To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1142 / 19
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P II - Chương 11 -
uổi tối sau bữa ăn, Vũ nằm kềnh trên phản đánh một giấc cho đến sáng hôm sau không biết trời trăng là nữa, cho đến khi nắng hè ban mai bắt đầu gắt. Vũ mở mắt tỉnh dậy vẫn nằm nguyên và bâng khuâng. Quá khứ một nghề nghiệp và hiện tại nơi đây dường như không có gì ăn nhập với nhau cả. Nằm ngắm những xà nhà gỗ dọc ngang có chỗ đánh dấu ngày tháng bằng phấn trắng đã bắt đầu cũ ngả vàng; mạng nhện đã lâu ngày kết với bồ hóng tạo thành những dải băng đen toả xuống. Một con tò vò bay chập choạng rồi lăn xả vào lưới tơ nhện, chọc thủng màng lưới rồi vùng vẫy bay ra. Vũ nhớ tới những buổi trưa ở Đại học xá, mới ngủ dậy, nhìn lên trần nhà kẻ ô đều đặn, lớp vôi trắng đã cũ đầy những vết mưa dột vàng úa đến buồn nản. Chàng nghĩ đến cảnh tượng lúc trở về và chính Vũ cũng ngạc nhiên về một cảm giác dửng dưng đến thế. Chàng có cảm tưởng trong sự xa lạ nơi đây, chàng đã thấy một niềm tin yêu với ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn. Chính lúc này chàng thấy mình có thể từ bỏ dễ dãi một cuộc đời sa hoa thừa thãi sắp tới để sống trong sự thanh đạm đơn giản với ý nghĩa của lòng tin cậy. Chàng nghĩ tới một cái chết, một lẽ sống khó khăn vừa qua, ý nghĩa của một cuộc trở về, chàng không ao ước gì hơn là được sống cho và sống với người khác. Cho tới lúc này, mọi người thân đều tin là chàng đã chết - một cái chết thật hiển nhiên và khó tránh, câu chuyện rồi cũng đi mau vào quên lãng. Chàng nảy ra ý tưởng sẽ sống lại đây trong ít lâu trong cảm nghĩ khác lạ đã chết đi đối với kẻ khác. Bên ngoài ánh nắng chói chang tịnh không một tiếng chim kêu. Căn nhà cô lập giữa một vườn cây rộng phía sâu trong xóm. Mái tranh thấp chắn bớt nhiều khoảng sáng bên ngoài. Thấp thoáng bóng một người con gái đi qua hiên rồi rẽ vào gian nhà sau mất hút. Chàng trở dậy ngáp và vươn vai. Cử chỉ tự nhiên đó làm Vũ thấy dễ chịu và quen thuộc. Nền đất khô ráo và mát rượi dưới chân, chàng bước ra sân và đi về phía giếng nước. Những viên gạch đỏ đã mòn nhẵn gài thẳng hàng trên lối đi. Thửa vườn nhà đủ thứ cây ăn trái. Cạnh bờ giếng một cây mít mới lớn nhưng đã mang trên thân những quả to nặng trĩu. Chừng có trái mít nào đó đã chín toả hương thơm mùi mật đến khao khát. Phía trong một bụi chuối xum xuê, lá rách nát, trĩu xuống một buồng nặng như muốn kéo đổ cả thân cây; rải rác vài luống rau thơm, mấy bụi xả, vài cây ớt sai quả và chín đỏ.
Chàng kễn chân kéo chiếc gầu gỗ thả chúi xuống giếng. Bờ giếng xây toàn bằng thứ đá tổ ong xỉn màu rỉ sắt. Nước từ những khe đá phía dưới mát rượi nhỉ ra và rỏ xuống mặt nước lách tách. Rửa mặt xong chàng thủng thỉnh bước ra xóm, dáng an nhàn và bỡ ngỡ. Chàng tìm tới một tiệm hớt tóc và thư thái ngồi xuống ghế. Ai cũng nhìn chàng với vẻ xa lạ và lạnh nhạt. Vũ chợt nhìn bóng mình trong gương lờm chờm những râu cứng, nước da xanh tái, vẻ mặt khờ khạo đến buồn cười. Ông già đạo mạo với cặp kính lão trên sống mũi, nhỏm môi bảo đùa:
“Dáng chừng thầy dưỡng tóc để búi tó?”
Chàng cuời vui vẻ:
“Không có đâu, lâu quá không hớt tóc với cạo râu, bác cứ cắt như thường cho.”
Không đợi Vũ nói xong, ông đưa mấy ngón tay gầy khô sờ lên vành tai chàng, rồi bật cười qua cặp kính lão:
“Không khéo hớt thì đến cắt vô tai mất thôi... À này mà tôi hỏi thày, có phải thày là người được thằng Tư Nên dẫn về hồi hôm đó không?”
“Dạ...”
“Trời làm răng đi săn mà đến nỗi rứa! Thiệt là may đức cho thày lắm nghe, rừng ở đây lắm thú dữ mà thoát, thiệt là cũng phúc đức lắm vậy đó!”
Ông ngừng nói chăm chú mở chiếc hộp nhựa, lấy ra quả bông phấn trậm vào hai bên má, thái dương, vào gáy chàng. Bụi phấn trắng bay nhẹ trong không khí thoảng mùi thơm. Vừa đặt quả bông xuống, cầm kéo trên tay, ông vừa tỉa tóc vừa nói:
“Nhưng được cái từ hồi đánh nhau súng đạn nổ quá thú rừng cũng ít hẳn đi.”
Vũ thở phào một cái nhẹ nhõm như vừa trút được nỗi e sợ đè nén. Cặp kính lão dường như không đủ sức trợ giúp tuổi già nua, ông cúi sát gần chàng mỗi lần nói, chàng cảm thấy rõ hơi thở ướt thổi buồn một bên má:
“Tôi nói là cái thuở trước tê, trời thú săn sao mà nhiều quá vậy không biết nữa...”
Từ nãy, mấy người đàn ông ngồi chơi cờ tướng bên góc đang ngừng tay bàn tán. Họ đang nói về một chuyện gì đó có liên quan đến Tư Nên vì chàng nghe họ nhắc luôn tới tên đó và một tên Vạn nào khác.
Ông lão hớt tóc bỏ lửng câu chuyện muông thú đang nói với khách, ông quay sang bọn kia nói xen kẽ:
“Trời tao ngại cho thằng Tư quá, không khéo lại cũng như thằng Ba Sinh thôi.”
Tiếng một người khác phía sau phụ hoạ:
“Tôi cũng lo dzậy mà thằng Tư thì bướng lắm, hắn thì chịu nghe ai...”
Ông lão lên giọng phân bua:
“Này tao nghĩ dzậy các chú mày coi có được không! Không chi tao cũng sống nhiều hơn các chú. Làm chi cũng phải tuỳ lúc, có phải không? Thân mình là quý, muốn chi thì cũng phải sống cái đã. Đó tao bảo dzậy mà thằng Tư không nghe.”
“Nguyên là thằng Vạn và anh Tư có thù với nhau, chả là chuyện thằng Vạn thì mê chị Tư, chị không ưng hắn mà lại lấy anh Tư nên chi hắn có nói: hắn mà còn sống thì anh Tư không có yên được với hắn.”
Ông lão đồng ý gật gù, tay vung vẩy lưỡi kéo dứt theo những sợi tóc trên thái dương khiến Vũ đau nhói đến nhăn mặt, ông lão bình thản tiếp:
“À chú mày có nhắc tao mới nhớ ra. Đó là chuyện khi xưa rồi, nhưng chắc cũng chỉ một phần thôi. Từ ngày thằng Vạn vô Đảng thì trong vùng ai mà không ngán nó. Chứ tao hỏi ai giết rồi vứt xác thằng Ba Sinh vô bụi?”
Một người khác tiếng nói như chim chặn giọng ông lão hỏi:
“Sao bác biết là thằng Ba Sinh bị thằng Vạn giết? Biết thế sao không ai dám làm chi nó? Chuyện bác thật hổng tin được...”
Ông lão bực tức đứng thẳng người, đưa tay dí kéo vào mặt anh kia gắt:
“Mày ngu lắm, không biết thì để tao nói cho mà nghe. Trước đó thằng Vạn có ép thằng Ba làm cái chi đó, ghê gớm lắm, mà nó không nghe. Thằng Vạn bắt nó giữ kín câu chuyện nếu không hắn sẽ giết. Doạ mãi thằng Ba Sinh cũng đổ liều, kêu sẽ nói toạc ra hết. Chính nó có nói với tao như dzậy. Nhưng đến hôm sau không thấy nó đâu, rồi thằng Tư bắt gặp xác nó ở bìa rừng trong bụi rậm, đầu gần lìa cổ, đúng là thằng Vạn nó giết chớ còn ai nữa?”
Gã nói giọng chim yên lặng rồi cười nhạt xuề xoà:
“À, bác không nói thì tôi đâu có biết, có thế chứ...”
Ông lão được thể mắng tới:
“Mày im để tao nói cho mà nghe. Chuyện thằng Tư Nên cũng dzậy, nhưng khác cái là thằng Tư cũng gớm lắm nên thằng Vạn cũng ngán chưa dám ngo ngoe chi. Hôm trước thằng Vạn có dẫn mấy thằng lạ nữa về làng, nó tới hống hách làm như chỗ không người dzậy đó. Tao giận quá sức đi mà vẫn cố im. Mình đáng tuổi cha nó chớ không đâu. Nhưng thôi cái chi thì cũng phải tuỳ thời, nó thì có bè có lũ lại có dao có súng, gây làm chi cho nguy...”
Chừng như cơn tức giận đang lên, ông nói to một hơi dài đến hụt hơi, ông phải hức lên một cái rồi tiếp:
“Nhưng nếu để dzậy thì cũng ức quá đi! Trai làng mình cũng lắm chứ không đâu. Nghĩ lại tao cũng phục thằng Tư Nên, thằng mô mà cũng cứng như hắn thì một thằng Vạn chứ mấy thằng Vạn đi nữa đã làm chi... Chứ mà cứ sợ với nhát như tụi bay thì có ngày, có ngày nó... nó...”
Mấy người kia có vẻ ngượng nên ngồi im. Chừng ông lão cũng biết xúc phạm nữa tới bọn trẻ cũng vô ích, nên câu chuyện bị bỏ rơi, ông nói sẵng giọng dửng dưng:
“Thôi được mà cứ chờ coi sao! Chứ bộ thằng Vạn đã chắc gì ăn được thằng Tư... Chứ nghĩ lại tao thấy mình khuyên nó cũng kỳ, không dưng sợ một thằng vô hậu ở đâu đến nỗi phải dắt vợ dắt con trốn đi, như vậy ức lắm chứ chịu sao nổi...”
Mải nghe chuyện Vũ quay nhìn mặt mình trong gương thấy quá đổi khác. Mặt gầy và xanh đi. Nước da lại càng xanh hơn vì hàm râu quai nón chưa được cạo sát. Ông lão vừa cạo mặt cho khách vừa tranh luận huyên thuyên. Ý nghĩ ông lúc nào cũng có vẻ nóng nảy bất chợt. Mỗi lần tỏ vẻ hứng khởi thì bàn tay ông trên trán khách lại hất lên, xô đầu chàng giật về phía sau. Cứ phải lắc lư mãi với hai bàn tay mang nặng những ý nghĩ nông nổi, Vũ bắt đầu mất kiên nhẫn và thấy bực dọc. Nỗi bực tức mới nhen nhóm chưa được thành hình thì bàn tay lại chợt im đi, chỉ tạo nên cảm giác lưng chừng nhưng không giữ lâu được sự dửng dưng như thế mãi. Vũ đang mải nghĩ chuyện Tư Nên với tên Vạn nào đó và không ngờ rằng giữa chốn xóm huyện yên tĩnh như đây vẫn rập rình đầy rẫy những thù hằn đe doạ. Khi xưa là nạn cường hào hống hách, đến nay lại phải chịu sự thù hằn cuồng bạo của thiểu số vô lương. Chàng miên man với ý nghĩ rằng mai đây Tư Nên có thể chết, chết vô tội và thê thảm như Ba Sinh để rồi làm được gì hơn khi chính người ta trông trước cái chết đó: ở đâu cũng có sự vật lộn tàn bạo. Cảm giác yên ổn về một đời sống êm đềm và lương thiện ở đồng quê cũng chỉ là ảo tưởng, liệu có thể làm gì được hơn...
Buổi chiều giữa trời còn nắng và nóng gắt, trong làng có cuộc đá banh giữa hai quận. Cầu trường chỉ là một thửa ruộng khô ráo được tu sửa bằng phẳng với hai cột gôn đơn sơ. Ở đây không có hàng rừng màu sắc của áo tơi và ô che, không có sự phân biệt khán giả danh dự với bình dân cũng không có cả tiếng cổ võ la hét đến vỡ cả cầu trường như mỗi khi đoàn cầu quốc tế mới đến. Nhưng chiều hôm đó Vũ cũng chen vào rìa sân, tung nón la hét hăng say cho một trận cầu mà lẽ ra không bằng một trận đá dạo mở màn. Lách giữa đám đông gồm những người xa lạ, chất phác từ tiếng nói cho đến những cử chỉ đơn sơ; mùi hơi người hấp nóng và nồng nặc, lúc này chàng mới có cảm tưởng thoát nạn thật sự; một giai đoạn lạc lõng bơ vơ vừa qua đi. Ý nghĩ vụt tới chắc chắn mình đã thoát chết, cảm giác vui sướng rõ rệt và hiển nhiên quá khiến chính Vũ không tin và đâm nghi ngờ về sự sống mong manh trong lúc này, chàng chỉ ý thức được rằng khoảng trống rỗng bấy lâu vừa được lấp kín quá nhanh và đột ngột đến ngất ngây khiến chàng không tin là có thật.
*
Lẽ ra mình đừng để hắn chết - sự có mặt của Vạn là một điều đe doạ khó chịu nhưng không đến nỗi hắn phải chuốc lấy một cái chết như thế. Vũ đương băn khoăn về tội lỗi như chính mình vừa phạm phải. Mồ hôi ướt đẫm lưng, rỏ giọt trên thái dương và trên trán. Chàng chớp chớp mắt, những giọt mồ hôi nhỏ đọng trên mi vỡ ra chan hoà vào mắt đến nhức nhối, chói loà khiến Vũ không thấy gì nữa. Vật gì trước mắt cũng như nhìn qua một màng lưới trắng đục. Mọi biến cố xảy ra nhanh quá khiến chàng không tưởng tượng rằng có thật. Tư Nên và Vạn cãi nhau xô xát ở tiệm hớt tóc. Mọi người có mặt chỉ tròn xoe mắt và ngây người đứng nhìn. Vạn trở giọng hăm doạ và nạt nộ. Nếu Nên chịu im đi thì không sao; đằng này Tư Nên đến xát người Vạn, chỉ thẳng tay vào mặt hắn mà mạt sát:
“Thứ mày là đồ hèn đồ chó, chỉ biết rình khi người ta sơ hở là cắn trộm. Thằng Ba Sinh chết oan cũng vì mày. Với tao ấy à mày làm gì được tao cũng còn khuya...”
Trước bề thế sức vóc của Tư Nên, Vạn im lặng mặt xám xuống. Một cái im lặng thật đáng sợ, ai cũng nghĩ thế. Y như rằng câu chuyện cũng chưa qua đi, một lúc sau Vạn xuất hiện trở lại với hai cái rựa nơi tay. Hắn muốn chứng tỏ mình không hèn và không cần đánh trộm đánh lén. Hắn bảo thế. Mọi người có đó mặt mày tái xanh, còn Tư Nên chỉ kịp vớ bừa một khúc gỗ ngắn, biết yếu thế Tư Nên bỏ chạy. Vạn đuổi theo nhanh và gấp. Khoảng cách hai người cứ gần hơn. Bất hạnh Tư Nên vấp phải một rễ cây nổi, ngã xấp xuống, Vạn nhảy xổ lại gần. Cái chết của Tư Nên thật trông thấy. Đầu óc Vũ bỗng nẩy bật các ý nghĩ: sự chết của Tư Nên, với cái chết thảm khốc của anh ta bây giờ, sự đe doạ của Vạn với chính mình sau đó. Không hiểu sao chỉ trong khoảnh khắc, chàng quyết định và cương quyết đến thế. Vì may mắn hay lanh lẹ, chàng không biết nữa. Chàng làm tên Vạn vấp và ngã xấp theo. Vừa đúng lúc Tư Nên lồm cồm lết tới, đứng phắt dậy, giơ cao khúc gỗ nện vào đầu Vạn mạnh và tàn nhẫn như khi người ta đánh dập đầu một con rắn. Chàng không đồng ý về cách Tư Nên giết Vạn nhưng chàng vẫn đứng yên. Mặt Tư Nên gãy ngắn đen đủi, mắt đỏ ngầu lồng lộn như một con thú dữ miền nhiệt đới. Vũ đau đớn thấy mình đồng loã cho một vụ sát nhân. Hai con dao rựa rời khỏi tay Vạn, dáng cao lớn của hắn là một khúc thịt nằm dài, chân co vào rồi ruỗi ra rẫy rẫy, bàn ta quờ quạng bấu víu trên mặt cát. Vũ không dám nhìn nữa vì hình như sau khi Vạn chết, Nên còn cúi xuống đập những nhát chí chết vào gáy vào đầu Vạn đến máu mũi máu mồm và cả máu tai rỉ chảy ra đất toé loe. Chàng hiểu tâm trạng của Nên lúc đó. Một cái chết vừa được đánh tráo thật hiển nhiên. Vì nếu không, thê thảm vẫn là Tư Nên phải chịu. Trông bóng dáng Vạn chàng thấy rõ ràng hắn đủ can đảm quơ cặp rựa bổ tới tấp vào Nên khi hắn ta vừa kịp đến. Và rồi hắn cũng chặt Nên ra ngay sau khi Nên chết. Một cảm giác thoáng qua lạnh rùng mình làm Vũ ghê sợ. Chàng nghĩ nếu nhát dao bổ lút xuống có lẽ trông đỡ tàn nhẫn hơn. Đằng này mỗi lần thanh gỗ đánh trúng gáy, cả thân xác Vạn trùn lại và thanh gỗ nẩy mạnh lên. Cảm giác ghê sợ làm Vũ lạnh gáy và tê dại cả hai bên má. Chàng nói một câu có nghĩa như một phó thác:
“Biết làm sao hơn...”
Cách đây ít hôm khi gặp Vạn lần đầu Vũ giật mình kinh hoảng. Chàng đã nhận ngay ra hắn. Còn Vạn, hắn nhìn chàng bằng cặp mắt lừ lừ và ngờ ngợ như hai người đã biết nhau mà chưa nhận ra. Chàng gặp hắn có một lần không nói chuyện, không một liên hệ quan trọng, vậy sao mà hình ảnh đó làm Vũ không quên. Hôm đang nói chuyện với Huống ngoài bìa rừng, hắn bước tới, liếc nhìn chàng nghi kỵ, có lẽ vì vẻ nghi kỵ đó mà Vũ nhớ hắn cho đến hôm nay. Sau lúc hắn tới và biến mất, Huống trở vào rồi vội vã ra đi, tiếp theo trời sấm sét và đổ mưa, người ta khuân về trong giông tố những thương binh và cả xác chết... Những gì xảy ra hôm đó chàng không nhớ rõ hết.
Ba hôm trước Vạn trở lại với mấy tên lạ mặt nữa. Tới nhà Tư Nên, hắn dẫn Nên ra đằng sau nói chuyện rất lâu. Không hiểu bọn họ nói gì mà lúc vào Nên bảo chàng:
“Hình như thằng Vạn nó biết anh nó cứ hỏi vặn tôi hoài. Tôi chỉ bảo đi rừng gặp anh đi lạc thì đưa ra, anh chưa tìm được chỗ trú thì tôi cho ở đậu có làm sao đâu. Rứa hắn cũng không chịu tin, hắn còn dặn tôi phải canh chừng anh đừng để anh đi đâu. Hắn còn nói để anh đi thì nguy lắm, tôi quay hỏi hắn, hắn chỉ ậm ự chớ không thấy nói sao...”
Rồi Tư Nên hỏi Vũ cặn kẽ, chàng cũng chỉ chối quanh. Chàng biết chưa phải lúc để nói ra sự thật bất lợi trong hoàn cảnh này. Chàng bảo:
“Đi săn cùng mấy người bạn vì xông xáo quá một mình nên bị lạc và không sao tìm thấy toán người kia.”
Chàng còn dự đoán xa xôi là các bạn chàng có lẽ cũng sẽ tới đây để đón.
Vũ bảo:
“Họ biết tôi ở đây rồi chắc là mừng lắm...”
Tư Nên thật thà ngạc nhiên:
“Trời, lúc rày mà anh còn đi săn thú.”
Chàng cười:
“Ấy lúc đầu nghe nói cũng sợ nhưng nào có làm sao đâu.”
Từng ấy lý lẽ cũng đủ để Tư Nên tin và cho là đúng, không còn thắc mắc chi nữa...
*
Rồi tình cờ Vũ gặp Quy trên phố chợ. Nàng cho biết Kính sau khi tốt nghiệp phải đổi ra đây. Quy và Kính yêu nhau từ hồi còn đi học. Quy phần vì quen biết, phần học khá nên đậu thủ khoa khoá đó, lại là con gái nên được chọn ở lại Sài Gòn. Nhưng vì yêu Kính, nàng từ bỏ hết và ra đây. Kính bạn cùng lớp với Vũ, xong trung học thì phá ngang. Kính hiện làm hiệu trưởng một trường làng không lấy mấy làm to, còn Quy làm cô giáo cùng trường ngày hai buổi đi dạy.
Gặp lại Vũ, Kính vui mừng và ngạc nhiên. Kính béo đen và phát tướng, bụng to ra. Hai vợ chồng trẻ mới có được một con gái còn ẵm trên tay, sống trong cùng một khung cảnh nghề nghiệp và ân ái. Vũ nhận ra Kính ngay do cái ve trên mắt trái từ bé. Quy đẹp ra và rắn rỏi hơn trước. Họ hiện ở một khu gần trường học. Đó là một căn nhà ngói mái thấp, trước nhà cả một khóm cây leo xum xuê từ trên mái khiến cho ánh sáng bên ngoài lọt vào càng khó khăn hơn. Nhà hai gian xinh xắn ngăn đôi, phía ngoài là phòng ăn và làm việc, trên chiếc bàn gỗ con chồng chất những cuốn vở mỏng quăn góc, lổ lang những vết mực tím của lũ học trò nhỏ. Bên trong là phòng ngủ với chiếc tủ gương dựa vào tường trước lối đi khiến bên ngoài trông rõ cả sự ngăn nắp phía trong. Bốn bức tường nhỏ quét vôi xanh dịu, bên trên giữa nhà một ngọn đèn măng-xông treo lơ lửng bóng loáng. Vũ được Kính tiếp nhận bằng những cảm xúc dồn dập, Kính chồm tới, hai tay xiết chặt lấy vai Vũ mà lay; vẻ thầy giáo đạo mạo bề ngoài của anh mất hết, chỉ còn lại nụ cười cởi mở cố hữu ngày nào. Câu đầu mà Kính tốt ra giọng vui và cảm động:
“Trời, kìa anh, Vũ! Chết thật, chúng tôi cứ tưởng...”
Nói thế, Kính đứng ngây người, mắt tròn xoe mà nhìn Vũ. Vũ vẫn đăm đăm nhìn cái ve bên mắt trái của Kính và thấy cả một thiếu thời vui vẻ trở về. Kính nhìn Vũ, quay sang Quy, nét mặt dịu đi rồi cất giọng cười hềnh hệch:
“Nói dại đổ xuống sông xuống biển chúng tôi cứ tưởng anh thế nào rồi... Thôi ở lại đây rồi chuyện ra sao nói cho chúng tôi biết.”
Chừng đoán vẻ ngạc nhiên ngay trong ánh mắt Vũ, Kính đưa mắt nhìn một lượt căn phòng nhỏ đơn sơ, hướng mắt nhìn ra cửa nói:
“Gặp anh chúng tôi đã ngạc nhiên; còn anh khi thấy tôi và Quy ở đây chắc anh cũng ngạc nhiên không kém...”
Từ phía trong Quy khệ nệ bưng ra hai cốc nước chanh quả trong suốt còn nổi những tép chanh thơm. Kính đỡ một cốc đưa sang Vũ, còn một cốc kia anh uống một hơi rồi đưa sang Quy:
“Đây em uống đi!”
Quy đỡ tay chồng tủm tỉm cười rồi đưa từng thìa lên miệng nhắp chỉ đủ để ướt môi. Vũ bâng khuâng nghĩ tới tình yêu và hạnh phúc của hai người.
Tiếng Quy vọng sang bảo Vũ:
“Đã lâu, chúng tôi được tin chị Ngân cho biết anh mất tích. Mọi người và ngay bộ tham mưu cũng cho là anh bị chết vì sau đó họ tìm được một xác chết có đủ quân phục giống anh, rồi họ cả quyết đó là anh...”
Vũ giọng thấp và buồn:
“Thì tôi cũng nghĩ thế, chính tôi cũng không tin mình còn được trở về để tình cờ mà có mặt ngồi đây...”
Giọng Vũ lại vui lên tiếp:
“Với lại có chết thực thì làm gì có quần áo ấy mà mặc. Sau khi bị bắt tụi nó lột ra hết và bắt mặc vào bộ quần áo bà ba đen đã cũ... Cho đến bây giờ tôi vẫn có cảm tưởng sờ sợ là mình đã mặc trên người bộ quần áo lột ra từ một xác chết...”
Vũ bậm môi nhấm một tép chanh còn vương trên miệng cốc. Vị chanh ít chua nhưng thơm phảng phất... Chàng không nghĩ tới Ngân mà lại nhớ đến Huyền, đến đêm gặp gỡ đầu tiên đi trong bóng tối và đêm khuya trong mưa. Mái tóc người con gái như còn phảng phất mùi chanh mới gội. Hình ảnh còn lại chỉ như một kỷ niệm đẹp thoáng qua... Chàng chớp mắt xua đuổi những ý nghĩ tư lự, giọng vui vẻ bảo Quy:
“Như thế kể cũng hay chị ạ. Sống trong cảm giác đã chết đi đối với mọi người khác, tôi chắc cũng thú lắm...”
“Mai tôi nhờ người lên quận đánh dây thép về cho Ngân, chắc là chị ấy ngạc nhiên và mừng lắm. Tôi đoán chị ấy thể nào cũng ra đón anh và như thế anh cũng biết là cái thú quái gở mà anh muốn giữ cũng không còn được bao lâu nữa.”
Vũ cau mặt giọng khẩn khoản:
“Thôi, tôi xin chị đừng làm thế. Để cho tôi yên ít lâu. Tôi còn nhiều việc ngổn ngang phải thu xếp, cũng rắc rối lắm... Nếu mọi chuyện tạm xong tôi cũng phải trở về chứ ở đây mà làm gì, nơi mà đe doạ và bất an đang rình chờ. Vả lại thoát được về, không tới bộ chỉ huy trình diện họ cũng có thể làm khó dễ về sau.”
Quy vẫn đứng trơ nhìn Vũ, ánh mắt trong và ấm, nàng xuống giọng bảo:
“Không biết anh nghĩ sao chứ riêng tôi lúc gặp chị ấy ở Sài Gòn cứ thấy mà thương. Lúc đó - nói thật anh đừng giận, là tôi chỉ mong cho chị ấy chóng quên đi mà vui sống chứ...”
Nghe nhắc mãi tới Ngân Vũ chỉ yên lặng. Chàng đang nghĩ tới hoàn cảnh của Huyền và đứa con bây giờ ra sao. Giọng chàng bình thản đến chua chát:
“Chắc gì cô ấy cho là một tin vui. Hoàn cảnh vững chãi, dầu tất cả thay đổi nhưng đời sống cô ấy chắc vẫn thế. Trước kia tôi vẫn tưởng là sau này sẽ lấy được người yêu đầu tiên của mình thì còn gì đẹp bằng. Nhưng nay tình cảnh đã lại khác, ước muốn thực của đời sống tôi chắc không còn giống như thế nữa.”
“Thôi cái đó tuỳ anh, tôi không ngờ anh lại nghĩ khác thế.”
Kính đứng yên từ nãy, bắt đầu cất giọng ồn ồn lẫn tiếng cười:
“Sao không nói sang chuyện khác cho vui, chuyện kia hãy cứ gác đấy... kìa anh bảo Quy có nghe không?”
Nghe Kính nét mặt Quy cố tươi lên và đang nghĩ cách nói lái sang chuyện khác. Với Vũ, cái chết của Vạn mới quá còn luôn luôn ám ảnh chàng. Và Vũ vẫn đứng lặng yên. Kính ngửa cổ tít mắt, vẫn với tiếng cười khà khà quay sang bảo Vũ:
“Nhân Quy nói chuyện đánh dây thép làm tôi lại nhớ...”
Quy làm bộ nhăn mặt gắt chồng:
“Đã bảo sang chuyện khác cơ mà anh này.”
Kính xoè bàn tay ra trước mặt vợ bảo im:
“Không em im đi. Vũ này, anh còn nhớ thằng Long không?"
Vũ đang mải mê ngắm chiếc ve trên mắt Kính, quay sang ngạc nhiên:
"Anh bảo sao?”
“Tôi hỏi anh có nhớ thằng Long không? Long đen ấy mà, nó học cùng lớp tụi mình khi trước ấy...”
“À có tôi nhớ ra nhưng sao?”
“Chả hồi cậu học thêm nữa, thì tôi với nó và một số nữa phá ngang đi học Sư phạm. Long nó người Huế, còn tôi thì ở xa nhà nên cả hai cùng vào nội trú, lại ở phòng đối nhau và là đôi bạn thân thiết.”
Có tiếng Quy cười xen vào:
“Có phải anh Long mà anh nhắc tới luôn đó không?”
Kính nhìn vợ nheo mắt cười rồi tiếp:
“Thế rồi cậu có biết làm sao không, một hôm nó đi vắng suốt buổi chiều thì lão ‘phắctơ’ hớt hải đưa tới một dây thép, gõ cửa phòng nó kêu ầm lên. Tôi chạy ra thì lão xấn lại nói ngay: ‘Cậu có biết cậu nào tên Long ở đây không? Trời khổ quá, có dây thép báo mẹ cậu ấy chết ở Huế phải về ngay. Thế bây giờ cậu ấy đâu? Làm sao mà tìm cho ra ngay bây giờ!’ Tôi bảo: ‘Để tôi nhận giùm cho, nó về tôi sẽ đưa ngay, vì tôi với nó là bạn thân nhất nữa.’ Lão già như chưa yên tâm còn khẩn khoản nói với tôi: ‘Cậu cố đưa giùm ngay cho vì ngay tối nay có chuyến tàu suốt, thế mới mong về kịp. Trời khổ quá, đi học xa nhà mà nhận được tin này có là sét đánh...’ Lại thêm ngày mai Long nó vào vấn đáp bên Văn khoa, tôi phân vân quá không biết tính làm sao. Một lát sau Long nó về, cậu có biết làm sao không? Tôi phải tự nhủ cố trấn tĩnh, sang nắm lấy tay nó dẫn đi trong sân loanh quanh chưa biết phải khởi đầu ra sao. Đến chỗ cột cờ Long nó dừng lại, dựa cột tươi cười ngửa mặt ngắm trời mây. Tôi lấy can đảm giúi tờ dây thép cuộn nhỏ vào tay nó, nói khẽ và run run - vì có lẽ chính tôi cũng cảm xúc lắm: ‘Long, tôi đang có ý tìm cậu... báo tin buồn mẹ cậu vừa chết ở ngoài Huế, nhà nhắn tin phải về ngay. Cậu can đảm lên, bảy giờ tối nay có chuyến tàu suốt... ngoài nhà gia đình cậu chắc là đang rất mong.’ Nghe thế Long đứng chết ngây người, mặt như trơ ra và lợt đi. Có lẽ nó quá thất vọng và đau đớn. Vẻ mặt nó nói lên nhiều hơn tiếng khóc. Mặt tôi lúc đó cũng trơ ra đến vô duyên, môi muốn nói câu an ủi mà vẫn run rẩy. Long nó vẫn nắm chắc tờ giấy trong tay, trân tráo nhìn tôi. Tôi phải nắm chặt lấy tay nó, nắm lấy vai nó nói: ‘Tôi thành thật chia buồn và ước mong cậu can đảm trở về kịp đến nơi...’ Long nói như mếu: ‘Mới tháng trước mẹ tôi còn khoẻ, tất tưởi sửa soạn bánh trái để tôi đem vào cho...’ Đau đớn được nhắc bằng kỷ niệm, hắn nấc lên và không nói được gì thêm nữa. Hắn bỏ tôi một mình đứng đó và loạng choạng trở về phòng. Hôm sau nó bỏ thi. Tối hôm đó tôi phải dìu nó lên tàu, lòng vừa buồn vừa lo âu... Nửa tháng sau hắn trở vào gặp lại tôi, cậu biết hắn làm sao không? Hắn tìm được tôi rồi, miệng cười toe toét và cái chào đầu tiên của hắn là tát tôi hai cái đau điếng đi. Hắn tát tôi để tỏ lộ niềm vui cậu ạ. Tôi vốn nóng tính, thế mà tôi vẫn tha thứ được cho nó. Thì ra mẹ nó không có chết. Lão già cũng như tôi đã xúc cảm hão. Trong dây thép đề: ‘Me chet phai ve ngay’, lão ‘phắctơ’ nói láo, tôi cũng lại báo láo - nhưng tại tất cả đột ngột và đau đớn quá nên nó cũng u mê và tin ngay. Thì ra cậu biết làm sao không? Bà ngoại nó chết chứ không phải mẹ nó: ‘mệ’ chết chứ mẹ nó có chết đâu cơ chứ...”
Kính lại lắc đầu cười:
“Mấy ngày vật vã trên tàu bỏ cả kỳ thi, Long đen nó vẫn hết mực sung sướng. Nó bảo trên đời nó quý mến nhất mẹ nó, còn mệ nó thì đã quá già, hơn chín mươi mà lại đau yếu kinh niên cả mấy năm nay, cái chết của bà thật tự nhiên và ai cũng mong ước như một giải thoát nhẹ nhõm...”
Kính lại quay sang Quy:
“Hì hì, chắc em còn nhớ, anh phải khổ sở xin lỗi nó và thấy chính mình khôi hài quá đi... Thật đúng một bài học phải nhớ đời.”
Vũ bị lôi cuốn vào câu chuyện vì vẻ hóm hỉnh và duyên dáng của Kính, chàng thấy lòng vui vui:
“Thế giờ Long đen nó ở đâu?”
“Nó cùng ra trường với tôi, nhưng sau đó nó trả lại tiền và học thêm, nghe đâu nó sắp thi xong cử nhân văn chương giáo khoa gì đó.”
“Thằng Long không ngờ cũng khá thế.”
“Thì hồi nhỏ nó đã có khiếu về văn chương, chả thế mà có lần tụi mình gọi nó là Long gàn, vì mấy ông văn chương chữ nghĩa hay lẩm cẩm khác người lắm.”
Vũ gật đầu:
“Mỗi thằng một hướng chả biết thế nào!”
Kính vẻ mặt xa xôi:
“Hồi đó ai cũng nghĩ cậu thật tốt số, học xa và thành đạt. Đột nhiên lúc được tin cậu mất ai cũng kinh ngạc và ngơ ngác, không biết phải nói làm sao nữa. Rồi chính tôi cũng không ngờ lại gặp cậu ở đây!”
Kính ngưng một chút dáng do dự phân vân, rồi nheo mắt hỏi Vũ:
“Này, hỏi thật cậu hình như họ nhà cậu và cả nhà Ngân nữa mạnh cánh lắm cơ mà? Sao cậu không chịu xoay sở mà ở lại trong đó có hơn không, sung sướng biết bao nhiêu?”
Những ý nghĩ lúc này đang lắng sâu trong óc Vũ. Cảm tưởng về một cuộc chiến tranh trường kỳ kéo dài liên miên làm chàng buồn nản. Cũng bởi thế một số bạn cùng lứa đều tự tạo cho họ một quan niệm sống dễ dãi và phù hợp với hoàn cảnh: vấn đề là hạnh phúc trọn vẹn của hôm nay, còn tương lai và ngày mai là những cái bất chợt tự nó sẽ tới. Truỵ lạc và hưởng thụ nhỏ nhen nơi thị thành dìm đi một lớp người yếu nhược, bom đạn và chém giết nơi đồng quê mỗi ngày đem lại cho xã hội những cá nhân què quặt tàn phế cùng những xác chết: trước mắt cả một tương lai bệnh hoạn tối đen. Vũ giọng thấp xuống chân thành với chính mình:
“Ai cũng tính toán và nghĩ thế, có thể chính tôi cũng nghĩ thế. Một quyết định nào tách ra khác đi và cô đơn đều vô ích và không đáng kể. Nhưng có lẽ tôi tìm được sự an thái trong cái vô ích đó. Còn ngược lại thì vẫn là bế tắc và liệu có ích gì hơn không? Trước kia cảm tưởng của tôi về một đời sống đầy đủ là có một nghề độc lập để tận tuỵ và nếu cần hy sinh. Dù chiến tranh, dù biến đổi nhà thương vẫn là một thế giới riêng bất khả xâm phạm... Nhưng chính tôi đã nhầm, nhầm lẫn hoàn toàn; vì hiện tại tôi chẳng còn độc lập mà đang rơi sâu vào sự chuyển mình và lôi cuốn của mọi biến cố. Ý nghĩ đời sống thực sự là như thế, tôi không thể nào chấp nhận thái độ dù với chính mình, là đứng trên cầu nhìn dòng nước chảy... Thú thật có đôi lúc tôi buồn nôn tất cả, nhưng đó chỉ là cảm tưởng tự nhiên và thường có thoáng qua trong chốc lát, có lẽ vì tiếp xúc nhiều với tàn bạo và chết chóc quá; nhưng rồi rốt cuộc cũng trở về với một ý nghĩ nguyên cũ là xoá nhoà mình trong tập thể, sống say sưa với tỉnh thức. Lẽ sống đó tôi tin là hợp lý và cả phong phú nữa...”
Đã có một lần nào đó Vũ nghĩ và sắp đặt ý nghĩ như thế. Chàng nhớ rõ lại hình ảnh một con chó chết thối rữa bên vũng nước mưa nơi chỗ trũng của nền xi măng đã lún... Hình ảnh của bấy nhiêu năm không đâu lại hiện ra rõ rệt. Khu đất hoang vắng lấp lánh mấy ngọn đèn vàng giữa một khoảng trống bao la, nơi dự tính xây cất khu đại học kiểu mẫu. Ước vọng quá khứ tràn về bên cạnh hình ảnh mục nát mập mờ của một con chó hoang gầy nhom đã chết...
Vũ đăm đăm và mải nhìn ánh mắt ướt và đằm thắm của Quy đối với chồng, đôi mắt thật hiền đen và trong, như lớn dần, cuối cùng Vũ chỉ còn thấy trước mắt một vũng nước phẳng lặng sáng phản chiếu như gương, bóng một khoảng trời xanh thoáng qua những đám mây trắng, giữa những bóng cây nâu ướt sũng, bóng một cây phượng nhỏ như một cành khô không lá, nở toả đầu cành những chùm hoa đỏ chót. Một giọt nước giỏ từ mái hiên, các hình bóng vỡ tan đi. Đó là hình ảnh của những buổi chiều, sau trận mưa mát, cả cư xá còn quên đi trong một giấc ngủ ngon, chàng mở cửa đứng trước yên tĩnh nhìn mây trôi trên những vũng nước đọng.
Có tiếng Quy cười, người con gái ngửa cổ nhìn chồng, bàn tay nghiêng sửa mái tóc, bất giác chàng nghĩ tới bàn tay thuôn trắng của Ngân, bàn tay hung bạo của Tư Nên lúc giết Vạn và cả đôi bàn tay đỏ hồng máu của mình trong chậu nước mưa và bâng khuâng với ý nghĩ khó khăn của hạnh phúc.
Mây Bão Mây Bão - Ngô Thế Vinh