A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 42
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ạo nầy Kim Thúy ăn cơm luôn ở đây, với bạn hữu rồi mới về xóm, nhưng cũng không về ngay. Thường thì bọn nó trò chuyện với nhau tới chín giờ hơn nàng mới ra đi.
Con phố nầy thuộc khu nhà giàu, không có loại xe chuyên chở công cộng nào qua lại cả, kể cả tắc xi. Kim Thúy phải đi bộ khá xa, ra tới ngã ba Trương Minh Ký Lê Văn Duyệt để đón xe.
Đường vắng như đường làng, không một bóng người qua. Đèn đường rất thưa và rất leo lét. Kim Thúy ra khỏi cổng rồi đi nghinh ngang giữa phố nghe sung sướng như mình làm chủ cả một khu vực nầy.
Tới trước đầu một ngõ hẻm có trồng nhiều bông bụp, nàng bỗng thấy từ trong ngõ đi lẹ ra phố bốn thiếu niên mặc Âu phục theo lối du đảng.
Bốn tên nầy cầm tay nhau, làm thành một sợi dây, án ngữ con đường trước lặt Kim Thúy. Biết bọn côn đồ có tật gây sự với cả những người vô can, Kim Thúy không dám phản đối, lặng lẽ leo lên lề cỏ toan đi vòng qua bên kia hàng rào người ấy.
Nhưng thằng đi bìa với chụp lấy vạt áo của nàng trì lại và hỏi:
- Phân chia giai cấp hả, không thèm đi dưới đường cùng với tụi nầy hả?
Kim Thúy chỉ làm thinh giựt vạt áo lại thôi. Phản ứng gần như là không có của nàng khiến chúng nó cụt hứng, nên chúng nó đành phải ra tay mà không cần kiếm cớ.
Thằng níu áo và bị giựt lại ấy, bước tới tát vào mặt nàng ba bốn vả gần đổ lửa. Bị đánh thình lình, Kim Thúy không kịp trở tay lên nhận đủ đòn. Tuy nhiên, không phải là tay vừa, nàng ngồi xuống thật lẹ, hai tay cầm hai chiếc guốc cao gót của nàng rồi vụt đứng lên như lò so bật, nàng giáng lên đầu tên ấy hai cú như trời giáng.
Gót guốc bằng kim khí mổ vào trán tên côn đồ làm vỡ đầu hắn, máu phun có vòi. Hắn la bài hãi, rồi co giò mà nhảy. Nhưng ba thằng du đảng còn lại áp tới một lượt, lấy số đông lấn áp Kim Thúy tước khí giới của nàng được rồi thì chúng đánh đấm nàng túi bụi.
Chúng không trả thù cho bạn đâu. Kim Thúy chợt hiểu như vậy, vì vừa đánh chúng vừa nói với nhau.
- Anh Tiểu Hiệp Liệt dặn phải để thẹo trên mặt nó nghen tụi bây. Vậy ta phải làm ngay kẻo lính tới, không kịp thi hành mạng lịnh thì khỏi lãnh tiền đa nghen.
Kim Thúy kinh sợ hết sức. Mang thẹo trên mặt thì kể như là hết xíu-oách về tương lai rồi vậy, nên chi nàng tự vệ với tất cả sự cuồng nhiệt của kẻ phải sống háy là chết.
Nàng bị thoi, bị đấm, bị đá, nhưng chúng chưa làm tê liệt hẳn được bộ máy tự vệ của nàng, bộ máy nầy còn nhiều bộ phận quan trọng là hai tay và hai chơn của nàng.
Biết rằng hễ giây phút nào Kim Thúy còn cựa quậy được thì chúng không thể thực hiện ý định của chúng, nên một đứa đi vòng ra sau lưng nàng rồi bất thình lình ôm cứng eo ếch của nàng lại.
Kim Thúy không còn rảnh tay nữa để đánh trả, vì nàng phải dùng hai tay đó để thoát khỏi cái ôm của tên kia. Nhưng đã không thoát được lại bị hai thằng khác thừa dịp hai tay ấy bận việc không đánh trả được nên chụp lấy nó và nắm chặt lại.
Tên ôm eo ếch bây giờ mới dở hổng nàng lên rồi vật nàng ngã xuống lề cỏ. Hai tên kia lập tức một đứa khóa tay nàng lại, một đứa khóa chơn nàng, hai cái chơn nầy cũng rất khó chịu, vì Kim Thúy đá, đạp không ngớt.
Một thằng móc trong túi quần của nó ra một con dao nhỏ, mở lưỡi dao đoạn cười và nói bằng một giọng lạnh lùng:
- Vì chén cơm nghen cô nương mà tụi nầy phải làm như vầy. Kể ra thì tàn nhẫn thật đó, vì gương mặt của cô nương xinh đẹp thế kia, ai lại nỡ.. Nhưng thôi, còn sống thì còn có thể hưởng cuộc đời, cô nương ráng mà chịu vậy, chớ tụi nầy có biết sao bây giờ.
Kim Thúy kinh sợ tới cực độ. Từ nãy đến giờ chỉ bảo vệ âm thầm thôi, quyết sống chết gì cũng sống chết trong sự lặng lẽ, bởi lệ của giới bất lương và giới giang hồ là như vậy. Cầu cứu lắm khi sẽ khổ thân hơn là chịu ăn đòn, bởi vì nạn nhơn sợ không qua được một cuộc điều tra của công quyền và như vậy, khó tránh sơ hở để lộ chơn tướng của chính họ.
Nhưng đã nguy quá rồi, nên Kim Thúy quên cả dè dặt thường lệ. Cái mặt ăn tiền của nàng còn quí hơn cả sự sống của nàng nữa.
Bất giác, Kim Thúy vụt la bài hãi lên.
Nhà cửa hai bên phố nầy phần lớn là biệt thự của ngoại kiều. Người của các biệt thự ấy dã nghe tiếng cầu cứu.
Từ hai biệt thự nằm sát cánh nhau, hai ngoại kiều lực lưỡng xông ra. Họ mặc quần đùi và cởi trần, có lẽ vì họ đang tập thể dục hay sao không biết. Nhưng nhờ lối phục sức giản dị và cổ sơ ấy mà họ có vẻ ba gai và man rợ với lông lá đầy ngực họ, khiến bọn du đảng đâm sợ.
Chúng nó đành bỏ Kim Thúy, co giò tẩu thoát, không kịp dở cái ngón ác độc mà chúng sắp sửa thi hành.
Hai ngoại kiều không đuổi theo bọn cao bồi, chỉ lo đỡ Kím Thúy dậy thôi. Nhưng Kim Thúy đã lồm cồm tự lực ngồi dậy trước khi được họ giúp đỡ. Nàng nói cám ơn rối rít bằng mấy tiếng Ăng Lê mà nàng vừa học được, vì nàng không phân biệt được ai là Tây, ai là Đức, hễ cứ thấy người da trắng là cho rằng đó là người Hoa Kỳ.
Bọn ngoại kiều hỏi gì lu bù, nên Kim Thúy vừa cứ nói cám ơn, vừa lắc đầu rồi chính nàng cũng co giò tẩu thoát trước sự ngạc nhiên của ân nhân của nàng.
Kim Thúy hú vía là kẻ cứu nàng là người thường chớ không phải cảnh sát.
Ra tới đường Lê Văn Duyệt, Kim Thúy vội ngoắt một chiếc tắc xi và nhảy lên đó liền. Nàng đầu bù tóc rối, và y phục nát cả, cần cái thùng kín của loại xe hơi nhỏ nầy che cho khỏi lọt vào mắt tò mò và đa nghi của cảnh sát. Hơn thế, bọn du côn có thể còn lẩn quẩn đâu đây và nàng có thể bị chận lại, nếu nàng xê dịch bằng xích lô.
Giây lâu sau vào nhà rồi, đóng cửa lại cẩn thận, Kim Thúy mới tương đối yên tâm. Nếu bọn du đãng tấn công nàng để cướp giựt, để cưỡng hiếp nàng, hay chỉ để thỏa tánh du côn của chúng thì thoát được là hoàn toàn hết lo. Nhưng đây là một cuộc báo thù thì nàng cứ còn phải đề phòng hoài.
Nằm xuống, Kim Thtíy nghe thấm đòn. Thân thể nàng đau như bị ai giần và hai bàn chân của nàng rát rân lên. Ngày xưa đi gánh nước mướn, đạp gai, đạp đá, đạp sỏi, đạp miểng chai, đạp đinh sét rỉ ngày một, thế mà nàng không nghe đau cho lắm. Bốn năm đi giày đi guốc đã làm cho da bàn chơn hầu như chai ấy trở thành non nớt như da trẻ con và mất guốc, phải chạy chơn trên một thôi đường non hai trăm thước, Kim Thúy nghe như là đã leo núi đá hằng giờ.
Đó là cơn nguy khốn của đời nàng mà Kim Thúy vừa chợt thấy. Nàng làm tiểu thơ giả hiệu và không mong lên phu nhơn, nhưng dầu sao cũng trót mang thói tiểu thơ rồi. Ngày kia, khi thủ vai tiểu thơ không được nữa trên các chợ thịt người, thì liệu thế nào?
Kim Thúy lại nghĩ đến anh thợ chụm lửa đầu máy hỏa xa.
Người con trai ấy giống một cụm rừng giữa đồng trống dưới ánh nắng trưa hè. Kim Thúy đi trên cánh đồng vào giờ ngọ, khát nước và thèm bóng mát lắm nên cứ muốn nghé vào cụm rừng ấy, mặc dầu cụm rừng không nằm trên đường đi của nàng.
Cụm rừng thoáng thấy đằng xa kia, phải vất vả lắm mới vào tới đó được. Suối mát và trái rừng nhứt là màu xanh của khối lá quyến rũ vô cùng đối với kẻ đi trên cánh đồng khô cỏ cháy.
Trận đòn mà nàng lãnh đêm nay, không phải là yếu tố quyết định giấc mơ rừng. Nàng đã mơ cụm rừng sau đêm bố ráp mấy tháng trước. Trận đòn đêm nay là lời thúc giục cuối cùng.
Sáng ra, ăn lót dạ xong. Kim Thúy nghĩ ngợi dữ lắm, do dự rất lâu, đoạn quả quyết đi xuống ngõ hẻm Cây Gòn.
Hôm nay tới phiên nàng gác buổi sáng. Con Cẩm Lệ chắc trông đợi nàng ghê lắm. Nhưng mặc kệ.
Lần nầy, nàng không có mục đích đến đó để trêu ghẹo anh con trai khờ như hôm nọ nữa, mục đích mà nàng phải bỏ ngay sau mấy phút đầu trong cuộc viếng thăm trước. Nàng cũng chẳng có mục đích nào khác cả. Chẳng qua là chán nản quá, nàng đi bậy vậy thôi, không có chương trình nào hết.
Như Quít đã lo, cửa nhà hai Tâm khóa lại bên ngoài. Ấy, Quít là cái tên mà nàng nghĩ tới, lúc vào đây ở xóm Cây Điệp nàng nghĩ rằng nàng tên là Bảy Lé, còn ở buyn-đin, nàng là Kim Thúy, cố nhiên, nhưng không phải là chỉ có người khác gọi nàng như thế thôi, mà chính nàng, nàng cũng nghe rằng mình tên là Kim Thúy.
Cái tên là một yếu tố hòa hợp với khung cảnh sống của con người. Nó lại là yếu tố gợi nhớ một hoàn cảnh sống đã qua.
Kim Thúy tới đây với ảo tưởng mình là cô gái gánh nước mướn của xóm Bến Cỏ và tự nhiên, nàng nghe rằng nàng là Quít, tự nhiên nàng nhớ lại cái tên thời trinh nữ của nàng.
Quít thấy cửa đóng, ghé qua căn nhà đối diện với nhà hai Tâm.
Họ nhận diện được cô em gái của anh thợ chụm lửa, nên họ tiếp đón nàng rất đậm đà và cho nàng biết rằng trưa hôm nay Tâm về để nghỉ phiên trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ.
Quít không có sự bất ngờ nào nữa, để dành cho bạn, nhưng vẫn cứ bẻ khóa mà vào núp sẵn trong đó như lần trước.
Ống khoá xỏ vào hai cái khoen ngắn, một cái đóng vào cửa, một cái vào khung cửa. Hôm nọ Quít chỉ bẻ sơ thôi, rất nhẹ tay, thì một cái khoen tự nhiên long ra. Tâm không buồn sửa lại, cứ xỏ cái khoen đã long vào lỗ cũ, khóa cho lấy lệ vậy thôi.
Như lần trước, Quít vào nhà rồi khép cửa lại. Nhưng lần nầy nàng không thót lên giường mà nằm dài để đợi chủ nhà.
Quít đứng tần ngần rất lâu trước cảnh nghèo rách của nhà nầy, rồi tự hỏi rằng mình có điên hay không. Một mái nhà tranh, một quả tim vàng, nàng nghe thì hay lắm ở.. trên sàn sân khấu cải lương. Nhưng nàng chỉ là một người thường thôi, với những nhu cầu thấp lè tè của con người, biết trọng cái cao quí chớ không dám hy sinh vì cái cao quí đó.
Những chiếc ghế gãy chơn, chiếc bàn con gỗ tạp mà mặt ván nhót để hở những kẽ rộng thọc ngón tay cái vào đó được, chiếc chõng tre xiêu vẹo, tất cả sự bần cùng đen tối nầy đã đưa nàng trở về thực tại nó khác hẳn giấc mơ của nàng khi nàng ở nơi khác.
Ở nơi khác, khi nàng nhớ tới người bạn cũ, sự thật về mức sống của hắn mờ đi qua bức màn sương tình cảm. Nhưng khi nàng chạm trán với thực trạng ở đây, ảo ảnh tan biến đi thình lình khiến nàng hoang mang hết sức, không biết tấm lòng của mình chơn thật hay không, và mình quả có chán cái lối sống kia hay không.
Quít đã thấy rằng làm con trâu kéo cày cho thằng ma-cô Ngân không đưa nàng đi tới đâu cả, nhưng làm vợ của anh phu chụm lửa đầu máy hỏa xa chắc cũng chẳng đưa nàng tới đâu. Nghề của hắn có giúp cho hắn ấm thật đó, giữa mùa đông hắn vẫn ấm; nhưng không chắc là hắn no. Vả chăng cái ấm mà hắn hưởng, hắn cũng chỉ hưởng một mình thôi, vợ con hắn có lẽ không sắm nổi mền, cũng bữa có, bữa không vì một tháng hắn ở trên xe hết hai mươi ngày.
Trong giây phút, Quít có ý muốn ra về tức thì. Nhưng mà nàng vẫn còn thèm, thèm cái gì mà anh con trai khù khờ nầy có mà người khác không có, thèm nghe anh ta nói một câu ngây ngô, thèm chính cả sự ngập ngừng, sự im lặng của anh ta nữa, bởi vì sự vụng dại của anh ta nói rất nhiều và rất thật những gì anh ta đã giấu tận đáy lòng anh ta, những thứ ấy an ủi được nàng hơn là những lời bay bướm của lũ người khác.
Quít cảm thấy mơ màng rằng con người không phải chỉ sống bằng cơm, áo, nhà, xe, mà họ cần thêm một món xa xí phẩm rất mắc tiền là sự an ủi mà nàng đang đi tìm.
Quít đã bắt đầu vươn lên tới một sinh hoạt tinh thần sơ đẳng là nhu cầu an ủi nầy. Vì vậy mà rốt cuộc nàng không đi.
Quít đứng lặng hồi lâu, đoạn đưa mắt qua nhìn lại sự nghèo rách nơi đây một lần nữa. Nàng thấy máng ở mấy cây đinh đóng trên vách, hai chiếc áo sơ mi của hai Tâm với một chiếc áo bà ba bằng vải đen.
Nàng bước tới, lấy áo xuống xem thì nhận thấy rằng chiếc áo sơ mi thứ nhứt tuy sạch nhưng không còn cái nút nào hết. Chiếc thứ nhì thì nực nồng mùi mồ hôi. Cả hai đều may bằng vải ka-ki vàng đã bạc màu ở lưng. Áo bà ba thì rách vai cũ và sút đường chỉ ở cả hai túi.
Lấy chiếc áo dơ đi ra sau để giặt, Quít không tìm thấy sà-bông, nên bỏ đó, đi ra đầu ngõ để mua kim, chỉ, một cục sà bông nhỏ, và một bộ nút xa cừ giả làm bằng chất nhựa.
Nhờ có công việc mà Quít qua được hơn một tiếng đồng hồ ở đây để chờ đợi chủ nhà mà không sốt ruột lắm.
Xong xuôi đâu đấy cả rồi, nàng xem lại đồng hồ tay rồi bỗng nhớ lại giờ trực của nàng. Một lần nữa, Quít lại phân vân. Hình như là văng vẳng đâu đây, có một tiếng gọi. Tiếng gọi ấy không réo rắt, không thiết tha, nhưng nàng vẫn lắng nghe và do dự muốn đáp lại nó. Nó là lời rủ rê của bạn đồng nghề với nàng, chúng nó đang mong đợi nàng, đang băn khoăn tự hỏi không biết sao nàng, lại không đến. Đó là lời quyến rủ của no ấm, của sự lười biếng, sự buông trôi rất dễ mê.
Quít muốn cầu cứu với ai, với cái gì. Nếu có lời nào cầm giữ nàng lại được thì có lẽ nàng sẽ thoát luôn. Bằng không, nàng trở về cái buyn-đin ấy rồi thì không bao giờ có can đảm đến đây một lần nữa.
Thình lình, nàng bỗng nghe tiếng giày đế cao su bước lên thềm. Quít mừng quýnh lên, nhảy xuống một cái đụi:
- Anh!
Tiếng anh ấy, nàng thốt ra để đón tiếp người về thì ít mà để mừng cho cái dịp thoát nạn của mình nhiều hơn. Vâng, đã có cái gì xảy ra và nàng khỏi trở về chốn cũ nữa.
Tâm chỉ làm thinh vì hắn chậm chạp lắm, không kịp có phản ứng ngay, nhưng mắt hắn sáng lên niềm hân hoan gặp bạn.
- Sao anh về sớm dữ vậy?
- Mọi khi xe về tới Sài Gòn, anh còn bận công việc ở xưởng. Nhưng bữa nay thì không. Nhưng sao em lại...
Hai Tâm đã dám và đã chịu gọi Quít bằng em. Đại danh từ ấy, Quít nghe đã nhàm tai lắm rồi, nhưng hôm nay sao mà nàng cảm giác rằng như là mới nghe lần đầu trong đời con gái của nàng.
Có lẽ vì người thốt ra tiếng đó đã chuẩn bị lối xưng hô ấy từ lâu rồi nên đại danh từ em của y, Quít nghe nó ấm, nó nồng, nó khác nhau những tiếng em vô hồn của người khác.
Tâm nhìn bạn trừng trừng, bỏ dở câu hỏi của hắn mà hắn nghẹn ngào nói không hết lời.
Quít ranh mãnh hỏi:
- Sao em lại dám bẻ khóa một lần nữa phải không anh?
- Không! Sao. em lại.. bầm tím mặt mày tay chơn như vậy?
Quít giựt nẩy mình, rồi bối rối không biết đáp lại thế nào để giải thích cho ổn thỏa những vết thương trên người nàng, mà nàng đã quên mất khi đến đây.
Chúng nó đã đánh nàng bằng nắm tay của chúng nó và bằng cả guốc của nàng nữa, chúng nó đã đập mặt nàng lên nhựa trải đường, đã đá mũi giày của chúng vào má, vào tim nàng, chúng nó đã nện gót giày lên tay, lên chơn nàng.
Sáng ra, buồn quá, nàng không trang điểm và vì thế, quên soi gương.
Nhận xét của bạn thình lình làm cho Quít bỗng nghe đau trở lại nhưng cơn đau đã qua rồi. Đó là những cơn đau vật chất của thân thể mà cũng là niềm đau xót cho phận nàng, niềm đau xót to quá cho đến đỗi thể xác chịu ảnh hưởng lây nên Quít mới nghe đau đớn thật sự nơi những vết thương.
Tủi thân, Quít nghẹn ngào và rưng rưng nước mắt.
Tâm bỗng giận run lên khi thấy mũi của Quít phồng lên và thấy mắt nàng rướm lệ. Hắn tím mặt, bước tới và hỏi gằn:
- Ai đánh em? Hử, ai đánh em?
Thoạt tiên Quít không hiểu kịp phản ứng kỳ dị của Tâm nên phát sợ lên. Hễ Tâm bước tới một bước thì nàng lùi đi một bước, thủ thế cẩn thận để đề phòng một cuộc tấn công bất ngờ của một kẻ mà nàng đoán là nổi cơn điên thình lình.
- Hử, ai đánh em?
Tâm đã hóa điên thật sự. Hắn nắm tay lại, bậm môi trợn mắt, đôi mắt đỏ ngầu, và hắn run đến toát mồ hôi ra dầm dề.
- Hử, thằng nào đánh em?
Hắn tiến một bước, Quít lùi một bước. Vụt thình lình, Quít bỗng hiểu tất cả. Tâm nóng mủi vì những dấu vết của trận đòn trên người của kẻ là hắn yêu.
Đáng lý vì khám phá nầy làm cho nàng mừng rỡ, nhưng trái lại, Quít không hết sợ, tuy nhiên nỗi sợ hãi của nàng mang một tính cách khác: nàng sợ cái nỗi sợ của một người vợ phạm tội, tội không giữ vẹn được tiết hạnh, để cho đệ tam nhân xâm phạm tới người nàng.
Tâm tiến, Quít lui, và khi hắn bước tới trước chõng tre mà Quít đứng sát vào đó, hắn đưa tay ra khiến Quít không còn hồn vía nào nữa.
Nhưng...... Để trút tất cả ấm ức đang đè nặng lên lòng hắn mà hắn bất lực vì kẻ thù không có mặt, Tâm vói tay để xách lên chiếc gối rồi giương hết thần lực, hắn đập mạnh gối lên thanh chõng đoạn té ngồi xuống giường.
Bấy giờ kẻ vừa giận dữ chỉ còn là một cái xác không hồn. Thần kinh hắn vừa bị căng thẳng đến muốn đứt ra, và khi nó giản thình lình sau cái đập ấy, hắn bị chứng oải gân đột ngột, người hắn muốn rã rời.
Áo gối cũ rách teng beng, mà bọc gối cũng rách nát, gòn bay tứ tung ra. Quít chợt thấy một cái gói nhỏ bọc bằng giấy nhựt trình, gói nầy có lẽ được cất giữa áo gối và gối, nó văng ra và rơi xuống đất.
Ngỡ đó là tiền của hai Tâm đã dành dụm được và sợ gói tiền mất, Quít cúi xuống để lượm gói lên.
Nàng ngạc nhiên hết sức mà nghe một cảm giác mềm mềm khi nặn gói giấy ấy giữa hai ngón tay. Đó là cái mềm của chất vải, chớ không phải của giấy bạc xếp lại. Lật qua bên kia cái gói để tìm chỗ mở, nàng ngẩn người mà đọc được hai chữ kỳ lạ nầy, chữ viết sai và nét chữ rất là vụng dại. Đó là hai chữ "Kỉ Nịm".
"A, Quít vừa nghĩ, vừa bật cười, té ra anh con trai lù khù nầy cũng có giữ của tin của một cô nào.
Tò mò, Quít mở banh gói giấy ra. Cái gì nàng thấy, làm cho nàng rụng rời: đó là chiếc khăn mu-xoa của chính nàng, chiếc khăn mà hôm nọ, ăn bánh mì xong, nàng dùng lau miệng, lau tay, rồi bỏ quên trên bàn. Nơ một chéo khăn có thêu chữ đầu của tên thật của nàng chữ Q hoa thêu bằng chỉ đỏ, không thể lầm lộn với khăn của ai khác được.
Quít chết sững, nghẹn ngang nơi cổ họng rất lâu rồi toan a lại ôm chầm lấy anh con trai kỳ dị nầy, nhưng nghĩ sao không biết, nàng vụt chạy bay đi.
Quít chạy bất kể sống chết, như là bị ma rượt. Về tới xóm, nàng tông cửa vào nhà rồi đuối sức, nàng ngã lên giường mà thở dốc.
Giây lâu, lấy hơi lại được, Quít ngồi dậy để đi dọn đồ đạc và thồn tất cả áo quần của nàng vào một chiếc va ly rồi xách va ly ra đi hấp tấp như đi trốn.
Thấy gương mặt bơ phờ của con Bảy Lé, nhìn đầu bù tóc rối của nó, nhìn sự ra đi bất thần và vụt tốc của nó, người trong xóm ngỡ nó được ai báo động sắp có cuộc bố ráp nào nữa đây.
Qua cơn xúc động, Quít nhớ rằng có phương tiện xê dịch rất cần cho nàng trong lúc phải xách nặng như thế nầy, nên nàng gọi xích lô đạp mặc cầu đường rất gần.
Khi nàng trở lại nhà hai Tâm, nàng bắt gặp bạn nàng đang nằm úp mặt lên chiếc gối rách mà khóc.
Đặt nhẹ va-ly lên bàn, Quít rón rén bước vào trong rồi rón rén ngồi lên chõng, cạnh hai Tâm. Nàng gọi nho nhỏ:
- Anh Tâm.
Tâm giựt mình, ngóc lên rồi giụi nước mắt bằng tay áo, nhìn nó, thầm hỏi sao khi không nó vụt biến mất rồi lại trở lại đây làm gì.
Quít lặng lẽ chỉ chiếc va ly. Tâm nhìn theo ngón tay của nàng, nhưng vẫn chưa hiểu.
- Em lại đây ở với anh luôn, Quít cắt nghĩa.
Tâm hoảng hốt nói lớn:
- Ý chết! Trời ơi, sao được!
- Sao lại không được hở anh?
- Anh là trai, em là gái.
- Ừ, rồi sao?
- Họ sẽ dị nghị.
- Mặc họ chớ. Nhưng anh cứ nói em là em ruột của anh.
- Cũng không được vì họ đã biết rằng không phải như vậy.
- Thì nói em là vợ anh.
- Nhưng em đâu phải là vợ của anh.
- Thì anh cứ nói như vậy, ai bỏ tù anh mà anh lo dữ vậy.
- Không được đâu.
- Tại sao lại không?
Hai Tâm không biết diễn rõ ý của anh.
Anh không lo hàng xóm dị nghị bằng sợ sự không ổn của một tình thế không phân minh. Một đôi trai gái không có bà con dòng họ gì với nhau, không phải là vợ chồng, cũng không là nhân tình nhau nữa, mà lại sống chung nhau dưới một mái nhà.
Việc sống chung nầy bất quá là đặt rơm gần lửa chớ cũng không có gì đáng sợ nhưng rơm Tâm lại không muốn bị lửa Quít đốt cháy. Tâm vẫn yêu Quít như ngày nào, nhưng anh thấy rằng đã muộn quá rồi.
Quít đã quyết chân thật với bạn nhưng tình thế bắt buộc nàng phải đóng kịch, tự nhủ với nàng rằng đây là lần đóng kịch cuối cùng trong đời nàng.
Nàng ôm mặt khóc thút thít mà rằng:
- Chồng em đánh em, đuổi em đi, anh không cho em ở nhờ, em biết sẽ trôi nổi đến nơi nào.
Nói láo xong, Quít mắc cỡ vô cùng, nhưng kỳ lạ thay, nàng lại bỗng mừng rỡ vô hạn: đây là lần đầu tiên, sau nhiều năm lăn lóc mà nàng lại biết tự thẹn như hồi còn lành lặn.
Nàng biết xấu hổ với nàng vì nàng vừa qua một chấn động tâm tư to lớn khi bất chợt thình lình bằng chứng của tình yêu thầm lặng dấu tận đáy lòng Tâm, mà hắn còn giữ, cả sau khi đoán được sự thật không hay về nàng.
Nàng vừa thấy rằng tình yêu có thật trên đời nầy, chớ không phải là lớp vỏ bọc ngoài nhu cầu xác thịt để xem cho đẹp mắt như nàng đã ngỡ từ ngày dạn gió dày sương, mất cả niềm tin của người con gái.
Sự trường cữu với tháng năm của mối tình của Tâm, làm cho Quít thấy anh chàng trai nầy cao quí một cách bất ngờ, và rung cho nhơn sinh quan đơn sơ và sai lạc của nàng lung lay tận gốc.
Sự lung lay ấy đánh thức tỉnh cái phần căn bản tốt nơi nàng, căn bản đã bị trụy lạc dìm mất đi.
Hai Tâm lồm cồm ngồi dây, bước xuống khỏi giường để tránh chung chiếu với Quít. Anh ta là độc giả trung thành của Đồ Chiểu mà thơ Lục Vân Tiên, anh ta đã thuộc nằm lòng:
Thôi thôi ngồi đó chớ ra,
Đó là phận gái đầy là phận trai.
Không dám đuổi Quít đi thì anh phải rời giường vậy.
Tâm nhìn Quít bằng đôi mắt hồ nghi. Tuy khờ khạo, anh ta vẫn biết Quít bị bắt vì tội gì, thì các câu chuyện bị chồng đánh đuổi nầy có vẻ hoang đường quá.
Tuy nhiên trong thâm tâm, anh ta vẫn mong rằng nàng đã nói sự thật. Vả lại trí óc đơn sơ giản dị của anh suy luận rằng trên đời nầy, không ai mà đánh được Quít, trừ chồng nó ra.
Lòng anh được chuẩn bị để mà tin, còn Quít thì đóng kịch có hạng, nên chỉ giây lâu, anh hỏi lấy lệ, để được nghe nó xác nhận:
- Quả thật như vậy hay không?
- Chớ ai mà dám đánh em, anh nghĩ thử coi.
- Anh tội nghiệp cho em lắm. Anh đau đớn như là chính anh bị đòn, nhưng mà...
- Anh cho em ở, để em làm công việc nhà cho anh.
- Nhà anh không có công việc gì hết.
- Là tại anh bỏ phế chớ sao lại không có. Em không đòi lương tiền gì đâu, em chỉ xin ăn cơm không mà thôi. Bằng như anh không nuôi nổi em, em sẽ bán thuốc điếu ngoài đầu ngõ để phụ với anh mà mua gạo.
- Anh nuôi thêm một miệng ăn vẫn được nhưng mà...
- Nhưng mà sao anh?
- Khó nói quá.
- Thôi, anh không sẵn lòng thì thôi, em không dám nài nỉ, xin vĩnh biệt. Nó hăm rằng nếu em mà trở về thì nó sẽ giết em. Em đành phải trở về đó nạp mình chớ còn biết đi đâu nữa bây giờ...
Quít nó rồi đứng lên, xách va-ly làm bộ toan đi...
- Hãy khoan em.
- Anh có gì dạy bảo thêm em chăng?
- Nói vậy chớ dám giết em thiệt sao?
- Nó đã giết vợ trước của nó, ở tù mười lăm năm. Em thấy cặp mắt sát nhân của nó, em lạnh mình.
- Nhưng sao em lại ưng lấy một thằng...
- Lấy nó rồi, em mới biết sự thật.
- Trời ơi, thật là khó liệu cho anh.
- Thôi, anh khỏi bận trí. Số phận em như vậy, em phải chịu chớ biết sao! Vĩnh biệt anh nhé!
Quít xoay lưng trở gót, nhưng bước rất ngập ngừng. Nó chần chờ mong được chủ nhà gọi lại, nhưng cũng lưu luyến thật tình anh con trai mà tâm hồn mộc mạc đã khiến nó quyết định thình lình hướng đời của nó, sau một trận đòn, sau một cuộc khủng hoảng tinh thần.
Lưu luyến ngập ngừng, nó ngậm ngùi và tủi cho phận nó lắm, chỉ ước ao có một chút xíu đó thôi, tham vọng thật là khiêm tốn, thế mà cũng chẳng được toại nguyện.
Chủ nhà ngập ngừng, do dự. Hắn thương cố nhân không biết đến đâu, nhưng không còn muốn lấy cố nhân làm vợ nữa. Như vậy để nàng ở chung, thật là không ổn chút nào.
- Em ơi!
- Dạ!
Quít đã ra tới thềm. Nàng đáp tiếng gọi của bạn nhưng không, day lại.
- Em nán lại anh nói cái nầy.
Hy vọng tràn lên mắt Quít. Nàng quay bước trở vào trong, nhưng không để va-ly xuống.
- Gì đó anh?
- Em ngồi lên ghế đó.
Quít ngồi xuống đã ngồi xuống hơn hai phút rồi mà Tâm chưa nói gì cả. Chàng dọn miệng đã nhiều lần lắm rồi, nhưng lần nào sắp nói, chàng cũng nghẹn lời.
- Em ơi!
- Dạ.
- Anh có điều kiện đa nhé, nếu em ở lại.
- Điều kiện gì?
Mắt Quít sáng lên. Thế là Tâm đã xiêu lòng. Điều kiện gì của Tâm nàng cũng nhận được cả.
- Em ở đây với anh thì.. ơ.. hơ.. không được đòi gì hết trọi đa nghen.
- Thì em đã nói là em chỉ xin ăn cơm không mà thôi.
- Không phải vậy. Ơ.. nghĩa là.. ơ.. hơ.. ta ở chung nhau.. như anh em.
- Thì vậy chớ sao.
- Em hứa chắc không?
- Em xin thề.
Bây giờ đã tới giờ cơm và hai Tâm đói bụng muốn đi ăn lắm, nhưng không biết làm sao mà đi vì anh ta bối rối khó liệu bởi sự có mặt của người khách đầu tiên ở lại nhà anh.
Mời khách cùng đi với anh, giản dị quá. Nhưng anh không mời được: Anh mắc cỡ miệng, và anh sẽ mắc cỡ với thiên hạ mà đi ăn cơm với gái.
Quít hiểu ý, gở rối cho anh bằng cách xin phép đi chợ để mua sắm nầy nọ, hẹn về hồi ba giờ trưa.
Tâm ngỡ nàng đi mua sắm cho nàng, nhưng xế lại, ngủ trưa thức dậy, anh chưng hửng mà thấy Quít vừa về tới nhà, ôm xách kè kè, nào nồi, xoong, nào ấm, nghĩa là những vật dụng cho một gia đình. Quít chỉ sắm riêng giường bố và mùng cho nàng thôi.
Nhưng Quít không lo nấu nướng vội. Dẹp mớ hàng mới sắm xong rồi, nàng bắt tay trang hoàng nhà trên.
Mặt bàn được phủ một tấm vải bông, tuy là vải rẻ tiền nhưng màu sắc của nó làm cho buồng trước tươi vui lên ngay.
Một chiếc lọ Nhựt Bổn, xanh xanh đỏ đỏ, cắm hoa nhơn tạo chận lên tấm vải phủ ấy cho gió đừng giở tốc nó lên, càng tăng màu sắc của buồng trước nhiều.
Khi trưa, Quít mua được một lô phụ bản báo Tết năm rồi, bày bán trên vỉa hè Lê Lợi. Nàng có nài một mớ hồ ở một hiệu va-ly kia và giờ dùng hồ ấy để dán phụ bản lên vách.
Nửa tiếng đồng hồ sau, căn nhà đầy sinh khí và có vẻ khá giả hơn trước nhiều.
Hai Tâm rất ngạc nhiên mà thấy nhà anh bỗng mang một bộ mặt mới và khí hậu trong đó thì muốn nói là ấm hơn hoặc mát hơn gì cũng đều đúng cả.
Từ đó cho tới sáu giờ tối, Quít cứ lúc thúc dưới bếp mãi, làm gì mà lụp cụp, lạc cạc ở dưới ấy, hai Tâm tò mò muốn xuống đó xem sao, nhưng lại mắc cỡ ngồi lì trên nầy.
Ngồi lì trên nầy anh cũng không yên thân. Thiên hạ qua lại, nhìn vào nhà anh rồi xầm xì trước cuộc biến đổi, khiến anh vừa hãnh diện mà cũng vừa mắc cỡ với họ nữa. Lạ quá, anh không vợ thì cho dẫu đem mèo về nhà cũng không có tội gì kia mà. Sao anh lại cứ xấu hổ?
Trẻ con kêu nhau mà nói lớn ngoài ngõ:
- Ê tụi bây ơi, đám cưới tụi bây à! Chú Hai xe lửa cưới yợ.
Tâm càng khó chịu hơn nữa, muốn đóng cửa lại để lũ nầy hết la hét, nhưng cũng không dám thực hiện ý định, vì hễ anh mà đóng cửa thì thiên hạ càng xầm xì hơn.
Trong nhà đã tối om, mặc dầu ngoài kia, trời còn sáng. Bấy giờ Quít mới xong công việc. Nó lên nhà trên và Hai Tâm thấy nó mặc áo dài đen.
- Hồi trưa anh ăn ở đâu?
- Ăn cơm.
- Ai không biết là anh ăn cơm. Nhưng cũng cứ ở quán cơm xã hội hả?
- Ừ.
- Giờ em mời anh đi ăn mì nhé.
Hai Tâm nhìn ra ngoài rồi đâm sơ. Trong xóm họ ăn cơm rất sớm và ăn xong, đổ cả ra chật ngõ để hóng mát. Phải đi qua trước hằng trăm cặp mắt tò mò, bên cạnh một cô gái, anh sẽ chết mất vì xấu hổ.
Không hiểu tâm trạng của bạn, thấy Tâm làm thinh, Quít hỏi:
- Bộ anh ăn mì trừ cơm không được hả?
Tâm bỗng nhớ lại lời mẹ dặn thuở anh còn bé nên đáp:
- Ừ, phải ăn cơm mới được. Mì, chỉ để ăn chơi mà thôi, chớ ăn trừ cơm bịnh chết.
Quít cười ngất rồi nói lên một tin tưởng của người mình, nói để chế giễu bạn, mà cũng để giúp hắn đủ can đảm ăn mì.
- Anh nói đúng. Nhưng ăn bậy không sao, miễn là phải chận lên các món quà vặt một chén cơm là bảo đảm khỏi bịnh. Có phải má anh dạy như vậy hay không?
- Ừ, nhưng sao em biết?
- Vì má em cũng đã dạy em như vậy, mà má ai cũng đã dạy ai như vậy cả, vậy thì ta đi ăn mì anh nhé, ăn mì rồi ăn cơm luôn.
Hai Tâm vẫn cứ ngần ngừ, vì một lý do khác nữa. Anh nuôi cơm con Quít thì được vì khoản chi tiêu ấy vừa với túi tiền của anh. Mì là một món xa xỉ phẩm quá sức của anh, anh chưa bao giờ dám xài to, ăn một tô mì. Giờ phải đài thọ cho hai cái miệng; anh ngại quá. Một tô mì năm đồng, hai đứa ăn bốn tô tức hai chục bạc, chưa chắc đã no.
Quít vụt đoán được lo ngại của bạn nên nói:
- Em mời anh, tức là em bao, bao để Kỉ-Nịm ngày tái ngộ của ta.
Tâm chưa hiểu nên Quít phải gằn ở tiếng "bao" một lần nữa.
- Em bao anh đó mà!
Hai Tâm đã "bị đưa Quít ra khỏi ngõ một lần rồi, đã bị họ thấy đi với gái rồi, không giấu được nữa nên rốt cuộc rồi anh ta nhẫn nại nhận lời, bởi anh cũng thích đi với Quít lắm, và ráng cắn răng là chịu trận để qua khỏi đám người tò mò nầy thì thoát và thú vị vô cùng.
Ở nhà, anh không dám nói gì. Sợ hai nhà kế cận nghe. Ra đường có lẽ anh sẽ dạn miệng hơn chăng? Anh muốn nhắc lại chuyện cũ lắm để gạt gẫm lòng anh, để tưởng tượng như là đôi bạn còn ở trên xóm Bến Cỏ vậy.
Ra tới đường, Quít gọi một chiếc xích lô máy rồi kéo lôi Hai Tâm lên ngồi chung với nó, Hai Tâm sợ hãi quá. Nhưng anh không thể thoát được vì một mặt Quít níu chặt anh, một mặt tài xế để cho xe chạy tới rồi, sau một địa chỉ lạ hoắc đối với anh mà Quít đã thốt lên.
Anh ngạc nhiên lắm mà tự hỏi tại sao tiệm mì ở vùng nầy không thiếu gì mà Quít lại đi đâu nữa, có lẽ, là xa lắm nên dùng tới xích lô máy.
Hai Tâm ngồi day ngang như giận người bên cạnh. Thật ra thì anh thích lắm, nhưng anh khó chịu, nhột nhạt và mắc cỡ. Anh mõi hết sức nhưng cứ phải chịu đựng cái thế ngồi kỳ dị của anh.
Quít bị mích lòng ghê lắm. Người qua đường sẽ ngỡ Hai Tâm chê nó, nó tưởng như vậy. Nó van nài:
- Em lạy anh, ngồi ngay ngắn, ngó tới đằng trước coi kẻo họ cười em thúi đầu.
Hai Tâm yếu đuối tinh thần, vâng lời bạn, nhưng cố thu mình cho nhỏ lại, tránh chạm vào người của Quít, khiến anh tài xế xích lô máy bật cười.
Xe tới một con phố quán ăn thật nhiều mà hằng trăm ngọn đèn ống đua nhau mà soi sáng khu phố nầy.
Hai Tâm xuống xe rồi lẻo đẻo theo Quít như một em bé níu vạt áo mẹ, Quít vào một hiệu sáng đèn nhứt dãy.
Hai Tâm sợ sáng ghê lắm bởi càng sáng, anh càng trơ, nhưng không lẽ lại bỏ Quít mà chạy đi, nên anh theo nó vào tiệm, lòng sầu như lên đoạn đầu đài.
Nếu có một người khách nào của Quít mà bắt gặp cảnh nầy, ông ta sẽ kinh ngạc hết sức.
Cô nữ sinh sang trọng ở buyn-đin Mạc Cửu mà đi với một công tử vào một tửu lâu danh tiếng thì đó là một chuyện thường. Nhưng cô Kim Thúy mặc dza-dzu ăn bôm ăn nho tươi liền miệng và luôn mồm nói đến Kim Novak và James Stewart, lại trá hình làm gái lao động bắt bồ với một anh thợ máy quần bố xanh bạc màu là một chuyện lộn đầu xuống đất, trở cẳng lên trời.
Quít gọi hai tô mì vịt trong khi Tâm len lén nhìn chung quanh xem có ai xầm xì về họ hay không. Anh ta ngạc nhiên lắm mà không thấy ai thèm đếm xỉa tới anh cả, và thình lình anh vụt khám phá ra được sự thật nầy là anh không có làm gì xấu hổ cả mà phải sợ thiên hạ.
Giờ, anh chỉ còn sợ có một người thôi, cái người đang ngồi trước mặt anh. Anh cũng không có làm gì xấu hổ riêng đối với người nầy, nhưng không hiểu sao, anh cứ sợ cô ta.
Mì vịt tiềm đã được phổ ky mang ra.
Đây là một món quà mới lạ đối với Tâm. Anh ăn ngon miệng vô cùng và rất lo ăn một tô không đủ no, mà không lẽ đòi ăn thêm. May quá, Quít đã kêu hai tô nữa từ hồi nào mà anh không hay và phổ ky lại mang hai tô khác đến, lúc anh vừa ăn xong tô đầu.
Quít còn đang nhơi tô thứ nhứt. Nó nói:
- Anh ăn giùm em cả hai tô nầy, em ngán quá, ăn tô đầu không muốn trôi.
Nàng đã hưởng đủ cả cao lương mỹ vị nên ngán mì là phải. Tuy nhiên nàng vẫn kêu thêm hai tô để nhường cả cho bạn vì nàng biết dân lao động ăn tợn lắm và quyết đãi bạn một bữa phủ phê.
Vì không biết nói gì, vì không dám nói gì, vì đói, vì món ăn ngon miệng quá, Tâm cứ gầm đầu mà ăn, hết tô nầy đến tô khác. Nhưng anh ta thanh toán cả ba tô trong một thời gian kỷ lục, nên sự im lặng của anh kéo dài cũng chẳng bao lâu.
Hạ vừa xong ba địch thủ khổng lồ, anh ngẩng đầu lên thì thấy hai ly nhãn nhục, nước đá để sẵn trước mặt họ từ lâu rồi.
Hai người, không ai đá động đến vụ ăn cơm để chận lên quà nữa cả.
Hai Tâm đã bị mặc cảm, càng mặc cảm hơn nên sau bữa ăn nầy anh thấy Quít bảnh quá còn anh thì quá nhà quê. Nàng bảnh về đủ thứ việc hết, kể cả việc biết các nơi ăn, các món ăn.
May mắn cho anh và cho Quít lắm là anh không đoán được rằng sở dĩ Quít thành thạo thế là chỉ nhờ khách họ dạy nàng thôi.
Trong chuyến về, Hai Tâm đã bớt mắc cỡ, nhưng anh lại đâm lo. Từ sáng đến giờ, Quít và anh sống giữa thanh thiên bạch nhựt, nhưng lát nữa đây, hai người phải sống tay đôi trong cảnh tối lửa tắt đèn thì biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp