In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: René Goscinny
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3542 / 129
Cập nhật: 2017-02-10 13:52:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Mật Mã
ác bạn có biết rằng khi ta muốn nói chuyện với bọn bạn trong giờ học thì rất khó và ta lúc nào cũng sẽ gặp rắc rối? Dĩ nhiên, bạn có thể nói chuyện với đứa ngồi sát bên cạnh; nhưng ngay cả khi bạn cố gắng nói thật nhỏ, cô giáo vẫn nghe thấy và cô giáo nói với bạn: “Vì em đã thích nói chuyện như vậy, hãy lên bảng ngay, chúng ta sẽ xem có phải lúc nào em cũng luôn mồm như vậy không!” và cô hỏi bạn các tỉnh của nước Pháp cùng tên thủ phủ của chúng, và thế là có chuyện rồi. Ta cũng có thể gửi các mẩu giấy trên đó ta viết những gì ta muốn; nhưng cả việc đó nữa, gần như lúc nào cô giáo cũng nhìn thấy mẩu giấy được truyền đi và sẽ phải mang nó lên bàn cho cô, thế rồi sau khi đã mang hẳn lên cho thầy hiệu trưởng, và vì trên đó đã viết “Rufus là thằng đần, chuyển tiếp đi” hay là “Eudes xấu như ma, chuyển tiếp đi”, thầy hiệu trưởng sẽ nói với bạn rằng bạn sẽ trở thành một kẻ vô học, rằng bạn rồi cũng sẽ vào tù ra tội mà thôi, rằng điều đó làm đau lòng bố mẹ bạn, những người đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt ra để cho bạn được học hành tử tế. Và thầy liền phạt bạn phải ở lại lớp!
Chính vì thế mà trong giờ ra chơi đầu tiên, sáng nay, chúng tôi thấy ý tưởng của thằng Geoffroy hay kinh khủng.
- Tao đã sáng tạo ra một mật mã hết sảy, thằng Geoffroy nói với chúng tôi. Đó là một mật mã mà chỉ duy nhất thuộc băng của bọn mình mới hiểu.
Và nó chỉ cho chúng tôi; để chỉ một chữ cái, chúng tôi làm một cử chỉ. Ví dụ, ngón tay đặt lên mũi thì là chữ “a”, ngón tay để lên mắt trái thì là chữ “b”, ngón tay để lên mắt phải thì là chữ “c”. Sẽ có các cử chỉ khác nhau cho tất cả các chữ cái: chúng tôi gãi tai này, chúng tôi xoa cằm này, chúng tôi vỗ lên đầu này, cứ thế cho đến tận chữ “z”, thì chúng tôi liếc mắt. Kinh khủng!
Nhưng thằng Clotaire thì nó không nhất trí mấy; nó nói với chúng tôi rằng đối với nó, bảng chữ cái đã là một mật mã rồi và rằng, thay vì học chính tả để nói chuyện với cả lũ, thà nó cứ đợi đến giờ ra chơi rồi nói những gì nó muốn nói với chúng tôi còn hơn. Còn thằng Agnan, dĩ nhiên, nó chẳng quan tâm gì đến mật mã cả. Vì nó đứng đầu lớp và là cục cưng, nó thích nghe cô giảng và được cô gọi hỏi bài trong giờ học hơn. Cái thằng điên thật, Agnan ấy!
Nhưng tất cả bọn còn lại chúng tôi đều thấy rằng mật mã rất hay. Thế rồi, mật mã cũng có ích hết sảy; khi chúng ta đang đánh nhau với quân địch, chúng ta có thể nói với nhau hàng đống thứ và bọn chúng vẫn không hiểu gì cả, và chúng ta sẽ chiến thắng.
Thế là, chúng tôi đề nghị thằng Geoffroy dạy cho chúng tôi mật mã của nó. Cả lũ chúng tôi vây quanh Geoffroy và nó bảo chúng tôi làm theo y hệt nó; nó lấy ngón tay sờ lên mũi và cả lũ chúng tôi lấy ngón tay sờ lên mũi; nó lấy một ngón tay đặt lên mắt và cả lũ chúng tôi lấy ngón tay đặt lên mắt. Và khi cả lũ chúng tôi cùng đang liếc mắt thì thầy Mouchabière đi tới. Thầy Mouchabière là một giám thị mới, người hơi già hơn bọn lớp lớn một tí, nhưng cũng không nhiều lắm, và hình như là đây là lần đầu tiên thầy ấy làm giám thị trong một trường.
- Nghe đây, thầy Mouchabière nói với chúng tôi. Tôi sẽ không dại mà đi hỏi các cậu mưu toan gì với trò nhăn nhó mặt mày của các cậu. Tất cả những gì tôi nói với các cậu là nếu các cậu còn tiếp tục, tôi sẽ phạt tất cả các cậu ở lại lớp vào thứ Năm. Hiểu chưa?
Và thầy ấy bỏ đi.
- Được rồi, thằng Geoffroy nói, chúng mày nhớ được hết mật mã chứ?
- Tao rất khó chịu, thằng Joachim nói, với cái vụ mắt phải và mắt trái, là “b” với cả “c”. Tao lúc nào cũng bị lẫn lộn bên phải với bên trái; mẹ tao cũng bị thế, những khi lái xe của bố tao.
- Ối dào, chẳng sao hết, thằng Geoffroy nói.
- Thế nào! Sao lại chẳng sao hết? thằng Joachim nói. Nếu tao muốn bảo mày “thằng ngu” mà tao lại bảo mày “ngu thằng”, thì còn ra cái gì nữa.
- Mày muốn bảo ai “thằng ngu”, hả thằng ngu này? thằng Geoffroy hỏi.
Nhưng chúng nó không có thời gian để đánh nhau, bởi vì thầy Mouchabière đã nhấn chuông báo hết giờ ra chơi. Các giờ ra chơi trở nên ngày càng ngắn hơn, với thầy Mouchabière.
Chúng tôi xếp hàng và thằng Geoffroy bảo chúng tôi:
- Vào lớp, tao sẽ cho chúng mày một thông điệp, và giờ ra chơi tiếp theo, chúng ta sẽ biết những đứa nào hiểu được. Tao bảo trước cho chúng màu biết: đứa nào muốn gia nhập băng, thì phải biết được mật mã!
- A! Hay thật! thằng Clotaire nói; vậy ra chính Ngài đã quyết định là nếu tôi không biết cái mật mã vô tích sự của Ngài, thì tôi sẽ không được tham gia băng này nữa đấy! Hay thật!
Thế là thầy Mouchabière bảo thằng Clotaire:
- Cậu sẽ chia cho tôi động từ “Tôi không được nói trong khi xếp hàng, nhất là khi tôi đã có đủ thời gian trong suốt giờ ra chơi để kể lể những chuyện ngớ ngẩn”. Ở thể khách quan lẫn thể chủ quan.
- Nếu mà mày sử dụng mật mã, thì mày đã không bị phạt, thằng Alceste nói, và thầy Mouchabière đã phạt nó cũng chính động từ ấy luôn. Alceste ấy à, nó luôn khiến chúng tôi phải phì cười!
Vào lớp, cô giáo bảo chúng tôi lấy vở ra và chép lại những bài tập mà cô sẽ viết lên bảng để chúng tôi mang về nhà làm. Điều đó khiến tôi thấy khó chịu, nhất là đối với bố, bởi vì khi bố đi làm về, bố bị mệt và bố chẳng thích làm bài tập số học lắm. Thế rồi, trong lúc cô giáo viết trên bảng, tất cả chúng tôi quay về phía thằng Geoffroy, và chúng tôi đợi nó bắt đầu thông điệp. Thế là, thằng Geoffroy bắt đầu làm các cử chỉ; và tôi phải nói rằng chẳng dễ hiểu một tí nào, bởi vì nó làm nhanh, và rồi nó còn dừng lại để viết vào vở của nó, và rồi bởi vì chúng tôi cứ nhìn nó, nó lại bắt đầu làm các cử chỉ, và đúng là buồn cười phết, khi cho ngón tay vào tai và đập lia lịa lên đầu.
Nó dài kinh lên được, cái thông điệp của thằng Geoffroy, và cũng khá là bực mình, bởi vì chúng tôi không thể nào chép được bài tập. Đúng thế đấy, chúng tôi sợ là bỏ lỡ các chữ cái của thông điệp và không hiểu được gì cả; thế là chúng tôi bắt buộc lúc nào cũng phải nhìn chằm chằm Geoffroy, cái thằng ngồi ở tít phía cuối lớp.
Thế rồi thằng Geoffroy vừa làm “i” vừa gãi đầu, vừa làm “t” vừa lè lưỡi ra, nó mở to hai mắt, nó đã ngừng lại, tất cả chúng tôi quay lại và chúng tôi thấy rằng cô giáo đã thôi không viết nữa và rằng cô đang nhìn thằng Geoffroy.
- Phải, Geoffroy, cô giáo nói. Cô cũng như các bạn em: cô xem em làm trò hề. Nhưng cũng đủ lắm rồi, phải không? Vì thế, em hãy ra chỗ đứng phạt, em sẽ không được ra chơi nữa, và ngày mai, em sẽ viết một trăm lần “Tôi không được làm trò hề trong lớp và làm cá bạn tôi sao nhãng cũng như ngăn trở họ học tập”.
Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng hiểu gì thông điệp cả. Thế là đến khi tan học, chúng tôi đợi thằng Geoffroy, và khi nó đi đến, chúng tôi thấy là nó tức kinh lắm.
- Mày nói gì với chúng tao trong lớp vậy? tôi hỏi.
- Để cho tao yên! thằng Geoffroy kêu lên. Chấm dứt không có mật mã mật miếc gì cả! Với cả tao không thèm nói chuyện với chúng màu nữa, thế thôi!
Đến hôm sau thằng Geoffroy mới giải thích cho chúng tôi thông điệp của nó. Nó đã nói:
“Cả lũ chúng mày đừng nhìn tao như thế; kẻo chúng mày làm cho tao bị cô bắt bây giờ.”
Nhóc Nicolas Và Các Bạn Nhóc Nicolas Và Các Bạn - René Goscinny Nhóc Nicolas Và Các Bạn