The oldest books are still only just out to those who have not read them.

Samuel Butler

 
 
 
 
 
Tác giả: Muriel Barbery
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 68
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần V: Paloma - Chương 1: Sắc Sảo
ũng buổi sáng hôm đó, lúc bảy giờ, có người bấm chuông phòng tôi.
Tôi mất vài giây mới thoát khỏi hư vô. Giấc ngủ dài hai tiếng không đủ để đem lại thái độ nhã nhặn với giống người, còn những tiếng chuông liên tục, trong khi tôi mặc váy, xỏ giày, và lùa tay vào mớ tóc bồng một cách kì lạ, không kích thích lòng vị tha của tôi.
Tôi mở cửa và thấy Colombe Josse đứng ngay trước mặt.
- Thế nào, - con bé nói, - cô bị tắc đường à?
Tôi khó tin những lời vừa nghe thấy.
- Mới bảy giờ, - tôi nói.
Con bé nhìn tôi.
- Vâng, cháu biết rồi, - con bé nói.
Phòng thường trực mở cửa lúc tám giờ, - tôi giải thích và phải cố gắng lắm mới làm được.
- Sao cơ, tám giờ cơ à? - con bé hỏi vẻ ngạc nhiên. - Có cả giờ làm việc sao?
Không, phòng thường trực của người gác cổng là một nơi kín đáo được bảo vệ, không biết đến tiến bộ xã hội cũng như luật lệ về tiền lương.
- Đúng, tôi đáp, - không đủ sức nói thêm lời nào.
- Ôi, - con bé nói giọng uể oải. - Thôi được, nhưng cháu đã đến đây...
-... chốc nữa quay lại nhé, - tôi vừa nói vừa đóng sập cửa ngay trước mũi nó và đi về phía ấm đun nước.
Phía sau cửa kính, tôi nghe thấy nó kêu lên: "thế đấy, thật quá đáng!" rồi quay gót bực tức và phũ phàng nhấn nút gọi thang máy.
Colombe là con gái lớn của nhà Josse. Colombe Josse còn là một loại tỏi tây cao lớn, tóc vàng, ăn mặc như một đứa con gái Digan nghèo đói. Nếu như có một điều mà tôi ghét cay ghét đắng, thì đó là sự giả dối của những kẻ giàu có ăn mặc rách rưới như người nghèo khổ, với những mảnh rách treo lủng lẳng, chiếc mũ len màu xám, đôi giày của kẻ lang thang bụi đời và áo sơ mi hoa bên trong chiếc áo len chui đầu đã sờn. Không chỉ xấu mà còn đáng sỉ nhục; không có gì đáng khinh bỉ hơn sự khinh miệt của kẻ giàu đối với mong muốn của người nghèo.
Thật không may, Colombe Josse cũng học rất xuát sắc. Mùa thu này, con bé đã vào học ở ngành sư phạm, ngành triết học.
Tôi pha trà, chuẩn bị mấy miếng bánh bít cốt với mứt mận vàng và cố gắng giữ yên bàn tay đang run rẩy vì tức giận, trong lúc đó, một cơn đau âm ỉ len lỏi vào hộp sọ tôi. Tôi uể oải đi tắm, mặc quần áo, cho Leon vài thức ăn ghê tởm (pate thủ và bì lợn ướt còn thừa), đi ra sân, mang các thùng rác ra ngoài, lôi Neptune ra khỏi chỗ để thùng rác. Đến tám giờ, mệt mỏi vì cứ phải đi ra đi vào, tôi lại vào bếp, nhưng vẫn chưa bình tĩnh lại được tí nào.
Nhà Josse còn có cô con gái út Paloma kín đáo và ít xuất hiện đến nỗi tôi cứ nghĩ là chưa nhìn thấy con bé bao giờ, mặc dù ngày nào nó cũng đi học. Thế mà vào đúng tám giờ, Colombe lại cử chính con bé ấy đến gặp tôi.
Một thủ đoạn hèn hạ.
Con bé tội nghiệp (nó bao nhiêu tuổi nhỉ? Mười một tuổi? mười hai tuổi?) đứng trên tấm thảm chùi chân trước cửa phòng tôi, ngay thẳng như công lý. Tôi nghĩ ra một ý hay - không nghiền nát người vô tội bằng cơn giận mà kẻ ranh ma đã gây ra - và cố cười một cách tự nhiên.
- Chào cháu, Paloma, - tôi nói.
Con bé mân mê gấu áo Gile màu hồng, vẻ chờ đợi.
- Chào cô, - nó nói, giọng thanh thanh.
Tôi chăm chú nhìn nó. Sao tôi lại không để ý điều này nhỉ? Một vài đứa trẻ có công lực đặc biệt là làm người lớn sợ. Trong cách ứng xử của chúng, không có gì phù hợp với chuẩn mực của lứa tuổi. Chúng quá trịnh trọng, quá nghiêm túc, quá điềm tĩnh, đồng thời sắc sảo khủng khiếp. Vâng, sắc sảo. Khi nhìn Paloma kĩ càng hơn, tôi nhận ra sự nhạy bén, sáng suốt đến lạnh lung mà tôi để ý chỉ vì không thể tưởng tượng ra rằng con bé Colombe tầm thường như thế lại có thể có một cô em gái là quan tòa của Nhân loại.
- Chị Colombe bảo cháu đến nói với cô là người ta sẽ chuyển đến cho chị ấy một cái phong bì rất quan trọng - Paloma nói.
- Được rồi, - tôi nói và cố tránh làm giọng dịu đi, giống như người lớn thường làm khi nói với trẻ con, rốt cuộc đó cũng là một dấu hiệu khinh bỉ tương đương với thứ trang phục nghèo khổ của người giàu.
- Chị ấy hỏi liệu cô có thể mang phong bì lên nhà cho chị ấy không, - Paloma nói tiếp.
- Được, - tôi đáp.
- Vâng ạ, - Paloma nói.
Rồi nó vẫn đứng đó.
Hay thật.
Nó đứng đó chăm chú nhìn tôi một cách bình tĩnh, không động đậy, hai tay buông thõng, miệng hơi hé mở. Nó có hai bím tóc mỏng, đeo kính gọng hồng và đôi mắt sáng rất to.
- Cháu có muốn ăn một thanh Socola không? - tôi hỏi, chẳng nghĩ ra chuyện gì nữa.
Nó gật đầu, thái độ vẫn rất điềm tĩnh.
- Vào đây, - tôi nói, - cô cũng đang uống trà.
Tôi vẫn để cửa phòng mở, để tránh bị kết tội bắt cóc.
- Cháu cũng thích uống trà, có phiền cô không ạ? - nó hỏi.
- Tất nhiên là không, - tôi đáp, hơi bất ngờ, thầm nhận xét rằng số dữ liệu bắt đầu tăng lên: quan tòa của Nhân loại, dáng điệu xinh xắn, muốn uống trà.
Paloma ngồi xuống một cái ghế, đung đưa chân trong khoảng không và nhìn tôi rót trà hương nhài cho nó. Tôi đặt chén trà trước mặt nó rồi ngồi xuống bàn trước chén trà của mình.
- Hàng ngày cháu đều làm ra vẻ để chị cháu tưởng là cháu đần độn, - nó nói với tôi sau khi uống một ngụm dài đúng kiểu sành trà. - Chị cháu thường ngồi với đám bạn suốt cả buổi tối, vừa hút thuốc, vừa uống rượu, vừa ăn nói như thanh niên ngoại ô vì chị ấy nghĩ rằng không thể nghi ngờ về trí thông minh của mình.
Suy nghĩ này rất hợp với kiểu của kẻ vô gia cư.
- Cháu phải đến đây vì chị ấy vừa hèn nhát, vừa hay sợ, - Paloma nói tiếp, đôi mắt to rất trong vẫn chăm chú nhìn tôi.
- Thế nhưng nhờ thế mà chúng ta có dịp làm quen, - tôi nói rất lịch sự.
- Cháu có thể đến đây nữa không? - nó hỏi, giọng có vẻ nài nỉ.
- Tất nhiên rồi, - tôi đáp, - cháu luôn được chào đón. Nhưng cô sợ ở đây cháu sẽ buồn chán, chẳng có gì hay để làm cả.
- Cháu chỉ muốn được yên tĩnh thôi, - nó đáp.
- Chả lẽ cháu không được yên tĩnh trong phòng riêng hay sao?
- Không, - nó nói, - cháu không được yên tĩnh nếu tất cả mọi người biết cháu ở đâu. Trước đây, cháu thường đi trốn. Nhưng bây giờ, mọi chỗ ẩn náu đều đã bị lộ.
- Cháu biết đấy, cô cũng thường xuyên bị làm phiền. Cô không biết ở đây cháu có thể tĩnh tâm suy nghĩ không.
- Cháu có thể ngồi ở chỗ kia (nó chỉ chiếc ghế bành trước chiếc tivi đang bật, nhưng đã bị tắt tiếng). Người ta đến để gặp cô, họ sẽ không làm phiền cháu.
- Cô đồng ý, - tôi nói, - nhưng trước tiên cháu phải hỏi ý kiến mẹ cháu đã.
Manuela bắt đầu làm việc lúc tám rưỡi. Cô ấy ngó đầu vào cửa đang mở, định nói gì đó với tôi nhưng lại nhìn thấy Paloma và chén trà bốc khói.
- Vào đi, - tôi nói với Manuela, - hai cô cháu tôi đang uống trà và nói chuyện.
Manuela rướn một bên lông mày, cử chỉ đó có nghĩa, ít nhất là trong tiếng Bồ Đào Nha, là: Con bé này làm gì ở đây thế? Tôi hơi nhún vai, không đủ để người khác nhận ra. Manuela mím môi do dự.
- Thế nào? - cô ấy vẫn hỏi tôi vì không thể chờ đợi được.
- Chốc nữa cô quay lại được không? - tôi cười to và nói.
- A, - cô ấy đáp, đã nhìn thấy nụ cười của tôi, - được được, vâng, tôi sẽ quay lại, như mọi khi.
Rồi vừa nhìn Paloma vừa nói:
- Thôi, tí nữa tôi sẽ quay lại.
Và nói rất lịch sự:
- Chào cháu.
- Cháo cô, - Paloma đáp lại và nhoẻn nụ cười đầu tiên, một nụ cười tội nghiệp ít được thể hiện khiến tôi đau xé lòng:
- Bây giờ cháu nên về đi, - tôi nói. - Bố mẹ cháu sẽ lo đấy.
Paloma đứng dậy và lê chân ra cửa.
- Rõ ràng là cô rất thông minh, - nó nói.
Tôi sững sờ, không thể nói được gì.
- Cô tìm được chỗ trốn quá tốt.
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch