Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Thanh Vân
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: Lưỡng Thủ Quái Nhân
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8477 / 50
Cập nhật: 2018-02-01 21:41:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25: (Bản Scan Gốc Không Có) Chương 26: Chỉ Vì Lòng Tham Mới Đấu Chí Mạng - Vật Báu Tới Tay Lại Bị Bay Mất
an Thiền Hoạt Phật là đệ tử tái truyền của Ngạc Ba, khai sơn tổ sư của Hoàng giáo. Thiền công của Ngạc Ba đã luyện tới mức xuất thần nhập hóa, còn Ban Thiền cũng học hỏi được tám chín thành của khai sơn tổ sư rồi. Lúc nãy y đã đấu xáp lá cà với Canh Thạch liền giở pho Ngũ Phật Thủ một môn thiên công tuyệt truyền của Ngạc Ba ra, hai tay của y như cái gậy sắt chém ngang bổ dọc mạnh khôn tả.
Canh Thạch hơi sơ ý một chút để cho đối phương xông tới gần đánh xáp lá cà như vậy nên không sao giở được Vô Hình quyền pháp ra nữa, nhưng dù sao y cũng là một trong Ngũ Bá của thiên hạ chứ có phải tầm thường đâu? Dù đã trót để cho đối phương tiến tới gần không sao sử dụng được Vô Hình quyền pháp, Canh Thạch đành phải giở hàn pháp rất lẹ ra và sử dụng một pho chưởng pháp biến hóa khôn lường để đối địch với Ngũ Phật Thủ của Ban Thiền.
Pho chưởng pháp ấy của Canh Thạch tên là Phiêu Vân chưởng. Như những tảng băng ở bên trên rớt xuống đều rơi xuống bên dưới đập vỡ hết những thỏi băng bén nhọn, chỉ trong chốc lát nơi đó đã thành một tảng đá băng cứng rắn và bằng phẳng. Chưởng pháp này trông rất nhẹ nhàng, hầu như không có hơi sức gì hết, nhưng sự thật kình lực rất mạnh cũng như Tiên Thiên Tinh chưởng, võ học chính tông của các phái Trung Nguyên vậy, khi nào đánh trúng vào người kẻ địch, chưởng lực mới dồn ra, và phải tới khi đó kẻ địch mới biết pho chưởng pháp ấy lợi hại như thế nào?
Nhờ có pho chưởng pháp đó vừa lẹ làng vừa đỡ tốn hơi sức, Canh Thạch không bị luống cuống như lúc đầu, và nhờ có pho khinh công rất nhanh nhẹn nên tha hồ Ban Thiền tấn công như vũ bão y cũng không việc gì cả.
Hơn hai trăm đệ tử của phái Tây Tạng đứng bao vây xung quanh. Tên nào tên nấy trong tay đều cầm khí giới cứ lăm le muốn nhảy vào giúp sư phụ mình.
Tuy chúng không xông vào giúp sư phụ được nhưng chúng tăng ở bên ngoài thỉnh thoảng hò reo vài tiếng để trợ oai cho Hoạt Phật.
Mặt trăng đã dần dần xuống phía Tây, hai thiếu nữ ngồi ẩn núp ở trên cành thông, trong lòng rất lo âu. Tuy hai nàng ngồi xem trận đấu của Ban Thiền với Canh Thạch, nhưng sự thật lúc nào cũng để ý đến bên dưới Âm Phong Cốc.
Dưới Âm Phong Cốc chỉ thoáng có những tiếng kêu "veo, veo" thổi lên thôi, chứ còn không trông thấy gì và cũng không nghe thấy gì nữa hết, mà sự thật dù cho bên dưới có tiếng gì nho nhỏ nổi lên cũng bị tiếng quát tháo như sấm động của bọn lạt ma che lấp rồi thì làm sao mà nghe thấy được.
Người ngồi ở cạnh tảng đá đợi chờ vẫn ngồi yên ở đó, y vẫn tựa như một người đi săn rất kiên tâm chờ mồi xuất hiện vậy.
Còn sợi dây thừng từ chỗ y ngồi xuống thẳng bên dưới đã bị hơi lạnh làm cho cứng ngắc.
Lúc ấy ở dưới cuối dây người ta không còn thấy hình bóng của Thiên Tứ đâu nữa.
Thì ra lúc ấy Thiên Tứ nuốt hết hai bông hoa hình nấm và cả cây đó vào mồm thì bỗng trên đầu có một tảng băng lớn rớt xuống, chàng giật mình kinh hãi, tay vẫn cầm dây thừng và hai chân đạp mạnh một cái, người đã bắn ra ngoài xa ngay.
Thiên Tứ từ từ đu ra đến cạnh cái hang động lớn. Khi còn cách hang động chừng mười trượng chàng liền cảm thấy một luồng hơi lạnh buốt xương khiến mình mẩy chân tay chàng cứng ngắc, suýt tý nữa không thể nắm được dây thừng mà bị rớt xuống dưới.
Cũng may lúc ấy sợi dây đu ra tới đó đã hết đà, nên chàng lại bị đưa về chỗ cũ, chàng lại cảm thấy mình mẩy ấm áp đồng thời còn thấy một luồng hơi nóng từ chỗ bụng dưới bốc lên lan tràn ra tứ chi. Lúc ấy chàng mới biết nhờ có cây hoa lạ kia mình mới thoát khỏi tai ách đó.
Lúc ấy chàng thấy chỗ vách băng như bị khoét một mảnh lớn sâu hõm vào bên trong, như vậy chưa thấy gì làm lạ còn một điều lạ hơn nữa là chỗ lõm vào đó lại hiện ra một khoảng chỉ vừa đi lọt một người. Nhờ có ánh sáng hạt châu chàng nhìn vào bên trong thấy sâu vô cùng chàng liền nghĩ bụng:
"Có lẽ nơi có báu vật là ở trong khe núi này cũng nên."
Chàng liền đi ngay vào bên trong, cái khe ấy cứ khuất khuất khúc khúc, nhưng chàng vẫn không sợ cứ tiến thẳng vào. Ngờ đâu càng đi sâu vào bao nhiêu thì lối đi càng khúc khuỷu bấy nhiêu và lối đi cũng rộng hơn trước nhiều.
Lúc ấy chàng đã thấy hai bên vách không còn là vách băng nữa mà là vách đá đỏ sẫm. Chàng ngạc nhiên vô cùng giơ tay lên rờ mó, chàng lại càng kinh ngạc thêm vì vách đá ấy tuy không phải là vách băng nhưng lại còn lạnh hơn băng nhiều. Không ngờ đi được một lúc, hai bên vách đá đã hết lạnh buốt và thấy nóng dần, nóng như vách lửa vậy. Hoàn cảnh kỳ lạ ấy chàng không kinh hãi sao được.
Mặc dù hoàn cảnh thay đổi ra sao chàng vẫn tiếp tục tiến thẳng vào bên trong, quanh co ba cái eo nữa thì chàng đã thấy phía đằng trước lớn rộng hẳn. Chàng giơ hạt châu lên soi xem mới hay con đường hang đã rộng mấy trượng và cao gấp bội. Phía đằng trước nơi chính giữa có một cái cửa tròn cao và rộng chừng trượng rưỡi, bên trong có ánh sáng chói lọi, chàng không biết có phải ánh sáng phản chiếu bởi hạt châu của mình không? Chàng thử bỏ hạt châu vào túi liền thấy ánh sáng bên trong còn sáng hơn hồi nãy nhiều.
Chàng vừa hoài nghi vừa mừng rỡ, biết mình đã tìm tới nơi rồi. Chàng đi tới cạnh cửa, đã thấy bên trong có hơi ấm dồn ra nhưng chàng vẫn tiếp tục bước qua cái cửa tròn, liền thấy trong đó trên những vách động hình như có khảm rất nhiều hột soàn nên mới có ánh sáng chói lọi như vậy. Chỗ chính giữa trên mặt đất còn có một cái hang lửa rộng hơn trượng, lửa bên dưới phun lên cao chừng năm thước. Lúc này chàng mới biết ánh sáng chói lọi ở trong này là vì ánh lửa chiếu vào những hột soàn ở trên vách đá. Nhất là những hột soàn ấy chiếu ra những ánh sáng và cũng như vô số con mắt ở bốn mặt tám phương đang nhấp nháy nhìn chàng vậy.
Chàng liền đi tới cạnh vách, dùng chỉ lực bấu mười mấy viên hột soàn to bằng quả đấm bỏ vào trong túi định đem lên tặng cho hai nàng, rồi chàng mới từ từ tiến thẳng tới chỗ hang lửa.
Chàng càng đến gần bao nhiêu càng cảm thấy hơi nóng hơn trước bấy nhiêu, dù chàng vận nội công để chống lại và vẫn thấy mồ hôi toát ra như tắm.
Chàng định đi vòng quanh hang lửa đó để tiến sâu vào nữa nhưng thấy ngoài hang lửa ấy ra còn xung quanh chỉ là vách đá thôi chứ không còn lối đi nữa. Đồng thời chàng lại phát hiện dưới hang lửa xung quanh mép có rất nhiều chữ, cho nên chàng cố hết sức chịu đựng hơi nóng kỳ lạ ấy mà tiến đến cạnh hang lửa.
Khi tới chỗ còn cách ba thước nữa thì đến miệng hang chàng đã trông thấy rõ những chữ đó rồi chàng mới dừng lại.
Chàng ngồi xổm xuống để xem những chữ vừa nhỏ vừa chằng chịt đó, chàng đã phát hiện những chữ của người xưa để lại, thì tất nhiên những chữ này thế nào cũng có liên quan đến tiền bối Đại Hiệp Lâm Sam Thần Long Lý Ngọc Kỳ giấu diếm cuốn bí kíp ở trong này như thế nào.
Chàng vừa dùng tay áo lau chùi mồ hôi vừa để ý nhìn xem những chữ viết ở mép đá đó. Chàng thấy những chữ đó viết rằng:
"Âm Phong Cốc là một nơi chí âm của Trời Đất, trong hang thường có những luồng gió âm thổi ra vừa độc vừa mạnh, người và thú bị gió âm ấy thổi phải sẽ chết khô ngay. Cũng may miệng gió hướng lên trời và gió thổi lên cứ thổi thẳng lên trời không để thấy tạo vật kỳ lạ như thế nào.
Ngoài sự kỳ lạ đó còn có một sự kỳ lạ nữa là hang lửa này là chí Dương của trời đất, sức nóng của nó mạnh vô cùng bất cứ vật gì gần nó cũng bị sức nóng của nó làm cho tan thành nước hết. Hai vật kỳ lạ này ở gần nhau, hễ Âm kém thì Dương mạnh và ngược lại, Âm Dương phối hợp nhị cực hợp lại làm một biến thành một khối mới kết thành những tảng đá tinh anh như những tảng đá có ánh sáng ngũ sắc long lanh như ở trên vách động vậy.
Mỗ được ngộ kỳ duyên từ hồi còn nhỏ, lại được học hỏi khoa Lưỡng Nghi, lúc tuổi già triết ngộ huyền cơ ngao du thiên hạ, đi tới Tây Tạng thì gặp một phiên tăng tên là Nhữ Điên. Y rất ngông cuồng không coi ai vào đâu hết, nên y có ý muốn vào Trung Nguyên làm bá chủ võ lâm Trung Thổ. Tuy mỗ đã Tích Cốc, nhưng vì lòng yêu con cháu Hán tộc thấy thế liền dụ y đấu, rốt cuộc đánh bại y và bắt y phải quay về Tây Tạng.
Mỗ thấy sơn cốc này rất kỳ lạ liền xuống ngao du và tìm thấy hang động này. Trong lúc ngồi yên tham thiền thì bỗng thấy những việc sau như hiện ra ở trước mặt. Mỗ rất đau lòng nhưng không dám nghịch trời mà thi hành, vì vậy mới để lại một ít chữ ở nơi đây để giúp cho người sau tới đây mà hiểu biết qua loa những sự thể đó."
