We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Mary Norton
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: The Borrowers (The Borrowers #1)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2675 / 58
Cập nhật: 2018-03-18 01:33:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
hế là một giai đoạn kỳ lạ bắt đầu trong cuộc đời họ: các đồ đi mượn vượt trên tất cả các giấc mơ đi mượn của họ - một thời kỳ hoàng kim. Hàng đêm sàn nhà lại được mở và những đồ vật quý giá hiện ra: một tấm thảm thật cho phòng khách, một cái thùng đựng than bé, một cái ghế sofa cứng và nhỏ với những chiếc gối lụa Đa mát, một giường đôi với cái gối ôm tròn ở đầu giường, một giường đơn với cái đệm kẻ sọc, những bức tranh có khung thay vì những con tem, một cái bếp nấu không dùng được nhưng trông “đáng yêu” trong phòng bếp; có những chiếc bàn hình bầu dục và hình vuông, thêm cả bàn viết nhỏ bé với một ngăn kéo; có hai tủ quần áo bằng gỗ thích (một cái có gương) và một cái bàn làm việc với các chân bàn uốn cong. Bà Homily không chỉ trở nên quen thuộc với việc trần nhà bị tháo ra mà thậm chí còn đi xa hơn nữa, bà đề xuất ông Pod đóng bản lề vào những tấm ván. “Chỉ là tôi không chịu được việc đóng đinh búa,” bà giải thích, “nó làm bụi bẩn rơi xuống.”
Khi cậu bé đem cho họ cái đàn piano, bà Homily van xin ông Pod xây một phòng khách nhỏ. “Ở cạnh phòng khách ấy,” bà nói, “như thế chúng ta có thể chuyển các phòng kho xuống xa hơn. Rồi ta có thể để những chiếc ghế mạ vàng mà thằng bé kể ở đó, và cây cọ trong chậu...” Ông Pod, thì ngược lại, hơi chán việc di chuyển đồ nội thất; ông đang mong những buổi tối yên tĩnh khi cuối cùng ông có thể ngủ gật bên ngọn lửa trên chiếc ghế bằng vải nhung đỏ mới của ông. Ông chưa kịp đặt một cái tủ ngăn kéo vào chỗ này thì bà Homily, đi ra đi vào không ngừng, bắt ông phải “thử” nó ở chỗ khác - “để gây ấn tượng”. Và mỗi tối, khoảng vào giờ ông hay lên giường, trần nhà thường bị nhấc lên và thêm đồ đạc được đem đến. Nhưng bà Homily không chán; mắt bà sáng lóe và má hồng hào, sau một ngày dài đẩy và kéo, bà vẫn không để việc gì sang buổi sáng hôm sau. “Chúng ta cứ thửđi,” bà vừa van xin, vừa nhấc một đầu của cái tủ búp phê to của búp bê, để ông Pod phải nhấc đầu kia lên, “sẽ không mất đến một phút đâu!” Nhưng như ông Pod biết rõ, thực ra sẽ mất nhiều giờ đồng hồ trước khi, tả tơi và mệt mỏi, họ cuối cùng cũng gục xuống giường. Ngay cả lúc đó bà Homily vẫn nhảy ra khỏi giường để “nhìn một lần cuối”.
Trong khi đó, bằng cách trả đáp cho những vật quý báu này, Arrietty đọc cho cậu bé - mỗi buổi chiều trong bãi cỏ cao phía sau cây anh đào. Cậu bé nằm ngửa còn cô bé đứng cạnh vai cậu và nói với cậu khi nào thì lật trang. Sau này nhìn lại thì đó là những ngày thật hạnh phúc, với bầu trời xanh phía trên những cành anh đào, những sợi cỏ đung đưa mềm mại, và cái tai khổng lồ của cậu bé lắng nghe bên cạnh cô. Cô bé trở nên thật quen thuộc với cái tai đó, với những đường cong và bóng tối và màu hồng pha vàng trong ngập tràn ánh nắng. Có những lúc, khi đã táo bạo hơn, cô bé dựa vào vai cậu. Cậu bé rất im lìm trong khi cô bé đọc cho cậu nghe và luôn luôn tỏ ra biết ơn. Thế giới mà họ đã cùng nhau khám phá là những thế giới kỳ lạ đối với Arrietty. Cô bé học được rất nhiều và có những điều thật khó có thể chấp nhận. Cô bé rốt cuộc buộc phải nhận ra rằng cái trái đất quay trong vũ trụ mà họ đang sống đây không chỉ dành riêng cho những người nhỏ bé như cô bé tưởng. “Cũng không phải chỉ cho người to lớn,” cô nhắc cậu bé khi nhìn thấy nụ cười bí ẩn của cậu.
Trong không khí mát mẻ của buổi chiều, ông Pod đến đón cô bé - một ông Pod khá mệt mỏi, tả tơi và bụi bặm - để dẫn cô bé về cho bữa trà buổi chiều. Và ở nhà có một bà Homily phấn khích cùng những thứ mới thú vị để khám phá. “Con nhắm mắt lại!” bà Homily kêu lên. “Bây giờ mở mắt đi!” và Arrietty, trong niềm vui sướng như mơ, nhìn thấy nhà của cô bé hoàn toàn thay đổi. Có đủ loại bất ngờ - thậm chí, một hôm, còn có những rèm cửa bằng vải ren cạnh lưới sắt, cuốn lên với dây màu hồng.
Nỗi buồn duy nhất của họ là không có ai ở đó để xem: không có khách, không có người tình cờ đi qua, không có tiếng kêu lên thán phục và cái nhìn thèm muốn! Có gì mà bà Homily không thể cho đi để có được một người nhà Overmantel hoặc nhà Harpsichord cơ chứ? Ngay cả một người nhà Rain-Barrel cũng còn tốt hơn là không có ai cả. “Con viết cho bác Hendreary của con đi,” bà Homily đề xuất. “và kể cho bác ấy. Một lá thư dài thú vị, nhớ nhé, và đừng bỏ sót gì nhé!” Arrietty bắt đầu lá thư trên mặt sau một trong những tấm giấy thấm bỏ đi, nhưng khi cô viết nó thành ra chỉ là một danh sách chán ngắt, quá quá dài, như một tập quảng cáo bán đồ dùng hoặc danh sách đồ đạc của một ngôi nhà cho thuê; cô bé cứ liên tục phải nhảy lên để đếm số thìa hoặc để tra từ trong quyển từ điển, và sau một lúc cô bỏ nó sang một bên: còn rất nhiều việc khác phải làm, còn rất nhiều cuốn sách mới phải đọc, và rất nhiều điều, giờ đây, cô bé có thể nói được với cậu bé.
“Cậu ấy đã bị ốm,” cô bé nói với bố mẹ mình, “cậu ấy đang ở đây để có được sự yên tĩnh và không khí nông thôn. Nhưng sắp tới cậu ấy sẽ về lại Ấn Độ. Bố mẹ có biết,” cô bé hỏi bà Homily đang kinh ngạc, “là buổi đêm ở vùng Bắc Cực dài sáu tháng, và khoảng cách giữa hai vùng cực còn ngắn hơn là giữa hai đầu của đường kính kẻ ngang xích đạo?”
Phải, đó là những ngày hạnh phúc và tất cả đã rất tốt đẹp, như ông Pod sau này nói, nếu họ hạn chế việc đi mượn từ ngôi nhà của búp bê. Thì không ai trong số những con người sống trong ngôi nhà có vẻ nhớ rằng nó có ở đó và kết quả là không ai để ý là có đồ biến mất. Tuy nhiên, phòng khách nhỏ không tránh được trở thành một sự cám dỗ: ngày nay nó ít khi được sử dụng; có rất nhiều bàn với đồ trang trí lặt vặt quá xa tầm với của ông Pod, và cậu bé, tất nhiên, vặn được chìa khóa ở trong các cửa kính tủ.
Chiếc đàn violon bằng bạc là thứ đầu tiên cậu bé mang đến cho họ, sau đó là chiếc đàn hạc bằng bạc; nó không cao hơn vai ông Pod và ông Pod căng lại dây bằng lông ngựa lấy từ ghế sofa trong phòng ăn sáng. “Một dạ hội âm nhạc, chúng ta có thể tổ chức cái đó!” bà Homily hoan hỉ kêu lên khi Arrietty đánh một nốt nhạc nhỏ chói tai trên sợi dây đàn lông ngựa. “Ước gì,” bà nồng nhiệt nói tiếp, siết hai tay lại, “bố con bắt tay vào sửa sang phòng khách nhỏ!” (Dạo này gần như tuần nào bà cũng uốn tóc và, do ngôi nhà gần như đã xong, bà thỉnh thoảng đổi sang mặc một chiếc váy xa tanh cho bữa tối; nó thụng xuống như bao tải, nhưng bà Homily gọi đó là “kiểu Hy Nạp”). “Chúng ta có thể dùng cái trần nhà vẽ hình của con,” bà giải thích với Arrietty, “và có đủ những miếng gạch đồ chơi để làm một cái sàn nhà nát ván.” (“Nát ván,” bà phát âm, “Nát ván...,” y như một người nhà Harpsichord).
Ngay cả bà dì Sophy, ở ngay trên nhà trong sự lộng lẫy lộn xộn của phòng mình, dường như cũng bị ảnh hưởng từ xa bởi tinh thần nỗ lực mà có vẻ như đang chảy quanh ngôi nhà cũ ù lì trong những vòng xoáy và cơn lốc hân hoan. Gần đây, nhiều lần ông Pod, khi vào phòng bà, đã thấy bà ra khỏi giường. Dạo này ông đến đó không phải để mượn, mà để nghỉ ngơi: căn phòng, có thể nói, đã trở thành câu lạc bộ của ông; một nơi ông có thể đến “để tránh xa mọi chuyện”. Ông Pod hơi không thoải mái với sự giàu có của mình; ông chưa bao giờ hình dung, ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, đến những đồ mượn như thế này. Ông cảm thấy bà Homily, nên ngừng lại; chắc chắn bây giờ nhà họ đã đủ lộng lẫy; những hộp thuốc lá gắn đá quý và những đồ vật thu nhỏ gắn kim cương, cái túi đựng đồ trang điểm bằng sợi vàng bạc và những bức tượng nhỏ Dresden - tất cả, như ông biết, từ cái tủ ở phòng khách nhỏ - đều không thật cần thiết: một cô gái chăn cừu cao gần bằng Arrietty hoặc một chiếc tắt nến quá khổ thì có ích gì cơ chứ? Ngồi ngay bên trong thành chắn, nơi ông có thể sưởi ấm tay mình bên ngọn lửa, ông nhìn bà dì Sophy đi tập tễnh từ từ quanh căn phòng với hai cây gậy. “Bà ấy sắp xuống tầng dưới, mình sẽ không ngạc nhiên,” ông mải nghĩ ngợi ủ rũ, gần như không nghe câu chuyện thường kể của bà về bữa tiệc hoàng gia vào buổi trưa trên một chiếc thuyền Nga, “lúc đó bà sẽ thấy những đồ đạc bị mất...”
Tuy nhiên không phải bà dì Sophy là người phát hiện ra trước. Mà là bà Driver. Bà Driver chưa bao giờ quên rắc rối với Rosa Pickhatchet. Vào thời điểm đó, không dễ gì xác định được là lỗi của ai. Ngay cả Crampfurl cũng cảm thấy mình đang bị nghi ngờ. “Bắt đầu từ bây giờ,” bà Driver nói, “tôi sẽ tự xoay xở. Không thuê người hầu lạ trong ngôi nhà này - không đâu, nếu còn muốn tôi làm tiếp ở đây!” Một giọt rượu vang Madeira ở đây, một đôi bít tất dài cũ kỹ ở kia, một chiếc khăn mùi soa hay cái gì đó kiểu thế, một cái áo gi lê này kia, hoặc thỉnh thoảng là một đôi găng tay - bà Driver thấy, những thứ này là một chuyện; những thứ này nằm trong quyền hạn của bà. Nhưng những đồ lặt vặt ở cái tủ trong phòng khách nhỏ - cái đó, bà vừa tự nhủ một cách dứt khoát vừa nhìn chằm chằm những cái giá trống rỗng, lại là một chuyện hoàn toàn khác!
Bà cảm thấy bị lừa dối. Đứng đó, vào cái ngày định mệnh ấy, trong ánh nắng xuân, chổi lông phủi bụi trên tay, đôi mắt bà đã biến thành những khe nhỏ màu đen đầy tức giận và mưu mẹo. Bà cho rằng chuyện này, giống như ai đó nghi ngờ bà không lương thiện, đang cố giăng bẫy bà. Nhưng đó có thể là ai được chứ? Crampfurl? Thằng bé đó? Người đàn ông đến lên dây cót đồng hồ? Những thứ này đã bị biến mất dần dần, từng thứ một: bà cảm thấy chắc chắn đó là một người quen thuộc ngôi nhà - và là một người muốn hại bà. Đột nhiên bà tự hỏi, có thể là chính quý bà già nua chăng? Gần đây bà lão đã ra khỏi giường và đi quanh phòng. Có thể bà ấy xuống tầng dưới vào buổi đêm, chọc gậy lung tung, chõ mũi và theo dõi. (Bà Driver đột nhiên nhớ đến chai rượu Madeira cạn và hai ly rượu, đã nhiều lần để lại trên bàn bếp). À, bà Driver nghĩ, chẳng phải đây đúng là cái trò mà bà ta có thể làm sao - bà ta sẽ cười khúc khích, lên lại tầng nằm giữa đống gối, quan sát và chờ đợi bà Driver báo cáo vụ mất mát? “Mọi việc ở dưới kia đều ổn cả chứ, Driver?” - đó là điều bà ta luôn nói rồi liếc bà Driver qua khóe mắt độc ác và già cỗi của mình. “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bà ta dám làm vậy!” bà Driver kêu lên thành tiếng, nắm chặt cái chổi lông phủi bụi của bà như một cây gậy. “Và hẳn trông bà ta sẽ hay ho lắm đây nếu ta bắt được quả tang bà ta - rón rén quanh những phòng ở tầng dưới lúc nửa đêm. Được thôi, quý bà của tôi,” bà Driver lẩm bẩm cương quyết, “cứ việc chõ mũi vào chuyện người khác nếu bà muốn - cả hai chúng ta đều chơi được trò đó!”
Những Người Vay Mượn Tí Hon Những Người Vay Mượn Tí Hon - Mary Norton Những Người Vay Mượn Tí Hon