Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Tác giả: Step Penney
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 743 / 9
Cập nhật: 2016-06-26 12:21:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ặc một chiếc áo choàng mùa đông được cho mượn, Sturrock lần mò đi qua lớp tuyết mới, xem xét mặt đất để tìm dấu vết của đường đào tẩu. Bên tay phải ông, một người đàn ông tên Edward Mackay cũng làm như thế. Bên tay trái ông, một anh trai trẻ dùng một cây gậy chọc xuống mặt đất chỗ này chỗ nọ. Sturrock nhận ra rằng đây là công việc vô vọng. Mọi việc đều được thực hiện sai ngay từ đầu. Khi người ta phát hiện người bị giam giữ đã tẩu thoát, tin tức rò rỉ nhanh chóng như vết dầu loang, cùng lúc trong mọi gia đình ở Caulfield, và cư dân đổ xô ra để săm soi và nêu giả thuyết, vì thế xóa đi mọi dấu chân lân cận. Dù sao chăng nữa, tuyết nhuyễn như bột đã bắt đầu rơi trong đêm, có lẽ che giấu tất cả dấu vết, nhưng có quá nhiều người can dự nên không thể thu thập thông tin từ hiện trường.
Khi Sturrock đi đến thì mặt đất chung quanh kho chứa hàng là một biển bùn và tuyết bẩn, và không ai biết cần tìm kiếm ở đâu. Vì thế, người khỏe mạnh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm đi theo một hướng khác nhau, lùng sục mặt đất thành từng hàng mười người. Theo cách này, họ quét qua vùng đất chung quanh Caulfield, phá hủy tất cả thông tin mà mặt đất có thể cung cấp. Sturrock nhỏ nhẹ phản đối vì lý do này, nhưng ông là người ngoài đến đây nên chỉ được lắng nghe một cách lịch sự rồi bị phớt lờ. Đã có vài tin báo nhầm lẫn, khi nhóm người tìm kiếm hô hoán lên rằng họ đã thấy một vết chân hoặc dấu hiệu của một đường đi qua, cuối cùng đó chỉ là hiện tượng thiên nhiên hoặc dấu vết của thú rừng.
Tâm tư của Sturrock hướng về ngôi nhà của Scott, nơi ông cất giấu giấy tờ dưới tấm nệm giường (ông đã kiểm tra để biết chắc không có chuột bọ dùng giấy làm bữa ăn sáng), ông sẵn sàng lưu lại lâu nếu cần, tin rằng mình có thể xin Knox cho vay thêm tiền, trong khi chờ đợi anh con trai của Bà Ross và tấm thẻ xương xuất hiện trở lại. Ông tin chắc rằng không ai ở đây biết tấm thẻ đó là cái gì. Chính ông cũng không biết, và chỉ có một đầu óc hiếm hoi - như đầu óc của ông - mới biết cách nghĩ ra một câu chuyện gì đó thật ly kỳ.
Lần đầu tiên Sturrock gặp Laurent Jammet là năm rồi, vào một ngày u ám, lộng gió ở Toronto. Lúc nào vẫn vậy, Sturrock cứ ôm đồm làm việc này việc nọ mà không có đủ phương tiện, và luôn bị bà chủ nhà Pratt lên mặt dạy đời. Bà là một trong số những người - đáng buồn là có nhiều người - không nhận ra rằng Sturrock là người sinh ra để làm những việc tinh tế trong cuộc sống, và rằng ông giúp tăng giá trị ngôi nhà cho thuê ọp ẹp của bà. Để vực dậy từ những kinh nghiệm thương đau và nghĩ làm thế nào khắc phục tình thế, ông đi đến một trong những quán cà phê mà ông mong có thể xin vay chút tiền. Khi đang xoay tròn chiếc cốc cà phê trong tay, ông nghe lỏm cuộc trò chuyện từ bàn kế bên.
Một người, với âm giọng tiếng Pháp, nói mình đang làm ăn buôn bán với một ông ở Vịnh Thunder, và được ông này tặng một món vật kỳ lạ, có vẻ chẳng có giá trị gì cả nên mãi lúc gần đây anh mới để ý tới. Anh nói đó là một tấm thẻ bằng ngà với nhiều vết khắc trên đó, “giống như nét chữ gì đó của Ai Cập”.
Theo âm giọng, người kia dường như là một anh chàng người Mỹ vô tích sự đã lợi dụng đường biên giới dài để trốn lánh chiến tranh. Anh ta nói: “Đó không phải là chữ Ai Cập mà là những hình vẽ, như là chim chóc hoặc đại khái như vậy.” Hiển nhiên là họ đang chuyền cho nhau món vật quanh chiếc bàn để xem xét.
Người thứ ba nói: “Tôi không biết đó là gì. Có lẽ là chữ Hy Lạp.”
Người Pháp nói: “Thế thì có lẽ nó có giá.”
Đến lúc này, Sturrock đứng dậy tự giới thiệu mình với ba người. Ông có kỹ năng giỏi ám chỉ xa gần là đã làm việc với đủ lớp người từ công nhân hầm mỏ đến bá tước, và ông là một trong số ít người da trắng được những tù trưởng Da Đỏ hai bên đường biên giới tin cậy và yêu mến. Chính vì thế mà ông đã trở thành người tìm kiếm giỏi, và người Mỹ đã nghe danh Sturrock, nên cũng là yếu tố thuận lợi trong trường hợp này.
Ông bảo mình đã nghiên cứu về khảo cổ, và có thể hỗ trợ họ. Người Mỹ làm cho ông khoái chí với nhiều lời thỉnh cầu ông cung cấp thông tin cho họ, và ông thỏa mãn họ bằng cách nghiên cứu món vật trong tay ông. Ông làm ra vẻ xem nó là thứ không đáng màng tới, trong khi thực ra ông chẳng biết ất giáp gì cả. Từ một ít kiến thức về nền văn hóa Hy Lạp và Ai Cập - các nghiên cứu của ông được phóng đại chút ít - thì món vật kia chẳng thuộc nền văn hóa nào. Nhưng óc tò mò của ông bị kích thích bởi những hình thù nhỏ xíu chung quanh những dấu có góc cạnh trông tương tự như chữ viết. Chúng làm cho ông liên tưởng đến mẫu hình những nhân vật trong lịch sử người Da Đỏ mà ông đã trông thấy, được thêu trên dây thắt lưng. Cuối cùng ông trả lại mảnh ngà cho người Pháp có tên là Jammet, và nói mình không nắm rõ, nhưng biết nó không phải là Ai Cập, Latinh, hoặc Hy Lạp, và như thế không thuộc một trong những nền văn minh vĩ đại thời xa xưa.
Một người lấy làm thương hại cho Jammet, nói: “Thế thì có lẽ nó là Da Đỏ cổ đại, nên anh có may mắn đấy nhé!”
Họ cùng nhau cười lớn. Sau đó, họ chia tay nhau, và Sturrock lưu lại thêm một tiếng đồng hồ, nhâm nhi cà phê mà anh người Pháp đãi.
Trong những ngày kế tiếp, ông càng suy nghĩ thêm về chuyện này mà không bỏ qua được. Sturrock đi bộ dọc con đường (ông không có tiền để cưỡi ngựa) trong khi hình ảnh của tấm thẻ và những dấu kỳ lạ nhảy múa trước mắt ông. Dĩ nhiên là ai cũng biết người Da Đỏ không có chữ viết. Họ chưa bao giờ có.
Mặc dù vậy. Mặc dù vậy.
Sturrock trở lại quán cà phê và gặp lại anh người Pháp, như thể tình cờ, bên ngoài một nhà nghỉ - mà ông cẩn thận nhận xét là thuộc khu vực giàu có hơn là nơi ông ở. Họ trò chuyện một lúc, rồi Sturrock nói mình đã trao đổi với một người bạn, người biết nhiều về các chữ viết cổ xưa, và quan tâm muốn xem tấm thẻ. Nếu ông có thể mượn tấm thẻ một vài ngày để cho bạn mình xem, thì có lẽ ông sẽ định được giá của tấm thẻ. Jammet chứng tỏ mình là con buôn có bản lĩnh khi từ chối rời xa tấm thẻ nếu không được trả một khoản tiền lớn. Sturrock nghĩ mình đã cẩn thận che giấu mối quan tâm, và cảm thấy xúc phạm vì không được tin tưởng, nhưng Jammet cười và vỗ vai ông, nói mình sẽ giữ tấm thẻ cho ông cho đến khi ông có đủ tiền để mua. Sturrock giả vờ lãnh đạm, rồi ậm ừ yêu cầu chép lại các dấu hiệu, để chắc chắn là tấm thẻ đáng được quan tâm. Jammet lấy tấm thẻ ra, cảm thấy vui vui, rồi nguệch ngoạc viết lên một mảnh giấy.
Từ lúc đó, ông đã mang mảnh giấy đến các viện bảo tàng ở Toronto và Chicago, đến các giáo sư đại học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, và thấy không ai bác bỏ giả thuyết của mình. Ông không nói mình nghĩ nó có thể là gì, mà chỉ hỏi nó có thể thuộc chữ viết Ấn-Âu[33] hay không. Các học giả cho rằng không. Họ loại bỏ tất cả chữ viết của Cựu Thế giới. Nếu ông biết nguồn gốc của tấm thẻ thì thực là hay, nhưng ông ngại đánh động anh nhà buôn kia về mối quan tâm của ông. Trong những tháng kế tiếp, tấm thẻ không còn là mối quan tâm nữa. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh.
[33] Ấn-Âu: bao gồm các nhóm chủng tộc Albany, Armenia, Baltic, Celtic, Đức, Hy Lạp, Iran, Ý, và Slav (Nga, Belarus, Ukraina, Ba Lan, Séc, Slovak, Slovenská, Serb-Croatia, Macedonia, và Bulgaria).
Theo lời ông kể với Moody, ông lao vào cuộc nghiên cứu qua sự tình cờ. Sturrock đã là nhà báo nổi danh, sau khi thử làm việc trong các lĩnh vực luật, kịch nghệ và giáo hội. Nghề cuối cùng này được thành công nhất: ông lập nên một giáo xứ gồm vài trăm giáo dân vốn bị tài dí dỏm và hùng biện của ông lôi cuốn, nên ông phất lên - cho đến khi quan hệ tình cảm giữa ông và người vợ của một giáo dân hàng đầu bị phát hiện, và ông phải chạy thoát khỏi thị trấn. Nghề làm phóng viên thích hợp với những tố chất không theo quy tắc của ông. Đấy là nghề đa dạng, dễ hòa đồng, cho phép ông bày tỏ ý kiến bằng ngôn từ hoa mỹ. Nhưng hơn thế nữa, ông khám phá mình có tài năng giỏi vận động quần chúng. Khởi đầu lấy cảm hứng từ những ý tưởng lãng mạn về sự dã man của tầng lớp quý tộc, dần dà ông viết về các sự vụ người Da Đỏ. Dù bị lạm dụng do mấy chuyện huyễn ảo thơ mộng, ông vẫn cảm thấy khuấy động bởi thực tế mình nhận biết được. Đặc biệt là ông làm quen với một người đàn ông tên là Joseph Lock, ở tuổi bát tuần, sống trong cảnh nghèo túng gần Ottawa, kể cho ông nghe các câu chuyện về sắc tộc Pennacook của mình, và làm thế nào họ bị đuổi ra khỏi mảnh đất của họ ở Massachusetts. Joseph là một trong số ít người còn lại, nếu không phải là người cuối cùng, của sắc tộc mình. Sturrock xuất sắc viết lại câu chuyện - ông thường nghe kể, và tin là thực - về cảnh ngộ khốn khổ của Joseph, và sau đó thường được mời đến nhà nhiều nhân vật quan trọng ở Toronto và Ottawa. Ông nghĩ rằng mình đã tìm được chỗ đứng độc đáo mà không ai chen chân vào được.
Tuy nhiên, cũng như những nỗ lực khác, không có gì tồn tại mãi. Danh tiếng của ông dẫn dắt ông gặp gỡ thêm nhiều người Da Đỏ, trẻ tuổi hơn, giận dữ hơn là Joseph, và những bài viết của ông, thay vì mô tả sống động cảnh cơ hàn và than van những bất công trong quá khứ (có nhiều cách cho bạn mô tả), lại càng ngày càng khiêu khích như thể muốn mở trận bút chiến. Bỗng dưng Sturrock thấy các chủ bút ngại đăng bài viết của mình. Họ đưa ra nhiều lý do mơ hồ, hoặc đổ lỗi cho độc giả có mối quan tâm không kiên định, ông biện luận rằng công chúng cần được thông tin về tâm tư của người bản địa. Các chủ bút lầm bầm nói về những sự vụ bên Anh quốc quan trọng hơn, và nhún vai. Các cánh cửa đóng sập lại đối với ông. Những lời mời hợp tác càng ngày càng thưa thớt, ông cảm thấy sự bất công, và cảm thấy mình bị đối xử như người Da Đỏ đã từng bị đối xử.
Vào khoảng thời gian này, một gia đình người Mỹ có đứa con trai bị mất tích sau một vụ tấn công của người Da Đỏ. Mặc dù việc này xảy ra ở phía nam Ngũ Đại Hồ, ở Michigan, người cha đã nghe nói về Sturrock, và vì thông minh và không bấu víu được ai nên tin rằng Sturrock có thể giúp được. Bấy giờ Sturrock đã gần năm mươi tuổi, nhưng ông dấn thân vào công việc với óc tưởng tượng và tinh thần năng động. Có lẽ một phần vì ông là người ngoài nên người Da Đỏ đón tiếp ông, tin tưởng nơi ông. Sau vài tháng, ông tìm ra đứa con trai đang sống với sắc tộc Huron ở Wisconsin. Đứa con trai đồng ý quay về với gia đình.
Một lần nữa, Thomas Sturrock được trọng vọng. Sau kết quả tốt đẹp đầu tiên, ông nhận thêm vài công việc tìm kiếm trẻ em bị bắt cóc, và hai phần ba trong các vụ là thành công. Vấn đề khó khăn không phải là tìm ra các trẻ em này, mà là thuyết phục chúng trở về với cuộc sống trước kia. Ông có tài thuyết phục.
Thế rồi, sau vài ba năm, ông nhận được một lá thư của Charles Seton. Trường hợp nhà Seton là khó khăn nhất trong phần lớn vụ việc ông đã biết, vì năm năm đã trôi qua từ khi hai đứa trẻ mất tích, và không có chứng cứ nào để nói rằng chúng bị người Da Đỏ bắt cóc. Tuy thế, dựa vào những thành công trước kia mà ông tỏ ra tự tin. Ông không muốn từ chối công việc mà ông nghĩ có thể mang đến danh vọng cho sự nghiệp của mình. Ông đang kiếm sống, nhưng không ai làm giàu bằng cách đi tìm con cái của di dân nghèo.
Khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát thì ông không nhận ra. Sau năm năm, Charles Seton vẫn còn đau khổ cùng cực. Bà vợ ông này đã qua đời vì mất con, càng khiến cho ông thêm đau đớn. Ông không còn làm việc kiếm tiền, mà bỏ ra mọi khoản tiền để tìm kiếm hai đứa con gái. Việc tìm kiếm này đã trở thành nguồn sống duy nhất của ông. Đáng lẽ Sturrock phải nhận ra những dấu hiệu của một người mà không lời khuyên giải nào giúp nguôi ngoai được, không có gì bù lại cho sự mất mát. Hy vọng của Sturrock trong việc tìm ra hai đứa trẻ tàn lụi dần. Người ta tin rằng chúng đã chết tức thời, thi hài bị thú rừng tha đi. Sau một năm tìm kiếm, Sturrock bắt đầu nghiêng về giả thuyết này, nhưng Charles Seton không muốn nghe. Không thể nào trao đổi với ông về chuyện như thế.
Trong thời gian này, khi đang đi lại giữa Hồ Ontario và Vịnh Georgian, Sturrock gặp một anh trai trẻ người Da Đỏ tên Kahon’wes, một phóng viên có tính chiến đấu đang viết về những hoàn cảnh đau khổ của người Da Đỏ. Kahon’wes sốt sắng gặp Sturrock vì muốn có thêm nhiều nguồn tin. Dù Sturrock nghĩ anh này không thể giúp gì nhiều, họ vẫn trở thành đôi bạn.
Kahon’wes gọi ông là Sakota:tis, có nghĩa là Nhà Thuyết giáo, Sturrock cảm thấy tự mãn vì sự quan tâm, và vì anh trai trẻ đã lý tưởng hóa con người ông. Trong nhiều đêm, hai người trao đổi về các cuộc chiến ở Mỹ và về các chính trị gia ở Ottawa. Họ nói về văn hóa, về nhận định cho là người Da Đỏ thuộc Thời kỳ Đồ đá, và định kiến mà một nền văn hóa có chữ viết chê bai nền văn hóa chỉ có tiếng nói. Kahon’wes kể cho ông nghe về cuộc khai quật dọc Sông Ohio đã tìm ra những phế tích khổng lồ xây bằng đất nện và những hiện vật có niên đại từ trước Công Nguyên. Khi tìm ra những di chỉ này, các nhà khảo cổ học người da trắng không muốn tin rằng người Da Đỏ có thể giống như nền văn minh của các nhà xây dựng và chạm khắc (và do đó, người Da Đỏ có thể được người da trắng kế tục một cách tàn bạo, cũng như người Đa Đỏ, theo giả thuyết, đã kế tục những sắc tộc khác).
Chính những cuộc trò chuyện này, kéo dài cả thập kỷ, trở lại vương vấn Sturrock khi ông đi qua các đường phố Toronto để dọ hỏi về tấm thẻ bằng xương. Ông bắt đầu tưởng tượng ra bài viết của mình về đề tài này, và cơn chấn động sẽ quét qua Bắc Mỹ khi độc giả đón nhận bài viết. Việc cho đăng tải bài nghiên cứu như thế có thể cứu giúp rất nhiều cho những người bạn Da Đỏ của ông, và đồng thời cũng giúp ông được nổi tiếng. Nhưng ông thấy buồn vì không thể hỏi ý kiến Kahon’wes: anh chàng này đã sa vào tật nghiện rượu và đang sống cầu bơ cầu bất phía bên kia biên giới. Đấy là số phận bao trùm lên những người đã đi ra khỏi con đường trên đó họ đã sinh ra.
Thế là, trong khi Sturrock lê bước trên lớp tuyết, ông không để ý đến địa hình kỳ lạ, ảm đạm, và những người đi cùng (tất cả đều là nghiệp dư), ý nghĩ của ông quay về với Kahon’wes, và với tham vọng từ lâu đã chưa thực hiện được. Để có phần thưởng này thì bao nhiêu công sức chờ đợi và bao nhiêu khổ ải đều đáng giá.
***
Sự Hiền Hòa Của Sói Sự Hiền Hòa Của Sói - Step Penney Sự Hiền Hòa Của Sói