Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Tác giả: Italo Calvino
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1590 / 30
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ột mùa hè chan hòa ánh trăng, ếch nhái kêu ồm ộp, chim mai hoa hót líu lo. Ở xứ BóngRâm, người ta lại trông thấy Nam tước. Dường như anh đang nổi cơn hiếu động chim chóc: nhảy từ cành này sang cành khác, lăng xăng, dễ động lòng, không nên tích sự.
Chẳng mấy chốc thì bắt đầu lan truyền tiếng đồn về một cô nàng Checchina nào đó, ở dưới thung lũng, có lẽ là người tình của anh. Người ta biết chắc cô đang sống trong một ngôi nhà biệt lập với một bà dì bị điếc, và cái cành cây ôliu vươn ngang gần cửa sổ. Dân chúng lân la trên quảng trường bàn cãi với nhau về sự thể chuyện đó có thật hay không.
– Tôi đã trông thấy họ, nàng thì bên khung cửa sổ, còn chàng thì trên cành. Chàng vung vẩy cánh tay như một con dơi, và nàng cười!
– Tới đúng giờ thì chàng phóng.
– Thôi đi bác ơi: chàng đã thề là suốt đời chàng, sẽ không có chuyện từ trên cây phóng xuống…
– Này, này nhé, chàng đã đề ra nguyên tắc thì ắt cũng có thể đề ra biệt lệ…
– Ê, ê, nếu ta lại bắt đầu với biệt lệ…
– Không phải, nghe tôi đây: chính nàng đã từ khung cửa sổ nhót lên cành ôliu đấy!
– Rồi họ phải làm sao? Chắc là chẳng thoải mái tí nào…
– Tôi thì tôi bảo họ chưa bao giờ sờ tay nhau. Đúng, chàng tán tỉnh nàng, hoặc nàng lẳng lơ với chàng. Song chàng ở lại trên đó mà không xuống…
Có, không, chàng, nàng, khung cửa sổ, cú phóng, cành cây… thiên hạ bàn cãi không dứt. Lúc này, các vị hôn phu, các quý ông chồng hẳn sẽ nổi sùng khi người yêu hoặc ý trung nhân của mình ngước mắt nhìn lên các ngọn cây. Còn các quý bà, phần mình, vừa gặp nhau, là lập tức “ríu rít” với nhau, thế họ ríu rít về ai vậy? Về anh.
Dù Checchina hay không Checchina, anh tôi đã trổ tài của mình mà không bao giờ rời chân khỏi các ngọn cây. Có lần, tôi gặp anh thoăn thoắt trên cành, trên lưng quàng một tấm nệm, thoải mái y như khi đeo: súng, giây, rìu, túi dết, bi đông, sừng thuốc súng.
Nàng Dorotea, một kỹ nữ, đã tâm sự với tôi rằng, nàng đã gặp anh, bằng sự chủ động của mình, không phải vì kiếm tiền, mà để có một ý tưởng.
– Thế em đã có được ý tưởng gì nào?
– Ố ồ, em hài lòng…
Một cô nàng khác, tên Zobeida, kể với tôi rằng, nàng đã nằm mơ về “người đàn ông leo trèo” (nàng gọi anh như thế); giấc mơ chứa nhiều thông tin và tỉ mỉ đến mức tôi tin rằng nàng đã thực sự sống qua như thế.
Tất nhiên, tôi không biết diễn biến của các câu chuyện này ra sao, song ắt Cosimo có một sức quyến rũ nào đó đối với phụ nữ. Từ khoảng thời gian sống trong cộng đồng người Tây Ban Nha, anh đã bắt đầu để ý chăm sóc diện mạo của mình hơn; anh không dạo chơi mà trên người quấn đầy lông đầy lá như một con gấu. Anh mang vớ, mặc áo chẽn, đội mũ nồi kiểu Ăng lê; anh cạo râu và chải tóc. Thật vậy, giờ đây, nhìn vào cách ăn mặc của anh, người ta có thể đoan chắc anh sẽ đi săn hoặc đi đến một cuộc hẹn hò yêu đương.
Bây giờ tới câu chuyện về một bà quý tộc, xin được giấu tên (các cô con gái và các đứa cháu của bà ta hiện vẫn còn sống, họ có thể bị xúc phạm, tuy nhiên thời đó thiên hạ xì xào hoài). Bà ta luôn di chuyển trong một cỗ xe, một mình, với lão đánh xe ngựa trên ghế lái; và cho chạy ngang một khúc đường rừng trên con lộ chính. Tới một điểm bà bảo lão đánh xe ngựa:
– Giovita, nấm mọc đầy trong rừng. Này, lão hãy nhặt đầy cái thúng này rồi trở về nhé.
Và đưa cho lão một cái thúng. Ông lão đáng thương, mang căn bệnh thấp khớp, trèo từ trên băng lái xuống, vác cái thúng trên lưng, bước ra khỏi con đường, chui vào đám bụi cây dương xỉ đẫm sương; lão lần bước, dọ dẫm, giữa rừng sồi, khom người lục lạo dưới mỗi chiếc lá, mong tìm ra một đầu nấm xép, hoặc môt đầu nấm trứng. Trong lúc đó, bà quý tộc đã biến mất khỏi buồng xe, như thể bị bắt cóc lên bầu trời, giữa những tán lá dày đặc phủ ngang con đường. Thiên hạ không biết gì hơn, trừ sự thể là nhiều lần, ai tình cờ đi qua chỗ đó thì sẽ trông thấy cỗ xe ngựa, cửa đóng, không có ai, nằm giữa rừng xanh. Sau đó, đây rồi, bà quý tộc, một cách bí ẩn y như khi bà ta biến mất, đang ngồi trong xe, nhìn quanh tỏ vẻ đứ đừ đừ. Lão Giovita quay trở lại, ướt đẫm, với ít nấm rột rạo dưới đáy thúng, và họ lại lên đường.
Rất nhiều các câu chuyện loại này được đem ra kể, đặc biệt tại nhà của các quý bà ở Genova. Họ tổ chức những buổi họp mặt dành cho các anh chàng giàu có (thời độc thân, tôi cũng thường lui tới), và thế là, hẳn là có năm bà nảy ra ý định đi thăm nhà Nam tước. Thật vậy, người ta kể về một cây sồi, mà hiện nay vẫn còn được gọi là Cây Sồi Năm Con Sẻ Mái, và chúng tôi, những người già, thì biết nó muốn nói gì. Một người buôn nho, tên là Gè, được coi là tác giả của câu chuyện này. Đó là một ngày nắng đẹp, lão Gè đang đi săn trong rừng; tới cái cây sồi đó thì lão thấy gì nhỉ? Cosimo đã mời cả năm bà lên cây, người chỗ này, người chỗ kia, họ đang hưởng tiết trời ấm áp, tất cả đều khoả thân, tay cầm những chiếc dù nho nhỏ che nắng, vị Nam tước thì ngồi giữa, đang đọc những vần thơ bằng tiếng La tinh, lão Gè không biết là thơ của Ovid, hay là của Lucretius49.
Rất nhiều câu chuyện về anh, và điều gì có thật trong đó thì tôi không biết. Hồi ấy, anh rất kín đáo và mắc cỡ về các câu chuyện này; trái lại, về già thì anh kể và kể, hơi bị nhiều; mặt khác, các câu chuyện này không phải từ trên trời rơi xuống, hay từ dưới đất nhặt lên, cũng chẳng phải do anh sưu tập ra. Một thực tế là, khi có cô gái nào đó bụng ngày càng to, mà người ta không biết ai là khổ chủ, thì cứ nhất cử lưỡng tiện, đó chính là anh. Có lần, một cô gái kể lại rằng, cô đang nhặt ôliu thì thấy người mình được nhấc bổng lên bởi hai cánh tay dài như của một con khỉ… Sau đó không lâu thì cô sinh hạ một cặp sinh đôi. Ở BóngRâm, có đông đúc các đứa con như thế của Nam tước, thật hay giả, không ai biết. Bây giờ một số đứa đã lớn, và đúng là trông giông giống anh: song cũng có thể đó là do sức khơi gợi, vì các phụ nữ đang mang thai khi nhìn thấy Cosimo phóng vun vút từ cành này sang cành khác, đôi lúc họ có ấn tượng mạnh.
Phần tôi, nói chung, tôi không tin vào các câu chuyện thuật lại để giải thích vụ sinh con đẻ cái. Tôi không biết anh đã quen nhiều phụ nữ như người ta kể hay không, song chắc chắn rằng, những người mà anh thực sự đã quen, thì thích giữ yên lặng.
Thế rồi, nếu anh có nhiều phụ nữ theo đuổi, thì không thể giải thích là có những đêm sáng trăng, anh lang thang như một con mèo, trên cây sung, cây lựu quanh các ngôi nhà, trong khu vực vườn cây ăn trái, nằm trên vành đai nhìn xuống thị trấn BóngRâm; anh than vãn, buông ra những cú thở dài, ngáp lên ngáp xuống, lầm bầm, mà anh càng tìm cách chế ngự, càng tìm cách biến thành các biểu lộ có thể chịu thấu, bình thường, thì chúng lại càng thoát ra cổ họng như những tiếng tru hoặc những tiếng gầm gừ. Và dân chúng BóngRâm, giật mình thức giấc, biết là anh, không hề sợ, xoay người trong mền, bảo nhau:
– Ngài Nam tước đang đi kiếm mối. Hy vọng ông ta tìm được, để chúng mình yên giấc.
Đôi khi, có cụ già, trong những người bị chứng mất ngủ, khi nghe thấy một tiếng động là sẵn sàng lần ra cửa sổ, nhìn ra ngoài vườn, trông thấy bóng anh lẫn với bóng cành lá cây sung, ngả xuống đất dưới ánh trăng.
– Này tướng công, ngài không được ngon giấc đêm nay à?
– Đúng vậy, càng trở người thì tôi càng tỉnh như sáo.
Cosimo nói, như thể anh đang nói từ trên giường ngủ, mặt vùi sâu trong gối, nằm chờ cảm giác hai mí mắt díu lại, trong lúc thật ra anh đang đeo lơ lửng như một người làm xiếc.
– Tôi không hiểu tối nay mình có chuyện gì, cái nóng, sự bực bội: có lẽ thời tiết sắp thay đổi, cụ không cảm thấy thế à?
– À, có chứ, có chứ… song tôi đã già, Tướng công ạ. Trong lúc ngài thì khí huyết chạy rần rần…
– Ừ thì, rần rần… rần rần…
– Vậy là, ngài Nam tước ạ! ngài thử rần rần quá về phía kia một chút được không, khúc xóm này không giúp ngài khuây khỏa được đâu: chỉ có các gia đình sáng sớm phải thức dậy, và bây giờ thì họ muốn ngủ…
Cosimo không trả lời, vạch lá biến sang vườn khác. Anh luôn biết giữ đúng giới hạn; vả lại, dân chúng BóngRâm cũng luôn biết bỏ qua những kiểu thất thường này của anh; một phần, dù sao anh cũng vẫn là ngài Nam tước, phần khác, anh lại là một ngài Nam tước chẳng giống ngài Nam tước nào cả.
Một số lần, những tiếng gọi hoang dã thoát ra từ lồng ngực anh, tìm được những khung cửa sổ khác, tò mò ngóng nghe hơn. Chỉ cần cái dấu hiệu của một ánh nến thắp lên, của một tiếng cười khúc khích êm như nhung, của những lời người nữ, giữa ánh sáng và bóng tối, dù không đủ âm lượng để anh hiểu ra, song chắc chắn chúng là những lời giễu cợt, nhại lại anh, hoặc làm bộ gọi anh; thì với kẻ con rơi phóng nhảy trên cành như một con ma sói, đã là chuyện nghiêm chỉnh, đã là tương tư.
Và bây giờ, một cô nàng thuộc hàng táo tợn nhất, xuất hiện trước cửa sổ, như để xem có chuyện gì xảy ra, người còn mang hơi ấm trên giường ngủ, để lộ bộ ngực trần, tóc xõa, nụ cười trắng tươi giữa làn môi dày. Cuộc đối thoại bắt đầu:
– Ai đó? Một chú mèo à?
Và anh:
– Không, là người, là một người đàn ông.
– Một người meo meo à?
– Ơ, anh này thở dài đấy.
– Sao vậy? Ông anh thiếu thốn chi rứa?
– Anh này thiếu cái mà cô có đấy.
– Cái chi?
– Lên đây đi, anh này nói cho…
Chưa bao giờ anh bị cánh đàn ông đối xử lỗ mãng hoặc trả thù, những dấu hiệu, theo tôi, cho thấy anh không phải là cái mối đe dọa dễ sợ đó. Chỉ có một lần, một cách bí ẩn, anh bị thương. Tin tức được lan truyền vào một buổi sáng. Vị thầy thuốc của thị trấn BóngRâm phải leo lên cây hồ đào nơi anh đang rên rỉ. Một bắp chân của anh đã lãnh đủ những viên bi li ti từ một khẩu súng bắn chim sẻ: cần phải gắp chúng ra, từng viên một, bằng một cái kẹp. Anh đau đớn, song nhanh chóng lành lặn. Người ta không bao giờ biết rõ chuyện đã xảy ra thế nào: anh thì bảo rằng anh bất ngờ bị lãnh đạn trong lúc vượt qua một cành cây.
Dưỡng bệnh, không nhúc nhích trên cây hồ đào, anh miệt mài trong những môn học gay go nhất. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh bắt đầu viết bản Dự thảo Hiến pháp dành cho một Nhà nước Lý tưởng đặt nền tảng trên Cây cối, trong đó anh miêu tả nước Cộng hòa Cây xanh, nơi sinh sống của những người công chính. Anh khởi đầu như một chuyên luận về luật pháp, và về chính quyền, song trong lúc viết, xu hướng người sáng tác các câu chuyện phức tạp đã lấn lướt, thế là một tạp văn về những chuyến phiêu lưu, những trận giao đấu, những câu chuyện gợi tình đã ra đời, và phần này được lồng chung trong chương Quyền Hôn nhân. Lời bạt của tác phẩm hẳn phải là thế này: tác giả, sau khi đã sáng lập ra Nhà nước Hoàn hảo trên các đỉnh cây, và đã thuyết phục được toàn thể nhân loại lên định cư trên đó để sống hạnh phúc, thì xuống dưới đất ở, nay đã hoàn toàn hoang vắng. Hẳn tác phẩm sẽ là như vậy, song nó bị bỏ giở. Khi gửi một bản tóm lược đến Diderot, anh đơn giản kí: Cosimo xứ Rondo, độc giả Bách khoa Toàn thư. Diderot gửi vài lời cảm ơn trong một tấm thiệp nhỏ.
Nam Tước Trên Cây Nam Tước Trên Cây - Italo Calvino Nam Tước Trên Cây