Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 149
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 45 -
au đám hỏa thiêu, chồng tôi, ông lý Cỏn kêu nóng ầm ĩ, rồi cắm cổ chạy vào rừng. Cả gia tộc họ Vũ Xuân phải chia nhau đi tìm. Tôi thạo rừng hơn họ, tìm ngay đến con suối nhỏ, sau đó đi dọc bờ suối. Sở dĩ tôi tìm đến suối, vì tôi nhớ ông kêu trong lòng nóng như lửa đốt trước khi chạy vào rừng - Tôi thầm nghĩ có thể ông Lý đang đầm mình ở một vũng nước sâu nào đó trên dòng suối. Tôi đoán không sai, tôi đã tìm thấy ông ở một vạt cỏ cạnh dòng nước. Quần áo ướt đầm. Sờ đầu vẫn nóng như hòn than, và đã mê man bất tỉnh. Tôi vội vàng ghé vai cõng ông về nhà, lấy gừng rượu đánh gió. Cụ tú Cao sang ngay bốc thuốc cho uống. Mấy hôm sau, cơn sốt lui nhưng bệnh quay sang đi tả. Đó cũng là lúc bệnh thổ tả ở Cổ Đình đang lan tràn. Cụ Tú thở dài:
- Có lẽ lúc sốt nóng mê man chạy vào rừng, anh Lý đã uống nước suối bừa bãi.
Những người mắc bệnh dịch tả nặng trong làng thường chỉ đi ngoài vài bận toang ra như nước vo gạo là liệt giường liệt chiếu rồi ra đi luôn. Chắc ông Lý nhà tôi mắc bệnh nhẹ nên đã ba hôm rồi mà vẫn không sao. Cũng có thể do cụ Tú tận tình chữa chạy nên mới kéo dài được mạng sống cho ông.
Chồng cô Nguyệt, ông đốc tờ Tây từ Hà Nội đánh xe về làng Đình. Ông muốn đón bố mẹ vợ ra Hà Nội lánh nạn. Cụ Tú không chịu đi vì còn những người bệnh cụ đang chữa trị, vì còn tổ tương tế mà cụ nhận gánh vác. Cụ là người khí tiết, vả lại cũng đã già rồi. Cụ ông không đi thì cụ bà cũng chẳng chịu đi.
Ông đốc tờ cũng sang thăm bệnh cho ông Lý nhà tôi và bảo cách chữa trị.
Chồng tôi vẫn cứ thiêm thiếp nằm dài trên phản lim. Cứ như người đã chết. Nhưng cái chăn chiến đắp trên người vẫn phập phồng nơi ngực. Cụ tú Cao bảo: “Anh trưởng đã chỉ tả rồi, đến hôm nay vẫn cầm cự được, chắc không việc gì đâu”. Cụ bảo chồng tôi một lúc mắc liền hai bệnh. Lúc đốt nhà mồ, sốt cao ông lăn ra suối uống nước. Nóng gặp lạnh nên ông phải cảm. Tiếp đó, ông dính luôn bệnh tả. Kể ra, không chết cũng là sự lạ hiếm thấy.
Nhà chồng tôi đông người, lại lắm đầy tớ, song người hầu hạ chẳng có nhiều. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ có tôi và cái Thắm. Con bé thế mà có hiếu. Mẹ nó chết, nó dám tắm táp cho, làm lễ mộc dục chẳng hề sợ sệt. Nay bố ốm, nó cũng hầu hạ đêm ngày. Tôi thương con bé còn đầu xanh tuổi trẻ, chăm sóc người mắc bệnh dịch, lỡ ra thì khốn, nên đuổi nó tránh xa để một mình tôi lo liệu. Ngôi nhà trên bây giờ vắng tanh. Đám đầy tớ tuy không nói ra nhưng đứa nào cũng tỏ ra ngại ngần khi có việc phải lên nhà trên. Bà Hai là con nhà đào hát, cả đời ăn trắng mặc trơn, ngoài việc bếp núc ra, làm việc gì khác đều lóng ngóng. Tôi bàn với chị Hai: "Tất cả trẻ con trong nhà, cho về bên ngoại tất. Đầy tớ, người nào không cần lắm cũng cho tạm nghỉ. Chị lo việc khác trong nhà. Chỉ để một mình em hầu hạ ông Lý".
Giá như khi ông Lý đang khỏe mạnh, chia việc như vậy, chả chắc chị Hai đã bằng lòng. Còn như lúc này, chị Hai cũng thấy chia việc như vậy là phải.
Suy cho cùng, tôi lấy ông Lý là do cái sự bắt buộc. Thế nhưng ông trời tại đền đáp cho cái phận hẩm hiu của tôi nhiều quá. Tôi đã có sáu mặt con cùng ông, trong đó bốn đứa con trai. Đối với làng nước, thế là số tôi sướng. Tôi hầu hạ chồng tôi cũng vì lũ con tôi. Thử hỏi nếu mà ông ấy ra đi, thì lũ con tôi rồi sẽ ra sao. Con bà Cả đã có cụ chánh Thi che chở. Còn bà Hai, nhà bà không có thế lực, nhưng bà ấy chẳng cần, bởi vì chỗ nào trong huyện trong tỉnh chả là chỗ thân quen của bà. Riêng lũ con của tôi, biết lấy ai che chở cho chúng, khi bố tôi là cụ Thần Rừng nghèo khó chết rồi có khi nắm xương đã mục, còn mẹ tôi thì phải bán con gái đi lấy hai mươi thúng thóc...
Nghĩ cho cùng, tôi hầu hạ chồng tôi là phải. Cái nhẽ đời bắt tôi phải thế. Lũ con tôi buộc tôi phải thế. Chồng tôi phải sống. Tôi lăn lóc bên ông để níu kéo ông sống lại. Tôi không sợ bệnh dịch hay sao. Sợ chứ. Nếu cái số tôi chưa chết thì bệnh dịch cũng chẳng làm gì nổi. Vả lại, người lam lũ như tôi dễ gì bệnh tật đã quật ngã được. Tôi rất tin ở số. Ở làng tôi, nhiều người giàu có lắm, sạch sẽ lắm, khỏe mạnh lắm, lại chẳng hề gần gũi ai mắc bệnh thế mà bỗng nhiên lăn đùng ra chết dịch. Còn có người, như thím Pháo, nào liệm người mắc dịch, nào chôn người mắc dịch, ngày nọ qua ngày kia lăn lộn cùng bệnh dịch mà có hề gì đâu.
Tôi còn tận tụy với chồng tôi vì cái nghĩa buộc tôi phải thế. Tôi là con gái nhà nghèo, cơm chẳng đủ đút miệng, áo chẳng đủ che thân, nay cuộc sống được như thế này, tôi cũng phải biết ơn ông Lý chứ... Ngày xưa, quanh năm tôi chỉ mặc váy, lúc bé quanh năm tôi cởi truồng không bao giờ biết quần áo là gì. Năm tôi mặc chiếc váy đầu tiên là năm lên sáu tuổi. Tết năm ấy được mặc váy tôi sướng lắm. Hai bảy tết, thầy tôi săn được con hươu, nên nhà có thịt ăn, lại có nồi bánh chưng. Đêm ba mươi ngồi canh bánh chưng, tôi ngủ gật đến nỗi cái váy nóng quá đã bén lửa. Tôi khóc sưng cả mắt vì tiếc cái váy bị cháy. Cả ba ngày Tết, lúc ngủ tôi vẫn nói mơ “U ơi! Váy! Váy!”. Thế là cái váy ám vào suốt đời tôi. Tên tôi là Váy và cả đời tôi chỉ thích mặc váy. Cái váy lòe xòe nhưng cũng thuận tiện. Mặc váy thấy thơ thới đôi chân. Như chẳng vướng bận, như chẳng mặc gì, song lại rất kín đáo. U tôi mua những vuông vải mộc đem nhuộm nâu căng ra phơi ở ngoài đồi. Tiếp đó đem phết bùn lên vải. Màu nâu biến thành màu đen. Những vuông vải được củ nâu và bùn làm cho dày như mo nang, cứng tựa gỗ. Mặc váy vào trông như mặc chiếc váy gỗ, bước chân đi váy chẳng hề thướt tha mềm mại. Lại còn mùi hôi nữa chứ. Mùi bùn ám vào cái váy rất lâu. Váy đã cũ rồi mà thi thoảng vẫn lởn vởn mùi bùn thum thủm. Ông lý Cỏn thấy tôi về nhà chồng vẫn mặc những chiếc váy mo nang ấy, bảo rằng tôi bêu xấu nhà họ Vũ Xuân. Ông liền may cho tôi mấy chiếc váy sồi, rồi đốt béng cả đống váy mo nang đi.
Tôi nghèo nhưng ai cũng khen có duyên. Mặt tròn vành vạnh như trăng rằm. Lúc nào cũng mỡ màng hồng hào. Da thì trắng nõn. Tôi được ăn mặc vào trông càng thêm duyên. Tôi nghèo, lại ở phận lẽ mọn, nên rất hẩm hiu. Sợ bà Cả như sợ cọp. Còn bà Hai ngoài miệng ngọt ngào đấy nhưng bà đã ra tay là chết như chơi. Do vậy, tôi phải nịnh nọt bà. Ông Lý thì luôn luôn phải tỏ vẻ khinh bỉ tôi là phận nghèo hèn, là phận vợ lẽ nàng hầu, khi có mặt bà Cả, bà Hai. Nhưng tôi biết rất rõ ông thích tôi lắm. Bởi vì hễ có thời gian hở ra, là ông lập tức vụng trộm mò đến nhà tôi ngay. Tôi là đàn bà nên tôi biết ông mê mẩn tôi thế nào, khoái tôi như thế nào. Ông bảo: "Tôi khoái bà ở cái mặt xinh xinh đôn hậu, khoái ở cái làn da trắng bóc, trắng nhễ nhại, trắng hồng hào". Ông khoái nhất khi quẳng cái áo, cái yếm, cái váy của tôi vào một góc giường. Ông bảo: “Ôi chao? Sao da thịt bà vừa ấm áp vừa mát rượi, mà lại thơm tho!” Lão mê mẩn khi nhìn thấy đôi bầu vú rất to, lúc nào cũng cũng mượt, bởi vì từ khi lấy ông Lý có lúc nào tôi ngừng chửa đẻ đâu. Liền tù tì. Con trước còn đang bú sữa, thì con sau đã đâm mầm nảy nụ trong bụng. Lão vẫn thường áp mặt vào đôi bầu vú ấy, hít hà cái hương thơm tho ngày ngậy của chúng, thường khi chợp mồm vào cái núm vú để mút lấy mút để như một đứa trẻ con...
Từ khi ông lý Cỏn ốm, tôi gửi hết lũ con về cho bà ngoại. Cả cái đĩ Váy út, đứa con thứ sáu mới vài tháng tuổi cũng cho cai sữa luôn và ở với bà. Khi ông đốc tờ bảo rằng ông Lý uống nước cháo được, tôi bèn tự tay nấu cháo bón cho ông. Lúc đặt cái thìa vào miệng, tôi thấy ông chép chép đôi môi. Tôi yên lòng nghĩ bụng chép chép thế này thì may ra sống được. Và tôi quyết tâm đưa ông từ cõi âm về với cõi dương. Nhưng lần đầu ông Lý cũng chỉ nuốt được ba thìa nước cháo rồi mím miệng lại. Lấy tay cậy mồm ra nhưng đôi hàm cứng ngắc không tài nào cạy được. Tôi dỗ dành thế nào đôi môi ông vẫn cứ mím chặt. Tôi thần người ra suy nghĩ. Tôi cho rằng con người như cái xác ve thế kia, dù cho bệnh đã lui, nhưng nếu không có chất gạo chất cơm vào, rồi thì cũng hỏng thôi. Nghĩ mãi, óc bỗng lóe sáng. Tôi chợt nghĩ tại sao không cho ông uống sữa nhỉ. Người ta bảo sữa còn tốt hơn là cháo. Mà sữa thì lúc nào tôi chả có. Đôi vú không được cái Váy út mút còn đang căng cứng đây này. Nghĩ vậy, tôi liền vắt sữa ra bát, lấy thìa bón cho ông. Thìa đầu sữa đổ lên môi lập tức chảy xuống hai bên mép vì môi lão vẫn mím chặt. Tôi đặt cái bát xuống, thất vọng. Tưởng thế là hết đường, là uổng công. Đột nhiên chợt thấy đôi môi động đậy, rồi chép chép. A! Mùi sữa của tôi lão ấy đã nhận được ra rồi. Tôi liền múc thìa thứ hai, thìa thứ ba. Tất cả ba thìa, lão uống ngon ơ. Lại thấy lão thè lưỡi ra liếm mép. Tôi cười trong bụng. Tôi đã nhiều lần trông thấy cái mồm thòm thèm của lão nên tôi biết lão đang muốn gì. Ừ! Lão ấy thòm thèm thì đây cho. Tôi liền leo lên giương, tốc yếm lên để lộ ra đôi bầu vú. Tôi ngồi xếp bằng, nâng đầu lão ghếch lên lòng mình, sau đó áp bầu vú vào mặt lão. Cái vú mềm mại và bóng mượt của tôi hình như có cách gọi riêng của nó. Trong cơn hôn mê tối tăm mù mịt, hình như đầu óc chồng tôi chợt lóe lên, nhớ ra điều gì đó. Mà điều ấy rất quen thuộc với lão. Cái của tôi nó mềm mại, nó âm ấm, nó ngọt ngào. Tôi nhìn cái trán lão nhíu lại, rồi giãn ra, tôi hiểu lão đã nhớ ra rồi. Mà làm sao lại quên được cơ chứ. Ngày xửa ngày xưa, lão vẫn quen với nó, vẫn chơi với nó, vẫn ôm ấp nó. Nó mềm lắm mà, nó hiền lắm mà, nó dễ chịu lắm mà...
Và tôi mỉm cười, khi cái đầu vú của tôi dứ dứ trên đôi môi, đã làm cho đôi môi ấy chợt hé ra. Tôi nhanh nhảu, vội nhét cái vú nạ dòng của tôi vào miệng lão. Cái núm vú tuy đã sáu con ấy nhưng vẫn còn xinh xinh. Chồng tôi chợt chụt chụt bú như một đứa trẻ. Ngày xửa ngày xưa lão cũng vẫn thường bú vợ như thế. Đó là cái tật của lão, nhưng thú thật tôi cũng thích cái tật ấy. Lão ta háu vợ lắm. Mới đẻ con xong chừng hai mươi ngày lão đã đòi bờm xơm. Thì đã nói cái tật của lão mà. Lão chỉ thích vừa bú tí vợ vừa ân ái. Vì vậy, những tháng tôi cho con bú là những tháng lão ham tôi nhất, đằm thắm với tôi nhất. Cái mồm lão thật tham lam. Không những chỉ mút cái đầu tí, lão có lúc còn ngoạm đầy miệng rồi lấy tay ấn mạnh vào, để cho làn sữa phụt ra ồ ồ tia thẳng vào cổ họng lão. Lão rất mê mẩn làm chuyện đó. Mà cái chuyện ấy thực ra cũng rất lạ. Những lúc như vậy, tôi vừa thấy sờ sợ, vừa thấy mê man đi. Cứ tưởng như mình đang tan ra thành dòng nước sữa.
Đó là chuyện khi trước. Còn bây giờ, khi lão đã bám môi vào đầu vú của tôi, thế là tôi an tâm. Tôi biết chắc chắn lão sẽ sống. Tôi biết khi lão đã bám vào đôi vú của tôi thì tôi nhất quyết sẽ lôi lão ra được khỏi cõi chết. Chẳng hiểu vì lẽ gì tôi tin như vậy. Nhưng mà đúng như thế. Bú sữa mới được hai ngày, chồng tôi đã khá hẳn lên. Đến ngày thứ ba, ông mở được mắt ra. Tôi reo lên:
- Thế là ông tỉnh lại rồi.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn