Good friends, good books and a sleepy conscience: this is the ideal life.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 29
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1159 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3- Chương Hai -
n mạng ở xóm Mả Cùi, hầu như không năm nào không xảy ra. Đó là một điều ám ảnh gần như định mệnh, khiến nhà chức trách địa phương khó chịu. Đành rằng, sự sống với cái chết cách nhau không bao xa, nhất là đối với một vùng dân cư lèn chặt như thế này, nhưng vì bất kỳ một lý do gì mà giết nhau, đều không thể yên tâm được. Có lần Tuấn đã nói thế trước cửa quán thịt cầy của cha con Tám Kiệu - Sản Huê. Anh ta còn giảng giải một bài dài về nhân cách, về nghĩa vụ của con người sinh ra trên cõi đời này.
-Con người sinh ra trên cõi đời này để làm đẹp cuộc sống, chúng mày rõ chưa hả hai thằng ma cô? Tuấn nhắm câu hỏi vào Bèo và Tư Khỉ. Chúng mày sống lang thang, không nhà cửa, không gia đình, lại làm cái nghề bẩn thỉu, là chúng mày bôi bác cuộc đời. Vì sao tao chưa bắt ư? Đợi đấy, tao biết hết cả, nhưng chỉ nhắc nhở để chúng mày có cơ hội cải tà quy chánh, có cơ hội phục thiện làm người có ích cho xã hội. Đừng để rơi vào tay tao thì đừng có trách...
Hai thằng ma cô dẫn gái nín thinh. Chúng sợ. Nếu không phải là đại úy công an mà nói những điều đó trước mặt chúng, thì coi chừng, chí ít cũng bị một trận chửi ra trò, hay cao hơn nữa, một hòn đá cuội vào đầu. Mả Cùi mà! Cùi không bao giờ biết sợ, kể cả lở lói, loe loét. Nhưng Tuấn nói thì chúng im, chúng cũng hiểu được câu ngạn ngữ mà Sản Huê đã dạy: miệng nhà quan có gang có thép! Thằng Bèo cười cầu tài:
-Anh Tuấn nói như ti-vi!
-Chuyện, khỏi phải khen. Sản Huê đế vào sau phút tạm ngưng diễn thuyết của anh công an khu vực. Anh Tuấn có hai bằng đại học cơ mà, anh Tuấn nhỉ? Một bằng đại học chính trị, một bằng y tế!
Tuấn lừ mắt:
-Ai bảo mày bằng của tao là bằng y tế? Có kinh tế với y tế mà không phân biệt, bằng y tế làm y sĩ, còn bằng kinh tế làm quản trị kinh doanh. Hiểu chưa?
-Dạ hiểu! Sản Huê nhỏ nhẹ, chui vào cửa nách. Có tiếng xe lam bành bạch nổ trước nhà, phả khói trắng ra từng đụn, xen lần với những hạt dầu nhờn li ti. Tiếng thằng Bèo hô lên như thái giám trong phim Tàu:
-Thanh hao đến...!
Những vụ án mạng xóm Mả Cùi bao giờ cũng được giải quyết nhanh chóng, có khi tìm ra thủ phạm, cũng có khi không, nhưng toàn là những cái chết lãng nhách, của những con người tầm thường, có khi vô danh tính, vô thừa nhận.
Nhưng lần này khác hoàn toàn, án mạng đã tiến công vào đến khu VIP. Cái chết đã tấn công ngay vào ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn, mà bên ngoài được bao bọc bởi bức tường rào cao bốn thước, bên trên có chăng dây thép gai và cắm những mảnh chai bể, sắc nhọn. Cũng những mảnh chai này mà thằng Tư Khỉ bảo rằng, nhà ông Năm phải dùng đến một-trăm-hai-mưới két vỏ chai bia đập bể ra mới đủ miểng để cắm. Nó nói xạo thôi, làm gì đến, có điều cái thằng mặt khỉ, mũi xanh có túm lông vàng này đến cái gì nó cũng quy ra "két", cũng như chúng ta, một thời cái gì cũng quy ra thóc, ra gạo.
Phía bên kia con hẻm, đối chéo với quán thịt chó Nam Hà của nhà Tám Kiệu là quán cà phê "Hai Chị Em" của hai chị em Mỹ Liên và Mỹ Châu. Đêm qua quán đóng cửa sớm (quán này ít khi mở khuya, khác với thịt cầy Nam Hà), hai chị em Mỹ Liên và Mỹ Châu vào nội thành cũng không về. Khoảng năm giờ sáng, khi chiếc taxi chở Mỹ Liên về đến đầu khu phố Hai mươi thì bị chặn lại bởi các anh em dân phòng, quần áo xanh màu cứt ngựa, tay cầm những cây gậy tầm vông, sơn khúc trắng, khúc đỏ. Mỹ Liên chợt giật mình, nhưng anh em dân phòng đã nhận ra chủ quán cà phê Hai Chị Em thì cho qua. Mỹ Liên hỏi một anh dân phòng quen mặt:
-Có chuyện gì mà chặn xe lại thế anh Đang?
Anh dân phòng tên Đang cúi sát vào cửa xe nói nhỏ:
-Án mạng! Đêm qua có án mạng, chị không biết à?
-Không, đêm qua tôi lên bà ngoại. Sáng nay mới về. Án mạng ở đâu? Ai giết ai?
Đang nhìn ra sau lưng, như thể ngó chừng cảnh giác:
-Khu VIP, nhà ông Năm Tụ. Ổng bị bắn trọng thương, đưa vô bệnh viện rồi...
-Ai bắn?
Đang đặt ngón tay trỏ lên miệng, lắc đầu. Anh tài xế trẻ măng nghe lọt câu chuyện, cũng trờn trợn, bấm còi "tin" một cái rồi nhả chân ly hợp, chiếc taxi vọt đi, không để cho Mỹ Liên nghe hết câu chuyện. Xuống xe, Mỹ Liên nhìn sang bức tường nhà ông Năm, quả là có sáng đèn hơn mọi ngày. Cánh cổng khép hờ, và cô nhận ra bóng dáng một người công an cầm súng dài đang đứng canh gác. Án mạng thiệt rồi, Mỹ Liên lẩm bẩm một mình rồi tra chìa khóa vào ổ khóa, mở cửa lách vào. Trong nhà ẩm mốc, xen lẫn mùi son phấn đã cũ, rất nặng mùi. Nhưng Mỹ Liên thấy yên tâm nhận ra mùi quen thuộc của căn nhà nhỏ, nhưng cô ngạc nhiên sao thấy nó có một vẻ gì lạ lẫm, âm u sau một đêm mệt mỏi trở về. Mùi bất hạnh, mùi chết chóc và mùi trụy lạc cùng lúc bốc lên. Cô vào bếp bật bếp ga, đặt ấm nước. Có hơi lửa, dần dần mùi lạnh lẽo cũng được xua tan, căn nhà ấm dần trở lại.
Người khách đầu tiên bước vào Hai Chị Em là "tiến sĩ" Han. Trông thấy tiến sĩ, Mỹ Liên không ngạc nhiên, cô chỉ khẽ mỉm cười gật đầu chào rồi quay vào trong nhà ngay. Đó là một thói quen. Trong khi cô chủ quán Mỹ Liên đang pha cà phê thì tiến sĩ Han ngồi lặng lẽ ngắm bức tường ngôi biệt thự sơn màu hồng phấn một cách say sưa. Mọi ngày, cũng ngồi vào chiếc ghế này, ở vị trí này, Han thấy nó tầm thường, nhạt nhẽo trong cái màu "đồ ngủ đàn bà", nhưng hôm nay, anh nhìn ngắm nó một cách chăm chú, kỹ càng như thể lần đầu khám phá ra nó. Lâu nay anh vẫn thầm ước đoán trong đó chỉ toàn những thứ sang trọng, đắt tiền, nhưng vô hồn, lạnh lẽo. Có chăng, chỉ có tiếng sủa oai vệ của con chó Berger lai Nga là xứng với tầm của ngôi biệt thự. Còn lại tất cả, tất cả đồ đạc cho đến con người đi lại trong đó chỉ là cái bóng, những cái bóng của một màn múa rối, tầm phào, giả dối. Nhưng hôm nay nó đã khác, đúng hơn là từ đêm khuya lúc Han vừa chợp mắt được một lát nhờ làn không khí ẩm lạnh dịu xuống, thì nghe tiếng súng nổ. Là người nhạy cảm với súng đạn nhờ hơn mười năm lăn lộn khắp mấy chiến trường, đánh dư trăm trận, Han nhận ra đó là tiếng nổ của một khẩu carbine. Tiếng súng đã bắn trúng mục tiêu ở cự ly rất gần. Han vùng dậy, theo phản xạ, anh vừa khoác tấm áo lên bộ khung thiếu mất hai xương sườn, chưa kịp lùa dép, thì tiếng súng thứ hai vang lên. Lần này là tiếng súng nổ vào một khoảng không, khoảng không nhỏ hẹp, có lẽ là căn phòng. Han ra khỏi cửa, mắt hấp háy trước luồng sáng của ánh đèn thủy ngân đầu ngõ, thì tiếng súng thứ ba, lần này bắn lên trời, phát súng đe dọa, uy hiếp chứ không nhằm vào mục tiêu. Han chạy tiếp và chờ đợi, nhưng không thấy gì. Ra đến mặt đường lớn, Han dừng lại nấp sau cột điện chờ tiếng nổ nhưng đợi mãi không có tiếng nào nữa. Lát sau là tiếng còi hụ của xe cứu thương và rồi cảnh sát. Han không xem nữa, anh lặng lẽ quay vào, trở lại chiếc giường sắt kêu ken két. Bên trong căn buồng nhỏ, sặc mùi ẩm mốc và nước đái chuột, vợ và đứa con gái của Han vẫn ngủ say. Họ không hề hay biết.
Mỹ Liên bưng cà phê ra, thấy khuôn mặt đăm chiêu của Han, cô hỏi:
-Anh Tiến sĩ, anh biết gì chưa?
-Biết gì là gì?
Liên kéo chiếc ghế ngồi xuống đối diện với tiến sĩ:
-Hồi đêm có án mạng, anh biết không?
Tiến sĩ Han quậy ly cà phê nghe rõ cả tiếng đường cát lạo xạo trong ly, giọng lạnh băng cố hữu:
-Đêm qua cô có nghe súng nổ không?
-Không! Mỹ Liên thật thà. Tối qua em đóng của quán sớm, rồi hai chị em về bà ngoại...
Han nhìn Mỹ Liên, nhếch mép:
-Bà ngoại hay ông ngoại?
-Xì, cái anh này! Đêm qua em không ở nhà thiệt mờ... Sáng nay lúc taxi về tới đầu đường bị dân phòng chận lại...
-Giết người! Han thở dài. Giờ này mà họ vẫn còn bắn nhau. Cuộc đời thật trớ trêu!
Liên làm bộ vùng vằng:
-Chán anh thiệt! Đúng là tiến sĩ gàn. Biết gì thì kể cho nghe, còn ở đó mà thở dài. Bộ ông Năm Tụ bị bắn thiệt hả?
-Tôi cũng không biết. Đêm qua tôi ra đầu hẻm thì thấy xe cứu thương chạy vô chở người đi, không biết ai...
-Tội nghiệp! Mà ai bắn vậy anh Han?
-Họ bắn nhau, người bắn người chứ còn ai!
-Họ nào? Không khéo cướp nó đột nhập vô nhà! Eo ơi, em sợ quá. Liên co người làm bộ rụt cổ lại.
Tiến sĩ Han phì cười, khuôn mặt càng trở nên khó khăn:
-Cô này hay nhỉ? Nếu có cướp thì nó tìm nhà có tiền, có vàng, hột xoàn nó bắn chớ cô với tôi thì có cái gì? À, mà cô thì có đấy...
Mỹ Liên hứ một tiếng đứng dậy:
-Nói chuyện với anh chán quá.
Han bắt đầu lặng lẽ thưởng thức vị cà phê, cái vị đắng, thơm lừng, nóng bỏng của loại hạt cây này đã gây cho anh một thói quen. Nghiện thì chưa hẳn, bởi vì nếu nghiện được cà phê phải là dân sành đời lắm chứ không phải ai cũng cứ nhận vơ, nhận váo là nghiện được. Nhưng nếu sáng ra, không ra ngoài quán Hai Chị Em mà ngồi, mà nhâm nhi, mà nghe, mà nói vài câu thì thật bụng dạ bồn chồn. Nghiện là nghiện quán, nghiện gió, và nghiện cả... chủ quán. Tội nghiệp! À mà Mỹ Liên vừa mới nói hai tiếng "tội nghiệp", cô ta tội nghiệp cho ai nhỉ? Có thể là cho người bị bắn đêm qua. Nhưng cô em ơi, cô mới là người đáng tội nghiệp. Cô bán cà phê khá ngon, khá đắt mối, thế mà lâu lâu lại phải dọn quán sớm để "về thăm bà ngoại". Bà ngoại của cô ư? Đó là một đêm hoan lạc, đêm quằn quại, bải hoải, và những đồng tiền xanh, đỏ... Gái bao! Tội nghiệp! Nhưng mà tốt bụng, thật thà, đôi khi ngây thơ!
Mỹ Châu, cô em gái về sau bằng xe ôm, có lẽ do trời đã tảng sáng, cô gái tiết kiệm. Cô gái móc trong cái bóp nhỏ xinh xinh ánh những hạt nhựa giả đá ra trả tiền xe. Anh xe ôm xòe mấy tờ giấy bạc trên hai ngón tay, vừa nhìn để đếm, rồi mỉm cười với Mỹ Châu. Chiếc xe Furture màu xanh quay đầu lướt đi. Thấy Han đang nhìn mình, Mỹ Châu bỗng cảm thấy xấu hổ, Han đã biết. Cô gái bước chậm lại, dáng đi e thẹn, hai đầu gối hở ra dưới ống váy ngắn khép sát lại, như dáng đi của mấy cô người mẫu. Cô nhoẻn cười, thầm nghĩ: kệ, Han biết hay ai biết cũng chẳng sao. Số phận là vậy. Sống trên cõi nhân gian này, mấy ai được may mắn.
-Anh Han! Chị Liên em pha cà phê cho anh chưa?
-Rồi! Bà ngoại khỏe không mà về sớm thế?
Mỹ Châu không nói, cô ghé sát vào khuôn mặt luôn khó đăm đăm của Han, thì thầm:
-Đêm qua có cướp à? Nhà anh có sao không?
-Có! Nó cứơp mất của tôi cái bô đi ỉa của con Méng rồi!
Châu không hiểu:
-Thiệt hả?
-Cô này, cô nghe ai nói nhà tôi bị cướp?
-Em nghe ngoài đường đồn hà rầm, xóm Mả Cùi bị tụi cướp tấn công đêm qua, súng nổ quá trời. Chúng bắn chết bao nhiêu là người. Em sợ quá, định không về, nhưng sợ...
-Cô sợ gì?
-Sợ chị Liên em, chỉ hay về sớm, đi khuya...
-Vớ vẩn!
Mỹ Liên từ trong nhà bước ra trong bộ đồ bà ba nền nã, tươi tỉnh, hỏi em:
-Mày về rồi, sao không vô thay đồ ra mà còn đứng đó hót? Vô duyên!
Mỹ Châu nhìn chị:
-Chị này! Em mới về tới, hót gì mà hót! Có chị sắp thành bà già vô duyên rồi đó.
Cô biến nhanh vào trong. Cô chị cũng vào theo, để Han ngồi một mình trong ánh sáng nhập nhòa của ngọn đèn thủy ngân vào ngày, chuyển sang màu vàng úa, nhợt nhạt. Han ngồi uống dè dặt, thình thoảng lại ngoái nhìn ra phía cổng ngôi biệt thự màu "đồ ngủ đàn bà".
Vừa lúc Han quay nhìn vào trong, nghe những tiếng lục cục, thì thào của hai chị em cô chủ quán, khi quay lại đã thấy một anh công an mặc sắc phục, tay cầm khẩu AK, tiến thẳng về phía Han. Anh ta cần gì?
Han nghĩ bụng, và bất chợt cảm thấy không yên tâm. Anh ta muốn gì nhỉ? Hay mình đi ra uống cà phê có sớm quá không? Điều tra? Nhân chứng? Không, tôi chẳng biết gì hết! Uống cà phê sáng là thói quen của tôi, cả xóm này đều biết, cả tay chủ ngôi biệt thự các anh đang canh gác cũng biết, mặc dù tôi không nghiện. Người công an xách súng đi những bước dài về phía Han, anh giả vờ quay đi, không biết. Đến khi người cảnh sát áo xanh kéo ghế ngồi vào cái bàn đối diện với Han, thì anh biết: anh ta cũng thích cà phê!
-Chào anh! Người cảnh sát lịch sự. Ai bán quán nhỉ, cho xin ly cà phê đá nào. Kèm theo là một tiếng thở dài mệt mỏi.
Han quay vào gọi to:
-Mỹ Liên, có khách uống cà phê này!
Cô em Mỹ Châu, đã thay sang bộ quần áo bà ba màu hoàng yến cắt bó sát, mà trong bóng tối tranh sáng, nhìn như không mặc gì, đến trước mặt người cảnh sát, vẻ sợ sệt:
-Thưa, anh dùng chi?
-Chị bán cho ly cà phê đá, đậm đậm vào một chút được không?
Mỹ Châu quay đi, anh ta nói, như để cho Han nghe:
-Chà, mệt quá, trắng đêm! May gần đây có cái quán, làm ly cà phê, buồn ngủ quá trời...
Han chưa muốn bắt chuyện, nhưng anh thấy để người côn an nói một mình, mà trong quán giờ này chỉ có hai người, e bất lịch sự. Người ta nói với mình đấy, Han nghĩ thế và bắt chuyện:
-Có chuyện gì thế ông anh?
Bằng một giọng cảnh giác, lại pha chút quyền uy có tính áp đảo, người cảnh sát nhìn Han:
-Anh ở đây hay ở đâu tới?
-Nhà tôi ở con hẻm bên kia...
-Đêm qua có nghe tiếng súng không?
-Có nghe, nhưng không biết là có chuyện gì? Bọn cướp có vũ trang hả ông anh?
Người cánh sát còn rất trẻ, chỉ bằng một nửa tuổi Han, nhưng rất đã đạo mạo:
-Cướp gì! À anh có biết ông chủ ngôi biệt thự không?
-Biết! Han quả quyết.
-Chắc cũng thỉnh thoảng gặp nhau ngoài đường thôi chứ gì? Cùng khu phố mà...
Han quyết định nói những điều mà người cảnh sát không ngờ tới:
-Tôi biết ông ta từ ba mươi năm nay!
-Thế kia à? Quả là người cảnh sát không ngờ. Có hay chơi thân với nhau không? Chắc là anh cũng làm cán bộ nhà nước.
-Không! Tôi nghỉ lâu rồi. Tên ông ta là Trịnh Quang Tụ. Ba mươi năm trước tôi cùng ở với ông ta, nhưng sau đó mỗi người một ngả, tôi quên ông ấy rồi. Không ngờ hai năm trước tôi gặp lại, nhưng ông ta không nhận ra tôi.
-Chà, hay đấy nhỉ? Người công an vẫn nói một mình.
-Trong nhà ông ấy có chuyện gì thế?
-Họ bắn nhau! Anh ta trả lời bằng đúng giọng công an.
-Sao thế? Han làm bộ ngạc nhiên. Nhà ấy yên ấm lắm mà...
Cà phê bưng ra, anh công an làm như sắp chết thèm, uống một hơi, khà ra, nhìn Han, cười:
-Đời là thế đấy! Chỉ khổ cho bọn tôi. Tiền đi, cô chủ!
Han nghĩ: chắc mấy cha công an đánh lảng dư luận.
Cướp! Đúng là cướp rồi. Máu đã đổ và tiền bạc đã giết người.
Phản Trắc Phản Trắc - Hoàng Đình Quang