Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 42
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
áng hôm nay, hai Tâm còn nghỉ bù cho phiên làm trước. Quít mua phở cho hai người ăn sáng với nhau rồi xách giỏ đi chợ Bàu Sen. Dân vùng nầy thích đi chợ An Đông hơn vì chợ An Đông được tiếp tế dồi dào hơn. Nhưng Quít nhứt định đi chợ chồm hổm Bàu Sen vì chợ nầy gần hơn. Mai nầy thì hai Tâm đã lên đường rồi nên nàng muốn tận hưởng thì giờ gần gũi anh ta, hà tiện cả những phút bỏ ra đi chợ nữa.
Cả xóm đều hay biết sự thay đổi ở nhà nầy. Mấy chị đàn bà dư thì giờ đã bắt đầu lân la để điều tra.
Họ nhìn anh chụm máy đầu xe lửa bằng mắt khâm phục vì anh ta thật thà thế mà lại chiếm nổi một cô nhơn tình đẹp có hạng.
Hai Tâm không hề nghĩ đến cái ý nhơn tình. Anh chỉ biết có "vợ thôi, không hề quan niệm luyến ái ngoài hôn nhơn.
Anh tin rằng hẳn có kẻ cũng nghĩ Quít là vợ anh, và anh hãnh diện vô cùng. Anh hãnh diện vì ý nghĩ có vợ đẹp, mà vì sự kiện "có vợ" mà thôi. Những anh con trai nghèo và thật thà thấy rằng không vợ là kém thiên hạ. Hai Tâm sung sướng mà thấy mình được ngang hàng với người ta, không ngang hàng thật sự (vì thật ra anh chưa có vợ) nhưng ngang hàng trong ý nghĩ của họ, mà điểm đó còn quan trọng hơn là ngang hàng thật sự nữa.
- Thím ấy đâu rồi chú hai?
- Mợ ấy đi chợ hả?
- Chị hai bảnh quá.
Mỗi người hỏi mỗi cách, hai Tâm chỉ cười trừ; anh bối rối không biết trả lời thế nào cho ổn. Nói sự thật ra, chắc không ai tin. Có nhiều chuyện giả giống thật lắm, và trái lại có nhiều chuyện thật có vẻ huyền hoặc vô cùng, và không thể nào người ta nhận cho đó là sự thật đâu.
Vả lại anh chỉ được hãnh diện lần đầu trong đời anh, anh nỡ nào xóa ngộ nhận nơi những kẻ tò mo nầy.
Bà hai cơm tấm khen:
- Mợ ấy khéo tay lắm, dọn nhà dọn cửa coi được ghê.
- Từ rày chú sung sướng rồi đó nghen. Hết phải lết đi xin nước trà mỗi lần bịnh cần uống thuốc.
- Mẹ thằng Cà hết hy vọng bắt xác chú rồi.
Má thằng Cà là một góa phụ ba mươi. Con mẻ thấy hai Tâm hiền lành và cần kiệm, đinh ninh rằng hai Tâm đã dành dụm được bạc muôn chớ không ít. Hai Tâm lại còn con trai nheo nhẻo và lành như bột nên con mẻ đã trổ hết tài để câu hai Tâm.
Cả xóm đều đã phải sốt ruột, lo sợ, sợ hai Tâm dại dột cắn câu thì khổ thân anh ta tội nghiệp. Lòng chuộng công bình của người bình dân công phẩn trước ác ý của má thằng Cà, nên họ âm mưu với nhau để chống lại âm mưu của người góa phụ lẳng lơ ấy.
Má thằng Cà đã thất bại nhưng chưa bỏ hẳn mộng chiếm lòng hai Tâm. Bà con ở đây biết thế nên họ rất hài lòng mà thấy Quít vào ở trong nhà với anh con trai dễ mến là Tâm để làm kỳ đà. Phen nầy thì má thằng Cà phải bị ra rìa, chắc chắn như vậy.
Đây là những việc điều tra sơ khởi, những chuẩn bị sơ bộ để đi sâu vào chi tiết và một lát nữa, khi Quít đi chợ về, họ sẽ được biết rành mạch hơn bởi nam phái ít lời thì nữ phái hẳn phải bép xép và Quít sẽ tâm sự nhiều hơn.
Quít đi chợ hơi lâu. Bỏ công việc nội trợ hơn bốn năm rồi, nàng đâm ra bở ngở. Nàng sợ mua lầm, nhưng lại sợ mấy chị bán cá hơn, thành thử cứ cà rà đây đó mãi, không dám mua bừa cũng không dám trả giá.
Giá cả thị trường thay đổi từng mùa một, mà nàng thì mất liên lạc với chợ búa lâu quá rồi nên mù tịt không biết mặc cả thế nào cho khỏi sơ hở.
Nhưng đáng sợ nhứt là cái lớp bùn sình nhầy nhụa dưới chợ chồn hổm nầy. Chợ lộ thiên nào lại không thế. May là nàng đi guốc thế mà mỗi lần để chơn lên một diện tích đất nầy, là nàng nhắm mắt lại, nhưng vẫn cứ nghe nhờm. Quít đã quên mất đất lầy quanh các phông tên nước mà ngày xưa nàng đã thọc cẳng vào trong đó, lút chơn cho tới mắt cá.
Một tiếng đồng hồ sau Quít mới về tới nhà. Vào nhà là nó đóng cửa lại ngay.
Sợ thiên hạ dị nghị, hai Tâm phản đối:
- Mở cửa ra chớ em. Kỳ chết. Họ xầm xì khó chịu lắm.
- Mặc kệ họ. Để họ tràn vô đây còn khó chịu hơn nhiều. Vả em bận lắm, không thể nói chuyện con cà con kê với họ được. Anh muốn để họ chiếm hết em trong thời gian ngắn ngủi anh ở nhà hả?
Hai Tâm đành nhẫn nại chịu số phận bị nhốt và bị hàng xóm nói ra nói vào. Quít bù cho nỗi khổ của anh bằng một món quà, món khoai lang chiên ngào đường, ngày xưa má nó bán trên xóm Bến Cỏ mà hai Tâm rất ưa.
Cầm một lát mỏng, hai Tâm ngùi ngùi nhớ từng đường tơ kẻ tóc đời sống nơi xóm cũ mà anh đã lớn lên trong giấc mơ thiếu niên, một con rạch, một nếp nhà sàn, một bà mẹ đi vá bao tận trong Bình Tây để nuôi con, và bên cạnh, một bà mẹ khác ngày ngày chiên khoai lang ngào đường, cũng để bán kiếm tiền nuôi con. Quanh hai bà mẹ ấy, hai mái đầu xanh, hai trái tim non cùng đập trong một nhịp.
Hai Tâm rươm rướm lệ tiếc thương cái thời ngây dại và sung sướng đó và rơi lệ sung sướng cho cái giây phút nầy đây, mà có người cũng nhớ cái thời ấy như anh, nhớ được cả đến những sở thích nho nhỏ nầy của anh và mua quà xưa. để gợi nhớ cho anh.
Quít nhúm lửa trước khi làm công việc cấp bách, như là làm cá, kẻo nó chết ngáp mà hết ngon đi. Nàng quyết nấu cho hai Tâm một nồi trà Huế và nói lớn lên dự định của nàng:
- Anh ăn chầm chậm đợi trà Huế nhé.
Hai Tâm lại phồng mũi và ứa lệ. Ngày trước ba của Quít vốn là ngươi nông dân trôi nổi lên Sài-gòn vì thời cuộc. Ông ấy giữ mãi thói quen uống trà Huế như ở thôn quê. Anh lân la nơi nhà bán khoai lang chiên, vì Quít thì đã đành, mà cũng để được uống trà Huế, nhứt là được xem Quít pha trà Huế, siêu nước trà giở lên thật cao, rót vào một tô nước lạnh ở dưới thấp, bọt vung lên trắng phau phau, trong khi kẻ pha trà hạ siêu xuống, thượng siêu lên, rất dịu tay, trông thật là ngoạn mục.
Quít không dùng than mà chụm củi và cho lửa cháy hỏa hào để cho siêu nước mau sôi, siêu nước chỉ đựng có một chén nước và một nhúm trà Huế khô thôi, cũng để cho mau sôi.
Hai Tâm ăn vừa hết lát khoai thì trước mặt anh đã có tô nước trà pha vung bọt như rượu la ve.
Hai Tâm uống ừng ực rồi khà một tiếng khi tô nước cạn. Cái lối khà ấy không phải là thói quen của anh, nhưng ba của Quít đã làm thế, mà ông già nào cũng làm thế cả, anh bắt chước họ để tưởng nhớ tới ông ấy vậy.
Ngoài sau, hôm nay có tiếng động chớ không hoàn toàn im lặng như trong bao ngày qua. Nhà nầy đã có linh hồn, có sinh khí.
"Nàng đến đây làm gì?" hai Tâm tự hỏi như vậy vì anh rất ít tin nơi câu chuyện bị chồng đánh đuổi mà Quít đã bịa ra.
Không tìm được lý do của sự kiện nầy, hai Tâm cắt nghĩa một cách giản dị là tại trời xui đất khiến, và tự nhiên, anh nghĩ đến sự tiền định của các mối duyên và nhớ đến câu hát huê tình:
Sông dài con cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ
Duyên tiền định! Duyên trời định! Hai Tâm nghĩ rằng anh có số kết nghĩa trăm năm với Quít, nó đi đông, đi tây gì bao năm rồi rốt cuộc nó cũng trở về với anh.
Hai tiếng đồng hồ sau Quít dọn ăn lên. Bữa cơm trưa hôm nay chỉ có hai món thôi. Vì phải tổ chức toàn bộ nhà bếp, nên Quít không đủ thì giờ nấu nhiều món như nàng muốn.
Chỉ có hai món thôi, nhưng đó là hai món nhiều ý nghĩa, y như món quà khoai lang chiên khi sáng; đó là hai món ăn gợi nhớ: một tô canh chua lá vang và dĩa mắm xổi.
Hai bà cụ, má của Tâm và má của Quít rất tâm đầu ý hiệp nhau trong lối nấu canh chua như vậy. Dân Sài-gòn chỉ nấu canh chua bằng me thôi, vì me dễ tìm mua. Nhưng hai bà lại tiếp tục nấu bằng lá vang không phải lá vang ngon hơn me, mà vì lá vang cho món ăn nầy một mùi sằn dã mà các bà nhớ, y như là nhớ quê hương của các bà.
Ăn canh chua lá vang là một lối về thăm làng mạc, về thăm quê quán của hai bà. Ngửi mùi canh chua lá vang, hai bà bảo nghe như được mùi phân chuồng, mùi lửa củi cây săng màu của quê hai bà.
Lá vang ở Sài-gòn rất mắc tiền, thế mà hai bà thích nhịn cau luộc và nhịn trầu bay để mua lá vang cho kỳ được mới nghe.
Canh chua lại luôn luôn đi đôi với mắm xổi trong các gia đình thôn quê. Đó là truyền thống bếp núc của nông thôn miền Nam, món nào đó phải đi với món nào đó, làm khác đi là đàn đã lạc điệu rồi vậy.
Quít còn nhớ xóm Bến Cỏ, nhớ thuở thiếu thời của đôi bạn nên mới dọn ăn như thế. Nhớ xóm Bến Cỏ, Tâm nghĩ, nàng hẳn phải nhớ mối tình của anh.
- Em còn nhớ hay không em Quít, những buổi chiều mùa nực gia đình nào ở dựa rạch xóm Bến Cỏ, cũng ăn cơm ở sân sau hết thảy?
- Ừ, mát quá!
- Cả thời ấy đều mát, chớ không riêng gì những bữa cơm chiều mùa nực. Anh nhớ lại những năm đó thì...
-... thì nghe mát rượi ở trong lòng, em cũng nghe như vậy.
- Ta ở cách nhau tới ba căn nhà, vậy mà má em với má anh cứ kêu nhau mà nói chuyện với nhau.
- Ừ, anh nè, lúc nhà em trôi giạt lên xóm đình Phú Thạnh, má em chiều chiều hay hỏi lớn lên một mình: "Không biết bây giờ mẹ con thằng Tâm ở đâu và làm gì?
- Ừ, má anh cũng hay hỏi như vậy.
Khi Quít cuốn gói đi theo anh thầy hai bói dạo thì cha mẹ nàng xấu hổ quá, bỏ xóm mà đi. Sau đó, Quít bị thằng ấy phụ rẫy, nàng mới tìm về cha mẹ trên xóm đình Phú Thạnh.
- Má em nói: "Phải mầy mà có phước, được làm vợ thằng Tâm thì tao có nhắm mắt cũng yên long.
Quít nghẹn ngào, chống đũa để nghe cục cơm nó bị cái cục gì ấy chận lại ngang cổ họng nàng.
Hai Tâm cũng hít mũi mấy cái, rồi mắc cỡ vì bị xúc động, anh làm bộ nói:
- Em bỏ ớt trong canh nhiều quá, làm anh chảy nước mắt.
- Ừ, cay quá, em cũng chảy nước mắt.
Thình lình cả hai đều giựt nẩy mình: tô canh chua nầy, oái oăm thay lại thiếu món ớt cần thiết cho cá đỡ tanh.
Quít xẽ miếng mắm xổi ngon nhứt, cái miếng nọng cá lóc ấy, rồi bỏ vào chén cơm của Tâm, và Tâm bỏ bù qua cho Quít cái trứng cá của cá canh chua.
- Thuở nhỏ em không bao giờ dám ăn trứng cá, sợ mặt nổi mụn. Giờ thì em ăn thả cửa đi vì mặt em nổi bao nhiêu mụn, em cũng cứ lịch sự như thường.
Hai Tâm ăn nói y hệt như nhà quê, đẹp, nói là lịch sự.
Lâu nghe cái tiếng ấy, Quít lấy làm thuơng thức lối ăn nói gợi nhớ đó.
Canh thiếu ớt mà hai thực khách lại chảy nước mắt. Canh thiếu ớt mà một thực khách lại tía tai trước lời khen của thực khách kia.
Cơm của các quán, dầu có ngon đến đâu cũng không bằng bữa cơm gia đình mà từ ba năm nay Tâm không được ăn lần nào hết. Hôm nay, cỡ không ăn gì anh cũng no. Nhưng nhờ bữa cơm nhà quê nầy mà bụng anh đầy ứ tới cổ họng anh.
Anh đã ăn xong trước Quít và cầm lên miếng bánh hạnh nhơn để tráng miệng. Quít còn nửa chén cơm nhưng vội buông đũa, chạy xuống bếp rồi trở, lên ngay với một tô nước lạnh và một om trà Huế.
Hai Tâm nhìn sửng bạn "vợi" trà. Vợi là bạ om xuống, thượng om lên, làm thế cho bọt nó vung lên cho thật nhiều và thật trắng.
Hai Tâm thích nhứt là nhìn cánh tay của người pha trà. Nó dịu một cách kỳ diệu, dịu trong sự lao động, cái dịu dàng khoẻ khoắn chớ không phải cái dịu ẻo lã của người đài các.
- Ngon quá!
- Ừ, trà Huế ngon lắm.
Quít không hiểu rằng hai Tâm khen chính cái tay của nàng và chính cái điệu nghệ pha trà của nàng.
Đột ngột hai Tâm lại nói một câu có vẻ không dính líu đến bữa ăn.
- Mai anh đi làm, 60 tiếng đồng hồ sau mới về.
Đó là tiếng kêu than, thương tiếc cảnh ấm êm ở nhà, và những dễ chịu ở nhà, cái nhà không quyến rũ bao nhiêu từ thuở giờ, nhưng anh bắt buộc phải có để nghỉ lưng, trong những ngày không đi xe.
- Vậy hả? Thì em sẽ đợi anh chớ có gì.
- Cảm ơn em.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp