Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 5 - Thói Đỏng Đảnh Của Mercury
háng mười mở đầu, như sự bắt đầu của mọi tháng mới – một sự mở màn hoàn toàn giản dị và êm thấm, không có dấu hiệu hay điềm triệu nào báo trước mà cứ âm thầm lặng lẽ tiến tới, và nếu ta không căng mọi giác quan lên chờ đón thì vô tình nó lướt qua lúc nào chẳng hay. Thực ra thời gian làm gì có mốc phân chia rạch ròi thành từng đoạn, một tháng mới hay một năm mới không bao giờ mở đầu bằng sấm sét cuồng phong hay trống giong cờ mở, thậm chí khi sang một thế kỷ mới cũng chỉ có con người bắn súng rung chuông làm rùm beng lên mà thôi.
Trong trường hợp của Hans Castorp thì ngày đầu tiên của tháng mười giống hệt ngày cuối cùng tháng chín: ngày nào cũng lạnh lẽo ảm đạm như ngày nào, và những ngày tiếp theo cũng chẳng khá gì hơn. Khi nằm ngoài ban công người ta cần cả chiếc áo khoác ngắn lẫn hai tấm chăn lông lạc đà, không phải chỉ buổi tối mà ban ngày cũng vậy; những ngón tay cầm cuốn sách ướt nhơm nhớp và lạnh cóng, trong khi gò má vẫn nóng ran. Joachim đã nhấp nhứ lôi chiếc túi ngủ lót lông ra dùng; chàng chỉ từ bỏ ý định ấy vì không muốn tự chiều chuộng mình quá sớm.
Nhưng mấy ngày sau, khi đã gần giữa tháng, thì thời tiết lại đảo lộn lần nữa và tặng cho họ một mùa hè rớt rực rỡ không ngờ. Những điều Hans Castorp nghe người ta ca tụng về tháng mười ở đây quả không ngoa, có dễ đến hai tuần rưỡi bầu trời ngự trị trên núi non thung lũng ngày nào cũng xanh thăm thẳm từ sáng tới tối, và mặt trời gom hết cả hơi nóng dồn vào rẻo đất này, đến nỗi người ta lại phải lôi áo xống mùa hè, váy musselin và quần vải lanh đã cất kỹ ra, thậm chí cái ô không cán được gắn vào tay vịn chiếc ghế nằm bằng một cơ cấu rất hiệu quả, gồm nhiều lõi cáp đan lại với nhau để có thể xoay tán che mọi hướng, cũng không ngăn cản nổi sức thiêu đốt của quả cầu lửa lúc chính ngọ.
“May quá tớ còn ở lại đây để được hưởng những ngày này”, Hans Castorp bảo anh họ. “Mình đã phải chịu đựng những ngày vô cùng ảm đạm - nhưng bây giờ thì tuyệt, cứ như là mùa đông đã hết và lại đến mùa nắng đẹp.” Chàng nói không phải là không có lý. Vì quang cảnh thiên nhiên chẳng để lộ ra bao nhiêu những dấu hiệu đích thực của mùa thu, và nếu có thì cũng rất âm thầm. Ngoại trừ vài cây phong người ta đem lên trồng làm cảnh dưới ‘Phố’ - thực ra chúng chỉ kéo dài cuộc sống mòn mỏi được ngày nào hay ngày ấy và đã tiêu điều trụi lá từ lâu - thì ở trên này không có loài cây thay lá nào mà nhờ chúng phong cảnh mang những dấu ấn đặc trưng của từng mùa, có chăng chỉ cây trăn lưỡng tính vùng núi Alps với lớp lá mềm là còn trút lá lúc sang thu. Hầu hết cây cối trang điểm cho vùng này, dù mọc lên cao hay bò sát đất, đều thuộc bộ lá kim xanh tốt quanh năm, chịu đựng được mùa đông là mùa nếu trừ ra một vài ngoại lệ không đáng kể còn thì có mặt quanh năm suốt tháng và phân phát băng tuyết một cách vô cùng hào phóng; chỉ một thoáng đổi sắc trên đỉnh cây rừng, vài vệt nâu đỏ nhuốm lên những ngọn thông là tố cáo với ta năm đã gần tàn. Dĩ nhiên nếu để ý kỹ thì có những bông hoa đồng nội mà sắc hương thầm lặng cũng nói lên khá nhiều điều. Hoa lan củ, hoa chân chim mà khi lữ khách vừa đặt chân lên đây còn tô điểm cho những thảm cỏ trên sườn núi giờ chẳng thấy bóng dáng đâu, cả hoa cẩm chướng dại cũng biệt tăm. Chỉ còn lại loài hoa khổ sâm, hoa thu thảo mọc sát đất như lời cảnh báo âm thầm về những mũi kim băng giá còn ẩn kín trong bầu khí quyển bị nung nóng nhất thời, khiến người nằm nghỉ ngoài ban công đôi lúc vẫn lạnh thấu xương mặc dù da cháy nắng, giống như những cơn rùng mình ớn lạnh trong khi sốt.
Vậy là Hans Castorp không để tâm nhiều đến cái thứ tự mà con người đặt ra hòng quản lý và giám sát thời gian, chia cắt nó thành nhiều phần, tính đếm và đặt tên cho nó. Chàng đã lơ là để lỡ phần mở đầu thầm lặng của tháng mười; chỉ những gì tác động lên các giác quan là lọt được vào nhận thức của chàng - mặt trời bốc lửa và băng giá sắc nhọn như những mũi kim ẩn náu trong không trung - một cảm nhận mà mức độ sâu sắc khác thường của nó làm chàng kinh ngạc, khiến chàng có một so sánh ngộ nghĩnh trong lĩnh vực ẩm thực: có lần chàng tâm sự với Joachim rằng tiết trời này làm chàng liên tưởng tới món ‘trứng gà nóng lạnh’, tức là trứng đánh thành kem để lạnh rồi hơ qua lửa cho cháy sém lớp ngoài. Chàng hay có những nhận xét kiểu này, đột ngột nói ra một cách không duyên cớ và bằng giọng lạc đi như giọng người đang ở trong cơn rùng mình ớn lạnh dưới lớp da cháy sém. Ngoài ra chàng rất ít lời, nếu không muốn nói là câm như hến, vì tâm trí và các giác quan của chàng mặc dù hướng ra bên ngoài nhưng chỉ tập trung vào một điểm, còn lại những cái khác, cả người lẫn vật, đều mơ hồ hỗn độn trong một lớp sương mù đặc quánh che phủ não bộ chàng, thứ mà ông cố vấn cung đình Behrens và ông bác sĩ Krokowski chắc chắn sẽ quy kết là sản phẩm của chất độc chưa biết tới trong cơ thể, ngay cả bản thân người đang u mê quờ quạng trong lớp sương mù này cũng tin như thế, có điều thây kệ kiến thức và hiểu biết, chàng không mảy may mong muốn thoát ra khỏi trạng thái say sưa ấy.
Bởi đó là một cơn say không muốn dứt, với nó không có gì đáng sợ và đáng ghét hơn tỉnh táo. Nó lấn át mọi dấu hiệu phản kháng dù là mong manh nhất, nó bóp nghẹt chúng để duy trì tình trạng của mình. Hans Castorp biết và đã có lần nhận xét ra miệng rằng gương mặt Madame Chauchat nhìn nghiêng có phần bất lợi, hơi góc cạnh và không còn trẻ trung nữa. Kết quả thế nào? Chàng tránh nhìn cô ta ở tư thế nghiêng nửa mặt, thậm chí nhắm nghiền cả hai mắt nếu tình cờ bắt gặp cô ta ở tư thế này, bất kể cự ly xa gần, vì hình ảnh kém hoàn hảo kia làm chàng đau đớn. Tại sao? Lẽ ra lý trí của chàng phải nhân cơ hội ấy mà lên tiếng chứ! Nhưng đòi hỏi gì ở chàng nữa bây giờ… Chàng tái người sung sướng khi vào những ngày đẹp trời này, từ bữa điểm tâm thứ hai Clawdia đã xuất hiện trong tấm áo đăng ten trắng muốt, trang phục mùa hè ưa thích của nàng, tấm áo khiến nàng dễ thương không thể tả. Nàng bước vào phòng ăn như một thiên thần - vẫn đến muộn và trong tiếng sập cửa kính rung loảng xoảng - miệng cười chúm chím, hai cánh tay duyên dáng hơi vung vẩy, xoay người nhìn một lượt quanh phòng trình diễn ưu thế của mình. Nhưng chàng sung sướng không phải chỉ vì vẻ đẹp của nàng, mà vì khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy đám sương mù trong đầu chàng càng trở nên đậm đặc, cơn say không muốn tỉnh càng thêm ngây ngất, cái cơn say sẵn sàng làm tất cả để tự biện hộ cho mình và kéo dài trạng thái mê muội của mình.
Một người quan sát tỉnh táo như Lodovico Settembrini hẳn đã phải kết luận sự thiếu ý chí đến nhường này là sa đọa, là “một hình thức biểu lộ thói buông tuồng”. Thi thoảng Hans Castorp cũng có nghĩ tới ông văn sĩ với những nhận định của ông ta về “bệnh tật và tuyệt vọng”, những điều mà chàng không thể chấp nhận hoặc không muốn công khai chấp nhận. Chàng nhìn Clawdia Chauchat, nhìn tấm lưng cong, mái đầu chúi về phía trước của cô ta; chàng nhìn cái cách cô ta thường xuyên xuống ăn muộn, không có lý do và không một lời xin lỗi, hoàn toàn chỉ do thói buông tuồng vô kỷ luật và thiếu nền nếp; chàng nhìn cô ta cũng vì thiếu nền nếp mà chuyên đời để cửa sập lại sau lưng bất kể đi vào hay đi ra, thấy cô ta vo viên ruột bánh mì và đôi khi cắn móng tay - và một linh cảm không lời dâng lên trong lòng chàng, rằng, một khi cô ta mang bệnh - mà rõ ràng cô ta mang bệnh nan y, thậm chí gần như tuyệt vọng, vì cô ta đã phải điều trị ở đây nhiều lần và lâu dài như vậy - bệnh tật ấy nếu không hoàn toàn chiếm hữu thì cũng trở thành một phần con người cô ta, và đúng như Settembrini nói, nó không phải là nguyên nhân hay hậu quả tính “cẩu thả” của cô ta mà chính là tính nết ấy. Chàng nhớ lại cái phẩy tay khinh rẻ của con người tự xưng là nhân văn kia khi nói đến hạng “Parther và Skythe” trong phòng điều dưỡng chung với ông ta, cử chỉ bày tỏ thái độ coi thường một cách tự nhiên và tuyệt đối không cần lý giải, điều mà trước đây có lẽ Hans Castorp đã hoàn toàn thông cảm - trước đây, khi chàng còn ngồi thẳng tắp bên bàn ăn, ghét cay ghét đắng thói sập cửa và không bao giờ nghĩ đến chuyện cắn móng tay (bởi thay vào đó chàng đã có Maria Mancini), khi chàng còn thấy khó chịu với sự lơ đãng cẩu thả của Madame Chauchat và còn không nén được cảm giác hãnh diện khi nghe người đàn bà xa lạ mắt một mí bập bẹ nói tiếng mẹ đẻ của chàng.
Giờ đây, cùng với những biến đổi trong tâm tư, chàng đã từ bỏ gần hết những ác cảm ngày ấy, thậm chí còn giận tràn hông khi ông người Ý kiêu căng gọi nàng và đồng bào của nàng là “Parther và Skythe” - mà nào có phải họ đang nói đến những kẻ ở bàn Nga hạ lưu đâu kia chứ, cái bàn có đám sinh viên râu tóc bù xù, quần áo lôi thôi lếch thếch, ngoài tiếng mẹ đẻ có vẻ như không biết thêm một ngoại ngữ nào khác, ấy vậy mà cứ luôn mồm tranh luận về đủ mọi thứ trên đời bằng ngôn ngữ xì xồ lạ tai của họ, cái thứ tiếng mềm oặt không xương làm người ta phải liên tưởng đến một lồng ngực bị rút hết mấy rẻ sườn như mới đây ông cố vấn Behrens có lần mô tả. Phải công nhận là cung cách sinh hoạt của họ rất chướng tai gai mắt đối với một người văn minh lịch lãm. Họ ăn bằng dao và làm quần áo lấm tùm lum. Settembrini quả quyết rằng một người ngồi cùng bàn ông ta, một sinh viên y khoa đã học đến năm thứ mấy rồi mà mù tịt tiếng Latinh đến nỗi không biết vacuum[106] là gì, và theo kinh nghiệm hằng ngày của Hans Castorp thì bà Stöhr đã không hề nói láo khi kể cho mọi người ở bàn ăn nghe rằng gã thợ tẩm quất sáng nào vào phòng số 32 cũng gặp hai vợ chồng ngồi bàn Nga hạ lưu vẫn còn ấp nhau trong giường.
Nếu như tất cả những lời đồn đại ấy đều đúng thì sự khác biệt nhãn tiền giữa ‘thượng lưu’ và ‘hạ lưu’ không phải là không có cơ sở; và Hans Castorp tự thề thốt rằng nếu ông người Ý kiêu căng tự phụ kia, con người ca ngợi trí tuệ tỉnh táo - và tự coi mình là tỉnh táo, mặc dù bản thân ông ta cũng mê muội trong cơn sốt như tất cả mọi người ở đây -, con người luôn miệng quảng cáo cho nền cộng hòa và phong cách đẹp, nếu ông ta dám một lần nữa bỏ cả ‘Nga thượng lưu’ lẫn ‘Nga hạ lưu’ vào chung một rọ dưới cái tên “Parther và Skythe” thì chàng nhất quyết sẽ tỏ thái độ bằng một cái nhún vai với vẻ mặt lạnh hơn băng. Thực ra chàng trẻ tuổi Hans Castorp thừa hiểu ông văn sĩ ám chỉ điều gì, chàng đã bắt đầu vỡ lẽ về mối liên hệ giữa bệnh tật của Madame Chauchat và tính “cẩu thả” của cô ta. Nhưng sự đời như có ma đưa lối quỷ dẫn đường, theo lời chàng trong một lần tâm sự với Joachim: mới đầu người ta thấy khó chịu và ác cảm, nhưng rồi bỗng dưng “có cái gì đó xảy ra”, một điều “chẳng liên quan gì đến lý trí và khả năng suy xét”, thế là đạo đức luân lý chẳng còn tí ký lô nào nữa - và mọi ảnh hưởng sư phạm dù là nền cộng hòa hay thuật hùng biện đều trôi tuột qua đầu người ta như nước đổ đầu vịt. Nhưng đó là điều gì vậy, chúng tôi phải tò mò tự hỏi (có lẽ Lodovico Settembrini cũng quan tâm đến câu trả lời không kém), cái điều xảy ra bất thình lình ấy là điều gì mà nó làm tê liệt cả lý trí và tiêu diệt khả năng suy xét của con người, khiến người ta không còn nhận ra lẽ phải, hay nói đúng hơn là khiến người ta bỏ rơi lẽ phải để đổi lấy một nỗi sung sướng khá là vô nghĩa lý? Chúng tôi không hỏi tên thứ tình cảm này, vì cái tên ấy chẳng ai còn lạ. Chúng tôi muốn bàn về tính chất đạo đức của nó - và phải thú thật là không hy vọng sẽ nhận được một câu trả lời theo chiều hướng tích cực. Trong trường hợp Hans Castorp sự suy đồi về đạo đức không dừng lại ở chỗ loại trừ khả năng suy xét của lý trí, mà còn đi xa tới mức rập khuôn theo lối sống của đối tượng làm mình say mê. Chàng muốn biết cảm giác khi không cần giữ tư thế ngồi thẳng thớm bên bàn ăn, chàng thử ngồi ủ rũ lưng còng xuống, và phát hiện ra rằng những cơ bắp nơi bàn tọa được thả lỏng một cách vô cùng khoan khoái. Rồi bước tiếp theo chàng thử để kệ cho cánh cửa tự động sập lại sau lưng, không mất công quay lại đóng làm gì nữa; và cả hành vi này cũng tỏ ra vừa thuận tiện vừa đúng mực: thực ra nó cũng chẳng khác gì cái nhún vai bất cần đời của Joachim mà chàng bắt gặp ngay khi hội ngộ ngoài nhà ga, một cử chỉ mà từ hôm ấy đến giờ chàng đã chứng kiến vô khối lần ở đa số những người trên này.
Nói trắng ra là lữ khách của chúng ta đã chết mê chết mệt Clawdia Chauchat - chúng tôi mạo muội sử dụng khái niệm này mà không sợ có sự hiểu lầm, vì theo ý chúng tôi tính chất đặc biệt của tình cảm ấy trong trường hợp Hans Castorp đã được trình bày khá tường tận với quý độc giả từ trước rồi. Nhớ thương man mác theo tinh thần bài hát “Với anh…” chắc chắn không phải là đặc điểm mối tương tư của chàng. Vượt ra ngoài mức độ thông thường, tâm trạng của chàng là một biến dạng của đắm say vô vọng và đầy bất trắc, nóng lạnh khôn lường như một người sốt rét cấp tính hay như một ngày tháng mười ở tầng khí quyển trên cao; tâm trạng ấy thiếu hẳn sắc thái tình cảm đầm ấm là yếu tố có thể hạn chế những biểu hiện cực đoan. Một mặt mối đam mê mãnh liệt ấy có đối tượng cụ thể khiến chàng trai trẻ đôi khi mặt mày tái mét như người mất hồn, đối tượng ấy có thể là đầu gối tròn trĩnh hay bắp đùi thon thả của Madame Chauchat, tấm lưng cong vồng hay đốt sống cổ nổi gồ sau ót, hai cánh tay khép chặt o ép bộ ngực thiếu nữ gọn gàng - tóm lại là thân thể Madame Chauchat, cái thân thể được thả lỏng tuyệt đối và nhờ bệnh tật càng được nhấn mạnh, được đề cao, được vật chất hóa thêm một bậc. Nhưng mặt khác tình cảm của chàng lại là một cái gì đó phi vật chất, mơ hồ bảng lảng như một ý nghĩ, không, một giấc mơ, giấc mơ vừa quyến rũ vừa hãi hùng của một thanh niên không chí hướng, không nhận được gì ngoài sự câm lặng đáng sợ cuộc đời dành cho một câu hỏi khẩn thiết, mặc dù được đặt ra ngoài chủ ý của chàng. Ở đây chúng tôi lại mạo muội sử dụng quyền phát biểu ý kiến riêng về diễn tiến câu chuyện để bày tỏ phán đoán rằng, Hans Castorp hẳn đã không vượt quá thời hạn mà chàng tự đặt ra cho cuộc hành trình, hẳn chàng đã không lưu lại với những kẻ ở đây cho đến tận thời điểm muộn màng này, nếu như từ sâu thẳm thời gian tâm hồn đơn sơ của chàng nhận được một câu trả lời tạm đủ hài lòng.
Ngoài ra căn bệnh tương tư cũng đem lại cho chàng mọi niềm vui và nỗi đau hệt như những kẻ ốm tương tư ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh khác. Nỗi đau gắn liền với nó là một cơn đau xuyên thấu tâm can, chứa đựng những yếu tố dã man tàn bạo nhất hành hạ tâm hồn và thể xác, làm chấn động hệ thần kinh và làm ngừng hơi thở, khiến một người đàn ông trưởng thành cũng phải ứa lệ đắng cay. Để cân bằng với nỗi đau nhường ấy có những niềm vui không hà tiện về số lượng, và mặc dù tưởng như vô cớ, những niềm vui của chàng mang một mức độ sâu sắc không kém gì nỗi đau. Gần như mỗi một giây một phút trong những sinh hoạt hằng ngày ở ‘Sơn trang’ đều có thể làm nảy sinh cho chàng một niềm vui. Xin đơn cử một ví dụ: đúng lúc định bước vào phòng ăn Hans Castorp bỗng nhận ra người trong mộng đang đi ngay đằng sau mình. Kết quả ra sao chắc chẳng cần nói ai cũng rõ, mặc dù đó là điều giản đơn nhất trần đời nhưng tác động nội tâm của nó mạnh mẽ đến mức chàng phải cố hết sức mới ghìm nén được những giọt lệ sung sướng chỉ chực trào lên mi. Mắt họ gặp nhau, đôi mắt chàng và cặp mắt xám xanh bí hiểm của nàng mà hình dáng và vị trí thoáng nét Á châu làm chàng mê mẩn. Chàng ngẩn ngơ, hồn vía bay mất sạch, và như người mất hồn chàng lùi bước tránh sang bên nhường cho nàng vào trước. Với nụ cười thấp thoáng và tiếng “Merci”[107] nhẹ như hơi thở nàng chấp nhận cử chỉ nhường nhịn không đơn thuần thể hiện phép lịch sự xã giao của chàng, đi vượt lên trước và bước thẳng vào phòng. Chàng đứng trong làn hơi cuốn theo bước chân nàng, hạnh phúc đến điên cuồng vì một lời nhận được từ môi nàng, chỉ một tiếng “Merci” thôi, nhưng được thốt lên sát bên tai chàng và dành riêng cho một mình chàng chứ không ai khác. Chàng bước đi như cái máy sau lưng nàng, loạng choạng quay sang phải lần về bàn mình, trong lúc ngồi phịch xuống ghế còn nhìn thấy “Clawdia” cũng đang ngồi vào chỗ của nàng bên bàn Nga thượng lưu ở đầu kia gian phòng, đầu còn ngoảnh lại nhìn về phía chàng với một thoáng băn khoăn trong ánh mắt về cuộc gặp gỡ vừa qua - ít nhất thì đấy cũng là cảm tưởng của chàng. Ôi cuộc phiêu lưu mạo hiểm đến khó tin! Ôi hân hoan, đắc thắng và kiêu hãnh ngấm ngầm vô hạn độ! Không, Hans Castorp chắc hẳn không được nếm mùi hạnh phúc mê man, cảm giác thỏa mãn tuyệt vời này nếu chàng “trao tặng trái tim” cho một ả vịt xiêm khỏe mạnh dưới đồng bằng, theo ý nghĩa hiền hòa và có tương lai như lời bài hát nọ. Với tâm trạng chếnh choáng say chàng nồng nhiệt thăm hỏi cô giáo già - cô ta đã nhìn thấy hết, gò má phơn phớt lông tơ càng đỏ lựng lên - và hăm hở bắt chuyện với Miss Robinson bằng một thứ tiếng Anh tệ hại đến nỗi cô này, vốn thiếu kinh nghiệm với những bốc đồng loại ấy, vội né ra thật xa, đưa mắt quan sát chàng vẻ nghi ngại và đầy ác cảm.
Một lần khác trong bữa tối, mặt trời lúc xuống núi bỗng tinh nghịch gửi một tia nắng xiên khoai vào bàn Nga thượng lưu. Người ta đã kéo rèm che cửa sổ và cửa ra vào thông với mảnh sân nổi ở phía tây, nhưng đâu đó còn sót một khe hở nhỏ để lọt một dải nắng quái chiều hôm khá gay gắt rọi đúng vào mặt Madame Chauchat, khiến cô ta phải đưa tay che mắt khi quay sang chuyện trò với người đàn ông ngực lép ngồi bên phải. Thực ra đó chỉ là chuyện nhỏ chẳng khiến ai phải bận tâm, bản thân người bị chói mắt có khi cũng không để ý đến. Nhưng Hans Castorp ngồi tận đầu kia gian phòng thì áy náy không yên. Chàng lặng lẽ quan sát hồi lâu, đánh giá tình hình, theo dõi đường đi của tia nắng, và tìm ra kẽ hở giúp nó lọt vào phòng. Đó là ô cửa sổ cuốn vòm cung trong góc phải, nằm ở khoảng giữa cánh cửa mở ra hiên tây và bàn Nga hạ lưu, cách xa cả chỗ ngồi của Madame Chauchat lẫn bàn Hans Castorp. Và chàng đi đến một quyết định. Không nói không rằng chàng đứng dậy, tay vẫn nắm khư khư tấm khăn ăn, lẳng lặng đi giữa mấy dãy bàn, xuyên qua cả gian phòng rộng ra tới góc ngoài, kéo hai mép tấm màn cửa dày màu kem cho chồng kín lên nhau, cẩn thận ngoảnh nhìn qua vai để chắc chắn rằng tia nắng đã bị chặn lại bên ngoài và Madame Chauchat không còn bị chói mắt - rồi trưng ra một bộ mặt cố làm vẻ thản nhiên trên đường quay trở về chỗ của mình. Một thanh niên tinh ý với một cử chỉ tế nhị mà ngoài chàng ra không ai nảy ra ý định phải làm. Chẳng có mấy người để ý đến hành vi của chàng, nhưng Madame Chauchat nhận ra ngay tia nắng quái ác đã biến mất và ngoảnh lại đằng sau nhìn - cô ta nhìn chăm chú cho tới lúc Hans Castorp về tới bàn mình ngồi vào chỗ, đợi đến khi chàng ngước nhìn sang phía ấy nàng mới nở một nụ cười hàm ơn pha lẫn kinh ngạc và hơi gật đầu, tức là đầu chúi về phía trước thêm chút nữa. Chàng nghiêng mình đáp lễ. Trái tim chàng lặng như tờ, tưởng như đã hoàn toàn ngừng đập. Mãi sau đấy, khi tất cả đã qua đi, nó mới bắt đầu giộng liên hồi kỳ trận, và bấy giờ chàng mới nhận ra Joachim ngồi im như tượng cúi gằm xuống đĩa thức ăn, còn bà Stöhr đang ra sức thúc cùi chỏ vào mạng sườn tiến sĩ Blumenkohl, vừa cười nhăn nhở vừa hăm hở tìm kiếm ánh mắt đồng lõa ở bàn mình và cả những bàn khác xung quanh…
Chúng tôi kể lể dông dài những chuyện tưởng như tẻ nhạt thường ngày, nhưng chuyện thường ngày lại trở nên đặc biệt, vì nó diễn ra trong một bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt. Ba cái chuyện lẻ tẻ kia bỗng trở thành những tình huống nặng nề căng thẳng hay lâng lâng siêu thoát đối với họ - nếu như chẳng phải từ cả hai phía (vì liệu Madame Chauchat có tham dự gì vào những diễn biến này không, chúng tôi xin miễn bàn) thì cũng đơm hoa kết trái trong trí tưởng tượng và cảm xúc của Hans Castorp. Vào những ngày đẹp trời này, sau bữa trưa phần đông khách điều dưỡng có thói quen ra hóng mát ngoài khoảng sân nổi kế bên phòng ăn, để sưởi nắng và buôn chuyện mươi mười lăm phút. Cảnh tượng ấy gần giống quang cảnh những buổi hòa nhạc chủ nhật mười bốn ngày một lần. Đám trẻ, vô công rồi nghề, bội thực với những bữa ăn quá dư thừa dinh dưỡng và kẹo bánh ê hề, thảy đều hâm hấp sốt, nhào hết ra đây tìm kiếm cơ hội chuyện trò, tán tỉnh, đá lông nheo qua lại. Bà Salomon người Amsterdam phởn chí leo lên ngồi vắt vẻo trên lan can - bị kẹp chặt một bên là đầu gối gã Gänser môi vều và bên kia là tay lực sĩ Thụy Điển, tay này mặc dù đã hoàn toàn bình phục nhưng vẫn tự nguyện ở lại làm thêm một khóa hậu điều dưỡng nữa. Bà Iltis chừng như là quả phụ, vì gần đây bỗng thấy đưa một “vị hôn phu” ra mắt mọi người, một nhân vật âu sầu ủ rũ đầy vẻ cam chịu, và sự hiện diện của “vị hôn phu” này hoàn toàn không cản trở bà ta đón nhận những cử chỉ săn đón của ông đại úy Miklosich, một người đàn ông mũi diều hâu, ria mép vuốt sáp vểnh ngược, ngực lúc nào cũng ưỡn ra và mắt long sòng sọc đầy hăm dọa. Đa số các quý bà nằm trong phòng điều dưỡng chung đều có mặt tại đây, cả người cũ người mới đủ mọi dân tộc, có những người mới xuất hiện sau ngày mồng một tháng mười Hans Castorp còn chưa biết tên, xoắn xuýt xung quanh là đám công tử nịnh đầm hạng ông Albin; các thiếu niên mười bảy khệnh khạng mang kính một mắt kẹp trên mũi; một anh chàng Hà Lan cận thị nghiện sưu tầm tem; vài cậu cả người Hy Lạp tóc chải dầu bóng lộn, mắt hạnh nhân, ngồi bên bàn ăn tỉnh bơ thò tay qua mặt người khác không biết ngại; hai thằng nhóc luôn luôn cặp kè như hình với bóng được mệnh danh là “Max và Moritz”[108], nghe đâu chuyên vượt tường trốn viện ra ngoài chơi… Người đàn ông Mexico gù lưng, vì không biết một thứ tiếng thông dụng nào ở trên này nên thường xuyên mang vẻ mặt ngơ ngơ của người điếc, say sưa chụp ảnh ở mọi lúc mọi nơi và lôi xềnh xệch cái giá ba chân theo mình từ chỗ này sang chỗ khác với một sự nhanh nhẹn không ai ngờ. Cả ông cố vấn cung đình cũng ra góp mặt với tiết mục buộc dây giày. Trà trộn giữa đám đông, gã người Mannheim âm thầm đưa cặp mắt tối thui buồn thấu đáy lén lút nhìn hoài về một hướng, cử chỉ bần tiện khiến Hans Castorp rùng mình ghê tởm.
Để quay trở lại với những “căng thẳng và siêu thoát” chúng tôi xin đơn cử một ví dụ, vào một dịp như vậy trong bối cảnh trên Hans Castorp ngồi vắt chân chữ ngũ trên chiếc ghế quang dầu kê sát vách và liến thoắng chuyện trò với Joachim, nạn nhân bị chàng ép ra ngồi cùng ngoài hiên mặc dù chỉ tâm niệm mong sớm được lên phòng nằm nghỉ, nể em họ mà phải nhẫn nại ngồi nghe chàng ta nói huyên thiên, vì ngay trước mặt họ Madame Chauchat đang đứng dựa vào lan can hút thuốc với mấy người đồng hương ở bàn Nga thượng lưu. Thực ra Hans Castorp đâu có nói cho Joachim nghe, chàng nói cho nàng, chỉ cốt để nàng nghe mà thôi. Nàng quay lưng về phía chàng… Như chúng ta có thể thấy, đây là một tình huống đặc biệt đối với chàng. Những câu trả lời miễn cưỡng của anh họ không đủ để chàng thỏa sức khua môi múa mép, thế là chàng chủ động làm quen và kéo thêm một nhân vật nữa vào cho xôm chuyện. Chàng làm quen với ai? Với Hermine Kleefeld. Chàng làm bộ tình cờ bắt chuyện với cô ta, tự giới thiệu tên mình và Joachim, xăng xái kéo thêm một chiếc ghế mời cô ta vào ngồi chung để dễ bề trò chuyện tay ba. Chẳng hay cô ta có biết, chàng hỏi, hôm ấy cô ta đã làm chàng hoang mang đến mức độ nào không, khi họ gặp nhau lần đầu tiên trên đường đi dạo buổi sáng chàng vừa chân ướt chân ráo tới nơi? Đúng thế, chàng chính là ma mới bị cô ta huýt sáo chào mừng nồng nhiệt hôm ấy đấy! Phải thành thật mà thú nhận rằng trò đùa của cô ta đã đạt hiệu quả tối đa, chàng như bị một gậy giáng trúng đầu, không tin cô ta cứ hỏi anh họ chàng mà xem. Ha ha, huýt sáo bằng pneumothorax để dọa khách qua đường hờ hững chẳng đề phòng! Có bảo rằng đó là một trò đùa quá lố, một cú chơi khăm tệ hại cũng không oan uổng chút nào. Và trong khi Joachim, biết rõ thân phận bù nhìn của mình, lặng thinh cụp mắt nhìn xuống, cả cô ả Kleefeld cũng dần dần hiểu ra mình chỉ là vai phụ, là phương tiện và công cụ để Hans Castorp đạt đến mục đích của chàng mà ánh mắt lén lút chốc chốc lại đảo qua tố cáo, phật ý ngồi ì thần cụ ra, thì Hans Castorp cứ tăng tăng độc thoại, làm bộ làm tịch, lên giọng xuống giọng cho đến lúc chàng thực sự đạt được mục đích, tức là khiến Madame Chauchat phải tò mò quay lại xem người diễn thuyết là ai và nhìn thẳng vào mặt chàng, nhưng chỉ trong một chớp mắt thôi. Rồi đôi mắt Přibislav của cô ta lướt nhanh từ đầu xuống chân chàng, cặp chân vắt chéo chữ ngũ, và với một vẻ thản nhiên tàn bạo, gần như khinh bỉ, đúng là khinh bỉ, ánh mắt ấy dừng lại một lát ở đôi giày ống màu vàng của chàng - rồi lạnh tanh và có lẽ với một thoáng cười ruồi đôi mắt ấy lấy lại độ sâu vô đáy của nó lúc quay đi.
Một đòn chí tử, một thảm họa nặng nề! Hans Castorp vẫn còn nói theo quán tính một thôi một hồi nữa; nhưng khi ngấm đòn và lĩnh hội hoàn toàn ý nghĩa ánh mắt nàng dành cho đôi giày vô tội của mình thì chàng đột nhiên á khẩu, bỏ rơi nửa chừng câu nói để chìm đắm vào nỗi thống khổ không lời. Cô ả Kleefeld, chán ngán và hờn dỗi, đứng dậy bỏ đi. Không giấu nỗi bực mình trong giọng nói Joachim lên tiếng hỏi, bây giờ mình có thể về nằm nghỉ được chưa. Và người tan vỡ trái tim mấp máy cặp môi cắt không còn giọt máu trả lời, mình về được rồi.
Sự kiện này làm Hans Castorp quằn quại đau đớn ròng rã hai ngày, vì không gì có thể xoa dịu nổi vết thương nhức nhối trong lòng chàng. Tại sao nàng lại tặng cho chàng cái nhìn hủy diệt ấy? Tại sao nàng nỡ khinh thường chàng, hỡi thánh thần ba ngôi? Chẳng lẽ đối với nàng chàng cũng chỉ như mọi tên cù lần khác, chuyên tiếp nhận vi trùng vô hại một cách vô tội vạ? Như một kẻ khờ khạo dưới đồng bằng, hay nói đúng hơn, một gã phàm phu tục tử chỉ biết nhởn nhơ, cười cợt, kiếm tiền và ních cho căng bụng, một học sinh gương mẫu của trường đời, không biết và không hiểu gì khác ngoài những ưu thế chán chết của người đầy đủ danh dự? Chàng vẫn còn bị coi là người khách vãng lai trong vòng ba tuần lễ, là người ngoài cuộc không được can dự vào cuộc sống của nàng, hay chàng đã vượt qua thời kỳ thử thách để phát thệ bằng một chỗ ướt trong buồng phổi - chẳng phải là chàng đã được nhập vào hàng ngũ những người ở trên này đó sao, với gần hai tháng trời bóc lịch, và chẳng phải Mercury tối hôm qua vẫn còn leo lên tới 37,8 độ đó sao?… Nhưng đấy lại chính là điều đẩy nỗi đau khổ của chàng lên đến tột đỉnh! Mercury không chịu bò lên cao nữa! Tâm trạng tuyệt vọng trong những ngày thảm đạm này như gáo nước lạnh giội xuống đầu Hans Castorp khiến chàng rụng rời tỉnh mộng, cảm giác bẽ bàng cay đắng làm thân nhiệt chàng tụt xuống thấp, gần như không vượt quá thân nhiệt người bình thường, và chàng kinh hoàng nhận thấy nỗi đớn đau tuyệt vọng không những không giúp chàng lại gần mà còn đẩy chàng ra xa Clawdia hơn nữa.
Ngày thứ ba mang lại cho chàng sự siêu thoát nhẹ nhàng, mà lại ngay từ sớm tinh mơ. Đó là một sáng mùa thu tuyệt đẹp, không khí trong như pha lê, nắng vàng nhảy múa trên những giọt sương long lanh đầu ngọn cỏ. Mặt trời vừa lên và vầng trăng hạ tuần chưa kịp lặn đứng cao ngang nhau trên nền trời sạch tinh không một gợn mây. Hai anh em dậy sớm hơn thường lệ, và bị chinh phục trước sắc đẹp của buổi ban mai họ quyết định kéo dài cuộc dạo chơi buổi sáng vượt ra khỏi khuôn khổ nội quy bệnh viện, tức là đi quá khỏi băng ghế bên cạnh máng nước một quãng nữa theo con đường mòn xuyên qua vạt rừng thưa trên sườn núi. Biểu đồ nhiệt độ của Joachim trong những ngày này cũng thoai thoải đi xuống một cách đáng mừng nên chàng hào hứng quyết định phá lệ một buổi, và Hans Castorp chẳng buồn phản đối. “Chúng mình là những bệnh nhân đã bình phục”, chàng bảo, “đã hạ sốt và giải độc, có thể xuống đồng bằng được rồi. Cứ việc nhảy cẫng lên như ngựa non háu đá đi.” Thế là họ đầu trần - vì kể từ khi phát thệ Hans Castorp đã nhân danh Chúa tuân theo tập tục trên này mà ra khỏi nhà không cần mũ nón, bỏ rơi ý định bảo tồn thuần phong mỹ tục lúc ban đầu - và tay vung vẩy batoong cất bước lên đường. Họ vẫn còn chưa lên hết đoạn dốc trên con đường đá đỏ, mới đến chỗ ngày xưa người mới tới chạm trán nhóm “nửa phổi”, thì thình lình nhìn thấy không xa phía trước Madame Chauchat cũng đang chầm chậm leo dốc, một Madame Chauchat trắng muốt như thiên thần, áo len trắng, váy trắng và thậm chí cả đôi giày dưới chân cũng màu trắng, chỉ có mái tóc đỏ rực lên trong ánh nắng mai. Nói đúng ra thì Hans Castorp là người đầu tiên nhìn thấy cô nàng, Joachim chỉ nhận ra tình huống bất ngờ lúc bị kéo đi xềnh xệch theo nhịp bước bỗng chuyển sang phi nước đại của người đồng hành, sau khi chàng ta vấp một cái và gần như đứng sựng lại. Cái lối chạy gằn này có ảnh hưởng tai hại đối với Joachim: hơi thở chàng trở nên gấp gáp, và chàng húng hắng ho. Nhưng Hans Castorp, có vẻ như buồng phổi hôm nay bỗng hoạt động không thể chê trách vào đâu được, chỉ nhìn thấy mục tiêu trước mắt mình mà không đếm xỉa gì đến tình trạng sức khỏe anh họ; vậy nên sau khi vỡ lẽ Joachim đành cau mày lặng thinh dấn bước cho kịp em họ, vì dĩ nhiên chàng không thể để cậu em một mình lon ton chạy trước.
Buổi sáng bỗng bừng sống dậy huy hoàng trong mắt Hans Castorp. Cũng phải nói thêm rằng trong những ngày trầm uất vừa qua linh hồn bị dày vò của chàng đã ngấm ngầm nghỉ ngơi phục hồi sức lực, và giờ đây nó biết rõ rằng thời cơ đã tới để phá vỡ trạng thái tinh thần tê liệt đè nặng lên mình. Quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội, chàng tăng tốc đi như chạy, lôi theo Joachim thở hổn hển chau mày miễn cưỡng rảo bước, và trước khúc ngoặt nơi con đường mòn không lên cao nữa mà rẽ sang phải bọc quanh vạt rừng trên sườn núi, thì họ đã gần như đuổi kịp Madame Chauchat. Tới đây Hans Castorp lại từ từ giảm tốc độ, để thực hiện ý đồ của mình trong một trạng thái không đến nỗi xớn xác phờ phạc quá. Và sau khúc rẽ, một bên là vách núi dựng đứng và một bên sườn dốc thoai thoải đổ xuống thung lũng, giữa đám thông ngọn nhuốm màu gỉ sắt, cành thưa thớt để lọt xuống những giọt nắng vàng như mật, diễn ra một cảnh tượng thần tiên theo đúng ý chàng, tức là Hans Castorp, bên trái kéo theo Joachim, đúng lúc đi vượt qua giai nhân lao phổi về bên phải, giữa nhịp bước chân đàn ông mạnh mẽ còn kịp nghiêng người lịch thiệp, mặc dù không có mũ để ngả ra chào, lên tiếng chúc nàng một buổi sáng tuyệt đẹp bằng giọng kính cẩn (tại sao lại kính cẩn thì chúng tôi không biết) và nhận được câu trả lời: nàng nghiêng đầu đáp lễ một cách thân thiện và cũng chúc lại bằng ngôn ngữ của chàng, với cặp mắt tươi cười - tóm lại là với một thái độ khác hẳn, một sự thay đổi kỳ diệu so với ánh mắt dành cho đôi giày ống của chàng, một bước ngoặt thiên thần xoay chuyển định mệnh chàng theo chiều hướng tốt đẹp nhất, đem lại một niềm hạnh phúc vô song gần như vượt quá khả năng lĩnh hội của chàng: Hans Castorp thấy mình siêu thoát.
Gót chân như có cánh, quáng mắt với nỗi vui sướng quá độ được nhận một lời chào, một câu nói, một nụ cười của nàng, Hans Castorp lại phi nước đại kéo Joachim về phía trước, người anh suốt vở kịch vừa rồi chỉ lặng thinh quay đi nhìn xuống dưới thung lũng. Đối với Joachim hành động vừa rồi của chàng là một cú lừa ngoạn mục, một hành vi ích kỷ, thậm chí có thể gọi là một sự phản bội, Hans Castorp thừa biết điều đó. Không vô hại như chuyện hỏi mượn một người lạ hoắc lạ huơ cái bút chì, Joachim bị gài vào tình thế khó xử đến mức khiếm nhã khi buộc phải lẳng lặng đi qua không chào hỏi một phụ nữ đã đội chung mái nhà với chàng suốt mấy tháng ròng; chẳng phải mới đây chính Clawdia đã lên tiếng bắt chuyện với họ trong phòng đợi chiếu điện đấy hay sao? Đó là nguyên do khiến chàng không mở miệng. Nhưng Hans Castorp cũng đủ khôn ngoan để hiểu tại sao Joachim, anh Joachim trung hậu của chàng, sau đó vẫn lầm lì ngoảnh mặt bước đi, trong khi bản thân chàng khấp khởi như được lên tiên sau sự kiện vừa rồi. Không ai có thể hạnh phúc hơn chàng lúc này, cả những kẻ dưới đồng bằng, hãnh diện và vững tin vào tương lai, tự cho phép mình “trao tặng trái tim” cho một ả vịt xiêm khỏe mạnh - và được đền đáp tương ứng - cũng không thể nào hạnh phúc hơn chàng, so với thắng lợi nhỏ nhoi mà chàng giành được trong thời gian ngắn ngủi chưa đến một giờ đồng hồ này thì chinh phục của họ chẳng là cái đinh gì… Và sau một hồi ngậm tăm đi bên nhau chàng quay sang đập mạnh vào vai anh họ cất tiếng hồ hởi:
“Ơ kìa, sao cậu cứ im thin thít thế? Trời đẹp thế cơ mà! Lát nữa bọn mình xuống khu giải trí dưới Phố nhé, rất có thể hôm nay ở đó có nhạc sống. Nếu gặp may bọn mình sẽ được nghe ‘Ẩn sâu trong trái tim này, bông hoa lộng lẫy của ngày xa xưa’ trong vở ‘Carmen’[109]. Cậu làm sao thế?”
“Chẳng sao cả”, Joachim bảo. “Nhưng mặt cậu đỏ tưng bừng thế kia, sợ rằng hy vọng hạ nhiệt tiêu tùng rồi.”
Mọi hy vọng hạ sốt và giải độc đã tiêu tùng ráo trọi. Tâm trạng bi quan đáng hổ thẹn đã tan biến hết nhờ mấy lời ngắn ngủi chàng trao đổi với Clawdia Chauchat, và, nói đúng ra thì còn có một điều nhất định là nguyên nhân chính tạo nên tâm trạng mãn nguyện của chàng. Phải, Joachim hoàn toàn có lý: Mercury lại vọt lên cao! Khi Hans Castorp đo nhiệt độ sau cuộc dạo chơi, nó leo lên đến gần 38 độ.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần