Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập:
Upload bìa:
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1440 / 12
Cập nhật: 2016-05-22 00:19:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Một
ôi không thể hiểu được rằng vì những nguyên cớ nào mà ba tôi không chịu cho tôi chơi với Hạnh. Không những thế, tôi còn có cảm tưởng như người ghét cay ghét đắng Hạnh nữa. Trong khi tôi chỉ thấy ở Hạnh những nét dễ thương, dễ mến mà thôi.
Trong lớp tôi, Hạnh là con nhỏ học giỏi nhất lớp. Tôi yêu Hạnh, chẳng phải vì thế thôi đâu. Ngay từ buổi đầu tiên, nhìn thấy Hạnh, tôi đã có cảm tình ngay với Hạnh, mà không hiểu vì sao. Mãi sau, tôi mới nhận ra rằng chắc tại vì đôi mắt đặc biệt của Hạnh.
Phải nói rằng Hạnh có đôi mắt quá đẹp. Cái đôi mắt biếc xanh với tròng đen to tròn và sáng long lanh một vẻ buồn phiền vắng xa thường trực. Trong những giờ ra chơi, đứng nhìn Hạnh thơ thẫn dưới một gốc cây, dưới những tàn lá xanh mướt của sân trường lúc nắng vừa mới lên, những tia nắng đầu ngày chưa kịp đem đi hết những hạt sương mai còn đọng nơi cuống lá, mới thấy được hết tất cả vẻ đẹp đặc biệt nơi mắt Hạnh. Mấy nhỏ lớp tôi đã từng kháo nhau và bầu cho Hạnh là người có đôi mắt đẹp nhất trường, hay văn hoa hơn, có đứa gọi là " mắt hoàng hôn". Kể nếu có ví von như vậy, tôi cho cũng chẳng có gì là quá đáng. Phải trông thấy tận mắt đôi mắt Hạnh với hàng mi dài cong tự nhiên, với vẻ ủ dột thường xuyên mới hiểu được rằng nhận xét kia, sự sắc phong đó thật chính xác, không quá đáng một chút nào hết. Tôi tiếc rằng tôi chẳng có tài để lột tả được một phần cái vẻ đẹp vừa huyền hoặc, vừa thân thiết gần gũi của đôi mắt Hạnh.
Đã có lần tôi nói đùa với Hạnh rằng:
-Với đôi mắt này, Hạnh không có quyền khóc à nghe.
Hạnh ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao vậy?
- Tại đẹp quá. Hạnh mà khóc lỡ nó sưng vù lên mất đẹp đi, Hà bắt đền đó nghe.
Hạnh mỉm cười khi nghe tôi nói vậy. Hạnh im lặng một lát trước khi trả lời tôi bằng một giọng thấp trùng như một tiếng thở dài:
-Hạnh khóc hoài à. Hà không biết đó thôi.
- Sao vậy?
- Tại Hạnh buồn.
- Sao Hạnh buồn?
Hạnh lắc đầu, tránh tia nhìn thẳng của tôi:
- Không biết nữa. Sao Hạnh ưa buồn quá à. Hà có biết làm cách nào để mình khỏi buồn không?
Tôi cười:
- Có một cách..
- Như thế nào?
Hạnh hỏi với giọng reo vui thành thật thơ ngây. Tôi nói liền:
-Hãy vui.
Hạnh phá lên cười lớn. Tiếng cười trong vắt, cũng trong vắt như màu mắt của Hạnh, nhưng ngay sau đấy, những nét văng xa cố hữu, lại trở về xếp hàng trên gương mặt và trong đôi mắt Hạnh. Tôi nghĩ rằng chắc gia đình Hạnh có những uẩn khúc, hay dĩ vãng Hạnh có nhiều chuyện không may nào đó, đã ăn sâu vào tiềm thức của Hạnh, khiến Hạnh chẳng bao giờ vui đùa, nghịch ngợm như chúng tôi, mặc dù chúng tôi, những đứa cùng lớp với Hạnh, sàn sàn tuổi nhau.
Đã hơn một lần, tôi dò hỏi Hạnh, nhưng Hạnh khéo léo từ chối trả lời câu hỏi và nói lảng sang chuyện khác.
Thấy tôi im lặng. Hạnh dùng ngọn lá bàng lớn, cào cào sau lưng tôi, cho tôi cái cảm giác nhột nhạt và kéo tôi trở về thực tại.
Tôi quay sang Hạnh:
-Đi ăn chè không Hạnh?
Hạnh lắc đầu:
-Sắp hết giờ ra chơi rồi. Đi ăn không kịp đâu.
Hạnh nói vậy, nhưng tôi hiểu rằng Hạnh thường ngại ngùng trong những lần tôi rủ Hạnh đi ăn chè ở quán của vợ ông quét trường, hay ăn những món quà vặt khác, vì Hạnh không có tiền. Hình như Hạnh đi học chẳng bao giờ có tiền trong túi. Tôi nghĩ chắc gia đình Hạnh nghèo. Riêng tôi, tôi không hề để ý tới chuyện đó. Chẳng qua, tôi mến Hạnh nên muốn rủ Hạnh đi thế thôi. Nhưng Hạnh thì luôn luôn giữ ý giữ tứ.
Tôi nói:
-Còn lâu mới vào học Hạnh à. Mình mới ra chơi mà.
Hạnh vẫn lắc đầu:
- Thôi, hay Hà đi một mình đi, Hạnh vào lớp.
Hạnh nói và quay quay chiếc lá bàng trong tay. Tôi hiểu một khi Hạnh đã nói như vậy, dù có ép mấy cũng chẳng được. Tôi nói:
- Thôi. Nếu Hạnh không đi với Hà, Hà cũng không đi đâu.
Hạnh nắm tay tôi:
- Sao Hà kỳ dị vậy? Hà khát nước thì Hà đi uống nước đi chứ. Hạnh không khát mà. Như mấy lần trước đó, Hạnh khát mà Hà rủ là Hạnh đi liền à.
Tôi cười lắc đầu cho Hạnh yên lòng:
- Hà cũng đâu có khát. Tại muốn đi thế thôi.
Hạnh nghiêng mặt ngó vào mắt tôi:
- Hà nói thiệt đó chớ?
Tôi gật đầu:
- Thiệt mà.
Hạnh tỏ vẻ tin nơi lời tôi. Hạnh nói:
- Ừ, nếu không khát đừng đi, phí tiền Hà.
Để tiền đó làm việc khác, tốt hơn.
Tôi nói lảng sang chuyện khác để Hạnh khỏi nghĩ ngợi:
- Lát nữa có giờ Anh văn, Hạnh soạn bài chưa?
- Rồi. Hà chưa sao?
- Không. Hà cũng soạn rồi.
Tôi nói và làm bộ hỏi Hạnh một vài chữ mới mà tôi không biết nghĩa.
Chuông reo vào lớp. Chúng tôi rời bệ gạch đi ra sân xếp hàng. Tiếng cười ồn ào vang lên ở chung quanh cho thấy rõ hơn sự xa cách và lặng lẽ của Hạnh giữa đám đông. Tôi nghĩ, bằng cách nào, tôi cũng sẽ tìm cho bằng được lý do của nỗi muộn phiền có nơi Hạnh. Tôi không tin rằng đau khổ đã sớm tìm đến với người bạn gái học giỏi nhất lớp, có nước da trắng ngần và dáng điệu dịu dàng dễ thương này. Cùng lúc nhớ lại thái độ của ba tôi, khi biết tôi mỗi buổi tan học thường chở Hạnh về bằng chiếc xe của tôi, người đã cằn nhằn và nói thẳng với tôi rằng không muốn thấy tôi tiếp tục chơi với Hạnh nữa. Ba tôi nói mua xe cho tôi để đi học một mình chứ không phải để chở bạn. Chắc người sợ sự chở thêm Hạnh sẽ làm cho chiếc xe mau hư đi. Tôi nhìn nhận rằng, ba tôi nói rất phải. Nhưng tôi đã thưa lại với người rằng, Hạnh về cùng một đường với tôi và Hạnh không có xe nên luôn luôn đi bộ. Hạnh lại là con nhỏ học giỏi và ngoan nhất lớp. Đó là một đứa bạn nên chơi chứ không phải là một người bạn xấu. Dù đã trình bày như vậy, ba tôi vẫn không bằng lòng. Tôi đành đi đến kết luận là tại tính ích kỷ của ba tôi. Đúng hơn, ba tôi phải khuyến khích tôi nên chơi với Hạnh mới phải.
Tuy ba tôi nói vậy và tôi cũng đã hứa rằng thôi, không chở Hạnh về nữa, nhưng rồi cuối cùng, tôi vẫn chở Hạnh như thường. Tôi không thể nào nhẫn tâm nhìn Hạnh đi dưới cái nắng thiêu đốt giữa trưa với những con đường bụi mù mịt. Thâm tâm tôi còn muốn làm hơn thế nữa, đối với Hạnh, chứ không phải chỉ chừng đó. Nhưng Hạnh là một người rất tự ái. Ngay cả việc chở Hạnh về, tôi cũng đã phải nói với Hạnh nhiều lần, Hạnh mới nhận lời chứ đâu có phải là Hạnh đã tự ý ngỏ lời với tôi.
Tôi nghĩ, không biết có phải không, từ ngày khá giả ba tôi in là bắt đầu thay đổi tính nết. Người không muốn tôi chơi với những đứa con nhà nghèo. Ngay cả những đứa trẻ hàng xóm ba tôi cũng cấm tôi và các em tôi không được chơi với đứa nào hết.
Mong rằng những ý nghĩ đó của tôi không đúng. Đó là một điều sai lầm, về người cha mà tôi kính trọng và yêu mến.
Hai giờ Anh văn qua mau. Đấy là môn học mà tôi thích nhất. Khi chuông báo giờ tan học tôi mới sực nhớ va thu xếp sách vở đi về.
Quay xuống bàn dưới tìm Hạnh, tôi chẳng thấy Hạnh đâu hết. Tôi nghĩ bụng " con nhỏ này hôm nay đói bụng sao mà về lẹ quá vậy". Tôi ôm cặp và chạy ra nơi để xe, vừa hay thấy Hạnh ra tới cổng trường.
Tôi vừa chạy lại vừa réo to tên Hạnh:
- Hạnh...Hạnh ơi...
Hạnh quay lại, thấy tôi, Hạnh cười, dừng bước. Tôi nói:
- Chờ đó đi, Hà chở về cho.
Hạnh đi lại phía tôi. Nắng soi mỏng chiếc áo trắng đã bạc nhiều chỗ sờn và lủng lỗ, với một vài miếng vá lớn. Hạnh đặt tay lên vai tôi, nói:
- Hà về trước nha. Hôm nay Hạnh có việc. Hạnh đi cho má Hạnh một chút rồi Hạnh mới về được.
- Đi đâu Hà chở đi cho, gần xa?
- Không xa lắm.
Tôi mau mắn:
- Thế để Hà chở cho rồi về luôn thể.
Hạnh lắc đầu:
- Thôi. Phiền chết. Hơn nữa, Hạnh muốn đi một mình cho tiện.
Hạnh nói và nheo nheo đôi mắt, miệng cố mỉm cười gượng gạo buồn bã, không giấu nổi âu lo, thảng thốt.
Tôi nói gặng thêm lần nữa, Hạnh vẫn cương quyết từ chối, tôi đành để Hạnh đi một mình.
Lấy xe ra, loay hoay sao, tôi lại thấy Hạnh đi trên con đường nhỏ, dáng tất tả, vội vã. Hạnh đi, mặt cúi nhìn xuống đất. Đôi vai nhịp nhàng với mớ tóc như một cánh bướm lớn đập đập sau lưng. Tôi chợt nẩy ra cái ý nghĩ thử theo Hạnh, xem Hạnh đi đến đâu, và biết đâu chừng, tôi sẽ chẳng tìm ra nguyên cớ nỗi u uẩn và vẻ ủ dột thường xuyên của Hạnh.
Nghĩ vậy, tôi chạy xe thật chậm và giữ một khoảng cách vừa đủ để nếu Hạnh có quay lại, Hạnh cũng không thể nhìn thấy tôi.
Đi hết con đường đó, Hạnh rẽ vào một con đường khác nhỏ hơn. Chạy xe đằng sau Hạnh tôi có cảm tưởng như mình là một thám tử tý hon đang theo dõi để tìm ra thủ phạm trong một vụ án đầy bí ẩn và ly kỳ rùng rợn. Cái ý nghĩ này làm tôi bật cười một mình.
Đi thêm một đỗi xa nữa, Hạnh dừng lại trước ngôi nhà nhỏ trong sân có một dàn hoa tim tím. Tôi ngừng xe lại ở phía xa, đem xe lên lề dựng vào một thân cây và đi bộ lại gần ngôi nhà đó.
Bấm chuông xong, Hạnh đứng thõng người chờ đợi. Tôi lại một gốc cây gần ngôi nhà đó nhất, để quan sát. Hạnh vẫn không hề quay lại phía sau.Chắc Hạnh không ngờ có tôi theo.
Một lát sau, cánh cửa hé mở. Một người đàn bà ló mặt ra xong quay vào ngay. Hạnh vẫn đứng im không nhúc nhích. Một lúc nữa, nặng nề trôi qua, cánh cửa lay động. Lần này là một người đàn ông tầm thước, da ngăm đen, với đôi lông mày rậm, vẻ mặt lầm lì hung dữ.
Nhìn thấy Hạnh, mặt người đàn ông nhăng lại, ông ta nói một hơi những gì tôi không nghe được dù hết sức lắng tai. Những nếp nhăn xếp hàng trên vầng trán ông ta thu hẹp, cho thấy ông ta đang vô cùng giận dữ, bực bội. Không biết Hạnh có nói gì không, tôi chỉ thấy đôi vai Hạnh rung rung.
Người đàn ông quay vào, đóng sập cửa lại. Hạnh tần ngần nhìn theo, ngẩn ngơ một lát nữa rồi mới quay ra.
Cảnh tượng quá bất ngờ và khó hiểu đối với tôi, khiến tôi không kịp phản ứng gì hết. Tôi trân trối nhìn, cho tới khi thấy Hạnh quay mặt ra với hai con mắt đỏ hoe và hàng lệ đang dàn dụa chảy, tôi mới giật thót người lại, vừa cảm thấy thương, vừa lo sợ Hạnh nhìn thấy. Tôi thụt người lại nấp đằng sau cây.
Chờ cho cái bóng thất thểu của Hạnh khuất lấp đầu đường rồi, tôi mới rời gốc cây ra trở về nhà.
Khuôn mặt người đàn ông, dáng điệu thất thiểu, tội nghiệp của Hạnh, nửa mặt người đàn bà vừa ló ló ra đã thụt vào ngay đã ám ảnh tôi suốt dọc đường về.
Tôi nghĩ có lẽ chìa khóa của tất cả những bí ẩn về cuộc đời Hạnh, về gia đình người con gái có đôi mắt được mệnh danh là " mắt hoàng hôn" ở trong căn nhà kín cửa đó. Tất cả đầu mối ở đó. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ lần lần tìm ra đầu dây mối dợ bắt đầu từ nơi đó.
Về tới nhà, cất xe vào nhà xe, tôi mới nhận ra rằng mình về nhà quá trễ. Có lẽ đã tới một giờ trưa. Cái nắng xói mà tôi đã phải chịu trong hơn hai tiếng đồng hồ qua, bây giờ tôi mới cảm thấy khó chịu. Người tôi rã rượi và mệt mỏi. Tôi uể oải, đi không muốn vững, bước từng bước lên cái thang gác cao. Vừa đẩy cửa vào nhà, tôi đã thấy ba tôi đang hầm hầm ngồi ở bộ salon. Tôi linh cảm thấy rằng ba tôi ngồi đó chỉ có một mục đích duy nhất là chờ tôi mà thôi.
Quả nhiên, tôi đoán không sai. Ngay khi tôi vừa nhí lí chào ba tôi thì người đã quát lớn:
-Học hành gì giờ này mới về hả con kia? Đi đâu? Đi đâu cho đến giờ này mới chịu về?
Tôi bủn rủn tay chân trước giọng nói giận dữ, nóng nảy của người. Tôi có cảm tưởng như ba tôi sắp sửa nhào tới và dáng vào mặt tôi những cái tát tối tăm mặt mày.
Tôi ấp úng:
-Dạ con bị hư xe.
-Hư xe? Hừ. Tao đã nói bao nhiêu lần rồi có sai đâu. Chở hết con này đến con khác. Một mình mày phá xe chưa đủ sao mà còn rủ rê thêm chúng nó phá hại xe nữa. Tao nói cho mày biết trước mà liệu cái thần hồn, một lần nào khác nữa, tao còn thấy mày chở bất cứ một đứa nào, thì mày đừng có trách rằng tại sao tao không bảo trước. Tao đi làm cực khổ để có tiền nuôi chúng mày ăn học, chứ không phải để cho chúng mày phá của nghe không.
Tôi đứng chết trân giữa nhà. Sự hằn học của ba tôi, khiến tôi muốn òa khóc.
Thật quá đáng. Tôi nghĩ. Nếu tôi có vì chở bạn mà hư xe thật thì ba tôi cũng chẳng nên dùng lời lẽ nặng nề đó đối với tôi, trong một việc cỏn con như vậy.
Ngừng lại một lát như để lấy hơi, ba tôi lại nói tiếp:
-Tao thấy từ ngày mày chơi với con Hạnh con Hiếc nào đó, mày hư thân mất nết nhiều lắm rồi đó. Mới nứt mắt ra mà đã bày đặt đàn đúm, đi sớm về trễ. Nhà tao không có thứ mất dạy như vậy đâu nhé. Tao nói trước đấy.
Tôi cảm thấy tủi hổ dù Hạnh không có ở đây. Tôi định nói với ba tôi rằng, sự thực bạn con nó không mất dạy như ba tưởng đâu. Dù cho nó nghèo đến đâu chăng nữa. Nhưng vừa hay lúc này, mẹ tôi ở trong nhà bếp chạy ra. Chắc bà nghe tiếng quát tháo của ba tôi.
Mẹ tôi vội vàng nắm tay tôi, lôi xềnh xệch vào trong buồn và đóng ngay cửa lại.
Mẹ tôi hiểu rằng tuy tôi còn nhỏ nhưng tính tôi không chịu đựng được những lời nói quá đáng, nhất là dành cho bạn tôi, kẻ vắng mặt, với những ý nghĩa có tính cách sỉ nhục.
Vào tới trong buồng rồi, ngồi trên giường mà người tôi còn run lên vì giận ba tôi. Mặt tôi đỏ bừng. Tim tôi đập mạnh.
Mẹ tôi vừa hấp tấp cất cặp sách cho tôi vừa nói giọng hối hả lo âu:
-Con. Hà. Con phải nghe mẹ. Không được cãi lời ba. Ba nóng, ba nói gì thì nói, xong thôi. Con không được phép giận ba nghe không con. Tại ba thấy con về trễ quá, ba lo lắng, ba đã bảo thằng Chương lấy xe đến trường tìm con thử xem có chuyện gì không. May là thằng Chương nó chưa kịp đi đó.
Vừa nói, mẹ tôi vừa cúi xuống, cởi giầy cho tôi và đưa tôi tấm áo cánh bảo:
-Thay ra cho mát, đi rửa mặt rồi ăn cơm thôi, mẹ có phần cơm riêng cho con.
Những cử chỉ săn đón, vội vã, tràn đầy thương yêu của mẹ tôi đã khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Tôi lặng lẽ làm theo lời bà mà nước mắt cứ dàn dụa tuôn rơi.
Mẹ tôi ngồi trên giường ngắm nhìn tôi thay quần áo với vẻ mặt đầy lo lắng vừa xót xa, tội nghiệp.
Chờ tôi thay áo xong, mẹ tôi kéo tôi ngồi xuống cạnh người và bà dùng bàn tay mát rượi, chùi nước mắt cho tôi. Nhưng ngay khi bàn tay mẹ tôi vừa lướt qua, mắt tôi lại ứa ra những hạt lệ tủi thân khác.
Mẹ tôi ngây người, lắc vai tôi, nói:
-Hà. Không nghe mẹ sao? Không được khóc nữa. Ra ngoài kia rửa mặt xong đi ăn cơm.
Tôi vẫn ngồi im không nhúc nhích.
Tuy mẹ tôi giục thế, nhưng người cũng không đứng lên. Bà vuốt ve mái tóc tôi và dỗ dành nhỏ nhẹ:
-Lần sau con đừng về trễ như vậy nữa nghe. Tan học xong con phải về nhà ngay, cho ba mẹ khỏi sốt ruột. Cứ về nhà đi đã, xong con muốn đi đâu, nói cho mẹ hay, mẹ sẽ nói ba cho con đi. Có bao giờ mẹ cản không cho con đi đâu.
Tôi muốn ngã người vào lòng mẹ tôi, nhưng nghĩ sao, tôi lại gắng gượng ngồi thẳng người, chống hai tay xuống giường và bậm môi không nói.
Mẹ tôi vẫn tiếp tục giọng nói ngọt ngào
-Xe con bị hư gì? Nói mẹ nghe đi. Chiều mẹ nhờ chú Út đem đi sửa cho con. Không có gì phải buồn cả. Mẹ không thích con nhè như vậy đâu. Ba thương con lắm nên ba mới lo âu và giận dữ như vậy. Đấy, cứ như em Chương, nó cũng có khi về trễ cả tiếng đồng hồ mà ba có mắng gì nhiều đâu. Nếu có, ba chỉ nói sơ sơ rồi thôi. Tại ba thương con nhất nhà. Cả nhà chỉ có một mình con là gái thôi. Nào, mau con gái cưng của mẹ. Lớn rồi. Không có nhè nữa. Nhè hoài hàng xóm họ biết họ cười cho. Đi rửa mặt rồi còn ăn cơm cho chị Hai dọn, đi con...
Tôi lắc đầu, cố gắng nói với mẹ tôi rằng tôi không muốn ăn cơm, tôi mệt và tôi chỉ muốn nằm ngủ mà thôi.
Mẹ tôi tưởng tôi còn giận ba tôi, bà năn nỉ:
- Thôi mà. Hà. Mẹ đã nói với con rằng, con không được phép giận ba. Ba nóng, ba nói gì ba nói, ngay cả mẹ đây này, những lúc ba nóng ba còn mắng mẹ như tát nước, ba còn nhiếc móc mẹ chẳng ra làm sao hết mà mẹ cũng đâu có giận ba. Con phải hiểu rằng chẳng qua chỉ vì ba thương và lo cho con, thế thôi...
Tôi ngắt ngang lời mẹ tôi:
- Không. Con hết giận ba rồi.
Mẹ tôi tát khẽ vào má tôi, cười sung sướng, hỏi lại.
- Thiệt không?
Tôi gật đầu quả quyết:
- Thiệt mà. Mẹ cứ về phòng mẹ đi, mặc con. Con muốn ngủ một lát.
Mẹ tôi đặt tay lên trán tôi. Im lặng một lát, bỗng mẹ tôi kêu khẽ.
- Con nóng đầu hả?
Tôi ngơ ngác ngước nhìn mẹ tôi. Mẹ tôi đặt vẫn đặt nguyên bàn tay người trên vầng trán tôi hâm hấp nóng:
- Con nóng thiệt đó. Chắc con đi nắng đấy.
Mẹ tôi đổi giọng cằn nhằn:
- Mẹ đã nói bao lần rồi, đi học nhớ mang nón theo mà có bao giờ con chịu nghe lời mẹ đâu. Con hư quá.
Có lẽ tôi muốn đau. Tôi nghe người nôn nao khó chịu. Miệng tôi nhạt nhạt, và cái đầu nặng nghiêng về một phía. Tôi nhắm mắt lại và thấy dồn dập những hình ảnh đủ màu sắc quay mòng mòng.
Tôi nằm xuống giường và nhắm mắt.
Tôi nghe tiếng dép mẹ tôi tất tả đi ra. Lát sau mẹ tôi trở vào. Tôi mở mắt.
Mẹ tôi có vẻ hơi ngạc nhiên nói:
- Con chưa ngủ sao?
Tôi lắc đầu:
- Dạ chưa.
- Con nghe trong người thế nào?
Tôi mỉm cười:
- Tỉnh táo lắm.
Mẹ tôi đưa ly nước và hai viên thuốc cho tôi:
- Thuốc đây. Con uống đi.
Tôi ngần ngại không muốn cầm. Một trong những thứ mà tôi chúa ghét là uống thuốc. Cứ nghĩ tới những viên thuốc chua lè hay đắng nổi lềnh bềnh cùng với nước trong miệng, tôi đã muốn ói ra.
Tôi nói:
- Con có sao đâu mà uống thuốc, mẹ?
- Còn không sao nữa. Con bị cảm nắng rồi đó. Uống đi. Uống chặn trước là hơn. Chớ đợi đến lúc sốt thật thì con vừa uống nhiều thuốc hơn mà còn có thể phải chích nữa.
Mẹ tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng gay gắt lấp ló ngoài tấm màn vải dày, nói trống không:
- Trời đất này, thế mà độc địa.
Tôi cầm hai viên thuốc trong tay, với lấy ly nước nghĩ thầm, thôi chẳng thà uống hai viên còn hơn là phải chích. Tôi biết tính mẹ tôi hễ bọn tôi hơi có một chút gì là bà làm um lên, cứ như sắp chết đến nơi rồi ấy. Nhưng nếu đứa nào chịu khó uống ngay một hai viên thuốc, bà yên tâm rồi thì mọi sự sẽ từ từ được quên lãng đi, còn không thì ôi thôi, vào sờ trán, ra nắm tay.
Tôi nhắm mắt uống một lúc hai viên thuốc, với một ly nước đầy ứ.
Nhìn tôi uống thuốc, mẹ tôi có vẻ hài lòng lắm. Tôi gửi trả ly nước lại cho mẹ và nằm xuống nhắm mắt tiếp.
Mẹ tôi đẩy cửa đi ra sau khi đã bảo cho tôi biết rằng chị Hai đã đặt lên bếp cho tôi một nồi cháo hoa.
Tôi ân hận về sự về trễ của mình, tuy vẫn còn giận những lời nói quá đáng của ba tôi. Những ý nghĩ mâu thuẫn này đã theo với giấc ngủ vào sâu trong tiềm thức tôi.
Trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy tôi trở lại căn nhà Hạnh đã đến hồi trưa. Người đàn ông có nước da ngăm đen và đôi hàng lông mày rậm tiếp tôi rất lịch sự ở trong phòng khách.
Qua vài câu chuyện, không hiểu sao, người đàn ông lại cho tôi biết chính ông ta là cha ruột của Hạnh. Nhưng hai người đã xa nhau, khi Hạnh chưa đầy một tuổi mà lý do là mẹ Hạnh không đàng hoàng và nhất là ông ta có ý nghi ngờ, chưa chắc gì Hạnh đã là con ruột của ông.
Tôi tỉnh dậy khi người đàn ông tiễn tôi ra cửa và nói rằng nếu có gặp Hạnh hãy bảo Hạnh trở lại thăm ông ta sau khi tôi cho ông ta biết Hạnh hiện sống với người mẹ rất nghèo trong một khu lao động. Ý tôi muốn kêu gọi ở ông ta lòng nhân từ. Nếu ông không thể có tình phụ tử đối với Hạnh.
Lúc đã chợt tỉnh rồi tôi vẫn còn cảm thấy như mình đang còn trong giấc mơ kia, là một điềm báo cho tôi biết sự thực về đời Hạnh đúng như vậy? Và vấn đề còn lại đối với tôi là làm sao để nói với Hạnh rằng tôi đã biết tất cả sự thực và yêu cầu Hạnh xác nhận lại. Nếu quả như vậy, tôi sẽ nói với Hạnh nên trở lại nhà người đàn ông da ngăm đen và có đôi lông mày rậm.
Tôi nhìn đồng hồ. Đã bốn giờ hơn. Giờ đó, tôi nghĩ, chắc ba tôi đã đi làm. Tôi mở cửa bước ra khỏi phòng.
Những vạt nắng chói chang của buổi trưa đã không còn. Từ trên gác cao nhìn xuống thấp, tôi thấy nắng vàng óng trên thảm cỏ xanh xà trên ngọn những hàng cây trứng cá trồng ở hai bên lối đi. Xa hơn nữa, những đứa trẻ đang cười nô với những chiếc cần câu nhỏ nơi cái lạch nước chảy ngang qua bên hông nhà. Tôi tự hỏi, liệu em tôi- Chương, có mặt trong cái đám trẻ nhỏ đó không?
Gió chiều từng cơn, lưới nhanh qua mặt tôi, đem đi những hạt nước còn đọng trên da mặt, Tôi nghe ở trong lòng mình một nỗi khoan khoái dịu nhẹ và êm đềm.
Tôi tiếc rằng tôi đã không hỏi kỹ địa chỉ nhà của Hạnh để có thể đến ngay với Hạnh, mặc dù có đến ngay bây giờ, tôi cũng sẽ chẳng biết phải nói gì với Hạnh. Nhưng trước sau gì, thì tôi cũng sẽ gặp Hạnh. Phải. Tôi tin rằng, tôi có thể giúp được điều gì đó, cho người bạn mà tôi yêu mến, có lẽ chỉ vì đôi mắt quá đẹp. Đôi mắt biếc trong những sáng lá xanh ở sân trường. Tôi cũng nghĩ tới vẻ kinh ngạc tột độ của Hạnh, khi tôi cho Hạnh biết những sự thực ghê gớm mà Hạnh chưa một lần hé răng nói với tôi.
Tôi mỉm cười một mình và lấy làm bằng lòng với phát giác kia. Trong khi tôi quên khuấy rằng, điều tôi biết được, chỉ là một giấc mơ và chưa hề được kiểm chứng, cũng như chẳng có dữ kiện nào khả dĩ có thể dựa vào đó để lấy làm chắc chắn.
Tôi xuống nhà bếp khi nghe tiếng gọi vọng tới của mẹ tôi.
Sân Trường Mắt Biếc Sân Trường Mắt Biếc - Du Tử Lê Sân Trường Mắt Biếc