They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Bernard Glemer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 946 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15 -
ôi cố giúp Donna thu dọn quần áo, nhưng rồi nó phát bực với tôi và bảo: "Này, cậu ngồi vào một chỗ cho khỏi vướng chân tớ đi". Jurgy là cô gái tuyệt vời. Nó và Donna những lúc bình thường chẳng ưa gì nhau, nhưng vào giờ phút đầy thử thách này, nó lại giúp Donna được rất nhiều. Có thể vì trước đây Jurgy đã từng được rèn luyện, mà cũng có thể bản chất con người nó là thế. Nó khỏe như vâm và lại khéo tay đến kỳ lạ. Tôi bắt đầu cảm thấy kính phục Luke Lucas; rất có khả nănglà ông ta có thể đánh giá đúng một phụ nữ như đánh giá một con bò sữa, chỉ trong một phút. Chắc chắn ông ta đã không sai lầm khi chọn Mary Ruth Jurgens. Ông ta đã vớ được kho báu, lạy Chúa. Tôi dám cuộc là Jurgy có thể gập gọn cả những con bò quý của ông ta, bất cứ lúc nào ông cần mang đi mà lại chỉ muốn đem theo một túi xách. Tôi cho rằng Hãng Magna chỉ cần thuê Luke làm huấn luyện đám chiêu đãi viên của họ, là mỗi năm có thể tiết kiệm được một triệu đôla. Họ không cần ông Garrison, một bác sĩ tâm thần người máy và tất cả những người khác, mà chỉ cần một mình ông già này là đủ.
Lạy Chúa, tôi thấy lòng tê tái. Chỉ cần nhìn chiếc giường Alma là tôi lại bắt đầu sụt sùi. Chỉ cần nhìn Donna là tôi lại bắt đầu khóc. Chỉ cần nhìn xuống chân nghĩ rằng Ray Duer đang ở ngay tầng dưới, là tôi lại chảy nước mắt. Tôi không biết có sinh vật nào buồn đến mức này mà vẫn tiếp tục sống được không? Jurgy pha cà-phê rất đặc cho tôi, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng nhận ra rằng mình đang chất chồng thêm nỗi buồn khổ, tôi qua buồng Jurgy, đóng chặt cửa rồi buông mình xuống chiếc giường Annette vẫn thường nằm và khóc nức nở.
Tôi không biết đã nằm ở đó bao lâu khi cửa bật mở, và bác sĩ Elizabeth Schwartz cùng cô Webley bước vào. Tôi chỉ thấy lờ mờ, nhưng vẫn nhận ra họ và tôi tự hỏi không biết họ đến làm gì. Đến thăm nhau vào lúc này đâu có gì hay ho?
"Chào Carol", bác sĩ Schwartz bảo. Chị ta xách chiếc túi da màu đen, là túi các bác sĩ vẫn thường mang theo, nhưng trông rất xinh xắn và dịu dàng.
"Chào bác sĩ Schwartz"
"Chào Carol", cô Webley nói và tôi đáp lại: "Chào cô"
Bác sĩ Schwartz ngồi xuống cạnh tôi và nhìn tôi mỉm cười thông cảm. "Em thấy trong người thế nào, Carol?"
"Ồ, cũng bình thường"
"Thế thì tốt. Tôi vừa đến phòng bác sĩ Duer, anh ấy nghĩ tôi nên tới thăm cô"
"Tay ông ấy thế nào?"
"Không có gì nghiêm trọng. Xương tay bị gãy. Tôi đã cho đưa anh ấy đến bệnh viện chiếu điện. Đàn ông thật ngốc nghếch phải không? Hình như họ không hiểu được rằng bàn tay con người là một vật mỏng manh, đâu phải dùng để đánh nhau. Một hai tuần sau tay anh ấy sẽ lành lại thôi"
Tôi lại khóc.
Bác sĩ Schwartz nói: "Ôi, cô em. Em đã phải trải qua những giây phút khó khăn, em hoàn toàn kiệt sức. Em không thể kéo dài tình trạng thế này được. Tôi muốn em uống thuốc an thần cho bình tâm lại, để em có thể ngủ qua đêm được"
"Nhưng tôi không cần thuốc an thần"
Cô Webley bảo: "Nào Carol, nghe lời bác sĩ đi em". Cô đang nhìn tôi và cũng khóc. Lạy Chúa, cả cái thế giới chết tiệt này hình như đang trào nước mắt"
Bác sĩ Schwartz bảo: "Peg, lấy cho tôi cốc nước"
Cô Webley nhẹ nhàng đi ra
Tôi nói: "Bác sĩ Schwartz, tại sao mọi chuyện lại diễn ra như thế này?"
"Tôi không biết, Carol ạ. Ước gì tôi biết tại sao. Nhưng ai cũng có lúc gặp chuyện thế cả. Cả tôi cũng vậy, nếu điều đó giúp an ủi em thêm"
Cô Webley trở vào mang theo cốc nước. Bác sĩ Schwartz đưa tôi hai viên thuốc màu xanh, và khi uống hai viên thuốc ấy, tôi có cảm giác đúng như khi Socrate (469-399 trước CN. Nhà triết học Hy Lạp, bị kết tội dị giáo và bị khép tội chết bằng cách uống thuốc độc) phải uống chén thuốc độc. Tôi biết bác sĩ Schwartz làm việc này là vì lòng tốt. Tôi biết chị ấy muốn tôi vợi bớt nỗi buồn, song thú thực tôi không muốn bao giờ tỉnh lại nữa.
*
Tôi nằm trên giường Annette ngủ liền một mạch khoảng 15 tiếng. Khi mở mắt, tôi không nhận ra ngay mình là ai. Tôi không là một người cụ thể, chỉ là một phụ nữ cao 5 fut 7 insơ, thế thôi. Nhưng dần dần tôi cũng tự nhớ ra mình. Tôi có cảm giác kỳ quặc là đầu tôi cứ tự nó bồng bềnh trôi đi.
Trên bàn cạnh giường Annette có hai mảnh giấy gấp đôi, để đứng như kiểu bưu thiếp Noel. Một của Jurgy viết: "Carol thân. Bác sĩ Schwartz bảo nếu còn mệt thì không cần đến lớp. Cô Webley cũng nói như thế. Cứ nghỉ cho khoẻ. Sẽ gặp lại cậu. Mary Ruth. Mảnh kia của Donna: "Tạm biệt, tinh hoa. Chúc may mắn. D.S.
Tôi vào bếp uống một cốc sữa, ăn một quả táo, và hiểu rằng tôi không thể đến lớp sáng nay, tra chân vào cùm sắt trong khi đầu cứ vật vờ trôi nổi trên trần nhà. Chưa nói đến những chuyện khác, nguyên việc đó đã làm các cô phát hoảng. Vả lại khi nhìn đồng hồ, tôi thấy đã 11h30 - một nửa ngày đã trôi qua. Vì thế tôi mặc bộ áo tắm màu đen, đội mũ, đi dép rồi thất thểu vào thang máy và lết ra bể bơi. Tôi cần không khí trong lành chứ không phải ánh nắng mặt trời. Ánh nắng có thể quá sức chịu đựng của tôi lúc này. Tôi duỗi người trên chiếc ghế xếp dưới một chiếc dù to, thuốc lá, diêm và tiền lẻ gói trong chiếc khăn lụa để trên chiếc bàn bên cạnh. Tôi nằm nhắm mắt, không hẳn thức cũng không hẳn ngủ, không để ý gì đến tiếng ồn ào xung quanh. Tôi có cảm giác như trôi trong bể tắm đang tháo nước, đúng vào chỗ dòng nước đang xoáy tít theo chiều kim đồng hồ; rồi đôi lúc thấy mình như đang ở Úc, nơi dòng nước xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Trời đất, trong mấy viên thuốc ngủ này chắc phải có thuốc nổ.
Tôi dần dần nhận thấy ai đó đang nói với tôi và khi mở mắt, tập trung tinh lực tôi nhận ra N.B người bạn cũ đáng tin cậy của tôi. Ông bạn Nat Brangwyn thân mến bằng xương bằng thịt hẳn hoi, mặc bộ complê màu xám, thắt nơ vàng, trông gọn gàng sạch sẽ và đỏm dáng như một chú bạch yến quý.
Tôi nói: "Kìa, chào ông" và miệng cười đầy vẻ ngái ngủ.
"Chết thật, tôi làm cô thức giấc"
"Tôi đâu có ngủ. Chỉ thiu thiu thôi", tôi giải thích. Từ này nghe hay lắm. Tôi nhắc lại:" Thiu thiu, thế thôi. Ông khỏe chứ?"
"Khoẻ, khoẻ", ông ta cười rất tươi, đồng thời cũng có vẻ ngượng nghịu.
"Ngồi xuống đây, ông Brangwyn", tôi nói. "Chắc ông cũng chẳng muốn đứng mãi ngoài nắng chứ? Ngồi xuống đi, để cho chân nó nghỉ một chút"
"Nhưng cô đang cố chợp mắt cơ mà", ông ta bảo.
"Đâu có. Tối qua bác sĩ cho tôi uống mấy viên thuốc ngủ, đến giờ thuốc vẫn chưa rã hết. Xin lỗi, tôi không được lich sự lắm. Mời ông ngồi"
Ông ta ngồi xuống ghế.
Đột nhiên tôi thấy lại cái miệng của mình; nó giống như cái gạt tàn trống rỗng. Tôi bảo: "Ôi, tôi khát quá" và bắt đầu tìm nước uống. Tôi thấy nước dưới bể bơi, tôi thấy nước ngoài biển, nhưng không với tới được.
N.B bảo: "Chớ cựa quậy. Cứ nằm yên đó, cô Thompson". Ông ta biến mất, hệt như con bạch yến trong bụi hồng; khi quay lại, ông ta bưng một bình thuỷ tinh to đầy nước có bỏ những lát chanh và đá cục, cùng chiếc cốc vại rất to với nhiều hình thù chạm trổ bên ngoài. Ông ta đổ đầy cốc vại rồi đưa cho tôi. Tôi cầm cốc và hỏi: "Ông Brangwyn, không có rượu trong này đấy chứ? Tôi chỉ muốn uống nước thôi. Tôi đang khát muốn chết, nhưng không muốn uống rượu đâu"
Ông ta bảo: "Cô Thompson, tôi đảm bảo trong bình này không có lầy một giọt rượu, mà chỉ có nước chanh. Đó chính là thứ lúc này cô cần uống"
"Ông Brangwyn, mời ông ngồi"
Ông ta ngồi xuống và nói: "Sao cứ gọi tôi là ông Brangwyn thế, cô Thompson? Xin cứ gọi tôi là Nat hay N.B cũng được"
"Thôi được. Mà cũng đừng gọi tôi là cô Thompson, được chứ? Cứ gọi tôi là Carol"
"Thế thì còn gì bằng. Uống nước chanh đi, Carol"
Tôi uống một hơi hết nửa cốc. Sau đó tôi hít mạnh và uống nốt nửa cốc còn lại. Tôi thở dài, đặt cốc xuống bàn và ông ta lập tức rót đầy cốc khác. Tôi nói: "Ôi, nước ngon quá. Bây giờ tôi cần hút thuốc"
Tôi tìm bao thuốc của mình, nhưng ông ta còn nhanh hơn tôi cả triệu năm ánh sáng. Thoáng một cái đã thấy điếu Tareyton và chiếc bật lửa Zippo mạ vàng trước mặt tôi.
Tôi rít thuốc một lát rồi bảo: "N.B, tôi đã đi tới một kết luận rất quan trọng về anh. Rất quan trọng, tôi nói anh nghe không sao chứ?"
"Không sao, cô cứ nói đi", ông ta đáp, mỉm cười lo lắng.
"Tôi nghĩ anh là người vô cùng tử tế. Mà này, tôi có được phép gọi anh là anh không nhỉ?"
"Ồ, cám ơn Carol". Mặt anh rạng rỡ hẳn lên. "Cám ơn về cả hai điều"
Tôi nói: "N.B, giờ anh hãy nói thật xem nhé. Có điều này cứ làm tôi bận tâm mãi. Có đúng anh là con bạc khét tiếng không?"
Anh cười phá lên: "Em muốn tôi trả lời câu hỏi đó ư?"
"Nếu như anh muốn trả lời, N.B ạ. Nhưng đừng bực nhé. Câu hỏi khiếm nhã quá phải không?"
Anh bảo:" Ờ, tôi làm rất nhiều việc Carol ạ. Tôi buôn bán bất động sản. Tôi có cổ phần trong một hãng đại lý xe hơi. Tôi đầu tư vào 3 khách sạn và một vài hộp đêm..v...v. Một số người thích đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Tôi lại đầu cơ buôn bán trong các lĩnh vực mà tôi quan tâm. Cũng vậy cả, có khác gì đâu? Có điều, lĩnh vực tôi đầu cơ, buôn bán lại được gọi là cờ bạc, thế thôi. Em hiểu chứ?"
"N.B. Tôi không chỉ hiểu, mà đó chính là điều tôi nghĩ. Đúng vậy. Đầu cơ buôn bán, đúng thế đấy".
"Em không cho anh là kẻ sống ngoài vòng pháp luật chứ?"
"Không đâu. Tôi thì không. Còn điều này nữa, N.B ạ. Tôi hơi tò mò về chuyện riêng của anh môt tí, không sao chứ?"
"Trước tiên cứ hỏi đã, rồi có sao hay không ta sẽ tính sau".
"Thế cũng được. Câu hỏi thế này. Có đúng là anh còn nợ chính phủ liên bang 150 000 đôla tiền thuế thu nhập không?"
Anh cười rũ ra, rồi hỏi tôi: "Em kiếm đâu ra những chuyện này thế?"
"Là tôi nghe nói thế. Anh cũng biết là người ta thường nói những chuyện như vậy"
"Thôi được, anh sẽ trả lời câu hỏi của em. Cái khoản 150 000 đôla chỉ hoàn toàn là chuyện nói cho vui vậy thôi. Mỗi tuần con số đó lại tăng gấp đôi. Anh thấy cũng chẳng sao. Hay nói thế này, Carol ạ. Đó là chuyện quan hệ xã hội, em hiểu chứ?"
"Ồ, đương nhiên là thế. Bây giờ cái gì chẳng là quan hệ xã hội"
"Chính em cũng thấy đấy nhé. Chuyện đó cũng chẳng phương hại gì. Mọi người đều nghĩ: "N.B chắc phải là một người quan trọng vì hắn nợ tới 150 000 đôla. Vậy thì càng tốt chứ sao? Thực ra anh nợ khoảng 40 000. Họ cũng chỉ biết loáng thoáng vậy thôi chứ không có bằng cứ chính xác nào về việc đó. Các luật sư của anh cự nự người sở thuế, mọi người cự lại, và cuối cùng có lẽ anh sẽ chấp nhận là còn nợ 25 000. Thế được chứ?"
"Được rồi"
Tôi uống thêm nước chanh, và anh lại rót đầy cốc.
"Em thấy người khá hơn chứ?, anh ta hỏi.
"Khá hơn nhiều, cám ơn anh".
Tôi ngả người, nhìn anh. Đúng thật. Trông đúng với lời miêu tả về anh: một người tử tế. Và trong tất cả những người tôi đã gặp và tin tưởng từ khi ra đời đến giờ, anh là người chưa bao giờ làm hại tôi. Trong suốt khoảng thời gian, từ giây phút anh mời tôi hút thuốc trên máy bay cho tới lúc này khi anh rót đầy cốc nước chanh, anh luôn tỏ ra tốt bụng, dịu dàng, chu đáo và khiêm nhường. Khi tôi từ chối không nhận sự hào phóng của anh, như trường hợp chiếc xe, như khi anh mời tôi đi chơi, anh vẫn xử sự đường hoàng lịch lãm. Chưa lần nào anh làm phiền tôi. Khi thấy một người bạn của tôi đang lao dần tới bờ vực thẳm, anh đã đến báo cho tôi về việc đó. Ít ra anh cũng còn có chất người.
Anh bảo: "Cứ nằm nghỉ đi Carol. Em không phải đến trường hôm nay chứ?"
"Không"
"Em chẳng có lỗi. Em đã trải qua bao chuyện chẳng hay gì cuối tuần rồi"
Tôi gật đầu.
"Chuyện Sonny Kee thật là quá đáng. Cô gái thật tội nghiệp. Kinh khủng quá. Anh cũng đau lòng về chuyện đó, Carol ạ. Em hiểu anh muốn nói gì chứ? Một cô gái đáng yêu như thế. Rất đáng yêu, xinh đẹp như tranh vẽ"
"Vâng, Alma đẹp thật"
"Maxwell nói cô bạn tóc đỏ của em cũng gặp chuyện rắc rối"
"Vâng, nó đã về nhà rồi"
"Toàn chuyện nặng nề, đúng không? Mà tất cả lại xảy ra cùng một lúc". Anh thở dài, khẽ lắc đầu. "Cuộc đời bao giờ cũng là như vậy. Chuyện rắc rối ấy à? Cứ gọi là mỗi lần có hàng tá, cô bạn ạ. Carol này..."
"Gì cơ?"
Anh ta cau mày: "Em muốn ra ngoài chơi một chút không? Bỏ xa cái khách sạn này, dẹp qua bên mọi nỗi ưu phiền, quên cái trường huấn luyện này đi. Hãy đi xa cho thoải mái đầu óc trong vài tiếng đồng hồ. Hãy đi tới một thế giới khác. Em cũng không muốn ngồi đây suốt ngày mà âu sầu ủ rũ, đúng không?"
Tôi không trả lời, chỉ nhìn anh và láng nghe anh nói.
Anh ta lại tiếp: "Nào, anh mời em đi ăn trưa. Em nghĩ sao?"
Tôi bảo: "N.B, anh thật dễ thương"
Anh cứng người lại
Tôi bảo: "Cám ơn anh đã có lời mời. Không gì tuyệt hơn là được ăn trưa cùng anh"
Anh ngồi thẳng lại, miệng nở nụ cười sung sướng. "Ôi, thế mới tuyệt chứ!"
"Em lên phòng thay quần áo đã".
Không biết có phải do nước chanh khiến thuốc ngủ hoạt động trở lại, nhưng khi tôi cởi bộ đồ tắm màu đen, cái cảm giác nôn nao cùng đôi chút giận dữ của đêm qua lại đến. Căn phòng chó chết này mới trống trải làm sao. Nó giống như một nhà mồ loại sang. Tất nhiên tối nay Jurgy sẽ về (nếu như họ không tống khứ nó ngay tại chỗ), song cứ nhìn quanh phòng mà xem! Giường Annette bỏ trống. Giường Donna không có ai nằm. Giường Alma bỏ trống vĩnh viễn. Nó làm tôi bực mình đến mức cứ trần truồng đi lại trong phòng, mắt mờ đi vì giận dữ, người nôn nao vì thuốc ngủ, lẩm bẩm nguyền rủa ông Garrison, bác sĩ Duer cùng tất cả lũ bọn họ, cho đến khi tôi kiệt sức buông mình xuống giường. Rồi tôi bắt đầu mặc quần áo, đôi lúc vẫn vừa khóc vừa lầm bầm chửi rủa. Tôi chọn bộ đồ mà cho đến nay vẫn chưa bao giờ dám mặc, bởi vì trông nó quá táo bạo so với những tiêu chuẩn cao quý của hãng Magna - chiếc váy dài không quai màu hồng mềm mại. Nhưng trước khi mặc chiếc váy đó, tôi mặc nguyên đồ lót, đeo giày cao gót vào phòng tắm (cả hai thứ đều rất thích hợp với một dịp như thế này) và bắt đầu tô son trát phấn. Ít ra tôi cũng học đuợc điều có ích trong ba tuần làm việc cật lực vừa qua: làm thế nào để có thể trông giống như một cô gái điếm Thượng Hải. Tôi tuân theo đúng trình tự công việc. Cô Webley có lẽ sẽ rất tự hào về tôi, mặc dù sẽ không chấp nhận cái thứ ngôn ngữ tôi dùng. Chất bôi làm nền. Kem hồng xoa đều dưới mắt. Phấn xoa đều. Đánh son môi. Đánh mắt. Kẻ lông mi. Bôi lông mày. Và thêm mục nước hoa dành riêng cho N.B. Cho đến lúc này tôi làm khá thành thạo, và kết quả rất chi là đẹp.
Sau đó tôi mặc chiếc váy không quai. Ái chà chà, cô bạn! Bờ vai rám nắng này, hai cánh tay như đồng đỏ này là tôi đấy ư? Thompson? Mái tóc vàng óng ả này là Thompson sao? Bộ ngực căng tròn này là Thompson ư? Nhưng rõ ràng là như vậy. Cùng đi với chiếc váy này là tấm khăn choàng tôi khoác trên vai, và trước khi ra khỏi phòng, tôi dừng lại một lúc, nhìn mấy chiếc giường trống không. Tôi nói rõ to: "Mặc xác ông Garrison! Mặc xác Hãng hàng không quốc tế Magna! Mặc xác bác sĩ Ray Duer", rồi bước ra khỏi phòng, dáng đi thẳng như một phụ nữ đoan trang, trong khi đầu óc quay tít như vừa từ trong máy nhào bột ra.
*
N.B ngạc nhiên đến nỗi thốt lên: "Cô Thompson. Tôi lại phải gọi là Carol". Anh đinh khen vẻ quý phái của tôi, nhưng trong lúc lúng túng, anh nói lộn, thành thử lời khen lại có tác dụng gấp đôi. Chiếc xe Lincoln mui trần màu nòng súng của anh thật đẹp, khiến tôi không thể không thốt lên:" Đẹp quá". Anh lái xe rất giỏi, chỉ một ngón tay trên vô-lăng là đủ, và hơn nữa mắt cứ như có lắp kính tiềm vọng - anh không cần nhìn đường mà chỉ nhìn tôi, song chiếc Lincoln cứ luồn lách trong dòng xe cộ một cách dễ dàng, chính xác.
Chỉ lát sau tôi đã thấy mình ở trường đua ngựa. Khi N.B bảo tôi hãy đi khỏi khách sạn tới một thế giới khác, chắc chắn anh đã nói đúng. Người tôi vẫn hãy còn nôn nao, nên tôi chỉ lờ mờ cảm thấy ánh nắng mặt trời, rất nhiều người quần áo đủ các màu sắc và tiếng hò hét cứ rộ lên. Chúng tôi không ra gần đường đua. NB. cầm tay dắt tôi vào quán rượu, rồi tôi thấy mình đang ngồi trong một căn phòng lớn bốn bề là kính, phía ngoài là ban công, những tiếng hò hét vẫn rộ lên trong tai tôi, làm tôi càng thấy phấn chấn hơn. Căn phòng kính đầy người đang ngồi ăn trưa - đàn ông ăn mặc giống như N.B còn đàn bà đều chất lên người cả đống quần áo. Xung quanh cứ nháo nhào cả lên, người nọ người kia len lỏi qua các bàn, và thỉnh thoảng tất cả lại phóng ra ban công cứ như chạy loạn để xem ngựa về đích. Lạy Chúa, Donna và Alma chắc sẽ thích lắm, vì nó hợp gu của họ. Toàn người là người, rồi hoa, rồi áo quần loè loẹt, những con ngựa đang phi sùi bọt mép ở đằng xa, rồi tiếng nhạc, phụ nữ đang chết ngạt trong áo lông chồn, những người đàn ông mày râu nhẵn nhụi tới chỗ N.B, chào rất lịch sự: "Chào N.B" và anh cũng rất lịch sự đáp lại: "Chào Joey, chào Sao. Làm ăn ra sao?"
N.B bảo ngựa cũng phải đợi. Việc trước tiên là ăn trưa đã.
Thực ra tôi muốn xem lũ ngựa, nhưng anh thề danh dự với tôi là sau khi chúng tôi ăn xong, ngựa cũng vẫn còn ở đó. Chúng tôi bắt đầu bằng một chầu sâmbanh, sau đó lại làm chầu thứ hai trong khi nhà bếp đang chuẩn bị món cua đá Thermidor. N.B kiếm đâu được tờ giấy và viết ở đầu trang hai chữ in to: "I.G", rồi gạch ngang ở dưới.
Tôi hỏi: "Ig là gì?"
Anh trả lời: "Không phải Ig, mà là một ngàn. Đó là tiền ứng trước của em"
"Ồ, rất mừng là em có tiền ứng trước. Nhưng tiền đó ở đâu ra thế?"
"Anh cho em vay"
"Tức là sao? Em có một ngàn, anh cho em vay. Bằng cách nào?"
"Có thế mà cũng không hiểu", anh nói. Rồi anh giải thích là một ngàn đôla này tôi được toàn quyền sử dụng để đánh cá ngựa, tôi muốn đánh thế nào thì tuỳ, song nếu tôi muốn anh giúp thì anh sẽ rất vui lòng làm việc đó. "Chẳng hạn vòng đua tới đây", anh bảo. "Nếu là em, anh sẽ đánh cá 100 đôla vào con ngựa số 6"
Tôi bảo: "N.B thân mến, anh điên rồi sao? Em có biết cá cược mô tê gì đâu? Thôi đừng làm chuyện buồn cười nữa"
"Đó chỉ là một trò chơi thôi, em yêu ạ"
"Nhưng ngộ em thua mất cả 1000 thì sao?"
"Này nhé. Đây chỉ là ghi trên giấy, đúng không?"
Anh búng tay tách một cái, một người liền vội vã chạy tới và N.B nói thầm vào tai anh ta điều gì đó. Tôi nghĩ: "Ồ, nếu chỉ là chơi trên giấy thì tại sao lại không chơi. Chuyện ấy có phương hại gì đâu, nhất là sau khi lại làm thêm một chầu sâmbanh nữa, rồi đến món cua đá Thermidor. Chà, tôi nghĩ. Các con bạc khét tiếng cũng biết cách sống đấy chứ.
Càng về chiều càng náo nhiệt hơn. Người ta hò hét to hơn, hào hứng hơn và đâm bổ ra ban công xem con ngựa nào về nhất. Trong cảnh đầy cờ, hoa, áo quần loè loẹt, ánh nắng chan hoà và người người hò hét như điên ấy, tôi cũng gào lên: "Lochinvar, cố lên!". Lochinvar là tên con ngựa thì phải, mặc dù tôi cũng chẳng biết nó là con nào trong đám ngựa tít mãi đằng xa, trông con nào cũng giống con nào. Nhưng lạy Chúa, nỗi khích động mới kinh khủng làm sao. Sau đó khi vòng đua kết thúc, chúng tôi trở lại bàn và N.B lại ghi số trúng dưới chữ IG. Rõ ràng tôi là bậc thiên tài. Cuối buổi chiều, anh quay lại nhìn tôi với vẻ hài lòng và bảo: "Em yêu, em đánh khá lắm"
"Thật ư?"
"Thật. Em đánh rất khá. Em thắng tất cả là 2200 đôla"
"Ai, em ư?"
"Ừ, em, cô Thompson. Đợi một chút, chúng ta lấy tiền rồi sẽ đi chỗ khác"
Tôi kêu to: "Anh bảo là lấy tiền thực ư?"
"Chứ sao nữa, tiền thật hẳn hoi. Thế em nghĩ nó là tiền âm phủ ư?"
"Nhưng anh bảo nó chỉ là trò chơi trên giấy..."
Anh cười: "Ôi, em thật đáng yêu. Em biết không? Em đáng yêu quá".
Thoáng một cái, chúng tôi trở lại chiếc Lincoln mui trần, phóng đi với tốc độ khoảng 65 dặm/giờ, trong khi tôi đang có trong túi xách tay cuộn giấy bạc to tướng.
Tôi hỏi N.B: "Mấy giờ rồi anh?"
"Khoảng 6h20"
"Chúng ta đang đi đâu?"
"Tới một câu lạc bộ nhỏ anh biết"
"Em cần phải về khách sạn"
"Để làm gì? Quên cái đó đi. Em đã vất vả suốt tuần, nghỉ ngơi một chút sẽ tốt cho em hơn"
Cái câu lạc bộ nhỏ xem ra hết sức dễ thương, giống như một chiếc vườn có mái che xinh xắn. Bên trong mát mẻ, dễ chịu, với những bộ bàn ghế nho nhỏ bằng sắt sơn trắng, nền nhà lát đá, giữa phòng là một cột nước đang phun, và xế bên góc, ba nhạc công đang chơi đàn, tiếng nhạc nghe gần như tiếng thầm thì.
"Em thích không? "N.B hỏi
"Đẹp quá"
"Em uống gì?"
Bụng tôi vẫn còn đầy sâmbanh, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo lắm. Tôi bảo: "N.B, cho em uống nước chanh thôi"
"Cũng được"
N.B tuyệt vời chính ở chỗ đó. Không bao giờ ép. Không bao giờ bắt bạn phải làm điều bạn không muốn. Hết sức thân tình và chu đáo. Muốn được vậy, cần phải có một tính cách đặc biệt, một tính cách rất mạnh mẽ và tôi khâm phục anh về điểm đó.
"Ta nhảy chứ?" N.B hỏi
"Thế thì còn gì bằng"
Trước mặt ba nhạc công là một sàn nhảy chừng sáu fut vuông. Chính nơi đây cũng lại bộc lộ thêm nhân cách của N.B, bởi vì một số đàn ông sẽ lôi tuột bạn ra sàn nhảy bé xíu này, rồi bắt đầu hành động cứ như họ đang chơi hiệp cuối cùng của trận đấu bóng bầu dục giữa lục quân và hải quân, và vận mệnh đất nước đang đè nặng lên đôi vai lực lưỡng của họ. Anh bạn N.B của tôi thì không thế. Chúng tôi chỉ đứng sát vào nhau, mơ màng trong tiếng nhạc. Người cầm đầu ban nhạc nói: "Chào N.B" và anh đáp lại: "Chào Johnny". Thật là thích thú. Tôi muốn nói nhảy theo tiếng nhạc của dàn nhạc 3 người vào giờ côctay đâu có khích động tâm hồn ta mạnh mẽ như khi nghe bản giao hưởng số 9 của Beethoven do nhạc trưởng Bruno Walter chỉ huy. Đó chỉ là những giây phút thân mật trước bữa tối, và N.B chỉ làm đúng như vậy.
Chúng tôi ở đó khoảng nửa tiếng. Tôi uống nước chanh, còn anh uống Vodca Martini và sau đó chúng tôi ra xe. Tôi bảo: "Bây giờ anh đưa em về khách sạn chứ?", và anh hỏi lại rất dễ thương: "Sao vậy?". Tôi đáp: "Em cần phải về" và anh bảo: "Em còn phải ăn tối nữa chứ". Tôi đáp: "Vâng.Cám ơn anh"
Ở đời phải công bằng, bố tôi thường nói như vậy. Anh đã đối xử với tôi lịch lãm và hào phóng như bất cứ người đàn ông hào hoa nào đối xử với một cô gái xinh đẹp. Anh muốn có tôi bên cạnh anh (được thôi, chẳng cần phải nói văn hoa làm gì, anh trả tiền để có tôi bên anh), nên tôi chẳng cần phải giả bộ bẽn lẽn thơ ngây. Nếu anh cảm thấy thích thú có tôi bên cạnh một vài giờ nữa, tôi sẵn lòng cho anh niềm vui đó.
Chúng tôi ăn tối trong một câu lạc bộ khác to hơn, sinh động hơn và cũng ồn ào hơn cái trước. Ban nhạc ở đây có tới 7 người, và họ chơi thoải mái cứ như phá nhà. Bàn chúng tôi ngồi ở ngay phía trước, sát ngay sàn nhảy, nên tiếng nhạc to mạnh đến nỗi tôi không thể biết mình đang nghĩ gì nữa. Nhạc ầm ĩ, đèn nhấp nháy liên tục, hàng trăm con người xung quanh, vui thật.
Tới lúc này sâmbanh đã rã hết và tôi tỉnh táo như quan chánh án. Song tôi đã tự kìm mình khi N.B hỏi tôi uống gì trước khi ăn tối. Lần này anh cố ép tôi, chứng tỏ rằng cho dù anh có dịu dàng, tốt bụng, anh cũng đâu phải là Milquetoast (nhân vật có tâm hồn yếu đuối). Anh bảo: "Em uống Vodca Martini đi, thứ đó trẻ con uống cũng không sao". Tôi trả lời: "Thôi cũng được". Vừa gọi hầu bàn xong, anh đã mời tôi nhảy. "Trước khi buổi diễn bắt đầu", anh giải thích. "Có biểu diễn nữa à?", tôi hỏi và anh trả lời: "Có chứ. Họ có buổi diễn vào bữa tối, bữa 9h và bữa 3h sáng. Em có muốn ngồi lại xem cả 3 buổi diễn không?". Tôi đáp: "Ôi, em rất muốn thế, nhưng chậm nhất là 10h30 em phải có mặt ở khách sạn". Người điều khiển ban nhạc gọi: "Này N.B, khoẻ chứ? " và N.B cũng đáp lại: "Chào anh bạn Billy. Có gì mới không?"
Rượu pha Vodca Martini ít ra trẻ con cũng uống được thật, nên tôi làm thêm cốc nữa. Tôi gọi món tôm Rubens, thịt cừu Florentine, hoá ra lại là món cừu đúp của một con cừu chắc phải to như con voi, nấu hơi quá ngọt với quá nhiều hương thảo. N.B cứ nhất định đòi gọi một chai vang đỏ, và xem ra anh là tay sành sỏi, bởi vì anh và Gaston, người hầu rượu nói chuyện với nhau rất thông thạo về các loại rượu và cuối cùng Gaston nói: "Thưa ông Brangwyn, ông lúc nào cũng rất sành". Rượu có vị rất ngon, và nồng độ khá cao, vì khi buổi diễn bắt đầu, tôi mất hết cảm giác mặc dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Tôi thực sự ở trong trạng thái thoát tục mà các nhà thiền đạo Zen hằng mong ước - sự kết hợp giữa cảm giác hư và thực, song dưới một hình thức rất kỳ quặc: chiếc váy không quai cứ tuột khỏi người tôi. Lúc ở cửa hàng Lord và Taylor tôi đã thử và nó vừa như in. Khi ở trường đua ngựa nó vẫn không sao, và lúc ở câu lạc bộ có những bàn nhỏ màu trắng cũng vậy. Nhưng từ lúc cảm giác thiền đạo Zen xuất hiện thì, ô hô! Nó như sống theo cách riêng của nó, cứ tự nhiên mà tuột xuống, phơi bày quá nhiều cái duyên dáng của tôi với mọi người. Bất cứ lúc nào cũng đều có khả năng nó rơi xuống tận bụng, làm tôi giống như người đàn bà A rập đội bình ra giếng lấy nước.
Ngoài chuyện đó ra, thế giới xung quanh như tràn đầy hanh phúc. Mọi việc đều vui vẻ, tươi sáng và ồn ào, nói một cách đơn giản là tuyệt diệu. Mở đầu màn diễn là một cô gái hát những bài hát thất tình buồn bã mà khêu gợi. Tiếp theo là một chàng trai trẻ dáng sợ sệt mặc áo đuôi tôm với đôi vai rất rộng mồm miệng liến thoắng kể về những câu chuyện khá tục tĩu như chuyện tuần trăng mật của chú hươu cao cổ và chuyện hai con cá vàng, cả hai chuyện này tôi đều đã nghe kể với nội dung hơi khác. Ôi, giá anh ta ở với lũ con gái chúng tôi trên tầng 14 vài đêm, chắc rằng hàm của anh ta đã không còn.
Rồi để kết thúc trọn vẹn một đêm, đèn trong phòng mờ đi, ban nhạc chơi bản Scheherazade, ánh đèn xanh đỏ chiếu sáng sàn nhảy, rồi ba cô gái mà tôi đã thấy tập dượt trong nhà tắm nắng của khách sạn Charleroi bước ra. Hai cô gái nhảy điệu ngoáy mông còn một cô múa tua rua. Tôi có cảm giác giống như gặp lại những người bạn cũ ở một giếng nước vùng Trung Phi. Thực ra tôi đã biết tất cả những gì họ trình diễn, chỉ khác là theo bản Scheherazade chứ không phải Bolero của Ravel và ánh đèn xanh đỏ cũng giúp gây ấn tượng mạnh hơn. Nhưng cô gái lắc tua rua vẫn làm tôi kinh ngạc. Cảnh cuối cùng thật ngoạn mục: cô bước lên trước, và ánh đèn sân khấu bắt đầu xoay tít. Trong ánh đèn xoay tròn, tua rua xoay tròn, hai bầu vú xoay tròn, cặp mông xoay tròn và ngay cả cái rốn cũng xoay tròn ấy, tôi bắt đầu cảm thấy thoát tục hơn cả khi tham thiền nhập định. Thật không thể tin được!
Tôi bảo N.B: Cô ta lắc tuyệt đấy chứ?" và anh có vẻ hơi ngạc nhiên. Anh hỏi tôi: "Em thích cái đó à?", tựa như anh không thể tin là trình độ thưởng thức văn hoá của tôi lại thấp đến vậy. Vì thế tôi giải thích cho anh hiểu cô ta hầu như đã là bạn của tôi, tôi đã nói chuyện rất lâu với cô ấy trong nhà tắm nắng như thế nào. Việc tôi nói như vậy với N.B mang lại kết quả thật bất ngờ. Khi màn biểu diễn kết thúc và ba cô gái cúi chào, anh gọi nhỏ: "Này, Ernestine" và cô gái nhìn về phía bàn chúng tôi mỉm cười. Anh chỉ tay vào chiếc ghế trống cạnh bàn và cô gái gật đầu. Ngay khi vào hậu trường lấy áo khoác xong, cô gái trở ra và đến bàn chúng tôi. Gọi là áo khoác cho có tên thế thôi, nó che được phần lưng nhưng chẳng đậy điệm gì ở phía trước, và tôi đoán chắc cô ta đã qua quen xuất hiện trước công chúng như thế này nên không để ý gì tới chuyện hai bầu vú căng tròn của cô ta đang đặt trên mặt bàn phủ vải, hai chiếc tua rua rung rung theo nhịp thở.
"Ôi, anh N.B", cô ta thốt lên vui vẻ. "Rất sung sướng gặp lại anh. Dạo này anh ăn ở thế nào?"
"À, cũng khá", anh trả lời. "Ernestine, cô còn nhớ cô Thompson bạn tôi chứ?"
Cô nhìn tôi bối rối, rồi ngửa mặt cười phá lên. "À, cô bạn, tôi nhớ ra cô rồi! Cô khỏe chứ? Ôi, cô trông mới đẹp chứ! Cả cái váy này nữa! Cô trông phải đáng cả triệu đôla. Ái chà, N.B, anh thật là người may mắn".
"Chẳng cần cô phải bảo tôi", anh nói. "Uống với chúng tôi chút Brandy chứ, Ernestine?"
"Rất vui lòng, N.B ạ"
Anh búng tay ra hiệu bồi bàn và gọi 3 xuất Brandy. Tôi phải đối, nhưng anh bảo: "Thôi nào, một ly Brandy có chết đâu mà sợ", thế là tôi đành ngồi thúc thủ trước số mệnh. Lạy Chúa, tửu lượng của tôi cũng khá đấy chứ. Tôi vẫn tỉnh như quan chánh án ấy.
N.B và Ernestine hình như đã quen biết nhau từ thuở lọt lòng. Họ nói đủ chuyện về con người và địa danh như những người quen cũ nói chuyện với nhau. Ted thế nào. Bosco ra sao. Vừa gặp Gwen. Chicago có gì mới, v...v... Tôi ngồi nhấm nháp ly Brandy, mê mẩn ngắm hai tua rua treo toòng teng trước mặt. Chắc tôi mê mẩn ra mặt nên đột nhiên nghe N.B nói cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: "Carol này, em đang mơ màng gì thế?"
Tôi không thể nói dối anh. Tôi bảo: "Mấy cái tua rua"
"Em đùa đấy chứ?"
"Trông chúng thật hấp dẫn"
"Em nghĩ vậy à?"
"Tất nhiên em nghĩ vậy thật. Trông chúng thật vô cùng hấp dẫn"
Anh bảo: "Ernestine, đưa tua rua cho cô ấy"
"Được thôi. Tôi về phòng thay quần áo..."
"Đưa luôn cho cô ấy ở đây"
"Ở đây ư?", cô ta kêu lên.
"Ừ, ở đây. Tại sao không?"
"Anh không điên đấy chứ, N.B? Anh muốn tôi bị bắt vì tội hở hang khiếm nhã sao?"
Anh rút ví, lấy ra hai tờ 20 đôla và đặt xuống bàn trước mặt cô ta. "Lấy cái này mà che này"
Cô ta cười rũ ra: "Anh đúng là kẻ phá gia chi tử, N.B ạ"
"Nào, làm ngay đi"
"Đừng giục tôi, anh bạn yêu quý. Đừng làm tôi cuống lên nào"
Tôi tròn xoe mắt nhìn, không thốt nổi một lời: cô ta cầm hai tờ bạc, đặt cẩn thận lên ngực, xoè một tay giữ cho khỏi rơi, rồi lần lượt bóc hai cái tua rua ra. Xoạt, xoạt. Cô ta cầm hai tua rua đưa cho tôi, miệng cười khúc khích: "Này cô bạn, giờ chúng là của cô".
Tôi lắp bắp: "Ôi tuyệt quá. Cám ơn"
N.B bảo: "Có cần phải khử trùng hai cái này trước khi người khác dùng không?"
"Uyt-xki", Ernestine bảo. "Chỉ cần khử trùng bằng uyt-xki thôi"
Cô ta cười to, đẩy ghế đứng dậy và đi ngay.
Chúng tôi lại ngồi trong chiếc Lincoln sang trọng và tôi hỏi: "N.B, bây giờ anh đưa em về khách sạn chứ?"
"Hãy còn sớm, em yêu. Anh nghĩ em nên ngồi bên bờ nước nghỉ ngơi một lát. Vào giờ này ở đó rất đẹp. Được chứ?"
Tại sao lại không nhỉ? "Được", tôi trả lời.
"Em hãy nhìn các vì sao kìa", anh bảo
"Vâng"
"Em có nghe mùi hoa nhài không?"
"Có"
"Vui chứ?"
"Vâng". Trừ Donna. Trừ Alma. Và trừ Duer.
"Cứ suốt ngày một mình thui thủi trong khách sạn Charleroi, rồi em sẽ phát rồ lên mất thôi"
"Em nghĩ có thể lắm"
Xe chúng tôi chạy trên đường Venetian, và đột nhiên anh rẽ phải, đi xuống con đường cong nhẵn lỳ.
Tôi nói: "Em không biết anh có thể đi theo con đường này"
"Đường này chỉ dành riêng cho những người ở đây"
"N.B, chúng ta đang đi đâu thế này?"
"Anh có một căn phòng dưới này"
"Thật ư?"
"Ngay bờ nước. Em sẽ thấy thích nó ngay"
Tôi thở dài.
Anh hỏi: "Sao em lại thở dài?"
"Đâu có. Anh không ở Charleroi à?"
"Anh ư? Không đâu. Anh chỉ muốn riêng biệt"
Tôi hiểu anh muốn nói gì khi tôi bước vào phòng anh. Tôi nhìn quanh, nín thở. Đèn trong phòng khách bật sáng, anh đứng cạnh theo dõi phản ứng của tôi, miệng thoáng nét cười. Căn phòng trần thấp, rộng khoảng 40 fut vuông - rộng mà cũng không rộng vì có rất nhiều đồ đạc được sắp xếp rất hoàn hảo. Phòng có những chiếc ghế bành, những tràng kỷ thấp có đệm, một chiếc đivăng lớn xếp đầy đệm mềm, chiếc TV rất lớn, những chiếc tủ dài thấp và ở một góc phòng là chiếc dương cầm Steinway. Chỗ nào cũng có hoa cắm rất đẹp, nhưng trên tường chỉ có một bức tranh đóng vai trò tâm điểm cho mọi vật trong phòng.
Anh hỏi tôi: "Em thích bức tranh chứ?"
"Vâng"
"Em biết ai vẽ không?"
"Picasso"
"Em tôi giỏi quá"
Anh cầm tay tôi dẫn qua phòng tới bên một cửa sổ rộng. Rèm cửa đã được kéo kín, nhưng anh ấn nút điện mở hé rèm và bảo: "Em hãy nhìn ra ngoài kia xem"
Tôi nhìn ra. Những hàng đèn chụp chiếu sáng bãi cỏ dài dốc về phía biển, phía dưới là mặt nước hắt sáng lung linh. Tôi hỏi: "Dưới đó là đại dương hả anh?"
Anh kéo rèm lại, trả lời: "Không. Đó là vịnh Biscayne"
"Như cõi bồng lai ấy, N.B ạ"
"Thật ư?"
Anh đứng sát vào tôi. Tôi cố nói một cách yếu ớt: "N.B, đừng..." nhưng anh vẫn sấn tới. Anh ôm tôi trong vòng tay anh, thầm thì: "Em có biết là anh yêu em phát điên không? Em có biết anh phát điên lên vì em không?". Tôi không chống cự lại. Bao nỗi u buồn chồng chất, nỗi tuyệt vọng, những ly rượu mà tôi uống, nỗi khích động của cả một ngày hình như làm tôi nghẹt thở, người yếu mềm như không có xương. Tôi không thể cưỡng lại anh và cũng không muốn cưỡng lại. Anh hôn khắp người tôi, không từ chỗ nào và tôi cứ để mặc anh làm điều anh muốn, bởi vì người tôi nhũn ra, và cũng còn vì anh đã tỏ ra vô cùng tử tế, vô cùng hào phóng từ khi chúng tôi gặp nhau trên đường đời. Rồi khi tôi đứng đó run rẩy trong tình yêu cuồng nhiệt của anh, cái váy không quai chết tiệt ấy lại bắt đầu tụt xuống, làm tôi không thể che đậy được tấm thân và tôi có cảm giác như quả chuối đang tụt ra khỏi vỏ của nó. Tôi bực mình nghĩ thầm: "Lạy Chúa, rồi Lord và Taylor sẽ biết tay", rồi cố giữ và kéo nó lại che mình nhưng không được. N.B dẫn tôi tới đivăng và bảo: "Em hãy cởi bỏ cái thứ giẻ rách ấy ra". Tôi nói: "Nó không phải giẻ rách" và anh vừa nói, vừa gần như xé toạc nó ra khỏi người tôi. "Carol, Carol. Anh sẽ mặc cho em như nữ hoàng, đó là cách mặc duy nhất thích hợp với em, giống như nữ hoàng, em hiểu không? Tại sao em lại cứ muốn bán mình cho cái hãng hàng không chó chết ấy, chỉ để làm một cô chiêu đãi viên hào nhoáng bề ngoài, trong khi em có thể sống như nữ hoàng chứ? Lạy Chúa, anh yêu em phát điên lên mất. Lúc nào em cũng như hiện ra bằng xương bằng thịt trước mắt anh - bằng xương bằng thịt suốt ngày đêm, suốt cả tuần em hiểu không? Lạy Chúa, anh phát điên lên vì em. Anh sẽ tặng em cả mặt trời, mặt trăng, các vì sao, bất cứ thứ gì em muốn. Em thanh khiết, lạy Chúa, em thanh khiết làm sao. Anh muốn ở bên em mãi mãi, và ánh mắt em! Ôi, lạy Chúa, anh luôn mơ tưởng đến đôi mắt bằng yên đầy vẻ yêu thương của em".
Đấy, thế là lại trở lại Thompson với đôi mắt bằng yên thuở trước. Nhưng cũng có điểm khác, bởi vì lần này tôi là kẻ mất hồn. Ngay từ đầu, tôi đã đoán đúng về người đàn ông này. Anh ta đã chọn nhầm nghề. Lẽ ra anh có thể trở thành bác sĩ giải phẫu giỏi nhất thế giới; anh có thể là nhân vật huyền thoại của đại lộ Park. Đôi tay dịu dàng của anh không hề động tới người tôi, thế nhưng anh dần dần thức tỉnh mọi tế bào thần kinh của tôi, tới toàn bộ hệ thống dây thần kinh từ lâu đã chôn sâu giấu kỹ trong người đàn bà, đã ngủ yên suốt cả cuộc đời nhưng lại có thể bừng tỉnh vào những giây phút không ngờ. Anh thì thầm nói với tôi, anh hôn tôi tới tấp và tôi hoàn toàn không còn là tôi nữa. Sự tinh tế đến mức khó tin này hầu như đã giết chết tôi - không hề động đến người tôi, thế mà nỗi khát khao trong tôi đã bừng bừng trỗi dậy; những ngón tay thon dài mềm mại chưa hề sờ tới tôi mà đã làm tôi quằn quại rên rỉ, cho tới khi có hàng ngàn tiếng kêu trong tôi đòi giải thoát. Song anh quá khôn ngoan, quá thành thạo, anh cứ tiếp tục hôn tôi, vuốt ve tôi, thầm thì với tôi, tìm cho hết những dây thần kinh còn lại, cho đến khi tôi không còn có thể chịu đựng được nữa. Tấm thân tôi từng chỗ, từng mảng phơi bày ra trước anh mà tôi không thấy thẹn thùng gì cả, chỉ thấy muốn có anh nhiều hơn, mạnh hơn, trong khi thật kỳ quặc, đầu óc tôi lại sợ anh đến mụ cả đi. Tôi gào lên: "Không! Không! Không!" cứ như tôi muốn anh buông tha, nhả tôi ra, nhưng đôi tay lại thu hết sức lực ôm chặt lấy anh vì sợ anh đi mất. Người tôi run bắn lên như sắp chết và tôi không còn có thể ôm chặt lấy anh được nữa. Rồi mọi vật quay cuồng như điên loạn. Anh cười, thở hổn hển như đang cố nói điều gì. Sau đó chúng tôi như trôi nổi vào cõi hư không của mình.
Tôi có cảm giác như nằm trên mặt biển nóng bỏng, phía trên đầu là một mặt trời màu đen, tiếng hát đang trôi nổi phía xa xa nghe não nề kinh hãi như trong cơn ác mộng. Rồi mọi cảm giác lắng dịu đi, tôi nhìn thấy những bát cắm đầy hoa gần đó, tôi thấy chiếc dương cầm Steinway dáng nghiêm nghị và tôi cứ dán mắt nhìn vào đó, hy vọng nghe thấy tiếng nhạc từ đó phát ra. Tôi thấy trần nhà màu trắng đang trố mắt nhìn tôi khi tôi ngắm nó; tôi thấy tấm thảm mượt mà trải trên sàn - toàn những vật thực mà lại là hoàn toàn không thực, chúng mang một vẻ thực mới mẻ và khác hẳn, tựa như chúng vừa mới ra đời vào giây phút này mà thôi. Và khi người tôi không còn rung lên nữa, tim tôi trở về nhịp đập mà tôi có thể chấp nhận được thì anh quay lại chỗ tôi.
Lạy Chúa! Dục tình của anh thật là vô độ. Song điều đáng sợ nhất lúc này khi anh ôm tôi là tôi cũng đang cháy bỏng thèm khát. Đầu óc tôi vẫn chống lại anh, nhưng lũ quỷ dữ trong tôi lại đòi hỏi anh, chúng thở dốc lên vì khoái cảm ngay trong cái vặn mình đầu tiên của thân thể, chúng đã muốn được tận hưởng nhiều, nhiều hơn nữa. Tôi hét lên: "Không" đến cả trăm lần, các ngón tay cào cấu lưng anh và anh cười. Anh vầy vò tôi một cách hung bạo đến nỗi tôi nghĩ anh sắp sửa xé nhỏ tôi ra. Anh thô bạo, dằn mạnh tôi không thương tiếc và tôi không thể ngăn anh lại được. Tôi vô kế khả thi, hoàn toàn tuỳ thuộc vào anh trong những giây phút khoái cảm, mê ly cực độ, và tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục mãi mãi. Song cuối cùng anh cười phá lên và lăn xuống đivăng.
Mấy phút sau anh để tôi nằm lại một mình. Tôi không nhìn thấy lúc anh đi, chỉ cảm thấy đivăng lắc nhẹ một cái. Cuối cùng tôi ngồi dậy, tay ôm đầu, tóc xoà kín mặt, tự hỏi không biết tôi thế nào và anh ra sao. Lạy Chúa, tôi nghĩ may mà tôi còn tỉnh táo. Chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi say rượu.
Năm Cô Gái Trường Bay Năm Cô Gái Trường Bay - Bernard Glemer