Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Tác giả: Victor Segalen
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1277 / 19
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ời mời đến đúng lúc: bây giờ đến lượt tôi vào Hoàng Cung… giữa ban ngày, thật vậy đó, và đường đường chính chính. Ngài Công sứ Đặc mệnh Toàn quyền của nước Pháp ở Bắc Kinh sắp trình ủy nhiệm thư lên nhiếp Chính Vương, và Công sứ quán đã ra một quyết định cực kỳ thích đáng là bổ sung một người Pháp vào trong phái đoàn cho thêm phần long trọng.
Tôi sẽ đi theo một cách kính cẩn, sẵn sàng mở to mắt để không bỏ sót chi tiết nào trên đường đi, một khi qua cửa thành. Tôi chưa biết cuộc triều kiến sẽ tiến hành ở đâu: có phải trong điện Thái Hòa nằm giữa cái mô đất cao màu trắng, rộng như một đồng bằng và vuông vức mà ta biết rõ qua những mô tả nhiệt tình và ngây thơ của người châu Âu từ xa xưa, nằm bên dưới những mái nhà hai lớp tạo thành mặt tiền và trung tâm của quần thể cung điện quý phái được nhìn từ Tiền môn? Nhưng tôi không hy vọng nhiều: Hoàng gia đang có tang. Và cuộc triều kiến sẽ diễn ra ở đâu, tôi thực tình không biết…
Tôi là “người đi theo” đầu tiên đến chỗ hẹn ở Đông Hoa môn, cửa thành mà tôi biết quá rõ từ bên ngoài. Dấu hiệu xấu: đó là một biên môn, và rõ ràng cái cửa bên hông này được chọn để không cho chúng tôi đi vào bằng Đại Hoàng Đạo, tức con đường chạy thẳng theo trục bắc - nam, mà những cung điện là những đốt xương sống, xuyên qua Trung Quốc, xuyên qua khu thành nam, Khu thành Thát Đát và Đại Thanh môn, xuyên qua các sân triều khác và các cửa thành khác rồi chấm dứt ở đâu đó mà tôi chẳng biết. – Thôi được, tôi sẽ vào bằng Cửa Hông. Những người khác bắt đầu đến chỗ hẹn. Trao đổi tin tức với nhau: “Công sứ Pháp sẽ ngồi trong kiệu đến tận phòng triều kiến ở điện Trung Hòa; và đoàn tùy tùng… chỉ việc đi theo. (Tôi nói cho ngắn gọn công thức nghi lễ đó). Một khi vào bên trong điện, và khi nhiếp Chính Vương xuất hiện, đoàn tùy tùng sẽ cúi đầu chào. Khi cuộc triều kiến chấm dứt, mọi người sẽ cúi đầu chào ba lần nữa, và ra khỏi phòng bằng cách đi thụt lùi”.
Vậy là nghi thức ba lần quỳ, chín lần lạy ngày xưa giờ đây đơn giản thế đó! Tôi tự hỏi nghi thức mà chúng tôi thực hiện hôm nay trước đây đã từng làm toát biết bao mồ hôi trong giới ngoại giao ngày xưa. Là bá chủ của cả châu Á, Trung Quốc đòi hỏi các nước chư hầu của mình cũng như các “nước triều cống” châu Âu phải chấp nhận sự “sỉ nhục” lớn này, đầu chạm đất, thân phủ phục trên sàn, tất cả chín lần! Người đứng đầu các sứ quán tỏ ra lưỡng lự khá lâu, và tùy theo từng nước, có những phản ứng rất khác nhau: người Bồ Đào nha, thường tỏ ra dễ tính và dễ bảo, chấp thuận, quỳ lạy rồi phải ra về tay không. Người Hà lan, chín chắn hơn, nhắm đến các đặc quyền thương mại, cũng quỳ lạy rồi ra về chẳng được gì hơn. Người nga, vì láng giềng hữu hảo, cũng làm y chang, một cách giản dị như họ hôn miệng vào những ngày lễ tôn giáo ở nước họ, vì đây là chuyện đúng phải làm. Người anh, trước khi chịu hạ mình, đòi hỏi một đại thần phải làm y như vậy trước chân dung nhà vua của họ. (Vị đại thần đó từ chối). Chỉ có người Pháp không bị nguy cơ phải làm điều “nhục nhã”. Sự thật là nước Pháp không hề gửi đến đây một đại sứ chính thức nào. Ký ức lịch sử và danh dự của họ nhờ thế mà không bị sứt mẻ. Ngẩng cao đầu, tôi đi qua cửa thành.
Sau đó, tôi tìm cách ghi nhận chính xác lộ trình của mình. Khó khăn lắm, vì đi qua bao nhiêu là cửa, bao nhiêu là sân trong hình chữ nhật đối xứng; mù mờ lắm, vì xuyên qua một mạng lưới những góc thẳng nhẫn tâm này: tôi biết rõ cái trục chạy từ nam lên bắc và lý do tồn tại của Hoàng Cung mà mặt bằng được chia thành mắt lưới này: đường thẳng, đường giữa… tôi tìm cách ghi lại giây phút chính xác mà tôi bước qua nó… Thỉnh thoảng vài gã người hầu mặc áo dài màu xanh và vẻ mặt nhợt nhạt hiện ra, đứng im tại chỗ, trố mắt nhìn chúng tôi đi qua… Họ đều thuộc về một trong những khu đất được bọc kín bởi những bức tường dày và cao màu đỏ son này, họ sống dưới những mái nhà có cùng những đường cong màu vàng này… Vậy thì làm sao tôi tìm lại được đường đi sau đó cơ chứ? Liệu tôi có phải hỏi đường ở cái nơi mà trước đây tôi đã vào theo diện ngoại giao? Làm sao tìm lại được những nẻo đường đã đi qua, trên bản đồ sau đó? Làm sao tìm lại những dấu chân mình? Và nhất là làm sao nhận ra chỗ này, nơi ta ngừng chân, chỗ nọ, nơi ta bước vào… Đó là một thứ hang động văn minh, bí ẩn, sâu thẳm và lôi hút ta vào, như cái miệng há ra của con rồng Hoàng đế – một Cung điện Trung Hoa xây rất thấp, toàn màu xanh và lục sẫm bên trong, đồ đạc duy nhất là một cái bệ thấp… Và nó hẳn là trống không, trống không đến độ bất an, nếu như những bức tường và cột gỗ phủ sơn son, và nhất là trần nhà lộng lẫy nhưng nặng nề, hơi lõm vào trong, được khảm một cách trau chuốt, được tỉ mỉ chia ô bằng những khung gỗ chạm trổ khéo léo… không làm đầy sự trống không và sự vắng mặt này, tương đương một kho báu vương giả đang chờ đức vua đến…
Tôi vẫn còn mê mải nhìn ngắm trần nhà, mũi ngẩng lên cao, đầu ngửa ra đằng sau một cách vô ý tứ, thì ai đó huých nhẹ vào người khiến tôi sực tỉnh. Đến lúc rồi. Cách tôi chừng hai bước chân, tôi nhận ra ông, một mình trên cái bệ thấp, và tất cả chúng tôi đứng thấp chừng hơn nửa thước phía dưới ông. Chúng tôi cúi đầu chào ba lần. Rồi bây giờ tôi có thể ngẩng đầu và nhìn ông… nhưng trước hết, ông đi ra từ đâu, hay nói cách khác, đi vào đây từ đâu? Ở dưới chân bức tường dày phía bắc rõ ràng là có một ô cửa thấp được che bởi tấm màn trướng màu xanh vừa mới buông xuống, nhẹ nhàng không một tiếng động.
Trẻ, béo mập, dáng vẻ hiền từ. Vậy là chính ông mà người ta tấn công đấy! Ngược lại, chẳng thấy gì là “hung tính” nơi ông. Tôi cứ chăm chú nhìn ông thỏa thuê trong khi Công sứ chúng tôi, viên thông ngôn và ông trao đổi những công thức hoa mỹ bắt buộc – khen ngợi, chúc sức khỏe, gởi lời kính thăm đến Tổng thống Cộng hòa Pháp chúng tôi. Ông mặc bộ tiểu lễ phục, thật ra là bộ tang phục. Ba năm chính thức để tang chưa hết kể từ ngày anh ruột của ông, hoàng đế có niên hiệu Quang Tự, ra đi theo lệnh Trời để trị vì trong cõi thiên thư..
Vậy là chính ông này đây mà người ta thù oán! Ông có vẻ dịu dàng làm sao, khuôn mặt tròn đầy dưới cái nón – được gọi là nón “Trung Hoa” từ khi Mãn Châu chinh phục Trung Quốc, đội vào mùa hè, ngay cả trong buổi lễ! – và hai bàn tay biến mất trong hai ống tay áo dài thòng…
Ông nói chuyện một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc nhưng giọng thì ồ ề… Vâng, nó căng ra vì quyền lực mà ông không hoàn toàn sở hữu… rồi ông cũng nói xong. Những người khác cúi đầu chào. Tôi cũng cúi đầu chào, và theo triều nghi, chúng tôi sửa soạn đi ra, thụt lùi từng bước một, đầu vẫn cúi xuống. Không thật quen với cách xây nhà cửa của người Trung Hoa, cả đám chúng tôi loạng choạng vì vấp phải cái ngạch cửa chắc chắn.
Thở hổn hển khi đứng dậy và bạo dạn nhìn lần cuối vào đáy hang, chúng tôi không còn thấy ông đâu nữa: Vẫn từ cánh cửa sập đó ông đã xuất hiện, giờ qua đó ông biến mất, tấm màn trướng màu xanh được buông xuống, không một tiếng động.
Và trên đường về, lại một điều khác được buông xuống khiến tôi bị ám ảnh… Tôi nghe xung quanh tôi:
— Mùa hè thì được rồi! Nhưng mùa đông phải cần biết bao nhiêu lò để sưởi ấm tất cả mấy cái nhà tranh vách đất này! (Câu này do một tên lính thợ máy thuộc Hải quân Pháp phun ra).
— Và nhìn cái đó kìa! Một loại trông như tháp có hình dạng “chai Pippermint” – (Hắn chỉ ngôi Bạch Tháp, ngôi tháp mộ Hin-đu đó, trông lạc lõng nơi đây). Tàu quá cỡ! Trông đặc ruột phải không nào? Thực tế thì… nó rỗng tuếch bên trong đó. Nó chứa một ông Phật làm bằng mỡ bò thuộc cái đạo nào đó chẳng ai biết!
Tôi khẳng định những lời lẽ này là xác thực. Chúng được một đại úy công binh Pháp thốt ra trong khung cảnh này. “mỡ bò” chắc chắn được dùng thay cho “ngọc bích”. Và cách diễn tả “ông Phật thuộc cái đạo nào đó chẳng ai biết” thì đúng là ngọc ngà: đó là hạt ngọc quý trong bộ sưu tập những lời ngu ngốc ở Trung Quốc của tôi.
Chỉ có ngài Công sứ nước Pháp đã cúi đầu chào vì bắt buộc nhưng ông làm thế trong tinh thần trào phúng; giờ ông bước lên kiệu với phong thái tao nhã, không hé miệng một lời khi kiệu xa dần.
Vâng, đấy là lần vào Hoàng Cung thật sự đầu tiên của tôi. Tôi rất nóng lòng kể cho chàng nghe chuyện này, thật ra thì chàng có hẹn tới đây vào lúc ba giờ chiều nay để đưa tôi đi xem hát. Trong khi chờ đợi, tôi chỉ kịp viết vội vài hàng ghi lại ấn tượng đầu tiên của mình… Ôi, giá gì tôi nhận ra được lộ trình mình đã đi qua! Và tôi trải ra trước mặt tấm bản đồ có tỉ lệ xích lớn của Tử Cấm Thành, một bản đồ châu Âu nhìn ngoài thì đầy đủ và chính xác, in màu, nhét đầy những tên đã phiên âm – nhưng thực tế đó là một bản đồ được đo vẽ một cách hấp tấp và non tay bởi binh lính liên quân tám nước trong thời gian họ chiếm đóng toàn bộ Hoàng Cung vào năm 1900…
Và ở đây, ngay trước mắt tôi, giữa hai bàn tay mở ra chưa tới một sải tay, tôi thấy, tôi mở bung, tôi trải rộng, tôi nắm giữ và tôi sở hữu chỉ bằng một chi phí nhỏ cái hình hài trên mặt giấy của toàn bộ thành phố này, kinh đô này và tất cả những gì bên trong nó… ôi Bắc Kinh!
Hình dạng của nó, mặc dù không thấy được bao quát, lại không thể nào quên được một khi ta sống trong cái chu vi của nó. Một hình Vuông đặt trên đầu một hình Chữ nhật. Hình chữ nhật này chỉ là cái đế, không hơn không kém, bị méo mó, dang dở; bức tường thành bên phải hay phía đông quanh co và ngập ngừng. Nó lấn sang phải, sang trái, ở phía tây và phía đông… Đó là Khu thành Trung Hoa, hay nói đúng hơn là nơi chốn của bọn lái buôn bất lương và tham lam, chuyên vây bọc, chụp giật và ngấu nghiến như đàn kiến… Cả phần đất rộng, bằng phẳng phía nam hẳn là sẽ bị giải tỏa nếu không vì thực tế là ở đó có Thiên Đàn và Tiên nông Đàn – lẽ ra nằm ở ngoại ô thì hợp hơn – nằm dọc theo tường thành phía nam và hai bên tả, hữu của trục thần đạo… ngoại ô này thông với khu thành hình vuông, tức Khu thành Thát Đát bằng ba cửa.
Cửa phía tây tôi chẳng bao giờ có cơ hội đi qua nó. Cửa phía đông, Hạ Đại môn, ngược lại, là đường ra vùng đồng quê xung quanh của tôi… tôi biết nó quá rõ: đó là cửa của tôi, lối thoát của tôi, một lỗ cửa duy nhất đối với những ai hão huyền như tôi, sống ở khu Thiên Văn giám góc đông nam nên chỉ có thể ra đồng quê xung quanh bằng cách qua đó… một cửa khác, ở giữa, là Tiền môn. Không còn gì hơn để nói… Tất cả chỉ vậy thôi. Nằm chễm chệ vững chãi ở phía bắc Khu thành Trung Hoa là Khu thành Thát Đát với ba cửa thành như một cái kiềng ba chân kinh khủng đặt lên đầu khu ngoại ô lệ thuộc vào nó, tức vào ba cửa hay ba chân đó của nó! Tôi ở trong khu thành này, như một người chinh phục kín đáo nhất, về phía dưới góc phải của nó. Có dạng hình vuông hay gần như vậy (đã phải dùng đến thước dây dài mười thước của nhân viên đạc điền châu Âu mới chứng minh được là bốn cạnh của nó không hoàn toàn bằng nhau), nó dựng lên những tường thành cao đến mười thước ở trên vùng đồng bằng… Đây là lãnh địa thực sự của tôi. Đây là tài sản của tôi: tôi sở hữu một mảnh nhỏ xíu ngay phía dưới góc tay phải, nằm giữa Thiên Văn Đài cổ xưa mà trước đây các cha dòng Tên thuộc chủng tộc tôi đã đúc những máy móc bằng đồng, và giác lâu, một lầu canh nằm trên góc tường, từ đó thành trì này chế ngự từ xa vùng đồng quê bằng phẳng như mặt biển yên tĩnh, vùng biển mang lại phù sa cho vùng bình nguyên êm ả này… rồi, cất kín bên trong hình vuông của Khu thành Thát Đát là Hoàng Thành, thường bị gọi là “Thành Vàng” vì trò chơi chữ vô vị (không thể dịch sang tiếng Pháp được) dựa trên từ “Hoàng”. Đó là có thêm một thành lũy nữa nhưng nó bị gồ lên về phía tây. Cuối cùng là hình chữ nhật thứ ba ở đây, mà những người vẽ bản đồ có thể tô lên màu tím đẹp đẽ – chỉ theo quy ước thôi, chứ tất cả mái nhà của nó đều mang màu vàng đẹp nhất – đó là Hoàng Cung.
Tôi nắm lấy nó, tôi bao vây nó, tôi chế ngự nó, tôi đảo mắt theo hình dạng của nó: tôi hiểu nó. Các nhà cửa, các sân trong, các không gian, các cung điện trong Hoàng Cung, tất cả là đây, đối xứng một cách đơn giản như những lỗ tổ ong – có dạng hình chữ nhật hơn là năm cạnh, nhưng cảm giác vẫn không thay đổi: toàn bộ đàn ong đã làm việc tiết ra sáp ong chỉ cho một con, một con duy nhất: ong Chúa. Bốn trăm triệu người, ở đây và quanh đây, giữa họ với nhau không khác gì những con ong thợ của tổ ong, đã kết tụ những ô vuông bàn cờ này, những mảng hình thẳng và sắc này, những phòng ốc mà hình ảnh đều đặn của chúng – ngoại trừ độ sâu ở góc của những mái nhà – không có gì khác cái “hình hộp” chữ nhật kia! Nhưng cái hình chữ nhật ấy lại được phòng giữ, được bảo vệ chống lại những cuộc xâm lăng của bọn rợ… vì sự tôn trọng đối với cư dân nam độc nhất của các cung điện này – ngài, Hoàng đế. Và tất cả điều này – thuyết luân hồi hay truyện ngụ ngôn – được phóng lên tờ bản đồ của tôi mà không có một chú thích hay hướng dẫn nào ngoài cái trục nam - bắc vĩ đại, sau khi xuyên qua Hoàng Cung và các cửa thành thì dừng lại một cách lô-gích và chính xác ở “Trung Các”, “không thể nhìn thấy được” từ “Trung Cung” mà trên bản đồ thì nó chặn con đường lại… Chỉ có chỉ dấu đơn giản này cho khu trung tâm… nhưng trên thực tế thì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để tìm ra con đường. Đâu là con đường chúng tôi đã đi ngày hôm nay… Đâu là chỗ nhiếp Chính Vương đã tiếp chúng tôi?
… Chàng đến cực kỳ đúng lúc để kéo tôi ra khỏi sự bối rối:
— Này anh Leys, vậy thì chúng tôi đã đi đường nào để vào triều kiến sáng nay?
Chàng mỉm cười.
— Tôi có ở đó đâu!
— Tôi biết, nhưng may ra tôi có thể xác định vị trí của mình nếu được anh giúp. Đây này, nhìn bản đồ đi: tôi chắc chắn là đã vào bằng cửa Đông Hoa môn; sau đó, tôi qua cầu bắc trên con kênh, có lẽ nó đây. Nhưng chàng hầu như không nhìn, ngay cả một cách khinh bỉ, đến tấm bản đồ trông có vẻ chính xác trên giấy của tôi. Tấm bản đồ này, tờ giấy trải rộng ra thế này giữa thanh thiên bạch nhật làm chàng khó chịu, tất nhiên rồi, đối với người thâm nhập một cách bí ẩn vào ban đêm và tỏ đường đi lối về như một người trong nhà. Rồi tôi có cảm giác là chàng đang lo lắng về chuyện gì đó. Chắc chắn như thế. Tôi cuộn tấm bản đồ lại và chàng đưa tôi đến rạp hát.
Có phải chàng đã tìm ra “phương tiện” không?
Ở rạp hát chúng tôi có thể nói chuyện thoải mái trở lại, cảm thấy an toàn như khi ở sân trong nhà tôi vào những buổi tối tuyệt vời nhất. Rạp hát nghẹt người: đàn ông ngồi chật cứng sát mặt sàn xung quanh chúng tôi, đàn bà với hàng ngàn con mắt trên những khuôn mặt trắng, hồng hay đỏ nhìn xuống từ ban công, và âm nhạc được tiếng chiêng vang rền như sấm phụ họa – tất cả tạo nên một tấm màn rất mỏng manh bao quanh chúng tôi, một không khí mà ở đó sự thái quá của màu sắc, mùi vị và tiếng ồn thúc đẩy và nuôi dưỡng sự nhập định riêng tư. Tôi nhận thấy là chàng và tôi rất cô độc ở chỗ này. Trước hết, rất ít người biết những chuyện mà chàng và tôi biết… Vai trò của chàng, điều bí ẩn, sự bí mật của cơ quan mật vụ… Ví dụ như đám “bạn” chàng đang ngồi ở cái bàn vuông không xa chúng tôi lắm, đã hét chào ầm ĩ khi chúng tôi đi vào – họ đều là những chàng trai trẻ giàu có, ưa chơi bời đàn đúm, chắc không là gì hơn thế; và họ không biết gì cả về cuộc đấu đá đang diễn ra ở chốn thâm cung, trên một sân khấu lớn hơn cái sân khấu ở đây rất nhiều…
Tuy nhiên, René Leys chỉ “Đại Kính Tử”:
— Này, hắn là thư ký của tôi, ở “Văn phòng Trung ương của M.V. Một trong những đặc vụ giỏi nhất đấy. Lạ là hắn khỏe lắm dưới lớp mỡ béo, và rất sắc sảo…
— Sao! Ngay cả các bạn anh…
Từ “ngay cả” thì hơi không phù hợp. Nhưng chàng trả lời, hoàn toàn tự nhiên:
— Tất cả các bạn tôi đều có chân trong đó, nhưng mang cấp bậc rất khác nhau, và không ai biết được cấp bậc của người khác. Hơn nữa, không ai biết được vị thế thực sự của tôi…
Và như thế chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện bí mật và thẳng thắn về công việc mật thám, với những câu nói đứt quãng, lén lút bằng tiếng Pháp ngay giữa đám đông người Trung Hoa, càng lúc càng chật như nêm, giữa những gã hầu bàn tới lui như con thoi rót trà ngập cả bàn và ném ra các khăn ấm về phía hàng chục bàn tay đưa ra mà người ta chụp lấy, lau mồ hôi, rồi ném bay trả lại với một cử động tao nhã như cú đập cánh hay cú quạt tay.
Tôi thấy tất cả mấy thứ này vui thú hơn là cái sân khấu đặc nghẹt đám cu li khiêng dọn đạo cụ, những cái ghế tượng trưng cho núi non, những màn trướng có màu đỏ Trung Hoa lộng lẫy làm công đường hay bàn thờ gia tiên màu đỏ khi cử hành hôn lễ…
Tiếng chiêng vang ầm ĩ, tiếng đàn nhị réo rắt, khi gay gắt, khi trong sáng; may thay, chúng lấn át được toàn cảnh tạp âm ồn ào và tuôn ra liên tục như suối. Nhưng nhân vật với chòm râu trắng, đứng ở đó từ nửa giờ rồi, đang than khóc bằng cái giọng bể của một người già, già đến độ tưởng như quen biết Khổng Tử ở trường tiểu học! – gã diễn viên đó bắt đầu làm tôi phát cáu…
— Ông không nhận ra ai à? Cháu của lương Thân Vương đó!
Ồ, không thể thế được! Nhưng mà nhìn xem: những hàng lông mày này và cặp mắt nheo lại tinh quái này… a, giả trang giỏi thiệt! Đúng là “Tiểu Điệt” rồi. Nhưng làm sao người bác lại cho phép anh ta lên sân khấu chứ! Tôi đã tin là ở Trung Quốc, đó là cái nghề “xướng ca vô loài” mà, chỉ trên cái nghề hạng bét một bậc, vả lại tự nó cũng là để sửa soạn cho cái nghề hạng bét đó… René Leys bỗng đỏ mặt chặn tôi lại.
Không đâu! Đối với những kẻ xướng ca thông thường thì có thể như thế [64]; nhưng hắn tập cho quen lên sân khấu để có thể hát trong Hoàng Cung – bây giờ ở đó ca hát được coi là đúng mốt lắm đấy – cho những thân vương thích vui chơi, và thích vào trong đó… ngoài ra, trong khi chờ đợi thì hắn hát ở đây được nhiều tiền lắm; ông nghe chứ: hắn đóng vai “Ông bố già”, hắn dùng “giọng bể”. Giọng này thì chủ gánh hát trả tiền nhiều nhất vì nó có tuổi thọ ngắn hơn…
… Đám đông bỗng dưng trở nên lộn xộn: xung quanh tôi, người ta đứng dậy… xô đẩy… Tôi đứng dậy theo. René Leys đã bỏ đi, thúc cùi chỏ mở đường, miệng nói nhanh và chen qua được bất cứ chỗ nào chàng muốn. Chàng biến mất trong cuộc chen lấn và tôi rảo mắt tìm chàng với nỗi lo buồn cười là chàng đang gặp nguy hiểm. Nhưng rồi chàng quay lại, và tôi thấy các trinh thám kéo nhanh về phía hậu trường một khán giả mặc đồ lụa xanh thanh nhã, mặt trắng bệch ra, hầu như không tỏ vẻ phản đối, và ngất xỉu giữa các bàn tay đang lôi ông ta đi. René Leys xin lỗi đã bỏ tôi đi bất ngờ như thế: “Phải ra tay thôi: các tên trinh thám của tôi đã lưỡng lự không muốn bắt nó. Giờ thì xong rồi.” rồi tỏ vẻ dửng dưng:
— Ồ, không có chuyện gì đâu! Một gã thái giám bị buộc tội nói quá nhiều, và chúng tôi không dám bắt nó ngay trong Hoàng Cung. Tôi đã có thể thưởng cho các trinh thám của tôi tại đây. Không ai kêu oan cho hắn đâu.
— Anh có nghĩ là người ta để ý đến sự can thiệp hơi… mạnh tay của anh không?
— Không chút nào. Người Trung Hoa chấp nhận tất cả những ý nghĩ ngông cuồng, những hành động thất thường của người châu Âu… Ông có nghĩ là một người Trung Hoa, ngay giữa rạp hát công cộng, dám nhìn những người đàn bà đó như chúng ta không?
Thật vậy, chúng tôi nhìn đắm đuối theo kiểu đàn ông La-tinh cái lô ở ban công đầy những khuôn mặt quen thuộc trát phấn trắng, sáng rỡ nhờ mỹ phẩm, và những bộ ngực phủ kín tận cổ bằng lụa xám dịu và xanh nhợt, màu tím chói chang và lục, “màu trời sau mưa”… Đó là những người đẹp của tối hôm trước; những nữ trinh thám xinh đẹp phơi bày nét quyến rũ đắc thắng ngồi cao khoảng hơn ba thước phía trên những cái đầu cạo trọc một nửa đang đi loanh quanh ở khu vực khán giả và ở chỗ dàn nhạc. Đúng là cảnh tượng nhìn vui mắt hơn rất nhiều so với vở diễn trên sân khấu lúc này, và cái gã “Tiểu Điệt” đó vẫn sụt sùi than vãn mãi…
— Không. Giọng đã kiệt nên hắn đã đi rồi…
Và thật bất ngờ, màn diễn hoành tráng mà theo René Leys là màn bế mạc vở tuồng cổ đã được diễn một tuần nay, bây giờ lại ra đúng lúc nên ta có thể coi được: sân khấu tràn ngập sắc màu, hình dạng, ánh sáng khi mờ mờ, khi chói lọi, những điệu bộ oai phong, hào hiệp… Tôi chẳng muốn hiểu chuyện gì đang xảy ra trên đó cả: pháo nổ như sấm trong sân, như sét trong bếp… những ông thần xuất hiện trong ngọn lửa rồi quay lưng bình thản bỏ đi. Tôi không hiểu cảnh này có ý nghĩa gì. Tôi trố mắt nhìn, tôi nhìn… và đây rồi, một người cao lớn mặc toàn đồ đỏ, hai tay hai gươm, sắp sửa chiến đấu một cách khủng khiếp nhưng ta chưa rõ để chống ai… những thanh gươm chém ngang, chém dọc vào khoảng không trong một cuộc song đấu mà chỉ có một địch thủ là thấy được; hai bàn tay nắm vũ khí chơi trò tấn công lẫn nhau, lẩn tránh nhau; hai lưỡi gươm giao nhau, né nhau một cách khéo léo… Có phải là sự va chạm sắt thép không? Không: ông ta xoay mình một vòng trên mũi chân, nhảy vọt lên, quay tít thanh gươm ba lần, rồi theo tiếng chiêng từ ban nhạc, ông dừng lại như chết đứng, ngửa mặt lên trời với cái mặt nạ đỏ, hai cánh tay dang lên cùng lưỡi gươm đã đánh sạch hàng ngàn lớp vảy trong không khí… Bầu không khí này thì đầy những hồn ma mà ông ta vừa gọi về, tôi đoán… hay tôi cảm thấy thế… a, tôi đoán đúng đấy, vì ngay lúc đó những thần linh này hiện thân trên sân khấu rồi bắt đầu cuộc diễu hành hiếu chiến của họ… người mặt đỏ…
— Đó là, René Leys thầm thì bên tai tôi, thầy dạy những diễn viên hoàng gia, người cầm đầu đoàn tuồng trong Hoàng Cung.
Hay lắm, hay lắm. Tôi vẫn nhìn. Người mặt đỏ đang đương đầu với một trong những hiện thân đó: một chiến binh mặt đen, mặc giáp bào vàng, khuôn mặt được hóa trang một cách hung dữ, lưng cắm đầy tên trận và cờ xí, hàng lông mày bị kéo lên và kéo dài từ mũi tới hai bên thái dương… Tướng tá bệ vệ anh hùng kết hợp với cung cách nhún nhảy theo nhịp điệu của một kẻ bất bại và tự tin một cách kinh khủng.
Cuộc đấu gươm bắt đầu lại: không có va chạm nữa, chỉ là những động tác giả vờ, những cú nhảy cao. Tôi cảm thấy có cái gì đáng sợ khi vũ khí đánh nhau trong im lặng ngay giữa sự náo động dữ dội của tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn dây… a, tới rồi! Chiến binh đen và vàng bị đánh bại, tử thương: hắn hạ đầu xuống, nhận một nhát chém trên gáy,… rồi chầm chậm từng bước ngắn lui vào hậu trường, vai trò đã xong… một kẻ khác thế chỗ. Ăn mặc màu khác. Đẹp không kém. Hắn chiến đấu dũng cảm hơn, dựa trên một thứ nhạc đệm khác… Đến lượt mình, hắn phải thua thôi: hắn nhận một nhát chém rồi đi ra.
Và tiếp tục như thế, sáu lần lận, người mặt đỏ với hai nắm tay xoay tròn ra những đòn gió, quay sang trái, quay sang phải hay xoay cả thân mình nhiều vòng, gạt một nhát chém, đâm lại nhát khác, và tuy nhiên (có phải vì mệt mỏi thực sự? Hay việc diễn xuất hoàn hảo một vai có thể vắt kiệt sức lực của một vận động viên của chúng ta đó?) đang có vẻ yếu dần, và từ từ lùi lại trước kẻ thù cuối cùng. Những nhân vật nghĩ gì, và trên sân khấu thực sự xảy ra chuyện gì… ôi, tất cả đâu có gì quan trọng. Thế nhưng, giả dụ ngẫu nhiên có một vở kịch nằm sau những điệu bộ này! – tức là một cốt truyện bắt đầu rồi phát triển cho đến hồi kết thúc! Giả dụ rằng tất cả những hành động này chỉ là một loạt những biến cố tình cờ được sắp đặt để hướng đến… cái gì đó mà tôi không biết!
Tôi định bụng sẽ hỏi René Leys sau. Nhưng chàng tự mình buột miệng nói, khá không đúng lúc:
— Ông có để ý đến kẻ tấn công thứ tư không? Gã “ẻo lả” đó! Và hắn đến hơi trễ, đi rón rén trên đầu những ngón chân!
Chàng xem vở diễn thật sành sỏi. Còn tôi, tôi nhìn, tôi nhìn ngơ ngáo.
Còn đây nữa: những chiến binh khổng lồ bại trận ăn mặc đủ màu sắc bất thình lình chuyển thành một người duy nhất với khuôn mặt trắng bạc, nói đúng hơn, với khuôn mặt được tô vẽ bằng những nét và vệt màu trắng bạc, thân thể phình to, cử chỉ cứng ngắc như sắt thép… Kẻ này nữa, người mặt đỏ cũng chiến đấu và đánh bại.
Cuối cùng xuất hiện ông thần mặt sáng như vàng, mang trên đôi vai một mặt trời to tướng và nhảy múa làm mọi người lóa mắt… anh này thì không thể nói là bại trận vì đâu có đánh nhau: anh ta lóe sáng lên vì một viên pháo người ta ném dưới chân, rồi rút lui bằng những bước chân chậm chạp như những kẻ khác.
Ta có thể nghĩ là vở tuồng chấm dứt ngay chỗ này: người anh hùng mặt đỏ đã chiến thắng: ông ta còn đây, thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại, miệng thét lên niềm vui chiến thắng giữa những tiếng la hét ầm ĩ… Hết à? Đã xong rồi à?
— Không đâu, René Leys nói. Chờ đi. Tôi hy vọng ông ta sẽ chống cự đám yêu quái tốt hơn.
Và, một cách bí ẩn:
— Ông ta đã đỡ hụt nhát chém của gã “số năm”.
Tôi công nhận René Leys đúng là một người xem tuồng sành sõi: vở ca vũ kịch đang diễn trên sân khấu chẳng thấm gì so với loại khán giả tầm cỡ như chàng: Dù đó là Hamlet [65] bằng xương bằng thịt của Shakespeare hay một Hamlet khác được trá hình một cách dễ thương trong âm nhạc của ambroise, dù đó là vị thần vĩ đại Brahma trong vở Lakmé của Delibes [66], hay nồi Xúp gia đình trong Louise [67] của Charpentier, tức màn độc thoại của nhân dân Tối thượng, – người xem tuồng sành sõi thường bỏ qua những sắc thái đó trong chi tiết kịch bản, để chỉ tập trung vào những điều căn bản thôi: chất lượng của nàng ca sĩ đóng vai chính, tài năng “luyến ngắt” của giọng nam cao khéo tránh chỗ “bắt nhịp” khó… nhưng… nhưng mà… Chàng thanh niên này còn thâm nhập đời sống Trung Hoa – và còn hơn thế nữa, đời sống Bắc Kinh – đến mức độ nào mà có thể vẫn đủ nhạy cảm để dẫn tôi vào những uẩn khúc của vở kịch ngay vào lúc cao trào làm nổ đom đóm mắt.
Còn tôi, tôi cứ dán mắt theo dõi sân khấu: đây rồi, những yêu quái được loan báo trước. Trước tiên xuất hiện một tên yêu quái to tướng tên là Quỷ Đối xứng, có thể tự đảo ngược cả người, nối đầu và chân với nhau, tùy thích, với hai cái mặt, nhưng không phải được đặt theo kiểu Janus [68]. Thật không thể nói là anh ta có thể nhảy nhót trên chân nào hay bàn tay nào! Người mặt đỏ, thoạt đầu hơi bối rối, sau tỏ ra nhanh trí và chính xác gấp đôi trong lúc đánh nhau.
Tiếp đó là một vật hình cầu sống động và thu mình lại như quả banh, không đầu, không tay, tự bảo vệ và trốn chạy bằng cách lăn tròn trên cái… chỗ nào cũng là bụng.
Sau đó là tên quỉ sứ dẻo quẹo mà đôi tay, đôi chân và thân người giãn nở ra để đánh đá, hay co rút lại để tránh né những đòn của địch thủ. Rồi đến một tên quỉ sứ có đầu rùa, thân bọc vảy; một tên khác mang hình dạng vỏ sò; rồi một bánh xe trông không giống người lăn trên những cây căm là tứ chi hắn, loang loáng nhân ra theo tốc độ của bánh xe… Cuối cùng, tên ngốc Khổng lồ sắp sửa đè bẹp mọi thứ trên đường hắn di chuyển bởi vì hắn to gấp đôi bất kỳ ai. Người mặt đỏ lấy đà, và bằng một nhát chém dọc xuống dữ dội, xẻ hắn làm đôi, từ sọ đến háng. Và chính mắt tôi thấy hai nửa khổng lồ tách rời ra, bị chẻ bởi một nhát cắt khủng khiếp, làm lộ ra lớp thịt trắng mềm mại, nhưng đẫm máu!… và mỗi nửa thân người đó lại tiến tới, từ mỗi bên, tấn công người mặt đỏ nhưng bị chặn lại bởi hai thanh gươm giơ cao bắt chéo nhau của người này… tên quỉ sứ phân thân đành rút lui, như những tên khác…
Thế là nghỉ xả hơi được rồi đấy, tôi tự nhủ… Không đâu! Người mặt đỏ, bây giờ một mình một cõi trên sân khấu và không còn gì để đâm chém nữa, đảo mắt nhìn quanh mình, thách thức khoảng không, rồi bỗng dưng tỏ ra sợ hãi cùng cực…
Ông ta kiệt sức rồi. Ngồi bệt xuống đất, khom người trên hai chân dạng ra, ông ta nhìn và sợ. Giá mà biết được ông ta sợ cái gì! Ông ta rất kinh hãi. Không còn chống chọi nữa… Ông ta cố gắng trốn chạy… nhưng không thể. Ông ta tung người lên… rơi xuống, ngồi bệt lại và đột ngột bắt đầu run như cầy sấy một cách khủng khiếp…
— Không thể tưởng tượng ông ta đã năm mươi hai tuổi, René Leys nói. Hết rồi đó. Nhưng trước khi về, hãy để tôi…
— Chờ chút…
Chàng thật sự không thể chịu nổi ngày hôm nay.
— Tôi đã hứa chỉ cho ông thấy phương tiện mà tôi đã tìm ra để…
— Chờ chút được không! Anh thật là khó…
— Này, nhìn phía tay mặt, sát bên sân khấu, trong lô của ông bầu đoàn hát…
Dù muốn hay không, tôi bắt gặp một phụ nữ Mãn Châu ăn mặc trang trọng đang làm duyên với những điệu bộ quen thuộc… lại một cô nữ trinh thám nữa sao? Tốt thôi, tốt thôi.
Và mắt tôi không cưỡng lại nổi việc nhìn lên sân khấu. Và tôi nhìn, nhìn một cách trân trối. Người mặt đỏ, một mình giữa sân khấu, mà ông ta đã đuổi hết mấy tên yêu ma, như bụng con cá đã nấu chín, giờ đang ở cực điểm nỗi kinh hãi! Vẫn ngồi, hai chân dạng ra, ông ta tiếp tục co giật lên xuống trên đôi mông của mình, như trong một màn kịch câm không kiềm chế được, khó mà giải thích hay khó mà bắt chước được… cho tới khi ông ngã người ra sàn, và cuối cùng thì bất động. Lần này thì nhất định. Tôi rất muốn bỏ ra ngoài. Ra nhanh đi thôi. Ôi, không khí ngoài trời thì dễ chịu làm sao!
René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành - Victor Segalen René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành