God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Tuấn Minh
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5306 / 203
Cập nhật: 2015-06-19 17:01:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ôm nay tôi làm việc nhiều ở văn phòng. Ông chủ có vẻ tử tế. Ông hỏi tôi có mệt nhọc quá không và ông muốn biết cả tuổi của má tôi. Tôi nói “độ sáu mươi” cho khỏi nhầm lẫn và tôi không hiểu tại sao hình như ông có vẻ nhẹ nhõm và coi như thế là xong một việc.
Còn một đống biên lai chở hàng chồng chất ở trên bàn và tôi phải kiểm điểm cho hết. Tôi rửa tay trước và khi rời văn phòng đi ăn. Tới giữa trưa, tôi thích nhất lúc đó. Buổi chiều, tôi thấy ít thích thú hơn vì chiếc khăn sà-vệt lưu chuyển của sở đã ẩm ướt hết: nó đã được dùng suốt cả ngày! Một hôm, tôi nêu lên nhận xét này với ông chủ. Ông trả lời rằng điều đó rất đáng tiếc, nhưng dù sao, đấy là một chi tiết không can hệ. Tôi ra hơi trễ, hồi 12 giờ rưỡi cùng với Emmanuel, người làm ở phòng gởi hàng. Văn phòng trông ra biển nên chúng tôi đã mất một lúc để nhìn những chiếc tầu hàng ở trong hải cảng nóng bỏng ánh mặt trời. Lúc đó, chiếc xe cam-nhông chạy đến trong chiếc dây xích và tiếng nổ rầm rầm. Emmanuel hỏi tôi “đi không?” và tôi bắt đầu chạy. Xe cam-nhông đã vượt qua và chúng tôi chạy đuổi theo. Tôi bị chìm ngập trong tiếng ồn ào và bụi bặm.
Tôi không trông thấy gì nữa và chỉ cảm thấy sự hăm hở lộn xộn trong cuộc chảy đua giữa những cần trục và máy móc, những cột buồm đong đưa ở chân trời và những vỏ tầu mà chúng tôi chạy dọc theo. Tôi là người thứ nhất nắm lấy điểm tựa và nhảy lên xe. Rồi tôi giúp Emmanuel ngồi xuống. Chúng tôi mệt lả, xe cam-nhông nhảy chồm trên mặt đường gồ ghề ở bến tầu, giữa bụi và mặt trời. Emmanual cười muốn đứt hơi.
Chúng tôi ướt như tắm khi tới tiệm lão Céleste. Lão vẫn luôn luôn ở đấy, với cái bụng phệ, chiếc khăn choàng và bộ ria bạc. Lão hỏi tôi: “Xong xuôi cả chứa?” Tôi trả lời phải và tôi đang đói. Tôi ăn rất nhanh và uống cà-phê. Rồi tôi về nhà, ngủ một lát vì đã uống nhiều rượu vang và khi thức dậy lại thèm hút thuốc. Đã muộn và tôi chạy vội cho kịp chuyến xe điện. Tôi làm việc suốt cả buổi chiều. Trong văn phòng rất nóng và buổi chiều, lúc về, tôi rất sung sướng đi thong thả men theo bến tầu. Trời xanh biếc, tôi cảm thấy hài lòng. Dù sao tôi cũng về thẳng nhà vì muốn sửa soạn nấu món khoai hầm.
Khi trèo lên thang tối om, tôi đụng phải ông già Salamano, người hàng xóm chung cầu thang với tôi. Lão ở với con chó của lão. Đã tá năm nay người và chó vẫn sống chung với nhau. Con chó xù giống Tây-ban-nha, mắc một chứng bệnh bệnh ngoài da, tôi ngờ là bệnh ghẻ, làm rụng gần hết lông, phủ đầy những vẩy máu nâu. Vì sống chung mãi với chó, cả hai ở trong một căn buồng nhỏ hẹp, lão Salamano sau cùng giống y như chó. Trên mặt lão có những mảng vẩy đỏ nhạt, lông vàng lơ thơ. Con chó giống chủ ở dáng đi lom khom, mõm chúi về đằng trước và cổ ngẳng ra. Cả hai có vẻ cùng một giống, tuy nhiên đôi bên lại thù ghét nhau. Mỗi ngày hai lần, 2 giờ sáng và 6 giờ chiều, lão dẫn chó đi dạo. Từ tám năm nay, cả hai không hề thay đổi lộ trình. Người ta có thể trông thấy cặp ấy đi men theo đường Lyon, chó kéo người cho đến khi lão Salamano vấp chân. Lão đánh và rủa chó. Chó bò lê vì sợ sệt và để cho người lôi kéo. Lúc này, chính lão già lại phải lôi con chó. Khi chó quên khuấy đi, nó lại lôi kéo chủ và lại bị đánh chửi. Thế là cả hai đều đứng trên vỉa hè và nhìn nhau: chó thì kinh hoàng, người thì căm hờn. Ngày nào cũng vậy. Khi chó muốn đái thì lão già không để cho nó kịp thì giờ và lôi kéo nó: con chó xù rải rắc đằng sau một vệt dài những giọt lăn tăn. Nếu tình cờ chó đái ở trong buồng thì nó lại phải đòn nữa! Đã tám năm rồi, tình trạng này vẫn kéo dài. Céleste thường nói là “cơ khổ” nhưng sự thực thời không ai có thể biết được! Khi tôi gặp lão trên cầu thang, Salamano đang chửi chó. Lão bảo nó: “Đồ tồi! Xác thối!” và con chó đang rên rỉ. Tối nói: “Chào ông” nhưng lão già cứ chửi mãi. Tôi hỏi là con chó đã làm chi lão đấy? Lão không trả lời và chỉ nói: “Đồ tồi! Xác thối!”. Tôi đoán lão ta đang cúi xuống con chó để sửa lại cái gì trên chiếc cổ-dề. Tôi hỏi to hơn. Thế mà không quay lại, lão trả lời tôi với một sự giận dữ cố nén: “Nó vẫn ở đấy”. Rồi lão vừa đi vừa lôi kéo con vật, nó lê lết trên bốn chân và rên rỉ…
Ngay lúc đó, người hàn xóm thứ hai, cùng chung cầu thang với tôi, đi vào. Trong khu phố, người ta bảo là y sống về đàn bà. Tuy nhiên, khi người ta hỏi y làm nghề gì thời y xưng là “người giữ kho”. Thường thường, y không được ai quý mến. Nhưng y hay nói chuyện với tôi luôn và thỉnh thoảng y sang chơi với tôi một lúc vì tôi thích nghe y nói. Tôi thấy chuyện y nói cũng hay. Vả lại, tôi không có lý do gì để không nói chuyện với y. Tên y là Raymond Sintès. Người y khá nhỏ, có đôi vai rộng và chiếc mũi giống như một đấu thủ quyền anh. Lúc nào y cũng ăn mặc rất đàng hoàng. Chính y cũng bảo tôi khi nói về lão Salamano: “Nếu không là cơ khổ!”. Y hỏi tôi điều ấy có làm tôi ghê tởm không và tôi trả lời không.
Chúng tôi cùng lên thang và khi sắp sửa chia tay thì y bảo tôi: “Bên tôi có dồi heo và rượu vang. Ông có muốn ăn với tôi một chút không?”. Tôi nghĩ như thế thì khỏi làm bếp nên tôi nhận lời. Y cũng chỉ có một căn buồng và bếp không cửa sổ. Trên đầu giường y có một tượng thiên thần bằng cẩm thạch giả, màu trắng và hồng, ảnh các nhà quán quân thể thao và hai ba ảnh phụ nữ khỏa thân. Buồng bẩn thỉu và giường nệm xốc xếch. Trước y thắp đèn dầu hôi, rồi lấy ở trong túi ra một cuộn băng khá cũ và quấn bàn tay phải. Tôi hỏi y đau gì. Y trả lởi đã uýnh lộn với một người muốn kiếm chuyện với y.
Y bảo tôi: “Ông Meursault, chắc ông hiểu rằng tôi không độc ác nhưng tôi nóng tính. Thằng kia bảo tôi: “Nếu có phải là một người đàn ông thì mầy hãy xuống tàu điện”. Tôi trả lời: “Thôi, ngồi yên”. Nó bảo tôi không phải là một người đàn ông. Thế là tôi xuống tầu điện và bảo nó: “Thôi đi là hơn, nếu không tao sẽ cho mày học khôn”. Nó trả lời: “Cái chi?”. Thế là tôi đá nó một cú, nó ngã nhào. Tôi định đỡ nó lên nhưng nó ở dưới đất lấy chân đạp tôi. Thế là tôi cho nó một cú đầu gối và hai cái tát. Mắt nó tóe máu. Tôi hỏi nó đã lãnh đủ chưa. Nó trả lời: “Rồi!”.
Trong suốt thời gian đó, Sintès sửa lại cuộn băng tay. Tôi ngồi trên giường. Y nói với tôi: “Đó, ông thấy tôi có tìm nó đâu. Chính nó khiêu khích tôi”. Đúng thế và tôi công nhận như vậy. Thế là y tuyên bố với tôi rằng: chính y đang muốn hỏi ý kiến tôi về vụ này, rằng tôi là người đàng hoàng, hiểu biết đời, có thể giúp đỡ và sau cùng y sẽ là bồ của tôi. Tôi không nói chi thì thôi lại hỏi tôi có muốn là bồ của y không. Tôi nói là thế nào cũng được: y tỏ vẻ hài lòng. Y lấy dồi heo ra, nướng lên bếp lò và bày ra những ly, dĩa, muỗng, nĩa với hai chai rượu vang. Mọi chuyện làm trong êm lặng. Rồi chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Y vừa ăn vừa bắt đầy kể cho tôi nghe chuyện của y. Trước hết, y hơi ngập ngừng một chút.. “Tôi quen biết một bà… cũng có thể nói ngay là tình nhân của tôi”. Người mà y vừa đánh nhau là em trai của nàng. Y bảo tôi là y đã bao nàng. Tôi không trả lời thì y thêm ngay rằng y biết rõ ở trong khu phố người ta nói gì về y, nhưng y có lương tâm của y và y vẫn là người giữ kho.
Y bảo tôi: “Sở dĩ có chuyện này vì tôi nhận thấy có sự lừa gạt”. Y cho nàng chỉ vừa đủ để sinh sống. Chính y trả tiền thuê buồng và cho nàng mỗi ngày 20 quan thức ăn. – “Ba trăm tiền buồng, sáu trăm quan tiền ăn, thỉnh thoảng một đôi tất, như thế là một ngàn quan. Và nàng không làm chi cả. Nhưng nàng bảo tôi như thế là vừa khít, nàng không đủ sống với số tiền tôi bao nàng. Tuy nhiên, tôi hỏi nàng: “Tại sao em không làm việc một nửa ngày? Em sẽ làm nhẹ bớt cho anh mọi thứ chi tiêu lặt vặt. Tháng này anh đã mua cho em một bộ quần áo, cho em 20 quan mỗi ngày, trả tiền nhà cho em, thế mà em, chiều chiều em uống cà phê với các bạn gái. Em cho họ cà phê và đường. Anh cho em tiền. Anh đối xử tử tế với em và em đền đáp lại anh rất tồi tệ”. Nhưng nàng không làm việc, nàng vẫn luôn luôn nói là nàng không đủ tiêu, vì thế nên tôi mới nhận thấy có sự lừa gạt.”
Y kể lại cho tôi nghe là y thấy một tấm vé xổ số ở trong xắc của nàng và nàng không thể cắt nghĩa đã mua vé số ấy bằng cách nào.Ít lâu sau, y tìm thấy ở nhà nàng một biên lai vạn bảo chứng tỏ nàng đã cầm một đôi xuyến. “Tôi thấy rõ là có sự lừa gạt. Thế là tôi bỏ nàng, nhưng trước hết, tôi đánh nàng. Rồi tôi nói hết sự thực của nàng. Tôi bảo nàng rằng tất cả mọi sự ước muốn của nàng là đùa giỡn với bản thân nàng. Ông Meursault, chắc ông hiểu là tôi đã nói với nàng: “Em không thấy là cả thế gian đều ghen với hạnh phúc do anh mang lại cho em. Sau này em sẽ biết hạnh phúc em đã có”.
Y đánh nàng đến tóe máu. Trước kia, y không hề đánh nàng. “Tôi đánh nàng nhưng có thể nói là đánh một cách âu yếm. Nàng kêu la chút xíu. Tôi đóng các cửa lại và đâu vẫn hoàn đó, nhưng bây giờ thời thành ra nghiêm trọng. Về phần tôi thời tôi chưa trừng phạt nàng một cách đích đáng”.
Rồi y cắt nghĩa cho tôi là vì thế nên y mới cần một lời khuyên bảo. Y ngưng lại để khêu bấc đèn đã tàn lụi. Về phần tôi, tôi vẫn còn nghe y nói. Tôi đã uống gần một lít rượu vang và thấy bốc nóng nhiều ở thái dương. Tôi hút thuốc lá của Raymond vì tôi hết thuốc rồi. Những chuyến tầu điện cuối cùng đi qua và mang đi với chúng những tiếng ồn ào bây giờ đã xa xăm của ngoại ô. Raymond lại tiếp tục nói. Điều làm rắc rối cho y là “y vẫn còn thích ngủ với nàng”, nhưng y muốn trừng phạt nàng. Trước hết, y nghĩ đến dẫn nàng vào khách sạn và gọi “kiểm tục” để gây tai tiếng và bắt nàng. Rồi y nhờ cậy đến các bạn thân ở trong đám vô lại. Họ không tìm ra cách chi cả. Và theo lời Raymond đã lưu ý tôi thì ở trong thế giới đó kể cũng đích đáng. Y đem chuyện ấy nói với họ và họ đề nghị theo dõi nàng, nhưng đấy không phải là điều y mong muốn. Y sẽ suy nghĩ. Trước hết y muốn hỏi tôi một vài điều. Vả lại, trước khi hỏi tôi, y muốn biết tôi nghĩ thế nào về chuyện này. Tôi trả lời là tôi không nghĩ chi cả nhưng kể cũng hay hay. Y hỏi tôi suy nghĩ xem có sự lừa gạt không và tôi nói hình như có sự lừa gạt rõ rệt. Y lại hỏi tôi có nên trừng phạt nàng không nếu ở địa vị tôi thời tôi làm thế nào? Tôi bảo với y là không ai biết thế nào mà nói được, nhưng tôi hiểu là y muốn trừng phạt nàng. Tôi lại uống thêm chút rượu vang nữa. Y châm một điếu thuốc và y cởi mở tâm tình với tôi. Y muôn viết cho nàng một bức hư “với những cú đá và đồng thời những điều làm cho nàng hối tiếc”. Rồi khi nàng trở lại, y sẽ ngủ với nàng và “đúng vào cái lúc xong việc”, y sẽ nhổ vào mặt nàng và đuổi nàng ra khỏi cửa. Tôi thấy quả là như thế nàng sẽ bị trừng phạt. Nhưng Raymond bảo tôi là y cảm thấy không viết nổi lá thư cần thiết và y nghĩ đến tôi để nhở viết hộ. Vì tôi không nói gì, y hỏi là nếu viết ngay thời có phiền cho tôi không và tôi trả lời không. Lúc ấy y đứng lên sau khi uống cạn một ly rượu vang. Y xô gọn những chén đĩa và ít dồi heo lạnh do chúng tôi còn để lại. Y lau chùi cần thận tấm vải sơn phủ bàn. Y lấy ở trong ngăn kéo bàn ngủ ra một tờ giấy kẻ ô vuông, một bao thư ố vàng, một quản bút nhỏ bằng gỗ đỏ và một lọ vuông mực tím. Lúc y nói tên người đàn bà, tôi thấy nàng là một người Maure. Tôi viết thư… Tuy viết liều lĩnh, nhưng tôi cũng cố gắng làm hài lòng Raymond vì không có lý do gì tôi lại không làm hài lòng y. Rồi tôi to tiếng đọc bức thư. Y vừa nghe vừa hút thuốc và gật đầu, rồi yêu cầu tôi đọc lại. Y hoàn toàn hài lòng. Y bảo tôi: “Tôi biết rõ là anh hiểu đời lắm!”. Thoạt tiên tôi không nhận thấy y xưng hô thân mật anh anh, tôi tôi. Chỉ khi y tuyên bố với tôi: “Bây giờ anh là một bồ tèo thật sự” mới làm tôi ngạc nhiên!...
Y nhắc lại câu nói và bảo tôi: “phải”. Dù có là bồ tèo của y cái đó không can hệ chi đến tôi và thực sự y có vẻ thèm muốn như thế. Y niêm phong bao thư và chúng tôi uống cạn rượu vang. Rồi chúng tôi ngồi một lúc hút thuốc, không nói năng chi. Bên ngoài tất cả đều yên tịnh; chúng tôi nghe thấy tiếng của một chiếc xe hơi lướt qua. Tôi nói: “Khuya rồi”. Raymond cũng nghĩ như thế. Y nhận xét là thời gian qua mau lẹ và kể cũng đúng, theo một nghĩa nào đó. Tôi buồn ngủ nhưng tôi đứng lên một cách khó nhọc. Chắc tôi mệt mỏi quá vì Raymond bảo tôi chớ nên nản lòng. Thoạt tiên tôi không hiểu. Y liền cắt nghĩa cho tôi là y đã biết má tôi chết nhưng đó là một việc phải xảy ra, không chóng thì chày. Đó cũng là ý kiến của tôi.
Tôi đứng lên. Raymond bắt tay tôi rất chặc và nói là giữa đàn ông với nhau, người ta vẫn luôn luôn thông cảm. Ra khỏi nhà y, tôi đóng cửa lại và đứng một lát trong đêm tối, trên cầu thang. Căn nhà yên tĩnh, từ cuối chân cầu thang bốc lên một thứ hơi mờ mịt và ẩm thấp. Tôi chỉ nghe thấy những mạch máu đập ở hai bên tai. Tôi đứng yên lặng, nhưng ở trong buồng lão Salamano, con chó rên rỉ một cách âm thầm!
Người Xa Lạ Camus Người Xa Lạ Camus - Albert Camus Người Xa Lạ Camus