To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 83
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ả đêm mồng Một Tết, gia đình ông Văn bồn chồn lo âu nên trừ bé Thúy, không ai ngủ được. Chính bà Văn đồng ý để cho Ngữ đi trình diện, bây giờ bà lại đổ lỗi cho chồng, trách ông không biết tùy thời mà ứng biến, trách ông đã bảo Ngữ đi để bây giờ không được về. Tin tức chi tiết về vụ tấn công của Việt cộng ở các nơi khác được nhiều đài phát thanh loan báo càng khiến cho bà lo lắng hơn. Lũ trẻ con ngoài đường lâu lâu đốt một cái pháo, xa xa lâu lâu một loạt súng nổ. Đêm vẫn ngập sương, khiến ánh sáng điện đường thêm lù mù. Mặc dù ông Văn nhiều lần nhắc vợ rằng ở các đồn bót, người lính xa nhà xưa nay vẫn dùng súng đạn thay cho pháo mừng xuân, nhưng bà Văn không yên tâm chút nào. Bà bảo chiến tranh đã tới gần, và nếu con trai bà có mệnh hệ nào, thì chính ông Văn đã giết con chứ không ai khác.
Ông Văn tức quá, la lớn:
- Có gì đâu mà mình làm om sòm lên vậy! Mới mồng Một Tết đã thế này…
Bà Văn nhớ lại ngày hôm nay là ngày đầu năm Mậu Thân, phải kiêng cữ để tránh rủi ro bất hòa suốt năm, nên thôi không cằn nhằn chồng nữa. Quế và Nam thấy không khí gia đình căng quá, rủ nhau xuống ngồi ở bàn ăn dưới bếp cắn hột dưa nói chuyện.
Nam thấy môi Quế đỏ choét, tò mò hỏi em:
- Mày tô son hay tại cắn hột dưa nhiều vậy?
Quê lơ là lật nhanh tập báo xuân, đáp:
- Tô son đó!
Rồi Quế lên giọng khuyên Nam:
- Chị cũng nên “xem lại” nhan sắc một chút. Cẩu thả quá, ai cũng nói chị như bà già!
Nam bị chạm tự ái, cau mày nói:
- Mày tưởng son phấn cho nhiều vào là đẹp hay sao?
- Không đẹp nhưng còn đỡ hơn xơ xác như bà nhà quê!
Nam cáu:
- Mày “tỉnh” dữ! Trông như… như…
Nam không nỡ nói hết câu, nhưng Quế hiểu chị muốn nói gì. Quế trừng mắt nhìn Nam, xẵng giọng hỏi:
- Chị nói như cái gì? Như con đĩ phải không?
- Ừ, tao nói vậy đó, được không? Tao chưa nói, thiên hạ đã nói trước rồi!
- Thiên hạ là ai? Con nào nói? Chị cho tôi biết con nào nói tôi vả cho gãy răng nó ra!
Bà Văn từ phòng trước hỏi xuống:
- Làm gì mới mồng Một đã cãi nhau ỏm tỏi dưới đó vậy?
Hai chị em im lặng, nhưng vẫn nhìn nhau giận dữ. Quế trầm giọng xuống, nhưng hai hàm răng nghiến lại khi bảo Nam:
- Tôi cho chị biết: Nếu con này không chịu cực chịu khổ chịu nhục chịu nhã thì cả nhà này đã đói nhăn răng ba đời tám hoánh rồi. Chị đừng ngồi đó làm cao dạy đời.
Nam uất quá, nhưng không cãi lại được, úp mặt xuống bàn khóc. Quế hơi hối hận, nhưng giấu mặt sau tập báo mở rộng, nhất định không muốn cho chị thấy mình nhượng bộ. Tấm hình nữ ca sĩ Minh Hiếu ở bìa tờ báo xuân run run. Chữ nghĩa múa may nhạt nhòe trước mắt Quế. Quế bắt đầu thấy mắt mình cay cay, tủi thân. Nàng nhớ lại những đêm ngồi ở quầy thu tiền trong quán rượu ngập ngụa khói thuốc lá và nồng nặc hơi rượu, nhớ lại những lúc “nguy hiểm” phải đi dây giữa sự cương quyết thủ thế và sự mơn trớn mời gọi để khỏi mất khách, nhớ lại những câu chửi thề thô tục tiếp theo sau những lời đề nghị lộ liễu, nhớ lại những giọt nước mắt nhỏ xuống xấp phiếu “Sàigòn tea” dày cộm thu được mỗi đêm cuối tuần… Quế bắt đầu thút thít khóc.
Nam lau nước mắt, ngỡ ngàng ngước lên nhìn em. Tập báo xuân còn run rẩy trên tay Quế. Nam hối hận đã nặng lời với em, nhưng những lời Quế thốt ra chạm đến điểm nhạy cảm mong manh nhất của tâm hồn Nam. Nàng không thể hạ mình nói bất cứ lời hòa giải nào với em trong lúc này. Nam đứng dậy, bỏ vào buồng với con. Quế cũng tắt đèn nhà bếp đi ngủ. Nhưng cả hai vợ chồng ông Văn lẫn hai cô con gái đều trăn trở không ai ngủ được. Ngày đầu tiên của năm mới buồn hiu, trĩu nặng.
Nam nằm trằn trọc bên đứa con, lắng nghe tiếng đồng hồ Odo tích tắc đều đặn ghi bước thời gian. Con Thúy nằm nghiêng, ôm chặt lấy chiếc gối ôm. Qua lớp chăn me đắp lên đến cổ, tấm thân nhỏ nhắn của đứa bé phập phồng vô tư theo hơi thở. Nam kê mũi vào mái tóc thưa và mịn của con, say sưa hít lấy mùi thơm pha lẫn hương phấn trẻ em Johnson, mùi mồ hôi và mùi sữa chua. Nam cảm thấy lòng bớt ray rứt mỗi lần hôn lên tóc con hoặc ôm nhẹ con vào lòng. Nhưng dù cố gắng thế nào Nam vẫn không thể ngủ được. Lòng canh cánh một nỗi hận, nỗi tiếc vu vơ. Đồng hồ điểm 2 giờ. 2 giờ 15. 2 giờ 30…
Căn phòng dành cho hai mẹ con Nam nằm sát bên đường luồn đi ra sân sau, và sân sau lại tiếp giáp với bờ sông. Nhà bên kia, tiếng đổ xăm hường nghe rõ mồn một. Lâu lâu từng tràng cười thích thú nổi lên. Nam lắng nghe xem đám người lớn trẻ con thức đêm đổ xăm hường nhà láng giềng nói gì, nhưng không thể nghe được. Chỉ nhận ra những giọng reo vui đắc thắng hoặc giọng cãi vả gay gắt, chen vào đó những lời trầm đều của người lớn tuổi.
Đột nhiên, Nam nghe tiếng chân bước ở ngay đường luồn nhà mình. Tiếng chân bước nặng và chậm, không phải của một người mà của nhiều người. Tiếng thì thào bàn tán, giọng Huế chen lẫn giọng Bắc. Nam sợ quá, nằm im không dám thở. Ai vào vườn nhà mình thế này? Nam nghe một giọng Bắc lạ tai hỏi:
- Phía trước là cái gì?
Một giọng Huế đáp:
- Bờ sông. Ở đây có thể nhìn được một phần xóm Cồn.
Nam vùng ngồi dậy. Con Thúy trở mình, khiến Nam phải vỗ nhẹ vào mông cho con ngủ tiếp. Con bé trở mình lật nghiêng qua phía bên kia, nhưng bị tấm chăn làm cho cử động khó khăn. Nó khó chịu, ngọ nguậy sắp khóc. Nam giở tấm chăn lên cho con trở mình, và vội đem chiếc gối ấn vào hai cánh tay chới với của con.
Nam rón rén đi ra hành lang, và thấy cả ba má lẫn Quế đã đứng ở đó từ bao giờ. Nét mặt người nào cũng lo âu hoang mang. Phía bờ sông sau nhà, tiếng động lạ vang đến tận chỗ cả gia đình ông Văn đứng, hình như tiếng cuốc hay xẻng cắm phập xuống mặt đất. Tiếng cười nói, tiếng hột xí ngầu lanh canh chạm vào bát của đám xăm hường bên kia rào cũng im bặt. Bà Văn thì thào với chồng:
- Quân gian phi nào ban đêm dám ngang nhiên vào vườn nhà mình vậy? Mình mở cửa sau, bật đèn hiên sau xem sao!
Nam cản lại:
- Ðừng, ba! Lỡ chúng nó có súng thì sao?
Quế tức giận nói:
- Chẳng lẽ để mặc chúng làm gì thì làm. Ðể em xuống bật đèn.
Nam nói:
- Có nhiều người! Ít nhất cũng tới năm hay sáu người là ít. Bật đèn, nguy hiểm lắm.
Bàn qua cãi lại, cuối cùng cả nhà đồng ý cứ đóng kín cửa, để mặc đám người lạ làm gì thì làm, chờ sáng hãy hay.
Chiếc đồng hồ Odo điểm 3 giờ 30 sáng. Không ai dám đi ngủ. Cả bốn người ngồi chồm hổm dọc hành lang, thu nhỏ người lại để cảm thấy an toàn đôi chút. Nhưng vô ích, người nào cũng cảm thấy mình là nạn nhân đầu tiên của một cuộc bạo hành sắp xảy đến. Chúng ngang nhiên vào vườn sau bất chấp luật lệ, đủ chứng tỏ chúng không phải là bọn cướp vặt. Chúng sẽ xông vào nhà sau khi sắp đặt đâu đó đường rút lui. Cho nên ông Văn nghĩ vì là người đàn ông độc nhất trong gia đình, nên ông sẽ là người bị chúng dằn mặt trước tiên.
Bà Văn nghĩ khác chồng. Bọn cướp vẫn biết người đàn bà lớn tuổi nhất trong nhà thường nắm chìa khoá tiền nong. Chúng chỉ là bọn nhân việc canh gác lơ là trong dịp Tết đến khảo của nhà bà. Và không ai khác trong gia đình bị chúng tra khảo để cướp tiền, ngoài bà.
Nam nghĩ mình là nạn nhân vì yếu đuối nhất, bọn cướp chọn cái đích dễ để đe dọa những người còn lại. Quế lo ngại vì sự trẻ trung và nhan sắc của mình.
Bên ngoài, lại có chân bước trên đường luồn, chen lẫn tiếng kim khí va chạm lẻng kẻng. Ông Văn tìm được lý luận trấn an mình và vợ con, thấp giọng bảo:
- Chắc mấy anh nhân dân tự vệ đi tuần. Không có việc gì đâu!
Ông vừa nói xong, thì súng nổ lẹt đẹt ngay trên mái nhà. Rồi nhiều loạt súng khác, cùng một thứ âm thanh chát và dẹt, thật lạ tai. Đám phụ nữ trong nhà sợ quá, kêu rú lên. Bà Văn, Quế, Nam hốt hoảng chạy đến ôm chầm lấy ông Văn. Họ khóc như ri. Con Thúy giật mình cũng khóc ré trong buồng. Nam thương con quên hết cả sợ, chạy và buồng mình bồng bé Thúy, rồi lại trở ra hành lang. Dường như hơi ấm đứa con giúp nàng can đảm hơn. Nam ngồi riêng một chỗ, ôm chặt lấy con dỗ dành:
- Con me đừng sợ. Không có việc gì đâu. Không có việc gì đâu, Thúy của me!
Con bé nheo mắt nhìn quanh, rồi không hiểu nghĩ sao, nó đòi trụt khỏi tay Nam, bò quanh trên hành lang. Quế thấy ngộ, bật cười. Súng bên ngoài mỗi lúc mỗi nổ dòn, lâu lâu chen những tiếng nổ lớn như đạn đại bác, và tiếng bay vút lên không nổ lốp bốp của hỏa châu. Đột nhiên, điện tắt. Từ các nhà lân cận, đồng loạt nổi lên tiếng lao xao la khóc.
Ông Văn chợt hiểu tình thế, thì thào với vợ con trong bóng tối: “Việt cộng tấn công Huế mình mất rồi!”
Số người Mỹ cư trú thường xuyên tại thành phố Huế không mấy đông đảo, nên họ thường quen biết nhau. Dale dạy ở Đại học Sư phạm, cách khu MACV không bao xa. Vì thế, thứ bảy chủ nhật hoặc ngày lễ, Dale thường qua MACV chơi với đám Thủy quân Lục chiến trẻ giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho khu MACV, cũng như quen biết khá thân với Thiếu tá Frank Dennis, sĩ quan liên lạc với Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa.
Tối mồng Một Tết nhằm vào cuối tháng 1 năm 1968, nên người Mỹ nào trong khu MACV cũng rủng rỉnh giàu có. Tuy là thứ tư giữa tuần, nhưng đối với đất nước dân tộc họ đang tới tiếp xúc, làm việc, chiến đấu, tìm hiểu, đây là một ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vì vậy, họ tự cho phép hưởng thụ vui chơi như những người bản xứ. Hồi chiều, Thiếu tá Dennis điện thoại cho Dale mời tối nay qua khu MACV dự party. Bob Newsman sáng mắt vì được cơ hội lượm thêm vài cái tin dự phòng, thúc giục Dale nhận lời.
Họ qua MACV hồi 8 giờ tối. Party tổ chức đơn giản theo lối Mỹ, nói đúng hơn là theo lối dã chiến. Thức ăn chỉ có thịt nướng phết nước sốt cà chua. Uống bia. Chỉ thế thôi. Thịt đã có sẵn trong cái tủ lạnh to tướng đặt ở phòng ăn. Bia chất sẵn nguyên thùng gần cái bàn sắt mặt nhôm bóng loáng. Dale và Bob trẻ cùng tuổi với lính tiểu đội thủy quân lục chiến bảo vệ khu MACV, nhưng họ là dân sư nên không bị ràng buộc theo hệ thống quân giai. Bob cứ bám lấy các sĩ quan cấp tá để săn tin. Còn Dale ngây thơ sợ bạn mình lạc lõng giữa những người lạ, Bob đi đâu anh cũng theo bên để giới thiệu bạn với người này người khác.
Lúc 10 giờ, Thiếu tá Dennis lấy chiếc Jeep lái xe qua Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 để gặp Trung tướng Tư lệnh khu 11 Chiến thuật. Gần 12 giờ khuya ông mới về. Dale và Bob còn ở đấy, đang đánh domino với Ðại úy Churney. Ông bảo qua loa cho họ biết tình hình có vẻ găng, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Bốn người tuổi trẻ không mấy chú ý tới lời viên thiếu tá, tiếp tục chơi domino. Chỉ có Bob hơi áy náy sợ viên thiếu tá trách móc đám trẻ thờ ơ, ngước lên phụ họa cho có chuyện:
- Ờ, tình hình có vẻ bất ổn. Hình như có gì sắp xãy ra đấy. Hôm qua tôi từ Ðông hà vào đây thấy đường sá vắng hoe. Chẳng có vẻ gì là Tết cả. Giống như cái im lặng đột ngột trước khi có cơn bão.
Thiếu tá Dennis vui mừng có người chia sẻ nỗi lo âu của mình, nhưng chợt nhớ Bob là nhà báo, lại dân sự, nên ông thôi không nói gì nữa. Ðêm đó Bob và Dale ngủ lại khu MACV. Dale đi ngủ trước vì không khoái mấy môn tiêu khiển mà anh cho là chỉ dành cho trẻ con vì không mấy hấp dẫn, còn Bob tuy thôi chơi để nhường chỗ cho một trung sĩ truyền tin thủy quân lục chiến, nhưng máu nhà báo khiến anh tận dụng cơ hội sà vào từng người lính để phỏng vấn cảm nghĩ của họ đối với chiến tranh Việt Nam. Mãi 3 giờ sáng, Bob mới lên căn phòng dành cho hai ông khách dân sự để ngủ.
Căn phòng ở tòa nhà xây dựng từ thời Pháp thuộc này, nay là trụ sở của MACV, nếu xét theo tiêu chuẩn Mỹ, thiếu hẳn tiện nghi. Tuy có sửa chữa lại nhiều, gắn thêm quạt máy, máy điều hòa không khí, trải thảm, bắc intercom… nhưng những bức tường dày nặng nề và những cửa lớn cửa sổ rộng và cao hình gô-tíc khiến cho các tiện nghi mới trở nên loãng đi, mất phần nào công hiệu. Mùa nóng, những bức tường gạch dày và vòm trần cao làm cho hơi lạnh toát ra từ chiếc máy điều hòa không khí không đủ sức chống chỏi hơi nóng của hè chói chang. Mùa lạnh, bên trong lại lạnh hơn ngoài trời.
Thiếu tá Dennis dẫn hai người bạn trẻ lên ngủ tạm tại phòng của Ðại úy Không quân John Dudas, vì khuya đó, viên phi công có phi vụ thám thính thường lệ. John dẫn Dale lên phòng, chỉ dẫn chỗ bật đèn tắt đèn, phòng rửa mặt, cầu tiêu, quẳng thêm cho ông bạn trẻ cái túi ngủ nhà binh, cười cười bảo:
- Giường rộng, hai đứa mày ngủ cũng đủ ấm, nếu tụi mày là dân “gay”. Dân nhà báo tụi bay nhiều đứa “gay” lắm.
Thấy Dale cau mày không chịu đựng được lối đùa cợt quá trớn, John thêm:
- Còn nếu không, hoặc mày hoặc bạn mày chịu khó chui vào cái túi ngủ này. Tao bay một chút rồi về.
Dale hỏi:
- Rồi anh ngủ đâu?
- Khỏi lo. Nói “một chút”, nhưng thường là 2, hoặc 3 giờ. Máy bay của tao để ở sân bay Tây lộc. Bây giờ, tao đi đây. Ngủ ngon nhé!
Dale buồn ngủ quá, vừa đặt lưng xuống giường là ngủ ngay. Bob lên phòng lúc nào Dale cũng không hay biết.
Gần 4 giờ sáng, đột nhiên súng nổ ran quanh khu MACV. Dale và Bob giật mình thức dậy. Bob dày dạn kinh nghiệm, nằm sát theo bức tường gạch ngẩng đầu quan sát cửa phòng, trong khi Dale ngồi trân trên giường, ngơ ngác không biết phải làm gì. Bob hét lớn:
- Lại nằm xuống đây.
Dale làm theo lời bạn như cái máy, chạy đến nằm sấp sau lưng Bob. Từ đó về sau. Dale bắt chước làm đúng những gì Bob làm, yên trí rằng đó là cách tốt nhất để giữ thân. Bob thì thào giữa hai loạt súng:
- Việt cộng tấn công thật rồi. Ở đây tầng lầu thứ mấy?
- Tầng một.
- Trên đây còn tầng nào nữa không?
- Không. Đây tầng chót!
- Vậy phải tìm cách bò xuống tầng trệt. Thế nào chúng cũng pháo kích vào đây khi tụi bộ binh tiền sát xác định vị trí.
Họ vừa xuống khỏi cầu thang thì nhiều loạt đạn đại bác 122 ly rót vào khu MACV. Một quả rơi đúng vào tòa nhà TOC, phá nóc và giết chết gần hết những quân nhân ở đấy. Nhiều quả 122 ly khác rơi đúng vào khuôn viên MACV, phá sập vài đoạn tường rào và làm nổ tan một chiếc xe Jeep. Một mảnh sắt chiếc xe văng đến tận chỗ Bob nấp, cắm phập vào chân chiếc bàn gỗ chỉ cách đỉnh đầu Bob có hai tấc. Hai người đi tìm chỗ núp khác an toàn hơn, trong lúc nhiều quả đại bác nữa nổ dồn dập, nhưng dựa theo tiếng nổ, họ biết loạt đạn này rơi nhằm vùng phụ cận.
Đột nhiên, loạt “tiền pháo” ngưng hẳn, im lặng căng thẳng kéo dài độ 5 phút, đủ để Dale nghe được những tiếng lứa cháy lép bép ngoài sân khu MACV và đôi tiếng rên la, cùng những loạt đạn súng nhỏ ở xa hơn.
Những quân nhân Mỹ từ tầng trên ùa nhau chạy xuống cầu thang, người nào cũng cầm súng và mang theo dây băng đạn, rồi họ chia nhau trấn giữ các công sự phòng thủ, sẵn sàng chờ đợi đợt “hậu xung” mà họ biết chắc chắn sắp diễn ra.
Đại úy Churney ở trên lầu chạy xuống trông thấy Dale và Bob đang nép sát vào góc tường cạnh chiếc bàn gỗ, liền quay trở lên. Vài phút sau, ông đem xuống cho hai người hai khẩu M 16 và một lô băng đạn. Ông quì xuống hỏi Dale:
- Cậu có biết bắn loại súng này chưa?
Bob nhanh nhẩu đáp:
- Tôi biết. Ðại úy cứ để mặc chúng tôi.
Ðại úy Churney gật đầu, nhìn quanh quan sát vị trí, rồi nói:
- Ở đây kín đáo an toàn, nhưng không trông thấy được địch. Hai cậu ra núp ở chỗ cạnh cái Conex kia.
Nói xong, ông chạy về phía đài kiểm soát.
Chỗ Dale và Bob núp nằm khá xa cổng chính, nhưng hai người có thể trông thấy rõ lối ra vào.Công sự bảo vệ cổng chính làm bằng những bao cát mầu xanh già xếp lên nhau, do thủy quân lục chiến canh giữ. Những quân nhân thiện chiến nhất của quân lực Hoa Kỳ này, sau phút bàng hoàng, đã mau chóng lấy lại bình tĩnh và trở thành những người lính thiện nghệ. Dale vững tin như vậy khi nhìn những công sự kiên cố trước mặt, dưới ánh đèn điện vàng bị lòa đi phần nào vì sương đêm. Bên ngoài cổng, một chiếc xe Jeep không biết bị bắn cháy lúc nào, khói tỏa nghi ngút.
Đột nhiên, điện tắt. Cả Dale lẫn Bob lo ngại nép sát vào mép chiếc Conex. Rồi hình như máy điện riêng của khu MACV chạy được, những ngọn đèn chiếu khắp doanh trại lại sáng lên, tuy ánh điện mờ hơn trước. Dale tự nhiên thấy thèm thuốc lá. Anh hỏi Bob:
- Còn thuốc lá không?
Bob gật, mắt vẫn nhìn đăm đăm về phía cổng chính. Bob nói:
- Tiếc quá. Tao vội không mang xuống cái máy ảnh. Bài tường thuật này gửi về, thế nào cũng đắt giá.
Dale nhắc:
- Đưa tao một điếu thuốc.
Bob vỗ vào túi áo treillis, mới thấy đã để quên cả bao thuốc trên phòng thiếu tá Dennis. Anh cười, bảo bạn:
- Mày là lính “part-time” có khác, giặc tới nơi còn đòi hút thuốc. Nếu mày…
Bob chưa nói hết câu, thì súng nhỏ lại nổ ran. Mấy mươi cái bóng đen nhỏ từ dãy nhà phía bên kia cổng chính xung phong vào khu MACV dưới làn đạn yểm trợ của đồng đội. Làn khói xám nghi ngút từ chiếc Jeep bị cháy làm nền cho những bóng đen chạy vụt qua nhanh, nhờ thế người phóng viên chiến trường nhận diện được đó là những người lính chính qui Bắc Việt sắp một phen sống mái với anh. Từ hai công sự thủy quân lục chiến án ngữ hai bên cổng, đạn khạc ra tới tấp, lửa lóe sáng từng chặp. Nhiều xác chết nằm khắp đây đó ngay trước cổng. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp lính Bắc Việt khác lại xông lên.
Từ phía chòi canh ngay sau lưng Bob và Dale, khẩu đại liên từ trên cao đột nhiên vãi đạn như mưa về phía cổng trại. Những bóng đen di động thưa thớt, cho đến lúc một quả B 40 làm nổ tung tháp canh.
Tiếng súng nhỏ thưa dần. Trời bắt đầu lờ mờ sáng, nhưng đã đủ để cho những người sống sót thấy rõ quang cảnh những xác lính Bắc Việt nằm sõng soài rải rác khắp mặt đường trước cổng, cảnh một công sự thủy quân lục chiến bị bắn sập và cảnh tháp canh gãy đổ. Người lính giữ khẩu đại liên trên tháp canh đã chết, xác nằm vắt vẻo một nửa ở trên sàn gổ nghiêng lệch, một nửa rũ lơ lửng in rõ trên nền trời xám bạc. Hai tay người lính buông thõng, như cố với lấy mặt đất. Toán cứu thương khu MACV bắt đầu làm việc. Chiếc xe Jeep bị bắn cháy ngay phút đầu cuộc tấn công là của đại úy phi công John Dudas. Xác ông bị thiêu cháy cùng với chiếc xe. Khi hai người lính thủy quân lục chiến Mỹ bò ra khỏi công sự còn lại mon men ra đường để cố kéo xác viên phi công vào, hàng loạt đạn AK nhắm vào họ. Một người bị đạn chết bên cạnh chiếc Jeep cháy, một người thoát nạn phải trở lui.
Tất cả quân nhân cùng với Dale và Bob ở khu MACV bị địch bao vây, và vì không liên lạc được với bên ngoài, họ không hề biết cả thành phố Huế đã bị xâm nhập, cùng với rất nhiều thành phố và tỉnh lỵ khác trên khắp Miền Nam Việt Nam.
Ðêm mồng Một, tiểu đội của Ngữ do một thượng sĩ già chỉ huy được phái tới đóng chốt tại một ngã tư đường, cách bộ tư lệnh Sư đoàn độ 200 thước. Ngã tư này cây cối rậm rạp vì cả bốn góc đường là bốn khu vườn đầy những ổi, nhãn và mít bao quanh lấy bốn ngôi nhà có mái thấp. Bằng đôi mắt “nhà nghề” của một hạ sĩ quan từng thụ huấn ở Ðồng đế, Ngữ thấy không có một chút gì an toàn, một chướng ngại vật thiên nhiên nào để tạm xem là công sự phòng thủ cả. Ông thượng sĩ già lâu nay lo việc văn phòng nên cũng rất lúng túng, chẳng biết phải làm gì. Hơn mười năm nay ông chưa hề bắn một phát đạn, lên cơ bẩm khẩu garant ông còn lật bật, huống chi là nhắm vào một cái đích di động nào đó vào ban đêm mà bắn. Cuối cùng, chính ông là người gieo cho cả tiểu đội “tư tưởng cầu an”. Ông lôi chiếc bánh chưng to tướng ra cắt chia cho cả tiểu đội ngồi ăn ngay vệ đường, dưới ánh sáng ngọn đèn điện vàng mờ. Ông bảo:
- Có cho kẹo chúng nó cũng không dám đánh vào đây. Vì đánh vào rồi rút đi đâu? Thành cao như thế này, chỉ cần chận mấy cửa thành lại là chúng tịch. Ông tướng ông ấy lo xa quá. Nhưng mình là lính, trên bảo sao làm vậy. Các chú cứ ăn cho no đi, rồi chia nhau trực cho hết đêm. Tết nhất mà nằm đường ngủ bụi thế này, kẹt anh em quá!
Chín người lính dưới quyền ông thượng sĩ lè phè nghe cấp chỉ huy bảo vậy, được trớn làm tới. Họ chia làm hai phe. Phe “nội” là bốn người làm việc ngay tại trại Mang Cá, quen biết nhau từ lâu, nên tự nhiên tụ nhau quanh một cột đèn để nói xấu cấp chỉ huy và kể chuyện tiếu lâm. Phe “ngoại” gồm năm người lính ở đơn vị xa được về Huế nghỉ phép như Ngữ, ban đầu cố nhập vào phe nội, nhưng về sau thấy không có điểm chung nào cho dễ bắt chuyện nên dạt ra ngoài, sau đó mới làm quen với những người lạ bên phe ngoại để lập thành nhóm. Câu chuyện của họ dè dặt, khách sáo hơn, thiếu hẳn hào hứng như bên phe nội. Thay vì ngồi xếp bằng trên lề đường đấu hót hăng hái, nhóm này đứng quanh một cột điện khác, ăn nói chậm rãi, tiết-chế. Lâu lâu, họ dừng lại lắng nghe những tiếng súng nổ ì ầm từ xa, thật xa! Một vài người tỏ vẻ lo lắng sốt ruột, nhưng ngay sau đó, đã có những người khác trấn an bằng những lý luận thật hợp lý, vững chãi:
- Tụi nó phải làm cái gì đó, nếu không sẽ bị bẽ mặt với các nơi khác. Như bắn quấy phá vài cái đồn, hoặc đánh úp một trụ sở xã hẻo lánh. Du kích địa phương ở đây yếu lắm, không làm nên cơm cháo gì đâu! ….
- Chúng nó tan tác ở Khe Sanh rồi, làm gì được nữa! Quá lắm là pháo kích vài quả lấy tiếng để báo cáo mà thôi!
Càng về khuya, tiếng súng nổ gần hơn, khiến cho các lập luận hữu lý trở nên gượng gạo. Lại thêm bộ chỉ huy cho sĩ quan lái xe đi kiểm soát, nên tiểu đội của Ngữ bắt buộc phải nghĩ tới nhiệm vụ được giao. Ngữ phụ với ông thượng sĩ để chia tiểu đội làm ba nhóm (mỗi nhóm có một quân nhân địa phương hiểu rõ địa hình) và giữ nhiệm vụ canh chừng ba ngã đường. Họ vào vườn tìm chỗ núp được đạn địch nhưng nhìn rõ được động tĩnh ở phía trước. Nhóm của Ngữ gồm chàng và hai người lính khác, một là binh nhì tài xế Dodge 4 ở ban Quân xa Bộ Chỉ huy Sư đoàn mới 25 tuổi đã có 5 con, một là hạ sĩ công binh đơn vị ở Quảng ngãi 21 tuổi được về phép để dự đám tang mẹ. Ông cụ chủ căn nhà và khu vườn họ canh giữ thấy đời lính cực khổ không được nằm nhà ăn Tết như con cháu ông, ân cần mang ra cho bọn Ngữ một khay mứt gừng, bánh in, hạt sen và một bình trà ngon cho họ ăn Tết dã chiến. Ông cụ nán lại nói chuyện với nhóm Ngữ độ nửa giờ, đến quá khuya, buồn ngủ, ông cụ xin phép được vào nhà tránh sương. Lúc 1 giờ 30 sáng xe tuần tiễu đến đậu ở ngay ngã tư, bóp còi gọi ông thượng sĩ già ra, giao thêm cho cây trung liên và hai thùng đạn rồi bảo di chuyển tới đóng ở một trường học gần đó để cùng với một tiểu đội khác phòng vệ khu trường học này. Họ đi bộ độ 15 phút là đến vị trí được chỉ định.
Mọi người thấy không khí có vẻ căng thẳng hơn mình tưởng nhiều, nên ít ai nói chuyện như trước. Khuôn mặt người nào cũng đăm chiêu, lo lắng. Ngữ được giao cho khẩu trung liên, và vì đã lâu không sử dụng loại súng này, chàng phải nhờ một anh hạ sĩ của tiểu đội kia chỉ dẫn mới nhớ lại cách bắn đã học ở Đồng đế. Ðặng, cậu thanh niên vừa để tang mẹ xách khẩu garant M1 đi theo Ngữ tìm chổ đặt súng ở góc tường phía tây.
Ông thượng sĩ già nhận ra trách nhiệm của mình thật sự nặng nề chứ không phải khơi khơi như trước, nên càng lúng túng không biết phải làm gì cho phải. Ông chạy đi chạy lại thăm chừng ba toán dưới quyền mình, hỏi những câu không cần thiết, và làm bực mình những người lính từng có kinh nghiệm chiến trường. Ông gắt gỏng với một anh lính văn phòng vì anh này hút thuốc sai với tiêu lệnh hành quân, và anh này cãi lại là cả khu nhà trường điện sáng như vậy, thì hút hay không hút chẳng quan hệ gì cả. Thế là ông thượng sĩ già to tiếng, giọng Quảng trị của ông vốn đã nặng, khi giận càng nặng nề khó nghe hơn
Họ cãi nhau cho tới lúc điện phụt tắt và tiếng súng lạ bắt đầu nổ ran, thật gần. Đột nhiên, mọi người đều ý thức rằng họ sắp đương đầu với một cuộc chiến thực sự, đánh nhau với một kẻ địch thực sự. Không thể đùa cợt với cuộc sống được nữa rồi! Thứ tiếng nổ lẹt đẹt chát chúa đó, ít ra quá nửa tiểu đội Ngữ đã từng nghe nhiều lần. Họ không thể lầm được. Ðó là tiếng nổ của những viên đạn súng AK. Ngữ sửa lại thế đặt của khẩu trung liên, thử ấn báng súng vào bả vai để lấy đường nhắm. Thép súng lạnh làm run bàn tay trái chàng, nhưng máu nóng trong thân thể Ngữ dồn dập theo nhịp tim gấp. Cảm giác ngây say từ lâu lắm chàng đã quên, cảm giác pha trộn nào sự sợ hãi vu vơ, nào nỗi nôn nao phiêu lưu, nào khát vọng thầm kín của bạo lực …, bây giờ đột nhiên trở lại. Ngữ nao nức chờ đợi, và không khỏi lấy làm lạ rằng mình nao nức chẳng khác gì một anh thợ săn chờ đợi con mồi hiện ra.
Mọi sự diễn đến vượt quá tưởng tượng của Ngữ. Chàng chờ đợi một vài tên đặc công phá hoại, để rồi thấy hàng đoàn đông đảo quân chính qui Bắc Việt diễu qua trước họng súng của chàng. Ngón trỏ tay phải của Ngữ vẫn đặt áp vào lẩy cờ, như tất cả những người lính khác. Không có một mệnh lệnh nào được ban xuống, nhưng đồng loạt mười mấy tay súng đều nằm im, bàng hoàng không biết phải làm gì.
Ðặng nằm bất động bên Ngữ, cũng không thì thào với Ngữ lấy một tiếng. Cả đại đội địch đi qua trước mặt họ. Bước giày cao su trên mặt đường chỉ tạo những vang động lao xao không lớn gì hơn tiếng quần áo sột soạt và tiếng kim khí chạm vào nhau lỏang xoảng.
Đột nhiên, ngay bên cạnh Ngữ, Đặng bóp cò súng garant. Phát đạn làm bừng tỉnh tất cả mọi người, kể cả phía địch. Tiếng súng “lệnh” bất ngờ của Ðặng mở đầu đợt tấn công phục kích của cả hai tiểu đội. Trước mặt họ, cách họng súng không đầy mười thước, những xác chết đổ xuống cũng với tiếng kêu la hốt hoảng. Những kẻ bị thương quằn quại trên mặt đường xám lờ nhờ trước khi nhận lãnh những phát đạn garant khác kết thúc cuộc đời.
Số địch may mắn thoát chết qua loạt đạn đầu chạy dạt trở lại, và đồng đội của Ngữ chưa kịp vui mừng trước chiến thắng bất ngờ đã thấy những loạt đạn AK từ bốn phía trường rơi như mưa vào họ. Hai ba viên đạn địch cắm ngay vào khoảng đất ẩm trước mặt Ngữ và Ðặng, xoi một lỗ nhỏ rồi văng bật ngược trở lại chạm vào báng khẩu trung liên.
Ngữ lo âu nhìn quanh, hổn hển bảo Đặng:
- Phải rút vào trong trường! Lẹ lên!
Hai người chồm dậy. Chiếc mũ vải của Đặng đã rơi xuống đất, nhưng Ðặng không có thì giờ nhặt lên. Phần Ngữ, chàng khám phá ra sự yếu đuối của mình khi thấy đôi chân run rẩy ngoài cả tầm kiểm soát của ý chí. Chàng xấu hổ, cố mím môi nâng cây trung liên nặng lên. Sự tập trung ý chí quả nhiên có kết quả. Đôi chân thôi run, và Ngữ chạy theo Đặng đến núp đằng sau bức tường lớp học gần nhất. Hai người chia nhau ghìm súng ở hai cửa sổ. Đạn địch vẫn nổ liên hồi, phần lớn từ phía sau, và phía hông trái khuôn viên trường bắn tới. Sát bên bức tường thành trước trường, xác hai người lính Việt Nam Cộng hòa bị tử thương vì loạt đạn phản kích của địch vẫn nằm đó. Đặng quay về phía Ngữ nói:
- Hình như ông thượng sĩ “bị” rồi!
Ngữ đau nhói ở ngực, hỏi lại:
- Có chắc không?
Ðặng trả lời:
- Không chắc lắm. Trời lờ mờ không nhận ra được. Nhưng trước lúc nổ súng, ông ta đứng đúng chỗ cái xác đó. Có lẽ…
Một tiếng nổ thật lớn làm vài viên ngói mục trên nóc phòng rơi xuống loảng xoảng. Ðặng ngưng nói, im lặng bao trùm sau tiếng nổ. Rồi có tiếng ơi ới lao xao gọi nhau. Ngữ chạy đến gần chỗ Ðặng, bảo nhỏ:
- Chúng xài B-40 làm thủng tường phía sau. Chắc thế nào chúng cũng xung phong vào đây.
Súng nhỏ lại nổ, tiếng đạn AK chen lẫn đạn garant. Một số quân nhân Việt Nam Cộng hòa ứng chiến mặt sau vừa bắn vừa lùi về phía trước. Trong số đó, Ngữ mừng rỡ nhận ra ông thượng sĩ già. Chàng hỏi lớn:
- Định thế nào đây, thượng sĩ?
Ông thượng sĩ quay ngoắt lại, nhận ra Ngữ, đáp lớn:
- Chúng nó đông quá. Phải tìm đường rút về Mang Cá.
Ngữ và Đặng xách súng chạy về phía ông. Một tiếng đạn B 40 nữa nổ ầm ở phía hông trái khu trường học. Không hiểu bao nhiêu người đã tử thương hay bị thương, số lính hai tiểu đội phòng vệ ngôi trường bây giờ còn 11 người.
Đặng, và Ngữ ném lựu đạn vòng qua bức tường phía trước để bắt đầu cuộc mở đường máu rút lui. Khi tiếng lựu đạn nổ xong, mọi người chia thành tốp nhỏ chạy ùa ra cổng, để theo chỉ dẫn của ông thượng sĩ già, băng vườn theo đường tắt tìm về lại bộ chỉ huy sư đoàn.
Ngữ, Ðặng và một người lính trẻ nữa rút trong toán chót. Hai toán đầu chạy qua cổng trường không gặp trở ngại gì. Ðến lượt toán của Ngữ. Sau khi Ðặng thảy quả lựu đạn vòng qua đầu tường, súng AK ở phía sau trường lại nổ chát chúa. Ba người lom khom chạy nhanh ra cổng. Ðặng dẫn đầu. Ngữ chạy giữa. Vừa tuôn ra khỏi cánh cổng sắt, họ bất ngờ chạm đầu với bốn người lính Bắc Việt cũng đang lom khom men theo bờ tường định xung phong theo lối cổng chính. Hai bên chạm mặt nhau đột ngột, nên đều trân người lớ quớ chưa biết phải làm gì. Rồi trái ngược với mọi dự đoán, cả hai phía đều quày lưng bỏ chạy, giữa lúc bên trong khuôn viên trường nổi lên nhiều tiếng hò hét đắc thắng.
Toán của Ngữ mò về được Mang Cá lúc trời lờ mờ sáng. Một loạt súng từ bên trong đón tiếp họ, may không ai bị thương. Khi đã nhận diện được bọn Ngữ, quân ứng chiến bên trong Bộ Chỉ huy Sư đoàn cho họ vào. Ngữ vào được nơi an toàn mới cảm thấy mệt, ngồi bệt xuống đất thở dốc. Chàng thấy ngưa ngứa ở ống chân trái, tưởng vết thương cũ lại hành. Nhưng khi vén ống quần lên xem, chàng mới thấy máu rỉ ra từ một vết thương nhỏ xíu bằng đầu cây tăm. Rán dằn mệt nhọc, Ngữ đứng dậy tìm trạm cứu thương xin băng bó. Hai người lính kia cũng tìm thấy những vết thương nhẹ, người ở cánh tay trái, người ở vế. Họ lãnh nhận đồng đều chiến thương đầu tiên của cuộc chiến đẫm máu kéo dài cả tháng trời sau đó, và định mệnh đã khoan dung cho họ thoát khỏi được màn lửa đạn để họ tiếp tục cố thủ ở phần đất quê hương cuối cùng này!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động