Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 83
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ăm nay gia đình ông Bỗng chuẩn bị Tết có vẻ chu đáo tươm tất hơn các năm trước. Từ hôm hai mươi ba đưa ông Táo về Trời, cảnh nhà đã có vẻ rộn rịp rồi. Ngọc, em kề của Ngô học y khoa ở Sài gòn, viết thư về cho biết đã giữ chỗ máy bay về Huế đúng ngày 25 ta. Thư Ngọc còn viết rõ chuyến DC-4 cất cánh từ phi trường Tân sơn nhất lúc IO giờ 15, và sẽ đáp xuống Phú bài lúc 1 giờ 10 phút, nếu phút chót không có gì thay đổi. Hai năm trước Ngọc không về Huế ăn Tết vì bận học, khiến ông Bỗng mất dịp dẫn đứa con trai ngoan đi thăm bà con bạn bè để ngẩng mặt với đời. Ông bực bội hổ thẹn về Ngô bao nhiêu, thì càng hãnh diện về Ngọc bấy nhiêu. Ông tự tay sơn quét lại nhà cửa, đẩy chiếc bàn ăn tồi tàn ra vườn để khuân về một bộ salon mới. Ông xuất tiền đưa cho bà Bỗng mua vải thay lại hết các màn cửa sổ. Ở cửa lớn ăn thông ra đường Phan Chu Trinh, ông treo tấm sáo trúc có vẽ hình con công đuôi xòe rẽ quạt màu sắc lộng lẫy.
Ông muốn chứng tỏ cho họ hàng bạn bè thấy rằng con cái ông chẳng thua ai, rằng cảnh sống khổ cực lâu nay của gia đình ông là một hi sinh nhẫn nhục lớn lao cho tương lai, và đến nay, cái tương lai xán lạn ấy đã ló dạng. Qua hình ảnh nửa cái bằng bác sĩ y khoa của Ngọc. Đúng là một nửa cái bằng bác sĩ, vì Ngọc đã lên đến năm thứ ba trường thuốc.
Phần bà Bỗng và Diễm phải lo chuẩn bị sắm Tết sớm vì cũng vào trưa 25 âm lịch, gia đình được phép thăm nuôi Ngô. Ông Bỗng biết vợ đã dùng gần nửa số tiền ông xuất ra chuẩn bị đón tiếp đứa con ngoan để sắm quà Tết cho đứa con hư bị giam ở lao Thừa phủ, nhưng giữa nỗi hân hoan, ông trở nên bao dung độ lượng. Ông làm ngơ không bắt lỗi bà Bỗng vì sao mua vải màn cửa loại rẻ tiền, hoặc khăn trải bàn quá mỏng. Ông thông cảm với lòng mẹ thương con, không đem chuyện Ngô ra dằn xóc vợ mỗi khi muốn tỏ uy quyền với vợ như trước nữa.
Giữa hai ông anh, thực tình Diễm thương Ngô hơn Ngọc. Ngọc có đủ những nết tốt, những ưu điểm mà Ngô thiếu. Chăm chỉ. Thận trọng. Tiết kiệm. Lễ phép. Không hút thuốc. Không la cà rượu chè. Ăn ở ngăn nắp sạch sẽ. Diễm không có gì để bực dọc hay trách móc Ngọc cả. Nhưng tất cả ưu điểm ấy cộng lại thành một khối tròn trịa quá, không gây một chút ngạc nhiên bất ngờ nào. Trong lúc đối với Diễm, những viên đá xù xì lăn lóc gần đám cỏ dại có những vẻ hoang sơ hấp dẫn, có những bất trắc kỳ thú chẳng khác nào vẻ đẹp của khu rừng hoang dã so với vẻ đẹp ngăn nắp công thức của vườn hoa công viên. Diễm hăm hở nhận tiền mẹ đi chợ sắm quà Tết cho Ngô như hăm hở sắm quà Tết cho chính mình. Biết tính anh, Diễm mua cho Ngô hai tút thuốc lá Ruby quân tiếp vụ trước đã, sau đó mới mua một hộp mứt làm sẵn. Thêm bốn cái áo mai-dô, quần đùi, hai cái khăn lau mặt, hai ống kem đánh răng, ca uống nước, hộp cà phê Mỹ …. Ngô nhắn ra xin một cái bánh chưng để đón giao thừa với bạn tù, và vài đòn bánh tét để dành ăn dần mấy ngày đầu tháng giêng, Diễm đồng ý với mẹ là nên chịu khó gói và nấu bánh sớm hơn thường lệ để kịp thăm nuôi anh. Rút kinh nghiệm năm ngoái, bà Bỗng dặn con cho nhân thịt thật nhiều vào bánh chưng, nhưng bánh tét thì gói chay để Ngô để dành được lâu.
Hai mẹ con đang ngồi gói bánh thì Quỳnh Như đến. Diễm kinh ngạc hỏi:
- Mày chưa về Sài gòn à?
Quỳnh Như mau miệng nói với bà Bỗng:
- Con đã lên máy bay, chợt nhớ chưa được bác lì xì nên trở lại chúc Tết bác lấy tiền đã, rồi xuống Phú bài liền.
Bà Bỗng vui lây cái vui trẻ con lém lỉnh của Quỳnh Như, giả vờ móc túi tìm tiền. Diễm cười, đưa bàn tay còn dính đầy nếp và đậu xanh lên giả vờ sắp tát vào má bạn, vui vẻ bảo:
- Con quỉ này nữa! Ngủ quên trễ giờ cất cánh phải không?
Quỳnh Nhu mím môi cố làm ra nghiêm trang, đáp:
- Không đâu! Tại ma soeur sợ tao về là khu nội trú Jeanne d’Arc hết vui như Tết, nên giữ lại.
- Thôi đừng ba hoa nữa! Sao vậy?
Bấy giờ Quỳnh Như mới thành thực buồn rầu:
- Mình ỷ y mua vé chờ. Đến lúc gọi tên, không ai bỏ vé cả. Xách túi đi rồi lại xách về, rõ chán!
Bà Bỗng an ủi:
- Thôi, ở đây ăn Tết với bác một năm vậy. Năm ngoái cháu đã hẹn ở lại Huế, cuối cùng vẫn về.
Quỳnh Như đáp:
- Năm ngoái cháu không thể không về được. Bác tính, nhà mới dọn vào Sài gòn, ba cháu nằm một chỗ, không có cháu, Tết có khác gì đám ma! Chị Trang ngồi một chỗ. Me cháu ngồi một chỗ. Cháu về thấy cảnh ấy, không cầm được nước mắt.
Diễm cảm động nhìn người bạn học, quên cả việc gói bánh.
Bà Bỗng hỏi:
- Việc buôn bán trong đó có khá không cháu?
- Cháu cũng chẳng rõ. Me cháu thì than lắm, tiếc sao không ở lại Huế làm ăn như cũ, bây giờ nhà bán rồi muốn tìm lại chỗ tốt như trước không được nữa. Hỏi chị Trang thì chị ấy nói không đến nỗi nào. Ban đầu bạn hàng chưa quen, cà phê với trà mua về không biết nhiều mối để bỏ. Nhưng hiện nay đã khá hơn.
Diễm nói:
- Tao phục chị mày quá. Một mình lo đủ thứ việc, việc nào cũng đâu ra đấy. Rồi ai đi mua sỉ cà phê với trà?
- Chị ấy chứ ai! Me tao lo trông việc bán lẻ, và chăm sóc thầy. Mỗi tháng chị ấy phải lên Blao, Buôn mê thuột khi hai chuyến, khi ba chuyến. Tao lỡ đậu vào sư phạm Anh văn, bỏ cũng uổng. Chứ nếu không, tao phải về trong đó giúp chị một tay.
Bà Bỗng nói:
- Cháu không về được, mấy ngày Tết ở nội trú buồn chết! Ðem đồ đạc lên đây ăn Tết với cháu Diễm đi!
Quỳnh Như ngần ngừ, không dám chê nhà cửa bạn chật hẹp, phải nói tránh:
- Cháu cũng muốn lắm. Nhưng ở Jeanne d’Arc còn mấy chị cũng không về được như cháu, cháu bỏ đi sợ họ buồn. Bác gói bánh Chưng cho nhiều cho con xin ăn Tết với! Nhưng sao nấu bánh chưng sớm thế?
Diễm đáp thay mẹ:
- Gói để đi thăm nuôi anh Ngô đấy!
Quỳnh Như làm bộ mặt buồn rầu cho hợp với hoàn cảnh, hạ thấp giọng hỏi:
- Sao hôm trước Diễm bảo ông Mân xoay xở can thiệp sắp xong rồi?
Bà Bỗng hớn hở đáp:
- Phải. Cũng sắp xong, nhưng chắc là phải sau Tết Ngô mới về được. Anh Mân sốt sắng lắm. Tội nghiệp, tuần trước anh ấy dẫn bác đi khắp nơi, nơi nào họ cũng bảo sao anh Mân không cho họ biết sớm. Anh ấy quen biết nhiều thật. Lại có lòng nữa…
Diễm liếc nhìn mẹ, rồi nhìn Quỳnh Như. Bà Bỗng nói không thôi, ca tụng Mân đủ điều. Diễm cắm cúi gói bánh, không dám nhìn Quỳnh Như vì ngượng với bạn. Quỳnh Như thấy có gì thất thường trong cử chỉ lời nói của hai mẹ con, băn khoăn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Rồi phải tới lúc bà Bỗng kịp nhận ra rằng chỉ có một mình bà độc thoại. Bà thấy ngượng, quay hỏi con gái:
- Liệu chừng này đã đủ chưa?
Diễm đếm những chiếc bánh chưng bánh tét gói xong, đáp lời mẹ:
- Dư rồi mạ!
Quỳnh Như tìm được dịp pha trò cho bớt không khí gượng gạo:
- Hoan hô! Càng dư càng tốt, cháu sẽ xin bác để ăn Tết sớm trong nội trú. Độ này anh Ngô có mạnh khỏe không hở bác?
Bà Bỗng đáp:
- Vẫn khá!
rồi bà chắt lưỡi than:
- Thật là tai trời ách nước! Tranh đấu tranh điếc làm chi để bây giờ gia đình nào cũng khổ.
Bà hạ thấp giọng hỏi Quỳnh Như:
- Lâu nay cháu có nhận được tin gì thêm của anh Tường không?
- Có bác ạ. Cách đây hai tháng, có người nghe anh ấy nói trên đài phát thanh.
Diễm ngạc nhiên hỏi:
- Thế à? Mày có cho chị Nam biết không?
- Không.
- Tại sao vậy?
Quỳnh Như buồn rầu thú nhận:
- Từ ngày chị ấy sinh, tao chỉ xuống thăm có hai lần. Một lần cháu Thúy đầy tháng, một lần chị ấy bị đau nặng.
Bà Bỗng tò mò hỏi:
- Sao chị em lại vô tình thế?
Rồi bà lấy giọng ôn tồn khuyên giải:
- Đằng nào thì cũng là chị dâu. Ờ phải rồi, chị dâu em chồng ít khi ưa nhau. Nhưng…
Quỳnh Như cắt lời bà Bỗng:
- Thưa bác không phải vậy. Cháu thương chị ấy lắm chứ. Cháu còn cảm thấy có lỗi với chị ấy nữa. Chị ấy phải bỏ học, bụng mang dạ chửa, bây giờ lo nuôi con… cũng tại… Mà thôi. Chuyện cũ nhắc lại thêm buồn. Nhưng con có cảm tưởng, con có cảm tưởng không biết đúng không, là chị ấy không muốn nhìn mặt con.
Diễm thắc mắc:
- Mày cãi nhau với chị Nam à?
- Không!
- Không kình cãi nhau sao không xuống nhà bác Văn ở? Có tiện hơn ở nội trú Jeanne d’Arc nhiều hơn không?
Quỳnh Như đáp, giọng hơi xẳng vì bắt đầu bực:
- Không hề kình cãi gì cả, chỉ tại chị ấy khó chịu ra mặt khi trông thấy tao thôi.
- Chị Nam nói thẳng điều đó ra, hay mày đoán mò?
- Chỉ đoán. Nhưng đoán đúng.
Bà Bỗng nói:
- Nhiều khi cháu hiểu lầm, tội nghiệp con Nam.
Giọng Quỳnh Như càng thêm tức bực:
- Cháu hiểu lầm sao được! Hôm đầy tháng, cháu mua quà xuống mừng. Chị ấy đón tiếp cháu bình thường, không vồn vã quá mà cũng không lạnh nhạt quá. Hai người tính khác nhau, chị ấy hợp với chị Quỳnh Trang hơn cháu. Nhưng khi cháu vô tình bảo cặp lông mày và đôi mắt cháu Thúy giống anh Tường, chị ấy đổi ngay sắc mặt. Cháu không quên được cách chị ấy nhìn cháu. Cái nhìn giận dữ, gần như thù hận. Cháu bàng hoàng, không ngờ chị ấy ghét anh Tường đến độ đó! Cháu không hiểu gì cả! Cháu không hiểu nổi!
Quỳnh Như ngưng nói, cả ba người im lặng thật lâu, không ai biết nói gì thêm vì cả ba đều không hiểu gì cả. Những gì Nam đã trải qua hơn một năm rưỡi nay, trước mắt mọi người, là một nỗi bất hạnh lớn lao đến nỗi tốt hơn hết là đừng bao giờ nhắc Nam về chuyện cũ. Nam cũng lặng lẽ chịu đựng, chẳng những không hề hé môi nói với ai lời nào về tâm trạng mình, mà gần như còn sẵn sàng gây gổ, phẫn nộ bảo vệ lấy nỗi đau khổ riêng, như con gà mái đang ấp trứng sẵn sàng mổ vào bất cứ ai động đến ổ trứng.
Ông bà Bỗng đã đi ngủ sớm. Chỉ còn Quỳnh Như và Diễm ngồi bên ánh lửa canh nồi bánh chưng. Quỳnh Như cao hơn Diễm, nên mặc tạm bộ quần áo ngủ mầu vàng nhạt mượn của bạn có hơi ngắn và chật. Lâu lâu, Quỳnh Như phải so đôi vai lên cho vải khỏi bó chặt lấy lưng và ngực, cuối cùng nàng phải mở bớt hạt nút cổ. Diễm nhìn bạn nhận xét:
- Độ rày mày có vẻ mập ra.
- Ừ! Ma soeur cưng tao quá trời. Đấy là tao đã nhịn không ăn sáng đấy. Nếu không, chắc đã thành Bé Bự! Ở trong đó tuy có mất tự do, nhưng có nhiều tiện lợi khác.
Diễm cười bảo:
- Miễn là mày đừng “cảm” các soeur quá, đi tu phí đời đi! Mày vô ở Jeanne d’Arc, nhiều chàng đã than khóc oán than thấu Ðức Chúa Trời rồi!
Quỳnh Như giả vờ sờ túi lục một hồi, rồi nói:
- Tao quên đem tiền, nịnh cũng vô ích!
Diễm nghiêm mặt hỏi:
- Tao cứ thắc mắc tại sao mày chẳng hề vướng víu vào anh con trai nào cả. Mày cứ lãng đãng, cứ tỉnh khô, như thơ của cái ông gì người Pháp mà Khái Hưng có dịch ra thơ Việt đó.
- Dịch làm sao?
- Tao không nhớ hết. Chỉ nhớ hai câu hợp cảnh:
Đường trần lặng lẻ bước tiên
Nào hay chân đạp lên trên khối tình.
Quỳnh Như cười phá lên:
- “Đạp” còn nhẹ. Phải dùng chữ “dẫm” mới đúng. Thơ d’Arvers đấy. Ừ, tao thấy tụi đàn ông con trai tầm thường quá. Cũng có thể tại tao tự nhiên quá nên các chàng đâm lúng túng ú ớ, càng ú ớ càng làm cho tao thấy họ tầm thường. Không như mày…
Diễm cắt lời bạn:
- Như tao? Tao làm sao?
- Mày cứ làm như thể mày yếu đuối, mày bối rối ngượng ngùng, mày ngây thơ ngoan ngoãn. Khối chàng lầm vì mày!
- Tao giả bộ như thế hồi nào?
- Còn hỏi hồi nào nữa! Bao nhiêu lần mày làm bộ làm tịch trước anh Ngữ, tao thấy hết! Còn chối nữa không?
Diễm xịu mặt, mất hẳn vẻ tự tín. Quỳnh Như cười, rồi thân mật hỏi Diễm bằng giọng nghiêm trang:
- Tết này anh Ngữ có về không?
Diễm lúng túng đáp:
- Tao đâu có biết!
- Mày không biết thì ai biết!
Diễm càng lúng túng hơn, giọng nói gần như van nài:
- Tao không biết thật mà!
Nghe giọng nói của Diễm, Quỳnh Như ngờ ngợ thấy có gì bất thường. Nàng bỏ hẳn giọng đùa cợt, xích lại gần Diễm, hỏi nhỏ:
- Hai người giận nhau rồi à?
Diễm lắc đầu. Quỳnh Như bực dọc nói:
- Sao mày rắc rối vậy! Hay đã có gì thay đổi? Mày, hay anh Ngữ?
Diễm không trả lời, mắt đăm đăm nhìn vào mấy thanh củi đang cháy, tiếng nổ tí tách và hơi lửa phần phật nghe rõ mồn một trong đêm đen. Nước trong nồi bánh sôi sùng sục, cái vung nhôm lâu lâu bật lên rồi rơi xuống, tiếng hơi nước lao xao rồi nghẹn lại… Quỳnh Như lặng lẽ quan sát nét mặt bạn, thấy Diễm mím môi lại, hai mắt mở lớn khiến ánh nhìn lóng lánh khác thường. Đột nhiên Diễm lấy hơi, môi run run, quay lại phía Quỳnh Như như định nói điều gì. Quỳnh Như chờ đợi.. Diễm không nói gì cả, thật lâu về sau, chỉ hỏi:
- Mày buồn ngủ chưa?
Quỳnh Như thất vọng, đáp gọn:
- Chưa!
Diễm đi vào bếp lấy đũa ra xăm thử một chiếc bánh xem đã đủ chín chưa. Quỳnh Như không chịu đựng nổi sự im lặng căng thẳng, tìm câu gì đó để nói với bạn. Nàng dặn:
- Mày coi chừng. Phải rán nấu cho thật chín. Một lần me tao thử, thấy bánh đã mềm, hôm sau lột bánh thấy đã chín đều. Nhưng để vài hôm, bị sống lại hết. Nếp rời từng hạt, y như có ma!
Diễm nói:
- Chắc thêm nửa giờ nữa là đủ!
rồi đột ngột hỏi Quỳnh Như:
- Có bao giờ tự nhiên mày chán hết mọi sự không?
Quỳnh Như ngơ ngác một lúc, rồi đáp:
- Có chứ!
- Chán mà không hiểu lý do vì sao. Không tìm ra lý do.
Quỳnh Như cãi:
- Cái gì cũng có lý do hết. Không có lý do vì không dám tìm.
- Ðâu phải cái gì trên đời cũng giải thích được!
Quỳnh Như định cãi lại, nhưng thấy nét mặt Diễm bơ phờ đăm chiêu, biết có cãi cũng không đi tới đâu, nên thôi. Họ trao đổi nhau những câu bâng quơ, lượn lờ né tránh những gì muốn hỏi mà không hỏi, muốn tâm sự mà chưa dám, cho nên càng ngày càng thấy gượng gạo khó chịu. Nồi bánh đủ chín thì lửa cũng bắt đầu tàn. Diễm lấy nước rưới lên mấy khúc củi thừa, kiểm soát thật kỹ không cho sót một đóm lửa nào, mới yên tâm vớt bánh ra cái mâm đồng có chân. Quỳnh Như phụ bạn cho phải phép, nhìn bếp lửa đã tắt, bảo Diễm:
- Gần Tết mà sao buồn dễ sợ! Mày có thấy thế không?
Diễm gật đầu!
Từ chiều tới khuya ngồi ngoài vườn dưới gốc nhãn xem bà Bỗng và Diễm gói bánh nấu bánh, Quỳnh Như không chú ý cách bày biện thay đổi trong nhà. Mãi tới lúc Diễm dẫn bạn lên căn trên, đề nghị qua đêm tạm trên ghế nệm bộ xa lông cho ấm, Quỳnh Như mới ngạc nhiên hỏi:
- Nhà mày độ này sang ghê. Trúng số hả?
Diễm sợ bạn nghĩ xa xôi, giải thích cho qua:
- Ba tao nói Tết mà tiếp khách tồi tàn quá không nên, mới sắm bộ xa lông này.
Quỳnh Như nhìn quanh các tấm rèm mới, quay lại nhìn Diễm, mỉm cười. Diễm nghĩ bạn chế giễu gia đình mình học làm sang, giận dỗi nói:
- Bộ mày nghĩ nhà tao không đáng mua bộ xa lông này sao?
Quỳnh Như vội nói:
- Mày hiểu lầm tao! Tao thấy lạ, chỉ hỏi cho vui vậy thôi.
Diễm bớt giận, tự thấy mình vô lý. Nàng thành thực bảo:
- Năm nay có anh Ngọc về. Ba tao vui, nên muốn ăn Tết cho tươm tất một chút.
- Anh Ngọc có về à? Chừng nào?
- Chiều mai!
- Mày có xuống Phú bài đón không?
- Chắc không. Ba tao lo chuyện đó. Sáng mai tao với mạ phải đi thăm nuôi anh Ngô. Mày đắp cái chăn mỏng này đủ ấm không?
Quỳnh Như hỏi lại:
- Rồi mày ngủ đâu?
- Trong buồng, với mạ!
Diễm đưa tấm chăn cũ cho Quỳnh Như, để mặc cho bạn trải chăn lên ghế nệm, thản nhiên che miệng ngáp rồi nói với bạn.
- Tao đi ngủ đây.
Quỳnh Như ngước lên đáp:
- Ừ. Mai đánh thức tao dậy sớm một chút.
Diễm vào phòng trong, đi nửa đường chợt nhớ ra rằng mình đối đãi với Quỳnh Như quá lạnh lẽo. Nàng dừng lại, đứng tần ngần trước cửa buồng mẹ. Diễm xấu hổ so sánh cách đối xử của mình với Quỳnh Như mấy năm trước đây và bây giờ. Trước đây hai năm, tuy trong lòng thầm ganh tị với nếp sống trưởng giả của gia đình bạn, nhưng ngoài mặt, Diễm vẫn không tránh khỏi biểu lộ sự kính nể, tôn trọng bạn. Bây giờ, gia đình ông bà Thanh Tuyến đã sa sút. Mặc cảm thua sút không còn, Diễm lại thấy mình xem thường Quỳnh Như. Nếu ông Thanh Tuyến còn mạnh khỏe, dùng chiếc Toyota chở Quỳnh Như lên đây thăm Diễm, và đột nhiên Quỳnh Như nổi hứng muốn ngủ lại căn nhà nghèo nàn chật chội như một cuộc phiêu lưu kỳ thú, Diễm biết lắm, chắc chắn lúc đó không bao giờ Diễm dám quẳng cho Quỳnh Như tấm chăn rồi bỏ đi ngủ như thế này. Diễm tự thấy mình đáng trách, nên quay trở xuống chỗ bộ xa lông. Quỳnh Như đã nằm dài trên ghế nệm. Diễm sà đến gần bạn ân cần hỏi:
- Mày liệu đủ ấm không?
Quỳnh Như cảm động trả lời:
- Được mà! Mày làm như tao là con nít vậy!
- Tạo tắt đèn nhé?
- Ừ, tắt giùm chút.
Diễm đưa tay kéo nút công tắc xuống, rồi theo lối cũ trở về phòng mẹ!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động