Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Muriel Barbery
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 68
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Thứ Vô Hình
ái phong bì mà người đưa thư mang tới phòng tôi cho Nữ hoàng Colombe Mạt Hạng không dán kín.
Phong bì mở hoàn toàn, không hề được gắn xi. Nắp gấp vẫn được trang trí bằng đường bảo vệ màu trắng và chiếc phong bì há miệng như một chiếc giày cũ và để lộ ra tập giấy đóng gáy lò xo.
Tại sao người ta không cần dán kín? Tôi tự hỏi và loại bỏ giả thiết quá tin tưởng vào tính thật thà của người đưa thư và người gác cổng, và cho rằng chắc là vì tin rằng họ không quan tâm đến thứ đựng bên trong.
Tôi thề với tất cả thần thánh rằng đây là lần đầu tiên và tôi cầu xin mọi người hãy tính hết mọi việc (đêm ngắn, mưa mùa hạ, Paloma, v.v...)
Tôi kéo nhẹ tập giấy ra khỏi phong bì.
Colombe Josse, Luận chứng về quyền lực tuyệt đối của Thượng Đế, luận văn thạc sĩ, người hướng dẫn. Giáo sư Marian, Trường Đại học Paris I - Sorbonne.
Có một tấm danh thiếp kẹp ngoài bìa:
Gửi Colombe Josse,
Đây là những lời phê của tôi. Cảm ơn vì đã bố trí người
chuyển thư. Hẹn gặp ngày mai ở Saulchoir.
Thân mến,
J.Marian
Đó là bài nghiên cứu về triết học thời Trung cổ, phần mở đầu cho tôi biết như thế. Cụ thể hơn, đây là luận văn về Guillaume d'Ockham, tu sĩ dòng thánh Francois và triết gia lôgic học của thế kỷ 14. Còn Saulchoir là một thư viện "khoa học tôn giáo và triết học" nằm ở quận 13 do các tín đồ của dòng thánh Dominique nắm giữ. Thư viện này lưu giữ một kho rất lớn sách của thời Trung cổ, tôi đảm bảo là có trọn bộ tác phẩm mười lăm tập của Guillaume d'Ockham bằng tiếng Latinh. Làm thế nào tôi lại biết được điều này? Do tôi đã từng đến đó cách đây vài năm. Vì sao? Chẳng vì gì cả. Tôi phát hiện ra thư viện này trên một tấm bản đồ Paris, dường như nó mở cửa cho tất cả mọi người, vì thế tôi đến đó với tư cách một người sưu tập sách. Tôi đã đi khắp các hành lang của thư viện, chỉ có lác đác vài ông cụ rất uyên bác và một vài sinh viên có vẻ tự phụ. Tôi luôn bị cuốn hút bởi sự hy sinh quên mình mà nhờ nó loài người chúng ta có thể cống hiến một năng lượng to lớn để tìm kiếm không gì cả và nhào trộn những tư tưởng vô ích và phi lý. Tôi đã tranh luận với một cậu đang làm luận án tiến sĩ về luận thuyết của các Cha trong giáo hội Hy Lạp và tôi tự hỏi sao lại có ngần ấy thanh niên có thể tự huỷ hoại mình vì cái hư không. Khi suy nghĩ kỹ về việc thứ mà loại linh trưởng quan tâm nhất, đó là tình dục, lãnh địa và thứ bậc, thì suy nghĩ về ý nghĩa của lời cầu nguyện của Augustin d'Hippone có vẻ hơi phù phiếm. Chắc chắn, người ta sẽ viện cớ rằng con người khao khát một ý nghĩa vượt lên trên các xung năng. Nhưng tôi phản bác lại rằng điều đó vửa rất đúng (nếu không, người ta làm gì với văn học?) lại vừa rất sai: ý nghĩa, đó cũng là xung năng, thậm chí là xung năng ở mức độ cao nhất, vì nó sử dụng phương tiện có hiệu quả cao nhất, tức là khả năng hiểu, để đạt được các mục đích của mình. Vì sự tìm kiếm ý nghĩa và cái đẹp không phải là dấu hiệu của bản chất kiêu ngạo của con người; khi thoát khỏi thú tính của mình, con người sẽ tìm thấy trong ánh sáng của trí óc lời biện hộ về mình: đó là thứ vũ khí sắc nhọn phục vụ cho một mục đích vật chất và tầm thường. Và khi vũ khí tự cho mình là đối tượng, đó là hệ quả đơn giản của các nơron xoắn với nhau một cách đặc thù, làm cho chúng ta khác với các động vật khác, và khi giúp chúng ta sống sót bằng phương tiện có hiệu năng cao đó, tức là trí thông minh, nó cũng đem lại cho chúng ta khả năng làm phức tạp thêm mà không có căn cứ, khả năng tư duy mà không đem lại lợi ích gì, khả năng tạo nên cái đẹp mà không có chức năng gì. Đó giống như một dị dạng, một hệ quả không gây hậu quả của sự tinh tế của vỏ não chúng ta, một sự lệch lạc vô dụng sử dụng những phương tiện sẵn có theo cách hết sức lãng phí.
Nhưng ngay cả khi công việc tìm kiếm không lạc lối như thế, thì đó vẫn là một sự cần thiết vốn không vi phạm thú tính. Ví dụ, văn học có một chức năng thực dụng. Giống như bất cứ hình thức nào của Nghệ thuật, nó có sứ mệnh làm cho việc thực hiện những nghĩa vụ sống của chúng ta trở nên chịu đựng được. Đối với một số sinh vật, giống như con người, tạo nên số phận của mình nhờ suy nghĩ và khả năng suy nghĩ, thì kiến thức có được từ đó mang tính chất không thể chịu đựng được của mọi sự sáng suốt trần trụi. Chúng ta biết rằng chúng ta là những con vật được trang bị một vũ khí để sống sót chứ không phải là những vị thần tạo nên thế giới bằng suy nghĩ của chính họ và rất cần một thứ gì đó để sự sáng suốt này trở nên chịu đựng được đối với chúng ta, một thứ gì đó cứu chúng ta khỏi cơn sốt buồn và vĩnh cửu về các số phận sinh học.
Thế là chúng ta phát minh ra Nghệ thuật, một phương tiện khác của động vật, mà chúng ta vốn là động vật, để loài của mình sống sót được.
Sự thật không ưa gì cả, khi mà tính giản dị của sự thật là bài học mà Colombe Josse lẽ ra phải đúc rút ra được từ các tác phẩm thời Trung cổ. Tuy nhiên, thể hiện kiểu các trong các khái niệm để phục vụ không gì cả dường như lại là tất cả ích lợi mà con bé rút ra được từ đó. Đây là một trong những sự vòng vo vô ích và đây cũng là một lãng phí đáng xấu hổ về của cải, phương tiện, trong đó có cả người đưa thư và chính bản thân tôi.
Tôi đọc lướt những trang ít được phê của cải hẳn phải là bản cuối cùng và tôi thấy kinh hoàng. Người ta chấp nhận ở cô gái một ngòi bút không quá tồi, mặc dù vẫn còn hơi trẻ. Nhưng những giai cấp trung lưu phải làm việc đến mức mệt là để bằng mồ hôi và tiền nộp thuế của mình chi trả cho một nghiên cứu vô ích và tự phụ đến thế, điều này làm tôi sững sờ. Những thư ký, những người thợ thủ công, những nhân viên, công chức quèn, những tài xế taxi và những người gác cổng phải chịu một cuộc sống đơn điệu, khổ sở, để tầng lớp thanh niên ưu tú của Pháp vốn đã có nơi ở tốt và được trả tiền hậu hĩnh, lại lãng phí tất cả thành quả của cuộc sống đơn điệu đó vì những công việc nực cười.
Tuy nhiên đó là điều tiên nghiệm khá thú vị: Liệu có tồn tại những hình thức phổ quát không, hay chỉ có những sự vật cá biệt là câu hỏi mà tôi hiểu rằng vì nó, Guillaume đã cống hiến phần cốt yếu của cuộc đời mình. Tôi thấy rằng đó là một câu nghi vấn hấp dẫn: phải chăng mỗi sự vật là một thực thể cá biệt - và trong trường hợp đó, điểm giống nhau giữa sự vật này và sự vật khác chỉ là ảo ảnh hay hiệu ứng của ngôn ngữ, được tạo nên thông qua từ ngữ hay khái niệm, thông qua những lời lẽ khái quát cho nhiều sự vật riêng biệt - hoặc liệu có thực sự tồn tại những hình thức khái quát bao gồm các sự vật cá biệt và không phải là những tác động đơn giản của ngôn ngữ không? Khi chúng ta nói: cái ban, khi chúng ta phát âm từ cái bàn, khi chúng ta tạo nên khái niệm cái bàn, có phải chúng ta luôn luôn muốn nói đến cái bàn này hoặc chúng ta thực sự làm liên tưởng đến một thực thể bàn phổ quát tạo nên tất cả những cái bàn riêng biệt đang tồn tại không? Ý niệm về cái bàn là có thực hay chỉ thuộc về trí óc của chúng ta? Trong trường hợp đó, tại sao một số đồ vật lại giống nhau? Có phải chính ngôn ngữ đã tập hợp chúng lại một cách võ đoán và nhằm tạo thuận tiện cho nhận thức của con người về những phạm trù khái quát không, hay liệu có tồn tại một hình thức phổ quát trong đó có mọi hình thức đặc thù?
Đối với Guillaume, tất cả các sự vật đều là cá biệt, còn chủ nghĩa duy thực về các khái niệm phổ quát là sai lạc. Chỉ có các thực tế riêng biệt, khả năng khái quát chỉ là của riêng trí óc và đó chính là làm phức tạp điều đơn giản là giả định sự tồn tại của các thực tế cùng chủng loại. Nhưng chúng ta có chắc chắn đến thế không? Mới tối hôm qua thôi, tôi vừa hỏi về sự tương đồng nào giữa tranh của Raphael và tranh của Verneer? Con mắt nhận thấy ở đó một hình thức chung của cả hai, đó là cái Đẹp. Còn về phần mình, tôi cho rằng cần phải có thực tế trong hình thức đó, nó không được chỉ đơn giản là một phương tiện của trí óc con người, vốn chỉ phân loại để hiểu, phân biệt để nhận thức rõ: bởi vì người ta không thể phân loại những thứ không thích hợp với việc phân loại, không thể tập hợp những thứ không thể tập hợp được, không thể ghép lại những thứ không thể ghép được. Một cái bàn không thể là bức tranh Quang cảnh Delft: trí óc con người không thể tạo ra sự khác biệt này, cũng như nó không có khả năng sinh ra sự gắn kết sâu sắc dệt nên một bức tranh tĩnh vật Hà Lan và một bức tranh Đức Mẹ đồng trinh bế con của Ý. Cũng giống như mỗi cái bàn thuộc một loại gỗ tạo nên hình thức của nó, mỗi tác phẩm nghệ thuật lại thuộc một hình thức phổ quát, hình thức duy nhất có thể đem lại dấu ấn đó. Chắc chắn chúng ta không trực tiếp nhận thấy tính phổ quát đó: đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều triết gia ngần ngại coi những điều cốt lõi là có thật vì tôi bao giờ cũng chỉ thấy cái bàn hiện hữu chứ không thấy hình thức phổ quát "bàn", chỉ thấy bức tranh này chứ không thấy cốt lõi của cái Đẹp. Thế nhưng... thế nhưng nó ở đó, ngay trước mắt chúng ta: mỗi bức tranh của bậc thầy Hà Lan là một hiện thân của nó, một sự hiện hình sáng rõ mà chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn qua sự vật cá biệt nhưng lại cho chúng ta tiến tới sự vĩnh cửu, đến tính phi thời gian của một hình thức cao đẹp.
Sự vĩnh cửu, thứ vô hình mà chúng ta đang nhìn.
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch