Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 42
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ôm nọ Quít đã buồn, thả ra xóm ngoài kia cũng ở đường nầy, để dòm ngó cuộc làm ăn của thiên hạ.
Tình cờ, nàng được biết một nghề rất kỳ lạ và biết một nơi hành nghề đang muốn sang lại nữa, Vì thế mà hôm nay nàng mới dám quả quyết rằng lát nữa thì dọn nhà.
Đi tới chỗ xe Vĩnh Long đậu, nàng quẹo vào một ngõ hẻm hẹp và tồi tàn hơn ngõ hẻm Cây Gòn nhiều, được cái là hai bên ngõ không có nhà ai. Đó là vách của hai nhà trổ cửa ra đường lớn và là một ngõ cụt vì căn nhà nàng vào ngó ngay ra ngõ không còn đi đâu được khác hơn là đi vào nhà đó.
Nhà trống lỏng như nhà hoang, nhưng cửa mở và dưới bếp có khói.
- Bà Tám ơi. Quít gọi lớn.
- Ai đó?
- Cháu đây bà.
Nghe lụp cụp, lạc cạc dưới ấy lâu lắm mới thấy một bà lão lụm cụm đi lên.
Bà ấy lấy tay che mắt hỏi nữa:
- Ai đó?
Quít bước hẳn vào trong mà nói:
- Cháu đây, cháu là người hỏi sang nhà bà hôm nọ.
- Vậy he?
Quả Quít có hỏi sang nhà nầy, nhưng chỉ hỏi cho biết và hỏi cho có cớ để mà vào nhà vậy thôi.
- Giờ bà tính sao? Nàng đặt ngay vấn đề.
- Tôi không tính sao hết. Tính là cô tính ấy chớ.
- Nhưng bà có còn muốn nhượng công việc làm ăn hôn?
- Chớ sao. Tôi đã nói thằng nhỏ của tôi lúc nầy nó làm ăn khá lắm, nó không chịu để tôi cực khổ nữa.
- Nhưng xin bà nói lại giá cả.
- Thì mười cái ghế bố, với lại mười cái mùng, mười cái gối, tính một ngàn rưỡi. Còn đồ đạc dưới bếp thì cho không. Nhà mỗi tháng sáu trăm, tôi nói với chủ phố thì họ sang tên cho cô liền, khỏi tiền nước tiền nôi gì hết ráo trọi, cũng khỏi phải đóng trước mấy tháng tiền nhà nữa.
- Ngàn hai được không bà?
- Không có bao nhiêu mà cô. Nội công việc làm ăn của tôi, đáng mười ngàn đồng rồi, còn gì nữa.
- Nhưng tụi tôi xỉa tiền bây giờ rồi vô ở liền được chớ?
- Sao lại không. Nhưng phải mai tôi mới đi được. Tôi đã lỡ mua ăn trọn ngày nay, bỏ thì uổng. Ăn cơm tối rồi đi bất tiện lắm.
- Thì bà cứ ở lại với tụi tôi. Vả tôi cũng muốn nhờ bà chỉ đường đi nước bước, ít lắm trong đêm đầu. Bà sẵn lòng chớ?
- Sao lại không? Có tốn hao gì cho tôi đâu.
- Nhưng xỉa tiền bây giờ, bà đưa tôi lại chủ phố được hôn?
- Được mà, cô đợi tôi bắt trách cá kho lên cái đã.
- Bà cứ làm cho xong công việc bà đi, cháu đợi.
Trong khi chủ nhà xuống bếp, thì Quít soát lại căn nhà. Nhà bằng y và giống y nhà của Tâm, nhưng có gác.
Quít leo chiếc thang gác đứng ở trong cùng, dòm sơ trên ấy. Gác tuy không ai ở, nhưng được quét dọn lau chùi sạch sẽ, cỡ nằm lên sàn cũng không nóng bao nhiêu.
Nàng lại leo xuống và xem lại thì thấy mười chiếc ghế bố đã quá cũ được xếp lại và dựng sát vách, cái nầy trên cái kia.
Gối và mùng mà bà ấy đã nói đến, chắc bà ta để sau bếp.
Quít bước lần ra sau thì quả thấy gối mùng ở đây, trên một chiếc bàn cũ, có lẽ chủ nhà cần để nhà trên cho thật trống trải, nên kê bàn dưới nầy.
Lúc ra đi, nàng đã bỏ luôn bức ảnh vò nát trong túi, giờ mới rút ảnh ra xem lại.
Nước men trên mặt giấy láng, đã gãy hết, nhưng hình người, hình vật của ảnh còn xem được: Bây giờ tỉnh táo lại. Quít mới hay đó là ảnh nàng, bị chụp trộm tại nhà Ngân vào cái lần mà nàng đến đó tiếp khách theo lời của vợ Ngân.
Đó là một bức ảnh mà nếu lọt vào tay Tâm, chắc anh ta dám tự tử lắm. Ẳnh của chính nàng với một người khách, cả hai đều như nhộng, vì họ đang diễn trò con heo.
Quít ngẩn ngơ tự hỏi, lũ nó đã chụp trộm lúc nào, bằng cách nào, núp ở đâu mà chụp rõ đến thế. Đó là buồng của vợ chồng thằng Ngân, vợ nó đã yêu cầu nàng đến đó để tiếp một người khách ruột của lũ nó. Không biết lũ nó còn bức ảnh nào nữa không nhưng bức nầy hễ nó còn phim, thì rửa thêm bản khác dễ dàng. Như thế nầy thì chỉ còn nước bỏ xứ mà đi trốn cho biệt tăm biệt tích, nếu muốn làm lại cuộc đời.
Hiện giờ, ràng không có cái ý định đó một cách quyết liệt, không tha thiết làm gái lành cho lắm, nhưng vẫn phải bỏ luôn xóm Cây Gòn nếu người trong xóm không thấy ảnh chắc họ cũng đã nghe Sơn tả cho họ rõ. Sơn nó đã dám làm rùm beng lên khi sáng thì tức là nó không sợ ai chê cười nó bị gạt, và kẻ có cá tánh mạnh như vậy, sẽ không ngần ngại mà khui tạch hoạch cả ra.
Quít rùng mình kinh sợ sức mạnh ghê hồn của bọn ma-cô, sức mạnh mà không quyền lực nào bảo vệ nàng và những cô gái như nàng chống lại được. Chỉ có trị tội ma-cô cho thật nặng, ba mươi năm khổ sai chăng, thì mới hết ma-cô, chớ để chúng nó yên hoặc phạt chúng năm bảy tháng tù chẳng ăn thua gì cả, và đừng có mong tẩy trừ được nạn mãi dâm, đừng có bố các tú bà lắm lắm, chánh phạm là ma-cô chớ không phải tú bà đâu.
Quít không sao nghĩ tới mấy con bạn có thiện chí muốn trở về nhưng không bao giờ được.
Thật là tu chín kiếp, chỉ còn một kiếp nữa thôi mà không thành chánh quả được, phải đến bây giờ, nàng mới thấy rằng đồng nghiệp của nàng nói đúng. Khó lòng mà trở về với đường ngay lắm chớ không phải muốn về là về, và chỉ tại mình không muốn đâu.
Quít chỉ buồn thoáng qua thôi cho cái số kiếp của người khác. Nỗi buồn nầy được niềm vui thoát nạn bù lại cho.
Ừ, thế là nàng thoát khỏi một cuộc hôn nhơn mà nàng không thiết chỉ nhận vì yếu đuối tinh thần, nhận để làm vừa lòng Tâm thôi.
Tâm! Cái kho tàng trữ tuổi hoa niên và tuổi dậy thì thơ mộng của nàng, từ đây nàng phải xa nó hay chăng? Và phải vĩnh biệt cái máy gợi nhớ ngày xưa chăng?
Nàng sẽ phải chui trở vào cái vỏ Kim Thúy hay trở về xóm Cây Điệp, vì rất có thể phải vĩnh biệt người con trai dễ mến là Tâm vậy.
Đây là một cuộc phiêu lưu không phải là của nhà thám hiểm vào rừng sâu, mà là một cuộc phiêu lưu ngược chiều của một con thú rừng sâu ra viếng xã hội loài người. Nhưng xã hội loài người không dung nạp nó thì nó trở về rừng sâu vậy.
Bà lão coi lại trách cá, nhận tiền của Quít, rồi đưa Quít đi liền, qua cửa sau trổ qua một xóm đông đúc vô cùng. Xóm nầy có ngõ ra đường, ở nơi khác.
Công việc sang tên được thực hiện nhanh chóng và Quít về xóm Cây Gòn ngay.
Nàng cúi gầm mặt xuống mà vào ngõ, nhớ đến bức ảnh mà nàng đã vứt vào lò lửa của bà Tám khi nãy, nàng xấu hổ như khắp thế gian đều biết rõ bí mật của nàng.
Nàng bắt gặp Tâm đang lim dim đôi mắt trên chõng, tay gác lên trán, mặt sầu thảm vô cùng.
- Anh à!
Nghe gọi, Tâm mở mắt ra nhìn Quít mà không nói gì hết ráo.
- Ta phải đi mới được.
Tâm vẫn cứ làm thinh.
- Em oan hay ưng gì, ta cũng phải đi hết. Không ai có thể minh oan em thì anh xấu hổ lây. Còn như mà anh không tin rằng em oan đi nữa thì anh cũng nên tạm theo vài hôm để rồi tìm nơi khác.
Tâm thở dài mà rằng:
- Em nói rất phải, nhưng biết đi đâu bây giờ?
- Em đã tìm được nhà rồi. Ta cũng không có gì để chở để cho họ dòm ngó và theo dõi để biết chỗ ở mới của ta. Anh bỏ chõng, bỏ bàn ghế rồi em sắm lại cho. Giờ anh tom góp quần áo của anh lại rồi thồn chung với quần áo của em trong va-ly, còn em thì gom một mớ đồ nhà bếp cầm tay cũng được, còn bao nhiêu bỏ hết.
Tâm lại thở dài và lồm cồm ngồi dậy. Quít thu xếp mọi việc lại gọn ghẽ và tốc hành như một viên tướng tài ngoài mặt trận, còn anh thì vẫn còn rối trí chưa biết phải làm gì. Vì thế mà anh vâng lịnh nàng như là một cái máy.
Tâm nhiều tình, mà kẻ nhiều tình nào cũng nhu nhược cả, không thể quyết định cái gì cấp tốc được trong lúc nguy, không thể có sáng kiến khi mà thời cuộc bước tới mau lẹ quá.
Vâng lịnh bạn như cái máy, Tâm vẫn uể oải làm việc vì anh thương mến căn nhà lụp xụp mà anh sống trong đó gần bốn năm rồi, và nhứt là nơi đó là nơi anh bắt đầu yêu lại mối tình ban đầu của anh.
Thấy bộ tịch chậm rãi của bạn, Quít phải giục đến mấy lần. Nàng cứ lo bọn thằng Ngân kịp đặt người theo dõi.
Chắc chắc là nó không thể ngờ nàng tìm được nhà mau lẹ như vậy, nhưng nàng biết nó là đứa nhiều kinh nghiệm, ắt phải đề phòng mọi việc bất trắc và nội ngày nay thế nào cũng đặt người ở dây để rình coi nàng động tịnh thế nào.
Có lẽ nó đã hay tin cái trận phong ba khi sáng rồi và đang nghiên cứu kế hoạch mới.
Khi cả xóm thấy cặp Tâm Quít xách gói ra đi, họ biết rằng bọn họ bỏ xóm nên túa ra dòm. Tâm Quít gầm mặt mà bước, Quít chỉ mỉm cười lặng lẽ đáp lại những lời hỏi thăm.
- Đi đâu đó cô?
- Dọn đi luôn hả cô?
- Trời, buồn quá
Có người nói giọng mỉa mai, có người thương xót thật nhưng được cái là họ không đi theo bởi họ ngỡ là Quít và Tâm còn trở lại chở giường, chở bàn, chở khạp.
Ra tới đường, đôi bạn lên xe xích lô máy rồi đi ngược đường, đánh một cái vòng lớn để làm lạc hướng thiên hạ. Thay vì đổ ra Nguyễn Trãi, họ bảo xe chạy ngã Thành Thái, Huỳnh Mẫn Đạt rồi mới đảo trở lại Nguyễn Trãi. Tới ngã tư Nguyễn Trãi - Pétrus Ký, họ xuống xe đi bộ lên một đỗi ngắn là đến nơi.
Tâm sống như một đứa bé hành động theo một người chị cả thay cho cha mẹ đã qua đời. Anh không biết gì là gì, đâu là đâu cả, thấy cần phải trốn và được có người dìu dắt thì theo người ấy thôi.
Tới đây rồi, anh mới nghe dễ chịu vì thấy nhà nầy giống nhà anh.
Nhưng anh lạc hướng ngay khi theo Quít lên gác. Anh hỏi:
- Sao không ở dưới ấy?
- Chỗ đó phải để trống trải mới được.
- Chi vậy?
- Rồi anh sẽ biết.
Quít giăng tấm màn mang theo, chia gác ra làm hai buồng và nàng giành phía trước, kín đáo hơn. Buồng trong ở đầu thang gác bị người ở buồng phía trước dùng làm đường đi qua không tiện cho đàn bà ở.
Xong, nàng giải thích:
- Lát nữa em mua chiếu, ta ngủ ngay trên sàn gác nầy, khỏi mất công sắm chăn sắm giường gì hết. Vả nếu nằm trên giường thì ngồi dậy là đụng đầu với mái ngói, bất tiện lắm.
Rồi nàng lại trở xuống dưới nhà và Tâm lót tót tuột xuống theo bạn.
Quít trải ra hai chiếc ghế bố chỉ cho Tâm ngồi lên một chiếc còn nàng nàng thì ngồi ở chiếc thứ nhì rồi mới kể lể:
- Giờ anh không cần đi làm, ta cũng sống được. Bà Tám chủ nhà nầy, bả nhượng cho em công việc làm ăn ở đây mà chỉ lấy vốn lại các ghế bố nầy thôi, chớ không đòi hỏi gì thêm hết. Em vừa trúng một mối lớn đó. Nói cho anh mừng.
- Nhưng làm ăn về gì?
- Em sẽ nối nghiệp bà Tám mà làm một thứ phòng ngủ ở đây, mà khách là hành khách lục tỉnh lỡ đường.
Có những chuyến xe lên tới đây hồi hai giờ khuya chẳng hạn. Một số hành khách quê mùa không thạo đường đi nước bước, một số lại hà tiện, chỉ còn có ba tiếng đồng hồ nữa là sáng rồi không lẽ lại đi tìm mướn phòng ngủ thật cho tốn hao. Em sẽ mời họ nghỉ lưng trên ghế bố nầy, nghỉ lưng mà chỉ lấy hai chục thôi.
Trái lại có những chuyến xe khởi hành hồi một giờ khuya, hành khách, những người chỉ lên thủ đô một ngày rồi về ngay, cũng không mướn phòng ngủ thật và thích nằm đợi xe ở đây hơn, để gần bến, mà khuya lại còn được mời ra xe đúng giờ khỏi lo xe lỡ chuyến.
Mỗi đêm, mạt lắm cũng kiếm được năm bảy người khách ở trọ vài giờ.
- Nhưng làm sao mà họ biết để vào đây? Cái nghề ngộ nghĩnh thật. Nhưng anh cứ sợ họ không ngủ trọ.
- Không, đây là nghề cũ của bà Tám, chớ có phải là em mới nghĩ ra đâu mà anh lo ế khách. Bà Tám đã sống bằng nghề nầy.
- Còn bà Tám?
- Mai nầy bà sẽ đi. Nhưng kể từ bây giờ, nhà nầy là nhà của ta.
Quít vừa mới nói tới đó thì hai người bán hàng rong đi vào ngõ. Một người đàn ông gánh một gánh chiếu, và một chị đàn bà gánh một gánh gối.
Nàng gọi họ vào mua hai chiếc chiếu hẹp vừa một người nằm và hai chiếc gối. Mùng thì Tâm đã xếp thồn vào va-ly mà mang đến đây.
Bà Tám lui cui dưới bếp nãy giờ, bây giờ mới lên mà rằng:
- Cô cậu như người lỡ đường, thôi thì cô cậu ăn cơm với tôi rồi mai hãy nấu nướng.
- Cám ơn bà lắm. Nhưng tụi tôi ăn chay.
- Vậy à? Nay ngày thường mà? Tôi cũng ăn chay mà tôi có ăn đâu!
- Dạ, tụi tôi ăn chay trường.
Bà Tám trở xuống nhà sau ăn cơm, cái bữa cơm mà bà tiếc phần chiều, không muốn bỏ mà đi về với con bà ngay bây giờ. Quít nói nho nhỏ với Tâm:
- Anh ở đây, em mua ăn nhé.
Quít đi mua bánh mì thịt quay thật, nhưng cũng để trở về xóm Cây Gòn để trả nhà cho chủ phố thay cho Tâm. Nàng sợ Tâm thật thà bị họ gài bẫy rồi lậu cái chỗ ở mới nầy thì phiền.
Lần nầy, nàng còn phải đánh một vòng lớn hơn vòng khi sáng, lúc rời xóm cũ, và phải đổi xe đến mấy lần, cho đến khi nào chắc ý không bị ai theo dõi ngoài sau, nàng mới dám đi thẳng vào xóm mới.
Từ đó cho đến chiều, nàng ở nhà, ngồi trên gác với Tâm, để an ủi hắn bằng sự có mặt của nàng.
Tâm thuộc vào hạng người không chịu nổi sự xáo trộn trong thói quen của anh. Việc dọn nhà tốc hành như chạy giặc nầy làm cho tâm trí anh loạn xà ngầu trong đó. Tâm trí nầy vốn đã rã rời tan nát hết trong trong cuộc sóng gió khi sáng, bây giờ bị xáo trộn nữa, nên anh như hóa điên.
Tâm hết nằm lại ngồi, hết lắc đầu lại thở ra thở vào, mặt thẫn thờ như vừa ra khỏi một cơn ốm nặng, nghe đời sống quanh anh thật thật hư hư, không còn biết là anh đang tỉnh hay đang mơ.
Quít thấy rằng cần đặt lại vấn đề để làm sáng tỏ mọi việc cho nó khỏi lờ mờ trong lòng anh, giúp anh dễ chịu lại phần nào.
Nàng hỏi:
- Chắc anh tiếc thương chỗ ở cũ lắm?
- Ừ.
- Em nghĩ xóm Bến Cỏ gần như là nơi chôn nhau cắt rún của ta kia, mà rồi rốt cuộc ta còn phải xa huống chi là cái xóm tạm bợ là xóm Cây Gòn.
- Nhưng ở đó bốn năm cũng thương mến nó lắm.
- Rồi anh sẽ thương mến ở đây lắm. Cứ kể như bị đuổi nhà vậy là xong. Còn cái vụ thằng Sơn mắc dịch đó nữa! Em không phiền trách anh gì hết nhưng phải nói là cũng tại anh bày đặt chuyện. Nếu cứ để yên như thường thì có phải vui vẻ mãi hay không. Tuy nhiên em cũng phải nhìn nhận rằng anh làm như vậy cũng do lòng tốt của anh muốn gầy dựng cho em.
Còn thằng đó thì thôi, cũng đừng phiền trách gì nó, bởi nó đinh ninh em còn con gái mà anh quên cho biết rằng em đã có một đời chồng rồi.
- À, cái hình gì mà...
- Thì cái hình em chụp với chồng cũ của em chớ hình gì.
- Đâu cho anh coi thử.
- Em bỏ đâu mất rồi không biết.
- Nhưng làm sao mà nó có được cái hình ấy?
- Có lẽ thằng chết dầm kia đưa. Thằng chết dầm đó làm nghề thầy bói dạo, xóm nào lại không chui vô. Chắc nó quen với thằng Sơn rồi trong lúc hứng, nó lấy hình trong bóp ra khoe là nó có mèo đẹp lắm, thằng Sơn giựt hoặc xin bức ảnh đó chớ gì.
Hóa ra trong vụ nầy không ai là có lỗi, chỉ tại rủi ro cho ta thôi. Nhưng cái rủi nầy, không phải là một tai hại lớn anh à. Anh chỉ mất một cái chõng, một cái bàn và một cái khạp thôi, nhưng trái lại, anh còn em.
Tâm thấy rằng Quít nói đúng. Anh còn Quít. Cuộc đỗ vỡ về sau của hôn nhơn Sơn Quít mà anh thoáng nghĩ tới, không dám van vái cho nó xảy ra nhưng cỡ nó xảy ra thì anh có lợi, cuộc đỗ vỡ ấy lại xảy ra trước khi hôn nhơn thành sự.
Anh còn Quít. Nhưng không còn nguyên, Quít đã bị người ta chém cho sứt mẻ, Quít đã bị người ta bệt chàm lên mặt cho mặt nó bị hoen ố. Lối giải thích của Quít về bức ảnh rất ổn rất trơn tru, nhưng anh vẫn còn hồ nghi cái gì.
Chính anh đã mong cho chiếc áo nỉ Quít cũ bớt đi, để anh dám mặc. Nhưng áo cũ cách khác kìa, nó già bớt, xấu đi thì được, nhưng nó hoen ố bằng cách thằng Sơn nói thì không.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp