Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 83
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
áng mồng Hai Tết, nhờ cái radio Sony ông Văn biết chắc Huế đã bị Cộng sản chiếm. Mọi sự đã sáng tỏ. Toán người lạ đêm trước tự tiện theo đường luồn ra chiếm sân sau nhà ông không ai khác hơn là những người thuộc phe Cộng sản.
Chỉ còn một điều lạ, là cả buổi sáng mồng Hai họ vẫn ở vườn sau, không vào nhà ông Văn hỏi han hay lục xét gì cả. Họ cũng không vào nhà núp đạn khi có nhiều loạt súng bắn qua bắn lại. Bà Văn và Nam không dám đến gần bất cứ cửa lớn cửa sổ nào, ngồi thu lu một chỗ ở hành lang y vị trí đêm trước. Ông Văn áp tai vào cái radio. Chỉ có Quế bạo dạn xuống bếp, hé cửa sổ nhìn ra mé sông, mặc cho mẹ và chị can ngăn. Quế tò mò quan sát một lúc, rồi trở lên thì thào bảo rằng bốn người đào hầm trí súng phía sau nhà đều mặc đồ lính Bắc Việt. Nam hỏi nhỏ:
- Sao mày biết?
Quế đáp:
- Em xem ảnh chụp trên báo, thấy họ ăn mặc lôi thôi và quần áo rộng thùng thình y như bốn người này. Khi hôm má và chị Nam nghe họ nói giọng Bắc phải không? Ðúng là họ!
Bà Văn đột nhiên thút thít, rồi vừa chùi nước mắt vừa kể lể:
- Ngữ ơi là Ngữ ơi! Con có mệnh hệ gì không mà không về Ngữ ơi! Vái trời phù hộ cho con qua được tai ách!
Nam nghe vậy, cũng khóc theo mẹ. Bé Thúy thấy hai người lớn khóc, ngơ ngác nhìn, rồi cũng khóc theo. Ông Văn ở trong buồng đi ra, lo sợ hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Bà Văn không trả lời được, chỉ cúi mặt xuống hai đầu gối.
Quế nói:
- Má lo cho anh Ngữ.
Ông Văn không biết làm cách nào để an ủi hay trấn an vợ con, chỉ bảo:
- Không hề gì đâu. Quá lắm nó chỉ bị bắt mà thôi. Hạ sĩ quan cấp thấp, chắc không hề gì!
Toàn gia đình sống kín cửa như vậy cả sáng mồng Hai, đến chiều thì toán bộ đội phía vườn sau rút đi, một toán du kích địa phương tới thay thế. Họ vẫn án ngữ tại cái hầm toán bộ đội đã đào. Nhưng vừa bố trí súng ống đâu đó xong, hai người đã tới gõ cửa sau bảo chủ nhà mở cửa.
Quế làm việc đó. Hai du kích lăm lăm khẩu AK bước lên căn phòng trên, hỏi trong nhà có tất cả bao nhiêu người. Ông Văn đáp nhanh:
- Chỉ có năm người. Nhà tôi, đây là hai con gái của tôi, và đứa cháu ngoại
Một du kích nói giọng Huế miền quê gặng hỏi Nam:
- Chồng chị đâu?
Quế nhanh nhẩu đáp:
- Ấy cha cháu bé cũng “nhảy núi” như các anh đấy. Các anh có biết…
Nam cắt lời em:
- Không. Cha cháu mất rồi!
Khiến cho hai du kích đưa mắt nhìn nhau, rõ ràng họ ngờ vực cả Nam lẫn Quế. Người du kích mặc áo sơ mi xanh đậm bỏ ngoài quần dài nâu lườm lườm nhìn Nam, hỏi dằn từng tiếng:
- Chồng chị trốn ở đâu bảo ra trình diện đi?
Quế nổi nóng:
- Chồng chị tôi là anh Tường, các ông biết không?
Người du kích lớn tuổi hỏi:
- Tường nào?
- Anh Tường dạy Quốc Học chứ Tường nào!
Hai người du kích không hề thay đổi sắc mặt lúc nghe Quế nói. Họ không hề biết gì về Tường. Cả nhà ông Văn thấy rõ điều đó, nên lúng túng không biết phải xử trí ra sao. Cả gia đình ông Văn càng lúng túng, hai du kích càng nghi ngờ. Họ chần chừ, nửa muốn xông vào tìm kẻ trốn nấp, nửa sợ nguy hiểm. Cuối cùng, người du kích trẻ tuổi hơn nói:
- Thôi cứ chờ anh em địa phương tới kiểm tra.
Người lớn tuổi hơn cũng muốn rút lui, nhưng sợ mất mặt, đứng lại nhìn khắp mọi người, nói lớn:
- Cách mạng đã giải phóng cả tỉnh Thừa thiên và Huế rồi. Ai ngoan cố chống lại sẽ bị nghiêm trị.
Rồi ông ta quay về phía Nam, bảo:
- Nói với chồng chị nên biết điều để được nhân dân khoan hồng. Tôi nói ít, chị hiểu nhiều!
Nói xong, cả hai rút ra vườn sau.
Nam vội vàng chạy xuống đóng sập cửa nhà bếp lại, rồi trở lên ôm chặt lấy con, mặt xanh mét. Con Thúy ngộp thở vùng vẫy khóc ré, bà Văn phải chạy đến gỡ ra. Bà mắng Nam:
- Mày nổi điên rồi hả? Đưa cháu đây!
Nam để mặc cho mẹ dỗ cháu, ngồi thừ nhìn lên trần nhà như người mất hồn. Quế bỏ xuống bếp, lục đục làm gì dưới đó một lúc, rồi bà Văn nghe tiếng cánh cửa sau xịch mở. Bà lắng tai chờ cái giọng hạnh họe của tên du kích lúc nãy, nhưng chờ mãi không nghe thấy gì. Mười phút, rồi mười lăm phút. Có tiếng nói cười từ bờ sông vẳng vào tới trong nhà. Rồi tiếng cửa sau đóng. Quế trở lên, mặt mày tươi tỉnh điềm nhiên. Bà Văn vội hỏi:
- Con đi đâu vậy?
Quế cười, đáp:
- Xong rồi má! Mình mở cửa sổ ra cho thoáng. Và lo dọn ăn đi. Con đem ra cho chúng nó cái bánh chưng với mấy trái quít, nói nịnh vài câu, là xong hết!
Bà Văn không tin. Nhưng rồi bà phải tin, khi lần lượt hết người du kích này đến người khác vào nhà khi xin một bi đông nước trà, khi mượn cái hộp quẹt. Họ tin lời Quế, không còn ngờ Nam giấu ông chồng “lính ngụy” trong nhà nữa, mặc dù cái áo treillis của Ngữ móc ở cửa buồng tắm nằm ngay trong tầm mắt họ. Quế đã nhanh miệng giải thích rằng ông Văn yếu phổi, xin cái treillis về để mặc thêm cho qua mùa đông.
Suốt ngày mồng Hai và mồng Ba, toán du kích vẫn gác ở phía sau, và trở nên thân mật gần gũi hơn với gia đình ông Văn. Ông Văn để mặc cho vợ và các con tiếp đãi họ, còn ông thì khép cửa phòng áp tai vào cái radio. Càng theo dõi tin tức qua các đài BBC, VOA, Úc, Nhật, ông càng hớn hở. Trên đài VOA, Thiếu tướng LaHue tuyên bố với phóng viên UPI rằng “Dứt khoát là chúng ta hiện đang kiểm soát khu hữu ngạn của thành phố Huế. Tôi không nghĩ là quân Cộng sản Bắc Việt và Việt cộng có thể cầm cự được. Tôi biết họ không có khả năng cầm cự. Họ không được tiếp tế, và khi họ đã dùng hết đạn dược lương thực mang theo, chắc chắn họ phải bị tiêu diệt”.
Các bản thông tin do cơ quan MACV Trung ương tại Sài gòn phát ra cũng nói rằng bọn Cộng sản hiện đang bị bao vây và truy lùng. Một toán cố vấn tại Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 tại Ðà nẵng nói rằng liên quân Việt Mỹ đang đẩy lui Việt cộng ra khỏi thành phố Huế vào sáng hôm nay, mồng Ba Tết. Cả tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa cũng tuyên bố rằng địch đã bị đánh bại, trừ một số ít ỏi tàn quân cỡ một trung đội hiện còn bám lấy khu Thành nội. Niềm lạc quan khiến ông Văn bạo dạn hơn lên. Ông đi lại tự nhiên như không có việc gì xảy ra, từ phòng trong ra ngồi cắn hột dưa với mấy người du kích hoặc đùa nghịch với cháu Thúy. Một đôi khi, ông còn dám đi xa, hỏi thăm gia cảnh của những du kích ông tiếp chuyện, hoặc khuyên họ nên cẩn thận giữa hòn tên mũi đạn. Ông coi tất cả mọi chuyện chỉ là tạm thời, không có gì đáng lo. Cho nên khi những thanh niên đeo băng đỏ dùng micro-pin đi loan báo tất cả mọi người phải đem nộp radio cho chính quyền cách mạng, ông mỉm cười nói nhỏ với vợ:
- Họ khốn đốn tới nơi rồi. Ở đây là đất linh, vào thì dễ mà ra thì khó, như cái bẫy chuột. Họ sợ dân nghe tin tức bất lợi, mình thấy không? Ông không đem nộp cái radio Sony, chỉ cẩn thận giấu dưới gối và nằm áp tai lên nghe tin tức.
Tối hôm mồng Ba, ông đang nghe tin tức đài VOA thì có nhiều tiếng chân bước trước cửa và sau sân. Nhà ông đã bị nhiều thanh niên cầm súng bao vây. Những người láng giềng nhà ông đều đem radio đi nộp, và khi thấy cả xóm chỉ thiếu gia đình ông Văn, họ xì xào. Họ thấy họ dại dột nhát gan, quá vâng lời chính quyền mới nên bị mất cái radio lãng xẹt. Rồi họ ganh với cái khôn ngoan của gia đình ông Văn. Cái khôn ngoan đáng ghét. Tại sao thời nào gia đình ấy cũng chơi trội hơn họ thế này? Họ làm lương ba cọc ba đồng thu vén lắm mới sống đủ trọn tháng, còn gia đình ông Văn thì sống sung túc. Thời Phật giáo tranh đấu gia đình ấy cũng nổi. Rồi phong trào tranh đấu bị xẹp, tưởng tai họa đến, rồi họ vẫn cứ yên ổn, đồng ra đồng vào đều đều. Càng nghĩ, những người hàng xóm càng thấy giận. Tiếng xì xào ngày một lan rộng ở trụ sở tạm của toán du kích địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát khu Gia hội. Một chị nạ dòng làm bộ ngây thơ hỏi:
- Thưa các anh, những “gia đình cách mạng” có phải đem nộp radio không ạ?
Người du kích đáp:
- Tất cả mọi gia đình đều phải đem nộp “đài” cho chính quyền cách mạng, không phân biệt gia đình nào… à này, chị vừa nói gia đình nào là gia đình cách mạng?
Chị đàn bà ỡm ờ đáp:
- Tôi chỉ hỏi cho biết vậy thôi, lỡ có người sợ mất radio rồi bảo là gia đình cách mạng được phép giữ.
Người du kích nổi giận:
- Chị ăn nói cho nghiêm túc nhé! Cách mạng không lấy của dân bất cứ thứ gì, dù là cây kim sợi chỉ cũng vậy. Phải thu “đài” lại vì hiện nay Mỹ ngụy đang cố dùng đài nước ngoài để lừa bịp đồng bào. Ai xưng là gia đình cách mạng không chịu nộp đài, cách mạng sẽ nghiêm trị. Vì nếu là gia đình cách mạng thật, thì bị nghiêm trị vì không làm gương cho quần chúng nhân dân. Còn nếu giả danh gia đình cách mạng, thì đúng là bọn ác ôn cố tình chống lại chính sách chủ trương của cách mạng. Bà con cô bác thấy ai không chịu nộp “đài”, cứ mạnh dạn tố cáo để Cách mạng giáo dục những phần tử xấu này.
Không ai lên tiếng tố cáo ai cả. Những người xách radio đi nộp lần lượt tản ra về. Nhưng trong câu chuyện bàn cãi sôi nổi dọc đường, họ không còn giữ gìn ý tứ nữa. Thế là nhà ông Văn bị bao vây, lục soát vào đêm mồng Ba, đúng lúc Ngô và Tường được chở bằng Honda đến đó.
Từ lúc qua khỏi nhà ông Văn, cả Tường lẫn Ngô đều im lặng. Phố hoàn toàn vắng vẻ. Lâu lâu, những toán thanh niên hai ba người cầm súng đi tuần, và những người này cũng lặng lẽ di chuyển như những bóng ma. Tiếng xe Honda nổ hơi lớn, lâu lâu hơi nghẹn hình như do cái bơm xăng xấu hoặc xăng không được nguyên chất.
Xe dừng lại trước một căn phố lầu cửa dưới làm bằng nhiều tấm gỗ ghép lại, mỗi lần mở thì gỡ từng tấm theo thứ tự như lối xưa. Người lái xe Honda chờ cho Tường và Ngô xuống xe, mới quay hỏi Tường:
- Chừng nào đồng chí trở lên cơ quan?
Tường ngẫm nghĩ, rồi hỏi lại:
- Nửa giờ nữa được không?
- Chắc không kịp. Phải đưa mấy tấm biểu ngữ này, rồi tôi còn phải liên hệ với đồng chí bảy Thà chuyện gạo…
Tường nói:
- Thôi được. Nếu tiện, anh quay lại chỗ tôi. Còn không, tôi sẽ tự lo lấy. Chắc dưới này anh em cũng có xe.
Chiếc Honda chạy vụt đi, biến mất trong đêm đen, sau khi đến một ngã ba. Tường gõ cửa một lúc lâu, bên trong nhà mới có tiếng chân bước. Tấm ván cửa có kẻ số 1 bằng sơn trắng động đậy, rồi được nhấc lên khỏi khung. Một khuôn mặt đàn bà lộ ra ở khoảng cửa hẹp. Và một giọng hỏi e dè:
- Ai đó?
Tường tiến tới gần nói thì thầm gì đó Ngô nghe không rõ. Cánh cửa gỗ khép lại. Ðộ 5 phút sau, cửa lại mở, lần này một người đàn ông đón tiếp Tường. Ngô và Tường được dẫn lên một cầu thang bằng gỗ bắc lộ thiên để lên lầu.
Khác với vẻ âm u của nhà dưới, trên căn lầu ván, đèn đuốc sáng trưng. Ðiện đã tắt từ hai hôm nay, nhưng một ngọn đèn măng-sông để bàn chiếu ánh sáng trắng ra khắp phòng.
Trong phòng, quanh mặt bàn phọt-mi-ca hình chữ nhật, ba người đang ngồi hí hoáy ghi chép. Súng ống, xắc vải, quần áo vất bừa bãi trên sàn gỗ, vì ngoài cái bàn và bốn cái ghế gỗ thấp, căn lầu không có đồ đạc gì khác. Tấm chiếu cũ trải ở góc phòng áp với vách trước, trên đó hai người nữa đang nằm xoay lưng với ánh đèn để ngủ.
Tường giới thiệu Ngô với người vừa dẫn họ lên lầu. Qua cách thưa gửi cung kính, một điều “báo cáo anh Năm”, hai điều “báo cáo anh Năm”, Ngô đoán người đàn ông da ngâm đen, mặt xương xương trạc trên 50 này giữ chức vụ lớn lắm. Ngô nghe hai tiếng ”báo cáo” Tường nhắc đi nhắc lại hoài trong câu chuyện thật là lạ tai. Kỳ cục nữa! Vì nếu theo nghĩa Ngô hiểu, thì Tường dùng hai tiếng đó không đúng, trong khi Tường đã từng đi dạy.
Anh Năm để yên cho hai người cán bộ kia tiếp tục làm việc, kéo Tường và Ngô đến ngồi bệt xuống sàn ván nói chuyện. Trước khi “làm việc”, ông ta còn xuống lầu mang lên khay nước trà, và một bao thuốc lá Ruby.
Nhân cơ hội chỉ còn hai anh em, Tường nói nhỏ với Ngô:
- Mày sẽ công tác với anh Năm. Anh ấy khó, nhưng vì xuất thân trí thức tiểu tư sản, nên dễ thông cảm với những trí thức thành thị vừa giác ngộ cách mạng lắm. Tao lên Khu, may mắn được công tác với anh ấy một thời gian.
Anh Năm đem nước và thuốc lá lên xong, ngồi xếp bằng trước mặt Ngô và Tường, cười thân thiện. Ông hỏi Ngô:
- Bị chúng giam từ hồi 66 đến giờ, chắc là gian khổ lắm nhỉ?
Ngô không biết trả lời sao, chỉ gật đầu. Một phần vì chàng e ngại, một phần vì chàng nghe giọng lơ lớ nửa Huế nửa Bắc của ông ta, phân vân không hiểu “anh Năm” người miền nào. Anh Năm nói tiếp:
- Tôi nghe đồng chí Tư Vịnh nói anh là họa sĩ. Tiếc quá! Trong chiến dịch tổng tấn công này cũng có nhiều họa sĩ “đi thực tế” với anh em bộ đội, nhưng họ ở chỗ khác.
Rồi ông ta hỏi đột ngột:
- Hai anh đã ăn uống gì chưa?
Tường đáp thay Ngô:
- Rồi ạ!
- Ðồng chí Tư Vịnh có về lại trên ấy ngay đêm nay không?
Tường đáp:
- Chốc nữa giao liên trở lại kịp, thì tôi về luôn.
Anh Nam suy nghĩ một lát, rồi bảo Tường:
- Hay thế này: Cả ba chúng tôi sắp đi họp với ban an ninh khu này để hướng dẫn cách làm việc cho họ, nên tôi không có thì giờ trình bày cặn kẽ công tác cho anh Ngô. Hơn nữa, bạn bè lâu ngày không gặp, chắc có nhiều chuyện để hỏi han. Tối nay, đồng chí Tư Vịnh ngủ lại đây đi. Vừa để hàn huyên tâm sự với bạn cũ, vừa thay mặt Cách mạng giải đáp đã thông những vướng mắc tư tưởng cho anh Ngô nếu có. Nhất trí nhé!
Tường đáp:
- Vâng. Tùy anh Năm!
Anh Năm quay về phía Ngô, nói:
- Ðáng lẽ tôi có thể đưa anh đi làm việc với chúng tôi đêm nay, cho quen lề lối công tác. Nhưng thôi, để anh nghỉ ngơi đã. Mai hãy hay. Đại khái công việc chính là chúng tôi, những người có kinh nghiệm nghiệp vụ phối hợp công tác với anh em địa phương để thanh lọc cho được những phần tử xấu, những tên phản động ác ôn hoặc bị ta giải phóng Huế bất ngờ không trốn chạy kịp, hoặc có thể chạy kịp nhưng đã cố ý ở lại các khu được giải phóng để lấy tin tức, để phá hoại. Một số đã bị nhân dân phát hiện. Nhưng muốn cho khỏi sai sót, chúng ta cũng cần phải xem xét kỹ, đề phòng có trường hợp oan uổng.
Cái cầu thang gỗ rung rinh làm rung rinh lây cả sàn ván. Nhiều người đang lên lầu. Tiếng nói chuyện xì xào chen lẫn tiếng vũ khí va chạm. Anh Năm rót nước ra cái ly đưa mời Ngô. Ngô khát nước từ lâu nhưng ngại không dám tự tiện rót nước uống, nên đưa tay nhận ly nước trà nguội. Ba người du kích mặc thường phục đi dép Nhật đã lên khỏi cầu thang. Anh Năm đứng dậy, ra chỗ cửa chờ họ. Một người nói giọng Huế hỏi:
- Ði chưa anh Năm?
- Ði chứ! Chuẩn bị xong xuôi chưa?
- Xong cả rồi anh Năm!
- Sao đến trễ vậy?
- Tại anh em trên Gia hội mới đưa thêm một số, tụi em phải lập hồ sơ cho xong mới xuống đây đón anh Năm được.
- Nhiều không?
- Chỉ mười một người. Bắt làm tờ khai xong chỉ giữ lại bảy, còn ba chị phụ nữ với ông già thầy giáo thì tạm cho về, mai phải xuống trình diện trở lại. Trường hợp ông già hơi rắc rối, tụi em đã định giữ lại, nhưng không có chỗ. Theo ý anh Năm…
Ngô nghe anh Năm cắt lời người cán bộ an ninh:
- Thôi, để giải quyết sau. Anh em cứ xuống dưới lầu chờ một chút, ba chúng tôi xuống ngay.
Anh Năm quay trở lại, bảo hai cán bộ từ nãy đến giờ vẫn chăm chỉ làm việc.
- Chúng ta đi thôi. Ðồng chí Tư Vịnh với anh Ngô ở lại đây nhé!
Hai cán bộ xếp giấy tờ bỏ vào túi vải, rồi đi lấy súng. Anh Năm cũng đã chuẩn bị xong phần mình để xuống lầu. Từ trước tới lúc chia tay, ông vẫn giữ vẻ mặt hòa nhã, thân thiện với Ngô. Nhưng hai cán bộ đi theo ông thì khuôn mặt họ nghiêm, lạnh, cố giữ một khoảng cách nào đó với cả Tường lẫn Ngô. Ðể đáp lại cái gật đầu chào của Ngô, hai người chỉ gật nhẹ chào lại, không nói năng gì.
Chờ cho đám người đi khỏi nhà khá xa, Ngô mới liếc về phía hai người đang ngủ, do dự một lúc, rồi xích lại gần Tường nói thầm:
- Thầy bị rồi!
Tường ậm ừ trong cổ họng, e ngại xác nhận mà cũng e ngại phủ nhận. Ngô đột ngột nổi giận, nói hơi lớn:
- Ðáng lý mày phải chạy ra can thiệp cho thầy liền lúc này. Tại sao mày không làm?
Tường liếc nhanh về phía hai người đang ngủ, rồi bảo nhỏ Ngô:
- Tụi mình ra ngoài nói chuyện cho mát.
Ngô không nói gì, đứng dậy đi trước ra phía cầu thang lộ thiên. Tường ra sau, vỗ vai Ngô bảo:
- Mày đừng quá lo. Chắc gì là thầy?
- Không thầy thì ai nữa? Lúc mình đi qua, họ bao vây nhà thầy, mày không thấy sao?
Tường vẫn cố cãi:
- Chắc chỉ là chuyện lầm lẫn, hoặc có kẻ ganh ghét sao đó, “phản ảnh” sai lạc. Từ từ rồi giải quyết, mày đừng có nóng.
- Không nóng sao được! Hoàn cảnh đầu tên mũi đạn này, mạng người như con kiến. Hôm qua, tao trực tiếp chứng kiến cụ Sáng cùng ở tù với tao bị bắn chết!
Tường im lặng, đứng nhìn ra bóng đêm, tay phải đập nhẹ lên thành vịn cầu thang gỗ như gõ nhịp đều cho lương tâm yên ngủ. Bên kia là xóm Cồn, dải đất thoi loi giữa hai nhánh sông, và xa hơn nữa là Vỹ Dạ. Tiếng súng nhỏ lâu lâu nổ lác đác, giữ nhịp cho những đợt trọng pháo từ xa bắn tới một nơi nào đó chắc là cũng xa lắm, vì tiếng nổ chạm đích nghe như tiếng pháo cối mà thôi. Ngô chờ đợi Tường nói điều gì. Nhưng chờ lâu quá, không chịu đựng được nữa, Ngô bảo bạn:
- Nếu biết mày thay đổi thế này, tao đã…
Hình như lời Ngô chạm đến chỗ nhạy cảm nhất của Tường, nên Tường quay ngoắt lại, cắt lời Ngô:
- Tao không hề thay đổi! Tao chỉ lo cho mày. Nói làm sao để mày hiểu bây giờ! Thôi được. Ðể tao kể chuyện tao cho mày nghe. Kể những gì tao gặp, những gì tao cảm thấy vào những ngày đầu tiên vào Khu. Mày biết rồi, chính Tần móc nối với tao từ hồi tao bị thương ở Đà nẵng. Hồi đó tao thấy chưa cần. Việc ai nấy làm, họ có con đường của họ, mình có con đường của mình. Nhưng dần dà rồi mọi việc càng tới chỗ bế tắc. Tao phải đi thôi. Mày mà còn bị như vậy, giả sử tao ở lại, còn thế nào nữa!
Thấy Ngô đứng im nhìn mông lung phía trước không tỏ phản ứng gì, Tường nhột nhạt, hỏi bạn:
- Mày có muốn nghe tao kể không?
Ngô đáp cộc lốc:
- Tùy mày!
- Tự nhiên mày giận tao! Sao vậy?
Ngô quay lại nhìn Tường, giọng hơi đanh lại như người tra vấn kẻ có lỗi:
- Mày hãy tự hỏi mày. Tao hỏi thật: Tại sao mày tránh không muốn gặp Nam? Qua cách mày nói chuyện với các cán bộ ở đây, tao biết mày từng xuống đây nhiều lần. Chẳng lẽ cấp trên cấm mày gặp lại vợ con.
Tường im lặng không nói gì. Ngô được trớn, hỏi tiếp:
- Hay mày đã đổi khác mà không dám nhận?
Một lần nữa, Tường nổi cáu:
- Tao không hề thay đổi! Có điều tao biết cách sống sao cho hợp vói hoàn cảnh hơn trước, biết vị trí của mình hơn trước.
Ðến lượt Ngô tò mò vì những điều khó hiểu Tường vừa thốt ra. Ngô hỏi:
- Mày nói cái gì vậy?
- Tao không trả lời gọn được. Chuyện này dài dòng, sau này mày lên Khu sẽ tự tìm hiểu lấy. Mày nhớ không, hồi trước thầy Văn vẫn ưa dùng câu “mỗi lớp người rồi cũng phải qua cầu” khi giảng bài. Rồi mày cũng sẽ ”qua cầu” như tao. Nhưng giữa bạn bè với nhau, tao mong mày không gặp nhiều rắc rối. Nếu mày nghe lời tao!
Ngô mỉa mai:
- Khỏi cần nghe, chỉ cần nhìn mày, tao cũng học được khối điều!
Tường làm ngơ như không nhận ra giọng mỉa mai của Ngô, chỉ kể với giọng đều đều:
- Hồi đó tao vừa lên là được sinh hoạt ngay với Ban Tuyên huấn. Anh Năm lúc này hồi 66 là bí thư chi bộ của Ban Tuyên huấn. Tao ở cùng láng với anh ấy. Lên được một tuần, tao được dự một khóa học tập chính trị về chính sách chủ trương của Ðảng đối với trí thức văn nghệ sĩ thành thị miền Nam. Cuộc học tập qui tụ chừng 15 người phần lớn có trình độ đại học, vài người từng du học ở Pháp hoặc Mỹ về. Sau khi học tập về chủ nghĩa thực dân mới trong văn hóa giáo dục miền Nam, đến lượt mỗi người thuật lại con đường đã đưa họ tới với Cách mạng. Nói theo cách trong Khu, không biết mày hiểu được không là “con đường giác ngộ giai cấp”, ý nói những người trí thức bị đầu độc vì hệ tư tưởng của giai cấp bóc lột đã kinh qua con đường khổ ải nào để hấp thụ được tư tưởng tiến bộ của giai cấp công nhân. Tao nhớ tối hôm đó, mọi người ngồi quây quần quanh đống lửa, và bầu trời tối đen. Lửa nhen không nhiều củi lắm nên chỉ đủ sáng để thấy lờ mờ khuôn mặt nhau. Không khí hết sức ấm cúng, thân tình, và thiêng liêng. Anh Năm hưóng dẫn cuộc thảo luận, bảo rằng đây là lúc mọi cửa lòng mở ra cho ánh sáng cách mạng ùa vào, xua tan những bóng tối cũ. Sau đêm nay, tâm hồn mỗi người sẽ trong suốt như thủy tinh để dâng trọn cuộc đời cho Cách mạng, do đó mỗi người hãy hết sức thành khẩn để bộc bạch tất cả lòng mình. Tao nô nức chờ đợi những lời tâm sự chân thành nhất của những người cùng trải qua con đường tao đã trải qua. Nhưng rồi mày đoán thử tao đã nghe những người phát biểu trước tao nói những gì?
Ngô dịu giọng nói:
- Làm sao tao biết được!
Tường liếc nhìn vào bên trong căn lầu, rồi hạ thấp giọng xuống:
- Toàn những bài bản đã có sẵn trong tài liệu học tập! Tao chờ đợi anh Năm tỏ dấu thất vọng, hay khó chịu. Nhưng không! Anh ấy khen là đã thấu triệt âm mưu của địch, phân biệt rõ đâu là bản chất đâu là hiện tượng. Cho nên đến lượt tao, tao cũng nói y như vậy. Khi được đưa ra thăm Hà Nội, nói chuyện với anh em văn nghệ hoặc cán bộ nghiên cứu văn hóa, tao cũng nhắc lại y những điều đã nói ở Khu. Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bài nói chuyện của tao có được ghi âm để phát thanh trên đài Tiếng Nói Việt Nam. Mày có nghe được không?
Ngô ngỡ ngàng nhìn bạn, không nói gì, như đang mơ. Một lúc lâu, thấy Tường nhìn mình như chờ đợi điều gì, Ngô giật mình hỏi:
- Mày vừa hỏi gì vậy?
- Mày có nghe tao nói chuyện trên đài Hà nội không?
- Không. Tao ở tù, làm sao nghe được! Bài học lớn mày muốn truyền cho tao đấy, phải không?
- Tùy mày hiểu sao cũng được!
Ngô không hỏi gì nữa. Không muốn hỏi gì nữa. Tường nói nhỏ, như muốn tự biện hộ:
- Rồi dần đần cũng quen đi. Hồi đó tao cũng khổ sở như mày.
Đêm đó, hai người bạn nằm ngủ cạnh nhau, nhưng không nói thêm với nhau điều gì. Ngô nằm thật yên để Tường tưởng mình đã ngủ để khỏi bắt chuyện. Tường cũng giả vờ ngủ để Ngô khỏi hỏi lôi thôi về những điều tế nhị khó nói. Giả vờ ngủ mãi, cuối cùng họ ngủ thật. Nhưng Tường dậy sớm hơn. Ngô thức dậy, đã thấy Tường ra đi từ lúc nào!
Sáng mồng Bốn. Tường dậy sớm vì có chiếc trực thăng bay quần mãi trên chu vi bao gồm một vùng rộng gồm khu Đại học Sư phạm, Đập Ðá, Thế lại Thượng, Cồn Hến, Gia hội và phố Huế. Trực thăng đảo qua đảo lại quan sát tình hình không phải là điều lạ suốt mấy ngày nay. Hôm mồng Bốn, điểm lạ khiến Tường hơi lo âu, là từ trực thăng, phát xuống lời kêu gọi được thâu băng khuyên đồng bào nên tìm cách chạy khỏi vùng bị Cộng sản chiếm và về tạm trú tại khu Đại học Sư phạm.
Điều đó có nghĩa là những lực lượng Cộng sản kiểm soát khu vực từ Đập Ðá lên Morin đã bị đẩy lui; và đường liên lạc giữa hữu tả ngạn qua cầu Nguyễn Hoàng (cầu Trường tiền) không còn an toàn nữa.
Tường tìm cách về lại đơn vị ở Thành nội. Tường mượn chiếc xe đạp để tự lo lấy việc di chuyển, khỏi cần nhờ đến giao liên như đêm trước. Trước khi đạp xe qua cửa nhà ông Văn, Tường đã tự dặn mình là không nên vào thăm thầy và mẹ con Nam. Vào là phải chịu đựng những câu hỏi hóc búa, những lối trách móc, những giọt nước mắt. Phải ở lại đó khá lâu, có thể là suốt buổi sáng. Tình hình biến chuyển đến đâu, Tường không được rõ. Ngay khu vực Thành nội, quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn cố thủ được ở Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 tại Mang Cá, nên chắc chắn từ đó sẽ có những cuộc phản công chiếm lại những vùng đã mất. Ở lại một buổi tại nhà Nam có thể là bị ly cách vĩnh viễn với lực lượng Tường gắn bó bao lâu nay. Tường nghĩ tốt hơn hết là không nên mềm lòng ghé lại thăm gia đình thầy, thăm mẹ con Nam.
Tuy tự dặn như vậy, nhưng đến trước nhà Nam, hai tay Tường vẫn tự ý phanh chiếc xe đạp cũ lại. Cửa nhà đóng kín, khác với những cánh cửa mở lớn hoặc mở hé ở lân cận. Tường ngần ngừ, rồi quyết định cứ vào thăm lại cảnh cũ. Không vào, Tường biết là không còn đủ can đảm để nhìn mặt
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động