Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Tác giả: Italo Calvino
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1590 / 30
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
rong một thời gian dài, toàn bộ thời niên thiếu của Cosimo, thế giới là những chuyến đi săn. Đi câu cũng thế, với chiếc cần câu, bên một đầm nước của dòng thác, anh chờ con cá chình hoặc con cá hồi. Nhiều lúc, thiên hạ nghĩ rằng anh đã mang những giác quan, những bản năng khác với mọi người, và các bộ da anh thuộc làm quần áo tương ứng với sự biến đổi toàn diện của anh về bản chất. Chắc chắn mối tiếp xúc liên tục với vỏ cây, con mắt chú mục vào sự di chuyển của lông vũ, vào bộ da, bộ vảy, vào cái thang màu mà thế giới này phô ra diện mạo; rồi cái lưu lượng xanh tuần hoàn như máu trong gân lá của một thế giới khác: toàn bộ những hình thái sự sống hết sức cách biệt với sự sống con người, một thân cây, một cái mỏ chim sáo, một mang cá, những giới tuyến với cõi hoang dã, mà anh được giục giã đắm mình sâu sắc ở trong, mà giờ đây đã có thể hun đúc ra tâm hồn anh, khiến anh mất đi những vẻ giống người. Thế nhưng, bên cạnh biết bao tài năng mà anh đã hấp thụ được từ sự cộng thông với cây cối, và từ sự chiến đấu với thú rừng, tôi luôn chắc rằng chỗ của anh là ở bên này, là ở phía chúng tôi.
Song dù muốn dù không, một số tập quán ngày càng ít được anh tiến hành hơn và chúng tự biến mất. Việc anh theo dự Lễ Cả ở xứ BóngRâm chẳng hạn, điều mà suốt những tháng đầu anh đã cố gắng thực hiện. Mỗi Chủ nhật, khi cả gia đình nối đuôi nhau, ăn mặc đúng nghi lễ, bước ra khỏi cửa, thì đã thấy anh trên cành, qua một cách thức nào đó, cũng có ý ăn mặc cho buổi lễ, chẳng hạn khoác lại chiếc áo choàng cũ, đội lại chiếc mũ ba góc thay vì chiếc mũ lưỡi trai lông thú. Chúng tôi lên đường, anh chuyền theo trên cành; chúng tôi trang trọng tiến vào sân trước nhà thờ như thế, dưới cặp mắt của toàn bộ bàn dân xứ BóngRâm (song họ nhanh chóng quen đi, và sự ngượng nghịu của bố cũng giảm dần), tất cả chúng tôi thì ngay ngắn, còn anh thì phong phóc trên không trung, một cảnh tượng lạ lùng, đặc biệt là vào mùa đông, khi cây cối trơ trụi.
Chúng tôi bước vào thánh đường, ngồi vào hàng ghế của gia đình, anh ở lại bên ngoài, trên một cây nhựa ruồi mọc bên hông thánh đường, lọt đúng vào tầm cao của một khung cửa sổ lớn. Từ băng ghế, xuyên qua tấm cửa kính, chúng tôi nhìn thấy bóng cành lá, và lẫn trong đó, bóng Cosimo cúi đầu với chiếc mũ áp trên ngực. Qua sự thỏa thuận giữa bố và một người trông nom nhà thờ, mỗi Chủ nhật cánh cửa kính ấy được đóng hờ, để anh tôi có thể xem Lễ từ trên cây. Nhưng với thời gian trôi qua, chúng tôi không còn thấy anh nữa. Cánh cửa thì phải đóng lại vì gió lùa.
Rất nhiều điều trước kia với anh là quan trọng, nay không còn vậy nữa. Vào xuân thì chị Battista làm đám hỏi. Chỉ một năm trước đây thôi, ai nói được điều này nhỉ? Vợ chồng nhà Bá tước xứ HầuBao cùng cậu quý tử kéo tới, một buổi tiệc mừng linh đình diễn ra. Mỗi căn phòng trong trang viên đều sáng choang, với sự hiện diện của toàn thể giới quý tộc trong vùng, mọi người khiêu vũ. Ai còn nghĩ đến Cosimo nữa đây? Nhưng không phải thế đâu, tất cả chúng tôi đều nghĩ đến anh. Thỉnh thoảng, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ xem anh có tới hay không; bố buồn, trong không khí ăn mừng của gia đình, hẳn bố nghĩ đến anh, kẻ bị loại; bà Nữ tướng thì điều động toàn bộ cuộc ăn mừng như điều động một cuộc diễn binh trên quảng trường, bà chỉ muốn xả nỗi day dứt của mình trước sự thiếu vắng anh. Chị Battista, cũng vũ xoay tròn, không thể nhận ra khi không mặc trang phục nữ tu, với bộ tóc trông giống như một phong bánh hạnh nhân, và một chiếc váy cánh xòe đơm đầy san hô, không biết do người thợ may nào tạo ra, tôi dám đánh cược rằng, ngay cả chị cũng nghĩ đến anh.
Anh đã có mặt, song không thể thấy – tôi biết ra sau đó – anh lọt trong cái bóng của đỉnh cây tiêu huyền, ngoài lạnh, nhìn vào các khung cửa sổ tràn đầy ánh sáng, những căn phòng anh đã biết, được bày dọn cho tiệc mừng, mọi người đội tóc khiêu vũ. Trong đầu anh nghĩ gì? Anh có tiếc nuối cuộc sống của chúng tôi chút nào không? Anh có nghĩ đến cái bước cách biệt và cái bước quay về với thế giới của chúng tôi là ngắn và dễ dàng đến thế nào không? Tôi không biết, trên đó, anh nghĩ gì, muốn gì. Tôi chỉ biết rằng anh đã ở lại đó suốt thời gian lễ tiệc, thậm chí lâu hơn, cho tới lúc từng cây đèn nến được ụp tắt, và không còn khung cửa sổ nào tỏa sáng.
Thế nên, quan hệ của Cosimo với gia đình, tốt hơn hay tệ đi, vẫn tiếp tục. Thật vậy, nó trở nên chặt chẽ hơn với một thành viên, người mà chỉ lúc này anh mới có thể nói là mình có điều kiện hiểu ra: ngài Trạng Enea Carrega GỗDày. Về cái con người mơ mơ hồ hồ, loáng thoáng này, mà người ta không bao giờ có thể biết là đang ở đâu và làm gì, Cosimo khám phá ra ngài là người duy nhất trong toàn thể gia đình có một số lượng bận bịu cao nhất, không chỉ có thế, chẳng điều gì ngài làm là không có mục đích.
Ngài xuất hành, có thể vào thời khắc nóng nhất của buổi trưa, chiếc mũ đuôi seo chụp trên đỉnh đầu, lê bước trong chiếc áo choàng đen phết đất, và mất dạng như thể bị nuốt chửng bởi một kẽ đất, một bờ giậu, hoặc một phiến đá trên tường. Ngay cả Cosimo – kẻ vui thú với việc thường xuyên ngồi cảnh giới (đúng hơn, không phải vui thú, mà đã trở nên một tâm thái tự nhiên, như thể mắt anh bao quát được một chân trời rộng đến mức lĩnh hội tất cả) – đến một lúc nào đó cũng không còn trông thấy ngài nữa. Đôi lúc anh lao mình chuyền từ cành này sang cành khác về phía cái chỗ nơi ngài biến mất, song chưa bao giờ có thể hiểu là ngài đã chui vào lối nào. Song luôn có một dấu hiệu lặp đi lặp lại xung quanh đó: những cánh ong bay. Cosimo cuối cùng tin chắc rằng sự hiện diện của ngài phải có dính dáng tới những cánh ong, để tìm ra dấu vết ngài cần phải dõi theo đường bay của chúng. Song làm thế nào đây? Xung quanh mỗi loài thực vật nở hoa đều rải rác các cánh ong vo ve; không nên để bị sao lãng bởi những tuyến bay tách biệt và thứ yếu, mà phải bám theo cái không lộ vô hình trên đó những cánh ong bay đi lượn lại ngày càng trở nên đông đúc hơn, cho tới lúc trông như một cụm mây dày đặc bốc lên như khói từ sau một bờ giậu. Dưới đó là những đõ ong, một hay vài hàng, xếp trên một chiếc bàn, chúi vào đó, giữa bầy ong lúc nhúc, chính là ngài Trạng.
Thật vậy, nuôi ong là một trong những hoạt động bí mật của người chú không chính thức của chúng tôi; bí mật một cho tới một mức độ nào đó, bởi đích thân ngài thỉnh thoảng cũng mang đến bàn ăn một tầng sáp ong đầm đìa mới lấy ra từ đõ; song hoạt động này chỉ được tiến hành ngoài khu vực sở hữu của nhà chúng tôi, tại những nơi đương nhiên ngài không muốn mọi người biết. Ắt đó là sự thận trọng của ngài, để khỏi phải bỏ các món tiền thu được từ việc kinh doanh riêng tư này vào cái vạc cạn tiền của phòng quản gia; hoặc có thể – bởi con người này không hà tiện, vả lại, chút mật ong và sáp ong thì được gì đây? – để ngài có cái gì đó mà vị Nam tước anh ngài không xía vào, không đòi xỏ mũi ngài; hoặc cũng có thể, để không trộn lẫn đôi điều mà ngài ưa thích, như việc nuôi ong, với nhiều điều mà ngài không ưa thích, như việc quản lý.
Tuy nhiên, có điều là bố chắc chẳng bao giờ cho phép ngài nuôi ong gần nhà, bởi vị Nam tước, một cách phi lý, sợ bị chích; khi tình cờ đụng đầu một con ong, hoặc một con vò vẽ trong vườn, tức thì ông bật ra một cuộc chạy ngớ ngẩn dọc con lộ, tay bám chặt lấy bộ tóc như thể để tự vệ trước những cú mổ của một con diều hâu. Có lần, bố đang làm thế, thì bộ tóc bay đi, bị cản bởi cú phóng của bố con ong nhào vào đâm ngòi đốt một cú vào cái đầu hói của bố. Bố mất ba ngày ủ đầu bằng những miếng gạc thấm giấm, bố là người như thế, rất đĩnh đạc và mạnh mẽ trong những trường hợp nghiêm trọng, song một vết xước nhỏ, hoặc một mụn nhọt cỏn con cũng có thể làm bố nổi điên.
Cho nên, ngài Enea Carrega GỗDày đã tán mỏng việc nuôi ong, một chút chỗ này, một chút chỗ kia, khắp thung lũng BóngRâm; một số chủ đất, đổi lại bằng một ít mật, cho phép ngài được nuôi giữ vài tổ ong trên một dải đất của họ; ngài thường xuyên đi vòng vòng từ chỗ nuôi này sang chỗ nuôi kia, tất tả quanh những đõ ong, khuơ khuơ các động tác thay vì của tay thì như thể của càng, cũng bởi đôi lúc, để khỏi bị chích, ngài xỏ đôi găng tay đen hở ngón. Trên khuôn mặt, ngài đeo một cái mạng màu đen, gài quấn xung quanh chiếc mũ đuôi seo theo kiểu khăn đội đầu, với mỗi hơi thở chiếc màng dính rồi lại phồng trên miệng. Ngài cho chạy một công cụ thổi khói để đuổi những con côn trùng trong lúc thò tay lục lạo trong những bõ ong. Với Cosimo, toàn bộ cảnh tượng: bầy ong lúc nhúc, mạng che mặt, cụm khói, trông như thể một buổi phù phép mà người đàn ông đó tìm cách khơi lên để mình biến mất tại đó, bị xóa tan, hoặc bị thổi bay đi, rồi tái sinh là người khác, vào lúc khác, ở nơi khác. Song ngài chỉ là một thầy phù thủy kém thành công lực, bởi ngài luôn tái hiện y như trước, có khi còn mút cái ngón tay cái đã bị đốt.
Trời xuân. Một buổi sáng, Cosimo thấy không khí như nổi cuồng phong, rung chấn thứ âm thanh chưa từng nghe thấy, một tiếng vo vo sắp đạt tới điểm sấm nổ ầm ầm; như bị choán ngợp bởi một màn mưa đá, thay vì đổ xuống thì lại di chuyển theo chiều ngang, xoáy cuộn và lác đác xung quanh, song càng tiếp vào trong thì càng là một kiểu cột trụ đậm đặc. Hằng hà sa số ong: xung quanh cây cỏ, hoa lá, nắng trời; Cosimo không hiểu chuyện gì đã xảy ra, song anh cảm thấy lòng mình tràn ngập bởi một cơn kích động da diết và dữ dội.
– Ong bay đi kìa! Ngài Trạng! Ong bay đi rồi!
Anh bắt đầu la lên, trong lúc thoăn thoắt chuyền qua những ngọn cây để đi tìm ngài.
– Chúng không bay mất đâu: chúng đang tụ đàn chia tổ.
Ngài nói, Cosimo nhìn thấy ngài bật lên như một đầu nấm ở phía dưới, ra dấu bảo anh đừng làm ồn. Rồi lập tức chạy đi, và biến mất. Thế ngài chạy đi đâu?
Đó là vào thời kỳ ong tụ đàn chia tổ. Một đàn ong thợ bay theo một nàng ong chúa bên ngoài cái tổ cũ. Cosimo nhìn quanh. Đây rồi, ngài Trạng tái hiện tại cửa bếp, tay cầm xoong, tay cầm chảo. Ngài gõ xoong lên chảo, phát ra những tiếng đeng! đeng! cực lớn, dội vào màng nhĩ, và tắt dần sau cú rung vang dài, khó chịu đến nỗi Cosimo phải bịt lỗ tai lại. Gõ vang các công cụ bằng đồng ấy mỗi ba bước, Ngài Trạng tiến bước theo sau đàn ong. Trước mỗi tiếng đeng đeng ấy, đàn ong như thể nhận một cú sốc, giật xuống rồi nảy lên cực nhanh, tiếng vo vo như trầm xuống, đường bay bớt dứt khoát hơn. Bị khuất, song Cosimo thấy dường như lúc này cả đàn đang quy tụ về một điểm giữa cây xanh, và chúng không bay quá hơn nữa. Ngài Carrega tiếp tục nện xoong vào chảo.
– Ngài Trạng ơi! Chuyện gì vậy? Ngài đang làm gì đó?
Anh hỏi, và đã chuyền tới chỗ ngài.
– Nhanh lên! – ngài lúng búng trả lời – cậu hãy chuyền tới ngọn cây nơi đàn ong tụ lại, nhưng cẩn thận, đừng động đậy cho tới lúc tôi tới đó.
Đàn ong sà xuống một cây lựu. Cosimo chuyền tới đó và không thấy gì cả, song ngay lập tức anh nhận ra có thứ gì đó giống như trái cây: một quả thông lớn, treo lủng lẳng trên cành, toàn bộ là ong, con này bám lên con kia, ngày càng to hơn với những con khác.
Ở trên đỉnh cây lựu, Cosimo nín thở. Phía dưới là chùm ong đeo lủng lẳng, càng to thì nó có vẻ càng nhẹ, như được treo bằng một sợi dây, hoặc mỏng manh hơn nữa, bằng những chiếc càng của một bà ong chúa già, cấu tạo bằng sụn mềm, cùng với toàn thể các đôi cánh nâu đục căng xòe xào xạc trên những chiếc bụng vàng vằn đen.
Ngài Trạng nhún nhảy bước tới, tay bưng một đõ ong, và đưa ra hứng dưới ổ ong.
– Này! ngài bảo Cosimo. Cậu hãy thúc nhẹ một cú.
Cosimo lay nhẹ cây lựu. Ổ ong hàng ngàn con rụng xuống như một chiếc lá, rơi tọt vào cái đõ, và ngài Trạng sư dùng một tấm ván đậy lại.
– Thấy chưa, xong rồi.
Thế là, giữa Cosimo và ngài Carrega, nảy ra một mối cảm thông, có thể gọi là một kiểu tình bạn dựa trên sự cộng tác, nếu hai chữ tình bạn là không quá đáng cho hai kẻ không dễ gần như anh và ngài.
Ngay cả về lãnh vực thủy lực, anh tôi và ngài cuối cùng cũng gặp nhau. Lạ thật, kẻ ở trên cây thì có gì liên hệ với giếng và kênh nhỉ; song tôi đã đề cập về cái hệ thống máng treo, được Cosimo chế ra bằng vỏ cây dương, dẫn nước từ dòng thác cho tới cành của một cây sồi. Giờ thì, ngài Trạng, dẫu là người hết sức lơ là, song bất cứ một động tĩnh nào ở thể nước trên toàn vùng quê này, đều không thể lọt khỏi cặp mắt ngài. Trên con thác, núp sau một bụi cây râm, ngài theo dõi Cosimo rút cái máng ra từ một tán cành lá cây sồi (nơi anh đút vào lại khi không cần, theo cái thói quen của thú rừng, vốn tức khắc cũng trở thành của anh: đem giấu tất cả), đặt một đầu lên chạng cây sồi và đầu kia trên một mỏm đá trồi ra, rồi anh uống.
Trước cái cảnh tượng đó, chẳng biết cái gì đã vỗ cánh trong đầu, ngài khởi sự một trong những cơn hưng phấn hiếm hoi của mình. Ngài bật người ra khỏi bụi cây râm, vỗ tay, nhún chân nhảy hai ba cú như nhảy dây, tạt hắt nước, suýt nữa thì chúi nhủi vào dòng thác, và ngã bổ nhào xuống vách đá. Ngài bắt đầu giảng cho cậu thiếu niên nghe về cái ý tưởng của mình. Ý tưởng đã lộn xộn, mà sự giải nghĩa lại càng cực kỳ lộn xộn. Thông thường, ngài nói bằng tiếng địa phương, vì khiêm tốn hơn là vì không biết sinh ngữ, song trong những giây phút đột ngột cao hứng như thế này, tiếng địa phương, một cách không ý thức, được ngài chuyển thẳng sang tiếng Thổ, và người ta chẳng còn hiểu gì nữa.
Gọn lại là thế này: ngài nảy ra cái ý tưởng về một hệ thống dẫn nước treo, với đường ống đặt trên những cành cây, có khả năng dẫn nước tới tưới triền đất khô cằn bên kia thung lũng. Lập tức đặt công trình của mình theo sự hoàn thiện hóa của ngài, Cosimo góp ý thêm: nên sử dụng những máng dẫn có đục lỗ tại một số nơi, tạo ra mưa trên những luống đất đã gieo hạt, khiến ngài khoái chí tử.
Ngài chạy về rúc trong phòng làm việc, thiết kế chi chít hàng xấp giấy. Cosimo cũng hăng say làm việc, bởi anh thích bất cứ điều gì thực hiện được trên cây, anh cảm thấy mình sắp đem lại một tầm quan trọng mới, một thẩm quyền mới, cho vị thế của mình trên cao nơi đây; và có cảm tưởng rằng mình tìm thấy nơi ngài Carrega một người bạn đồng hành tin cậy. Hai người hẹn nhau tại một số ngọn cây thấp; ngài Trạng dùng một cái thang để trèo lên, nách kẹp đầy những cuộn bản vẽ; họ bàn luận hằng giờ về các triển khai ngày càng phức tạp cho cái hệ thống dẫn nước đó.
Song chưa bao giờ ngài chuyển sang giai đoạn thực hiện. Enea GỗDày mệt mỏi, ít trao đổi với Cosimo hơn, không bao giờ hoàn tất những bản vẽ, sau một tuần thì ngài đã quên khuấy chúng. Cosimo không hối tiếc: anh nhanh chóng nhận ra rằng chuyện này đang trở nên một mớ rối rắm phiền hà, và chẳng đem lại được gì khác cho cuộc sống của anh.
Rõ ràng về lãnh vực thủy lực, ông chú họ của chúng tôi hẳn có khả năng làm được nhiều việc. Ngài có niềm đam mê, lại không thiếu tài năng đặc thù thiết yếu cho ngành học này; tuy nhiên, ngài không biết hiện thực hóa nó: ngài mất đầu mất đuôi, cho tới lúc mọi kế hoạch chẳng đi về đâu, chẳng hạn: dẫn nước vòng vo để một dải đất xốp hút hết. Lý do có thể là thế này: trong lúc với việc nuôi ong ngài có thể toàn tâm toàn ý, làm cho mình, hầu như trong bí mật, không phải đụng chạm ai, thỉnh thoảng bung ra một món quà mật và sáp ong mà không ai đòi hỏi, thì việc dẫn nước lại phải để ý đến mối quan tâm của người này, người kia, hứng chịu những ý kiến của vị Nam tước, hoặc bất cứ ai đặt ngài thực hiện. Dút dát và lưỡng lự, ngài chưa bao giờ đối lập với ý chí người khác, mà nhanh chóng mất hứng thú trước công việc và bỏ mặc nó.
Thiên hạ có thể gặp ngài vào mọi giờ, giữa đồng, với cây thước và cuộn bản đồ, cạnh một nhóm người trang bị cọc và cuốc, ra lệnh đào một con mương, và đo đạc đất đai bằng những bước đi của mình, vốn ngắn ngủn song lại phải sải rộng quá mức. Bảo họ bắt đầu đào chỗ này, rồi một chỗ khác, rồi bảo ngưng, và ngài lại bắt đầu đo đạc. Màn chiều phủ xuống, công việc để lửng. Sáng hôm sau thì hiếm khi ngài quyết định tiếp tục công việc tại chỗ đó. Và ngài biệt tăm suốt tuần lễ.
Tham vọng, khát vọng, mộng ước, làm nên niềm đam mê thủy lực học của ngài. Đó là cái ký ức ngài giữ trong lòng, những vùng đất tuyệt đẹp được tưới dưỡng của Vua Thổ Nhĩ Kỳ, những vườn rau, vườn hoa nơi ngài hẳn là hạnh phúc, khoảng thời gian duy nhất thực sự hạnh phúc của đời ngài; ruộng đồng vùng BóngRâm liên tục bị đem ra so với những ngôi vườn ở các xứ Béc-be, hoặc ở Thổ Nhĩ Kỳ; trong ngài có sự thôi thúc tu sửa lại chúng, tìm cách đồng nhất hóa chúng với những kỷ niệm của ngài, nghệ thuật của ngài là thủy lực học, ngài tập trung ước muốn thay đổi vào trong đó, thế rồi liên tục phải đối đầu với một hiện thực khác biệt, ngài đâm ra thất vọng.
Ngài còn áp dụng nghệ thuật dò mạch, không cần nhìn, lúc đó vẫn còn trong thời kỳ mà những nghệ thuật khác lạ có thể thu hút những thành kiến bảo là phù thuật. Có lần Cosimo phát hiện ra ngài trên một bãi cỏ đang giơ một cây cọc chĩa nhánh và xoay tít người. Hẳn đó cũng chỉ là một thử nghiệm để ngài lặp lại điều gì đó đã thấy người khác làm mà ngài chưa từng áp dụng, bởi nó chẳng đi tới đâu.
Với Cosimo, hiểu được tính cách ngài Enea Carrega GỗDày có lợi ở điểm này: biết được nhiều điều về việc sống đơn độc, vốn sau đó đã giúp anh trong cuộc sống. Có thể nói rằng, anh luôn ghi nhớ trong đầu cái hình ảnh lạc loài của ngài Trạng, để nhắc nhở mình về cách thức mà một người có thể trở nên, khi tách số phận mình ra khỏi số phận kẻ khác, và anh đã thành công trong việc không bao giờ để mình giống ngài.
Nam Tước Trên Cây Nam Tước Trên Cây - Italo Calvino Nam Tước Trên Cây