"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ichikama Takuji
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Phuong Uyen Pham
Upload bìa: Phuong Uyen Pham
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4178 / 216
Cập nhật: 2015-11-29 12:06:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
iện thoại đặt trên quầy tính tiền đổ chuông. Người bắt máy là Natsume. Gật đầu một lúc, cậu ngẩng lên gọi tôi, “Anh có điện thoại. Từ bệnh viện thành phố.”
Ngay tức thì gương mặt của bố hiện lên trong đầu tôi. Một nỗi bất an cồn cào nơi ngực. Phản ứng phổ biến của những đứa con có bố mẹ cao tuổi. Tuy vậy tôi vẫn khoác lên vẻ bình tĩnh và nhận ống nghe từ Natsume.
“A lô!” Nghe tiếng tôi, đầu dây bên kia bèn một lần nữa xưng tên bệnh viện và địa chỉ, đoạn hỏi, “Anh Toyama có phải không ạ?”
“Vâng, đúng rồi,”
“Xin lỗi đã làm phiền, nhưng anh có quen người đàn ông nào tên là Igarashi không ạ?”
Biết không phải cú điện liên quan đến bố, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau đó tôi tập trung ý thức vào cái tên Igarashi.
“Là anh Igarashi Yuji ạ.”
“À.”
Chỉ nói mỗi Igarashi nên tôi đã không nhận ra. Phải rồi, Igarashi là họ của Yuji.
“Tôi có quen. Tôi là bạn thân của cậu ấy.”
“Thế thì may quá,” đầu dây bên kia nói. “Thực ra anh Igarashi đang trong bệnh viện của chúng tôi. Hình như anh ấy không có người thân, chúng tôi rất băn khoăn không biết nên liên lạc với ai.”
“Nhập viện?” Một nỗi bất an mới xâm chiếm lồng ngực tôi.
“Dạ đúng vậy.” Ngập ngừng một lát, đối phương nói tiếp bằng giọng công việc. “Xin phép cho tôi được nói thẳng, anh Igarashi hiện đang trong tình trạng bất tỉnh. Một ngày trước, xe cấp cứu đưa vào, ca phẫu thuật đã thành công nhưng mà…”
Bất tỉnh…
Bỗng nhiên, khung cảnh mười lăm năm trước tái hiện nguyên vẹn trong đầu tôi. Hình ảnh Yuji bị Thịt Xay đá vào bụng và gục xuống đất. Tôi lay gọi thế nào, cậu vẫn không cử động được.
Đầu dây bên kia tiếp tục độc thoại về tình hình. Bị vây bọc bởi khung cảnh quá khứ, tôi lặp đi lặp lại lời đáp theo phản xạ tự động.
“Chúng tôi có thể phiền anh tới được không ạ?”
Nghe hỏi, tôi bị kéo trở về thực tại, “Dạ?”
“Hoặc là phiền anh liên lạc với gia đình Igarashi, được không ạ? Chúng tôi muốn trao đổi những việc sắp tới nên rất mong anh giúp đỡ.”
Suy nghĩ một lát, tôi trả lời, “Tôi hiểu rồi. Trước tiên tôi sẽ đến bệnh viện đã.” Rồi tôi khẽ khàng đặt ống nghe xuống.
Karin đang chăm chú vào chiếc máy tính xách tay trên quầy, bây giờ ngẩng mặt lên nhìn tôi với vẻ bất an. Natsume ngồi gần đó, cũng im lặng chờ tôi thông báo.
“Tớ phải ra ngoài,” tôi nói. “Yuji đang bất tỉnh trong bệnh viện.”
Dường như đã đoán ra từ trước, Karin không hét lên. Mặt tái xanh, cô nhìn chằm chằm vào tôi và khẽ gật đầu, “Tớ hiểu rồi. Tớ sẽ đi cùng cậu.”
Không biết đã bao nhiêu lần tôi vẽ ra viễn cảnh tái ngộ, nhưng chưa khi nào nghĩ đến chuyện tôi và Karin đang tìm đến bên Yuji đang bất tỉnh. Nếu không phải một kẻ bi quan thì chẳng ai nảy ra ý nghĩ đó bao giờ. Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn còn trẻ. Mặc dầu chẳng bao lâu nữa sẽ bước sang tuổi ba mươi, nhưng tôi vẫn tự đặt mình vào nhóm những người ở lứa hai mươi. So với lớp thanh niên gò má hồng hào thì chúng tôi đã hơi tàn tạ, thế nhưng nếu tin vào số liệu thống kê thì chúng tôi vẫn chưa bước qua sườn dốc bên kia của cuộc đời. Tôi đã tin rằng cái ngày bệnh tật ảnh hưởng đến tính mạng vẫn còn ở xa lắm.
Trong lúc ngồi tàu tới bệnh viện, Karin và tôi hầu như không mở miệng. Cảm xúc đã đặt cả vào Yuji đang nằm liệt giường, nên chúng tôi chỉ còn là những thùng chứa đuổi theo các cảm xúc đó. Tôi vẫn chưa thể thích nghi với tình hình. Quá đỗi bất ngờ, tôi không thể xác định mình nên nghĩ gì vào lúc này.
Bệnh viện nhỏ hơn nhiều so với hình dung của tôi, trông có vẻ cũ kỹ và rẻ tiền. Một vài nết nứt chạy trên bức tường màu kem, keo tu sửa màu xám được phết đè lên đó.
Sau khi hỏi ở quầy tiếp tân, chúng tôi được chỉ dẫn đến gặp một bác sĩ. Bác sĩ nam tầm ba mươi tuổi, nhìn Karin với vẻ ngạc nhiên. Nhưng sau một cái hắng giọng, anh ta trở về khuôn mặt lạnh tanh của một bác sĩ, và giải thích tình hình với chúng tôi.
Đang trên đường đi bộ, Yuji bị tai biến mạch máu não và được đưa vào bệnh viện này. Phẫu thuật đã thành công nhưng tới giờ bệnh nhân vẫn chưa tỉnh. Tình trạng tới đây có thể diễn biến theo chiều hướng xấu nhất hoặc tốt nhất. Chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn. Chúng tôi đang dốc hết sức trong khả năng cho phép, dù vậy tình trạng có thể vượt quá khả năng của chúng tôi. Ngoài ra còn phụ thuộc vào sinh lực của bệnh nhân, vân vân.
Tôi ướm hỏi “Chúng tôi gặp cậu ấy được không?” Câu trả lời là không được vào phòng bệnh nhưng có thể nhìn từ bên ngoài. Được dẫn đến phòng bệnh tầng ba, chúng tôi thực hiện cuộc hội ngộ sau mười lăm năm chia cách.
Yuji đang nằm trên giường bệnh hầu như không khác Yuji trong ký ức tôi. Mặc dù bị quấn quanh người bởi “món đồ trang sức” kiểu khoa học viễn tưởng được tạo nên từ ống dẫn và dây nhợ nhưng người nằm đó là chính xác là Yuji. Vẫn khuôn mặt ngây thơ đến mức khiến tôi có ảo giác rằng cậu đã đi tắt từ thị trấn quá khứ đến đây bằng một con đường bí mật chỉ mình cậu biết. Kia chính là khuôn mặt cậu khi bỏ kính và dụi mắt hôm nào, chưa hề bị ăn mòn bởi thời gian.
Nếu chỉ nhìn biểu cảm của Yuji, tôi không thể tin rằng cậu đang ở vào tình trạng nguy kịch. Trông cậu cứ như đang ngủ và mơ một giấc mơ hạnh phúc.
“Yuji,” đứng bên cạnh tôi, Karin gọi nhỏ. “Cố lên nào.”
Rồi chắp hai tay đặt lên trán, mắt nhắm nghiền. Cô nàng gửi lời cầu nguyện đến ai vậy nhỉ? Chừng nào còn nhìn thấy trên thế giới chỉ toàn những điều hạnh phúc (hay bất hạnh) thì rõ ràng chẳng tồn tại vị thần công bằng vô tư. Nhưng nếu là những vị thần bất công, tính khí thất thường thì chắc là có. Tôi sẽ nài nỉ ông ta. Thiên vị hay gì cũng được, hãy đón nhận lời cậu nguyện của Karin.
Karin lặp đi lặp lại “Yuji, Yuji” không biết bao nhiêu lần. Bằng thứ giọng trầm, nhỏ như thì thầm bên tai Yuji.
“Xin hãy xem cái này.” Bác sĩ thì thào, và đưa ra một tấm bưu thiếp gấp đôi, nhàu nát. “Nó nằm trong túi áo khoác của anh Igarashi.”
Tôi mở ra xem, mặt trước tấm thiệp ghi tên và địa chỉ của tôi. Tôi lật mặt sau. Hàng chữTriển lãm Igarashi Yuji được viết bằng tay, ở phía dưới thêm phần phụ đề “Những kẻ bị bỏ rơi”. Dưới nữa là địa chỉ phòng triển lãm và sơ đồ vẽ tay, cuối cùng là ghi thời gian tổ chức, cách đây đã ba tháng.
Tại sao Yuji không gửi tấm thiệp cho tôi? Hơn nữa, nếu biết địa chỉ của tôi tại sao không liên lạc?
Nhìn lại bìa tấm thiệp một lần nữa, tôi thấy tên Igarashi Yuji và địa chỉ ở phần người gửi.
Bác sĩ nói, “Chúng tôi đã thử tra số điện thoại bằng địa chỉ đó, nhưng hình như anh ấy sống một mình, không thấy ai bắt máy.”
Địa chỉ nằm trong thành phố. Tôi khẽ gọi Karin, “Tớ bảo này.”
Karin nhìn sang tôi, môi vẫn cắn chặt, mắt hoen lệ, đồng tử đỏ hoe lên.
“Bọn mình thử đến căn hộ của Yuji xem sao nhé.” Tôi nói rồi đưa cho Karin tấm bưu thiếp. Cô cầm lấy rồi nhìn chăm chăm vào chữ viết trên tấm thiệp với ánh mắt căng thẳng. Xem xong, cô ngẩng mặt lên, “Yuji vẫn tiếp tục vẽ tranh nhỉ?”
“Ừ. Cậu ấy giữ đúng lời hứa với bọn mình.”
“Đi thôi,” Karin nói. “Đến căn hộ của Yuji.”
Căn hộ nằm cách bệnh viện khoảng ba mươi phút đi đường. Mất khá nhiều thời gian nghe giải thích về thủ tục nhập viện cũng như viện phí nên lúc chúng tôi tới nơi thì mặt trời cũng đã xế bóng.
“Khu nhà này cũ kỹ quá.”
“Yuji sống ở một nơi như thế này sao?”
Số phòng là 202, nên chúng tôi lên cầu thang. Lớp sơn trên tay vịn đã bong tróc, chỗ nào chỗ nấy đều hoen gỉ. Trần nhà bạc màu tới mức không thể nhận ra được màu sơn ban đầu. Có ba phòng ở tầng hai. Nằm chính giữa là phòng số 202. Một chiếc máy giặt cỡ nhỏ đặt cạnh cửa ra vào. Có con mèo nằm trên đó nhưng khi chúng tôi lại gần, nó chạy đi mất. Trên cánh cửa dán một tấm bảng nhỏ mà trắng, ghi chữ “Igarashi”.
“Chỗ này đây. Nơi Yuji sống.”
“Có vẻ đúng rồi.”
Nghe bệnh viện nói hình như Yuji sống một mình, dù vậy chúng tôi vẫn gõ cửa cho chắc.
“Không biết bố Yuji giờ ra sao? Họ không ở cùng nhau ư?” Vừa nghe ngóng động tĩnh bên trong, Karin vừa hỏi. “Cậu từng nói bác ấy đổ bệnh phải không?”
“Ừ, nếu tớ nhớ không nhầm thì là bệnh về mạch máu não.”
“Vậy đây là bệnh di truyền?”
“Chà, không biết nữa.”
Đúng như dự đoán, không có phản ứng từ bên trong. Tôi thử gõ lần nữa, nhưng chỉ là một hành vi vô thức, không hy vọng gì.
“Chà, đến đây thì đúng như dự đoán. Tiếp theo bọn mình làm gì?”
“Không còn cách nào liên lạc được với bố cậu ấy à?”
“Nếu vào được trong phòng chắc cũng tìm ra cách đấy.”
“Đúng là chỉ còn nước này nữa thôi.”
Thực tế thì chúng tôi đến đây, chính vì muốn tìm thêm được dù chỉ một người có thể chăm sóc, động viên Yuji. Sống một mình ở nơi cô quạnh thế này e là không thể làm hết tất cả.
“Mình thử hỏi văn phòng bất động sản hoặc chủ nhà xem nhé.” Tôi gợi ý “Chắc chắn một trong hai chỗ đó sẽ giữ chìa khóa.”
“Liệu họ có cho bọn mình mượn không?”
“Cũng tùy hoàn cảnh. Chắc là ổn.”
“Làm sao để tìm họ bây giờ?”
Thường thì những khu nhà kiểu này luôn cần tìm người thuê nhà nên sẽ đặt thông báo ở đâu đó. Bám tay vào tay vịn cầu thang rồi nhìn xuống dưới, tôi thấy một tấm bảng buộc vào hàng rào có vẻ giống thế.
“Chắc họ sẽ viết ở kia.” Dứt lời tôi xuống cầu thang. Karin theo sau. Tới nơi, chúng tôi kiểm tra tấm bảng. “Đúng là cái này. Có cả địa chỉ vào số điện thoại của văn phòng bất động sản.”
“Địa chỉ này là ở trước ga. Cũng không xa quá đâu.”
Hai chúng tôi quay trở lại con đường vừa đi quá. Được khoảng mười mét, chúng tôi đi ngang qua một người phụ nữ. Bước chân cô ta vội vã, mặt cúi gằm, mái tóc dài buộc thành một túm ở đằng sau. Bộ quần áo đang mặc có thể được gọi là trang phục dân tộc, nhìn qua thì cô ta mặc mấy lớp áo với chất liệu tối màu trông cũ kỹ, quanh eo quấn một chiếc thắt lưng bằng da. Thấy lạ, tôi ngoảnh lại nhìn thì người phụ nữ đó biến mất ở phía bên kia tường bao của tòa nhà mà chúng tôi vừa đi ra. Tôi nghe tiếng bước chân cộp cộp leo lên cầu thang.
“Karin, người phụ nữ vừa đi qua là người sống trong khu nhà của Yuji đấy.”
“Ủa, vậy hả?”
Karin cũng ngoảnh lại nhìn theo hướng của người phụ nữ, “Hay bọn mình thử hỏi cô ta xem.”
“Ừ, có lẽ phải đấy.”
Chúng tôi rảo chân quay lại tòa nhà, chạy lên cầu thang. Đúng lúc cô ta đang mở khóa cửa phòng mình. Là phòng 203.
“Cho tôi hỏi,” tôi cất tiếng.
Người phụ nữ nhìn chúng tôi. Đôi mắt dài như mắt mèo. “Gì vậy?” Cô ta hỏi với giọng trong trẻo.
“Chúng tôi là bạn của Igarashi Yuji phòng 202.”
Vẻ mặt cô ta bỗng nhiên thay đổi, giọng trở nên cứng ngắc, “Bây giờ anh ấy ở đâu?”
“Cậu ấy đang ở trong viện.”
“Trong viện?”
Tôi gật đầu, “Chúng tôi muốn liên lạc với người nhà cậu ấy. Chị có biết không ạ?”
Người phụ nữ khẽ lắc đầu, “Không có ai đâu. Yuji chỉ có một mình.”
Người phụ nữ xưng tên là Momoka. Nghĩa là “hương đào”. Đáp lại chúng tôi cũng xưng tên. “Tôi biết rất rõ tên của hai người,” cô ta nói. “Chị Karin trông thật giống Morikawa Suzune.”
Dứt lời cô mỉm cười. Nụ cười không sinh lực. Karin chỉ im lặng gật đầu.
Chúng tôi dễ dàng vào được phòng Yuji. Chìa khóa giấu dưới gầm máy giặt.
“Tôi cũng hay tự vào phòng thế này.” Momoka giải thích. “Anh ấy để sẵn cho tôi.”
Căn phòng vô cùng đơn giản. Phòng đơn, có nhà tắm và nhà vệ sinh. Một chiếc giường gấp gọn nhẹ và tủ sách. Một chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Trên bàn đặt bút thủy tinh, hộp mực và vài tờ giấy Kent. Vài bộ quần áo được treo trong chiếc tủ tường đã tháo cánh.
Tôi ngồi xuống bên bàn, đối diện Momoka. Karin ngồi bên cạnh.
“Anh chị bảo Yuji đang nhập viện?”
Tôi gật đầu, nói tên bệnh viện cho cô. Rồi thận trọng lựa chọn từ ngữ, tôi mô tả lại tình trạng hiện nay của cậu ấy. Nghe đến từ “bất tỉnh”, trong một khắc cô thoáng rùng mình, ngưng thở. Lấy tay che miệng, cô chớp mắt liên tục.
“Tôi đã bảo rồi mà,” cô nói như phun ra từng lời. “Tôi biết nhất định một lúc nào đó anh ấy sẽ bị lao lực.”
“Chúng tôi quen nhau đã được khoảng hai năm.” Momoka bắt đầu câu chuyện. “Anh ấy ở khu nhà này từ lâu lắm rồi thì phải.”
Momoka nhìn xuống bàn, chạm ngón tay vào nắp lọ mực.
“Tôi đang làm ở cửa hàng bán đồ tạp hóa nhập khẩu trong khu nhà ga. Một cửa hàng bán đồ lưu niệm dân tộc của những nước phương Tây như khăn tay thêu hay đồ trang sức. Tôi hai mươi lăm tuổi. Lần đầu tiên gặp Yuji, tôi cứ nghĩ kiểu gì anh ấy cũng kém tuổi mình. Yuji nhỏ nhắn, dễ thương. Thế nhưng tính cách thì ngoan cố, hệt như một ông già.”
Theo như Momoka kể thì Yuji không có việc làm ổn định. Cô nói Yuji làm thêm rất nhiều và trang trải cuộc sống bằng cách đó.
“Lúc nào Yuji cũng bảo nghề nghiệp của anh ấy là vẽ tranh. Thế là, hễ rảnh rỗi anh ấy đều xoay ra vẽ. Ngày nào cũng vẽ, không thiếu đến một ngày.” Cô ngẩng mặt lên nhìn tôi. “Anh ấy nói rằng đã hứa với bạn. Tôi nghĩ người bạn ấy là anh. Lát nữa tôi sẽ cho anh chị xem. Nhiều kinh khủng. Yuji cất chúng trong tủ tường, toàn tranh về rác. Một người thật kỳ quặc phải không? Sao lại thế? Tôi có hỏi thì anh ấy bảo vì thích rác. Rằng ngay cả bản thân mình cũng chẳng hiểu. Dán mặt vào giấy rồi vẽ liền mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng chuyển sang đau đầu dữ dội, thường xuyên phải uống thuốc. Mà thuốc men vào người nhiều cũng chẳng tốt lành gì.”
Nói đến đây cô ngừng lời, nheo mắt, “Vậy nhưng chưa lần nào bán được tranh cả. Anh ấy đến rất nhiều nơi bán thử nhưng… Về cơ bản Yuji là một người không may mắn. Một người không chuyên như tôi xem cũng thấy anh ấy rất có tài, vậy mà… Tôi cũng thử đặt ở cửa hàng nhưng chẳng có người mua. Vấn đề là tại rác chăng? Đâu có ai lại thích treo rác lên tường nhà mình, phải không?”
Tôi hỏi Momoka về bố Yuji.
“Tôi có nghe,” cô nói. “Yuji kể là bố mất năm anh ấy mười tám tuổi. Triệu chứng rất giống với tình trạng mà anh chị vừa nói về Yuji. Cha con giống nhau đến cả bệnh tật nhỉ.”
Tôi nhìn sang Karin, cô cũng đang nhìn tôi. Thấy tôi gật đầu, cô lại lắc đầu một cách yếu ớt.
“Từ đó trở đi,” Momoka tiếp tục. “Anh ấy cứ thui thủi một mình. Con chó sống cùng như anh em… hình như tên Trash thì phải? Cũng đã chết cùng thời điểm. Tốt nghiệp cấp ba, Yuji bắt đầu làm việc, chuyển ra khỏi nhà người thân đã chăm nom lúc trước, sau đó thì sống cô đơn. Vẽ tranh mãi cho đến giờ. Những bức tranh tuyệt nhiên không bán được.”
Cô cắn môi, lộ những nếp nhăn trên sống mũi, “Tóm tắt qua như thế chắc anh chị sẽ nghĩ Yuji có một cuộc sống chẳng ra làm sao phải không? Thế nhưng không phải vậy. Anh ấy rạng rỡ lắm. Có ước mơ quả là một điều tuyệt vời. Nếu có thể, tôi muốn giúp anh ấy tiếp tục giấc mơ suốt cuộc đời này.”
Thấy chúng tôi im lặng, cô rướn người tới trước, tiếp tục. “Đến một ngày, anh ấy hào hứng nói với tôi thế này, ‘Thấy không, quả nhiên ước mơ sẽ thành hiện thực. Em nhìn mà xem’. Thứ anh ấy cầm trên tay là tạp chí thủy sinh. Anh hiểu chứ?”
“Tôi hiểu.”
“Phải, cửa hàng của anh được giới thiệu trên đó. Có một góc giới thiệu cửa hàng thủy sinh mà. Hình như lúc nào Yuji cũng kiểm tra. Tôi nghĩ là anh ấy tin chắc rằng nhất định đến một ngày nào đó anh sẽ mở một cửa hàng của riêng mình. Yuji phấn khích vô cùng. Lần đầu tiên tôi thấy anh ấy phấn khích như thế. Vì thế tôi cũng cùng uống rượu và cầu nguyện. Anh ấy có vẻ hạnh phúc lắm…Này,” cô nói. “Anh đã làm một điều tuyệt vời. Chẳng mấy người có thể làm cho Yuji vui như vậy được.”
Không biết phải nói sao, tôi hơi mỉm cười và khẽ so vai. Một hành động vô nghĩa, nhưng chẳng hiểu sao Momoka lại lý giải được.
“Nhưng tại sao,” tôi thắc mắc. “Tại sao lúc đó Yuji không liên lạc với tôi?”
Momoka gật gù, “Tôi cũng nói vậy. Này, anh thử đi gặp anh ấy xem sao. Nghe vậy Yuji bèn thổ lộ với tôi rằng, có thể sẽ mở một triển lãm cá nhân. Và muốn tạo ra cuộc hội ngộ hoành tráng bằng cách mời anh tới dự.”
Cô nhìn tôi bằng đôi mắt sáng lấp lánh như ngọc trai đen, “Anh có biết ai là người đưa ra ý tưởng ấy không?”
Không đoán được là ai, tôi nhìn sang Karin. Cô nghiêng đầu kiểu “Chà, ai nhỉ?”.
“Làm sao mà biết được phải không? Phải rồi,” Momoka nói với vẻ tức giận. “Chính là mẹ của Yuji đấy.”
“À,” bất giác tôi buột miệng.
“Là người bặt vô âm tín từ khi đi khỏi nhà, bỏ rơi anh ấy.” Momoka tỏ thái độ căm ghét ra mặt. “Tôi không biết hai người họ gặp nhau ở đâu, nhưng chẳng biết từ khi nào câu chuyện thành ra như vậy. Nghe bảo tình nhân của bà mẹ thích tranh Yuji lắm, vì thế ông ta đã dàn xếp rất nhiều để trưng bày tranh của anh ấy ở một triển lãm có tiếng và định sẽ bán hàng loạt tranh ở đó.”
“Chuyện hấp dẫn quá nhỉ?”
Nghe tôi nói, Momoka gật đầu với vẻ tức giận. “Yuji sướng phát điên. Anh hiểu cảm giác đó chứ? Được đền đáp là một niềm vui sướng. Cả việc được công nhận cũng vậy. Không phải là mẹ đã bỏ rơi anh ấy. Bà đã dõi theo từng bước và đưa tay ra vào đúng lúc anh cần. Con người ta sống được, quan trọng là phải nghĩ theo hướng như thế, đúng không?”
Thấy tôi gật đầu đồng tình, cô hơi hạ giọng, “Yuji đã hạnh phúc lắm. Tôi vẫn nhớ rõ. Trên cái bàn này, anh ấy viết thư mời triển lãm đặng gửi cho anh, miệng cứ liên tục hỏi rằng ‘Viết thế nào nhỉ?’ rồi thì ‘Sau Triển lãm Igarashi phải viết những gì nữa?’ ‘ Nói thẳng là rác thì thô quá phải không?’ Phải mất khá nhiều thời gian mới nghĩ ra được cụm từ ‘Bị bỏ rơi.’ Cả việc chọn chữ ‘kẻ’ hay ‘thứ’ cũng khiến anh ấy phải suy nghĩ rất lung. Tôi im lặng, nhưng trong thâm tâm đã nghĩ chẳng phải đó chính là Yuji hay sao? ‘Kẻ bị bỏ rơi’ ấy! Phải vậy không?”
Hình như Momoka có thói quen kiếm tìm sự đồng tình cho những lời mình nói ra, tuy vậy cũng không hẳn là cô để ý đến phản ứng của đối phương. Trong khi tôi còn đang lóng ngóng tìm câu trả lời thì cô đã nhanh chóng tiếp tục câu chuyện.
“Hình như là vì hạnh phúc quá nên đầu óc anh ấy không được bình thường. Anh ấy đã cầu hôn tôi. Tôi trả lời ‘Được thôi’. Thực sự thì tôi cũng không biết chắc, nhưng thế nào mà chẳng được, phải không? Tôi không muốn dội một gáo nước lạnh vào người đang hạnh phúc. Vả lại đến giờ tôi nghĩ anh ấy cũng quên rồi.” Cô bật cười thành tiếng không có vẻ gì là thích thú. “Một thời gian dài sau đó, tâm trạng anh ấy trở nên kỳ quặc.”
“Kỳ quặc?”
“Phải,” cô gật đầu. “Chuyện triển lãm trôi đi không thực hiện được. Khi tôi biết thì mọi chuyện đã kết thúc rồi.”
Dứt lời, Momoka ném cái nhìn dữ dội vào các đầu ngón tay mình, “Tôi hỏi tại sao thì anh ấy bảo không rõ lắm. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là anh ấy đã chuyển một số tiền lớn cho người mẹ. Anh nhớ là tôi đã nhắc đến tình nhân của bà ấy chứ? Lão ta nói rằng cần một số tiền gọi là chuẩn bị. Một khoản kha khá. Chính vì thế Yuji phải vay nợ. Vay ở một chỗ đáng ngờ. Anh ấy vốn chẳng hề tích cóp, lại không có nghề nghiệp ổn định nên cũng không thể vay được ngân hàng. Thế là bị họ vét sạch mang đi. Với số tiền đó tôi có thể sống được trong một năm đấy. Thế nên tôi mới bảo, đây là trò lừa đảo. Yuji phủ định. Tôi dai dẳng lặp đi lặp lại rằng ‘Nhất định là lừa đảo.’ Thế mà anh ấy vẫn cứ khăng khăng không phải. Tôi thuyết phục đến cả trăm lần. Dai như đỉa. Cuối cùng Yuji đành chào thua, nhưng vẫn bướng bỉnh nói cứ cho là trò lừa đảo đi chăng nữa thì anh cũng không nề hà, rằng anh làm là vì mẹ, nếu mẹ và người đàn ông kia hạnh phúc nhờ số tiền đó thì cũng chẳng có vấn đề gì. Tôi không thể hiểu được lập luận của Yuji. Chẳng hiểu đang nói gì cả. Yuji bảo rằng con cái thông cảm nên mới trao tiền cho cha mẹ, đây không phải là lừa đảo. Thế nhưng tôi không chấp nhận được. Vì vậy tôi đã định phải tìm cho ra mẹ của Yuji và lấy lại số tiền. Tiếc rằng quá muộn. Cả đôi đã biệt tăm biệt tích.”
Momoka nói dồn dập đến đây rồi ngừng lại chốc lát, nhìn tôi với vẻ mặt “Sao?” Tôi gật đầu ngụ ý, “Ừ, về điểm này thi cô đúng.” Nhìn từ lập trường người ngoài, trong vụ việc này, lòng tốt của Yuji rõ ràng là gót chân Asin. Giống hệt con ngỗng đi lại với mũi tên cắm trên ngực.
“Sau đó thì anh ấy chẳng vẽ bức tranh nào nữa.” Momoka nói bằng giọng thấm mệt. “Anh ấy chỉ để giấy như thế này thôi. Có vẻ cũng chẳng dám nghĩ đến việc gặp anh. Vả lại anh ấy cũng bận. Phải cày ngày cày đêm để trả nợ. Tôi đã nhắc nhở suốt, rằng nếu anh cứ sống như thế thì kiểu gì cũng lao lực, vậy mà anh ấy không nghe. Về cơ bản Yuji là một người ngoan cố. Tự hủy hoại bản thân chăng? Có lẽ anh ấy đã thành ra nhưu thế. Không thấy anh ấy về nhà mấy ngày liền tôi lo lắm. Tôi đã có linh cảm không lành. Tôi đã nghĩ hay anh ấy bị làm sao…”
Cô tỏ ý muốn đến bệnh viện, “Hôm nay tôi được nghỉ làm. Nếu để đến ngày mai tôi lại phải làm đến đêm mới xong.”
Chúng tôi gật đầu rồi đứng dậy.
“À, trước khi đi anh chị xem tranh của anh ấy đã.” Nói đoạn, cô chui vào tủ tường, lôi ra cái thùng các tông to đằng sau mấy bộ quần áo treo. “Đây mới chỉ là một phần thôi. Còn mấy thùng như thế này nữa.”
Vừa mở ra, mùi mực bốc lên nồng nặc. “Những kẻ bị bỏ rơi” được vẽ trên giấy Kent. Dĩ nhiên đây là lần đầu tiên tôi trông thấy lô tranh này, nhưng tất cả đều gợi lên cảm giác thân thương. Hoàn toàn không thay đổi. Cách vẽ giống hệt nhau. Những vật thể giống nhau. Tỉ mỉ, chỉ hơi méo mó. Yuji không thể nào đeo cặp kính giống hệt hồi đó nên phải chăng nguyên nhân của sự méo mó nằm ở chính đôi mắt Yuji. Một chiếc đàn ghi ta bị đứt dây, một chiếc xe máy chỉ còn trơ khung xương, một chiếc máy bay đồ chơi đã gãy cánh. Mặc dầu chẳng có phép ẩn dụ nào trong đó, vậy mà giờ đây, khi đã hiểu được cuộc đời bấy lâu nay của Yuji, tôi không thể không kiếm tìm một từ ngữ kết nối những bức tranh với nhau. Dường như Karin cũng cùng ý nghĩ với tôi, cô ấy nhìn chăm chú vào những bức tranh với vẻ tìm kiếm một điều gì đó.
“Chúng ta đi thôi.”
Nghe Momoka nói, chúng tôi để các bức tranh vào lại hộp các tông.
Bên ngoài mặt trời đã lặn hẳn. Ba chúng tôi cùng lên một chuyến tàu, cùng xuống ở một ga. Từ đó chúng tôi đổi tàu theo các tuyến khác nhau, tôi và Karin đi về cửa hàng, Momoka đến bệnh viện nơi Yuji đang mê man.
“Vậy nhờ cả vào em nhé.” Karin dặn Momoka. Chúng tôi nhờ cô tìm các loại giấy tờ mà bệnh viện yêu cầu. “Ngày mai chúng tôi sẽ lại đến.”
“Vâng,” Momoka gật đầu. “Có anh chị là em yên tâm rồi.”
“Nhất định cậu ấy sẽ tỉnh lại.” Tôi nói. “Chúng ta hãy cố gắng cho đến lúc đó nhé.”
“Dạ.” Rồi Momoka quay lưng đi, biến mất trong dòng người đông nghịt ở sảnh lớn.
“Bố Yuji mất khá lâu rồi nhỉ?” Karin nói, mắt dõi theo những ánh đèn đường vụt qua ô cửa sổ. “Khoảng một năm sau khi đổ bệnh và đi khỏi thị trấn.”
“Ừ. Cuối cùng cũng không khỏi bệnh được…”
Giọng nói của bố Yuji vang bên tai tôi. Lúc nào ông cũng kể chuyện cho chúng tôi nghe bằng giọng điệu nhẹ nhàng, chất giọng trầm mà vang xa. Dù không thể hiểu được một nửa những điều ông nói nhưng nghe chuyện rất vui. Vén mái tóc đen dày, ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hiền từ nằm sâu trong cặp kính và bắt đầu kể chuyện. Về tên những vì sao, về câu chuyện tình yêu được viết từ nghìn năm trước, về ngôi thành cổ ngủ sâu dưới đáy biển. Bố Yuji là nhà thông thái tinh thông tất cả mọi thứ.
“Không biết bác ấy đã hoàn thành tiểu thuyết chưa nhỉ?”
“Đoạn tiếp của quá trình nội tâm ấy hả?”
“Ừ, nó đó. Không biết thế nào nhỉ,” Karin tư lự. “Theo như tớ hiểu thì chưa lần nào khung sườn bản thảo được từ ngữ lấp đầy.”
Điều này có thể gọi là sự trớ trêu? Người cha là một tiểu thuyết gia chẳng viết được chữ nào và người con trai vẽ hàng đống tranh đủ để bán cân nhưng không sao giành được cái danh “họa sĩ”.
“Không phải là không thể hiểu được tâm trạng của bà mẹ.”
“Mẹ Yuji ư?”
“Ừ.” Karin gật đầu. “Con người ai cũng mưu cầu hạnh phúc.”
“Nhưng nếu mưu cầu trên sự bất hạnh của người khác…”
“Có hạnh phúc nào mà không như vậy?” Karin lẩm bẩm, như tự hỏi chính mình. Tôi không trả lời, chỉ im lặng bắt chước cô ngắm cảnh đêm.
“Bởi vì hạnh phúc quá ít ỏi,” tôi tự nhủ với lòng. Vậy nên mới phải tranh giành nhau. Nếu Chúa ban phát hạnh phúc hào phóng hơn nữa thì Karin đâu phải thốt ra những lời đó. Hạnh phúc thừa mứa. Hạnh phúc đến nỗi không thể dùng hết. Những kẻ nhìn thấy điều đó trong giấc mơ suy cho cùng cũng chỉ được cho là kẻ lạc quan đáng khen mà thôi.
“Yuji,” đi qua thêm một vài ga, Karin lại lên tiếng, “biết địa chỉ cửa hàng của cậu nhỉ?”
“Ừ. Thế nên mới có tấm thiệp mời.”
“Tấm thiệp không gửi. Trước khi mọi chuyện thành ra thế này. Yuji đã muốn gặp cậu.”
“Rồi thật khách sáo,” tôi phàn nàn. “Nếu chịu khó nói một tiếng, có phải tớ đã giúp cậu ấy rồi không.”
“Yuji ngoan cố mà. Là kiểu người tự mình ôm nỗi đau.”
“Hình như cậu ấy không biết cậu ở đâu thì phải.”
Tôi nhớ lại lời Momoka lúc nhìn thấy Karin, “Chị Karin giống Morikawa Suzune nhỉ!” Nếu Yuji nhìn thấy Morikawa Suzune trên ti vi và nhận ra đó là Karin thì chắc chắn đã kể cho Momoka nghe.
“Ừ. Không thấy có thiệp mời gửi đến cho tớ.” Rồi cô nhìn vào mắt tôi, làm vẻ mặt trêu đùa. “Tại sao đầu óc những người đàn ông xung quanh tớ lại chán thế nhỉ? Cậu, bố cậu, rồi cả Yuji.”
“Thì bởi Karin trở nên quá xinh đẹp mà.”
Nghe tôi nói, Karin làm bộ mặt khó hiểu. Vẻ mặt phức tạp, đôi mắt giận dữ nhưng cái miệng đang mím chặt lại thoáng mỉm cười.
“Này, tớ lại,” Karin nói. “Tớ lại mắc bẫy cậu rồi phải không?”
“Mắc bẫy? Không hề có chuyện đó. Tớ nghĩ cậu đẹp nên mới nói là đẹp mà.”
Cô hếch cằm lên, hướng ánh nhìn áp đảo sang tôi. Tôi đón nhận với thái độ bình thản.
“Mà thôi, bỏ qua đi,” Karin nói.
“Thế nghĩa là sao?”
“Chẳng phải nghĩa là thôi bỏ qua đi hay sao?”
Ra vậy.
Chúng tôi về đến cửa hàng thì gặp bố đang ở đó.
“Ta định tới ăn tối với các con. Và rồi nghe Natsume kể lại.”
Thấy tôi liếc nhìn vào phía trong cửa hàng tìm Natsume, bố lắc đầu, “Không, thằng bé về rồi. Ta trông cửa hàng nên bảo nó về trước.”
Tôi gật đầu và quay lại nhìn bố, ông hỏi tôi, “Thế nào? Tình trạng của Yuji?”
Tôi kể lại mọi điều tìm hiểu được ở bệnh viện. Nghe xong, bố xoa hai tay vào má, khẽ thở dài.
“Vậy à…” Ông chỉ lẩm bẩm thế rồi im lặng.
“Con nghĩ quán anh Nguyễn vẫn còn mở cửa, hay là xuống đó ăn nem rán.”
Nghe tôi nói, bố gật đầu, “Ừ được đấy!” Nhìn sang Karin, cô ấy cũng nói, “Ý kiến hay!”
“Vậy đi thôi.” Nói rồi tắt điện trong cửa hàng.
Quán ăn Việt Nam vẫn còn mở cửa. Chúng tôi ngồi vào chỗ quen thuộc, gọi nem, cơm gà và xúp.
“Ngày mai ta đi xem sao.” Đặt thực đơn xuống xong, bố nói vậy.
“Con cũng phải tới nữa.”
“Thế thì được rồi. Ngày kia tới lượt con. Mọi người đều động viên thì thằng bé sẽ tỉnh lại thôi.” Bố nói, cố tình khoác lên mình giọng điệu lạc quan. Nhân cơ hội đó, tôi kể cho ông nghe chuyện về Momoka để không khí thêm vui vẻ.
“Chà, cô gái đó mà ở cạnh Yuji thì tốt quá nhỉ.”
“Cô ấy bảo là cô ấy được Yuji cầu hôn đấy.”
“Kết hôn!” Bố ngạc nhiên tột độ. “Thế thì tuyệt quá. Anh cũng phải cố gắng lên.”
Bố làm khó tôi rồi. Karin cười khúc khích.
“Cái cô Momoka ấy là người thế nào?”
“Một người đẹp bố ạ,” tôi trả lời.
“Lúc nào hỏi về phụ nữ anh cũng trả lời ‘Người đẹp bố ạ’.”
“Thật vậy ạ?” Karin hỏi bố với vẻ hứng thú.
“À, từ ngày xưa đã vậy rồi. Ngay cả hồi đi học, mỗi khi thằng bé chuyển chỗ ngồi ta đều hỏi, ‘Thế tiểu thư lần này ngồi cạnh con là người thế nào?’ Thằng bé luôn đáp…”
“Một người đẹp bố ạ.” Karin bắt chước giọng tôi. Bố tôi vừa gật đầu vừa lúc lắc ngón trỏ.
“Thế nghĩa là dù có được Satoshi khen là người đẹp thì cũng không tưởng bở phải không ạ?” Vừa nói, Karin vừa liếc ngang sang tôi. Bố nở nụ cười khẳng định.
“Cho con được giải trình,” tôi mở đầu bài biện hộ. “Con chẳng nói dối bao giờ cả. Mà mắt thẩm mỹ của con cũng chẳng hề méo mó hay vẩn đục. Cô nào con bảo đẹp thì chắn chắn ai nấy đều phải gật gù tán thánh.”
“Vậy hả?”
“Đúng vậy. Không biết do sự tình cờ nào mà phụ nữ xung quanh con luôn toàn người đẹp. Thế nên con chỉ trả lời thành thật thôi.”
Hừ, tôi thở hắt ra từ mũi rồi tựa lưng vào thành ghế. Nhìn thấy tôi như vậy, bố lẩm bẩm than thở, “Thằng bé tội nghiệp!”
Thế nghĩa là sao? Thấy hai chúng tôi đều quay lại nhìn, bố lắc đầu vẻ buồn rầu, “Nó cũng có cái lưỡi sành sỏi đấy chứ. Xung quanh lăn lóc toàn hoa quả thượng hạng. Thế mà không biết đường thưởng thức.”
Nghe vậy, Karin vô cùng phấn khích. Cô nhắc đi nhắc lại “Đúng đấy bác ạ.” Hai người này mà phối hợp với nhau kiểu gì tôi cũng sẽ bị đưa ra làm trò cười. Tôi bèn giả vờ giận sôi, nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi không hề khó chịu khi thấy bố và Karin thân thiết. Suy cho cùng thì tôi cũng vẫn đóng vai phù hợp.
Đồ ăn được mang ra. Chúng tôi tập trung ăn một lúc. Di chuyển khá nhiều, vả lại cũng đã muộn nên tôi đói vô cùng.
“Đột nhiên nhớ ra,” bố dừng đũa bảo. “Hồi đi khỏi thị trấn ấy, chỉ mình mẹ anh nán lại phải không?”
“Dạ, mẹ bị ốm đúng vào lúc sắp đi.”
“Một tuần sau đó ta quay lại đón bà ấy.”
“Đúng vậy.”
“Người đón ta lúc ta mở cửa bước vào nhà chính là Yuji.” Bố giơ miếng nem trên đầu đũa lên không trung, lật lại từng trang ký ức, “Thằng bé hết lòng chăm sóc Miwako. Có khi ngay cả thằng con ruột như anh cũng không sánh được đâu. Thằng bé đó thực sự rất yêu Miwako.”
Chuyện này tôi cũng nghe mẹ kể. Từ khi tôi đi đến khi bố về đón, trong vòng một tuần ngày nào Yuji cũng đến thăm mẹ tôi. Mọi chăm sóc cá nhân đều nhờ bác người quen gần nhà nên Yuji chỉ đến làm bạn trò chuyện cho mẹ khuây khỏa. Cùng mẹ trải qua những khoảng thời gian bình thường, đọc sách cho mẹ nghe, cùng xem chương trình tán gẫu trên ti vi hay cùng ăn khoai tây hấp ngọt.
“Để ta nhờ bà ấy xem.” Bố nói. “Miwako rất thương Yuji. Nhất định bà ấy sẽ làm gì đó giúp thằng bé.”
“À vâng, đúng rồi đấy.”
Đến bây giờ, rõ ràng tôi vẫn là con trai của bố. Những lời bố nói làm dịu bớt nỗi bất an của tôi. Cảm giác như nhờ có người lớn làm chỗ dựa, gánh nặng trên vai tôi đã nhẹ đi khá nhiều.
“Nào, ăn nhanh lên. Nguyễn đang ngáp ngủ rồi kìa.”
Nói vậy lại nhớ, hồi xưa, lúc ăn kem hoa quả ở quán giải khát bố tôi cũng thường giục kiểu này. Nào, ăn nhanh lên nào. Trời tối dơi bắt đầu bay rồi đấy (loài mà Karin cực ghét). Nhớ lại và nhận ra rằng, có nhiều chuyện hình như chưa hề thay đổi so với hồi đó. Thế nhưng, giờ mẹ tôi đã không còn. Cả bố Yuji. Cả con Trash. Thời gian mười lăm năm thực sự đang trôi qua.
Chúng tôi thay nhau đến thăm Yuji. Mỗi ngày đều có người nói với cậu ấy rằng, “Cố lên nào, hãy mở mắt ra đi!” Momoka cũng tranh thủ giờ nghỉ, đến bệnh viện khoảng hai lần. Nhờ Karin tới thăm mà Yuji trở thành “bệnh nhân đặc biệt” của bệnh viện đó. Không phải đãi ngộ có gì thay đổi. Chỉ là ai cũng để ý đến cậu ấy. Người phụ nữ ngày nào cũng đến thăm Yuji chính là Morikawa Suzune. Nếu vậy thì người đàn ông mà cô ấy thăm là ai? Người yêu à? Thế còn một giai nhân nữa trông như người lai kia là ai? Những lời thầm thì cứ truyền đi khắp miệng các bệnh nhân rảnh việc.
Cuối cùng cũng có một bệnh nhân hỏi trực tiếp bố tôi, chuyện đến tai chúng tôi. Tôi hỏi “Bố trả lời sao?” thì ông đáp “Ta bảo cậu ấy là một họa sĩ rất nổi tiếng. Nói vậy không sao phải không? Đằng nào thì cũng là sự thật mà.”
Và thế là hai cô gái đẹp đã trở thành người mẫu độc quyền của cậu ấy.
Mỗi lần đến thăm Yuji, tôi lại bắt chuyện với khuôn mặt đang ngủ. Những câu chuyện ngày xưa không đầu không cuối. Chuyện đi bắt cá ở Đầm Quả Bầu, chuyện tấn công, phòng thủ trong trò đánh cở ở “phòng khách” (lớn lên tôi mới biết rằng chúng tôi đi nước cờ sai bét). Chuyện về mặt trời buổi hoàng hôn, to và đỏ đến khó tin mà ba chúng tôi và một con vật đã từng chiêm ngưỡng. Về trò đấu vật sumo chúng tôi chơi bao nhiêu lần trên nền đất. Dĩ nhiên người khỏe nhất là Karin. Chưa lần nào chúng tôi thắng nổi cô ấy.
Vui quá phải không, Yuji? Bọn mình là bộ ba mạnh nhất.
Này, cậu nhanh mở mắt đi chứ. Bọn mình đã gặp được nhau thế này rồi cơ mà. Hãy vui vẻ như hồi ấy. Karin cũng đang chờ cậu tỉnh lại. Bây giờ cô ấy đẹp vô cùng. Cậu mau mở mắt ra mà ngắm đi. Chắc chắc cậu sẽ ngạc nhiên cho mà xem. Chỉ vì tớ không nhận ra Karin mà bị trách móc đấy.
Cô ấy là người tuyệt với nhất. Là người bọn mình hằng ngưỡng mộ. Này, ba đứa sẽ lại chụm đầu vào nhau trong ống nước và kể cho nhau nghe ước mơ tương lai nhé.
Thế nhưng Yuji chẳng đáp lại tiếng gọi của tôi. Lông mày tuyệt nhiên không cử động, cậu cứ lang thang dưới đáy giấc ngủ sâu. Hoàng hôn xuống, tôi lại gửi lời tạm biệt đến khuôn mặt trắng bệch đó, lê bước chân nặng nề ra về, bỏ lại bệnh viện đằng sau.
Hành động ấy lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, chẳng mấy chốc lại sang tuần tiếp theo.
Nếu Gặp Người Ấy, Cho Tôi Gửi Lời Chào Nếu Gặp Người Ấy, Cho Tôi Gửi Lời Chào - Ichikama Takuji Nếu Gặp Người Ấy, Cho Tôi Gửi Lời Chào