When you love someone, the best thing you can offer is your presence. How can you love if you are not there?

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 913 / 2
Cập nhật: 2015-07-17 11:06:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ô giáo Hòa ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Gần ba mươi cái miệng lại bắt đầu mở ra, ríu rít như chim. Cô giáo phải gõ thước lên bàn, nói lớn:
- Các em im lặng nào! Mở vở ra, ôn lại bài ám đọc, cô gọi đó!
Tiếng giấy lật nghe sột soạt. Cô Hòa bắt đầu nhìn đảo quanh lớp học theo như thói quen. Bỗng cô ngừng mắt lại ở chỗ của Trí. Trí đã có mặt ở đó. Cậu bé thản nhiên đọc lẩm nhẩm trước trang vở. Cô Hòa kêu lên:
- Ồ! Trí đã đi học rồi sao?
Cậu bé ngước mặt nhìn lên. Cô Hòa hấp tấp bước xuống, đến gần đứa học trò cưng.
- Sao ba con viết thư bảo là con bị gãy xương?
Trí lắc đầu:
- Đâu có! Con chỉ bị trầy sơ sài thôi.
Và cậu bé vén ống quần cho cô giáo thấy một miếng băng keo lớn dán che cả vết thương. Cô thở ra:
- Trời! Vậy mà cô tưởng con bị nguy rồi. Cám ơn Trời Phật! Hôm nay Trí đã khỏe rồi hở?
Trí gật đầu và bỗng bụm miệng cười. Cô Hòa trố mắt ngạc nhiên. Nhưng không nghe Trí nói gì, cô dịu dàng bảo:
- Trí ráng học cho kịp các bạn nghen. Cô sẽ giảng lại bài cho con. Có thắc mắc gì, con ở lại sau giờ về, cô giảng cho. Cô sẽ đưa con về tận nhà.
- Thôi, con không ở lại đâu. Chán thấy mồ!
Cô Hòa hơi sửng sốt. Thằng bé có một vẻ khác thường làm sao! Chưa bao giờ cô nghe nó nói một chữ “chán”. Hôm nay… cô vừa vui mừng khi gặp lại gương mặt dễ thương, vừa lạ lùng thấy những đổi khác ở Trí. Cô nghĩ đến những triệu chứng bất thường ở trẻ nhỏ. Sau những trận đau ốm, những tai nạn, trẻ con thường hay bị giao động. Sự giao động có thể làm cho trẻ nhỏ đổi tánh. Có đứa sau khi bệnh thì sinh hỗn, có đứa giở chứng lầm lì đăm chiêu. A, có lẽ thằng bé Trí cũng ở trong trường hợp đó. Nó vừa mới bị một tai nạn. Dẫu không đến nỗi gãy xương như trong lá thư đầy vẻ hoảng hốt của ba má nó, nhưng có thể sự sợ hãi quá độ cũng làm cho trí óc nó mất quân bình. Ý nghĩ đó làm cô giáo Hòa nở một nụ cười khoan dung; cô xoa đầu Trí rồi trở về chỗ.
- Các con chuẩn bị xong chưa? Cô gọi trả bài đây! Lê Thị Phương Hương.
Một đứa bé gái nhanh nhẩu đi lên, khoanh tay đọc làu làu. Cô Hòa phê cho nó một chữ “khá” và con số 8 cạnh bài ám đọc. Cô lại gọi:
- Trương Đức Trí.
Cô phải gọi đến lần thứ hai, Trí mới đứng lên. Nó hờ hững đi lên và đọc:
- Lời khuyên đầu năm.
Cô Hòa ngắt lời:
- Trò Trí! Sao trả bài mà không khoanh tay lại?
Trí ngơ ngác. Cô Hòa tiếp:
- Mọi ngày con vẫn khoanh tay lại mà! Giống như trò Hương ban nãy đó, con quên rồi sao?
Trí nhìn quanh. Vài đứa học trò cười với nhau. Cô Hòa cầm hai cánh tay Trí đặt vòng trước ngực, rồi dịu dàng nói:
- Trí nghỉ học mấy ngày rồi, hư lắm nhé! Nào đọc bài đi!
Trí bực bội đọc nhanh:
- “Các em cắp sách đến trường
Chớ nên thơ thẩn bên đường rong chơi
Mặt mày lau rửa hẳn hoi,
Áo quần chớ để có mùi hôi tanh.
Ngồi trong lớp… ngồi trong lớp… ngồi…”
Nó ngập ngừng. Cô Hòa mỉm cười, chờ đợi. Trí gãi đầu, đọc:
- Ngồi trong lớp… trong lớp… Tôi quên rồi!
Cả lớp cười rộ lên. Cô Hòa đập thước lên bàn, rồi quay sang nói với Trí:
- Trí học bài chưa thuộc nghen! Nhưng cô tha, vì con mới bị tai nạn. Nhớ học bài kỹ lại.
Cô phê một câu trong vở rồi đưa lại cho Trí. Cô không muốn cho nó ít điểm nên đã nén lòng ghi số 5 dưới lời phê. Trí không buồn nhìn vào vở, thản nhiên đi về chỗ ngồi. Cô Hòa buồn bã nhìn theo nó, lắc đầu. Không lẽ chỉ một vết trầy nhỏ trên chân mà khiến thằng bé sa sút đến thế sao? Cô ngồi xuống ghế, tư lự. Và chợt nhớ ra một điều là Trí vừa mới xưng “tôi” với cô, một tiếng mà chưa có đứa học trò nào xưng với cô như vậy.
Một phút trôi qua. Cô Hòa không gọi trả bài nữa. Một sự gì như là chán nản vây quanh cô. Cô bảo học trò giở vở toán ra, rồi đọc:
- “Cha tôi mua một sở đất hình chữ nhật dài 18 mét, ngang 6 mét. Giá mỗi mét vuông là 400 đồng, công rào mỗi mét là 180 đồng. Hỏi tiền vốn sở đất là bao nhiêu?”
Cô vẽ một hình chữ nhật lên bảng, ghi số đo mỗi cạnh, rồi cô nói:
- Bài này cô đã cho làm một lần rồi. Các con ráng nhớ lại và làm cô coi. Trò nào góp trước cô sẽ cho thêm điểm.
Những mái đầu cúi xuống bên nhau. Cô Hòa nhìn cảnh ấy, rồi nghe lòng như dịu lại. Cô nhìn Trí. Thằng bé cũng lấy ra một tờ giấy nháp, hí hoáy làm bài. Chốc chốc nó lại nhìn lên cô. Cô tìm thấy nét thông minh sáng sủa trên gương mặt măng sữa ấy. Cô mỉm cười. Thế nào Trí cũng nộp bài trước. Nó là đứa học trò giỏi toán nhất lớp mà!
Mười phút lặng lẽ trôi qua. Cô Hòa hơi thất vọng. Không phải Trí, mà là trò Phương Hương lên nộp bài. Tiếp theo đó là Dũng, Quang, Minh. Rồi những học trò còn lại lục tục kéo nhau lên nộp vở. Cô ngạc nhiên vô cùng. Trí vẫn cắm cúi với cây bút và tờ giấy nháp.
Những tập vở úp chồng lên nhau dần dần. Cô Hòa sốt ruột thật sự. Cô bảo học trò về chỗ ngồi yên, rồi cô bước đến gần Trí, hỏi:
- Trí làm chưa ra sao? Đưa cô xem!
Trí vội vàng buông bút xuống, và úp tờ giấy nháp vào người. Cô Hòa vẫn ngọt ngào:
- Sao lại giấu cô? Nếu con làm không ra thì cứ đưa cô xem. Chắc con quên cách tính diện tích?
Trí lắc đầu. Cô lại nói:
- Hay là con quên cách tính chu vi?
- Không phải.
Cô Hòa dằn lòng, nói:
- Trí! Con hãy đưa cô xem tờ giấy nháp.
Trí lắc đầu lia lịa:
- Không mà! Không mà!
Có một cái gì như là vẻ gian dối hiện ra trên mặt đứa học trò yêu dấu kia? Cô Hòa nghĩ thế rồi không nén được, cô giật tờ giấy trên tay Trí. Thằng bé la lên một tiếng còn cô Hòa thì biến sắc mặt ngay. Cô run run cầm tờ giấy, đôi mắt mở lớn. Cô không thể ngờ được thằng bé ngoan ngoãn của cô lại tàn nhẫn đến độ này. Trí đã vẽ cô – chính cô – với mái tóc bới cao, nhưng dị hợm hơn, kỳ quái hơn, và rõ ràng nó cũng vẽ cây bút bằng vàng mà mẹ cô đã để lại cho cô như một di vật. Cây bút, thật ra là một cái trâm, bằng vàng thật mà cô luôn luôn giắt trên mái tóc. Nhưng điều khủng khiếp nhất là Trí đã vẽ cô đang bị treo cổ trong một dây thòng lọng, cột tòn ten trên một cây ngang. Cô kinh hãi sờ cổ mình, và sờ lên mái tóc có giắt cây bút vàng. Tiếng nói nghẹn lại trong cổ họng. Cô nhìn Trí, vừa muốn trút tức giận lên đầu nó, vừa muốn khóc để tiêu tan đi sự thất vọng và đau khổ.
Trí vẫn thản nhiên xoay xoay cây bút chì trên tay. Cô Hòa nuốt giận, nói:
- Lát nữa, giờ về, Trí ở lại lớp cô bảo.
Trí lắc đầu:
- Tôi không ở lại đâu. Mẹ tôi dặn về sớm kẻo bị xe đụng.
Nghe đến hai chữ “xe đụng”, cô Hòa cảm thấy mềm lòng. Nhưng Trí nói:
- Với lại, tôi không thích nghe giảng toán.
Cô Hòa giận dữ:
- Tôi không giảng toán. Tôi bắt buộc trò phải ở lại tự chuộc lỗi.
- Lỗi gì?
- Lỗi trò đã khi dễ tôi. Trò còn bé, không được hỗn láo.
Thốt xong câu nói ấy, cô Hòa lên ghế ngồi, lòng đau như cắt. Lần đầu tiên cô xưng “tôi” với Trí. Cô không muốn như thế, cũng như không muốn tin rằng nó có thể vẽ cô bị treo tòn ten trong thòng lọng.
Suốt buổi học không khí nặng nề như đeo đá. Khi tiếng chuông reo báo hiệu giờ về, cô Hòa bảo:
- Các con về hết đi! Sắp hàng ngay ngắn, đi hàng một. Còn trò Trí, ở lại đây cô bảo.
Trí tỉnh bơ ngồi yên tại chỗ. Đoàn học trò nhỏ bé lần lượt đi ra cửa. Đến khi chỉ còn hai người trong lớp, cô Hòa lặng lẽ lấy khăn xóa bảng. Rồi cô lại ngồi, cố gắng nhìn Trí, phân tích những gì đang xảy ra trong con người bé bỏng đó. Cô vừa giận, vừa thấy tội nghiệp. Nếu xưa nay Trí là một đứa ngỗ nghịch, thì không nói làm gì. Nhưng Trí là một học trò thông minh, hiền lành cơ mà! Cô không bao giờ ngờ rằng một sự thay đổi xảy ra đột ngột như thế ở con người nó. Nếu chỉ vì một vết thương ở chân mà làm cho Trí biến đổi, thì thật là một sự đại bất hạnh cho nó.
Cô Hòa nhẹ nhàng đến ngồi trước mặt Trí, nói:
- Trí, hãy nghe cô hỏi đây! Tại sao con làm như vậy?
Trí hơi ngước lên, chợt che miệng cười. Cô Hòa nuốt nước bọt, gượng cười:
- Trí cười chuyện gì? Trả lời cho cô, tại sao…
- Ha ha! Tôi cười vì… nhìn gần mặt cô, thấy… í ẹ… da cô nhăn nheo, ghê quá hà!...
Cô Hòa nghẹn cả cổ, vừa nghe tay mình lạnh ngắt, vừa nghe lửa giện bốc lên bừng bừng. Cô nắm chặt đôi vai Trí, lắp bắp:
- Trí! Trí! Trời ơi!
Bàn tay cô run rẩy, yếu dần. Trí vùng ra khỏi tay cô, ôm cặp chạy đi, kêu lên:
- Tôi phải đi về. Tôi phải đi về. Học lớp này… chán “bỏ xừ”.
Cánh cửa bị đóng “rầm” một cái. Cô Hòa gục đầu khóc rưng rức. Cô nghe tứ chi rã rời chưa từng thấy. Cô khóc như người vừa mới đón lấy một tai họa.
Chợt cô đứng phắt dậy. Cô chạy ra cửa, thảng thốt gọi:
- Trí! Trí!
… và vừa trông thấy ông Hiệu trưởng đang xăm xăm đi đến. Cô nghĩ có lẽ nên trình bày cho ông Hiệu trưởng nghe về trường hợp thay đổ bất ngờ của thằng bé. Cô mở miệng toan nói thì ông Hiệu trưởng đã đứng lại, hỏi:
- Ủa, bà vừa mới ở lớp ra?
Cô Hòa thở dồn dập:
- Thưa ông Hiệu trưởng, tôi…
- Ơ hay! Sao thằng bé Trí lại nói rằng có “kẻ” chận nó lại trong lớp để đánh nó? Nó vừa khóc vừa chạy mất. Tôi vội đến đây xem ra sao. Thì ra… là bà???
Cô Hòa đứng như chôn chân xuống đất, nghẹn ngào.
Qua Giấc Mù Sương Qua Giấc Mù Sương - Nguyễn Thị Mỹ Thanh