Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa

 
 
 
 
 
Tác giả: Tấn Minh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: quốc huy vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 34
Cập nhật: 2021-01-29 22:22:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ụ Án Thứ 4 - Xác Chết Không Có Mặt (1)
"Chúng ta không sợ chuyện này ảnh hưởng xấu đến xã hội tới mức nào, dù sao án mạng cũng xảy ra rồi. Điều chúng ta cần làm là phải nhanh chóng phá án, như vậy chuyện xấu mới có cơ hội chuyển biến thành chuyện tốt." Nói đến đây, tôi chợt nghĩ đến một điều nên liền hỏi luôn, "Hiện trường có đẫm máu không?"
----------
"Nói đi! Anh định đền bù cho chúng tôi thế nào?" Tôi vứt tập tài liệu vụ án lên bàn làm việc của anh Ngô, giả bộ tức giận.
"Đền bù gì cơ? Sao phải đền bù cho các cậu?" Anh Ngô cười hỉ hả.
"Anh già cả đâm lú lẫn rồi à? Tự mình nói mà giờ lại quên sao?" Tôi nói, "Tôi bảo anh thối mồm anh còn chối. Lần trước anh bảo có án mạng, thế là có án mạng luôn, lần trước anh còn nói "Nếu vụ án này xảy ra lần nữa thành chuỗi án liên hoàn thì rất có khả năng tôi sẽ phát hiện ba chữ đó có ý nghĩa gì". Anh xem, giờ thì nó đến thật rồi đấy, nó thành chuỗi án liên hoàn rồi đấy! Miệng của anh quả là phun vàng nhả ngọc, thiêng không tưởng tượng nổi. Cố lắm thì tôi cũng chỉ làm quạ được thôi, còn anh ấy à, chắc sắp thành Tinh Vệ (1) được rồi đấy!"
(1) Tinh Vệ: tên một giống chim nhỏ mỏ đỏ chân trắng có hình dáng giống con quạ thường sinh sống ở các vùng duyên hải Viễn Đông. Ở đây nhân vật Tần Minh muốn ám chỉ nhân vật anh Ngô là mồm quạ, chuyên nói điều xui rủi.
Quan hệ giữa anh Ngô và chúng tôi rất tốt, nên dẫu đùa hơi quá trớn anh cũng không giận.
"Tinh Vệ ư?" Anh Ngô cười khề khà, "Cậu muốn nói đến loài chim lấp bể chứ gì? Thế thì cậu mới hiểu một nửa thôi! Tinh Vệ không phải là quạ, mà đó là cô con gái út của thần Mặt Trời, sau nàng hóa thành một loài chim nhỏ mỏ trắng, chân đỏ, đầu hoa mơ, thường sinh sống ở núi Phát Cưu. Sở dĩ gọi nó là chim Tinh Vệ là bởi vì tiếng kêu của nó giống như tiếng kêu da diết của nàng Tinh Vệ."
Đối với các nghiên cứu cổ xưa như thiên văn địa lý, chắc chắn tôi không đấu lại anh, thế là tôi trợn mắt cãi cùn: "Vâng, đúng quá còn gì! Thê thiết thế còn gì! Trong vài ngày xảy ra bao nhiêu vụ án mạng."
"Tôi nói cho các cậu biết, tôi cảm thấy nguyên nhân chủ yếu khiến năm nay các cậu không ngơi tay với hàng loạt chuỗi án mạng là bởi vì cặp câu đối của các cậu đấy!" Anh Ngô nghiến răng nói.
Để nâng cao tinh thần văn hóa văn nghệ của Đội Cảnh sát dân phòng, vào dịp Tết năm nay Sở Cảnh sát đã tổ chức cuộc thi viết câu đối, yêu cầu các phòng phải sáng tác một cặp câu đối xuân dựa trên đặc điểm công việc thực tế của từng đơn vị.
Câu đối xuân mà tổ khám nghiệm chúng tôi viết thế này:
Vế trên: Ánh dao bóng cưa dệt thành vạn mắt lưới trời
Vế dưới: Phanh ngực mổ bụng gột rửa ngàn nỗi hàm oan
Hoành phi: Tay quỷ tâm Phật
Chúng tôi nhờ một cựu bác sĩ pháp y đã nghỉ hưu thích thư pháp viết nên câu đối xuân đó bằng lối viết mang đầy ngạo khí bá vương. Khi dán câu đối lên tường, tổ chúng tôi được các tổ khác hết lời khen ngợi, bởi vậy chúng tôi nghiễm nhiên coi như tổ mình đã giành được giải nhất, giải thưởng là một chai dầu gội đầu.
Thành tích này đâu phải dễ dàng mà có được! Tuy hàng năm chúng tôi đều bận đến nỗi vắt chân lên cổ mà chạy, nhưng không biết vì sao kết quả thi sát hạch luôn không bằng các phòng ban khác trong đơn vị. Bởi vậy giải thưởng duy nhất mà chúng tôi đạt được - câu đối xuân - được chúng tôi coi như bảo bối, chúng tôi treo nó trên tường suốt hơn hai tháng, mãi đến khi sắp hè mới gỡ xuống.
"Vạn nỗi hàm oan đấy! Ha ha! Cứ cho mỗi năm các cậu giám định được hai, ba mươi vụ án tại hiện trường." Anh Ngô nói, "Thì phải hơn trăm năm sau mới có thể rửa sạch được vạn nỗi oan đấy! Cậu nghĩ mình là Tôn Ngộ Không sao? Chắc ông trời sợ các cậu không hoàn thành được chỉ tiêu đã đề ra nên mới tằng tằng giao nhiệm vụ cho các cậu đấy!"
Tôi tức đến nỗi nhất thời không thốt nên lời.
Lâm Đào cười nói: "Được rồi, hai anh già rồi mà còn không gương mẫu. Thôi! Không nói chuyện nhăng cuội nữa, chúng ta bàn việc chính nhé!"
Lời nói của Lâm Đào khiến chúng tôi lập tức thôi đùa.
"Đúng rồi! Anh nhận ra đặc trưng viết chữ khác thường gì thông qua mấy chữ viết bằng máu đó không?" Tôi giơ ảnh chụp ra đặt trước mặt anh Ngô.
Anh Ngô nói: "Lâm Đào đã gửi ảnh cho tôi rồi và tôi cũng đã đối chiếu kỹ càng. Từ thói quen viết chữ và đặc trưng rất tinh vi về kiểu chữ thì tôi xác định chắc chắn hung thủ của cả hai vụ án là cùng một người không còn nghi ngờ gì nữa."
"Chúng tôi cũng biết là một người gây án rồi!" Tôi nói, "Từ các phương diện như thủ đoạn gây án, đối tượng sát hại... Hung thủ đều thực hiện giống nhau như đúc."
Anh Ngô nói: "Thì đây là hai vụ án xảy ra ở hai thành phố khác nhau, nên chí ít có thể coi đó là chứng cứ xác định cả hai vụ án này đều do một cá nhân gây ra, chứ không phải một tổ chức hay tập thể gây ra. Chí ít bây giờ chúng ta đã tìm hiểu được quỹ đạo và đường đi nước bước của hung thủ."
Tôi gật đầu công nhận lập luận của anh Ngô.
Anh Ngô nói tiếp: "Còn về đặc trưng đặc biệt đúng là không dễ tìm đâu. Thứ nhất, cả hai vụ án đều chỉ có ba chữ ngắn ngủn thế kia. Thứ hai, vật liệu sử dụng để viết lên lại là vách tường, điều đó khiến mất đi rất nhiều điều kiện giám định. Bởi vậy ban đầu tôi chỉ tiến hành giám định trên tinh thần còn nước còn tát, chẳng ngờ không xem thì không biết, xem rồi đúng là tìm thấy điều đáng mừng đấy!"
"Hả? Điều đáng mừng gì vậy?" Tôi và Lâm Đào đồng thanh hỏi.
Anh Ngô cho hiển thị hai bức ảnh lên màn hình máy vi tính cùng một lúc, rồi nói: "Các cậu có dò ra manh mối gì không? Đừng lãng phí thời gian vào việc tìm hiểu thói quen viết chữ, bởi rốt cuộc đó không thể tính là đặc trưng gì đặc biệt. Tôi gợi ý một chút nhé! Các cậu xem liệu có chữ nào bị viết nhầm không?"
"Tất cả chỉ vỏn vẹn ba chữ, hơn nữa chẳng phải anh cũng từng nói hung thủ là người có trình độ văn hóa nhất định sao? Làm gì có chuyện còn viết sai?" Tôi thắc mắc.
"Trình độ văn hóa và tỷ suất viết sai chữ không nhất định phải tỷ lệ thuận với nhau." Anh Ngô thong thả nói, "Rất nhiều người có trình độ học vấn uyên bác nhưng vẫn có thói quen viết sai chính tả, nếu không thì sao còn hình thành nên Thông giả tự (2)? Mà một số chữ sai do người viết nối liền các nét vào nhau khiến người đọc không dễ phát hiện ra.
(2) Thông giả tự: một phép dùng chữ trong tiếng Hán cổ. Dùng những chữ có âm đọc giống hoặc gần giống để thay cho một chữ khác.
Tôi và Lâm Đào nhìn bức ảnh thật kỹ nhưng vẫn không phát hiện thấy gì.
Anh Ngô mỉm cười bảo: "Nhìn ba chữ 'Thanh đạo phu (3)' này! Chữ 'thanh' viết nhấc nét nên từng chữ viết khá cẩn thận, gãy gọn, còn chữ 'phu' thì các nét chữ khá đơn giản nên cũng không có vấn đề gì, duy chỉ có chữ 'đạo' này..."
(3) Ba chữ 'Kẻ dọn rác' nguyên gốc tiếng Hán là 清道夫 (Thanh đạo phu). Lý giải của nhân vật anh Ngô là lý giải dành cho chữ Hán. Chữ "đạo" 道 bao gồm bộ quai xước 辶 và chữ "thủ" 首. Chữ "thủ" 首 bao gồm bộ thảo đầu 艹 và chữ "tự" 白. Hung thủ viết sai nên đã gạch ba gạch trong chữ "tự" thay vì gạch hai gạch.
"Trong cả hai vụ án, hung thủ đều không viết chữ 'đạo' một cách rõ ràng." Lâm Đào nhận xét.
"Không rõ ràng không thể coi là đặc trưng được!" Anh Ngô nói, "Các cậu thấy không rõ ràng chứ gì? Vậy để tôi phóng to lên cho các cậu xem." Nói xong anh Ngô liền phóng to chữ "đạo" chiếm trọn cả màn hình.
"Khi chúng ta viết chữ đó thì thường viết 'bộ thảo đầu' ở bên trên, kế tiếp đó là chữ 'tự' ở bên dưới, trong khung của chữ 'tự' chỉ có hai gạch ngang, nhưng hung thủ lại quen tay viết thành ba gạch, thế là thành chữ sai. Có thể hắn biết rõ chữ đó chỉ có hai gạch, nhưng khi viết thì lại quen thói viết sai nên mới tạo ra sai lệch như vậy." Anh Ngô giảng giải.
Tôi và Lâm Đào nhíu mày, không rời mắt khỏi màn hình. Dòng chữ máu trên màn hình được phóng to, độ phân giải lại kém nên trông lờ mờ, thêm vào đó hung thủ lại viết quá ngoáy và chữ nhiều nét, nên nom càng mờ hơn. Nhưng đúng là tôi nhìn thấy có ba gạch ngang nhàn nhạt màu đỏ bên trong khung có chữ "tự".
"Anh chắc chắn không đấy?" Tôi cầm bức ảnh xoay ngang xoay dọc.
Anh Ngô châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu rồi chậm rãi nói: "Không chắc chắn lắm, nhưng tại cả hai hiện trường đều phát hiện thấy cùng một đặc trưng, tuy chưa rõ nét lắm nhưng cũng rất đáng ngờ."
"Đặc điểm đó có được tính là đặc trưng đặc biệt không?" Trần Thi Vũ xen ngang.
Anh Ngô đáp: "Chữ viết sai có hằng hà sa số, nhưng nếu viết sai cùng một chữ giống nhau thì không có nhiều người đâu. Bởi vậy tôi cảm thấy nó không có giá trị điều tra loại trừ nhưng chí ít nó có giá trị kiểm định, phân biệt."
Ý nghĩa của việc điều tra loại trừ là có thể lợi dụng đặc trưng này để tiến hành rà soát tất cả những kẻ khả nghi. Vì nếu muốn lấy bút tích chân thực của tất cả những đối tượng khả nghi thì phải lục tìm chữ viết tay trước kia của anh ta. Trong thời đại phổ cập máy tính như hiện nay thì lượng công việc đó vô cùng khổng lồ, bởi vậy cách làm này không khả thi. Thông thường các đặc trưng có giá trị điều tra loại trừ là độ tuổi, chiều cao, giới tính, đặc trưng diện mạo... Vì những yếu tố này dễ đối chiếu tiến hành trực tiếp trong quá trình thẩm vấn, bởi vậy chúng thường được sử dụng làm căn cứ loại trừ. Còn việc kiểm định phân biệt chỉ áp dụng với những nghi phạm trọng điểm mà cảnh sát nghi ngờ, giá trị kiểm định phân biệt cho phép tiến hành phân biệt trọng điểm với một đối tượng đặc thù.
"Nếu nó có giá trị kiểm định phân biệt thật thì cũng tốt lắm rồi. Chúng ta có thể yêu cầu các cảnh sát điều tra tìm nhiều người có điều kiện phù hợp đến phòng thẩm vấn và bí mật lấy bút tích của họ." Trần Thi Vũ góp ý kiến.
"Có điều tôi cứ nói tình huống xấu trước." Anh Ngô nói, "Tôi tìm đặc trưng này trên tinh thần còn nước còn tát, chứ rốt cuộc có chuẩn xác hay không thì khó nói lắm. Các cậu cũng thấy rồi đấy, trong hai vụ án này, chữ 'đạo' đều viết không rõ nét. Đừng để đến lúc cần sử dụng làm căn cứ kiểm định, phân biệt mới phát hiện đặc trưng này chẳng qua là hai lần viết trùng hợp ngẫu nhiên của hung thủ. Tới khi ấy, tôi không gánh vác nổi trách nhiệm đâu đấy."
"Anh nói cũng phải." Tôi nói, "Rốt cuộc đó là thói quen viết sai chữ hay chẳng qua là sự sai lệch của thị giác khi hung thủ viết liền các nét vào nhau thì thật khó nói. Chúng tôi sẽ xử lý thận trọng."
"Chí ít thì từ phần giám định chữ viết này, chúng ta đại khái phỏng đoán được chiều cao của hung thủ rồi còn gì." Anh Ngô tự tin, "Hắn cao tầm một mét bảy mươi, các cậu có thể lấy đây làm điều kiện điều tra loại trừ."
"Quá nhiều người cao tầm một mét bảy." Tôi lắc đầu.
Đại Bảo nói: "Còn giới tính thì sao? Anh Ngô, anh có phán đoán được giới tính của hung thủ không?"
Xem ra Đại Bảo vẫn chắc mẩm với mùi nước hoa mà cậu ta ngửi thấy ở hiện trường lần trước. Khi đó chúng tôi vẫn còn bàn cãi về vấn đề giới tính của hung thủ.
"Đầu tiên, hiện giờ chúng ta vẫn chưa có căn cứ đầy đủ để xác định giới tính của hung thủ." Tôi cắt ngang lời Đại Bảo, "Tiếp đến, tôi nhìn vết thương ở xương sườn và cảm thấy lực tay của nữ giới không thể mạnh đến mức như vậy được."
Anh Ngô day mũi, cau mày nói: "Lần trước chúng ta đã bàn về vấn đề này rồi, việc phán đoán giới tính thông qua rèn chữ không hề có căn cứ khoa học. Nhưng tôi cảm thấy nét chữ của kẻ này rất thanh tú nên cũng không loại trừ trường hợp là do phụ nữ viết."
"Đấy đấy! Anh thấy chưa?" Đại Bảo được đà lên giọng, "Anh Ngô ủng hộ tôi đấy!"
"Anh Ngô chỉ nói không loại trừ thôi, ok? 'Không loại trừ' và 'khẳng định chính xác' là hai khái niệm khác nhau." Tôi nói.
"Chẳng phải nguyên nhân không thể xác định chính xác là vì văn bản mẫu quá ít ỏi đấy sao?" Anh Ngô nói, "Nếu các cậu có thể khiến hung thủ viết thêm mấy tổ từ thì tôi cho rằng đặc trưng sẽ lộ ra rõ ràng hơn, hơn nữa như thế cũng có lợi cho phán đoán của chúng ta."
"Anh cả!" Tôi thực muốn chổng mông vái sống anh, "Làm ơn khép cái mồm Tinh Vệ lại cho tôi nhờ!"
Lần này, mồm quạ của anh Ngô không lập tức hiển linh, chúng tôi trải qua công việc hành chính vô vị trong suốt một tuần chẵn. Cũng như lần trước, phòng chúng tôi lại tụ tập hai lần.
Đương nhiên chúng tôi cũng không thể bỏ bê các vụ án mạng. Trong tuần đó, chúng tôi thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm Phòng Cảnh sát thành phố Long Phiên và Phòng Cảnh sát thành phố Vân Thái về tình hình điều tra "chuyên án Kẻ dọn rác".
Sau một tuần điều tra, các cảnh sát đều bỏ ra rất nhiều công sức nhưng gần như chẳng thu được kết quả gì. Tổ điều tra bắt đầu rà soát từ những người lang thang vì họ nghĩ đến nhân tố gây án là những người lang thang tranh giành địa bàn, rồi họ lại nghĩ đến nhân tố bệnh nhân tâm thần gây án, thậm chí hai thành phố trên còn huy động lực lượng cảnh sát rất hùng hậu để kiểm tra từng đối tượng, họ tiến hành nghiên cứu, phán đoán tất cả các camera xung quanh hiện trường nhưng tuyệt nhiên không tìm ra manh mối nào. Vụ án không chỉ đơn thuần là sa vào tình thế bế tắc mà là hoàn toàn mất phương hướng. Niềm tin của các cảnh sát điều tra bị dập tắt thô bạo, họ không biết phải điều tra thế nào mới phải.
Đương nhiên mấy ngày vắt nát óc cũng chẳng thể giúp chúng tôi có được bước đột phá về phương diện chuyên ngành kỹ thuật hình sự. Hai vụ án này trở thành hai vụ án bỏ ngỏ, mặc dù Sở Cảnh sát tỉnh đã treo biển báo động và liên tục thúc giục tiến độ của chuỗi án liên hoàn, nhưng đơn vị cơ sở trực tiếp thực hiện mệnh lệnh là chúng tôi thì vẫn loay hoay như gà mắc tóc.
Tôi cũng nhắc anh Ngô không quên lưu ý xem trong quá trình giám định chữ viết hàng ngày có phát hiện thấy từ "đạo" không và so sánh với từ "đạo" mà hung thủ viết. Thứ nhất là xem tỷ lệ người viết sai chữ này cao hay không, thứ hai là muốn mò kim đáy bể và ôm cây đợi thỏ xem hung thủ có liên quan đến các vụ án khác mà "dâng" bút tích lên cho chúng tôi kiểm định không. Tất nhiên cách này hoàn toàn là trông chờ vào sự trùng hợp ngẫu nhiên một cách cực đoan để phá án, tuy nhiên hai vụ án đã bế tắc đến nước này thì chỉ còn biết trông mong vào sự tình cờ đó thôi.
Sáng thứ hai, tôi đi làm khá sớm, giở lại album ảnh ăn chơi tụ tập của phòng mà Trần Thi Vũ chụp và lưu lại trong máy tính. Càng xem lại càng thấy thú vị, bụng Linh Đan đã lùm lùm, Đại Bảo và chị Bảo vòng tay uống rượu giao bôi, các cô bạn gái mới của Hàn Lượng liên tục được thay đổi... Đột nhiên chuông điện thoại reo vang, số máy hiển thị trên màn hình điện thoại giúp tôi biết người gọi đến là thầy. Tôi nhăn mày biết lại có việc làm rồi.
"Giờ là bảy giờ năm mươi chín phút." Thầy nghiêm giọng, "Tôi gọi đến xem các cậu có đi làm muộn hay không."
Tôi thầm nhủ trong bụng thì ra thầy cũng thích soi học trò, may mà hôm nay tôi lại đến sớm.
Dường như thầy đọc được suy nghĩ của tôi nên nói tiếp: "Đương nhiên tôi gọi điện đến không chỉ đơn thuần để kiểm tra việc chuyên cần của các cậu mà còn muốn làm phiền các cậu một chút. Khi nãy tôi vừa nhận được thông báo của trung tâm chỉ huy, ở huyện Khánh Hoa vừa xảy ra một vụ án mạng, hai người tử vong, điều tra bước đầu cho thấy đây là vụ án cố tình sát hại, Phòng Cảnh sát cần chúng ta đến chỉ đạo và trợ giúp, các cậu chuẩn bị xuất phát đi!"
"Không phiền! Không phiền mà thầy!" Tôi rối rít đáp lại với giọng hơi kích động. Từ sau vụ thảm án một lúc sát hại năm người ở nhà Miêu Chính thì đã lâu chúng tôi không gặp vụ nào bị sát hại từ hai người trở lên. Tôi mơ hồ cảm nhận vụ án này có gì đó liên quan đến chuỗi huyết án "Kẻ dọn rác".
Tôi buông điện thoại xuống cũng là lúc Đại Bảo, Lâm Đào và Trần Thi Vũ bước vào phòng.
Tôi liếc ba người họ, rồi thủng thẳng cất giọng rất gian: "Thầy vừa gọi điện đến kiểm tra chuyên cần."
Lâm Đào ngó lơ, quay người vào phòng vệ sinh vuốt lại mái tóc bị gió thổi rối bời của cậu ta. Trần Thi Vũ cảnh giác kiểm tra lại máy vi tính đã bị tôi bật lên. Chỉ duy Đại Bảo hoảng hốt hỏi: "Á? Thật không? Thầy... thầy có hỏi tôi không?"
Nhìn bộ dạng lo lắng và giọng nói lắp bắp của cậu ta, tôi phá lên cười: "Đi thôi! Huyện Khánh Hoa vừa xảy ra án mạng."
Đại Bảo lập tức hỏi theo thói quen: "Mấy cỗ?"
Tôi giơ hai ngón tay, rồi xách hòm dụng cụ nhanh chân bước xuống tầng.
Huyện Khánh Hoa trực thuộc thành phố Thanh Hương, nằm ở phía bắc của tỉnh, đó là nơi giao nhau giữa ba tỉnh.
So với các huyện thành vùng biên khác, trị an ở huyện Khánh Hoa khá yên ổn. Tôi làm việc ngần ấy năm mà mới đến đây trợ giúp phá án hai, ba lần. Nhưng trong ấn tượng của tôi, huyện thành này không có án thì thôi, mà hễ xảy ra án lại toàn án động trời. Tuy số lượng án mạng không nhiều nhưng tần suất phá được án lại không cao, đặc biệt còn xuất hiện những vụ án mạng vô cùng nan giải. Nghĩ đến đây tôi không khỏi thầm lo lắng.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự huyện Khánh Hoa mồ hôi nhễ nhại đứng đợi chúng tôi ở lối ra đường cao tốc. Anh là một cảnh sát lão thành, tuy chưa đến năm mươi tuổi nhưng đã có ba mươi năm kinh nghiệm làm cảnh sát hình sự, hơn nữa anh lại quả cảm, tác phong uy nghi lẫm liệt nên được các đồng nghiệp trong tỉnh rất kính trọng.
"Ô? Anh Triệu đích thân đến đón chúng tôi sao?" Tôi xuống xe hàn huyên.
Trưởng phòng Triệu dường như vẫn chưa dứt cơn bực mình, anh chửi thề: "Con bà nó! Đúng là xui tận mạng! Không biết thằng cha phóng viên nào vừa khéo đi ngang qua hiện trường, lén chui vào khu vực phong tỏa, nhòm vào cửa sổ phía sau hiện trường, rồi chụp một bức ảnh tung lên mạng. Bây giờ cả Sở Cảnh sát và Phòng Cảnh sát đều đang xả cơn giận lên đầu tôi."
"Bị chụp trộm à?" Tôi cười hì hì, "Chuyện nhỏ ấy mà! Suốt ngày chúng tôi bị chụp trộm đấy thôi! Chỉ cần họ không gắn thêm cái tiêu đề ngậm máu phun người là được. Lần trước có một vụ án được giới truyền thông rất quan tâm, khi các bác sĩ pháp y chúng tôi vào phòng bệnh tiến hành khám nghiệm tình trạng vết thương cho người bị thương thì bị một phóng viên chụp ảnh trộm. Việc này lẽ ra hết sức bình thường đúng không? Ngày nào bác sĩ pháp y chẳng làm những công việc như vậy? Thế mà vị phóng viên đó lại thông minh hơn những bác sĩ pháp y luôn nghĩ đơn giản như chúng ta nhiều, anh ta đã đặt một tiêu đề rất kêu cho bức ảnh đó, rồi còn viết cái gì mà cảnh sát canh phòng nghiêm ngặt ngoài phòng bệnh 24/24 giờ không cho nạn nhân được phép trao đổi thông tin với người ngoài. Đúng là bịa đặt trắng trợn! Một vụ án đơn giản thế mà lại bị xào xáo thành vụ án ẩn chứa âm mưu đen tối khổng lồ phía sau, ha ha!"
"Hả? Lại còn chuyện đó nữa sao?" Trưởng phòng Triệu lập tức thấy tâm lý cân bằng trở lại, anh nói, "Có điều hiện trường lần này rất máu me, tình trạng tử vong của người chết rất thảm. Bởi vậy bức ảnh kia vừa được tải lên mạng là lập tức thu hút sự chú ý của rất nhiều người, gây ảnh hưởng cực kỳ không tốt đối với xã hội."
"Chúng ta không sợ chuyện này ảnh hưởng xấu đến xã hội tới mức nào, dù sao án mạng cũng xảy ra rồi. Điều chúng ta cần làm là phải nhanh chóng phá án, như vậy chuyện xấu mới có cơ hội chuyển biến thành chuyện tốt." Nói đến đây, tôi chợt nghĩ đến một điều nên liền hỏi luôn, "Hiện trường có đẫm máu không?"
Trưởng phòng Triệu gật đầu, vẻ mặt không giấu được nét bi thương: "Hầy! Hai ông bà già! Mất hết cả mặt."
"Hả?" Đại Bảo kinh ngạc kêu lên, "Không... không còn mặt sao?"
Trưởng phòng Triệu lắc đầu thở dài không đáp, anh quay người chui vào trong xe dẫn chúng tôi đến hiện trường vụ án. Chiếc xe lao đi vun vút.
Kẻ Dọn Rác
Tần Minh
Vụ Án Thứ 4 - Xác Chết Không Có Mặt (2)
Xe men theo đường quốc lộ của thôn chạy về hướng đông, sau khi đến huyện thành, tầm nhìn trở nên khoáng đạt rất nhiều, trước mặt chúng tôi là một bình nguyên rộng lớn. Dường như thôn xóm ở đây sống không tập trung, các hộ thường xây nhà ở hai bên đường, phía sau nhà chính là "căn cứ địa" của nhà mình.
Mặc chiếc xe rung lắc, tôi giở tập hồ sơ mà trưởng phòng Triệu đưa cho lúc trước và đọc lý lịch của hai người bị hại. Thi thể nam tên là Trịnh Khánh Hoa, là người huyện Khánh Hoa chính gốc, năm nay đã tám mươi mốt tuổi. Theo tình hình điều tra, sức khỏe của ông cụ rất tốt, tất cả công việc đồng áng trong nhà đều do mình ông gánh vác. Thi thể nữ là cụ bà Trịnh Kim Thị, vợ của ông cụ Trịnh Khánh Hoa, năm nay bảy mươi chín tuổi, bà là người huyện khác, hơn năm mươi năm trước được gả đến Trịnh gia. Cụ bà cũng rất khỏe mạnh, nhiều tuổi vậy rồi mà gần như chưa hề phải đi bệnh viện.
"Nếu không bị sát hại thì có lẽ hai cụ phải sống đến trăm tuổi." Đại Bảo nói.
"Sống chết có số, phú quý nhờ trời mà!" Tôi thở dài.
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã đến được địa điểm cần đến. Xe của trưởng phòng Triệu dẫn đầu đoàn xe chạy bon bon trên đường cái dẫn vào thôn. Khi đến trước cổng một hộ gia đình, xe của ông chợt dừng lại. Đây là bãi đỗ xe thuê tạm thời của đoàn cảnh sát, mấy chiếc xe đỗ ngổn ngang ở đó. Phía bên kia đường đối diện với hộ gia đình này là một ngôi nhà được căng dây cảnh báo, có lẽ đó chính là hiện trường.
Có thể vì trước đó hiện trường xảy ra sơ sót mất mát gì đó nên việc phòng vệ ở ngoại vi hiện trường được tăng cường rõ rệt, mỗi góc của khu vực phong tỏa đều có hai nhân viên mặc cảnh phục đứng gác, có thể đó là cảnh sát dân sự hoặc cũng có thể là cảnh sát nghĩa vụ vai đeo cấp hiệu học viên.
Trưởng phòng Triệu đứng bên vệ đường chỉ tay vào ngôi nhà phía trong hiện trường bảo: "Hôm nay là thứ hai, cứ đến thứ hai hàng tuần là anh Trịnh Nhàn Phúc, con trai của hai cụ ấy lại đến thăm, đại khái giống như kiểu vấn an thời xưa đó! Sáng sớm nay, Trịnh Nhàn Phúc đến thăm bố mẹ thì phát hiện cổng mở toang hoang, sau khi bước vào hiện trường, anh ta phát hiện hai cụ đều đã gặp nạn, thế là vội vàng gọi điện báo cảnh sát. Bác sĩ pháp y chỗ chúng tôi cũng vừa làm khám nghiệm đơn giản ở bề ngoài, xác định hai cụ ấy gặp nạn từ tối qua."
Ngôi nhà hiện trường nằm ở phía bắc con đường, địa thế thấp hơn mặt đường một chút, cổng cách vệ đường chừng hơn chục mét. Mặt đất phía trước cửa là mặt phẳng trải đá, có lẽ trước đây dùng làm sân nhà. Đứng ở vệ đường ngó vào trong có thể thấy kết cấu chỉnh thể của căn nhà. Đây là dạng nhà vườn một cổng một vườn, từ cổng đi vào sẽ thấy bên trái là chuồng lợn và chuồng gà, chính giữa là phòng khách tương đối rộng rãi, phía phải là một chái nhà nhỏ, nghe cảnh sát điều tra giới thiệu đó là gian phòng vừa dùng làm phòng ngủ lại vừa dùng làm nhà bếp, ngay cửa kê một bệ bếp, trong phòng còn có giường.
"Hai cụ là người thế nào?" Trần Thi Vũ hỏi cảnh sát điều tra. Tôi biết hiểu nhiều về tình hình điều tra tiền kỳ sẽ giúp ích cho việc điều tra phát hiện và phân tích hiện trường.
"Ừm!" Cậu cảnh sát điều tra nhíu mày ra chiều suy nghĩ, rồi đáp: "Câu hỏi của cô hơi khó trả lời. Nếu tổng hợp các điều tra của chúng tôi thì họ là người bình thường."
"Câu này có nghĩa gì?"
"Thông thường khi điều tra tính cách hoặc hành xử của một người thì đại đa số đều cho ra kết quả là người bình thường." Cậu cảnh sát giải thích, "Nghĩa là có người sẽ đánh giá tốt, có người sẽ đánh giá không tốt. Rất ít người được đám đông khen nức nở là người tốt toàn diện hoặc phản ánh là người xấu toàn phần. Con người mà lại! Sống ở trên đời luôn có người gần gũi với mình hơn, cũng luôn có người xa cách mình hơn."
"Cậu nói có lý!" Tôi cảm thán, "Trách gì có người nói, tuy điều tra và kỹ thuật hình sự thuộc cùng một bộ môn, nhưng nội dung nghiên cứu lại khá khác biệt. Chuyên ngành của chúng tôi thuộc khoa học tự nhiên, còn chuyên ngành điều tra của các cậu lại thuộc khoa học xã hội."
Cậu cảnh sát điều tra nói tiếp: "Ý kiến duy nhất tương đối thống nhất là tình cảm hai vợ chồng ông lão rất mặn nồng. Bao nhiêu năm lấy nhau mà chưa ai nhìn thấy hai ông bà cãi nhau. Về điểm này, họ là tấm gương của mọi người dân trong thôn."
"Điều đó có nghĩa là không có chuyện họ bị sát hại do thù hận về tình phải không?" Trần Thi Vũ hỏi.
"Bằng ấy tuổi rồi ai còn nghĩ đến chuyện giết nhau vì tình nữa!" Lâm Đào nói, "Đương nhiên vấn đề cô đưa ra cũng rất hay."
Đại Bảo nói: "Ô! Cũng chưa hẳn đâu nhé! Vụ án lần trước tôi xử lý..."
"Vậy họ có quan hệ mâu thuẫn nào rõ rệt không?" Tôi cố tình xen ngang để lái câu chuyện của Đại Bảo sang hướng khác, "Đã xác định tính chất vụ án chưa?"
"Chỉ e mời các anh đến đây chủ yếu là để giải quyết vấn đề tính chất vụ án." Trưởng phòng Triệu cắt lời, "Chúng tôi khẳng định chắc chắn không có quan hệ mâu thuẫn rõ rệt, nhưng có mâu thuẫn kín đáo hay tiềm tàng nào không thì khó nói. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa lần ra manh mối nào, cũng chưa xác định được phương hướng điều tra."
Những vụ án giết người do các mâu thuẫn tiềm ẩn không hề hiếm gặp. Có khả năng chỉ vì vấn đề khác biệt tính cách hoặc vì những chuyện vặt vãnh cũng có thể dẫn đến xung đột và giết người, cũng có thể vì một bí mật không thể công khai, những mâu thuẫn giấu trong lòng hung thủ và người bị hại, hoặc cũng có thể vì những mâu thuẫn vừa mới phát sinh cũng có khả năng gây ra án mạng. Nói cách khác, án mạng xảy ra trong tình trạng giữa hai bên tồn tại mâu thuẫn mà người ngoài không hề hay biết.
Tôi gật đầu, vẫy tay gọi Lâm Đào và Đại Bảo men theo con đường trải đá đi xuống về phía cửa của căn nhà tại hiện trường.
Mấy cậu nhân viên kỹ thuật hình sự đang quét dấu vân tay trên cánh cửa.
"Có phát hiện thấy gì không?" Lâm Đào hỏi.
Cậu nhân viên kỹ thuật hình sự lắc đầu: "Loại cửa này là loại cửa hai cánh đối nhau kiểu cũ, bên trong có then cài. Nhưng then cửa lại là then gỗ với các mặt thô ráp, mặt cắt không tốt lắm nên nhiều khả năng dấu vân tay không còn lưu giữ trên then cửa."
"Nhưng mặt cửa được đánh ráp nhẵn cũng không lưu dấu vân tay sao?" Lâm Đào thắc mắc.
Cậu kỹ thuật viên thở dài: "Cũng không có! Không chỉ không thấy dấu vân tay mà ngay cả vết máu cũng hoàn toàn không có!"
Lúc này, tôi đã ra ngoài vườn, đi một vòng qua các phòng. Vì sợ bị phóng viên chụp ảnh trộm lần nữa nên cảnh sát đã chuyển thi thể đi chỗ khác, nhưng tôi vẫn nhìn thấy vết máu lớn đến hãi hùng ở trong chái nhà được sử dụng làm phòng ngủ kiêm phòng bếp.
"Tại hiện trường có nhiều vết máu lớn, có thể suy đoán nạn nhân tử vong do mất máu quá nhiều." Tôi suy đoán, "Như vậy trên cơ thể và trên tay hung thủ chắc chắn phải dính rất nhiều máu. Nếu hắn muốn mở cửa rời đi thì có thể hắn không để lại dấu vân tay trên then cửa, nhưng chắc chắn phải để lại dấu máu trên cánh cửa, thế mà thực tế lại không có, điều đó chứng tỏ khi ấy cửa đang mở và hắn không cần thiết phải mở cửa."
"Ý anh là hung thủ quen biết nạn nhân, nhắn gõ cửa vào phòng và khi ấy cửa không đóng sao?" Lâm Đào vỡ ra.
Tôi nói: "Điều đó cũng khó nói lắm, nhưng chắc chắn hắn không phải nạy cửa xâm nhập vào trong, bởi vì trên then cửa không hề có dấu vết nạy bẩy. Như thế hoặc là hắn gõ cửa vào nhà hoặc là hắn lẻn vào nhà. Muốn biết hắn vào bằng cách nào thì phải xem thời gian gây án là lúc nào và lúc đó nạn nhân đã cửa đóng then cài đi ngủ hay chưa."
"Hiện trường trung tâm là phòng ngủ kiêm phòng bếp." Giọng trưởng phòng Triệu sau lớp khẩu trang nghe khào khào, "Cổng vườn và cửa chái bếp liền kề nhau, chỉ cần bước vào cổng, rẽ phải là vào ngay hiện trường trung tâm."
Nói xong, trưởng phòng Triệu kéo tôi vào hiện trường trung tâm. Anh chỉ chiếc bàn vuông khá nhỏ ở ngay cửa hiện trường trung tâm và nói: "Thi thể của bà cụ nằm trên chiếc bàn vuông này. Các cậu có thể thấy xung quanh bàn có rất nhiều vết máu bắn ra theo hình tỏa tia."
Sau đó anh quay sang bệ bếp đối diện với chiếc bàn vuông, nói tiếp: "Thi thể cụ ông nằm phủ phục ở đống củi cạnh bệ bếp, trên bệ bếp cũng có nhiều vết máu lớn hình tỏa tia. Ngoài ra khắp hiện trường trung tâm đều có các vết máu hình phun tia, kéo lê, nhỏ giọt hoặc quăng quật, có thể suy đoán người bị hại và hung thủ từng trải qua quá trình vật lộn, giằng co."
Tôi nhìn chiếc bàn nhỏ hình vuông ở cửa, rồi lại nhìn ra cổng, vách tường bao quanh vườn phía ngoài hiện trường trung tâm, rồi nói: "Không đúng! Bà cụ bị sát hại ở ngay cửa hiện trường trung tâm. Nhìn vết máu tại hiện trường có thể thấy rất nhiều máu phun ra ồ ạt. Máu đã phun thì không thể chỉ phun vào trong phòng mà còn phải phun ra cả ngoài phòng nữa mới phải, nhưng đằng này phía ngoài phòng hoàn toàn không có vết máu, tại sao vậy? Vị trí cửa giống như lằn ranh giới, thế mà trong phòng rất nhiều máu, ngoài phòng lại không một vết máu trong khi cửa phòng đang mở, điều này quá vô lý!"
Trưởng phòng Triệu nhíu mày, sờ cằm, nói: "Có lý! Trước đây chúng tôi không phát hiện ra vấn đề đó. Thế này vậy, tôi sẽ cắt cử người điều tra, có điều theo anh nên điều tra vấn đề này như thế nào?"
Tôi cười đáp: "Rất đơn giản, chắc chắn phải có vật ngăn cản ở giữa thì máu mới không bị bắn ra phía ngoài cửa. Đương nhiên, nếu vật chắn chính là người hung thủ thì không thể ngăn cản vết máu một cách hoàn toàn như thế được, bởi vậy tôi cảm thấy liệu có phải là vật gì đó tương tự như rèm cửa không?"
Trưởng phòng Triệu gật đầu, quay người rời đi.
Trên chiếc bàn nhỏ hình vuông ở hiện trường trung tâm có một vết máu rất lớn. Tôi mở hòm dụng cụ khám nghiệm lấy một chiếc panh cầm máu, rồi nhúng vào vết máu bới tìm. Chẳng bao lâu sau, tôi tìm được một ít tóc và vài mảnh xương vụn từ vũng máu. Rõ ràng đây là tóc và mảnh xương sọ của người chết, tôi dần dần hiểu ra vì sao trưởng phòng Triệu lại nói hai cụ già này lại không có mặt.
Lâm Đào nhìn ngó tìm kiếm quanh công tắc điện phía trên chiếc bàn vuông, rồi nói: "Trên công tắc không có dấu tay máu. Nút công tắc bị bắn máu tứ tung nên không thể lấy nổi dấu vân tay qua mồ hôi."
Tôi ngẩng đầu nhìn bóng đèn tiết kiệm điện treo trên chính giữa nóc nhà, bảo: "Đèn vẫn bật, điều đó chứng tỏ hai vấn đề, thứ nhất, thời gian hung thủ gây án là khi trời còn tối, thứ hai, khả năng nạn nhân là người bật điện tương đối lớn. Nếu sau khi gây án, hung thủ không tắt điện thì tất nhiên trên công tắc điện cũng không thể có dấu vân tay của hung thủ."
"Thi thể của cụ bà Trịnh Kim Thị nằm ngửa trên bàn, eo nằm sát viền ngoài bàn." Thể theo yêu cầu của chúng tôi, một nhân viên kỹ thuật hình sự thông thạo tình hình hiện trường miêu tả lại trạng thái lúc mới kiểm tra hiện trường, "Điều đó có nghĩa là nửa thân trên của nạn nhân bị ấn trên bàn đến mức bị tổn thương, còn thi thể của Trịnh Khánh Hoa thì cuộn người nằm nghiêng ở bệ bếp."
"Ý câu là bà cụ bị tấn công trong trạng thái cố định, còn cụ ông tử vong sau khi vật lộn với hung thủ, đúng không?" Tôi hỏi.
"Đúng vậy!" Nhân viên kỹ thuật hình sự gật đầu, "Ý tôi chính là thế."
"Hiện trường có bị đảo lộn không?" Trần Thi Vũ hỏi.
"Không! Cả hiện trường không hề bị xáo trộn chút nào!" Nhân viên kỹ thuật hình sự đáp.
"Có thể loại trừ khả năng giết người cướp của không?" Tôi hỏi.
Nhân viên kỹ thuật hình sự đáp: "Có vẻ chưa chắc chắn loại trừ khả năng này. Hình như phía tổ chuyên án có manh mối gì đó, đợi họ khám nghiệm tử thi xong, chúng ta qua đó hỏi họ. Nghe nói họ cho rằng nếu hung thủ là người rất quen thuộc với nạn nhân thì kẻ đó sẽ biết đồ vật có giá trị được cất giữ ở đâu và như thế hắn có thể đến thẳng đó lấy mà không cần phải lục tung mọi thứ, gây xáo trộn hiện trường. Các anh cũng nhìn thấy rồi đấy, hai ông bà này nghèo rớt mồng tơi, ngoài bốn vách tường ra thì gần như chẳng có tài sản gì có giá trị."
"Ô?" Tôi phát hiện tuy vết máu ở hiện trường trung tâm rất hỗn loạn nhưng căn cứ vào vị trí và vết máu của người chết có thể phán đoán sau khi hung thủ ấn cụ bà xuống bàn và sát hại thì hắn tiếp tục vật lộn trong thời gian ngắn với cụ ông ở trong phòng, vì sức lực đôi bên quá chênh lệch nên ông cụ bị trọng thương và tử vong. Như vậy chúng tôi đã hoàn thành việc tái hiện lại hiện trường, nhưng cho dù hoàn thành công tác tái hiện hiện trường thì cũng không giúp gì nhiều cho việc phân tích quá trình gây án và khắc họa chân dung nghi phạm.
"Bây giờ mọi người đều xác định lối ra vào của hung thủ là qua cổng lớn phải không?" Tôi hỏi cậu nhân viên kỹ thuật hình sự.
Cậu nhân viên kỹ thuật hình sự gật đầu vẻ chắc chắn như chém đinh chặt sắt: "Điều này hoàn toàn có thể khẳng định là đúng. Tường bao quanh vườn cao hơn hai mét, nếu có người trèo tường vào nhà thì chúng tôi có thể tìm thấy dấu vết trèo qua tường một cách dễ dàng. Trước đó, khi chúng tôi mới vào hiện trường, việc đầu tiên là tiến hành kiểm tra bốn vách tường quanh nhà, cửa sổ bốn phía đều có song sắt, không ai có thể chui vào được, bờ tường cũng nguyên vẹn, không hề phát hiện bất kỳ dấu vết giẫm đạp hay leo trèo."
"Nếu quả thật có ai đó trèo tường mà khiến chúng ta không thể phát hiện được thì chỉ có thể xảy ra ba khả năng. Thứ nhất là thời gian điều tra và thời gian gây án cách nhau quá xa nên dấu vết biến mất, thứ hai là trời mưa to gột sạch mọi dấu vết, thứ ba là vách tường quá thấp, hung thủ có thể nhảy qua. Cả ba tình huống trên đều không phù hợp với vụ án này, bởi vậy có thể khẳng định chắc chắn hung thủ vào nhà bằng lối cửa chính." Lâm Đào phổ cập cho tôi kiến thức giám định dấu vết chuyên nghiệp.
"Hơn nữa theo như chúng tôi điều tra thì..." một cậu cảnh sát điều tra đứng cạnh nói chêm vào, "tinh thần cảnh giác của hai cụ già này rất cao. Mười năm trước họ từng bị trôm đột nhập vào nhà một lần và lấy mất hơn một trăm tệ. Từ đó trở đi, hai cụ luôn đề phòng mọi người, họ còn bỏ tiền đôn bờ tường cao lên, bởi vậy cá nhân tôi nghiêng về khuynh hướng hung thủ là người quen."
"Người quen à?" Tôi trầm ngâm, "Được rồi! Để tôi ra ngoài đi loanh quanh một vòng xem sao."
Tôi bước ra khỏi hiện trường trung tâm, quá bộ đến cửa phòng khách ở phía bắc khu vườn. Trong phòng khách rất ngăn nắp, gọn gàng, không hề có dấu hiệu bị xáo trộn, lục lọi. Vì phòng khách không giống có người từng vào đây nên cảnh sát điều tra hiện trường mới không coi nơi này là trọng điểm, bởi vậy hòm dụng cụ giám định và các thiết bị kiểm tra đều chồng thành đống ở giữa phòng khách.
Tôi vòng qua đám đồ dùng gia đình ở bốn phía phòng khách và đi ra ngoài, đột nhiên tôi phát hiện thấy điểm khác thường. Nhìn bề ngoài thì công cụ trong phòng khách đều được sắp xếp rất gọn gàng, đồ dùng trong tủ được bày biện ngăn nắp, không hề có biểu hiện gì khác thường. Ở góc đông nam của phòng khách dựng một vài loại nông cụ như xẻng, cào sắt, chổi... Giờ đang là tháng 4, vẫn đang trong thời điểm nông nhàn nên các công cụ chỉ nằm đắp bụi ở đó, nền nhà nơi dựng nông cụ cũng ngập đầy bụi. Nhưng có một khoảng nhỏ giữa đám bụi đó lại rất sạch sẽ, không cần nghĩ cũng biết đó vốn là nơi đặt vật dụng gì đó.
Tôi thận trọng nhấc từng công cụ ra một, mỗi khi nhấc một công cụ lên đều thấy vị trí mặt sàn nơi đặt công cụ là một khoảng sạch sẽ không một hạt bụi, chỉ duy vị trí đựng chổi cọ là vẫn thấy bụi xuất hiện trên sàn nhà.
Tôi vội vàng gọi Lâm Đào đến, chỉ cho cậu ta xem điều tôi vừa mới phát hiện.
"Điều này chứng tỏ có người đã cầm vào cây chổi." Lâm Đào nói, "Có điều tôi không giám định thấy dấu vân tay mới trên cán chổi."
"Sao có chuyện đó được? Có người cầm vào cán chổi mà lại không lưu dấu vân tay sao? Lẽ nào kẻ đó đeo găng tay?" Trần Thi Vũ hỏi.
Lâm Đào cười đáp: "Dấu vân tay cũng giống như ADN vậy, một khi vật bị ai đó chạm vào thì rất có khả năng trên vật đó sẽ in dấu vân tay của người cầm nó, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả nhũng vật bị chạm vào đều nhất định sẽ lưu lại dấu vân tay. Những dấu vân tay không lưu lại trên vật hoặc những dấu vân tay lưu lại nhưng không thể giám định được chiếm tỷ lệ khá lớn, mà nhân tố gây ra tình trạng đó cũng vô cùng nhiều."
"Ô, vậy à?" Trần Thi Vũ nhìn cây chổi, mũi chổi rất bẩn, lại còn bám nhiều vật thể không xác định và còn có dấu vết bị cháy, duy dấu máu là tuyệt nhiên không thấy."
"Cán chổi và đầu chổi đều không có vết máu, điều đó chứng tỏ nó không liên quan lắm đến vụ án này." Tôi vừa nói vừa ngẩng đầu suy nghĩ. Đột nhiên một tia sáng màu trắng lọt vào mắt, tôi bật kêu lên, "Lông Vũ, mau gọi cậu nhiên viên kỹ thuật hình sự lại đây giúp tôi!"
Vì Đại Bảo toàn quên tên của Trần Thi Vũ nên giờ đây cô ấy nghiễm nhiên có thêm biệt hiệu là Lông Vũ. Trần Thi Vũ nghe tôi bảo liền quay người vào trong nhà gọi nhân viên kỹ thuật hình sự.
Kẻ Dọn Rác
Tần Minh
Vụ Án Thứ 4 - Xác Chết Không Có Mặt (3)
"Các cậu bật đèn trong phòng khách phải không?" Tôi chỉ chiếc bóng điện đang tỏa ra những tia sáng yếu ớt trên trần nhà và hỏi.
Cậu nhân viên kỹ thuật hình sự lắc đầu: "Không! Chúng tôi không hề động đến bóng điện. Khi chúng tôi đến hiện trường thì trời đã sáng rõ, không cần thiết phải bật điện. Có điều chúng tôi cũng không chú ý đến bóng điện lại được bật sáng."
"Thế cậu phóng viên lén vào hiện trường chụp trộm ảnh có khả năng bật điện không?" Tôi lại hỏi.
Cậu nhân viên kỹ thuật hình sự đáp: "Không thể xảy ra khả năng đó! Anh ta đứng ngoài cửa sổ chụp trộm thôi, chứ chưa hề vào trong hiện trường."
"Vậy còn người báo cảnh sát về vụ án này thì sao?" Tôi hỏi tiếp, "Người báo cảnh sát đã vào đến phòng khách chưa?"
"Chưa." Nhân viên kỹ thuật hình sự đáp, "Người báo án chỉ cần đứng ở cổng vườn là có thể nhìn thấy thi thể của cụ Trịnh Kim Thị nằm trên chiếc bàn vuông ngay ở cửa hiện trường trung tâm, nên không cần thiết phải vào tận trong phòng khách."
Cậu nhân viên kỹ thuật hình sự lấy dấu vân tay trên công tắc điện nói thêm: "Tôi đã kiểm tra dấu vân tay ở đây rồi, nó đồng nhất với dấu vân tay mà tôi thu thập được trên người nạn nhân, có lẽ chính cụ ông đã bật điện phòng khách."
"Vậy à?" Tôi thoáng thất vọng, "Xem ra khi hung thủ vào hiện trường thì nạn nhân vẫn chưa ngủ. Nói không chừng họ còn tán gẫu một hồi ở phòng khách. Nhưng vì sao hung thủ không giết người luôn ở phòng khách mà phải đợi vào phòng ngủ mới xuống tay sát hại? Nếu hung thủ và nạn nhân cùng rời khỏi phòng khách, thì vì sao trước khi đi nạn nhân không tắt điện phòng khách luôn?"
"Điều này cũng khó nói." Đại Bảo giải thích, "Không chừng chủ nhà ngủ quên không tắt điện thì sao? Cũng có thể họ có thói quen ngủ mà không tắt điện phòng khách, hoặc hung thủ vào nhà trong khi nạn nhân vẫn chưa ngủ... Tôi cảm thấy việc này không có bao nhiêu tác dụng đối với việc phân tích vụ án này."
Tôi gật đầu: "Hiện trường ở đây không còn gì đáng xem nữa. Bây giờ đành phải lấy mẫu máu ở nhiều chỗ mang đi xét nghiệm xem sao, hy vọng hung thủ tự làm mình bị thương và chảy máu ở hiện trường, còn chúng ta vừa khéo lấy được máu của hắn. Được thế thì tốt quá!"
Tôi biết công việc này chẳng khác nào mò kim đáy bể, bởi vậy cũng không dám ôm hy vọng nhiều, chỉ làm lấy lệ mà thôi.
"Đúng rồi! Bên ngoài phòng có một hiện trường liên quan, trưởng khoa Tần có muốn đến xem không?" Bác sĩ pháp y huyện Khánh Hoa họ Hậu lên tiếng.
"Thật sao? Có hiện trường liên quan sao?" Mắt tôi bừng sáng, lập tức nối gót bác sĩ pháp y Hậu bước ra ngoài vườn. Men theo con đường nhỏ cạnh tường bao quanh, tôi vòng ra ngoài bức tường phía bắc của ngôi nhà. Vì vị trí này bị ngôi nhà chắn tầm mắt nên đứng từ đường cái ở phía nam ngôi nhà nhìn vào thì sẽ không nhìn thấy.
Chân tường có một đống tro.
"Gì thế này?" Tôi ngồi xổm xuống, lấy kìm cầm máu bới tung đống tro.
Bác sĩ pháp y Hậu nói: "Sau khi đến hiện trường, chúng tôi lập tức lục soát ngoại vi hiện trường, thứ đầu tiên chúng tôi tìm thấy chính là đống tro này. Chúng tôi đều cảm thấy khả nghi nên đã gọi cảnh sát điều tra đến tìm hiểu, đồng thời tiến hành sàng lọc cả đống tro. Cảnh sát điều tra hai điểm. Thứ nhất, vị trí này là nơi hai ông bà cụ chất rơm, vì hai cụ vẫn nấu cơm bằng bếp củi nên cần dùng đến rơm. Vườn nhà hơi nhỏ, không có nơi chất rơm, trong khi ở đây có mái hiên che nắng che mưa, nên hai cụ mới dùng làm nơi chất rơm, chỗ này quanh năm đều có rơm. Điểm thứ hai, bảy rưỡi tối qua, một hộ gia đình cách nhà hai cụ tầm mấy trăm mét về phía bắc còn nhìn thấy ở chỗ này hắt ra ánh lửa."
"Chắc chắn lúc đó là bảy rưỡi không?" Tôi hỏi.
"Chắc chắn!" Bác sĩ Hậu khẳng định, "Vì khi ấy họ vừa xem xong chương trình thời sự."
"Chắc sau khi giết người, hắn muốn đốt nhà thiêu xác, hủy chứng cứ đây mà!" Đại Bảo phỏng đoán, "Ở rất nhiều vụ án, hung thủ đột nhập vào nhà nạn nhân ăn trộm rồi giết người, sau đó phóng hỏa hủy tang chứng."
"Đúng thế!" Lâm Đào tán đồng, "Lúc bảy rưỡi chắc hai cụ vẫn chưa ngủ nhỉ?"
"Tôi vừa hỏi rồi, bên điều tra cho biết hai cụ sinh hoạt rất điều độ." Trần Thi Vũ nói, "Lúc đó hai cụ đều đang làm mấy việc vặt trong nhà, điều đó vừa vặn có thể giải thích vì sao đèn trong phòng khách vẫn thắp sáng."
"Không phải vậy!" Tôi nói, "Mọi người không nhớ sao? Thi thể cụ ông nằm cạnh bệ bếp, bên cạnh bệ bếp chất rất nhiều rơm. Nếu hung thủ muốn đốt thi thể nhằm tiêu hủy tang chứng thì vì sao hắn không châm lửa ở trong bếp, mà lại chạy ra ngoài nhà, muốn dùng đống rơm bé xíu kia để phóng hỏa đốt nhà thì chẳng khác nào kê gối mơ giữa ban ngày. Như thế thì gã này cũng đầu đất quá!"
"Đúng thế!" Bác sĩ Hậu đồng tình, "Ban đầu chúng tôi cho rằng hắn đốt lửa để phi tang thi thể, nhưng sau đó nghĩ lại thì hắn chỉ cần châm mồi lửa ở bất cứ chỗ nào trong phòng bếp là lửa đều dễ dàng bén cháy, làm thế còn dễ dàng hơn đốt ở ngoài nhà nhiều!"
"Liệu có khả năng hắn muốn đốt thứ gì không?" Tôi hỏi, "Ví dụ như hung khí hoặc quần áo dính máu chẳng hạn?"
"Chúng tôi cũng suy nghĩ mãi về điều này." Bác sĩ Hậu nói, "Nhưng đốt bất kỳ thứ gì, bao gồm quần áo thì đều có vật kim loại ví dụ như cúc quần, cúc áo, như thế thì khi sàng tro, chúng tôi phải tìm ra chứ! Nhưng đằng này lại không sàng thấy bất kỳ vật gì. Bởi vậy chúng tôi cảm giác, hung thủ làm vậy chỉ đơn thuần vì muốn đốt đống rơm đó mà thôi."
"Hắn làm vậy nhằm mục đích gì?" Tôi im lặng suy nghĩ.
Bác sĩ Hậu nói tiếp: "Cũng có khả năng đống rơm không liên quan đến việc nạn nhân bị sát hại, hoặc cũng có thể trí tuệ của hung thủ có vấn đề."
"Chúng ta đừng lãng phí thời gian nữa!" Đại Bảo nói, "Bây giờ chúng ta đến nhà xác thôi! Mọi người cứ lên xe trước, tôi đi vệ sinh một chút, chẳng hiểu bữa sáng ăn gì mà giờ đau bụng thế!"
Nhìn Đại Bảo ôm bụng chạy vào cầu tiêu, tôi mủm mỉm cười: "Đúng là giã gạo thì ốm, giã cốm thì khỏe!"
*
Khi chúng tôi đến nơi thì các bác sĩ pháp y đưa thi thể đến nhà xác đã làm xong công tác chuẩn bị. Thi thể của bà cụ Trịnh Kim Thị được đặt trên bàn giải phẫu, còn thi thể của ông cụ Trịnh Khánh Hoa vẫn đang nằm trên xe đẩy đỗ ngay cạnh bàn giải phẫu.
Tôi đưa mắt nhìn thi thể, tim như bị ai bóp mạnh.
Tôi thường nói bác sĩ pháp y phải nếm trải thử thách về tâm lý còn nhiều hơn cả bác sĩ thông thường. Tuy cùng đối diện với cái chết, nhưng cái chết mà chúng tôi phải đối diện đáng sợ hơn nhiều. Có cái chết thảm thương, có cái chết thi thể đã thối rữa, có cái chết mà nạn nhân đang ở độ tuổi mơn mởn xuân xanh. Dẫu đã quen nhìn các phương thức chết tàn nhẫn nhất, nhưng khi chứng kiến cái chết của hai cụ già ở trước mặt, tôi vẫn thấy đau lòng, nhưng khi chứng kiến cái chết của hai cụ già ở trước mặt, tôi vẫn thấy đau lòng, bởi đúng như lời trưởng phòng Triệu nói, hai cụ đều không còn mặt.
Thi thể nằm trên bàn giải phẫu vấy máu từ phần cổ trở lên. Làn da nhăn nheo phía trước vành tai cho thấy nạn nhân là người ở tuổi thất thập cổ lai hy. Nhưng bắt đầu từ hai bên xương gò má cho đến phần trung tâm của gương mặt thì dung mạo đã bị hủy hoại hoàn toàn. Thậm chí tôi còn có thể nhìn thấy một vài mô não màu trắng sữa khảm vào giữa các vách sọ. Tôi nhanh nhẹn mặc quần áo phẫu thuật, đeo găng tay bước đến bên cạnh thi thể, kéo da mặt bốn phía trên mặt lại với nhau, cố gắng phục hồi dung mạo như cũ. Hiển nhiên việc tôi làm chỉ hoài công vô ích. Giữa các mô trên phần mặt giập nát, tôi thậm chí còn không phân biệt được các bộ phận. Thoáng nhìn qua thì đây quả là một thi thể không hề có mặt.
"Gã phóng viên đó đúng là thất đức." Đại Bảo tức giận, "Trông thế này mà nỡ lòng tung lên mạng."
"Hung khí nào có thể gây ra vết thương như thế này nhỉ?" Câu hỏi của Lâm Đào khiến tôi giật mình thoát ra khỏi mớ tư duy rối rắm.
Tôi dùng kìm cầm máu gắp các mảnh da xung quanh bộ phận bị khuyết thiếu trên mặt và lắp ghép dần lại với nhau, rồi nói: "Từ những đường vết thương trên phần da mặt bị khuyết thiếu có thể dễ dàng nhận ra loại hung khí sát thương. Đó là dụng cụ có thể dùng để chém, lưỡi rất sắc. Hơn nữa độ dài của lưỡi tương đương với chiều dài của khuôn mặt nạn nhân, bởi vậy, rất có thể hung khí chỉ là con dao thái rau bình thường mà thôi!"
"Dao thái rau có thể chém người thành bộ dạng này sao?" Lâm Đào hỏi.
Tôi gật đầu: "Vết thương này được hình thành không phải do một nhát chém mà do mười nhát chém trở lên. Nạn nhân nằm ở vị trí cố định, bị chém đi chém lại nhiều lần vào mặt, nhiều vết thương tụ vào một chỗ khiến mô mềm như da bị nát vụn, từ đó mới biến thành hình dạng vết thương này."
Có lẽ Lâm Đào nhớ đến vụ án mới xảy ra ở thành phố Phong Lĩnh nên nói: "Chém nhiều nhát thế kia... Lẽ nào hung thủ lại là bệnh nhân tâm thần sao?"
Tôi quan sát thi thể từ đầu đến chân, rồi nói: "Trong vụ án này, việc xác định thương tích và hung khí gây án không khó, nhưng việc có phải hung thủ là bệnh nhân tâm thần hay không thì rất khó đoán. Điều khiến tôi để ý nhất là quần áo của nạn nhân."
Bà Trịnh Kim Thị mặc quần áo đông xuân, chân xỏ tạm vào đôi giày vải, gót chân giẫm lên cổ giày, khoác thêm áo jacket kiểu cũ, vị trí dưới nách của áo còn đơm thêm một cái cúc, những nút cúc khác đều không cài.
"Từ quần áo của nạn nhân, chúng ta có thể thấy đây là quần áo ngủ." Tôi nhận xét, "Có lẽ vì nghe thấy động tĩnh gì đó, nên bà cụ chỉ khoác tạm chiếc áo khoác ngoài, xỏ chân vào giày vải và ra cửa luôn."
"Đúng vậy!" Đại Bảo tán đồng, "Quần áo của bà cụ đúng là phản ánh tình hình đó."
"Thế còn quần áo ông lão thì sao?" Lâm Đào hỏi.
Tôi và Đại Bảo bước đến cạnh xe đẩy xác, kéo túi đựng tử thi ra, để lộ thi thể của ông Trịnh Khánh Hoa.
Đập vào mắt tôi là gương mặt đầy máu của nạn nhân Trịnh Khánh Hoa. Khác với bà cụ Trịnh Kim Thị, gương mặt của cụ ông Trịnh Khánh Hoa không hề nát vụn, có điều cũng chẳng thể phân biệt được dung mạo nữa. Ngoại trừ lượng máu lớn bám vào mặt thì khoang mắt ông cụ bầm tím và sưng to, sống mũi và hàm trên bị gãy gập khiến khuôn mặt biến dạng hoàn toàn, trông méo mó, xấu xí.
Chúng tôi kiểm tra trang phục của Trịnh Khánh Hoa. Ông cụ mặc chiếc quần ngoài bằng vải, bên trong mặc quần đông xuân, hai ống chân của quần đông xuân được xắn cao đến đầu gối, nhưng chỉ khi cởi quần vải bên ngoài thì mới phát hiện ống quần bên trong vẫn xắn cao. Dây đai buộc quần không thắt, khóa quần cũng không kéo lên, chỉ cài cúc quần mà thôi. Ông cụ để chân trần, không đi giày. Nghe nhân viên kỹ thuật hình sự phản ánh đôi giày của nạn nhân nằm ở ngay gần vị trí nạn nhân tử vong. Trên người nạn nhân còn mặc chiếc áo đông xuân, bên ngoài khoác thêm chiếc áo vải không cài cúc.
"Ông cụ cũng mặc quần áo ngủ, nghe thấy động tĩnh nên trở dậy." Đại Bảo nói.
Tôi gật đầu: "Nói chính xác hơn là ông cụ đang rửa chân, sau đó mặc thêm chiếc áo ngoài và quần ngoài."
Mọi người nhìn ống quần đông xuân của ông cụ vẫn đang xắn đến tận gối và đều đồng tình với nhận định của tôi.
Phòng giải phẫu đột nhiên trở nên lặng ngắt như tờ, mọi người đều đang tập trung suy nghĩ cả quá trình diễn ra tại hiện trường.
Sau giây lát im lặng, tôi nói: "Chúng ta tiến hành khám nghiệm thi thể theo thông lệ thôi!"
Mọi người lại im lặng bắt đầu công việc giải phẫu, có lẽ vì cái chết của hai cụ quá thê thảm khiến chúng tôi chấn động tâm can, cũng có thể vì mọi người cũng giống như tôi đều cảm thấy trong quá trình xảy ra vụ án này có một vài điểm không thể giải thích được. Bởi vậy ngoại trừ âm thanh lách cách của dụng cụ y tế, thì cả căn phòng đều không vang lên âm thanh nào khác.
Công việc giải phẫu diễn ra trong suốt năm tiếng đồng hồ.
Hai nạn nhân đều tử vong vì chấn thương nghiêm trọng ở sọ não. Bà Trịnh Kim Thị bị chém nhiều nhát ở phần mặt bởi vật sắc khiến phần mặt đứt lìa, mô não nát vụn dẫn đến tử vong. Tuy phần đầu và vai của nạn nhân Trịnh Khánh Hoa chỉ có một vài vết chém, nhưng một vài vết chém đó cũng đủ dẫn đến cái chết, nguyên nhân tử vong của ông cụ là phần mặt trái liên tục bị vật tày đánh vào khiến hộp sọ vỡ nát.
Trên cơ thể hai nạn nhân đều không có các vết thương gây ra do bị trói hay kháng cự, điều đó cho thấy sức lực của nạn nhân và hung thủ chênh lệch rất lớn. Lúc trước chúng tôi nhìn vết máu trên hiện trường và cho rằng ở đây từng xảy ra quá trình vật lộn, giằng co giữa nạn nhân và hung thủ, nhưng xem ra chúng tôi đã nhận định sai, kết quả khám nghiệm đã phủ định điều đó, thực ra chỉ có ông Trịnh Khánh Hoa trốn chạy ở trong phòng, còn hung thủ đuổi theo sau và chém tới tấp mà thôi. Trên người bà Trịnh Kim Thị không còn vết thương nào khác, có lẽ bà bị chém gục trên chiếc bàn vuông, sau đó hung thủ chém liên tiếp vào mặt khiến bà nhanh chóng tử vong ngay sau đó.
Cuối cùng, chúng tôi mở dạ dày của nạn nhân.
"Hình thái thức ăn trong dạ dày không còn nhìn rõ nữa, có lẽ đã tiêu hóa được hơn hai tiếng rồi." Đại Bảo nhận xét, "Hay là chúng ta mở ruột của nạn nhân xem thức ăn bên trong?"
Thông thường, khi giải phẫu, chúng tôi không cần mở phanh phần đại tràng để khám nghiệm. Đặc biệt đối với hai thi thể này, công việc giải phẫu của chúng tôi đã kéo dài trong suốt hơn năm tiếng. Lúc này chúng tôi đã sức cùng lực kiệt.
Tôi gật đầu đồng ý với đề nghị của Đại Bảo: "Xác định thời gian tử vong chính xác hơn một chút cũng tốt. Vả lại hai cụ già sinh hoạt rất điều độ, tối nào cũng ăn cơm lúc sáu giờ, xác định được thời gian bữa ăn cuối cùng thì hoàn toàn có thể phán đoán được thời gian tử vong thông qua thức ăn còn lưu lại trong dạ dày, đó mới là cách chính xác nhất."
Căn cứ vào khoảng cách chuyển dịch của thức ăn trong dạ dày, chúng tôi phán đoán nạn nhân tử vong sau khi ăn bữa tối tầm hai tiếng rưỡi.
"Tám rưỡi tối mới tử vong sao?" Tôi thắc mắc.
"Không đúng!" Bác sĩ Hậu nói, "Bảy rưỡi nhóm lửa, sao mãi đến tám rưỡi nạn nhân mới tử vong được? Chẳng phải đầu tiên cần giết nạn nhân sau đó hung thủ mới phóng hỏa ư? Lẽ nào đống lửa đó thực sự không hề liên quan đến cái chết của nạn nhân?"
"Còn nữa, còn nữa... Tôi luôn nghĩ đến một vấn đề." Đại Bảo nói, "Vì sao hung thủ dùng vật sắc để giết bà cụ mà lại dùng vật tày để giết ông lão? Đã có vật sắc trong tay sao phải tốn hơi sức đi dùng vật tày? Ngoài ra, vật tày đó có thể là vật gì được nhỉ?"
"Chúng tôi có thể đoán được hung khí mà hung thử sử dụng." Bác sĩ Hậu nói, "Tôi nhớ ngay cạnh vị trí thi thể ông Trịnh Khánh Hoa ngã xuống có một thùng nước, trong thùng nước có một hòn đá khá lớn, ngay từ đầu chúng tôi đã cho rằng rất có khả năng hòn đá chính là loại hung khí thứ hai."
"Đầu tôi giờ rối như mớ bòng bong." Tôi nhìn sắc trời càng lúc càng sẫm màu liền nói, "Hay là chúng ta về ăn cơm trước, sau đó đến tổ chuyên án nghĩ tiếp?"
Kẻ Dọn Rác
Tần Minh
Vụ Án Thứ 4 - Xác Chết Không Có Mặt (4)
"Căn cứ vào phân tích của tổ pháp y, hiện tại chúng ta bước đầu xác định loại trừ khả năng trộm đột nhập vào nhà giết người cướp của, vì khi đó thời gian quá muộn." Trưởng phòng Triệu nói, "Nếu là trộm đột nhập vào nhà thì hung thủ buộc phải vào nhà trước thời gian nạn nhân đóng cửa đi ngủ theo thói quen. Qua điều tra, chúng tôi cho rằng thời gian đó là lúc năm rưỡi chiều. Như vậy hắn không cần thiết phải đợi đến lúc hơn tám giờ mới ra tay."
Chúng tôi vừa lết tấm thân rệu rã đến tổ chuyên án và trình bày với trưởng phòng Triệu về nguyên nhân tử vong, hung khí sát thương, thời gian nạn nhân tử vong và phương thức hung thủ sát hại nạn nhân.
Lúc này tôi đang ngồi trong phòng của tổ chuyên án, đầu óc mơ hồ. Tôi biết nhiều lúc cho dù tư duy mình không còn minh mẫn nhưng khi nói chuyện với người khác, tư duy sẽ rõ ràng hơn ít nhiều. Tôi biết áp lực dồn dập ập đến từ cộng đồng mạng không cho phép chúng tôi có thời gian để chỉnh lý lại tư duy của mình, chúng tôi cần phải xác định phương hướng và phạm vi điều tra một cách nhanh nhất.
"Vậy giờ mọi người nghĩ thế nào?" Trưởng phòng Triệu chủ trì cuộc họp.
Bác sĩ Hậu phát biểu đầu tiên: "Tôi cảm thấy đây là vụ giết người vì thù hận, hung thủ là người quen của nạn nhân. Nửa đêm hung thủ gõ cửa vào nhà nạn nhân, thấy người là chém, sát hại hai ông bà già xong thì hắn lập tức rời khỏi hiện trường."
"Vậy đống tro trước cửa thì sao?" Một cảnh sát điều tra thắc mắc, "Thời gian chúng tôi điều tra được không khớp với phán đoán về mặt thời gian của bên pháp y các anh. Làm gì có chuyện châm lửa đốt rơm trước rồi mới giết người sau? Liệu có phải bên pháp y các anh phán đoán sai sót không?"
"Công tác kỹ thuật hình sự và công tác điều tra tương hỗ lẫn nhau." Tôi cắt lời, "Dẫu cho chứng cứ điều tra rất chắc chắn, nhưng chúng tôi cũng phải kiên định với những gì mình nhìn thấy thông qua các chỉ số giám định. Nếu chúng tôi bị bó buộc bởi kết quả điều tra thì chắc chắn sẽ dẫn đến những phán đoán kỹ thuật hình sự sai lầm."
Mọi người đều im phăng phắc.
Trần Thi Vũ nói: "Có thể đống tro đó hoàn toàn không liên quan đến vụ án. Nhưng đèn điện trong phòng khách vẫn bật, nếu là giết người vì thù hận thì chỉ cần đột nhập vào hiện trường trung tâm là được rồi, đâu cần thiết phải vào tận phòng khách, cũng là góc trong cùng ngôi nhà để bật đèn điện?"
"Đúng vậy! Tôi cũng công nhận không thể giải thích điểm này một cách thông suốt." Trưởng phòng Triệu nói, "Đèn điện trong phòng khách là một điểm nghi vấn. Nếu vậy thì phải phân tích thế nào? Hung thủ và nạn nhân quen biết nhau, hung thủ biết tiền bạc của nhà nạn nhân để ở đâu, bởi vậy sau khi gõ cửa vào nhà, hắn xuống tay sát hại luôn, sau đó đeo găng tay vào phòng khách, lấy tiền cất giấu ở góc nào đó trong nhà nạn nhân?"
"Nếu là vậy thì chắc chắn hung thủ phải tìm tài sản ở một vị trí đặc biệt." Tôi nói, "Vì hiện trường không có dấu vết lục lọi, xáo trộn, nhìn thế nào cũng không thấy giống hiện trường của vụ án ăn trộm."
"Nếu phân tích của tôi không sai thì hung thủ chỉ có thể là anh con trai thứ hai của nạn nhân." Trưởng phòng Triệu kiên định với phán đoán của mình, "Trên đời này thiếu gì trường hợp vừa ăn cắp vừa la làng. Cậu con trai thứ hai của nạn nhân rất đáng ngờ, cậu còn nhớ chi tiết chiếc rèm cửa không?"
Lúc trước, thông qua việc kiểm tra phía ngoài cửa của hiện trường trung tâm không có vết máu, chúng tôi phán đoán có lẽ gian phòng ở hiện trường trung tâm có rèm cửa, xem ra trưởng phòng Triệu phát hiện thấy điều gì rồi.
Trưởng phòng Triệu nói tiếp: "Chúng tôi tìm mọi cách khác nhau để thăm dò tình hình của cậu con trai thứ hai, nhưng không thu được kết quả gì. Sau đó chúng tôi tìm thấy rèm cửa trong chuồng lợn tại hiện trường trung tâm. Có lẽ chiếc rèm cửa này được treo trên khung cửa của hiện trường. Rèm cửa bị vứt tùy tiện trong chuồng lợn, nó được làm bằng nhựa dẻo, trên đó có dấu vân tay của cậu con trai thứ hai."
"Dấu vân tay máu ư?" Lâm Đào hỏi.
Trưởng phòng Triệu lắc đầu: "Dấu vân tay mồ hôi."
"Dấu vân tay mồ hôi rất thông thường mà!" Lâm Đào nói, "Vì anh ta là người phát hiện đầu tiên, là người báo án với cảnh sát, nên chắc chắn anh ta phải vén rèm cửa lên, đi vào nhà rồi mới nhìn thấy thi thể chứ!"
"Anh ta giật rèm cửa xuống, vứt vào chuồng lợn nhằm mục đích gì?" Trưởng phòng Triệu hỏi vặn lại.
Đại Bảo đáp: "Không chừng sau khi anh ta nhìn thấy thi thể thì hoảng loạn quá giật luôn rèm cửa xuống, vứt vào chuồng lợn thì sao?"
"Tôi cũng cảm thấy đây không giống vụ án mà hung thủ là người thân trong gia đình." Tôi nói, "Thông thường khi người trong gia đình gây án, thì sau khi gây án xong họ sẽ có hành vi dằn vặt, day dứt rất rõ rệt, ví dụ như đắp chăn lên người nạn nhân, dùng khăn phủ lên mặt... Đó chính là hành vi thể hiện cảm giác dằn vặt. Nhưng vụ án này rõ ràng không giống, hung thủ không chỉ không có hành vi dằn vặt mà ngược lại còn phản ánh rõ tâm lý thù hận với nạn nhân. Cả hai nạn nhân đều bị hủy hoại cơ thể một cách nghiêm trọng, đặc biệt là phần mặt. Thông thường, chỉ khi xuất phát từ tâm lý thù hằn, kẻ sát nhân mới chém vào mặt của nạn nhân, trong khi con trai và cha mẹ thì đâu thể có oán nặng thù sâu gì?"
Cả phòng lại rơi vào im lặng.
Tôi nói tiếp: "Mà tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi, thấy hiện trường gây án có một số vấn đề, nhưng vấn đề ở đâu thì tôi lại không thể chỉ mặt đặt tên được. Chi bằng chúng ta thẩm vấn cậu con trai thứ hai của nạn nhân trước xem ta có lần ra manh mối gì không?"
"Vậy chiếc rèm cửa đó giờ đang ở đâu?" Lâm Đào không phải tốn sức trên bàn phẫu thuật nên lúc này lên tinh thần hơn chúng tôi nhiều, "Chúng tôi muốn làm xét nghiệm máu tiềm ẩn, không chừng lại phát hiện ra điểm gì cũng nên."
*
Nằm trên giường trong nhà xác. Bây giờ trong não tôi không ngừng hiện lên các hình ảnh hỗn loạn. Đống rơm ngoài cửa, dao thái rau, hòn đá, trang phục mà nạn nhân mặc trước khi bị sát hại... Tôi thử lắp ghép những mảnh vụn rời rạc thành một đoạn phim hoàn chỉnh nhằm tái hiện lại hiện trường.
Tiếng đồng hồ đều đặn điểm nhịp "Tích tắc! Tích tắc!", từng thước phim lẻ tẻ trong não tôi chầm chậm lắp ghép lại.
Sáng hôm sau, tôi bước vào văn phòng tổ chuyên án khi trên môi còn đọng nụ cười tự tin, tinh thần hứng khởi hơn bao giờ hết.
Có lẽ trải qua một đêm không thu hoạch được gì trong phòng thẩm vấn nên khuôn mặt của các cảnh sát điều tra nom ủ rũ và vô cùng mệt mỏi.
Tôi đi thẳng vào vấn đề: "Cả đêm qua tôi sắp xếp các manh mối, bây giờ có hai luồng ý kiến chính. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng người quen gõ cửa vào nhà, giết người, rồi cướp của. Luồng thứ hai là người thân gõ cửa vào nhà, giết hại nạn nhân vì thù hận. Cả hai ý kiến này đều có một điểm chung là hung thủ gõ cửa vào nhà. Sở dĩ như vậy là vì mọi người đều cho rằng vào thời điểm đó, hung thủ không thể lẻn vào nhà được đúng không?"
Mọi người đều gật đầu công nhận.
Tôi nói: "Bà Trịnh Kim Thị bị vật sắc chém vào mặt, ông Trịnh Khánh Hoa lại tử vong vì bị vật tày đánh nhiều cú vào mặt, nhưng trên cơ thể ông Trịnh Khánh Hoa cũng có vết thương gây ra do vật sắc. Vì sao sau khi chém Trịnh Khánh Hoa ngã xuống, hung thủ lại thay hung khí bằng hòn đá vốn không tiện để giết người? Vì sao hắn không dùng luôn vật sắc kia để sát hại nạn nhân Trịnh Khánh Hoa? Chỉ tồn tại một khả năng duy nhất, đó là vật sắc có vấn đề, oằn lưỡi hoặc lưỡi dao tuột khỏi cán gì đó. Tất nhiên khi công cụ gây án xảy ra vấn đề thì hắn không tiện dùng vật sắc ấy để giết người nữa, bởi vậy tôi suy đoán đầu tiên hung thủ sát hại bà Trịnh Kim Thị, sau đó mới sát hại ông Trịnh Khánh Hoa. Khả năng lưỡi dao tuột khỏi cán là rất lớn, bởi vì chúng tôi phán đoán ông Trịnh Khánh Hoa không hề xung đột trực diện với hung thủ, điều đó có nghĩa là giữa họ không có vật lộn, đánh nhau, mà chỉ có tháo chạy. Trong quá trình hung thủ đuổi theo truy sát, có thể hắn giơ tay lên huơ dao rất nhanh nên lưỡi dao dễ tuột ra khỏi cán. Mà trên thi thể nạn nhân, chúng tôi không hề phát hiện thấy vết chém hình thành do lưỡi dao bị oằn."
Mọi người đều gật đầu tán đồng, trưởng phòng Triệu bấm điện thoại đi ra khỏi phòng.
Tôi hắng giọng, đợi trưởng phòng Triệu quay lại phòng họp mới nói tiếp: "Hung thủ chém bà Trịnh Kim Thị ngay tại cửa, hơn nữa lại chém tới tấp nhiều nhát, thậm chí mấy chục nhát, trong suốt khoảng thời gian dài như thế, ông Trịnh Khánh Hoa đang làm gì? Căn cứ vào tình trạng y phục của ông ấy thì có lẽ lúc đó ông Trịnh Khánh Hoa đang rửa chân, ông ấy mặc áo khoác ngoài và quần ngoài. Vậy thì, lẽ nào nhìn thấy vợ mình bị chém như vậy, ông ấy vẫn có thể ung dung mặc quần áo sao? Các anh đã điều tra và chẳng phải khẳng định rằng tình cảnh giữa hai người họ rất tốt đẹp ư? Vậy tại sao trong tình huống nguy cấp như thế mà ông ấy lại hoàn toàn thờ ơ với tính mạng của vợ mình?"
"Có lý!" Trưởng phòng Triệu như sực tỉnh, "Đúng là chúng tôi chưa hề nghĩ đến vấn đề này."
"Bất kể vì sao hung thủ giết người." Tôi nói tiếp, "Ban đầu chúng ta đều bị định kiến cho rằng hung thủ gõ cửa vào nhà, bước qua rèm cửa và giết người. Bây giờ chỉ e cần phải phản biện suy đoán đó."
"Vậy ý kiến của cậu thế nào?" Trưởng phòng Triệu hỏi.
Tôi đáp: "Ban đầu tôi có trăm mối không thể lý giải nổi, nhưng sau khi liên tưởng đến đống tro bên ngoài ngôi nhà, đèn điện phòng khách bật sáng thì bây giờ tôi đã hoàn toàn thông suốt rồi."
Tôi uống một ngụm nước, rồi nói tiếp: "Căn cứ vào các dấu vết và tình hình mà chúng ta đã phát hiện, giờ tổng hợp lại thì chỉ có một khả năng thế này mới giải thích được tất cả mọi hiện tượng xảy ra tại hiện trường. Lúc bảy rưỡi, hung thủ châm lửa đốt đống rơm đằng sau nhà. Sau khi châm lửa, đống rơm sẽ bén cháy tỏa ra ánh lửa và bốc mùi khói. Có thể hung thủ sẽ kêu toáng lên "Cháy nhà rồi!". Lúc đó, hai ông bà già ở trong nhà sẽ có phản ứng thế nào?"
"Bật dậy khỏi giường để đi dập lửa." Đại Bảo đáp.
Tôi gật đầu xác nhận, rồi nói tiếp: "Hai ông bà cụ đều trong tình trạng mặc quần áo ngủ chuẩn bị ngủ. Bà Trịnh Kim Thị khoác chiếc áo ngoài, ông Trịnh Khánh Hoa đang rửa chân, mặc chiếc quần ngoài và khoác áo ngoài. Vì sao lại xuất hiện tình trạng như vậy?"
Mọi người đều lắc đầu.
Tôi nói: "Có thể bà cụ khoác áo ngoài đi ra cửa để xác định xem có cháy thật hay không, còn ông cụ đang rửa chân, vì lửa cháy ở ngoài phạm vi nhà mình nên ông cũng không gấp gáp lắm, bởi vậy ông ấy có thời gian khoác thêm áo ngoài và quần ngoài, rồi mới định đứng dậy đi dập lửa. Vậy thì đi dập lửa cần dùng công cụ gì? Ngay cạnh bệ bếp có chiếc xô đựng nước, đương nhiên nước trong xô chắc chắn không đủ để dập tắt được ngọn lửa, cần phải có vật dụng gì đó tương tự như cây chổi. Mọi người không quên các đồ gia dụng đựng ở phòng khách chứ? Cây chổi dựng ở đó có vết tích bị di chuyển, hơn nữa còn có cả vết cháy xém."
"Ý cậu nói là ông Trịnh Khánh Hoa ra phòng khách lấy chổi đi dập lửa sao?" Trưởng phòng Triệu hỏi.
Tôi gật đầu: "Tình cảm của hai ông bà tốt như thế, đương nhiên họ sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Ông Trịnh Khánh Hoa cầm chổi dập lửa phía sau nhà, còn bà Trịnh Kim Thị thì tạt nước dập lửa. Sau khi bà Trịnh Kim Thị đổ hết nước, chắc chắn bà ấy sẽ trở về hiện trường trung tâm để lấy thêm nước. Như vậy lúc đó cổng chắc chắn vẫn đang mở. Hung thủ nhân cơ hội này lẻn vào hiện trường, rồi chém bà Trịnh Kim Thị ở ngay hiện trường trung tâm. Sau khi bà Trịnh Kim Thị ngã gục trên chiếc bàn vuông, hung thủ liên tiếp chém nhiều nhát vào mặt khiến bà cụ nhanh chóng tử vong."
"Đúng rồi!" Đại Bảo nói, "Không thể giải thích được việc cùng lúc sát hại hai người, nên chỉ có thể dùng cách giải thích hung thủ lần lượt tấn công từng người một."
"Đống rơm kia cháy chẳng được bao lâu thì tắt rụi." Tôi tiếp tục suy luận, "Sau khi ông Trịnh Khánh Hoa dập lửa xong, chắc chắn ông ấy đang thắc mắc không hiểu bà Trịnh Kim Thị làm gì mà mãi vẫn chưa xách nước ra, ông ấy liền trở lại nhà, cất chổi vào chỗ cũ. Đúng lúc này, có thể ông ấy nghe thấy tiếng động khác thường. Bởi vậy ông ấy không kịp tắt điện, mà chạy thẳng đến hiện trường trung tâm. Hung thủ thấy ông ấy liền đuổi theo truy sát cho đến lúc chém ngã ông lão ở ngay gần bệ bếp, mà lúc này ông Trịnh Khánh Hoa vẫn chưa chết, trong khi lưỡi dao lại tuột khỏi cán, thế là hung thủ liền lấy hòn đá cạnh đó đập vào đầu ông lão cho đến khi ông ấy tử vong. Sau đó hung thủ ném hòn đá vào trong xô nước còn non nửa và rời khỏi hiện trường."
"Quá xuất sắc!" Trưởng phòng Triệu reo lên, "Với phân tích này, toàn bộ nghi ngờ và thắc mắc của chúng ta đều được giải thích triệt để. Vậy thì thông qua việc tái hiện lại hiện trường, chúng ta có thể khoanh vùng phạm vi đối tượng điều tra không?"
"Hung thủ đã không chọn cách gõ cửa vào nhà, mà âm mưu lập kế hoạch lừa chủ nhà ra mở cửa, thì khẳng định hung thủ không thể là người rất quen thuộc với nạn nhân được. Trước đây các anh không điều tra được các mối mâu thuẫn rõ rệt giữa nạn nhân và những người xung quanh, vậy thì chắc chắn phải tồn tại mâu thuẫn tiềm tàng rồi." Tôi nói, "Chuyện này không dễ gì mà điều tra ra được, nhưng có một vấn đề, nếu lửa cháy sau nhà nạn nhân lớn đến mức ngay cả người dân trong thôn sống cách đó mấy trăm mét mà còn phát hiện, tại sao hàng xóm liền kề nhà nạn nhân lại không phát hiện ra?"
"Có lý!" Trưởng phòng Triệu lại reo lên lần nữa, "Gần nhà Trịnh gia chỉ có một hàng xóm, hai nhà cách nhau không xa lắm, theo lý mà nói thì họ phải biết chuyện nhà bên cạnh bén cháy mới đúng. Nhưng hai ông bà già nhà hàng xóm lại một mực phủ nhận việc nhà hàng xóm bị cháy."
"Nếu họ phủ nhận thì đáng nghi rồi!" Trần Thi Vũ nói.
Lâm Đào lắc đầu: "Lúc trước chúng ta nghi ngờ cái rèm cửa, sau đó khi điều tra cậu con trai thứ hai của ông bà Trịnh, anh ta thừa nhận khi phát hiện hiện trường, anh ta đã giật phăng rèm cửa xuống vì quá kinh hoàng và kích động, rồi quẳng nó vào chuồng lợn ở phía đối diện. Có lẽ đó là sự thật. Tối qua chúng tôi tiến hành quan sát vết máu tiềm năng tiềm tàng trên cả tấm rèm cửa, nhờ đó, tôi phát hiện thấy một dấu tay máu."
"Có chứng cứ rồi sao?" Tôi kinh ngạc kêu lên, "Sao cậu không nói sớm? Có dấu vân tay máu sợ gì không phá nổi vụ án này?"
"Tại anh không biết đấy thôi!" Lâm Đào nói, "Trong giai đoạn điều tra tiền kỳ, cảnh sát điều tra đã lấy dấu vân tay của toàn bộ những người có khả năng liên quan đến vụ án hoặc có thời gian gây án, bao gồm cả dấu vân tay của hai ông bà già hàng xóm. Nhưng tôi thức thâu đêm so sánh suốt tối qua, tất cả đều bị loại trừ."
"Nhưng đã có dấu vân tay máu thì chắc chắn đó phải là dấu vân tay do hung thủ để lại còn gì!" Tôi thắc mắc.
"Tôi cảm thấy nhà hàng xóm rất khả nghi." Đại Bảo nói.
"Hả?" Tôi hỏi, "Vì sao cậu lại thấy khả nghi?"
Đại Bảo nói: "Anh còn nhớ tối hôm qua sau khi xem xét hiện trường xong xuôi thì tôi đột nhiên đau bụng phải đi nhà xí không? Nhà xí ở hiện trường chắc chắn không được phép sử dụng nên tôi định ra ngoài nhà giải quyết. Có điều khi tôi đi đến đầu hồi thì thấy có một nhà xí ở đó, màu ngói thì có vẻ như mới xây. Nói chính xác hơn thì đó không phải là nhà xí mà là một gian nhà gá tạm để làm nhà xí, ba mặt được đắp gạch cao đến ngang lưng."
"Trong vườn của hiện trường không có nhà xí, như vậy nhà xí sơ sài đó chắc là nhà xí của gia đình nạn nhân." Tôi nói.
Đại Bảo gật đầu: "Tôi cũng cho là vậy! Có điều khi tôi ngồi xuống nhà xí, ngẩng đầu lên thì nhìn thấy phòng bếp của nhà hàng xóm."
"Nhà xí lại đối diện với nhà bếp sao?" Tôi ngạc nhiên, "Xem ra hai nạn nhân này cũng chưa hẳn là người lương thiện, xây nhà xí ngay cạnh nhà bếp của hàng xóm thì thất đức quá còn gì?"
"Thì thế!" Đại Bảo nói, "Chắc chắn đó là hành vi thách thức, mà chúng ta lại không điều tra ra được giữa gia đình nạn nhân và gia đình hàng xóm có mâu thuẫn gì rõ rệt, vậy thì chắc chắn giữa họ phải tồn tại mâu thuẫn tiềm tàng rồi!"
Đại Bảo vừa nói dứt lời thì điện thoại của trưởng phòng Triệu đột nhiên rung lên.
Trưởng phòng Triệu cầm điện thoại lên nghe: "A lô! Thế à? Tìm thấy hắn rồi à?"
Chúng tôi tò mò nhìn chằm chằm vào khuôn mặt lộ rõ vẻ hoan hỉ của trưởng phòng Triệu.
Trưởng phòng Triệu cười nói: "Chắc là sắp phá được vụ án này rồi! Khi nãy trưởng khoa Tần nói có thể lưỡi dao tuột khỏi cán dao, tôi cảm thấy phán đoán đó rất có lý. Ngay lúc đó tôi đã nghi ngờ người hàng xóm mà mãi sau này các anh mới đề cập đến, bởi vậy tôi gọi điện thoại cử cảnh sát dân sự tìm cớ điều tra theo thông lệ để sang điều tra nhà hàng xóm, trọng điểm là phải tìm thấy con dao thái rau nhà họ. Đương nhiên dẫu trên dao có máu thì cũng được họ rửa sạch sẽ rồi. Tôi bảo họ kiểm tra xem con dao đó có dễ bị tuột cán hay không."
Phần sau không kể cũng hiểu, quả nhiên con dao nhà hàng xóm rất dễ bị tuột khỏi cán.
Trưởng phòng Triệu nói: "Tuy dấu vân tay đã loại trừ hai ông bà già hàng xóm, nhưng dấu vân tay không loại trừ khả năng là của cậu con trai hai ông bà hàng xóm đó, người mà đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy. Con trai hai ông bà hàng xóm học đại học ở Bắc Kinh, trước đây khi tiến hành thẩm vấn điều tra theo thông lệ, chúng tôi không tìm thấy hắn nên không chú ý."
"Học đại học sao?" Trần Thi Vũ gật đầu, "Đối tượng này phù hợp với hành vi gây án được tính toán rất chu đáo mà chỉ người có trình độ mới nghĩ ra được."
Tổ chuyên án nhanh chóng liên hệ với Sở Cảnh sát Bắc Kinh, đồn cảnh sát địa phương lập tức vào trường đại học điều tra. Một nam sinh viên năm thứ ba tên là Trịnh Phong xin phép nghỉ học về quê ba ngày với lý do bố mẹ bị ốm. Việc điều tra các bệnh viện quanh đó cũng rất thuận lợi, bốn ngày hôm trước đúng là bố mẹ của Trịnh Phong liên tục lên cơn huyết áp cao đến mức phải đi viện điều trị bởi vì tinh thần liên tục bị kích động và tức giận.
Trịnh Phong bị cảnh sát tóm gọn khi hắn đang ngồi tàu hỏa trên đường trở lại trường đại học. Sau khi bị dẫn vào phòng thẩm vấn chừng mười phút thì hắn đã thành thật khai báo tất cả hành vi tội ác của mình.
Ba ngày trước, hắn nhận được điện thoại của mẹ, mẹ vừa khóc vừa kể lể rằng hai vợ chồng nhà họ Trịnh ở ngay sát vách cậy già bắt nạt trẻ. Bố của Trịnh Phong là người đàn ông tốt hiếm thấy, dù nhà người ta xây nhà xí ngay trước cửa bếp nhà mình, nhưng ông ngại hai vợ chồng ông bà họ Trịnh kia tuổi cao, lại được dân làng kính trọng nên luôn nhịn nhục không nói. Tuy ngoài mặt tỏ ra nhẫn nhịn nhưng thực ra trong lòng khó nuốt trôi được cục hận này, bởi thế thường ngày ông ta rất dễ nổi nóng với vợ. Hôm đó, bố của Trịnh Phong đột nhiên lăn ra ngất xỉu, mẹ hắn phải vần mãi mới đưa được chồng đến bệnh viện huyện.
Trịnh Phong nghe tin này lập tức xin nhà trường cho nghỉ học mấy ngày, rồi vội vàng bắt tàu hỏa về quê.
Tàu hỏa chạy suốt hai mươi tiếng, trong hai mươi tiếng đó, suy nghĩ duy nhất lởn vởn trong đầu Trịnh Phong là làm thế nào giết được hai vợ chồng lão già chuyên ức hiếp bố mẹ mình.
Khi Trịnh Phong về đến nhà, hắn thấy mẹ đang lúi húi nấu cơm trong bếp. Khi Trịnh Phong an ủi mẹ thì thấy lão Trịnh Khánh Hoa vừa đi vệ sinh vừa cười khiêu khích ở ngay bên ngoài cửa sổ nhà mình.
Mẹ Trịnh Phong vào bệnh viện đưa cơm cho bố hắn, hắn không đi theo mà ngồi vạch kế hoạch làm sao giết chết được đôi vợ chồng già ở sát vách, đồng thời toàn bộ quá trình đó phải hoàn thành trước khi mẹ hắn từ bệnh viện trở về nhà.
Nhìn Trịnh Phong toàn thân bê bết máu, mẹ hắn sợ hãi đến mức hồn lìa khỏi xác. Mẹ hắn vứt bộ quần áo dính đầy máu trên người hắn vào bếp lò và đốt cháy thành tro, đồng thời giục giã hắn lập tức quay trở lại trường. Bởi vậy khả năng cảnh sát nghi ngờ một thanh niên đang học đại học cách khu vực xảy ra án mạng đến hàng ngàn cây số là hung thủ giết người sẽ không lớn lắm. Thế mà lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, Trịnh Phong trốn ở nhà ga xe lửa thành phố Thanh Hương trong một đêm. Lúc trời vừa tảng sáng hắn liền lên tàu, cứ ngỡ mình đã thoát tội, nào ngờ kẻ đang nằm mơ giữa ban ngày là hắn bị cảnh sát bắt sống ngay trên giường của toa tàu.
"Học đại học chưa nói lên được điều gì." Lâm Đào nói, "Sự tu dưỡng nhân cách quan trọng hơn sự tích lũy về tri thức rất nhiều."
Đại Bảo không đồng tình: "Tôi cảm thấy hai ông bà già họ Trịnh kia cũng bắt nạt người quá đáng, tên Trịnh Phong kia chỉ vì chữ hiếu mới làm vậy, có điều cách hắn thể hiện chữ hiếu không đúng mà thôi."
"Đúng thế!" Tôi nói, "Giữa con người với con người làm gì có mâu thuẫn nào không thể điều đình hay hóa giải. Thế mà cuối cùng họ lại để câu chuyện diễn biến thành bi kịch thê thảm đến mức này. Hai người già sắp về với đất mà không được chết yên lành, một nhân tài rường cột của quốc gia cũng vì thế mà tắt lụi từ đây. Thật đáng tiếc!"
"Trời đất!" Đại Bảo kêu lên thảng thốt, "Sao anh nói không giống người vậy? Anh hóa thành tiên rồi chắc?"
"Tôi làm gì có năng lực siêu nhiên thế!" Tôi nhìn Trần Thi Vũ đang giúp Hàn Lượng kiểm tra nệm ghế xe ở đằng ra, rồi bảo, "Tôi đâu thể thẩm thấu hết nhiều điều ảo diệu thế, vấn đề lớn như: đến tận giờ tôi còn chưa phân tích nổi 'Kẻ dọn rác' rốt cuộc là ai; vấn đề nhỏ như: tôi không thể hiểu những bức ảnh mà Trần Thi Vũ chụp."
"Ảnh? Ảnh gì cơ?" Đại Bảo nổi hứng tò mò.
Tôi cười đểu: "Trước lúc xuất phát, tôi xem lại tập ảnh mà Trần Thi Vũ chụp cảnh chúng ta ăn uống tụ tập. Một số bức ảnh lấy tâm điểm rất không tự nhiên, lỗi chụp ảnh đó khó mà xảy ra với những tay chụp ảnh chuyên nghiệp, ví dụ: có một bức ảnh mà phần trung tâm bức ảnh chẳng có nội dung gì, một góc bức ảnh chụp Hàn Lượng, trong khi cô bạn gái của Hàn Lượng lại không được chụp vào ảnh."
"Hàn Lượng ư?" Đại Bảo vẫn ngơ ngác không hiểu, "Ý anh là gì?"
"Các anh rảnh quá hay sao mà đi lo chuyện hàng tổng?" Lâm Đào nói xong liền tức tối bỏ đi.
Pháp Y Tần Minh: Kẻ Dọn Rác Pháp Y Tần Minh: Kẻ Dọn Rác - Tấn Minh Pháp Y Tần Minh: Kẻ Dọn Rác