Bên dưới không có ký tên gì cả, chỉ vẽ một con rồng thần năm chân. Thiên Tứ đoán chắc đó là phù hiệu riêng của Lý Ngọc Kỳ.
Đọc xong những chữ đó, Thiên Tứ đã thấy mồ hôi của mình chảy ra như tắm, nhưng ra tới áo đã bị hơi lửa làm cho khô liền.
Nóng quá chàng chịu không nổi vội lui ra bên ngoài, đứng nghĩ ngợi giây lát rồi mới quay vào bên trong để tìm kiếm những di vật của Lý Ngọc Kỳ để lại. Chàng ở trong hang động đó đi quanh một vòng, chỉ lấy được một ít đá kỳ lạ kia thôi, ngoài ra không tìm thấy được một vật gì khác cả nhưng chàng vẫn chưa nản chí, lại tiến tới gần hang lửa để xét xem bên dưới có gì không?
Nhưng luôn ba lần chàng chịu không nổi sức nóng đành phải lui trở lại.
Chàng chán nản ngồi xuống nghỉ ngơi và nghĩ bụng:
"Trong hang động này tuy lớn rộng nhưng đâu đâu cũng là vách đá cứng rắn vô cùng và không có một khe đá nào khả nghi hết, nếu quả bí kíp của Lý đại hiệp để lại thì bí kíp đó giấu ở đâu? Lý Ngọc Kỳ đã là một vị anh hiệp có để chữ ở nơi đây thì tất phải có giấu bí kíp quanh nơi đây chứ không bao giờ ông ta lại lừa dối người".
Nghĩ như vậy chàng lại ngẫm nghĩ những chữ khắc ở trong hang lửa một hồi, sau cùng chàng mới vỡ nhẽ, nhất thời phấn khởi vô cùng, vội tiến tới gần hang lửa cúi đầu nhìn xem, con rồng thần này đang nhắm mắt ngao du, nhưng chỉ có một tay khác thường là chỉ chéo lên trên. Chàng nhìn theo chỗ chỉ của chân con rồng, mới hay chân ấy chỉ đúng vào hang lửa. Chàng càng thắc mắc khó hiểu. Nhưng lúc đó chàng lại phát hiện kỳ tích là sao lần này mình tới gần lại không thấy nóng như hồi trước nữa? Nghĩ mãi vẫn không nghĩ ra được nguyên nhân, sau cùng chàng đánh liều táo bạo tiến thêm hai bước đến gần mép lửa, cúi nhìn xuống bên dưới. Quả thấy chỗ cách hang chừng ba thước có một cái hộp sắt đỏ hồng.
Chàng đã trông thấy cái hộp sắt ấy rồi, bây giờ làm thế nào mà lấy lên được? Cau mày suy nghĩ giây lát, chàng vội móc túi lấy một sợi dây đằng đầu có cột một chiếc bàn tay sắt ra và ném xuống bên dưới để lôi chiếc hộp sắt đó lên. Nhưng sợi dây với bàn tay sắt vừa phi được hai thước thì đã bị ngọn lửa ở dưới bốc lên, cả sợi dây với bàn tay sắt đều bị một ngọn lửa bốc lên làm cho hóa thành một làn khói xanh và biến mất.
Thiên Tứ giật mình kinh hãi vội nhảy lui về phía sau hai trượng, rờ tay vào quần áo thử xem, thấy không việc gì cả chàng mới yên tâm.
Chàng rất lấy làm thắc mắc, vì sức lửa ấy nóng và độc như vậy, tại sao bây giờ chàng không cảm thấy nóng và quần áo lại không cháy rụi gì hết? Chàng đang thắc mắc không hiểu, bỗng trông thấy những hột soàn lóng lánh ở trên vách, chàng liền nghĩ bụng:
"Hay là vì trong túi ta có đựng những hột soàn kia mà không thấy nóng chăng?..."
Nghĩ tới đó chàng liền lấy một viên hột soàn ra thử ném vào trong lửa, chỉ thấy hột soàn đụng vào vách bên kia, bắn đi bắn lại hoài chứ không hề hấn gì hết. Chàng cả mừng vội chạy tới vách đá lấy thêm mấy cục đá ấy xuống, rồi đi tới cạnh hang lửa ném vào cái hộp sắt đỏ hồng kia.
Chỉ thấy kêu "xoẹt" cái hộp kia liền bắn lên một thước. Chàng nhanh tay ném luôn viên thứ ba, thứ tư xuống dưới đáy hộp đang bay hai viên ấy va đụng vào nhau một cái rớt xuống dưới hang lửa, còn một cái bắn ngược lên đụng ngay vào đáy cái hộp sắt, quả nhiên cái hộp ấy đã bắn lên trên cao. Chàng không dám dùng tay bắt cái hộp, lại vội lấy một viên nữa ném ngay vào thân hộp, thế là cái hộp ấy liền bắn ra bên ngoài.
Lúc ấy Thiên Tứ vội khấn thầm vài câu và vái một lạy để cảm tạ tiền bối đại hiệp đã tặng cho, rồi chàng lại lấy thêm mấy trái hột soàn nữa bỏ vào túi xong mới đi đến cái hộp sắt.
Chàng thấy hộp sắt vẫn đỏ hồng không tiện dùng tay cầm, chàng lại dùng đá hột soàn ném vào cái hộp tới cạnh vách băng. Độ một lát sau cái hộp đã nguội và biến thành đen sì, lúc ấy chàng mới dám nắm cái hộp lên xem.
Chàng thấy hộp sắt này to như một quyển sách, dầy chừng năm tấc và khá trĩu tay, nhưng bốn bên không thấy có khe gì cả, tựa như một khối sắt nguyên lành vậy. Chàng thấy bên trên có viết bốn chữ Triện: "Nhất Nguyên chính khí" và một con rồng năm chân.
Chàng thấy mình xuống dưới sơn cốc này đã lâu rồi, sợ hai nàng ở trên nóng lòng sốt ruột nên chàng không muốn nghĩ cách mở cái hộp ra nữa, mà chỉ thuận tay bỏ luôn cái hộp đó vào trong lòng rồi chạy thẳng ra bên ngoài.
Khi ra tới ngoài cửa khe, thấy cảnh vật vẫn như trước, chỉ có gió là lạnh hơn trước nhiều thôi nhưng lạ thật, lúc này chàng không cần vận nội công để chống lại hơi rét và cũng không cảm thấy giá lạnh gì hết. Trái lại còn thấy trong người có một luồng hơi ấm rất tự nhiên cứ chạy quanh khắp mình mẩy và hơi đó đi tới đâu đã đuổi ngay hơi lạnh tới đó.
Chàng mừng rỡ khôn tả nghĩ bụng:
"Có lẽ đó là hiệu quả của hai bông hoa hình nấm kia cũng nên?"
Chàng không muốn ở dưới ấy lâu, nghỉ ngơi giây lát bèn nắm đầu sợi dây thừng mà leo lên luôn. Lúc này hơi sức dồi dào và không thấy giá lạnh nữa nên chàng leo nhanh như một con vượn vậy, chỉ trong nháy mắt đã lên được nửa đường rồi.
Lúc ấy ở dưới đáy cốc càng ngày càng lớn và tiếng hò hét ở bên trên cũng đã văng vẳng nghe thấy. Chàng ngạc nhiên vô cùng vội ngẩng đầu lên nhìn nhưng chỉ thấy trăng với sao thôi chứ tuyệt nhiên không thấy hình bóng người nào hết. Chàng lại thắc mắc và do dự không biết có nên lên trên ngay hay không?
Đang lúc ấy chàng cảm thấy sợi dây như có người lôi lên vậy, chỉ thoáng cái đã lên được hơn mười trượng. Chàng vừa kinh hãi vừa nghi ngờ không hiểu ai ở bên trên lôi mình lên như thế? Nếu bên trên là bạn thì không sao, nhược bằng là địch đối phương chỉ cắt đứt sợi dây thừng là mình sẽ hết đời ngay.
Lúc ấy Thiên Tứ không dám sơ ý, vội nín hơi lấy sức, cố làm cho người mình nhẹ hẳn đi để người lôi sợi dây đỡ tốn hơi sức. Một mặt thì chàng đề phòng xem có cách gì thoát không, nếu người ở bên trên cắt đứt sợi dây thừng.
Một lát sau chàng đã lên tới chỗ gần đỉnh núi, chỉ còn mười trượng nữa là tới nơi. Chàng không hiểu người trên đó là ai, hai vị Thiến muội hay là Bại Sư lão nhân với Thích Thích Ông? Sau chàng nghĩ lại Bại Sư lão nhân với Thích Thích Ông có biết chàng tới đây đâu? Còn hai vị Thiến muội thì mình đã dặn họ đừng có tới gần. Nếu tới gần bọn lạt ma sẽ hay biết liền như vậy thì còn ai vào đó nữa? Chàng nghĩ mãi mà vẫn không nghĩ ra là ai.
Lúc ấy tiếng hò hét ở bên trên càng ngày càng rõ thêm và chàng đã nhận ra đó là tiếng hò hét của bọn Phiên tăng. Chàng lại ngờ là quần hùng ở Trung Nguyên đã phát động và đang đánh nhau với bọn Phiên tăng cũng nên.
Chàng đang suy nghĩ thì bỗng ở trên có giọng nói lanh lảnh vọng xuống:
- Ối chà! Đại ca!... Đã tìm thấy chưa?
Thiên Tứ đã nhận ra đó là tiếng của Hàn Thiến Thiến, chàng không hiểu bên trên xảy ra chuyện gì và cũng không thấy hình bóng nàng ta đâu hết. Nhưng chàng không do dự gì cả vội dùng cách "Thiên Lý Truyền Âm" trả lời rằng:
- Anh đã tìm thấy rồi! Thiến muội các người...
Không đợi chàng nói dứt, Hàn Thiến Thiến ở trên đã vội nói tiếp:
- Nguy tai! Bọn chúng đã tới hết! Chúng đều biết cả rồi, đôi bên đang đánh nhau kịch liệt và đã sắp sửa xông tới nơi rồi đấy! Đại ca mau ném vật đó lên để tiểu muội dụ chúng ra nơi khác. Ối chà, mau mau, chị Hoa Thiến Thiến đang nguy hiểm đấy...
Thiên Tứ giật mình kinh hãi vội móc túi ném cái hộp sắt ngay lên phía trên đồng thời đáp:
- Được! Thiến muội hãy bắt lấy...
Chàng vừa nói vừa leo lên được năm trượng, ngờ đâu vừa ném hộp sắt ra và đang lên thì đã thấy bên trên có tiếng cười the thé như cú kêu đêm, rất kinh hồn động phách. Đồng thời sợi dây thừng chàng đang cầm đã bị đứt từng khúc một và người chàng bị rớt ngay xuống bên dưới tức thì.
Lúc ấy trên mép cốc đã hiện ra một người mặc võ trang đen như mực, ung dung giơ tay ra bắt lấy cái hộp, rồi vội đứng dậy ngay. Chàng thấy người đó vừa cao vừa to. Y vừa cười vừa phi thân đi luôn.
Các người đang đánh nhau ở bên trên. Nghe thấy tiếng cười the thé ở bên dưới vọng lên. Hai bên vội ngừng tay và những bọn thủ hạ của Hoàng giáo cũng vội ngó xuống bên dưới.
Chỉ trong nháy mắt bên dưới có một cái bóng đen phi lên đứng ở chỗ cách đám đông chừng mười trượng, tay cầm một cái hộp sắt giơ cao lên trên cho mọi người xem. Rồi cười khẩy một tiếng và nói:
- Bí kíp đây rồi, từ giờ trở đi nó là vật của lão phu, các người có tốn công cũng vô ích thôi. Hà tất phải tranh đấu với nhau suông như thế làm chi?...
Nói tới đó, y không chờ ai lên tiếng mà đã cười the thé tỏ vẻ rất đắc chí và chạy ngay xuống dưới núi.
Các người ở trên đỉnh núi cả Triệu Canh Thạch với Ban Thiền đều ngẩn người ra. Chờ tới khi người nọ vừa đi rồi Ban Thiền mới quát lớn:
- Quân khốn nạn! Ngươi là ai mà dám lấy trộm vật của Hoạt Phật?
Y vừa nói vừa đuổi theo luôn. Bọn lạt ma thấy bí kíp đã bị người ta lấy mất khi nào chịu để yên cũng vội đuổi theo ngay. Nhưng không hiểu trong bọn chúng có một tên nào đã thốt lên một câu:
- Ối chà! Người đó là... là Thiết Diện Điểu Trảo đấy!
Mọi người thấy người đó nói như thế đã có hai người liên tiếp nói theo:
- Là Thiết Diện Điểu Trảo ư?
- Có thật là y không?
Thế là những người đuổi theo bỗng ngừng ngay chân lại không dám đuổi tiếp nữa. Cả Hoạt Phật với Canh Thạch đang đuổi đằng trước nghe thấy thế cũng phải giật mình kinh hãi và vội ngừng chân lại. Nhưng Hoạt Phật lại dậm chân một cái rồi đuổi theo tiếp, tuy vậy tốc độ đã chậm hơn trước.
Những người sành điệu trông thấy thế đã biết y sợ hãi đối phương rồi, y đuổi theo như vậy cũng chỉ lấy lệ mà thôi.
Vì người ở phía trước khinh công rất lợi hại không kém gì Vô Hình tú sĩ như vậy Ban Thiền có giở toàn lực ra đuổi theo cũng không kịp.
Vô Hình tú sĩ thấy thế cũng phải tức cười nhưng lại không dám cười ra tiếng vì với thân phận của y mà bị đối phương khinh thường như vậy thì chịu sao nổi. Y đã định đuổi theo, sau nghĩ lại có đuổi cũng vô ích thôi nên y khẽ thở dài rồi lặng lẽ bỏ đi chứ không đuổi theo nữa.
Bọn lạt ma cũng biết rõ ý định của Ban Thiền nên tên nào tên nấy cũng theo Ban Thiền đi nốt.
Trên đỉnh núi lại yên lặng như trước. Một lát sau trên đèo dốc của Âm Phong Cốc bỗng có một bóng người phi thân lên trên sườn núi, người đó chính là La Thiên Tứ.
Thì ra vừa rồi Thiên Tứ bị rớt xuống, nhất thời cuống cả chân tay lên, sau đó rớt xuống được hai trượng chàng mới trấn tĩnh tâm thần vội điều tức đổi hơi giở thế khinh công tuyệt diệu trong Quỷ Ảnh Bách Biến ra và vội giơ hai tay chộp ngay vào vách băng, mười ngón tay của chàng cắm sâu vào trong vách nhờ vậy người chàng mới không rớt xuống nữa.
Thiên Tứ đứng yên ở đó một lát, chàng không dám lên ngay vì sợ kẻ địch còn chưa đi ra tay ám hại mình, nhưng chàng lắng tai nghe ngạc nhiên vô cùng vì không nghe thấy tiếng nói của Hàn Thiến Thiến với Hoa Thiến Thiến nữa, chàng liền nghĩ bụng:
"Chẳng lẽ hai vị Thiến muội đã bị bọn chúng giết hại rồi chăng?"
Nghĩ tới đó chàng đau lòng vô cùng và thề thế nào cũng xé xác tên ác tặc đó ra làm muôn mảnh để rửa mối hận này và trả thù cho hai vị Thiến muội.
Chờ tới khi chàng nghe thấy tiếng người thốt ra câu Thiết Diện Điểu Trảo và bên trên yên lặng dần lúc ấy chàng mới từ từ leo lên.
Khi lên đến trên đỉnh cốc, chàng nhìn xung quanh thấy không có xác người nào và cũng không có vết máu nào hết. Chàng thắc mắc vô cùng liền ngẩng đầu lên rú một tiếng thật dài.
Một lát sau, chàng đã nghe thấy dưới núi chỗ đằng xa có tiếng của con Ngân ngưu "hò" trả lời, chàng cả mừng và nghĩ bụng:
"Ngân ngưu đã ở dưới núi thì hai vị Thiến muội thể nào cũng ở đó."
Chàng đang định phi thân về phía ấy, ngờ đâu mới đi được hơn hai mươi trượng thì đã nghe thấy trên một cây thông có tiếng người vọng xuống:
- Đại ca!...
- Tứ đại ca!...
Chàng nghe thấy hai tiếng kêu gọi đó như bị điện giật, vội tiến về phía đó tìm kiếm thì đã thấy hai nàng Thiến Thiến vừa cười vừa khóc, giơ hai tay ra cùng chạy lại.
Thiên Tứ không hiểu xảy ra chuyện gì, vừa đau lòng vừa thương hại, cũng vội tiến lên giơ hai tay ra nghênh đón, mỗi tay ôm lấy một nàng và ôm cả hai nàng vào trong lòng.
Hai nàng Thiến Thiến như kinh cung chi điểu nay tìm thấy tổ, và như trẻ con lạc loài nay tìm về tới nhà trông thấy người nhà vậy, cả hai cùng mừng rỡ gục đầu vào vai chàng mà khóc.
Thiên Tứ vừa cảm động vừa lo âu vội hỏi:
- Hai người làm sao thế?...
Hàn Thiến Thiến ngẩng đầu lên nhìn chàng một hồi, mặt vẫn còn vẻ sợ hãi, với giọng run run đáp:
- Đại ca không việc gì đấy chứ? Tiểu muội lo sợ quá... sợ đến chết đi được.
Thiên Tứ càng thắc mắc thêm ngơ ngác hỏi lại:
- Tôi vẫn mạnh khỏe như thường chứ có việc gì đâu? Thiến muội...
Hoa Thiến Thiến cũng ngẩng đầu lên, nước mắt dàn dụa nhìn chàng mà cười khì, với giọng dịu dàng mà giải thích rằng:
- Tứ đại ca em với Thiến muội ẩn nấp trên cây kia xem Ban Thiền đánh nhau với Triệu Canh Thạch nhưng lại lo âu hộ đại ca. Và chúng em nghĩ nếu chúng hợp tác với nhau đi xuống dưới đáy cốc thì chúng em sẽ ra quấy nhiễu luôn. Ngờ đâu bên dưới bỗng có một người nhảy lên cười the thé rồi biến mất. Chúng em lại nghe thấy tiếng kêu la của đại ca nữa và thấy bộ dạng đắc ý của tên nọ, chúng em đã biết rõ chuyện gì đã xảy ra rồi... Chúng em định nhảy xuống đấu thí mạng với y, nhưng... vì quá lo sợ, cả hai chị em đều chết giấc...
Nói đến câu sau cùng, hình như vì thấy bất tài mà hỗ thẹn nên nàng bỗng ngắt lời và mặt đỏ bừng lại cúi đầu xuống.
Thiên Tứ kinh ngạc kêu "ủa, ủa" mấy tiếng rồi hình như chàng lẩm bẩm tự nói và cũng như hỏi Hàn Thiến Thiến rằng:
- Cái gì, vừa rồi người ở bên nói không phải là Thiến muội đấy ư?
Hàn Thiến Thiến nguýt chàng một cái và nói tiếp:
- Tiểu muội có xuống dưới đó đâu mà đại ca lại nghe thấy tiếng nói của tiểu muội được?
Suy nghĩ giây lát Thiên Tứ cả giận hậm hực nói:
- Ác tặc giỏi thật! Dám giở thủ đoạn đê hèn ấy ra đánh lừa và ám hại La mỗ. Ngày hôm nay la mỗ may mắn không chết, thế nào cũng có một ngày ta sẽ đấu thí mạng với ngươi.
Hoa Thiến Thiến ngạc nhiên vô cùng, nàng với Hàn Thiến Thiến đồng thanh hỏi:
- Đại ca nói gì thế?
Thiên Tứ thở dài một tiếng, từ từ thâu hai cánh tay lại và kể lại câu chuyện vừa rồi cho hai nàng hay.
Nghe xong Hàn Thiến Thiến vừa tức giận vừa mừng thầm, Hoa Thiến Thiến thì nắm lấy tay Thiên Tứ, với giọng dịu dàng an ủi rằng:
- Đại ca thật là người đại phước, công lực lại thâm hậu. Nếu là người khác thì đâu có sự may mắn như thế. Tuy bây giờ cuốn bí kíp bị Thiết Diện Điểu Trảo đánh lừa lấy mất nhưng trong thời gian ngắn ngủi, chưa chắc y đã mở được cái hộp sắt ấy ra mà học hỏi những võ công tuyệt học của cuốn bí kíp. Cho nên chúng ta mau mau xuống núi dò xét xem sào huyệt và chỗ ở của y ở đâu? Tiểu muội tin chắc thế nào chúng ta cũng cướp lại được cuốn bí kíp ấy.
Vẫn còn hậm hực, Thiên Tứ vội đỡ lời:
- Không phải ngu huynh muốn cướp lại cuốn bí kíp ấy đâu, nhưng dù sao chúng ta cũng không thể để cho tên ma đầu ấy luyện thành tuyệt nghệ. Thôi, chúng ta hãy xuống núi trước rồi hãy nói chuyện ấy sau.
Chàng vừa nói vừa kéo hai nàng đi luôn. Xuống tới lưng chừng núi đã thấy Ngân ngưu với Mai hoa chạy lên nghênh đón ba người rồi.
Thiên Tứ khẽ gọi con tiểu Ngân một tiếng, con bò đã hớn hở chạy lại dùng mồm khẽ cọ xát ngực chàng.
Thiên Tứ nhảy lên trên lưng bò hai nàng Thiến Thiến nhảy lên lưng hươu, cả ba đều tiến thẳng xuống núi. Hai con thú ấy chạy nhanh như bay, chỉ trong nháy mắt đã tới chỗ đồn trú của Ban Thiền Hoạt Phật.
Nhưng ba người rất ngạc nhiên, tiếng chân chạy của con Ngân ngưu kêu như sấm động mà không thấy trong những chiếc bạt Mông Cổ ấy có phản ứng tí gì, như vậy bọn lạt ma không bỏ đi hết thì thế nào cũng ngủ say như chết mới không có một người nào nhảy ra xem và ngăn cản.
Hoa Thiến Thiến biết rõ nguyên nhân gì rồi, nàng vội nói:
- Bây giờ bí kíp đã mất, Ban Thiền tốn công mất sức như vậy mà không nên công trạng gì hết thì y còn mặt mũi gì ở lại đó nữa...
Nói tới đó nàng liền kể lại câu chuyện hồi nãy cho Thiên Tứ nghe, rồi cả ba lại thúc hai con thú xuyên qua cốc đi luôn.
Thiên Tứ vừa nghe vừa suy nghĩ. Chàng nhận thấy Ban Thiền với Triệu Canh Thạch đều là những kẻ chỉ có hư danh thôi, còn mặt khác thì chàng lại càng thương yêu hai nàng Thiến Thiến thêm. Cũng vì vậy chàng nghĩ bụng:
"Không biết ta có phước như người Tề xưa kia, một vợ mấy nàng hầu không?"
Hai con thú thồ ba người đi tới Lan Châu, mới là lúc chiều tà của ngày thứ hai thôi. Đủ thấy là chúng chạy nhanh như thế nào? Bọn Thiên Tứ ba người để lại hai con thú ở ngoài thành, rồi mới ung dung đi vào trong thành.
Lúc ấy trong thành người đi lại náo nhiệt như thường. Ba người tiến thẳng đến nhà của Khổng Nghi.
Lúc ấy quần hùng tề tập ở nhà Khổng Nghi đông đảo hơn mọi ngày. Ba người vừa vào tới cửa đã gặp rất nhiều nhân vật lạ mặt.
Trong khi đi đường ba người đã quyết định rồi, để Hoa Thiến Thiến ra mặt kể rõ câu chuyện Thiên Tứ xuống cốc lấy vật báu, sau bị Thiết Diện Điểu Trảo dùng xảo kế lừa lấy mất cuốn bí kíp ấy đi cho mọi người hay, để mọi người đừng có hòng tìm kiếm cuốn bí kíp ấy nữa và đồng thời cũng đừng tranh chấp với Hoàng giáo một cách vô ích như vậy.
Vì thế mà ba người không nghỉ ngơi và cũng không ăn cơm, tiến thẳng vào trong kiếm Thương Nguyên với Khổng Nghi trước.
Khi ba người mới đi tới vườn hoa, đã nghe thấy trong đại sảnh có tiếng cười, tiếng nói ồn ào vọng ra rồi.
Hoa Thiến Thiến đi trước, vừa vào tới đại sảnh thì Thương Nguyên đã trông thấy con gái cưng của mình rồi, liền lên tiếng kêu gọi:
- Thiến nhi! Con đi đâu thế? Mau lại đây! Mau lại đây!...
Thiên Tứ với Hàn Thiến Thiến đi vào sau, thấy trong đại sảnh bày những năm bàn và bàn nào cũng ngồi đầy kịt người. Ngoài Bại Sự lão nhân, Thích Thích Ông và những người quen mặt ra còn thì toàn là những người lạ mặt, có đủ cả hòa thượng, đạo sĩ và những người thường tục.
Bại Sự lão nhân trông thấy Hàn Thiến Thiến đã lên tiếng kêu gọi:
- Con gái cưng gì đâu mà đi luôn hai ngày như vậy khiến cha nuôi này cứ lo ngay ngáy. Con lại đây...
Tất cả mọi người nghe thấy tiếng nói của Thương Nguyên với Bại Sự lão nhân đều ngừng đũa quay đầu nhìn bọn Thiên Tứ ba người. Từ khi hòa hảo với Bại Sự lão nhân rồi, Thích Thích Ông không còn buồn như trước kia nữa. Lúc này ông ta thấy Bại Sự lão nhân gọi Hàn Thiến Thiến, ông ta cũng không chịu lép vế vội lớn tiếng kêu gọi Thiên Tứ:
- Chú em tới thật vừa lúc quá, mau lại đây! Lão ca đã dành riêng chỗ cho chú rồi...
Thiên Tứ mỉm cười giơ tay lên chào mọi người, rồi thủng thẳng đi tới chỗ Thích Thích Ông và ngoan ngoãn ngồi ngay xuống cạnh đó.
Hoa Thiến Thiến với Hàn Thiến Thiến hai người rất đàng hoàng đi sát cánh bước vào giữa sảnh, cúi đầu vái chào mọi người một lạy, chứ không có vẻ gì e lệ cả. Cũng như Thiên Tứ, một người đi đến chỗ Thương Nguyên và một người đi đến chỗ Bại Sư lão nhân.
Hoa Thiến Thiến đi tới cạnh cha, định quỳ xuống vái lạy thì Thương Nguyên đã đắc chí cười ha hả nói:
- Con khỏi phải đa lễ như thế! Mau lại đây đại diện cha mời các vị bá phụ một chén rượu đi!
Hoa Thiến Thiến tủm tỉm cười, cầm ly rượu của cha lên, cất tiếng nói thỏ thẻ và mời mọi người rằng:
- Xin quý vị bá bá nể mặt điệt nữ này cạn một chén rượu, rồi điệt nữ sẽ báo cáo cùng quý vị một tin rất kinh người.
Các người thấy vẻ mặt nàng rất nghiêm nghị, biết không phải là chuyện đùa nên ai nấy đều tỏ vẻ hồ nghi.
Còn Bại Sự lão nhân ngồi ở bàn bên cạnh cũng bảo Hàn Thiến Thiến ngồi xuống cái ghế ở cạnh mình, rồi giới thiệu nàng cho những người ngồi chung bàn. Giới thiệu xong ông ta lại hỏi con gái nuôi rằng:
- Hai hôm nay các con đi đâu? Làm cho cha suýt tí nữa thì phải kiếm khắp thành Lan Châu này.
Thiến Thiến mỉm cười đáp:
- Cha muốn biết chuyện, chờ chị Hoa Thiến Thiến nói sẽ hay ngay...
Nàng chưa nói dứt thì Kinh Đô Nhất Bá Đồng Kỳ ngồi chung bàn với Thương Nguyên đã uống cạn chén rượu và thúc giục Hoa Thiến Thiến rằng:
- Tin của điệt nữ là tin gì thế? Mau nói cho mọi người phải kinh hãi một phen đi!
Mọi người thấy Đồng Kỳ nói như vậy, ai nấy vội uống cạn chén rượu của mình, để đợi chờ Hoa Thiến Thiến nói câu chuyện kinh người ấy cho hay.
Hoa Thiến Thiến đặt chén rượu xuống, rồi dõng dạc nói:
- Bọn cháu ba người vừa ở núi Tây Khuynh về tới.
Nàng vừa nói tới đó, mọi người có mặt trong đại sảnh đều cả kinh và yên lặng lắng tai nghe. Đồng Kỳ với Thương Nguyên hai người rất nóng lòng vội hỏi:
- Có thật không hả, Thiến nhi?
Hoa Thiến Thiến gật đầu nhưng chưa kịp nói tiếp, thì trong sảnh đã có tiếng ồn ào nổi lên. Thì ra mọi người nghe thấy Hoa Thiến Thiến nói như vậy đều cả kinh và thất thanh kêu "ủa" một tiếng. Nhưng có người kêu trước, người kêu sau nên mới ồn ào như vậy. Bại Sự lão nhân bèn hỏi Hàn Thiến Thiến rằng:
- Con gái cưng của cha đã lên núi Tây Khuynh rồi đấy à? Tình hình ở trên đó ra sao? Mau nói cho cha biết đi!
Hàn Thiến Thiến thấy mọi người có vẻ gây cấn như vậy, nàng cười khanh khách đáp:
- Chúng con lên trên đó để lấy bảo vật.
Mọi người nghe nói như vậy lại càng ồn ào thêm. Thương Nguyên đưa mắt liếc nhìn con gái mình một cái, định hỏi gì nhưng lại thôi không hỏi nữa. Thích Thích Ông vỗ vai Thiên Tứ, cười ha hả hỏi:
- Chú em giỏi thật! Thế nào có kết quả gì không?
Thiên Tứ mặt đỏ bừng và có vẻ hậm hực khẽ đáp:
- Không. À, có nhưng đã bị người ta lừa lấy mất rồi.
Tuy lời nói của chàng rất khẽ nhưng những người quanh đó đều nghe thấy rõ hết.
Thích Thích Ông tỏ vẻ ngạc nhiên, còn những người kia thì tỏ vẻ không tin lời nói của Thiên Tứ vậy. Thiên Tứ không tức giận gì cả, trái lại Thích Thích Ông rất bất mãn. Ông ta định lên tiếng thì Thương Nguyên đã nói trước:
- Thiến nhi con táo gan thật. Núi Tây Khuynh có khác gì là đầm rồng hang hổ, sao con lại dám đi tới đó như thế?
Thiến Thiến vội đáp:
- Con đã lên tới đó, không thấy có cái gì đáng sợ cả. Không những con đã tới đó rồi mà còn gặp cả Ban Thiền Hoạt Phật, Tứ đại ca còn xuống dưới Âm Phong cốc nữa...
Nghe tới đó, Khổng Nghi không sao nhịn được vội lên tiếng hỏi:
- Có thật không?
Vì người ta đồn Âm Phong Cốc giá lạnh lắm, người và thú xuống tới đó thế nào cũng chết hết. Huống hồ lại còn Hoạt Phật của Hoàng Giáo canh gác xung quanh. Nên không riêng gì những người khác nghi ngờ mà cả Khổng Nghi cũng không tin nốt. Nên y mới hỏi như vậy.
Hoa Thiến Thiến cương quyết gật đầu đáp:
- Tứ đại ca không những đã xuống dưới đó rồi mà còn lấy được cuốn bí kíp là khác. Nhưng...
Mọi người vừa nghe thấy nàng nói tới đó đã chạy lại bao vây quanh Thiên Tứ. Thích Thích Ông, Bại Sự lão nhân với hai nàng Thiến Thiến biết công lực của Thiên Tứ rất thâm hậu nhưng thấy mọi người có thái độ như vậy, cả bốn người cũng phải biến sắc mặt.
Thích Thích Ông vội đứng dậy, đôi mắt sáng quắc giơ hai tay lên quát hỏi mọi người rằng:
- Các người làm gì thế? Muốn ăn cướp phải không?...
Bại Sự lão nhân cùng với Hàn Thiến Thiến cùng nhảy lại đứng sau lưng Thiên Tứ.
Thương Nguyên thấy con gái mình gọi Thiên Tứ là Tứ đại ca như thế, biết hai người đã thân mật với nhau lắm rồi, cho nên ông ta cũng quan tâm hộ cho Thiên Tứ và cũng vội đứng dậy.
Khổng Nghi là chủ nhân thấy tình cảnh gây cấn như thế, như tên đặt trên cung sắp bắn đến nơi, nên ông ta vội lớn tiếng quát bảo:
- Quý vị không được như thế, có chuyện gì hãy thư thả bàn tán.
Ông ta vừa nói vừa tiến tới cạnh Thiên Tứ.
Thiên Tứ vẫn ngồi yên thần sắc không hề biến đổi chút nào. Chàng đưa mắt nhìn năm người đứng xung quanh mình, thấy mặt người nào người nấy đều lộ vẻ tham dục, còn những người ngồi cùng bàn thì già nửa cũng lăm le muốn nhảy xổ lại vậy. Chàng liền thở dài một tiếng và nghĩ bụng:
"Thật không ngờ những người này xưa nay vẫn tự cho mình là hiệp nghĩa và chính phái, không ngờ họ là những kẻ tham lam và tiểu nhân như thế."
Hoa Thiến Thiến thấy thế cả giận, cười nhạt một tiếng rồi lớn tiếng nói tiếp:
- Nhưng tiếc thay, Tứ đại ca lấy được bí kíp ngờ đâu bị người dùng thủ đoạn đê hèn cướp mất. Bằng không...
Mọi người nghe nàng nói như thế mặt liền biến sắc và đều quay đầu lại nhìn nàng, cả Khổng Nghi cũng quay người lại hỏi nàng rằng:
- Có thật không? Sao lại có chuyện ấy được?
Hoa Thiến Thiến có vẻ bất mãn, lạnh lùng đáp:
- Nếu Khổng bá phụ không tin thì cháu biết nói năng làm sao?
Thương Nguyên là bạn thân của Khổng Nghi, thấy con gái mình trả lời như vậy có vẻ thiếu lễ phép nên ông ta vội vàng quát bảo:
- Thiến nhi con không được vô lễ với Khổng bá phụ như vậy!
Khổng Nghi mặt hơi biến sắc nhưng lại cười ha hả ngay và đỡ lời:
- Hoa huynh hà tất phải khiển trách hiền điệt nữ như thế, chỉ tại lão phu hỏi một cách quá sỗ sàng nên điệt nữ mới hiểu lầm như thế.
Hoa Thiến Thiến thấy Khổng Nghi giải thích như vậy và thấy cha của mình lại nói như thế, nàng cũng tự nhận lời lẽ và thái độ của mình vừa rồi hơi quá trớn thật nên nàng vội vái Khổng Nghi một lạy rồi nói tiếp:
- Xin bá bá xá tội cho điệt nữ. Những lời nói của điệt nữ vừa rồi quả thật không sai một tý nào.
Thương Nguyệt trợn ngược đôi lông mày lên xen lời hỏi:
- Ai lại có thủ đoạn đê hèn như thế? Và lấy được cuốn bí kíp ấy đi?...
Hoa Thiến Thiến đáp:
- Người đó chính là thiên hạ đệ nhất ma đầu Thiết Diện Điểu Trảo...
Lúc này mọi người mới bớt hoài nghi, rồi ai nấy lại xôn xao bàn tán. Một lát sau bỗng có một người đứng dậy, cười khẩy một tiếng rồi hỏi:
- Thiết Diện Điểu Trảo đã nổi tiếng độc ác, y không ra tay thì thôi. Mà đã ra tay thì không bao giờ để cho đối phương sống sót hết. Thằng nhỏ này có bao nhiêu hỏa hầu mà lại may mắn thoát chết như thế?
Người đó chưa nói dứt, lại có một người nữa dùng mũi kêu hừ một tiếng và đỡ lời:
- Như vậy đủ thấy lời nói này là giả dối và lại rất ấu trĩ, chỉ có thể lừa được người khác thôi chứ qua mắt sao nổi Nga Mi tam bửu...
Thiên Tứ đã không vui, nghe người đó nói như thế lòng hiếu thắng đã nổi lên, chàng liền ngẩng đầu nhìn mới hay hai người vừa lên tiếng nói đó chính là người vừa tiến tới gần mình. Trông mặt của họ rất dữ tợn và đáng ghét, chàng thủng thẳng đứng lên cất tiếng hỏi lại:
- Các hạ nói như thế là nghĩa lý gì? Không biết có cách gì làm cho hai vị tin tưởng lời nói của chúng tôi là thật?
Chàng cất tiếng nói giọng nói kêu như tiếng chuông, lại thêm bộ mặt tuấn tú, hình dáng oai nghi, đôi mắt như hai luồng sáng chói lọi nên đã có nhiều người gật đầu tặc lưỡi khen ngợi liền.
Thoạt tiên hai người họ ngẩn người ra, không ngờ Thiên Tứ lại hỏi như thế. Nhưng chúng chỉ đảo ngược đôi ngươi một vòng đã hiểu ngay ý nghĩa câu hỏi của Thiên Tứ luôn. Chúng cả giận đáp:
- Nếu các hạ thắng được kiếm của ba anh em mỗ thì anh em mỗ mới dám tin các hạ có thể thoát chết dưới bàn tay của tên ma đầu kia...
Tuy Nga Mi tam hữu chưa được liệt danh vào những cao thủ thượng thặng trên chốn giang hồ nhưng chúng ba người mà liên tay tấn công thì ít ai thắng nổi chúng.
Lúc này chúng bỗng thấy một hậu sinh tiểu tử chưa hề có tên tuổi bao giờ mà lại dám thách thức như thế. Như vậy có khác gì làm giảm bớt thân phận của chúng đi không? Như thế chúng nhịn sao được.
Bại Sự lão nhân cũng cảm thấy bất bình, ông ta định tâm ngồi gần đó để xem sao, chớ không ra mặt can thiệp vội. Nhưng sau thấy Nga Mi tam hữu phách lối như vậy liền cười hi hi, nửa nói bông đùa nửa mắng chửi rằng:
- Lão hồ ly thật không biết xấu hổ chút nào. Các người không thấy thẹn nhưng lão phu cũng phải thẹn hộ các người...
Thiên Tứ đang tức giận, nghe Bại Sự lão nhân nói như thế liền nghĩ bụng:
"Những người ở trong sảnh này đáng lẽ đều là những người hiệp nghĩa và chánh phái hết, sao lại có những kẻ vô sỉ chen chân vào như thế này?"
Chàng định giở tài ba ra cho bọn chúng một bài học, nên không chờ Bại Sự lão nhân nói xong, chàng đã vội đỡ lời:
- Quý vị đều là tiền bối nổi danh, mà nói như vậy La mỗ đâu dám phản đối...
Hoa Thiến Thiến không biết ba người này là ai, nhưng nhờ được nàng là con nhà gia thế, hiểu biết rất rộng nên nàng đã sớm biết phái Nga Mi tuy không phải là danh môn đại phái, nhưng bọn Tam Hữu này đã luyện thành một pho kiếm thuật rất lợi hại gọi là Tam Kiếm Hợp Vận.
Khi ba người đã giở pho kiếm ấy ra để tấn công thì người và kiếm liên kết thành một sợi dây, người này tấn công người kia bảo thủ, tiến thoái rất có trật tự quả thực lợi hại vô cùng. Vì vậy tiếng tăm của phái Nga Mi tuy không lừng lẫy bằng các đại môn phái khác nhưng nói đến Nga Mi tam hữu thì ai ai cũng biết hết. Cho nên lúc này nàng nghe Thiên Tứ lại có thái độ khác thường là nhận lời so tài với Nga Mi tam hữu, nàng lo âu khôn tả. Nhưng vì thấy chàng đã nói ra miệng rồi, mình mà lên tiếng khuyên bảo thì có khác gì là làm mất sĩ diện của chàng không? Vì vậy mà nàng chỉ ngấm ngầm vận công lực để đề phòng, hễ thấy chàng địch không nổi là nàng nhảy vào cứu giúp thôi.
Từ Khổng Nghi trở xuống kể cả Thương Nguyên, ai ai cũng cảm thấy Thiên Tứ quá ngông cuồng, vì thế mà không ai lên tiếng khuyên ngăn cả. Ngoài ra, còn một điểm nữa là mọi người đa số đều không biết lai lịch và căn bản của Thiên Tứ. Vừa rồi họ thấy Hoa Thiến Thiến tâng bốc chàng như là một thiên thần, dám vào Âm Phong Cốc lấy được bí kíp, gặp Thiết Diện Điểu Trảo mà lại thoát chết được, nên những người đó đều muốn được xem tài ba và võ nghệ thật sự của Thiên Tứ ra sao. Vì vậy mà họ càng muốn trận đấu khai diễn.
Trong đó chỉ có một người nhận thấy Thiên Tứ dư sức đối phó với Nga Mi tam hữu thôi, người ấy là Cửu Cung Kiếm Khách Thạch Tuấn Minh. Vì công lực của vị lão hiệp này đúng như Thiên Tứ đã ước đoán, đã luyện tới mức "Phản Thần Hoàn Hư" rồi, cho nên lúc ông ta mới gặp Thiên Tứ, ông ta đã biết chàng thanh niên công lực rất cao siêu, ít nhất cũng ngang tài với mình.
Khổng Nghi thân là chủ nhân, chẳng lẽ lại để cho khách đánh nhau ở trong bữa tiệc như vậy còn ra cái thể thống gì? Nên ông ta đành phải tiến lên đứng vào giữa đôi bên, khẽ ho một tiếng rồi dõng dạc nói:
- Quý vị đã có ý muốn nghiên cứu võ học của nhau và quý vị đều là người trong võ lâm, có thể nhân dịp gặp gỡ hiếm có này mà thử thách một phen cũng không sao. Nhưng lão biết đôi bên không có thâm thù đại hận gì cả, vậy mong cả hai bên chỉ đấu đến lúc được thua thì thôi, như vậy mới không bị tổn thương hòa khí.
Thiên Tứ thấy chủ nhân đã ra mặt và nói như vậy. Chàng nói:
- Xin tuân lệnh!
Tuy Nga Mi tam hữu rất ngang tàng và hung ác nhưng vẫn phải nể mặt chủ nhân, vì vậy lão đại của chúng là Diệp Thanh liền đại diện vâng lời ngay.
Khổng Nghi thấy đôi bên không còn vấn đề gì nữa mới đổi giọng nói tiếp:
- Ngoài nhà có một Diễn Võ Sảnh, tuy chưa được quy mô cho lắm nhưng cũng khá lớn rộng. Vậy xin mời quý vị hãy ra ngoài đó mà giao đấu với nhau một phen.
Nói xong ông ta giơ tay ra mời khách.
Thương Nguyên đã là một nửa chủ nhân, tất nhiên ông ta phải tán thành ý kiến của Khổng Nghi nên cũng vội đứng lên mời các người ngồi cùng bàn:
- Mời Thạch huynh, Đổng huynh...
Quả nhiên thấy ông ta mời, những người ngồi chung bàn đều lần lượt đi ra bên ngoài.
Nga Mi tam hữu đưa mắt nhìn nhau, chắp tay chào Khổng Nghi một vái rồi cũng bước theo ra ngoài luôn.
Còn những người khác thấy vai chính của trận đấu đi rồi nên ai nấy cũng lần lượt đi theo, chỉ có bọn Thiên Tứ là đi sau chót. Chàng với hai nàng Thiến Thiến, lại còn Bại Sự lão nhân với Thích Thích Ông nữa.
Hàn Thiến Thiến rất cao hứng, nàng đi sát cánh với Thiên Tứ hỏi rằng:
- Đại ca, lần này thể nào đại ca cũng phải đánh cho ba tên khốn nạn ấy một trận nên thân...
Thiên Tứ chưa kịp trả lời thì Hoa Thiến Thiến đi ở phía bên kia đã rỉ tai khẽ dặn rằng:
- Kiếm pháp của chúng lợi hại vô cùng, đại ca nên cẩn thận một chút, đừng để mắc hỡm chúng...
Bại Sự lão nhân với Thích Thích Ông, một người định nói bông đùa vài câu, một người thì muốn dặn dò chàng đôi ba lời nhưng thấy hai nàng đã dặn bảo và cổ vũ chàng ta trước rồi nên hai người không lên tiếng nói nữa.
Thiên Tứ tự nghĩ với công lực của mình chưa chắc đã thua bọn chúng nhưng một mặt vì có hai ông cụ đi bên cạnh, một mặt nữa chàng cũng cám ơn ngầm Hoa Thiến Thiến đã có lòng dặn bảo mình như vậy. Cho nên chàng chỉ khẽ gật đầu thôi chứ không nói năng gì hết.
Năm người đi ra khỏi vườn hoa, Hoa Thiến Thiến đi trước dẫn đường đến Diễn Võ Sảnh.
Hàn Thiến Thiến sống ở trên rừng núi từ hồi nhỏ, bây giờ mới được xuống chỗ phồn hoa đô hội lần đầu, tuy nàng biết Diễn Võ Sảnh là nơi để luyện võ, nhưng sự thật nàng không biết hình dáng của Diễn Võ Sảnh ra sao. Vì vậy vừa vào tới trong sảnh, nàng đã nhìn ngược nhìn xuôi, ngó trước ngó sau thấy căn nhà ấy khá lớn mỗi bề dài ngót ba mươi trượng.
Lúc ấy khán giả đã ngồi cả quanh sảnh rồi mà phải ngồi làm hai vòng mới hết người, chỉ để lại chỗ trống ở giữa rộng chừng mười trượng thôi, cạnh đó có một cái giá khí giới đủ mười tám ban võ nghệ, món nào cũng lau chùi bóng nhoáng.
Nơi chính giữa đó cao hơn chung quanh chừng một thước, trên lát gạch màu đỏ trông rất đẹp mắt.
Bọn Thiên Tứ năm người vừa vào tới Diễn Võ Sảnh, trông thái độ Thiên Tứ lại càng hiên ngang phi thường, vì thế ai ai cũng chăm chú nhìn cả vào chàng.
Lúc ấy Thiên Tứ ung dung tiến thẳng vào nơi chính giữa chỗ luyện võ.
Nga Mi tam hữu đã đứng chờ sẵn ở đó, chúng thấy Thiên Tứ vào tới liền giơ tay lên chào, rồi tiến ngay lại, mỗi tên đứng một phía, bao vây Thiên Tứ vào giữa.
Thiên Tứ không có vẻ gì là sợ hãi cả, vẫn mặc áo dài như thường, mồm tủm tỉm cười. Nhìn lão Đại của nhóm tam hữu là Diệp Thanh, chắp tay chào và chỉ nói một chữ "thỉnh" thôi.
Tiếng nói ấy tuy giản dị nhưng rất rõ ràng, không những tam hữu ở cách chàng năm thước nghe thấy mà phải biến sắc mặt, cả những người ngồi xem quanh đó cũng kinh dị vô cùng.
Quý vị nên rõ người trong võ lâm lúc ra tay đối địch với người, cần phải nhẹ nhàng hoạt bát nên đa số đều mặc áo ngắn và dùng khăn đỏ cột ngang lưng. Phục trang ấy người ta vẫn thường gọi là võ trang hay kình trang, chứ không ai mặc áo dài đấu với người hết. Trừ khi võ công của đối phương kém mình xa hay là võ công của mình rất cao siêu, nắm chắc phần thắng trong tay thì mới dám ăn mặc áo dài để đối địch như thế.
Nhưng nay trong mắt mọi người, Thiên Tứ chỉ là một thanh niên mới ra đời chưa có tên tuổi, hai là tuổi còn trẻ mà sư phụ lại là kẻ vô danh mà bây giờ chàng ta lại dám ngông cuồng như thế. Không những dám một đấu ba mà còn không thèm cởi áo dài ra như vậy, các người không kinh ngạc sao được?
Trái lại bọn Nga Mi thấy Thiên Tứ khinh mình như thế, ngoài sự kinh hãi ra chúng còn tức giận không sao tưởng tượng được.
Diệp Thanh trợn to đôi mắt lên tia ra hai luồng ánh sáng oán độc, đưa tay về phía sau rút thanh bảo kiếm ra khỏi vỏ bao kêu "soẹt" một tiếng. Không hẹn mà nên lão Nhị và lão Tam cũng cùng đưa tay về phía sau rút bảo kiếm cùng một lúc.
Diệp Thanh chỉ muốn một nhát kiếm chém Thiên Tứ ra làm hai mảnh mới hả dạ, nhưng trước mặt đại chúng dù sao y cũng phải giữ lễ phép một chút, y vội chắp tay chào một cái, cười lầm lì nói:
- Mời thiếu hiệp rút khí giới ra...
Thiên Tứ quắc mắt lên, đôi ngươi sáng như điện và chữ "thỉnh" vừa rồi của chàng không có ý gì khinh miệt đối phương hết.
Lúc này chàng thấy Diệp Thanh mời mình như vậy, không dám ngông cuồng như trước nữa, bèn lấy một cây sáo dài chừng ba thước ra. Cây sáo ấy cứ rung động luôn luôn như lò xo vậy.
Diệp Thanh cau mày lại ngắm nhìn chiếc khí giới quái dị ở trong tay đối phương. Y chỉ cảm thấy chiếc sáo đen này chỉ dẻo dai thôi chứ không có cái gì khác lạ hết.
Quần hào ngồi xem quanh cũng không hiểu đó là khí giới gì?
Hoa Thiến Thiến không sao nhịn được, khẽ hỏi Hàn Thiến Thiến rằng:
- Thiến muội, đại ca cầm môn khí giới gì thế?
Thiến Thiến lắc đầu một cái rất ngây thơ. Thích Thích Ông ngồi cạnh đó liền đỡ lời:
- Đó là Bách Thú Lệnh đấy...
Thiến Thiến cau mày lại, vì nàng vẫn không hiểu Bách Thú Lệnh là cái gì?
La Thiên Tứ thấy mọi người cứ chăm chú nhìn vào cây Bách Thú Lệnh như vậy và Nga Mi tam hữu vẫn chưa thấy ra tay tấn công, chàng đành phải lên tiếng nói câu "thỉnh" thứ hai.
Bây giờ Nga Mi tam hữu mới không chần chờ, Diệp Thanh thét lớn một tiếng và bảo rằng:
- Thiếu hiệp, cẩn thận tiếp chiêu...
Y vừa nói vừa trao kiếm sang bên phải và rung thanh kiếm một cái, thân kiếm đã kêu vo vo hoài. Bóng kiếm đang một hóa ra ba và nhằm đỉnh đầu của Thiên Tứ tấn công tới. Thế đó là thế khởi đầu của Nga Mi kiếp pháp tên là "Ngưỡng Quan Thiên Tượng" (ngẩng đầu nhìn trăng sao trên trời).
Thiên Tứ thấy đối phương vừa ra tay đã tấn công vào đầu mình, chàng rất ngạc nhiên. Ngờ đâu hai người kia cũng ra tay một lúc, một người nhằm hông bên phải, một người nhằm hông bên trái tấn công tới.
Động tác của tam hữu nhanh như điện chớp, chỉ thoáng cái ba người ba kiếm đã tấn công tới chỗ cách Thiên Tứ chừng một thước.
Quần hùng ngồi xem quanh đó thấy Nga Mi tam hữu quả danh bất hư truyền nên ai nấy đều vỗ tay khen ngợi liên tiếp.
Hoa Thiến Thiến với Hàn Thiến Thiến thấy đều kinh ngạc vô cùng nhưng lúc ấy Thiên Tứ đã ra tay rồi, vì đó là lần đầu tiên chàng đối địch với Nga Mi Kim Đỉnh kiếm pháp. Nhưng chàng là người rất thông minh phản ứng rất linh mẫn, chỉ trong thoáng cái đã hiểu ngay thế kiếm của Diệp Thanh là đề phòng chàng nhảy lên cao tránh né.
Chàng vội rung động cây Bách Thú Lệnh, liền có tiếng sáo dồn ra và mũi sáo thì nhắm mũi kiếm của hai tên tấn công hai bên ngang hông mình mà điểm luôn. Đồng thời chàng lại sử dụng thân pháp Quỷ Ảnh Bách Biến, chỉ trong thoáng cái chàng đã chui qua được dưới cánh tay phải của Diệp Thanh mà tránh ra xa năm thước rồi.
Diệp Thuận, lão Nhị của nhóm tam hữu thấy kiếm của mình đã sắp đâm trúng người của đối phương. Ngờ đâu tai bỗng nghe thấy tiếng sáo, mũi kiếm đã bị sáo của đối phương va đụng kêu "coong" một tiếng rất khẽ, cổ tay bị chấn động rất mạnh, cả tim cũng đập mạnh như vậy rồi trở lực bỗng tiêu tán mất.
Còn Diệp Thanh thì thấy Thiên Tứ vẫn đứng yên, liền nghĩ bụng:
"Tiểu tử này ngông cuồng thật!"
Y liền xoay thế kiếm nhằm đầu vai của Thiên Tứ chém xuống.
Còn lão Tam Diệp Tường thì giả bộ tấn công ngang hông nhưng sự thực thì y tấn công sau lưng Thiên Tứ. Kiếm của y sắp đâm trúng bỗng cảm thấy đầu kiếm bị hất ngược trở lại. Y đang định để ý xem kình lực đó ở đâu phát ra mà hất được mũi kiếm của mình như thế. Đồng thời tai lại nghe thấy tiếng sáo véo von đầu óc bối rối ngay, và y thấy mũi kiếm của mình đã đâm hụt.
Chỉ trong thoáng cái cả ba anh em không còn thấy hình bóng của Thiên Tứ đâu nữa. Chúng đang kinh ngạc thì thấy thân kiếm của ba người đã va đụng vào nhau kêu "coong" một tiếng ngay.
Lúc ấy ba người mới như nằm mơ vừa thức tỉnh, vội thâu kiếm lại định thần nhìn kỹ mới hay Thiên Tứ đang đứng ở chỗ cách chúng chừng năm sáu thước. Chúng hỗ thẹn đến mặt đỏ bừng.
Quần hào ngồi quanh đó xem, không ai trông thấy rõ động tác của Thiên Tứ, họ chỉ thấy hoa mắt lên một cái và đã thấy Thiên Tứ ra được khỏi vòng vây rồi, chúng đang khen ngợi bọn tam hữu thấy thế đều im mồm và dừng tay.
Lúc ấy hai nàng Thiến Thiến mới hết hoảng sợ và cũng vỗ tay khen ngợi người yêu ngay.
Thiên Tứ còn đủ thì giờ đưa mắt nhìn mọi người một lượt và còn nhìn hai nàng Thiến Thiến mỉm cười.
Nga Mi tam hữu thấy vừa ra tay tấn công đối phương, thế đầu đã bị đối phương làm cho mất mày mất mặt vừa hỗ thẹn vừa tức giận, nay lại nghe thấy hai nàng Thiến Thiến vỗ tay khen ngợi như thế chúng lại càng tức giận thêm. Cả ba không hẹn mà nên cùng thét lớn một tiếng, múa kiếm xông lại nhằm các nơi yếu hiểm của Thiên Tứ tấn công như điên như khùng tức thì.
Thiên Tứ đảo ngược con ngươi một vòng, thấy thần sắc của tam hữu như vậy, chàng nín cười ngay và cau mày lại rồi giở thân pháp khinh công ra, như một con hồ điệp bay lượn ở trong kiếm quang của địch.
Ngẫu nhiên chàng phản công lại một hai thế, những thế sáo của chàng thật là đẹp mắt vô cùng nên mọi người đều say sưa về thân pháp của chàng, đồng thời còn ngây ngất về những tiếng sáo đưa ra.
Thoạt tiên Nga Mi tam hữu giở toàn lực ra, liền tay vận dụng "Kim Đính Pháp" tấn công như vũ bão, nhưng đấu luôn mấy chục hiệp mà chúng vẫn không sao va đụng nổi vào vạt áo của Thiên Tứ chứ đừng nói là đâm trúng được người chàng. Hơn nữa tiếng sáo từ Bách Thú Lệnh của Thiên Tứ càng ngày lại càng vui tai và đầu sáo cứ nhắm những chỗ yếu hiểm của ba kẻ địch tấn công tới nên bắt buộc bọn tam hữu cứ phải thâu kiếm lại luôn luôn để bảo vệ lấy bản thân.
Lúc ấy không riêng gì những người ngồi xem quanh đó mà cả Nga Mi tam hữu đang bị ảnh hưởng bởi tiếng âm nhạc của chàng. Người nào người nấy đều như ngây như ngất, như say như sưa.
Mấy người cao thủ hạng nhất như bọn Thạch Tuấn Minh nghe thấy tiếng nhạc biết ngay đó là một tà khúc rất dễ làm tiêu hao nguyên khí và chân lực của những người nghe phải nên mấy người đó vội thâu liễm tâm thần để đối kháng lại. Ngờ đâu vừa vận nội công lên thì mấy người đã cảm thấy tiếng âm nhạc rất phù hợp với đường lối vận khí của mình, không tiêu hao năng lực chút nào trái lại còn cảm thấy nội công đã tiến tới mức độ rất cao, lúc ấy mấy người mới biết tiếng nhạc này không phải là tà khúc gì hết.
Còn Nga Mi tam hữu thoạt tiên bị ảnh hưởng bởi tiếng sáo, chúng cứ múa may quay cuồng hoài, cảm thấy khó chịu hết sức, không những thế chúng còn thấy đầu cây sáo của đối phương cứ nhằm chỗ trống của bọn mình mà tấn công, những chỗ trống đó không thể nào giữ kín đáo được.
Thế rồi ba người không thể liên tay được nữa, người nào người nấy cứ việc tự vận kiếm để phòng vệ bản thân thôi.
Phen này thực là xấu hổ không thể tưởng tượng được, đối phương chỉ là một đứa trẻ không có tên tuổi gì cả mà đã phá được Kim Đính kiếm pháp của bọn mình. Không những thế lại còn làm cho bọn mình không kịp tự vệ là đằng khác. Chúng muốn ngừng tay nhưng sáo của đối phương cứ nhắm các yếu hiểm của chúng mà tấn công tới nên bắt buộc chúng phải múa kiếm hóa giải. Dần dần tâm linh của chúng bị cảm nhiễm bởi tiếng nhạc, lửa giận nguôi dần và đồng thời chúng còn thấy thế sáo của đối phương bao hàm rất nhiều ý nghĩ.
Vì ngoài tiếng sáo nghe rất nghịch tai, thân pháp biến ảo khôn lường của địch thủ ra, thế công của địch lại cứ nhắm chỗ sơ hở của mình mà tấn công nên càng đấu lâu bao nhiêu chúng càng tỉnh ngộ, mới hay Thiên Tứ dùng những thế sáo đó chỉ điểm cho chúng biết kiếm pháp của chúng có những chỗ sơ hở ấy đấy.
Sau khi đã biết rõ lý lẽ ấy rồi, chúng mới biết Thiên Tứ có thiện chí nên chúng mừng rỡ khôn tả và cố hết sức nghĩ cách để bổ cứu những chỗ sơ hở đó.
Một lần, hai lần, ba... sáu bảy lần, cho tới lúc Thiên Tứ thấy chúng đã hoàn toàn tìm mọi cách che kín những chỗ trống đó rồi, chàng mới rú lên tiếng thật dài, tung mình nhảy lên cao vượt qua vòng vây của tam hữu mà nhảy ra bên ngoài.
Nga Mi tam hữu với tất cả quần hùng bỗng nghe thấy tiếng rú kêu tựa như là tiếng chuông lúc ban mai. Các người thấy váng tai nhức óc một hồi, rồi định thần nhìn kỹ thì không còn thấy tung tích của chàng đâu nữa mà trong không gian vẫn còn văng vẳng tiếng vang của âm nhạc vọng lại thôi.
Lúc bấy giờ Nga Mi tam hiệp mới trông thấy Thiên Tứ đang mỉm cười đứng trước hai nàng Thiến Thiến, chúng cảm động vô cùng vội cắm kiếm vào bao nhảy xuống dưới đài tiến tới trước mặt Thiên Tứ.
Khổng Nghi với Thương Nguyên đang ngồi ở chỗ khá xa và cũng là người ngoài cuộc nên không hiểu tâm sự của bốn người trong cuộc. Vừa thấy tam hữu nhảy xuống tiến tới gần Thiên Tứ đã vội đứng dậy định khuyên bảo.
Hai nàng Thiến Thiến đứng ở trước mặt Thiên Tứ cũng có ý nghĩ ấy, nhất là hai nàng thấy người yêu mình đã nương tay cho chúng rồi mà chúng còn không biết điều gì cả, cứ đuổi theo quấy nhiễu hoài. Nên hai nàng đã nổi giận thật sự, đang định tiến lên cho ba anh em tam hữu một trận nên thân.
Ngờ đâu hai nàng chưa kịp tiến lên thì đã thấy tam hữu đứng ở chỗ ngoài xa hơn trượng chắp tay vái chào, rồi Diệp Thanh lên tiếng nói trước:
- Thiếu hiệp võ công cái thế, anh em Diệp mỗ xin kính tạ thiếu hiệp đã có lòng chỉ giáo cho như vậy...
Thiên Tứ mỉm cười và đáp lễ cướp lời nói:
- Ba vị tiền bối hà tất phải khiêm tốn như vậy. La mỗ có tài ba gì đâu, La mỗ còn phải cảm ơn ba vị đã nương tay cho...
Nếu là lúc khác thì thế nào anh em tam hữu cũng hiểu lầm Thiên Tứ chế giễu mình, nhưng lúc này ba anh em chúng thấy những người đứng chung quanh đó đều ngơ ngác không hiểu gì hết và lại thấy thái độ của Thiên Tứ rất thành thực. Chúng liền tỉnh ngộ ngay, biết Thiên Tứ nói như thế là có ý muốn bảo tồn tiếng tăm cho chúng. Vì vậy, cả ba người đều cảm phục đến sát đất. Diệp Tường không sao nhịn được, vội tiến lên một bước thành khẩn nói:
- Anh em Diệp mỗ xin ghi nhớ thịnh tình của thiếu hiệp, nếu sau này thiếu hiệp có việc gì muốn sai bảo, dù có phải nhảy vào đống lửa anh em mỗ cũng không dám từ nan.
Thiên Tứ biết ba người này đã chịu phục mình một cách thành thực nên chàng cũng không khách sáo gì nữa, cũng thành khẩn đáp:
- La mỗ xin tâm lãnh thịnh ý của ba vị, nếu sau này có việc gì khó khăn thế nào cũng nhờ ba vị giúp cho...
Khổng Nghi với Thương Nguyên đã đi tới gần, nghe thấy đôi bên đối đáp với nhau như vậy, họ đều kinh ngạc vô cùng.
Khổng Nghi liền cười ha hả xen lời nói:
- Sự khiêm tốn này của bốn vị thật là đáng khen ngợi, tục ngữ có câu không đánh nhau thì không quen biết nhau, bây giờ đôi bên đã bất phân thắng bại, chúng ta lại trở vào trong đại sảnh tiếp tục ăn nhậu nốt mâm cỗ đang ăn dỡ đi!
Thiến Thiến thấy cha mình đi tới, vội lên tiếng nũng nịu kêu gọi:
- Cha!
Nàng nghe thấy Khổng Nghi nói như vậy vội đổi giọng nói tiếp ngay:
- Mời các vị bá phụ cứ tiếp tục đi xơi rượu, điệt nữ với đại ca còn phải đi tìm kiếm Thiết Diện Điểu Trảo để lấy lại cuốn bí kíp...
Mọi người nghe nàng nói như thế đều kinh hãi đến biến sắc mặt.
Tuy Thương Nguyên vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, nhưng sự thật trong lòng ông ta kinh hoàng đến cực độ nên ông ta sầm ngay nét mặt lại khiển trách con gái rằng:
- Con lớn như thế này rồi mà chẳng biết trời cao đất rộng là gì cả... À, đầu đuôi câu chuyện như thế nào, con hãy kể rõ cho các vị ở đây hay, rồi chúng ta sẽ định liệu sau.
Hoa Thiến Thiến bị cha trách mắng như vậy, có vẻ oan ức liền cúi đầu xuống không nói năng gì nữa.
Hàn Thiến Thiến thấy nàng không nói gì, vội cất tiếng oanh thỏ thẻ kể lại chuyện của mình với Thiên Tứ lên núi Tây Khuynh và ba người đã cùng bàn tán với nhau như thế nào. Sau hai người phụ trách cầm chân bọn Hoạt Phật và Thiên Tứ xuống dưới lấy vật báu ra sao. Lấy được vật báu rồi chàng bị Thiết Diện Điểu Trảo lừa mất cuốn bí kíp như thế nào nhất nhất kể hết cho mọi người hay.
Quần hùng nghe thấy nàng kể xong, vừa kinh hãi vừa ngạc nhiên và cùng đứng cả dậy từ từ tiến tới gần. Cho nên Hàn Thiến Thiến vừa nói xong đã thấy trước mặt mình đứng đông kịt người rồi.
Thương Nguyên với Khổng Nghi nghe xong, ngoài sự kinh ngạc hai người còn bán tín bán nghi là đằng khác. Sở dĩ hai người nghi ngờ là: vì sao Thiên Tứ không sợ rét? Tại sao Thiết Diện Điểu Trảo lại biết chàng ta xuống Âm Phong Cốc lấy vật báu mà kịp thời xuất hiện và còn giả dạng tiếng nói của Hàn Thiến Thiến mà đánh lừa chàng lấy cuốn bí kíp đi?
Hai người còn thắc mắc một điểm nữa, vì theo lời người ta đồn đại Thiết Diện Điểu Trảo là đương kim đệ nhất đại ma đầu, không ai có thể địch nổi y. Tuy gần đây y rất ít xuất hiện trên giang hồ nhưng với công lực của y thì không khi nào y lại dùng lời lẽ và thủ đoạn xảo trá ấy để đánh lừa một thiếu niên không có tên tuổi như Thiên Tứ như vậy. Hai người lại nghĩ bụng:
"Chả lẽ tên ma đầu đó đã biết rõ võ công của Thiên Tứ kinh người, tự biết địch không nổi nên mới phải giở thủ đoạn hạ lưu ấy ra chăng?"
Một lúc sau Khổng Nghi mới lên tiếng hỏi Thiên Tứ tiếp:
- Công lực của thiếu hiệp quả thật cao minh nhưng còn một điều này Khổng mỗ vẫn chưa rõ. Chẳng hay thiếu hiệp có vui lòng chỉ giáo cho không?
Nghe lời nói của vị chủ nhân này, hiển nhiên là ông ta đã đề cao địa vị của Thiên Tứ lên một bậc rồi. Thiên Tứ mỉm cười hỏi lại:
- Tiền bối có việc gì xin cứ việc chỉ giáo, hà tất phải khách sáo như vậy.
- Nghe lời đồn trong Âm Phong Cốc giá lạnh vô cùng người nào vào trong đó cũng bị chết rét, hết sao thiếu hiệp...
- Hôm nọ, ngẫu nhiên La mỗ ở trước mặt các vị tiền bối phát biểu một luận điệu rất sai lầm, tưởng hơi lạnh của Âm Phong Cốc tuy lạnh thực nếu cứ dùng "Dương Cương" phối hợp với "Âm Nhu", âm dương tương tế thì không còn sợ gì hơi lạnh ở dưới sơn cốc nữa...
Chàng vừa nói tới đó bỗng Thạch Tuấn Minh kêu "ủa", rồi xen lời nói:
- Có! Có! La thiếu hiệp có nói qua như vậy. Chẳng hay bản thân của thiếu hiệp có đủ cả "Dương Cương" và "Âm Nhu", hai môn công lực tuyệt thế ấy chăng?
Thiên Tứ thấy mọi người nhìn chàng đều tỏ vẻ hoài nghi, chàng suy nghĩ giây lát rồi trả lời rằng:
- Tuy La mỗ có hai môn công lực ấy thực nhưng hãy còn non nớt lắm mong các vị tiền bối chỉ giáo thêm cho.
Thấy chàng nhìn nhận như vậy, các người như bỗng tìm thấy một kỳ tích vậy, đều thất kinh kêu "ủa" cả.
Tại sao mọi người lại kinh ngạc như vậy? Vì hai môn công lực đó không khác gì lửa với nước, từ xưa tới nay chưa thấy một người nào lại có cả hai môn công lực cùng một lúc như vậy và cũng không ai dám táo gan đồng thời lại luyện tập cả hai môn võ công cùng một lúc như thế bao giờ. Bây giờ Thiên Tứ nhìn nhận mình sở trường cả hai môn võ công ấy, như vậy mọi người không kinh ngạc sao được?
Tuấn Minh khẽ thở dài nhìn Thiên Tứ rồi nói tiếp:
- Thiếu hiệp trông người văn vẻ tuấn tú, nhưng gân cốt lại thuộc thượng thừa, nay ít tuổi như vậy mà đã phi thường như thế, sau này thế nào mà chả đứng đầu quần hùng. Còn mỗ đây đã già rồi, những người già không còn nghĩa lý gì nữa.
Ông ta khen ngợi Thiên Tứ mà lại cho mình là già nua mà đau lòng. Hình như ông ta nói với Thiên Tứ, nói với người khác mà cũng nói cả với mình. Nói xong ông ta không thấy ai phát biểu ý kiến gì hết, lại thở dài một tiếng rồi ung dung đi luôn.
Hình như Thương Nguyên với Khổng Nghi các người bị ảnh hưởng bởi lời than vãn của Tuấn Minh nên ai nấy đều cảm thấy mình như đã già nua thêm hai ba chục năm. Chỉ có một mình Bại Sự lão nhân là không có cảm xúc gì hết, ông ta cười ha hả nói:
- Tiểu tử có biết hành tung của lão ma rất phiêu hốt không? Vậy ngươi biết đi đâu mà tìm kiếm y? Ngươi đã vất vả mấy ngày đêm rồi, có mau bảo chủ nhân kiếm chỗ cho mi nghỉ ngơi, ăn no ngủ kỹ một đêm đã để ngày mai rồi hãy tính toán có hơn không?
Lời nói của ông ta rất lợi hại, hai nàng Thiến Thiến đã thấy bụng đói ngay. Khổng Nghi với Thương Nguyên đang định mời khách vào đại sảnh ăn nhậu tiếp thì bỗng thấy Nhị tổng quản Tề Hướng Đại Khả vội vàng chạy vào. Khổng Nghi thấy thế tưởng có chuyện gì xảy ra, vội lên tiếng hỏi:
- Việc gì thế nhị tổng quản?
Đại Khả chưa kịp hành lễ, đã rỉ tai chủ nhân nói vài lời. Khổng Nghi nghe xong mặt lộ vẻ kinh ngạc, rồi tuyên bố với mọi người rằng:
- Quý vị huynh trưởng, theo thủ hạ của đệ cho biết thì bọn người Hoàng giáo đã rút lui trở về Tây Tạng hết rồi, tên nào tên nấy trông có vẻ ủ rũ rầu rĩ. Chắc chúng thế nào cũng thất bại lớn nên mới có thần sắc như thế. Tin tức này đã phù hợp với lời của nữ hiệp đã nói hồi nãy, như vậy tên ma đầu đã lấy được cuốn bí kíp ấy rồi...
Lúc nãy, quần hùng còn bán tín bán nghi nhưng bây giờ nghe thấy Khổng Nghi tuyên bố như vậy, ai nấy đều lắc đầu thở dài tỏ vẻ rất luyến tiếc.
Riêng có Thương Nguyên tuy cũng thất vọng như mọi người, nhưng ông ta tự nghĩ, nếu được Thiên Tứ làm con rể, thì còn hơn là cướp được cuốn bí kíp kia. Vì vậy, ông ta chờ Khổng Nghi nói xong liền bảo con gái mời Thiên Tứ, Hàn Thiến, Bại Sự lão nhân và Thích Thích Ông đi vào trong hậu đường trước.
Thế là đại sảnh ở trong hậu đường lại náo nhiệt như trước, mọi người chén tạc chén thù vui vẻ kém hơn trước. Vì trước kia, họ còn hi vọng đi cướp được vật báu, nhưng bây giờ vật báu đã bị ma đầu lấy mất rồi thì còn vui làm sao được nữa.
Ngoài ra các người lại còn nơm nớp lo sợ nữa là đằng khác. Ai cũng biết Thiết Diện Điểu Trảo là một tên ma đầu vô địch thiên hạ rồi, bây giờ lại để cho y cướp được cuốn bí kíp kia thì còn ai chế phục y được nữa? Không những thế, sau này số mạng của các người lại còn hẩm hiu nữa là khác. Vì tên ma đầu đã luyện tập võ công của cuốn bí kíp thì thế nào mà chả tái xuất để làm đảo lộn giang hồ?
Lúc đầu Tô Trị Toàn với Bạch Hướng Minh không ngồi chung bàn với Thiên Tứ và hai nàng Thiến Thiến, Bại Sự lão nhân và Thích Thích ông các người, nhưng lần này nhập tiệc lại điều chỉnh chỗ ngồi nên Trị Toàn mới được ngồi chung bàn.
Lúc mới vào mâm, Trị Toàn vừa cười vừa nói như thường làm như không có thù hằn gì với Thiên Tứ hết, cũng chuốc rượu cho chàng như mọi người.
Thiên Tứ vốn không biết uống rượu nhưng vì quá nể mọi người, nhưng sau khi uống hai chén rượu vào rồi chàng lại biến thành hào phóng vô cùng và thấy thích thú uống rượu là khác.
Rượu qua ba tuần, Thương Nguyên bỗng hỏi Thiên Tứ về sư thừa và môn phái như sau:
- La hiền điệt quê quán ở đâu? Chắc tôn sư thế nào cũng là một nhân sĩ lừng danh thiên hạ?
Thiên Tứ cười ha hả đáp:
- Tiểu bối cô độc từ hồi còn nhỏ, không nhà cửa không sư phụ, đã làm hai năm mục đồng ở mục trường của Tô đại trường chủ. Sau ngẫu nhiên vào trong khu núi kỳ liên, đi đến một nơi tuyệt địa, được ân sư nuôi nấng dạy bảo nên tiểu bối mới học được vài miếng võ rất tầm thường. Ân sư... Hà! Ông ta suốt đời ẩn tích ở nơi hoang vu không bao giờ bước chân vào trần thế, vì vậy dù có nói ra cũng ít ai biết tới...
Nói xong chàng khẽ nấc một tiếng, rồi lại cười ha hả, trông dáng điệu cũng đủ biết chàng đã say sưa rồi.
Thương Nguyên thấy vậy sợ chàng say rượu lỡ lời, nhỡ thất lễ với người thì sao nên ông ta vội hỏi sang chuyện khác:
- Phen này hiền điệt ở ngoài biên cương vào đây à? Nếu định đi vào Trung Nguyên, khi đi qua Tân Châu thế nào cũng phải ở lại Hoa Gia Bảo chơi vài ngày nhé.
Thiên Tứ đưa mắt liếc nhìn Hoa Thiến Thiến, vừa cười vừa đáp:
- Bá phụ oai trấn Tân Châu, thế nào tiểu điệt cũng phải đến thăm viếng.
Trị Toàn thấy Thiên Tứ cứ liếc nhìn Hoa Thiến Thiến hoài, liền lộ vẻ bực tức, y liền đứng dậy thở dài và nói:
- Tương lai của La hiền điệt đẹp như gấm, phen này có thể vào Trung Nguyên gây tên tuổi được, nhưng chuyến đi này bằng mấy nghìn vạn dặm, không biết bao giờ hiền điệt mới có thể quay trở về biên cương để cùng lão phu tụ hợp lại một phen. Nghĩ đến những chuyện đau lòng khi xưa. Lão phu lại không muốn nói nữa, chỉ mượn hoa hiến phật mời hiền điệt một chén rượu coi như là lão phu tiễn hành.
Nói xong, y đặt chén rượu của y vào trước mặt Thiên Tứ và cầm chén rượu khác lên uống cạn luôn.
Thiên Tứ không nghi ngờ gì hết liền cầm chén rượu của Trị Toàn để ở trước mặt mình uống cạn ngay. Ngờ đâu, chàng vừa uống xong thì Thái Bạch Thần Tú, Đổng Kỳ và Khổng Nghi các người lại lần lượt mời chàng cạn chén.
Uống xong mấy chén đó, mặt Thiên Tứ đã đỏ bừng, rồi người chàng mềm nhũn và ngồi phệt xuống đất, hai nàng Thiến Thiến đã lo âu hộ chàng, thấy vậy vội lôi chàng lên. Ngờ đâu thấy người chàng nóng như lửa thiêu, cả hai đều kinh hãi biến sắc mặt và thất thanh la lớn.
Các người vội chạy lại xem mới hay mắt chàng nhắm nghiền, thở rất mạnh, mặt đỏ như lửa, còn đỏ hơn mặt Quan Công.
Bại Sự lão nhân, Thích Thích Ông và mấy người khác đều là những người giàu kiến thức và đã từng trải rất nhiều việc nên biết ngay chàng đã trúng phải chất kỳ độc.
Bại Sự lão nhân với Thích Thích Ông mỗi người nắm lấy một tay của chàng thăm mạch. Giây phút sau Thích Thích Ông không sao nhịn được liền lớn tiếng mắng chửi:
- T...N...M! Sao trong rượu lại có độc?
Trị Toàn với Khổng Nghi lập tức biến sắc mặt nhưng lại trấn tỉnh ngay được. Khổng Nghi thì không nói năng gì hết chỉ có Trị Toàn là ra vẻ rất lo âu lên tiếng hỏi:
- Ối chà! La hiền điệt làm sao thế?... Á, lão đoán chắc là hiền điệt đã trúng phải chất hàn độc, bây giờ uống rượu vào hàn độc mới bài tiết ra ngoài biết làm sao bây giờ?
Mọi người đều chăm chú nhìn vào Thiên Tứ, nhất là hai nàng Thiến Thiến, chỉ muốn chịu đựng thay cho chàng nên cả hai cùng khóc sướt mướt, chân tay cuống quýt.
Riêng có Hoa Thương Nguyên là người giàu kiến thức, nhưng lại rất cẩn thận nên ông ta không những chú ý đến Thiên Tứ đồng thời còn chú ý đến vẻ mặt của các người.
Ông ta lại nghi ngờ hai nàng Thiến Thiến ghen nhau nhưng sau ông ta thấy hai nàng thương yêu nhau nên ông ta càng thắc mắc thêm.
Bại Sự lão nhân là người biết y lý hơn những người kia. Nên thăm mạch xong ông ta biết Thiên Tứ quả thật trúng độc. Ông ta liền điểm vào bảy đại huyệt của chàng. Nhưng khi tay ông ta vừa điểm vào Kỳ Môn huyệt của chàng liền cảm thấy tay của mình như đụng chạm vào bông gòn, thịt của chàng ta lõm hẳn xuống. Bại Sự lão nhân kinh ngạc vô cùng, lại thử một vài chỗ nữa cũng thế, hết liền thở dài và nói:
- Tiểu tử này đã luyện thành côn môn Di Cung Phá Huyệt, người y đã như kim cương không sao phá hoại được nên lão không thể nào phong bế được huyệt mạch của y. Nếu cứ để cho chất độc tiếp tục làm nguy mà không kịp thời tìm thấy thuốc giải thì chỉ e rằng y không chịu nổi mười hai tiếng đồng hồ...
Nói xong ông ta cứ thở ngắn than dài hoài.
Hai nàng Thiến Thiến nghe Bại Sự lão nhân nói như vậy, đều nằm phục lên lưng ghế chỗ cạnh chàng mà khóc lóc thảm thiết.
Thoạt tiên quần hùng đều không hiểu đã xảy ra chuyện gì, trải qua một hồi loạn xạ các người mới tới gần xem. Thích Thích Ông tức giận vô cùng hai mắt lộ hung quang để ý đến từng người một, muốn tìm kiếm xem ai đã đầu độc giết hại Thiên Tứ, rồi mình ra tay báo thù cho chàng ta.
Khổng Nghi là chủ nhân cảm thấy khó xử nhất, vì với địa vị của ông ta, như thế mà có người dám ở nhà ông ta đầu độc ám hại người như vậy. Việc này không những có ảnh hưởng đến tên tuổi, mà nếu tin này đồn ra bên ngoài thì ông ta còn mặt mũi nào gặp người trên giang hồ nữa. Vì thế, ông ta đứng ngẩn người ra, mặt lúc xanh lúc trắng mất hết cả chủ kiến, đầu óc bối rối vô cùng.
Thái Bạch Thần Tú với Đổng Kỳ cũng ngượng vô cùng nhưng biết mình bị người ta nghi oan mà không sao giải thích được.
Thương Nguyên bỗng gật đầu mấy cái rồi nói:
- Khổng huynh hãy mau cho người khiêng La hiền điệt vào trong tĩnh thất, may ra Hoa mỗ có thể kiếm được thuốc giải...
Hai nàng Thiến Thiến nghe nói đều ngẩng đầu lên nhìn, Thương Nguyên thấy con gái mình đau lòng như vậy, lại càng phải nghĩ cách chữa cho Thiên Tứ mau khỏi mới được.
Thấy Thương Nguyên nói như thế, Khổng Nghi mới tỉnh ngộ, vội gọi tên đầy tớ lực lưỡng tới khiêng ngay Thiên Tứ vào trong hậu đường. Hai nàng Thiến Thiến đi theo sát nút, vừa đi vừa khóc lóc hoài.
Quần hùng tuy không có cảm tình gì với Thiên Tứ nhưng thấy hai nàng khóc một cách bi đát như vậy cũng phải động lòng thương. Nên ai nấy vội tránh sang hai bên để nhường lối đi. Bại Sự lão nhân thở dài một tiếng đi theo ngay.
Chỉ có Thích Thích Ông vẫn đứng ở đó, chẳng nói chẳng rằng ti hí hai mắt liếc nhìn các người để xem ai là hung thủ.
Khổng Nghi thở ngắn than dài, xoa tay lắc đầu luôn luôn chứ không nghĩ ra cách gì hết.
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu