Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3 - Satana Đưa Ra Những Đề Nghị Khó Nghe
au đấy chàng bất tỉnh không hay biết gì nữa. Chiếc đồng hồ quả quít báo đã ba giờ rưỡi, khi tiếng nói chuyện lào xào sau bức tường kính phía bên trái đánh thức chàng: bác sĩ Krokowski đi thăm hỏi bệnh nhân, lần này ông ta đi một mình không có mặt ông cố vấn cung đình, và đang trao đổi bằng tiếng Nga với cặp vợ chồng khiếm nhã, có vẻ như ông ta hỏi thăm sức khỏe và đòi xem biểu đồ nhiệt độ của người chồng. Nhưng rồi ông ta không đi tiếp dọc ban công mà tránh khoang của Hans Castorp, vòng trở ra hành lang đi qua lối cửa vào phòng Joachim đến chỗ anh họ chàng nằm. Cử chỉ xa lánh cố tình đi vòng để tránh mặt chàng khiến Hans Castorp phật ý, mặc dù một cuộc gặp gỡ riêng với bác sĩ Krokowski lúc này cũng hoàn toàn không phải là nguyện vọng của chàng. Dĩ nhiên, chàng không mang bệnh nên chẳng là cái thá gì, vì ở trên này, chàng cay đắng nghĩ, chừng như những người hân hạnh có sức khỏe tốt lại không được ai đoái hoài đếm xỉa tới, và điều đó làm chàng trẻ tuổi Castorp bực mình.
Sau khi lưu lại chỗ Joachim hai hay ba phút Krokowski lại đi tiếp dọc ban công để hỏi han những bệnh nhân khác, và Hans Castorp nghe anh họ chàng bảo đã đến lúc dậy sửa soạn đi uống trà chiều. “Tốt lắm”, chàng nói và đứng dậy. Nhưng sau khi nằm lâu lúc đứng lên chàng hơi xây xẩm, và giấc ngủ chập chờn lại làm mặt chàng nóng bừng bừng, trong khi khắp người chàng rùng mình ớn lạnh, cũng có thể tại chàng đắp không đủ ấm.
Chàng rửa tay và lau mắt, chải lại mái tóc, sửa sang quần áo rồi bước ra gặp Joachim ở ngoài hành lang.
“Cậu có nghe chuyện của ông Albin kia không?” Chàng hỏi trong lúc họ xuống thang lầu… “Tất nhiên”, Joachim bảo. “Thằng cha phải bị kỷ luật mới đúng. Quấy rối cả giờ nghỉ trưa với những chuyện bá láp và làm các bà các cô xúc động đến nỗi công phu điều dưỡng mấy tuần đổ cả xuống sông xuống biển. Vi phạm nghiêm trọng nội quy. Nhưng chẳng ai muốn tố giác gã để bị mang tiếng là chỉ điểm. Hơn nữa những chuyện nhảm nhí ấy lại thường được hoan nghênh như là một hình thức giải trí.”
“Theo cậu liệu có khả năng”, Hans Castorp hỏi, “gã không khoác lác mà dự định ‘giải quyết dứt điểm’ như cách nói của gã, và gửi vào đầu một viên đạn thật không?”
“À, chuyện ấy”, Joachim trả lời, “cũng có thể lắm. Ở trên này đã xảy ra những vụ tương tự rồi. Trước khi tớ lên đây hai tháng, có một tay sinh viên, đã điều trị lâu rồi, không hiểu kiểm tra sức khỏe kết quả ra sao mà vào rừng treo cổ tự vẫn. Mấy ngày đầu tớ mới đến họ vẫn còn bàn tán xôn xao.” Hans Castorp hồi hộp ngáp.
“Hừm, ở chỗ các cậu tớ cũng thấy người làm sao ấy”, chàng ngập ngừng, “không thể bảo là thoải mái dễ chịu được. Rất có thể tớ không ở lại được mà phải về ngay, cậu này, nếu thế thì cậu có giận tớ không?”
“Về ngay? Sao lại thế!” Joachim kêu lên. “Chỉ vớ vẩn. Cậu vừa lên tới nơi thôi mà. Mới có một ngày đầu tiên ở đây, cậu đâu thể quyết định vội vàng như thế được!”
“Chúa ơi, vẫn còn là ngày đầu tiên à? Tớ có cảm tưởng tớ đã ở đây lâu, lâu lắm rồi chứ.”
“Này, cậu đừng có giở chứng lý luận về thời gian nữa nhé!” Joachim nửa đùa nửa thật bảo. “Sáng nay cậu làm tớ ong hết cả đầu lên đấy.”
“Không, cậu đừng lo, tớ quên ráo cả rồi”, Hans Castorp đáp. “Tất cả mớ triết lý tổng hợp ấy. Bây giờ đầu óc tớ cũng không còn sáng suốt nữa, nó đình công rồi… Vậy là mình xuống uống trà phải không.”
“Ừ, rồi sau đó lại đi đến chỗ chiếc ghế bên đường như hồi sáng.”
“Ơn Chúa. Nhưng hy vọng lần này bọn mình không chạm trán Settembrini. Hôm nay tớ không thể nào tham dự vào một cuộc nói chuyện cao siêu nữa đâu, nói để cậu biết trước.”
Trong phòng ăn người ta đưa lên đủ loại đồ uống cả thích hợp lẫn không thích hợp vào giờ này. Miss Robinson lại uống loại trà làm từ quả hoa hồng đỏ như máu, trong lúc cô cháu gái bà cụ ngồi múc sữa chua. Ngoài ra còn có sữa tươi, trà, cà phê, sôcôla nóng, thậm chí cả nước hầm thịt nữa, và khắp nơi là những thực khách sau hai tiếng đồng hồ nằm nghỉ để tiêu hóa bữa trưa thịnh soạn giờ đây lại chăm chú, hăm hở quét bơ lên những miếng bánh nướng nho khô khổng lồ.
Hans Castorp bảo mang trà lên cho chàng rồi nhúng bánh mì sấy vào đó ăn nhấm nháp. Chàng còn thử quẹt thêm tí mứt nhừ. Nhưng bánh nướng nho khô thì chàng chỉ thưởng thức bằng mắt chứ không dám đụng tới, nội ý nghĩ ăn vào cũng đã đủ làm chàng sởn gai ốc lên rồi. Một lần nữa chàng lại ngồi vào chỗ của mình trong gian phòng với mái vòm trang trí lòe loẹt ngô nghê và bảy chiếc bàn - lần này là lần thứ tư. Muộn hơn chút nữa, lúc bảy giờ, chàng lại thấy mình ngồi đó lần thứ năm để ăn bữa tối. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi và vô tích sự giữa hai bữa ăn là một cuộc dạo chơi đến chiếc ghế bên sườn núi nơi có dòng nước róc rách ri rỉ chảy, vào giờ ấy con đường mòn đầy nghẹt khách ở viện an dưỡng, đến nỗi hai anh em chào mỏi miệng, sau đó là một tiếng rưỡi đồng hồ nằm ngoài ban công, trôi vèo đi mất chẳng để lại dấu ấn gì. Hans Castorp lạnh run cầm cập.
Trước khi xuống ăn tối chàng cẩn thận lên đồ lớn rồi lại thấy mình ngồi giữa Miss Robinson và cô giáo quá thì ăn súp rau, thịt quay và thịt bỏ lò kèm nhiều món đồ ăn phụ, hai miếng bánh ngọt khổng lồ với đủ thứ nhân: hạt dẻ, kem đánh với bơ, sôcôla, hoa quả nấu nhừ và hạnh nhân ngào đường, rồi còn thêm mấy cái bánh bàng bọc pho mát rất ngon. Chàng lại bảo đưa lên cho mình một chai bia Kulmbacher. Nhưng uống được nửa ly thì chàng nhận ra rằng mình không thể ngồi thêm được nữa, rõ ràng chỗ của chàng bây giờ là cái giường. Đầu chàng ong ong, mi mắt nặng như chì, tim đập như gõ trống, và trong tình trạng ấy chàng tưởng như cô Marusia xinh đẹp ngồi chúi đầu về phía trước giấu mặt vào bàn tay có viên ngọc ruby đang cười mình, mặc dù chàng đã cố hết sức cư xử cho thật lịch thiệp rồi. Chàng còn nghe tiếng bà Stöhr như vọng lại từ xa thẳm, kể lể hay khẳng định điều gì vô lý đến mức chàng sinh ra nghi ngờ trí khôn của mình, không hiểu mình nghe có đúng không hay đó chỉ là mê sảng. Bà ta khăng khăng rằng mình biết cách làm hai mươi tám loại nước sốt khác nhau để ăn với cá, bà ta đủ dũng cảm để khẳng định điều này, mặc dù chồng bà ta đã cản rồi. “Đừng có kể ra với ai!” Ông ấy bảo. “Không ai tin bà đâu, có chăng người ta cũng sẽ chỉ thấy nực cười thôi!” Mặc dù vậy hôm nay bà ta vẫn muốn công bố điều này và quả quyết rằng mình có thể làm tới hai mươi tám loại nước sốt cá khác nhau. Điều đó làm chàng Hans Castorp tội nghiệp hoàn toàn rối trí; chàng kinh hoàng đưa tay lên trán và quên bẵng mất không nhai nuốt nốt miếng bánh bàng với pho mát Chester trong miệng. Lúc đứng lên rời bàn ăn miệng chàng vẫn ngậm đầy bánh.
Người ta lục tục ra khỏi phòng ăn bằng cánh cửa kính phía bên trái, chính là cái cánh cửa tai hại cứ sập rầm rầm dẫn ra tiền sảnh. Hầu như tất cả các thực khách đều đi lối này, vì có vẻ như sau bữa tối là một hình thức gặp gỡ giao lưu trong tiền sảnh và dãy phòng giải trí kế bên. Đa số các bệnh nhân đứng túm năm tụm ba chuyện trò rôm rả. Người ta ngả hai chiếc bàn xếp màu xanh ra làm chỗ cờ bạc: một bàn chơi domino, bàn kia đánh bài bridge[40], và chỉ toàn những người trẻ tuổi ngồi chơi ở đây, trong số họ thấy có cả ông Albin và Hermine Kleefeld. Ngoài ra ở gian phòng khách đầu tiên có đặt một vài dụng cụ giải trí: một cái hộp phóng ảnh tạo cảm giác không gian ba chiều mà khi nhìn qua thấu kính người ta thấy những hình ảnh gài trong đó có cả chiều sâu, ví dụ hình một người lái gondola ở Venice cứng đờ trong tư thế chèo thuyền; thứ đến là một ống kính vạn hoa, ghé một mắt vào đồng thời quay một bánh xe nhỏ người ta có thể thấy những hình hoa văn kỳ dị với những ngôi sao muôn màu luôn luôn biến đổi rất vui mắt; cuối cùng là một cái ống quay, mà khi đặt những dải phim chụp một chuỗi hình liên tiếp vào rồi nhìn nghiêng qua khe hở người ta có thể thấy một bác thợ xay thượng cẳng tay hạ cẳng chân đánh anh thợ nạo ống khói, một ông thầy giơ thước khệnh cậu học trò, một người làm xiếc leo dây và một cặp trai gái nông dân quay tròn trong một điệu vũ dân gian. Hans Castorp, hai bàn tay lạnh ngắt chống vào đầu gối, ngồi chồm chỗm nhìn rất lâu vào mỗi dụng cụ. Chàng cũng láng cháng một lúc bên đám bridge, xem ông Albin vô phương cứu chữa hai mép xệ xuống khinh bạc, điệu bộ khệnh khạng thành thạo vứt những lá bài xuống bàn. Bác sĩ Krokowski ngồi trong một góc, chìm đắm vào một cuộc chuyện trò sôi nổi và thân mật với một nhóm các bà các cô quây quần thành hình bán nguyệt trước mặt ông ta, trong số đó chàng nhận ra bà Stöhr, bà Iltis và cô Levi. Các thực khách của bàn Nga thượng lưu rút lui vào một gian phòng nhỏ kế bên chỉ ngăn cách với phòng giải trí bằng một tấm rèm, và làm thành một nhóm riêng. Ngoài Madame Chauchat ra còn có: một ông râu vàng người ẻo lả có bộ ngực hõm vào và cặp mắt bất động như mắt cá ươn; một cô gái tóc nâu sẫm rất hài hước và lập dị, đeo khoen tai vàng và để một kiểu tóc bù xù; ngoài ra còn có ông tiến sĩ Blumenkohl và hai cậu thiếu niên vai xuôi xị đến nhập bọn cùng với họ. Madame Chauchat mặc một chiếc váy dài màu xanh lam cổ viền đăng ten trắng. Cô ta ngồi giữa nhóm, trên chiếc ghế bành kê sau cái bàn tròn ở tận cuối gian hậu cung, mặt quay về phía phòng ngoài. Hans Castorp nhìn cô nàng khiếm nhã bằng cặp mắt ác cảm, trong lòng thầm tự nhủ: cô ta làm mình nhớ tới cái gì đó, nhưng mình không thể nói được là cái gì… Một người đàn ông dài thượt khoảng ba mươi tuổi đầu đã hói lơ thơ ngồi xuống bên chiếc đàn piano nhỏ màu nâu chơi liền một hơi ba lần liên tiếp bản ‘Hành khúc đám cưới’ trong vở ‘Giấc mộng đêm hè’[41], và khi có vài quý bà yêu cầu ông ta chơi lại thì ông ta lẳng lặng chơi thêm khúc nhạc du dương ấy lần thứ tư, sau khi chăm chú nhìn sâu vào mắt từng bà một.
“Liệu tôi có được phép hỏi thăm sức khỏe ông không đây, ông kỹ sư?” Settembrini hai tay đút túi quần, đủng đỉnh la cà tán dóc với người này người kia, đột nhiên dừng lại trước mặt Hans Castorp. Ông ta vẫn mặc chiếc áo khoác xám lừ xừ và chiếc quần kẻ carô màu sáng. Khi nói mấy chữ ‘ông kỹ sư’ ông ta hơi nhếch mép cười châm biếm, và Hans Castorp lại cảm thấy như bị dội gáo nước lạnh khi đối diện nụ cười thâm thúy với một bên khóe mép hơi cong cong dưới bộ ria đen vểnh lên của ông ta. Cũng phải nói thêm là chàng nhìn ông người Ý với vẻ mặt hết sức ngây ngô, miệng mở ra he hé và cặp mắt đỏ ngầu.
“A, lại là ông”, chàng bảo. “Quý ông gặp gỡ trong cuộc dạo chơi buổi sáng, lúc chúng tôi ngồi ở băng ghế trên kia… bên máng nước… Tất nhiên tôi nhận ra ông ngay lập tức. Ông biết không”, chàng lăng xăng nói tiếp mặc dầu ngay trong khi còn đang nói đã nhận ra là mình lỡ lời, “khi vừa nhìn thấy tôi đã tưởng ông là người quay đàn thùng ở chợ phiên. Dĩ nhiên là không phải thế”, chàng vội vã sửa lại một cách vụng về, khi thấy ánh mắt Settembrini đột nhiên ánh lên vẻ thăm dò lạnh nhạt, “tôi hồ đồ thiếu suy nghĩ quá! Chính tôi cũng không biết cái gì xui khiến mình nói tầm bậy…”
“Xin ông đừng bận tâm, không có gì quan trọng đâu”, Settembrini thong thả nói, sau giây lát lẳng lặng quan sát chàng trai trẻ. “Vậy chứ ngày đầu tiên của ông ở chốn bồng lai diễn ra thế nào?”
“Cảm ơn ông có lời hỏi thăm. Tôi chấp hành đúng nội quy ”, Hans Castorp trả lời. “Tức là chủ yếu giữ ‘tư thế nằm ngang’, theo cách nói ưa thích của ông, như tôi được biết.” Settembrini mỉm cười.
“Rất có thể đôi khi tôi ưa dùng lời như vậy”, ông ta bảo. “Thế theo ông kiểu sống này có thú vị không?”
“Thú vị hay vô vị, tùy ông hiểu thế nào cũng được”, Hans Castorp đáp. “Thật khó mà phân biệt, ông biết không. Tôi không buồn chán một phút nào, ở chỗ các vị trên này sinh hoạt sôi động lắm. Người ta mắt thấy tai nghe bao nhiêu điều mới lạ… Nhưng mặt khác tôi lại có cảm tưởng như không phải mới chỉ ở đây có một ngày mà đã lâu lắm rồi, thậm chí tôi có cảm tưởng mình đã già đi và khôn ra ở trên này, thật đấy.”
“Cả khôn ra nữa ư?” Settembrini rướn mày hỏi. “Cho phép tôi được hỏi: ông bao nhiêu tuổi rồi?”
Nhưng kìa, Hans Castorp không biết phải trả lời câu hỏi này thế nào! Bỗng dưng chàng không nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi, mặc dầu đã cố hết sức tập trung tư tưởng, có thể nói không ngoa là nghĩ nát óc vẫn không ra. Để tranh thủ thời gian chàng lặp lại câu hỏi:
“Tôi… bao nhiêu tuổi ấy à? Xem nào… tất nhiên là hai mươi tư. Tôi sắp được hai mươi tư tuổi. Xin ông thứ lỗi, tôi mệt quá!” Chàng phân trần. “Mà mệt cũng chưa phải là từ tả trúng tình trạng tôi hiện nay đâu. Không biết ông đã bao giờ trải qua cái cảm giác của người chiêm bao biết rõ mình đang mơ, muốn tỉnh dậy mà không tỉnh nổi? Đó chính là tâm trạng của tôi lúc này. Chắc tôi bị sốt, chứ không thì tôi thật chẳng biết giải thích cái tâm trạng ấy thế nào. Ông có tin được rằng bàn chân tôi từ đầu gối trở xuống lạnh như đóng băng không? Nhưng tất nhiên nói thế là tầm bậy, vì đầu gối dĩ nhiên không thuộc về bàn chân, xin lỗi ông, đầu óc tôi rối như mớ bòng bong, và điều đó dĩ nhiên không có gì là lạ, vì mới sáng bảnh mắt ra tôi đã bị người ta huýt sáo bằng… bằng pneumothorax rồi, và sau đó lại phải nghe cái ông Albin kia nói nhảm, nhất là lại nghe ở tư thế nằm ngang! Ông biết không, tôi có cảm giác không thể tin tưởng vào năm giác quan của mình được nữa, và phải thú thật là điều đó làm tôi hoang mang hơn cả hơi nóng thường trực trên mặt và hai bàn chân lạnh như đóng băng. Xin ông thẳng thắn bảo cho tôi biết, ông có cho rằng bà Stöhr biết cách pha hai mươi tám loại nước sốt cá không? Ý tôi không định hỏi liệu bà ta có làm được thật hay không, tôi cho rằng chuyện ấy không thể thực hiện được, tôi chỉ muốn biết bà ta có nói thế thật lúc ngồi ăn tối, hay là do tôi tự tưởng tượng ra - đấy, tôi muốn biết chắc điều này.”
Settembrini đăm đăm nhìn chàng trai trẻ. Có vẻ như ông ta không nghe những điều chàng nói. Cặp mắt ông ta lại mang cái ánh ‘cố định’ như gắn chặt vào một điểm vô hình nào đó, và giống như hồi sáng, ông ta chặc lưỡi ba lần liên tiếp “chà, chà, chà” rồi lại “coi nào, coi nào, coi nào”, đăm chiêu và đầy châm biếm.
“Hai mươi tư phải không ông?” Cuối cùng ông ta lên tiếng hỏi…
“Không, hai mươi tám!” Hans Castorp hung hăng. “Hai mươi tám loại nước sốt cá! Không phải nước sốt nói chung, mà là nước sốt đặc biệt để ăn với cá, thế mới kinh khủng chứ.”
“Ông kỹ sư!” Settembrini giận dữ nghiêm giọng. “Xin ông thôi ngay đừng bắt tôi nghe những chuyện nhảm nhí ấy nữa! Tôi không biết và cũng không muốn biết những điều đó. Ông vừa nói ông hai mươi tư tuổi phải không? Vậy… cho phép tôi được hỏi một câu nữa, hay là cho tôi được tự tiện đưa ra một đề nghị, tùy ý ông hiểu sao cũng được. Có vẻ như chốn này không mấy thích hợp đối với ông, nếu tôi nhận xét không lầm thì nó tác động xấu không những đến thể lực mà cả đến tinh thần của ông nữa, vậy tôi đề nghị ông không nên đợi đến lúc già đi ở chốn này mà ngay tối nay hãy thu xếp hành lý và sáng mai theo chuyến tàu nhanh về lại dưới kia đi, ông thấy thế nào?”
“Ông khuyên tôi nên về ngay?” Hans Castorp hỏi… “Mặc dù tôi chỉ vừa đặt chân tới nơi? Nhưng mà không, mới có một ngày ở đây thì tôi đâu thể quyết định vội vàng như thế được!”
Khi thốt lên những điều này cặp mắt chàng tình cờ lướt sang phòng bên và bắt gặp khuôn mặt Madame Chauchat, lúc này đang ngồi quay ra phía tiền sảnh. Chàng nhìn đôi mắt một mí vừa dài vừa hẹp và hai bên gò má cao của người đàn bà, trong lòng tự nhủ, cô ta làm cho mình nhớ đến ai thế nhỉ, nhưng đầu óc đặc như nhồi bông của chàng dù đã cố căng lên vẫn không tìm được câu trả lời.
“Tất nhiên tôi đã biết trước là làm quen với khí hậu trên này không phải dễ”, chàng tiếp tục, “nhưng nếu chỉ vì một chút ươn người hay một cơn sốt thoáng qua trong ngày đầu mà đã vội bỏ chạy thì hèn nhát quá, tôi xấu hổ đến chết mất thôi, và làm thế là vô lý, chính ông cũng nói…”
Bất giác giọng chàng trở nên cứng rắn, đôi vai chàng đột ngột vươn lên, như muốn tỏ thái độ buộc ông người Ý rút lại đề nghị trên.
“Tôi xin ngả mũ trước trí tuệ”, Settembrini trả lời, “và lòng can đảm của ông. Những điều ông nói chí phải, khó mà tìm được lý do xác đáng để phản bác lại. Nhưng bản thân tôi đã có cơ hội quan sát nhiều trường hợp thật sự lý thú trong quá trình hội nhập trên này. Năm ngoái ở đây có cô Kneifer, Ottilie Kneifer, xuất thân từ một gia đình khá giả, con gái một vị quan chức chính quyền. Cô ta ở đây khoảng một năm rưỡi và đã quen thung thổ đến nỗi khi sức khỏe hoàn toàn hồi phục - ông biết không, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp khỏi bệnh - thì cô ta lại nhất định không chịu ra viện. Cô ta khẩn khoản xin ông cố vấn cung đình cho mình được ở lại, cô ta không thể và cũng không muốn trở về nhà, đây mới chính là nhà của cô, chỉ có ở đây cô mới hạnh phúc; nhưng vì lúc bấy giờ có nhiều người mới đến cần phòng nên những lời van xin của cô ta không đem lại kết quả gì, và người ta nhất định chứng nhận cô ta đã khỏi hẳn để cho ra viện. Đột nhiên Ottilie lại bị sốt, biểu đồ nhiệt độ của cô ta vọt lên cao. Nhưng người ta đã vạch trần mánh khóe của cô bằng cách thay vì nhiệt kế thường họ bắt cô dùng một cây ‘nhiệt kế câm’, - ông chưa biết cái dụng cụ ấy nhỉ, đó là một cây nhiệt kế không vẽ thang chia độ, sau khi bệnh nhân đo xong bác sĩ mới đặt thang chia độ vào để đọc kết quả và đích thân đánh dấu lên biểu đồ. Ông biết không, Ottilie chỉ có 36,9 độ, Ottilie không hề bị sốt. Thế là cô ta ra ngoài hồ nhảy xuống tắm, lúc bấy giờ mới đầu tháng năm, ban đêm vẫn còn sương giá, nước hồ không đến nỗi đóng băng nhưng cùng lắm cũng chỉ vài độ dương mà thôi. Cô ta ngâm nước một hồi lâu, hy vọng sẽ ốm thật để được ở lại - nhưng kết quả ra sao? Cô ta vẫn khỏe mạnh như thường. Ottilie ra đi trong đau khổ và tuyệt vọng, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ của mẹ cha. ‘Tôi biết làm gì ở dưới kia?’ Cô ta cứ luôn miệng nức nở. ‘Đây mới chính là quê hương tôi!’ Về sau số phận cô ta ra sao thì tôi không được biết… Nhưng hình như ông không nghe tôi nói phải không, ông kỹ sư? Mà nếu tôi không nhầm thì ông đứng cũng không vững nữa rồi. Ông thiếu úy, đỡ giùm một tay em họ ông!” Ông ta quay sang bảo Joachim vừa trờ tới. “Ông hãy đưa ông ấy về phòng nghỉ đi thôi! Em họ ông không thiếu trí tuệ và lòng can đảm, nhưng tối nay thể lực ông ấy kém phong độ!”
“Không, sao lại thế, tôi hiểu hết cả mà!” Hans Castorp phản đối. “Nhiệt kế câm là một cái que thủy ngân, hoàn toàn không đánh số, ông thấy đấy, tôi lĩnh hội được mọi điều ông nói thật mà!” Nhưng rồi chàng cũng ngoan ngoãn theo Joachim vào thang máy cùng với nhiều bệnh nhân khác, cuộc giao lưu hôm nay đã tới hồi kết thúc, người ta giải tán tìm đường về ban công hoặc phòng điều dưỡng để nằm nghỉ cữ tối. Hans Castorp không về phòng mình mà cùng Joachim vào phòng người anh. Mặt đất hành lang trải thảm xơ dừa dập dềnh cuộn sóng dưới chân chàng, nhưng chàng không lấy thế làm khó chịu. Chàng thả mình rơi bịch xuống chiếc ghế bành lớn bọc đệm in hoa trong phòng Joachim - trong phòng chàng cũng có một chiếc ghế y như thế - và châm một điếu Maria Mancini. Nó có vị hồ dán, vị than cháy khét và nhiều vị khác nữa, chỉ không có vị xì gà; nhưng chàng vẫn bướng bỉnh hút tiếp, trong lúc quan sát Joachim chuẩn bị. Anh họ chàng thay ra chiếc áo khoác ngắn kiểu sĩ quan Ba Lan, trùm thêm bên ngoài một chiếc áo choàng cũ, rồi ôm cây đèn bàn nhỏ và quyển sách ngữ pháp tiếng Nga ra ngoài ban công, ở đây chàng bật ngọn đèn bàn lên, ngả người xuống ghế, chiếc nhiệt kế thò ra một bên mép, và bắt đầu khéo léo cuộn mình kín mít như con sâu kèn trong hai tấm chăn lông lạc đà trải sẵn trên ghế. Hans Castorp nhìn với vẻ ngạc nhiên đầy ngưỡng mộ từng động tác gọn gàng của người anh. Joachim lần lượt đắp từng tấm chăn lên mình, đầu tiên bên trái lên tới sát nách, rồi đoạn thừa ra ở dưới chàng gập lên trên chân, cuối cùng là bên phải, kết quả là chàng được quấn kỹ thành một gói dài phẳng phiu vuông vắn, từ đó chỉ thò ra cái đầu, hai vai và đôi cánh tay.
“Cậu làm nghề quá”, Hans Castorp khen ngợi thật tình.
“Tập luyện nhiều thành quen thôi”, Joachim trả lời, vừa nói vừa dùng răng giữ cây nhiệt kế trong miệng. “Rồi cậu cũng sẽ học được. Ngày mai nhất định bọn mình phải đi mua một cặp chăn cho cậu. Xuống dưới kia cậu vẫn có thể mang theo mà dùng, còn ở đây thì đó là thứ không thể thiếu được, nhất là cậu lại không có túi ngủ lót lông.”
“Buổi tối tớ không ra nằm ngoài ban công đâu”, Hans Castorp bảo. “Đừng hòng bắt tớ làm thế, nói để cậu biết ngay từ đầu. Tớ thấy đêm hôm nằm ngoài trời thì kỳ cục quá. Cái gì cũng có giới hạn cả, và đến một lúc nào đấy tớ cũng phải xác định rõ ràng, tớ chỉ là khách ở đây thôi. Tớ ngồi thêm một lúc nữa hút cho hết điều xì gà theo lệ thường mỗi tối. Hôm nay mùi vị nó chẳng ra cái gì, nhưng tớ biết xì gà của tớ ngon là được rồi. Sắp tới chín giờ, tất nhiên bây giờ vẫn chưa đến chín giờ. Nhưng đến khoảng chín rưỡi thì người ta có quyền đi ngủ được chứ.”
Một cơn rùng mình ớn lạnh chạy khắp người chàng, rồi một cơn nữa và lại một cơn nữa liên tiếp. Hans Castorp nhảy lên chạy đến chỗ cái nhiệt kế treo tường như muốn bắt quả tang tội ác của nó. Trong phòng chỉ có chín độ Réaumur[42]. Chàng đặt tay lên ống lò sưởi, thấy nó không hoạt động và lạnh ngắt. Chàng lầm bầm một hồi lộn xộn không đầu không cuối, đại khái tháng tám thì mặc tháng tám, lạnh như thế này mà không cho sưởi thì thật nhục nhã, người ta sinh ra cái lò sưởi là để dùng, không phải tùy theo tháng mà tùy theo nhiệt độ, và nhiệt độ này đang làm chàng run như cầy sấy đây. Nhưng đồng thời mặt chàng lại nóng như bốc lửa. Chàng ngồi xuống chỗ cũ, lại đứng lên lần nữa, làu bàu hỏi mượn cái chăn trên giường Joachim rồi quấn quanh nửa người dưới ngồi thu lu trên ghế. Chàng ngồi đó, lúc nóng lúc lạnh, vẫn ngoan cố tự tra tấn mình bằng điếu xì gà mùi vị gớm ghiếc. Chàng thấy trong người vô cùng khó chịu; chàng có cảm tưởng trong đời chưa bao giờ khổ sở đến thế này. “Khốn nạn thật!” Chàng lẩm bẩm. Nhưng giữa chừng đột nhiên có lúc trong thâm tâm chàng nháng lên như chớp lóe một cảm giác phấn khởi và hy vọng lạ lùng, và sau giây phút như điện giật ấy chàng chỉ còn ngồi lì nhẫn nhục đợi, biết đâu nó sẽ quay trở lại. Nó không quay trở lại; chỉ có nỗi thống khổ là còn đó. Thế là cuối cùng chàng đứng dậy, ném trả cái chăn của Joachim lên giường, lầm bầm giữa hai hàm răng nghiến chặt cái gì như “Chúc ngủ ngon!” và “Coi chừng chết cóng đấy!” và “Mai nhớ gọi tớ đi ăn sáng!” rồi lảo đảo đi qua hành lang trở về phòng mình.
Khi cởi quần áo ngoài chàng lẩm bẩm hát một mình, nhưng không phải vì yêu đời. Chàng làm những động tác vệ sinh thân thể một cách hoàn toàn máy móc, rót một chút nước xúc miệng màu đỏ tươi từ cái chai nhỏ ra ly thủy tinh rồi tế nhị ngậm trong miệng xúc nhè nhẹ tránh gây tiếng òng ọc, rửa hai bàn tay bằng miếng xà bông thơm mùi hoa oải hương, và mặc lên người chiếc áo ngủ dài bằng lụa trên túi ngực có thêu hai chữ H C. Rồi chàng lên giường nằm, tắt đèn, và ngả mái đầu nóng hổi với những ý nghĩ rối tinh rối mù xuống chiếc gối lìa đời của cô người Mỹ.
Cứ đinh ninh rằng nằm xuống là sẽ chìm ngay vào giấc ngủ, lúc này chàng mới biết mình đã nhầm to, và đôi mí mắt trước đấy cứ sụp xuống không có cách nào chống lên nổi giờ đây lại mở trao tráo và giật giật liên hồi mỗi khi chàng muốn ép nó khép lại. Chàng tự nhủ, vẫn chưa tới giờ lên giường thường lệ của mình, vả lại ban ngày chàng đã nằm quá nhiều rồi. Thêm vào đó ngoài kia không biết ai lại lôi thảm ra gõ bụi, một chuyện hoàn toàn vô lý và trong thực tế cũng không hề có; mà hóa ra đó chính là quả tim chàng, những nhịp đập của nó không hiểu sao chàng lại nghe được từ ngoài xa vọng về không khác gì tiếng người ta đập thảm bằng cuộn chão.
Trong phòng chàng không tối hẳn, ánh đèn từ bên ngăn Joachim và bên hai vợ chồng ở bàn Nga hạ lưu hắt qua cánh cửa ban công để ngỏ rọi vào một thứ ánh sáng mờ mờ. Và trong lúc Hans Castorp nằm ngửa hấp háy mắt cố dỗ giấc ngủ, bất thình lình một ấn tượng duy nhất trong ngày sống dậy trong tâm trí chàng, một quan sát mà cảm giác vừa hãi hùng vừa êm ái nó khuấy lên khi ấy đã khiến chàng vội vàng tìm cách xua đi. Đó là nét mặt Joachim khi họ nhắc đến Marusia và chàng lỡ lời chọc ghẹo một câu, - cặp môi mím chặt đau đớn lạ lùng và gò má rám nắng tái đi thành những vệt bợt bạt của anh chàng. Hans Castorp thừa hiểu điều đó có nghĩa là gì, chàng hiểu thấu điều đó dưới một cái nhìn mới mẻ, cặn kẽ và thầm kín, đến nỗi người gõ thảm ngoài kia tăng cả cường độ lẫn tốc độ những cú đập lên gấp đôi, thiếu điều át cả tiếng nhạc từ vẳng lên từ dưới ‘Phố’, vì cái khách sạn ở đó lại mở dạ hội; giai điệu nhịp nhàng tẻ nhạt của một vở nhạc kịch bập bõm vọng về qua bóng tối, và Hans Castorp thầm huýt sáo theo (người ta có thể huýt sáo thầm được lắm), hai bàn chân lạnh ngúc ngắc đánh nhịp dưới tấm chăn lông.
Tất nhiên đấy là cách ít phù hợp nhất để dỗ giấc ngủ, nhưng Hans Castorp cũng không còn cảm thấy muốn ngủ nữa. Từ khi chàng có cái nhìn mới đầy sức sống để lý giải nét mặt của Joachim thì thế giới dường như cũng hiện ra trong ánh sáng mới đối với chàng, và cái cảm giác phấn khởi đầy hy vọng lại mong manh rung động tận nơi sâu thẳm nhất trong hồn chàng. Ngoài ra chàng còn như chờ đợi cái gì đó, mà không bỏ công tự hỏi xem đó là điều gì. Tuy nhiên đến lúc hai bên hàng xóm lục cục chấm dứt cữ điều dưỡng tối, đổi tư thế nằm ngang ngoài ban công lấy vẫn tư thế ấy ở trong phòng, thì chàng hiểu ra rằng cặp vợ chồng cà chớn kia hôm nay không bày trò nữa. Mình có thể ngủ yên được, chàng nghĩ. Hôm nay họ sẽ không bày trò gì đâu, mình tin chắc là như thế! Nhưng họ vẫn bày trò, và thực ra Hans Castorp chẳng hề tin chắc vào điều chàng tự nhủ, nói đúng ra thì tận trong thâm tâm chàng chẳng thể nào tin được và hiểu được nếu như tối nay họ không bày trò khỉ. Mặc dù vậy chàng vẫn kêu ca phẫn nộ không thành tiếng để phản đối những điều được chứng kiến bằng tai. “Quá thể!” Chàng phản đối một cách câm lặng. “Thật không thể tưởng tượng được! Thế này thì ai mà chịu nổi?” Và lúc lúc đôi môi chàng lại thì thầm theo khúc nhạc nhạt phèo cứ dai dẳng vọng sang.
Mãi rồi giấc ngủ chập chờn cũng đến. Nhưng nó kéo theo cả một mớ bòng bong những giấc chiêm bao, còn hỗn độn hơn đêm đầu tiên nữa, và chốc chốc Hans Castorp lại giật mình chồm dậy, choàng tỉnh khỏi những cảnh tượng hãi hùng phi lý. Chàng mơ thấy ông cố vấn cung đình đi trên con đường rải sỏi ngoài vườn, đầu gối lum khum, hai tay khư khư buông thõng phía trước, chân sải những bước dài giật cục theo nhịp một bản hành khúc từ xa vẳng lại. Rồi ông ta tới gần và dừng lại trước mặt Hans Castorp, chàng thấy ông ta đeo một cặp kính dày cộp mắt tròn thô lố, và luôn miệng lải nhải những câu không đầu không cuối. “Tất nhiên là dân sự”, ông ta bảo, và không hỏi han gì tự tiện đưa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay khổng lồ của mình lên vạch mi mắt Hans Castorp xuống. “Một công dân đáng quý, tôi nhận ra ngay. Nhưng không phải là không có năng khiếu, không phải hoàn toàn không có chút năng khiếu nào để có thể tăng mức tiêu thụ năng lượng của cơ thể! Sẽ không hà tiện mấy năm quèn sống vô tư với chúng tôi ở trên này! Thôi nào các quý ông, alê hấp, đi dạo!” Ông ta hạ lệnh và thọc ngón tay trỏ khổng lồ vào miệng huýt lên một tiếng sáo quái gở chói tai, theo hiệu lệnh ấy cô giáo quá thì và Miss Robinson bỗng từ đâu chấp chới bay lại trong hình hài thu nhỏ đậu xuống vai trái vai phải ông ta, giống như khi ăn họ ngồi bên trái bên phải Hans Castorp. Rồi ông cố vấn cung đình cứ thế sải những bước dài ngật ngưỡng đi tiếp, vừa đi vừa lùa một tấm khăn ăn ra đằng sau cặp kính lau mắt, - không rõ lau mồ hôi hay lau nước mắt.
Thình lình kẻ chiêm bao thấy mình đứng giữa sân trường, nơi bao nhiêu năm trời đi học chàng ra đứng trong những giờ giải lao, và lên tiếng hỏi mượn Madame Chauchat cũng đang đứng đó một cái bút chì. Cô ta đưa cho chàng một cây bút chì chỉ còn phân nửa bên ngoài sơn đỏ cắm trong một cái cán màu bạc, bằng giọng khàn khàn êm tai cô ta còn dặn chàng sau giờ học nhớ trả lại bút cho mình, và khi cái nhìn từ cặp mắt xanh xám một mí nằm xéo trên đôi gò má cao rọi thẳng vào chàng thì Hans Castorp cố hết sức buộc mình chồm dậy, vì chàng muốn nắm bắt hình ảnh này không để cho nó tuột đi mất, cái hình ảnh gợi lên ký ức vô cùng sống động về một người nào đó. Chàng vội lưu giấc mơ ấy vào bộ nhớ để dành đến hôm sau, vì chàng cảm thấy giấc ngủ và mộng mị lại đã ào tới nhấn chìm tri giác của mình, liền sau đó Hans Castorp thấy mình sợ đến phát cuồng trên đường chạy trốn, ông bác sĩ Krokowski đuổi theo sát gót rình mò cơ hội mổ xẻ tâm hồn chàng. Hai chân ríu lại, chàng vẫn cố vượt qua những vách ngăn bằng kính ngoài ban công, liều mạng nhảy xuống vườn, và trong cơn hốt hoảng leo cả lên cây cột cờ sơn màu gỉ sắt. Chàng choàng tỉnh người ướt đẫm mồ hôi đúng vào lúc bị ông bác sĩ tóm lấy ống quần kéo xuống.
Chưa kịp hoàn hồn và mới vừa thiếp đi chàng đã lại thấy mình trong hoàn cảnh mới. Chàng cố hết sức dùng vai đẩy Settembrini, trong lúc ông này cứ đứng lì một chỗ và còn nhếch mép cười - vẫn nụ cười thâm thúy đầy châm biếm dưới hàng ria mép đen dày, với một nét nhấn sâu nơi khóe mép, chỗ những cọng ria cong vểnh lên - chính nụ cười ấy cản trở Hans Castorp nhiều nhất chứ không phải điều gì khác. “Ông nhiều chuyện quá!” Chàng nghe tiếng mình nói rành rọt. “Ông đi đi! Ông chỉ là một gã quay đàn thùng, chuyên quấy rối chúng tôi ở đây thôi!” Nhưng Settembrini không nhích chân khỏi chỗ, và Hans Castorp đang ngẩn người nghĩ cách đối phó, thì đột nhiên câu trả lời cho khái niệm thời gian như từ trên trời rơi bộp xuống đầu chàng: thời gian chẳng phải là cái gì khác hơn một cái nhiệt kế câm, cái que thủy ngân không đánh số, dành riêng cho những kẻ muốn gian lận - tới đây chàng lại tỉnh giấc với ý định chắc như đinh đóng cột, ngay sáng hôm sau sẽ kể cho người anh họ Joachim phát minh vĩ đại này.
Cả đêm Hans Castorp cứ trải qua hết cuộc phiêu lưu này đến phát minh nọ, trong chiêm bao chàng gặp cả Hermine Kleefeld lẫn ông Albin và đại úy Miklosich, ông này ngoạm chặt bà Stöhr giữa hai hàm răng lang sói và bị ông công tố viên Paravant xách giáo đâm thủng bụng. Tuy nhiên có một giấc chiêm bao Hans Castorp mơ tới hai lần diễn biến giống hệt nhau, lần sau vào lúc tang tảng sáng. Chàng đang ngồi trong phòng ăn nơi kê bảy chiếc bàn thì cánh cửa kính sập lại rầm rầm xoang xoảng, Madame Chauchat bước vào trong chiếc áo len trắng bó sát người, một tay đút túi áo, một tay đưa lên mái tóc sau gáy. Nhưng đáng lẽ đi tới bàn Nga thượng lưu thì cô nàng vô giáo dục ấy lại lướt đến chỗ Hans Castorp và đưa tay cho chàng hôn, có điều cô ta không chìa lưng bàn tay như lệ thường mà lại ngửa lòng bàn tay đưa về phía chàng, và Hans Castorp hôn lên cái lòng bàn tay không có vẻ gì là lá ngọc cành vàng ấy, bàn tay hơi rộng với những ngón ngắn và chỗ da gần móng tay bị gặm sần sùi. Và một cảm giác như điện giật xuyên suốt người chàng từ đầu tới chân, chính là cái cảm giác ngọt ngào man dại trào dâng trong dạ khi chàng thử rũ bỏ mọi sức ép danh dự để buông thả theo những lợi điểm của nhục nhã, và mặc cho mình rơi xuống vực sâu không đáy, - cảm giác ấy lần nào cũng đến trong giấc mơ lặp lại của chàng, chỉ có điều choáng ngợp và mạnh mẽ hơn gấp bội.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần