In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Thanh Vân
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: Lưỡng Thủ Quái Nhân
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8477 / 50
Cập nhật: 2018-02-01 21:41:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Kết Ân Gây Địch Vốn Vô Ý - Ân Ái Triền Miên Đều Có Duyên.
ai Hoa Tiên Cô thấy sư tỷ của mình, Lan Hoa Tiên Cô, bị chân bò đá trúng và còn bị đuôi bò quật trúng ngang lưng, người bắn cao lên trên ba bốn trượng, liền cả kinh thất sắc, vội chạy ngay lại giơ tay ra đón.
Khi Lan Hoa Tiên Cô rớt xuống, y thị mới hay sư tỷ của mình đã chết giấc, chân trái từ đầu gối trở xuống đã gãy làm đôi, máu đào chảy như suối, nửa chân dưới văng ra ngoài xa, nằm ở trên đống cát trông rất kinh khủng.
Từ trước tới giờ, Mai Hoa Tiên Cô tuy giết người như cơm bữa nhưng thấy sư tỷ của mình bị thương một cách thê thảm như vậy, mặt cũng phải biến sắc và nghĩ bụng:
“Súc sinh còn lợi hại như vậy, huống hồ chủ nhân của nó”.
Vì vậy, lần đầu tiên y thị cảm thấy tính mạng của mình bị uy hiếp, trong lòng sợ hãi vô cùng, y thị tưởng tượng như tính mạng của mình đã nằm trong tay của một người, một thú. Tiểu tử khả ố kia chỉ cần ra hiệu một cái, là mình sẽ bị như sư tỷ ngay. Dù sao y thị cũng là một tay lão luyện trong giang hồ, tuy trong lòng rất sợ hãi nhưng bề ngoài vẫn làm ra vẻ bình tĩnh. Y thị vội điểm ngay vào yếu huyệt ở dưới chân Lan Hoa Tiên Cô để máu khỏi chảy ra nữa, rồi y thị xé một manh áo, dùng thuốc dịt vào vết thương của Lan Hoa Tiên Cô.
Tiểu Ngân đứng ở ngoài hai trượng, hai mắt đỏ ngầu tia ra hai luồng ánh sáng chói lọi, nó cũng cảm thấy thắc mắc chẳng hiểu tại sao địch thủ lại tầm thường đến như thế, chịu không nổi một cái đá cái quật đuôi của mình như vậy? Đồng thời nó không hiểu chủ nhân có trách mắng mình không? Vì vậy, nó cứ quay mặt nhìn ra nơi khác chứ không dám nhìn Thiên Tứ.
Thiên Tứ bị Lan Hoa Tiên Cô tấn công lén một chưởng, vai nhức nhối vô cùng. Chàng đã tức giận khôn tả nhưng bây giờ trông thấy Lan Hoa Tiên Cô gãy chân và đổ máu như thế, chàng lại giật mình kinh hãi.
Quý vị nên rõ là từ khi ra đời đến giờ, Thiên Tứ chưa từng thấy máu đổ bao giờ. Bây giờ đột nhiên trông thấy Lan Hoa Tiên Cô bị thương một cách thảm khốc như thế, bao nhiêu lửa hận vừa rồi đã tiêu tan hết, đồng thời chàng còn ăn năn là khác và còn trách thầm con Tiểu Ngân không nên tùy tiện đả thương người như vậy. Nhưng chàng không tiện trách mắng Tiểu Ngân, vì chàng biết nó vô tâm, chứ không phải hữu ý đả thương người khác như thế.
Hơn nữa cũng tại Lan Hoa Tiên Cô tấn công trước, nếu mình là nó thì cũng ra tay trả đũa như vậy thôi. Vì những lý lẽ ấy, chàng không tiện trách mắng Tiểu Ngân mà chỉ thương hại Lan Hoa Tiên Cô thôi, nên chàng cứ đứng yên ở đó, chờ Mai Hoa Tiên Cô băng bó cho sư tỷ xong mới tiến lên, định ra tay cứu chữa hộ.
Chàng có biết đâu Mai Hoa Tiên Cô bề ngoài tuy không sợ chàng nhưng sự thực lúc nào y thị cũng để ý một người, một thú. Lúc này, thấy chàng đi tới gần, y hoảng sợ vô cùng vội rút ngay thanh kiếm ở trên lưng ra, mồm thì quát lớn:
- Tiểu tử, ngươi đứng yên!
Thiên Tứ thấy mặt mũi, quần áo Mai Hoa Tiên Cô đã dính đầy máu, bàn tay cầm thanh kiếm đứng ở trước Lan Hoa Tiên Cô để bảo vệ, trông mặt mũi rất dữ tợn, nên chàng đành phải nghe lời dừng chân và lớn tiếng đáp:
- Xin tiên cô chớ hiểu lầm, quả thực tại hạ không...
Lúc này Mai Hoa Tiên Cô đã sợ đến mất hồn vía rồi, đầu óc bối rối khôn tả nên chỉ muốn rời khỏi chốn này. Y thị thấy Thiên Tứ mặt hơi biến sắc và ngừng chân, tưởng đối phương đã bị mình dọa nạt. Đồng thời, y thị cũng không dám dây dưa nhiều, nên không đợi chờ Thiên Tứ giải thích đã quát tiếp:
- Tiểu tử, ngươi đừng có đắc ý vội. Sư tỷ của bản tiên cô nhất thời sơ ý mới bị con súc sinh của ngươi tấn công lén mà bị thương nặng như vậy. Món nợ này ta đã tính vào đầu mi rồi, nay mai thể nào ta cũng phải kiếm mi để thanh toán…
Nói đến đó, y thị không đợi chờ Thiên Tứ trả lời, đã vội ẵm ngay Lan Hoa Tiên Cô lên, rú một tiếng thực dài rồi quay người đi luôn, nhanh như điện chớp, chỉ thoáng một cái đã mất dạng.
Thiên Tứ đứng ngẩn ra ở đó mà không biết nên làm thế nào cho phải. Chàng muốn giải thích để đối phương khỏi hiểu lầm nhưng chàng lại thấy Lan Hoa Tiên Cô bị thương nặng như thế đã thành sự thực rồi, dù mình có giải thích như thế nào đi nữa cũng vô ích thôi. Huống hồ, chàng biết tính nết của Mai Hoa Tiên Cô, dù mình có nói hết hơi chăng nữa, đối phương cũng không tin lời của mình đâu, bất đắc dĩ chàng phải đành để cho cho Mai Hoa Tiên Cô bỏ đi như vậy.
Thiên Tứ chờ đối phương đi mất dạng rồi thở dài một tiếng, nhảy lên lưng Tiểu Ngân rồi thủng thẳng đi ngay. Đi được một quãng đường, chàng bỗng nghe một tiếng ca bi đát ở đằng xa vọng tới, chàng rùng mình nghĩ thầm:
“Tiếng ca này có vẻ quen thuộc lắm, không biết ta đã nghe thấy ở đâu rồi và người này phải có nội công rất thượng thừa mới ca được như thế”.
Chàng vừa nghĩ vừa lắng tai nghe, lúc này tiếng ca đã rõ mồn một:
“… quen nhau từ hồi để chỏm, mối tình ngày một khắc khít đã hứa với nhau sẽ chung sống bạc đầu, ngờ đâu Long nữ đa sự, phá tan cuộc uyên ương Thạnh Lợi tàn nhẫn cướp người yêu, kẻ ấy là ai, Bại Sự Bại Sự…”
Thoạt tiên Thiên Tứ nghe không hiểu gì cả nhưng sau nghe đến câu Bại Sự, chàng đã đoán người này thể nào cũng là Thích Thích Ông chứ không sai.
Vì chàng biết Thích Thích Ông năm xưa rất yêu Âm Bà Bà, hai người vui chơi với nhau thì hồi còn nhỏ rồi, không hiểu sao Lục Âm Long Nữ Dương Cẩn Xuân lại thâu Âm Bà Bà làm môn đồ. Vì vậy hai người mới xa cách nhau, sau này Âm Bà Bà lại kết duyên với Bại Sự lão nhân nên Thích Thích Ông hãy còn ân hận tới bây giờ.
Trong khi con bò đã đi vòng qua một đồi cát, Thiên Tứ đã trông thấy Thích Thích Ông, vội nhảy xuống vài chào và hỏi:
- Thích Thích Ông tiền bối, vẫn mạnh giỏi đấy chứ?
Thích Thích Ông vì nghe tiếng kêu mới ngắt lời không ca nữa. Ông ta chưa kịp phản ứng thì đã thấy một người, một bò xuất hiện ở trước mắt rồi.
Ông nhận ra thiếu niên này chính là La Thiên Tứ mà mình đã gặp trên núi Yên Chi nhưng ông thấy chàng xuất hiện ở đây thì rất ngạc nhiên, vì ông ta đã biết chàng làm rể cho nhà họ Trương, sao chàng không ở lại hưởng vinh hoa phú quý mà lại lững thững một mình ở trên bãi sa mạc này làm chi?
Thích Thích Ông thấy Thiên Tứ chào mình một cách lễ phép như vậy thì vội nói:
- Cậu bé khỏi phải vái chào già này như thế. Thích Thích Ông ta không thích những tục lệ này đâu, mà còn ghét những trò giả dối khác. Cậu muốn gì cứ việc nói thẳng ra đi.
Thiên Tứ tủm tỉm cười, biết đối phương đã hiểu lầm tưởng mình định nhờ vả gì nhưng chàng vẫn không nói toạc ra vội, chỉ hỏi Thích Thích Ông rằng:
- Vãn bối đi đến đây thì bị lạc lối, muốn phiền lão tiền bối chỉ đường cho vãn bối được ra khỏi đây.
Thích Thích Ông ngạc nhiên hỏi lại:
- Cậu bé định đi đâu?
- Cam Châu!
- Cứ đi thẳng sẽ tới Cam Châu liền.
- Cảm ơn, còn lão tiền bối định đi đâu thế?
- Cam Châu!
- Ban trưa ở trên bãi cát mà đi bộ thì vất vả lắm, mời lão tiền bối đi cùng với tiểu bối một thể cho vui!
Vẻ mặt rầu rĩ Thích Thích Ông khẽ lắc đầu. rồi nhìn đi chỗ khác nghẹn ngào đáp:
- Già này suốt đời cơ khổ, đi không có bọn, ở không có nơi nhất định, đã trở thành thói quen…
Thiên Tứ thấy ông ta nói như thế có vẻ thất vọng. Thích Thích Ông thấy vậy lại gật đầu và nói tiếp:
- Nhưng cậu bé ngươi khá lắm. Già này cũng không muốn phụ lòng tốt của cậu! Thôi được, chúng ta cùng đi với nhau vậy.
Thiên Tứ nghe nói mừng rỡ khôn tả, mời Thích Thích Ông cưỡi lên lưng con bò. Lưng con bò rất lớn, rộng hai người ngồi vẫn còn thừa chỗ.
Tiểu Ngân thồ hai người như vậy mà không thấy nặng nề chút nào, vẫn chạy nhanh như thường. Thích Thích Ông ngồi ở đằng trước chỉ cảm thấy gió lạnh thổi phủ mặt, cảnh vật ở hai bên đường như chạy ngược, nhưng con bò chạy rất êm không thấy sóc một chút nào hết. Ông ta cũng phải thầm khen ngợi con bò này là một vật báu của thế gian.
Cam Châu là ở giữa hành lang của tỉnh Cam Túc và là nơi yết hầu giao thông của miền Tây Bắc. Lúc ấy tuy chưa được văn minh nhưng từ cổ chí kim nơi đây là một trung tâm điểm danh thương rất quan trọng, cho nên lúc nào cũng phồn hoa và đông đúc.
Lúc ấy trời tối xẩm, các nhà đã lên đèn, các khách điếm với tiệm cơm đèn đuốc lại sáng choang thêm.
Trong quán cơm, những người ngồi có cả người Hán, người Mông, người Hồi, kẻ chuyện trò, người đánh toan, thực là náo nhiệt khôn cùng. Chỉ tội cho những tên phổ cây chạy suốt, mồ hôi chảy ra như tắm.
Đột nhiên trong sảnh có tiếng thở dài nổi lên, tiếng thở ấy tuy không lớn lắm, nhưng bất cứ người nào nói chuyện to đến đâu cũng nghe được tiếng thở ấy cả, nên ai nấy đều quay đầu lại nhìn về hướng tiếng thở đó ngạc nhiên vô cùng.
Trên một góc đại sảnh, có người cất giọng rất bi đát ca bài thơ Tương Tiến Tửu của Lý Bạch nhưng trong thơ có hai tên Sầm Phu Tử và Đơn Khấu Sinh thì lại đổi thành điếm tiểu nhị và cậu bé con, đồng thời câu sau cùng “cùng tiêu vạn cổ sầu” thì ca hai lần. Tiếng ca kêu như tiếng sấm làm cho đèn lửa trong sảnh cứ lập lòe như sắp tắt và rầu rĩ đến nỗi ai cũng phải ứa lệ.
Mọi người đều kinh ngạc, đưa mắt nhìn xem người lên tiếng ca ấy là ai. Thì ra người ấy là một ông già mặt mày đầy nét nhăn, quần áo cũ kỹ, da vàng, đang ngẩng đầu nhắm mắt, nước mắt giàn giụa, hình như đau lòng quá nỗi. Còn người ngồi đối diện ông ta là một thiếu niên thư sinh, mặt lộ vẻ thương hại và hai mắt cứ nhìn từng cử động một của ông già vừa ca hát.
Mọi người không hiểu ông già với thư sinh ấy ở đâu tới? Sao ông già lại khảng khái bi ca ở trước quần chúng như vậy?
Chờ ông già ca xong, thiếu niên liền lên tiếng:
- Lão tiền bối rầu rĩ vì việc gì thế? Không biết có thể vui lòng nói cho tại hạ nghe rõ câu chuyện ấy không?
Ông già như người nằm mơ mới tỉnh, giật mình đến thoắt một cái, rồi lấy tay áo lau nước mắt thở dài một tiếng, đang định trả lời thì giữa đại sảnh đã có một đại hán đứng lên, chỉ tay vào mặt ông già mắng:
- Con rùa già kia, ở giữa đại sảnh làm trò quỷ khóc thần sầu như vậy, có phải muốn phô tài và coi nơi đây không có nhân tài nào đáng đếm xỉa hay sao?
Ông già cũng nổi giận đáp:
- Thằng nhỏ to con kia, lão Thích Thích Ông đây bình sinh rất trực tính và ta hát như vậy là chuyện rất thường rồi. Nhưng ta chưa thấy ai như…
Người nọ nghe thấy ông già kia tự xưng là Thích Thích Ông, liền ngẩn người ra nhưng lại cười hả hả và cướp lời nói tiếp:
- Không ngờ ngươi lại là nhân vật có tiếng tăm như vậy hà hà hà…
Tiếng cười của y lớn đến nỗi những người khách ngồi quanh đó đều cảm thấy đinh tai nhức óc không sao chịu đựng được, nên đã có rất nhiều người phải ôm tai bỏ chạy luôn chứ không ngồi yên ở đó ăn nhậu nữa.
Thiên Tứ thấy thế rất bất bình liền quát lớn:
- Câm mồm!
Tiếng nói của chàng không lớn lắm nhưng cũng đủ làm đại hán kia giật mình kinh hãi vội nín cười ngay và mồm còn chưa kịp mím lại.
Còn bốn đại hán nữa ngồi chung bàn với đại hán kia và Thích Thích Ông, tuy không cảm thấy tiếng quát của Thiên Tứ có gì khác lạ nhưng chúng với Thích Thích Ông thấy đại hán bỗng nín cười và mồm há hốc như vậy thì đều kinh hãi vô cùng.
Quý vị nên rõ những người đó đều là cao thủ võ lâm, chúng biết dùng nội lực hay tiếng hét làm mọi người đinh tai nhức óc, không phải là chuyện khó làm, nhưng muốn làm như Thiên Tứ chỉ lên tiếng mà khiến một người nghe thấy mà hoảng sợ, như thế mới thật là khó luyện, mấy chục năm luyện huyền môn nội công và tinh thông phương pháp nội gia truyền âm mới có thể làm được như vậy.
Thiên Tứ không để ý tới mọi người đang hoài nghi, liền đứng dậy nói với đại hán mồm đang há hốc rằng:
- Vừa rồi huynh đài trách cứ cụ này không nên ở đây phô trương công lực và tài ba nhưng các hạ đã biết là không nên, lại cố ý để làm cho mọi người sợ hãi như thế làm chi?
Những thực khách bỏ chạy ra bên ngoài hồi nãy giờ, thấy tiếng cười đã dứt nên người nào người nấy quay trở vào liền, nhưng chúng chỉ đứng ở chỗ cửa sổ hay cửa sảnh để mong đươc xem tấn kịch đại náo mở màn, thôi chứ không dám quay trở vào chỗ ngồi như vừa rồi nữa.
Tên phổ cây ẩn nấp ở đằng xa, còn tên chưởng quầy đứng ở gần đó, hai tay xoa cái bụng phệ, mồm như muốn nói lại thôi, không biết có phải y định khuyên các người đừng đánh nhau nữa không? Điều này không ai hay biết cả? Những thực khách còn ngồi yên tại chỗ lúc này cũng đều đứng dậy tránh sang hai bên, để chờ trận đấu mở màn diễn ra nên không người nào sợ hãi cả và còn hớn hở nữa là khác.
Lúc ấy, ở chỗ chính giữa chỉ còn lại hai bàn, bảy người ngồi, cách nhau chừng hai, ba bàn và đang cầm cự nhau thôi.
Tuy sinh trưởng ở biên khu nhưng Thiên Tứ chưa hề ra ngoài bao giờ nên chàng không hay biết một tí gì về tính nết của dân biên khu, và vì vậy chàng rất ngạc nhiên và nghĩ bụng:
- “Lạ thực! Sao những người dân ở đây lại không sợ chết như thế.”
Đại hán nọ ngẩn người ra giây lát, rồi nổi giận hét lớn:
- Tiểu tử là môn hạ của ai, tên họ là chi? Chẳng lẽ người đã ăn tim gấu gan báo, nên mới dám tới đây gây hấn với Tạng Biên Ngũ Hổ môn hạ của Mật Tôn hay sao? Ngươi xem đại gia có bẻ gãy xương chân ngươi không nào?
Nói xong, y cuốn tay áo và đang định tiến lên. Thiên Tứ thấy thái độ của đối phương như vậy càng tức giận thêm nhưng vì chàng thấy nơi đây có nhiều người đứng xem và bàn ghế đồ đạc quý giá, nên chàng không nhẫn tâm đả thương người vô tội và đánh vỡ đồ đạc liền nói đỡ lời:
- Hãy khoan, tại hạ La Thiên Tứ này không sợ ai cả nhưng vì thấy nơi đây có nhiều người, nên không muốn họ bị vạ lây. Nếu ngươi có giỏi thì đi ra ngoài kia…
Đại hán nọ nghe thấy chàng tự báo danh như vậy, thoạt tiên ngẩn người giây lát nhưng lại cười ha hả ngay và nói tiếp:
- Ta tưởng các hạ là ai? Không ngờ chỉ là một cái trứng thỏ thích ăn cơm mềm (đây là tiếng lóng của miền Tây Bắc Trung Hoa, bảo người ta là trứng thỏ cũng như bảo ta là ma cô ma cạo vậy). Cái trứng thỏ kia, sao không ở nhà Trương Hầu Gia mà tọa hưởng phú quý vinh hoa, lại ra ngoài hoành hành như thế này làm chi? Người khác thì sợ thế lực của nhạc phụ ngươi, chứ còn Lỗ Hổ Đại Vương Đại Lập ta không sợ…
Nói tới đó y vênh váo, ra hiệu cho các người và nói tiếp:
- Mau dẹp bàn ghế đi…
Y vừa nói tới đó những người đứng quanh đấy đã vỗ tay khen ngợi y ngay.
Tên chưởng quầy cười hí hí ra lệnh cho mấy tên phổ cây mau dọn dẹp bàn ghế và dùng hai mươi mấy cái bàn xếp lại thành một lôi đài nho nhỏ ngay.
Từ khi thấy Thiên Tứ ngay hấn với Vương Đại Lập, Thích Thích Ông không nói gì nữa mà chỉ ngồi nhậu nhẹt hoài thôi. Ông ta vừa ăn uống no nê xong thì tên phổ cây đã dọn tới bàn của ông ta liền. Ông ta dùng tay áo chùi mồm và lôi kéo Thiên Tứ đang hậm hực sang một bên, rỉ tai dặn bảo chàng rằng:
- Cậu nhỏ, tên đại hán kia là người của Mật Tôn, sở trường môn Đại thủ ấn. Lát nữa đối địch cần phải cẩn trọng đề phòng tai trái của y…
Kinh nghiệm đấu với người của Thiên Tứ rất kém nhưng khi học võ trong cuốn sách da dê của quái nhân hai đầu đưa cho để học hỏi, trong đó có ghi rõ võ học của các môn phái, nhờ vậy chàng mới biết sở trường và sở đoản của các môn phái. Cho nên chàng không coi Lỗ Hổ Đại Vương Đại Lập vào đâu cả nhưng thấy Thích Thích ông dặn bảo như vậy, chàng không muốn làm ông ta cụt hứng, liền gật đầu khẽ đáp:
- Cám ơn tiền bối đã chỉ dạy cho như vậy. Tiểu bối thế nào cũng cẩn thận…
Lúc ấy, bọn phổ cây vừa dọn xong bàn ghế, tên chưởng quầy liền vỗ tay hai cái và nói:
- Đêm nay, tệ điếm được các anh hùng ở Biên khu như Mật tôn Ngũ Hổ, Thích Thích Ông tiếng tăm lừng lẫy và La công tử, con rể của Trương lão Hầu gia đại giá quang lâm, bỉ nhân rất làm vinh hạnh. Hơn nữa lại gặp Vương đại gia không hiềm tiểu điếm đất hẹp bàn ít, vui lòng ở lại đây đấu cùng La công tử để cho bỉ nhân và các vị đồng hương được kiến thức võ học của các danh gia thật là vạn hạnh.
Nói đến đó, y lại ho khan một tiếng và nói tiếp:
- Cho nên quí vị thượng đài đấu với nhau bất luận được thua như thế nào thì sau khi đấu xong tửu điếm cũng thiết một mâm cơm rượu không lấy một xu nhỏ nào hết…
Chàng không ngờ dân chúng ở nơi đây thích đánh nhau và cũng thích xem đánh nhau đến thế.
Tên chưởng quầy nói tới đó liền gượng cười hạ thấp giọng nói tiếp:
- Nhưng tệ điếm ít vốn liếng, nhà cửa lại chật hẹp đồ đạc có hạn, nếu vị nào giẫm như bàn ghế thì xin… thì xin…
Y nói tới đây thì cứ ấp úng mãi không sao nói tiếp được. Có lẽ Vương Đại Lập thường hay đấu ở điếm này luôn nên hiểu rõ luật lệ của nơi đây. Y nghe tên nọ nói như thế, liền móc túi lấy một nén bạc chừng năm mươi lạng ra để ngay vào mép lôi đài và nói:
- Anh mập kia đừng có nói lôi thôi nữa, nếu đại ca có giẫm nát một ít bàn ghế của ngươi thì ngươi cứ lấy nén bạc này đi.
Tên chưởng quầy một mặt vái lạy cảm tạ, một mặt đưa mắt liếc nhìn Thiên Tứ. Biết ý đối phương rồi khi nào Thiên Tứ chịu lép vế, liền lấy mười nén bạc nặng mười lạng để trên mép lôi đài.
Tên trưởng quầy mập mạp lại chắp tay vái chào chàng, mồm thì liên hồi cám ơn rồi vội lui về phía sau năm bước và lại chắp tay vái chào hai người một lần nữa mồm thì nói tiếp:
- Mời hai vị lâm đài cho.
Vương Đại Lập đã nóng lòng sốt ruột, bây giờ y thấy tên trưởng quầy nói xong, liền chắp tay vái chào mọi người một cái, không thấy y khom lưng nhún vai gì cả, đã như một con chim to lớn nhảy luôn lên trên đài.
Thiên Tứ thấy vậy không do dự gì hết, cũng khẽ phi thân lên, nhẹ nhàng như một tàu lá rụng từ từ đứng xuống mặt đài, áo dài chàng mặc không hề bay phất phới một tý nào. Đại Lập với bốn tên đồng bọn thấy khinh công chàng lợi hại như vậy đều cau mày lại, còn Thích Thích Ông thì vừa hớn hở vừa kinh ngạc. Bọn thực khách tuy không biết khinh công chàng lợi hại như thế nào, nhưng thấy hai người một nhanh một chậm cùng nhảy lên trên đài chúng liền vỗ tay khen ngợi liền.
Hai người đứng đối diện nhau chừng năm thước. Đại Lập đầu to như đấu, mặt đen như đáy chảo, vai rộng lưng thô, mặc quần áo võ trang, bắp thịt u lên. Khác hẳn với Thiên Tứ, trông rất nho nhã, văn vẻ đẹp trai nhưng người chỉ vừa phải thôi, nên đem hai người ra so sánh thì Đại Lập trông oai phong lẫm lẫm hơn nhiều.
Khán giả ở bốn bên không có thì giờ để ý ai đẹp ai xấu hết và thực sự chúng cũng không có hứng thú để ý đến điều đó thì đúng hơn. Chúng chỉ thích xem trận đấu mở màn mà thôi. Trong bọn chúng có một tên là Vương Lão Tam nói với những người đứng cạnh rằng:
- Xem thân pháp của hai vị đại hiệp lên đài thì cũng đủ biết họ cao minh như thế nào rồi. Trận đấu này chúng ta phải đánh cá lớn một chút mới được, tôi định cá năm lạng ăn năm chỉ. Tôi bảo Vương Đại hiệp chỉ đấu đến hiệp thứ ba là cùng, thế nào cũng tất thắng. Nào có ai đánh cá với tôi không?
Y vừa dứt lời thì đã có rất nhiều người móc tiền ra để ở xung quanh lôi đài. Chỉ trong nháy mắt lôi đài ấy giống như dùng bạc viền mép vậy.
Đại Lập chỉ nóng lòng cho ngay Thiên Tứ một bài học, lúc này y thấy Thiên Tứ an nhàn như vậy rõ ràng là không coi mình vào đâu cả, lại càng tức giận thêm, liền trợn tròn đôi mắt hổ lên quát lớn:
- Tiểu tử, có giỏi thì đỡ thế công này của ta.
Nói xong y liền nhảy xổ lại nhắm ngực và bụng Thiên Tứ tấn công luôn.
Thiên Tứ vẫn buông xuôi tay, đứng yên nhưng sự thực chàng đã đề phòng. Lúc này chàng thấy đối phương ra tay sử dụng Phi Sa chưởng pháp xen lẫn ấn thủ của Mật Tôn.
Đại ấn thủ là nội công tuyệt học của Mật Tôn, lúc ra tay đánh người, vận sức vào bàn tay, chờ đến khi sắp động chạm đến người, lúc ấy mới dồn nội lực ra. Nội lực này không hình không tiếng, in vào người của đối phương thì đối phương mới hay biết được. Nhưng lúc ấy nội lực đã dồn vào trong người đối phương rồi, ngũ tạng lục phủ của đối phương bị chấn nát luôn. Như vậy, đối phương dù có muốn lui bước tránh né cũng không kịp nữa. Ngoài ra, chưởng pháp của phái Mật Tôn lại còn một điểm kỳ lạ nữa là khi đánh trúng người, trên da thịt ở chỗ vết thương thế nào cũng hiện lên một dấu vết bàn tay đỏ hồng như là dùng son vẽ. Vì thế người ta mới gọi là Đại thủ ấn.
Thiên Tứ biết Đại thủ ấn lợi hại như thế nào nhưng chàng đã luyện tập ba thứ thần công tuyệt thế rồi, tất nhiên chàng không sợ. Nhưng chàng với Đại Lập không có thâm thù đại hận chi hết, nên chàng không muốn Mật Tôn cao thủ bị bại một cách quá tàn nhẫn hay quá nhanh chóng. Không thấy chàng cử động gì cả, đã giở thân pháp rất kỳ ảo là Thất tinh bộ ra, tiến sang trái nhằm cổ tay của Đại Lập chặt xuống một thế.
Trông thân hình của Đại Lập tuy rất đần độn nhưng thực sự linh hoạt vô cùng. Y thấy tấn công hụt ở chưởng đó, mà Thiên Tứ đã lướt tới cạnh mình dùng ngón tay đánh xuống, y không hoảng hốt chút nào, chỉ xoay người một vòng thuận thế chém ngay vào chỗ yếu hiểm của địch thủ tức thì. Chưởng phong của y mạnh vô cùng, nội lực Ấn thủ rất lợi hại thực là oai mãnh không thể tưởng tượng được.
Thiên Tứ thấy y không thèm đếm xỉa đến thế công của mình, biết y thế nào cũng luyện Ngạch công cho nên mới táo gan như thế. Chàng chửi thầm:
“Tên này thực ngu ngốc quá, ngươi tưởng ta không có cách kiềm chế ngươi hay sao?”
Nhưng vì thấy đối phương không thù oán với mình, nên chàng chỉ cùng có ba thành công lực nhằm hông bên trái của đối phương tấn công xuống.
Đại Lập thấy Thiên Tứ bỗng nhắm hông trái mình tấn công tới, y dùng hai khuỷu tay mình nhằm hai bàn tay của Thiên Tứ thúc luôn.
Thiên Tứ cũng quá sơ ý không ngờ đối phương lại xoay thế nhanh như vậy nhưng chàng cũng không muốn dùng sức thúc mạnh vào người đối phương mà chỉ lui về phía sau thôi.
Đại Lập thấy dùng khuỷu tay thúc không trúng chàng, liền thét lớn một tiếng rồi bỗng quay người đối diện với chàng và y tấn công luôn mấy chưởng, chưởng nào cũng mạnh không thể tưởng tượng được.
Thiên Tứ không muốn thẳng tay chống trả chưởng thế của đối phương mà chỉ lui bước tránh né thôi. Ngờ đâu, chàng mới lui được năm bước thì chân đã giẫm phải một thoi bạc liền giật mình kinh hãi mới biết mình đã lùi tới mép lôi đài rồi…
Đại Lập tuy to lớn vạm vỡ nhưng không chậm chạp chút nào, lúc này y thấy Thiên Tứ đã lùi tới mép lôi đài, khi nào y chịu bỏ lỡ cơ hội nên y lại tiến lên giơ song chưởng tấn công mạnh một thế nữa…
Những người đứng sau Thiên Tứ xem thấy Thiên Tứ cứ lui bước hoài như vậy ai nấy đều nản chí vô cùng, nhứt là những người khách đánh cuộc chàng trong hai mươi thế chưa bị thua nay chúng thấy chàng sắp té xuống dưới đài liền lớn tiếng cảnh báo và hò hét kêu la để cổ vũ cho chàng.
Thiên Tứ dù là người tốt nhịn tới đâu mà thấy đối phương cứ dồn ép mình mãi như vậy thì cũng tức giận, liền giơ một chưởng lên trước ngực từ từ đẩy ra mồm thì nói:
- Các hạ cứ dồn ép mãi như vậy, bắt buộc tại hạ phải thất lễ đây!
Nói xong chàng vận Thiên la Thần công nhẹ nhàng đẩy ra phía trước một thế. Lạ thực, chàng vừa giở Thiên la Thần công ra, những thế công của Đại Lập mạnh như vậy mà không khác gì muối bỏ xuống bể liền bặt vô tăm tích, ngay tiềm lực Đại Ấn của y cũng tựa như va đụng vào vách sắt và còn bị đẩy mạnh trở lại khiến hai tay y tê tái và chân không sao đứng vững được. Y loạng choạng lui về phía sau năm bước, năm cái bàn ở dưới chân y đã bị giẫm đứt, khí huyết trong người y rạo rực suýt tí nữa thì phải thổ máu ra.
Y cả kinh thất sắc vội vận khí nuốt cục máu đã lên tới cổ họng xuống, đang định chuẩn bị phản công để “tiết hạng _ trang 304” thì thấy Thiên Tứ đã lớn tiếng cười chắp tay chào và nói:
- Cám ơn Vương huynh đã nhường nhịn cho.
Như vậy có khác gì chàng tuyên bố Đại Lập đã bại rồi khỏi cần phải đánh nữa.
Đại Lập thấy chàng là một thư sinh tuấn tú nhưng nội công lại cao hơn y một mức, huyền công lại thần diệu vô phương. Tuy vậy, y là người hoành hành ở biên giới Tây Tạng này đã lâu có khi nào y lại chịu nhịn được. Hơn nữa, Phi Sa chưởng pháp tuyệt học của sư phụ, y chưa giở ra đối địch mà đã bảo y thua thì làm sao y chịu được. Nên y tức giận đến nỗi cục máu đã nuốt xuống rồi suýt thổ ra, nên bất đắc dĩ y phải hậm hực nói:
- Tiểu tử, ngày hôm nay số ngươi hên lắm, nhưng món nợ này đại gia đã ghi ở trong thâm tâm rồi, lần sau gặp lại thế nào cũng thanh toán một thể…
Nói xong, y giậm mạnh chân xuống mặt đài, muốn nhảy xuống bỏ đi nhưng y quên nơi đó ở đâu, vì vậy y vừa giậm mạnh chân xuống thì bàn ở bên dưới đã vỡ thành mấy chục mảnh và người của y cũng bị thụt xuống luôn. Y vội giơ hai tay ra chống lên hai mặt bàn thì mới nhẩy lên được, tuy vậy y cũng hổ thẹn vô cùng.
Các khán giả thấy thế đều cười “ồ”, những người thua bạc có vẻ không chịu, lại còn cổ võ y rằng:
- Đại gia chưa thua mà? Đấu lại đi?
Những người kia sợ y quay trở lại đấu một lần nữa, chúng vội át giọng mấy người kia rằng:
- Lão đại! Đừng có nói thế, người ta là đại hiệp khách cần lấy võ kết bạn nên trận đấu chỉ cần đấu tới mức hơn thua là thôi. Chứ có ai như lão đại đã thua mà không chịu nhận như thế đâu…
Người nọ không chịu nhịn liền mắng chửi lại:
- Khốn nạn thực, có bao giờ đại gia thua lại không chịu nhận thua đâu mà ngươi vu khống như thế. Nếu đại gia không đánh rụng răng ngươi thì ngươi chưa biết đại gia lợi hại như thế nào.
Nói xong y vén áo lên định đánh nhau thiệt. Vương Đại Lập nghe thấy bọn chúng ồn ào như vậy vừa tức giận vừa hổ thẹn và đang khó xử không biết nên đấu nữa hay là bỏ đi ngay, thì bỗng có một bóng người phi thân từ dưới đài lên nhẹ nhàng hạ chân xuống cạnh chỗ y.
Lúc ấy, Đại Lập mới nhận ra người đó là nhị sư huynh của mình, có tiếng là Ải Cước Thổ Lưu Hoàn. Người y vừa lùn vừa bé nhỏ.
Thiên Tứ thấy người đó nhảy lên biết không tránh được trận đấu nên ung dung đứng yên ở trên đài để đợi chờ.
Ải Cước Thổ Lưu Hoàn lùn hơn Đại Lập hai cái đầu nhưng mặt mày hung ác chẳng kém Vương Đại Lập. Y trợn tròn xoe đôi mắt lên ngắm nhìn Thiên Tứ một hồi rồi mới quay đầu lại bảo Đại Lập:
- Tứ đệ hãy xuống trước, trận này để cho lão nhị ta lãnh giáo tuyệt học hãn thế của bạn họ La này.
Đại Lập kêu “hừ”, hậm hực nhìn Thiên Tứ rồi mới đi xuống dưới đài.
Lưu Hoàn chờ sư đệ mình đi xuống dưới đài rồi mới rút con dao Diến Điện giắt ở ngang lưng ra mà nói với Thiên Tứ rằng:
- Công lực của các hạ trác tuyệt nhưng không biết tôn sư là ai? Xin cho biết nhỡ môn phái chúng ta có liên quan thì khỏi phải tổn thương hòa khí?
Thì ra Ải Cước Thổ đứng ở dưới đài xem thấy Thiên Tứ dùng nội lực vô hình vô bóng đánh Đại Lập, lại tưởng là chàng sử dụng Vô Hình quyền pháp. Vô Hình quyền pháp lại là tuyệt học của phái Hải Tâm Sơn, oai lực còn hơn cả Đại Thủ Ấn.
Phái Hải Tâm Sơn ở Thanh Hải thực lực rất hùng hậu không kém gì phái Mật Tôn, nhất là đương kim môn chủ Vô Hình Tú Sĩ tính nết quái dị, hỉ nộ vô thường, có tiếng là ác độc và lại hay bênh vực môn hạ. Nếy Thiên Tứ là người của phái đó thì để cho chàng đắc thắng thì không sao, còn ngược lại chàng mà bị đánh bại thì Vô Hình Tú Sĩ hay tin thế nào cũng đích thân đi tìm kiếm năm người bọn mình. Lúc ấy không những mang họa vào thân mà còn gây cường địch cho sư môn, cho nên y mới phải hỏi lại như thế.
Thiên Tứ cũng biết dụng tâm của y liền nghĩ bụng:
- “Nếu nói thực cho chúng hay thì chúng làm sao biết được tên hiệu của ân sư của mình, mà còn dễ gây nên nhiều phiền phức lắm.”
Chàng định nói dối nhưng nhất thời không nghĩ ra được môn phái nào. Hơn nữa, chàng là người thành thực không muốn nói dối ai hết, nên chàng ngẫm nghĩ giây lát rồi mỉm cười đáp:
- Các hạ chẳng cần biết sư môn của tại hạ làm chi nhưng các hạ yên tâm, gia sư hai người không quen biết Mật Tôn môn và cũng chưa từng bao giờ đi lại với quý môn phái cả.
Lưu Hoàn mới yên trí phần nào quát tiếp:
- Tiểu tử ngông cuồng thật, lão nhị này không cho ngươi một bài học thì ngươi vẫn còn chưa biết thân.
Nói xong, y múa tít thanh đao liền có ánh bạc lóe lên, đèn lửa trong sảnh cũng bị lu mờ hẳn. Những khán giả đứng xem xung quanh cũng có một số người sành điệu, trông thấy thanh đao Diến Điện của y đều khen ngợi om xòm.
Lưu Hoàn thấy lời nói của Thiên Tứ có vẻ khinh thường sư môn của mình nên y chỉ muốn chém chàng ra làm tám mảnh mới hả dạ, nhưng thấy Thiên Tứ đang đứng yên không giở khí giới ra y liền nói:
- Các hạ có mau rút binh khí ra để Lưu Hoàn này lãnh giáo xem, về mặt khí giới của các hạ có điểm nào hơn người không, mà dám kinh thường Mật Tôn ở biên khu này như thế?
Thiên Tứ nghe nói ngẩn người ra giây lát nhưng chàng vỡ nhẽ ngay, chàng biết đối phương đã hiểu nhầm ý nghĩa lời nói của chàng vừa rồi. Chàng định giải thích nhưng nghĩ lại giải thích lúc này cũng vô ích. Hãy chờ đợi phân cao thấp đã rồi nói chuyện sau cũng chưa muộn.
Chàng không có ý dùng khí giới, nhưng thấy Lưu Hoàn nói như vậy, lại sợ đối phương hiểu lầm mình khinh thường phái Mật Tôn của chúng nên chàng cau mày, cũng rút luôn cây sáo ngọc dài ba thước ra. Cây sáo vừa rút ra bên ngoài đã có tiếng kêu như tiên hạc vậy, các khán giả đứng xem xung quanh đó đều giật mình kinh hãi và không hiểu sao chàng lại đem cái trò chơi trẻ con này ra để đối phó với thanh đao Diến Điện sắc bén như thế?
Thì ra cây sáo Thiên Tứ rút ra là Bách Thú Lệnh mà chàng đã lấy được trong hang động. Bách Thú Lệnh này tuy chỉ có bằng ngón tay cái thôi, nó đen bóng và có ánh sáng bóng bẩy, dù trông nó rất mềm nhưng thực sự rất cứng rắn, bảo đao bảo kiếm cũng khó mà chặt đứt nổi.
Lần thứ hai Thiên Tứ vào hang động đã học tập được Thập nhị Cầm chưởng và còn luyện được nhạc khúc của cuốn Bách Thú Lệnh để lúc nhàn rỗi đem ra thổi chơi. Bây giờ chàng thấy Ải Cước Thổ cứ đòi lãnh giáo khí giới của mình mà trong người chàng không có đao kiếm gì hết, mới nghĩ đến Bách Thú Lệnh này, lấy ra để làm bút phán quan.
Ải Cước Thổ thấy Thiên Tứ lấy ra một môn khí giới kỳ hình như cây sáo mà không phải sáo như tiêu mà không phải tiêu, mềm và nhỏ như cành trúc liền chửi thầm:
“Tiểu tử tự thị hai miếng vô hình quyền pháp đã tưởng mình là vô địch thiên hạ, thực không biết trời cao đất rộng gì hết. Lát nữa đại gia chặt gãy khí giới của ngươi và cắt đứt hai tai ngươi luôn mới được.”
Nghĩ xong y liền nói một câu “Thỉnh”, rồi múa tít thanh đao giở đao pháp Lưu Sa của Mật Tôn ra tấn công liền. Chỉ thấy thanh đao của y hóa thành một làn ánh sáng bạc nhắm đầu Thiên Tứ úp chụp xuống.
Thiên Tứ đang đứng ở mép lôi đài, thấy đối phương tấn công tới vội giở bộ pháp Bát Quái Trấn Cung bộ ra, chỉ thấy người chàng xoay vòng một cái đã tới cạnh đối phương liền.
Lưu Hoàn thấy thế đao của mình tấn công hụt vội quay người lại nhằm bụng và ngực Thiên Tứ tấn công tiếp.
Lúc này Thiên Tứ đã đứng ở giữa đài lợi thế hơn đối phương nên chàng thấy đối phương tấn công tới, không lui không tránh nữa mà vội vàng múa tít cây Bách Thú Lệnh lên, liền có trăm thứ tiếng nổi lên theo và phát ra một luồng tiềm lực bảo vệ lấy bản thân chàng rồi. Tay trái của chàng đã nhẹ nhàng xuyên qua bóng đao nhằm yếu huyệt ở trước ngực và trên vai của Lưu Hoàn điểm luôn. Thế võ này của chàng rất khéo léo nhưng cũng lại rất nguy hiểm.
Thích Thích Ông đứng ở bên dưới thấy thế cũng phải lo âu hộ chàng, nghĩ bụng:
“Nếu Lưu Hoàn kịp cải biến đao thế, chỉ lật ngược thanh đao lên đẩy về phía trước, cánh tay của Thiên Tứ thế nào cũng bị mất ngay chứ không sai”.
Tuy Lưu Hoàn xuất thân ở một đại phái ở biên khu này thực nhưng y không những không biết cách phá thế này mà thậm chí tên của thế võ ấy ra sao y cũng không biết. Hơn nữa, y là người trong cuộc thì làm sao sáng suốt được như Thích Thích Ông, biết biến thế đao lên như vậy? Bất đắc dĩ y đành phải giậm chân lui ngược về phía sau. Trong khi người trên không, y thấy Thiên Tứ tủm tỉm cười đứng yên tại chỗ chứ không đuổi theo tấn công tiếp, trong lòng y mới hơi an tâm. Ngờ đâu lúc ấy y đã nghe mọi người kêu la om xòm, y vội nhìn xuống mới hay bên dưới y trống không, thì ra y đã nhảy ra bên ngoài và đang lơ lửng trên đầu các khán giả. Y hoảng sợ vô cùng kêu khổ thầm và nghĩ bụng:
“Chả lẽ phen này ta lại thua tên tiểu tử này chăng?”
Y vừa nghĩ tới đó đã nghe thấy kêu “bùng” một tiếng, người của y đã va đụng vào vách tường bên phía Nam. Trong lúc nguy hiểm, may mắn dùng khuỷu tay trái ấn mạnh vào góc tường và co chân lên đạp mạnh một thế, người y lại bay trở về được võ đài liền.
Thiên Tứ thấy y nhanh trí khôn như vậy cũng phải khen thầm, nhưng Lưu Hoàn tưởng chàng cười mĩa mình, liền nộ sát khí quát lên:
- Tiểu tử, có mau nộp mạng cho ta không?
Y vừa quát tháo, vừa ngấm ngầm vận toàn lực vào một chưởng, một đao rồi xông lên tất công luôn mười thế một lúc.
Thiên Tứ thấy thế công của đối phương vừa nhanh vừa lợi hại như vậy cũng phải kinh hãi thầm và nghĩ bụng:
“Môn hạ của Mật Tôn quả có hai miếng võ thực tài. Xem ra công lực của chúng còn cao siêu hơn Tô Trị Toàn một bậc. Ngày hôm nay, may là ta, nếu là Thich Thích Ông cũng chưa chắc ông ấy chống đỡ nỗi pho đao, chưởng phối hợp một lúc như thế này”.
Chàng vừa nghĩ vừa múa cây Bách Thú Lệnh, lấy thế phá thế, thức phá thức. Tuy vậy chàng vẫn chưa giở tuyệt nghệ của mình ra đối phó vội. Thái độ của chàng vẫn ung dung như thường.
Lúc ấy, mọi người chỉ thấy hai bóng người từ chậm đến nhanh. Thoạt tiên còn thấy hình người, sau càng đấu càng nhanh, họ chỉ thấy có một luồng bóng đen xoay như chong chóng ở trên đài thôi. Nên các khán giả im lặng mà xem không ai dám lên tiếng nói nửa lời nữa.
Còn Tứ Hổ khác của phái Mật Tôn đang đứng ở bên dưới chuẩn bị, hễ nhị hổ bị thua là nhảy lên tiếp tay luôn.
Thích Thích Ông không gay cấn như các người khác nhưng hai mắt cứ tròn xoe nhìn lên đài không chớp mắt. Các người khác không thấy rõ các thế thức của hai người nhưng ông ta thì thấy rõ mồn một. Ông ta đứng xem càng kinh hãi và không biết những thế võ của Thiên Tứ tên là gì và thuộc môn phái nào? Nhưng dầu sao với kinh nghiệm sáu bẩy mươi năm trên giang hồ ông ta cũng đã nhận ra được Thiên Tứ dư sức thắng tên Lưu Hoàn, nhưng đến giờ ông mới biết Thiên Tứ có võ nghệ cao siêu đến thế.
Cũng may bữa nọ ông ta thách thức, nhưng Thiên Tứ không chịu đấu, bằng không ông đã bại trong tay Thiên Tứ và đã bỏ đi rồi chứ đâu còn mặt mũi nào cùng đi với Thiên Tứ nữa.
Trận đấu trên đài đã tới hiệp thứ năm mươi rồi mà sao Lưu Hoàn vẫn không sao chém nổi tà áo của địch nên y càng đấu càng tức giận kinh hoàng. Đồng thời, y cũng biết đối phương cũng nương tay cho mình nhưng y vẫn không chịu cảm ơn, vì xưa nay phái Mật Tôn ở chốn biên khu này vẫn hoành hành quen đi rồi nên chưa lần nào gặp địch thủ cả, vì vậy xưa nay vẫn chưa biết chữ bại với chữ sợ là gì hết.
Biên khu ngũ hổ lại là cao thủ hạng nhất của phái Mật Tôn, từ khi ra đời đến bây giờ chỉ có người nịnh bợ chúng chứ chẳng bao giờ phải lấy lòng một người nào hết. Không ngờ hôm nay Ngũ Hổ ra khỏi Tây Tạng chưa vào tới Trung nguyên, mới gặp một thằng nhỏ miệng còn hôi sữa và không có tên tuổi gì trên chốn giang hồ đã đánh cho đại bại như vậy. Nếu tin này đồn ra ngoài thì chúng còn mặt mũi nào bước chân vào Trung nguyên để gặp các tay cao thủ khác nữa?
Lưu Hoàn vừa lên đài là đã quyết chí đánh bại đối phương mới thôi, cho nên y thấy Thiên Tứ không giở toàn lực ra đối phó với y không cám ơn thì chớ lại muốn lợi dụng cơ hội này diệt trừ Thiên Tứ đi.
Tuy Thiên Tứ không biết dụng ý của đối phương nhưng thấy mình nương tay như vậy mà y không biết tiến thoái, cứ tấn công hoài như vậy, thì chàng không tức giận sao được. Chàng liền khẽ cảnh cáo rằng:
- Nếu các hạ không biết tiến thoái thì tại hạ sẽ không kiêng nể nữa đâu …
Lưu Hoàn thấy chàng vừa lên tiếng nói, tay hơi chậm, mừng rỡ khôn tả, liền lợi dụng thời cơ ấy hét lớn lên một tiếng. Tiếng thét của y kêu như sấm động làm cho căn nhà đó cũng phải rung chuyển, các khán giả cũng phải hoảng sợ lui về sau mấy bước.
Lưu Hoàn lợi dụng thời cơ, tay phải múa đao giở luôn ba thế tuyệt diệu tấn công những chỗ yếu hại của Thiên Tứ. Như vậy vẫn chưa lợi hại bằng tay trái của y lại sử dụng Đại Thủ Ấn và giờ mười hai thành công lực ra phối hợp với thanh đao ở tay phải chuyên nhằm ngực và bụng Thiên Tứ tấn công tức thì.
Mấy thế công của y thế nào cũng có thể giết chết được địch thủ, hễ địch thủ của y sơ ý một chút là mang họa vào thân tức thì.
Tuy lúc này Thiên Tứ chưa giở toàn lực ra để đối phó nhưng Thiên La thần công của chàng đã vận sẵn từ trước để bảo vệ các huyệt đạo ở trên người, nên chưởng của Lưu Hoàn tấn công vừa tới y đã cảm thấy có một luồng tiềm lực dồn lại nhưng y vẫn liều thân xông vào tấn công tiếp. Thiên Tứ thấy thế không sao nhịn được nữa liền múa tít cây Bách Thú Lệnh, tay trái cũng giơ lên từ từ đẩy ra một chưởng.
Chỉ nghe một tiếng kêu “Coong” cây sáo của chàng đã điểm trúng thanh đao của Lưu Hoàn tức thì. Lưu Hoàn liền cảm thấy hố khẩu tay đau nhức, cánh tay phải tê tái và không sao nắm vững được thanh đao nữa, cứ mặc cho nó bay lên trên không và cắm sâu vào một cái đà nhà ở trên trần.
Thiên Tứ giở một thế tuyệt học Thiên La chưởng ra, vì vậy Đại Thủ Ấn của Lưu Hoàn tấn công luôn mấy chưởng mà chỉ cảm thấy chưởng lực của y vướng vào một cái lưới vô hình và tiềm lực cũng như muối bỏ biển tiêu tan hết.
Ải Cước Thổ thấy đao bị bay mất, chưởng lực không ăn thua gì đang thu chưởng để nhảy lui về phía sau. Ngờ đâu tả chưởng của y hầu như bị cái gì đó hút chặt, tiếp theo đó lại có một luồng kình lực nặng như núi đè tới.
Tên Lưu Hoàn kêu “hự” một tiếng, bụng và ngực bị một cái búa nặng hàng nghìn cân đánh trúng nên y kêu “hự” xong, mặt mũi đã tối tăm, người bị bắn ngược lên trên cao rồi rớt xuống dưới đài.
Mật Tôn tứ hổ đứng dưới đài thấy lão nhị Lưu Hoàn bị đánh rớt binh khí và còn bị đối phương bắn tung lên như vậy liền cả kinh thất sắc, lửa giận bốc lên đùng đùng nên chúng không ai bảo ai đã cùng nhảy cả lên đài.
Lỗ Hổ Vương Đại Lập đỡ lấy Lưu Hoàn, người y đã mềm nhũn như bông còn Tam Hổ kia bao vây chặt Thiên Tứ vào giữa.
Các khán giả ở dưới đài không ngờ con rể của Trương Lão hầu gia lại lợi hại đến như vậy nên nhất thời họ vỗ tay khen ngợi ầm ầm. Những người thắng cuộc thì vui vẻ nhận tiền, còn những người thua cuộc thì rầu rĩ lắc đầu thở dài.
Thiên Tứ đứng yên, hai mắt không còn lóng lánh như trước, mặt thì lộ vẻ rầu rĩ vì chàng không ngờ Lưu Hoàn lại tầm thường như thế, mình mới dùng có sáu thành công lực thôi, vả lại thế Thiên La Đào Hình của mình thủ nhiều công ít mà y vẫn bị thương nặng như vậy.
Hãy nói Tam Hổ đứng thành hình chữ phẩm, mỗi người cách nhau bảy thước, người nào người nấy đều hậm hực trố mắt lên nhìn Thiên Tứ.
Người đứng đối diện Thiên Tứ là người Tây Tạng mũi to trán rộng, nói tiếng Hán không được sõi cho lắm và mở miệng ra là y chửi luôn:
- Đồ khốn nạn, đồ chó má lợi hại thực! Lão tử là Tú Hổ Ba Tề Ca.
Y lại chỉ trán tên đứng bên trái nói tiếp:
- Đây là Thanh Hổ Ngô Tam Thủy.
Rồi lại chỉ người đứng bên phải:
- Đây là Tiếu Hổ Đổ Đại Tráng. Chúng ta lên đây để lãnh giáo tuyệt học của ngươi đấy.
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu