Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 7 - Quý Ngài Peeperkorn
uý ngài Peeperkorn, một người Hà Lan đứng tuổi, có một thời gian là khách của ‘Sơn trang’, an dưỡng đường danh tiếng xứng đáng với tính từ “quốc tế” trên bảng hiệu của mình. Pieter Peeperkorn (đó là tên ông ta, ông ta tự gọi mình như thế mỗi khi khoan khoái tuyên bố: “Giờ thì Pieter Peeperkorn tự thưởng cho mình một ly!”) là người Hà Lan thuộc địa, một chủ đồn điền cà phê đến từ đảo Java. Nhưng cái quốc tịch hơi pha một chút da màu ấy chưa đủ để chúng tôi đưa ông ta vào câu chuyện của chúng ta trong giờ phút muộn mằn này. Bởi có Chúa chứng giám, trong đám khách giang hồ tứ chiếng ở cái viện an dưỡng nổi tiếng dưới bàn tay điều hành giỏi giang của ông bác sĩ cố vấn cung đình Behrens nhiều lưỡi thật không thiếu một sắc da nào! Mới rồi ở đây thậm chí có mặt cả một cô công chúa Ai Cập thứ thiệt, chính là cái cô hồi nào đã tặng cho ông cố vấn cung đình bộ đồ pha cà phê trứ danh và loại thuốc lá hiệu Sphinx. Quý công nương là một nhân vật ngổ ngáo rạch giời rơi xuống với những ngón tay ám khói nicotin vàng khè đeo đầy nhẫn và mái tóc cắt ngắn cũn cỡn, suốt ngày lượn quanh trong bộ áo vét đàn ông và quần là thẳng nếp, chỉ trừ những bữa chính, khi ấy cô ta diện mốt Paris xuống dưới phòng ăn; cũng phải nói thêm rằng thế giới đàn ông không có tí ký lô nào đối với cô ta, toàn bộ niềm say mê lì lợm nhưng không kém phần bạo liệt của mình cô ta dành hết cho một phụ nữ Do Thái người Romania tên là bà Landauer, không đếm xỉa đến việc ông công tố viên Paravant đã vì công nương bỏ bê toán học và rơi vào vai kẻ si tình. Thế vẫn còn chưa đủ, trong đoàn tùy tùng khiêm tốn của cô công chúa ấy có một gã hoạn quan da đen, một tên mọi ốm yếu, nhưng không có vẻ gì là gần đất xa trời như những lời dèm pha ưa thích của Karoline Stöhr, y tỏ ra trân trọng mạng sống của mình hơn bất cứ ai ở đây và thường trưng ra một nỗi đau khổ không gì an ủi nổi khi giới thiệu bức chân dung lục phủ ngũ tạng trên tấm phim nhỏ, nhờ tia chiếu điện xuyên qua lớp vỏ đen thui bên ngoài...
So với những nhân vật đặc sắc như thế thì quý ngài Peeperkorn quả là mờ nhạt. Và nếu như chúng tôi có đặt cho phần này, giống như một phần ở chương trước, cái tựa đề ‘Thêm một người’, thì quý vị chớ nên lo sợ rằng ở đây lại có một tu sĩ nhiều chuyện hay một nhà sư phạm nửa mùa nhảy vào câu chuyện của chúng ta. Không, quý ngài Peeperkorn quyết không phải là một người thích tung hỏa mù triết học. Ông ta thuộc một loại hoàn toàn khác, rồi chúng ta sẽ thấy. Tuy nhiên ông ta vẫn gây ra cho nhân vật chính của chúng ta một sự hoang mang cao độ, đó là vì lẽ sau đây.
Quý ngài Peeperkorn đến ga ‘Làng’ cùng một chuyến tàu tối như Madame Chauchat và cùng ngồi một cỗ xe trượt tuyết với cô ta về ‘Sơn trang’, ở đó ông ta cùng dùng bữa tối với cô nàng trong khách sạn. Họ không phải chỉ đến cùng một lúc, họ đến cùng nhau. Và cái sự cùng nhau này tiếp diễn cả trong việc quy định chỗ ngồi ăn, cụ thể là quý ngài được phân cho một chỗ gần người quay trở lại ở bàn Nga thượng lưu, đối diện với ghế bác sĩ, chính là cái chỗ ngày xưa ông thầy giáo Popow trình diễn một màn động kinh đáng sợ và đáng ngờ. Sự thân thiết giữa họ như cái gai chọc vào mắt chàng Hans Castorp trung hậu, vì trong những dự đoán của mình chàng chẳng bao giờ ngờ tới khả năng này. Ông cố vấn cung đình đã báo cho chàng biết trước ngày giờ trở lại của Clawdia bằng cái giọng giễu dở quen thuộc của ông ta. “Này, Castorp, anh bạn già”, ông ta bảo, “chung thủy chờ đợi tất sẽ được đền bù. Tối ngày mai con mèo con rón rén bò về đấy, tôi nhận được điện báo tin rồi.” Nhưng ông ta ỉm đi chuyện Madame Chauchat không về một mình. Có thể chính ông ta cũng không biết là cô nàng đi cùng Peeperkorn, hay không biết mức độ mối thâm tình giữa họ với nhau - ngày hôm sau ông ta làm bộ rất ngạc nhiên khi bị Hans Castorp chất vấn điều này.
“Tôi cũng không biết cô nàng moi đâu ra cái của nợ ấy”, ông ta phân trần. “Chắc lại một sự quen biết dọc đường, theo tôi có thể là trên đường từ Pyrenees đến đây. Chà, trước mắt thì ông đành phải chịu đựng lão ta thôi, hỡi chàng Seladon[409] tội nghiệp, chẳng có cách nào khác đâu. Họ thân thiết lắm, ông hiểu không. Nghe đâu họ còn chung cả ngân sách nữa cơ đấy. Cứ như chỗ tôi được biết thì ông ta giàu sụ. Vua cà phê đã rửa tay gác kiếm, ông phải biết thế, có người hầu Mã Lai, nhất nhất đều rất mực phong lưu. Nhưng ông ta đến đây không phải để chơi, ngoài chứng viêm niêm mạc kéo đờm do lạm dụng đồ uống có cồn có vẻ như ông ta còn bị sốt rét ác tính, sốt nóng lạnh ấy, ông hiểu không, để lâu ngày không chữa, dai dẳng lắm. Ông phải kiên nhẫn với ông ta thôi.”
“Xin cứ tự nhiên, cứ tự nhiên”, Hans Castorp đáp giọng kẻ cả. “Còn ngươi thì sao?” Chàng nghĩ bụng. “Ngươi cảm thấy thế nào? Đừng làm bộ không can dự, ta biết tỏng ra rồi, từ trước kia, người đàn ông góa vợ với cặp má tím xanh và nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu! Ngươi lại còn hí hửng cười trên sự đau khổ của ta, mà quên mất rằng xét cho cùng cả hai chúng ta đều là những người khốn khổ so với cái lão Peeperkorn kia.” Nhưng chàng chỉ phẩy tay bảo: “Một người kỳ cục, rất lập dị, rất độc đáo. Bề thế nhưng mà hơi hẻo, đó là ấn tượng đầu tiên ông ta gây ra cho người khác, hay nói đúng hơn đó là ấn tượng của tôi sau bữa điểm tâm sáng nay. Bề thế nhưng cứ hẻo hẻo thế nào ấy, theo tôi đó là những tính từ thích hợp nhất để tả ông ta, mặc dù thông thường chúng không đi đôi được với nhau. Ông ta vừa có chiều cao vừa có chiều rộng và hay đứng xoạc cẳng, tay khuỳnh ra đút túi quần xẻ dọc - túi quần ông ta xẻ dọc chứ không may chéo như túi quần ông hay quần tôi hay quần bất cứ người nào thuộc tầng lớp chúng ta - và khi ông ta đứng chàng hảng như vậy và làu bàu nói trong cổ họng theo kiểu người Hà Lan thì ai cũng phải thừa nhận rằng tướng ông ta rất áp đảo. Nhưng mà râu cằm ông ta thưa thớt quá - dài, nhưng mà thưa, đến nỗi tưởng như đếm được từng sợi, và mắt ông ta thì nhỏ xíu, vừa nhỏ vừa nhạt màu, chẳng biết là màu gì nữa. Ông ta có thói quen giương mắt lên hết cỡ, nhưng làm thế nó cũng chẳng to ra được là bao, chỉ khiến cho trán nhăn tít lại, những nếp nhăn từ hai bên thái dương chạy ngược lên trên cày ngang qua trán - trán ông ta cao và đỏ gay, ông biết đấy, viền quanh là mớ tóc bạc dài nhưng thưa thớt - tóm lại mắt ti hí vẫn hoàn ti hí và trong sòng sõng. Và ông ta mặc áo gi lê gài kín cổ như thầy tu, nhưng áo khoác ngoài lại kẻ ca rô. Đấy là ấn tượng đầu tiên tôi thu được sáng nay.”
“Ha, ông đã kịp soi ông ta kỹ thế”, Behrens đáp. “Như thế là khôn ngoan, tôi bảo thật, vì dù muốn hay không ông cũng phải quen dần với sự có mặt của ông ta ở đây.”
“Vâng, có lẽ đến phải thế thật”, Hans Castorp đồng tình. Chàng vừa cung cấp cho chúng ta một bức chân dung phác họa người mới đến, vị khách không mong đợi, và làm việc đó không đến nỗi tồi - bản thân chúng tôi có lẽ cũng không thể làm tốt hơn bao nhiêu. Nhưng đó là vì chàng chiếm được vị trí quan sát thuận lợi nhất: như chúng ta đã biết, trong lúc Clawdia vắng mặt chàng đã chuyển sang ngồi ở một bàn cạnh bàn Nga thượng lưu; vì bàn của chàng gần như song song với bàn của họ - chỉ khác cái là bàn Nga thượng lưu kê hơi nhô về phía cửa ra hiên ngoài - và cả Hans Castorp lẫn Peeperkorn đều ngồi ở phía đầu bàn bên trong nên có thể nói là họ gần như ngồi cạnh nhau, Hans Castorp hơi thụt về phía sau người đàn ông Hà Lan, vị trí ấy rất tiện cho một sự quan sát kín đáo, và gương mặt xoay nghiêng ở góc độ ba phần tư của Madame Chauchat cũng nằm trong tầm ngắm của chàng. Có lẽ nên bổ sung thêm vào bức phác họa tài tình của Hans Castorp một đôi điều, đó là Peeperkorn không để ria mép, ông ta có một cái mũi to nung núc thịt và một cái miệng cũng to không kém với làn môi dày xơ xác cứ như bị rách. Ông ta có đôi bàn tay tương đối rộng với những móng tay dài chuốt nhọn, không bao giờ để yên trong khi ông ta nói - mà ông ta nói gần như không ngừng không nghỉ, mặc dù Hans Castorp chẳng hiểu mấy tí nội dung. Những cử chỉ của đôi bàn tay ấy - rộng bản, với bộ móng dài và nhọn - tỏ ra rất chọn lọc, rất thu hút sự chú ý, có sự tinh tế và chính xác và văn hóa của một nhạc trưởng, lúc thì ngón cái và ngón trỏ khum lại thành một vòng tròn, lúc thì lòng bàn tay mở ra che chắn hoặc đè nén bớt tiếng ồn hoặc khẩn cầu sự chú ý - để rồi làm cho bấy nhiêu chú ý được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng đến thế chuyển thành thất vọng tràn trề vì lời phát biểu khó nắm bắt nội dung tuôn ra sau đó. Thực ra cũng không hẳn là thất vọng, mà đúng hơn có lẽ sự căng thẳng hồi hộp của người nghe biến thành một sự ngạc nhiên đầy thú vị, vì những cử chỉ phong phú vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển tự nó đã nói lên khá nhiều, có sức lôi cuốn và làm hài lòng khán giả đến nỗi họ hầu như không để ý đến sự thiếu hụt về nội dung sau đó. Đôi khi sau sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoàn toàn không có lời nào được phát ra. Ông ta nhẹ nhàng đặt bàn tay lên cánh tay người hàng xóm bên trái, một trí thức Bulgaria trẻ, hay lên tay Madame Chauchat ngồi bên phải, rồi nhấc tay lên và đưa ra phía trước yêu cầu cử tọa giữ trật tự để nghe ông ta nói, rướn cao cặp chân mày khiến những nếp nhăn đổ xô về thái dương làm thành một góc vuông trên đuôi mắt như cái mặt nạ, ánh mắt găm xuống tấm khăn trải bàn trước mặt người hàng xóm đang tập trung cao độ lắng nghe, cặp môi rộng te tua hé mở như chuẩn bị tuyên bố một điều tối quan trọng. Sau khoảnh khắc căng thẳng chờ đợi ông ta thở hắt ra, không nói gì cả, vẫy tay ra dấu cho mọi người “nghỉ” và quay sang dành toàn bộ sự chú ý của mình cho ly cà phê đậm đặc được pha chế riêng bằng cái máy pha cà phê của chính ông ta.
Sau khi uống xong cà phê ông ta tiếp tục. Ông ta đưa tay chặn đứng cuộc chuyện trò đang lúc sôi nổi bên bàn ăn, tạo ra quanh mình một sự yên tĩnh, như người nhạc trưởng bằng một cử chỉ tinh tế đầy uy quyền chấm dứt âm thanh hỗn độn của các nhạc cụ đang được lên dây và tập hợp dàn nhạc lại để bắt đầu một tiết mục - với mái đầu to tướng bọc trong mớ tóc bạc phơ, đôi mắt không màu, những nếp nhăn hùng mạnh in sâu trên trán, bộ râu cằm dài lưa thưa và cái miệng rộng đau đớn te tua phơi trần, ông ta tỏa ra một uy lực không thể chối cãi buộc mọi người tuân theo mệnh lệnh của mình. Tất cả im bặt, họ nhìn ông ta và mỉm cười chờ đợi, một đôi người gật gật đầu khuyến khích. Ông ta cất tiếng nói, bằng một giọng khẽ khàng:
“Thưa các quý vị. Tốt. Tốt lắm. Dứt điểm. Tuy nhiên xin quý vị lưu ý và chớ có - không một giây một phút nào - quên đi yếu tố này - nhưng thôi. Về điểm này không cần phải nói gì nữa. Điều tôi muốn nói với quý vị không gì khác hơn là, trên hết và duy nhất chỉ một điều này, đó là chúng ta có nghĩa vụ - nghĩa vụ của chúng ta là đáp ứng đòi hỏi không gì lay chuyển nổi - tôi xin nhắc lại và đặc biệt nhấn mạnh khái niệm đòi hỏi không gì lay chuyển nổi được đặt ra cho chúng ta - Không! Không, quý vị thân mến, không phải thế! Không phải tôi định - quý vị sẽ nhầm lẫn vô cùng, nếu nghĩ rằng tôi - dứt điểm, thưa các quý vị! Hoàn toàn dứt điểm. Tôi biết, chúng ta hoàn toàn hiểu nhau, và trên tinh thần ấy: vào việc!”
Ông ta tuyệt nhiên không nói một điều gì; nhưng mái đầu ông ta cất cao oai vệ một cách không thể tả, nét mặt và cử chỉ của ông ta đầy quả quyết, có sức lôi cuốn và gây ấn tượng mạnh đến nỗi tất cả cử tọa không trừ một ai, kể cả Hans Castorp chỉ là người nghe lén, cứ nghĩ rằng mình mới được nghe một thông điệp tối quan trọng, hoặc, đến khi họ hiểu ra nội dung trống rỗng của bài phát biểu vừa rồi thì cũng hoàn toàn không cảm thấy thiếu thốn gì. Chúng tôi tự hỏi, không biết một người điếc sẽ tâm phục khẩu phục đến mức độ nào. Có lẽ anh ta sẽ đau khổ lắm, vì kết luận sai lầm rút ra từ những điều mắt thấy và cứ ngỡ mình đang phải chịu một thiệt thòi không gì bù đắp nổi do khiếm thính. Những người như thế thường thiếu tự tin và dễ mặc cảm. Một người Trung Hoa trẻ tuổi ngồi ở đầu bàn bên kia, mặc dù chưa biết được bao nhiêu chữ tiếng Đức và chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, nhưng vẫn chăm chú theo dõi bài diễn thuyết và nhiệt tình bày tỏ sự hài lòng của mình bằng cách vừa vỗ tay bồm bộp vừa kêu to: “Very well!”[410]
Và quý ngài Peeperkorn “vào việc”. Ông ta vươn người thẳng dậy, ưỡn căng bộ ngực rộng, gài lại nút chiếc áo khoác kẻ ca rô bên ngoài cái áo gi lê thầy tu, ngẩng cao mái đầu trắng xóa vương giả. Ông ta vẫy một tiểu nữ lại gần - đó là cô người lùn - mặc dù đang hết sức bận rộn cô ta vẫn tuân lệnh ngay lập tức và chạy tới đứng bên ghế ông ta, một tay cầm bình sữa, tay kia bình cà phê. Cả cô ta cũng bất giác nở một nụ cười trên khuôn mặt già khằng và gật nhẹ đầu khuyến khích, trong khi vẫn hồi hộp theo dõi ánh mắt không màu dưới những nếp nhăn đầy ấn tượng, bàn tay đưa lên cao, ngón cái và ngón trỏ khép lại thành một vòng tròn, ba ngón kia xòe ra với những móng tay dài nhọn như mũi giáo của người vừa gọi.
“Cưng ơi”, ông ta bảo, “tốt lắm. Tất cả đều rất tốt, thật thế. Cô hơi nhỏ người - nhưng cái đó có hề gì? Ngược lại là đằng khác. Ta cho đó là một ưu điểm, ta cảm ơn Chúa vì cô đúng là cô với sự nhỏ bé đầy cá tính của mình. - Thôi được rồi! Ta chỉ muốn nhờ cô một điều rất nhỏ bé thôi, nhỏ bé và đầy cá tính. Nhưng trước hết, cô tên là gì nhỉ?”
Cô ta mỉm cười ngượng nghịu và lắp bắp trả lời rằng, tên cô là Emerentia.
“Tuyệt!” Peeperkorn kêu lên, ngả người dựa vào lưng ghế và khuỳnh tay về phía cô người lùn. Giọng ông ta vang lên đầy mãn nguyện như muốn nói: ‘Các vị còn đòi hỏi gì nữa? Chẳng phải mọi sự tuyệt vời quá hay sao?’ - “Cưng ơi”, ông ta lấy lại vẻ nghiêm túc nhất trần đời và nói tiếp một cách gần như nghiêm khắc, “điều đó vượt quá mọi mong đợi của ta. Emerentia - cô nói tên mình một cách thật khiêm tốn, nhưng cái tên ấy - cùng với con người cô - tóm lại, nó mở ra những khả năng thật tuyệt vời. Cái tên ấy đẹp đến nỗi người ta phải say mê và dành trọn những tình cảm ấm áp nhất trong ngực, để - thành tên gọi âu yếm - cô hiểu ý ta chứ: tên gọi âu yếm - Rentia nghe hay đấy, nhưng Emchen có vẻ ấm áp hơn - lúc này đây ta quyết định ngả về phía Emchen không một chút dao động. Vậy là, Emchen, nghe đây: một chút bánh mì, cưng ơi. Đứng lại! Gượm đã! Không được hiểu lầm! Ta đọc được nguy cơ hiểu lầm lồ lộ trên gương mặt to quá khổ của cô - bánh mì, Renzchen, nhưng không phải bánh mì nướng - thứ ấy ở đây đầy rẫy rồi, đủ các kiểu các loại. Không phải ngũ cốc nướng thành bánh, mà là ngũ cốc cất thành nước, thiên thần bé nhỏ của ta. Bánh mì của Chúa, bánh mì lỏng trong suốt, cô bé ạ, để làm phấn chấn tinh thần. Ta không biết cô có hiểu đúng ý ta không - ta đã định dùng từ ‘hưng phấn’, nhưng lại sợ gây ra một sự hiểu lầm mới theo nghĩa thông tục của cái từ này - dứt điểm, Rentia. Dứt điểm và ngắn gọn. Để tăng cường sự hiểu biết và gắn bó giữa chúng ta - một ví dụ cho lòng tôn trọng và cảm mến ta dành cho sự bé nhỏ đầy cá tính của cô - một Genever[411], rõ chưa! - Để thêm phần phấn chấn. Rượu Schiedam ấy, Emerenzchen. Lấy cho ta một ly, mà nhảo nhảo lên!”
“Một Genever, rõ rồi ạ”, cô người lùn nhanh nhảu lặp lại, quay nhìn quanh tìm chỗ bỏ mấy cái bình để giải phóng hai tay, và đặt đại xuống bàn Hans Castorp, ngay cạnh dao nĩa của chàng, ý chừng không muốn làm rầy ông Peeperkorn. Rồi cô ta hối hả chạy đi, và trong nháy mắt nguyện vọng của quý ngài được đáp ứng. Cái ly nhỏ được rót đầy có ngọn đến nỗi “bánh mì” tràn ra ướt cả cái đĩa lót bên dưới. Ông ta dùng ngón cái và ngón giữa nhấc ly rượu lên soi ra ánh sáng. “Chà”, ông ta bảo, “Pieter Peeperkorn tự thưởng cho mình một ly!” Và ông ta dốc thứ chất lỏng chưng cất từ ngũ cốc vào miệng, nhai nhóp nhép mấy cái rồi mới nuốt ực xuống. “Giờ thì”, ông ta bảo, “tôi có thể nhìn quý vị bằng con mắt phấn chấn hơn nhiều.” Và ông ta cầm lấy bàn tay Madame Chauchat đặt trên bàn đưa lên môi hôn rồi lại đặt xuống, nhưng vẫn để tay mình trên đó thêm một lúc.
Một người đàn ông lập dị, nặng ký cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng hơi lãng. Ông ta trở thành miếng mồi ngon cho dư luận ở ‘Sơn trang’. Ông ta là một đại gia vừa mới rút lui khỏi công cuộc kinh doanh ở xứ thuộc địa, người ta rỉ tai nhau, và đã hạ cánh an toàn với tất cả của chìm của nổi. Mắt tròn mắt dẹt người ta kể cho nhau nghe về dinh cơ bề thế của ông ta ở Haag[412] và ngôi biệt thự ở Scheveningen[413]. Bà Stöhr gọi ông ta là một “trùm dư sản” (tư sản! Con mụ dốt khủng khiếp) và không ngừng nhấm nháy lưu ý mọi người về một chuỗi ngọc trai trên cổ Madame Chauchat, mỗi khi cô nàng xuất hiện trong trang phục buổi tối kể từ khi trở lại đây. Theo đánh giá của Karoline thì đó quyết không thể là bằng chứng tình yêu của người chồng rộng lượng bên kia dãy Caucasus, mà chắc hẳn được chi trả từ “ngân sách chung”. Bà ta còn nháy mắt và hất đầu chỉ sang phía Hans Castorp, kéo cho hai mép trễ xuống nhại bộ mặt một kẻ thất tình - bệnh tật và đau khổ không làm cho Karoline Stöhr cao quý hay tế nhị thêm một chút nào, bà ta không bỏ lỡ cơ hội nhạo báng tình huống trớ trêu của chàng một cách vô liêm sỉ. Chàng đã bảo toàn tư cách và còn đủ hài hước để sửa lưng bà ta một cách hóm hỉnh. Bà nói lộn rồi, chàng bảo. Phải gọi ông ta là trùm tư sản mới đúng. Nhưng dư sản cũng không sai lắm, vì có vẻ Peeperkorn thừa tiền thật. Cả khi cô giáo quá thì Engelhart, má đỏ ửng và mắt ngó lơ chỗ khác, lên tiếng hỏi chàng thấy ông khách mới thế nào, Hans Castorp cũng trả lời một cách rất bình tĩnh. Quý ngài Peeperkorn là một “nhân cách lớn hơi nhòe”, chàng bảo - một nhân cách lớn, đã đành, nhưng nhòe nhoẹt. Câu trả lời khách quan lột tả một cách chính xác đặc điểm đối tượng làm cô gái già cứng họng. Và đáp lại nhận xét hằn học của Ferdinand Wehsal về những yếu tố không mong đợi trong sự trở về của Madame Chauchat, Hans Castorp chỉ cần một ánh mắt, mà sự biểu cảm có lẽ còn rõ ràng và chính xác hơn lời lẽ. ‘Thảm hại!’ Ánh mắt chàng nói thế khi rọi từ đầu xuống chân gã đàn ông Mannheim, mọi cách hiểu khác đi dù độ sai lệch ở mức cực tiểu đã hoàn toàn bị loại trừ. Wehsal cũng hiểu ánh mắt ấy và cắn răng nuốt hận, thậm chí còn cố nặn ra một nụ cười để lộ hàm răng sún. Nhưng từ đó trở đi gã lảng tránh không ôm áo khoác cho Hans Castorp trong những cuộc dạo chơi cùng Naphta, Settembrini và Ferge nữa.
Nhân danh Chúa, chàng thừa sức tự mình cầm áo, chàng còn thích tự cầm hơn là đằng khác, và chàng để cho con người hèn hạ kia cầm giúp chỉ vì muốn tỏ ra thân thiện một chút với y mà thôi. Nhưng không ai trong cái nhóm nhỏ ấy không biết Hans Castorp đau đến thế nào khi bị tình huống hoàn toàn không dự tính trước ấy giáng cho một đòn chí tử, làm tan vỡ hết mọi kế hoạch chàng ấp ủ trong lòng chuẩn bị cho ngày gặp lại đối tượng cuộc phiêu lưu tình cảm của chàng trong đêm hội hóa trang. Nói đúng hơn, tình cảnh này làm cho mọi sự chuẩn bị của chàng trở nên thừa thãi, đó là điều đau đớn và đáng hổ thẹn nhất.
Những dự định của chàng thực ra rất lãng mạn và tế nhị, không có chút gì là lộ liễu hay hấp tấp. Chàng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra ga đón Clawdia - may mắn làm sao chàng không nảy ra ý định ấy trong đầu! Nói chung khó lòng biết được liệu một phụ nữ được bệnh tật ban cho cái tự do lớn nhường ấy có còn nhớ hay còn muốn nhớ đến những điều kỳ diệu trong một đêm mơ đeo mặt nạ và trẹo lưỡi chuyện trò bằng ngoại ngữ hay không. Không, không nên đường đột, không thể đòi hỏi một cách vụng về thô thiển! Tự chàng cũng biết mối quan hệ của mình với nữ bệnh nhân mắt một mí đã vượt quá mọi ranh giới luân lý và đạo đức phương Tây, đúng phép tắc ra thì cách xử sự hợp lý và văn minh nhất thậm chí còn là quên cái khoảnh khắc ấy đi. Một động tác cúi chào kín đáo từ bàn này gửi sang bàn kia - mới đầu chỉ nên thế thôi! Sau đó lựa cơ hội thuận tiện xích lại gần hơn, có thể là lịch thiệp hỏi thăm tình hình sức khỏe người đi xa mới trở về... Đến lúc thời cơ chín muồi thì sự tái ngộ thật sự sẽ là phần thưởng xứng đáng cho sự giữ gìn kín đáo của chàng.
Tất cả những toan tính hay ho này, như đã nói, trong phút giây sụp đổ tan tành, bởi chàng bị tước mất khả năng lựa chọn và do đó chẳng còn gì là đáng khen nữa. Sự có mặt của quý ngài Peeperkorn khiến mọi chiến thuật tiếp cận trở nên bất khả thi, chàng chỉ còn cách giữ đúng phép lịch sự xã giao đứng ngoài vòng chiến. Buổi tối họ đến nơi Hans Castorp nằm trên ban công phòng mình đã thấy chiếc xe trượt tuyết bò lên con dốc vòng vèo, đằng trước ngồi cạnh gã đánh xe là tên hầu phòng người Mã Lai, một người đàn ông da vàng nhỏ thó mặc áo khoác cổ lông và đội mũ cứng, còn ở ghế sau cạnh Clawdia là người lạ mặt, mũ kéo sụp xuống trán. Đêm hôm ấy Hans Castorp gần như không chợp mắt. Sáng hôm sau chàng chẳng gặp khó khăn gì trong việc tìm hiểu tên người khách đồng hành bí ẩn đi cùng nàng, và được bồi thêm cái tin hai người đã dọn vào dãy phòng ưu tiên kế nhau ở lầu một. Rồi tới bữa điểm tâm thứ nhất, chàng xuống phòng ăn sớm và ngồi vào chỗ, mặt tái đi hồi hộp chờ nghe tiếng cánh cửa kính sập loảng xoảng. Không có tiếng sập cửa. Clawdia xuất hiện nhẹ nhàng không tiếng động, vì có quý ngài Peeperkorn đi đằng sau đóng cửa giùm - cao to lừng lững, vầng trán đầy nếp nhăn, mớ tóc bạc phơ quanh mái đầu vĩ đại, ông ta bám sát cô bạn đồng hành, trong lúc cô nàng vẫn những bước chân mèo uyển chuyển như xưa, đầu chúi về phía trước, rón rén đi lại bàn mình. Phải, nàng vẫn thế, chẳng thay đổi gì. Trái với dự định và quên mất bản thân mình, chàng đưa cặp mắt thiếu ngủ nhìn như nuốt lấy nàng. Vẫn mái tóc vàng thoáng ánh đồng đỏ, không kiểu cách cầu kỳ mà tết thành một vòng đơn giản quấn quanh đầu, vẫn cặp mắt “sói đồng hoang”, cái gáy tròn trịa, đôi môi dường như mọng hơn nhờ hai gò má nhô cao và cặp má hơi hõm xuôi xuống theo một đường cong nuột nà... ‘Clawdia!’ Chàng rùng mình thầm gọi. Rồi chàng đưa mắt nhìn sang người khách không mời, cằm chàng bất giác vênh lên thách thức và châm biếm sự xuất hiện oai phong lẫm liệt của gương mặt như cái mặt nạ kia, muốn cười vào mũi kẻ kiêu hãnh tự hào khoe quyền sở hữu trong hiện tại mà không biết rằng cái quyền ấy chẳng là gì dưới bóng đen quá khứ: quá khứ có thực, chứ không phải quá khứ mơ hồ trong nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu của một họa sĩ nghiệp dư, mặc dù chỉ nghi vấn thế thôi cũng đủ làm chính bản thân chàng mất ăn mất ngủ... Madame Chauchat vẫn giữ thói quen dừng bước quay nhìn một lượt khắp phòng trước khi về chỗ. Peeperkorn tháp tùng cô ta cả trong thủ tục này, ông ta đứng hơi xế xế phía sau cô nàng đợi cho cái nghi lễ ấy trôi qua rồi lót tót đi theo Clawdia tới ngồi xuống đầu bàn của mình.
Không có động tác cúi chào kín đáo từ bàn này gửi sang bàn kia. Đôi mắt Clawdia trong khi ‘trình diễn’ lướt qua đầu Hans Castorp và vị trí ngồi của chàng sang tận góc phòng xa nhất; lần gặp mặt kế tiếp trong phòng ăn sự thể cũng chẳng khá hơn; và càng nhiều bữa ăn trôi qua không có sự gặp gỡ trong ánh mắt - ngoài cái nhìn thản nhiên như không của Madame Chauchat - thì càng không thể nghĩ đến chuyện cúi chào. Trong những giờ giao lưu ngắn ngủi buổi tối hai kẻ đồng hành đóng đô trong phòng khách nhỏ: họ ngồi cạnh nhau trên ghế sô pha, giữa những thực khách cùng bàn họ, và Peeperkorn, gương mặt đầy ấn tượng đỏ gay nổi bật trên nền trắng của mái tóc và bộ râu cằm, uống nốt chai rượu đỏ ông ta gọi trong bữa ăn tối. Mỗi bữa chính ông ta uống một chai, cũng có khi một chai rưỡi hay hai, đấy là chưa kể “bánh mì” là thứ ông ta bắt đầu uống từ bữa điểm tâm. Rõ ràng người đàn ông vương giả này có một nhu cầu tiêu thụ cao đối với thứ đồ uống làm phấn chấn tinh thần. Ngoài ra ông ta còn uống cà phê đặc như uống nước: không chỉ buổi sáng mà cả buổi trưa, trong những cái tách to như cái vại, không chỉ sau bữa ăn mà cả trong khi ăn, uống kèm với rượu. Hai thứ đồ uống ấy, Hans Castorp nghe ông ta giải thích, có tác dụng chống sốt - ngoài cái tác dụng làm phấn chấn chúng còn là phương thuốc tốt chống sốt rét cơn, căn bệnh ngay ngày thứ hai ở đây đã bắt ông ta nằm bẹp dí trên giường nhiều giờ đồng hồ. Ông cố vấn cung đình gọi đó là sốt rét tứ nhật, vì cứ khoảng bốn ngày nó quay trở lại hành ông khách người Hà Lan một lần; đầu tiên rét run lẩy bẩy, sau đó nóng như lửa và cuối cùng đổ mồ hôi như tắm. Nghe nói vì thế ông ta còn bị sưng lá lách.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần