Ta có thể vượt qua những khó khăn có thật, chứ không thể vượt qua những khó khăn tưởng tượng.

Theodore N. Vail

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2102 / 36
Cập nhật: 2015-07-11 21:00:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ôi tới quán Sơn Ca vào một buổi chiều ngày thứ ba.
Trưa hôm đó chúng ta ăn cơm trưa với nhau HUY nhớ chứ?? Trong bữa ăn, với vẻ vui tươi tự nhiên, thường lệ của HUY – lúc nào HUY cũng vui, cái vui thật là hồn nhiên, thành thật – HUY kể cho tôi nghe cuộc đi chơi cuối tuần vừa qua của HUY. Tôi nghe HUY kể chuyện và tôi như người mơ mộng, tôi được HUY đưa vào thế giới của tưởng tượng, tôi thấy như tôi cùng sống với HUY trong những ngày đẹp ấy. Suốt một tiếng đồng hồ liền, HUY đã làm cho tôi quên cái hiện tại đầy đen tối và u buồn của tôi. Đó là món quà quí giá nhất mà HUY đã đem lại cho tôi trong những ngày thê thảm nhất mà tôi đã sống.
Về phần tôi, như tôi đã tự hứa và quyết định từ trước, tôi không nói gì với HUY hết về cuộc gặp gỡ của tôi và cô Vân Hà.
Tôi không nói gì cho HUY biết hết về những chuyện tôi đã nghe được về đời tư cũ của Như Ngọc, người mà cả tôi và HUY cùng coi như một người đàn bà đẹp và trong trắng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chúng ta chia tay nhau vào lúc hai giờ. Tôi còn quá thừa thì giờ để tới quán Sơn Ca.
Qua những lời nói chuyện của Vân Hà, tôi lờ mờ biết quán Sơn Ca ở Khánh Hội. Nhưng tôi không hỏi rõ quán đó nằm ở đường nào. Bây giờ tôi cứ đi sang Khánh Hội, hy vọng qua đó hỏi thăm và người ta sẽ chỉ cho tôi.
Tôi qua Khánh Hội từ lúc năm giờ chiều. Cho tới tối mịt, nhìn đồng hồ tay đã 6 giờ 30 tối, tôi vẫn chưa tìm thấy Quán Sơn Ca ở khu nào của Khánh Hội.
Sau cùng tôi lại phải nhờ đến tài xế tắc xi.
Ở Thủ đô nào cũng vậy, tài xế tắc xi là những người dẫn đường thành thạo nhất, Sàigòn cũng không thoát khỏi cái thông lệ đó.
Quán Sơn Ca trình bầy khá đẹp bên ngoài. Có một con chim bằng sắt, hoặc tôn treo trên hiên nhà trước. Vân Hà nói đúng, nhìn bề ngoài, người ta không thấy có vẻ gì khả nghi trong cái quán ăn có nhẩy đầm này. Vào giờ tôi đến, tuy vẫn còn sớm nhưng trước cửa quán đã có mấy cái xe xích lô đạp đậu chờ khách. Một chú bồi bé con đứng chờ mở cửa cho khách và coi xe.
Tôi vào nhà và đúng như tôi nghĩ, nhà hàng chưa có người khách nào hết.
Tôi là người khách đầu tiên của Nhà Hàng Sơn Ca đêm nay. Một ông khách tới không phải là để ăn chơi mà là để tìm tông tích một người.
Ánh sáng trong Bar mờ mờ và có mầu xanh nhiều hơn mầu vàng. Chủ nhân có vẻ muốn trang hoàng theo Tây Phương, tôi thấy có mấy cái vỏ chai rượu được cắt ngang làm thành những chụp đèn. Những chai Vat, Courvoisier … Do những vỏ chai rượu đó ánh sáng trong Bar có mầu xanh.
Các anh bồi bàn chắc còn đang sửa soạn. Tôi chỉ thấy sau Bar rượu có một cô bán rượu đang ngồi sửa móng tay. Tôi tới ngồi trước Bar trên một cái ghế đẩu và gọi Martini. Cô gái ngước mắt nhìn tôi. Cô ta không đến nỗi nào xấu lắm tuy không thể nói là đẹp. Tôi nghĩ cô ta phải là con cháu của chủ nhân. Nàng có cái vẻ lương thiện mà những cô gái bán Bar nhà nghề không thể có. Không người đàn bà nào mới sinh ra đời đã là gái bán Bar, người ta chỉ vì bán Bar quá lâu nên bị đời sống xô bồ, hỗn tạp, đàng điếm trong Bar làm cho thay đổi. Cô gái này chưa như vậy nhưng nhìn cặp mắt của nàng, tôi biết là nàng sắp thay đổi, ngày nàng trở thành gái bán Bar thực thụ sẽ không còn xa mấy nữa.
Nàng rót rượu cho tôi rồi không nói một lời, lấy một tờ tuần báo phụ nữ có nhiều truyện bằng hình do đào kép cải lương đóng để ở dưới Bar lên đọc.
Trước sau gì tôi cũng gợi chuyện hỏi dò chi bằng tôi hỏi luôn cô gái này. Tôi nghĩ rằng hỏi chuyện đàn bà bao giờ cũng dễ hơn là hỏi dò chuyện đàn ông. Đàn ông ít khi nói đến chuyện người khác.
Tôi hắng giọng:
- Nhà hàng này có cái tên hay quá. Sơn Ca. Nhà hàng này mở đã lâu chưa cô?
Nàng nhìn tôi nghi ngờ:
- Bộ ông không biết hay sao? Không biết tiếng nhà hàng này tại sao ông lại tới đây?
Nơi đây có lẽ chỉ có toàn là khách quen. Phố lại vắng, người nào tới đây là cố tình tới chứ không thể nói là tình cờ đi qua tạt vào được. Tôi đã mở đầu một cách vụng dại. Song, tôi không vì vậy mà chịu thua ngay không hỏi nữa:
- Tôi mời cô dùng một ly với tôi, cô nhận lời chứ??
Tôi cố lấy vẻ tình tứ để nói câu đó. Tôi cần cho cô gái hiểu lầm rằng tôi nói chuyện với nàng là để tán tỉnh nàng.
Nét mặt quạu cọ của nàng dịu đi, nàng liếc nhìn về phía cánh cửa bên tay trái nàng. Đó là cánh cửa đi lên lầu:
- Ông chủ không bằng lòng cho chúng tôi uống rượu với khách hàng nhưng tối nay ông đi vắng, tôi có thể … làm trái lời ổng được …
May mắn quá sự mong ước. Nàng cũng rót một ly Martini. Dơ ly rượu lên ngang mắt, nàng mỉm cười:
- À votre santé …
Có lẽ nhà hàng này có nhiều khách ngoại quốc: những thủy thủ ở các tầu biển ghé bến Sàigòn lên chơi, nên cô gái bán Bar này quen miệng nói tiếng Pháp. Lại một cô Vân Hà thứ hai, tôi cũng nói ngay:
- À votre santé …
Tôi nhìn nàng kỹ hơn, mái tóc nàng cắt ngắn theo kiểu Audrey Hepburn, một Audrey đẹp tuyệt vời trong phim Vacance Romaine. Quả thực nàng còn trẻ quá. Chắc chắn là những năm trước đây, khi bọn Paul Văn, Ê Min, Vân Hà, Công Tử Bốp còn lui tới chơi bời ở đây, nàng chưa có mặt. Có lẽ nàng chẳng giúp gì tôi được mấy.
Tôi hỏi:
- Cô tới làm ở đây đã lâu chưa?
- Ông hỏi làm chi vậy?
Tuy nàng vẫn còn từ chối không trả lời nhưng giọng nói và vẻ mặt của nàng đã nhẹ nhàng hơn nhiều lắm.
Với một người như cô gái bán Bar này, tôi quyết định nói thật:
- Tôi muốn biết một vài chuyện xẩy ra ở đây, tôi muốn hỏi thăm vài người vẫn thường lui tới đây thì đúng hơn. Cô có thể cho tôi hỏi thăm …
Tôi lại vụng về một lần nữa rồi.
Bộ mặt vừa mới tươi lên và bắt đầu cởi mở của cô gái lại tràn đầy nghi ngờ và như khép chặt lại:
- Cảnh sát hả??
Đôi môi mỏng của nàng mím chặt lại. Cô gái này chắc chắn là có nhiều ác cảm với những người đồng nghiệp của Thiếu tá Trịnh và Thượng sĩ Bái.
Phản ứng của tôi đến thật nhanh, có lẽ nàng tin rằng nàng đã nghi lầm:
- Nếu ông không phải là cảnh sát thì ông hỏi dò làm gì dữ vậy??
Nàng vẫn cố tình giữ không tiết lộ điều gì với tôi hết. Tôi nghĩ rằng chắc cái nhà hàng ăn có cái tên đẹp này vẫn còn nhiều vụ làm ăn phạm pháp nên người con gái này mới tỏ ra đa nghi và sợ cảnh sát đến thế.
Nàng nói nhỏ như sợ có ai nghe tiếng mặc dầu trong nhà lúc đó vẫn chỉ có tôi và nàng:
- Tôi cho ông biết tôi cóc sợ cảnh sát đâu. Tôi chẳng làm gì bậy hết … Nhưng tôi không muốn nói là vì đó không phải là việc của tôi. Ông chủ tôi lại không ưa người làm nói chuyện vớ vẩn về nhà hàng với người lạ. Nếu ông không phải là cảnh sát thì ông đừng nên hỏi. Ông chủ mà thấy ông hỏi lẩm cẩm như vậy ông ấy sẽ tống ông ra khỏi đây ngay …
- Dữ vậy … Bộ nhà hàng này không cần khách sao? Tôi muốn hỏi thăm mấy người bạn tôi vẫn đến đây chơi mà?? Làm gì mà bí mật quá vậy?? Để tôi chờ ông chủ của cô về tôi hỏi coi ổng có làm gì tôi không.
Mặt cô gái lại càng nặng ra:
- Cái đó tùy ông. Còn tôi, tôi đã báo trước cho ông biết rồi đấy.
Tôi cười:
- Lúc này ông chủ của cô đang đi vắng, tôi nói chuyện với cô vậy. Bộ gặp người có cảm tình với mình, mình muốn nói chuyện cũng cấm nữa sao?? Chúng ta hãy còn sống ở phần đất tự do mà?? Đây đâu có phải là đất Cộng sản mà người gặp nhau không được nói chuyện với nhau.
Đàn bà thật lạ. Có nhiều câu nói cốt ý để lấy lòng thì lại bị chê, ghét. Khi người ta nói khơi khơi thì đàn bà lại bằng lòng. Câu nói ngang phè của tôi lại có mãnh lực làm cho cô gái tươi lại:
- Nói gì thì nói, đâu có ngán ai …
- Để tôi tự giới thiệu … tôi là … Vinh … còn cô?
Tôi chờ đợi nàng nói một cái tên Đầm. Đúng như tôi nghĩ, nàng đáp:
- Lucie …
- Mấy giờ Lucie ở đây về?
- Mười hai giờ đêm. Có khi hơn …
- Nhà gần đây không?
- Chợ Quán …
Những lời trao đổi của chúng tôi đúng hệt như cuộc đối thoại của một ông khách uống rượu không biết làm gì hơn là nói chuyện lẩm cẩm với cô gái bán Bar.
- Ở với ai?
- Ở với Má.
- Lucie có chồng chưa?
Nàng lắc đầu.
- Chắc có bồ chứ? Người yêu thì phải có chứ?
Nàng gật gật đầu.
- Hắn làm gì?
- Đi lính.
Như sợ tôi nghĩ đến người tình của nàng là một anh binh nhì, nàng nói tiếp ngay:
- Đang học khóa sĩ quan Đà Lạt. Ảnh là Thượng sĩ rồi được đặc biệt theo học trường Đà Lạt …
- Ảnh có biết cô đi bán như vầy không?
- Biết chứ.
- Ảnh bằng lòng không??
- Đời nào. Cho đi bán như vầy ảnh cũng đau lòng lắm chứ, nhưng vì bắt buộc. Lucie còn có má và đứa em phải nuôi. Qua năm thằng em của Lucie thi tú tài. Đậu hay trật nó cũng thôi học, ra đi làm … Lúc đó ảnh sẽ là sĩ quan rồi, đủ tiền nuôi vợ … Lucie sẽ không đi làm nữa. Ở nhà nấu ăn, nuôi con …
Tôi vốn ghét nói chuyện lăng nhăng với đàn bà, vậy mà vì bắt buộc, tôi phải nói chuyện với Lucie. Và tôi ngạc nhiên khi thấy mình nói dễ dàng, trơn tru về những chuyện mà từ trước tới giờ tôi chúa ghét. Tôi nói dễ dàng như một người rất quen nói chuyện lẩm cẩm, vớ vẩn với gái bán Bar, hàng nước.
- Đúng rồi. Như vậy mới là người thật lòng thương Lucie. Nếu cứ cho Lucie đi bán như vậy tức là không thật lòng thương Lucie đâu. Chẳng có người đàn ông nào biết tự trọng lại bằng lòng cho vợ mình đi bán Bar.
- Lucie biết chứ.
Đôi mắt nàng thoáng hiện vẻ mơ màng. Người đàn bà nào, dù có kém nhan sắc tới đâu đi chăng nữa, khi nghĩ đến tình yêu, đến người yêu, cặp mắt cũng mơ màng. Có lẽ những người đàn bà kém nhan sắc lại là những người mơ màng nhiều hơn ai hết. Lucie không phải là người đẹp, nhưng nàng cũng không xấu. Tôi thấy nàng có thể trở thành người vợ hiền nếu nàng có dịp sớm bước chân ra khỏi cái hộp đêm này, sớm ngưng làm cái nghề này, nếu nàng lấy được một người chồng lương thiện, thương yêu nàng. Thương ít thôi, không cần nhiều lắm.
Hạnh phúc của cả một đời người không cần nhiều điều kiện: người con gái cần có một người chồng lương thiện, thương yêu mình. Không cần thương yêu nhiều lắm chỉ cần có thương là đủ. Nhưng cần chồng lương thiện, người đàn bà không thể khá được nếu chẳng may lấy phải anh chồng bất lương, lưu manh.
Tôi nghĩ ra được cái điều rất thường ấy khi nói chuyện với cô gái bán Bar không xấu, không đẹp có cái tên rất đầm là Lucie. Lucie không cần có chồng làm lớn, tôi thấy nàng chỉ cần có chồng lương thiện là đời nàng đủ hạnh phúc rồi.
- Lucie có họ hàng, bà con gì với Ông Chủ đây không?
Nàng lắc đầu:
- Không. Ổng là người quen của bà cô Lucie. Bà cô Lucie giới thiệu Lucie.
- Hồi này Sàigòn đông khách Mỹ lắm mà? Ở đây có nhiều khách Mỹ không?
- Ít thôi. Ông chủ của Lucie dường như không ưa người Mỹ …
- Ổng khoái Tây, phải không?
Tôi đoán liều vậy mà trúng. Ở Saigon này còn có nhiều người thương mến những ông Tây thuộc địa bụng phệ ngày xưa. Họ cho là người Pháp xài bảnh hơn, có tình hơn. Những người này không bỏ qua một dịp nào để kể xấu người Mỹ, những người mà họ cho là đã hất cẳng người Pháp ở đất nước này.
Lucie gật đầu:
- Đúng đấy. Ổng là dân Tây mà … Ông có gặp Ông Chủ đây lần nào chưa??
- Chưa.
Nàng hạ giọng:
- Ổng khó tánh lắm. Lucie ngán ổng lắm.
Tôi đưa dần câu chuyện trở lại những vấn đề mà tôi muốn hỏi dò Lucie:
- Lucie làm ở đây có hay gặp người bạn của tôi, Ông Paul Văn đó, tới đây thường không??
Lucie lại thay đổi hẳn sắc diện, đang cầm ly rượu trong tay nàng đặt ngay ly xuống bàn. Nàng nhìn tôi kỹ hơn:
- Ông này nữa??
Tôi cũng ngạc nhiên:
- Tôi làm sao?? Cô muốn nói là trước tôi đã có người đến hỏi thăm ông Paul Văn ư??
Nàng lại hạ giọng thấp hơn:
- Cách đây mới có năm ngày có một người đến hỏi thăm ông Paul Văn … Ông chủ không bằng lòng nghe ai nói đến cái tên Paul Văn ở đây. Dường như ông Paul Văn với ông chủ đây có thù hằn gì nhau lớn lắm. Tôi khuyên ông đừng nói đến tên ông đó ở đây. Tôi nghĩ là ông chủ đây có thể … giết được ông Paul Văn nếu hai người gặp nhau. Tôi không biết hai người thù nhau vì chuyện gì nhưng chắc chắn là thù lớn …
- Như vậy có nghĩa là Lucie chưa bao giờ thấy ông Paul Văn tới đây??
- Chưa bao giờ …
Tôi chợt rùng mình khi nghe nàng nói:
- Người bữa nọ tới đây hỏi thăm ông Paul là một bà …
Lucie cũng chợt rùng mình, nàng nói ngay:
- … Ông cho hai trăm đồng …
Tôi quay lại. Gã đàn ông đứng sau lưng tôi to lớn như một võ sĩ Quyền Anh hạng nặng. Chắc Y phải cân nặng tới 100 ký lô. Trông Y đã dữ tợn, con chó mà Y dắt theo trông cũng dữ tợn không kém. Vật nào chủ ấy. Người như Y phải dắt theo con chó như vậy mới xứng. Đó là một con bẹc-dê to như con bê, có bờm xù lên như bờm sư tử. Mồm con vật cũng vuông như quai hàm chủ nó.
Người và vật đứng sững giữa phòng. Cả hai cùng nhìn tôi bằng hai đôi mắt đầy những ác cảm.
Tôi ngước mắt lên để nhìn kỹ hơn. Mặt gã đàn ông vuông, đôi mắt Y trố dưới đôi lông mày rậm như chổi xể.
Trong giây phút đó thiếu chút nữa thì tôi làm một chuyện liều lĩnh và dại dột vô ích. Vì thấy cô gái quá sợ hãi lão chủ của nàng, vì thấy nàng nói rằng lão chủ nàng rất bực khi ai nhắc đến cái tên Paul Văn trước mặt Y, tôi muốn chọc tức Y chơi, tôi đã định đứng lên, hỏi thẳng Y về Paul Văn, tự nhận Paul Văn là bạn thân của tôi và Paul Văn hẹn tôi tới đây chơi và gặp hắn ở đây, coi lão chủ dở trò gì, có phản ứng ra sao … Khi người ta nóng giận, người ta thường không còn giữ gìn được ý tứ và người ta sẽ có nhiều sơ hở.
Tôi hy vọng lão chủ nhân Sơn Ca sẽ để lộ cho tôi biết nhiều chuyện khi lão nóng giận.
Nhất là tôi muốn biết rõ người đàn bà mà Lucie vừa tiết lộ là tới đây tìm Paul Văn là người nào, hình dáng ra làm sao. Tôi muốn biết rõ người đàn bà đó có phải là vợ tôi hay không.
Nhưng số mệnh đã quyết định những sự việc phải xẩy ra một cách khác …
Đúng lúc ấy thì một bọn khách trẻ, chừng năm sáu cặp nam nữ thanh niên ăn bận theo lối đầu tóc bù xù Beatles, mặc quần chật ống, đi giầy cao cổ thắt những cái thắt lưng to bản, rầm rộ dắt nhau vào quán. Họ làm cho bầu không khí đang nhàm chán, u buồn trong quán nhộn nhịp hẳn lên. Lão chủ Sơn Ca trừng mắt nhìn Lucie như để cảnh cáo rồi dắt chó đi vào nhà trong. Lucie bận rộn tiếp khách. Tôi ngồi lại, nán đợi nàng rảnh tay để hỏi tiếp nhưng nàng cố tình tránh tôi, nàng không dám đến gần chỗ tôi ngồi.
Tôi không để ý tới cái máy hát của quán này khi tôi mới bước chân vào hồi nẫy, nhưng bây giờ thì tôi phải chú ý đến nó. Vì bọn khách trẻ vừa vào quán là xáp ngay tới đút “jeton” vào máy. Họ lựa cho hát những bài ca ồn ào nhất. Người ca toàn là Elvis Presley, Johnny Hallyday và Beatles.
Lời ca, tiếng nhạc đã gào thét như xé màng tai, đám thính giả quanh tôi còn làm cho tiếng náo động tăng thêm bằng cách hát theo và vỗ nhịp tay.
Quán náo động như một nhà thương điên đang giờ các bệnh nhân nổi cơn la hét. Tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Tôi đành ra về, định tâm sẽ trở lại ngày mai. Hoặc tôi sẽ đón Lucie ở ngoài đường, khi nàng đi làm về, để hỏi thăm nàng về người đàn bà mà nàng thấy tới đó hỏi thăm Paul Văn cách đây mới có năm ngày.
Tôi còn định nói chuyện về quán Sơn Ca với Thiếu tá Trịnh.
Nhưng tôi không làm cả hai việc đó.
Nghĩa là tôi không nói gì về quán Sơn Ca với Thiếu tá Trịnh và tôi cũng không trở lại đó nữa.
– 11 –
Tôi không trở lại quán Sơn Ca là vì những sự việc xẩy ra sau đó đã làm cho tôi không cần phải chú ý tới nó nữa. Tôi có những dấu vết khác rõ rệt hơn để theo đuổi, tìm kiếm.
Sáng hôm sau, tôi vẫn còn đang ngủ, một cú điện thoại của Thiếu tá Trịnh đánh thức tôi dậy:
- Ông Hoàng Tuấn … Thiếu tá Trịnh, Sở Truy Tầm đây, ông …
Thiếu tá Trịnh nói với tôi bằng cái giọng nói bình thản thường lệ của ông:
- Tôi có vài tin mới báo để cho ông biết đây … Hôm qua chúng tôi có nhờ Đài Truyền Hình chiếu hình bà vợ ông …
- Tôi biết …
- Việc làm đó không phải là không có kết quả. Chúng tôi đã nhận được nhiều nguồn tin cho biết là có nhiều người nói là họ đã gặp, đã trông thấy bà Như Ngọc tuần lễ trước. Chúng tôi đã kiểm soát ngay những nguồn tin ấy và thấy có một số tin không thể tin được. Những người cho tin đa số là những người nhàn rỗi không biết làm gì lại bị cái bệnh muốn cho nhiều người biết đến mình, muốn mình trở thành quan trọng. Một số khác do những người có quá nhiều thiện chí muốn giúp đỡ người khác đưa ra. Chúng tôi đã quen với những người như vậy và chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc gạn lọc những nguồn tin. Tuy nhiên trong số, chúng tôi tìm được hai nguồn tin khả dĩ tin được … Chúng tôi đã có được hai nhân chứng không ai có thể chối cãi.
Trái tim tôi như ngừng đập. Hai nhân chứng không thể chối cãi. Thiếu tá Trịnh không phải là người hay nói giỡn chơi. Ông ta đã nói có, chắc chắn là có.
Thiếu tá Trịnh lại nói:
- Hai người chứng của chúng ta đều làm nghề tài xế. Một người lái xe buýt của Công Ty Hàng Không từ phi trường về Sàigòn, một người lái xe tắc xi chạy trong thành phố. Đúng ra thì người tài xế của Công Ty Hàng Không không tự ý tới trình diện, tức là không coi TiVi, chúng tôi phái nhân viên mang hình bà Ngọc tới phi trường hỏi dò và ông Tài xế đó coi hình, nhận ra. Ngoài ra nhân viên của tôi đã hỏi tất cả những người làm việc tại phi cảng hôm Bà vợ ông tới đó. Không ai cho biết được chi tiết gì hay ngoài ông tài xế này … Chúng tôi có mời ông ta tới Sở để khai thêm vào hồi 10 giờ sáng nay. Ông có muốn dự thính không? Nếu ông muốn nghe, ông có thể tới văn phòng tôi vào lúc 10 giờ sáng nay.
Lẽ tự nhiên là tôi muốn rồi.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy sáng lên một ánh lửa trong vùng trời đen tối mà tôi đã mò mẫm đi từ nhiều ngày nay.
- Ông tài xế chứng nhân thứ hai − Thiếu tá Trịnh nói tiếp − tự ý tới trình diện chúng tôi. Ông ta trông thấy hình Bà Ngọc trên TiVi và nhớ ra bà đó là một bà khách đã đi xe của ông. Tôi mời ông này tới văn phòng tôi vào lúc 10 giờ 30 sáng nay. Hỏi chuyện xong ông Tài của Công Ty Hàng Không, chúng ta hỏi chuyện đến ông tắc xi là vừa. Tôi chờ ông 10 giờ sáng nay ở văn phòng tôi, ông Tuấn? Chào ông.
Tôi vội vàng đi tắm cho tỉnh và cạo mặt, mặc y phục trong một trạng thái tinh thần bấn loạn không thể nào tả nổi. Nếu tôi có một chút sáng suốt để nhận định sự việc, tôi sẽ thấy ngay rằng lời khai của hai người tài xế đã trông thấy Ngọc 15 ngày trước đây không thể nào giúp cảnh sát có thể tìm được nàng ngay trong một sớm, một chiều, nhưng tôi đang ở trong tình trạng tinh thần khủng hoảng, mất hết cả khả năng phán đoán và suy luận. Đúng là tôi đang bị khủng hoảng thần kinh.
Tôi tới văn phòng của Thiếu tá Trịnh nửa tiếng đồng hồ trước giờ hẹn.
Thiếu tá Trịnh còn bận nhiều việc khác. Tôi được mời ngồi chờ trên một chiếc ghế gỗ ngoài hành lang ngay trước cửa phòng của Thiếu tá Trịnh. Tôi ngồi đó với người tùy phái giữ việc nhận thư từ và giấy báo khách của ông Thiếu tá, nghĩa là tôi có một dịp ngồi chờ và nóng ruột.
Tôi ngồi đó chừng 15 phút, một thanh niên hơi thấp, mặt tròn, tóc sắp hói, bận thường phục, ra gặp tôi:
- Ông Hoàng Tuấn?? – Anh hỏi tôi và chìa tay bắt khi tôi đứng dậy gật đầu … Tôi là Bái, Thượng sĩ Bái, người được Thiếu tá giao cho việc đi điều tra vụ bà vợ ông mất tích …
Mới nhìn qua, Thượng sĩ Bái là một thanh niên có cảm tình.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp Thượng sĩ Bái.
Tôi và anh bắt tay nhau. Bái mỉm cười:
- Tôi và ông chắc có dịp gần nhau nhiều trong những ngày tới …
Tôi nói tôi hy vọng tôi và anh ta sẽ có dịp gần nhau ngoài công việc chuyên môn của anh vì với những nhân chứng vừa tìm được, chắc anh và Thiếu tá Trịnh sẽ tìm ra vợ tôi không lâu.
Thượng sĩ Bái nghiêm mặt nói với tôi:
- Ông chẳng nên lạc quan quá, ông cũng chẳng nên tin tưởng quá nhiều ở lời khai của những chứng nhân. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng cuộc điều tra này sẽ khó khăn và mất nhiều ngày lắm.
Đang có nhiều thiện cảm với Thượng sĩ Bái, chợt tôi tràn đầy ác cảm với anh ta. Cũng chỉ một lời nói. Tôi có thể tống ngay một quả đấm vào giữa bản mặt vô duyên của anh ta vì câu anh ta vừa nói.
May sao đúng lúc ấy tiếng chuông điện reo vang. Thượng sĩ Bái đi vào phòng Thiếu tá Trịnh rồi quay ra ngay:
- Thiếu tá mời ông vào.
Thiếu tá Trịnh ngồi sau bàn giấy, vẻ mặt vẫn bình thản như lần đầu tôi gặp ông. Chúng tôi trao đổi vài câu hỏi thăm xã giao. Đúng giờ, người tài xế của Công Ty Hàng Không tới nơi.
Ông tài xế đó đã có tuổi, tóc bạc gần hết. Thiếu tá Trịnh giới thiệu với tôi:
- Đây là ông Long, tài xế của Công Ty Hàng Không chạy đường Tân Sơn Nhất – Saigon. Tôi đã được ông Long đây nói cho biết về việc ông gặp bà Như Ngọc. Hôm nay tôi mời ông Long tới để có thể hỏi thêm ông ấy về một vài chi tiết và nhân thể, để xin ông Long thuật lại nội vụ trước mặt ông …
Ông nói với ông Long:
- Ông đây là ông Hoàng Tuấn, chồng của bà Như Ngọc.
Tôi hồi hộp ngồi chờ. Người đàn ông đã trông thấy Ngọc lần cuối, rất có thể là người đã được nói chuyện vài câu với nàng, sắp cho tôi biết những gì về người đàn bà tôi yêu dấu nhất đời?? Bộ dạng bề ngoài của ông Long quá tầm thường. Cái bộ dạng đó cho tôi nghĩ rằng ông ta sẽ chẳng cho tôi biết được gì quan hệ.
Chúng tôi ngồi đâu vào đó. Tôi và ông tài Long ngồi đối diện nhau trước bàn giấy Thiếu tá Trịnh, Thượng sĩ Bái ngồi cạnh Thượng cấp.
Thiếu tá Trịnh mở chuyện:
- Như vậy là theo ông nói, ông Long, ngày thứ sáu 16 tháng này, ông phụ trách lái xe chở hành khách của Công ty lên Phi trường và đón hành khách tới??
Ông tài Long đáp:
- Thưa vâng. Những tài xế lái xe buýt của Công ty tôi chia làm 3 ê kíp. Mỗi ê kíp làm việc liền 8 tiếng và được nghỉ 16 tiếng mới phải làm lại. Hôm đó tôi nhớ rõ ca của tôi làm là từ 12 giờ đêm cho tới 8 giờ sáng. Đó là ca vất vả nhất vì như vậy là người làm ca đó phải thức suốt đêm.
Thưa quí ông … Thật ra thì tôi, cũng như tất cả các bạn đồng nghiệp của tôi không mấy khi chú ý đến riêng một hành khách nào. Vì chúng tôi chuyên chở quá nhiều người, ngày nào cũng vậy. Các ông các bà hành khách ai cũng giống ai. Làm sao mà nhớ nổi. Duy có Bà Hoàng Tuấn … Bà mà các ông đang tìm thì tôi nhớ rõ vì một việc quá đặc biệt xẩy ra có liên quan đến bả.
Trước hết là bả đi ra khỏi phi cảng trước nhất trong số hành khách đi chuyến phi cơ từ Nam Vang về đêm hôm đó. Lúc đó vào khoảng 1 giờ sáng. Bà ấy lên xe tôi và chọn ngồi ở một chỗ khuất đằng cuối xe.
Sau bà ấy, hành khách bắt đầu theo nhau lên xe và tôi không chú ý tới bả nữa. Cho đến lúc xe tôi sắp chạy, tôi bỗng thấy có một ông rõ ràng không phải là khách xuống phi cơ tới định lên xe tôi. Tôi hỏi ông có phải là hành khách không, ông ta trả lời không và nói ông muốn tìm một bà mới ở Nam Vang về. Ông ta nhờ tôi kêu tên bà ta dùm. Lúc đó tôi không nhớ ông đó nói tên bà ấy là Bà Tuấn hay Bà Ngọc. Tôi chỉ nhớ là tôi chưa kịp gọi thì bà khách đã thấy ông nọ và bước xuống xe. Ông đó có nói khi trông thấy bà ấy: “Đây rồi, khỏi phiền ông.”
Hai người đứng bên cạnh xe tôi và nói chuyện với nhau. Tôi nhìn thấy bà Ngọc nếu đúng bà ấy là bà Ngọc. Tôi xin lỗi, bà Hoàng Tuấn …, có vẻ hoảng hốt và xanh mặt đi. Không phải là tới bây giờ tôi mới tưởng là tôi thấy như vậy đâu. Thưa quí ông, quả thật lúc đó bà Tuấn có vẻ hãi sợ lắm.
Thiếu tá Trịnh ngắt lời:
- Ông có nghe thoáng thấy hai người nói gì với nhau không?
Ông tài thành thật đáp:
- Thưa không. Hai người đứng bên ngoài xe và trong xe tôi lại ồn ào tiếng người nói cho nên tôi không nghe được gì … Nhưng dường như bà Tuấn có vẻ không bằng lòng vì một chuyện gì đó, tôi trông thấy bà lắc đầu mấy lần …
Thiếu tá Trịnh bình thản:
- Ông kể tiếp đi. Sau đó còn có xẩy ra những gì nữa??
Sau cùng bà Tuấn đến gần tôi nói rằng bả không đi xe tôi về Saigon nữa và nhờ tôi lấy dùm bà mấy món hành lý xách tay mà bà để nơi ghế ngồi của bà trong xe. Tôi làm theo lời bà. Có lẽ chính vì vậy mà tôi nhớ bà hơn tất cả những bà đi xe khác.
Đến lượt tôi hỏi:
- Ông có nhớ ông mang xuống những món gì không?
Ông tài gật đầu:
- Thưa nhớ. Bà ấy xách theo một cái túi vải mầu xanh, đề chữ Japan Airlines, một cái hộp vuông có tay xách, loại hộp đựng đồ trang điểm của các bà, các cô. Và một cái áo lạnh …
- Áo lạnh mầu gì, ông còn nhớ không??
Ông ta đáp ngay:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì áo mầu xám …
Tôi gật đầu đáp lại con mắt dò hỏi của Thiếu tá Trịnh. Ông tài xế vừa tả đúng những món đồ mà vợ tôi xách theo khi nàng lên phi cơ ở Nam Vang.
Chiếc áo lạnh mầu xám đó do chính tôi mua tặng nàng năm ngoái.
Ông tài lại kể tiếp:
- Tôi mang mấy món đó đưa xuống xe cho bả. Bà cám ơn và quay đi ngay. Tôi thấy bà đi mau về phía xe tắc xi đậu bên kia sân. Còn người đàn ông nói chuyện với bà đi lối khác. Lúc đó trời tối nên tôi không trông rõ là ông đi vào xe hơi nhà đậu ở Parking hay là đi đâu. Có điều tôi chắc chắn là hai người không đi cùng về một phía. Tôi nghe rõ tiếng chân người đó đi lộp cộp … Dường như ông ta có một cái chân bằng cây …
Tôi ngồi lặng người đi. Tôi cố lấy hết tâm trí để hiểu những chuyện tôi vừa được nghe kể … Tôi không thể tin đó là chuyện có thật. Mặc dầu tôi biết chắc rằng ông tài xế nầy không bầy chuyện nói dối. Có thể nào vừa xuống phi trường vợ tôi đã gặp ngay tên bất lương Paul Văn đó không?? Vân Hà đã nói cho tôi nghe rằng sau tai nạn xe hơi, Paul Văn bị cưa chân và từ đó Y phải đi chân gỗ. Gã đàn ông có chân gỗ tìm, đón vợ tôi ở phi trường đêm đó chẳng là Paul Văn thì còn là ai nữa??
Gần như không còn nói rõ được nữa, tôi hỏi ông tài:
- Ông có nhìn rõ người đàn ông đó không? Hắn người ra làm sao??
Ông tài gãi đầu:
- Thưa ông, cái đó tôi khó nói … Vì lúc đó đang đêm, nơi tôi đậu xe không được sáng lắm. Chỉ có đèn bên trong xe chứ không có đèn bên ngoài. Có điều tôi còn nhớ là ông đó đội nón nỉ, mặc áo mưa dựng đứng cổ áo lên. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy là có lẽ ông đó muốn dấu không cho ai trông thấy mặt. Nhưng chân thọt thì thấy rõ. Lúc đứng người ông ta cũng nghiêng nghiêng …
Tôi khó mà nói lên được thành tiếng. Hình ảnh Paul Văn, người mà tôi chưa từng gặp bao giờ, người đáng kể là Hung Thần đã phá vỡ hạnh phúc của vợ chồng tôi hiện ra quá rõ trước mặt tôi.
Đúng là HẮN rồi.
Thiếu tá Trịnh và Thượng sĩ Bái có thể không biết gã thọt chân, hoặc Gã có một chân gỗ ấy là ai và gã đó có liên quan gì đến vợ tôi, nhưng tôi, tôi biết rõ.
Tôi nghe Thiếu tá Trịnh cất tiếng:
- Ông đó có cầm can không ông Tài??
- Thưa tôi không biết chắc có hay không.
- Sau đó ông không thấy gì lạ nữa?
- Thưa không. Tôi lái xe về Trạm Hàng Không ở Sàigòn như mọi lần. Tôi cũng quên chuyện đó đi cho đến hôm quí ông cho người mang hình bà Tuấn lên phi trường hỏi, tôi nghe các bạn tôi nói chuyện mới chợt nhớ lại bà đó, tôi tìm thầy cảnh sát hỏi coi bức hình thầy ấy mang theo và nhận ra bà Tuấn.
Thiếu tá Trịnh kết thúc:
- Chắc ông đã nói tất cả những gì ông biết về vụ này … Chúng tôi xin cám ơn ông và xin không dám giữ ông lâu hơn nữa …
Tôi đứng dậy bắt tay ông tài Long và líu ríu nói mấy lời cám ơn ông ta.
Khi ông tài ra khỏi phòng rồi, tôi ngồi chết lặng trên ghế. Trong lúc tôi còn suy nghĩ nên hay không nên kể cho Thiếu tá Trịnh biết rằng gã đàn ông chân gỗ gặp vợ tôi tại phi trường đó chính là Paul Văn, kẻ có án ăn trộm xe hơi năm xưa, ông đã nói với tôi:
- Ông Tuấn … ông sắp gặp chứng nhân thứ hai. Tôi cho rằng ông tài xế tắc xi này còn có chuyện kể quan trọng cho ông hơn ông tài xế của Công Ty Hàng Không nhiều.
Người đàn ông mà Thượng sĩ Bái đưa vào văn phòng của Thiếu tá Chánh Sở Truy Tầm sau đó là một ông tài xế khác hẳn với ông tài Long.
Ông này hãy còn trẻ, chỉ độ 30 tuổi, trông có vẻ điển trai rất được lòng các chị hai nhà sang. Anh tên là Bích, người cao lớn, khỏe mạnh, nói nhiều, hay cười để lộ hàm răng có mấy chiếc răng vàng. Anh bận chiếc áo sơ mi ca rô để hở một nút áo trên cùng không cài. Mặc áo sơ mi để hở nút dường như là một cái mốt của thanh niên lao động Miền Nam. Anh Tài Bích còn mang một sợi chuyền vàng có đeo Tượng Phật. Cái tượng lộ ra đúng chỗ áo ngực để hở của anh.
Anh Tài Bích nói không cần ai phải hỏi. Đúng ra là anh chạy xe Lô chứ không phải là tắc xi. Anh nhấn mạnh ở điểm khác biệt đó như để cho chúng tôi hiểu rằng giới tài xế xe Lô cao hơn giới tài xế tắc xi một bực. Xe Lô của anh được quyền đến đón khách trong phi trường về thành phố. Vào nửa đêm 15 rạng 16, anh có khách mướn xe lên phi trường − người mướn là một cặp vợ chồng Mỹ, khá bảnh, lời thuật chuyện của tài Bích có chen lấn rất nhiều chi tiết không ăn nhập gì đến nguyên do cuộc ra mắt của anh ở Cảnh sát cuộc này − nhân tiện anh ở lại đón khách về.
Và vào đêm đó anh có chở vào Sàigòn một bà khách bận y phục và diện mạo giống hệt thiếu phụ mà cảnh sát muốn tìm. Bà này bận bộ áo màu xám, trông rất sang, tay xách theo một túi hàng không, một hộp vuông và một cáo áo lạnh lên xe anh ở phi trường với một vẻ vội vã thấy rõ. Bà ta như sợ bị theo dõi hay sợ một cái gì đó. Thoạt đầu, Tài Bích nghi là bà ta buôn lậu và muốn về Sàigòn mau mau.
Tài Bích quả quyết thiếu phụ đó lên xe một mình, không có ai cùng đến gần xe anh với bà đó. Và trên đường về Sàigòn, vì đuờng đêm vắng xe, Tài Bích chắc chắn là không có chiếc xe hơi nào khác theo dõi xe của anh. Anh ngầm nói để cho cảnh sát hiểu rằng anh đã từng quen với những mánh lới di chuyển của bọn buôn lậu nên anh có thể biết chắc là xe anh chạy có bị xe nào theo dõi hay là không. Anh kể có lần trên xe anh chở một cặp nhân tình bị bà vợ ghen đuổi theo. Bà vợ ghen đi xe Huê Kỳ nhưng không đuổi kịp xe anh mặc dầu xe anh chỉ là một chiếc Citroen cũ.
Tài Bích cho biết là đêm đó anh không thấy bóng dáng một người đàn ông nào đi chân gỗ ở gần xe anh cả.
Tài Bích kể tiếp bà khách lên xe không cần trả giá. Bà bảo anh cứ cho về Sàigòn đã, bà sẽ cho biết địa chỉ sau. Xe bình an về tới chợ Saigon mà không bị cảnh sát xét hỏi gì mặc dầu vào giờ đó những xe từ phi trường về thường rất hay được các thầy cảnh sát chiếu cố.
Bà khách có vẻ do dự mãi trước khi nói tên một khách sạn mà Tài Bích chưa từng nghe nói đến bao giờ dù rằng nghề của anh có liên can nhiều đến các khách sạn và anh biết hầu hết các khách sạn lớn cũng như nhỏ, sang cũng như bất hảo ở Thủ Đô. Đó là Khách sạn Mỹ Ngọc Cung, phố Bạch Đằng, Chợ Lớn.
Tài Bích đưa bà khách tới khách sạn đó và anh lấy làm lạ không hiểu tại sao một bà ăn bận sang, có vẻ quí phái như bà khách đêm ấy của anh lại có thể đến mở phòng trong một khách sạn tồi tàn, bệ rạc đến như khách sạn có cái tên rất Tầu Mỹ Ngọc Cung đó. Cả cái khu phố ấy cũng tồi tàn tương xứng với khách sạn. Tài Bích chắc chắn mặc dầu anh chưa đặt chân vào cái nhà ngủ Mỹ Ngọc Cung ấy bao giờ anh cũng đoán được là đó là một nhà ngủ mà “giường có rệp và cửa phòng có năm bẩy cái khoan thủng để nhìn trộm” … Nhưng việc của Tài Bích là việc chuyên chở hành khách đến nơi đến chốn chớ không phải là việc góp ý kiến với khách về vấn đề phòng ngủ. Vì vậy sau khi được bà khách trả tiền, anh phóng xe về nhà vợ bé ngủ luôn đến trưa hôm sau mới dậy.
Tài Bích nhấn mạnh ở điểm anh lấy làm lạ một bà khách sang trọng, lịch sự đàng hoàng như bà khách của anh đêm đó lại có thể đến mở phòng ngủ trong một khách sạn tồi tàn thấy rõ như khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Theo lời anh, anh thấy là suốt trên đường đi từ phi trường về nơi đó bà khách có vẻ hốt hoảng, sốt ruột, ngồi không yên, luôn luôn ngoái cổ nhìn lại sau xe như để coi có xe nào chạy theo hay không. Cho đến lúc nghe tin cảnh sát truy tầm tông tích của bà đó, anh vẫn tin chắc rằng bà đó là một tay buôn lậu lớn và bà ta chỉ vào khách sạn đó để đánh lạc hướng nhà chức trách. Theo anh, bà khách của anh phải vô ở khách sạn Majestic hoặc Caravelle mới xứng đáng.
Tài Bích công nhận đó là một bà khách thật sang trọng. Anh vốn có khá nhiều kinh nghiệm về đàn bà – đây là thuật lại lời anh tự khoe – anh chỉ nhìn mặt và nghe tiếng nói cũng có thể biết người đàn bà đó thuộc loại đàn bà nào, tử tế, lương thiện, hay là chơi bời. Dù một cô chơi bời mà ăn bận sang anh cũng biết ngay là gái chơi bời. Anh công nhận rằng bà khách của anh là một người đàn bà thật sang.
Anh giúp bà mang mấy món hành lý vào khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Giờ đó đã quá khuya nhưng khách sạn này vẫn còn mở rộng cửa tiếp khách. Chủ nhân khách sạn là một gã Tầu Lai trông thật thô bỉ và lưu manh. Người Việt Nam có thiện chí tới đâu cũng không thể sống chung vui vẻ với những gã Ba Tầu bẩn thỉu, dơ dáy và lưu manh như gã chủ nhân Mỹ Ngọc Cung đó.
Mặc dầu Tài Bích không nói ra nhưng tất cả mọi người nghe chuyện anh đều thấy rõ ràng anh là người rất thích nhẩy xổ vào đời tư của những bà khách đi xe anh.
Trong trường hợp bà khách đêm hôm đó, rõ ràng là anh chỉ biết có thế.
Thiếu tá Trịnh ghi địa chỉ khách sạn Mỹ Ngọc Cung để đến đó tìm cho dễ, rồi ông ngỏ lời cám ơn Tài Bích.
- Ông Tuấn thấy sao ạ?? − Thiếu tá Trịnh quay lại hỏi tôi khi Tài Bích đã ra khỏi phòng − Mặc dầu chúng ta đã có hai người này làm chứng, có lẽ chúng ta cũng không tiến được xa hơn ngày đầu là mấy. Nhưng chúng ta cũng có vài điều để có thể nói là biết chắc. Chắc ông cũng không tin là Bà Như Ngọc lại có thể ngụ lâu ở một khách sạn tồi tàn đến nỗi người như Tài Bích mà cũng phải chê chứ??
Tôi buồn rầu:
- Có thể nào vợ tôi bắt buộc phải tới đó chăng?
- Tôi không nghi ngờ gì về chuyện ấy. Đúng là bà ấy bị bắt buộc phải tới đó. Và kẻ bắt buộc bà ấy chính là gã cụt chân đi chân gỗ đã gặp bà ấy ở sân bay. Gã đó tới đón bả … Chúng ta phải tìm cho ra gã cụt chân đó … Nhưng ngay lúc này, việc chúng ta cần làm ngay là tới Khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Thượng sĩ Bái sẽ tới đó ngay bây giờ. Thượng sĩ đi được chứ??
- Xin tuân lệnh Thiếu tá.
- Không nên cái gì cũng chờ lệnh tôi. Tôi đã trao cho Thượng sĩ phụ trách điều tra vụ này. Ông chỉ nên làm những gì ông thấy là phải, làm theo ý riêng của ông miễn là ông cho tôi biết sau những kết quả. Ông thấy nên làm việc gì thì ông cứ làm việc đó.
Tôi hỏi Bái:
- Tôi có thể đi theo ông được không?
Bái vui vẻ và sốt sắng đáp:
- Được chứ, nếu ông muốn. Tôi vừa nói với ông là chúng ta sẽ có dịp gần nhau nhiều mà. Tôi tin rằng sự có mặt của ông sẽ có thể giúp được tôi quyết định mau chóng nhiều việc.
Sự vui vẻ và lạc quan thái quá của ông Thượng sĩ cảnh sát này làm cho tôi khó chịu. Ông ta vui vẻ như đi coi mặt một người con gái sắp cưới làm vợ chứ không phải là đi tìm một người đàn bà có chồng đột ngột và vô cớ mất tích.
Thiếu tá Trịnh lại nói:
- Tôi tin là hai ông sẽ có thể tìm được vài dấu vết hay hay ở khách sạn đó nhưng các ông đừng hy vọng rằng đến nơi sẽ thấy Bà Như Ngọc ngồi an lành ở đó …
Thượng sĩ Bái nói đùa một câu thật là vô duyên:
- Biết đâu khi thấy ông Tuấn vào phòng, Bà ấy lại chẳng nói nhỏ một câu là … em chờ anh mãi, sao bây giờ anh mới tới …??
Tôi khẽ nói:
- Tôi không đến nỗi lạc quan đến như vậy đâu …
Tất cả những gì gọi là mừng rỡ, sốt sắng, tin tưởng của tôi hồi sáng nay, khi tôi được tin Thiếu tá Trịnh cho biết có hai người nói là gặp vợ tôi ở Sàigòn đột ngột tan biến đi. Nó như một ngọn lửa bốc lên nhưng lại tắt ngúm.
Những giờ phút sắp tới trong đời tôi vẫn không có một hứa hẹn thay đổi. Đời tôi, với những ngày sống sắp tới, tối om như một cái hang sâu, như một con đường hầm. Tôi bắt buộc phải đi qua con đường hầm ấy mà không có chút ánh sáng soi đường. Tôi vẫn phải mò mẫm đi như tôi đã mò mẫm kể từ giây phút vợ tôi đi xa tôi, kể từ phút nàng tự nhiên biến mất.
Tuy nhiên tôi cũng được biết một chuyện mà tôi tin đó là thật, hoặc có thể sự thật giống như thế. Đó là chuyện vợ tôi, người vợ thân mến của tôi, là nạn nhân của một bọn lưu manh do tên Paul Văn cầm đầu. Bọn lưu manh đó giăng một cái bẫy cho Ngọc về Sàigòn. Chúng gửi một điện tín giả báo tin Bà Ngà, mẹ nàng, đau nặng và nàng mắc mưu chúng …
Nàng chỉ tới Mỹ Ngọc Cung, khách sạn Mỹ Ngọc Cung, tạm dừng chân chờ chúng. Chẳng cần phải là thám tử như Thiếu tá Trịnh, tôi cũng hiểu là nàng không ở trong cái khách sạn đó lâu. Bọn Paul Văn đã tới mang nàng đi nơi khác, chúng tôi sẽ tới đó quá chậm …
Kể từ ngày Ngọc đặt chân xuống Sàigòn, nàng đã trải qua bao nhiêu khổ não, bao nhiêu lo sợ và đau thương …?? Tôi là chồng nàng, lẽ ra tôi phải bảo vệ nàng, tôi phải chia với nàng những lo sợ và khổ não ấy. Nhưng tôi biết nàng ở đâu để mà tìm tới với nàng …??
Nàng còn sống hay là đã chết?? Ý nghĩ “chết” làm cho tôi lạnh người.
Khi tiễn tôi ra cửa phòng, Thiếu tá Trịnh đặt nhẹ tay lên vai tôi. Có lẽ ông biết tôi đang nghĩ gì, ông nói nhỏ:
- Ông đừng buồn quá, đừng lo quá … Còn có chúng tôi giúp ông … Ông nên nhớ rằng không có một cá nhân, hay cả một tổ chức làm bậy nào ở cõi đời này có thể thắng được Cảnh sát hết. Trước sau gì chúng tôi cũng thắng được chúng …
Ông ta nói đúng. Cảnh sát là cả một tổ chức lớn của xã hội chuyên diệt trừ bọn lưu manh, làm bậy. Nhưng đôi khi cảnh sát không thể cứu được những nạn nhân vô tội bị bọn lưu manh chiếu cố. Bọn sát nhân sẽ phải đền tội. Đúng. Nhưng chúng chỉ đền tội sau khi đã giết người … Cảnh sát thì làm được gì cho những người đã bị giết??
Tôi không nói với Thiếu tá Trịnh ý nghĩ đó của tôi cũng như tôi cũng không nói gì với ông về chuyện gã đàn ông đi chân gỗ mà tôi biết.
– 12 –
Đường Bạch Đằng ở Chợ Lớn là một con đường nhỏ, một trong số những con đường nhỏ nằm chung quanh đường Đồng Khánh và Tổng Đốc Phương.
Tới đầu con đường nhỏ đó, tôi hiểu ý Tài Bích nói: không một người đàn bà nào, nhất là đàn bà Việt Nam, lại có chuyện để mà lui tới khu phố này. Toàn là những căn nhà cũ kỹ, xập xệ dáng chừng được xây dựng lên từ thời người Pháp mới đặt nền cai trị trên đất nước này. Và đặc biệt là khu phố ngắn hẹp này có rất nhiều nhà ngủ, loại khách sạn mà người ta thường gọi ở Bắc Việt là “nhà xăm”, những nhà cho mướn phòng chỉ để cho đàn ông, đàn bà không có nơi kín đáo dùng làm chỗ ân ái chớp nhoáng với nhau.
Tôi không thể hiểu được Ngọc tới đây làm gì??
Tôi biết chắc chắn rằng Ngọc, vợ tôi, với cái tính sạch sẽ và con người của nàng, không thể nào ngủ được trong một nhà ngủ tồi tàn, dơ dáy, đầy vẻ bất lương như nhà ngủ có cái tên rất Tầu là Mỹ Ngọc Cung.
Ở đầu con đường Bạch Đằng nhỏ xíu này − thật là một trò khôi hài khi người ta lấy cái tên Bạch Đằng, một chiến thắng lớn của tổ tiên chúng ta chống ngoại xâm để đặt tên cho cái con đường Ba Tầu bẩn thỉu này − Ở đầu đường, tôi thấy có một khách sạn có cái tên đặc biệt là Khoái Lạc Cung.
Khoái Lạc Cung viết bằng tiếng Việt không sai một chữ.
Thượng sĩ Bái chở tôi đi trên một chiếc xe Jeep của Cảnh sát. Nhưng ngay trước cửa khách sạn Mỹ Ngọc Cung lúc đó có nhiều chiếc xe đậu nên xe của Bái phải đậu tít tận đầu phố. Chúng tôi đi bộ tới khách sạn.
Nhà ngủ Mỹ Ngọc Cung trông qua không có một vẻ gì là cung điện. Nó là một căn nhà có lầu, những khung cửa sổ mục nát nhìn xuống đường. Tên nhà ngủ được viết bằng sơn đỏ trên bức tường nham nhở. Càng nhìn rõ vẻ tồi tàn của nó, tôi lại càng không hiểu Ngọc tới đây làm gì?? Nàng bắt buộc phải tới đây vì bọn bắt cóc nàng muốn ư?? Chúng nắm được những gì bí mật trong đời tư của vợ tôi đến nỗi nàng phải sợ chúng như vậy?? Tại sao chúng không bắt nàng phải tới chờ chúng trong một căn nhà nào khác??
Hoặc giả nếu Ngọc tự ý tới đây để trốn tránh bọn bắt cóc nàng, tại sao nàng lại chọn nhà ngủ tồi tàn này?? Sàigòn có thiếu gì khách sạn có đủ an ninh để có thể bảo vệ được nàng, như khách sạn Majestic, Caravelle hay Continental chẳng hạn??
Nói thực với HUY là khi theo Thượng sĩ Bái bước chân vào hành lang của nhà ngủ Mỹ Ngọc Cung, tôi không có qua một hy vọng nhỏ nhoi nào về chuyện tôi có thể tìm thấy Ngọc ở đây. Tôi nghi luôn cả lời thuật chuyện của anh tài xế xe lô lắm chuyện. Tôi tin rằng không bao giờ Ngọc lại tới nhà ngủ này.
Hành lang chật và sặc sụa mùi hôi hám. Rất có thể dưới chân cầu thang gỗ kia có vài ba con chuột chết sình. Không có một người nào ở đó đón khách. Thượng sĩ Bái tới gõ mạnh lên cánh cửa phòng ngay trên hành lang.
Tôi đứng chết trân trên lối đi, không nói được một tiếng. Tôi chỉ muốn ói mửa ra đó.
Gõ chán không thấy người trả lời, Bái mở đại cánh cửa. Chúng tôi nhìn vào một căn phòng tối, đồ đạc bầy biện lủng củng, quần áo mặc dở treo đầy trên tường, trên thành ghế, trên giường. Mùi hôi hám từ trong phòng này bốc ra làm cho chúng tôi nghẹt thở:
- Ủa …? Lạ chưa kìa?? Người trong nhà này trốn đâu cả rồi …??
Bái vừa cười, vừa nói. Cái cười như trẻ con của anh làm cho tôi càng thêm ghét anh.
- Hỏi chi vậy?? Muốn cái gì??
Một giọng nói lè nhè vang lên sau lưng chúng tôi.
Chúng tôi quay lại. Gã đàn ông đó trạc độ năm mươi tuổi, mặt bóng loáng những dầu, làn da mặt hắn bóng đúng như được thoa mỡ lợn. Tôi không hiểu hắn bị bệnh gì trong gan ruột mà làn da mặt hắn lại có thể bóng nhẫy lên như vậy. Có điều tôi biết chắc mặc dầu tôi không biết gì nhiều về các chất ma túy và những người nghiện ma túy, chỉ nhìn qua làn da mặt bóng nhẫy của gã đàn ông trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung, tôi cũng biết rằng hắn là một người nghiện hút thuốc phiện.
Hắn đứng ngay trên cửa ra vào, nét mặt tươi như mặt người trong nhà mới có người chết.
- Chúng tôi muốn gặp ông Chủ …
Thượng sĩ Bái nói bằng một giọng tương đối lịch sự đối với ngôn ngữ của cảnh sát. Thấy người hỏi lịch sự, tên đàn ông lại càng tỏ ra hỗn xược:
- Hỏi cái gì?? Ông chủ đây …
Thì ra gã mặt bóng loáng đó là Ông Chủ Khách sạn Mỹ Ngọc Cung.
Giọng hắn lơ lớ như giọng người lai Tầu, lai Miên hoặc lai Chà.
Thượng sĩ Bái vẫn lịch sự:
- Ở khách sạn này có một bà đến mướn phòng tên là Bà Hoàng Tuấn, hoặc Bà Như Ngọc … Chúng tôi muốn nói chuyện với bà ấy …
Chủ nhân Mỹ Ngọc Cung nói như sủa vào tai người nghe:
- Không có bà nào ở đây hết. Khách sạn này không tiếp khách. Nghỉ chơi …
- Bà ấy đến ngụ ở đây đã mấy hôm rồi, có lẽ bà ấy đã đi nơi khác …
- Không biết. Không có bà nào hết … Mời ra. Đây là phòng riêng.
Thượng sĩ Bái vẫn bình tĩnh:
−Ông nhớ lại coi … Bà Hoàng Tuấn, tới đây vào đêm 15 tháng này …
- Không có mà. Đã bảo không có …
- Có mà …
Như không nghe rõ lời nói của Thượng sĩ Bái, gã chủ nhân Mỹ Ngọc Cung chỉ tay ra cửa:
- Đi ra …
Hắn đuổi chúng tôi thẳng thừng.
Thượng sĩ Bái mở vạt áo veste cho hắn trông thấy bao da đựng súng, anh nói vẫn hòa nhã nhưng đã có chút âm thanh đe dọa:
- Cảnh sát. Đến điều tra …
Thái độ của tên chủ khách sạn bần tiện thay đổi hoàn toàn khi hắn biết hắn đang nói chuyện với cảnh sát, theo kinh nghiệm, hắn thừa hiểu cảnh sát bận thường phục là những người quan trọng và đáng sợ hơn cảnh sát mặc sắc phục nhiều. Đang hung hăng, hỗn xược, hắn mềm nhũn như con chi chi, hắn xoa tay vào nhau và cười cầu tài ngay được:
- Xin thầy tha lỗi … Tôi không được biết … Xin mời thầy ngồi …
Bộ mặt bóng nhẫy của hắn lộ vẻ kinh sợ rõ rệt.
Tôi thấy chán và tởm thái độ của hắn. Tôi nghiệm thấy người ta, những người dân thường, vẫn có một thái độ sợ hãi, khúm núm trước những người cảnh sát. Sự sợ hãi thái quá đó là nguyên nhân xẩy ra nạn tham nhũng, làm cho những cảnh sát viên trở thành kiêu mạn, tưởng mình có thể làm được tất cả mọi việc.
Vì kém thông hiểu về pháp luật nên gần như tất cả mọi người thường dân của xã hội ta đều có mặc cảm phạm tội, mỗi lần gặp nhân viên công lực là sợ sệt, muốn van xin hay hối lộ cho xong việc.
Tôi tin chắc rằng tên chủ nhân khách sạn này phải có làm việc phạm pháp cho nên hắn mới sợ hãi cảnh sát đến thế. Hắn vội vã kéo ghế mời chúng tôi ngồi.
Thượng sĩ Bái như đã quen với thái độ hỗn hào rồi khúm núm đó nên anh vẫn bình thản:
- Dường như ông không coi Vô Tuyến Truyền Hình hôm qua?? Cảnh sát có chiếu hình Bà Hoàng Tuấn trên Vô Tuyến Truyền Hình và yêu cầu ai gặp hoặc thấy bà này ở đâu, cho cảnh sát biết …? Chúng tôi biết chắc là trong đêm 15 vừa qua, bà Hoàng Tuấn có tới đây vào lúc quá nửa đêm … Chúng tôi chưa biết bà ấy ghi tên mướn phòng ở đây làm gì … Vì vậy chúng tôi mới tới đây hỏi … Có gì đâu mà ông vội chối quá vậy?
Tên chủ khách sạn cong lưng xuống:
- Thưa … tại tôi quên mất …
- Trên báo cũng có in hình của bà ấy cùng lời kêu gọi của cảnh sát? Ông cũng không đọc báo sao??
- Thưa thầy không, tôi không đọc báo nên không biết gì …
- Ông nói thiệt chứ??
Bái lượm một tờ nhật báo vứt dưới chân bàn lên. Đó là một tờ báo mới và chỉ cần mở rộng tờ báo ra, bức hình của Ngọc nằm ngay ở đó, nét và rõ.
Tôi bị một xúc động khi thấy bức hình của Ngọc. Mặt nàng như thay đổi đi vì hình đăng báo không thể nào giống hệt như người thật.
Lần này, bằng chứng là hắn nói láo quá rõ, tên chủ khách sạn run cả chân tay.
- Tôi có đọc báo nhưng không để ý … Tôi nhìn không ra người mà các ông tìm lại là bà đó …
Bái ngắt lời hắn:
- Bây giờ ông đã biết rõ rồi?? Sao??
- Thưa thầy … Đúng vào đêm 15. Quả có một bà khách. Hao hao giống bà này … Tới nhà tôi mướn phòng trọ. Hiện nhà tôi định sửa lại nên không cho mướn song vì đã quá nửa đêm, tôi không thể để bà ấy đi kiếm phòng nơi khác nên phải mở phòng cho bà ấy. Ở đây phòng thiếu nhiều tiện nghi … Tôi có nói vậy để bả biết, bả nói bả không cần … Bả mướn phòng 7 ngày và trả tiền ngay …
Thượng sĩ Bái:
- Bà ấy ghi sổ tên là gì?
- Dạ … Nguyễn Thị Vân …
- Cho coi sổ ghi khách trọ …
Hắn mở một ngăn tủ, lôi ra một cuốn sổ bìa da đen cũ rích và rách nham nhở.
Hắn run rẩy mở trang cuối cho chúng tôi coi. Dưới con số ngày tháng, tôi nhìn thấy dòng chữ nguệch ngoạc ghi tên Nguyễn Thị Vân, Phòng số 1, 7 ngày, trả tiền rồi.
Bái nghiêm mặt:
- Ông không coi căn cước của bà ấy, phải không …? Ông để mặc bà ấy muốn khai tên ra sao thì khai??
Tên chủ lại càng run:
- Dạ … dạ … xin thầy thông cảm … Nhà trọ chúng tôi thường phải tiếp những bà đến mướn phòng mà dấu tên … Chúng tôi biết như vậy là phạm luật cảnh sát nhưng nếu đòi ghi đúng căn cước thì các bả không chịu …
Bái lại hỏi:
- Chữ này ai viết??
Tên chủ càng run rẩy:
- Thưa tôi …
- Không có chữ ký của bà ấy sao?
- Thưa không …
- Là chủ nhân khách sạn, ông phải biết luật chứ. Nói không biết sao được …? Chuyện đó chúng ta sẽ bàn tới sau, rồi sao?
- Sao … gì ạ?
- Bà khách đó làm những gì ở đây?
- … Tôi không biết …
- Không biết là thế nào?
- Thưa … bả chỉ ở lại nhà tôi có một đêm … Qua hôm sau bả đi ra phố rồi đi luôn, không thấy bả trở lại nữa. Dạ, đúng ra là bả ở lại phòng cho đến tối hôm sau, tức là tối ngày 16 … Suốt ngày bả ở trong phòng … Nhà tôi không có nấu ăn cho khách, nhưng vì có lời yêu cầu của bả nên tôi nhờ người ra tiệm lấy thức ăn về phòng cho bả. Suốt ngày hôm sau bả không đi ra khỏi phòng …
- Bả có gọi điện thoại lần nào không??
- Thưa không, nhà tôi không có điện thoại.
- Rồi sao? Bả ra đi một mình hay có người đến đón? Ông phải nói thật …
- Dạ … Tôi nói thật … Tôi có lợi gì đâu mà nói dối … bả cũng không yêu cầu tôi đừng nói gì nếu có ai đến hỏi … Vào lúc 7 giờ tối ngày 17, tôi thấy có chiếc xe hơi tới đây, một ông vào hỏi tên bả … Nguyễn Thị Vân … Tôi chỉ cho ổng lên lầu … Ổng lên chừng 15 phút sau, ổng xuống cùng với bả … Hai người ra xe đi … Bả chẳng nói gì với tôi hết. Tôi tưởng bả đi đâu đó rồi trở lại nhưng không thấy … Bả đi là đi luôn …
- Người đàn ông tới đón bà Tuấn trông ra sao?
- Thưa tôi không nhìn nên không biết.
Bái quay lại nói với tôi bằng cái giọng thản nhiên mà người ta thường dùng để nói đến những chuyện trời mưa, trời nắng:
- Tôi nghĩ có lẽ ta phải đưa ông chủ về sở để các chuyên viên thẩm vấn hỏi cung ông. Chúng ta hơi tử tế, ông không chịu nói thật. Chắc ổng khoái được các ông chuyên viên hỏi cung thẩm vấn …
Tên chủ kinh hoàng như khi y nghe tin người ta cho y lên máy chém. Bộ mặt đã bóng như bôi mỡ của y giờ đây lã chã những mồ hôi. Y chắp hai bàn tay lại như muốn lậy sống Thượng sĩ Bái:
- Xin ông đừng … Tôi xin thề trước bàn thờ Đức Thánh Quan là tôi nói thật, tôi không dấu diếm điều gì. Tôi mà nói dối hai lòng … thì tôi bước chân ra đường, xe 10 bánh cán tôi chết tươi …
Dáng chừng Y biết tôi dễ mềm lòng hơn Thượng sĩ Bái, Y đoán tôi không phải là một cảnh sát viên và tôi có thể nói dùm với Bái tha cho Y được, Y quay sang van lơn tôi:
- Nhờ ông nói dùm với ông đây. Tôi làm ăn lương thiện … Xin đừng bắt, tội nghiệp tôi …
Bái lạnh lùng nhắc lại:
- Cái người đàn ông đó ra sao?
Lần này, tên chủ khách sạn trả lời ngay:
- Ông ấy người trung trung, mặc áo mưa, đội nón che kín mặt … Ổng lại còn mang kính đen nữa … Ổng thọt chân … Tôi chỉ biết có vậy thôi …
- Có vậy sao không nói. Tôi chắc ông có lý do gì đây để dấu không nói gì cho chúng tôi biết về người đàn ông đó. Trước, ông nói là nhà ông không có bà nào giống Bà Tuấn đến trọ, rồi ông lại nói là ông không biết gì hết về người đến đón bả đi … Ông còn dấu chúng tôi những gì nữa? Đó là quyền của ông, nhưng tôi nói cho ông biết, ông không dấu nổi chúng tôi đâu. Nghề của tôi là nghề tìm bắt những kẻ dối trá. Ai gian, ai ngay, ai nói thật, ai nói dối, tôi biết. Tôi biết nhưng tôi cứ để mặc cho ông nói dối. Đừng tưởng là ông qua mặt được tôi đâu. Cuối cùng, tôi có bắt ông hay không lúc đó ông mới biết là tôi có tinh hay là tôi khù khờ … Rồi … Bây giờ chúng ta nói tiếp … Người đàn ông mà ông nói là thọt chân ấy đến đón bà Tuấn đi bằng chiếc xe gì?
- Dạ … xe hơi màu đen. Xe Traction đã cũ …
- Có nhớ số không?
- Thưa không. Tôi không nhìn số. Xe đậu xế cửa nhà tôi nên tôi chỉ trông thấy hai người ngồi trong xe và chạy qua …
Vài giây sau, y lại nói:
- Thưa hai ông … Tôi làm ăn lương thiện, tôi không có thói quen nhòm ngó vào việc riêng của những người tới đây mướn phòng. Việc ai nấy lo. Tôi không ngờ bà đó lại có dính líu đến cảnh sát … Nếu biết, tôi đã không bằng lòng cho bả mở phòng … Coi bà ấy ăn bận sang trọng, đàng hoàng quá mà … Lúc bà ấy đi rồi đi luôn, tôi đã nghi nghi … Nhưng xin lỗi hai ông, tôi nghĩ rằng bà ấy có thể là một bà sang trọng mà có tình nhân hoặc chưa có chồng, chồng chết … nên không muốn cho ai biết hành tung của mình … Nếu biết bà ấy là một người phạm pháp, tôi đã hỏi căn cước của bả …
Không cần phải hỏi Thượng sĩ Bái, tôi cũng biết là anh cũng nghĩ như tôi: tên chủ khách sạn này nói dối.
Loại chủ nhà ngủ như Y là chúa xoi móc, chúa hay nhòm ngó trộm việc làm của người khác. Nhưng tại sao Y lại có ý nói dối, cố ý che đậy sự có mặt của vợ tôi ở đây …? Đó là điều mà tôi hy vọng là Bái sẽ tìm ra, dù có phải tìm ra bằng cách dọa nạt. Từ trước tôi vẫn ghét việc cảnh sát hay đe dọa dân chúng để được việc của họ. Song, với tên chủ nhà ngủ ngoan cố và giả dối, nói dối thánh thần này, tôi thấy rằng cảnh sát không dọa dẫm không xong. Nếu Y không sợ, không bao giờ Y chịu nói thật. Tôi biết là tôi đã trở thành ích kỷ. Nhưng với tên chủ nhà trọ mặt bóng loáng những dầu này, tôi sẽ không thấy Bái đáng trách nếu anh đánh Y năm bẩy cái bạt tai ngay trước mặt tôi.
Có lẽ Bái cũng biết tôi nghĩ như vậy, nhưng vẻ mặt và giọng nói của anh vẫn không thay đổi:
- Khi đi bà ấy bận đồ như thế nào??
- Thưa … bà ấy bận bộ đồ xám nhạt, vẫn bộ đồ khi bả tới …
- Lúc đi bả có mang nhiều đồ đi không??
- Bả mang đi hết, chẳng để lại gì cả. Lúc tới bả cũng mang tới rất ít đồ. Tôi không để ý vì bả trả tiền trước cả tuần mà bả ở mới có một ngày. Chắc các ông cũng biết luật khách sạn chúng tôi chỉ giữ hành lý của khách khi nào khách chưa trả tiền phòng mà đã mang hết hành lý đi mà thôi.
Bái hỏi tôi:
- Chắc bà ấy có mang theo nhiều va ly chứ?
Tôi đáp:
- Nhiều, nhưng chắc còn để ở Hàng Không. Người tài xế xe Lô có nói là lúc lên xe tới đây, nàng chỉ mang có một cái sắc vải và một hộp đựng đồ trang điểm.
- Chúng ta cần đến Hàng Không hỏi về vụ này …
Bái quay lại nói với tên chủ nhà ngủ mặt bóng loáng:
- Ông cho chúng tôi coi căn phòng ông đã cho Bà Tuấn hoặc là cô Vân mướn.
- Xin mời các ông theo tôi …
Tuy nói thế nhưng chúng tôi thấy rõ là Y không có vẻ sốt sắng lắm trong việc đưa chúng tôi đi coi phòng.
Chúng tôi đi theo Y lên lầu. Những bậc thang cáu đầy những đất dính với đờm rãi và hàng trăm thứ khác bốc lên một thứ mùi hôi hám không thể tả. Tôi càng thêm đau khổ và tủi hận khi nghĩ rằng Ngọc, người vợ mà tôi yêu thương nhất đời, đã phải đặt những gót giầy của nàng trên những bậc thang dơ dáy, bẩn thỉu này. Cổ họng tôi nghẹn lại khi nghĩ tới nàng. Tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được hình ảnh của Ngọc đi trên những bậc thang này, sống trong bốn bức tường tồi tàn, sặc mùi sa đọa và trụy lạc này.
Bọn Paul Văn đã nắm được sự bí mật gì của đời nàng đến nỗi nàng phải nghe lời chúng đến như thế này?
Tại sao nàng lại dấu sự đe dọa ấy không cho tôi biết? Nàng sợ rằng nếu tôi biết, tôi sẽ không yêu nàng nữa ư? Ngọc đã lầm, thật lầm. Người đàn bà dù là người đàn bà thông minh, đôi khi vẫn có những cái lầm tai hại như thế. Và những cái lầm đó thường tai hại đến nhiều cuộc đời, nhất là làm hại lớn đến cuộc đời của những người yêu họ.
Đúng như tên chủ nói, khách sạn dường như không có một người khách trọ nào. Không hiểu vì không có ai thèm đến mướn phòng hay là Y không cho mướn thật như Y nói với chúng tôi. Chỉ biết là tôi lên hết cầu thang tới một hành lang cũng dơ dáy như cầu thang, tôi thấy mấy cánh cửa phòng đều đóng kín mít.
Tên chủ mặt nhờn tới một cánh cửa, Y lựa chìa khóa mở cửa phòng và đẩy rộng cho chúng tôi vào.
Căn phòng, tuy vậy, không đến nỗi nào tồi tàn lắm. Nghĩa là không đến nỗi quá bẩn thỉu như tôi tưởng, mầu sơn trên tường có loang lổ, trên trần có vài vết dột nước mưa loang lổ và chiếc giường là giường sắt, song nệm giường khá trắng và chắc là không có rệp, cửa phòng không thấy có lỗ thủng nào quá rõ cả.
Tôi có thể chấp nhận được việc vợ tôi có thể sống được một ngày trong căn phòng khách sạn như thế này.
Tên chủ nói bằng một giọng kiêu hãnh:
- Đây là phòng hạng nhất của tôi, chỉ dành cho khách sang …
- Ông đã kiểm soát phòng này sau khi bà ấy đi rồi chứ?
- Thưa đã, nhưng cũng chẳng có gì để kiểm soát … Bà ấy không có hành lý nhiều. Có gì bà ấy đã mang đi hết.
- Chắc không … Có gì của bà ấy để lại không? Chúng tôi cần tìm lại những món đồ của bà ấy để lại dù là đồ nhỏ nhặt nhất. Cố nhớ lại coi …?
Tên chủ gân cổ:
- Thưa không có gì để lại … Đó các ông coi.
Bái lẳng lặng không nói gì. Anh tới mở những ngăn tủ rỗng không, lật cả nệm giường lên, nhòm xuống gầm giường thấp tè, nhòm cả trong nhà tắm nhỏ xíu. Tôi đi theo Bái nhưng tôi nhìn anh tìm tòi với một vẻ thản nhiên gần như là dửng dưng. Từ lâu rồi tôi đã từ bỏ cái hy vọng có thể tìm thấy một vật gì của Ngọc, một vật mà nàng mang đi theo nàng đêm nàng xa tôi. Nàng như một người đột nhiên biến mất vào không gian. Như chưa từng bao giờ cuộc đời này có nàng.
Không có qua một bằng chứng gì chứng tỏ rằng Ngọc đã sống gần 24 tiếng đồng hồ trong căn phòng này. Thật ra, tôi không muốn tìm thấy một vật gì của Ngọc ở đây hết, vì nơi này dơ dáy, bẩn thỉu quá. Tôi không muốn biết chắc là Ngọc đã nằm ngủ trên chiếc giường có cả ngàn cặp nam nữ đã nằm không phải là để ngủ mà là để thỏa mãn nhục dục này. Chẳng thà tôi không tìm thấy gì của nàng ở đây còn hơn.
Tôi muốn tất cả dấu vết của Ngọc biến đi hết trong căn phòng này.
Sau một hồi lục soát không kết quả trong phòng, Bái quay lại:
- Xong rồi. Bây giờ chỉ còn một việc nữa phải làm thôi. Ông đưa cho tôi tất cả những chìa khóa các cửa phòng, cửa tủ trong nhà này. Tôi cần làm một cuộc khám xét trọn nhà này …
Bộ mặt bóng lưỡng của tên chủ xanh rờn ra như tầu lá:
- Hiện giờ … khách sạn của tôi vắng khách …
- Ông nói thế làm sao tôi biết chắc được? Biết đâu người chúng tôi đến tìm lại chẳng ở một phòng nào khác …? Hai nữa … có gì bảo đảm là ông không dấu một vật gì của bà ấy bỏ lại? Một vật có thể giúp cho tôi tìm thấy bà ấy? Thôi … đừng lôi thôi nữa … Đưa tất cả chìa khóa đây …
Tên chủ ấp úng:
- Tôi không lấy gì của bà ấy hết … Tôi đã thề là bà ấy mang đi hết …
Bái lãnh đạm và đầy đe dọa:
- Để coi khắc biết …
Đột nhiên, tên chủ làm một quyết định:
- Thôi ông khỏi phải xét − Y nói như rên rỉ − Bà ấy có bỏ lại một món đồ! Để tôi lấy đưa cho các ông. Tôi định giữ để đưa trả bà ấy khi bả trở lại …
- Đồ gì??
- Một bộ đồ trang điểm … Tôi để dưới nhà, mời các ông trở xuống …
Y đi mau xuống thang lầu và chúng tôi theo Y. Khi trở lại căn phòng được dùng làm văn phòng của Y, chúng tôi thấy Y mở tủ lấy ra một cái bao nhỏ bằng da làm theo hình hộp vuông. Đây là bộ đồ trang điểm mà tôi đã mua tặng Ngọc nhân dịp sinh nhật năm ngoái của nàng. Cái bao nhỏ còn mới nguyên, không cần nhìn tôi cũng nhận ra nó chính là một vật của Ngọc. Cái bao này tuy không đắt tiền lắm nhưng có vẻ là những đồ bán được tiền. Tên chủ khách sạn này chưa kịp xem xét kỹ nên có thể Y tưởng những hột đá nạm ở cán những gương lược trong bao đều là đá quí.
Một chuyện thật lạ lùng đã xẩy ra: tôi chẳng thấy qua một xúc động nhỏ nào khi nhìn thấy cái vật rất thân, rất gần với Ngọc trong cái khách sạn dơ dáy này. Có lẽ vì trong vài ngày gần đây, khả năng xúc động của tôi đã bị mòn đi quá nhiều. Thượng sĩ Bái hỏi tôi:
- Có phải vật này của bà Ngọc không ông?
Tôi chỉ có thể nói một câu ngắn và gọn y như tôi là người ngoại cuộc:
- Đúng rồi.
Bái mở bao da đưa cho tôi coi những vật bên trong:
- Có còn đủ cả không, ông?
Không nhìn, tôi đáp ngay:
- Đủ cả, chẳng thiếu gì.
Bái vẫn chưa buông tha anh chủ khách sạn mặt bóng nhẫy:
- Tuy nhiên … tôi vẫn nghĩ rằng ông chủ đây hãy còn dấu chúng ta một vài vật gì nữa của bà Ngọc …
Gã chủ nói như hộc lên:
- Tôi xin lấy danh dự ra để thề với hai ông là tôi không còn giữ hay dấu diếm hai ông vật gì của bà ấy …
Bái cắt ngang:
- Tôi xin lỗi vì tôi không tin được ở cái danh dự của ông … Có cái gì làm đích để chúng tôi có thể tin rằng Bà Ngọc, người mà chúng tôi có nhiệm vụ đi tìm … hiện giờ lại không còn ở trong nhà này …? Rất có thể là bà ấy còn sống, nấp đâu đó hoặc là bả đã chết …? Hả?
Anh ta nói câu đó với một vẻ mặt và giọng nói thản nhiên, nghe như nói đùa, nói nghe chơi chứ không phải là chuyện có thể là sự thật. Vậy mà khi nghe đến tiếng “chết”, trái tim tôi như ngừng đập và ruột tôi thót lại.
- Không mà … ông … Tội nghiệp tôi mà – Gã chủ mặt bóng nhoáng hộc lên – Tôi nói thật mà … Làm sao tôi dám dấu cảnh sát nếu bà ấy chết trong nhà tôi?? Bà ấy đi với cái nhà ông thọt chân … Từ phút đó, tôi không còn trông thấy hai người đó …
- Nếu ông không dấu gì trong nhà này, tại sao ông lại sợ không dám cho tôi đi coi? Tại sao?
Gã chủ cứng họng không thể trả lời được câu hỏi đó của Bái. Gã biết gã có phản đối cũng không được. Gã chỉ còn cách lầu bầu nói gì đó trong mồm, chắc là những câu chửi rủa.
Bái hỏi tôi:
- Tôi đi coi nhà này, ông có muốn đi cùng với tôi không?
Tôi lắc đầu:
- Nếu không cần đến tôi phải đi, cho tôi ngồi lại đây …
Không hiểu rõ tại sao ý nghĩ đi coi khắp cả cái khách sạn dơ dáy, tồi tàn, sa đọa này làm cho tôi kinh tởm. Và tôi cũng không thể nào quên được lời nói ghê gớm của Bái: “… Bà còn sống, nấp đâu đó hoặc là bà ấy đã chết …”
Bái đi với gã chủ chừng 15 phút, tôi một mình ngồi lại trong căn phòng tối. Khi trở lại, Bái tỏ vẻ thất vọng. Có lẽ anh hy vọng tìm thấy vợ tôi bị giết bỏ xác nằm trong một ngăn tủ nào thật chăng?
- Chúng ta đi thôi – Bái nói với tôi.
Chúng tôi vào xe và khi xe đã chạy một quãng khá xa, Bái mới nói:
- Tôi nghĩ rằng gã chủ khách sạn đó không có giữ một vai trò gì trong vụ bà Ngọc mất tích … Vì vậy tôi không bắt gã về để điều tra thêm.
Tôi hỏi:
- Thượng sĩ tìm thấy bằng chứng gì mà tin như vậy?
- Vì anh chàng thọt chân mà hắn nói là tới đón bà Ngọc đi. Hắn tả đúng nhân vật thọt chân bí mật đã tới phi trường gặp bà vợ ông theo như lời ông tài xế xe buýt của Công Ty Hàng Không đã nói cho chúng tôi biết. Chắc chắn giữa ông tài xế đó và tên chủ khách sạn này không hề liên lạc với nhau. Do đó tôi tin rằng tên chủ khách sạn nói thật. Hắn có thể lưu manh nhưng hắn thật sự không phải là đồng lõa trong vụ này đâu.
- Biết đâu hắn và tên thọt chân lại không toa rập với nhau?
- Nếu chúng là đồng lõa, tên chủ khách sạn chắc chắn đã dấu không khai rõ tên thọt chân đến thế. Hắn đã khai láo ra một người khác chứ? Ông có đồng ý vậy không? Hắn đâu có khai rõ đồng lõa của hắn ra để đồng lõa của hắn bị bắt?
Tôi hỏi:
- Còn vụ đi coi nhà? Ông có thấy chi lạ không?
- Tôi chưa tìm thấy gì rõ rệt. Muốn tìm dấu vết gì để lại, tôi phải trở lại đó với một số chuyên viên mới được. Nói để ông biết là mất công và mất thì giờ lắm. Tôi biết rằng thằng cha chủ khách sạn đó có bán thuốc phiện lậu, có mâm đèn ống hút. Nhưng về dấu vết của Bà Ngọc thì không có gì hết …
Tôi chợt hiểu:
- Chắc là vì hắn bán thuốc phiện nên hắn mới ngần ngại không muốn để cho ông đi khám nhà hắn chứ gì?
Bái gật đầu:
- Đúng vậy. Những khách sạn loại này ở Chợ Lớn thường phải làm thêm nhiều trò phạm pháp để sống. Ông thấy các phòng vắng tanh đó, có ai trọ đâu. Nếu chỉ trông vào khách trọ thì họ không thể nào sống được. Cảnh sát chúng tôi nhiều khi biết nhưng cũng phải châm chế cho họ. Chúng tôi can thiệp khi nào họ làm ăn lộ liễu quá hoặc có sự khiếu nại của đệ tam nhân. Chúng tôi châm chước là … châm chước chứ đâu có phải là ăn tiền mà mặc họ muốn làm gì thì làm.
Một lát sau, Bái hỏi tôi:
- Về cái bao da đựng đồ trang điểm của bà nhà, ông định giữ chứ?
- Vâng, tôi đáp, nếu không có gì trái luật, ông cho tôi giữ. Chính tôi mua tặng vợ tôi món đồ ấy.
- Theo đúng luật thì chúng tôi phải coi đó là một tang vật và không thể trao cho ai được trước khi cuộc điều tra chấm dứt. Song trong trường hợp ông, tôi tin rằng Thiếu tá Trịnh sẽ bằng lòng để ông giữ với điều kiện là ông ký có nhận một món đồ như vậy và hứa sẽ sẵn sàng giao lại cho chúng tôi nếu cuộc điều tra cần đến.
Xe vẫn chạy trong đường phố đầy xe cộ và người đi làm về. Tim tôi chợt bồi hồi như tôi vừa chứng kiến một cái gì đổ vỡ không làm sao còn có thể hàn gắn được. Tôi ôm chặt cái bao da vào ngực. Khi còn có Ngọc ở bên, cái bao da này chẳng có giá trị gì. Mất nó, tôi mua ngay tặng nàng một cái khác. Nhưng bây giờ khi đã mất nàng, vật này trở thành vô cùng quí báu với tôi. Vì nàng đã dùng đến nó, vì những ngón tay nàng đã cầm nó, vì nó đã chạm vào da thịt, vào tóc, vào mặt, má môi của nàng … Nhưng tôi sẽ mất nàng thật ư? Tôi không thể nào làm quen được với ý nghĩ là tôi mất Ngọc.
Tôi hồi hộp nói:
- Chuyến đi chiều nay của chúng ta cũng được việc đây, song chưa đủ, chúng ta vẫn chưa tiến thêm được bao nhiêu … Cần tìm ra và bắt ngay thằng thọt chân đó. Chính nó chủ mưu vụ này. Nó là chánh phạm. Tìm được ra nó là ra tất …
Chắc giọng nói hồi hộp của tôi làm cho Thượng sĩ Bái xúc động, anh vừa lái xe vào cổng Tổng Nha Cảnh Sát vừa quay mặt nhìn tôi:
- Đừng vội, ông Tuấn … Ông nên bình tĩnh … Cuộc điều tra còn đang tiến hành mà … Chúng ta đã xong việc đâu …?
Người Vợ Mất Tích Người Vợ Mất Tích - Hoàng Hải Thủy Người Vợ Mất Tích