Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazumi Yumoto
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2727 / 109
Cập nhật: 2015-08-21 13:28:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ó vị nào ở đây là bác sĩ không ạ?"
Đang ngủ, chợt tôi nghe một giọng trầm trầm nhưng rất rõ đập vào tai. Phải mất vài giây tôi mới nhận ra đó là giọng của cô tiếp viên hàng không.
Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, vậy là bay được bốn mươi phút rồi. Có lẽ tôi đã ngủ quá say. Đêm qua, sau khi nói chuyện điện thoại với mẹ và được biết về sự ra đi của bà, tôi đã lần lượt hồi tưởng lại rất nhiều chuyện cũ, vì vậy mà không thể ngủ được.
"Có, tôi là y tá đây..."
Lên tiếng rồi tôi mới thấy hối hận. Nói là y tá nhưng tôi đã bỏ việc rồi còn gì. Lỡ tôi không còn quen việc nữa...
"Chị có thể tới đây được không? Có một hành khách đau bụng dữ dội."
Cô tiếp viên tiến lại gần từ phía lối đi, vừa nói vừa thu dọn khay đồ ăn ở lưng ghế trước mà tôi đang để mở, như không hề nhận thấy sự bối rối của tôi.
Khi đi tới hàng ghế phía trước được ngăn bằng rèm che, tôi thấy chiếc ghế rất lớn đã được ngả ra và một bé gái tầm mười lăm tuổi đang nằm trên đó. Nhìn cơ thể bé nhỏ của cô bé cuộn tròn cứng đờ trong chăn vì đau đớn, sự bối rối trong tôi tan biến đi.
Không có ai đi cùng cô bé cả, cô tiếp viên hàng không cho tôi hay. Biết tôi là y tá, vẻ mặt cô bé giãn ra một chút.
"Em sao thế, nói cho chị biết được không?"
"Tự nhiên em đau bụng quá... rồi em bị nôn."
"Em đau chỗ nào?"
Tôi cuộc chăn lại rồi hỏi, cô bé chỉ tay vào vùng bụng trên: "Ở đây ạ." Tôi tháo thắt lưng quần bò của cô bé, rồi dùng lòng bàn tay dò tìm trên làn da lấm tấm mồ hôi.
"Chỗ này phải không?"
"Vâng..."
Tôi thử ấn hơi mạnh xuống phía dưới bên phải chỗ cô bé kêu đau.
"Á..."
"Em nôn ra những gì?"
"Trong nhà vệ sinh..."
"Em thấy có máu không?"
"Em nghĩ là không. Có màu trắng."
Tôi hít một hơi thật sâu. Rồi tôi hỏi số điện thoại nhà cô bé, may sao mã vùng đó là mã vùng mà chuyến bay đen đủi này sẽ đáp tới.
"Nếu là thuốc giảm đau hay thuốc dạ dày thông thường thì chúng tôi có..." Cô tiếp viên hàng không ái ngại nói. Tôi lắc đầu.
"Có lẽ là viêm ruột thừa. Cô có thể gọi trước cho sân bay yêu cầu xe cấp cứu đợi sẵn được không?"
Đôi mắt trang điểm kỹ của cô tiếp viên hàng không nhìn thẳng vòa mắt tôi như muốn nói: tôi tin chị, mong chị cũng tin ở tôi.
"Được, tôi sẽ liên lạc ngay. Ngoài ra còn cần gì nữa không?"
"Đây là số điện thoại nhà cô bé. À, nếu có cặp nhiệt độ và cái chăn nữa, chị mang cho tôi nhé."
"Tôi hiểu rồi."
Dù đang rên rỉ vì đau đớn, cô bé vãn ngước lên nhìn tôi vẻ bất an.
"Không sao đâu em. Khoảng ba mươi phút nữa máy bay hạ cánh rồi."
Tôi ngồi xổm giữa lối đi và nắm lấy tay cô bé.
"Vậy có thể là đau ruột thừa hả chị?"
"Đúng vậy. Nhưng chưa kiểm tra cẩn thận thì chưa biết được."
"Nếu là ruột thừa thì không sao... Vì mẹ em cũng từng mổ ruột thừa rồi. Nhưng nếu còn lại sẹo thì khó chịu lắm."
"Không nhất thiết phải phẫu thuật đâu em ạ. Dù sao cũng phải đợi khám bác sĩ xong mới biết được."
Cô bé khẽ gật đầu. Tôi cứ nắm tay cô như thế và trò chuyện để cô bé ít nhiều quên đi cơn đau. Cô bé cũng hổn hển kể tôi nghe chuyện vừa đi thăm bố đang công tác xa nhà. Một mình đi thăm bố xa như thế đang lúc không phải kỳ nghỉ của trường, liệu có phải đã xảy ra chuyện gì không nhỉ? Trong đầu tôi chợt hiện lên suy nghĩ ấy trong lúc động viên cô bé.
Lần đầu tiên tôi nảy ra ý muốn trở thành y tá cũng là khi trạc tuổi cô bé này. Đó là lần tôi tới thăm bà ngoại, khi ấy bà đã không còn đi lại được nữa, thoạt gặp lần đầu tôi đã vô cùng ngưỡng mộ một cô y tá. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ dáng người mảnh dẻ trong tấm áo choàng trắng tinh của cô y tá. Trước đó, tôi hoàn toàn không thể hình dung nổi khi thành người lớn mình sẽ như thế nào, nhưng rồi, chính cô y tá ấy đã mang lại cho tôi thứ gọi là mơ ước cho tương lai. Thái độ điềm tĩnh và tận tụy, động tác chính xác, sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong lời lẽ khiêm nhường - tất thảy những điều đó, chỉ những người thực sự tự tin mới có được. Và tôi - con bé mười lăm tuổi khi ấy - không khỏi say sưa suy nghĩ về chuyện đó. Ở lớp, thành tích của tôi luôn nhất, nhì. Nhưng dù có học bao nhiêu, thậm chí tập tọe trang điểm, hay thử leo lên sau mô tô của tụi học sinh cấp III, dù có làm những việc đại loại thế bao nhiêu lần chăng nữa, tôi cũng sẽ không thể tìm được chính mình, tôi biết vậy, cho nên lần đó thực sự là một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định.
Bây giờ dù có nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng cô ấy là người sinh ra để làm y tá. Một việc nặng nhọc như trở mình cho bà ngoại đang nằm liệt giường, cô ấy cũng làm rất tận tụy và cẩn thận hơn bất cứ ai. Hễ thấy cô ấy tới phòng bệnh, bà ngoại lại nheo nheo mắt ra chiều yên lòng. Rồi bà ngoại bắt đầu kể về ngày bà còn trẻ, những chuyện mà tôi là cháu ngoại cũng chưa một lần được nghe. Bà ngoại từng là nhân viên đánh máy, một nghề vốn rất phổ biến ngày xưa.
Nhưng, tôi quyết chí trở thành y tá cũng không hẳn hoàn toàn là vì cô y tá ấy. Từ hồi đó, tôi đã muốn nhanh chóng rời nhà. Bởi nếu không rời nhà thật nhanh, tôi sẽ chết ngạt vì thứ tình cảm quá ư phức tạp tôi dành cho mẹ. Mỗi lần kể về người bố quá cố của tôi, mẹ chỉ nhắc đi nhắc lại về những kỷ niệm an toàn và tẻ nhạt, nhưng tôi cảm nhận được đâu đó trong lòng mẹ hoàn toàn khép chặt. Một người mẹ như vậy, tôi thấy ghét, ghét không chịu được. Tôi nghĩ thế rồi lại bật khóc ngay sau đó và nghĩ khác đi. Nếu là vì mẹ, tôi có thể vứt bỏ cả tính mạng của mình không sá gì. Mẹ tội nghiệp, mẹ đáng thương của tôi. Mẹ gặp những điều cay đắng, mẹ vất vả, mẹ gánh vác cả vai trò của một người cha, dù chuyện gì xảy ra mẹ cũng phải tự quyết định một mình. Thế rồi ít lâu sau, tôi lại không thể kiên nhẫn chịu đựng mẹ thêm được nữa. Khi ấy, mẹ đã mập lên nhiều do cuộc sống hoàn toàn yên ổn sau khi tái hôn. Một giọng nói ngờ vực cứ quay cuồng trong đầu tôi, "Mẹ có thực sự hạnh phúc? Hay phải chăng chỉ là mẹ đang giả vờ hạnh phúc?"
Lớn lên mình sẽ thành người thế nào, cho tới khi vào viện thăm bà, tôi vẫn chưa có chút ý tưởng gì về chuyện đó, nhưng ý nghĩ rời nhà sống độc lập đã dồn ứ và nung nấu trong tôi từ lâu, khiến nghề y tá trở thành như một sự lựa chọn phù hợp dành cho tôi. Có lẽ vì vậy mà bây giờ tôi phải gánh chịu hình phạt. Phải chăng chính vì động cơ muốn thành y tá của tôi hồi mười lăm tuổi là không trong sạch nên giờ tôi đã phải bỏ việc tại bệnh viện và chìm dần trong cơn suy sụp.
Trong loa vọng ra thông báo máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, bàn tay đẫm mồ hôi của cô bé bất ngờ nắm chặt lấy tay tôi.
"Lát nữa thôi là đến nơi rồi."
Tôi lại đặt tay lên lớp da mỏng trên bụng cô bé. Cơn đau tưởng như vừa truyền trực tiếp sang tôi, trong một khắc, tôi sững người.
Sức chịu đựng của cô bé thật lớn. Cô bé giỏi hơn tôi nghĩ, rất nhiều.
"Chị cứ để tay ở đấy nhé!"
Mắt vẫn nhắm nghiền, cô bé nói, giọng thều thào.
Phải rồi, tuy đã làm việc tận tụy hơn bất cứ ai, nhưng tôi chưa bao giờ là một y tá giỏi. Có những lúc, ngoài miệng tôi nói lời động viên những người trưởng thành hẳn hoi đang khóc lóc sợ hãi cứ như sắp mổ ruột thừa đến nơi, nhưng tận nơi đáy lòng tôi chẳng coi trọng họ chút nào. Nhưng lần này, không hiểu sao cơn đau mà cô bé phải chịu đựng lại có thể truyền sang tôi. Khi mà tôi đã quyết định sẽ không trở lại bệnh viện thêm một lần nào nữa, sao lại là lúc này.
Vừa tới sân bay, cô bé được đặt lên xe cứu thương và đưa đi, nhưng cả sau đó, cơn đau nóng rực vẫn còn lưu lại trong lòng bàn tay tôi. Đứng giữa sảnh đợi rộng thênh thang của sân bay mới hoàn thiện, trong giây lát, tôi lặng đi, vờ như đang xem bảng hướng dẫn, còn bàn tay siết chặt trong túi áo.
Mùa Thu Của Cây Dương Mùa Thu Của Cây Dương - Kazumi Yumoto Mùa Thu Của Cây Dương