If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Tác giả: Step Penney
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 743 / 9
Cập nhật: 2016-06-26 12:21:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
hi tôi còn là đứa con gái nhỏ, khi cha mẹ tôi còn sống, tôi thường bị khổ sở bởi những sự kiện mà người ta gọi là “có vấn đề”. Tôi có nỗi sợ hãi đến tê liệt cả người khiến cho tôi không thể cử động được, thậm chí cũng không nói được gì. Tôi có cảm tưởng như đất đang dần trôi đi, và dường như tôi không thể tin cậy nơi mặt đất dưới chân mình - quả là một cảm giác đáng sợ. Các bác sĩ đo nhịp mạch cho tôi và nhìn vào mắt tôi rồi nói với tôi rằng cái chứng gì đó sẽ biến mất khi tôi trưởng thành (tôi nghĩ họ có ý nói đến hôn nhân). Tuy nhiên, trước khi có thể kiểm chứng giả thuyết này, mẹ tôi qua đời trong tình huống mù mờ. Tôi tin rằng bà tự tử, dù cha tôi bảo không phải. Bà đã dùng thuốc laudanum[21] quá liều, dù có chủ đích hay không. Tôi càng thêm khổ sở với các cơn sợ hãi cho đến lúc cha tôi không chịu được nữa mà đưa tôi vào - không cần quanh co về điểm này - bệnh viện tâm thần, dù cho nó có một cái tên lạ lùng chỉ bệnh viện chữa trị người bị suy nhược. Rồi cha tôi cũng qua đời, để lại tôi cho một người giám hộ thiếu tận tâm, thế là tôi được đưa vào một bệnh viện tâm thần công - đấy là tôi trung thực nói ra bản chất đích thực của bệnh viện này.
[21] Laudanum: loại thuốc giảm đau được chiết xuất từ á phiện, được dùng nhiều trong thế kỷ 19.
Trong bệnh viện tâm thần công, laudanum được sử dụng rộng rãi. Ban đầu người ta cấp thứ thuốc này cho các cơn hoảng loạn đến dại người, rồi cuộc sống tôi phải tùy thuộc vào nó, thay cho cha mẹ và bạn bè mình. Thuốc được dùng để trấn áp bệnh nhân gây rối, nhưng chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng tôi thích được tự mình dùng thuốc, nên tôi dùng mưu mẹo để tìm cách lấy được thuốc. Tôi thấy dễ thuyết phục các nhân viên nam cấp thuốc cho mình, và vị Giám đốc - một anh trai trẻ duy tâm có tên Watson - tôi có thể nắm thóp anh ta. Một khi bạn đã quen làm việc gì thì bạn thường quên tại sao khởi đầu bạn làm việc ấy.
Sau đó, khi chồng tôi nghĩ thói quen của tôi là rào cản cho tình thân quen giữa hai chúng tôi thì tôi không dùng thuốc nữa. Hay nói đúng hơn, anh ném đi phần thuốc laudanum của tôi, khiến cho tôi phải chịu đựng mà không có thuốc. Anh là người duy nhất nghĩ rằng cần phải trải qua sự phiền hà đó. Đấy giống như là tỉnh táo lại sau cơn say xỉn dài, và trong một thời gian tôi cảm thấy tuyệt vời. Nhưng trong cơn tỉnh táo, bạn nhớ lại những gì mà bạn đã quên - chẳng hạn tại sao ban đầu bạn cần đến loại thuốc ấy. Trong những năm về sau, khi gặp chuyện khó khăn, tôi biết rõ tại sao mình đã bị nghiện thuốc, thế nên trong mấy ngày qua tôi đã nghĩ đến laudanum thường xuyên như là tôi nghĩ đến Francis. Tôi biết rằng mình có thể đi đến hiệu thuốc để mua. Tôi nghĩ đến việc này cả ngày lẫn đêm. Lý do duy nhất ngăn cản tôi là vì tôi là chỗ dựa duy nhất trên đời cho Francis. Và cho đến lúc này tôi chẳng giúp gì được cho nó cả.
Năm ngày sau khi Francis rời khỏi nhà, trong khi đang đi bộ dọc theo con đường mòn dẫn đến ngôi nhà gỗ của Jammet, tôi nghe một tiếng động phía trước. Một con chó chạy băng ngang đường tôi đi kêu ăng ẳng; một con chó tôi chưa từng biết, to lớn, lông bờm xờm, có vẻ hoang dại - loại chó kéo xe trượt tuyết. Tôi dừng lại: có ai đấy ở trong ngôi nhà gỗ.
Trên khoảnh đất cao phía sau ngôi nhà, tôi lẻn vào một lùm bụi để ẩn núp. Một con côn trùng cắn vào cổ tay tôi. Cuối cùng, một người đàn ông đi ra khỏi ngôi nhà gỗ và huýt sáo. Hai con chó chạy đến bên ông, kể cả con chó tôi đã trông thấy trên con đường mòn lúc trước. Tôi nín thở nơi ẩn núp, và khi gương mặt ông quay về phía mình, tôi cảm thấy ớn lạnh cả sống lưng. So với người Da Đỏ thì người này cao lớn, lực lưỡng hơn, mặc áo choàng màu lam có mũ trùm đầu, và quần may bằng da thú. Nhưng chính gương mặt của ông khiến cho tôi nghĩ đến người nhân tạo. Ông có vầng trán thấp và rộng, hai gò má nhô cao, sống mũi và miệng chúc xuống giống như mỏ chim ưng, tạo dáng dấp hoang dã và tàn bạo. Những nếp nhăn hằn sâu dưới làn da màu đồng hai bên miệng. Tóc đen và bù xù. Tôi chưa từng thấy người nào xấu xí đến thế - khuôn mặt như thể được một chiếc rìu cùn tạc từ một thớt gỗ. Nếu Cô Shelley[22] cần có một hình mẫu cho quái vật kinh khiếp thì con người này hẳn sẽ là nguồn cảm ứng hoàn chỉnh.
[22] Shelley: Mary Shelley (1797-1851), nhà văn người Anh, tác giả truyện giả tưởng nổi tiếng Frankenstein, là con người được tạo ra bởi những cơ quan lấy từ xác chết của người, vì có hình thù dị dạng nên bị xem là quái vật, bị kinh tởm và ghét bỏ. Bà Ross gọi là “Cô Shelley” vì Shelley viết nên truyện này khi mới 20 tuổi.
Tôi chờ đợi, không dám thở mạnh cho đến khi ông ta quay vào ngôi nhà gỗ, rồi tôi rón rén đi ra khỏi chỗ ẩn núp. Trong một chốc, tôi suy tính phải làm gì - đi về tìm Angus và kể cho anh nghe, hoặc phóng đến Caulfield mà báo cho Knox? Hôm nay tôi quyết định không đối diện với người này, bởi vì tôi lập luận rằng hắn là con người nguy hiểm. Dù nghĩ gì chăng nữa, tôi thấy khó mà tin rằng người có bộ mặt như thế lại không có tính chất dữ dằn và tàn bạo. Cuối cùng, tôi trở về và thấy Angus đang ở nhà. Anh im lặng nghe tôi kể, rồi cầm lấy khẩu súng trường đi xuống con đường mòn.
Sau này, tôi biết được rằng anh đã đi đến ngôi nhà gỗ và bước thẳng vào bên trong. Angus gọi ông, và với lời lẽ mà tôi tin chắc là lễ độ nói rằng anh sẽ đưa ông đến Caulfield, vì đây là hiện trường một vụ án mà ông ta không có quyền hiện diện nơi đó. Người đàn ông lưỡng lự nhưng không chống cự. Ông nhấc khẩu súng trường của mình rồi đi trước anh, qua gần năm kilômét để đến Vịnh. Angus dẫn ông đến tận cửa sau nhà Knox. Trong khi cả hai chờ đợi, người đàn ông lạ mặt nhìn ra Vịnh với thái độ kiêu hãnh, xa cách, như thể không màng người ta sẽ đối xử với mình ra sao. Đến khi Angus quay về nhà, người lạ mặt đã bị bắt giữ. Angus lấy làm tội nghiệp cho hai con chó mà Knox không muốn cho vào sân vườn ông, nên anh dẫn chúng về nhà, cho rằng chúng không làm phiền gì cả. Tôi nghĩ hẳn anh có cảm tình với người lạ mặt nên mới chịu khó như thế.
***
Andrew Knox ngồi đối diện Mackinley, hút dọc tẩu. Ngọn lửa trong lò sưởi soi rọi một ánh sáng màu cam ấm áp lên khuôn mặt hai người - ngay cả khuôn mặt Mackinley cũng bớt tái đi. Knox không thể chia sẻ niềm thỏa mãn hiển nhiên của Knox. Họ thẩm vấn người lạ mặt trong một tiếng đồng hồ mà không thu lượm được thông tin gì quan trọng ngoại trừ tên ông này là lliam Parker, người đặt bẫy thú rừng cùng với Jammet trước đây. Ông khai mình không biết Jammet đã chết, mà chỉ đi ngang qua, ghé thăm anh ấy và thấy ngôi nhà gỗ trống trơn, ông đã lục soát ngôi nhà để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Mackinley phá tan bầu im lặng: “Ông bảo kẻ sát nhân không quay lại hiện trường vụ án. Nhưng nếu ông ta muốn có các khẩu súng hoặc đại loại như thế, mà lần đầu tiên không tìm được, thì hẳn ông ta có thể chờ cho đến khi tình hình lắng dịu rồi quay lại để tìm kiếm lần nữa.”
Knox nhìn nhận sự thật này.
“Hoặc có lẽ ông ta đã bỏ quên vật gì đó và quay lại để tìm.”
“Chúng ta đã không tìm thấy món gì lúc trước không có ở đó.”
“Có lẽ chúng ta đã sai sót.”
Hai hàm răng Knox cắn lấy đường rãnh mòn trên cái dọc tẩu; đấy là cảm giác dễ chịu - hàm răng và cán ăn khớp hoàn toàn với nhau sau thời gian dài sử dụng. Mackinley đã quá vội kết án người đặt bẫy thú rừng, muốn giải quyết vấn đề dựa theo sự kiện thay vì ngược lại. Knox muốn vạch ra điểm này nhưng không nỡ xúc phạm niềm tự hào của Mackinley - dù gì đi nữa, Mackinley vẫn là người chủ trì.
“Có khả năng là ông ấy đúng như lời anh nói: chỉ là người đặt bẫy có quen biết với Jammet, và không biết anh kia đã chết.”
“Nhưng ai lại rình mò quanh một ngôi nhà hoang chứ?”
“Đó không phải là hành vi phạm tội - mà cũng không phải bất thường.”
“Hành vi không phạm tội nhưng khả nghi. Chúng ta phải suy diễn theo cách đúng nhất theo những gì ta có.”
“Chúng ta không có gì cả. Tôi không chắc ta có đủ cơ sở để bắt giữ ông ấy hay không.”
Knox khăng khăng cho rằng người đàn ông không phải là tù nhân nên phải được đối xử tử tế. Ông đã sai Adam mang một khay thức ăn đến kho chứa hàng nơi ông ấy bị cầm giữ, và đốt một đống lửa. Ông ghét phải yêu cầu Scott cho một đặc ân khác, nhưng cũng không thể cho phép giam giữ người đàn ông trong một căn phòng, dù là căn phòng được khóa kín, trong cùng ngôi nhà của người vợ và hai con gái. Dù cho người đàn ông đã giải thích, vẫn có nét gì đó trên gương mặt ông khiến tạo ra ý nghĩ đen tối và kinh hoàng. Nó gợi cho ông nhớ đến những gương mặt trong các cuộc chiến tranh với người Da Đỏ: những gương mặt được sơn màu vằn vện, phạm thánh, xa lạ.
Lần thứ hai họ mở khóa cửa kho chứa hàng, giơ cao ngọn đèn bão, để soi rọi người đàn ông ngồi bất động gần đống lửa. Ông không quay mặt lại khi cánh cửa mở ra.
Knox gọi: “Ông Parker ạ, chúng tôi muốn trao đổi với ông thêm.”
Họ ngồi trên những chiếc ghế đã được mang vào từ trước cho mục đích này. Parker không nói gì mà cũng không quay lại để đối diện với họ. Chỉ có hơi thở ông, được ngưng tụ thành lớp hơi nước mờ nhạt trên mặt, cho thấy đó là một người còn sống.
Mackinley hỏi: “Làm thế nào ông mang tên Parker?” Giọng điệu của ông nghe xúc phạm, như thể ông kết tội người đàn ông đã dối trá về tung tích của mình.
“Cha tôi là công dân Anh, Samuel Parker. Ông nội tôi cũng là người Anh.”
“Cha ông có phải là nhân viên Công ty không?”
“Suốt đời ông ấy làm việc cho Công ty.”
“Nhưng ông thì không.”
“Tôi thì không.”
Mackinley đang nghiêng người về phía trước, việc nhắc đến Công ty thu hút ông như là thỏi nam châm. “Ông đã từng làm việc cho họ chứ?”
“Tôi học việc. Bây giờ tôi làm nghề đặt bẫy.”
“Và ông giao dịch với Jammet?”
“Đúng.”
“Bao lâu rồi?”
“Nhiều năm rồi.”
“Tại sao ông rời Công ty?”
“Để không phải mang ơn ai.”
“Ông có biết Laurent Jammet đã là nhân viên của Công ty Bắc Mỹ không?”
Người đàn ông nhìn Mackinley, có phần thích thú. Knox liếc qua nhìn Mackinley - liệu Mackinley biết chuyện ấy qua người Pháp kia không?
“Tôi không giao dịch với công ty nào; tôi giao dịch với Jammet.”
“Ông có phải là nhân viên của Công ty Bắc Mỹ không?”
Lần này Parker cười lên khô khan: “Tôi không phải là nhân viên của công ty nào hết. Tôi đặt bẫy rồi bán lông thú, thế thôi.”
“Nhưng hiện giờ ông không có lông thú gì cả.”
“Hiện giờ là mùa thu.”
Knox đặt một bàn tay cảnh báo lên cánh tay của Mackinley, cố giữ giọng thân thiện và đúng lý: “Ông cần hiểu tại sao chúng tôi đưa ra những câu hỏi này - Anh Jammet gặp phải một cái chết tàn bạo. Có thể cần tìm hiểu những gì liên quan đến anh ấy, nhằm đưa hung thủ ra trước công lý.”
“Anh ấy là bạn tôi.”
Knox thở dài. Trước khi ông có thể nói thêm gì khác Mackinley lại hỏi: “Vào ngày và đêm mười bốn tháng Mười một - sáu ngày trước - ông ở đâu?”
“Tôi đã nói với ông rồi. Tôi đang đi từ Nhà Sydney về miền nam.”
“Có ai trông thấy ông không?”
“Tôi đi một mình.”
“Ông rời Nhà Sydney lúc nào?”
Lần đầu tiên người đàn ông ngập ngừng: “Tôi không ở tại Nhà Sydney, mà chỉ đi về hướng đó.”
“Nhưng ông đã nói là ông đang đi từ Nhà Sydney.”
“Tôi nói Nhà Sydney để các ông biết tôi đã ở đâu. Đó là hướng tôi xuất phát. Tôi đi trong rừng.”
“Ông đang làm gì ở đó?”
“Săn thú.”
“Nhưng ông đã nói bây giờ không phải là mùa lông thú.”
“Săn thú lấy thịt.”
Mackinley nhìn qua Knox và nhíu mày: “Đấy là việc bình thường vào mùa này trong năm hay sao?”
Parker nhún vai: “Bình thường vào bất kỳ mùa nào trong năm.”
Knox hắng giọng: “Cám ơn, Ông Parker. À... bây giờ chỉ có thế.” Ông cảm thấy ngượng ngùng về giọng nói của mình, nghe như giọng của một người già, cầu kỳ, cũng giống như đàn bà.
Hai người đứng dậy chuẩn bị ra về, rồi Mackinley quay lại người đàn ông ngồi bên đống lửa. Ông cầm cốc nước của mình từ chiếc khay rồi rót nước dập tắt đống lửa.
“Đưa cho tôi túi thuốc của ông.”
Parker nhìn Mackinley; ông này không chớp mắt. Đôi mắt của Parker mờ đục trong ánh đèn bão. Ông ra vẻ như muốn giết chết Mackinley ngay tại chỗ. Ông tháo chầm chậm chiếc túi từ cổ mình rồi trao cho Mackinley. Mackinley đưa tay đón nhận nhưng Parker không muốn buông tay ra.
“Làm thế nào tôi biết mình sẽ được nhận lại?”
Knox bước đến, nóng lòng muốn giải tỏa không khí căng thẳng: “Ông sẽ được nhận lại. Đích thân tôi sẽ lo việc này.”
Parker buông tay ra. Hai người bước ra ngoài, mang theo ngọn đèn bão và để cho người bị cầm giữ ở lại trong bóng tối và khí lạnh. Knox hé mắt nhìn lại khi đóng cánh cửa, nhìn thấy - hoặc ông chỉ tưởng tượng ra? - người mang hai dòng máu như là nét tối đen trong khoảng không tối đen.
Khi hai người quay về thị trấn im lìm, Knox hỏi: “Tại sao ông làm vậy?”
“Ông muốn hắn ta phóng lửa đốt chỗ ấy rồi tẩu thoát hay sao? Tôi biết rõ hạng người này. Họ không bứt rứt gì cả. Ông có thấy cách hắn nhìn tôi không? Như thể hắn muốn lột da đầu tôi ngay lúc đó.”
Ông giơ cao túi thuốc trước cây đèn bão - một chiếc túi nhỏ bằng da, được trang trí đẹp đẽ bằng hoa văn thêu. Bên trong là mọi thứ cần thiết cho người đàn ông sinh tồn - đá lửa, bùi nhùi, thuốc lá sợi, vài mẩu thịt khô. Nếu không có những thứ này trong hoang dã thì ông ta sẽ chết.
Mackinley hồ hởi: “Này, ông thấy thế nào? Ông ta đổi tình tiết để chúng ta không thể kiểm chứng nơi ông ta đã đi qua. Ông ta có thể đã ở Sông Dove tuần trước mà không ai biết được.”
Knox không nghĩ ra được điều gì để trả lời. Ông cũng cảm thấy có nhiều chuyện khả nghi vì Parker đã ngập ngừng - một khoảng hở đã hé lộ trong thái độ tự tin của người đàn ông; nhưng ông không biết phải nói gì.
Cuối cùng, ông nói: “Điều này không phải là bằng chứng.”
“Điều này chỉ lé lộ một phần. Ông thiên về giả thuyết là anh con trai làm việc đó hay sao?”
Knox thở dài, cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng chưa đủ mệt nên không muốn về hùa: “Chuyện về Công ty Bắc Mỹ là như thế nào? Tôi chưa từng nghe.”
“Đó không phải là một công ty chính thức, nhưng có thể trở thành chính thức. André bảo tôi là Jammet có liên can. Ông ấy cũng thế. Các nhà buôn Canada gốc Pháp đang bàn bạc việc thành lập một công ty để đối nghịch với chúng ta. Họ được Mỹ hỗ trợ; thậm chí một số người Anh cũng có lợi ích trong chuyện này.”
Nét mặt Mackinley trở nên căng thẳng. Ông là người có tư tưởng trung thành giản đơn; ý nghĩ về người Canada gốc Anh chống lại Công ty khiến cho ông đau xót. Đối với Knox thì chuyện này không đáng ngạc nhiên lắm. Công ty luôn được những người giàu có ở London điều hành, phái các đại diện (mà họ gọi là gia nhân) đi thuộc địa để bòn rút tài nguyên. Đối với những người sinh tại Canada thì đấy là quyền lực từ nước ngoài, lo vơ vét cho đến khi mảnh đất cạn kiệt, chỉ ban phát lại chút cơm thừa cá cặn.
Ông chọn lựa ngôn từ một cách thận trọng: “Thế thì Jammet có thể bị xem là kẻ thù của Công ty Vịnh Hudson phải không?”
“Nếu ông có ý nói một nhân viên Công ty có thể giết anh ấy... thì tôi xin ông tin chắc rằng không bao giờ có chuyện đó.”
“Tôi không có ý nói gì cả. Nhưng nếu đúng như vậy thì chúng ta không thể làm ngơ. Jammet quan hệ mật thiết ra sao với Công ty Bắc Mỹ đó?”
“Ông ta không biết. Chỉ biết trước kia Jammet đề cập chuyện này.”
“Có chắc là André đang ở Sault khi Jammet bị giết?”
“Theo bà chủ nhà thì ông ấy nằm trong một góc bar, không biết trời trăng gì. Ông ấy không thể nào giết Jammet ở Sông Dove cùng lúc đó.”
Sự Hiền Hòa Của Sói Sự Hiền Hòa Của Sói - Step Penney Sự Hiền Hòa Của Sói