bối, các võ tướng Nhạc Tiến, Hạ Hầu Uyên đều cởi áo để trần, đeo kiếm, ai nấy lộ rõ những bắp thịt cuồn cuộn. Tuân Du là kẻ sĩ đoan trang, nhưng lúc này cũng không thể không cởi bỏ áo ngoài, để lộ bộ ngực gầy gò xương xẩu. Quách Gia thì chẳng để tâm nhiều như thế, chẳng những cởi áo ngoài ra, mà ngay cả quần cũng vén cao lên. Nhưng ông ta không phải đánh trận, nên mới mặc quần, song lại sợ ngồi thì mọc mụn nên mới để chân không ngồi bên bàn chủ soái. Tào Tháo thân là Tư không đương triều, thống soái ba quân nên không thể để mất uy nghi, nhưng cũng phanh ngực áo, tay cầm cuốn sách Binh pháp tiết yếu của mình soạn, nhưng đọc cũng không vào được, chỉ là muốn tìm cách trốn chạy cảm giác nóng bức mà thôi. Tình cảnh ấy thật không giống như một cuộc họp bàn việc quân.
Tào Hồng bám tay lên bức rèm cửa trướng, nhìn ra ngoài giây lát rồi bỗng quay lại chán ngán nói:
— Đúng là khốn kiếp! Bên địch không dùng trướng vải, mà chỉ có lều bằng tre tranh, thoáng mát thoải mái hơn chúng ta nhiều!
— Đó là một bài học vậy! - Tuân Du thở dài nói, - Sau này nếu gặp phải thời tiết như thế này, cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi hành động, ngoài ra còn phải có một số thảo dược để tránh nóng mới được.
Nhạc Tiến ưỡn cái bụng căng tròn, thở phì phò nói:
— Tên Trương Tú ấy không biết có điên không? Hai hôm nay ngày đêm quấy rối quân ta, không có lẽ đánh nhau như vậy, chúng ta không được nghỉ ngơi, mà bọn chúng lại không mệt ư?
Vu Cấm tiếp lời nói:
— Nói là Viên Thiệu đến đánh úp, nhưng đã mấy ngày qua rồi, mà chẳng có động tĩnh gì, thế chẳng phải là lo sợ hão một phen ư! Sớm biết thế này thì chẳng bằng hạ xong Nhương huyện rồi mới rút về còn hơn.
Chu Linh hừ một tiếng, hất cái hàm rộng bác lại:
— Ta thấy lui binh là rất đúng, nếu còn ở lại Nhương huyện mà gặp thời tiết thế này, thì dù có công thành cũng không thể công nổi.
Vu Cấm nghe thấy ông ta cố tình nói là đúng, lau lau mồ hôi túa ra trên trán, cười nhạt bảo:
— Còn chưa đánh trận, làm sao ông biết là không hạ được?
Tào Tháo vốn đang buồn bực, nghe thấy hai người đến giờ này vẫn còn chưa thể đồng tâm hiệp lực, bèn đập cuốn thẻ tre trong tay xuống bàn. Vu Cấm, Chu Linh thấy ông nổi giận, vội cúi đầu không dám nói gì nữa. Tào Tháo nhìn một vòng khắp quân trướng người áo người không, trong lòng vô cùng phiền muộn, cuối cùng ông chỉ tay vào Quách Gia đang ngồi một bên nói:
— Phụng Hiếu, ngươi nói xem, hiện giờ nên làm thế nào?
Quách Gia đang cởi trần, nhưng vẫn không quên chắp tay thi lễ, nhỏ giọng nói:
— Thời tiết như thế này, nóng vội cũng không tác dụng gì, Sái Mạo, Trương Tú không chịu lui, thì chúng ta rốt cuộc vẫn bị động. Tại hạ không có cách nào cả, chỉ hy vọng minh công có thể kiên trì nhẫn nhịn đi chầm chậm, ông trời không thể trước sau cứ mưa mãi được? Hơn nữa, càng lên phía bắc chúng ta càng có lợi, chỉ cần ra khỏi quận Nam Dương, thì bọn chúng sẽ không dám đuổi nữa.
Nói vậy thì chẳng khác nào không nói, nhưng trừ cách nhẫn nại ra, thực sự không còn cách nào khác. Đúng lúc ấy, bên ngoài trướng chợt nghe có tiếng bẩm báo, Vương Tất, Phồn Khâm dẫn theo một người khoác áo tơi đi vào. Người mặc áo tơi trông thấy Tào Tháo vội bỏ nón trên đầu ra, để lộ khuôn mặt thiếu niên trắng trẻo, quỳ xuống ngoài trướng thi lễ:
— Mạt tướng là Vương Đồ - Hiệu úy dưới trướng của Hạ Hầu tướng quân, dẫn theo một ngàn binh mã mang theo áo tơi đến đây trợ chiến!
Tào Tháo trước đây chưa từng gặp Vương Đồ, nhưng nghe y nói mang theo áo tơi đến thì mừng lắm, cười nói:
— Đứng dậy đi! Mau vào trong cho đỡ mưa nào.
Vương Đồ đứng dậy bước vào, chợt thấy trong trướng hơi người nồng nặc, quyện với hơi bùn đất, cùng hơi nóng ẩm ùa vào đầy mặt, nhưng không tiện kêu ca trước mặt Tào Tháo, chỉ nín thở nói:
— Tại hạ còn có việc quân quan trọng muốn được bẩm báo, chúa công có cần... - Vừa nói Vương Đồ vừa quay nhìn bên trái lại bên phải như có ý nghi ngại.
Tào Tháo thấy y cẩn thận như vậy, liền biết rằng có lẽ chẳng phải tin tốt lành gì, thở dài nói:
— Có việc gì ngươi cứ nói không ngại, có phải là Viên Thiệu đã khởi binh rồi không?
— Hà Bắc thì không có chuyện gì mới, nhưng... - Vương Đồ rút từ trong áo ra một bức thư lụa để lên soái án. - Lã Bố ở Từ Châu lại làm phản, khởi binh tập kích Tiểu Bái, Lưu Bị không địch nổi, phải sai quân đến Hứa Đô cầu viện. Đây là thư của Tuân lệnh quân tự tay viết, nói rõ những việc vừa qua, xin chúa công xem xét.
Thời tiết nóng ẩm, vết mực đều nhòe cả, Tào Tháo phải xét nét chữ, đọc thật kỹ. Hóa ra việc Lã Bố khởi binh đầu sỏ gây ra tội lại là do hai tên cựu tướng của Bạch Ba là Dương Phụng, Hàn Tiêm. Hai tên phản tặc của triều đình ấy, sau khi bị Tào Tháo đánh bại, đầu tiên chúng đến theo Viên Thuật, rồi lại làm phản chạy đến chỗ Lã Bố. Người ta vẫn nói tính trộm cướp khó sửa đổi, lại thêm Lã Bố kỷ luật không nghiêm, Dương Phụng, Hàn Tiêm thường xuyên dẫn bộ hạ cướp đoạt của bách tính, lại vượt qua cả địa giới châu đến Tiểu Bái gây họa. Lưu Bị bày kế, giả truyền là triều đình đã tha thứ cho tội lỗi trước đây của bọn chúng, lừa cho hai tên ấy đến doanh trung, rồi ngay trên tiệc rượu, chém chết chúng luôn. Dương Phụng, Hàn Tiêm đã ba lần làm phản, phải chết dưới tay Lưu Bị cũng là đáng tội, Lã Bố không truy cứu gì cả, chỉ sắp xếp qua loa cho bọn dư đảng của chúng rồi thôi. Nào hay Lưu Bị tự cho là mình đã trở mặt với Lã Bố, vừa gặp dịp Lã Bố sai người đến chỗ Trương Dương ở Hà Nội mua ngựa, Lưu Bị liền sai bộ tướng là Trương Phi chặn đường cướp lấy. Lã Bố biết chuyện vô cùng tức giận, lại được Trần Cung phân tích chỉ bảo, đã hơi nhận ra mình trúng kế ổn quân của Tào Tháo, liền lập tức sai Cao Thuận dẫn đội quân tinh nhuệ đi đánh Tiểu Bái, lại sai Trương Liêu liên lạc với các hào cường ở duyên hải là Tang Bá, Ngô Đôn, Tôn Quan để làm hậu viện. Lưu Bị hai lần đánh đều bất lợi, phải cố thủ trong thành, sai người đến Hứa Đô cầu viện triều đình.
Biết là Lã Bố làm loạn chứ không phải Viên Thiệu đến đánh, trong lòng Tào Tháo cũng thấy an tâm hơn nhiều. Mấy ngày nay ông với Tuân Du, Quách Gia đã bàn tính riêng, sau khi hồi quân về đến Hứa Đô, sắp xếp mọi việc xong xuôi sẽ tính chuyện diệt quách Lã Bố đi, để tránh hậu họa ở mạn đông trong khi phải đối chọi với Viên Thiệu, chỉ khó là Lã Bố về danh nghĩa đã quy phụ triều đình, không có lý do gì để xuất binh cả. Nhưng nay xảy ra việc này, chẳng khác nào Lã Bố đã tạo phản, đã có thể có lý do để danh chính ngôn thuận xuất binh đến đánh rồi. Nhưng nghĩ ngợi giây lâu, Tào Tháo lại cảm thấy lo lắng: Nguy cơ trước mắt còn chưa cởi bỏ được, trong khi tài đánh trận của tên Lưu Bị thật khiến người ta không thể yên tâm, nếu hành quân chậm chạp thế này, chỉ e là chưa về đến Hứa Đô thì Lã Bố đã công phá được Tiểu Bái, tiến đánh Dự Châu rồi.
Tuân Du đứng bên nhận ra tâm tư của Tào Tháo, ghé bên tai ông nhắc nhỏ:
— Lã Bố vẫn chưa biết chuyện Trần Đăng quy thuận, nên nhanh chóng gửi thư đến Quảng Lăng, lệnh cho Trần Đăng mượn danh nghĩa hiệp trợ Cao Thuận, đột kích vào Hạ Phì, như vậy có thể lập tức giải vây được cho Tiểu Bái. - Chuyện Trần Đăng làm nội ứng, các tướng trong trướng còn chưa ai biết, nên Tuân Du không dám nói lớn trước mặt đông người.
Tào Tháo dường không cam lòng. Trần Đăng là một cái đinh cài vào trong trận doanh của Lã Bố, nếu có một ngày nào đó Tào Tháo tiến quân vào Từ Châu, Trần Đăng bất ngờ làm phản thì có thể đánh cho Lã Bố một đòn chí mạng. Bây giờ nếu lại dùng ông ta ngay, hiệu quả có thể giảm sút đi nhiều. Nhưng giờ mình đang ở Nam Dương, roi có dài cũng đánh không tới, Tào Tháo chỉ có thể thực hiện hạ sách ấy, đành nói:
— Vậy cứ theo lời của quân sư, ta sẽ viết một phong thư, cho quân hỏa tốc mang đến Hứa Đô, bảo Văn Nhược theo như trong thư mà làm...
Còn chưa nói xong, Vương Đồ đã cắt lời nói:
— Chúa công, chỉ e là quân không đưa được thư về nữa rồi.
— Hả? - Tào Tháo giật mình, - Ý ngươi là sao?
Vương Đồ quỳ sụp xuống đất:
— Lúc tại hạ lĩnh quân tới đây, đã có quân Kinh Châu đi vòng đến địa giới huyện An Chúng, tựa hồ có ý muốn cắt đường về của quân ta. Tại hạ dựa vào lực kỵ binh cố gắng đột kích qua được, nên mới đến được chỗ chúa công. E là bây giờ chúng đã bố trí xong xuôi, nếu không có đại đội quân binh yểm hộ, chỉ có một tên lính đưa thư thì tuyệt không thể đi qua được.
Tuân Du chợt sáng mắt lên:
— Quân Kinh Châu đi đường vòng chặn đường về của quân ta? chả trách Trương Tú hai ngày nay liên tục cố đánh quân ta, hóa ra là muốn yểm hộ cho Sái Mạo vòng đường đến An Chúng.
Các tướng nghe thấy vậy ai cũng ngạc nhiên. Nhạc Tiến trợn tròn mắt lên đầu tiên, ưỡn bụng nói sang sảng:
— Khốn kiếp! Phía trước thì chặn đường, phía sau thì truy đuổi, thế chẳng phải là muốn bức chúng ta vào đường chết ư? Theo ý tôi, chúng ta trở lại diệt luôn Trương Tú, rồi lại quay về liều mạng với bọn nhãi Kinh Châu! - Hắn làm ầm ĩ lên như thế, khiến mọi người ai cũng sốt ruột, kẻ nói người kêu loạn hết cả lên.
— Ha ha ha... - Tào Tháo đột nhiên ngẩng mặt lên trời cười lớn, - Sái Đức Khuê, Khoái Tử Nhu! Các ngươi tự nghĩ mình thông minh, tiếc rằng không hiểu gì về binh pháp, lần này ta thắng chắc rồi, ha ha ha...
Rõ ràng là tình hình đang càng thêm bất lợi, vậy mà Tào Tháo lại nói là thắng chắc rồi, chư tướng không hiểu ra sao, ai nấy đều đứng lặng cả. Tuân Du, Quách Gia hiểu rõ đạo lý trong đó, không ngăn được cũng mỉm cười theo. Tào Tháo cười xong rất lâu, mới hớn hở hỏi:
— Mọi người nghe rõ đây, bây giờ có một việc khẩn cấp cần làm, ta phải truyền một mệnh lệnh đến Hứa Đô, có ai dám lĩnh binh vượt qua vòng vây của Sái Mạo để đưa tin về Hứa Đô?
— Mạt tướng xin đi! - Chưa đợi Nhạc Tiến, Chu Linh kịp tranh lấy, Vương Đồ đã nói ngay.
Tào Tháo vốn chưa để tâm đến viên tiểu tướng này, giờ nghe thấy y xin nhận lệnh mới chú ý quan sát. Vương Đồ mới độ ngoài hai mươi, khôi ngô trắng trẻo, mắt hạt hạnh, mày lá liễu, miệng gọn mũi cao, đâu có nét gì giống một viên chiến tướng? Tào Tháo không an tâm lắm:
— Vương tướng quân, chuyện phá vây đưa thư là chuyện rất nguy hiểm đó!
— Mạt tướng tuy không có cái dũng của Mạnh Bôn, Hạ Dục, nhưng cũng tự nhận rằng có thể đảm đương được việc này. Một khi mạt tướng đã có thể từ An Chúng vượt vòng vây đến đây thì cũng có thể nghĩ được cách lại vượt vòng vây trở về. - Vương Đồ nói rất chắc chắn.
Tào Tháo gật gật đầu. Hạ Hầu Đôn đã có thể cất nhắc Vương Đồ, thì tất người này cũng phải có ít nhiều bản lĩnh. Nghĩ đến đó, ông an lòng nói:
— Được! Ngươi lại dẫn theo một ngàn quân của mình đột phá vòng vây, nhất thiết phải mang mệnh lệnh của ta về Hứa Đô. Chuyện này làm xong được, ta sẽ phong cho ngươi làm Trung lang tướng!
— Đa tạ chúa công! - Vương Đồ bình thản nhận mệnh.
— Xong việc rồi hãy cảm tạ cũng không muộn. - Tào Tháo lại chỉ tay gọi Phồn Khâm, - Hưu Bá, thư cho Văn Nhược, ta nói cho ngươi viết.
Phồn Khâm lập tức quỳ ngay xuống bên soái án, cầm lấy đao bút và cuộn thẻ tre còn để không, thời tiết quá ẩm thấp, nếu dùng bút mực thì nửa canh giờ cũng chưa khô được, chỉ có cách dùng đao bút khắc, rồi in mực lên mới có thể đảm bảo là nét chữ được rõ ràng. Tào Tháo vỗ vỗ nhẹ lên trán, suy nghĩ một lúc rồi mới cất lời:
— Nay giặc đến truy đuổi ta, tuy ngày đi được mấy dặm, nhưng ta đã có kế hoạch, đi đến An Chúng tất có thể phá được giặc...
Nhạc Tiến thực sự không nhịn nổi nữa, nói chen vào:
— Chúa công có căn cứ gì mà có thể phá được giặc ở An Chúng?
Tào Tháo cười hì hì vẻ bí mật:
— Đến lúc ấy ngươi sẽ biết, viết tiếp đi... Lệnh cho Hạ Hầu Nguyên Nhượng dẫn theo dư bộ ở Hứa Đô hỏa tốc đến cứu viện cho Lưu Bị!
Nhạc Tiến lại không nhịn được, nhắc nhở:
— Hạ Hầu tướng quân dẫn quân đi rồi, Hứa Đô lập tức trống không, nếu Hà Bắc khởi binh, chúng ta lại chưa về được kịp, há lại chẳng là đại họa bằng trời sụp ư?
— Không cần ngươi nói chen vào! - Tào Tháo lừ mắt nhìn y, tiếp tục nói, - Sau khi Nguyên Nhượng đi rồi, phiền Lệnh quân cùng Nhậm Tuấn, Đinh Xung tạm duy trì mọi việc một thời gian. Mọi việc ngoại hoạn chớ lo lắng gì, chỉ nên đề phòng trong triều mà thôi. Trong vòng mấy ngày ta tất sẽ về kinh... Đại khái là như vậy thôi, Hưu Bá hãy nhuận sắc lại mà viết.
Chư tướng quay sang nhìn nhau, thực không biết làm sao mà Tào Tháo lại tự tin như vậy. Trong tình thế bất lợi như thế này, lấy gì để nói có thể phá giặc? Dù cho có phá được quân giặc, lại làm sao mới có thể nhanh chóng về giữ Hứa Đô được chứ? Nhưng Tào Tháo đã không chịu nói ra, nên chẳng ai tiện hỏi thêm nữa.
— Thư viết xong rồi, giao cho Vương Đồ mang về, các tướng lĩnh quân giả đánh Trương Tú, yểm hộ cho y rời khỏi đây. - Tào Tháo vươn vai đứng dậy, đi ra cửa trướng đưa tay hứng những giọt mưa bay bay rơi xuống, - Mưa đi! Mưa đi! Thực ra trời mưa thế này cũng không có gì là tệ cả! - Vừa nói Tào Tháo vừa nở một nụ cười tươi...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 5 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 5 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 5