Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Thanh Vân
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: Lưỡng Thủ Quái Nhân
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8477 / 50
Cập nhật: 2018-02-01 21:41:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Kỳ Cảnh Vốn Vô Biên - Diệu Thủ Kết Nghiệp Duyên
hiến Thiến ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao chị họ tôi tìm kiếm bạn như thế? Có phải bạn đã có điều gì thất lễ với chị ấy không?
Thiên Tứ vội đáp:
- Tại hạ đâu dám thất lễ với con gái cưng của trường chủ? Sự thực vì tiểu thư ấy muốn đi vào Trung Nguyên du ngoạn đã lâu. Hôm nọ, nghe thấy tại hạ nói định đi vào Trung Nguyên một chuyến. Tiểu thư ấy liền đòi đi với tại hạ, nhưng tại hạ không muốn đảm trách nhiệm vụ ấy nên một mình bỏ đi, ngờ đâu Tô tiểu thư lại đuổi theo…
Nói tới đó chàng bỗng nghe phía tây bắc có vó ngựa vọng tới. Chàng lắng tai nghe,đã đoán biết ít nhất có ba hay bốn con ngựa đang tới. Chàng kinh ngạc vô cùng liền nghĩ bụng:
- Trong lúc nửa đêm khuya khoắt này, sao lại có người dám đi đường như thế? Nơi đây hoang vu thường có dã thú xuất hiện, bọn này chỉ có ba người ít ỏi như thế,sao dám đi khuya như vậy. Ắt họ phải có tài ba cao siêu…
Thiến Thiến đột nhiên thấy chàng đang nói bỗng ngắt lời, lấy làm ngạc nhiên, sau nàng lắng tai nghe mới phát giác ở gần đường cái quan đang có ba người ngựa đi nhanh tới. Nàng cũng kinh ngạc vô cùng, liền chăm chú nhìn. Một lát sau,quả thấy phía Tây Bắc có ba cái bóng xuất hiện chạy như bay tới.
Thiên Tứ mắt sáng như điện, ba người kia mới phi cách chỗ chàng năm mươi trượng, thì chàng đã phát giác ba người này không phải là ai xa lạ mà chính là trường chủ của mục trường Lũng Tây-Tô Trị Toàn mà hai người đang nói tới, với hai đệ tử của y là Câu Liêm Thương Thạch Lỗi với Thạch Vũ. Ba thầy trò đều mặc vũ trang,tay cầm khí giới đang ven theo đường cái quan chạy thẳng về phía An Tây.
Ba con ngựa của họ cưỡi đều là ngựa báu của mục trường, lúc này tuy chưa thấy chúng có vẻ gì là mỏi mệt hết nhưng người chúng toát mồ hôi,như thế hiển nhiên chúng đã chạy một quãng đường khá xa.
Thiên Tứ đoán chắc Trị Toàn thấy Xảo Yến ra đi một mình như vậy không yên tâm nên mới đuổi theo như thế, đủ thấy lòng cha mẹ thương con cái biết bao. Tuy chàng không có thiện cảm với nhà họ Tô nhưng trông thấy vậy cũng cảm động.
Chàng không muốn gặp họ, vội đảo người đôi vòng, liếc nhìn thấy Thiến Thiến đứng cạnh, đã nghĩ ra ngay một kế liền nói với nàng ta rằng:
- Người đang đi tới là dượng của cô nương với chồng chưa cưới của Tô tiểu thư, còn người kia là đại đệ tử của trường chủ tên là Câu Liêm Thương Thạch Lỗi, cô nương…
Thiến Thiến nghe chàng ta nói như thế lấy làm kính phục, đôi mắt chàng quá sắc bén như vậy nhưng vẫn không kinh ngạc bằng là nàng nghe thấy Xảo Yến đã đính hôn rồi, nên nàng buột miệng hỏi:
- Cái gì? Chị họ tôi đã đính hôn rồi ư? Nếu vậy tại sao…
Nàng muốn nói tại sao chị ấy còn kiếm bạn, nhưng nói tới đó trong lòng đã có một nghi vấn lớn.
Thiên Tứ tưởng nàng đột nhiên nghe thấy cái tin Xảo Yến đính hôn cảm thấy rất lạ lùng, vì vậy mà không nghĩ đến việc khác, nên chàng mỉm cười và vội đỡ lời:
- Cô nương cứ việc tiến lên nghênh đón trường chủ,rồi hỏi ông ta thì sẽ biết đầu đuôi ngay. Tại hạ không muốn gặp mặt ông ta, xin tạm cáo biệt…
Nói xong, chàng chắp tay vái,rồi quay lưng đi nhưng Thiến Thiến lại hỏi:
- Ủa! Bạn đi đâu đấy?
Thiên Tử ngẩn người ra giây lát rồi mới trả lời:
- Về khách điếm.
Thiến Thiến mới yên tâm mỉm cười, khẽ đáp:
- Nếu vậy thì hay lắm!
Nàng quay mình định phi ngựa lên đường cái quan nghênh đón Trị Toàn nhưng nàng bỗng dừng chân và hỏi Thiên Tứ tiếp:
- Bạn đã biết tên họ của tôi chưa?
Thiên Tứ lắc đầu tỏ vẻ không biết. Nàng lườm chàng một cái rồi mới nói:
- Nhớ kỹ lấy! Tên họ tôi là Hoa Thiến Thiến, Hoa là hoa hạ, Thiến là Xảo Tiếu Thiến Hề.
Nói tới đây, nàng đã phi nhanh như một mũi tên lên đường cái quan, chỉ để dư âm của tiếng nói thỏ thẻ với chút mùi hương trinh nữ tỏa ra lơ lửng ở quanh chàng thôi.
Chàng đứng ngẩn người ra lầm bầm hai chữ “Thiến Thiến”. Chàng ngơ ngác như mất hồn mất vía vậy, mãi khi nghe tiếng vó ngựa ngưng ở trên đường cái quan và có ba tiếng ngựa hí vang tới, chàng mới cảnh tĩnh dậm chân một cái, rồi quay người đi nhanh như gió, trở về thành Tây An luôn.
Sáng sớm ngày hôm sau, trong Bắc Kinh lữ điếm có xảy ra hai chuyện kỳ lạ. Việc thứ nhất,là người trẻ tuổi với con bò mộng trắng đồng thời mất tích, cũng may là trên mặt bàn còn để lại một nén bạc, số lượng đó thừa để trả tiền phòng với tiền cơm. Người phổ cây nể số tiền hậu hĩ ấy mà chỉ lẩm bẩm kêu lạ lùng thầm thôi,chứ không tuyên bố ầm lên cho mọi người hay. Việc thứ hai, trong đám khách mười ba người ở dãy phòng phía nam, lúc sáng dậy không hiểu tại sao lại biến thành ba mươi sáu người?
Trong ba mươi sáu người đó chỉ có một mình cô nương áo xanh đẹp như tiên nữ là đáng kính mến thôi, còn những người khác đều mặc võ trang mang theo đao kiếm mặt đầy sát khí, chỉ thoáng trông cũng biết họ không phải tay vừa. Chủ điếm với phổ cây biết bọn này đều là những anh hùng hảo hán trong giang hồ, trong lòng cảm thấy lạ lùng mà cũng không dám hỏi han gì cả.
Đêm hôm qua, Thiến Thiến đón thầy trò trường chủ của mục trường Lũng Tây về khách điếm ở. Trong lúc trò truyện nàng mới hay Thiên Tứ không những không nói dối mình, đồng thời nàng cũng nhận được một tin mừng nữa là phen này dượng mình đuổi theo ra đây thế nào cũng phải tìm cho được Xảo Yến và bắt nàng ta về mục trường ngay nên nàng mừng thầm và hình như cảm thấy sự mong muốn của mình đã thành công được giai đoạn đầu. Nàng lại căn cứ tình thế mà xét đoán, nàng biết dù Xảo Yến có thương yêu Thiên Tứ đến đâu cũng mặc, Thiên Tứ vẫn không có cảm tình với nàng ta.
Sáng hôm đó, Thiến Thiến ngồi ở trước gương chải đầu, nhìn dãy phòng ở trước mặt, vẻ mặt hớn hở vô cùng. Nhưng chỉ thoáng cái nàng lại cau mày tỏ vẻ nghi ngờ ngay. Vì nàng thấy cửa sổ phòng Thiên Tứ vẫn đóng kín mít như hồi đêm khuya, phổ cây chỉ đổ nước pha trà hầu khách của phòng khác đã mấy lần rồi mà không thấy y đẩy cửa phòng của Thiên Tứ. Thoạt tiên nàng tưởng Thiên Tứ không muốn gặp mặt dượng mình nên mới ngủ đến bây giờ chưa dậy.
Nghĩ tới đó nàng cảm thấy mình quá dại dột, sao lai đón bọn Trị Toàn về đây làm chi, như thế có khác gì mình tự xây một hàng rào tường không để cho Thiên Tứ đến thăm mình và ngay cả mình cũng không tiện sang đó kiếm chàng nữa. Vì vậy nàng càng nghĩ càng ăn năn vô cùng.
Đang lúc ấy bỗng có một tên phổ cây bưng nước vào, nàng không sao nhịn được liền lên tiếng hỏi:
- Chú phổ cây, nghe nói trong điếm này có một người ở với bò, chẳng hay chuyện đó có thực không?
Tên phổ cây liền đáp:
- Vâng chuyện ấy quả có thực! Vị khách ấy lạ lùng lắm, lại cứ đòi dắt bò mộng lông trắng toát vào trong phòng. Vì nể khách chúng tôi không dám trái ý ông ta.
Thiến Thiến nghĩ mãi mới nghĩ ra một câu khen tên phổ cây ấy rằng:
- Quán này đối đãi với khách như thế thực lịch sự quá, nếu là tôi tôi đã sớm đuổi cổ họ đi từ lâu rồi.
Tên phổ cây khiêm tốn vài câu rồi mới đáp:
- Đâu dám! Đâu dám! Chúng tôi chỉ cần con bò của vị khách quan ấy không phá quấy làm bận người thì thôi,chứ chúng tôi đâu dám đuổi khách đi như thế.
Thiến Thiến nghĩ một hồi nữa, mới hỏi tiếp:
- Con bò của người đó không ra ngoài ăn cỏ mà cũng chịu được hay sao?
- Tiểu nhân đã đem cỏ vào cho nó ăn rồi, vả lại sáng sớm hôm nay vị khách ấy đã đi rồi.
Thiến Thiến nghe tới đó giật mình kinh hãi,đồng thời cũng rất đau lòng, liền xua tay bảo phổ cây lui ra, rồi nàng ngồi thừ ra,rầu rĩ khôn tả. Đang lúc ấy bỗng có tiếng gõ cửa kêu “cộp cộp”, tiếp theo đó có giọng khàn khàn nói vọng vào:
- Hiền điệt nữ đã dậy chưa?
Thiến Thiến đã nhận ra đó là tiếng nói của Trị Toàn, nàng vội lau chùi hai hàng lệ mà không hiểu đã nhỏ ra từ bao giờ. Xong đâu đấy nàng mới mở cửa đón Trị Toàn vào.
Vừa vào tới nơi, Trị Toàn không kịp ngồi đã lên tiếng hỏi Thiến Thiến ngay:
- Ngày hôm nay lão phu định đuổi suốt ngày may ra mới đuổi kịp người chị họ ngoan cố của cháu. Còn cháu thì cháu định sao? Cháu định đi mục trường trước hay ở đây chờ đợi vài ngày, đợi tới khi lão phu trở về cùng trở về mục trường sau?...
Lúc này Thiến Thiến đã nản chí vô cùng,liền đáp:
- Hôm qua cháu gặp chị họ ở đây, không giữ được chị ấy ở lại để dượng phải bôn ba ngàn dặm như thế trong lòng thực không yên, nên cháu định cùng dượng đi xuống miền đông, giúp dượng tìm cho ra chị họ. Và hơn nữa, cháu bỗng thấy nhớ nhà nên cháu định khi kiếm thấy chị,rồi tiện thể mời dượng và chị họ tới Hoa gia lãnh nhà cháu...
Nàng chưa nói dứt lời, Trị Toàn đã cười ha hả cướp lời nói luôn:
- Ý kiến của cháu rất hợp với ý lão phu. Cách biệt Hoa huynh lâu năm, lão phu đã nhiều lần muốn đi Hoa gia lãnh nhưng nhiều việc bận quá nên không đi được. Nhân dịp này,lão phu đến thăm cha cháu một phen để thỏa nguyện bấy lâu nay…
Nói tới đó,y không đợi chờ Thiến Thiến nói tiếp đã trở giọng nói luôn:
- Thôi,cháu bảo các thuộc hạ ăn cơm ngay để lên đường cho kịp.
Thiến Thiến vâng lời,giơ tay lên khẽ vỗ một cái,liền có một đại hán tuổi trạc tứ tuần,tức là người lãnh đạo của bọn ba mươi người kia bước tới vái chào nàng một lạy nhưng y không thèm đếm xỉa tới Trị Toàn đang đứng cạnh đó.
Trị Toàn vừa là trưởng lão vừa là kiêu hùng của một phương, tính xưa nay kiêu ngạo vô cùng, thấy đại hán kia vô lễ với mình như thế mặt lộ vẻ không vui ngay. Thiến Thiến rất thông minh chỉ thoáng nhìn một cái đã hiểu liền, nên nàng vội vàng giới thiệu hai người:
- Hoa thúc thúc, vị này là trưởng lão của Lũng Tây mục trường, biệt hiệu là Lũng Tây Nhất Chưởng họ Tô tên là Trị Toàn.
Nói tới đó nàng lại chỉ đại hán kia giới thiệu:
- Thưa dượng, Hoa thúc thúc đây là người rất đắc lực của gia đình và cũng là thống lãnh của đội Thiết Kỳ, biệt hiệu là Thiết Cốc Kim Cang,họ Hoa tên là Tử Kỳ.
Tử Kỳ thấy nàng giới thiệu đối phương là trường chủ, y không để vào đâu hết nhưng vì thấy nàng nói đối phương là dượng nàng,nên mới miễn cưỡng chắp tay chào và lớn tiếng nói:
- Hoa Tử Kỳ tham kiến trường chủ.
Trị Toàn thấy Tử Kỳ nói như thế thì giơ tay ra đáp lễ và khiêm tốn trả lời rằng:
- Không dám!
Y chỉ nói một câu như thế thôi lại làm thinh luôn. Tử Kỳ thấy đối phương kiêu ngạo như vậy trong lòng rất bất mãn, vì nể tình tiểu thư mà y không tiện nổi khùng nhưng vẫn để bụng chuyện này. Y lại hỏi Thiến Thiến rằng:
- Tiểu thư có chuyện gì dặn bảo thế?
Thiến Thiến chỉ thoáng nhìn đã biết hai người không ưa gì nhau nhưng nàng không tiện nói trắng ra, chỉ cau mày lại đáp:
- Phiền thúc thúc truyền lệnh cho các người mau mau dùng cơm,rồi theo dượng tôi đi xuống miền Đông để tìm kiếm người chị họ,mà hôm qua đã gặp gỡ ấy.
Tử Kỳ vâng lời một tiếng rồi quay mình đi luôn. Trị Toàn bèn mời Thiến Thiến ra ngoài ăn cơm với mình. Cơm nước xong,cả bọn ba mươi sáu người lên đường đi ngay.
Thiến Thiến với Trị Toàn đi trước dẫn đầu, theo sau hai người là thống lĩnh của Thiết Kỵ đội. Tiếp theo mới đến Kim Vũ và Thạch Lỗi, sau cùng là ba mươi đội viên của Thiết Kỵ Đội.
Thầy trò nhà họ Tô thấy Thiết Kỵ Đội oai hùng như vậy, cũng phải than thầm và chịu phục Tần Châu Nhất Quân Hoa Thượng Nguyên thực danh bất hư truyền.
Vừa đi Thiến Thiến vừa để ý xem có thấy Thiên Tứ với con bò trắng, nhưng nàng thất vọng vì không thấy một hình bóng nào giống như vậy. ***
Thiên Tứ cưỡi con bò bạc phóng ra khỏi thành Tây An, con bò này của chàng còn chạy nhanh hơn Thiên Lý mã, chàng cứ đi theo đường cái quan mà tiến thẳng tới Ngọc Môn. Từ Tây An tới Ngọc Môn quan,con bò của chàng chỉ đi không đầy hai trống canh,nên trời mới tang tảng sáng chàng đã vào trong chợ mua thức ăn để điểm tâm rồi. Ăn xong chàng lại tiếp tục đi luôn.
Từ Ngọc Môn quan đi về phía Đông, suốt dọc đường không hề thấy một bóng người nào hết, như thế chàng lại thấy hài lòng, tha hồ cho con Tiểu Ngân phóng chạy như bay. Vừa đi chàng vừa nghĩ tới Thiến Thiến, tuy chàng mới tiếp xúc với nàng nhưng chàng thấy nàng là một cô bé rất đáng yêu, đồng thời chàng cũng nghĩ tới Hàn Thiến Thiến,nhưng tiếc thay nàng đã theo người sư phụ đáng ghét kia đi mất dạng rồi. Vì vậy,nhất thời hình bóng của hai nàng cùng tên là Thiến Thiến đều hiện lên ở trong đầu óc chàng,còn hình bóng của Xảo Yến đã phai nhạt dần,nên chàng không nghĩ tới nàng ta nữa. Chàng bỗng hối hận và tự trách rằng:
“Ta nên ở lại nói chuyện với nàng mới phải. Tại sao ta lại bỏ đi như thế này? Ta tránh mặt Tô trường chủ ư? Ta có điều gì thất lễ với y đâu? Ta chỉ không muốn cho y lợi dụng mà bỏ đi đấy chứ? Tại sao ta không dám gặp mặt y?”
Nghĩ như vậy chàng lại muốn quay trở lại thành Tây An ngay, nhưng chàng bỗng nghĩ lại:
“Nam nhi chí tại tứ phương, ta mới hạ sơn lần đầu chưa làm nên công trạng gì và cũng chưa biết lai lịch của mình ra sao, mà chưa chi ta đã bị sa ngã vào trong bể tình như thế? Huống hồ ngày còn dài thế nào chẳng có dịp gặp gỡ lại…”
Tiểu Ngân thấy nơi đó có cỏ rất tươi liền xoay đầu lại nhìn Thiên Tứ, nó thấy chủ nhân không nói gì bèn dừng chân ăn ngấu nghiến luôn.
Đang lúc ấy,Thiên Tứ bỗng đưa mắt nhìn về phía Tây để xem Hoa Thiến Thiến có đi tới không? Quả nhiên phía đó có một thiếu nữ cưỡi ngựa phi tới. Chàng tưởng là Thiến Thiến thực sự mừng rỡ khôn tả nhưng khi nhìn kỹ mới hay thiếu nữ này mặc áo màu đỏ. Chàng không dám tin nàng ta lại thay bộ đồ đỏ như vậy, nên chàng rất thắc mắc.
Thiếu nữ mặc áo đỏ cưỡi ngựa đen trông rất nổi, đồng thời chàng đã thấy rõ nàng ta chính là Tô Xảo Yến, hoảng sợ vô cùng vội nhảy ngay lên mình bò, thúc Tiểu Ngân chạy ngay:
- Tiểu Ngân chạy mau,có người đuổi theo tới đấy.
Tiểu Ngân chưa kịp cất bước, Xảo Yến ở đằng xa trông thấy một người đang cưỡi một con bò, không biết có phải là Thiên Tứ hay không nhưng nàng vẫn kêu gọi liền:
- Thiên Tứ đệ hãy chờ tôi với!... Tôi là Tô Xảo Yến đây, là chị Yến của hiền đệ đây.
Nghe thấy nàng nói như thế,Thiên Tứ càng thúc con bò chạy nhanh thêm:
- Chạy mau! Bằng không ta chết đến nơi đấy.
Tiểu Ngân đang ăn ngon miệng, thấy chủ nhân thúc chạy, tức giận khôn tả quay đầu lại ngược về phía sau một cái,rồi kêu “hò” một tiếng, bất đắc dĩ nó mới cất bước chạy luôn.
Xảo Yến đã phi được hơn trăm trượng sắp tới gần người yêu rồi, trong lòng mừng rỡ vô cùng. Ngờ đâu nàng lại thấy con bò cắm đầu chạy như vậy. Nàng vội thúc con ngựa phi nhanh thêm một chút nữa. Nhưng vừa chạy được mấy trượng bỗng nghe thấy tiếng “hò” kêu như sấm động của Tiểu Ngân, nó hoảng sợ vội ngừng chân lại và chồm lên. Nếu Xảo Yến không giỏi cưỡi ngựa thì đã té ngã rồi.
Xảo Yến vừa kinh hãi vừa tức giận,đang mắng chửi Thiên Tứ bạc tình thì con ngựa của nàng không hiểu tại sao lại quay lại,chạy ngược về phía sau luôn. Nó chạy như điên như khùng vậy,tha hồ Xảo Yến gò cương mạnh như thế nào nó vẫn phi nước đại như thường. Sau, vì nàng siết dây cương mạnh quá, đến nỗi mồm con ngựa rỉ máu tươi ra, con ngựa ấy mới chịu ngừng chân. Nhưng lúc ấy nàng với Thiên Tứ đã cách xa nhau một quãng đường khá dài rồi, nàng quay đầu lại nhìn không thấy hình bóng của người và bò đâu nữa. Nàng càng oán trách Thiên Tứ là người không hiểu biết tình tứ là gì. Vì thế,nàng càng muốn gặp cho được Thiên Tứ để giãi bày tâm sự của mình cho chàng ta hay mới yên dạ.
Nàng đoán chắc rằng chàng rất yêu mình, lần này chàng bỏ đi có lẽ là do tên Trần Tứ khốn nạn đã nói cho chàng hay tin mình đã đính hôn với Kim Vũ rồi cũng nên? Vì vậy chàng mới đau lòng lẳng lặng bỏ đi như vậy? Sự thực…
Nàng vừa thúc ngựa quay trở lại vừa nghĩ bụng tiếp:
“Sự thực Kim Vũ có nghĩa lý gì đâu? Võ công của chàng cao siêu như vậy,muốn giết chết Kim Vũ thực dễ như chơi, giết y rồi có phải là thiếp trở thành người của chàng không?”
Không ngờ Xảo Yến lại có ý niệm tàn nhẫn và khả ố đến vậy, đã thế còn thôi đâu, nàng nghĩ tiếp:
“Dù chàng không nhẫn tâm giết đi,thì chàng cũng không cần phải cam tâm thoái nhượng như vậy! Thiếp đã đề nghị theo chàng vào Trung Nguyên du lịch, đó chẳng là dịp may để cho chúng ta được song phi song túc là gì? Rồi chúng ta ở bên ngoài kết hôn, khi ván đã đóng thuyền rồi, Kim Vũ chỉ có trố mắt lên mà nhìn thôi,chứ có làm gì nổi chúng ta đâu? Hà! Sao chàng ngốc thế?... Nếu chàng thông minh một chút có phải là thập toàn thập mỹ không?”
Nếu Thiên Tứ biết Xảo Yến nghĩ như vậy thì chàng không tức chết cũng phải cười chết chứ không sai.
Cũng may con Tiểu Ngân chạy nhanh, lại thêm tiếng kêu của nó rất có hiệu lực nên Xảo Yến mới không đuổi kịp.
Hai tiếng đồng hồ sau,Thiên Tứ đã tới trước cửa ải rồi. Lúc ấy cửa ải đang mở toang, binh sĩ mặc áo giáp đứng ở hai bên trông rất oai phong lẫm lẫm. Nơi đây là Gia Cốc Quan và cũng là Thiên Hạ Đệ Nhất Quan, tuy Thiên Tứ chưa tới bao giờ nhưng chàng học cuốn địa chí của Thích Hữu,nên chàng mới trông thấy đã nhận ra ngay quan ải này tên là gì.
Khi tới gần cửa quan,Thiên Tứ bảo Tiểu Ngân đi thong thả, chàng vừa định đi qua thì bỗng thấy một bọn người lữ hành có cả người Hán lẫn người Tây Tạng đang dắt ngựa và lạc đà đi ra. Chàng vội bảo con Tiểu Ngân tránh sang một bên để nhường lối cho họ đi.
Chàng bỗng thấy họ đi tới cạnh tường thành đều nhặt đá ném vào tường thành liền, có tiếng kêu “bung,bung” hoài. Hình như bức tường thành ấy trống rỗng nên có tiếng kêu như thế, chàng không hiểu họ ném đá như thế để làm chi, chỉ thấy tường thành bị ném đến rỗ hết, không khác gì tổ ong vậy.
Chàng đang định kiếm người để hỏi xem họ ném như thế để làm chi, thì đã có hai người Hán tay dắt lạc đà bước tới gần lên tiếng hỏi:
- Tướng công muốn xuất quan hay nhập quan? Nếu xuất quan thì tướng công nên đi với chúng tôi. Bằng không bên ngoài ải nguy hiểm lắm, nhất là gặp phải bão cát với dã thú lại càng nguy hiểm hơn.
Thiên Tứ thấy người ấy có vẻ hiền lành và lòng tốt như vậy vội vàng cảm ơn một tiếng rồi đáp:
- Tại hạ định nhập quan.À, xin hỏi lão ca, chẳng hay các người ném đá vào tường thành như thế để làm chi?
Người đó ngẩn người ra giây lát rồi cười ha hả mấy tiếng, mới trả lời rằng:
- Tướng công không hiểu ném đá như thế để làm chi? Có phải đây là lần đầu tiên tướng công nhập quan đấy không?
Thiên Tứ gật đầu,đồng thời trong lòng có vẻ lo âu, nghĩ bụng:
“Ngươi còn nói quẩn như thế làm chi? Nhỡ Xảo Yến đuổi kịp có phải là phiền phức vô cùng không?”
Người nọ thấy chàng có vẻ lo âu như vậy mới chịu nói tiếp:
- Lấy đá ném vào tường thành như vậy gọi là “Khấu Quan”.Mỗi khi qua quan ải, phàm là người Hán ra ngoài quan ải làm ăn buôn bán đều phải “Khấu Quan” như thế cả. Nếu ném hòn đá vào tường thành có tiếng “bung, bung” mới mong được sống còn trở về quan nội với vợ con, nếu không làm thế trong kiếp này sẽ bị chôn xương vùi xác ở ngoài đó chứ không sai.
Nói tới đó y tỏ vẽ rầu rĩ, khẽ thỡ dài một tiếng và giơ tay lên xua một cái rồi mới dắt lạc đà đi theo bọn người kia luôn. Tuy không tin lời ấy,Thiên Tứ cũng không nói năng gì, chàng vội nói với tới mà cám ơn người nọ:
- Cám ơn lão ca chỉ điểm cho như vậy. “Người khác “Khấu Quan” là xem có hyvọng trở về quan nội không?..”
Vừa nghĩ chàng vừa giơ tay lên ném về chỗ tường thành cách xa chừng năm trượng kêu “bộp” một tiếng,hòn đá vỡ tan tành và tường thành liền phát ra một tiếng “bung”.
Vì tiếng kêu ấy quá lớn khiến lính tốt canh gác với các hành khách đều chạy lại xem, thấy thế Thiên Tứ giật mình kinh hãi vội dắt con Tiểu Ngân đi vào trong quan ải ngay. Bọn lính canh gác thấy chàng dắt con bò mộng lông trắng như bạc thì rất ngạc nhiên, nhưng lại thấy chàng anh tuấn như thế nên chúng không bắt chàng lại kiểm soát.
Đi qua khỏi quan ải một khoảng khá xa,Thiên Tứ mới nhảy lên lưng con Tiểu Ngân phóng đi. Không bao lâu đã tới một ngọn núi đỏ hỏn, chàng đoán núi này là Yến Chi Sơn chứ không sai.
Vượt qua núi Yến Chi, trưa hôm đó chàng đã đi tới thành Túc Chân rồi. Nơi đây sản xuất một thứ rượu được cất bằng nước suối có tiếng và cũng là chỗ người Hán với người Tây Tạng ở chung đụng với nhau. Tuy chàng không thích uống rượu nhưng chàng nhớ trong sách nói rượu nơi đây làm bằng nước suối Kim Toàn,nên chàng muốn tới Kim Toàn để xem suối này như thế nào mà lại cất rượu ngon đến như thế.
Khi đi tới chỗ cách thành chừng hai dặm thì thấy hai bên lề đường có dựng một tấm bảng đề “Kim Toàn Chi lộ” bốn chữ. Chàng bèn thúc bò đi về phía đó. Khi chàng đi đến cạnh tấm bảng,bỗng thấy dưới tấm bảng có dán một tờ giấy đỏ đã phai màu. Trên tờ giấy ấy có viết rất nhiều chữ, lòng hiếu kỳ thúc đẩy, chàng vội nhảy xuống đất cầm tờ giấy đỏ lên xem. Thấy trên tờ giấy có cả chữ Hán lẫn chữ Tạng, chàng chỉ xem chữ Hán thôi, những chữ đó viết rằng:
“Nhà tôi có một con gái duy nhất bị bệnh quái dị từ hồi còn nhỏ, hễ lang y hay thiếu niên anh tuấn nào chữa khỏi cho tiểu nữ, xin tặng mười vạn lượng vàng. Và người nào có thể làm cho tiểu nữ khỏi u buồn, mà tình nguyện ở rể thì người ấy sẽ được hưởng gia tài của nhà tôi và trở thành chủ nhân của suối Kim Toàn này, vân vân.”
Dưới kí tên Kim Toàn Viên Chủ Trương Vân Đạt bạch.
Thiên Tứ đọc xong tờ giấy đó liền nghĩ bụng:
“Ta ở trong núi Kỳ Liên đã nghiên cứu y học, bấy lâu nayvì không có bệnh nhân nào cho ta cứu chữa,nên từ đó đến giờ ta vẫn chưa thử tài bao giờ. Nay lần đầu tiên xuống núi, quyết tâm hành hiệp trượng nghĩa, cứu dân độ thế, bây giờ gặp việc này,chả lẽ ta lại bỏ lỡ hay sao?”
Nghĩ như vậy chàng vội nhảy lên lưng bò vừa thúc nó đi vừa bảo rằng:
- Tiểu Ngân,đi mau! Sắp có mua bán rồi.
Con bò biết nghe lời người và thấy Thiên Tứ nóng nảy như vậy, nó liền phóng nước đại ngay. Chỉ trong giây lát đã đi tới một con đường đôi đằng trước, đột nhiên có một khu rừng, chàng thúc bò đi vào trong rừng, thấy khu rừng rất rậm rập và mát mẻ khôn tả. Đi được một lát đã thấy đằng trước có một trang viện rất rộng, hàng rào tường xây ở xung quanh trang viện đều xây bằng đá đỏ, bờ tường cao hơn trượng. Cửa trang viện và lầu cũng màu đỏ, cửa trang viện còn kiến trúc như một cửa thành nhỏ, trên cửa có một viên bạch ngọc, khắc ba chữ thiếp vàng: “Kim Toàn Viện”.
Chàng thấy một con đường hầm dài chừng trượng rưỡi đi thẳng vào trong viện, bên trong viện thì cây cối quá rậm rạp nên không trông thấy nhà cửa và bóng người gì hết.
Chàng ngạc nhiên vô cùng,liền nghĩ bụng:
“Xem bên ngoài thì Kim Toàn Viện này hùng vĩ kì lạ nhưng không biết chủ nhân ở đâu và là người như thế nào?”
Vì nghĩ như thế,chàng nhảy xuống đất và chỉ đứng ở ngoài cửa viện thôi chứ không dám đi thẳng vào bên trong ngay.
Ngân Ngưu thấy chủ nhân do dự liền kêu “hò” một tiếng, hình như nó cổ vũ chủ nhân nên đi vào vậy? Nghe tiếng kêu chàng biết ý liền, và còn tự trách mình rằng:
“Ta làm việc gì cũng thiếu quả quyết như vậy, thực không bằng một con súc sinh!”
Chàng nghĩ như vậy, đang định tiến vào bên trong thì bỗng thấy cửa lầu ở trên cổng hé mở, có tiếng kêu “kẹt” và một ông già đã lộ đầu ra, chàng thấy thế vội cúi chào và hỏi:
- Xin hỏi lão trượng.
Ông già trông thấy Thiên Tứ,quắc mắt ngắm nhìn chàng, một hồi, mặt lộ vẻ hớn hở, không đợi chàng nói dứt đã kêu “Ối chà” một tiếng và đỡ lời:
- Công tử làm ơn đợi chờ giây lát, lão xuống ngay đây.
Nói xong y vội đóng cửa lại đi xuống bên dưới,hớn hở vái chào và hỏi:
- Mời công tử vào trong này! Có phải công tử đến để chữa bệnh cho tiểu thư chúng tôi không?
Thiên Tứ gật đầu chưa kịp lên tiếng thì ông già đã quay người đi trước dẫn đường vừa đi vừa nói:
- Có công tử đến thì thế nào cũng có đến tám thành hyvọng.Lão Hầu gia chúng tôi chỉ có một cô con gái cưng ấy thôi, mong cô ta lớn lên đề gả chồng, để vợ chồng cô ta được hưởng gia tài đồ sộ này. Ngờ đâu năm năm trước,cô ta mất phải một chứng bệnh tê liệt. Lão Hầu gia đã cho mời đủ mọi danh y của các dân tộc,nhưng không một thầy lang nào chữa khỏi được bệnh của cô ta. Hà! Lão Hầu gia thấy tiểu thư bệnh suốt ngày nằm liệt giường, liệt chiếu, vẻ mặt ủ rũ và đã làm đủ trò cũng không sao làm cho cô ta cười được…! Hà,công tử anh tuấn như thế này chắc tiểu thư chúng tôi thế nào cũng ưng…
Thiên Tứ thấy ông già nói lôi thôi như vậy, chàng vừa nghe vừa ngắm cảnh sắc hai bên. Lúc ấy,chàng mới thấy trong sân đâu đâu cũng trồng toàn những cây cổ thụ to bằng hai người ôm, dưới những cây cổ thụ ấy có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ, cảnh sắc thật là thanh u tuyệt tục. Chàng kinh ngạc và nghĩ bụng:
“Ở miền Tây Bắc này cây cối thưa thớt lắm,nhưng riêng có trang viện này không những trồng rất nhiều cây và cây nào cũng đều trên trăm năm cả. Như vậy đủ thấy chủ nhân của căn nhà này ở đây ít nhất cũng vài ba đời rồi?”
Sau, chàng nghe lão bộc cứ nói chủ nhân là lão Hầu gia hoài, chàng ngạc nhiên hết sức hỏi:
- Thế ra quý chủ nhân còn là mệnh quan của triều đình à? Nhưng…
Lão bộc lại cuớp lời,nói tiếp:
- Công tử hiểu lầm rồi, tiểu nhân của chúng tôi ở Kim Toàn Viện này đã mấy đời, và đời nào cũng kinh doanh mục trường với tửu tương thông thương xa với Tây Vực, gia tài tính không xuể, chủ nhân chúng tôi lại là người hay làm việc thiện, thường cứu trợ cho những người nghèo luôn luôn. Cho nên người của các sắc tộc quanh đây đều tôn kính chủ nhân tôi vô cùng, họ lấy tôn hiệu của viễn tổ ra tặng cho các đời viện chủ.
Thiên Tứ là một người rất thông minh và lại được đọc rất nhiều sách, nghe lão bộc nói tới đó chàng hiểu ra hai chữ “viễn tổ” mà lão ấy đang nói thế nào cũng là Bắc Viễn Hầu Trương Hiên, người nhà Hán, là người khai thác tới Tây Vực đầu tiên. Đồng thời, người của các dân tộc ban tôn hiệu Bắc Viễn Hầu Trương Hiên cho chủ nhân nhà này là thế.
Lão bộc thấy chàng không nói năng gì cả,lại thở dài một tiếng rồi tiếp:
- Tiếc thay cho lão Hầu gia chúng tôi lại hiếm hoi! Không khéo Kim Toàn Viện này không có chủ nhân thừa kế nữa! Lão bộc là người canh gác phía cửa trước và đã làm việc ở đây hơn năm mươi năm rồi, nghĩ lại chuyện xưa không khác gì một giấc mộng… Hà!...
Thoạt tiên, Thiên Tứ tưởng chủ nhân của viện này chỉ là một người háo danh cầu lợi thôi, nhưng bây giờ thấy lão bộc trung thành với chủ nhân như thế, đủ thấy xưa nay viện chủ đối xử rất hậu nên mới ở đây lâu như vậy. Vì thế, chàng mới quyết định dù sao cũng phải cố gắng chữa khỏi bệnh cho tiểu thư của chủ nhân nhà này mới thôi, để Kim Toàn Viện này khỏi bị đổi chủ.
Hai người đi trước, con bò lẳng lặng theo sau, đi vòng qua một rừng trúc, thế địa càng ngày càng cao và trước mặt đã hiện ra một khoảng núi nhỏ, trước mặt núi có đủ các loại trái cây trồng thành từng rừng, cạnh những cây đó lại trồng xen những cây hoa kỳ lạ và có khá nhiều phụ nữ đang ở trong rừng đó hái hoa quả. Nơi đó chỉ cao hơn hai trượng thôi nhưng rất rộng lớn, xa xa trông thấy những cây hoa ngũ sắc trồng trên núi che lấp hết cả mặt đất, trông khoảng núi ấy tựa như một con rồng ngũ sắc vậy.
Thiên Tứ không ngờ chủ nhân của nơi đây lại chịu khó trồng nhiều cây cối đến thế và nhất là cây nào cũng đều tươi tốt mới lại càng hiếm thêm.
Lại đi thêm nửa tiếng đồng hồ nữa, Thiên Tứ vẫn chưa thấy một tòa nhà nào cả? Chàng ngạc nhiên vô cùng,đang định lên tiếng hỏi thì những người đàn bà đang hái trái cây và hoa thấy hai người và một con bò đi tới đều ngừng tay lại ngắm nhìn Thiên Tứ, có người còn chào lão bộc và hỏi:
- Đại gia gia, có phải vị tướng công này cũng tới ứng tuyển đấy không?
Cũng có người lên tiếng nói:
- Ối chà! Công tử đẹp trai lắm!
- Ối chà! Các người xem con thú kia là thú gì mà lông bạc đầu ngựa mình bò như thế? Sao nó lại chạy vào trong này được?
- Ối chà! Chị Hương coi kìa, con thú ấy mắt đỏ ngầu trông hung ác lắm, nhỡ nó nổi khùng giẫm nát hết những cây hoa của chúng ta thì sao?
Mỗi người nói một câu, xôn xao bàn tán ồn ào vô cùng, người thì bàn tán về con bò, người thì hỏi thầm thiếu niên công tử, khiến lão bộc nhất thời không biết trả lời ai trước?
Thiên Tứ thấy họ bàn tán như thế, hổ thẹn đến mặt đỏ bừng, lão bộc thấy vậy sợ chàng hổ thẹn hoá tức giận,liền lên tiếng quát bảo:
- Các ngươi có mau đi làm việc không? Nếu làm thất lễ với quý khách, để lão Hầu gia khiển trách thì già này không nói hộ đâu…
Nói tới đó y quay lại vừa cười vừa nói vừa nói với Thiên Tứ tiếp:
- Thưa công tử,những người này đều là con cháu của các lão bộc của Viện chủ chúng tôi đấy. Trong Kim Toàn Viện này,tuy bề ngoài có phân là chủ bộc nhưng thật sự người đầy tớ nào cũng có gia thất và có tiền bạc dành riêng cả. Nếu ai không muốn làm nữa,lão Hầu gia không những cho thôi ngay mà còn cho vốn liếng để họ đi sinh sống nghề khác nữa. Sự thật đã mấy đời rồi không thấy một người nào xin thôi hết,vì thế những con nhỏ này được sống một cách tự do tự tại, chúng lại được cha mẹ chúng nuông chiều quen rồi nên không đứa nào biết lễ phép gì cả.
Thiên Tứ nghe tới đó tự nghĩ thầm:
“Nơi đây chả là Lạc viện lý tưởng của ta là gì? Bấy nhiêu lâu nay ta vẫn mong muốn làm thế nào xây dựng được một lạc viện để ân sư rất tội nghiệp và lại rất đáng kính kia hưởng phúc. Lạc viện, tức là mong muốn ấy được như thế này là ta đã mãn nguyện lắm rồi.”
Chàng thấy những người trong Kim Toàn Viện này người nào cũng sung sướng thực sự,chứ không có một người nào có vẻ miễn cưỡng hết nên chàng mới có ý nghĩ như vừa rồi.
Chàng vừa đi vừa ngẩn người ra suy nghĩ,đồng thời chàng lại thấy có rất nhiều trái cây mà chàng chưa hề trông thấy qua bao giờ cả, chàng liền chỉ một cái cây có trái rất nhiều, rồi hỏi:
- Xin hỏi những trái này…
Lão bộc thấy chàng ngẩn người ra nhìn liền cười ha hả đáp:
- Có phải công tử thấy trái cây trên cây này có tới mấy loại phải không?
Thiên Tứ gật đầu đáp:
- Vâng! Chính thế, tại sao một cây lại có nhiều thứ trái như vậy?
Lão bộc thấy thế lại cười ha hả nói tiếp:
- Nói toạc ra thì không có gì lạ lùng hết! Lão hầu gia đời trước của chúng tôi rất sở trường về chiếc ghép cây. Từ khi lão lão Hầu gia qua đời, lão Hầu gia chúng tôi trông coi vườn này liền bắt đầu kinh doanh cây cỏ trong vườn và lấy nước Kim Toàn để tưới bón các cành của các cây này, hàng mười năm sau mới có kết quả như thế.
Thấy lão bộc nói như vậy Thiên Tứ lại càng kính ngưỡng lão Hầu gia thêm. Lúc ấy đã đi đến cạnh núi, Thiên Tứ tưởng nhà cửa ở sau núi nhưng đến gần mới thấy rõ quanh chân núi đều có xây một con đường lớn rộng hơn trượng, và phía trước mặt chàng lại có một con đường hình chữ chi lên thẳng trên đỉnh núi. Cạnh những con đường đó đều có đắp đê rộng hơn hai thước, cao chừng một thước để bảo vệ đường lối. Trên đê cũng mọc đầy cỏ cho nên xa xa không trông thấy rõ con đường này là thế. Về bên trong con đường đi chừng mấy bước là có cửa đá, có cửa sổ đá xây thành hình tròn, có cái xây thành hình vuông to nhỏ như nhau nhưng những cửa sổ đó đầy cây leo nên không để ý nhìn thì không sao biết được,những lỗ hổng đó là những cửa và cửa sổ cả. Thiên Tứ lại nghĩ tiếp:
“Chả lẽ gia đình của lão Hầu gia đều ở trong hang động hay sao?”
Chàng chưa nghĩ xong thì lão bộc đã tiến lên hai bước, tới trước cửa đá nọ vén những cây leo sang hai bên và nói:
- Mời công tử vào…
Vừa nói tới đó, thấy con Tiểu Ngân đang đi theo, y liền cau mày lại chần chừ nói:
- Tôn ngưu...
Thiên Tứ hiểu ý ngay, vội đáp:
- Con bò này không phải bò thường,nó hiểu biết cả tính người và rất hiền lành. Nếu không ai trêu ghẹo tới nó thì không bao giờ nó nổi khùng hết. Theo ngu ý cứ để nó đi tự do trong vườn là được rồi.
Lão bộc vội đáp:
- Được! Được lắm!
Thiên tứ vội dặn dò Tiểu Ngân rằng:
- Tiểu Ngân, ngươi cứ ở trong vườn này chơi,đừng có đả thương người hay là giẫm nát cây cỏ,biết không?
Tiểu Ngân kêu “hò” một tiếng,gật đầu rồi quay đầu từ từ đi luôn. Lão bộc thấy Tiểu Ngân ngoan ngoãn như vậy mới an tâm mời khách vào nhà.
Thiên Tứ bước chân đi qua một con đường hẻm, hai bên vách đều bằng đá đỏ đánh bóng như gương vậy, cửa cũng làm bằng đá xanh trông như tảng ngọc. Đi hết con đường ấy, rẽ sang bên phải liền thấy một khách sảnh rất rộng.
Khách sảnh này, trên dưới tả hữu đều là màu đỏ, trên đỉnh còn khảm rất nhiều hoa văn và minh châu xếp thành một đồ án rất ngoạn mục. Nhưng lúc ấy đang là ban ngày nên các hoa đăng chưa thắp sáng nên có những minh châu khảm trên đỉnh nhà với trên sáu cái cửa sổ ở phía đằng cuối là có ánh sáng toả ra thôi.
Cửa sổ của căn phòng này cũng kỳ lạ vô cùng. Chỗ cạnh chỗ ra, hai bên đều có ba cái cửa sổ hình chữ phẩm, mỗi cái to bằng bốn thước vuông. Vì căn phòng này ở trong lòng núi nên cửa sổ nào cũng chỉ có độ nửa trượng khoảng trống thôi. Và bên ngoài lại trồng cây leo nên càng tối om thêm.
Có một điều rất lạ là trong khách sảnh chỉ có chỗ vào là có một cái thanh la thôi chứ không có đồ đạc bày biện gì cả, trông như một võ trường chứ không phải là khách sảnh.
Đi được mười lăm trượng, mặt đất bỗng cao lên ba thước, hai bên có ba cái cửa sổ, ánh sáng bên ngoài rất chói lọi, hai bên vách lại có khảm bích họa. Qua khỏi nơi đó, Thiên Tứ lại thấy đằng trước có một cái đỉnh vàng ba chân, cao bằng người xung quanh có khắc hoa. Giữa đỉnh vàng với cửa sổ có bày bốn cái ghế lớn trên phủ đệm thêu hoa, với một cái ghế đu, cạnh mỗi cái ghế đều có bày một cái kỷ trà nho nhỏ sơn đỏ.
Thiên Tứ chưa hề thấy nhà nào bày biện lịch sự đến như vậy, từ lúc bước vào tới đó chàng tưởng tượng như mình lùn hẳn vậy. Chàng ngơ ngác nhìn lão bộc định hỏi nhưng lão bộc đã đi tới cạnh cái thanh la, lấy dùi gỗ gõ lên “coang coang coang” ba tiếng.
Gõ xong ba tiếng, lão bộc mời Thiên Tứ vào bên trong và mời ngồi xuống những cái ghế phủ gấm thêu hoa mà nói rằng:
- Mời công tử gia ngồi xuống nghỉ ngơi đã...
Lão vừa nói tới đó đã nghe từ phía sau có tiếng kêu “kẹt”, quay đầu nhìn lại mới hay trên bích họa bỗng có một cánh cửa mở rộng, một nữ tỳ rất thanh tú mặc quần áo cũng màu đỏ như vách sảnh, tay bưng một cái khay có một chén nước, cái khay lẫn chén nước đều bằng ngọc, từ từ bước ra. Vừa ra tới nơi nàng đã tủm tỉm vái chào Thiên Tứ một lạy rồi nói:
- Mời công tử gia dùng nước.
Thiên Tứ gật đầu chào lại,rồi mới cầm chén nước lên, nghĩ bụng:
“Ông già này nói không ngoa tí nào, bất cứ một đồ dùng ở đây đều quý giá vô cùng, không bằng ngọc thạch thì bằng phỉ thúy, lão Hầu gia giàu có nhất vùng này có khác?”
Chàng vừa nghĩ tới đó, lại nghe thấy lão bộc dặn bảo nữ tỳ:
- Hồng nhi,mau đi mời lão gia xuống đây,nói có quý khách tới. Rồi Hồng nhi lại xuống bếp bảo làm một mâm thực thịnh soạn. Công tử gia chưa ăn cơm… nghe rõ chưa?
Thiên Tứ vội xen lời nói:
- Khỏi phải làm tiệc như vậy, dọn cơm thường cho tôi ăn là được rồi.
Nhưng chàng chưa nói dứt lời, nữ tỳ đã đi khỏi rồi. Lão bộc cũng vái chàng một lạy rồi nói tiếp:
- Mời công tử ngồi chơi giây lát, lão Hầu gia sắp ra rồi. Tôi có việc bận phải ra bên ngoài,xin công tử gia lượng thứ cho.
Thiên Tứ đành phải gật đầu,để mặc cho lão bộc rút lui. Chàng ngồi một mình ở trong khách sảnh lớn rộng ấy, tuy không hoảng sợ chút nào nhưng chàng thấy rất nghi ngờ và tưởng tượng mình như đang ngủ mơ vậy.
Chàng cắn lưỡi thấy đau mới chắc đây là sự thật chứ không phải là giấc mơ, bèn cầm chén nước lên uống, thấy nước trà ấy thơm ngon lạ lùng. Uống nước xong chàng đi đi lại lại một hồi. Khi đi tới trước cửa sổ, chàng ngẫu nhiên nhìn ra bên ngoài lại thấy một kỳ cảnh xuất hiện, thì ra ngoài đó là vách núi rất dốc, bên dưới lõm vào vài trượng và có một cái hầm rộng chừng hai ba mươi mẫu. Nước hầm xanh biếc nhưng không thấy đáy. Giữa hầm có ba ngòi nước phun lên hình chữ phẩm và cao hơn thước.
Cạnh đầm là khoảng núi nhỏ, tức là quả núi mà chàng đang ở trong đó. Quả núi này chỉ có nửa vách hình bán nguyệt bao vây nửa cái đầm ấy. Hai mỏm đá ấy đều được nhân công chạm thành đầu rồng đang há mồm. Mồm con nào cũng có một vòi nước phun xuống dưới đầm. Nước chảy xuống đầm kêu “bung bung”. Trên mặt đầm lại có hơi nước ngũ sắc bốc lên trông đẹp tuyệt, còn phía bên kia đầm là một cánh đồng trồng lúa mạch như vàng lá rộng mênh mông. Phía tận cùng cánh đồng còn có một khoảng núi đất. Cảnh sắc như tranh này khiến Thiên Tứ phải ngẩn người ra, mắt trợn tròn, mồm há hốc để tán thưởng.
Không biết trải qua bao lâu bỗng có tiếng kêu “kẹt”,Thiên Tứ như nằm mơ mới thức tỉnh vội quay đầu lại, liền thấy một ông già có đôi mắt rất sáng, phải có nội lực thâm hậu mới có được đôi mắt sáng như vậy.
Ông già này mặc thường phục màu tía, thân hình vạm vỡ, râu dài quá ngực, tóc và lông mày đều trắng xóa, mặt vuông, tay lớn, mũi to, mồm rộng, da mặt hồng hào.
Hai người im lặng một hồi,Thiên Tứ đã nhìn thấy vẻ lo âu ở đôi mắt của ông già đã tiêu tán dần. Thay vào đó là vẻ khích động, mừng rỡ, nhưng chỉ giây lát thôi ông già đã ngẩng mặt lên trời cười ha hả. Thiên Tứ bỗng thở hắt ra,đang định lên tiếng nói thì chàng cảm thấy tiếng cười của ông già càng lúc càng lớn. Lớn đến nỗi khách sảnh ấy cũng phải có tiếng vang kêu “vo,vo” vọng lại, thật là kinh người khôn tả.
Tiếng cười của ông gia bỗng biến thành tiếng khóc hu hu, hai dòng nước mắt cứ nhỏ ròng xuống hai bên má hoài làm ướt cả bộ râu với ngực áo.
Thiên Tứ thấy thế thắc mắc vô cùng và còn kinh ngạc là khác. Sau, chàng thấy ông ta càng khóc càng lớn, không nhẫn tâm liền lên tiếng nửa khuyên, nửa hỏi rằng:
- Lão trượng có việc gì mà thương tâm đến thế? Có thể nói cho tại hạ hay biết không?
Ông già nọ bỗng rùng mình một cái, rồi nín khóc ngay và lộ vẻ kinh ngạc hỏi lại Thiên Tứ rằng:
- Võ công của các hạ tinh thâm lắm, đã luyện tới mước thượng thừa rồi. Nhưng không hiểu quý tánh đại danh là gì? Người ở đâu?
Thiên Tứ thấy ông ta hỏi như vậy cũng phải khen ngợi thầm:
“Ông già này lợi hại thật! Đang khóc sướt mướt như thế mà vẫn biết được võ công của ta tinh thông như vậy thật là hiếm có”.
Nghĩ tới đó chàng vội chắp tay vái chào và khiêm tốn rằng:
- Lão trượng cứ quá khen đấy thôi. Tại hạ là La Thiên Tứ, xưa nay vẫn ở bên bờ sông Sơ Sắc ở ngoài biên cương, và chỉ tạm gọi là biết vài món võ thôi… Dám hỏi lão trượng có phải là chủ nhân của Kim Toàn Viện, Kim lão hầu gia đấy không?
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu