One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Trương Thái Du
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 984 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
9. Thân... -
i tình là phần quá lớn trong cuộc đời Phương. Dạo còn sinh viên tình cờ Phương được diện kiến Nguyên Hy, nhà văn của quần chúng và dư luận. Nguyên Hy bảo: "Chú em còn trẻ lắm. Cách duy nhất để sống và trưởng thành là yêu, yêu và yêu. Mỗi người đàn bà là một trường học. Khi chú yêu đến người thứ 100, chú sẽ hiểu đời là cái quái gì ngay thôi mà". Nói xong văn sĩ kéo hơi thuốc lào thật sâu rồi khoan khoái phun khói lên trời. Bao nhiêu kính trọng Phương dành cho tác giả những truyện ngắn thời thượng bỗng trút hết vào lời rủa thầm: "Đồ hèn! Đồ trác táng!".
Vậy mà câu nói của Nguyên Hy cứ đeo đẳng Phương suốt năm tháng sau đó, như ám ảnh ti tiện và đáng khinh bỉ nhất. Éo le, nhiều ý nghĩa lớn lao Phương thu lượm được đều lấp lánh dáng dấp của một người con gái. Chính từ khúc quanh của nhiều mối tình anh bị đẩy đến cánh cổng mới dẫn vào miền suy tư ngổn ngang day dứt. Vượt lên thất vọng và chán chường, kỳ lạ thay bao sắc màu huyền bí. Nó áp đặt, định giá muôn mặt cuộc sống trong cái nhìn luôn thoang thoảng hương hồng hoa. Có lẽ tình yêu chính là toán học nhân văn. Người ta học cách sống, cách tận hưởng lạc thú và cả cách hủy hoại thời gian trên lối mòn, nơi từng in dấu chân thần tình ái.
Phương tiếp xúc khái niệm giới tính rất sớm, khi cậu mới hơn bốn tuổi. Chẳng biết mấy ngày hè oi ả ấy bà ngoại bận đi đâu nên gởi Phương qua nhà hàng xóm. Cậu ngủ chung với cô Ngân, người phụ nữ nông thôn ngoài hai mươi chưa con cái. Chồng cô đang ở Trường Sơn. Không hiểu vì lý do gì sáng nọ Phương tỉnh giấc rất sớm. Ánh ngày hãy còn mờ nhạt và xam xám như hình ảnh của vạn vật hiện lên trong trí tưởng tượng của con người. Phương trở mình. Và cậu phát hoảng. Có lẽ trời quá nóng nên cô Ngân khỏa thân ngủ. Cơ thể Phương tê cứng cảm giác sợ hãi nhưng ít nhiều lạ lẫm. Cô nằm nghiêng, hướng ra nguồn sáng ngoài cửa sổ. Hai cánh tay tròn lẳn khoanh hờ trước ngực. Phương bất động trong lo lắng. Thật lạ! Đứa trẻ bốn tuổi chắc chắn không thể biết cơ thể phụ nữ trước mắt mình đẹp hay xấu. Mặc cảm tội lỗi rất thật dù thằng bé chỉ vô tình. Sau cùng Phương cũng tìm được sự tĩnh tâm trong giấc ngủ nối với ý nghĩ vẩn vơ "Còn lâu mình mới thành người lớn!".
Sáu tuổi Phương vào lớp một. Ngồi cạnh cậu là cô bé rất xinh mang tên loài chim biển. Cậu thể hiện tình cảm bằng hành động hết sức ngờ nghệch: chối bỏ cái tên cha mẹ đặt cho. Cậu tìm nhiều lời lẽ ngây thơ thuyết phục thầy giáo viết lại tên cậu trong sổ điểm là Hải Âu! Phương chỉ nhớ bấy nhiêu, nếu không kể thêm lần kia tan học sớm. Cậu rủ vài nhóc bạn tha thẩn trong sân trường cố đợi Hải Âu về trước. Rồi cả bọn kéo nhau đến ngõ nhỏ quạnh hiu cuối phố chợ réo ầm tên Hải Âu lên. Chẳng thấy cô bé đón khách. Một người đàn bà trung niên dữ dằn bước ra xua đuổi những đứa phá bĩnh. Cả bọn hoảng hồn tháo chạy.
Năm Phương học lớp sáu, cậu mới dành sự mến mộ thực sự cho người bạn gái chung lớp. Nhi là con lai, tóc vàng, mắt xanh. Cậu rất mãn nguyện khi nghe chúng bạn xướng tên ghép đôi, còn Nhi luôn tỏ vẻ khó chịu. Tuy vậy không hiếm lúc họ bắt gặp sự thánh thiện hồn nhiên trong mắt nhau. Hai năm sau Nhi đi Mỹ theo chương trình đoàn tụ nhân đạo. Lớp học lưu luyến tiễn cô học trò giỏi bằng buổi xem phim trong rạp Đại Nam tăm tối mốc meo. Kẻ khéo trêu ghẹo xếp Phương ngồi cạnh Nhi. Họ không dám nói với nhau nửa lời. Khi bọc kẹo đường rẻ tiền được chuyền tới, Phương vội đưa cho Nhi. Hình như cậu đã hít thở thật sâu trước khi liều lĩnh nắm tay bạn. Vệt sáng vô tình từ màn ảnh tặng Phương ánh mắt câm lặng nồng ấm nhưng hết sức bối rối. Phương cất chiếc kẹo Nhi bỏ vào túi áo cậu như bảo vật hơn năm năm. Viên kẹo không thể tồn tại lâu hơn. Nhưng ánh mắt nọ nghiễm nhiên trở thành hình ảnh đẹp đẽ nhất được đặt trân trọng trong ký ức luôn chuyển dịch và dễ phủ bụi lãng quên của Phương.
o O o
Mối tình đầu của Phương là Thủy. Thủy hoàn toàn có thật nhưng Phương luôn nghi ngờ tính chân xác của trí nhớ. Các tiểu tiết trải dọc năm năm bản lề của tuổi hai mươi, chồng chéo, lẫn lộn quá nhiều biến động và hoang tưởng. Cuối cùng Phương cũng gặp dịp kiểm chứng tất cả trên nẻo đường Sài Gòn xưa cũ trong một đêm lang thang vô định.
Càng khuya, những con phố càng vắng vẻ. Phương thấy đâu đây bước chân mười tám tuổi với hành trình quen thuộc. Đại lộ Nguyễn Thị Minh Khai tên cũ là Xô viết Nghệ Tĩnh. Đoạn trước cổng trường Lê Quí Đôn quanh năm dìu dịu hương cổ thụ đại ngàn. Vòng xuống Võ Văn Tần sẽ đến Trần Quốc Thảo, con đường của gió và hoa dầu xoay tít, nghiêng ngả bao buổi chiều mùa hạ. Đích đến là ngôi biệt thự của hoa Hài tiên, của tiếng Dương cầm trên đường Tú Xương.
Qua phóng sự trên báo chí, truyền hình Phương biết gia đình Thủy không còn ở đó. Có điều chắc chắn, thời oanh liệt của họ đã qua. Cuộc sống mới làm họ dễ chịu hơn là điều Phương thấy trong mắt cha nàng, đôi ba lần giữa chuyên mục từ thiện.
Ngồi trong góc khuất quán cà phê Ngọc Lan, Phương sững sờ trước giai điệu một thời đam mê. Lối mòn xa xưa đang hiện ra, dần rõ hơn trên từng gót chân hoài niệm. Không gian hẹp lại. Nhịp lấy đà của bản Dạ khúc số hai, tập thứ 9, cung Mi giáng trưởng của Chopin vút lên. Viên ngọc lộng lẫy, không tì vết tỏa sáng. Đến đoạn rung dây thì Phương không nghi ngờ nữa. Người con gái ngồi bên Dương cầm mà anh thoáng thấy khi bước vào chính là Thủy. Riêng nàng mới có sự ngập ngừng là lạ trong nốt pha huyễn hoặc, cộng với chút làm duyên bằng phần đệm khấp khểnh. Phương lặng người. Bản nhạc kết thúc, anh xé mảnh giấy viết yêu cầu “Giấc mơ tình yêu - Frank Liszt - Biển ngày xưa”. Phương nhờ anh phục vụ đưa cho Thủy.
Bước chân mười tám tuổi. Con đường mở ra muôn phương, bồng bềnh trên nét nhạc thân thuộc, phương nào cũng dẫn về ngày tháng đã xa…
Đêm rất khuya, đường phố tịnh không một bóng người. Phương mệt nhoài đạp xe về nhà sau buổi tối làm thêm tại cơ sở in lụa tư nhân. Cơn mưa chiều gột sạch bụi bậm, vốn quá ít ỏi trên đường Tú Xương vắng vẻ. Bất chợt Phương thả chân, tìm nơi phát ra chất nhạc Chopin. Không cưỡng lại được, anh quay xe và đến đứng cạnh hàng rào ngôi biệt thự.
Từ ấy Phương hay ghé qua góc phố này. Đến nỗi mấy người cảnh sát bảo vệ ở vọng gác gần đó ngầm coi sự hiện diện của anh hoàn toàn vô hại. Gặp kì làm hàng gấp như sau hè, trước tết, Phương chỉ thoát khỏi khuôn in lúc 2, 3 giờ sáng. Anh vẫn về ngang đấy như quán tính dù muôn phần uể oải và hẳn nàng đi nghỉ rồi.
Thật tình Phương chỉ say mê ngón dương cầm. Anh xa đàn đã mấy năm. Phương trộm nghe nhạc không vì vẻ xa hoa cao quý của nó. Anh muốn tái hiện tháng ngày vô lo, yên ả và thoáng hạnh phúc mong manh của tuổi thơ không trọn vẹn bên người dì phúc hậu, tốt bụng. Phương chưa bao giờ tưởng tượng xem người chơi đàn đang hắt chiếc bóng mảnh mai lên khung kính cửa sổ, là cô gái già hay trẻ, xấu hay đẹp. Chỉ biết tóc nàng dài, tiếng đàn kỳ diệu, đầy sức sống. Hình như nàng rất thú vị với vị khách không mời. Nhiều bữa nàng còn dạo vài khúc nhạc ru trong quyển Phương pháp Hoa hồng, bằng lối thả tay nghịch ngợm, như lời chúc ngon giấc trước khi tắt đèn. Mãi sau này Phương mới hay chú bảo vệ kiêm lái xe riêng của cha nàng từng để ý tới anh và trình báo đầy đủ cho cô chủ nhỏ.
Phương nhớ rất rõ lần đầu tiên họ gặp nhau. Buổi tối heo may mát mẻ. Phương ôn bài cả buổi chiều và thầm cầu mong số hàng tồn kho đi hết thì anh mới được gọi làm tiếp. Phương định đi bộ thư dãn đầu óc. Lang thang, vẩn vơ nghĩ ngợi vô chủ đích anh tới góc phố ấy lúc nào không biết. Tiếng đàn thân quen, chẳng chút ngại ngùng. Thanh âm cuối cùng buông lơi sớm hơn thường lệ. Phương chưa muốn về nên đứng yên một lúc. Tiếp theo tiếng két của cổng sắt là gót chân rất nhẹ của Thủy. Phương giật mình. Tiểu thư khá đài các, gương mặt đẹp như thiên thần nhưng hơi lạnh lùng. Sắc đẹp của nàng ẩn chứa tai họa. Không phải tai họa cho kẻ si tình, mà cho chính nàng. Sự hoàn hảo tiềm tàng bất hạnh và gian truân, hơn là hứa hẹn điều sáng sủa.
- Mình là Thủy. Người vẫn đàn cho bạn nghe đó. Còn bạn?
- Xin… chào, tôi là… là Phương. Bạn phiền vì tôi ư?
Thủy sanh sau Phương đúng một ngày, chẳng hiểu có phải vì cùng vào mùa Thu nên tâm hồn họ tương hợp ở nhiều điểm. Tuy nhiên sự khác biệt cũng không nhỏ. Thủy thường hỏi Phương: "Lãng mạn và hạnh phúc đối lập ở chỗ nào?". Nàng mê thơ Xuân Diệu đến mụ người và hay à ơi vài câu khá nổi tiếng. Dạo nọ nàng suốt ngày nghêu ngao: "Yêu là chết ở trong lòng một ít…". Phương cười nửa đùa nửa thật: "Sao em thích loại thơ hô khẩu hiệu vậy. Yêu gì mà xét đoán, so đo quá chừng. Này nhé: được, mất, cho, nhận. Tình yêu không biết mặc cả. Sự ngoại lai trong thơ Xuân Diệu không dừng nơi ngôn từ, hình ảnh và nhịp điệu. Nó ôm đồm luôn lối thực dụng buồn nôn. Việc hiện diện của người anh yêu trên đời này đã là quá nhiều… dù đơn thuần về tinh thần, sự đòi hỏi rất xa lạ với tình yêu".
Mùa Thu đi qua. Thủy vào nhạc viện. Phương bắt đầu thời sinh viên tất bật với lớp học, dạy kèm và xưởng in. Điểm hẹn duy nhất của họ là Thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng. Giải lao họ thường ngồi trò chuyện trên ghế đá, dưới tàn cây hoa Ban cổ thụ đơm đầy hoa tím và trắng. Đôi đoạn lịch sử âm nhạc Thủy tụng niệm mãi không thuộc vẫn in đậm trong đầu Phương cho tới bây giờ.
Rồi Phương ra Hải Phòng học tiếp sáu kỳ chuyên môn. Suốt tuần cuối, tối nào họ cũng hò hẹn, nói cho nhau nghe không biết chán về dự định tương lai. Tuyệt nhiên, Phương luôn từ chối bước vào nhà Thủy để nàng đàn tặng anh những bản nhạc cả hai đều thích. "Hãy chờ anh…" Phương thoái thác đơn giản như thế. Anh không kể Thủy nghe thái độ trịch thượng của ba mẹ nàng trong đôi lần có chuyện gấp, chẳng đặng thì đừng Phương gọi điện thoại tìm Thủy.
Ba năm tiếp theo họ gặp nhau đúng một lần. Sự chia xa đang đến gần, thể hiện bằng thư từ ngày một thưa và ít nồng nàn hơn từ phía nàng. Sự trưởng thành mang con mắt rất nghiệt ngã. Chuyến đi Hải Phòng là phần thưởng cho tấm bằng tốt nghiệp Thủy vừa nhận.
Mùa đông. Đồ Sơn vắng vẻ. Thủy và Phương người trước người sau men theo triền núi vắng. Những họng pháo phòng thủ bờ biển đen ngòm, lặng im nhìn họ từ trong hang đá. Cúc dại lác đác khắp nơi. Cánh hoa mỏng manh tỏa ra như tia sáng mặt trời ấp ủ màu vàng đến nao lòng, vô tư đùa gió ngàn khơi. Cổ nhân xem cúc mang mối liên giao giữa trời và đất. Vì thế hoa gánh thêm khái niệm bất tử, viên mãn, vẹn toàn. Bậc quân tử ẩn mình, lẩn tránh thế gian cũng chính là hoa cúc. Gần mười năm sau Phương mới gặp lại loài hoa này ở nơi rất xa biển. Trên đỉnh cao nguyên Lâm Viên người ta gọi chúng là Dã quỳ hoặc Cúc quỳ.
Chiều muộn, hai người viếng thăm tàn tích tòa lâu đài đổ nát giữa đồi thông xanh um nhìn xuống bãi bùn. Sự im lặng cứ đeo bám họ. Phương nhìn mãi không chán mảnh trời đóng khung trong lỗ hổng lở lói của chiếc cửa sổ cũ. Từng cánh hải âu đan qua. Vài điểm trắng lấp lóa điểm xuyến nền biển xanh thẳm.
- Trên đầu chúng ta chẳng còn trần nhà. Bầu trời không bị giới hạn bởi cái vòm bán nguyệt kia.
- Em tự biết mình nhỏ bé lắm Biển ơi. Đừng bắt em ngước lên.
Phương trút sự bất lực vào đôi tay. Những bụi cỏ bật khỏi trầm tích thời gian, hiển hiện khung lò sưởi cũ. Đống gạch ngói vụn bên cạnh bị anh xới lên, ném như điên dại qua cửa sổ. Chúng vội vàng mất hút dưới chân đồi, không dám trả ngược hồi âm. Cuối cùng sàn nhà bằng phẳng khiến Phương tạm dừng. Mười đầu ngón tay bỏng rát. Phương nhặt thanh gỗ mục, nghuệch ngoạc vẽ hình chiếc dương cầm theo đúng kích thước thật.
- Nếu anh là chủ lâu đài, anh sẽ đặt đàn chỗ này. Hợp lý lắm phải không em. Ai biết mấy tiểu thư, mấy nàng công chúa, mấy mệnh phụ phu nhân từng ngồi đây. Họ gõ vào phím đàn, cất lên tiếng hát ngợi ca cuộc sống vương giả và tiếc rẻ cuộc chơi mang tên đời sống ngắn ngủi.
Phương đổi nhuận bút hai tháng viết lách lấy hai phòng trọ rất sang trọng theo ý Thủy. "Ngôi biệt thự hiện đại hàng đầu" của Đồ Sơn nằm trên đỉnh núi nhỏ, đối diện sự hoang phế ban chiều. Nhờ kinh tế thị trường, mọi người mua được nhiều tiện nghi mà ngày hôm qua họ chỉ có thể trầm trồ đồn đoán, bái vọng từ xa. Phương đứng ngoài ban công gần như cả đêm. Gió mùa đông bắc ướp khuôn mặt anh băng giá đến vô cảm.
- Em thấy bóng tối và cái chết hết sức công bằng không? Quân vương và nô lệ, lâu đài và nhà tranh vách đất đều bằng nhau và bằng không.
- Anh nghĩ về cái chết hơi sớm?
- Cuối mọi con đường là cái chết. Anh không thấy sự đe dọa. Hãy hiểu lời nhắn nhủ ta hãy sống tốt hơn, hoài bão nhiều hơn, tham vọng càng ít càng dễ thở.
- Em chỉ sợ quên lãng.
- Nỗi nhớ là lao tù của phản trắc, là hạnh phúc của trái tim chân thành.
Biển rộng mở vòng tay đón Phương, ru hời giấc mơ tuổi trẻ không bờ bến. Thủy chẳng liên lạc với anh nữa, dù Phương đã cho nàng địa chỉ Đại lý tại Tokyo. Một buổi chiều Thái Bình Dương tĩnh lặng trong ngột ngạt âm ỉ. Áp thấp nhiệt đới ngấm ngầm hình thành. Phương bất ngờ nhận được điện tín. Không hiểu bằng cách nào Thủy biết Đài Viễn thông Duyên hải và dò đúng số hiệu điện báo con tàu Phương đang làm việc. "Phương, anh đang ở đâu. Hãy điện thoại cho em càng sớm càng tốt nhé anh".
Hai tuần sau Thủy ra cảng Hải Phòng tìm Phương. Họ đều chuẩn bị rất nhiều thứ để nói, nhưng rốt cuộc lần gặp gỡ cuối cùng quá kiệm lời. Bữa cơm chia tay có lẽ cực kỳ nặng nề, nếu nhà hàng Thủy chọn không phải là Nữ Hoàng Ong. Chiếc dương cầm màu đen khiêm nhường đứng trong góc. Nó rất lạc lõng giữa bia rượu và thức ăn sang trọng của đám thực khách đẫy đà, làm dáng bằng những câu chuyện tiền nong xôm tụ. Cái Phương tạc lòng đánh dấu đêm chia tay vẫn là bản Dạ khúc. Chopin viết tác phẩm này ở cung Đô thăng thứ, người đời xếp nó vào tập Vĩnh biệt. Thủy chơi hết sức ngẫu hứng. Nàng đổi thay nhiều, may mắn tiếng đàn thuở nào chưa nhạt phai.
Mỗi người giữ riêng một ý nghĩ, họ dạo quanh công viên trước nhà hát lớn khi đêm sắp khuya. Vòm hoa phượng bên Quán Hoa, biểu tượng của thành phố cảng, đỏ bầm trong bóng tối nhập nhòa.
- Em biết em chẳng giúp anh được gì. Không phải em không muốn dùng lợi thế của mình. Bản tính anh ghét cay ghét đắng sự cầu cạnh. Nhưng anh đừng từ chối lòng tốt của ba em. Ông sẽ duyệt cho anh một nền nhà giá bao cấp.
- Em muốn nói em mang lợi thế hơn mọi người từ trong bụng mẹ? Em lầm! Mỗi bộ óc đều có quyền tự do cơ bản nhất, đó là ý nghĩ về sự bình đẳng với đồng loại. Em tự coi mình là "kẻ trấn lột bẩm sinh" ư?
- Phương! Em không tệ hại đến vậy đâu.
- Anh rất khách quan. Từ bé em quen ăn theo những tiện nghi của xã hội dành cho cha mẹ. Lớn bằng này, em cho mình quyền chọn lựa giữa một cậu thủy thủ nghèo kiết xác, tương lai mờ mịt với cuộc sống đủ đầy hiển hiện trước mắt ư. Tình yêu không thể đơm hoa trong em đâu. Chỉ đơn giản là toan tính.
- Thôi… thôi… đừng mạt sát em chứ anh…
- Trước sau anh cũng cần tổ ấm cho riêng mình. Nó sẽ không bao giờ toạ lạc trên mảnh đất kia. Chưa biết chừng, hai mươi năm nữa anh sẽ hỏi mua chính căn nhà của cha mẹ em.
Từ giờ phút ấy Thủy và Phương bỗng trở thành hai người xa lạ. Mới biết sự xa lạ trong tâm can thật kinh khủng. Anh đưa nàng về khách sạn Cát Bi, cạnh công viên Nguyễn Du. Ký ức quá đẹp của ngày tháng xa xưa đang cố gượng dậy, níu kéo rồi vật vã nhưng không thể thoát khỏi vòng vây lý trí. Thủy rụt rè định choàng ôm Phương. Anh lắc đầu né tránh.
- Hãy thức với em đêm nay Biển nhé! Như ở Đồ Sơn dạo nào…
- Sớm mai tàu nhổ neo sang Thái Lan… Anh rất bận. Chỉ cần quay lưng lại, chúng ta đã cách nhau đúng một vòng trái đất. Vô ích lắm Thủy à… Chúc em may mắn…
Lấy hết can đảm Phương nhẹ nhàng trả lời và trở gót. Nếu cố nấn ná, tính nóng nảy của anh sẽ làm nàng phát khóc bởi những câu độc miệng nhất. Phương thở hắt ra. Anh cắn môi thầm nhủ: "chẳng còn gì cả!". "Không phải thế" - Phương tự bào chữa - "Mối tình đầu vụng dại của tôi!". Những bài thơ âm thanh lãng mạn tột cùng của nhân loại đã hơn một lần thăng hoa trong trái tim Thủy. Đó là chốn bình yên thánh thiện để Phương tìm về với quãng thời gian rất đẹp của đời mình.
Khi công việc tạm ổn định tại Sài Gòn, Phương tìm mua chiếc dương cầm cũ. Nỗi khát khao lớn nhất của tuổi thơ được thực hiện thật toàn mỹ. Đáng ngạc nhiên, lúc tháo hàng phím lau chùi, Phương nhặt được tấm hình đen trắng xưa cũ loang mốc úp mặt xuống bụi bặm. Nét chữ Thủy bay lượn: "Lãng mạn và hạnh phúc chẳng bao giờ chung sống trên một cuộc đời…". Khoảnh khắc mùa xuân hai mươi tuổi, Thủy khoác tay Phương dưới cội Mai già giữa hội hoa Tao Đàn. Quả bong bóng nàng cầm bị viền răng cưa mép ảnh cắt đi non nửa. Phương tặc lưỡi. Anh trả ảnh về chỗ cũ, như không thể nào khác được, nhưng với hai khuôn mặt tươi cười nhìn lên.
May mắn, quán cà phê vắng khách hay luôn vắng khách Phương không biết. Đây là lần đầu tiên anh đặt chân tới chốn này. Họ quay lưng về nhau. Thứ gì đó rất chung, nhưng không phải âm nhạc đang hàn gắn chuỗi ngày rời rạc phủ đầy bụi lãng quên, tưởng chừng mấy hút trong vòng xoay đời tẻ nhạt.
Ngoài sân, bầu trời thành phố đẹp lạ thường. Cơn mưa trái mùa ban lộc. Vầng trăng xa xỉ của cuộc mưu sinh thoát khỏi những cao ốc ghớm ghiếc, nhuộm vàng mơ dải sương mỏng manh vắt qua con đường vắng.
Bản Dạ khúc của họ đi vào đoạn kết rất nhẹ nhàng. Cả hai sóng bước ra cổng như cặp tình nhân quá đỗi hiểu nhau, chẳng cần cử chỉ âu yếm khoe khoang như nắm tay, kề vai hay kiếu cách tương tự.
- Em về bằng gì?
- Xe ôm anh à. Em không dám đường khuya thân gái. Nhà em ở tận quận 12.
- Anh tiễn em một đoạn.
- ………
- Tòa biệt thự anh đã bốc đồng đòi mua kìa. Bây giờ họ trồng hoa giấy. Cây Ngọc Lan mới đơm bông thì phải.
- Lâu lắm em không đi ngang đây, hay chính xác là cố tránh lối này. Nhưng em biết dàn hoa trồng trước năm 1995. Anh có nhớ bài thơ "Hoa giấy" của anh năm ấy không? - Thủy khe khẽ đọc, giọng đằm thắm, quá đỗi gần gũi với sắc màu riêng biệt của ngón đàn.
Vay sắc nắng hồng
Mượn gió lả lơi
Hoa nghạo nghễ mỉm cười trên vòm cổng
Mê hoặc bước chân qua
Tôi trở về khi chiều uá đã xa
Cố tìm hoa trong hương đêm thanh khiết
Chỉ gặp lại nhúm xác hoa bạc phếch
Chen mảnh vụn thư tình giắt cỏ rối đường trăng.
- Anh ghét em đến thế sao.
- ???
- Em vẫn dõi theo bước chân anh. Lâu lâu nếu không thấy thơ anh là em trống vắng lắm. Anh gởi đăng thường xuyên em lại lo. Anh chẳng từng bảo anh thật sự cần thơ khi buồn chán hoặc thất vọng.
- Anh đã chữa được căn bệnh mãn tính liên quan đến thơ thẩn từ khi ra với biển. Có lẽ bài thơ em đọc của cậu sinh viên nào đó. Cậu ta vô tình chọn bút danh giống anh. Hy vọng bài thơ nhằm giải tỏa ám thị hoặc viết để kiếm nhuận bút. Mỗi thế hệ sản sinh một lý lẽ tình cảm riêng trong cái chung dễ lầm tưởng.
- Em không thể hình dung ra đời sống thiếu thơ.
- Rất khó phân biệt được văn có vần, có điệu và thơ. Thơ là nỗi đau thăng hoa, là khát vọng bị đè nén.
- Nhưng em tin em hiểu thơ anh.
- Thơ khơi nguồn cảm xúc và gần như không đòi người đọc phải hiểu.
- Anh không hỏi về cuộc sống của em?
- Tiểu thư đi đánh đàn cho quán cà phê bằng xe ôm. Chẳng nói lên gì nhiều. Cũng vừa đủ. Anh mừng vì em đang bám rễ vào công việc.
- Anh sống ra sao?
- Một mình.
- Anh ra dáng rồi.
- Nếu đúng vậy thì nó là giá trị con người anh sao?
- Anh khó tính hơn xưa nhiều quá.
- Chúng ta sắp già rồi Thủy ạ. Anh biết phải đi tìm thứ mình cần và không nên chạy theo cái mình thiếu.
- Em đoán anh đang đặt gia đình ở vế thứ hai.
- Chắc vậy, còn em?
- Chồng em nhận án kinh tế, mười lăm năm tù giam. Tài sản bị tịch thu. Cha mẹ em cũng liên đới. Họ dọn về quê dưới Củ Chi. Hai ông bà giờ đây nghèo nhưng thanh bạch. Ban ngày em đi dạy kèm, tối đánh đàn thuê ở nhà hàng, tiệm cà phê.
- Hãy nói về con em đi.
- Bé Thùy Dương đã 7 tuổi. Nó ngoan và rất thích chơi đàn dương cầm.
- Anh gọi taxi cho em nhé.
- Anh không muốn đi trên con đường mười tám tuổi hả Biển. Em không xứng đáng để anh đưa về sao?
- Anh sẽ luôn bên cạnh em, ít nhất như hiện tại. Em vẫn thi thoảng hiện ra trong ý nghĩ của anh. Xin lỗi, anh không nên biết em đang ở đâu.
Họ bên nhau, dọc nỗi niềm xưa cũ. Phương rất sợ tự nhiên Thủy bật khóc và dụi đầu vào ngực anh như ngày nào. Tới cổng trường trung học Lê Quí Đôn, Phương chủ động dừng bước.
- Đoạn đường này không dài nhưng cũng mười mấy năm rồi phải không "Biển ngày xưa"?
- Khúc vĩ thanh em chơi lúc nãy anh chưa được biết.
- Nhạc cảm rất nhạy. Tác phẩm này bật ra từ tháng ngày khốn quẫn nhất của đời em. Em đã viết như sự trốn chạy thực tại trong khi luôn bị quá khứ ám ảnh.
- Nghe xong anh chợt nảy ý thơ. Anh ghi vội vào miếng giấy bạc bao thuốc lá.
Thủy xòe bài thơ hứng ánh đèn pha thưa thớt của các phương tiện giao thông. Nét chữ loang loáng lúc mờ, lúc tỏ:
Mười tám tuổi ta còn trẻ quá
Ngày tháng mênh mông si đắm mộng phù du
Ba mươi tuổi mới biết bóng em là hư ảo
Mùa trăng lại về
Thi sĩ đã theo tiên!
Nốt nhạc đen nối đêm vào quá vãng
Vệt son dài suốt hoa niên
Ba mươi tuổi trở mình ôm gối cũ
Bùi ngùi vĩnh biệt chiêm bao
Thủy tiên héo khô
Chiều đã cạn
Chẳng thèm mơ suối mạch ngàn xa
Bấc nến đỏ
Sáp mờ ký ức
Cháy hết đi cho tiệt hôm mai
Cho muôn sau chẳng thể dông dài
Sông trôi cứ thế ngang trời mà trôi.
- Ôi! Đúng là thơ của một gã từng trải. Không trau chuốt đắn đo ngôn từ. Hay ở chỗ đấy. Anh đặt tựa chưa?
- Chắc chắn nó sẽ là "Bài thơ cuối cùng".
- Em luôn sợ hãi trước bất kỳ kết cuộc nào.
- Nếu bây giờ anh đánh đổi tất cả để lấy nhãn hiệu nhà văn quèn. Chắc mẩn chúng ta thành một đôi rất hợp?
- Hạnh phúc hay lãng mạn hả Biển?
- Anh không tiếc gì với em, và với anh cũng vậy. Lúc này người cần em nhất là bé Thùy Dương và cha nó.
Phương mở cửa xe mời Thủy vào. Nàng không gởi anh cái nhìn tạm biệt. Đôi mắt nàng xa vắng vượt qua mặt kiếng lốm đốm nước mưa. Con đường hun hút um tùm cây lá.
Phương vội vã trở về tổ ấm cô quạnh của anh. Cả đêm Phương miên man thả mình trong những bản dạ khúc Chopin dưới ngón đàn tài hoa của Evelyne Dubourg. Cuộc sống đến lạ! Người ta quen nhau trong một phút, thích nhau sau một giờ, yêu thương nhau nhiều ngày tháng nhưng chẳng lẽ cần cả đời để lãng quên? Tương lai tươi sáng của tình cảm là gì nếu không dựa trên quá khứ phải được quên đi mãi mãi. Hình như với Phương quên lãng rất gần với tha thứ, ít ra là cho chính anh, để hoài niệm về tuổi học sinh tươi sáng hơn. Với Thủy, anh hiểu đó chưa phải là tình yêu. Những ám ảnh, hằn học và độc địa chẳng qua là sự nông nổi, lãng mạn của tâm hồn thơ trẻ phản ứng khi bị bỏ rơi. Thủy của cuộc sống, của đời thường chắc chắn không phải là Thủy trong Phương… Mối tình đầu của anh chỉ là phút giây hư ảo đơn phương và gần như không chứa đựng thực tính.
o O o
Mỗi khi dị ứng bởi những lời có cánh, Phương thường nhớ đến Somporn. Nàng sống tại Bangkok, thành phố của các thiên thần, bên các mái chùa cong cong soi bóng xuống dòng Chaophraya dịu hiền. Somporn học trường thanh nhạc. Hằng đêm nàng làm thêm ở sàn discotheque cách cầu tàu số 16 khoảng 1km.
Chẳng cần biết họ đã quen nhau như thế nào. Mỗi đêm sau ca trực, Phương vượt qua con hẻm nhỏ giữa khu ổ chuột, ra đường cái đến quán để được nghe Somporn hát. Vị bia Bangkok rất nặng và nồng nặc mùi cồn. Phương nghiện ngập lúc nào không rõ. Somporn chỉ hát bài "Ngườiđàn bà đang yêu" riêng cho Phương, những lúc có Phương. Nàng hát bằng tiếng Thái, giọng trời cho tha thiết mà Phương thiên vị hay hơn cả Barbara Streisand. Hai giờ sáng quán đóng cửa, Somporn luôn đưa Phương về tàu như sợ anh đi lạc. Họ chỉ hiểu nhau qua ánh mắt vì Somporn không biết tiếng Anh. Khi cử chỉ bất lực, nàng sẽ chọn một câu trong quyển đàm thoại bỏ túi Anh - Thái đưa cho Phương đọc.
Gần hai tháng, hằng tuần tàu Phương ghé cảng Bangkok ba ngày. Chưa bao giờ Somporn bước vào phòng riêng của anh trên tàu. Nàng không muốn mọi người nhìn mình bằng ánh mắt khinh rẻ. Buổi chiều không lên lớp Somporn thường dẫn Phương đi chùa. Họ đã viếng gần khắp các chùa dọc dòng sông Chaopraya bằng phà hoặc taxi nước đặc trưng của Bangkok. Họ dán thật nhiều dát vàng mỏng vào ngực phật, nơi trái tim. Phương không tôn giáo nên ít khi cầu nguyện, nhưng lúc ấy anh thường thấy không khí hết sức linh thiêng. Tại chùa nào Somporn cũng xin lá số cầu may cho Phương. Nếu lành ít dữ nhiều mắt Somporn tối đi. Nàng trở ngược dán thêm giấy vàng, miệng thì thầm niệm phật.
Họ háo hức khám phá Bangkok như hai vị khách du lịch. Nhiều đêm thức khuya quá, Phương ngủ quên trên taxi. Somporn kiên nhẫn ngồi đợi dù đã tới nơi định đến. Phương trách, Somporn chỉ cười.
Họ tung tăng chạy nhảy, vui đùa như hai đứa trẻ trong các siêu thị, hội chợ. Họ cùng chơi bao nhiêu trò thật vui, không khác gì ở Việt Nam như bắn súng, ném vòng cổ vịt. Phương định mua tặng Somporn một món quà giá trị, nhưng lần nào cũng vậy nàng tra hỏi cặn kẽ anh mua làm gì và lắc đầu.
Thuyền viên hơi tò mò về cô bạn gái dễ thương của Phương, nhất là chính uỷ Phan Sinh. Gạ hỏi hay trêu chọc Phương cũng bằng thừa. Đêm nọ hắn và vài người nữa bám theo Phương. Dù bị làm phiền nhưng Phương cũng lịch sự mời cả đám uống bia. Nghe Somporn hát Phan Sinh khoái chí ra mặt. Hắn hào phóng mua hàng chục vòng hoa giấy lần lượt choàng lên cổ Somporn sau mỗi bài hát. Ở Bangkok người ta thưởng ca sĩ bằng cách này. Giá hoa mua tại quầy là 20 bath, gần một Mỹ kim một vòng. Ca sĩ xuống đổi hoa lấy tiền sẽ bị trừ vài bath nhưng họ luôn từ chối nhận giấy bạc.
- Em này cỡ ngàn bath hết đêm hả Phương? - Mắt Phan Sinh ánh lên tia dâm dục.
- Bạn tôi không phải gái làm tiền.
- Danh giá gớm. Thật nhiều tiền vào thì đạo đức đi tong. Chín mươi phần trăm ca sĩ trong discotheque loại này là lũ bán trôn nuôi miệng.
- Ông muốn ăn tát thì cứ dí tiền rồi lôi cô ta về tàu.
- Tao với mày cược nhé - Phan Sinh rút ra bốn tờ năm trăm bath - Nếu tao mời được nó đi chơi bằng số tiến gấp bốn lần giá bình dân thì mày thua tao cái gì? Còn không tao mất hai ngàn này cho mày.
Phương mất hết bình tĩnh:
- Hạng bán miệng nuôi trôn như mày tệ hại hơn tất cả các kẻ bán trôn nuôi miệng. Tao không phải lũ sĩ diện rởm, rước Kiều về nhà ngắm và viết truyện dạy đời thiên hạ. Tao là thằng đàn ông như số đông. Cũng có khi tao cần một ả lẳng lơ. Nhưng chẳng bao giờ tao dắt tay quàng vai gái làm tiền tập thể, đi dạo buổi chiều dưới cầu tàu, để mong nó giảm giá, như mày.
- Mày chống mắt lên nhé. Nên nhớ tao nói được tiếng Lào, hao hao tiếng Thái đấy. Tao sẽ trả giá bằng tiếng mẹ đẻ của nó.
Đôi mắt trâu luộc của Phan Sinh long lên tia máu sát nhân. Hắn vuốt ngay ngắn bốn tờ năm trăm bath và bước tới cầu thang dẫn lên sân khấu. Somporn đang xuống. Hắn cầm tay nàng nhưng bị cự tuyệt. Hắn bám theo nàng một lúc rồi tiu nghỉu quay lại.
- Con đ… có khách tiêu hoang bao tháng có khác…
Không đợi Phan Sinh nói hết câu, Phương xốc tới nắm cổ áo hắn.
- Ơ…! Ơ…! Thằng mất dạy… Mày định hành hung chính ủy hả?
- Đây không phải tàu Dragon cho nên mày không phải chính ủy, cấp trên của tao. Mày là thằng ngợm bẩn thỉu nhất tao từng gặp. Tao sẽ thay mặt bạn gái tao cho mày một bài học.
Ba bốn vị giằng Phương ra nên quả đấm của anh trượt mang tai Phan Sinh. Tiền vương vãi sàn nhà. Phương cúi xuống nhặt, xé vụn rồi ném thẳng vào mặt Phan Sinh. Somporn hoảng hốt đến níu áo Phương. Mấy tay anh chị của quán xúm lại hỏi. Biết rõ nguồn cơn họ nổi điên định đánh cả nhóm khách Việt Nam. Somporn và vài cô gái khác can mãi mới yên chuyện. Mặt Phan Sinh tái xanh nhưng hắn không đủ liêm xỉ để từ chối xắp tiền năm mươi và một trăm bath Somporn đưa. Nàng vét sạch ví đền Phan Sinh số tiền Phương đã hủy.
Hợp đồng chuyên chở cho người Thái sắp kết thúc nhằm đợt nghỉ hè của Somporn. Nàng đưa Phương tới thăm phòng trọ của nàng gần đại học Chualalongkorn. Nhà Somporn ở mạn Lop Buri, cách Bangkok 300km về phía Bắc. Phương thật xúc động khi thấy Somporn treo trân trọng bốn bức sơn mài trước bàn học. Đó là bốn bức tranh hàng chợ bằng nửa tờ giấy A4 vẽ Đào, Trúc, Cúc, Mai. Mấy thủy thủ đem đi buôn bị ế, vứt lăn lóc trong kho. Phương nhặt tặng Somporn lúc họ mới biết nhau. Somporn bảo món quà này nàng rất thích và sẽ giữ mãi bên mình.
Trưa cuối cùng Somporn mạnh dạn lên tàu Phương chơi. Cả tàu trầm trồ trêu chọc. Ăn cơm xong Phương phải làm việc. Somporn nghỉ trong phòng anh. Khi Phương về căn phòng đã đổi thay. Dưới bàn tay nàng, tất cả luộm thuộm của gã đàn ông độc thân vội biến mất. Vải trải giường, gối, mền phẳng phiu. Bàn ghế, giường tủ ngăn nắp sạch sẽ.
Phương đứng lặng nhìn Somporn. Đôi mắt nói hộ anh nhiều thứ.
- Về Việt Nam với anh nhé - Phương bật thốt ra bằng tiếng Việt. Anh tin Somporn biết anh ao ước điều gì.
- ...Khọp khun… - Somporn thầm thì một lúc. Phương nghe loáng thoáng chữ cám ơn.
Họ ghì xiết nhau như muốn hãm thời gian trong vòng tay. Đến lúc tiếng loa phóng thanh truyền dọc hành lang thông báo cảnh sát biên phòng Thái Lan đang lên tàu làm thủ tục họ mới choàng tỉnh. Somporn nhón chân tặng Phương trận mưa hôn rồi quay lưng mở cửa bước ra. Anh đưa nàng tới cầu thang. Dòng Chaopraya trải rộng tới chân trời, cuồn cuộn nước triều lên.
Somporn nối bước nhóm quan chức Thái Lan đi xuống. Tới chân cầu thang, nàng giật mình như vừa bỏ quên thứ gì đó. Nàng ngước lên tìm Phương và tháo chiếc kiềng đeo cổ bằng đồng đen ném mạnh lên boong. Phương cúi nhặt. Máy tời chầm chậm rút thang. Từ giờ phút ấy, họ đã ở hai quốc gia. Phương nhìn Somporn thật lâu rồi về vị trí của mình trên buồng lái. Tàu nhổ neo, tháo dây buộc.
- Năm hồi còi ngắn - Lệnh của ông Hoa tiêu tóc bạc làm Phương giật mình. Anh dùng hết sức ấn vào nút còi bé xíu.
- Cậu làm cái quái gì vậy?- Thật tệ, Phương không rút tay khỏi công tắc, thành ra hồi còi quá dài. Hoa tiêu bực bội.
- Xin lỗi ông - Phương lúng búng trong tiếng cười của cả buồng lái.
- Anh ta đang yêu - Thuyền trưởng lên tiếng.
- Vậy sao? Với một con nhỏ leo tàu chết tiệt của xứ sở chúng tôi à. Cậu cần thử máu rồi - Tiếng cuời rộ lên lần nữa. Phương tảng lờ và cầm ống nhòm bỏ ra cánh gà. Tàu đang tách khỏi bờ.
Somporn vẫn đứng dưới cầu cảng. Chiếc bóng mảnh mai hắt lên thành phố Bangkok đang dần tím trong chiều. Tàu băng băng rẽ nước ra biển. Phương dại mồm thầm ước có trục trặc. Chẳng hạn tàu anh sẽ quệt vào chiếc khác ngược chiều. Như thế, đêm nay Phương lại được nghe Somporn thổn thức: "Em đã trao anh tất cả... Em là người đàn bà đang yêu. Em sẽ làm mọi thứ để giữ anh trong thế giới của riêng mình...!"
Đến phao số không, tàu giảm tốc độ trả hoa tiêu. Trước khi về phòng, thuyền trưởng bảo Phương: "Chớ buồn. Nghề mình còn ghé Bangkok tỉ lần nữa mà. Bây giờ thì kéo còi đi, kéo thỏa thích, tới hải phận quốc tế rồi". Phương cám ơn ông và kéo chín hồi còi thật dài.
Không ngờ mấy chục ngày sau tàu Phương bị đắm. Anh bỏ lên bờ, vĩnh viễn xa biển. Mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ, số điện thoại của Somporn cùng vài tấm hình kỷ niệm cũng không còn.
Về sau, mỗi lần bạn bè đùa vui xem chỉ tay hoặc coi tử vi cho Phương, anh hay nhớ tới Somporn khi họ phán hình như Phương có con rơi. Phương và Somporn bên nhau không nhiều, ngắn ngủi nhưng trọn vẹn. Hai giờ đêm Somporn hát ra. Bốn giờ Phương bắt đầu trực sổ nhận hàng. Chiếc giường đơn ấm áp của Somporn luôn quá rộng. Phương không dám ngủ vì sợ trễ giờ nhận ca. Đôi lúc anh chỉ muốn quên đi tất cả, muốn được ở bên Somporn mãi mãi.
Phương thích khép hờ mắt để cảm nhận ngón tay mềm mại, đôi môi dịu dàng của Somporn ve vuốt khắp khuôn mặt mình. Họ thủ thỉ với nhau biết bao điều. Nói chỉ để nói, để được nghe âm thanh của nhau. Somporn hay nhắc tới nhắc lui từ "em bé" bằng tiếng Anh và đặt tay Phương lên bụng nàng. Những nhịp thở đều đều. Qua một lớp áo, làn da vẫn còn âm ấm. Lòng Phương dâng lên tình cảm khó tả. Chắc chắn nó rất xa lạ với thú nhục thể.
Bốn năm sau Phương đáp chuyến du lịch Bangkok vài ngày, mong tìm gặp Somporn. Taxi nước đưa Phương đến đúng cầu tàu số 16. Anh lần theo lối quen. Tòa nhà trệt và sàn discotheque đã bị san phẳng. Hình như xa lộ cao tốc mới hoàn thành ăn hết bãi để xe cũ. Phần còn lại của khuôn viên rộng lớn ngày xưa mọc lên siêu thị cao tầng. Chưa hết hy vọng, Phương thuê thông dịch đi vào ngõ hẻm ngoằn ngoèo nơi Somporn từng ở. Anh chỉ có cái tên Somporn cụt ngủn nên ai cũng lắc đầu chào thua. Có thể Phương nhớ nhầm. Gần như mọi phòng trọ tạm bợ đều giống nhau.
Bangkok còn đông đúc hơn Sài Gòn, biết tìm Somporn nơi đâu. Đôi lần Phương cứ nghĩ Somporn chỉ là giấc mơ như muôn vạn giấc mơ phi thường, sản phẩm từ trí tưởng tượng hơi to tát của Phương. Chiếc kiềng bằng đồng đen là kỷ vật duy nhất Phương gìn giữ được sau trận đắm tàu. Nó sẽ bên Phương suốt đời như minh chứng về Somporn và tình cảm của nàng từng dành cho anh.
o O o
Quỳnh Như là cô gái cuối cùng chia sẻ với Phương những ngày tháng cơ hàn nhất, cho dù sự sung túc chưa quá bộ đến ngưỡng cửa ngôi nhà của anh.
Mấy công ty đầu tiên Phương làm trên bờ không hiểu sao luôn có việc cho anh ở Hà Nội. Lắm giai đoạn một tháng Phương ăn cơm Bắc đến 20 ngày. Anh tá túc tại khách sạn tư nhân. Quỳnh Như mới tốt nghiệp Khoa Kế toán Đại học Kinh tế Quốc dân. Nàng tạm làm tiếp tân trong khi chờ đợi nhờ vả, chạy chọt một vị trí phù hợp với chuyên môn của mình. Họ sẽ mãi mãi chào hỏi, trao hoặc gởi chìa khóa phòng như mọi người nếu Quỳnh Như không nảy ra nhã ý truyền cho Phương cách bớt tiền lưu trú được công ty thanh toán trực tiếp qua tài khoản khách sạn. Hôm ấy bà bếp trưởng đón Phương ở quầy tiếp tân.
- Cậu Phương này, từ nay trở đi nhà bếp xin tăng khẩu phần ăn của cậu lên hai mươi lăm ngàn. Chợ búa đắt đỏ quá.
- Cô ơi cháu còn phải nuôi mẹ già và hai em nhỏ nữa đấy - Phương biết thừa bà này chỉ vẽ chuyện.
- Đi làm cho Tây mà kiệt xỉ thế cậu.
- Trời đất! Cháu là cu li hạng ruồi thôi. Lương tháng hơn triệu. Công tác phí năm mươi ngàn một ngày, kể cả xe pháo. Phải khéo không thôi cả nhà sẽ ăn độn.
Đợi bà bếp khuất dạng Quỳnh Như mới nhỏ nhẹ:
- Sao anh không ra đầu phố ăn cho tiện. Lại rẻ nữa.
- Bẩn lắm. Bụi bặm phát khiếp.
- Anh khờ quá nên nghèo. Tiền anh ở một đêm ba mươi Mỹ. Nếu khéo cũng cứa được của Tây mười đồng.
- Bằng cách nào?
- Dãy phòng trệt có công trình phụ chung, giá mười đô thôi. Anh đổi chỗ, em trả tiền thừa. Đa số khách đến từ các cơ quan đều chắt bóp như vậy.
Y như bài bản, lần sau Phương dư ra hơn trăm bạc. Quỳnh Như từ chối chiếc phong bì ghi lời cám ơn nhưng bắt Phương khao một chầu chả cá Lã Vọng.
- Em khôn ngoan quá. Ai muốn làm chồng em phải tu mấy kiếp.
- Em không thích làm đồ trang sức. Giá trị của nó là giá trị ảo.
Món quà đầu tiên Quỳnh Như tặng Phương là bao diêm đựng đầy những cánh hoa sữa vàng ươm rụng trong đêm. Nhà nàng nằm đối diện cây hoa sữa cổ thụ mọc ở vỉa hè phố Phùng Hưng, dưới đoạn cầu dẫn cao cao nối ga Long Biên với ga Hàng Cỏ. Từ ban công hẹp tầng một, nhón chân là Quỳnh Như có thể bước lên đường ray với hai thanh tà vẹt rỉ nâu. Nàng bảo sẽ hái hoa tươi trong mùa thu tiếp theo cho Phương, dù cây vẫn còn hai ba cành đầy hoa trong tầm với của nàng. "Nếu biết tường tận Hoa sữa, ở bên cạnh Hoa sữa từ nhỏ tới lớn như em anh sẽ chán ngay thôi. Vì sao ư? Bí mật đấy". Nàng nhoẻn miệng cười rất tinh nghịch.
Không lâu sau Quỳnh Như rời khách sạn. Chuyến công tác này nối chuyến kia suốt năm trời của Phương giúp họ càng ngày càng thân thiết hơn. Quỳnh Như lông bông mấy tháng, hết hướng dẫn viên du lịch lại đóng vai quần chúng trong các pha quảng cáo truyền hình tỉnh lẻ. Cuối cùng nàng cũng nhận được chân kế toán rất vừa ý tại một liên doanh.
- Anh có tin tất cả đàn ông bao dung độ lượng đều chết hết rồi không? Bây giờ rặt sở khanh nhỏ mọn và ích kỷ.
- Em chua chát quá.
- Giống cái ngày càng sa đà cũng tại lũ đàn ông ranh ma quỷ quyệt. Chúng nặn ra những cái tổ êm ấm, an toàn bằng miệng lưỡi. Lơi tai một chút, thế là sập bẫy.
- Em đẹp như thế này thiếu gì cây si để chọn lựa.
- Em chẳng thể cầm lòng trước sự giả dối ngọt ngào nào. Có thằng ngợm còn bảo em rằng: "Vứt mẹ cái tình yêu và nước mắt cá sấu đi! Định ăn vạ hử? Đàn bà đẹp là người đàn bà nhận được lời khen tặng sau khi làm tình. Đời thằng này có mỗi một con nhưng nó đã bỏ đi lấy Tây".
Mùa thu chẳng lỡ hẹn. Hồ Thiền Quang là trái tim của Hà Nội trong những đêm se lạnh ngạt ngào hương hoa sữa.
- Hương thơm quả tế nhị, không nắm bắt được nhưng rất thật. Nó tượng trưng cho kỷ niệm và phẩm hạnh. Nó là bản chất của linh hồn. Nó nuôi dưỡng cái đẹp.
- Anh đúng là nghệ sĩ hạng bét.
Quỳnh Như giữ đúng lời hứa. Hoa sữa tươi phong kín trong chiếc hộp cứng, hai lớp giấy kiếng nhằm tránh mất mùi trên chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn khoảng hai giờ đồng hồ. Buổi tối Phương mở gói quà và đặt hoa trên đầu giường. Cành cây còn nguyên nhựa trắng. Không thể chịu nổi mùi hắc. Chuyển qua bậu cửa sổ cũng chẳng khá hơn. Tức mình Phương vứt ra đường. Đúng lúc ấy chuông điện thoại đổ dồn, giọng Quỳnh Như líu lo:
- Anh ném hoa đi rồi phải không?
- Sớm mai anh họp giao ban mà mười hai giờ khuya vẫn chưa ngủ được.
- Em nhớ anh lắm. Anh nghỉ phép vài ngày nhé.
Tờ mờ sáng. Phương không cần giả tiếng tắc kè Quỳnh Như đã mở cửa và trèo lên đường ray. Cầu Long Biên đen thẫm. Hàng đoàn xe đạp thồ nặng nề chở nông sản từ hướng Gia Lâm vào nội đô. Tiếng côn trùng bờ đê bắt đầu ngái ngủ. Họ đi bộ khoảng một phần tư chiều dài cầu. Thang sắt ọp ẹp dẫn xuống cánh đồng giữa sông.
“Anh nghe tiếng hát dòng sông tuổi thơ của em nhé”. Quỳnh Như trải trên nền cát chiếc khăn tay bằng lụa mỏng và bảo Phương áp tai xuống. Anh gạt khăn ra. Đúng là dòng sông biết hát. Bài ca bất tận, giai điệu nồng say, mênh mang diệu vợi và tột cùng nông nổi. Phương bỗng thấy nhớ biển, nhớ những con tàu, nhớ bến bờ anh sắp đặt chân đến. Anh tự hỏi bến bờ ấy có phải nơi đây? Sông Hồng của Phương thơ bé, của Phương thời sinh viên hay của Phương hôm nay vẫn là dòng sông ấy. Dẫu thêm vào hoặc bớt đi một người con gái như Quỳnh Như, tình yêu anh dành cho sông Hồng, cho Hà Nội vẫn thế và mãi mãi là thế, vĩnh cửu như định mệnh.
Sau đó họ ngồi bệt xuống cát. Hai người chẳng nhìn rõ mặt nhau. Phương đoán giọng nói của Quỳnh Như rất giống giọng mẹ mình. Nàng kể anh nghe về tuổi thơ hồn nhiên và năm tháng trẻ trung dại dột. Âm thanh tuột trôi, bồng bềnh trong màn sương mờ đục xung quanh. Phương định ngăn nàng lại, kết thúc ngôn từ vô nghĩa. Anh phân vân không hiểu mình có thể vừa ôm nàng, vừa hôn nàng và vừa thốt lên rằng anh yêu nàng như yêu một vết thương hóa thân, anh yêu nàng như yêu Hà Nội. Rốt cuộc Phương cứ ngồi yên. Anh biết khả năng mình giới hạn nhưng khát khao mong muốn thể hiện tình cảm thì vô bờ.
“Anh biết không cồn cát này còn gọi là bãi giữa. Nó chia sông Hồng làm hai nhánh là sông Cái và sông Con, do đó sông Hồng còn được gọi là Nhị Hà. Sau mỗi mùa nước bãi cồn luôn thay đổi hình dáng nhưng cát thì vẫn vậy, thơm tho mùi phù sa, sạch sẽ như ngọc trai và óng ánh tựa kim cương. Thuở nhỏ em hay xuống doi cát chơi một mình. Cô bé mảnh khảnh rất thích ngô nướng. Em nhớ mãi câu ca của một chàng nông dân thật thà, hiền hậu: “Sông Hồng sao nỡ sẻ làm đôi – Để dở dang đây một bãi bồi”.
Chiều muộn hôm ấy bố dượng về Đông Anh xin bà nội củi đun, mẹ xếp hàng mua sắn lát. Em đang nằm sấp trên cát nghe sông hát thì bị hai cánh tay hộ pháp nhấc bổng lên đem vào giữa ruộng ngô. Em cào cấu la hét nhưng vô vọng. Con thú thỏa mãn xong lủi mất. Em chạy như ma đuổi về nhà. Cúp điện tối mịt nên chẳng ai thấy áo quần em rách bươm. Em đốt mớ giẻ kia đi, tắm táp và thay bộ quần áo vải thô. Bố mẹ gần như về cùng lúc.
- Mày làm gì mà mặt mũi như mất sổ gạo thế?
- Con không việc gì đâu - Em trả lời như máy và tự hỏi sao mình dũng cảm thế.
Cả nhà xếp bằng quanh mâm cơm dưa cà. Bố dượng chun mũi mắng:
- Con gái con lứa mười ba mười bốn mà vô ý. Mẹ mày đem nó vào trong đi. Mày bắt đầu trở thành một con đàn bà dơ bẩn rồi.
Em khóc ngất, nước mắt chảy bù cả chuyện kinh hoàng ban chiều. Mẹ dỗ dành. Mấy hôm sau mẹ thấy thiếu bộ quần áo. Tưởng em hớ hênh bị trộm khều, mẹ đè xuống quật cho năm roi. Được dịp khóc thỏa thuê dù mẹ đánh rất nhẹ.
Mười bảy tuổi em mới biết mình đã bị cướp đi sự trong trắng ngàn vàng. Em chẳng buồn lâu. Giọng đàn ông tụng ca vo ve quanh tai suốt ngày. Thằng thứ nhất là phe vé ga Hàng Cỏ. Thằng thứ hai là cậu ấm lêu lổng con ngài thứ trưởng. Thằng thứ ba mang vỏ trí thức Tây du, đi xe babetta… Thằng cuối là triệu phú, chủ cái khách sạn anh ở ngày xưa. Ánh mắt anh khác hẳn chúng. Nỗi đau tinh khiết. Nỗi buồn dịu dàng. Và cả mùi ngây thơ của cỏ dại bờ đê. Em yêu anh vì thế. Tưởng chừng chuộc lại được trắng trong với nỗi nhớ anh hằng đêm".
Quỳnh Như ngả vào lòng Phương. Nàng cuộn người đón nhận nụ hôn đầu tiên của anh. Trái tim nàng ấm nồng, phập phồng dưới áo. Nàng vít đầu Phương xuống. Hai chiếc nút bật ra. Có một cái gì đó ngọt ngào và mênh mông như tình mẹ. Tất cả đàn ông trên thế gian này đều cảm giác được tái sinh, trên khuôn ngực của người phụ nữ mình thật sự thương yêu.
Mặt trời vội lên. Họ trở vào phố giữa heo may đượm mùi ngô non.
Sinh nhật hai mươi bảy tuổi của Quỳnh Như vui hơn hội. Nàng lí lắc nói cười như cô gái mới lớn. Mười giờ tối chỉ còn hai người giữa đống quà đủ màu.
- Xà phòng thơm… Dầu gội đầu… Son phấn… Không! Cái này của con bé Hồng, anh đừng mở. Cận thị đấy - Gói cuối cùng màu đen không tên. Roạt… Khuôn mặt Quỳnh Như đanh cứng - Em chẳng muốn dấu anh.
Vài ba tấm hình lõa thể chụp lén Quỳnh Như đang ngủ. Mẩu giấy nhỏ: "Như, em đừng phản bội tôi chứ. Tôi yêu em. Tôi cần em và luôn điên dại bên tấm thân của em. Tôi đang ly dị. Em sẽ là chủ nhân khách sạn… Em đừng hòng lấy được chồng, ngoài tôi. Chẳng thằng chó nào dám nhìn thẳng vào thứ này".
Vết bỏng do sáp nến chảy loang trên tay Phương bấy giờ mới rát. Anh xem qua ảnh rồi đưa trả cho Quỳnh Như.
Đêm Hà Nội mùa đông buốt lạnh tự trong lòng. Phương dúi cả nắm tiền lẻ vào tay gã xe ôm. Nói mãi gã mới chịu đi cho. Gã sợ Phương lao đầu xuống sông Hồng. Điểm giữa cầu Thăng Long cách mặt nước khoảng hai lăm mét.
- Sao em biết anh ở đây?
- Em vẫy xe đuổi theo anh.
- Anh không bao giờ chết vì tình. Anh muốn khám phá dòng sông của em. Sang sông luôn là sự kiện trọng đại của đời sống. Em an tâm chưa?
- Em đã hai lần nghe dòng sông hát cùng một bài ca. Hôm ấy em cứ ngỡ linh hồn mình đã thật sự trở về với thể xác. Thì ra mỗi linh hồn chỉ có một cuộc đời. Cái phần phù du và hữu hạn của con người, cái thân thể không thể tẩy uế này là dòng sông của linh hồn em chăng?
- Vẫn biết núi đồi, thung lũng, gềnh thác và thiên hình vạn trạng bước ngoặt tạo nên dòng sông hiền hòa dưới chân ta. Anh yêu em nghĩa là anh bất chấp lũ lụt, bất chấp sóng dữ đe dọa nhấn chìm tất cả.
- Anh chưa hiểu dòng sông này có thể tắm tưới đời anh, nuôi nấng mùa vàng màu mỡ.
Gió Bấc ù ù bên tai. Những chiếc kim nhọn hoắt đang châm vào người Phương.
- Hãy về phương nam nắng ấm với anh đi em. Vứt hết. Bỏ hết. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu, ở nơi em là người xa lạ.
- Lúc này em phải ở đây. Chẳng phải vì cha mẹ. Chẳng phải vì công việc. Em không muốn trốn chạy. Như thế em mới biết mình là ai. Em sẽ đi tìm dòng sông thánh thiện đã lạc mất trong biển đời đen bạc và sự hư hỏng của bản thân em.
- Em sẽ là nàng dâu đoan thục nhất của Sài Gòn. Như thế quá đủ rồi.
- Đám cưới chúng ta không làm lớn nhưng nên trang trọng. Anh và em sẽ cười vào mặt những kẻ tọc mạch rồi đi bộ ra bãi cát sông Hồng. Em sẽ khoác lên người màu trắng chói mắt của mây bên cửa sổ máy bay, trên đường về nhà anh.
- Anh chờ em một năm. Anh hết chịu nổi rồi. Có những ranh giới anh không thể vượt qua trong ngày một ngày hai.
Phương quay lại Sài Gòn. Anh đóng cây đinh mười lăm phân bên cạnh bản lịch để xâu những tờ lịch cũ. Năm đó không có ngày 29 tháng Hai. Được ba trăm sáu mươi bốn ngày và mười một giờ năm mươi chín phút thì Quỳnh Như đến ngồi bệt trước cánh cửa khóa trái ngôi nhà Phương thuê. Lúc ấy Phương vẫn đang dự sinh nhật bạn. Ham vui và quá chén, anh ngật ngưỡng trở về khi ngày mới đã sang với khuôn mặt và quần áo dính đầy dấu môi son. Quỳnh Như vứt vội hành lý xuống chân, say mê đón nhận sự vồ vập.
Mùi bia tươi trộn lẫn với rượu mạnh nồng nặc. Quỳnh Như xô Phương ra. Mặt mũi Phương tối xầm lại. Cái tát quá mạnh và bất ngờ. Phương ra vẻ tỉnh táo. Anh đứng yên một chỗ, lưng ưỡn thẳng, tay chắp ra đằng sau.
- Anh trưởng thành rồi Phương ạ. Mới một năm mà anh khác đi nhiều quá. Em căm thù mùi nước hoa đắt tiền của bọn vũ nữ trên cơ thể anh. Có trời mới biết trái tim anh đã đổi sang màu gì, nâu đen hay xám xịt.
- Em có quá khắt khe không?
- Anh không đứng vững trước cám dỗ tầm thường nhất, thì làm sao anh cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn khắc khoải sáng trong. Dù gì em cũng mang ơn anh. Tình yêu em dành cho anh đã cải hóa chính con người em. Em tiên liệu điều này bằng tấm vé hai chiều. Tám giờ sáng mai là chuyến hồi. Cho em trọ vài giờ. Và xin anh im lặng. Em sợ… dẫu chỉ là lời từ giã…
Cả đêm Quỳnh Như bó gối trên ghế nệm để nhìn lên trần nhà. Phương ở bên bàn viết, xoay lưng lại với nàng và hút thuốc. Mỗi mười lăm phút được điểm bởi một tiếng "tạch" nho nhỏ nhưng gẫy gọn, phát ra từ chiếc bật lửa.
Sáu giờ ba mươi Quỳnh Như ra đi, nàng thẳng thừng từ chối sự đưa tiễn. Bảy giờ Phương vào trong tắm rửa chuẩn bị ngày làm việc. Anh dầm nước hơi lâu và kỳ cọ nhiều lần. Bộ quần áo mới phẳng lì, thơm mùi vải.
Trước khi bước khỏi nhà, Phương chợt thấy vài cánh hoa Hoàng Lan rơi vãi xung quanh chỗ Quỳnh Như vừa đứng dậy. Phải chăng nàng định ướp làn hương tinh tế kia vào ngôi nhà cô quạnh của anh? Cũng có thể vui tay, nàng hái dăm ba nụ hoa từ Hà Nội bỏ vào ví tay cho thơm.
Hơn hai năm sau Phương gặp Tuyết. Đăng ký kết hôn rồi ly dị. Chẳng cần cả đám cưới. Bằng cách nào đấy sự việc cũng đến tai Quỳnh Như. Nàng gọi điện cho Phương:
- Rồi muộn phiền sẽ qua. Anh đừng suy nghĩ cực đoan anh nhé!
- Em sống ra sao?
- À Phương này, vợ chồng em định lấy tên anh đặt cho đứa con đầu lòng. Chữ Phương hợp với cả hai giới. Chắc anh không phản đối?
- ……
- Anh lúc nào cũng đáng thương hơn đáng trách Phương ạ. Con người anh không bao giờ có tình yêu bền vững cả, hay nói đúng hơn anh chỉ biết yêu chính bản thân mình. Em vẫn hy vọng tất cả những gì quanh anh, đã đèn nén và xô đẩy anh trở nên như thế, chứ đó không phải bản chất bẩm sinh của anh. Giờ đây anh cần một cuộc vượt thoát. Hãy nêu gương em và đừng tự ái.
Phương nghẹn lời. Ký ức vỡ òa mùi Hoàng Lan đằm thắm ngọt ngào. Hoa Sữa nồng nàn, xốc nổi bao nhiêu thì Hoàng Lan dịu dàng, sâu lắng bấy nhiêu. Hai nửa âm dương ấy hoà hợp tạo nên những mùa thu Hà Nội đẹp sánh Đào Nguyên. Và Phương biết, anh đã đánh mất một con người quý giá, nếu không muốn nói Quỳnh Như chính là "một nửa" duy nhất của đời anh. Từ đó trở đi, mọi cuộc kiếm tìm khác của Phương đều vô vọng, ngoại trừ giấc mơ siêu phàm về một miền cổ tích hoang hư.
Miền Cổ Tích Hoang Hư Miền Cổ Tích Hoang Hư - Trương Thái Du