A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 55
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
êm đầu tiên ở Chợ Mới, ban Đồng Ấu thu hút rất đông khán giả. Cái rạp nhỏ bé không còn chỗ ngồi. Khán giả phải đứng hết xuất hát. Hai cái tên Năm Chiêu, Văn Nghị vẫn còn nguyên tính chất thiêng liêng của những người ái mộ cải lương xa Sàigòn. Nhiều người biết tiếng nghệ sĩ Năm Chiêu, Văn Nghị tự mấy chục năm nhưng chưa tận mắt nhìn con người bằng xương thịt của hai ông. Họ mua vé để chiêm ngưỡng hai ông hơn là coi tuồng của ban Đồng Ấu.
Nhưng ban Đồng Ấu đã không làm cho khán giả thất vọng. Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt nghệ sĩ Năm Chiẻu rạng rỡ. Ông đứng đằng sau tấm màn cánh gà, vừa nhắc tuồng vừa rơi nước mắt. Những tiếng vỗ tay như pháo nổ mùa xuân cuối cùng của cuộc đời nghệ sĩ Năm Chiêu và ông Nghị. Dưới ánh đèn "măng sông" sân khấu khởi sắc, rực rỡ cơ hồ sân khấu dưới những ánh đèn màu. Tôi đã vui lây niềm vui của ông Nghị. Ông xoa đầu tôi: "Rồi có ngày 'goa' đưa con về Sàigòn!"
Sau xuất hát tuyệt diệu đó, nghệ sĩ Năm Chiêu dẫn toàn ban đi ăn cháo vịt.
- Mày khoái không hả, thằng Bằc kỳ?
Ông Nghị âu yếm hỏi tôi. Ba tiếng "thằng Bắc kỳ" thân mật đã lọt vào tai tụi lỏi. Chúng nó ranh mãnh nhìn tôi. Con Kiều Thu nheo mắt:
- Thầy Nghị hỏi mầy kìa thằng Bắc kỳ.
Tôi ngó ông Nghị:
- Thưa thầy, khoái cái gì ạ?
Ông Nghị chỉ tô cháo nóng hổi:
- Cháo "dịt".
Con Kiều Thu hớt lẻo:
- Thằng Bắc kỳ đâu có ăn cháo "dịt" nó khoái ăn cháo... vịt thầy à...
Con bé nói tiếng "vịt" thật vất vả. Mà vẫn không đúng. Ông Nghị cười. Nghệ sĩ Năm Chiêu cũng cười. Tụi lỏi thì khỏi kể. Tôi trả miếng con Kiều Thu:
- Thưa thầy, con khoái ăn cháo "dịt".
- Kỳ vậy?
- Tại ông nội tôi tên là... Vịt
Nghệ sĩ Năm Chiêu đang húp cháo. Nghe tôi nói vây, ông buông muỗng cười sặc sụa. Cơn cười qua đi, ông bảo tôi:
- Mày làm hề được đó.
Thằng Văn Hội, kép mùi của ban Đồng Ấu, đề nghị với nghệ sĩ Năm Chiêu:
- Thầy đặt cho nó một cái tên đi.
Nghệ sĩ Năm Chiêu xua tay:
- Khỏi cần đặt, nó là hề... Bắc Kỳ. Hề Bắc Kỳ, chìa khóa mở kho cười vô tận của ban Đồng Ấu.
Tụi lỏi reo ầm lên. Tôi xấu hổ, tai nóng ran. Ông Nghị lại phải vỗ vai tôi, an ủi:
- Thầy ngày xưa đã từng làm hề con ạ! Thế giới có hàng ngàn triệu con người nhưng chỉ có vài trăm người biết chọc cười thiên hạ. Trong vài trăm anh hề đó, loài người sẽ nhớ mãi tên tuổi hai anh thôi. Đó là hề Charlot và hề Fernandel. Con cố gắng để đời cái tên hề Bắc kỳ, thầy nghĩ không còn gì hiển hách hơn.
Tụi lỏi chăm chú nghe. Tôi thấy đôi mắt của Liên Hương, đào chánh của ban Đồng Ấu, con gái yêu dấu của nghệ sĩ Năm Chiêu mở rộng. Đôi mắt Liên Hương vốn đã tròn, to. Khi đã mở căng để nhìn một cái gì tường tận, mắt nó tròn hơn, to hơn, và đẹp vô vàn. Con Liên Hương chưa hề trêu ghẹo tôi. Khác hẳn con đào lẳng Kiều Thu đã nhiều lần làm tôi phát cáu.
Liên Hương nhu mì, hiền hậu. Nó bằng tuổi tôi, Con gái bằng tuổi con trai thì, ít ra, nó cũng khôn hơn tôi năm tuổi. Hễ có dịp, Liên Hương nhìn tôi, luôn luôn có cái nhìn với đôi mắt của chị nhìn em. Đôi mắt nó mở rộng như thu nhận tất cả nỗi niềm em nó muốn nói. Đôi mắt Liên Hương đang nhìn tôi. Nó mỉm cười. Hai đồng tiền trên má của nó lũm sâu, duyên dáng đáo để.
Nghệ sĩ Năm Chiêu có vẻ không ưa tôi. Sau này tôi mới biết cái nguyên do tại sao nghệ sĩ Năm Chiêu ít cảm tình với tôi. Ổng bị một cô đào Bắc kỳ phản bội. Kẻ tình địch của ông là một kép hát Bắc kỳ. Chuyện này xảy ra tại Hà Nội vào những năm vàng son của cải lương Nam kỳ ở đất Bắc. Người ta đã ghen ghét, kèn cựa tài năng và sự ngưỡng mộ của ông. Khi một vì sao từ phương trời xa lạ xẹt tới một vùng trời mới và sáng rực làm mờ các vì sao cũ, tất nhiên, những vì sao cũ phải sinh lòng đố kỵ. Nhưng nghệ thuật bất cần đố kỵ. Đã gọi là nhân tài thì càng bị đố kỵ, nhân tài càng sáng giá. Nghệ sĩ Năm Chiêu vẫn chinh phục con tim khán giả Bắc kỳ. Đồng nghiệp của ông cay cú, toa rập với nhau, bắn mũi tên tẩm thuốc độc vào tình yêu của ông. Ông bị ái tình đánh ngã. Cuộc đời một nghệ sĩ là tạo sự nghiệp dâng tình ái. Mất ái tình, nghệ sĩ Năm Chiêu chán nản. Ông vĩnh biệt đất Bắc kỳ và vĩnh biệt luôn mối thiện cảm của ông với người Bắc.
Nghe ông Nghị khuyến khích tôi, nghệ sĩ Năm Chiêu cười nửa miệng:
- Sân khấu mình nhỏ quá, chắc không có chỗ chứa nhân tài cỡ Charlot như thằng Bắc kỳ của "toa" đâu, Văn Nghị ạ
Tôi bắt đầu khó chịu hai tiếng "Bắc kỳ". Ngoài ông Nghị, tôi không thích ai gọi tôi là thằng Bắc kỳ, kể cả nghệ sĩ Năm Chiêu. Ông Nghị gọi tôi ba tiếng "thằng Bắc kỳ" với tất cả tấm lòng trìu mến của ông. Chứ, nghệ sĩ Năm Chiêu thì mỉa mai, ghét bỏ. Thằng lỏi Văn Hội hùa theo thầy nó:
- Vậy là mầy không được làm hề rồi thằng Bắc kỳ ạ.
Tôi bóp chặt hai bàn tay. Đã cố mím môi, nhưng sự tức tối vẫn buột khỏi miệng:
- Tên tao không phải là Bắc kỳ.
Ông Nghị xoa đầu tôi:
- Tụi nó rỡn chơi mà, con...
Nghệ sĩ Năm Chiêu ngậm "píp", lẩu bẩu:
- Mầy tên chi?
Tôi ngó thằng Văn Hội trừng trừng:
- Cháu tên là Vũ. Thưa ông, cháu là Vũ, cháu không xin theo ai cả. Tuy cháu mồ côi nhưng cháu biết kiếm ăn một mình...
Nước mắt tôi ứa ra. Ông Nghị rút khăn thấm mắt tôi:
- Can đảm lên nào, can đảm lên nào, thằng Bắc kỳ của thầy.
Con Liên Hương, bây giờ, mới nói:
- Tội nghiệp nó, ba đừng chọc nó nữa.
Nghệ sĩ Năm Chiêu nhả khói thuốc, ông gật gù:
- Thằng hề này khoái làm khán giả cảm động đây...
Tụi lỏi, hình như, nể con Liên Hương, không đứa nào đả động tới tôi nữa. Quán cháo về khuya thật đìu hiu. Dưới ngọn đèn khí đá, tôi vừa nhìn rõ ý nghĩ của Liên Hương và ngửi được mùi thơm từ mái tóc nó tỏa ra.
Đêm ấy, ông Nghị nằm bên tôi. Ông luồn cánh tay gầy của ông dưới gáy tôi. Im lặng. Tôi không nhúc nhích, làm như mình đã ngủ. Ông Nghị đặt bàn tay lên ngực tôi. Trái tim tôi rộn ràng.
- Con chưa ngủ à?
- Vâng. Mà sao thầy biết con chưa ngủ?
- Tim mầy đập thình thịch, ngủ cái gì.
Ông Nghị rờ rẫm mặt tôi. Ông trách móc:
- Lại khóc rồi.
Tôi chẳng cần giấu xúc động, òa lên nức nở.
- Mai thầy cho con về Sàigon.
Ông Nghị để tôi khóc chán chê. Khi tôi bớt nức nở, ông khẽ nói:
- Con sẽ về Sàigon.
Trong bóng tối, tôi không nhìn được bộ mặt khắc khổ của ông Nghị. Tôi chỉ có thể đoán rằng bộ mặt khắc khổ của người cha nuôi Nam kỳ của tôi hiền lành hơn cả bao giờ. Chả biết ý nghĩ của tôi có đúng không. Chứ, hễ thương yêu một người nào, khi gần gũi hay nghĩ tới người đó, dù đang giận cũng sẽ biến đi và lòng mình dịu lại. Ông Nghị thấm nước mắt cho tôi:
- Con trai không nên phung phí nước mắt. Ngày nào đó con sẽ khóc lớn, khóc nỗi đau thương của loài người...
Ông Nghị triết lý về tiếng khóc, về những giọt nước mắt. Với tôi, ông hay dài dòng. Rồi vì dài dòng, ông Nghị thường nói để một mình ông hiểu những ý tưởng của ông.
- Mày chưa khổ bằng thằng Đề-vít Cóp-pơ-phin đâu, thằng Bắc kỳ ạ! Không cực khổ, chẳng khi nào nên người. Những thanh kiếm quý trên đời, đều là những thanh kiếm được tôi luyện từ công phu. Con phải biết rằng, một người muốn khác hẳn những người khác, nó phải nghiến răng chịu nhục, phải can đảm dẫm lên chông gai của nghịch cảnh. Trái chín hoang có giá trị hơn trái chín cây ở chỗ đó. Nếu con không hãnh diện chấp nhận sự tủi cực, con sẽ thấy giống những người khác. Và thầy bằng lòng cho con về Sàigon.
- Ông Năm Chiêu ghét bỏ con....
- Ông ấy ví như cuộc đời. Cuộc đời càng hắt hủi con bao nhiêu, càng giúp con phấn đấu hăng say bấy nhiêu. Mai này con sẽ hiểu, nhờ cuộc đời ghét bỏ con mà tâm hồn con rộng rãi, trang trải. Một người khác những người khác là người biết thương xót cuộc đời dẫu cuộc đời có hắt hủi mình. Như thế mới tách rời đám đông, vươn lên cao, đi xe được, con nghe chưa?
Tôi nghe rồi. Tiếng nấc của tôi chết lịm tự lúc nào. Ông Nghị dùng cánh tay gầy yếu của ông làm gối cho tôi?
- Con còn muốn về Sàigon không?
- Không, thầy ạ
- Muốn nhiều nghe con, nhưng không về hôm nay. Chỗ của con không ở gánh hát sập sùi này.
Ông Nghị nhéo tôi một cái:
- Vì mầy có đôi mắt sáng rực như đôi mắt Đồ Phồn, thằng Bắc kỳ ạ! Tao thích đứa nào có đôi mắt sáng rực.. Đôi mắt của mày sẽ nhìn rõ trái tim của cuộc đời, con ơi! Thầy hy vọng ở con nhiều.
Cái tên Đồ Phồn ám ảnh tôi từ đêm đó. Tôi nuốt nước mắt của tôi. Nó ngọt ngào làm sao. Ông Nghị đã rút cánh tay khỏi gáy tôi:
- Thầy biết con có tài làm hề. Năm Chiêu nói đúng, sân khấu của hắn nhỏ quá, không chứa nổi tài hề của con.
Tôi tìm bàn tay ông Nghị, nắm thật chặt:
- Ông ấy mỉa mai con.
Ông Nghị cười khẽ:
- Ngày xưa, người ta mỉa mai tao khi tao ngỏ ý viết tuồng. Thế rồi, tao cứ viết tuồng hay hơn mọi người. Để cho thiên hạ mỉa mai mình đi con, chúng nó khích lệ con đó.
Ông Nghị gỡ tay tôi ra.
- Bây giờ ngủ đi, thằng Bắc kỳ. Thầy sẽ gửi mua cho con cuốn "Vô gia đình" của Hector Malot. Thầy hỏi rồi, có bản dịch chữ Việt của Hà Mai Anh. Con đọc cuốn này sẽ say mê. Rán học chữ Pháp thật khá, thầy mua tặng con cuốn "Histoire d'un enfant" của Alphonse Daudet. Ái chà, chuyện thằng "Petit chose" sẽ làm mày thương nó...
Ông Nghị đắp chiếc mền mỏng lên người tôi. Tôi đã ngủ đi nhờ những lời ru của ông Nghị. Và nhờ những lời ru, những điệu hò xa vắng, thiết tha của người cha nuôi Nam kỳ, trong giấc ngủ của tôi chập chờn biết bao mộng mị. Ông Nghị là kẻ duy nhất trên đời đã để phần cơm cho đứa trẻ đi hoang.
Sáng sau, tôi dậy sớm, ra sông bơi lội, trong khi tụi lỏi vẫn ngủ mê mệt. Lúc tôi ở sông về, ngọn đèn dầu lạc đã thắp và hậu trường sân khấu quận lỵ đã phảng phất khói thuốc phiện. Tụi lỏi còn ngáy đều đều. Nghệ sĩ Năm Chiêu và ông Nghị nằm bên bàn đèn. Tôi quên chưa kể ban Đồng Ấu có một người đàn bà. Bà này trước kia là đào hát không tiếng tăm. Bà gia nhập ban Đồng Ấu để lo tài chánh cho gánh. Tôi đã thấy bà tháo chiếc vòng vàng cuối cùng ở Long Xuyên, bán đi lấy tiền di chuyển gánh hát sang Chợ Mới. Bà là người yêu của nghệ sĩ, nên đêm thì bà chung chiếu với nghệ sĩ Năm Chiêu, đêm thì chung mền với ông Nghị. Bà ta không chú ý đến tôi. Họa hoằn, bà ta mới sai tôi đi mua gói thuốc "Ách Chuồn". Tụi lỏi kêu bà là má Bảy. Tôi không rõ tên thật của bà. Bà Bảy cũng hút thuốc phiện nhưng bà hút... tài tử. Bà nằm bàn đèn để tiêm thuốc, bày tỏ sự ngưỡng mộ hai con voi già cải lương hơn là "chơi" thuốc phiện.
Thấy tôi lù lù xuất hiện, bà Bảy búng tay:
- Ê nhỏ, ngoài chợ bán thuốc điếu chưa?
Tôi đáp:
- Dạ, rồi ạ
Nghệ sĩ Năm Chiêu bảo tôi:
- Mày nấu cho thầy Nghị ấm nước, pha trà rồi đi đâu hãy đi.
Ông Nghị hỏi tôi:
- Sao con dậy sớm thế?
Tôi ngó tụi lỏi, đứa thì cựa quậy, đứa thì gãi soàn soạt, lễ phép thưa:
- Thầy dạy một người muốn khác...
Ông Nghị cắt đứt lời nói của tôi ngay:
- Hay quá ta.... Thôi, con đi nấu nước pha trà giùm thầy.
Ông Nghị nói lớn nên tụi lỏi tỉnh hết. Thằng Văn Hội ngồi nhỏm dậy, ngáp dài. Nhận ra tôi, nó bắt đầu trêu chọc.
- Đêm qua tao ngủ hổng nổi.
Con Kiều Thu đưa đà:
- Sao vậy?
- Tại con cắc-kè nó kêu dữ quá.
Thằng lỏi Văn Hội nói lớn, cố tình đánh thức cả bọn dậy. Tôi biết nó sắp sửa giở trò mới. Ông Nghị đã bảo tôi, nghệ sĩ Năm Chiêu ví như cuộc đời. Tụi lỏi cải lương này cũng ví như cuộc đời chăng? Tôi lờ chuyện thằng Văn Hội, lầm lũi ra một xó, nhóm bếp dầu lửa đun nước. Tôi ngồi xuống, nhìn ngọn lửa vàng khè, yếu đuối, nghĩ rằng, ngọn lửa này lâu lắm mới làm ấm nước sôi. Lại liên tưởng tới thân phận mình. Tôi thấy tôi chẳng khác chi ngọn lửa vừa nhóm. Nhưng ngọn lửa đổi màu dần. Bây giờ nó xanh giống màu nước biển dưới ánh nắng rực rỡ. Tiếng lửa phừng phực réo, thôi thúc tôi một nỗi niềm... Tôi không biết nỗi niềm gì. Có thể là sự "ở chỗ khác"mà ông Nghị mong muốn cho tương lai tôi.
- Con cắc-kè nó kêu thế nào hả, mầy?
- Nó kêu "cắc-kè, cắc-kè, cắc-kè"....
- Rồi nó làm sao nữa chứ?
- À, nó "cặp bồ" với thằng Vũ, nó kêu điệu... cò lả.
- Mày bắt chước coi.
- Mẹ, nó kêu "Bát kỳ, bát kỳ, bát kỳ..."
Tụi lỏi phá ra cười. Tiếng cười của con Kiều Thu the thé, nghe dễ ghét lạ lùng. Thằng Văn Hội khoái chí. Tôi nhớ những lời ông Nghị dạy bảo đêm qua. Nhưng vẫn ấm ức thế nào ấy. Ngọn lửa xanh đã làm nước reo. Rồi nước sôi. Tôi muốn coi tụi lỏi như ngọn lửa xanh và tương lai mình như ấm nước đầy. Tắt bếp đi, tôi xách ấm nước, pha trà cho ông Nghị và nghệ sĩ Năm Chiêu. Bà Bảy sai tôi mua thuốc lá. Tôi đi ngay. Tụi lỏi tưởng tôi chưa được nghe chuyện cắc-kè kêu của thằng Văn Hội, chặn tôi lại.
- Nè Vũ, đêm qua mầy ngủ ngon, hen?
- Ừa.
- Vậy là mầy không được nghe con cắc-kè nó kêu, hả?
- Ừa.
- Mầy biết con cắc-kè không đã?
- Biết chứ.
- Nó thế nào, hả mầy?
- Nó giống con chó.
Tụi lỏi cười sặc sụa. Con Kiều Thu vỗ tay bôm bốp.
- Hay quá ta! Thằng Vũ biết nó biết con cắc-kè rồi. "Kỳ-nhông là ông kỳ-đà. Kỳ-đà là cha cắc-ké. Cắc-ké là mẹ kỳ-nhông". Thằng Vũ là...
Con Kiều Thu định nói: "Thắng Vũ là con cắc-kè". Nó ngừng ngang xương, ngó tôi:
- Cắc-kè kêu giống chó sủa không?
Tôi đáp:
- Khác
Tụi lỏi trố mắt nhìn tôi, hỏi Văn Hội:
- Nó kêu "điệu" gì hả Hội?
Thằng Hội vươn vai:
- Nó kêu "Bát kỳ, bát kỳ, bát kỳ"...
Tôi lắc đầu:
- Con cắc-kè của tao kêu lạ lắm.
- Nó kêu ra sao?
- Nó vẫy đuôi trêu thằng Hội và kêu "Bố mày, bố mày, bố mày....". Con cắc-kè của tao giống thằng Hội không tả nổi. Nó hay sủa láo lếu...
Tôi bỏ đi. Thằng Văn Hội đứng dậy, chạy ra chắn lối:
- Mày vừa nói chi, thằng Bắc kỳ?
Tôi thủ thế:
- Tao bảo mày giống con cắc-kè.
- Ông úynh mày bể đầu à...
- Thật không?
- Thiệt, ông đâu ngán dân Bắc kỳ
- Rồi, chiều nay choảng nhau ở bờ sông. Bây giờ để tao đi mua thuốc lá cho má Bảy.
Tụi lỏi reo hò ầm ỹ. Chiều nay chúng nó sẽ được xem thằng Văn Hội "thịt" tôi.
Hình như, ông Nghị biết hết chuyện đã xảy ra. Nhưng ông không nói năng gì. Lúc ấy con Liên Hương còn ngủ say.
Tôi ra khỏi rạp hát, suy nghĩ nhiều về câu nói của ông Nghị. Một người không giống những người khác.... Tôi sẽ không giống Văn Hội. Chiều nay, tôi phải cho nó biết, cho cả tụi lỏi biết, tôi không giống nó, không giống chúng nó.
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu