Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Tác giả: Step Penney
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 743 / 9
Cập nhật: 2016-06-26 12:21:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hi trời trở lạnh, Andrew Knox cảm nhận một cách đau khổ về tuổi tác của mình. Đã qua nhiều năm rồi, cứ vào độ thu là các khớp xương của ông bắt đầu đau nhức và tiếp tục hành hạ ông mặc cho bao lớp vải và len dầy quấn quanh người. Ông phải bước đi một cách rón rén để đối phó với cơn đau buốt ở mỗi bên bẹn. Vào mỗi mùa thu, cơn đau đều bắt đầu sớm hơn năm trước.
Nhưng hôm nay, sự mệt mỏi lan khắp tâm hồn ông. Ông tự nhủ đó là điều dễ hiểu - một biến cố như án mạng hẳn phải gây chấn động cho bất kỳ người nào. Nhưng còn hơn thế nữa. Trong suốt lịch sử của hai ngôi làng chưa từng có ai bị hạ sát. Ông nghĩ chúng tôi đã đến đây để thoát khỏi những chuyện như thế: chúng tôi hẳn đã bỏ lại đằng sau chuyện này khi xa rời các thành phố. Tuy thế, điều kỳ dị đã xảy ra... một vụ giết người dã man, giống như chuyện gì đấy xảy ra ở các Bang miền nam. Dĩ nhiên là trong mấy năm qua đã có vài người chết vì tuổi già, vì bị sốt hoặc tai nạn, chưa kể đến các cô gái tội nghiệp... Nhưng chưa có ai bị sát hại, không có ai chống cự với đôi chân chỉ mang bít tất. Ông cảm thấy khó chịu vì nạn nhân không mang giày.
Sau bữa ăn tối, ông đọc qua ghi chép của Scott, và cố giữ bình tĩnh. Bếp lò cao gần một mét và rộng nửa mét, khi sờ còn nhận ra hơi ấm. Ông nghĩ chi tiết này có thể giúp ích. Giả sử vào lúc án mạng xảy ra lửa trong lò còn cháy đỏ, thì có thể cần ba mươi sáu giờ lò mới lạnh. Vì vậy, án mạng xảy ra vào ngày trước. Trừ khi lửa đã bắt đầu tàn lụi khi Jammet thở hơi cuối cùng, trong trường hợp này án mạng xảy ra trong đêm. Nhưng cũng có thể xảy ra đêm trước nữa. Khi tìm kiếm thêm chi tiết, họ không nhận ra gì nhiều. Không có dấu vết rõ ràng cho thấy có vật lộn; không có vết máu nào khác ngoại trừ máu trên giường, hẳn là vị trí Jammet bị tấn công. Họ trao đổi với nhau việc liệu ngôi nhà đã bị lục lọi hay không, nhưng các vật dụng của anh nằm rải rác theo ngẫu nhiên - mà theo Bà Ross đó là tình trạng bình thường - nhưng không thể nào biết chắc. Scott lớn tiếng cho rằng hung thủ là người bản địa: không người da trắng nào lại hành động dã man đến thế. Knox không tỏ ra chắc chắn như vậy. Vài năm trước, Knox được mời đến một trang trại gần Coppermine[4], sau một sự cố đáng tiếc nào đấy. Trong một số cộng đồng, có cách hành xử để hạ nhục một chú rể vào ngày cưới. Người ta gọi việc này là “tiếng thét”, có nghĩa là thái độ phản kháng như khi một người đàn ông lớn tuổi cưới một cô gái nhỏ tuổi hơn nhiều. Trong trường hợp này, chú rể lớn tuổi bị phết hắc ín, cắm lông gà lên da rồi bị treo lên một cành cây trước nhà ông ta, trong khi bọn người trẻ tuổi mang mặt nạ đi vòng quanh, đập nồi chảo và huýt sáo.
[4] Coppermine: tên thị trấn miền bắc Canada, bên bờ một vịnh chảy ra Bắc Băng Dương.
Một trò đùa nghịch. Thái độ hung hăng của lớp người trẻ.
Nhưng không hiểu sao, người đàn ông qua đời. Knox biết ít nhất có một anh trai trẻ chắc chắn đã can dự, nhưng không ai muốn nói ra dù họ cảm thấy tiếc. Một trò đùa nghịch gây hậu quả khôn lường? Scott đã không nhìn thấy khuôn mặt bị phù nề của người đàn ông; các sợi dây kẽm cắt sâu vào hai gót chân sưng vù. Andrew Knox thấy khó mà loại bỏ cả một sắc tộc khỏi vòng nghi vấn với lý do là họ không có khả năng gây bạo lực.
Ông để ý đến những âm thanh bên ngoài khung cửa sổ. Ngoài kia có thể có sức mạnh của quỷ dữ. Có lẽ một hạng người xảo quyệt đã nghĩ đến việc lột da người để tạo nghi vấn cho người có màu da khác. Xin Chúa ban phước, đó không phải là người ở Caulfield. Và có thể có động lực gì cho cái chết này? Chắc chắn đó không phải là vì muốn cướp mấy vật dụng cũ kỹ vô ích của Jammet. Liệu anh ấy có cất giấu tài sản lớn không? Liệu anh ấy có kẻ thù trong số những người buôn bán với anh - có lẽ là một món nợ chưa trả?
Ông thở dài, bất mãn với những ý nghĩ của mình. Ông đã tự tin rằng một khi đã nhìn qua ngôi nhà mình có thể nhận ra manh mối nếu không phải là câu trả lời, nhưng giờ đây ông lại càng hoang mang hơn. Tính phù hoa bị tổn thương khi ông phải nhìn nhận rằng mình không nhận ra được các dấu hiệu, đặc biệt là trước mặt Bà Ross - người phụ nữ có tính khiêu khích vốn lúc nào cũng làm cho ông khó chịu. Ánh mắt của bà luôn tỏ vẻ khinh thường, ngay cả khi mô tả những gì kinh hoàng đã phát hiện, hoặc đối mặt ở lần thứ hai. Bà không được lòng người trong thị trấn vì tật hay chúi mũi vào chuyện của người khác, dù rằng theo mọi lời bàn (và ông đã nghe vài tiếng đồn dựng tóc gáy) bà không có gì để làm cao. Tuy nhiên, khi nhìn bà và khi nhớ lại một số mẩu chuyện ghê gớm thì mới thấy tất cả đều khó tin: bà thuộc dòng dõi hoàng tộc, có khuôn mặt phải công nhận là đẹp, dù cử chỉ hay cáu bẳn không phù hợp với vẻ đẹp thật sự. Ông đã để ý đến ánh mắt của bà nhìn mình khi ông bước đến thi hài để sờ tìm hơi ấm. Ông cố giữ cho bàn tay mình khỏi run rẩy - có vẻ như không có khoảng da nào không dính máu để ông chạm vào. Ông hít một hơi thở sâu (chỉ khiến cho ông buồn nôn) và đặt các ngón tay mình lên cổ tay của người chết.
Làn da lạnh, nhưng ông vẫn cảm nhận đó là da người, bình thường; giống như da của chính mình, ông cố không nhìn thẳng vào những vết thương gớm ghiếc, nhưng giống như ruồi nhặng, ông khó mà quay mặt đi. Đôi mắt của Jammet nhìn trừng trừng lên ông, và ông có ý nghĩ là mình đang đứng ở vị trí mà kẻ sát nhân hẳn đã đứng khi ra tay. Nạn nhân đã không ngủ, không ngủ lúc vụ việc diễn ra. Ông cảm thấy mình phải vuốt mắt cho anh nhưng biết mình không thể nào làm việc này. Ngay sau đó, ông tìm được một tấm vải trên lầu để phủ lấy thi hài. Máu đã khô cứng và sẽ không loang ra, ông nói vậy - như thể đó là điều quan trọng. Ông cố khỏa lấp cơn bối rối với lời nhận xét khác, tự thấy không thích ngữ âm nồng nàn của mình. Ít nhất là ngày mai, ông sẽ không phải là người duy nhất gánh lấy trách nhiệm - nhân viên của Công ty sẽ đến và có lẽ họ sẽ biết phải làm gì. Có lẽ điều gì đó sẽ trở thành hiển nhiên, sẽ có người thấy cái gì đó, và đến buổi chiều vụ việc sẽ được giải quyết.
Với tia hy vọng giả dối như thế, Knox xếp lại các giấy tờ cho ngăn nắp rồi thổi tắt ngọn đèn.
***
Đã quá nửa đêm, nhưng tôi vẫn còn ngồi với ngọn đèn sáng và quyển sách mà mình không thể đọc được, mong chờ một bước chân, chờ cho cánh cửa mở ra và gió lạnh lùa vào lấp đầy gian bếp. Tôi lại nghĩ về các cô gái tội nghiệp. Mọi người ở Sông Dove và Caulfield đều biết về câu chuyện này và kể lại cho bất kỳ ai mới đến đây, hoặc vào những đêm đông trước lò sưởi kể đi kể lại với mấy chi tiết thay đổi. Cũng như tất cả câu chuyện hay ho nhất, đấy là một thảm kịch.
Nhà Seton là một gia đình danh giá có gốc gác ở St Pierre La Roche. Charles Seton là bác sĩ; bà vợ Maria là dân Scotland mới nhập cư. Họ có hai con gái vốn là niềm tự hào và cũng là nguồn vui (theo cách họ nói, tuy rằng đứa con nào mà chả vậy?). Vào một ngày tháng Chín, Amy lên mười lăm tuổi và Eve, mười ba, rủ đứa bạn là Cathy Sloan đi hái dâu và ăn picnic bên bờ hồ. Chúng biết lối đi; cả ba đứa trẻ đều lớn lên trong vùng rừng bụi, đều quen thuộc với những hiểm nguy và biết đề phòng: không bao giờ đi xa khỏi đường mòn, luôn về đến nhà trước khi trời tối. Cathy trông rất đẹp, nổi tiếng cả thị trấn vì vóc dáng của cô. Người ta luôn thêu dệt thêm chi tiết khiến cho câu chuyện càng bi thương hơn, tuy rằng bản thân tôi không thấy điều này là quan trọng.
Ba cô gái ra đi từ chín giờ sáng, mang theo các món ăn thức uống. Đến bốn giờ chiều, là thời điểm mà đáng lẽ họ phải trở về, vẫn không thấy bóng dáng các cô. Cha mẹ họ ngóng chờ thêm một giờ, rồi hai người cha lên đường đi tìm dấu vết con mình. Sau khi đã đi quanh quất, luôn miệng kêu gọi, họ đi đến bờ hồ rồi tiếp tục tìm kiếm, vẫn kêu gọi, cho đến trời tối, nhưng không thấy bóng dáng ba cô. Rồi họ quay về, nghĩ rằng ba cô hẳn đã trở về bằng đường khác và giờ này đã về đến nhà, nhưng không thấy chúng.
Cư dân tổ chức một cuộc truy tìm; mọi người đều tham gia trợ giúp. Bà Seton ngất lên ngất xuống. Vào buổi tối ngày kế, Cathy Sloan trở về St Pierre. Cô xuống sức, còn quần áo thì lấm lem. Cô đã mất áo vét và một chiếc giày, nhưng vẫn còn cầm trên tay cái giỏ đựng thức ăn cho ba người, mà theo lời kể có lẽ là không đúng, chỉ đựng đầy lá cây. Lại có thêm nỗ lực tìm kiếm hai cô bé kia, nhưng không ai tìm được gì cả. Họ không hề tìm thấy một chiếc giày hoặc một mảnh trang phục, thậm chí một dấu chân cũng không thấy. Đó như thể là đất nứt ra một lỗ hổng và nuốt chửng hai cô bé.
Cathy Sloan được đưa lên giường nằm nghỉ, tuy rằng liệu cô có thực sự ngã bệnh hay không là điều người ta còn tranh luận với nhau. Cô nói mình đã cãi vã với Eve ít lâu sau khi rời khỏi nhà, và đã lẽo đẽo theo sau hai cô kia cho đến khi không còn thấy bóng dáng họ. Cô đi đến bờ hồ và cất tiếng gọi, nghĩ rằng họ cố tình trốn lánh mình. Rồi cô bị mất phương hướng trong vùng rừng và không thể tìm lại con đường mòn. Cô không gặp lại hai chị em nhà Seton nữa.
Cư dân vẫn tiếp tục tìm kiếm, phái người đi đến các làng của thổ dân Da Đỏ, vì lẽ tự nhiên là họ nghi ngờ thổ dân có liên can, cũng tự nhiên như là mưa từ trên trời rơi xuống. Nhưng không chỉ thổ dân thề thốt trên quyển Kinh Thánh là họ vô tội, mà lại không hề có dấu hiệu gì cho thấy đó là vụ bắt cóc. Gia đình nhà Seton tìm kiếm càng ngày càng xa hơn trong các vùng rừng. Charles Seton thuê người đi tìm kiếm giúp ông, kể cả một người Da Đỏ giỏi việc theo dấu chân. Sau khi bà vợ qua đời hẳn là vì quá buồn khổ, ông lại thuê thêm một người Mỹ chuyên nghề truy tìm - có biệt hiệu là Người Dò tìm. Người này đi đến các bộ tộc Da Đỏ ở vùng Thượng Canada và xa hơn nữa, nhưng không tìm thấy gì.
Nhiều tháng rồi nhiều năm trôi qua. Ở vào tuổi 52, Charles Seton qua đời, kiệt lực, không đồng xu dính túi, và hoang mang. Cathy Sloan không còn có vẻ đẹp như xưa. Có vẻ như cô vô tri vô giác và đần độn - hoặc là lúc nào cô vẫn thế? Không ai còn nhớ được ra sao. Câu chuyện lan xa, càng được thêm thắt chi tiết, rồi biến thành một huyền thoại, lan truyền trong đám học sinh theo nhiều tình tiết mâu thuẫn nhau, do các bà mẹ mệt mỏi kể lại khi tỏ ý cấm con cái họ đi chơi lang thang. Càng ngày càng có nhiều giả thuyết bừa bãi để giải thích chuyện gì đã xảy ra cho hai cô bé; nhiều người phương xa gửi thư đến cho biết đã trông thấy hai cô, hoặc đã cưới hai cô, hoặc nhận mình là hai cô, nhưng không ai minh chứng được thông tin của mình là chính xác. Cuối cùng, không lời giải thích nào có thể trả lời cho nghi vấn trong việc Amy Seton và Eve Seton mất tích.
Tất cả vụ việc đã xảy ra mười lăm năm về trước, hay hơn nữa. Lúc này thì cả hai ông bà Seton đã qua đời; khởi đầu là người mẹ vì đau buồn, kế đến là người cha vì khánh tận và kiệt lực do nỗ lực tìm kiếm. Nhưng câu chuyện về hai cô bé vẫn còn có liên quan đến chúng tôi bởi vì em gái Bà Seton cưới Ông Knox, và vì thế chúng tôi đã rơi vào sự im lặng với mặc cảm phạm tội khi bà bước vào cửa hiệu ngày hôm ấy. Tôi không thân thiết lắm với bà, nhưng tôi biết rõ rằng bà không bao giờ muốn nói về câu chuyện ấy. Có lẽ là vào những buổi tối mùa đông, trước lò sưởi, bà nói về những chuyện nào khác.
Vẫn có chuyện người ta ở đâu đó bị mất tích. Tôi cố không nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất, nhưng bây giờ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện khủng khiếp về việc hai cô bé bị mất tích. Chồng tôi đã đi ngủ. Hoặc anh không lo lắng, hoặc anh tỏ ra dửng dưng - đã nhiều năm rồi tôi không thể hiểu trong đầu anh đang nghĩ gì. Tôi đoán bản chất của hôn nhân là thế, hoặc có lẽ bởi vì tôi nhận thức kém cỏi.
Chị hàng xóm Ann Pretty hẳn có ý nghĩ thiên về trường hợp thứ hai; chị có hàng nghìn cách thức để hàm ý rằng tôi khiếm khuyết trong bổn phận làm vợ - mà khi bạn nghĩ về điều này thì đấy là cả một kỳ công đáng ngạc nhiên đối với một phụ nữ không được đi học đến nơi đến chốn. Chị ấy cho rằng việc tôi không có con cái là dấu hiệu thất bại khi tôi làm nhiệm vụ di dân, tức là đáng lẽ tôi phải tạo nguồn nhân lực để làm việc cho trang trại mà không cần phải thuê người ngoài. Trong một xứ sở đất rộng người thưa thì đấy là lời phê phán phổ biến. Đôi lúc tôi nghĩ rằng các di dân sinh đẻ nhiều như là cách đáp ứng với miền đất bao la và hoang vắng, như thể họ hy vọng sẽ lấp đầy miền đất này với con cháu của họ. Hoặc có thể họ e rằng có thể dễ dàng mất một đứa con, nên phải lo sinh đẻ thêm. Có thể họ đã nghĩ đúng.
Chiều hôm ấy, khi tôi quay về nhà, Angus cũng trở về. Tôi kể cho anh nghe về cái chết của Jammet. Anh mân mê chiếc dọc tẩu một hồi lâu, theo thói quen khi chìm vào suy tư. Tôi gần như bật khóc, tuy tôi không quen biết Jammet nhiều. Angus chơi thân với anh ấy hơn; đôi lúc cùng đi săn với anh ấy. Nhưng tôi không thể đọc được ý nghĩ của chồng mình. Sau đấy, chúng tôi ngồi vào chỗ thường ngày trong gian bếp, dùng bữa trong im lặng. Giữa hai chúng tôi là một chiếc đĩa khác. Không ai trong chúng tôi nhắc đến chiếc đĩa này.
Nhiều năm trước, chồng tôi lên đường đi miền đông. Anh đi được ba tuần rồi gửi cho tôi một bức điện tín bảo rằng anh sẽ về ngày Chủ nhật. Trong bốn năm chúng tôi chưa từng sống xa nhau đêm nào, nên tôi thấp thỏm ngóng chờ ngày anh về. Khi nghe tiếng bánh xe lạo xạo trên con đường, tôi chạy ra đón, rồi kinh ngạc mà thấy có hai người ngồi trên cỗ xe. Khi cỗ xe chạy đến gần, tôi thấy đấy là một đứa trẻ khoảng năm tuổi, một bé gái. Angus ghì cương ngựa và tôi chạy đến bên cạnh, tim đập mạnh. Con bé đang ngủ, lông mi dài, hai gò má tái xám. Mái tóc đen. Lông mày đen. Những tĩnh mạch tím hiện qua mi mắt. Con bé trông xinh xắn. Và tôi không thốt được nên lời. Tôi chỉ chăm chăm nhìn.
“Các bà sơ người Pháp nuôi nấng chúng. Cha mẹ bọn chúng qua đời vì bệnh dịch hạch. Anh nghe nói về bọn chúng và tìm đến tu viện. Có nhiều đứa trẻ ở đấy. Anh cố tìm một trẻ có tuổi thích hợp, nhưng...” Anh bỏ lửng câu nói. Đứa con gái nhỏ của chúng tôi đã chết năm trước. “Nhưng con bé này là dễ thương nhất.” Anh hít một hơi thở sâu: “Chúng ta có thể gọi con bé là Olivia. Anh không rõ em có muốn nhận nuôi không, hoặc là...”
Tôi giăng hai cánh tay choàng qua cổ anh, và bỗng dưng thấy khuôn mặt mình ướt đẫm. Anh ôm chặt lấy tôi, và lúc ấy đứa trẻ mở mắt ra.
Con bé nói với ngữ âm Ireland: “Tên cháu là Frances.” Con bé có vẻ tinh anh khi mở tròn đôi mắt; cũng có vẻ lanh lợi.
Tôi nói một cách bồn chồn: “Chào Frances.” Liệu con bé không thích chúng tôi thì sao?
Con bé hỏi: “Bà sẽ là mẹ của con phải không?”
Tôi cảm thấy đôi má mình nóng bừng khi tôi gật đầu. Sau đấy, con bé giữ im lặng.
Chúng tôi dắt con bé vào nhà, rồi tôi chuẩn bị bữa ăn chiều ngon nhất mà tôi có khả năng làm được - cá, rau cải, trà pha nhiều đường, dù con bé ăn không nhiều, và nhìn chăm chăm món cá như thể không biết chắc đấy là món gì. Con bé không thốt nên lời nào, đôi mắt xanh lam đậm đảo qua đảo lại giữa hai chúng tôi. Con bé tỏ ra mỏi mệt. Tôi ôm lấy con bé và mang lên tầng trên. Cảm giác được ôm thân thể ấm áp, buông thõng làm cho tôi run rẩy vì cảm xúc. Tôi cảm nhận bộ xương con bé mảnh mai trong hai bàn tôi, và cơ thể nó có mùi như căn phòng thiếu thoáng khí. Vì con bé đã ngái ngủ, tôi chỉ cởi bộ áo ngoài, giày và bít tất của nó, rồi tấn một chiếc chăn quanh người nó. Tôi ngắm nhìn khi con bé co duỗi trong giấc ngủ.
Cha mẹ của Frances đã đi đến Đảo Belle trên chiếc tàu mang tên Sarah chứa đầy người Ireland ở Hạt Mayo, lúc ấy vẫn còn đang bị hoành hành vì nạn đói khoai tây. Họ bị nhiễm bệnh sốt phát ban trên tàu, tuy trận dịch đã qua đỉnh điểm tồi tệ nhất. Gần một trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em chết trên con tàu ấy, và con tàu bị chìm trên chuyến trở về cảng Liverpool ở Anh quốc. Một số trẻ em trở thành mồ côi và được đưa vào cô nhi viện cho đến khi có người nhận làm con nuôi.
Sáng hôm sau, tôi đi vào gian phòng nơi Frances vẫn còn say ngủ, nhưng khi đưa tay chạm nhẹ vai con bé, tôi có cảm tưởng nó giả vờ ngủ. Tôi nhận ra con bé đang sợ hãi; có lẽ nó đã nghe được mấy mẩu chuyện kinh hoàng về nông dân Canada và nghĩ chúng tôi sẽ đối xử với nó như là nô lệ. Mỉm cười với con bé, tôi cầm lấy bàn tay nó và dẫn nó bước xuống thang lầu, đến nơi tôi đã chuẩn bị một bồn tắm nước nóng đặt trước lò sưởi. Con bé cúi gằm mặt nhìn xuống sàn nhà khi giơ hai cánh tay lên cho tôi cởi chiếc áo choàng của nó.
Tôi chạy ra khỏi nhà, đi tìm Angus. Anh đang chẻ củi ở một góc nhà.
Tôi khẽ kêu: “Angus,” cảm thấy vừa tức giận vừa ngốc nghếch.
Anh quay lại, chiếc rìu trên tay, nhíu mày nhìn tôi, hoang mang: “Có chuyện gì thế? Con bé có sao không?”
Tôi lắc đầu để trả lời câu hỏi thứ nhất. Tôi đoán rằng anh đã biết, nhưng tôi loại bỏ ý nghĩ này. Anh quay lại khúc gỗ; chiếc rìu bổ xuống; hai khúc củi nằm gọn trong cái giỏ.
“Angus, anh mang về một bé trai.”
Anh đặt chiếc rìu xuống. Anh đã không biết. Chúng tôi trở vào, đi đến đứa trẻ đang đùa nghịch với viên xà phòng trong bồn tắm. Đôi mắt nó mở lớn và có vẻ cảnh giác. Nó không có vẻ ngạc nhiên khi thấy hai chúng tôi nhìn nó chăm chăm.
Anh hỏi: “Em muốn anh đi trở lại không?”
“Không, dĩ nhiên là không.” Tôi quỳ xuống kế bên đứa trẻ, cầm lấy viên xà phòng từ tay nó. Hai tấm xương bả vai nhô ra trông giống như gốc hai cánh trên cái lưng khẳng khiu.
“Để mẹ giúp cho.” Tôi cầm viên xà phòng và bắt đầu tắm rửa cho đứa trẻ, hy vọng hai bàn tay tôi tỏ lộ tình cảm với nó tốt hơn là ngôn từ.
Angus trở lại với đống củi, đóng mạnh cánh cửa sau lưng anh.
Có vẻ như Francis không bao giờ cảm thấy ngạc nhiên là nó được đưa đến nhà chúng tôi trong khi ăn mặc như con gái. Trong nhiều tiếng đồng hồ, hai vợ chồng chúng tôi suy nghĩ về động lực của các bà sơ người Pháp - họ đã nghĩ rằng trẻ gái dễ được chấp nhận làm con nuôi hơn là trẻ trai hay sao? Nhưng lại có nhiều đứa con trai trong số các trẻ mồ côi. Liệu họ chỉ phớt lờ, bị mờ mắt vì nét đẹp của gương mặt nó, và tròng cho nó bộ quần áo mà họ cho là thích hợp nhất? Bản thân Francis không có lời giải thích nào, hoặc tỏ ý xấu hổ, cũng không chống đối khi tôi may cho nó ít quần tây cùng áo sơ mi và cắt ngắn mái tóc dài của nó.
Cậu bé nghĩ chúng tôi không bao giờ tha thứ cho nó, nhưng đối với tôi thì không phải thế. Về phần chồng tôi thì tôi không chắc. Là dân gốc Cao nguyên Scotland[5], anh không thích bị người ta xem là dễ bị lừa phỉnh, và tôi không rõ liệu có lúc nào anh sẽ vượt qua được cú sốc hay không.
[5] Dân Cao nguyên Scotland: Ở miền bắc Scotland, khác biệt với người miền trung du Scotland qua văn hóa và ngôn ngữ, có đầu óc tự hào.
Khi Francis còn nhỏ thì mọi việc ổn thỏa. Có lúc nó trông buồn cười, thích làm trò hề, và khéo bắt chước. Nhưng chúng tôi đều già đi, nhiều sự việc thay đổi theo chiều hướng xấu hơn - lúc nào cũng thế. Khi Francis lớn lên, có vẻ như nó không hòa hợp tốt với những người khác. Tôi để ý thấy nó cố gắng để tỏ ra chịu đựng và rắn rỏi, để nuôi dưỡng lòng can đảm đến mức ngông cuồng, không màng gì đến mấy hiểm nguy vốn luôn rình rập trong vùng rừng xa xôi. Để trở thành đàn ông, người ta phải có dũng khí và chịu đựng giỏi, xem thường đau đớn và khổ nhọc. Không bao giờ than vãn. Không bao giờ chùn bước. Tôi thấy nó đã thất bại. Đáng lẽ chúng tôi phải cư ngụ ở Toronto hoặc New York, lúc ấy những tố chất kia có lẽ không quan trọng lắm. Cái mà người ta gọi là anh hùng tính trong một thế giới mềm mỏng hơn thì ở đây là chuyện thường ngày. Francis đã ngưng tỏ ra giống những người khác; nó trở nên lầm lầm lì lì, không còn đáp ứng lại niềm thương yêu, không còn muốn chạm đến tôi nữa.
Bây giờ, Francis lên mười bảy tuổi. Ngữ âm Ireland không còn nữa, nhưng theo cách khác nó vẫn giống như người xa lạ như tự bao giờ. Nó cứ giống như đứa trẻ thay thế[6]; họ bảo nó có dòng máu Tây Ban Nha pha trộn máu Ireland; và khi nhìn Francis bạn hẳn tin điều ấy - trong khi hai vợ chồng tôi có nước da trắng thì ngược lại nó có làn da ngăm đen.
[6] Đứa trẻ thay thế: Trong thần thoại hay truyện cổ tích phương Tây, là đứa trẻ được thay thế cho đứa trẻ khác bị bà tiên mang đi.
Có lúc dì Pretty nói đùa rằng nó đến từ một trận dịch tễ và trở thành cơn bệnh cho riêng hai vợ chồng tôi. Tôi tức giận với bà (và dĩ nhiên là bà chế giễu lại tôi), nhưng lời ấy ghim vào đầu óc tôi mỗi khi Francis đóng sầm cánh cửa chạy ra khỏi nhà, càu nhàu như là không thể thốt nên lời. Tôi phải tự nhắc nhở rằng nó là đứa con trẻ dại của mình, thế nên tôi phải kiềm chế trong lời ăn tiếng nói. Chồng tôi thì không được khoan dung như vậy. Hai người có thể sống bên nhau trong nhiều ngày mà không trao đổi với nhau lời nào.
Đấy là lý do tại sao tôi ngại nói cho Angus biết rằng từ ngày hôm trước tôi đã không thấy Francis. Tuy thế, tôi vẫn bất mãn vì anh đã không hỏi han gì. Chẳng bao lâu là trời sáng, và đứa con trai của chúng tôi đã đi khỏi nhà được bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Lúc trước, có lần nó đã làm thế - đi câu cá một mình cả hai hoặc ba ngày, rồi trở về mà không có con cá nào và cũng không nói nó đã làm gì. Tôi đoán nó không thích sát hại con vật nào; việc đi câu cá chỉ là cái cớ để nó muốn được một mình.
Hẳn tôi đã thiếp ngủ trên chiếc ghế, bởi vì khi tôi thức giấc thì trời đã gần sáng, khô và lạnh. Francis vẫn chưa trở về nhà. Dù đã cố nhủ thầm đây chỉ là sự trùng hợp, chỉ là thêm một chuyến đi câu mà không có cá, tôi vẫn khắc khoải với ý nghĩ rằng con trai tôi đã mất tích vào đúng ngày xảy ra vụ án mạng duy nhất từ trước đến giờ ở Sông Dove.
Sự Hiền Hòa Của Sói Sự Hiền Hòa Của Sói - Step Penney Sự Hiền Hòa Của Sói