The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Tác giả: Victor Segalen
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1277 / 19
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ôi đã không ngủ được. Chí ít tôi cũng ngủ gà ngủ gật giữa ban ngày, khi gã đầu bếp của tôi đến – vào giờ định trước nhưng hôm nay thì có vẻ sớm đến sỗ sàng – nhắc tôi là có “hai vị khách” đến dùng cơm tối nay.
Tôi giao phó cho hắn ta một thực đơn “đã chăm chút”… Và tôi cố gắng lắm mới nhớ lại là cách đây ba hay bốn ngày, tôi đã mời thầy Vương và phu nhân dành cho tôi sự hiện diện quý báu tại bữa ăn tối nay.
Có lẽ tôi đã không được dạy dỗ đúng mực. Vì tôi có biết đến một trong những câu sáo ngữ nổi tiếng: một người Trung Hoa không bao giờ chưng vợ mình ra trước công chúng… Vậy mà tôi, ngay tức khắc, đã mời bà ấy đến nhà mình! Nhưng có điều chắc chắn là ông đã tỏ ra cực kỳ trịnh trọng chấp nhận lời mời của tôi. Và tôi rất thèm muốn được nhìn thật gần cái món vật trang trí hào nhoáng mà từ xa xa người ta rỉ tai nhau là: “một phụ nữ Mãn Châu”, dù có già đi trong bộ cánh kịch cỡm (tôi không quên là phu nhân Vương đã phục vụ trong triều vào cùng thời với Đế chế thứ hai của nước Pháp chúng ta, và cũng không quên chuyện nhờ sự vận động ngầm của bà mà đấng phu quân có được chỗ dạy ở trường đào tạo mật thám của Hoàng Cung!)
Cũng sáng nay tôi nhận được lá thư này. Nó rất khó đọc, nhưng gã gia nhân của tôi lại đọc được trơn tru: “Thầy Vương, ngụ tại phía bắc Khu thành Thát Đát, xin tôi thứ lỗi vì hôm nay ông chỉ đến nhà tôi một lần – để ăn tối”. Được thôi. Và tôi ngủ lại. Rồi sau đó ít lâu, một bức thư khác đến, viết bằng bút lông, nhưng lần này bằng tiếng Bỉ, trên giấy hoa tiên mỏng trang trí những bông hoa nhỏ màu hồng và lục: René Leys xin lỗi vì chàng không thể dạy tôi học chiều nay như đã định. Chàng sẽ trở về sau nửa đêm, chắc thế. Và chấm dứt bức thư như thế này: “Người ta triệu tôi… anh biết chỗ nào mà”.
Tôi không hiểu nổi. Đối với một chàng trai chưa hề rời khỏi mái nhà cha mẹ trước đó, chưa chi mà chàng ta đã ngủ lang nhiều thế này.
… Không tài nào ngủ được. Và con mắt to màu vàng của bầu trời Bắc Kinh, cái mặt trời lớn mà lúc nào cũng hiện ra hàng ngày đều đặn đến mức ta đòi nó như một món nợ, và chờ đợi nó như chờ một người bạn thủy chung… Vậy thì tôi cũng bắt chước hai ông thầy của tôi, tự cho mình trọn một ngày nghỉ…
Và trước khi cái mặt trời này lên cao thì tôi đã đứng dậy, ra ngoài và lên ngựa, bắt đầu đi về bất cứ nơi nào dưới ánh sáng của nó và dưới vòm trời xanh không gợn mây… bất cứ nơi nào, tất nhiên có nghĩa là gần Hoàng Cung.
Đi theo bản năng, tôi thấy mình bây giờ đối diện Đông Hoa môn, tức “Cửa thành phía đông đầy hoa” [44], mà tôi nhìn thấy lần đầu tiên vào cái giờ đế vương này… chật ních những xe la, lính hầu, thái giám và viên chức trong lễ phục: mũ mùa hè, mũ rơm hình chóp với cái đuôi bằng lông bờm ngựa màu đỏ, mà hiện nay người ta bắt buộc phải đội. Và bên trên tất cả, như phình ra nhờ các đường xiên, bức tường thành màu tía với những chỗ loang lổ xám bị chiếc cửa đục xuyên, ba chiếc nóc cong cong đội trên đầu… Tôi biết, theo bản năng, là cửa thành sắp mở.
— Cửa mở! Một làn sóng người ùa ra và đẩy tôi ra sau, Tôi trụ lại ở góc một đại lộ chính mà tôi chắc chắn là đoàn người ngựa phải rẽ vào. Lính canh được rải đều mỗi mười bước chân dọc theo đại lộ, kéo dài vượt quá tầm mắt, họ gần như không dám đuổi một người Âu như tôi. Nhưng họ muốn tôi xuống ngựa. Thì tôi xuống. Họ để tôi yên, và sau vài cú huých lịch sự, họ chấp nhận để tôi đứng ở hàng đầu, và tôi sắp thấy…
Thật sự là chỗ rất tốt. Đó là giờ tan họp của Quân Cơ Xứ, vốn diễn ra hàng ngày trước bình minh, cũng hợp lẽ, để quyết định trước những việc gì sẽ làm trong ngày. Nhiếp Chính Vương đi ra đầu tiên để trở về vương phủ của mình, nằm ngoài những tường thành này. Cửa thành mở rộng. Đấy là đoàn tùy tùng của ông, đang lao hết tốc lực về phía tôi: đầu tiên là lính mông Cổ vừa thúc ngựa, vừa giương cao cờ hiệu… rồi theo sau là một kỵ sĩ đặc biệt, trẻ và mập, da ngăm ngăm đen, thấp đậm và lanh lợi, đôi chân ngắn kẹp chặt yên ngựa cao, đóng rất chặt, đó là một loại yên ngựa đặc trưng Trung Hoa trên đó người kỵ sĩ ngồi cao chót vót so với lưng ngựa… một con mắt sáng rực lục soát cùng lúc con đường và người đi… Đấy, trong một thoáng là toàn bộ đoàn kỵ binh Thát Đát đi chinh phạt mà cách đây hai trăm bốn mươi năm đã làm cho nước Trung Quốc quy phục… những người Mãn Châu cứng rắn và lanh lẹ này, món tóc đuôi sam mà sau này họ áp đặt lên cả nước Trung Hoa, tức cái bím tóc họ dùng để cột túi quân trang trên đầu mình khi nắm đuôi ngựa lội sang sông… Sự việc là thế! Đó chính là những người Chinh phục, rồi từ đó, Trung Quốc và hàng trăm triệu thần dân của nó phải cạo phần tóc ở trán và thắt bím tóc đuôi sam… dù không bao giờ phải qua một con sông… người Chinh phục thì trong chớp mắt đã qua đường. Và toàn bộ Mãn Châu trên lưng ngựa có vẻ như cũng ngoan ngoãn đi theo ông.
Toàn bộ Mãn Châu… đến tận cả cỗ xe châu Âu thảm hại mà bên trong đó tôi thấy Thuần Thân vương sau các kính cửa châu Âu của ngài! Vậy là ngài, con trai của Hoàng tử thứ bảy, và nhiếp Chính Vương của Đế chế, đã chọn thời trang châu Âu! – Và cũng là hai con ngựa nga to lớn đang kéo cỗ xe của ông bằng nước kiệu, với tốc độ khá nhanh, tôi phải thừa nhận thế!…
Tôi biết là sau một hai lần rẽ, ông sẽ qua cầu Hậu môn, chiếc cầu của cuộc mưu sát đó. Nếu tôi lên ngựa, tôi có thể đi theo, cho ngựa chạy nước kiệu hay nước tế trên những con đường nhỏ bên cạnh những đại lộ rộng lớn này của Bắc Kinh… Tôi sẽ… nhưng vừa mới đặt chân lên bàn đạp ngựa, tôi ngạc nhiên thấy xuất hiện, sau chiếc xe của nhiếp Chính Vương, khuôn mặt lạ lùng của một kỵ sĩ cấm vệ. Đó là một sĩ quan Mãn Châu trẻ, có dáng đẹp, ngồi thẳng người trên chiếc yên bất tiện, cao chót vót mà người ta trang bị cho ngựa miền Bắc… mảnh khảnh, mũi khá cao, đôi mắt màu sẫm đẹp… – Tôi hẳn dám thề đã nhận ra đích thị René Leys… nếu lời thề của tôi về chuyện này không hoàn toàn lố bịch… gã kỵ sĩ đó chạy qua rất nhanh và biến mất giữa các đồng đội. Nhưng chàng René Leys xuất sắc này sẽ thích thú và ít cảm thấy bị nịnh hơn nếu tôi giả ngây thơ kể rằng đã thấy “bản sao” của chàng trong đội Cấm Vệ.
Tôi chỉ phí thời gian cố nhìn cho rõ “bản sao” đó. Mọi thứ ở xa quá. Những kỵ sĩ cuối cùng ra khỏi tầm mắt tôi trong sự lộn xộn… rồi đây là một đoàn người mới, không nhanh bằng nhưng cổ điển hơn biết bao! Một chiếc kiệu tám người khiêng, và bên trong là hình dáng mập mạp của Quân cơ Đại thần nạp Thống, “Đệ nhất Bảo quốc quan”… nhìn ông thật đẹp: tướng ngồi uy nghi, nhưng thật khó mà dong ngựa theo đúng nhịp với chiếc kiệu: nó quá chậm khi ngựa đi nước kiệu, quá nhanh khi ngựa đi từng bước; vả lại, tôi không tin là sẽ có mưu sát, sẽ có trái bom nào phía dưới nhân vật mập mạp và có vẻ vô hại này. Tôi quay về nhà. Rồi cuối cùng cũng ngủ được.
… Trời tối rồi! Mà tôi vẫn không có hoa! Phải có hoa khi tiếp đãi một phụ nữ Mãn Châu trẻ, đúng vậy không? Bởi vì tôi mới biết cách đây một tiếng đồng hồ qua tên gia nhân, là phu nhân Vương hiện tại – còn lâu mới cùng thời với Đệ nhị Đế chế của nước Pháp chúng ta – là bà thứ ba, một phụ nữ cỡ tuổi tôi…
Tóm lại là trời đã tối. Ở Trung Quốc, người ta đâu có chờ đến tối mịt mới dùng bữa… Và tôi vẫn không có hoa!… nhưng mọi do dự của tôi đều chấm dứt vì họ đã đến…
… Thật là một cảnh tượng mà tôi sẽ không bao giờ quên. “Đệ tam Phu nhân Vương” bước tới trên đôi giày cao gót trắng, đế dày đến bảy phân, đu đưa thân hình cao, mảnh mai, bên trên là một khuôn mặt mà tôi đã thấy rõ từ cái nhìn đầu tiên nhưng tôi sẽ làm nổi bật trong mô tả của tôi: đó là một mặt trăng hình bầu dục, trát phấn trắng, bị xẻ ra bởi cặp mắt xếch dài, phía trên hai gò má được trát một lớp phấn hình tròn như hai đồng tiền rực rỡ màu đỏ son đậm nhất. Mái tóc thì mượt mà, dính kết, có màu đen nổi tiếng của cánh quạ – thực tế là màu xanh – nó được búi lên cao về phía sau, được cài một chiếc trâm lớn bằng bạc. Rồi đến cái cổ, dĩ nhiên là nó có “nước bóng của mỡ đã tinh lọc và kết đông…” (Kinh Thi, bài tụng thứ mười ngàn…).
Không phải, chế giễu như thế thì tôi lố bịch cả mười ngàn lần. Khuôn mặt này nếu tẩy hết lớp phấn đi sẽ để lộ một lớp da sáng dễ chịu, và dưới lớp áo dài Mãn Châu cứng nhắc, đôi vai và cặp eo vẫn chuyển động với vẻ duyên dáng của một cô gái mới lớn… Thật sự đây là một thay đổi dễ chịu so với thân hình quá tròn trĩnh và thiếu chiều cao của các người đẹp Hoa Bắc…
Tất nhiên là tôi không dại gì nói ra những cảm nghĩ này. Tôi làm các động tác Mãn Châu mà tôi học từ ông chồng ngày hôm qua. Ông tỏ ra hãnh diện đem vợ đến “Dạ tiệc châu Âu”. Và bà tỏ ra vui thích với những chiếc nĩa có bốn răng, những con dao, những ly tách của tôi, vui thích khi thấy đĩa ăn được thay đổi quá nhiều lần dù với rất ít món ăn, nếu tính chung lại. Nhưng bà tỏ vẻ mê thứ rượu sâm - banh dở tệ mà công ty Leys Cha bán cho tôi cách đây một tháng, với giá cao ngất ngưởng. Gã gia nhân của tôi phục vụ một cách miễn cưỡng. Chỉ có hắn và tôi cảm thấy có gì đó không đứng đắn ở người đàn bà “đức hạnh” này, khi bà ta ngồi bên cạnh và cùng bàn với đức ông chồng mà lại uống hơi nhiều… dù là ở bàn tiệc châu Âu đi nữa! Nhưng ánh đèn đã mờ bớt, làm tắt đi những màu sắc rực rỡ của bà, búi tóc bốn góc vuông chìm một phần vào bóng tối… Chỉ còn lại đôi mắt mà nay gần như tròn ra; chiếc mũi… trở nên tồn tại, như thể vừa được nặn ra, và nhất là đôi vai mảnh dẻ dưới lớp lụa mềm và mỏng của chiếc áo dài… Ôi chiếc áo dài, một biểu tượng không thể thiếu! Ta thực sự chỉ thưởng thức được vẻ đẹp trọn vẹn của chiếc áo dài lả lơi đó khi từng thấy nữ nhân Trung Hoa bó đôi chân trong hai chiếc bao cột chặt ở mắt cá, xiết lại ở eo một cách tiết hạnh, và bất khả xâm phạm trước mọi ham muốn mà họ đã dập tắt từ trước.
Tôi cũng không bỏ qua chi tiết là các “phu nhân Mãn Châu” không nhảy nhót trên mỏm cụt của bàn chân teo tóp; họ bước đi một cách quý phái, hai bàn chân nằm ngang trên đế giày dày và trắng…
Thưa Phu nhân Vương, nếu vốn từ ít ỏi của tôi có nhiều từ nên thơ và hoa lá hơn mức mà ông chồng già của bà dạy tôi cho đến nay, hãy tin chắc rằng mối quan tâm đầu tiên của tôi là, lén ông ấy, thử nói những từ đó ra để mô tả về đôi chân của bà.
René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành - Victor Segalen René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành