"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ca Sĩ Hề
ùa đông năm ấy, sau khi đã thử đủ nghề, tôi đi vào các tiệm ăn đệm ghi-ta cho một người bạn tôi hát. Anh bạn tên là Minôlê, có khi còn được gọi là thầy giáo vì đã có thời gian dạy môn thể dục ở trường phổ thông. Đấy là một người đàn ông to sù gần năm mươi tuổi, người anh ta không phải đơn thuần là béo mà vuông chằn chặn, mặt u ám, méo mó và thân hình nặng chịch, mỗi bận anh ta ngồi xuống ghế, ghế phải kêu lên ken két. Tôi chơi ghita một cách nghiêm chỉnh, thật lòng, ngồi ngay ngắn không uốn éo, bởi tôi là một nhạc công chứ không phải một thằng hề. Hề là anh ta — Milônê. Anh ta bắt đầu như thể tình cờ: đứng im dựa vào tường, mũ sụp xuống tận mắt, hai ngón tay cái thọc vào nách, quần trễ xuống dưới rốn, còn thắt lưng da thì ôm lấy bụng dưới — trông y như một anh chàng say rượu hát nghêu ngao dưới trăng. Thế rồi dần dần hăng lên, thay bài hát cho đúng gọi là hát (anh ta nào có giọng, cũng chẳng có tai nghe) anh ta biểu diễn một màn độc thoại, hay đúng hơn, như tôi đã nói, sắm vai một anh hề. “Tủ” của anh ta là những bài hát lâm ly, những bài nổi tiếng nhất mà thường khi hát lên người ta thấy xao xuyến và rung động tận cõi lòng. Nhưng qua miệng anh, những bài hát ấy không làm ai rung động mà chỉ nực cười, vì anh biết cách biến chúng thành buồn cười, theo kiểu riêng của anh. Tôi không biết con người ấy có tâm sự gì: hoặc là thời trẻ, một người phụ nữ nào đó lừa anh, hoặc bẩm sinh anh đã mang một tính cách như vậy: thích phá phách những thứ gì đẹp, tốt. Chỉ biết một điều: đây không phải là một tính cách đơn giản. Không, anh thể hiện một sự giận dữ biết chừng nào, và phải là những người khách hờ hững mải ăn kia mới có thể không nhận ra rằng không phải anh ta đang gây cười, mà đang đau đớn. Đặc biệt tức cười là khi anh ta bắt chước những điệu bộ, những cái liếc mắt của phụ nữ, giễu cợt những chỗ yếu và nhược điểm của họ. Phụ nữ họ thường làm thế nào? Mỉm cười đỏng đảnh ư? Thế là anh ta, từ dưới vành mũ sụp đưa mắt nguýt một cái như người đàn bà lẳng lơ. Đánh mông chút ít ư? Thế là anh ta để cho cái bụng nhảy một điệu tăng-gô và cái hông vuông nặng chịch lắc lư. Cất tiếng nói ngọt ngào ư? Anh ta bèn chun chun cái miệng phát ra một giọng kim the thé nghe đến buồn nôn.
Tóm lại là anh ta không hề biết chừng mực, luôn luôn làm thái quá, và trở nên kệch cỡm, đáng ghét. Đến nước ấy, tôi ngượng tái người, vì đệm ghi-ta cho một ca sĩ hát là một nhẽ, còn hòa tấu cho một anh hề làm trò lại là chuyện khác. Tôi nhớ cách đây không lâu tôi từng đệm cũng những bài hát ấy cho một nghệ sĩ nổi tiếng hát, và tôi nghĩ buồn cho chúng bây giờ đã bị biến dạng đến mức không còn nhận ra được nữa.
Có một lần tôi đã nói những điều đó ra với anh ta, trong lúc chúng tôi đi trên phố, từ tiệm ăn này sang tiệm ăn khác. “Đàn bà họ đã làm gì cậu vậy?” Thường thường, sau khi làm trò xong, anh ta trở nên trầm tư, lơ đãng như đang suy nghĩ không rõ những điều gì trong đầu.
“Làm gì với tớ ấy à?” anh ta hỏi, “chả làm gì cả”. “Là vì — tôi giải thích — tớ thấy cậu rất lấy làm khoái chí khi nhạo báng họ”. Lần ấy anh ta lặng im không đáp và câu chuyện dừng lại ở đấy.
Đáng lẽ tôi đã vứt bỏ công việc ấy từ lâu, nếu như không thấy ở đó đôi điều có lợi: vì dù là khó tin, nhưng thực tế là với cái cung cách suồng sã rẻ tiền ấy anh ta thu được nhiều tiền hơn vô khối đồng nghiệp của anh ta với những bài hát hay ho của họ. Hai chúng tôi thường đi vào những khách sạn không sang lắm, những tiệm, quán, lịch sự nhưng đắt tiền mà người ta thường đến để tiêu khiển, để mua vui. Lúc này, chúng tôi đang bước vào tiệm, và tôi lẳng lặng ngồi xuống ghế. Từ những dãy bàn đông chật ồ lên: “À, nghệ nhân, nghệ nhân đã đến kìa… Lại đây…”.
Milônê nghiêm nghị, cau có, áo quần xộc xệch và cái nhìn càn rỡ, nhún nhảy bước về phía trước, cúi đầu. “Xin kính chào quí vị!” Cái câu “Chào quí vị” đó nghe đã buồn cười, theo kiểu riêng của anh ta, đến nỗi tất cả phá lên cười.
Đến món thứ hai, trong khi người hầu bàn chạy đi chạy lại xung quanh các bàn, Milônê tuyên bố bằng một giọng ống bơ gỉ: “Xin phục vụ các quí vị một bài hát được mọi người ưa thích: Rôdina bỏ làng ra đi… Tôi sẽ đóng vai Rôdina”. Bạn hãy thử tưởng tượng những quí vị khán giả kia: trông thấy anh ta đóng Rôdina, họ ngẩn người ra, tay cầm dĩa quấn mì ống xpaghli chưa vào đến miệng, lửng lơ bên trên đĩa. Mà có phải dân thái thịt, kéo xe ba gác đâu, họ đều là người lịch sự cả: những người đàn ông mặc áo vét xanh, sẫm màu, tóc chải bóng mượt, cà-vạt có kim đính, những người đàn bà mang đồ trang sức đẹp và quí. Họ xì xào với nhau trong lúc Milônê làm hề: “Khá thật… thật là cừ!”.
Trong những trò Milônê làm, có một chỗ trong khi đang hát, để làm cho nhân vật của bài hát trở nên buồn cười hơn, anh ta lấy mồm làm một âm thanh mà tôi không tiện nói. Thế mà các bạn có tin không: chính nhờ những chi tiết khả ố ấy mà bài hát được mọi người yêu cầu hát đi hát lại.
Cần phải nói rằng Milônê có phần nào cũng hơi choáng ngợp trước thành công kiểu đó. Anh ta ở trọ nhà một chị thợ may, trong một căn phòng có một bộ bàn ghế và tủ, tối tăm, ẩm thấp trên phố Chimara. Mỗi lần đến rủ anh ta đi, tôi đều thấy anh ta đang đứng trước gương tập thử một động tác kệch cỡm, một trò mới nào đó. Anh ta làm việc đó kiên nhẫn, tận tụy, như một nghệ sĩ lớn chuẩn bị cho buổi diễn: còn tôi thì ngồi trên giường xem anh ta tập cho cái bụng nhảy tăng-gô trước gương. “Liệu đã đến lúc — một hôm tôi hỏi anh ta, — nghĩ ra một cái gì đó hay hơn, gây xúc động hơn không?” Anh ta trả lời: “Thấy chưa, cậu chả hiểu cái gì cả… Khi người ta ăn, người ta muốn cười vui chứ không ai muốn xúc động cả… Thế là tớ làm cho họ cười”. Một thời gian sau, vẫn để cải tiến buổi diễn, anh ta nghĩ ra trò đem một số đồ của phụ nữ như mũ bê-rê, một chiếc khăn quàng, một cái váy, bỏ vào một cái hòm con, thỉnh thoảng mặc vào để làm cho trò hề thêm nhộn. Cái tiết mục hóa trang thành nữ này của anh ta như một trò dở hơi, và tôi không thể tả hết được cảm giác của mình khi nhìn thấy anh ta đội mũ bê-rê, mặc váy trùm lên trên quần dài. Cuối cùng, không nghĩ ra được trò gì nữa, anh ta muốn tôi cũng làm hề nốt, ít nhất là bằng cách vừa đánh ghita vừa lắc lư, ngật ngưỡng. Đến đó thì tôi từ chối.
Chúng tôi đến các tiệm, quán và biểu diễn ở đấy từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều, và từ tám giờ tối đến nửa đêm. Đi thành từng cụm, vài tiệm liền trong một ngày: lần này đi các tiệm ở mạn quảng trường Tây Ban Nha, lần khác các tiệm ở quanh quảng trường Vơnidơ, lần thì bờ sông Têverơ, lần khu nhà ga. Trên đường đi từ tiệm này sang tiệm khác, chúng tôi chẳng hề nói với nhau một lời — giữa hai chúng tôi thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Sau khi đi hết vòng, chúng tôi ghé vào một quán rượu chia nhau tiền. Thế rồi, vẫn trong im lặng, tôi hút một điếu thuốc, còn Minôlê thì làm một chén rượu. Buổi chiều, Minôlê tập thể hiện vai trước gương, còn tôi hoặc là ngủ hoặc đi xem phim.
Một hôm trời chập choạng tối, sau khi đã đi một vòng các tiệm bên bờ bên này sông Têverơ, hai chúng tôi rủ nhau vào một cái quán ở đằng sau quảng trường Maxtai, để nhấm nháp tí gì cho ấm bụng hơn là để biểu diễn. Đấy là một cái phòng hẹp, dài như một hành lang, bàn ghế xếp dọc theo các bức tường, quanh bàn phần lớn là dân ít tiền đang ngồi uống rượu của nhà chủ nấu và ăn những thức ăn gói trong giấy báo mang theo. Chẳng hiểu thích thú cái gì, có lẽ là vì rỗi việc, Minôlê lại muốn biểu diễn cả ở đây. Anh ta chọn một trong những bài hát tuyệt vời nhất, rồi, với cái cách thức mà anh ta vẫn thường làm, với những cái liếc mắt và nhăn mặt, biến nó thành ra một thứ trò tồi tàn rẻ tiền không thể nào thương hại.
Anh ta hát xong, một vài tiếng vỗ tay lộp bộp nhạt nhẽo vang lên, và từ sau một bàn có tiếng nói: “Bây giờ tôi sẽ hát cho mà nghe”.
Tôi quay lại, thấy một anh thanh niên tóc màu sáng, mặc áo thợ blu-dông, rất đẹp trai, đang nhìn Minôlê bằng cặp mắt rực lửa như muốn ăn tươi nuốt sống anh ta. “Anh bạn đệm đi, — anh ta nói như ra lệnh cho tôi, — bắt đầu từ đầu ấy”. Minôlê nhỏ nhẹ, vờ như mệt lắm, ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh cửa. Anh thanh niên đưa tay ra hiệu cho tôi bắt đầu và hát. Tôi không bảo là anh ta hát hay như một ca sĩ thực thụ. Nhưng anh ta hát rất tình cảm, bằng một giọng ấm và bình tĩnh, hát như cần phải hát, như bài hát ấy đòi hỏi phải được hát như thế. Ngoài ra, như tôi đã nói, anh đẹp trai, tóc quăn thành làn sóng, đặc biệt nếu đem so với Minôlê, phục phịch và thô kệch. Anh vừa hát vừa đi quanh tiệm, mắt nhìn về phía một cái bàn có cô gái đang ngồi một mình như đang hát cho cô nghe. Câu hát cuối cùng vừa dứt, anh mở lòng bàn tay về phía Minôlê như để nói: “Đấy, phải hát như thế chứ”, rồi quay trở về cái bàn có cô gái đang ngồi đợi anh. Cô lập tức choàng tay ôm lấy cổ anh. Nói thực ra, trong quán người tay vỗ tay hoan hô anh ít hơn Minôlê, mọi người không hiểu vì sao anh đứng lên hát. Nhưng tôi thì tôi hiểu, và lần này, cả Minôlê cũng hiểu.
Trong lúc đệm đàn, tôi vẫn chốc chốc nhìn về phía Minôlê. Tôi thấy anh ta mấy lần đưa tay vuốt vuốt mặt, khuôn mặt bị che lấp bởi bộ tóc lòa xòa, như muốn xua đuổi cơn buồn ngủ.
Nhưng anh ta không giấu nổi vẻ chua chát mà chưa bao giờ tôi nhận thấy ở anh. Và cứ với mỗi câu chàng thanh niên kia hát, vẻ chua chát ấy lại càng tăng. Cuối cùng, anh ta đứng dậy, vươn vai vờ ngáp, nói:
— Thôi nào, đi ngủ đi… Tớ buồn ngủ díp cả mắt lại rồi…
Chúng tôi chia tay nhau ở góc phố, hẹn nhau — như thường lệ - ngày hôm sau gặp lại. Cho nên tất cả những gì xảy ra đêm ấy, chỉ sau đó tôi mới nghĩ đến. Và những gì mà các bạn sắp nghe tôi nói, chỉ là những giả thiết của tôi, không hơn. Tôi đã nói rằng Minôlê đã bắt đầu tự kiêu, có lẽ tự cho rằng mình là một nghệ sĩ lớn, trong khi trên thực tế anh ta chẳng qua chỉ là một thằng hề mua vui cho thiên hạ khi người ta ăn uống. Việc làm của anh thanh niên tóc màu sáng mặc áo thợ đã làm cho anh ta như rơi từ trên cao xuống vực. Tôi nghĩ rằng trong lúc anh thanh niên kia hát, Minôlê bỗng tự nhìn ra con người thật của mình chứ không phải con người mà anh ta vẫn tưởng từ trước đến giờ: một người gần năm mươi tuổi, to béo, vụng về, cổ quàng yếm dãi, đọc những bài thơ cho trẻ con. Hơn nữa, như tôi cảm thấy, anh ta đã hiểu ra rằng anh ta sẽ không thể nào hát nổi cái gì. Vì rằng anh ta chỉ xứng đáng để làm trò cười, để mua vui, nhưng chỉ biết mua vui bằng cách thóa mạ một số tình cảm con người. Mà những tình cảm ấy chính là những cái mà đời anh ta thiếu, những cái anh ta chưa từng cảm thấy bao giờ.
Nhưng, tôi xin nhắc lại, tất cả những điều đó chỉ là giả thiết của tôi. Chỉ biết rằng sáng ngày hôm sau, chị thợ may chủ nhà nhìn thấy anh ta thắt cổ treo lửng lơ trên khung cửa sổ, đằng sau cái rèm, đúng nơi vẫn treo cái lồng vẹt. Người qua đường nhìn thấy hai cái cẳng chân đung đưa đằng sau kính cửa. Nghi kỵ như bất cứ kẻ tự tử nào, anh ta khóa trái cửa bên trong lại, kê cái tủ gương chắn ngang. Chắc hẳn anh ta muốn nhìn mình một lần cuối cùng, như thường anh ta vẫn làm khi thử vai, lần này là để xem mình thắt dây vào cổ. Tóm lại là người ta phải phá cửa, tấm gương tủ đổ và vỡ. Minôlê được chôn ở nghĩa trang Vêranô, đưa tiễn anh chỉ có mình tôi, nhưng lần này không có ghita. Chị thợ may đã lắp một tấm gương mới vào tủ và tự bằng lòng là cũng đã thu về được ít tiền sau khi cắt sợi dây thừng ra thành mấy đoạn ngắn đem bán.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm