Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Victor Segalen
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1277 / 19
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ắc Kinh, 20 tháng 3,1911 – Thế là tôi sẽ không biết gì hơn nữa. Tôi không cố nài; tôi sẽ lui ra… một cách kính cẩn, cứ cho như vậy, và tất nhiên đi thụt lùi theo Triều nghi, vì đây là Tử Cấm Thành; một cuộc bệ kiến đã không được ban, và sẽ không bao giờ được ban nữa…
Chính bằng lời thú nhận này – lố bịch hay khách khí, tùy theo cách nhìn nhận – mà tôi đành kết thúc cuốn nhật ký này, trước khi viết quá nhiều, dù tôi từng hy vọng biến nó thành một cuốn sách. Sách cũng sẽ không có. (Vậy thì một quyển sách chết đi chỉ còn lại một cái tựa đẹp: “Cuốn Sách chưa từng hiện hữu!”).
Tôi cứ tưởng là đã nắm được nó, “hoàn chỉnh” hơn, dễ bán được hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết có bản quyền nào, cô đọng hơn bất kỳ sự kết tụ nào khác của những cái gọi là tư liệu con người. Hay hơn bất cứ câu chuyện tưởng tượng nào, mỗi cú nhảy vào thực tại của nó sẽ mang quyền năng của toàn bộ ma lực bị giam hãm trong những bờ thành này… nơi tôi sẽ không bao giờ vào được.
Không ai có thể phủ nhận Bắc Kinh là một kiệt tác của sự thành tựu đầy bí ẩn [1]. Và trước hết, tam trùng thành quách của nó thì không tuân theo các qui tắc của các đám đông đã vào sổ bộ, cũng như không đáp ứng các nhu cầu cư trú của những con người ăn ở nơi đây. Bởi vậy, kinh đô của Đế chế lớn nhất Thiên hạ đã được xây dựng cho chính nó, được vẽ ra như một bàn cờ ở cực bắc vùng bình nguyên hoàng thổ, với những bức tường thành ngay ngắn bao quanh, với những con đường rộng cắt ngang, lại được kẻ ô với những ngõ ngách thẳng góc, rồi được kiến tạo liền một mạch từ đầu đến cuối một cách hoành tráng…
Tiếp theo, những người sống bám vào nó, các thần dân Trung Hoa đó mà, đến cư ngụ, rồi cuối cùng thì họ tràn ra các khu ngoại ô ám muội. Nhưng cái hình vuông chính, tức Khu thành Thát Đát - Mãn Châu tới nay vẫn còn là một nơi trú ngụ tốt đẹp cho những người Chinh phục – và cho giấc mơ này…
Bên trong, tận cùng trung tâm của Hoàng Cung có một khuôn mặt: một đứa trẻ con - người lớn, Hoàng đế, Vua cõi trần và Con trời (mà mọi người, và các nhà báo trên thế giới cứ ngoan cố gọi tên là “Quang Tự” [2], đó chỉ là niên hiệu trong thời gian ông ở ngôi thôi, tức là từ năm 1875 đến 1908). Ông đã sống thực sự, dưới cái tên sinh thời của mình mà không ai dám gọi [3]… Ngài – và vì không thể gọi tên ông, tôi đành thêm vào cái đại từ châu Âu đó tất cả sự tôn kính của điệu bộ Mãn Châu (hai ống tay áo đưa lên cao cùng hai nắm tay chắp lại trước trán cúi thấp) để chỉ ngài… Trong cõi nhân sinh, ngài vẫn là hình ảnh và biểu tượng hóa thân của kẻ bi thống nhất và tất phải chết hơn bất kỳ ai khác. Người ta quy cho ngài những hành động bất khả… và cũng có thể ngài đã thực sự làm những việc này.
Tôi tin chắc rằng ngài đã chết vì mười chứng bệnh hoàn toàn tự nhiên (ngày nay không ai còn chết vì những bệnh này nữa), nhưng trước hết vì chứng bệnh thứ mười một (không mấy người thấu hiểu) là chứng làm Hoàng đế – tức là nạn nhân được tiền định từ cả bốn ngàn năm để làm kẻ hiến sinh trung gian giữa Thiên đình và Dân gian dưới cõi trần…
… và nơi chốn ngài hiến sinh, cái khu vực chung quanh có tường cao bọc kín mà người ta giam hãm con người ngài – cái Tử Cấm Thành đang giương thành lũy chặn bước chân tôi – đã trở thành sân khấu duy nhất khả dĩ cho tấn tuồng này, cho Câu chuyện này, cho cuốn sách này, vì nếu không có ngài, thì nó chẳng còn lý do gì để tồn tại…
Thế nhưng, tôi đã cố gắng hết sức để đón nhận sự hiện diện của ngài, để nối lại với nhau, ở bên ngoài tường thành, những hé lộ mang tính hồi ức về “Đại nội”. Về việc này, tôi trông cậy vào sự thâm nhập nhờ nghề nghiệp chuyên môn của các bác sĩ châu Âu cùng chủng tộc với tôi. Họ ở đó kìa, sinh sống và hành nghề dọc theo “đường Công sứ quán” [4], ngay chỗ đầu xả các ống cống ngầm từ Hoàng Cung ra, họ sẵn sàng len lỏi qua bất cứ khe nứt nào, và một khi đã vào được bên trong, thì sẵn sàng ra tay đâm sau lưng, với tình đồng nghiệp rất ư là thắm thiết, bất cứ người nào tìm cách vào đó như họ. Một hôm Hoàng thượng cho vời viên bác sĩ của một nước nào đó, và Công sứ quán của nước đó được dịp huênh hoang, a, chỉ mình ta thôi, được lãnh trách nhiệm chăm sóc Thánh thể. Hai hay nhiều bác sĩ tầm cỡ “Cao đơn hoàn tán” sẽ cùng lúc tự tâng bốc là chỉ có riêng mình được triệu vào, được hỏi ý kiến thôi, và trở thành mục tiêu gièm pha duy nhất của tất cả thầy thuốc còn lại khác. Và họ nhìn nhau mặt lạnh như tiền. Ôi, chính họ là những người trung gian mà tôi đã phải tiếp cận đấy. Tôi thấy lo sợ là mình sẽ vấp phải bí mật y khoa khi hỏi han chuyện này, việc nọ. Nhưng họ chỉ tiết lộ vài điều vô thưởng vô phạt dính dáng đến nghề nghiệp thôi… Các báo cáo của họ đều viết trên cùng một thứ giấy, với cùng những từ ngữ đao to búa lớn hợp vệ sinh mà họ phô ra một cách khó coi, và làm khổ bất cứ tên khách hàng trưởng giả nào của mình! Họ xác nhận rằng ngài, đấng Chí tôn, bị nghi là mang những khuyết tật trẻ con, những thứ mà một tên hậu duệ hỗn hào nào cũng có thể trút tội lên đầu cha mẹ mình… Họ kết luận rằng đó là sự biến chất tai hại… Tóm lại, Thiên Tử càng ngày càng suy nhược, héo hon vì một chứng bệnh… di truyền!
Thấy tởm lợm vì sự dốt nát phạm thượng của các tên đồng hương của mình, tôi đành quay sang phía khác: các viên thái giám bản xứ. Đây là một phường hội khác, cũng danh giá không kém, nhưng khép kín hơn, độc quyền hơn. Không phải ai muốn vào thì cứ thong dong bước vào đâu: người ta đòi hỏi trước hết phải có bằng cấp [5]. Các chức vụ thì rất hạn chế, với một vài sửa đổi dành cho ngoại lệ. Chính nhờ vậy mà tư cách làm cha được cho phép ở các thái giám cấp cao, còn sự phản bội thì ở mọi cấp.
Tôi đã tìm cách mua chuộc một trong các nhân vật này. Nhưng kết quả không tương xứng với số tiền bỏ ra: tưởng gì chứ tôi biết quá nhiều về mấy cái giai thoại nhàm chán mà báo chí địa phương khai thác để nuôi dưỡng các trang báo; và thật tình mà nói, tôi đã không thu thập được một bí mật phòng the nào. Tôi không trách giận các anh thái giám này đâu: phòng the, với định nghĩa là rèm và một khoảng phòng cạnh giường, rất có thể là không tồn tại trong nội Cung.
Chỉ còn các bác sĩ Trung Hoa. Được trang bị với những công thức pha chế nước ngoài nhưng trung thành với toàn bộ dược liệu bản địa có sẵn, họ rất đỗi tự hào về kiến thức đáng gờm như con dao hai lưỡi của mình. Một trong những thầy thuốc giỏi nhất, sau một bữa ăn tối ngon lành tại nhà tôi – cũng chính bằng cách nấu ăn nửa Pháp, nửa Bắc Kinh (không kém) đó – đã vui lòng kể lại, diễn tả bằng điệu bộ sống động trước mắt tôi, cố làm cho tôi hình dung ra cảnh này: một cuộc chẩn bệnh ngay trong lòng nội Cung. Viên bác sĩ quỳ cúi đầu sau khi đã thực hiện ba lần khấu đầu ba cái. Hoàng đế, và lão Thái hậu [6] đáng sợ, thì ngồi cao hơn tất cả các tầm mắt. Khi được hỏi, viên bác sĩ không dám mở miệng để nói. Họ ép ông nói. Vậy là, một cách cực kỳ kính cẩn ông hỏi “long thể Bệ hạ bất an ở phần nào…” lão Phật gia [7] uy nghiêm trả lời thay ngài “rằng tâm dịch khuấy động dưới lớp bì phu của Hoàng thượng…”
Viên bác sĩ lại cực kỳ kính cẩn đề nghị món thuốc nào đó. Ông đã quên mất là thuốc gì (dĩ nhiên, không được là thuốc uống của nước ngoài! – người ta hẳn sẽ kết ông nào là tội phản bội, nào là tội âm mưu đầu độc; lại càng không phải là loại hoàn tán Trung Hoa! – bởi vì người ta triệu ông đến là do kiến thức y khoa học ở nước ngoài của ông kia mà).
Tuy nhiên ông vẫn nhớ chính xác cái ấn tượng chủ quan sau:
“Đối với tôi đầu ông ta có vẻ như không đứng vững trên cổ…”
Ông đã nhớ được điều đó. Tôi chúc mừng ông, nhưng chuyện chỉ có vậy.
Chuyện chỉ có vậy thôi. Bỏ cuộc sao? Tôi tự cho mình một cơ may cuối cùng để thâm nhập vào Đại nội. Đó là dùng đến ngôn ngữ của nó là tiếng “Quan thoại miền Hoa Bắc” khó học. Và từ rày về sau, tôi sẽ không cần đến bất cứ tên mối lái nào, bất cứ tên thái giám nào; tôi sẽ chờ cơ hội trực tiếp cho phép tôi… nói, hay làm… điều gì cơ chứ? Tôi cũng chưa biết. Để phòng xa, tôi bám chặt vào cái cơ may này và tôi lao đầu vào học từ vựng “Quan thoại” với tất cả sức lực của một kẻ tuyệt vọng. Người ta thường nói là phải dành cả đời, từ tuổi thơ cho đến tuổi già, mới có thể viết và làm luận văn như một tên tú tài tỉnh lẻ, a, thì cũng có thể như thế. Trên thực tế, thiên hạ mở miệng phun ra điều này quá dễ dãi. Tôi có ý thức về các thành tích của mình. Tôi có thể tán gẫu, tôi có thể đàm luận, tôi đã có thể diễn đạt được hầu như mọi thứ. Tôi không biết phải khen ngợi ai hay cái gì đây: chính tôi, tiếng Quan thoại, hay gia sư của tôi. Ngược với mọi lô-gích, ngay giữa đất Trung Hoa, tôi đã chọn một người nước ngoài làm gia sư, một tên rợ [8] không có văn hóa Thánh hiền, và còn hay hơn nữa chứ, một anh chàng người Bỉ trẻ tuổi! Chàng ta có năng khiếu lạ lùng là học tất cả mọi thứ một cách dễ dàng, và có lẽ dạy lại cho người khác mọi thứ cũng dễ dàng như thế, đó là điều làm tôi thích thú vô cùng. Chính thức thì chàng giữ ghế giáo sư môn “Kinh tế Chính trị” ở trường Quốc Tử giám. Ở bất cứ đâu khác thì chuyện này có thể làm tôi lo ngại đấy… nhưng chúng tôi đã thỏa thuận rằng để thông hiểu nhau hơn, chúng tôi sẽ chỉ nói tiếng Trung với nhau.
Chàng gia sư của tôi có lẽ sẽ cực kỳ ngạc nhiên khi biết mục đích thực sự các buổi nói chuyện giữa chàng và tôi. Chàng là đứa con ngoan ngoãn của người chủ cửa hàng thực phẩm tuyệt vời ở khu Công sứ quán. Trước đây thì tôi không nhận ra chàng bên cạnh mấy cái cân trong tiệm của ông bố khi vào mua đồ. Nhưng chàng nói với một sự kính trọng sâu sắc về cha mình, về việc buôn bán, gia đình, “tiền tiết kiệm”, về đầy tớ, ngựa xe, về những nguyên tắc của cha. Chàng rõ ràng tin rằng ở Bắc Kinh người ta không thể có một cách sống nào đáng trọng hơn cách sống của cha mình… Thích văn chương, chàng đang đọc lại Paul Féval [9]. Nếu tôi thành công, ừ, nếu tôi vào đến… nơi mà tôi không còn hy vọng vào đến thì chàng sẽ là người đầu tiên kinh ngạc trước sự thành công của tôi, và cả kinh hãi nữa khi phát hiện ra phần mình trong đó… mặc dù như tôi đã nói, tôi khó có khả năng thành công.
Chàng là một thầy giáo giỏi. Tôi đã thuê chàng dạy thêm một tháng nữa. Và ngay đây tôi nói trước là tôi từ bỏ mọi kỳ vọng.
René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành - Victor Segalen René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành