There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Nỗi Sợ Dâng Cao Hai Người Ông Và Chuyến Đò Tranh Tối Tranh Sáng
hời tiết xấu không thể tưởng tượng được - về mặt này Hans Castorp không gặp may trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi ở đây. Tuyết không rơi nữa mà mưa tầm tã và dai dẳng suốt nhiều ngày, sương mù phủ kín thung lũng, và ông trời còn diễu võ dương oai một cách dư thừa bằng những cơn dông - chẳng cần thế cũng đã lạnh đến nỗi người ta đồng ý cho đốt lò sưởi trong phòng ăn - với sấm chớp dềnh dàng nổi lên rền rĩ.
“Tiếc quá”, Joachim bảo. “Tớ đã dự định hôm nào sẽ đưa cậu đi một chuyến dã ngoại lên Schatzalp hay là đâu đó, rồi mình có thể ăn một bữa ngoài trời. Nhưng điệu này khó mà thực hiện được. Hy vọng tuần cuối cùng cậu ở đây sẽ khá hơn.”
Nhưng Hans Castorp chỉ trả lời:
“Thôi khỏi. Thật tình tớ không có nhu cầu đi đâu nữa. Chuyến đi đầu tiên đã kết thúc chẳng mấy hay ho rồi. Đối với tớ cách nghỉ ngơi tốt nhất là cứ hòa nhập vào nếp sống điều độ ở đây, chẳng cần thay đổi gì cả. Thay đổi là để giải trí cho những người ở đây lâu dài. Còn tớ chỉ có ba tuần, cần gì thay đổi.”
Mà đúng thế, chàng cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện và bận rộn với nếp sinh hoạt ở viện an dưỡng. Nếu như thâm tâm chàng có mong ngóng điều gì, thì cũng sẽ được toại nguyện hay thất vọng ngay tại đây chứ chẳng phải trên Schatzalp hay tận đẩu tận đâu. Buồn chán không phải là mối lo của chàng; ngược lại chàng đã bắt đầu sợ những ngày cuối ở đây trôi đi nhanh quá. Tuần thứ hai sắp hết, chàng ở đây đã gần được hai phần ba thời gian rồi, và sang đến tuần thứ ba là người ta đã nghĩ đến chuyện xếp đồ vào vali. Giai đoạn phục hồi cảm nhận thời gian của Hans Castorp đã chấm dứt từ lâu; đối với chàng ngày lại bắt đầu qua mau, và thời gian cứ trôi mỗi lúc một nhanh mặc dù từng phút từng giờ như giãn dài ra trong mong đợi và đầy ắp những sự kiện thầm kín không lời… Vâng, thời gian là một hiện tượng bí ẩn, khó lòng lý giải!
Có cần kể ra đây những sự kiện thầm kín làm cho ngày giờ của Hans Castorp vừa nặng trĩu lại vừa bay bổng không nhỉ? Nhưng còn ai lạ gì những điều tưởng như hết sức bình thường trong cái vu vơ thiên thần của nó, những điều mà ở vào một hoàn cảnh hợp lý và nhiều hy vọng - một trường hợp tiêu biểu cho bài hát “Với anh không gì xao xuyến hơn” - cũng chẳng khác gì trong hoàn cảnh của chàng.
Madame Chauchat không thể nào không nhận thấy những sợi tơ vô hình giăng mắc từ một cái bàn nào đó tới bàn mình; và cô ta nắm bắt được phần nào, hay nói đúng ra là nắm bắt được phần lớn diễn biến, hoàn toàn bởi dụng ý táo tợn và lộ liễu của Hans Castorp. Táo tợn, vì chàng thừa hiểu sự vô vọng trong trường hợp của mình. Nhưng ai ở vào hoàn cảnh của chàng lúc này mà lại không muốn bày tỏ cho người kia thấu hiểu tâm trạng của mình, dù cho nó có vô lý và vô vọng đến đâu chăng nữa. Thế mới là con người.
Sau khi Madame Chauchat, chẳng biết tình cờ hay do một sức hút vô hình, hai hoặc ba lần giữa những bữa ăn quay đầu về phía cái bàn kia, lần nào cũng bắt gặp cặp mắt Hans Castorp, thì cô ta cố ý nhìn về phía ấy lần thứ tư và lần này cũng gặp ánh mắt chàng. Lần thứ năm cô ta không trực tiếp bắt được quả tang, vì đúng lúc ấy mắt chàng rời vị trí canh gác. Nhưng giác quan thứ sáu báo động ngay lập tức về ánh mắt của người đẹp, và chàng ngoảnh lại nhìn hăng hái đến nỗi cô ta mỉm cười lúc quay đi. Nếu cô ta cho rằng chàng ngờ nghệch như trẻ nít thì chàng sẽ chứng tỏ là cô ta đã lầm to. Khi cần chàng cũng tinh vi lắm chứ chẳng chịu kém ai. Đến lần thứ sáu, khi chàng cảm thấy sự hiện diện của ánh mắt nóng bỏng ấy sau gáy, khi linh tính cho biết cô ta lại nhìn sang, thì chàng làm bộ như đang chau mày chăm chú quan sát một bà người Phần Lan vừa bước tới bên bàn tán chuyện với bà cụ vui tính có cô cháu gái, và kiên quyết không quay đầu lại có dễ đến hai hay ba phút, nhất định không chịu thua cho đến khi chàng tin chắc rằng cặp mắt Kirgizstan bên đó đã rời khỏi gáy mình - một cuộc đấu trí lạ lùng mà Madame Chauchat dư sức thấu hiểu, và cô ta nên thấu hiểu để nhận biết sự tinh tế cũng như khả năng tự chủ của Hans Castorp… Rồi một lần xảy ra sự việc sau. Trong một bữa ăn Madame Chauchat lơ đãng quay đầu lại nhìn một lượt quanh phòng. Hans Castorp đang ở vị trí canh gác: ánh mắt họ giao nhau. Trong lúc họ nhìn nhau, người bệnh với ánh mắt vô định thoáng tia châm biếm, Hans Castorp với cái nhìn quả quyết và đầy kích động (thậm chí chàng còn cắn chặt răng trong lúc nhìn thẳng vào mắt cô ta), thì thình lình tấm khăn ăn trải trên đùi người đẹp trượt ra và có nguy cơ rơi xuống đất. Madame Chauchat giật mình bối rối nhoài người theo, nhưng cả Hans Castorp cũng như bị điện giật, chàng chồm người dợm mình đứng lên khỏi ghế, như muốn lao ngay tới giúp, bất kể khoảng cách tám mét và một cái bàn đầy người ngồi ăn án ngữ giữa họ, làm như một tai họa sẽ xảy ra nếu tấm khăn ăn chạm xuống sàn… Cô ta tóm được một góc khăn trước khi nó rơi tới đất. Nhưng ở tư thế cúi rạp nghiêng người xuống sàn nhà, tay giữ chặt tấm khăn ăn, cô ta cau mặt rõ ràng là bực mình vì tình huống vụng về vừa xảy ra, có vẻ như muốn đổ hết lỗi cho chàng, và đánh mắt một lần nữa liếc nhìn sang; nhận thấy tư thế nhấp nhổm, hàng chân mày dựng ngược của chàng cô ta vội quay đi giấu một nụ cười.
Hans Castorp sướng như điên vì sự kiện này. Tuy nhiên đòn trừng phạt cũng không bắt chàng phải đợi lâu, liền hai ngày trời Madame Chauchat không quay đầu nhìn lại, tổng cộng là mười bữa ăn, thậm chí cô ta còn bỏ cả động tác ‘trình diễn’ khi vừa bước vào phòng để mọi người chiêm ngưỡng. Đòn ấy đau thật. Nhưng vì rõ ràng đây là hành động trừng phạt nhắm vào chàng, nên không còn nghi ngờ gì nữa có một mối liên hệ giữa họ, mặc dù nó đang thể hiện ra dưới hình thức tiêu cực; đối với chàng thế cũng đủ.
Chàng phải thừa nhận là Joachim hoàn toàn đúng khi nói rằng ở đây khó lòng bắt chuyện với ai ngoài những người ngồi cùng bàn ăn. Vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau bữa tối, khi giữa các bệnh nhân có một sự giao lưu nhất định, một giờ đồng hồ theo quy định nhưng thường bị rút ngắn lại chỉ còn hai chục phút, Madame Chauchat tuyệt nhiên khép mình trong phạm vi giao tiếp quen thuộc gồm người đàn ông ngực lép, cô gái hài hước có mái tóc xù, tiến sĩ Blumenkohl chẳng mấy khi mở miệng và cậu thiếu niên vai xuôi xị, họ ngồi tuốt trong góc gian phòng khách nhỏ nằm ăn sâu phía sau có vẻ như được dành riêng cho bàn Nga thượng lưu. Thêm vào đó Joachim còn hay giục về phòng sớm, theo lời chàng vì sợ ảnh hưởng đến giờ nằm nghỉ, rất có thể còn những nguyên nhân khác nữa liên quan đến các bữa ăn mà chàng tránh không nhắc đến, Hans Castorp không phải không đoán ra nhưng vì tôn trọng anh chàng chỉ lẳng lặng nghe theo. Chúng tôi buộc tội chàng là táo tợn, tuy nhiên phải công nhận rằng mặc dù những mong ước của chàng nhắm vào đâu không rõ, nhưng một quan hệ có sự tiếp xúc theo ý nghĩa thông thường giữa mình và Madame Chauchat không phải là mục đích của chàng, và về cơ bản chàng hoàn toàn tán thành những điều kiện ngăn trở mối giao tiếp giữa họ. Những liên hệ hồi hộp nhưng vu vơ thể hiện qua ánh mắt và một vài hành vi giữa chàng và cô gái Nga không có ý nghĩa gì về mặt xã hội, không hề ràng buộc và cũng không được phép ràng buộc. Vì chắc chắn địa vị xã hội của chàng không dung thứ một quan hệ hợp thức nào giữa họ, và mặc dầu những ý nghĩ về ‘Clawdia’ khiến trái tim chàng lồng lên loạn nhịp, nhưng điều đó còn khuya mới đủ để làm lung lay quan điểm chắc như đinh đóng cột của cháu nội thượng nghị sĩ Hans Lorenz Castorp, rằng chàng chẳng thể đèo bòng người đàn bà xa lạ không đeo nhẫn cưới sống ly thân với chồng kia, con người lang thang hết viện an dưỡng này sang viện an dưỡng khác, thiếu giáo dục tới mức để cửa sập lại sau lưng, vo viên ruột bánh mì trong bữa ăn và chắc chắn còn gặm móng tay nữa; rằng trên thực tế, tức là vượt ra ngoài những liên hệ thầm kín, có một vực sâu ngăn cách giữa cuộc đời hai người, và chàng không thể tìm ra lý lẽ bảo vệ một mối quan hệ nếu có giữa họ trước những tiêu chuẩn mà chàng tôn trọng. Bản thân Hans Castorp là người biết điều và không hề kiêu căng; nhưng một niềm kiêu hãnh chung được thừa hưởng của tổ tiên, của dân tộc như được thích lên đậm nét trên vầng trán và quanh đôi mắt mơ mộng của chàng, từ khắp người chàng toát ra một uy thế lấn át mà trước sự hiện diện của Madame Chauchat chàng không thể cũng như không muốn rũ bỏ. Thật đặc biệt, cảm giác hơn hẳn đầy kiêu hãnh này đột ngột xâm chiếm tâm tư chàng một cách sống động và có lẽ đó cũng là lần đầu tiên chàng nhận thức được sự tồn tại của nó, khi một hôm chàng tình cờ bắt gặp Madame Chauchat nói tiếng Đức. Cô ta đứng nán lại trong phòng sau một bữa ăn, hai tay thọc trong túi áo len, cố tìm lời trao đổi với một nữ bệnh nhân khác, có vẻ như là một người cùng nằm chung phòng điều dưỡng với cô ta, vất vả một cách đáng yêu vật lộn với cách phát âm tiếng Đức như Hans Castorp nhận ra lúc đi ngang qua, tiếng mẹ đẻ của chàng, và lòng chàng chợt tràn ngập một niềm tự hào chưa bao giờ biết tới, chỉ dần rút đi nhường chỗ cho niềm vui độ lượng mà giọng nói trọ trẹ vô số lỗi nhưng cũng dễ thương vô cùng của cô ta gợi lên.
Nói cách khác, Hans Castorp coi mối quan hệ thầm lặng của chàng với một thành viên của những kẻ trên này là một cuộc phiêu lưu chốc lát, trước diễn đàn lý trí - lương tâm sáng suốt của chính chàng - nó hoàn toàn lép vế và không có quyền đòi hỏi gì: chủ yếu vì Madame Chauchat là một bệnh nhân, mệt mỏi, mang trong mình cơn sốt và bị vi trùng đục ruỗng, điều đó liên quan chặt chẽ đến tư cách có vấn đề của cô ta và cũng ảnh hưởng đáng kể đến cảm giác thận trọng giữ gìn khoảng cách của Hans Castorp… Không, không bao giờ chàng nghĩ tới chuyện làm quen và tiếp xúc với cô ta, còn những điều khác thì khoảng tuần rưỡi nữa, khi chàng bắt đầu đến thực tập ở hãng Tunder & Wilms, dù muốn hay không cũng sẽ tự chấm dứt.
Nhưng hiện tại chàng ở vào tình trạng bắt đầu thấy những thăng trầm về tình cảm, những hồi hộp, mãn nguyện và thất vọng nảy sinh từ mối quan hệ mỏng manh giữa chàng và cô bệnh nhân kia trở thành nội dung và ý nghĩa chính của những ngày nghỉ ở đây, chàng tận hưởng từng phút từng giây niềm hạnh phúc ngọt ngào cay đắng ấy và để cho tâm trạng mình hoàn toàn phụ thuộc vào tiến triển của nó. Môi trường an dưỡng đường tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho mối quan hệ ấy, vì ở đây người ta sinh hoạt theo một thời khóa biểu chặt chẽ trong một không gian hạn chế, và mặc dù Madame Chauchat ngụ tại một tầng lầu khác - tầng hai (ngoài ra Hans Castorp còn được cô giáo già cho biết, những giờ nằm nghỉ cô ta tới một phòng điều dưỡng chung ở trên gác thượng, chính là cái phòng mà gần đây có lần ông đại úy Miklosich cà chớn tắt hết đèn đóm), không chỉ vào năm bữa ăn trong ngày mà thực chất từ sáng đến tối lúc nào chàng cũng có cơ hội, thậm chí không thể tránh khỏi chạm trán cô ta. Và điều này, cũng như viễn cảnh không bị khó khăn nào cản trở, đối với Hans Castorp là điều tuyệt vời nhất, mặc dù chàng vẫn có cảm giác bị cầm tù cùng với vận may, không phải là không thoáng chút thắc thỏm lo âu.
Chàng còn táo bạo tiếp tay cho số mệnh, căng óc tính toán tìm phương kế cải thiện vận may. Vì Madame Chauchat chuyên trị xuống phòng ăn muộn nên chàng cũng quyết định đi muộn để dọc đường có cơ hội gặp cô ta. Chàng sửa soạn thật lề mề và vẫn chưa xong khi Joachim sang gọi, bảo anh cứ đi trước đi rồi mình sẽ theo ngay. Được giác quan thứ sáu đặc biệt nhạy bén trong tình trạng này báo trước, chàng đợi đến một thời điểm theo ý chàng là thuận lợi nhất mới theo cầu thang xuống tầng hai, tới đây chàng không đi tiếp cái cầu thang hai anh em vẫn hay đi mà rẽ vào thả bộ dọc hành lang sang cái cầu thang ở tuốt đầu bên kia, để đi ngang qua cửa gian phòng đánh số 7. Bằng cách mua đường ấy, từ cầu thang bên này sang cầu thang bên kia, có thể nói rằng cứ mỗi bước chàng lại có một cơ hội khả quan, bất kỳ lúc nào cánh cửa kia cũng có thể bật mở - và điều đó cũng thường xuyên xảy ra đúng như dự tính: cánh cửa mở ra rồi sập lại cái rầm sau lưng Madame Chauchat, trong khi bản thân cô ta âm thầm lướt đi không một tiếng động về phía cầu thang… Rồi cô ta đi trước Hans Castorp và đưa tay lên sửa bím tóc cuộn sau gáy khiến chàng nhìn như bị thôi miên, hoặc Hans Castorp đi trước và cảm thấy ánh mắt cô ta cắm vào lưng mình, chân tay chàng bủn rủn, cột sống như có kiến bò từ trên xuống dưới, nhưng lại muốn làm bộ không biết đến sự có mặt của cô ta, muốn tỏ ra ta đây vô tư lắm, chàng lúc thì thọc tay vào túi áo khoác ưỡn vai khuỳnh khoàng bước, lúc lại hắng giọng thật to đưa hai tay vỗ ngực, tóm lại là ra sức thể hiện sự vô tư lự không có thật.
Có hai lần chàng còn đẩy sự liều lĩnh lên cao thêm một nấc. Sau khi đã ngồi vào chỗ bên bàn ăn chàng lại làm bộ sửng sốt và bực tức, hai tay lần túi áo, bảo: “Thôi, tôi quên mang theo khăn tay rồi! Thế là lại mất công đi trở lên.” Và chàng quày quả trở ra, với hy vọng được gặp ‘Clawdia’ đi ngược chiều, một hình thức gặp gỡ khác mà chàng thấy còn hồi hộp và hấp dẫn hơn những lần cô ta đi trước hoặc đi sau mình nhiều. Lần đầu tiên khi chàng sử dụng mánh khóe này, cô ta thấy chàng từ xa và đưa mắt thản nhiên nhìn từ trên xuống dưới một cách soi mói chẳng chút e lệ, nhưng khi đi ngang qua chàng cô ta lại lạnh lùng quay mặt đi bước tiếp khiến cho sự kiện không gây được ấn tượng lớn như mong đợi. Tuy nhiên lần thứ hai thì cô ta chăm chú nhìn chàng, không phải chỉ từ xa mà suốt thời gian họ thấy nhau, ánh mắt hơi cau có rọi thẳng lên mặt chàng và lúc đi ngang qua thậm chí còn quay đầu nhìn theo chàng nữa chứ - chàng Hans Castorp tội nghiệp rùng mình chấn động khắp tâm can. Có điều chúng ta cũng chẳng cần hoài hơi tội nghiệp chàng ta, chính chàng muốn thế và tự mình bày mưu tính kế để được như vậy. Nhưng cuộc chạm trán này làm chàng xúc động sâu sắc, cả khi nó diễn ra lẫn sau đó; vì sau khi sự việc đã trôi qua rồi chàng mới hết choáng váng để duyệt lại mọi diễn biến của nó. Chưa bao giờ chàng thấy gương mặt Madame Chauchat ở một cự ly gần đến mức nhận ra được từng chi tiết nhỏ như thế: chàng có thể phân biệt từng cọng tóc ngắn bung ra khỏi bím tóc vàng hơi lấp lánh ánh đồng được tết chặt và quấn thành một vòng giản dị mà duyên dáng quanh đầu, và mặt chàng chỉ cách vài gang tay gương mặt kiều diễm kia, một gương mặt thực ra đã rất quen thuộc với chàng qua một hình ảnh khác, không gì hấp dẫn hơn trên thế gian này, lạ lùng và đầy cá tính (vì có vẻ như đối với chúng ta chỉ những gì lạ lùng mới có cá tính), gương mặt với những đường nét phảng phất như cư dân Bắc cực, xa xôi và bí hiểm, thách thức người ta tìm hiểu, bởi chưng những đặc điểm và tỷ lệ của chúng không dễ gì nắm bắt được ngay. Yếu tố quyết định dường như là đôi gò má cao nổi lên đóng vai trò chủ đạo, lấn át đôi mắt dài như lá liễu bên trên, hai con mắt nằm cách xa nhau như bị đẩy lùi về phía thái dương, đồng thời khiến cặp má bên dưới thuôn thuôn lượn xuống theo một đường cong dịu dàng càng làm tôn thêm nét đầy đặn của cặp môi chín mọng. Nhưng thực ra ưa nhìn nhất vẫn là đôi mắt, đôi mắt Kirgizstan mầu nhiệm (theo ý Hans Castorp) dài và hẹp, mang màu xanh xám hay là xám xanh của những đỉnh núi mờ xa, và thỉnh thoảng những khi liếc xéo, không phải để nhìn mà chỉ để làm duyên, lại trở nên nhạt nhòa như sương khói, thầm lặng như ánh chiều buông - đôi mắt Clawdia vừa chiếu tướng chàng từ cự ly đặc biệt gần, soi mói và hơi cau có, nhưng dáng vẻ, màu sắc và ấn tượng giống cái nhìn của Přibislav Hippe kinh khủng! Nói “giống” thôi vẫn chưa đủ, - đó chính là đôi mắt cậu ấy; và cả phần trên gương mặt hơi rộng, sống mũi ngắn, cho đến làn da trắng muốt ửng hồng bên má - ở Madame Chauchat cũng như các bệnh nhân khác trên này đó chẳng phải là dấu hiệu sức khỏe dồi dào mà đơn giản chỉ là kết quả của những giờ nằm nghỉ ngoài trời - tất tần tật đều là của Přibislav, và Hans Castorp tưởng như chính cậu ta vừa liếc mắt nhìn mình, lúc hai đứa đi ngang qua trước mặt nhau ngoài sân trường.
Nhận thức ấy làm Hans Castorp chấn động tinh thần theo mọi nghĩa; chàng vừa phấn khởi tận hưởng ấn tượng của cuộc gặp gỡ vừa rồi, lại vừa cảm thấy cái gì như một nỗi sợ dâng cao trong dạ, thắc thỏm lo âu như cảm giác bị cầm tù trong khoảng không gian chật hẹp này, tất cả trông chờ vào may mắn ngẫu nhiên: Přibislav mà chàng đã quên từ lâu đột nhiên xuất hiện ở đây dưới hình hài Madame Chauchat đưa cặp mắt Kirgizstan bí hiểm liếc nhìn chàng, sự kiện ấy như minh chứng cho số phận khó bề lẩn tránh và không lối thoát, tình cảnh bế tắc một cách vừa hạnh phúc vừa hãi hùng. Tâm trạng chàng lúc thì tràn trề hy vọng lúc lại thấp thỏm lo âu, nhìn đâu cũng thấy đầy hiểm họa, và chàng trẻ tuổi bỗng khát khao mong nhận được sự cảm thông giúp đỡ từ bên ngoài - trong tâm tư chàng nảy sinh một nhu cầu thôi thúc tìm phương hướng và lối thoát, có thể tạm gọi là bản năng nghe ngóng, dò dẫm tìm kiếm sự giúp đỡ, lời khuyên và chỗ dựa; chàng âm thầm nghĩ đến một vài người và lần lượt cân nhắc thử đặt họ vào vai trò cố vấn cho mình.
Này đây Joachim, chàng Joachim trung hậu, người bạn sát cánh bên Hans Castorp từ thuở ấu thơ, chỉ có điều mấy tháng nay cặp mắt bỗng đượm nét buồn u uất và đôi khi nhún vai một cách bất cần đời - cử chỉ này trước kia không bao giờ thấy ở chàng - Joachim với “Heinrich xanh” kè kè trong túi, cái ống nhổ theo cách gọi của bà Stöhr, phát ngôn ra với vẻ mặt ngây ngô một cách dã man, đến nỗi mỗi khi nghĩ tới Hans Castorp lại thấy đau buốt cả linh hồn… Liệu có thể tính đến chàng Joachim cương trực, người vẫn dai dẳng hành hạ ông cố vấn cung đình với câu hỏi bao giờ có thể “xuống núi” hay về lại “đồng bằng”, như người ta ở đây mệnh danh thế giới những người khỏe mạnh dưới kia với một thoáng khinh thường trong giọng nói, để thực hiện nhiệm vụ mà chàng mong mỏi. Để nhanh chóng đạt tới mục tiêu và tiết kiệm thời gian, tài sản mà ở đây người ta phung phí một cách vô tội vạ, chàng tự bắt mình tuân thủ khắt khe lịch điều dưỡng với đầy đủ lương tâm và trách nhiệm, chàng làm thế để sớm khỏi bệnh, không nghi ngờ gì nữa, nhưng, như Hans Castorp thỉnh thoảng mơ hồ cảm thấy, một phần cũng vì muốn làm tròn nhiệm vụ người ta đặt ra ở đây, bởi xét cho cùng nhiệm vụ là nhiệm vụ, và là cái ta có trách nhiệm hoàn thành. Và như thế tối tối cứ sau khoảng mười lăm phút la cà trong phòng giải trí Joachim đã kéo chàng về nằm dưỡng bệnh trên ban công, sự hăng hái của người anh cũng có cái hay, tính chính xác và kỷ luật quân ngũ của chàng có tác dụng uốn nắn không nhỏ đối với bản chất dân sự lè phè của Hans Castorp, không có người thúc giục hẳn chàng ta còn ngồi lì một cách vô nghĩa và vô vọng dưới nhà, mắt dán chặt vào phòng khách nhỏ của đám người Nga. Tuy nhiên Joachim khăng khăng đòi rút ngắn giờ giải trí mỗi tối còn vì một lý do thầm kín khác nữa, mặc dù không nói ra nhưng Hans Castorp hiểu thấu, từ khi chứng kiến gương mặt tái đi loang lổ và cặp môi mím chặt của Joachim trong một khoảnh khắc bất ngờ chàng đã học cách hiểu thấu điều này. Vì cả Marusia, cô bé Marusia lúc nào cũng tươi cười với viên ngọc ruby nhỏ xíu trên ngón tay búp măng, với mùi nước hoa cam và bộ ngực tròn căng bị vi trùng đục ruỗng cũng thường xuyên có mặt dưới này, và Hans Castorp hiểu rằng sự hiện diện của cô gái ấy khiến Joachim phải chạy trốn, chủ yếu là để tránh sức thu hút chết người kia. Có lẽ Joachim cũng bị ‘cầm tù’, thậm chí bức bối khổ sở hơn chàng nhiều, vì tới năm bận một ngày anh chàng không những phải dùng bữa cùng phòng mà hơn thế còn phải ngồi cùng bàn với cô Marusia có chiếc khăn tay nhỏ xíu tẩm nước hoa cam? Dù sao chăng nữa Joachim cũng đã quá bận rộn với chính bản thân mình để có thể trở thành chỗ dựa tinh thần cho Hans Castorp. Cuộc rút lui của chàng khỏi nơi họp mặt buổi tối nhìn bên ngoài tưởng chừng cao thượng, nhưng kỳ thực chỉ tố cáo một tâm trạng bất an, và niềm tin của Hans Castorp vào thái độ gương mẫu của Joachim khi thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng, vào những điều chỉ dẫn của người anh bất chợt bị lung lay.
Hans Castorp có mặt nơi đây vẫn chưa trọn hai tuần, thế mà chàng cảm thấy như đã lâu lắm, và nhịp điệu sinh hoạt của cư dân trên này, những quy định được Joachim nghiêm chỉnh chấp hành như nhiệm vụ, bắt đầu trở nên tất yếu, bất di bất dịch và bất khả xâm phạm đối với chàng, đến nỗi cuộc sống ở dưới đồng bằng trong mắt chàng bỗng thành ra kỳ quái và ngược đời. Chàng đã biết cách cuốn mình kín bưng như xác ướp để có thể nằm nghỉ ngoài ban công trong những ngày tiết trời lạnh giá, với những động tác thành thục gọn gàng, không thua Joachim mấy tí về kỹ thuật và nghệ thuật, một ngày mấy lần chàng lật qua lật lại xếp hai tấm chăn quanh mình thành một cái gói phẳng phiu theo đúng quy định, và lấy làm lạ khi nghĩ rằng ở dưới đồng bằng chẳng ai biết đến những quy định và nghệ thuật này. Đúng thế, chàng thấy điều đó thật lạ lùng, nhưng đồng thời lại kinh ngạc khi nhận ra mình coi đó là điều lạ, và nỗi lo ngại bồn chồn trong thâm tâm thúc giục chàng tìm kiếm lời khuyên và chỗ dựa lại dâng lên.
Chàng cũng nghĩ tới ông cố vấn cung đình Behrens với lời tư vấn hoàn toàn miễn phí, khuyên chàng nên theo nếp sinh hoạt điều trị của các bệnh nhân ở trên này, thậm chí còn nên đo cả nhiệt độ - và nghĩ tới Settembrini, người đã cười ầm lên khi nghe kể về lời khuyên ấy rồi trích dẫn cả ‘Cây sáo thần’ ra để chế giễu. Đúng thế, hai nhân vật ấy cũng được chàng ngầm đưa ra cân nhắc xem liệu có giúp gì được cho mình không. Ông cố vấn cung đình Behrens tóc bạc phơ đáng tuổi cha chàng, thêm vào đó còn là bác sĩ viện trưởng, có uy tín tối cao ở đây - và uy tín người cha chính là cái mà chàng trai trẻ Hans Castorp vướng mối tương tư đang tìm kiếm. Nhưng mặc dù vậy chàng vẫn không thể nào hình dung là mình có thể trao niềm tin cậy thơ ngây con trẻ cho ông ta được. Ông ta đã mai táng người vợ yêu quý ở đây, tổn thất ấy một thời gian dài làm ông ta chới với, và rồi ông ta ở lại hẳn vì không muốn rời xa mộ vợ, và vì bản thân ông ta bị nhiễm bệnh lao. Chẳng biết bây giờ ông ta đã khỏi hẳn chưa? Liệu có đúng là ông ta đã hoàn toàn khỏe mạnh để chú tâm điều trị cho người khác, giúp người ta sớm trở về đồng bằng dưới kia, quay trở lại với công việc và nhiệm vụ? Mặt ông ta lúc nào cũng tím tái màu chàm, trông cứ như người đang sốt. Nhưng cũng có thể đó chỉ là hiện tượng đánh lừa mắt, lỗi là bởi khí hậu trên này: bản thân Hans Castorp ngày nào cũng có cảm tưởng mặt mình nóng như hơ lửa, mà chàng có sốt đâu, theo đánh giá chủ quan của chàng chưa được chứng minh bằng số đo mang tính chất khoa học của một cây nhiệt kế. Có điều khi nghe ông cố vấn cung đình nói cười oang oang thỉnh thoảng người ta buộc phải liên tưởng đến một người phát sốt; lối ăn nói của ông ta có cái gì đó khiên cưỡng giả tạo: lúc nào ông ta cũng tỏ ra vui nhộn vô tư, bạo miệng đến mức lộng ngôn, nhưng sao giọng nói vẫn pha chút gì gượng gạo, nhất là cặp má tím xanh và đôi mắt ầng ậng nước như vẫn còn đang khóc thương bà vợ thì càng không phù hợp với niềm vui quá cường điệu kia. Và Hans Castorp nhớ đến những lời Settembrini nói về bệnh “trầm cảm” và “tật xấu” của ông cố vấn, khi ấy ông ta còn gọi Behrens là “một tâm hồn bấn loạn” nữa chứ. Đã đành Settembrini là một người ác khẩu, một gã ba láp, nhưng chàng vẫn thấy khó có thể chọn ông cố vấn cung đình Behrens làm chỗ dựa tinh thần cho mình.
Nhưng tất nhiên vẫn còn một đối tượng cân nhắc nữa là chính Settembrini, thành phần chống đối, gã ba láp và “homo humanus” như ông ta tự nhận, nhà sư phạm đã dùng những lời lẽ đao to búa lớn nhất phê phán nhận định của chàng, rằng bệnh tật và dốt nát đi chung với nhau là một sự mâu thuẫn và một tình huống trớ trêu trong cảm xúc con người. Ông ta thì sao nhỉ? Liệu con người ấy có thích hợp không? Hans Castorp còn nhớ rõ, trong những giấc chiêm bao sinh động lấp đầy giấc ngủ đêm đêm của chàng ở trên này chàng đã bực tức đến thế nào trước nụ cười mỉa mai thâm thúy dưới chòm ria vểnh lên của ông người Ý, và chàng đã cả gan gọi ông ta là ông già quay đàn thùng ở chợ phiên, đã lấy hết sức bình sinh cố đẩy bật ông ta ra khỏi chỗ này vì theo ý chàng ở đây ông ta là người nhiều chuyện và chuyên quấy rối. Nhưng đó là trong mơ, chứ khi tỉnh giấc Hans Castorp là một người khác hẳn, kém bản lĩnh hơn nhiều. Có lẽ khi tỉnh táo với đầy đủ ý thức chàng lại thấy nên thử làm quen với tư duy mới lạ của Settembrini, với những tư tưởng phê phán và nổi loạn, mặc dù đồng thời cũng rất thiểu não và ba láp của ông ta. Settembrini tự nhận mình có thiên hướng sư phạm, rõ ràng ông ta rất khoái dùng kiến thức của mình gây ảnh hưởng lên người khác; và chàng trẻ tuổi Hans Castorp thì đang háo hức mở mang trí tuệ, sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng - dĩ nhiên chàng không sẵn sàng đến mức nghe theo Settembrini mà thu xếp vali cuốn gói sớm khỏi đây như lời khuyên có vẻ rất nghiêm túc của ông này ngay hôm đầu chàng mới tới.
Placet experiri[66], chàng cười thầm trong bụng, vì vốn liếng tiếng Latinh của chàng dù ít ỏi cũng đủ để hiểu mấy chữ này mà không cần tự xưng là homo humanus. Và như thế chàng tự nguyện lắng nghe Settembrini, dự định tiếp thu một cách có chọn lọc tất cả những gì ông người Ý trình bày một cách hùng hồn trong các cuộc dạo chơi theo quy định lên chỗ băng ghế trên sườn núi hay xuống dưới ‘Phố’, hoặc vào một vài dịp khác, chẳng hạn như khi Settembrini là người đầu tiên kết thúc bữa ăn rồi thong thả đứng lên, vẫn trong trang phục muôn thuở với cái quần kẻ carô, một chiếc tăm ngậm giữa đôi môi, tỉnh bơ đi ngang qua gian phòng lớn với bảy dãy bàn, vi phạm tất cả nội quy và kỷ luật, đến bên bàn hai anh em họ. Ông ta đứng cạnh chỗ hai người vẫn với tư thế duyên dáng cố hữu của mình, chân bắt tréo, tay khua khoắng phụ họa cho câu chuyện. Hoặc ông ta kéo một chiếc ghế lại gần bàn, ngồi vào một góc giữa Hans Castorp và cô giáo già mé bên này hay giữa chàng và Miss Robinson mé bên kia, nhìn các thành viên của bàn ăn tráng miệng trong khi bản thân mình hy sinh món đồ ngọt cuối bữa để đi buôn chuyện.
“Tôi xin phép gia nhập tao đàn của quý vị”, ông ta bảo, bắt tay hai anh em họ và nghiêng mình thay cho lời chào tất cả những người còn lại. “Tôi không thể chịu đựng ông chủ hãng bia ở bàn tôi thêm một phút nào nữa… ấy là chưa kể đến hình ảnh tiều tụy đầy tuyệt vọng của bà chủ hãng bia. Cái ông Magnus này lại vừa mới đưa ra một tuyên ngôn kinh khủng về tâm lý dân tộc. Các vị có muốn nghe không? ‘Nước Đức yêu quý của chúng ta là một trại lính, đã đành. Nhưng trong đó ẩn giấu biết bao cần cù và kỷ luật, và tôi không đời nào đánh đổi sự chân thật của chúng ta để lấy cái lịch sự đãi bôi ở nước khác. Lịch sự thì được cái quái gì, khi mà người ta chỉ rình trước rình sau tìm cách bóp hầu bóp họng tôi?’ Đấy, đại loại cứ thế. Tôi đã ở tận cùng sức chịu đựng của mình rồi. Ngồi cùng bàn đối diện với tôi là một sinh linh tội nghiệp má đỏ như hoa cúng ngoài nghĩa địa, một cô gái già người Siebenbürgen, bữa ăn nào cũng kể lể không ngừng không nghỉ về anh rể mình, mà nào có ai quen biết hay muốn biết gì về ông ‘anh rể’ đó đâu. Tóm lại, thần kinh tôi đã căng lên hết mức, tôi chỉ còn cách chạy tháo thân.”
“Thế là ông đã phất cờ đảo ngũ”, bà Stöhr bảo. “Tôi hiểu lắm.”
“Phất cờ!” Settembrini kêu lên. “Chính thế! Tôi biết ngay là ở đây thổi một luồng gió khác mà, không còn nghi ngờ gì nữa, trúng tổ con chuồn chuồn rồi. Vậy ra tôi đã phất cờ…
Ai mà có thể nghĩ ra một từ như thế chứ! Xin được có lời hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà, bà Stöhr?”
Điệu bộ đài các của bà Stöhr khiến Hans Castorp phải rùng mình. “Lạy Chúa lòng lành”, bà ta dài giọng đáp, “vẫn thế, quý ông còn lạ gì nữa. Hễ cứ tiến bộ hai bước thì lại thụt lùi ba bước, vừa bóc lịch hết năm tháng thì lại bị thằng chả tuyên án thêm nửa năm. Thật không khác gì nỗi thống khổ của Tantalus[67]. Ngày ngày cắn răng ráng sức vần tảng đá, đến lúc tưởng đã lên tới đỉnh núi[68]…”
“Ôi, bà đánh tráo cho Tantalus thế này thật hay quá, cuối cùng lão già tội nghiệp cũng có chút ít thay đổi cho đỡ buồn nơi địa ngục! Thế ra bây giờ lão được bà điều động đi vần tảng đá hoa cương nổi tiếng kia. Bà đúng là có tấm lòng vàng. Nhưng mà này, thưa bà, tôi nghe nói quanh bà dường như bao bọc một lớp màn bí ẩn. Người ta hay kể những chuyện quái dị một người hóa hai hay hồn lìa khỏi xác… Từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng đó chỉ là chuyện nhảm nhí, nhưng những hiện tượng liên quan đến bà gần đây làm tôi hết sức hoang mang…”
“Hình như quý ông muốn đem tôi ra để giải trí.”
“Không đời nào! Tôi tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện ấy! Trước tiên xin bà hãy cho tôi được bình tâm về một số điều mờ ám xảy ra với bà, sau đó chúng ta có thể nói đến chuyện giải trí! Khoảng chín rưỡi mười giờ tối hôm qua tôi còn đi dạo ngoài vườn cho giãn gân giãn cốt, vừa đi tôi vừa nhìn lên dãy ban công và thấy ngọn đèn trên ban công phòng bà tỏa sáng trong đêm. Dĩ nhiên là bà đang nằm nghỉ, thực hiện lịch điều dưỡng theo đúng lương tâm và trách nhiệm. ‘Người bệnh tuyệt sắc của chúng ta nằm trên đó’, tôi tự nhủ, ‘và nghiêm chỉnh chấp hành nội quy để được sớm trở về trong vòng tay mong đợi của đấng phu quân.’ Vậy mà trước đây mấy phút tôi té ngửa người ra khi nghe nói đúng vào giờ đó bà đang xem chiếu bóng ngoài rạp cinema” (ông Settembrini nói chữ cinema theo kiểu phát âm tiếng Ý), “có người thấy bà trong rạp cinema ở khu giải trí mái vòm, và sau đó bà còn ngồi trong tiệm bánh ngọt bên một ly rượu mùi và đĩa bánh trứng đường, cùng với…”
Bà Stöhr so vai rụt cổ cười rúc rích trong tấm khăn ăn, thúc cùi chỏ vào mạng sườn Joachim Ziemßen bên này và tiến sĩ Blumenkohl trầm lặng bên kia, tinh quái đá lông nheo với Settembrini, thái độ nhơn nhơn tự mãn dễ ghét kinh khủng. Bà ta có thói quen ban đêm thắp đèn ngoài ban công để đánh lừa các bác sĩ, rồi sau đó lén lút xuống khu Ăng lê dưới ‘Phố’ tiêu khiển. Chồng bà ta ở Cannstatt vẫn mỏi mắt trông chờ vợ. Cũng phải nói thêm rằng bà ta không phải là bệnh nhân duy nhất áp dụng mánh lới này.
“… cùng với”, Settembrini vẫn không buông tha, “bà thưởng thức bánh trứng đường với ai kia chứ? Với ông đại úy Miklosich người Bucharest! Người ta bảo rằng ông ấy ăn mặc tề chỉnh lắm, đeo cả corset, nhưng lạy Chúa, cái ấy thì nhằm nhò gì ở đây! Tôi chỉ xin bà, thưa bà, cho chúng tôi được biết thực ra bà ở đâu? Bà có hai thân! Chắc rằng bà đã ngủ thiếp đi, rồi trong khi phần xác của bà nằm cô đơn trên ghế ngoài ban công thì phần hồn tung tăng đi tiêu khiển với ông đại úy Miklosich và bánh trứng đường…”
Bà Stöhr uốn éo vặn vẹo như người bị thọc lét.
“Thực ra người ta không biết có nên đảo lộn một chút không”, Settembrini bảo. “Tức là bà cô đơn thưởng thức bánh trứng đường và nằm ngoài ban công với ông đại úy Miklosich…”
“Hi hi hi…”
“Quý vị ở đây có ai biết chuyện xảy ra ngày hôm qua chưa?” Ông người Ý đột nhiên đổi đề tài. “Có người vừa bị tóm cổ - bị quỷ tha ma bắt đi, hay nói đúng hơn là bị bà mẹ đến đón về, một quý bà miệng nói tay làm, khiến tôi vô cùng khâm phục. Đấy là cậu Schneermann, Anton Schneermann, ngồi ở bàn tiểu thư Kleefeld đằng kia, - quý vị thấy không, chỗ ấy bây giờ bỏ trống. Sẽ có người khác tới lấp chỗ trống ấy ngay thôi, về mặt này quý vị khỏi lo. Điều đáng nói ở đây là Anton đã thoát ra ngoài vòng xoáy tội lỗi, nhanh đến mức không kịp trở tay. Cậu ta ở đây đã được năm rưỡi, mặc dù mới mười sáu tuổi, và vừa rồi còn được nhận thêm nửa năm nữa. Tôi chẳng biết ai là người mật báo đến tai Madame Schneermann, chỉ biết rằng cuối cùng bà mẹ phong thanh được tin cậu quý tử độ này đổ đốn ham mê tửu sắc. Thế là không hề báo trước bà bất ngờ xuất hiện ở trên này, một phu nhân khả kính cao hơn tôi đến ba cái đầu, tóc bạc phơ, bừng bừng lửa giận, không đôi hồi gì bà lôi ngay công tử Anton ra cho ăn mấy cái bạt tai rồi xách cổ cậu ta quẳng lên tàu. ‘Nó đã muốn lụn bại’, quý bà ấy bảo, ‘thì xuống dưới kia mà lụn bại.’ Và áp giải cậu con trai thẳng một mạch về nhà.”
Ai ngồi trong phạm vi nghe thủng câu chuyện cũng phải phì cười, vì ông Settembrini biết cách kể rất hài hước. Ông ta nắm vững mọi tin tức mới nhất trên này, mặc dù vẫn tỏ thái độ phê phán đầy châm biếm lối sống của những người ở đây. Cái gì ông ta cũng biết. Ông ta biết tên tuổi và cả sơ lược tiểu sử những người mới tới; ông ta thông báo hôm qua người này hay người kia vừa bị phẫu thuật cắt mấy rẻ sườn[69] và trích dẫn từ một nguồn đáng tin cậy rằng từ mùa thu trở đi người ta sẽ không tiếp nhận bệnh nhân sốt trên 38,5 độ nữa. Đêm hôm qua, theo lời kể của ông ta, con chó cảnh của Madame Kapatsoulias người Mytilene vô tình ngồi lên cái nút điện báo động trên bàn bà chủ, và gây ra một cảnh náo loạn kinh khủng, đặc biệt còn vì Madame Kapatsoulias giờ đó không có mặt một mình trong phòng mà đang bầu bạn với ông trợ lý thẩm phán Düstmund người Friedrichshagen. Tiến sĩ Blumenkohl trầm lặng cũng phải nở một nụ cười hiếm hoi, cô Marusia xinh đẹp gần chết sặc trong chiếc khăn tay nhỏ xíu tẩm nước hoa cam, và bà Stöhr vừa ré lên vừa đưa cả hai tay ôm lấy ngực.
Nhưng riêng với hai anh em Hans Castorp thì Lodovico Settembrini kể nhiều về bản thân và gia cảnh mình, trong những cuộc dạo chơi, thi thoảng vào những giờ giao lưu buổi tối, hoặc sau bữa ăn trưa lúc đa số bệnh nhân đã đi hết chỉ còn ba người ngồi nán lại bên bàn, Hans Castorp hút một điếu xì gà Maria Mancini - sang tới tuần thứ ba ở đây chàng tìm thấy lại ít nhiều hương vị quen thuộc của nó - trong khi các tiểu nữ lượn như tò vò dọn dẹp quanh phòng. Tỉnh táo và cảnh giác suy xét nhưng sẵn sàng tiếp thu một cách có chọn lọc, chàng chăm chú lắng nghe những mẩu chuyện của ông người Ý, thấy mở ra trước mắt mình cả một thế giới khác lạ đầy những điều mới mẻ.
Settembrini kể về ông nội mình, một luật sư ở Milan, nhưng nổi tiếng chủ yếu nhờ những hoạt động chính trị như làm báo và diễn thuyết, tóm lại là một nhà ái quốc, một nhân vật đối lập giống như cháu nội, chỉ có điều hoạt động chống đối của người ông ở quy mô rộng lớn và táo bạo hơn nhiều. Bởi trong khi Lodovico, như ông này cay đắng tự nhận, buộc phải giới hạn cuộc sống của mình trong phạm vi an dưỡng đường ‘Sơn trang’ và tạm hài lòng với việc dùng vũ khí trào phúng đả phá ngu dốt và lạc hậu cũng như vinh danh lao động để phục vụ một nhân loại toàn thiện toàn mỹ, thì người ông đã có những hoạt động thiết thực chống lại chính quyền phong kiến, bí mật tìm cách lật đổ triều đình Áo và Liên minh thần thánh là những thế lực thời đó tròng cái ách nô lệ nặng nề lên tổ quốc bị chia năm xẻ bảy của ông. Giuseppe Settembrini là thành viên hăng hái của một hội kín có phạm vi hoạt động trải rộng khắp nước Ý, một Carbonaro[70], Settembrini đột nhiên hạ giọng, cứ như thể bây giờ nhắc đến tổ chức này cũng vẫn còn nguy hiểm. Tóm lại, theo lời kể của người cháu nội hai chàng trai trẻ mường tượng ra Giuseppe Settembrini là một nhân vật sục sôi nhiệt tình cách mạng và có phần hơi hắc ám, một đầu sỏ trong các âm mưu bạo động chống chính quyền, và tất cả lòng trân trọng mà họ phải thể hiện ra theo phép lịch sự cũng không đủ để xóa đi nét hoài nghi đầy ác cảm, thậm chí gần như nỗi ghê sợ trên gương mặt họ. Tất nhiên đây là một tình huống khác thường: những điều họ được nghe kể đã xảy ra trước đó cả trăm năm rồi, đã thuộc về lịch sử, dĩ nhiên khi học lịch sử họ đã được làm quen với hình ảnh những nhà cách mạng yêu tự do bất khuất đấu tranh chống ách áp bức của bạo chúa, nhưng họ chẳng bao giờ ngờ rằng có lúc được tiếp xúc với những nhân vật ấy một cách trực tiếp và con người đến thế. Cả những âm mưu bí mật và nổi loạn của người ông, theo lời kể của người cháu, cũng bắt nguồn từ lòng yêu tổ quốc, với mong muốn giải phóng và thống nhất đất nước, đúng thế, những hoạt động mang tính lật đổ kia chẳng qua chỉ là thành quả tuôn trào từ lòng ái quốc đáng ca ngợi của người ông, và dù cho hai anh em họ, mỗi người một kiểu, đều thấy sự kết hợp giữa nổi loạn và yêu nước là một điều hết sức lạ lùng và đầy mâu thuẫn - vì xưa nay họ quen đặt lòng yêu tổ quốc ngang hàng với ý thức phục tùng pháp luật - nhưng họ đành phải chấp nhận rằng, trong bối cảnh lịch sử thời đó hẳn nổi loạn chống chính quyền được coi là một phẩm hạnh của công dân gương mẫu và tuân thủ luật pháp cũng có nghĩa là thờ ơ lãnh đạm với thời cuộc.
Tuy nhiên ông nội Settembrini không chỉ là một nhà ái quốc trung thành với nước Ý, mà còn là một nhà cách mạng quốc tế dốc lòng đấu tranh cho tất cả các dân tộc khao khát tự do. Sau một cuộc đảo chính không thành ở Turin mà ông đã hăng hái tham gia cả bằng lời nói lẫn việc làm, phải khó khăn lắm ông mới thoát được sự truy lùng của đám tay sai công tước Metternich[71], và trong thời gian sống lưu đầy ông lại nhiệt tình đấu tranh gây dựng hiến pháp cho dân tộc Tây Ban Nha cũng như đổ máu để giành tự do cho dân tộc Hy Lạp. Cha của Settembrini đã ra đời tại quốc gia này, có lẽ chính vì thế mà về sau người cha trở thành một văn nhân lớn với lòng ngưỡng mộ văn hóa cổ điển, cũng phải nói thêm rằng trong huyết quản ông có pha trộn dòng máu Đức của người mẹ, một thiếu nữ Giuseppe kết hôn trong thời gian lang bạt tại Thụy Sĩ và từ đó luôn sát cánh cùng ông trong các cuộc phiêu lưu. Mãi về sau, khi đã nếm mật nằm gai đủ mười năm lưu vong ông mới có cơ hội trở lại quê hương hành nghề luật sư ở Milan, nhưng vẫn không chịu từ bỏ vai trò người chiến sĩ, ông tiếp tục dùng tiếng nói và ngòi bút sáng tác thơ văn kêu gọi quốc dân đồng bào đấu tranh giành tự do và gom chính quyền về một mối thiết lập nhà nước cộng hòa, thảo ra những tuyên ngôn và dự án cải tổ đầy nhiệt tình độc đoán nhằm mục tiêu thống nhất và giải phóng dân tộc để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Có một chi tiết theo lời kể của Settembrini, người cháu, để lại ấn tượng sâu sắc cho Hans Castorp: đó là ông nội Giuseppe cả đời chỉ ra mắt những người đương thời trong trang phục màu đen, một hình thức ông để tang cho nước Ý, tổ quốc của ông, xứ sở đang mỏi mòn kiệt quệ dưới ách nô lệ và nghèo đói. Nghe đến đấy Hans Castorp bất giác liên tưởng tới ông nội mình, như gần đây chàng hay để tâm trí quay về quá khứ, vì trong suốt thời gian ông cháu ở với nhau ông chàng cũng chỉ mặc toàn màu đen, mặc dù với lý do hoàn toàn khác hẳn: đó là cái cách Hans Lorenz Castorp thể hiện con người thật của mình, con người trang nghiêm và đạo mạo thuộc về dĩ vãng xa xưa và chỉ tạm thời thích nghi với đời thường, nhưng vẫn kiêu hãnh tách mình ra khỏi hiện tại; mãi đến lúc qua đời ông mới nhờ cái chết tìm lại được hình dong đích thực của mình với đầy đủ tầm vóc xứng đáng (trong chiếc cổ áo xếp cao hình cái đĩa). Hai người ông thật khác xa nhau một trời một vực! Hans Castorp suy nghĩ rất lung, mắt nhìn đăm đăm vào một điểm trong không trung, cố không bày tỏ ý kiến mà chỉ thận trọng lắc lắc đầu, cử chỉ này có thể hiểu là biểu lộ lòng ngưỡng mộ Giuseppe Settembrini mà cũng có thể hiểu là dấu hiệu bất bình. Trong thâm tâm chàng cũng tránh không đánh giá những điểm khác biệt mà chỉ dừng lại ở mức so sánh và nhận định một cách khách quan. Chàng nhìn thấy mái đầu teo tóp của ông nội Hans Lorenz Castorp cúi xuống trên chiếc thau rửa tội ánh màu vàng xỉn, món bảo vật cha truyền con nối của dòng họ chàng, thấy miệng ông tròn vo, cặp môi uốn cong phát ra chữ “cố” thâm trầm đầy kính cẩn, âm thanh gợi nhớ đến địa điểm có đoàn người long trọng cúi đầu chậm rãi bước đi. Và chàng thấy Giuseppe Settembrini, tay giương cao lá cờ Ý ba màu, đôi mắt đen rực lửa hướng lên trời, vung gươm dẫn đầu một đoàn chiến sĩ đấu tranh cho tự do tấn công vào thành lũy của chế độ độc tài chuyên quyền. Cả hai người ông đều sáng ngời vẻ đẹp tinh thần, chàng nghĩ, và cố gắng đặt sự vô tư lên trên cảm tính thiên vị của cá nhân mình. Bởi ông nội Settembrini chiến đấu để đòi quyền lợi chính trị, những quyền lực trước đó thuộc về ông nội chàng cũng như tổ tiên chàng và dần dần bị đám tôi tớ tước đoạt mất bằng vũ lực hay bằng lý lẽ trong một giai đoạn lịch sử kéo dài trên bốn trăm năm… Nhưng họ giống nhau ở chỗ chỉ mặc đồ đen, người ông phương Bắc cũng như người ông phương Nam, cả hai đều với dụng ý vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa họ và xã hội đương thời mục nát. Tuy nhiên một người hành động như thế vì mộ đạo, để tôn vinh quá khứ và cái chết là những giá trị thiêng liêng đối với ông, trong khi người kia vì cách mạng và tiến bộ là những phạm trù thù địch với lòng mộ đạo. Phải, hai người ông ấy là hai thế giới khác nhau hay hai phương trời đối nghịch, Hans Castorp thầm tự nhủ, và chàng như người kẹt ở giữa, lắng nghe lời kể của Settembrini, khi thì nhìn sang bên này, khi thì nhìn bên kia để kiểm chứng, giống hệt như một tình huống có lần chàng đã kinh qua nay lại đột ngột trồi lên từ ký ức. Chàng nhớ đến một cuộc chèo thuyền trên hồ trong một buổi hoàng hôn cuối hè, ở vùng Holstein. Lúc ấy khoảng bảy giờ tối, mặt trời vừa khuất dạng, mặt trăng gần tròn mới nhô lên trên dải bờ lúp xúp cây cối phía đông. Và có dễ đến mười phút đồng hồ Hans Castorp một mình âm thầm chèo thuyền trên mặt nước hồ tĩnh lặng, trong một khung cảnh liêu trai nửa thực nửa hư. Mạn tây vẫn ngự trị ánh sáng ngày, một thứ ánh sáng thủy tinh trong suốt, tỉnh táo và minh bạch; nhưng chỉ cần quay đầu sang phía đối diện đã gặp ngay một đêm trăng huyền diệu, mờ mờ ảo ảo trong sương. Cảnh tương phản kỳ lạ ấy kéo dài không tới mười lăm phút, dần dần hòa trộn vào nhau để rồi cuối cùng màn đêm nhạt nhòa và vầng trăng trước rằm chiếm lĩnh cả không gian, nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi ấy cũng đủ để Hans Castorp đắm mình trong tâm trạng ngạc nhiên đầy ngưỡng mộ, đưa cặp mắt quáng gà say sưa chuyển từ cảnh này sang cảnh khác, từ ngày sang đêm để rồi lại từ đêm sang ngày. Giờ đây chàng thấy mình ở vào một tâm trạng hệt như khi ấy.
Luật sư Settembrini, chàng tiếp tục suy luận, với nhân sinh quan và những hoạt động phiêu lưu mạo hiểm của ông không thể là một chuyên gia đại diện cho pháp luật. Nhưng những giá trị nền tảng của luật pháp thì ông thuộc nằm lòng từ khi còn hỉ mũi chưa sạch đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, như cháu nội ông bây giờ ra sức thuyết phục người nghe, và mặc dù đầu óc biêng biêng vì phải tập trung năng lượng vào việc tiêu hóa một bữa ăn thịnh soạn sáu món của ‘Sơn trang’, Hans Castorp vẫn cố gom góp trí tuệ để hiểu xem tại sao Settembrini lại gọi những giá trị nền tảng ấy là “nguồn gốc tự do và tiến bộ”. Tiến bộ theo cách hiểu của chàng là cái gì đó đại loại như sự hoàn thiện cơ cấu đòn bẩy hồi thế kỷ thứ mười chín; và có vẻ như Settembrini cũng thực lòng đánh giá cao những điều này, giống ông nội ông ta thuở trước. Ông người Ý không tiếc lời khen ngợi đất nước của hai vị thính giả vì những phát minh tuyệt vời như thuốc súng là thứ góp phần phá tan thành lũy của chế độ phong kiến, hay như máy in vì đó là phương tiện phổ biến dân chủ tư tưởng - tức là phổ biến tư tưởng dân chủ. Vậy là ông ta tỏ lòng khâm phục nước Đức về khoản này, và, tiếp tục ngược dòng lịch sử ông ta đi đến chỗ mèo khen mèo dài đuôi, tức là tự ca tụng đất nước mình mà theo ý ông ta là nơi phất lên ngọn cờ đầu của phong trào khai sáng, mở đường cho tự do và học vấn trong khi các dân tộc khác còn chìm đắm trong đêm dài mê tín và nô lệ. Và cũng như trong buổi đầu họ gặp mặt bên băng ghế ngoài vách núi, khi ông ta tán dương sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng như các phương tiện giao thông, lĩnh vực chuyên môn của Hans Castorp, thì chàng có cảm tưởng không phải ông ta hâm mộ bản thân khoa học kỹ thuật mà chỉ nhấn mạnh ý nghĩa của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình hoàn thiện hóa nhân loại - ông ta hăm hở yêu cầu hai anh em họ phải đánh giá xứng đáng những đóng góp ấy. Vì khoa học kỹ thuật, ông ta giải thích, dần dần chế ngự thiên nhiên thông qua mạng lưới đường sá và đường dây điện báo nối liền những miền xa xôi, khắc phục sự khác biệt giữa các vùng khí hậu, chứng tỏ là phương tiện đáng tin cậy để đưa các dân tộc xích lại gần nhau, thu hẹp khoảng cách, san bằng trở ngại, phá tan thành kiến để cuối cùng dẫn đến một thế giới đại đồng. Loài người xuất thân từ tăm tối, sợ hãi và thù hận, nhưng đang vững bước tiến lên trên con đường phát triển xán lạn với mục tiêu cuối cùng là nhân ái, thiện tâm và hạnh phúc, trên con đường này khoa học kỹ thuật là phương tiện chuyên chở tuyệt vời nhất, ông ta bảo. Nhưng say sưa trên đà diễn thuyết, ông ta cao hứng bỏ chung vào một rọ những khái niệm mà từ trước tới nay Hans Castorp vẫn quen tách biệt một cách rạch ròi vì theo chàng chúng khác nhau một trời một vực. “Khoa học và đạo đức!” Ông ta bảo. Rồi ông ta nói về đấng cứu thế trong Cơ Đốc giáo, người đầu tiên rao giảng về nguyên tắc bình đẳng bác ái, và kỹ thuật in ấn đã quảng bá rộng rãi nguyên tắc này, cuối cùng cuộc cách mạng Pháp đã đưa những nguyên tắc này vào hiến pháp. Chẳng hiểu tại sao Hans Castorp cảm thấy lý luận này hết sức mù mờ, mặc dù ông Settembrini diễn giải bằng ngôn ngữ rất rành mạch và súc tích. Một lần, ông ta kể, một lần duy nhất trong đời, khi ông ta còn ở lứa tuổi hoa niên tươi đẹp, ông nội ông ta đã cảm nhận được hạnh phúc đích thực tràn ngập con tim, đó là vào thời điểm cuộc cách mạng tháng bảy ở Pháp. Ông nội Settembrini đã lớn tiếng công khai kêu gọi mọi người từ nay hãy xếp ba ngày của cuộc cách mạng Pháp vào chung với sáu ngày sáng tạo thế gian của Chúa. Tới đây thì Hans Castorp không thể đừng được phải đập tay xuống bàn biểu lộ nỗi kinh ngạc chấn động tâm linh của mình. Việc đặt ba ngày hè năm 1830, khi người dân Paris soạn ra hiến pháp mới, ngang hàng với sáu ngày sáng lập thế gian, khi Chúa tách đất ra khỏi nước, tạo ra ánh sáng vĩnh cửu cũng như hoa lá, cỏ cây, chim chóc, cá tôm và tất cả các sinh linh trên cõi đời, đối với chàng đã vượt quá mọi ranh giới cho phép, không thể chấp nhận được, và mãi sau đó khi chỉ còn lại một mình với Joachim chàng vẫn chưa hết phẫn nộ mà bảo rằng cả đời mình chưa bao giờ nghe thấy điều gì chướng tai đến thế, thật là quá thể.
Nhưng chàng có đủ thiện chí để tiếp thu ảnh hưởng, theo đúng nghĩa đen của cái từ tiếng Latinh mà Settembrini đã sử dụng một lần, rằng thí nghiệm cũng là cái thú. Vậy nên chàng dẹp sang bên mọi nỗi bất bình mà lòng mộ đạo và óc thẩm mỹ của chàng khơi dậy để phản kháng trật tự do Settembrini xếp đặt, tự lý luận rằng những điều đối với chàng có vẻ báng bổ thì cũng có thể gọi là táo bạo, và những điều tưởng như lố bịch thì vào thời đó trong hoàn cảnh nọ ít nhất cũng có thể coi là đầy hảo tâm và nhiệt tình cao thượng: ví dụ như ông nội Settembrini vinh danh những chiến lũy trên đường phố là “ngai vàng dân tộc” và kêu gọi mọi người hãy “đặt mũi giáo của người chiến sĩ lên bàn thờ nhân loại”.
Hans Castorp không giải thích được rõ ràng lý do khiến mình chăm chú lắng nghe lý luận của ông Settembrini, nhưng trong thâm tâm chàng biết tại sao. Chàng thấy đó như là một nghĩa vụ, để bù lại thái độ vô trách nhiệm của người khách vãng lai chỉ muốn làm vị khán giả bàng quan, cố tình không tiếp nhận các ấn tượng và sự kiện của đời sống trên này vì tin rằng ngày mai hoặc ngày kia mình sẽ vỗ cánh bay đi về lại với trật tự quen thuộc của mình: tóm lại, đó là nghĩa vụ mà lương tâm chàng tự đề ra, nói đúng hơn là lời cảnh báo của một lương tâm bị cắn rứt, bắt chàng phải ngậm tăm nghe ông người Ý ba hoa thiên địa trong lúc vắt chân chữ ngũ ngồi rít một hơi Maria Mancini hoặc bước thấp bước cao theo anh họ và ông ta từ khu Ăng lê leo dốc về lại ‘Sơn trang’.
Cứ như quan điểm và cách diễn giải của Settembrini thì luôn luôn có hai thế lực đối đầu nhau trong cuộc đấu tranh giành giật thế giới: quyền lực và lẽ phải, độc tài và tự do, mê tín và tri thức, nói khái quát là nguyên tắc bất biến trì trệ đối đầu với nguyên tắc vận động không ngừng, với sự tiến bộ. Cũng có thể gọi một cái là triết lý Á châu và cái kia là triết lý Âu châu, vì châu Âu là cái nôi của các phong trào cách mạng, của phê bình và tự phê bình để dẫn đến hành động cải cách, trong khi lục địa phía Đông là hiện thân của trạng thái tĩnh, bất động và bất biến. Không cần phải nói cũng biết thế lực nào sẽ giành thắng lợi cuối cùng - đó là sự khai sáng, sự hoàn thiện trí tuệ. Vì ngày càng có nhiều dân tộc giác ngộ những tư tưởng nhân đạo để cùng tiến bước trên con đường xán lạn đi tới tương lai, chủ nghĩa nhân đạo ngày càng lan rộng khắp châu Âu và bắt đầu tràn sang châu Á. Nhưng chúng ta còn thiếu nhiều chiến thắng, những người giác ngộ tư tưởng nhân văn cao đẹp với ngọn đuốc trí tuệ trong tay còn phải cố gắng và hy sinh nhiều nữa mới đến được cái ngày các quốc gia chưa từng trải qua công cuộc khai sáng ở thế kỷ thứ mười tám cũng như cuộc cách mạng tư sản năm 1789 đủ sức vùng lên lật đổ ách thống trị phong kiến và tôn giáo. Nhưng ngày ấy rồi sẽ đến, ông Settembrini quả quyết với nụ cười mỉm tinh tế dưới bộ ria mép uốn cong, nếu không dũng mãnh trên cánh đại bàng thì sẽ nhẹ nhàng theo bước chim câu, ngày ấy sẽ mở đầu bằng ánh bình minh rạng rỡ của tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em chia sẻ những giá trị chung về trí tuệ, khoa học và luật pháp; đó là kết quả của liên minh thần thánh giữa các nước do nhân dân làm chủ, một liên minh sáng ngời chính nghĩa ngược hẳn với liên minh ba lần đê tiện của bọn chúa đất và triều đình phong kiến, kẻ tử thù của ông nội Giuseppe Settembrini thuở trước, tóm lại là một thế giới đại đồng. Nhưng để đạt được mục tiêu tối hậu này ta phải giáng được một đòn chí tử vào trung tâm của nguyên tắc trì trệ, nô lệ kiểu phương Đông và đập tan mọi sức kháng cự của nó, mà hang ổ không đâu xa lạ chính là Vienna. Nước Áo là đầu não của chế độ phong kiến hủ bại, đánh rắn phải đánh giập đầu, trước hết là để báo thù cho quá khứ và sau nữa để mở đường cho lẽ phải và hạnh phúc ngự trị trái đất này.
Khúc đột biến sau rốt và kết luận hùng hồn của Settembrini thì Hans Castorp bỏ ngoài tai, chàng để nó trôi tuột đi như nước đổ đầu vịt chẳng thèm quan tâm vì kết luận ấy hoàn toàn trái ý chàng, mỗi lần phải nghe chàng lại thấy ngại ngùng khó xử như khơi dậy một xích mích cá nhân hay hận thù dân tộc đã cũ rích mà người ta vẫn khăng khăng ôm chặt không chịu từ bỏ. Joachim Ziemßen còn phản ứng mạnh hơn, hễ ông người Ý sa đà vào dòng suy luận loại này là chàng giận dữ cau mày quay đầu đi tỏ ý bất bình, đôi khi chàng còn cắt lời ông ta giục về nằm nghỉ theo lịch điều dưỡng hoặc lái câu chuyện theo hướng khác. Cả Hans Castorp cũng cảm thấy không có trách nhiệm phải nghe những điều lầm lạc ấy, rõ ràng nó vượt quá thiện chí tiếp thu mà lương tâm chàng khuyến khích, mặc dù cái lương tâm ương bướng của chàng lên tiếng nhắc nhở thường xuyên đến nỗi thông thường chính chàng là người gợi chuyện, yêu cầu ông Settembrini cho biết ý kiến riêng mỗi khi ông ta tới ngồi vào bàn họ hoặc nhập bọn với họ cùng đi dạo.
Những tư tưởng và chí hướng này, Settembrini khẳng định, là giá trị tinh thần cha truyền con nối trong gia đình ông ta. Ba thế hệ liên tiếp đã dành cả cuộc đời và khả năng trí tuệ để phục vụ những mục tiêu ấy, đời ông, đời cha và đời con, mỗi thế hệ theo một cách riêng: người cha cũng nhiệt tình không kém người ông, mặc dù không phải là một chiến sĩ trực tiếp đấu tranh cho tự do như Giuseppe Settembrini mà là một học giả trầm lặng chân yếu tay mềm, một văn nhân đấu tranh bằng ngòi bút. Nhưng phải biết ông là một văn nhân có tầm vóc thế nào! Một người thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo, không hơn không kém, nhưng với lòng nhân ái ông cũng làm chính trị, ông cũng nổi loạn chống lại tất cả những gì bôi nhọ và chà đạp lên nhân phẩm con người. Có kẻ buộc tội ông quá tôn sùng hình thức; nhưng ông ngợi ca vẻ đẹp cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là để nâng cao giá trị của nhân phẩm, để vạch rõ sự tương phản chói lòa giữa thời đại khai sáng và thời trung cổ tối tăm, cái thời nhân loại không chỉ đắm chìm trong thù địch và mê tín mà còn phỉ báng cái đẹp đến mức phủ nhận hình thức, và ngay từ đầu ông đã ra sức đấu tranh cho những quyền lợi thế tục của con người, cho tự do tư tưởng và hạnh phúc trên mặt đất, còn bầu trời thì bọn chim sẻ cứ việc chia nhau[72]. Prometheus[73]! Vị thần ấy là hiện thân đầu tiên của chủ nghĩa nhân văn, cũng như hình ảnh Satana trong bài thơ cùng tên của Carducci… Ôi, lạy Chúa, giá mà hai anh em họ được nghe vị học giả xứ Bologna, kẻ thù của nhà thờ, cất tiếng châm chích và đả kích thói đa sầu đa cảm Cơ Đốc giáo của những kẻ theo chủ nghĩa lãng mạn hồi ấy! Nghe ông ta phê phán những khúc thánh ca của Manzoni[74]! Phê phán những vần thơ ảm đạm thấm đẫm bóng tối và ánh trăng, ướt rượt chất Romanticismo[75] mà ông so sánh với “chị Hằng, ni cô bủng beo nơi thiên giới”[76]! Thề có quỷ thần, không còn gì thú vị hơn thế nữa! Và giá mà họ được nghe ông cụ, Carducci, phân tích và bình luận Dante[77] - cũng là một cư dân đô thị nên ông cụ hết lòng ngưỡng mộ thi hào này, người đã ra sức công phá giáo lý khổ hạnh của giới thầy tu dạy người ta diệt dục và xa lánh chuyện đời, và tận tình bảo vệ tinh thần cầu tiến, động lực làm thay đổi và cải thiện thế giới. Vì không phải bóng ma Beatrice[78] bí ẩn và bệnh hoạn được thi hào đặt cho cái tên “Donna gentile e pietosa”[79], mà là người vợ yêu quý của ông, người đại diện cho hiện thực, cho cuộc sống lao động trần gian trong tác phẩm bất hủ kia…
Trước đây Hans Castorp cũng đã đôi lần nghe nói đến Dante rồi, từ những nguồn đáng tin cậy hơn ông người Ý này nhiều. Cứ nhìn thói ba láp của người kể chuyện thì không nên tin tưởng tuyệt đối vào những điều ông ta nói, nhưng nhận định rằng Dante là một thị dân lịch lãm ưa hưởng thụ khiến chàng chú ý. Và như thế chàng tiếp tục lắng nghe Lodovico Settembrini dông dài kể về bản thân mình và tuyên bố rằng ông, cháu nội của Giuseppe Settembrini, đã kết hợp chí hướng của các vị tiền bối đời trước, người ông chiến sĩ và người cha văn nhân, để trở thành một văn sĩ, một người viết văn với tư tưởng tự do. Vì văn học chẳng phải là gì khác hơn sự kết hợp nhân đạo với chính trị, một kết hợp tự nhiên không cưỡng chế, vì chủ nghĩa nhân đạo bản thân nó đã là chính trị và chính trị không thể nào không nhân đạo… Tới đây Hans Castorp dỏng tai lên nghe và cố sức hiểu cho đúng; vì chàng hy vọng có cơ hội soi sáng toàn bộ sự vô học của ông chủ hãng bia Magnus để rút cuộc vỡ lẽ ra được văn học còn có giá trị gì khác ngoài “những nhân vật đẹp”. Settembrini hỏi hai thính giả của mình, không biết họ đã bao giờ nghe nói đến ngài Brunetto chưa, Brunetto Latini[80], người chép sử xứ Florence những năm 1250, tác giả một cuốn sách bàn về đạo đức và tội lỗi? Ông là người thầy đầu tiên dạy dân chúng Florence cách cư xử thanh lịch, cách nói năng đúng mực, và truyền cho họ nghệ thuật lèo lái xứ cộng hòa của họ theo các nguyên tắc chính trị. “Các ông thấy đấy, thưa các ông!” Settembrini hăm hở cao giọng. “Các ông thấy đấy!” Và ông ta giảng giải về “tiếng nói”, về nghệ thuật sử dụng ngôn từ, về thuật hùng biện mà ông ta gọi là bước khải hoàn của nhân loại. Bởi tiếng nói là phẩm giá của loài người, và chỉ có nó mang lại nhân phẩm cho cuộc sống. Không phải chỉ có chủ nghĩa nhân văn, mà cả lòng nhân đạo, phẩm giá của con người, lòng tôn trọng con người và tôn trọng bản thân đều không thể tách rời khỏi tiếng nói, khỏi văn học (“Thấy chưa”, sau đó Hans Castorp đắc thắng bảo anh họ, “cậu thấy không, văn học rốt cục là những ngôn từ đẹp! Tớ biết ngay từ đầu mà.”) và như thế chính trị cũng gắn liền với những điều đó, hoặc còn hơn thế nữa: chính trị ra đời từ tổng hòa tất cả những điều này, là sự thống nhất giữa nhân đạo và văn học, vì lời nói cao cả sản sinh ra hành động cao cả. “Ở nước các ông”, Settembrini bảo, “hai trăm năm trước có một thi sĩ, một người kể chuyện tuyệt vời, ông ta đặc biệt đề cao thư pháp, vì theo ý ông ta nét chữ thể hiện phong cách. Lẽ ra ông ta cũng có thể đi xa hơn chút nữa mà diễn giải rằng phong cách đẹp tất sẽ thể hiện ra bằng những hành vi cao đẹp.” Nét chữ là nết người, viết đẹp cũng đã gần như là tư duy đẹp và không mấy cách xa hành động đẹp. Tất cả luân lý và trau dồi đạo đức đều nảy sinh từ tinh thần văn học, tinh thần đề cao danh dự con người, và như thế đồng thời cũng là tinh thần nhân đạo và chính trị. Đúng thế, tất cả những điều này chỉ là một, đều quy về một mối quyền lực và tư tưởng, mà ta có thể gọi chung bằng một cái tên. Cái tên ấy là gì? Cái tên ấy được ghép lại từ những âm vực quen thuộc, nhưng ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của nó chắc hai anh em họ chưa bao giờ lĩnh hội một cách thực sự, đó là: văn minh! Và trong lúc uốn lưỡi để cho hai tiếng ấy trang trọng thoát ra từ đôi môi, Settembrini vung cao bàn tay phải nhỏ nhắn xanh xao như một diễn giả hô khẩu hiệu.
Chàng trai trẻ Hans Castorp thấy tất cả cái mớ hổ lốn ấy rất đáng nghe, thực ra không bắt buộc phải tiếp thu mà chỉ là thử nghe chơi vậy thôi, nhưng theo chàng đó là cơ hội hiếm có để mở mang đầu óc. Và vì vậy chàng khăng khăng cãi lại ý Joachim Ziemßen, anh chàng đang ngậm cây nhiệt kế trong miệng nên chỉ có thể lúng búng phản biện, và sau đó còn bận đọc số điền vào biểu đồ nhiệt độ nên cũng không mấy nhiệt tình tranh cãi về những quan điểm cực đoan của Settembrini. Về phần Hans Castorp, như đã nói, đầy thiện chí tiếp thu nên mở rộng cõi lòng suy xét: qua đó càng thấy rõ ưu thế của con người đầu óc tỉnh táo so với con người u mê đần độn trong mơ - trong giấc ngủ Hans Castorp đã nhiều lần thóa mạ ông Settembrini là “ông già quay đàn thùng ở chợ phiên” và lấy hết sức bình sinh cố đẩy bật ông ta ra khỏi chỗ để ông ta thôi “quấy rối”; nhưng khi thức tỉnh chàng lịch sự bày tỏ mối quan tâm bằng cách chăm chú lắng nghe, cố gắng động não để giải tỏa và kìm hãm sự phản kháng chỉ chực trào lên chống lại trật tự cũng như thế giới quan của người thầy tinh thần. Vì đó là một sự thật không thể chối cãi, những làn sóng phản kháng cứ sục sôi nổi cồn như biển động trong tâm hồn chàng: có cả những điều đã thâm căn cố đế ăn sâu vào tiềm thức từ lâu, lẫn những điều vừa mới thu nhập từ những sự kiện mà chàng phần tự mình có tham dự vào, phần chỉ lặng thinh quan sát trong sinh hoạt của những kẻ trên này.
Con người là gì, mà sao lương tâm họ biết cách tự đánh lừa mình một cách quá dễ dàng! Trong tiếng nhắc nhở về trách nhiệm họ vẫn nghe ra lời ưng thuận cho những đam mê! Như một đối trọng để an ủi lương tâm, Hans Castorp tự thấy có nghĩa vụ lắng nghe ông Settembrini giảng giải, bình tĩnh cân nhắc những quan niệm của ông ta về trí tuệ, về nền cộng hòa và các giá trị chân thiện mỹ, sẵn sàng thu nhận những ảnh hưởng ấy vào tư tưởng của mình. Nhưng như vậy chỉ để sau đó chàng được yên tâm thả mình trôi về phía khác, phía ngược lại, đúng thế, theo nghi vấn hay chính xác hơn là theo nhận định của chúng tôi thì chàng chỉ lắng nghe ông Settembrini để được lương tâm cho phép tơ tưởng một điều mà theo lẽ thông thường phải bị cấm ngặt. Vậy thì điều gì hay là ai đứng ở phía bên kia, phía đối nghịch với lòng ái quốc, với phẩm giá con người và vẻ đẹp văn chương, cái phía mà Hans Castorp tự cho phép mình dồn tâm trí hướng sang? Ở đó là… Clawdia Chauchat, với cặp mắt Kirgizstan, thân hình mềm mại như ngọn liễu bị vi trùng đục ruỗng; và trong khi Hans Castorp nghĩ về cô ta (cũng phải nói thêm rằng “nghĩ” là một động từ quá đứng đắn để diễn tả cái cách nội tâm chàng tơ tưởng đến cô nàng), chàng lại có cảm giác choáng ngợp như lúc ngồi trong chiếc thuyền bé tẻo teo trên mặt nước hồ phẳng lặng xứ Holstein trong một chiều hoàng hôn, đưa cặp mắt quáng nắng nhìn từ bờ tây rực rỡ ánh ngày sang đêm trăng huyền ảo sương mờ phía trời đông.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần