We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3248 / 87
Cập nhật: 2016-03-29 17:15:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
an giờ làm việc Hai Lâm đến chỗ để xe ô tô. Ở Tổng nha này chỉ có năm chuyên viên cao cấp đến và rời nhiệm sở bằng xe riêng. Vì lịch sự xã giao, vì tế nhị nên ít khi anh bị các đồng nghiệp xin đi nhờ xe. Người duy nhất vòi anh cho quá giang là Sáu Ú. Sáu Ú rất béo, cổ tròn, cằm bạnh, tay chân nần nẫn thịt. Hắn không thô như một bác lực điền mù chữ, vai u thịt bắp mà có dáng vẻ đường bệ của một chủ nhân giàu có, thừa chất béo trong cơ thể. Sáu Ú kém Hai Lâm ba tuổi, thường khoe là bạn tâm đắc với anh. Anh bập với Sáu Ú vì tên này là thổ công trong tổng nha, thích cung cấp cho anh những điều bí mật khác thường để rồi tự nhận là người thắng cuộc, bắt anh bao bữa nhậu. Sáu Ú đông con. Với đồng lương trung tá, Sáu Ú không đủ thừa thãi đế chi cho thú vui nhậu nhẹt, cờ bạc, nên thường tìm đến anh xin chi viện. Khi số nợ đã lên đến vài chục ngàn, anh bỗng nảy trò thách đố, coi như quy ước riêng giữa hai người.
- Tôi về tổng nha cùng năm với chú Sáu nên khó có việc gì qua mắt nổi tôi. Nếu chú Sáu biết việc gì trước tôi, tôi sẽ thưởng.
- Nếu vậy anh Hai sẽ thua cuộc hoài. Tan tầm anh Hai về luôn nhà nên không biết những chuyện vặt khi những thằng bạn nhậu cùng cụng ly đâu.
Bữa nay Sáu Ú đón anh:
- Anh Hai, cho thằng Sáu này quá giang một đoạn nghe!
- Mời chú Sáu.
Khi chiếc xe đã ra khỏi công sở, Sáu Ú quay về phía anh:
- Trước bảy giờ tối nay, ông tướng sẽ "phôn" tới anh Hai.
- Thiệt không?
- Một ăn năm, anh dám cuộc không?
Hai Lâm đếm mười ngàn đồng đặt trước mặt:
- Nếu có "phôn" của ông tướng về bất cứ việc gì kể như tôi thua cuộc. Ngược lại...
- Không có chuyện ngược lại đâu vì phần việc này do em lo liệu mà.
Theo lời Sáu Ú thì hắn gặp hên vào bảy tháng trước đây. Do được phân công theo dõi những hoạt động của Việt Cộng ở Sài Gòn - Gia Định nên Sáu Ú có bọn em út là an ninh, mật vụ rải khắp nơi, chuyên bám sát mọi hoạt động khả nghi của những ai hay ra vào Sài Gòn. Lần đó, tên mật vụ bám theo nữ giao liên trên xe lam và đã dò tìm ra đầu mối liên lạc của Việt Cộng. Ngay hôm đầu bị bắt, tên Việt Cộng nhát gan, sợ chết, ham hưởng thụ đã đầu hàng, ký giấy nhận làm chỉ điểm cho bộ phận của Sáu Ú. Cho đến nay, tên này đã phun ra chín địa chỉ khác của mấy thành ủy viên, của chiến sĩ biệt động, cán bộ kinh tài. Theo chủ trương của thượng cấp sẽ quây gọn, quét một mẻ lưới, cất vó cả mười tên Việt Cộng nằm vùng vào bảy giờ sáng mai. Để giữ bí mật tuyệt đối chiến dịch này, ông chỉ triệu tập số chuyên viên cao cấp để phổ biến nhiệm vụ vào mười chín giờ tối nay.
Hai Lâm rất muốn tống khứ "ông bạn vàng" này ra khỏi xe nên hỏi:
- Chú Sáu xuống đâu? Bữa nay, coi như tôi thua cuộc. Khoản tiền tôi vừa đưa thuộc về chú và tôi trừ cho chú thêm hai chục ngàn tiền nợ nữa.
- Cám ơn anh Hai! Anh Hai cho em tới khách sạn Hoàng Gia.
Đẩy Sáu Ú xuống xe rồi, Hai Lâm tính toán cách xử lý nguồn tin vừa được thông báo. Anh lái xe về nhà, dặn vợ:
- Anh kẹt chút đỉnh. Nếu ông tướng phôn tới, em báo anh ngay.
- Dạ!
Hai Lâm ngồi vào phòng làm việc. Làm cách nào cứu được đồng chí đừng để sa vào tay giặc? Tiếc rằng anh không có điện đài và không biết chỗ của chị Ba. Nhưng anh sẽ báo tin gì cho Trung tâm?
Nguồn tin mà Sáu Ú vừa thông báo chưa có cơ sở gì bảo đảm chính xác nên anh phải chờ đợi.
Có tiếng réo của chuông điện thoại. Cẩm Nhung cầm lấy ống nghe:
- A lô! Ai ở đầu dây đó?
- Cô Cẩm Nhung đó à? Hai Lâm có nhà không?
Nhận ra tiếng nói của viên tướng, vợ Hai Lâm lộ vẻ lễ phép:
- Thưa, anh Hai em đang ở trên lầu. Anh Tư ráng chờ cho chút xíu.
- Khỏi cần gọi. Cô nhủ Hai Lâm tới gặp tôi ở nhiệm sở đúng mười chín giờ.
- Em nghe rõ rồi, thưa anh Tư.
Sau khi gặp viên tướng, mười chín giờ ba mươi phút hôm đó Hai Lâm về đến nhà. Anh có trong tay sơ yếu lý lịch, họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của mười người sẽ bị bắt. Anh làm cách nào đến được các địa chỉ này? Nếu làm như vậy, anh có vi phạm nguyên tắc không? Anh sẽ báo tin như thế nào? Anh không thể nhận là người của Tổng nha An ninh quốc gia và có ai tin anh nếu anh tự giới thiệu là đảng viên Cộng sản? Oái oăm là trong số mười người sắp bị bắt có một tên chỉ điểm. Nó ở đâu? Tên nó là gì? Nó làm nghề gì? Tại sao hồi chiều anh không đưa ra với Sáu Ú câu hỏi về tên này? Bây giờ, nếu anh gặp Sáu Ú, nó sẽ nghi ngay và anh không còn thời gian xoay xở nữa. Hai Lâm sàng lọc danh sách những người sắp bị bắt, lọc ra sáu đồng chí đáng tin cậy nhất và tiếp đó lại xóa bớt đi hai tên. Hiện anh có bốn tên người, kèm theo ảnh, địa chỉ và nghề nghiệp: thợ may, đạp xích lô, thợ mộc, thợ chữa đồng hồ. Anh nên chọn ai? Đồng chí chọn nghề đạp xích lô chắc đang lang thang trên các nẻo đường nên anh khó gặp. Nếu vớ đúng anh ta thuê anh chở mình đến khi vắng người để trò chuyện cởi mở với nhau thì thú vị biết bao! Tuy nhiên phương án này không thực hiện được vì thời gian còn lại eo hẹp quá. Có nên rủ Cẩm Nhung cùng đến hiệu thợ may không? Hoàn toàn không nên vì vợ anh chưa phải là người đáng tin cậy đến mức dính líu vào việc cơ mật này. Nếu chuyện này vỡ lở, anh sẽ lý giải ra sao khi anh vắng nhà cùng với vợ anh vào ban đêm. Hơn nữa, ông thợ may này không thuộc cỡ nổi tiếng khiến cô gái Pa-ri phải tìm đến để đặt may một mốt nào đó.
Hai Lâm cũng không chọn anh thợ mộc vì anh không có lý do gì để "tiếp cận mục tiêu”. Anh chọn người thợ chữa đồng hồ. Phương châm hành động anh tự vạch cho mình là phải nhanh chóng, bất ngờ, làm sao cho đối tượng không kịp hô hoán, đối phó và tránh để lại mọi hậu quả nếu bị lộ. Anh quyết định phải đi nước cờ liều, dù có nguy hiểm đến tính mạng cũng đành cam chịu vì nếu để địch kịp "vồ" cả mười đồng chí thì tác hại cho phong trào không sao lường trước được. Là một chiến sĩ đơn thương độc mã vào trận chiến đấu, anh phải tính đến phương án bảo vệ an toàn cho mình, nếu người thợ chữa đồng hồ là tên chỉ điểm. Xong trận này, anh không thể rút lui vào R vì anh là điệp viên, vị trí của anh là ở Tổng nha An ninh. Làm cách nào để anh chỉ xuất hiện trước người thợ chữa đồng hồ lâu nhất là một phút. Anh lấy hồ sơ của anh ta đọc lại một lần nữa và ngắm thật kỹ ảnh anh. Điều quan trọng nhất là anh không được nhầm lẫn khi nhận diện anh ta, phải trò chuyện với chính đối tượng mà anh đang cần tiếp xúc.
Hai Lâm chọn quần áo. Phải mặc bộ nào mà ngày thường anh ít dùng đến nhất. Tiếc rằng anh không có bộ tóc giả, ria giả để hóa trang. Vì Sài Gòn luôn nóng nực nên anh không thể quàng khăn che kín cằm hoặc đội mũ lông để làm thay đổi khuôn mặt. Anh mở tủ lấy kính râm, loại kính mắt tròn đen sì, mỗi mắt to bằng lòng bàn tay để che mặt. Anh hài lòng vì mặt mình đã đổi khác. A, phải lấy thêm cái mũ kếp chụp lên đầu, kéo sụp xuống trán để không ai nhận ra kiểu tóc và tuổi tác của anh. Chưa thật yên tâm về sự thay đổi hình dạng của mình, anh ngậm vào miệng cái tẩu để mồm hơi méo đi. Anh dắt xe gắn máy ra khỏi nhà lúc hai mươi giờ ba mươi phút. Tuy trời đã tối nhưng anh vẫn cố ý để chiếc khăn che lấp biển số xe.
Đến hiệu chữa đồng hồ, anh ý tứ dựng xe vào chỗ khuất để đối tượng không kịp nhận ra nhãn hiệu cũng như mầu sơn của xe nếu anh ấy chú ý. Vẫn để xe nổ máy, anh nói với người thợ: "Đồng hồ tôi bị chậm hai phút một ngày phiền ông gạt giùm". Người thợ ngẩng mặt lên. Nhận đúng người có ảnh trong hồ sơ, anh nói luôn một mạch:
- "Nghe đây. Đúng bảy giờ sáng mai, địch sẽ bắt đồng chí và cũng vào giờ đó bắt chín đồng khí khác là (anh đọc tên, địa chỉ). Nên nhớ, trong số mười người này có một tên chỉ điểm”.
Người thợ chưa kịp phản ứng gì, Hai Lâm đã nhảy lên xe phóng vút đi. Đêm đó, anh trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Hàng trăm câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu anh. Anh xử trí như vậy đã đúng chưa? Liệu còn phương án nào hay hơn không? Tại sao anh không thông báo cho hai người để chắc ăn? Nếu người chữa đồng hồ là đồng chí chân chính thì sao? Anh ấy đâu dám tin vào nguồn tin vớ vẩn của tên cha căng, chú kiết nào đó thông báo hết sức vội vàng, hấp tấp! Trường hợp người thợ chữa đồng hồ là tên chỉ điểm thì thật là phiền toái rắc rối. Chắc nó không kịp nhận ra mặt anh, không nhìn rõ số xe của anh nhưng ít nhất nó cũng tả được dáng người...
Đã từ lâu Hai Lâm luôn luyện cho mình bình thản trước mọi việc, sắc mặt không biến đổi kể cả lúc thần kinh bị căng thẳng nhất. Nhưng đêm đó, anh không sao bình thản được. Anh không thể tâm sự với Cẩm Nhung. Cô ấy là người vợ tốt, yêu chồng tha thiết song chưa phải là đồng chí, anh không có quyền, không được phép đem nhiều bí mật của tổ chức ra bàn bạc với cô.
Khoảng bốn giờ sáng, anh thiếp đi vì quá mệt. Anh choàng dậy khi nghe chuông đồng hồ réo. Anh đánh răng, rửa mặt rồi ngồi vào bàn ăn. Không muốn để Cẩm Nhung lo lắng cho sức khỏe của mình và để động viên cô, anh cố nhai, cố nuốt, cố tiêu thụ kỳ hết suất ăn sáng rồi lái xe đến tổng nha.
Sáu Ú săn đón:
- Anh Hai chịu thua cuộc chưa?
- Chịu! Nè, bữa nay chú Sáu đi hướng nào?
- Em đến Lăng Cha Cả.
- Sao chú chọn hướng đó? Thằng cha đó quan trọng nhất à?
- Đâu phải, anh Hai. Em phải bảo vệ thằng đó!
Hai Lâm thở phào khoan khoái. Nỗi băn khoăn đầu tiên của anh được gỡ bỏ. Một khi Sáu Ú đã xác nhận địa chỉ tên chỉ điểm ở Lăng Cha Cả thì dứt khoát người thợ sửa đồng hồ là đồng chí của anh rồi. Anh quyết định đi theo mũi tiến công này nhưng đi sau cùng.
Kia rồi, Hai Lâm đã nhìn thấy quầy hàng quen thuộc, phía sau quầy vẫn có người đang hý hoáy chữa đồng hồ. A, phải rồi! Đây là kiểu "hình nhân thế mạng” người chủ cho người khác thay thế ngồi vào chỗ của mình để đánh lừa địch. Anh yên tâm theo dõi diễn biến của vở kịch. Khi đã vào gần, anh chợt sững người. Trời, tại sao đồng chí đó vẫn ra mặt? Có lẽ đồng chí đó không tin điều mình thông báo rồi nên mới ngồi yên vị?
Anh không thể xông lên trước giục đồng chí đó chạy đi mà đứng lặng, chờ sự rủi ro sẽ đến. Chợt người thợ chữa đồng hồ đứng dậy. Anh ra mở cửa và nhanh như làn chớp nhảy lên chiếc xe gắn máy lao vút đi. Bị bất ngờ, tên trung úy chỉ huy toán phục kích huýt còi inh ỏi, hò hét ra lệnh cho đàn em đuổi theo. Đúng giây phút đó, hàng chục thanh niên nam nữ phóng xe ra đường nhằm mục đích là chặn những xe kẻ săn đuổi lại. Người thợ chữa đồng hồ trốn thoát. Tuy vui như mở cờ trong bụng, Hai Lâm giả bộ nóng giận tột độ, đã quát tháo kẻ dưới quyền:
- Sao anh có thể ngu như vậy? Để tên Việt Cộng trốn thoát ngay dưới họng súng của mình tại đường phố Sài Gòn. Thật là nhục.
- Tôi đâu có ngờ. Tôi e rằng thằng đó đã được thông báo trước.
Hai Lâm mắng át đi.
- Thằng cha bị bất ngờ hoàn toàn. Nếu được thông báo trước, nó sẽ dùng kế "ve sầu thoát xác" để chúng ta vồ phải con mồi giả còn nó đã chuồn từ lâu rồi. Tại sao trung úy nghĩ là thằng đó được báo trước.
- Nó đã ém sẵn xe gắn máy.
- Hừ! Như vậy mà cũng đòi phán đoán. Tụi biệt động Sài Gòn dư sức phóng xe như làm xiếc trên đường phố. Tao nghi thằng đó là dân biệt động có cỡ lắm. Trung úy tính sao? Về chớ?
- Thưa ông chuyên viên! Xin ông đừng khiển trách tôi trước mặt sếp.
- Đồng ý.
Hai Lâm cùng đoàn quân thất trận quay về tổng nha. Sáu Ú nhăn nhó:
- Thằng đó biến mất rồi, anh Hai!
- Sao? Còn các hướng khác?
- Tất cả đều vồ hụt không rõ vì sao nó kịp "lặn" hết trơn?
- Chú Sáu gặp ông tướng chưa?
- Rồi! Ông tức lắm! Ông không hiểu ai đã tiết lộ điều bí mật này. Chả lẽ người đó lại là tôi, là anh Hai?
Viên tướng tức lồng lộn. Người đầu tiên ông ta sờ đến là Sáu Ú:
- Tối hôm qua anh ở đâu? Anh xuống xóm hay đi lai rai với đứa nào?
- Trình thiếu tướng, tôi không hề bước chân ra khỏi nhà.
- Anh phán đoán như thế nào? Nếu chúng ta vồ hụt một thằng hoặc năm thằng thì còn lý giải được. Cả mười đứa lặn mất tăm là vì sao, tại sao?
Sáu Ú chợt nhớ đến Hai Lâm. Hắn không dại gì kể lại chuyện đánh cuộc giữa hắn và Hai Lâm vì hắn tin ở ông chủ sự và cũng không để món hời mà hắn luôn được thưởng. Giọng viên tướng vẫn gắt gỏng:
- Lần cuối cùng anh tiếp xúc với H7 (tên chỉ điểm) là bao giờ?
- Thưa, cách đây bốn ngày.
- Anh có để lộ gì với hắn về việc hôm nay không?
- Trình thiếu tướng! Dù tôi có là kẻ ba hoa, tôi cũng không thể cho H7 biết điều gì vì chính bản thân tôi mới biết chiến dịch này hồi chín giờ sáng hôm qua.
Viên tướng đi đi lại lại trong phòng với dáng bực bội. Thấy Sáu Ú vẫn đứng nghiêm, lão khoát tay. Sáu Ú vừa ra đến cửa đã bị lão gọi giật lại.
- Này! Anh thử áp dụng phương pháp triệt tiêu, loại trừ và báo cáo cho tôi kết quả. Tôi nghi rằng trong nội bộ chúng ta có kẻ nào đó đã thông báo cho Việt Cộng. Tên đó là ai? Chúng thông báo cho nhau bằng phương tiện gì? Điện đài? Điện thoại? Liên lạc với nhau bằng xe đạp, xe gắn máy, xe hơi? Cứ cho là vào đúng chín giờ sáng hôm qua, khi anh biết tin này thì tên Việt Cộng đó cũng được thông báo như vậy. Nó làm cách nào mà báo cáo vào R và từ R chỉ đạo ra cho chúng nó kịp tẩu thoát trong vòng hai mươi giờ. Khó lý giải quá? Này, H7 có để lại báo cáo gì cho anh không?
- Thưa, không.
Sáu Ú báo cáo mũi tiến công về Lăng Cha Cả. Theo kế hoạch đã bàn thì H7 sẽ bị bắt, bị hỏi cung và bị giam với những người khác trong cùng một xà lim. Do cùng cảnh ngộ H7 sẽ dễ moi những điều bí mật của bạn cũ - H7 làm nghề chữa điện và ra-đi-ô. Anh ta thuê hai mét vuông nhà để làm cửa hiệu. H7 ít giao thiệp, không có bà con thân thuộc ở Sài Gòn và mối quan hệ với chủ nhà không mật thiết lắm. Vào khoảng mười giờ đêm qua, có ai đó đến tìm, H7 theo người đó đi luôn, không ngủ đêm ở nhà.
Viên tướng chỉ còn bấu víu vào trường hợp duy nhất: người thợ chữa đồng hồ. Lão chăm chú nghe Hai Lâm tường thuật và đặt câu hỏi:
- Để thằng đó thoát là do ai? Có phải tại thằng trung úy bất tài không?
Do được Sáu Ú rỉ tai trước nên Hai Lâm đã có chính kiến riêng. Anh không đổ tội cho viên trung úy. Từ sau ngày được ông Giô-dép gửi gắm, viên tướng có cảm tình đặc biệt với anh. Đã mấy lần lão nhắc nhủ:
- Tôi với chú Hai đều là đệ tử của đại tá Giô-dép. Chú Hai còn có diễm phúc là con rể ông, nên tôi với chú có tình nghĩa sư huynh, sư đệ, chú khỏi phải báo cáo.
- Nếu anh Tư cho phép.
Trong vụ này, viên tướng không hề nghĩ tới Hai Lâm trong số người bị nghi vấn. Viên tướng gật gù trước lập luận của anh:
- Nếu anh Tư ở vào địa vị của tôi, anh sẽ uất như thế nào? Chính mắt tôi trông thấy thằng đó trốn mà không làm gì được mới tức. Sao thằng đó chơi ngông vậy? Liệu nó có biết trước kế hoạch vây bắt không? Ngay phút đó, tôi chưa có câu trả lời nhưng khi hay tin ta không vồ được con mồi nào thì tôi dám khẳng định là nó biết trước.
- Sao nó dám chiềng mặt ra, dám trêu ngươi chúng ta?
- Tôi cũng đã tự đặt cho mình câu hỏi đó.
- Và chú đã có câu trả lời?
- Theo anh Tư, tại sao thằng đó không áp dụng kế "ve sầu thoát xác"?
Viên tướng gõ ngón tay trỏ xuống bàn, một thói quen khi phải đăm chiêu suy nghĩ. Câu hỏi rất đơn giản song thật khó trả lời. Ừ, tại sao thằng cha đó không chọn một người nào đó tầm cỡ giống mình để thay thế, còn nó đứng ở phía sau quan sát có phải sẽ ít nguy hiểm không? Phải chăng nó không có đồng bọn? Vậy những thanh niên dùng xe máy ngăn cản cảnh sát truy đuổi là ai? Dứt khoát đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên xảy ra trên đường phố mà do thằng cha đó đã bố trí trước. Hay là vì nó ngu dốt, nó không nghĩ ra cách dùng hình nhân thế mạng? Cũng không ổn. Một cán bộ tầm cỡ của Việt Cộng được gài vào làm công tác tình báo hoặc binh vận ở Sài Gòn đâu đến nỗi gà mờ như thế! Viên tướng nói những điều vừa diễn ra trong óc lão với Hai Lâm và hỏi lại:
- Chú có lập luận gì khác tôi không?
- Xin phép anh Tư cho tôi nói thẳng.
- Can chi mà chú rào đón dữ vậy? Chú tính phê phán nhận xét của tôi chớ gì? Chú cứ nói.
- Thưa anh Tư! Tôi là dân Bắc Kỳ, người Hà Nội, còn anh Tư là dân Nam Kỳ, gốc Sài Gòn nên tôi e ngại khi phải đưa ra tính cách người Sài Gòn.
- Vậy à! Điều đó khá lý thú. Chú nói đi!
- Thằng cha đó có máu ngông nên thích chơi trò mạo hiểm.
Viên tướng nhếch mép cười, xác nhận:
- Chú có lý. Không phải những tay anh chị, trùm các băng mới dám hành động liều lĩnh, bất cần đời mà nhiều thanh niên con nhà lành cũng ưa chơi những pha rụng tim. Nè! Tại sao thằng cha đó không lặn êm ro như chín đứa kia?
- Thưa anh Tư! Theo ý tôi, thằng cha đó hoặc là người chỉ huy cao nhất của tụi nó, hoặc là tên có vị trí ít quan trọng nhất. Tôi nghiêng về phía thứ hai.
- Vì sao vậy?
Hai Lâm đã gần đạt được mục đích của mình. Phải làm cách nào đó gạt được nhân vật chữa đồng hồ ra khỏi diện nghi vấn của viên tướng. Anh phân tích:
- Tôi không phủ nhận là tin tuyệt mật từ cơ quan ta đã lọt ra ngoài cho đối phương. Cho tới phút này, tôi chưa dám khẳng định là trong Tổng nha có Việt Cộng náu mình, vì ta chưa có dữ kiện về đường đi của nguồn tin mật. Tên chỉ huy cao nhất của Việt Cộng tại Sài Gòn đã nắm được tin mật nên đã ra lệnh cho đồng bọn rút khỏi địa bàn. Tên thợ chữa đồng hồ là cán bộ cỡ nhỏ hoặc liên lạc viên. Nó còn trẻ, mới hai bốn tuổi, là người gốc Sài Gòn nên đã tự nghĩ ra trò chơi ngông với cảnh sát.
Viên tướng lại gõ ngón tay trỏ xuống mặt bàn. Đột nhiên lão đứng dậy, chìa bàn tay về phía Hai Lâm:
- Chú có lý. Chú hãy giúp tôi tìm ra lời giải đáp của bài toán này.
Hai Lâm nhận lời nhưng anh không làm gì thêm nữa. Viên tướng cũng không dò tìm ra đầu mối nên đành để cho sự việc chìm trong quên lãng.
Sau đại thắng 30-4-1975, Hai Lâm gặp lại anh thợ chữa đồng hồ. Anh tên Bảy Thắng, tỉnh ủy viên. Anh kể về lý do "chơi ngông" của mình: Nhận được thông báo, tôi bàng hoàng lắm nhưng chỉ tin khoảng 80% thôi. Rút một lúc mười cơ sở nội thành phải tốn hàng chục năm mới gây dựng được do tin báo của người không quen biết là điều dại dột. Anh ta có phải người của mình hay kẻ khiêu khích? Tôi không nghiêng về bên này hay bên kia. Nếu mình "lặn", mình sẽ quay lại như thế nào? Tôi quyết định ở lại cửa hàng để kiểm tra những điều nghe được khá cụ thể và rất chính xác. Tôi bố trí kế hoạch rút lui. Do cảnh giác và chủ động trước nên tôi đã thoát khỏi lưới bủa vây dễ dàng. Vào R, chúng tôi đã phát hiện ngay được tên chỉ điểm và đã trừng trị nó đích đáng.
- Anh có dò hỏi về người đưa tin không?
- Tôi có báo cáo với bí thư thành ủy. Anh Sáu khuyên tôi im lặng. Tôi đã làm theo lời anh ấy.
- Này, hồi đó, chị Cẩm Nhung có biết chuyện này không?
- Hoàn toàn không biết tý gì. Đây là điều day dứt nhất của tôi. Trong những năm tháng hoạt động trong lòng địch, người thân thiết, gần gũi nhất của tôi lại không cùng chia vui hoặc san sẻ nỗi lo âu với tôi. Nếu có Thoa ở bên cạnh, hạnh phúc của tôi thật trọn vẹn.
- Năm đó, chị Cẩm Nhung biết anh có vợ cả chưa?
- Chưa anh ạ! Đó là điều đáng trách của tôi. Tôi đã hứa với Thoa, vợ tôi và tôi nhất định thực hiện bằng được lời hứa của mình.
Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ - Nguyễn Trần Thiết Ông Tướng Tình Báo Và Hai Bà Vợ