A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Y Ban
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 57
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2142 / 30
Cập nhật: 2017-08-09 14:51:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Và Nhớ, Nhớ Là Đừng Có Mở Mồm Xin Lỗi Đấy Nhé!
. nghe tin thủ trưởng cũ bị nạn, bèn vội vàng đến thăm. Nguyên cái việc thủ trưởng cũ, đã về hưu mà lại được nhân viên cũ đến thăm như vậy thì hẳn ông thủ trưởng cũ này cũng là người đáng được đến thăm.
T. làm việc dưới thời thủ trưởng cũ hơn năm năm. Có nhiều việc T. không hẳn đã đồng ý với ông Ch., thủ trưởng cũ, nhưng cái mà T. phục ông là ông luôn chực sẵn lời xin lỗi ở cửa miệng. Thời bao cấp, cơ quan của T. chỉ có mấy gian nhà cấp bốn, đất còn thừa, cỏ mọc tốt um. Mấy chị phụ nữ bèn nghĩ cách trồng rau cải thiện. Một lần, ông Ch. đi ra nhà vệ sinh thì gặp chị H. xách xô phân đi tưới cà. Chị này vốn không phải gốc nông dân nên vừa nhìn thấy phân đã kinh, nay lại còn tự tay đi múc phân nên chị ta tay xách xô phân còn mắt thì nhắm chặt, mồm nhổ phì phì. Mắt nhắm chặt nên chị H. không nhìn thấy thủ trưởng, cứ bước phăm phăm. Thành ra khi hai người va vào nhau thì cả xô phân đổ hết lên người ông Ch. Chị H. mở mắt ra, hoảng hồn hét toáng lên. Còn ông Ch. thì mặt mũi trắng bệch, mồm không ngớt tuôn ra những câu xin lỗi: “Ôi cô H. ơi, tôi xin lỗi cô. Tôi sơ ý quá để đến nỗi thành ra thế này, thôi xin cô bỏ qua cho tôi!” Chị H. không biết nói sao, cứ mặc hai tay dính phân mà giơ lên trời.
Một lần khác là sau khi lên lương. Tay G., nhân viên phòng nghiên cứu không được lên lương. Lý do là vì tay này chân ngoài dài hơn chân trong. Hắn luôn bỏ cơ quan để đi làm ngoài. Thật ra, ở thời đấy, ai mà đi làm ngoài được là quá tốt. Phải có tay nghề vững mới có thể đi làm ngoài được. Không đi làm ngoài thì đến cơ quan cũng chỉ ngồi chơi xơi nước, hút thuốc lào và đánh rắm vặt. Viện nghiên cứu thì có việc gì làm đâu. Hội đồng lương không xét duyệt cho G. là cũng có phần ghen tỵ vì hắn được đi làm ngoài. Tay G., nếu biết điều thì cũng nên cho qua việc đó, bởi cứ chiểu theo quy định thì G. cũng đã vi phạm rồi. Nhưng G. lại là tay không biết điều. G. tức tối lên phòng thủ trưởng để hỏi cho ra nhẽ. Ông Ch. thấy G. hùng hùng hổ hổ bước vào phòng thì vội vàng chạy ra.
- Xin lỗi G., có việc gì mà tức giận vậy?
- Tại sao ông không cho tôi lên lương? Mọi việc ông giao tôi đều làm tốt cơ mà.
- Xin lỗi G. nhé! Tớ biết vậy nhưng chủ tịch công đoàn bảo là cậu không đi làm đủ giờ.
- Đủ giờ là đủ giờ nào, ông nói cho tôi nghe xem. Đến đây chỉ ngồi chơi như chúng nó thì tôi không ngồi được, ê đít lắm!
- Ấy, xin lỗi G., cậu đừng nói vậy. Thì người ta lên lương để cậu đến ngồi chơi ở cơ quan mà. Giờ cậu không đến ngồi chơi ở cơ quan thì người ta không lên lương cho cậu.
- Trời đất, thế mà ông cũng đồng ý với chúng nó à?
G. tức điên người, vơ lấy cái ghế, giơ lên đầu.
Ông Ch. tưởng sắp bị G. phang, bèn lấy hai tay ôm chặt đầu rồi bảo G.:
- Cậu đừng đánh tớ, cậu đánh tớ chết rồi thì lấy ai ký quyết định lên lương cho cậu?
Ông Ch. là một tiến sĩ khoa học. Các công trình khoa học của ông được báo chí nước ngoài ca ngợi rầm rộ.
Khi T. đến thăm ông Ch. thì G. cũng đến thăm ông. G. bây giờ đã là một doanh nhân thành đạt.
Ông Ch. lẩy bẩy định ra khỏi giường để tiếp chúng tôi. Ông mới ngoài bảy mươi tuổi, thần sắc vẫn hồng hào, khỏe mạnh, chỉ có điều chân ông bị què nên di chuyển khó khăn. Ông thở dài đánh sượt rồi không cố ra khỏi giường nữa. Chúng tôi kéo ghế đến ngồi cạnh giường ông. Ông lảng tránh ánh mắt của chúng tôi, lại thở dài đánh sượt. G. nhìn ông Ch. rồi bắt đầu cười. Ban đầu thì còn cười một cách có kiểm soát. Lát sau thì G. cười như hóa dại. Cười đến giàn giụa nước mắt. Ông Ch. vẫn im lặng. Cười chán rồi G. mới nói:
- Ông lại giở cái bài xin lỗi ra chứ gì? Ông kể cho chúng tôi nghe với! Kể đi rồi tôi dạy cách cho ông. Lần sau ông không què nữa.
Bấy giờ ông Ch. mới thủng thẳng kể:
- Mình đang đi bộ ở lề đường bên phải. Các cậu nhớ nhé, lề đường bên phải. Có hai thằng thanh niên. Thanh niên chứ không phải oắt con nhé! Thằng cầm lái vừa đi xe máy vừa bấm điện thoại di động. Thế là nó đâm sầm vào mình. Chúng ngã chổng kềnh. Mình thì không ngã. Mình mới đỡ chúng dậy và tiện mồm xin lỗi. Câu xin lỗi của mình như là câu thần chú vậy. Rõ ràng mình thấy chúng đang nằm dưới đất, có vẻ bị thương nặng lắm. Vậy mà chúng vùng ngay dậy, túm lấy mình, chửi: “Thằng già kia! Mày đi thế à? Mày đâm vào chúng ông.” Mình mới cãi lại: “Chính các anh đâm vào tôi nên bị ngã đấy chứ! Tôi đang đi bộ cơ mà.” Một thằng mới đạp cho mình một cái, làm mình ngã lăn ra đất rồi nó bảo: “Chúng ông đâm vào mày thì việc đếch gì mày phải xin lỗi chúng ông. Mày định lên mặt đạo đức để dạy chúng ông à? Đồ trí thức rắm rít!” Nói xong, chúng nhảy lên xe phóng đi. Còn mình thì què lê ra như thế này đây.
- Ối ông Ch. ơi là ông Ch. ơi. - G. lại cười như nắc nẻ. - Tôi đoán không sai mà. Ông có biết không, hai thằng mà ông bảo là thanh niên đó, chúng là loại oắt con của trí tuệ và đạo đức nhưng lại là bợm già trong việc đụng chạm giao thông. Bởi chính bọn chúng là những kẻ góp phần làm cho giao thông ở xứ này rối loạn. Chúng chính là điểm đen của giao thông, rất dễ xóa nhưng lại không ai muốn xóa. Tôi có thể nói với ông cả một chuyên đề về vấn đề này. Nhưng thôi để khi khác. Khi chúng đụng vào ông, chúng ngã xe, chúng vội nằm kềnh ra để thoát tội. Trong trường hợp này là để thoát tội chứ không phải ăn vạ, vì ông là ông già đi bộ ở lề đường bên phải, vì chúng chưa biết là ông có bị thương hay không nên cách tốt nhất là chúng cứ nằm ì ra đấy đã. Ông không bị thương hay bị ngã, ông lại còn đỡ chúng dậy và xin lỗi. Thế là chúng điên lên, cho ông ăn đòn là đúng rồi! Ông là vật cản trên đường chúng đi. Ông hiểu chưa?
- Thế à? Bài giảng hay quá cậu ạ! Vậy lần sau tớ phải làm thế nào?
- Bận sau á? Ông nhớ nhá! Ông chưa ngã thì cũng cứ phải lăn kềnh ra. Ông nằm im như chết rồi. Sau đó ông rên rỉ. Ông nhắm chặt mắt và rên rỉ. Và nhớ, nhớ là đừng có mở mồm xin lỗi đấy nhé!
Sống Ở Đời Biết Khi Nào Ta Khôn Sống Ở Đời Biết Khi Nào Ta Khôn - Y Ban Sống Ở Đời Biết Khi Nào Ta Khôn